Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.

24/10/201406:47(Xem: 12197)
01. Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.

HIỆN TƯỢNG

của

TỬ SINH

Tác giả:  Thích Như Điển

Ấn Hành  PL. 2558 – DL. 2014
***



Chương Một

 

SỐNG và CHẾT

theo quan niệm của Phật Giáo

 

 

T

rước khi đạo Phật ra đời, đã có nhiều đạo khác hiện hữu trên thế gian nầy. Ví dụ như Ấn Độ Giáo và Khổng Giáo chẳng hạn. Trước những Đạo nầy xuất hiện còn có Đạo thờ các Thần núi, Thần sông, Thần cây, Thần sấm sét v.v… Nghĩa là khi con người lúc còn sống đơn giản với thiên nhiên, với tư cách như là dân du mục, họ chưa có văn hóa nhiều và nền văn minh chưa phát triển; họ cũng phải sống và phải chết; nhưng họ cũng phải tìm nơi tinh thần để nương tựa vào một đấng tối cao nào đó, khiến họ mới an tâm. Vì lẽ sau họ, còn có không biết bao nhiêu người thân của họ cũng phải bước theo con đường ấy nữa.

Khi khả năng của con người còn giới hạn, chưa chinh phục được thiên nhiên qua khả năng tự có của mình, thì họ hay tin vào những điều gì có thể tin được, cốt để an ủi người thân hay chính họ khi bị đau yếu hoặc giả lâm chung. Đây là một đề tài rất lớn trong cuộc đời; nhưng nó cũng rất nhỏ so với cuộc sống đơn sơ của con người cách đây cả hằng triệu triệu năm về trước. Họ cũng đau khổ, cũng hy vọng, cũng muốn có một nơi để nương tựa vào; nhưng thời gian ấy phải trải qua hằng nhiều năm tháng; chỉ đến khi con người có đời sống định cư hẳn hoi thì các Đạo giáo mới ổn định và từ đó các Tôn Giáo mới thiết lập tư tưởng của mình về hai sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Đó là sống và chết.

Việc gần chúng ta nhất thì cũng đã trên dưới 5.000 năm rồi. Làm thế nào để chúng ta có thể tìm lại được quan niệm của việc sống chết nầy của con người vào một thuở xa xưa ấy? Nhưng cái chết có đáng sợ không? Ngày nay xem lại một số phim ảnh hoạt họa ghi lại đời sống của người tiền sử, chúng ta thấy họ vẫn có cách sống riêng của mình trong từng bộ tộc một và mỗi bộ tộc như thế đều có một cách riêng cho vấn đề nầy. Đến khi Ấn Độ Giáo có mặt tại Ấn Độ, Khổng Giáo có mặt tại Trung Hoa thì mọi lễ nghi, tư tưởng mới được hình thành một cách rõ ràng.

 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo chủ của Phật Giáo. Người cũng đã từ những Đạo thờ Thần khác, chính thức bước ra khỏi những tư tưởng đương thời, để tìm cho mình và hậu thế một con đường mới và con đường ấy giờ nầy đã có mặt khắp nơi trên quả địa cầu nầy. Tuy cũng là một Đạo Phật ở Trung Quốc; Đạo Phật của Trung Quốc khác với Đạo Phật ở Việt Nam và Nhật Bản. Ngày nay Đạo Phật đã có mặt tại các xứ Âu Mỹ nầy lại càng khác xa Đạo Phật nguyên thủy có từ thời Đức Phật. Bởi lẽ trước khi Đạo Phật du nhập vào các xứ nầy; tại chính những bản địa ấy đã có những Đạo thờ ông bà, tổ tiên hay ngay cả Đạo Thiên Chúa hay Hồi Giáo. Do vậy Đạo Phật phải thích nghi để tồn tại và phát triển tại các xứ nầy; nên phải hội nhập như thế.

 

Tại Tây Tạng có Đạo Bon, trước khi Phật Giáo được du nhập vào và ngày nay trong các buổi tế lễ cầu nguyện của Kim Cang Thừa, Phật Giáo Tây Tạng vẫn còn bị ảnh hưởng của Đạo Bon không ít. Ví dụ như thần Bổn Mạng của mỗi Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mỗi khi có vấn đề trọng đại gì của quốc gia, các vị Đại Thần và các vị Đại Sư đều phải cầu nguyện với vị Thần bổn mạng nầy để được soi sáng những việc cần phải làm trong thời gian kế tiếp. Việc nầy nó tương tự như đồng cốt ở Việt Nam. Thế nhưng Đạo Phật tại đó vẫn còn có thể chấp nhận được. Vì lẽ trong cái nầy có cái kia và trong cái kia lại có cái nầy.

 

Ở Trung Quốc, khi Phật Giáo mới được du nhập vào, tại đây đã có Đạo Khổng, Đạo Lão; vốn là những nguồn đạo tôn trọng Tam Cương Ngũ Thường và Tam Tòng Tứ Đức. Cho nên nhiều vị Tổ Sư của Phật Giáo tại Trung Hoa đã không loại bỏ tư tưởng sống chung để tồn tại và phát triển đó. Ví dụ như Ngài Shantao (Thiện Đạo), Tổ thứ 3 của Tịnh Độ Tông của Trung Quốc đã cho vào một trong những điều kiện để được vãng sanh về Tịnh Độ là phải có hiếu với Cha Mẹ và Thầy Tổ. Việc nầy vốn dĩ trong kinh điển nguyên thủy hầu như ít thấy đề cập đến.

 

Hoặc giả ở Nhật Bản, Phật Giáo đã có mặt ở đây từ thế kỷ thứ sáu. Trước đó họ đã thờ Shinto (Thần Đạo) vốn là một đạo tôn sùng các bậc quân vương. Sau khi băng hà, những ông vua nầy trở thành Thần và vẫn ngự trị trong quốc gia của họ. Cho nên nhiều người Phật tử Nhật ngày nay khi vào chùa lẽ ra họ chỉ chắp tay đảnh lễ Phật và chư vị Bồ Tát là đủ. Thế nhưng nhiều người Phật tử vẫn vỗ vào hai tay mình 3 tiếng thật lớn, đoạn mới chắp hai tay lại và sau đó mới cầu nguyện. Hoặc giả họ hơ khói nhang đang cháy để áp vào bụng, vào đầu. Những tục lệ như thế trong Phật Giáo không có; nhưng ngày nay vẫn còn tồn tại ở rất nhiều chùa Nhật Bản. Nhiều người Phật tử Nhật vẫn tin rằng: Phật là Thần, Thần là Phật.

