Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1- Núi huy hoàng màu đồng-đỏ: Cõi thuần tịnh của đức Padmasambhava

06/05/201316:17(Xem: 9805)
1- Núi huy hoàng màu đồng-đỏ: Cõi thuần tịnh của đức Padmasambhava

Hành trình tới các cõi bên kia cái chết

1- Núi huy hoàng màu đồng-đỏ: Cõi thuần tịnh của đức Padmasambhava

Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch

Nguồn: Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch


Con đường mà tôi để cập tới là một lối đi hẹp, khó khăn và đóng kín.

Vì thế những ai khao khát giải thoát có thể đi vào con đường dẫn tới giải thoát đó.

Tôi sẽ rộng mở chút ít trên vòng hoa lời dạy chữa lành này liên quan tới động lực cao cả hơn[1].

Những tường thuật được kể lại ở đây liên quan tới tôi, Dawa Drolma, con gái của Jigmed T’hrogyal thuộc bộ tộc Tromge, một đạo sư sống trong vùng Washul T’hron. Từ khi còn là một đức trẻ, tôi được phú bẩm một bản tánh bi mẫn, đức tin không định kiến và thị kiến thanh tịnh. Tình thương của tôi thật mãnh liệt đối với mọi hành khất và những người kém may mắn hơn tôi và tôi hiến thân mình để cúng dường và bố thí.

Tôi thực hiện nhiều cuộc nhập thất trì tụng mãnh liệt, đã hoàn tất chẳng hạn như hàng trăm ngàn lần Lời Khẩn nguyện Bảy-Dòng[2]. Sau này tôi được cảm hứng bởi Dakini Dorje Yudron[3] và những bổn tôn khác của giác tánh nguyên sơ, cũng như bởi một Bồ Tát (bodhisattva) đệ bát địa[4], Ngài mang thân tướng của một vị trời địa phương, đại nyen siêu phàm ở phương bắc[5]. Mặc dù các Ngài không hoàn toàn thuật lại quá khứ, hiện tại và tương lai cho tôi nghe, dù sao thì tôi cũng đã nhận một số lượng phi thường những tiên tri liên quan tới thời đại của chúng ta.

Có một dịp, ba vị tulku[6], cũng như ngài Jatrul[7] và những vị khác du hành xuống thung lũng để tham dự một nghi lễ trọng thể, một sự kiện hàng năm được tổ chức trong một cái lều lớn bằng nỉ. Vào buổi chiều tối, trước khi các ngài giải tán, tôi có một linh kiến mà nửa là một kinh nghiệm thiền định, nửa là một giấc mộng. Trong linh kiến này, ba yêu ma có tên là “các chị em gãy bể samaya”[8] từ hướng cao nguyên Lashar tới, lấy cắp sinh lực của chúng sinh trên ba mức độ thuộc sự hiện hữu có điều kiện[9]. Bà Chị chính cầm một lá cờ bằng lụa đen và một sợi thòng lọng; mặc dù nhiều lần bà ta cố cột chúng vào eo lưng tôi, nhưng vị bổn tôn nghiệp của tôi là Đức Tara tôn quý đã xuất hiện trong một biểu lộ trẻ trung, thân màu trắng chói lọi và đặt tôi trong một chiếc lều được bảo vệ chặt chẽ khiến sợi thòng lọng không thể đụng tới tôi được[10].

Sau này, tôi có một thị kiến về người nào đó lại gần và đánh vào xương vai tôi bằng một cuộn len màu có kích thước cỡ một hòn đá nhỏ, sau đó biến mất. Đây là một kinh nghiệm hết sức xấu, nhưng một lần nữa, Đức Tara lại can thiệp và nói: “Bởi sự việc này, ta phải đi Ấn Độ để lấy một ít thuốc kanadava từ kho tàng bí mật của các dakini ở Orgyan[11]. Ta sẽ không trở về trong bốn ngày. Trong thời gian này, con nên mặc y phục của người nào đó như anh Palchhen của con mà thân anh ta được các vị trời bảo vệ che chở và hãy giữ gìn đừng để tâm con lang thang vơ vẩn. Vào tối thứ tư, hãy dâng cúng tám mươi torma để giải trừ các chướng ngại[12]. Sau đó, như một dấu hiệu là ta đã lấy được thuốc, ta sẽ đến như mặt trời chói lọi, không bị mây che hay một cơn gió hung tợn vây bủa”.

Trong bốn ngày này, tôi đau đớn ghê gớm; cơn đau dữ dội đến nỗi tôi không thể buộc khăn quanh người. Vào tối ngày thứ tư, vị đạo sư hóa thân Tromge Trungpa cử hành một nghi lễ cúng dường tám mươi torma, và ba chị em cắt đứt sinh lực hài lòng với các vật cúng dường, đã quay về trụ xứ riêng của họ. Một mùi hương dễ chịu ngập đầy căn lều bằng nỉ, từ đỉnh lều tới đáy, cho thấy là thuốc đã về tới. Tôi đã có thể thưởng thức một chất dị thường có hương vị rất tuyệt vời, và ngay lập tức, cơn đau của tôi tan biến. Tôi thực sự kinh nghiệm sự kiện kỳ diệu này, là điều mà bất kỳ ai cũng có thể tự mình chứng thực.

Một lúc khác, bất ngờ tôi bị đánh gục như thể giờ chết của tôi chắc chắn đã tới. Đạo sư gốc quý báu[13] và chỗ nương tựa duy nhất của tôi, bậc quyền uy từ bi là kho tàng của lòng bi mẫn, đã cử hành một buổi lễ tràn đầy oai lực để triệu hồi sinh lực trường thọ của tôi. Các vị đạo sư của dòng Sakya[14] lừng lẫy cử hành những sự cầu nguyện, những nghi lễ ban sự che chở, lễ quy y của Đức Hevajra vinh quang[15] và những buổi lễ khác. Sau cùng, những cơn đau mạnh mẽ suy giảm và những cơn đau vi tế hơn nguôi dịu thành một kinh nghiệm về đại lạc tánh Không.

Sau đó, ngài Khakyod Wangpo, đấng thống lĩnh của một trăm bộ Phật, kho tàng vô song và duy nhất của lòng bi mẫn, Đức Vajrasattva[16] toàn thiện vĩ đại trong thực tế, đã dẫn dắt tôi trong một linh kiến với sắc tướng huyễn mộng của giác tánh nguyên sơ của Ngài. Như một người nói chuyện với người khác, tôi đã trò chuyện cùng các dakini của giác tánh nguyên sơ không có thân thể vật lý và đáp lại những câu hỏi của tôi, họ cho tôi những câu trả lời rõ ràng, khiến cho những chướng ngại đối với thọ mạng của cô gái[17] này được giải trừ và tôi đã có thể làm lợi cho chúng sinh theo khả năng của riêng tôi. Tôi đã được tiên tri rằng tôi phải thực hiện các cuộc nhập thất trì tụng về ba vị bổn tôn – Amitayus, Samyak và Vajrakilaya – để viếng thăm nhiều cõi thuần tịnh Hóa thân[18].

Đức Tromge Kundun Rinpoche đã cử hành các lễ quán đảnh về ba bổn tôn này từ các giáo lý của đại terton Laykyi Dorje[19]. Những cách nhìn quen thuộc của tôi về các sự việc được nhẹ nhàng quét sạch và tôi được đưa dẫn trực tiếp vào bản tánh tinh túy vô điều kiện của giác tánh nội tại, không chút lầm lạc. Tôi đốn nhập vào giác tánh nội tại trong toàn bộ sự trần trụi của nó, rồi thì những ngôn từ kim cương bí mật tuôn ra không ngưng nghỉ[20]. Thiên nữ tôn kính, Đức Tara Trắng cao quý, ban cho tôi một linh kiến và nhiều kinh nghiệm thiền định của sự hợp nhất không thể nghĩ bàn của đại lạc và tánh Không đã ló rạng trong dòng tâm thức tôi.

Đó là năm đầu tiên của chu kỳ sáu mươi năm cũ, năm Mộc Tý[21]. Trong tuần trăng khuyết tháng tám, vào ngày hai mươi ba âm lịch xảy ra một sự kiện quan trọng kỷ niệm sự tụ hội của các dakini, một thời gian tốt lành cho sự truyền bá được cách-tân giáo lý quý báu của con đường mật chú[22]. Vào ngày này, chúng tôi lại thăm Chhogtrul Rinpoche. Cô gái này nằng nặc hỏi Ngài về những giấc mơ và kinh nghiệm thiền định trong đời trước của cô, cũng như những kinh nghiệm gần đây và mới vừa xảy ra. Ngài có vẻ hân hoan đến độ đáng kinh ngạc và hết sức hài lòng bởi những tường thuật này.

Tôi nói với Ngài: “Theo một tiên tri mà Đức Tara Trắng nói về cô gái này, con sẽ trải qua khoảng sáu hay bảy ngày trong một trạng thái kiên cố thiền định sâu xa, như thể ở trong một sự hôn mê hay một trạng thái giống như chết”.

Trên thực tế, Chohogtrul Rinpoche và Tromge Trungpa đều bảo tôi: “Tuyệt đối không cần tới loại đồn đại này. Sau khi trải qua tối đa một ngày trong nghi lễ chay nyungnay, con cảm thấy đói và khát[23]. Không tốt hơn sao khi ở trong một lều thiền định tĩnh lặng tự nhiên, không suy nghĩ nhiều, nghỉ ngơi thoải mái trong những điểm trọng yếu của các giai đoạn phát triển và thành tựu[24] và hoàn tất một ít sự trì trụng thần chú?”

“Nhưng”, tôi trả lời “an trụ bảy ngày trong một tình trạng như thế là một điều lợi lạc và rất cần thiết cho việc chữa trị bệnh tật của con”. Tôi cứ quấy rầy các ngài mãi khi hỏi:

“Con có nên ở trong phòng khóa cửa, không dùng chút thực phẩm và nước uống nào không?”

Tromge Kundun Rinpoche nói: “Hoàn toàn không nên làm gì cả! nếu muốn bớt bệnh, con nên cử hành những nghi thức và lễ trường thọ rộng lớn và hãy nhận những lễ quán đảnh Vajrakilaya cùng nghi lễ tắm gội của bổn tôn Bhurkakuta[25]. Con cũng nên chuộc mạng những con vật sắp bị làm thịt. Nếu con ước muốn hoàn thiện hạnh phúc của chúng sinh, hãy thực hành một nghi thức chẳng hạn như nghi thức dẫn dắt chúng sinh ở sáu cõi[26] được tìm thấy trong giáo khóa Sự Giải thoát Tự nhiên của Ý hướng Giác ngộ của các bổn tôn hòa bình và phẫn nộ[27] cùng khẩn cầu nguyên lý của lòng bi mẫn siêu việt bằng cách trì tụng thần chú mani[28] cùng với những lời cầu nguyện hồi hướng và ước nguyện”.

Trước phương cách này và nhiều cách khác mà Ngài buộc tôi phải làm, và mặc dù rất tốt khi tuân theo lời khuyên của Ngài, tôi lặp lại rằng theo ý kiến của tôi thì không có gì để làm ngoài những gì tôi đã mô tả, và tôi quyết định thực hiện phù hợp, không thể trì hoãn thêm nữa.

Vào ngày hai mươi lăm âm lịch, tôi báo cho mọi người xung quanh về tình trạng của tôi. Vào buổi tối, thời điểm của năng lực[29], khi các dakini tụ hội, bảy lạt ma và tulku khá đặc biệt (lạt ma toàn trí Tromge Kundun Ringpoche là vị lỗi lạc nhất trong số họ) được nhiều đệ tử và các thị giả tháp tùng. Cô gái này cũng nhập vào đám đông. Khi tôi ở đó, tâm tôi trở nên minh mẫn hơn bao giờ hết và những kinh nghiệm thiền định và các trạng thái chứng ngộ hết sức đặc biệt xuất hiện trong dòng tâm thức của tôi. Trong tầm nghe của Tromge Kundun Rinpoche tôi tụng đọc những bản văn nghi lễ theo thứ tự thích hợp của chúng mà tôi chưa bao giờ học, Những Mệnh lệnh của Bà Mẹ Phối ngẫu, cũng như sự dâng cúng tiệc và nghi thức thực hiện[30]. Tâm tôi cực kỳ hỉ lạc và tôi cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc như đêm ấy.

Sau khi đám đông giải tán, tôi ở lại một lúc trong sự hiện diện của đạo sư quý báu của tôi. Sử dụng nhiều phương tiện cả nhẹ nhàng đến phẫn nộ, Rinpoche lập đi lập lại: “Con gái ta, ta xin con đừng tiến hành kế hoạch này”. Tuy nhiên, yêu cầu đó không ích lợi gì và vì thế sau cùng Ngài nói” “Bởi con đã quyết định làm thế, hãy giữ những lời này trong tâm và đừng quên chúng. Từ nay trở về sau, đừng ô nhiễm nẻo đường mê muội, bất tịnh và tăm tối như con đã làm trong quá khứ. Hãy an trụ mà không dùng phương tiện hay nỗ lực nào trong bản tánh chân thật của tâm con, đúng như nó xuất hiện và tự nó xuất hiện. Càng nhiều càng tốt trong mức độ có thể, hãy phát triển lòng tin và cái nhìn thanh tịnh về các đạo sư và bổn tôn được chọn lựa của con, cũng như lòng từ bi đối với mọi chúng sinh, họ đã từng là những bậc cha và mẹ của con”[31]

Cùng với lời nói đó, Ngài tỏ vẻ cung kính tôi bằng cách đích thân cho tôi một đĩa đầy những khẩu phần đặc biệt của tiệc cúng dường. Ngài ngâm tụng: “Cầu mong con được đặt dưới sự bảo trợ của các đạo sư, Tam Bảo và Đức Orgyan vĩ đại[32]. Cho tới khi con thành tựu sự Giác ngộ, cầu mong mọi chướng ngại và nghịch duyên được làm yên dịu. Cầu mong ý hướng giác ngộ không bị tạo tác của hai phương diện của Bộ Đề tâm (bodhicitta)[33], bản tánh nền tảng của thực tại được nảy sinh trong dòng tâm thức của con. Cầu mong con được thiên nữ tôn kính, Đức Tara cao quý dẫn dắt trên con đường và nhờ đó hãy thành tựu lợi ích không thể nghĩ bàn cho chúng sinh”.