 

Việt Nam chúng ta cũng không kém gì về phong tục của những nước đã nêu trên; nhất là những ngôi chùa ở miền Bắc. Trong chánh điện chùa vẫn thờ Phật và các vị Bồ Tát; nhưng gian bên cạnh đó hay một nơi biệt lập ở ngoài vườn chùa đều có những miểu để lên Đồng. Đồng cốt vốn là tín ngưỡng của dân gian, không phải của Phật Giáo; nhưng cả trên dưới 2.000 năm nay khi Phật Giáo đã có mặt tại Việt Nam, bản thân Phật Giáo cũng đã chẳng loại bỏ được hoàn toàn những tín ngưỡng nhân gian nầy. Vả chăng Phật Giáo yếu thế, hay Phật Giáo không muốn độc tôn? hoặc giả muốn „dĩ hòa vi quý“? Tất cả những câu trả lời đều có thể, không khẳng định mà cũng chẳng phủ định. Điều nầy không có gì lạ. Vì Phật Giáo vốn là một tôn giáo lấy sự Từ Bi, lợi tha làm bổn nguyện trong khi mang Đạo vào Đời. Do vậy hòa mình vào và hiện thân ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời thường; vốn dĩ cũng là hạnh nguyện của chư Phật và chư Bồ Tát khi vào đời để cứu khổ độ mê. Cho nên tâm Bồ Tát là tâm Bồ Đề và Bồ Đề ấy sẽ mang con người vào nền Đạo đến chỗ cao cả rốt ráo hơn. Có như thế Đạo Phật mới có thể tồn tại trong dòng sinh mệnh của dân tộc trong suốt cả mấy ngàn năm lịch sử được.

 

Rồi ngày nay Đạo Phật đã có mặt khắp nơi trên các xứ Âu Mỹ. Trước khi họ đến với Đạo Phật, các Phật tử nầy đã theo Cơ Đốc giáo hay Thông Thiên Học hoặc Chính Thống giáo. Những tôn giáo nầy vốn là những Tôn Giáo độc thần và tính mệnh của tín đồ của các Tôn giáo nầy đều sẵn sàn an bài dưới sự thưởng phạt của Đức Chúa duy nhất qua tội phước của mỗi người. Nếu họ có theo Đạo Phật, họ vẫn đứng trên nhân sinh quan của các Tôn Giáo nầy để nhận định Phật Giáo. Do vậy có một số các bậc Đại Sư như: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài Tuyên Hóa và Thiền Sư Nhất Hạnh, vì muốn cho Đạo Phật hiện hữu trên những phần đất của thế giới còn lại nầy; nên họ vô hình chung đã chấp nhận những người nầy vừa là Phật tử mà cũng vừa là một tín đồ ngoan đạo của họ đang theo. Dĩ nhiên khi đi xa hơn và sâu hơn vào Đạo Phật thì phải phát bồ đề tâm và thọ trì những giới cấm của Phật chế. Lúc ấy họ phải tự chọn con đường họ phải theo. Có lẽ lúc đó họ phải biết cái nào quan trọng với Đức Tin của họ nhiều hơn và có thể giúp cho họ thăng hoa vào cuộc sống tâm linh của mình, thì họ sẽ nương vào đối tượng ấy để tu tập và hành trì.

 

Sau đúng 50 năm (1964-2014) xuất gia hành đạo và 42 năm (1972-2014) sinh hoạt Phật sự tại ngoại quốc; từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, Úc và Phi Châu, riêng tôi có một nhận xét cũng như một cái nhìn hơi khác về sự tồn tại cũng như phát triển Phật Giáo tại các xứ nầy như sau:

Nếu ví Thiên Chúa giáo giống như một bông hoa hồng. Tin Lành như một hoa cẩm chướng; Chính Thống giáo, Do Thái giáo và ngay cả Hồi Giáo là những bông hoa vạn thọ, hoa thược dược hay hoa bưởi v.v… thì Phật Giáo là hoa sen. Chúng ta sẽ trồng tất cả những cây hoa ấy vào trong một vườn hoa tâm linh tại đây. Vào một ngày nào đó, chúng sẽ được nở ra những bông hoa tươi thắm nhiệm mầu, hương thơm bay khắp đó đây. Như vậy há không đẹp mắt hay sao? Nếu trong một vườn hoa tâm linh chỉ có một loài hoa độc nhất trổ bông, thì trông ra cũng buồn thảm lắm. Cũng trong vườn hoa ấy nếu có nhiều loài hoa đang đua nhau khoe sắc thắm, phải chăng có đẹp đẽ hơn nhiều? Dĩ nhiên là hoa nào tự giữ gìn bản sắc loài hoa của mình và cùng nhau khoe sắc màu trong một khung cảnh tự do, tự tại thì người ngoài nhìn vào sẽ thích thú hơn. Đây là chủ trương cá thể của tôi. Có nhiều người không đồng ý. Nhưng đây cũng chỉ là một cách nhìn trong nhiều cách nhìn khác trên cánh đồng tâm linh của mọi Tôn Giáo mà thôi.

Nếu hỏi ngày nay trên thế giới nầy có bao nhiêu Tôn Giáo đang tồn tại và bao nhiêu Tôn Giáo đã trôi vào dĩ vãng? Câu trả lời chắc khó khẳng định được. Tuy nhiên Tôn Giáo nào hợp với lòng người thì Tôn Giáo ấy sẽ tồn tại lâu hơn trên quả đất nầy. Thế giới ngày nay vẫn còn ngự trị của nhiều Tôn Giáo theo thời gian như sau:

 

1)     Ấn Độ giáo có mặt tại Ấn Độ 5.000 năm

2)     Khổng và Lão giáo có mặt tại Trung Hoa trên 2.600 năm

3)     Phật Giáo có mặt tại Ấn Độ gần 2.600 năm

4)     Do Thái giáo có mặt tại Israel trên 2.000 năm

5)     Thiên Chúa giáo có mặt tại Âu Châu cũng trên dưới 2.000 năm lịch sử

6)     Hồi Giáo có mặt tại Trung Đông 1.600 năm

 

Nếu chúng ta sắp theo thứ tự số tín đồ theo Tôn giáo ấy thì sẽ trở thành như sau:

 

1)     Thiên Chúa giáo có trên 1 tỷ tín đồ.