Khi Ngài nói những lời này, lòng tin của tôi phát triển thật mãnh liệt khiến tôi có cảm tưởng như thể mình bật khóc. Tôi thực hiện ba lễ lạy và quay trở về ẩn thất của mình.

Sau đó tôi nói với Tulku Tromge Trungpa: “Con sẽ như thể thực sự chết trong khoảng năm ngày. Trong thời gian đó không ai trong những nhà sư hay đệ tử được ra vào phòng con hoặc đi lại nhiều ngoài cửa; họ không nên nói luôn miệng hay gây những tiếng động kinh suất, quấy rối. Xin dọn dẹp mọi thực phẩm ở trước mặt con, đừng để lại nhiều hơn bảy hạt lúa mạch[34]. Để tịnh hóa những khuynh hướng quen thuộc, sự che chướng thai tạng[35] và những ô nhiểm của thân thể con, xin rửa sạch con bằng nước nghệ đã được hiến cúng qua thực hành Vijaya[36]. Vào lúc đó, để cung cấp một điều kiện tốt lạnh đặc biệt, phải có sự hiện diện của một cô gái tên là Drolma”. (Nhưng cuối cùng mọi việc hóa ra tự nhiên suông sẻ bởi một người đàn bà đức hạnh có giới nguyện samaya trong sạch tên là Tsult’hrim Drolma đã trở thành bạn đồng hành của tôi)[37].

Tôi nói tiếp: “Để xác định rõ ràng con thuộc loại bộ Phật nào và để giải trừ các chướng ngại, xin quấn một miếng vài màu xanh da trời quanh đầu con[38]. Cho tới khi con trở lại cuộc đời, Kuzhab Rinpoche[39] sẽ cử hành sự cúng dường bánh cho năm chị ở Lhaman Tsering[40]. Tromge Trungpa sẽ cử hành một trăm tiệc cúng dường của Nữ Hoàng Cực Lạc trong giáo khóa Những Mệnh lệnh của Bà Mẹ Phối ngẫu. Để giải trừ những chướng ngại cho các linh kiến của con, các đệ tử và thị giả nên trì tụng càng nhiều càng tốt Lời khẩn nguyện Bảy-Dòng, bài cầu nguyện Giải trừ Chướng ngại trên Con Đường và các thần chú vajra guru (Kim Cương Đạo sư) và Tara[41]. Để bảo vệ con, hãy cài chốt cửa phòng con bằng một khóa móc và có người mặc đồ xanh dương. Và để ngăn chặn và trấn áp thế lực của loài quỷ khát máu, xin niêm phong miếng vải với sáp ong được đóng dấu bằng dấu triện ngược đầu[42].

“Bây giờ cần một bộ quần áo sạch để thay đổi, nó không làm bằng da thú vật hay da sống[43]. Nếu con không chết thực mà quay trở lại cõi đời, con sẽ phải súc miệng; vì thế, con sẽ phải cần tới một cái bình đựng đầy nước mưa sạch hứng từ một trận mưa thuốc của các nhà thấu thị, nó xảy ra nhờ năng lực của những sự ban phước và đại nguyện của Đức Phật Dược Sư Bhaishajyaguru[44].

“Nếu bất kỳ ai hỏi Dawa Drolma đang làm gì khi hành động như này, thì đừng nói điều gì đặc biệt, tốt hay xấu; chỉ cho biết chắc chắn con không sống cũng không chết. Trong năm ngày, xin hãy mời anh Palchhen của con, anh ấy đang sống với gia đình con và những người bà con dưới thung lũng và nói với anh ấy rằng “Em gái anh đang ở trong một trạng thái không sống cũng không chết. Hãy đích thân tới thăm cô ấy”. Mặc dù đòi hỏi chút ít nhọc nhằn nhưng mọi sự con vừa sắp xếp thi hết sức quan trọng, vì thế xin Ngài tiến hành cho”.

Tulku Tromge Trungpa và các thị giả của Ngài hứa sẽ tôn trọng bức thư hướng dẫn mà tôi đã đưa và trung thành với lời cam kết của họ, và như thế tôi nằm xuống giường để nghỉ ngơi.

Cô gái này nói: “Hãy để tâm mi an trụ trong trạng thái tự nhiên nơi đó nó phát triển một cách nội tại, không bị bất kỳ niệm tưởng lan man nào làm gián đoạn”. Phù hợp với yêu cầu này, tôi để tâm tôi an trụ. Trong một tâm trạng khoáng đạt và cực kỳ hỉ lạc, tôi kinh nghiệm một trạng thái hoàn toàn trong sáng. Đây không phải là trạng thái tiềm ẩn kunzhi, là sự vắng mặt đơn thuần các niệm tưởng lan man[45]. Cũng không phải là việc tôi hoàn toàn mê đắm trong những cảm xúc của lạc, sự trong sáng và sự tỉnh giác vô niệm[46]. Và tôi không đơn thuần rơi vào một cuộc nô đùa vô tận của sự vô minh. Đúng hơn, tôi hoàn toàn tỉnh giác về trạng thái nền tảng của tâm tôi trong mọi tính chất thông thường của nó[47]. Bởi giác tánh đó không bị ngăn che, tôi như thể nghe được tất cả âm thanh và tiếng nói trong mọi xứ sở, chứ không chỉ ở vùng lân cận.

Vào sáng ngày hai mươi sáu âm lịch, khi mặt trời nhú lên ở chân trời, tôi nhìn thấy Đức Tôn kính và cao quý Tara thực sự hiện diện trước mặt tôi giữa một khối ánh sáng cầu vồng, thân Ngài có sắc trắng như một bình pha lê. Bà cầm một mũi tên có trang trí những giải ruy băng mà bà dùng để ban phước cho tôi[48].

Từ hướng núi Huy Hoàng trên tiều lục địa Chamara, một cầu vồng gồm năm dải ánh sáng màu song song rọi vào thiền phòng của tôi[49]. Dọc theo con đường này xuất hiện một toán hộ tống gồm bốn phụ nữ trẻ mặc y phục bằng lụa và tô điểm các đồ trang sức bằng xương. Vị dakini ở phương đông, Thiên nữ có Năng lực trên sự Trường thọ, sắc trắng sáng ngời và cầm một mũi tên trang trí dải ruy băng lụa và một cái bình. Dakini ở phương nam là Akyang Tara, dakini ở phương tây là Tara Rồng màu Lam Ngọc, và dakini ở phương bắc là Thiên nữ phương Bắc.

Các ngài đặt tôi trong một ổ rơm có trải lụa sặc sỡ trang trí hoa văn đỏ và trắng. Ngay lập tức, các dakini ở bốn tầng cấp và tôi cùng nhau hát tụng Lời Khẩn nguyện Bảy-Dòng và lớn tiếng trì tụng liên tục các thần chú vajra guru và mani. Tâm tôi trải rộng rộng tới một trạng thái cực kỳ hỉ lạc, bản tánh cốt tủy của sự hoàn toàn trong sáng trong đó tôi không thể bám níu vào bất kỳ điều gì dù tốt hay xấu theo nghĩa thông thường, giống như pháp giới vô sanh không có gì trong nó và của chính nó, nhưng với một sự chói lọi tự nhiên tuyệt đối không bị ngăn che. Kinh nghiệm thiền định hài hòa và tự phát này xuất hiện như sự phô diễn không thể nghĩ bàn của một đám mây mạn đà la, phạm vi hoàn toàn rộng lớn của kinh nghiệm thuần tịnh[50].

Sau đó tôi cảm giác leo lên càng lúc càng cao tới một khoảng không gian khá rõ ràng, còn nhanh hơn một con chim kên kên đuôi trắng hoang dã bay vút lên không trung. Khi kinh nghiệm bi tráng này mở trải ra như một ảo ảnh biến dịch, bất ngờ tôi thấy mình ở một nơi mà tôi không nhận ra là ở đâu. Giữa một cánh đồng rộng lớn, bao la và siêu phàm đến nỗi dường như bầu trời đổ sập xuống trái đất, một tảng đá có bề mặt lớn đứng sừng sững có hình dạng như một trái tim. Ở mọi phương và những rặng núi trông như những vũ khí chĩa lên bầu trời và đỏ như thể có lấm tấm máu. Trên bầu trời xuất hiện một vòm ánh sáng cầu vồng năm màu. Những chim công trống, chim hét và chim cu cu vút lên, bay chuyền thật vui thích. Không gian tràn ngập mùi hương ngọt ngào có năng lực chuyển hóa những tri giác của ta. Khắp mặt đất phủ đầy các loài hoa gồm năm màu thật đáng yêu – trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Tôi kinh nghiệm cảnh giới này như một nơi chốn thực sự.

Tôi cũng nhìn thất một ngọn núi rất đẹp, xanh thẳm như một viên ngọc bích. Tâm tôi tràn đầy đức tin và thị kiến thanh tịnh không tưởng tượng nổi. Tôi lớn tiếng lập đi lập lại những lời cầu nguyện của pháp guru yoga, Lời Khẩn Nguyện Bảy-Dòng và một lời khẩn cầu mà trước đây chính Đức Tara đã nói với tôi và tôi thực hiện những sự lễ lạy và cúng dường mạn đà la.

Nơi đây là Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ trên tiểu lục địa Chamara. Khoảng nửa đường lên tới mặt tảng đá, trên một vùng bằng phẳng rộng lớn bao la là lâu đài Liên Hoa Quang rộng mênh mông đứng sừng sững[51]. Cung điện, một hóa thân của giác tánh của Đức Padmasambhava, dc làm bằng năm loại châu báu, một mạn đà la thành tựu tự-sinh và tự nhiên. Từ ngoài vào, bên trong sáng sủa rực rỡ và từ trong nhìn ra, ta có thể thấy rất tường tận. Được kết bằng những cầu vồng, lâu đài có bốn mặt, bốn cổng và các sân, trong đó có hơn một ngàn cung điện khác. Trong những cung điện này là tập hội các vidyadhara[52] cũng như những daka và dakini.

Cô gái này tới cổng phía đông. Ở đó tôi gặp bốn người đàn bà, họ mặc cho tôi một áo choàng lụa sặc sỡ, chiếu sáng như một cầu vồng. Rồi họ ra đi, nhưng tôi không rõ họ đi đâu.

Người đàn bà gác cổng phía đông thách thức tôi: “Cô là ai?”

Tôi trả lời: “Tôi là Dawa Drolma, một con gái của bộ tộc Tromge trong thế giới con người”.

“Vì sao cô tới cõi này?”

Tôi trả lời khiêm tốn: “Nhằm mục đích bảo đảm hạnh phúc của chúng sinh, tôi xin được hội kiến Đức Orgyan Tsokey Dorje[53] và nhiều vidyadhava, daka và dakini trên Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ trong tiểu lục địa Chamar”.

Vị dakini trả lời:

Cầu mong cô được Đức Vajravarahi ban phước[54].

Cầu mong các nghịch cảnh và chướng ngại cho sự trường thọ của cô được giải trừ.

Cầu mong cô đạt được quán đảnh kim cương bất diệt.

Và cầu mong cô bảo đảm được hạnh phúc của vô lượng chúng sinh.

Sau đó tôi nhìn thấy cảnh tượng phi thường của cổng phía đông kỳ diệu, một cửa làm bằng pha lê. Trên đó, trong hình chạm khắc lờ mờ là hình ảnh của một tathagata[55] và những chữ đi kèm đem lại sự giải thoát nhờ cái thấy. Bên trái và phải cửa là những báu vật có hình những con rồng màu lam ngọc uốn mình hình xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ và ngậm nhiều viên ngọc.

Thình lình vị dakini mở cửa bằng một chìa khóa pha lê thạch anh trắng, có bề dài khoảng một bàn tay và đánh dấu bằng những chữ tượng trưng tự-tạo hình, kỳ diệu và huyền bí. Tôi đi bộ vào trong và tìm thấy một cầu thang dài làm bằng châu báu. Tôi trèo lên và trong một căn phòng rộng mênh mông, tôi tìm thấy ngài Jampa Migyur ngồi trên một cái ngai nhỏ[56]. Ngài mặc một áo choàng không tay bằng lụa trắng và tô điểm với nhiều vật trang sức quý báu, tóc Ngài kết lại thành một cái búi. Tay trái Ngài đang lần một mala bằng pha lê trắng, mỗi một trong 108 hột có kích thước khoảng ngón tay cái của ta[57]. Quanh Ngài là đoàn tùy tùng gồm vài trăm dakin ni mặc áo choàng lụa trắng, đang cử hành một buổi tiệc vui vẻ. Các thiên nữ kim cương thuộc sự hoạt động mặc áo choàng xanh dương cúng dường những phần đặc biệt của bữa tiệc trong bốn phương chính trên bầu trời.

Từ hàng sau của tập hội, cô gái này thực hiện ba lễ lạy và cầu nguyện với những ước nguyện cao quý khi xuất hiện trong tâm. Đến gần vị lạt ma, tôi dâng lời sám hối, tự tịnh hóa bằng cách tụng thần chú một trăm âm[58] và cử hành mạn đà la vũ trụ ba mươi bảy điểm[59]. Một dakini ở bên phải vị lạt ma là điều tra kỹ lưỡng quá khứ của tôi. Để trả lời bà, tôi nói năng thẳng thắn nhưng khiêm tốn. Vị lạt ma có vẻ hết sức hài lòng. Tôi tham dự vào buổi lễ tiệc.