2)     Ấn Độ giáo gần 1 tỷ tín đồ.

3)     Hồi Giáo gần 800.000.000 tín đồ.

4)     Phật Giáo 600.000.000 tín đồ (chưa kể những tín đồ tại Trung Hoa lục địa).

5)     Do Thái giáo độ 300.000.000 tín đồ.

6)     Khổng giáo và Lão giáo chỉ còn hiện hữu tại Trung Quốc và những nước có người Hoa sinh sống; nhưng vì Tôn gíáo nầy không có Tăng sĩ truyền thừa. Do vậy sự tồn tại và phát triển khó bề lý giải được.

 

Như vậy chúng ta sẽ căn cứ vào đâu để biết rằng: Tôn giáo ấy mạnh hay yếu? có hợp với Tín đồ hay không và còn hợp thời nữa không?

Nhìn vào quá khứ để biết hiện tại và tương lai. Có những Tôn giáo ra đời rất là đông đảo người theo; nhưng dần dà số tín đồ không còn bao nhiêu nữa. Vì tín lý không vững; do vậy đức tin của tín đồ bị bào mòn và khó tồn tại qua thời gian năm tháng được. Ngược lại có những Tôn giáo mới phát triển; nhưng có số tín đồ theo rất đông. Vì lẽ Tôn giáo nầy có nhiều phương tiện để triển khai niềm tin đi vào cuộc sống. Họ giúp nhau để tự tồn và thăng hoa cuộc sống tâm linh cũng như vật chất. Theo dõi, han hỏi, góp ý về nhiều lĩnh vực khác nhau, khiến cho Tín đồ của Tôn giáo ấy vững được và từ đó họ theo đạo cũng như phát triển đạo.

Ngược lại có một số Tôn giáo khác thiếu hẳn phần chăm sóc về tâm linh cho tín đồ; nên số người theo đạo càng ngày càng giảm đi và họ đã tìm đến những Tôn giáo khác hợp với cơ duyên của họ (xem sự phát triển Tôn giáo ở Đại Hàn thì rõ); nhằm giải quyết vấn đề thời gian, hoàn cảnh sống và ngay cả đức tin của những người nầy.

 

Nhưng thế nào là một tôn giáo?

Một Tôn giáo phải đầy đủ ba hay nhiều hơn những điều kiện như sau:

1)     Giáo chủ

2)     Giáo lý

3)     Giáo hội

 

Nếu một Tôn giáo không còn đầy đủ 3 yếu tố nầy, thì không còn gọi là một Tôn giáo nữa. Bây giờ thì chúng ta đã yên tâm chỉ để đi vào lãnh vực sống và chết theo quan niệm của Phật Giáo mà thôi.

Tục ngữ Âu Châu có câu: “Khi tôi sinh ra trong cuộc đời nầy bằng những tiếng khóc chào đời, thì mọi người chung quanh tôi đều cười để đón mừng sự ra đời của tôi. Rồi suốt trong khoảng thời gian tôi sống trên cõi đời nầy, có thể là 30, 50 hay những đến 100 năm đi nữa, tôi phải làm một cái gì đó cho thật có ý nghĩa, để rồi một ngày nào đó tôi phải ra đi, mỉm cười buông xuôi hai tay về nơi chín suối, để mọi người chung quanh tôi đều khóc”. Cuộc đời bắt đầu bằng tiếng khóc và nụ cười và kết quả cũng bằng nụ cười và tiếng khóc. Nếu có khác chăng, chỉ là nhân vật chính trong câu chuyện bị đổi vai mà thôi. Nguyễn Công Trứ ngày xưa đã có viết trong bài “Chữ Nhàn” rằng:

 

… Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe

Trần có vui sao chẳng cười khì

Khi hỷ lạc, khi ái dục, khi sầu bi

Chứa chi lắm một bầu nhân dục

Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc

Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn

. . .

Đó là quan niệm của Nho gia vào một thuở xa xưa trên quê hương đất Việt mình. Còn Phật Giáo thì sao ?

 

… Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy

Kiếp phù sanh trông thấy mà đau…

 

Đạo Khổng thì cho rằng:

“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”

 

Như vậy thì đúng, sai hay tốt xấu theo quan niệm của từng Tôn giáo một, vẫn là những điều cần phải đề cập đến nhiều hơn, để làm rõ cho vấn đề sống chết cho mỗi tự thân của chúng ta.

Sống là một động từ dùng để chỉ cho con người, động vật và những sự vật còn chuyển động; nghĩa là chưa chết. Con người còn hơi thở ra vào, còn đi, còn đứng, còn trò chuyện, còn hiểu biết… đấy gọi là sống. Còn chết có nghĩa là tim ngừng đập, mũi không còn hít thở không khí của đất trời nữa. Mọi sự đều ngưng đọng; nhưng tâm thức vẫn hoạt động. Con người khi còn sống làm đủ nghề nghiệp để nuôi thân, thực hiện nhiều động tác khác nhau để bảo vệ cho sự sống của mình. Khi hơi thở không còn vào ra ở buồng phổi nữa. Điều ấy có nghĩa là sự chết đã gọi mời.

Cây cỏ sống thì xanh tươi, hấp thụ phân, nước và không khí để tồn tại. Rồi một ngày nào đó cây cỏ cũng phải chết qua cái nóng thiêu đốt của mùa hè hay cái băng giá của đông sang; nhưng trong sự chết ấy cũng tồn tại những sự sống khác nữa. Đó là những nhân tố, mầm mống, hạt giống của cỏ cây khi còn sống đã để lại. Điều nầy cũng giống như con cá Hồi sau khi đẻ trứng xong, lại tự mình lội ngược dòng nước để chết, như là một sự về nguồn của loài thủy tộc nầy.

Con bò, con heo, con kiến, con vi trùng v.v… mỗi loại, cũng đều có sự sống riêng của nó và mỗi con khi chết cũng có mỗi hoàn cảnh khác nhau; chứ không hẳn đã giống nhau. Ví dụ con cọp, beo, cá mập, cá sấu. Chúng sống vì ăn thịt những loài động vật khác. Chắc chắn một điều là những động vật khác rất khổ sở với những loài răng nhọn nầy. Khi chúng chết, hầu như ít có loài động vật nào giết nó, ngoại trừ con người, hầu như nó tự biết; rồi cái chết ấy sẽ chết dần theo nhiều sự chết khác để cho các động vật và những thực vật ấy càng ngày càng khan hiếm hơn trên quả địa cầu nầy; trong khi đó loài người càng sanh ra nhiều hơn và thực phẩm càng trở nên khan hiếm trầm trọng. Mỗi ngày trên quả địa cầu nầy có cả hàng vạn đứa trẻ được sinh ra và cũng có hàng ngàn trẻ em đã thiếu dinh dưỡng như thực phẩm; nên đã đi vào chỗ chết chóc, kết liễu sinh mạng của mình khi tuổi đời còn quá nhỏ.

Nhà Bác học Pascal há đã chẳng nói: “Con người là một cây sậy; nhưng cây sậy có lý tưởng”. Hay nói chính xác hơn: “Con người là một động vật; nhưng động vật nầy có tánh linh cao hơn những động vật khác”. Điều ấy hẳn đúng, không cần phải chối cãi vào đâu được. Vì con người tạo ra cái ách để đeo vào cổ bò để con bò đi cày; chứ con bò không tạo ra cái ách cho con người được. Từ cỗ xe bò đơn sơ ấy, con người đã tạo ra xe kéo, rồi xe máy, rồi máy bay, rồi phản lực v.v… Không biết rồi đây trong tương lai sẽ còn gì nữa; nhưng vấn đề căn bản vẫn là sự thăng hoa của ý thức. Nhờ đó mà con người càng ngày càng có nhiều phương tiện hơn; đồng thời con người cũng tự giết lại mình nhiều hơn khi trên quả đất nầy có quá nhiều khí thải CO2 (Oxy Carbonic). O2 (Oxy) càng ngày càng thiếu, quả đất này sẽ trở nên bệnh hoạn. Bầu trời xám xịt nhiều hơn, không còn màu xanh như những thuở xa xưa nữa. Quả là khổ; nhưng con người đã bị cái khổ và cái sung sướng tiện nghi vật chất kia nó trói buộc bằng nhiều sợi dây vô hình, chưa có khả năng thoát xác được.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Câu nầy có thể hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa là da hùm beo rất tốt, sau khi chết vẫn còn dùng được và con người khi chết đi, tiếng tốt xấu vẫn còn truyền lại nơi đời. Cho nên làm gì thì làm, chúng ta phải xem trọng chữ tín và đức tin vào một Tôn giáo, để cho tiếng tốt hay ngay cả tiếng xấu; nó chỉ là một chuyện bình thường trên thế gian nầy; chứ không phải là chuyện thị phi của nhân thế, để sau khi chết, vẫn còn là đề tài cho thiên hạ luận bàn. Mọi việc, mọi vật trong đời nầy cũng sẽ chìm sâu vào dĩ vãng. Nó cũng giống như những thành phố bị các trận đại hồng thủy của những thời kỳ xa xưa cũ, nhấn chìm vào lòng đại dương. Chúng cũng giống như những ngọn núi lửa; tuy trong hiện tại đang ngưng hoạt động; nhưng bên trong vẫn còn đang sôi sùng sục để chờ ngày tái hoạt động ở một hình thức khác. Quả thật cuộc đời nầy, có nhiều mặt và muôn vạn lối đi về; chứ không phải chỉ có hai lối sống riêng biệt của bên phải hay bên trái mà thôi. Rồi đây sẽ có xe hơi tự động bay lên cao đế tránh việc xe bị ùn tắt. Ăn uống sẽ được Robot gọi mời. Cung trăng đang chờ ta dừng bước và xa hơn nữa, ở những cõi xa xăm khác đang chờ đợi gọi mời.

 

Tôi không sợ chết; nhưng vừa rồi cũng đã đi ra Chưởng Khế để chứng nhận cho những nguyện vọng của mình và sau đó những di chúc kia được niêm phong tại Tòa án Hannover, để một ngày nào đó nhất định, tôi cũng phải ra đi, các đệ tử hãy y cứ vào đó thực hành thì có thể tránh những phiền não cho người sống cũng như kẻ chết về sau nầy. Ngày xưa các vị Tổ Sư từ Ấn Độ đến Trung Hoa rồi sang Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản các Ngài chỉ truyền có một tâm. Đó là mạng mạch của Phật Pháp. Còn ngày nay qua hơn mấy ngàn năm của lịch sử, Phật giáo đã biến thiên quá nhiều nên tôi đã thể hiện bằng nhiều việc sau đây.

 

Di Chúc thứ nhất về bản thân của tôi khi bịnh hoạn. Nếu những ngày cuối đời mà Bác sĩ hay Hội đồng y khoa bảo rằng: người nầy nếu muốn sống phải nương vào ống chuyền hơi thở cũng như thức ăn ký sinh, thì lúc ấy tôi sẽ tự quyết định sự sống của mình, theo Di chúc đã ký tên sẵn, để cho đệ tử xuất gia cũng như tại gia không khó xử về sau nầy.

 

Di Chúc thứ hai liên quan về vấn đề tài sản, tiền bạc của cải. Tất cả những bảo hiểm và của cải của tôi đang có, đều là của Tam Bảo; gia đình, thân nhân và ngay cả đệ tử của tôi không được chia phần, mà hãy làm theo di chúc như đã được niêm phong tại Tòa án Hannover.

Cả hai phần di chúc nầy đều có sự quan hoài của Chưởng Khế và Tòa án.

Riêng phần di chúc thứ ba có liên quan đến vấn đề tinh thần. Đó là việc truyền thừa Trụ Trì của Tổ Đình Viên Giác thì luật sư và tòa án chỉ ghi nhận những gì mà tôi đã ghi rõ trong di chúc; chứ họ không có quyền trong lãnh vực nầy. Đây là những điều căn bản mà nội dung của những bản di chúc đã được chính tay tôi viết và được Chưởng Khế thừa nhận cũng như Tòa án Hannover lưu giữ.