Rồi tôi được một bà mặc y phục xanh dương đưa ra ngoài và dẫn tới lâu đài rộng mênh mông khác. Một người có mặt ở đây đang tắm cho một dakini của mộ bộ tộc thuộc thảo nguyên thấp ở miền đông Tây Tạng[60]. Tôi cũng nhận một nghi lễ tắm rửa. Ngự trên một chiếc ngai cao ngất ở giữa chúng tôi, trên một tấm nệm cao bằng lụa đỏ trông thật đặc biệt là ngọn đèn soi sáng các sutra và tantra[61], vương miện của mười triệu vidyadhara, đạo sư vô song, bậc thông thái và thành tựu, bậc toàn trí Jamyang Khyentsei Wangpo[62]. Thân tướng chói ngời của Ngài trông thật lôi cuối và trẻ trung; dường như khoảng mười sáu tuổi. Ngài mặc ba chiếc y nghi lễ và đầu đội chiến nón tượng trưng cho ba sự tích tập kinh điển[63]. Tay Ngài cầm chày kim cương và chuông[64]. Ngài được vây quanh bởi một đoàn tùy tùng hơn một trăm daka và yogini.

Như trước đó, tôi đảnh lễ, cúng dường và cử hành lễ dâng cúng mạn đà la vũ trụ. Tôi dâng lên Ngài một đoạn khăn lụa trắng[65]toàn mỹ để xin được diện kiến và thực hiện những sự khẩn cầu ước nguyện khi tôi có thể. Vị lạt ma dường như có một tánh khí rất khó khăn và cứng cỏi; Ngài không nói một tiếng nào và cố ý tránh nhìn tôi.

Tôi ra đi và tới lâu đài rộng mênh mông khác. Người gác cửa là một cô gái không thể quá mười lăm tuổi. Mặc dù tôi không nhận ra cô, cô ta tỏ ra rất vui thích đối với tôi như cha mẹ bộc lộ khi gặp con cái họ. Bên trong lâu đài, ngồi trên một cái ghế thấp chất đầy những đệm lót bằng lụa xanh là một người đàn bà tên là Yul-lha, một dakini vùng Derge, là một hóa thân của bổn tôn Vajravarahi[66]. Tóc bà được búi lên bằng sáu dải ruy băng màu xanh da trời, bà cầm một bản văn giáo huấn tâm linh nhỏ. Bà đang tụng những vần kệ gốc củaTrạng thái Trung ấm sau Cái Chết[67]. Có khoảng mười sáu dakini trong đoàn tùy tùng của bà. Tôi đảnh lễ và cúng dường hương trầm được pha chế từ gỗ đàn hương trắng Ấn Độ. Tôi được ban thức ăn khô với các gia vị làm từ năm thứ cam lồ.

Sau cùng tôi nói về các sự kiện trong cõi người. Bà tiếp tục: “Con sẽ tìm thấy bốn cầu thang trong một sảnh đường, ở giữa vùng này. Đừng dùng cầu thang màu đen, bởi ở đó ẩn dấu nguy hiểm do rắn độc và những quỷ ma khát máu. Thay vào đó, hãy lên cầu thang màu xanh lá cây”.

Với sự chỉ dạy ấy tôi tiếp tục cuộc hành trình. Trong lâu đài rộng mệnh mông khác, tôi đi ngang qua một người đàn bà có vẻ rất già, tóc ngả màu xám hơi vàng, có khoảng hai trăm dakini vây quanh. Các dakini đang đọc các bản văn từ giáo khóa của ngài Karma Lingpa trên mạn đà la các bổn tôn hòa bình và phẫn nộ và Tantra Sám hối Bất Nhiễm[68]. Người đàn bà chính cầm giữ hơi thở trong thực tập thở-cái bình[69]. Khi bà thở hết ra, bà trục xuất nhiều sinh vật sống trong nước như rắn nước, ếch và cá; từ thây chúng nổi lên những cầu vồng trắng, vàng, đỏ và xanh lá cây, trong khi tâm thức chúng được kéo lên các cõi thuần tịnh,

Thực ra vị dakini này tên là Wangmo. Sau khi đảnh lễ và cúng dường, tôi tới gần bà. Bà đặt một chuỗi xương sọ lên đầu tôi và cười thật dễ thương, trong một lát bà hỏi tôi là ai.

Trong lâu đài mênh mông khác, bất chợt tôi gặp một thiên nữ áo trắng, một dakini có năng lực an bình, ngồi trên một tấm nệm phủ lụa và mặc áo choàng thêu kim tuyến linh thánh, có đoàn tùy tùng gồm bảy dakini vây quanh. Tôi đảnh lễ và cúng dường bà. Các dakini đang hát thật ngọt ngào một bài cầu nguyện sùng mộ để khẩn cầu năng lực của Đức Avalokiteshvara và một bài nguyện ước hợp nhất với thần chú mani sáu âm. Nhưng ở đây tôi sợ trở thành quá dài dòng và sẽ không viết dài hơn nữa.

Đức Yeshe Tsogyal xuất hiện trong một tòa lâu đài rộng mênh mông rất đẹp có cửa nhìn về hướng đông. Bà phục sức đẹp đẽ với những áo choàng lụa và trang điểm nhiều vật trang sức bằng châu báu và bằng xương, mái tóc Bà đen, dày và rực rỡ. Sắc thân mỹ lệ không tả xiết của Bà đem lại niềm hỉ lạc cho người chiêm ngưỡng. Bà được một đoàn tùy tùng gồm một ngàn dakini vây quanh. Họ đang làm lễ tiệc cúng dường cội gốc đạo sư (guru), Sự Hội tập các Đạo sư Trì giữ-Giác Tánh; cội gốc bổn tôn, Sự Hội tập các Đấn Vĩ đại và Vinh quang; và cội gốc dakini, Nữ Hoàng Cực Lạc[70]. Tôi nhập vào những người tham dự tiệc cúng dường, đảnh lễ và cúng dường Đức Yeshe Tsogyal, điều ấy làm Bà hài lòng. Tôi khiêm tốn kể cho Bà về tiểu sử của mình thật rõ ràng và chi tiết.

“Hãy tiếp tục đi lên” Bà nói “và ta sẽ cho người dẫn co tới gặp chú của con[71]. Sẽ khó mà vượt mà vượt qua, bởi con sẽ gặp một người gác cổng rất nghiêm khắc”.

Tôi đi tới một nơi khủng khiếp, quả là cảnh tượng làm tôi rùng mình khiếp sợ. Những mái vòm làm làm bằng da người được treo bằng những sợi thừng là những con rắn. Những đầu lâu khô, những đầu người còn mới và những đầu héo khô còn dính tóc treo khắp nơi. Những màn cửa và rèm tường làm bằng da trăn màu đen.

Giữa tất cả những thứ đó, ngồi trênmột cái ngai màu đen tuyền là một yogi tên là Pawo Namkha Odsal mặc y phục đen pha lẫn đỏ tía. Tóc Ngài kết lại thành búi quanh một chày kim cương, trên đỉnh của nó là một miếng ngọc lam nhỏ. Tai Ngài đeo những chiếc vòng bằng vỏ ốc xà cừ. Ngài mặc một áo choàng trắng và cầm một trống tay lớn và chiếc kèn làm bằng xương đùi người. Trông Ngài thật lôi cuốn khó cưỡng nổi. Một đoàn tùy tùng vây quanh Ngài gồm sáu nhân vật mặc áo choàng không tay màu đen. Họ cực kỳ hung nộ, với mái tóc đen xõa xuống và những biểu lộ nham hiểm, giận dữ. Tôi đảnh lễ và cúng dường các ngài, cũng như dâng những lời ước nguyện.

Tiếp theo, tôi gặp một người gác cửa, một người đàn bà da trắng mặc quần áo lụa và những vật trang sức bằng xương. Tên bà là Nordzin Dronma và bà có mối liên hệ với tôi trong nhiều đời.

Giữa một lâu đài màu cam rộng mênh mông có bản chất ánh sáng, ngự trên một cái ngai rất cao bằng pha lê đỏ và những tấm đệm bằng lụa nhiều màu là vị phối ngẫu linh thánh Mandarava[72], có sắc đỏ sậm. Trong tay phải, bà cầm một mũi tên cột những dải ruy băng và tay trái cầm một bình trường thọ. Bà mặc một hạ y lụa ngắn, xếp li và đeo những vật trang sức quý báu. Được vây quanh bởi một đoàn tùy tùng gồm một trăm dakini giác tánh nguyên sơ, bà hát một bài ca du dương về âm nhạc kim cương bất hoại. Tôi đảnh lễ và cúng dường như đã làm trước đây và được Đức Tara thúc giục, tôi tụng một bài sùng mộ với bà. Một cảm thức của đức tin phát khởi không thể tưởng tượng nổi trong tôi.

Tôi đứng lên khi hội kiến và tới gần bà. Vị phối ngẫu linh thánh đặt bàn tay phải có cầm mũi tên cột dải ruy băng lên đầu tôi và hát:

Hung Ở biên giới tây bắc xứ Orgyan, …

Con khẩn cầu Ngài tới ban cho những ân phước.

Khi đã ban phước cho con nơi chốn tuyệt hảo này,

xin ban bốn quán đảnh cho hành giả ưu tú này.

Xin giải trừ những chướng ngại bởi cái chết không đúng lúc.

Xin ban cho thành tựu của sự bất tử[73].

Đi xa hơn nữa, tôi chợt thấy một lâu đài rất đẹp, duyên dáng. Mười hai người đàn bà gác cữa đông, mười hai người gác cửa nam, mười hai người gác cửa tây, mười hai người gác cửa bắc. Ở phía đông, cửa và những người gác cửa toàn bằng pha lê, mặt phía nam bằng vàng, phía tây bằng hồng ngọc và mặt phía bắc bằng lam ngọc.

Ở hướng đông là mười hai thiên nữ có mục đích dẫn dắt chúng sinh, ở phương nam là mười hai thiên nữ có nhiệm vụ chỉ ra con đường đi tới giải thoát. Ở phương tây tôi nhìn thấy mười hai thiên nữ thuộc yếu tố lửa chói sáng và phương bắc mười hai thiên nữ là những bậc chiến thắng những mara[74]. Tất cả các ngài mặc áo choàng theo màu phù hợp với các hướng tương ứng[75].

Ổ khóa trên cổng ngoài có chiều dài khoảng cánh tay[76] và bằng vàng. Một trong những dakini mở cổng và cho tôi vào. Rồi cửa bắc mở ra và tôi đi vào tòa nhà. Trong tòa lâu đài có 180 cây cột chống, 180 dakini mặc y phục bằng lụa và đeo những đồ trang sức bằng xương, nhảy múa ca hát với nhạc đệm một bài hát tên là “Sự Giải thoát Tự nhiên khỏi những Cõi Thấp”:

Hri Trạng thái không chỉnh sửa thoát khỏi sự tạo tác ý niệm là đạo sư Pháp Thân.

Cực Lạc là đạo sư Báo Thân, chúa tể của Pháp[77].

Sinh ra từ một hoa sen là đạo sư của Hóa thân.

Chúng con đảnh lễ và tán thán bậc Kim Cương trì của ba thân.

Thân giác ngộ của Ngài thì bất biến, là thân tướng của Đức Samantabhadra (Phổ Hiền)[78]

Ngữ giác ngộ của Ngài thì không lây động và siêu vượt ngôn ngữ, sự tưởng tượng, cùng sự biểu lộ.

Chúng con tán thán Ngài. Ôi vua Hoa Sen, bậc được phú bẩm thân, ngữ và tam giác ngộ.

Đại học giả của xứ Ấn Độ cao quý, xin thương xót xứ sở Tây Tạng.

Đức Kim Cương Sanh - trong - Hồ thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử.

Chuyển hóa đám quỷ ma hiểm độc khát máu hướng về Pháp.

Chúng con tán thán Ngài, Ôi Đức Padma T’hod T’hreng Tzal[79].

Om ah hung vajra guru padma siddhi hung.

Maha guru padma t’hod t’hreng tzal la namo hung.


Khi họ hát, tôi kinh nghiệm vô lượng đức tin và sự hỉ lạc.

Ở một nơi khác, thình lình tôi nhìn thấy một người đàn bà có nước da trắng mặc một cái khăn choàng và hạ y thêu kim tuyến trắng và cầm một sợi chuỗi bằng pha lê đỏ. Bà chính là ni cô Kunga Monlam mà cũng được biết là dakini Laykyi Wangmochhe[80]. Bà biểu lộ niềm vui chân thành đối với tôi. Vén một tấm rèm có đính những hình trang trí bằng lụa, bà dẫn tôi tới giữa cung điện. Ở đó tôi thấy đoàn tùy tùng của bà gồm bảy dakini, họ đặt một chiếc nệm trắng để tôi ngồi. Chính Laykyi Wangmochhe đặt một mũi tên trường thọ lên đỉnh đầu tôi và ngâm:

Om Sự trường thọ nguyên sơ không lầm lỗi.

Ta triệu mời điều này trong sự vinh quang cao cả nhất của sự nối kết mặt trời và mặt trăng[81].

Sự trường thọ của đại lạc không biến đổi,

Ta triệu thỉnh điều này trong sự vinh quang của cốt tủy vi tế của thân ánh sáng.

Sự trường thọ lâu dài không có sự đến và đi bình phàm.

Ta triệu thỉnh điều này giữa Pháp giới bao la bất hoại, vĩnh cửu và kiên cố.