Tại sao tôi phải làm điều nầy? Vì lẽ tôi đang ở Đức; cho nên phải sống theo luật pháp của Đức và ứng dụng luật pháp của Đức vào đời sống của mình; nên tôi đã chấp nhận những việc làm trên như là một sự tự nhiên và không ai có quyền ép buộc cá nhân cũng như những tư duy của tôi cả.

Sống suốt gần nửa thế kỷ ở ngoại quốc, tôi đã dõi theo không biết bao nhiêu cái chết ở trong cũng như ngoài nuớc; cả người trong Đạo lẫn kẻ ngoài Đời, tôi nhận thấy cần phải làm việc nầy để cho người kế thừa khỏi gặp khó khăn về vấn đề hành chánh; còn người mất đã vui khi tử sinh không có gì để chi phối được nữa, thì có gì để phải lo cho nhọc nhằn.

Trời có lúc nắng, lúc mưa, lúc đẹp, lúc xấu và tâm con người cũng có lắm lúc đổi thay. Mới ngày nào đó là bạn thân chí thiết; nhưng bỗng dưng đã trở thành lạnh nhạt khó lường, cũng chỉ vì một quyền lợi nào đó mà thôi. Thầy trò, tử đệ là những người có nhân duyên với nhau trong nhiều đời, nhiều kiếp; nên bây giờ mới trở thành Sư Phụ và Đệ Tử. Sự sinh hoạt nhịp nhàng ấy tưởng chừng như chúng có thể kéo dài đến vô tận; nhưng bỗng một hôm có tin sét đánh là người Đệ Tử ấy không muốn tiếp tục con đường tu. Lúc ấy Sư Phụ sẽ ra sao? Nếu tất cả đều hy vọng vào người Đệ Tử cho một tương lai gần kề?

Vợ chồng, hai người đầu ấp tay gối với nhau cho đến khi tóc bạc răng long; bỗng một hôm người chồng nhận được đơn xin ly dị từ tòa án gởi về nhà, chỉ vỉ tiếng ngáy to của chồng, mà người vợ chẳng ngủ được.

Có nhiều câu chuyện rất đơn giản; nhưng những cái chấp thủ của mỗi người quá nguyên tắc; nên đã phải ly dị nhau, chỉ vì một sự việc vô cớ. Mới đây ở Đài Loan có một cặp vợ chồng sống với nhau hằng mấy chục năm rất hạnh phúc; nhưng đã đưa đơn ra tòa ly dị; chỉ vì một lý do đơn giản về một quả táo.

Chồng bảo rằng: Ngày nay táo bị thuốc hóa học rất nhiều, hãy gọt bỏ vỏ trước khi ăn.

Vợ cãi lại: Chính vỏ táo mới chứa sinh tố C, ăn vào mới bổ dưỡng cho cơ thể. Tại sao lại bỏ đi.

Câu chuyện chỉ có thế và có không biết bao nhiêu phương pháp để có thể giải quyết, mà cả chồng và vợ đều có thể ăn được quả táo kia theo ý nghĩ của mình. Ở đây thì ngược lại, họ đã cố tình ly dị. Vì giọt nước cuối cùng đã đầy ly; khiến cho tình nghĩa vợ chồng đã trở thành người dưng nước lã; đôi khi lại còn trở thành kẻ thù không đội trời chung.

 

Từ Vua quan, Thủ tướng, Tổng thống, Chủ tịch cho đến thứ dân. Mỗi một tầng lớp trong xã hội lại có một hay nhiều vấn đề khác nhau; chẳng ai giống ai cả. Cuối cùng rồi chỉ vì cái chấp thủ của mỗi người mà thôi; nhưng trên thực tế cái nầy nó không hiện hữu.Nó giống như một loại quyền lực của Thành Cát Tư Hãn, của Hitler, của những ông hoàng Ả Rập, bà chúa Âu Châu. Nó có đó rồi mất đó, đâu có ai mang nó theo nơi huyệt mộ để biện minh giúp mình khi đối diện với Diêm Vương ở cõi vô hình đâu?

Nếu đời là thật; cuộc sống nầy trường cửu thì đã không có những trận Harican tầy trời, đã không có những trận Tsunami cuốn hút đi không biết bao nhiêu vạn sinh linh tại Nhật Bản vào ngày 11.3.2011 vừa qua, cũng như bạo lực đã xảy ra tại New York vào ngày 11.9.2001. Hoặc giả nước nầy thôn tính nước kia cũng chỉ vì một mối lợi. Rồi máy bay mất tích, con người lo âu, sợ hãi vô cớ cho mọi vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Vậy ở đâu là chốn an bình trong khi sống hay lúc chết? Đây là một câu hỏi rất lớn, đại diện cho sinh tử, chỉ có các Tôn giáo mới có thể trả lời một cách dứt khoát mà thôi.

Có nhiều bạn trẻ bây giờ nói rằng: Tôi không cần đến Tôn giáo nào cả. Điều ấy hẳn cũng đúng mà cũng sai. Có người nào đó khi mạnh khỏe lại bị hỏi rằng: Anh có cần nhà thương hay thuốc Aspirin chăng? Chắc chắn sẽ được anh ta trả lời rằng: KHÔNG. Vì lẽ anh ta đâu có đau đầu mà uống thuốc Aspirin. Vả lại đang lúc mạnh khỏe thì cần nhà thương để làm gì? Nhưng trong chúng ta mấy ai lại dám nói rằng: Chúng ta sẽ không bao giờ cần đến những thứ nầy.

Tôn giáo sẽ giúp cho bạn có một niềm tin, một sự sống thật là tràn đầy ý nghĩa, để đến khi chết, bạn sẽ không ân hận là tại sao cuộc sống nó thiếu ý nghĩa. Trên thực tế, mỗi cuộc đời của chúng ta có những nốt nhạc tuyệt vời như một cung đàn với sự biến thiên của  Đồ Rê La Xôn Đa Xí Đố. Có thể là như thế, nhưng tùy theo cách sắp xếp của nhạc sĩ và vần điệu mà bản nhạc ấy trở thành bất hủ. Cũng như vậy, ngôn ngữ là những vần điệu ghép ráp lại với nhau từ 24 chữ cái; nhưng lại có kẻ nghịch đời hỏi ta rằng: chữ nào của tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Tàu, tiếng Việt làm cho con người khi đọc lên, thấy dễ chịu nhất? Sau một hồi thử nghiệm và phân tích các dân tộc trên đều có cùng một kết luận là chữ:

Mother              theo tiếng Anh

Mutter               theo tiếng Đức

Mère                 theo tiếng Pháp

Hahaoya            theo tiếng Nhật

Mushin              theo tiếng Tàu

Mẹ                      theo tiếng Việt…

là gần gũi, thân thương và khi người ta đọc đến dễ có cái cảm nhận nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ hình ảnh con người, đến hình ảnh con thú, lúc nào Mẹ cũng là một điệp khúc khiến cho ta dễ tin tưởng và dễ dàng bày tỏ nỗi niềm hơn. Dĩ nhiên cũng có nhiều loài động vật khi đẻ ra không nuôi con mình như rùa, ba ba… nhưng lắm loài, dầu độc ác đến đâu như hùm, beo, sư tử con mẹ đều chăm sóc cho con mình một cách chu đáo. Đôi khi sư tử đực ganh ghét với con, qua sự chăm sóc của sư tử cái; nên sư tử đực đã giết con mình; nhưng đa phần loài có vú và đẻ trứng, con nào cũng có tình thương mẫu tử như con người vậy.

Một hôm tại một Thánh Đường có một sinh viên bước vào để cầu nguyện. Chàng ta trông lên hàng ghế đầu, thấy nhà Bác học Ampère, cha đẻ của  điện năng, đang cầu nguyện một cách chí thành. Sau khi cầu nguyện, nhà Bác học trở về lại phòng nghiên cứu của mình tại đại học. Chàng sinh viên ấy vẫn dõi bước theo vị Bác học nầy. Đến nơi, chàng sinh viên gõ cửa xin vào và thưa.

- Thưa nhà Bác học, em muốn hỏi một điều

- Em cứ tự nhiên – nhà Bác học trả lời và tiếp:

- Em cần ta giúp gì? Có phải muốn giải dùm cho em một phương trình toán học?

- Thưa Ngài: Không !

- Hay em cần ta chứng minh cho một định đề vật lý?

- Thưa Thầy: Không ! Em là sinh viên của khoa ngôn ngữ, chứ không phải phân khoa toán học, thưa Thầy.

- Vậy em cần gì nơi ta?

- Em xin hỏi Thầy rằng: Có khi nào người ta vừa là một con chiên ngoan đạo dưới chân của Chúa và vừa là một nhà Bác học vĩ đại không?

- Ồ! Em lầm rồi! Chính khi người ta cầu nguyện, người ta mới vĩ đại; chứ nhà Bác học không phải là vĩ đại.

 

Đọc xong mẩu đối thoại trên, ta thấy được gì? Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng: “Tín  vi đạo nguyên công đức mẫu”. Nghĩa là niềm tin chính là Mẹ của các công đức. Chính niềm tin vào một Tôn giáo, công đức sẽ được phát sanh. Cũng như thế ấy; nhờ niềm tin, mới có một nhà Bác học vĩ đại như ông Ampère; chứ không phải nhờ Bác học mà có thể sinh ra niềm tin được.

 

Vào ngày 8 tháng 8 năm 2013 vừa qua, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, kiêm Viện chủ Chùa Khánh Anh tại Pháp đã thuận thế vô thường và ra đi một cách an nhiên tại bệnh viện Turku ở Phần Lan, sau khóa tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 26 tổ chức tại đó. Ngài có tuổi thọ 75. Mặc dầu Ngài sinh năm 1940 như trong Sổ Thông Hành ghi; nhưng kể theo Dương Lịch thì Ngài mới hơn 73 tuổi rưỡi; còm Âm Lịch thì Ngài sinh vào cuối tháng 11; nên vẫn là tuổi thọ 75. Một cuộc đời, trên hai vai tự mình mang theo trách nhiệm của Giáo Hội vào, rồi cũng đang khi thi hành trách nhiệm ấy, lại ra đi một cách nhẹ nhàng, khiến cho nhiều nỗi tiếc thương, kính nhớ được bày tỏ qua thơ văn đã được đăng trên báo Viên Giác số 197 tháng 10 năm 2013 và Kỷ Yếu viết về Ngài nhân lễ Đại Tường của năm 2015 sắp đến.

Cuộc đời nầy vốn dĩ thản nhiên với mọi việc như thế. Bên nầy dòng sông có kẻ sinh ra và người mất đi. Ở bên kia rặng núi ấy có người đã tự tử và gia đình đang tang tóc. Ở dưới kia có cặp vợ chồng đang hạnh phúc bước đi bên nhau và ở phía ấy có những người già cô đơn đang trách móc con cái. Cuối dòng sông kia có những người làm biển khổ cực với công việc của mình. Ở tận trên lầu cao kia là chỗ làm việc của một ông giám đốc. Ở đây họ cãi cọ với nhau nhiều quá. Đằng kia có những Thiền sinh đang thực tập thiền. Tại đây có tai nạn máy bay, xe hơi, xe lửa. Ở đàng xa kia có những người băng qua đường bị xe cán chết. Tại đó có những đứa bé đi ăn xin. Ở đây có những sinh viên ưu tú đang chờ đón lễ tốt nghiệp v.v… và v.v…. Cả hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn sự kiện như vậy xảy ra trong từng sát na trên quả địa cầu nầy với hơn 6 tỷ con người. Ai ngồi đó mà tính, mà đong, mà xét, mà đoán, mà luận tội, mà tranh tài ? Vả chăng nghiệp lực và tạo hóa cứ mãi xoay vần để cho con người và mọi vật phải đến, đi, còn, mất. Rồi vào ra ba cõi, xuống lên sáu đường, đã chẳng dừng nghỉ một chút nào cả. Cho nên trong kinh nói rằng: trùng trùng duyên khởi, trùng trùng biến hiện là vậy.

 

Đọc kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm và Tạp A Hàm xong, tôi thấy Đức Phật, Ngài quá vĩ đại. Vĩ đại nhất trong những cái bình thường của một con người; nhưng lại trên tất cả những con người bình thường khác. Chuyện kể lại rằng:

 

Một hôm, Ngài đi trì bình khất thực như thường lệ, đến trước cửa nhà của một người Bà La Môn, Ngài dừng chân tại đó, có ý hóa duyên. Thế nhưng chủ nhà đi vắng, chỉ có con chó chạy ra sủa vang rền một hồi rồi đứng đó. Đức Phật nhìn con chó rồi bảo:

Mầy bị làm thân súc vật không biết xấu hổ mà còn sủa cái gì?