Sự trường thọ là cái bị đánh cắp, cướp đoạt, gãy bể, hoặc suy sụp bởi niệm tưởng lan man,

Ta triệu thỉnh điều này trong bản tánh nền tảng vô điều kiện của giác tánh nguyên sơ vô niệm

Sự trường thọ đặt nền trên sự vô minh về các sự xuất hiện của samsara, nirvana và con đường tâm linh[82].

Ta triệu thỉnh điều này trong trạng thái tự nhiên của các sự việc bởi chúng thì phi - thời gian và nguyên sơ.

Nếu không có sự ngừng dứt, thì không có gì già đi,

và vì thế ta cũng triệu thỉnh sự trường thọ, nó không có ngừng dứt và già đi.

Nếu không có sanh, thì không có chết đi,

và vì thế ta cũng triệu thỉnh sự trường thọ là cái không sanh và không diệt.

Ah ah ah.

Bà tiếp tục: “Thật là may mắn bởi con đã tới cõi thuần tịnh này từ thế giới bình phàm của con người. Con làm ta xúc động biết bao” và bà khóc. Rồi bà gọi một cô gái tên là Apal đi cùng với tôi và tôi được dẫn ra ngoài.

Đức tôn quý Tara Trắng nói với tôi: “Dawa Drolma, con gái ta, chính ta là người đã sắp xếp cho con rời cõi người bình phàm và là người dẫn dắt con tới cõi thuần tịnh này. Nhưng bây giờ chưa tới lúc để con và ta ở lại núi Huy Hoàng này[83].

“Có một cõi thuần tịnh cao hơn cõi này, được phú cho năm điều chắc chắn[84], nó là phạm vi chứng nghiệm của những bậc an trụ trong địa thứ mười của sự chứng ngộ. Ở đó Báo thân của Đấng Bi Mẫn Siêu việt[85] được vây quanh bởi một đoàn tùy tùng gồm vô số các Bồ Tát nam và nữ, đang giảng dạy Tantra Chúa công của sự Nhảy múa Hoa Sen Binh mẫn Siêu phàm.

“Trên đó là cõi thuần tịnh Pháp Thân, thoát khỏi sự tạo tác ý niệm. Ở đó Đức Guru Padma an trụ, không gì khác hơn là sự xuất hiện tự-hiển lộ tự nhiên của Đấng bảo trợ nguyên sơ[86], ban những giáo lý tâm linh cho một tập hội trong đó ý hướng giác ngộ của vị thầy và của quyến thuộc thì không thể phân ly, trình bày những giáo huấn truyền dạy trực tiếp vượt lên những biểu tượng, ngôn ngữ và niệm tưởng bình phàm – tantra Đại Viên Mãn của sự bí mật tối hậu, có tên là Giác Tánh Nội tại Tự-sinh[87].

“Thời đại ngày nay thiếu một sự may mắn cần thiết để tiếp xúc trực tiếp với những cấp độ này. Vì thế hãy liên tục biểu lộ ước nguyện thực hiện điều này vào một lúc nào đó. Đừng đề cập tới việc con đã đi tới cõi thuần tịnh này”[88].

Cơ sự đã như thế này, tôi đau khổ đến nỗi tim tôi tưởng chừng tan vỡ, buồn tủi đến độ tôi tưởng như mình có thể mất trí, hoàn toàn lạc hướng khiến tôi không thể nhớ lại bất kỳ điều gì đã từng suy nghĩ vào thời gian đó; tri giác của tôi bị mê lầm và lạc lối. Nước mắt tuôn rơi như thể mắt tôi rơi ra ngoài. Tôi tự nghĩ: “Mặc dù giờ đây tôi có thể hội kiến Đức Padmasambhava, tôi không vật cúng dường chính thức nào để dâng lên Ngài, không có vàng bạc, không lễ cúng dường mạn đà la, ngay cả một khăn quàng lụa cũng chẳng có”.

Ngay lập tức, Đức Tara ban cho tôi một dải ruy băng tinh khiết bằng lụa trắng rất dài lấy từ mũi tên có trang trí ruy băng của Ngài. Bởi quá nhiều hồ nghi, tôi nghĩ rằng hành động này sẽ làm mũi tên giảm giá trị, nhưng Đức Tara nói: “Nó không bao giờ bị suy giảm, vì thế đừng quá keo kiệt”. Ngài nói thêm: “Đây không phải là chỗ để bắt đầu kêu khóc. Hãy đi tới Đức Guru và thỉnh cầu Ngài bất kỳ điều gì con ước muốn. Bất luận Ngài ban cho con điều gì, dù là vàng, bạc hay ngọc quý, đừng mang chúng đi với con. Thay vào đó hãy cầu xin Ngài ban cho con một khăn quàng lụa màu xanh dương có điểm những hình ảnh của năm Hóa Thân[89]. Cũng hãy cầu xin để những mối liên hệ nghiệp của con với Ngài từ những đời trước được thức giấc, những hành động làm lợi lạc chúng sinh của con sẽ không có định kiến hay phân biệt, cầu xin cho con có năng lực để trực nhận ra chúng sinh trong cõi thấp và để đem lại hứng khởi cho họ trong việc trau dồi đức hạnh và cầu xin bất kỳ ước nguyện nào của con cũng được thành tựu”.

Rồi tôi nhìn thấy cung điện khác, làm bằng pha lê đỏ với hai cánh cung điển dính liền, giống như những tay áo màu san hô trên bộ quần áo. Không cần chìa khóa để vào cung điện; thay vào đó là một chữ biểu tượng màu đỏ trên cử. Một người đàn bà đứng nơi cửa, bà có mái tóc trắng và nước da trắng như một vỏ ốc xà cừ. Bà có hàm răng đầy và được gọi là Thiên nữ có Năng lực đối với Trường thọ. Bà ban cho tôi một nghi thức để thỉnh cầu trường thọ và cho tôi một miếng pha lê có sáu mặt. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng rõ ràng là tôi không nên nhận miếng pha lê, và vì thế tôi đặt nó trên đỉnh một đĩa mạn đà la chất đầy gạo được sắp đặt theo kiểu mẫu làm ta nhớ lại những chủ đề Ấn Độ.

Đi xa nữa, tôi chợt thấy một lâu đài rộng lớn mênh mông và cao sừng sững đến nỗi kích thước của nó vượt quá tiêu chuẩn xác đáng. Đỉnh mai có trang trí những viên ngọc. Ở bên trong, tôi nhìn thấy hàng trăm chiếc dù bằng lông công, những cờ chiến thắng bóng mượt, những tấm rèm treo tường bằng sa tanh, những màn trướng thêu kim tuyến, những cái móc và dây bằng ngọc trai, những dãy vật cúng dường không thể tưởng tượng nổi và những của cải của một buổi tiệc cúng dường vĩ đại chất cao như núi, đổ sụp xuống giống như những con đê vỡ nát và cuộn tròn như một đại dương cam lồ.

Trong mạn đà la này, nó giống như những đám mây không gì sánh được gồm những vật cúng dường của Đức Phổ Hiền[90], là một của cải gồm những chất thể samaya linh thánh vượt xa của cải của những vị trời vĩ đại ở cõi trời Nirmanarati[91]. Những tia sáng phóng ra muôn phương không bờ mé từ một cái ngai khổng lồ mà kích thước khó có thể đo lường, cao hơn cả một tòa nhà ba tầng. Mặt ngai có ba tấm nệm chồng lên nhau bọc lụa đủ màu, trang trí những hoa sen ngàn cánh.

Ngự trên ngai là tinh túy, suối nguồn của sự quy y và sự hợp nhất của tất cả các Đấng Chiến Thắng, vị thống lãnh tràn đầy năng lực của tâm giác ngộ của tất cả các Đấng Chiến Thắng, sự hợp nhất trong một thân tướng duy nhất của ba phẩm tính – trí tuệ, lòng bi mẫn và năng lực – của tất cả các Đấng Chiến Thắng khắp mười phương, bổn tôn được chọn lựa duy nhất của Xứ Tuyết, vương uốc Tây Tạng: Đức Guru xứ Orgyan, Padma T’hod T’hreng Tzal, chính là Đức Kim Cương Sanh-trong-Hồ bất tử.

Thân Ngài sắc trắng hơi pha đỏ. Ngài cầm một chày kim cương trong tay phải, tay trái cầm một bình trường thọ trong một chén sọ người đựng đầy chất cam lồ. Trong chỗ gập của khuỷu tay trái, Ngài mang chĩa ba bí mật kim cương[92]. Hai chân Ngài chéo nhau lơi lỏng trong tư thế du hí vương giả. Ngài mặc một áo choàng ngắn tay bằng lụa màu hạt dẻ như sa tanh, một hạ y bằng lụa đỏ, một đại y màu đỏ trang trí bằng chỉ vàng và một quần áo bên trong bằng lụa trắng của các vị trời. Trên đầu Ngài là vương miện hoa sen đem lại sự giải thoát nhờ cái thấy.

Khi cô gái này trông thấy mạn đà la hài hòa viên mãn của khuôn mặt Đức Orgyan vĩ đại, tôi mê mải ngắm nhìn Ngài. Mọi tri giác lờ mờ thường tục của tôi tự nhiên ngừng dứt và tôi kinh nghiệm một trạng thái không thể nghĩ bàn, không thể diễn tả được, giống như một người câm đang nếm đường mía[93]. Tôi an trụ một lát trong tâm thái này, vừa vui lại vừa buồn.

Ở bốn phương chính quanh Đức Orgyan vĩ đại là bốn dakini giác tánh nguyên sơ ban-hỉ lạc, mặc áo choàng lụa nhiều màu, thân huyễn mộng của họ giống như những khối ánh sáng. Họ vung vẩy những mũi tên trường thọ và những bình trường thọ trong bốn phương khi hát bài ca tán thán.

Ở bên kia chiếc ngai, trên một ngai khác là bậc đạo sư tôn kính của lòng bi mẫn, bậc Kim Cương Trì ba nhánh vĩ đại[94], bậc dẫn dắt siêu phàm Dechhen Dorje (cũng được biết là Drimed Khakyod Wangpo). Ngài là hiện thể đầy năng lực gần đây nhất của một loạt những hóa thân linh thánh trải qua nhiều đời, gồm cả Srongtzan Gampo (thân tướng mà Đức Avalokiteshvara đã hóa hiện làm một vị vua tâm linh để che chở miền bắc Tây Tạng, Xứ Tuyết), cũng như Nub Namnying và Dagpo Daod[95]. Thân tướng của Dechhen Dorje thì còn gây xúc động hơn trước đây[96], rực rỡ với “cờ chiến thắng” là những chiếc y nhà sư màu nghệ. Ngài đội chiếc nón của học giả, nhọn đầu với những miếng vải che tai dài, cầm một cái trống tay và một cái chuông. Trong bốn hướng chính quanh Ngài, tôi thấy bốn dakini màu trắng cầm những mũi tên có đính những dải ruy băng lụa xanh dương. Trước mặt Ngài là một dakini màu xanh dương sậm có vẻ biểu hiện phẫn nộ, đeo một khăn choàng lụa nhiều màu và cầm một mũi tên có dải ruy băng lụa màu xanh dương.

Trên một chiếc ngai, bên trái ngai là bậc siêu vượt mọi hoạt động, đạo sư chứng ngộ Jigmed Pawo (cũng được biết là Dza Konchhog) là một tái sanh của Lhatsun Namkha Jigmed[97] và là trưởng tử tâm huyết của Dzaga Chhogtrul Ringpoche[98]. Ngài có nước da hơi xanh sậm, mặc một áo choàng lụa buông dài, đội một chiếc nón học giả, trong tay một cái bình. Ngài là một vị vua trong số những bậc lão luyện thành tựu, là bậc trong đời đã đạt tới sự chứng ngộ tột bực của bốn cái thấy về con đường bí mật hợp nhất sự thuần tịnh nguyên thủy và sự hiện diện tự nhiên[99], và là bậc tâm đã ngập chìm trong trạng thái nơi những hiện tượng thường tục biến mất trong chân tánh của thực tại. Trong bốn phương chính quanh Ngài là bốn dakini đỏ mặc áo choàng đỏ và trước mặt Ngài là dakini khác.

Tôi cũng nhìn thấy một tập hội khoảng mười ngàn daka, những bậc trì giữ giác tánh nội tại, đội nón lông công. Không gian quanh họ tràn đầy hằng hà sa số hàng tỉ thiên nữ đang cúng dường từ nước uống, nước tắm cho tới hoa và thực phẩm. Vài vị trong số đó cầm chày kim cương và chuông, một số cầm trống tay nhỏ, một số cầm xập xõa, một số cầm chiêng, một số cầm các vỏ ốc xà cừ và một số (ở bốn hướng chính) cầm các kèn trắng, vàng, đỏ và xanh lá cây. Những chiếc kèn ở phương tây được làm bằng san hô và được hai dakini mặc áo choàng cam thổi; tôi được kể lại rằng họ đã thực hiện chứng năng đặc biệt là kéo chúng sinh tới con đường Kim Cương thừa. Những chiếc kèn trum pét xương đùi hoàn toàn được làm bằng xương đùi của con người, chứ không bằng đồng đỏ hay đồng thau[100]. Khoảng một trăm tù và bằng cây sậy cũng vang lên. Có khoảng một trăm người giữ lăng mộ trong những áo choàng vàng, vai trái của họ quấn một miếng lụa đủ màu truyền thống.

Tôi hỏi một trong những dakini: “Tập hội nghi lễ được thực hành cái gì ở đây?”