Con chó dường như hiểu được tiếng người. Nó cụp đuôi xuống, chạy vào nhà rồi leo lên giường nằm im thim thíp. Mãi cho đến khi chủ nó về, nó cũng chẳng nhảy xuống mừng rỡ như mọi khi. Người chủ thấy vậy mới hỏi gia nhân tại sao như vậy và người nhà thuật lại chuyện Đức Phật đã nói với con chó sáng nay như thế. Đoạn người chủ nhà ấy chạy thẳng đến nơi Đức Phật cư ngụ và hỏi Ngài rằng:

- Tại sao ông lại mắng con chó cưng của tôi như vậy?

- Không biết là ông có muốn hiểu sự thật không? Đức Phật từ tốn trả lời bằng câu hỏi như thế.

- Dĩ nhiên là muốn

- Con chó ấy chính là cha của ngươi đó.

- Tại sao lại như vậy? Cồ Đàm hãy giải thích đi.

- Trước khi chết, cha của ngươi có chôn 4 hủ vàng tại 4 chân giường ngủ; nhưng chưa cho ai hay biết cả, đã vội ra đi. Vì tiếc của; nên ông phải đầu thai làm con chó để giữ của. Nếu ngươi không tin, về nhà cho gia nhân đào dưới 4 chân giường lên, sẽ thấy 4 hủ vàng còn chôn cất tại đó.

Tiếp đến, người Bà La Môn vội vã chạy về nhà và thực hiện lời chỉ bảo của Đức Phật; quả thật đã thấy được 4 hủ vàng. Cuối cùng người Bà La Môn ấy hối hận đã đến trước Đức Phật cầu xin sám hối và từ đó Đức Phật đã kể lại chuyện trên cho đại chúng nghe. Cho nên trong Đại Tạng Kinh Nam Truyền mới chép lại nguyên bằng tiếng Pali như vậy.

Đọc câu chuyện nầy chúng ta thấy được gì ?

Thấy sự tái sanh không nhất thiết phải là con người ở kiếp kế tục, mà ông Bà La Môn nầy đã trở thành con chó. Vì cận tử nghiệp của ông chứa chấp lòng tham của và của ai chưa ai được biết; nên chỉ tựa vào nghiệp của con chó và sinh ra làm chó mới có thể giữ nhà được, tiện thể giữ của luôn. Bây giờ con ông đã biết qua lời dạy của Đức Phật là của ấy đã chôn cất ở đâu. Thế là con chó ấy đã mãn nguyện và hóa kiếp.

Cũng câu chuyện nầy cho chúng ta thấy rằng: Chết không phải là hết, mà chết chỉ là sự bắt đầu của một kiếp sống khác. Kiếp sống sau liên hệ với kiếp sống trước, tiếp tục trong việc đầu thai để làm con nầy hay con kia trong ba nẻo sáu đường của cõi dục giới hay cao hơn nữa sẽ được sanh vào cõi sắc và cõi vô sắc. Ở những cõi nầy tuổi thọ sẽ được dài lâu hơn; nhưng khi hưởng hết phước rồi, cũng có thể sanh lại làm người hay làm lừa cũng không chừng. Đó là nhân và quả luôn luôn tương hợp nhau để phối thành một hoạt cảnh của tử sanh là như vậy.

Từ đó ta có thể ví dụ rằng: sự sống của một kiếp nhân sinh, nó giống như một dòng điện. Còn thân thể con ngườì hay con vật, giống như một bóng điện. Những bóng điện ấy dầu tốt đến bao nhiên đi chăng nữa, chúng cũng sẽ có một ngày bị cháy, bị hư và bị hủy hoại. Thế nhưng dòng điện ấy vẫn còn. Làm sao để chúng ta biết được việc ấy? Vì lẽ nếu chúng ta thay một bóng điện khác có công suất tốt hay sáng hơn thì bóng điện kia sẽ mờ hay tỏ. Điều nầy chứng minh rằng dòng điện ấy vẫn còn. Vậy chết không phải là hết, mà chết chỉ là sự bắt đầu của một kiếp sống khác mà thôi. Dòng điện ấy có thể ở thể cao, thấp, nóng, lạnh v.v… tất cả đều do con người tạo ra, mà dòng điện vẫn là dòng điện. Tự thể của nó thì chẳng cao hay chẳng thấp; nhưng do con người biến chế nó thế nào, thì dòng điện kia sẽ thuận theo như vậy.

Ở đây tâm thức của con người cũng giống như một người thợ giỏi, thợ khéo như trong kinh Pháp Cú đã có dạy. Tâm ấy sẽ tạo nên thiên đường hay địa ngục; tâm ấy làm chủ, tâm ấy tạo tác. Con người, chư thiên, Bồ Tát, A La Hán, con thú v.v… tất cả chỉ đều theo sự biến hóa của tâm mà thôi. Khi làm chư thiên thì tâm ấy nương theo thần lực của chư thiên để đi mây về gió. Tâm ấy trở thành ngạ quỷ, tâm ấy sẽ mang ta vào cõi địa ngục của sự tham sân. Nếu tâm ấy là của vi A La Hán hay Bồ Tát thì sẽ thể hiện lòng từ bi và trí tuệ cao vời. Cũng với tâm nầy, con người sẽ thành Phật. Cho nên một vị Thiền sư người Nhật đã dạy rằng:

Ki no naka ni hana ga aru

Ishi no naka ni hi ga aru

Nghĩa:

Trong cây có hoa

Trong đá có lửa

 

Hoa và lửa tượng trưng cho Phật tánh hay tâm thức của mỗi chúng sanh. Hoa chỉ nở khi nhân duyên hội đủ vào mùa xuân, khi có khí trời ấm áp. Lửa chỉ xuất hiện, khi chúng ta cọ sát hai hòn đá lại với nhau. Tất cả đều phải có điều kiện và chủ nhân của nó là tâm nầy. Nếu chúng ta không có hành động cọ sát thì chắc chắn lửa sẽ không được phát sinh.