Bà trả lời: “Chúng tôi đang cử hành nghi thức và lễ cúng dường Tám Mệnh lệnh, sự Tập Hội của các Đấng đã Đạt tới Đại Lạc, nó là tinh yếu của giáo lý trong thời kỳ ban đầu của trường phái dịch thuật”[101]

Lúc này, nhiều thành viên của tập hội đứng lên. Cảm thấy bối rối và sợ hãi, tôi cũng đứng lên và lễ lạy liên tục. Tiến lại gần, tôi đặt bàn chân Đức Guru toàn trí vĩ đại lên đỉnh đầu. Tôi cúng dường Ngài một mạn đà la có hình dạng kim loại và đá quý và một khúc lụa trắng trinh nguyên. Sau đó Đức Orgyen vĩ đại đặt bàn tay lên đầu tôi, đọc Lời Khẩn nguyện Bảy-Dòng.

Chú tôi, Khakyod Wangpo bắt đầu: “Với năng lực đối với sự trường thọ, cuộc đời con sẽ vô hạn…” và, trong khi vung vẩy một mũi tên trường thọ ông tụng một nghi lễ triệu thỉnh những năng lực trường thọ.

Về phần mình, Dza Konchhog hát:

Tri giác của giác tánh nguyên sơ thì trong trẻo sống động.

Ngọn đèn cho sinh linh là ngọn đuốc của giác tánh nguyên sơ.

Lộng lẫy và tráng lệ tột bậc, chói ngời rực rỡ.

là bậc đạo sư trì giữ thần chú, vị vua của các thần chú của giác tánh.

A P’hat A P’hat A P’hat.

Tôi vẫn quỳ trên nệm bằng lụa trắng, kêu khóc không thôi. Những giọt nước mắt rơi xuống tụ lại giống như nước trên nền pha lê. Sau cùng, bởi tràn ngập đau buồn, tôi kêu lên: “Ôi chú tôn quý, chú đã bỏ rơi chúng sinh, nhất là lũ chúng con là những đệ tử và thị giả và là đối tượng của lòng thương yêu của chú. Trong khi chú đã đi tới một cõi thuần tịnh không để lại một dấu vết, thì đứa cháu gái này cảm thấy còn đau đớn hơn là trái tim nó bị xé tung ra. Những đệ tử và thị giả khác của chú cũng cảm xúc như thế. Chú ơi, con khẩn cầu chú từ đáy lòng con. Chú chỉ phải quay trở lại thế giới loài người vì lợi lạc của chúng sinh. Cho tới khi hiện thân giác ngộ của chú xuất hiện trở lại, đứa con gái này sẽ không đi đâu hết. Con tới đây với ý hướng chín chắn. Con đã tới, con gặp được chú; và gặp chú rồi, con đưa ra lời thỉnh cầu. Xin hãy làm cho tất cả những gì con yêu cầu chú trở nên có ý nghĩa, con van xin chú!” Và tôi lại bắt đầu khóc, đôi mắt tôi đẫm lệ.

Drimed Khakyod Wangpo biểu lộ lòng thương yêu của Ngài bằng cách trả lời: “Dadrol cháu ta, những gì con nói thì hoàn toàn chân thực, tuy thế con không nên buồn rầu. Giữa ta và Đạo sư Orgyen vĩ đại không có chút khác biệt nào. Mặc dù những danh xưng theo quy ước ‘sinh’ và ‘chết’, đối với ta, trong ý nghĩa tối hậu, không có chút ý niệm nào về sinh hay tử.

“Mọi chúng sinh hữu tình đã từng có bất kỳ mối liện nào – dù tích cực hay tiêu cực – với ta, lão già Dechhen Dorje này, đã được đưa dẫn tới núi Huy Hoàng trên tiểu lục địa Chamara, cõi thuần tịnh của các Đấng Chiến Thắng của ba thân, giống như một đàn chim bị giật mình bởi một viên sỏi bắn ra từ một súng cao su[102]. Ngay cả bây giờ, ta ban cho con một lời hứa trang nghiêm rằng những đệ tử hay thị giả nào có thể cầu xin ta sẽ đồng thời trở thành những vị Phật”.

“Con là kẻ đau khổ vì lời giải thích của ta, hãy thận trọng trong sự sùng mộ của con, hãy nhìn đạo sư như Pháp Thân của Phật Quả. Hãy chú tâm tới lòng bi mẫn của con, hãy thấu hiểu rằng sáu loài chúng sinh là những cha mẹ của con. Hãy thận trọng trong việc thực hành đức hạnh, đừng làm mờ tối bất kỳ điều gì con làm với những lợi lạc vị kỷ. Hãy thận trọng trong việc trì tụng các thần chú và những thực hành thiền định, đừng rơi vào tám ảnh hưởng thế tục[103], hãy thấu suốt duy nhất thần chú mani sáu-âm để làm đầy đủ thực hành của con. Hãy thận trọng trong thực hành chính thức của con, hãy gộp chung mọi sự trong tâm chân thật của riêng con. Chớ phạm sai lầm! Chớ phạm sai lầm!”.

“Ngay khi con rời bỏ thân người này, ta sẽ dẫn tất cả các con tới cõi thuần tịnh này như một con ngỗng dẫn dắt đàn ngỗng con của nó. Hãy đơn giản nhận ra rằng không phải ta dẫn dắt, mà chính là Tam Bảo! Khi con trở lại cõi người, hãy thuật lại tất cả những thông điệp này cho Tromge Kundun, cho những người chủ gia đình trong vùng và cho các đệ tử thân thiết của ta. Hãy thực hiện điều ta nói, bởi ngay cả nếu họ có trực tiếp gặp ta, ta cũng không có gì hơn để nói với họ”.

Khi nói những lời này, Ngài ban cho tôi một phần hậu hĩnh thức ăn và nước uống của tiệc cúng dường. Tôi quỳ lạy ba lần nữa rồi từ giả Ngài.

Trong một lâu đài bằng pha lê với tám con rồng lam ngọc cầm những hạt ngọc trong móng vuốt của chúng và cặp đôi trong tám phương chính và phụ, tôi tìm thấy một cái giường dễ thương với những chiếc gối và gối ôm, và nằm xuống đó. Một dakini làm thị giả phục vụ tôi. Tôi có cảm tưởng là mình đã ngủ một lúc, khi tôi được đánh thức bởi tiếng kêu của một chim công có màu xanh xanh: “A a u u e o a m!”[104]

Tôi lập tức quay trở lại với Đức Guru linh thánh và được hội kiến Ngài như trước đó. Tôi thực hiện nhiều lễ lạy và cúng dường. Trước sự hiện diện của người chú linh thánh, tôi lại khóc. “Chú ơi, không phải chú chỉ bỏ chúng con, mà giờ đây chú còn bỏ lại phía sau cả Tromge Chhogtrul Rinpoche là nơi nương tựa duy nhất cho những người tràn đầy hy vọng. Nếu công đức cho phép chúng con nương cậy Ngài đã cạn kiệt, thì nỗi khổ của chúng con sẽ to lớn hơn nỗi khổ của một người mù thiếu sự dẫn dắt và ngã nhào nơi vách núi. Có thể làm được gì để bảo đảm rằng sẽ không có chướng ngại nào cho cuộc đời Rinpoche, để Ngài có thể hoàn toàn thực hiện được sứ mạng của Ngài là làm lợi ích chúng sinh và làm thỏa mãn quyến thuộc và các đệ tử của Ngài?”

Chú Khakyod Wangpo có vẻ quan tâm: “Điều đó chắc chắn là một vấn đề có giá trị”, Ngài nói: “Tromge Chhogtrul sẽ sống mười một năm nữa. Nhưng bởi Ngài có thể đau đớn bởi vài bệnh tật nhẹ trước thời gian đó, nên nếu cử hành một nghi thức để mời gọi lại sự bảo hộ của các dakini tương ứng với số tuổi của Ngài, và cúng dường một hình nộm của Ngài theo hướng mặt trời mọc thì sẽ có ích lợi[105]. Sau đó chắc chắn Ngài sẽ sống thọ như thế”.

Tôi hỏi: “Khi nào Ngài quay trở lại?”[106]

Ngài trả lời: “Hiện tại ta sẽ đi cõi thuần tịnh gọi là Mộ Địa Núi lửa Đang Phun để dạy Giọt Tâm Yếu của Chetzun[107] cho những người tụ hội ở đó. Mặc dù rất có thể người ta nghe nói về cách thức mà hóa thân của ta sẽ được sanh ra sau đó, chớ ghi lại những điều này, bởi chúng cần một sự niêm phong bí mật.

Còn bây giờ con gái ta sẽ nguy hiểm cho con khi ở lại cõi giới này và con không nên tới đây một lần nữa[108]. Hãy quay về cõi người và làm lợi lạc các sinh loài. Trong vòng ba năm tới, ta sẽ tái sanh ở đó một lần nữa”.

Mặc dù rất đau đớn khi phải chia ly với nơi nương tựa của tôi, tôi chuẩn bị để quay trở về. Tôi hát lớn ba lần Lời Khẩn nguyện Bảy-Dòng và cầu nguyện tha thiết nhiều lần với Đức Padmasambhava, với chú tôi và với Tam Bảo. Như một dấu hiệu là tôi đã viếng thăm núi Huy Hoàng trên tiểu lục địa Chamara, tôi được ban pháp danh là Khadro Sherab Chhodron (Dakini Bậc là Ngọn Đèn Trí huệ Tâm linh).

Nhiều hiện thể tập họp ở đó tấu nhạc và các dakini làm những người hộ tống cho tôi. Thân tôi bị để ý và tâm tôi thì tràn đầy sự vướng mắc, nhưng không có gì để làm. Nước mắt tôi rơi như mưa trong khi thiết tha cầu nguyện thật nhiều.

Rồi chúng tôi tiến lên phía trước. Dakini Tsewang Barma lại gặp tôi lần nữa. Bà ban cho tôi bảy viên cam lồ[109] và một hộp châu báu hình khối vuông của dakini làm bằng pha lê thạch anh. Bởi tôi không mang chúng theo mình, bà đọc một bài cầu nguyện rất hay cho tôi:

Cầu mong giáo lý của chư Phật được truyền bá.

Cầu mong cuộc đời các đạo sư được vững chắc.

Cầu mong đại lạc và hạnh phúc đếnvới các sinh loài.

Cầu mong tất cả đạt được Phật Quả giác ngộ.

Tôi cũng gặp dakini Laykyi Wangmochhe một lần nữa. Bà ban cho tôi lụa trắng, gạo, những bó nhang và những thức khác và tôi ở với bà một lát, Bà nói:

Cầu mong đại lạc và hạnh phúc đến với cô gái này.

Cầu mong không có chướng ngại cho cô gái này.

Cầu mong sự che chở và nương tựa cho cô gái này.

Cầu mong cô gái này có thể làm lợi lạc các sinh loài.

Sau đó tôi gặp vị phối ngẫu linh thánh Mandarava một lần nữa. Một người đàn bà với vẻ mặt phẫn nộ rót một chất cam lồ trong giống như nước than từ bình bát của bà và đưa cho tôi. Đức Mandarava nói:

Cầu mong chúng sinh được phú tặng sự hạnh phúc.

Cầu mong họ thoát khỏi đau khổ.

Cầu mong họ không bao giờ xa rời hạnh phúc.

Cầu mong họ chứng ngộ tánh bình đẳng của mọi hiện tượng.

Kế đó tôi gặp rapa[110] Namkha Odsal, Ngài nói:

Bồ Đề tâm quý báu:

Nơi đâu nó không phát khởi, cầu mong nó phát khởi.

Nơi đâu nó đã phát khởi, cầu mong nó không bao giờ suy giảm.

Mà tăng trưởng thêm, thêm nữa!

Om mani padme hung[111].

Sau đó tôi gặp dakini Yeshe Tsogyal. Bà cho tôi một chất lỏng màu hơi trắng giống như nhựa cây. Mặc dù Bà hát một bài ca nối kết với thần chú bao gồm danh hiệu của Đức Padmasambhava, nhưng tôi không viết ra đây. Bà cho tôi bài cầu nguyện tha thiết sau:

Cho cô gái Dawa drolma này,

trong thế giới phàm tục của cõi người,

trong lãnh vực của thị kiến bao gồm trong đôi mắt cô ta,

khi còn trong thân xác hữu hình:

Ở phương đông khi cô ta nhìn về phương đông,

cầu mong cô nhìn thấy một người gác cổng pha lê.

Khi cô nhìn về phương nam, hãy nhìn về phương nam,

cầu mong cô thấy một người gác cổng bằng vàng.

Khi cô nhìn về phương tây, hãy nhìn về phương tây,

cầu mong cô nhìn thấy một người gác cổng bằng san hô.

Khi cô nhìn về phương bắc, hãy nhìn về phương bắc,

cầu mong cô thấy một người gác cổng màu lam ngọc.

Khi cô ta hát một bài ca thần chú Kim Cương Đạo sư

cầu mong cô thấy Đức Padma Jungnay.

Khi tiệc cúng dường được cử hành ở đây

cầu mong cô gái tới viếng cõi giới này.

Cầu mong cô đưa dẫn những chúng sinh này, những kẻ có liên hệ với cô, trong phạm vi vật lý hay ngôn ngữ[112]

tới lục địa Chamara.

Bà bảo tôi: “Hãy tới đây vào những ngày âm lịch khi những kết quả của những hành động của chúng ta được nhân lên một trăm ngàn lần: những ngày mồng mười, mười lăm và những ngày mười lăm và mồng một”.

Bà nói thêm: “Hãy khởi hành ngày hôm nay và đừng khóc lóc”, nhưng khi Bà đi với tôi một trăm bước, Bà đã để mặc nước mắt tuôn rơi. Bà nhấn mạnh: “Trừ một quãng ngắn ta đã đi hôm nay, nhưng thực ra ta chưa bao giờ đi đâu hết”. Sau khi đi thêm 110 bước nữa, tôi nhìn lại Bà. Tôi đã quá quyến luyến, nhưng Bà gọi to: “Đừng buồn vì điều này”.

Đi xa hơn nữa, tôi lại tới trú xứ của dakini Wangmo. Một trong những người gác cổng dẫn tôi tới gặp bà. Do bởi mối liên hệ chặt chẽ của chúng tôi, tôi khóc òa lên vì sợ rằng chúng tôi sẽ phải chia ly và chính vị dakini cũng nhỏ ít dòng lệ. Bà cho tôi một nhúm hạt.

Bà nói: “Ta không được tự do di hộ tống con, nhưng ta có một thông điệp cho con mang về. Không có lỗi lầm gì trong việc con kiên quyết cắt đứt những ràng buộc của con với cõi người và đi tới đây. Nếu con thấy mình không thể thoát khỏi miệng một con cá sấu dữ tợn hay một con rắn độc hiểm[113], hãy ném hạt này và nói: “Hạt này ném ra từ tay dakini Wangmo”.

Tiếp tục đi xuống, tôi được gặp và hộ tống bởi tám dakini, gồm cả Yul-lha, vị dakini ở vùng Derge đã nói ở trên. Khi chúng tôi thảo luận về sự tường thuật của tôi về cõi thuần tịnh, tôi cứ khóc mãi. “Bây giờ hãy nghỉ qua đêm”, bà nói. “Nếu ta có thể ban cho con một quán đảnh về ba bổn tôn-Amitayus, Samyak và Vajrakilaya thì con, ôi dakini, đối với các tulku đặc biệt, các lạt ma, thiện tri thức và những terton hóa thân linh thánh đang ở trong cõi người bình phàm, con sẽ trở thành một dakini cao quý, bậc sẽ xua tan chướng ngại cho những cuộc đời trường thọ của các ngài”. Nhưng tôi không có thời gian để nhận lãnh quán đảnh này.

Khi tôi tiếp tục, Đức Tara Trắng cảnh báo tôi chớ nói bất kỳ điều gì về các điềm xấu. Tôi lại tới hội kiến Đức Jamyang Khyentsei Wangpo. Với vẻ khoan thai từ tốn, dường như Ngài vui hơn lần trước và hơi mỉm cười. Ngài chắp tay hướng về phía tôi và Đức Tara Trắng nói những lời như sau:

Dù Ngài có chắp tay hay không,

dù Ngài có tin hay không,

tái sanh này của Đức Tara Trắng tôn quý

sắp đi tới cõi người bình phàm.

Đi xuống nữa, vị nhiếp chính Jampa Migyur gởi một đội hộ tống gồm năm dakini tới gặp tôi. Để xua tan nỗi sợ của tôi đối với những cư dân ở trong địa ngục, Ngài ban cho tôi một sợi dây ban phước có một chày kim cương được khắc từ một miếng đá phiến và một cái nơ có hình dạng một con bò cạp khắc trên đá. Ngài tụng những lời ước nguyện chẳng hạn như bài bắt đầu bằng “Bồ Đề tâm quý báu…”[114]

Khi tôi tiếp tục, Đức Tara Trắng nói: “Con đã không mang theo người hộp châu báu của dakini bằng pha lê mà hai chúng ta định đem về, vì thế có ý nghĩa gì khi mang chiếc nơ đá này, là thứ không cần thiết?” và vì thế tôi bỏ rơi nó trên mặt đất.

Rồi ở chỗ khuất gió của một mặt tảng đá, tôi nhìn thấy một cõi thuần tịnh sinhh ra từ đại nguyện, một cung điện rộng lớn bằng pha lê. Trên cổng phía đông là một cái khóa bằng pha lê có kích thước khoảng chiều dài tay áo tôi. Bên phải và trái trên chiếc cổng là hai hình ảnh của Đức Phật Amitayus. Giữa hai tấm hình tôi nhìn thấy thần chú mani sáu-âm được viết trong ba loại chữ, chữ này trên chữ kia: Tây Tạng, Lantza và Wardhu[115]. Ở đó vị dakini Yul-lha (là vị tôi đã gặp trước kia) và tôi gặp một cô gái thuộc gia đình Gya Chhagla tên là Adam. Cô ta và Yul-lha hết sức mừng rỡ, hôn và ôm nhau quanh cổ như những người trong thế giới phàm tục.

Trên một chiếc ngai cao trong cung điện là một lạt ma cao tuổi có bộ râu trắng. Ngồi nép một bên trên một cái ngai trước Ngài là Ashey Drolma, chị của cha tôi (Tromge Jigmed T’hrogyal). Một người đàn bà với mái tóc cột túm lên trong một chiếc khăn xếp đang đặt nhiều câu hỏi cho cả hai vị về những vấn đề liên quan tới giáo lý đạo Phật. Có khoảng hai mươi ngàn người đàn bà khác ở đó, cả nữ cư sĩ lẫn ni cô; tất cả đều cầm những chiếc đèn bơ bằng kim loại và hát tụng những lời ước nguyện.

Khi tôi tiến lại gần hơn, Ashey Drolma nói: “Hãy mang thông điệp sau đây tới cho Jigmed T’hrogyal: ‘chị đã tái sanh trong cõi giới của đại nguyện này. Cha mẹ chúng ta đều đã tái sanh tại Zangri Kharmar[116], nơi họ đang làm lợi ích cho chúng sinh như những hành giả Kim Cương thừa đầy năng lực. Tên của em khi em còn nhỏ là Yudra Nyingpo; tên mà em được gọi bây giờ thì không rõ ràng đối với chị, nhưng em đã mắc phạm những hành động đức hạnh lẫn ác hạnh trong đời này. Trong khi không khó để thực hiện một sự pha trộn như thế gồm những hành động như một con người phàm tục trong vòng luân hồi, điều quan trọng là em đã có được sự sinh ra làm người ít nhất là một lần. Đã tới lúc để chứng ngộ tiềm năng của đời người này, vì thế hãy trì tụng thần chú sáu-âm và đừng quên thỉnh thoảng nhập thất. Khi ấy, không còn nghi ngờ gì là em sẽ được tái sanh trên núi Huy Hoàng ở tiểu lục địa Charmara ngay tức khắc khi từ giã cuộc đời này”’.

Tôi cũng tụng những lời ước nguyện nhiệt thành.

Như thế, đây là linh kiến vắn tắt của tôi về núi Huy Hoàng. Tôi, một đứa con gái khiêm tốn của bộ tộc của Đạo sư Tromge, có tên là Dawa Drolma đã chết trong năm ngày và đã kinh nghiệm những linh kiến về núi Huy Hoàng, núi Potala và những cõi giới khác. Những tường thuật này không được thêm thắt bằng những ngôn từ bác học, không được tô điểm bởi văn thuật của thi ca kinh điển mà cũng chẳng có những vần điệu du dương thích hợp. Nhưng tôi cũng không làm cho những ngôn từ huyền diệu của các dakini trở nên khó hiểu.

Đây là những câu chuyện dông dài, không đầu không đuôi khùng điên của chính cô gái này, được hóa thân Nyag Trulpa[117] ghi chép ngay khi tôi thuật lại chúng trên đỉnh Đèo Mani Tashi trong vùng T’hrom. Tôi xin sám hối với tập hội chư vị dakini và Hộ Pháp bất kỳ lỗi lầm nào bao hàm trong những câu chuyện đó và cầu mong công đức này khiến cho những ai nghe tới ngay cả danh hiệu của tôi và những ai nhiệt thành quan tâm tới những kinh nghiệm thuần tịnh linh kiến này được tái sanh trong núi Huy Hoàng trên tiểu lục địa Chamara.

May mắn, may mắn, may mắn!

Sarva mangalam – cầu mong mọi sự tốt lành.




Chú thích



[1] Tờ đầu của bản thảo bị thất lạc, và vì thế bản dịch bắt đầu từ tờ 2a. Đoạn này có vẻ là một phần của những câu kệ mở đầu, đặc biệt là sự trình bày về ý định của Dawa Drolma.

[2] Một bài cầu nguyện nổi tiếng Đức Padmasambhava. Cũng được biết là Guru Rinpoche, Đức Padmasambhava là một đạo sư Phật Giáo Kim Cương thừa của tiểu lục địa Ấn Độ, Ngài đã du hành tới Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám để phát triển rộng lớn truyền thống Phật Giáo ở xứ này. Dân chúng Tây Tạng tôn kính Ngài như “Đức Phật thứ hai” và nhiều thực hành sùng mộ trong Phật Giáo Tây Tạng tập trung vào Ngài.

[3] Dakini là một từ Phạn ngữ được dùng trong Phật Giáo Kim Cương thừa để chỉ một nữ bổn tôn hiện thân cho hoạt động giác ngộ hoặc, trên một bình diện thế tục hơn, một người nữ đã đạt được một cấp độ thành tựu tâm linh đáng kể. Người nam tương đương là daka.

Dorje Yudron là một trong mười hai thiên nữ tenma là những vị đã thệ nguyện bảo vệ miền đất Phật Giáo và quốc gia Tây Tạng.

[4] Phật Giáo Đại thừa công nhận mười cấp độ chứng ngộ (thập địa) giữa lần đầu tiên thoáng nhận ra tánh Không (là chân tánh của thực tại) và cấp độ toàn giác của một vị Phật. Trong một ý nghĩa thông thường thì Bồ Tát là bậc đi theo con đường Đại thừa và chính xác hơn là bậc đã chứng ngộ ít nhất là cấp độ chứng ngộ đầu tiên (sơ địa).

[5] Các vị trời địa phương là những chúng sinh phi-nhân mạnh mẽ cư trú và thống trị những khu vực đặc biệt, kiểm soát thời tiết và các trạng thái đất đai. Văn hóa Tây Tạng dành nhiều sự quan tâm trong việc duy trì những mối liên hệ hài hòa với các vị trời địa phương của một miền đất. Nyen là những linh tinh đất đầy năng lực dũng mãnh.

[6] Trong Phật Giáo Tây Tạng, tulku là những hóa thân của các bậc thầy tâm linh những đời trước, được chính thức công nhận, tôn phong và dạy dỗ để tiếp tục những hoạt động của những hóa thân trước kia của các ngài. Ba vị tulku được nhắc tới ở đây là Tromge Kundun, Tromge Trungpa và Drimed Khakyod Wangpo, các ngài là những vị thầy Dawa Drolma và xuất hiện thật rõ nét trong các tường thuật của bà. Hơn nữa, vị sau cùng còn là chú của bà và đã thị tịch trước khi những sự kiện được tường thuật trong bản văn này xảy ra.

[7] Jatrul, “hóa thân của Ja” là một đệ tử của ba vị tulku được đề cập trong chú thích 6, đã cho rằng Dawa Drolma được sắp đặt để làm phối ngẫu tâm linh của ông. Tuy nhiên gia đình bà đã từ chối cuộc hôn nhân này. Thất vọng cay đắng, Jatrul đổ lỗi cho Jigmed T’hrogyal, cha của Dawa Drolma, bởi đã từ chối không cho ông người vợ được sắp đặt này.

[8] Khi chúng sinh trong nhân loại làm gãy bể các thệ nguyện Kim Cương thừa, hay samaya của họ, họ bị tái sanh làm những chúng sinh yêu ma phi-nhân mà tiếng Tây Tạng gọi là damsri, hay “những yêu ma gãy bể samaya”. Những yêu ma này không chỉ chịu đựng những hậu quả tiêu cực của những vi phạm đạo đức riêng của họ mà bằng những hành động của họ, họ còn khuyến khích người khác mắc phạm những vi phạm tương tự.

[9] Ba mặt phẳng là thế giới địa ngục, thế giới bề mặt và các thiên đường.

[10] Một bổn tôn thuộc nghiệp là vị bổn tôn mà một người có mối liên hệ nghiệp mạnh mẽ nhất với Ngài, nhờ vào những ràng buộc được thiết lập trong những đời trước.

[11] Ogyan là tên Tây Tạng của Oddiyana trong Phạn ngữ, nó ám chỉ một xứ sở có tính chất huyền thoại mà cư dân của nó là những hành giả cao cấp của Phật Giáo Kim Cương thừa. Những tường thuật đáng tin cậy nhất nhận diện nó là xứ Kashmir hiện nay.

[12] Torma là những nghi lễ cúng dường nào đó được cử hành trong truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.

[13] Dawa Drolma đang nói tới Tromge Kundun, là người mà sau này bà cũng nhắc tới là Chhogtrul Rinpoche, “Hóa thân Cao quý Siêu phàm”. Đạo sư gốc là vị thầy khai thị chân tánh của bổn tâm ta.

[14] Tu viện Tromge, nơi đó các vị thầy của Dawa Drolma đã sống và giảng dạy, theo cả hai dòng Nyingma và Sakya của Phật Giáo Tây Tạng.

[15] Một tantra chính yếu (xem chú thích 61) và bổn tôn của loại tantra cao nhất trong các “tân” phái của Phật Giáo Tây Tạng được sáng lập từ thế kỷ thứ mười một. Hevajra là thực hành chính trong dòng Sakya.

[16] Vajradhara là một vị Phật thuộc dharmakaya (Pháp Thân), hay thực tại tối hậu, trong biểu tượng Kim Cương thừa.

[17] Suốt trong các bài tường thuật, Dawa Drolma nhắc tới bản thân mình trong ngôi thứ ba là “cô gái này”. Có lẽ vì Dawa Drolma đã đọc những tường thuật này cho một người sao chép cũng như bởi tánh khiêm tốn và tự xóa nhòa chính mình của bà.

[18] Amitayus là vị Phật của sự trường thọ mà pháp thực hành của Ngài kéo dài thọ mạng của hành giả. Samyak và Vajrakilaya là những bổn tôn phẫn nộ mà những pháp thiền định của các ngài che chở hành giả tránh khỏi các chướng ngại.