Từ những điểm trên đây, chúng ta là người Phật tử, chúng ta không sợ chết và cũng chẳng có gì để phải lo âu. Vì chính ngay từ giờ phút nầy ta đã rõ biết là sẽ đi về đâu, sau khi cuộc sống nầy của chúng ta chấm dứt. Điều quan trọng là chúng ta muốn đi đâu mà thôi. Chúng ta có cần đến trợ lực của chư Phật và chư vị Bồ Tát? Hay chúng ta vẫn muốn trở lại cõi Ta Bà nầy để tiếp tực thực hiện lại những lời thệ nguyện khi xưa vốn chưa làm tròn? Có thể làm người mà cũng có thể làm con chó như câu chuyện vừa được dẫn chứng bên trên ?

Đây là một câu hỏi mà mỗi chúng ta đều có đầy đủ khả năng và có thể tự trả lời cho mình rồi. Cuộc đời nầy vốn dĩ ngắn ngủi lắm. Hãy bắt tay ngay vào việc thực hành giáo pháp của Đức Phật cũng chưa muộn lắm đâu.-

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/09/2010(Xem: 5537)
Mỗi con người chúng ta đều có ba thân, đó là thân Tiền ấm, thân Trung ấm và thân Hậu ấm. Thân Tiền ấm là thân hiện đời chúng ta đang có, là thân vật chất...
24/09/2010(Xem: 5982)
Luân hồi là một thể tài rất sinh động và rất được quan tâm đối với con người. Chết rồi sẽ đi về đâu? Tại sao sinh, rồi tái sinh? Có cõi âm hay không? v.v... Đó là những dấu hỏi lơ lửng trong tâm của phần lớn của nhân loại. Các nền tín ngưỡng và tôn giáo trên thế giới đều có những quan niệm khác nhau về luân hồi. Riêng đối với Phật giáo, luân hồi không phải là một giáo lý đặc thù, cũng không phải là một vấn đề triết học cơ bản, nhưng nó là một sự thật hiển nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sanh tử khổ đau...
28/08/2010(Xem: 5003)
Trăm năm ngó xuống đời hư ảo - Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời.
08/08/2010(Xem: 9936)
Đức Phật đã nói rằng trong tất cả những mùa khác nhau để cày cấy, mùa thu là mùa tốt nhất, trong tất cả những loại nhiên liệu để đốt, thì phân bò là tốt nhất, và trong tất cả những loại tỉnh giác khác nhau, sự tỉnh giác về sự vô thường và cái chết thì hữu hiệu nhất. Cái chết là điều nhất định, nhưng khi nào nó giáng xuống thì bất định. Nếu chúng ta thực sự đương đầu với sự việc, chúng ta không biết được cái gì sẽ tới trước – ngày mai hay cái chết. Chúng ta không thể hoàn toàn quả quyết rằng người già sẽ chết trước và người trẻ còn ở lại phía sau.
04/08/2010(Xem: 4161)
Vào ngày 23 tháng 02 năm 2008, Hòa Thượng Thánh Nghiêm có cuộc nói chuyện với đức cha thiên chúa giáo Đơn Quốc Tỉ về quan điểm sinh tử. Hôm nay, Hòa thượng đã xã báo an tường, thu thần thị tịch, để tỏ lòng tưởng niệm đến cố giác linh Ngài, Biên tập viên Minh Bửu đã biên dịch lại cuộc đối thọai này.
04/08/2010(Xem: 4962)
Chết là chủ đề, hầu hết mọi người không muốn nghe, không muốn bàn đến hoặc nghĩ đến. Tại sao như vậy? Và cho dù, chúng ta thích hoặc không thích, thì mỗi chúng sẽ phải chết trong một ngày nào đó. Thậm chí trước khi đối mặt với cái chết của bản thân, chúng ta sẽ đối mặt với những cái chết của người khác ( người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) Chết là điều sẽ xảy ra, là phần của cuộc sống, vì vậy tốt nhất là chúng ta nên đón nhận nó với quan điểm tích cực hơn là sợ hãi và phủ nhận nó. Cuốn sách “ Chuẩn bị cho cái chết và giúp đỡ người chết ” được dịch từ nguyên tác của Sangye Khadro, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về cái chết./.
04/08/2010(Xem: 8467)
Đối với đa số, cái chết thường được quan niệm như một vách ngăn giữa hai thế giới: người mất–kẻ còn, hay cõi âm và dương thế. Trong cái nhìn của đạo Phật, cái chết được xem là một phần tự nhiên của cuộc sống. Trước sự ra đi của người thân, nhiều người thường rất đau buồn, đôi khi quên đi những sự chăm sóc và giúp đở cho người đã khuất một cách thiết thực và ý nghĩa. Nhân mùa Vu Lan–Báo hiếu PL.2546-2002, NSGN giới thiệu cùng bạn đọc về lời của một người ở thế giới bên kia, nguyên giáo sư Đại Học Y Khoa Geneve (Thụy Sĩ) với các con của ông, và vài gợi ý về phương pháp chăm sóc, giúp đở người thân trong tình trạng đặc biệt: ốm đau nặng hoặc lâm chung...
04/08/2010(Xem: 4357)
Phật giáo trả lời khẳng định. Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh, trừ các bậc đã giải thoát khỏi sinh tử (các vị A La Hán của tiểu thừa giáo) hay là các bậc đã tự chủ đối với sinh tử (các bậc thánh Bồ Tát của đại thừa), còn thì tất cả đều ở trong vòng sinh tử luân hồi.
04/08/2010(Xem: 5646)
Là con người, chúng ta có khuynh hướng bám víu vào đời sống của chính mình. Nhà Phật gọi đó là chấp thủ. Do đó, chúng ta thường tránh né nghĩ về- quá trình đi đến- cái chết của chúng ta. Sogyal Rinpoche nói rằng, chúng ta hoặc trốn chạy cái chết, hoặc chúng ta thờ ơ không nghĩ về nó và cho đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, Rinpoche nói, sự chết đối với chúng ta lại là giây phút quan trọng nhất trong đời sống của mình. Rinpoche (tiếng Tây tạng có nghĩa là:“vật báu” ) là tác giả của cuốn sách “Tạng thư sống chết”. Cuốn sách này đã được bán 1 triệu 500 bản ngay lần xuất bản đầu tiên và gần đây đã được tái bản lần thứ 10.
04/08/2010(Xem: 7059)
"Đời sống mong manh, chết là điều chắc chắn" Đó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]