Có ba cõi thuần tịnh liên kết với ba thân (kaya), hay các cấp độ của hiện thể giác ngộ. Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ là một trong nhiều cõi thuần tịnh được gọi là các cõi thuần tịnh Hóa Thân (nirmanakaya), hiện hữu trong một vài ý nghĩa nào đó trong cách thế tương tự với cấp độ bình thường của thực tại vật lý của chính chúng ta, nhưng chỉ những người có sự nội quán và thành tựu tâm linh sâu xa mới có thể đi tới được. Các cõi thuần tịnh Báo thân (sambhogakaya) tạo thành một cấp độ đang hình thành của sắc tướng thuần tịnh phi vật chất. Cõi thuần tịnh Pháp Thân (dharmakaya) là bản tánh vô sắc tướng, nền tảng của thực tại, vượt lên bất kỳ sự tạo tác ý niệm nào. Những kinh nghiệm của Dawa Drolma trong chương này hoàn toàn xảy ra trong phạm vi của một cõi thuần tịnh Hóa Thân, mặc dù sau này bậc dẫn dắt của bà là Đức Tara nhắc tới hai cấp độ khác trong chương này (xem chú thích 83).

[19] Một lễ quán đảnh là một nghi lễ trong Phật Giáo Kim Cương thừa, nó cho phép người nhận thực hành một pháp thiền định bổn tôn đặc biệt.

Một terton là một bậc tìm lại và khám phá kho tàng giáo lý ẩn dấu, hay terma. Laykyi Dorje là một bậc thầy Nyingma ở thế kỷ mười bốn, đã tìm lại một số giáo khóa quan trọng.

[20] Trong những kinh nghiệm thực sự về giác tánh nguyên sơ, hành giả có thể đột nhiên thấu suốt các sự kiện, ngôn ngữ, ý niệm và v.v… mà trước đây họ không biết.

[21] Đó là năm 1924.

[22] Đây là những giáo lý của Phật Giáo Kim Cương thừa, “bí mật” bởi vì chúng sâu xa (và vì thế chỉ có thể tiếp cận được với sự hướng dẫn đúng đắn) và được giữ riêng tư giữa vị thầy và đệ tử. Cách sử dụng “mantra” (thần chú) nổi bật đậm nét trong những giáo lý như thế, nhưng từ nguyên học của thuật ngữ biểu thị “cái bảo vệ tâm” chống lại những kiểu thức tư tưởng lầm lạc.

[23] Tập trung vào một hình tướng của Đức Avalokiteshvara, vị Bồ Tát của lòng bi mẫn, với mười một mặt, một ngàn tay và một ngàn mắt, đây thường là một nghi lễ kéo dài hai ngày, chay lạt một phần trong ngày đầu và chay lạt hoàn toàn vào ngày thứ hai.

[24] Đây là hai giai đoạn của thiền định Kim Cương thừa chính thức. Giai đoạn trước liên quan chủ yếu tới sự quán tưởng và trì tụng thần chú; giai đoạn sau giải quyết những kỹ thuật du già cao cấp và sự thiền định không hình tướng.

[25] Bhurkakuta là một bổn tôn được kết hợp với sự tịnh hóa samaya bị gãy bể hay bất tịnh.

[26] Để có một sự giảng nghĩa về sáu cõi, xin coi Dẫn nhập.

[27] Giáo khóa chính này là một terma được terton Karma Lingpa khám phá vào thế kỷ mười bốn.

[28] Thần chú của Avalokiteshvara, Bồ Tát của lòng bi mẫn: Om mani padme hung. Nó cũng được nhắc tới là “thần chú sáu âm”.

[29] Những thời gian khác nhau trong ngày được kết hợp với bốn loại hoạt động giác ngộ - sáng sớm với pháp làm an bình (tức tai), gần trưa với pháp tăng ích, chiều và tối với năng lực (pháp kính ái) và tối khuya với tiềm lực phẫn nộ (pháp hàng phục).

[30] Đây là những nghi lễ nhắm vào Đức Yeshe Tsogyal, phối ngẫu người Tây tạng của Đức Padmasambhava. Sự dâng cúng một bữa tiệc là một nghi lễ chính yếu trong Phật Giáo Kim Cương thừa, được thực hành để nâng cao sự chứng ngộ và để chuộc lỗi những vi phạm thệ nguyện tâm linh của hành giả.

[31] Tuyên bố này là một ám chỉ tới quan điểm rõ ràng của Phật Giáo. Nếu từ vô thủy dòng tâm thức của tất cả chúng sinh từng trải qua những chuỗi hóa thân đời này sang đời khác, thì hệ quả là mọi chúng sinh đã có lúc từng là cha hay mẹ của bản thân ta.

[32] “Orgyan vĩ đại” ám chỉ Đức Padmasambhava, bởi sự sinh ra kỳ diệu của Ngài xảy ra trong xứ Orgyan. Tam Bảo là những nguyên lý tâm linh cao nhất của Phật đạo – Phật, hay tâm giác ngộ (ví dụ như được hiện thân trong Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni); Pháp, các giáo lý được một vị Phật như thế ban cho để dẫn dắt chúng sinh tới sự giác ngộ; và Tăng, những vị thực hành và chứng ngộ những giáo lý này và vì thế có thể hành xử như những người dẫn dắt và bạn đồng hành trên con đường tâm linh.

[33] Bồ Đề tâm (sự “tỉnh giác” hay “thái độ giác”) bao gồm hai phương diện – phương diện tương đối là lòng bi mẫn vị tha và phương diện tối hậu là sự chứng ngộ tánh Không, chân tánh của các hiện tượng.

[34] Sự đo lường này được dùng để cung cấp chứng cớ khiến người ta tin rằng kinh nghiệm delog của bà là chân thực, không phải là một trò lừa gạt được tạo dựng.

[35] Một mức độ che chướng bắt nguồn từ sự tổn thương của tâm thức trong bardo, hay trạng thái trung gian giữa các chết và sự tái sinh, trong thời gian thụ thai, thai nghén và lúc sanh ra. Điều này phần nào giải thích cho sự kiện các tulku có thể không biểu lộ sự hoàn toàn nhớ lại những đời trước.

[36] Một bổn tôn Kim Cương thừa được đặc biệt kết hợp với sự tịnh hóa các hậu quả của những ác hạnh và che chướng.

[37] Drolma, từ Tây Tạng tương đương với từ Tara trong Phạn ngữ, thường được ban cho người nữ ở Tây Tạng. Tsult’ hrim Drolma là một ni cô đã săn sóc dạy dỗ Chagdud Rinpoche khi Ngài còn là một đứa trẻ (và Ngài nhớ lại với vẻ hài hước, bà đã phát vào đít Ngài rất nhiều).

[38] Trong Phật Giáo Kim Cương thừa, năm “bộ Phật” là một cách thức phân loại các bổn tôn được sử dụng trong thiền định; chúng cũng tạo thành giản đồ cho sự chuyển hóa những yếu tố bất tịnh trong tính chất bình phàm của ta thành các phương diện thanh tịnh và chân thực của chúng. Ở đây khăn trùm đầu màu xanh dương của Dawa Drolma biểu thị Kim Cương bộ, tượng trưng cho việc chuyển hóa sự sân hận thành phương diện thuần tịnh của giác tánh nguyên sơ, nó phản chiếu trong sáng mọi sự như một tấm gương.

[39] Danh hiệu tôn kính khác của Tromge Kundun.

[40] Một nhóm năm thiên nữ, lúc đầu là những tinh linh thế tục nhưng được Dức Padmasambhava thuần thục thành những vị bảo trợ của Phật Pháp. Kết giao với vùng xung quanh Hy Mã Lạp Sơn, họ được tôn kính khắp xứ Tây Tạng.

[41] Giải trừ Chướng ngại trên Con đường là một bài cầu nguyện sùng mộ nổi tiếng, một phần của một giáo khóa terma được khám phát trong thế kỷ mười bốn. Vajra guru (Kim cương đạo sư) là thần chú của Đức Padmasambhava: Om ah hung vajra guru padma siddhi hung. Thần chú của các thân tướng trắng và xanh của Đức Tara là om tara tuttate ture soha. Thần chú của thân tướng màu đỏ của Đức Tara là Om tare tam soha.

[42] Tất cả những chi tiết này được chỉ rõ trong tiên tri của Đức Tara về Dawa Drolma.

[43] Nghiệp được tạo nên trong việc giết một thú vật làm ô uế y phục như thế sẽ gây trở ngại cho sự thành công của kinh nghiệm delog của bà.

[44] Nước mưa trong những mùa nào đó kết hợp với chòm sao của các rishi, hay các vị thấu thị, được những người Tây Tạng hứng lấy và tích trữ do bởi đặc tính chữa bệnh của nó.

[45] Thuật ngữ kunzhi (là từ Tây Tạng tương đương với alaya trong Phạn ngữ) ở đây ám chỉ một mức độ tiền ý thức không có ngay cả những niệm tưởng vi tế nhất.

[46] Đây là ba loại kinh nghiệm phát sinh trong thiền định như những dấu hiệu nhất thời của sự thành công, nhưng hành giả không được dính mắc vào chúng như tự chúng là những mục đích, bởi điều đó sẽ giới hạn tiến bộ tâm linh của hành giả. Sự dính mắc vào lạc sẽ dẫn tới việc tái sinh là một vị trời trong dục giới; dính mắc vào sự trong sáng dẫn tới việc tái sinh làm một vị trời trong sắc giới; dính mắc vào sự tỉnh giác vô niệm khiến tái sinh làm một vị trời trong cõi vô sắc – tất cả những cõi giới ở trong sự hiện hữu có điều kiện.

[47] Như được dùng ở đây, “tính chất thông thường” biểu thị cái gì thuộc nền tảng, chân thực và không bị tạo lập.

[48] Trong các nghi lễ Kim Cương thừa, một mũi tên được trang trí bằng dải ruy băng tượng trưng cho sự trường thọ và thịnh vượng.

[49] Trong vũ trụ học Phật Giáo, hệ thống thế giới của chúng ta bao gồm một ngọn núi ở trung tâm, vây quanh là bốn đại lục chính, mỗi đại lục có hai tiểu lục địa ở hai bên. Tiểu lục địa ở phương tây nam của ngọn núi trung tâm và ở phương tây đối với thế giới chúng ta (“lục địa phương nam”) là Chamara. Đức Padmasambhava an trú ở đó, khuất phục một loài yêu ma khát máu, nếu không chúng sẽ tàn phá thế giới chúng ta.

[50] Hình ảnh đám mây biểu lộ phẩm tính bao la và siêu trần của kinh nghiệm của bà.

[51] Trú xứ của Đức Padmasambhava trong cõi thuần tịnh của Ngài.

[52] Từ Phạn ngữ vidyadhava (bậc trì giữ giác tánh nội tại) ám chỉ bậc đã khám phá chân tánh của bổn tâm Ngài là một trạng thái giác ngộ nội tại (và do đó “trì giữ” kinh nghiệm này).

[53] “Đấng Kim Cương Sanh-trong Hồ xứ Orgyan”, một tính ngữ thông thường của Đức Padmasambhava.

[54] Vajravarahi là một nữ bổn tôn cao cấp nhất của các tantra trong Phật Giáo Kim Cương thừa.

[55] Từ Phạn ngữ tathagata (Như Lai – đấng đã đạt tới một trạng thái như thị) là một tính ngữ chỉ một vị Phật.

[56] Không thể nhận ra vị này; dường như ông là một nhân vật lịch sử có thực trong số những người quen của Dawa Drolma.

[57] Một mala là một sợ chuỗi hột được dùng như chuỗi tràng để đếm các thần chú hay bài cầu nguyện.

[58] Sự trì tụng thần chú trăm-âm của bổn tôn Vajrasattva (Kim cang Tát Đỏa) là một kỹ thuật Kim Cương thừa để tịnh hóa bản thân về các hậu quả của những ác hạnh và che chướng

[59] Đây là sự giải thích dài nhất của một mô tả vũ trụ từ một quan điểm lý tưởng, được cách điệu hóa. Được gợi lên trong trí tưởng tượng của ta, vũ trụ này được cúng dường cho đối tượng của đức tin của ta như một phương tiện để tích tập công đức và làm sâu sắc sự nội quán.

[60] Người nữ đang tắm là một dakini nhờ thành tựu tâm linh của bà mà có được công đức tái sanh trong cõi thuần tịnh của Đức Padmasambhava.

[61] Các sutra (Kinh) là những lời thuyết giảng của Đức Phật tạo nên nền tảng kinh điển của các phái công truyền Tiểu thừa và Đại thừa Phật Giáo; các tantra là những kinh điển bí mật hơn tạo nên nền tảng của giáo lý Phật Giáo Kim Cương thừa.

[62] Một đại đạo sư sống từ năm 1820 tới 1892. Ngài có công trong việc dẫn đạo một cuộc vận động cải cách rộng lớn, tập trung ở miền đông Tây Tạng vào thế kỷ thứ mười chín. Mặc dù trên danh nghĩa Ngài là một lạt ma của phái Sakya, Ngài đã nghiên cứu rộng rãi và trao truyền các dòng truyền thừa trong mọi trường phái của Phật Giáo Tây Tạng.

[63] Đây là những sutra (Kinh), hay những lời thuyết giảng của Đức Phật; vinaya (Luật), hay những luật lệ đạo đức; và abhidharma (Luận), hay những giáo lý siêu hình và tâm lý.

[64] Chày và chuông là những pháp khí được cầm trong tay khi cử hành các nghi lễ Kim Cương thừa. Chày tượng trưng cho các phương tiện thiện xảo, chuông tượng trưng sự thấu suốt siêu việt tánh Không.

[65] Một ám chỉ tục lệ phổ thông ở Tây Tạng là cúng dường một khăn quàng bằng vải trắng cho vị thầy khi cầu xin một sự tiếp kiến hay một trao truyền chính thức các giáo lý tâm linh. Tượng trưng cho lòng chân thành thanh tịnh của hành giả, chiếc khăn thường được vị thầy choàng sau cổ hành giả như một sự ban phước.

[66] Derge được dùng làm trung tâm văn hóa và hành chánh chính yếu của miền đông Tây Tạng. Vị dakini được ám chỉ ở đây là một phụ nữ có thực sống trước thời đại của Dawa Drolma.

[67] Một phần của giáo khóa gồm các giáo lý terma, một vài giáo lý trong số đó được dịch sang Anh ngữ như Tibetan Book of the Death(sách Tây Tạng về cái Chết, Tử Thư).

[68] Một chương của một tantra được sử dụng rộng rãi trong phái Nyingma trong Phật Giáo Tây Tạng như một nghi lễ sám hối phổ thông.

[69] Một hình thức giữ hơi thở được sử dụng rộng rãi trong các thực hành thiền định Kim Cương thừa cao cấp.

[70] Ba thực hành này được bao gồm trong một khóa giáo lý terma gọi là Heart Drop of Longchenpa (Giọt Tâm Yếu của Longchenpa) (Longchen Nyingt’hig), được Rigdzin Jigmed Lingpa khám phá vào thế kỷ mười bảy. Để có tài liệu về giáo khóa này, xin coi H.H. Dilgo Khyentse Rinpoche, The Wish-Fulfilling Jewel (Viên Ngọc Như Ý) (Boston: Shambhala, 1988), trang 9; và Tulku Thondup, The Tantric Tradition of the Nyingma (Truyền thống Mật thừa của phái Nyingma) (Marion, Mass.: Buddhayana, 1984), trang 174.

[71] Đó là chú của bà, ngài Drimed Khakyod Wangpo.

[72] Con gái của vua xứ Zahor ở Ấn Độ, Mandarava là một phối ngẫu tâm linh của Đức Padmasambhava, bà trợ giúp Ngài trong việc thâu thập năng lực trên sự trường thọ.

[73] Đây là một bản dịch được sửa đổi nổi tiếng của Lời Khẩn nguyện Bảy-Dòng.

[74] Các mara (ma vương) là những thế lực hay chúng sinh làm giới hạn kinh nghiệm của ta và trói buộc ta vào vòng luân hồi. Bốn loại mara như thế thường được nhắc tới là: những cảm xúc phiền muộn, cái chết (hiện thân là Yama, Thần Chết), các sự kết tập tâm-vật lý (các uẩn) cấu thành thân-tâm của một cá nhân không giác ngộ tâm linh, và các thế lực ngăn cản năng lực của tâm đạt được những cấp độ cao hơn của sự thể nhập thiền định (được nhân cách hóa là “những đứa con của các vị trời”).

[75] Trong Phật Giáo Kim Cương thừa, màu trắng và xanh dương được kết hợp với phương đông, màu vàng với phương nam, đỏ với phương tây và xanh lá cây với phương bắc.

[76] Nghĩa đen: “khoảng [chiều dài] tay áo”.

[77] Dấu hiệu ( ) terma biểu thị rằng những trích dẫn khác nhau trong tường thuật này tạo thành một loại terma, hay kho tàng tâm, mà Dawa Drolma đang khám phá.

[78] Trong hệ thống Nyingma của Phật Giáo Tây Tạng, Samantabhadra (Đức Phổ Hiền) là hiện thân của Pháp thân – thực tại tối hậu, không thể diễn tả được. Thuật ngữ có nghĩa là nó “hoàn toàn tích cực”.

[79] Vua Hoa sen (padma Gyalpo) và Padma T’hod T’hreng Tzal là những tính ngữ biểu thị cho những khía cạnh đặc biệt của Đức Padmasambhava.

[80] Một yogini của Phật Giáo Ấn Đỗ cổ được miêu tả rõ ràng trong sự truyền dạy của nhiều giáo lý Nyingma. Xem Thondup, Truyền thống Mật thừa của phái Nyingma, trang 17.

[81] Một phép ẩn dụ về sự hợp nhất các phương tiện thiện xảo và trí huệ siêu việt.

[82] Từ Phạn ngữ samsara và nirvana biểu thị một cách tương ứng trạng thái không giác ngộ, có điều kiện của sự hiện hữu bình phàm đối nghịch với trạng thái giác ngộ, không điều kiện của giác tánh của một vị Phật.

[83] Tuyên bố này cho thấy Dawa Drolma không thực sự chết, mà phải trở lại thân xác bà trong cõi người. Mặc dù vào lúc này Đức Tara muốn nói tới các cõi thuần tịnh khác thuộc các cấp độ giác ngộ Báo thân và Pháp Thân, nhưng tất cả những sự kiện trong chương này, bao gồm những sự kiện từ lúc này trở đi, xảy ra trong cõi thuần tịnh Hóa Thân Núi Huy Hoàng Màu-Đồng Đỏ.

[84] Năm điều chắc chắn này là những đặc tính tiêu biểu của Báo Thân – đó là luôn luôn có một vị thầy toàn hảo, có quyến thuộc, hoàn cảnh, giáo lý và cơ hội.

[85] Một tính ngữ chỉ Đức Avalokiteshvara, Bồ Tát của lòng bi mẫn.

[86] Đó là Đức Phật Pháp Thân Samantabhadra (Phổ Hiền).

[87] Một trong mười bảy tantra chính của ati yoga, hay Đại Viên Mãn, sự tiếp cận của phái Nyingma.

[88] Bà cảm nhận rõ ràng rằng những lợi ích trong việc thuật lại kinh nghiệm của bà đã làm nặng nề thêm những hậu quả của việc vi phạm huấn thị của Đức Tara.

[89] Theo Chagdud Rinpoche, điều này có thể ám chỉ mạn đà là năm phương diện của Đức Padma T’hod T’hreng Tzal.

[90] Đức Samantabhadra (Phổ Hiền) được nhắc tới trong ẩn dụ nổi tiếng này về hành vi cúng dường trong tư tưởng thì không phải là Phật Pháp Thân, mà là một Bồ Tát nổi danh trong các Kinh điển về khả năng tạo ra các vật cúng dường theo ý muốn bằng những năng lực thể nhập thiền định của Ngài.

[91] Các vị trời trong cõi trời này thuộc dục giới trong vòng luân hồi (tên theo nghĩa đen có nghĩa là “Những Hóa thân Hỉ lạc”) có nhiều công đức to lớn khiến họ có thể hóa hiện bất kỳ thú vui cảm giác nào họ muốn mà không cần nỗ lực.

[92] Chĩa ba là một biểu tượng của sự thành tựu ba thân.

[93] Đây là một ẩn dụ thông thường về sự không tương xứng giữa ngôn ngữ bình thường và những ý niệm để diễn tả kinh nghiệm trực tiếp về chân tánh của ta.

[94] Bậc duy trì ba cấp độ của sự thệ nguyện trong thực hành Phật Giáo – các giới luật của con đường Tiểu thừa dành cho sự giải thoát cá nhân, các giới nguyện Bồ Tát của con đường Đại thừa, và samaya Mật thừa của con đường Kim Cương thừa.

[95] Srongtzan Gampo là một nhà cai trị của xứ Tây Tạng trong thế kỷ thứ bảy. Phật Giáo được du nhập vào Tây Tạng trong triều đại của Ngài, mặc dù sự củng cố một truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đã xảy ra vài thế kỷ sau này. Nub Namnying (hay Namkhai Nyingpo) là một trong hai mươi lăm đệ tử thân thiết nhất của Đức Padmasambhava ở Tây Tạng. Dagpo Daod (1079-1153) thường được biết nhiều hơn với tên Gampopa, đệ tử chính của Milarepa và là một nhà sáng lập phái Kagyud của Phật Giáo Tây Tạng.

[96] Đó là lúc Dawa Drolma quen biết Ngài trong cõi người trước khi Ngài mất.

[97] Một vị thầy và terton hầu như sống trọn đời ở Sikkim. Ngài sống từ 1597 tới khoảng 1650.

[98] Tu viện Dzaga là một tu viện Nyingma rộng lớn khoảng một ngày du hành từ Tu viện Tromge ở quê hương của Dawa Drolma miền T’hromt’har. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hai trung tâm. Một con trai hay con gái tâm huyết là một đệ tử rất thân cận.

[99] Bốn thị kiến là những giai đoạn chứng ngộ trong sự tiếp cận Đại Viên Mãn. Những từ “sự thuần tịnh nguyên thủy” và “sự hiện diện tự nhiên” ở đây ám chỉ hai giai đoạn thực hành trong Đại Viên Mãn, được gọi là t’hregchhod và t’hogal trong tiếng Tây Tạng.

[100] Từ nương tự trong tiếng Tây Tạng có thể ám chỉ các xương đùi người được làm thành kèn trum pét và ám chỉ những nhạc cụ tương tự làm bằng đồng thau hay đồng đỏ.

[101] Đó là phái Nyingma. Nghi lễ được ám chỉ là một phần của giáo khóa terma chính yếu được Nyang Nyima Odzer khám phá vào thế kỷ thứ mười hai.

[102] Phép ẩn dụ được dùng để diễn tả chuyển động nhanh chóng và quả quyết trong một chiều hướng đặc biệt.

[103] Sự được và mất, danh tiếng và ô danh, khen và chê, và sướng và khổ.

[104] Đây là những nguyên âm Phạn ngữ.

[105] Một nghi lễ trong đó cái chết của một đạo sư cao cấp được nhắc lại bằng một cách tượng trưng, với những vật cúng dường và một hình nộm được đưa ra nhân danh vị đạo sư để làm vừa lòng các thế lực mà nếu không thì có thể đe dọa thọ mạng của vị đạo sư. Một yếu tố chính trong nghi lễ là vũ điệu của năm dakini, được thực hiện bởi năm thiếu nữ, là những vị được nhận lại những vật cúng dường hơn là được cho phép hướng dẫn tâm thức của vị đạo sư tới một cõi thuần tịnh.

[106] Đó là: “Chừng nào Ngài tái sanh trong cõi người?”

[107] Các giáo lý được hệ thống hóa bởi Chetzun Sengge Wangkhyug (thế kỷ mười một tới thế kỷ mười hai) dựa trên sự thành tựu “thân cầu vồng” của Ngài vào năm 125 tuổi. Chúng được Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892) khám phá.

Thân cầu vồng là sự thành tựu cao nhất từ viễn cảnh của sự tiếp cận Đại Viên Mãn hay Dzogchen, trong đó thân hữu hình của hành giả chuyển hóa thành một thân ánh sáng cầu vồng, nó có thể sử dụng như một lực dẫn dắt duy nhất cho những bậc có sự thành tựu tâm linh vĩ đại nhất và duy trì cho tới khi vòng luân hồi không còn chúng sinh.

[108] Bởi làm như thế sẽ có nguy cơ gây nên cái chết thực sự cùng hậu quả là tâm thức của bà không thể trở lại thân xác.

[109] Những viên thuốc được hiến cúng trong những buổi lễ đặc biệt và chúng trao truyền những ân phước cho những ai dùng chúng.

[110] Một repa là một yogin chỉ mặc một y phục mỏng bằng vải trắng (như Milarepa).

[111] Đây là một bài kệ nổi tiếng từ bản dịch tiếng Tây Tạng của Bodhicharyavatara (Bồ Tát Hạnh), một tác phẩm nổi tiếng thuộc Phật Giáo Đại thừa của Shantideva xứ Ấn Độ.

[112] Nghĩa đen: “bằng miệng hay bàn tay”.

[113] Theo Chagdud Rinpoche, đây có thể là một ám chỉ người gác cổng hung dữ mà Dawa Drolma có thể gặp trong hành trình trở về cõi người của bà; hạt gạo là một hình thức của sự bảo vệ.

[114] Xem chú thích 111 ở trên.

[115] Lantza là một loại chữ trang trí được người Tây Tạng dùng trên đầu đề các trang sách và làm các câu khắc trên những bánh xe cầu nguyện và v.v..; nó là một loại chữ miền bắc Ấn Độ mà nhờ những chữ tiêu đề (uchen) của mẫu tự Tây Tạng được đặt nền tảng. Chữ Wardhu (Wartula Gupta) là loại chữ bắc Ấn Độ khắc trên đó những chữ “không tiêu đề” (umed) của Tây Tạng được đặt nền.

[116] Một quận ở tỉnh Dagpo miền nam Tây Tạng.

[117] Đây là cá nhân cũng được nhắc tới là Jatrul; xem chú thích 7 ở trên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/03/2015(Xem: 10022)
Chỉ với tờ giấy khai sinh đã nhòe mực và vốn tiếng Việt bập bõm, suốt 7 năm qua, ông René lặn lội khắp các cơ quan, báo chí ở TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu để tìm mẹ. Mỗi năm, ông dành dụm để bay sang Việt Nam vài tháng và chỉ mải miết với mục đích của mình mà không phút giây nào thảnh thơi. Ông René sinh năm 1948 tại Phước Lễ, nay là thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông là kết quả của mối tình giữa y tá Bùi Thị Năm và một quân nhân Pháp.
13/02/2015(Xem: 8206)
Di hài nguyên vẹn trong tư thế ngồi thiền của một nhà sư tịch diệt cách nay 200 năm vừa được tìm thấy ở Mông Cổ. Tờ báo Siberian Times bằng tiếng Anh của Nga phát hành ngày 02 tháng 2 năm 2015, đã đưa tin này trước nhất, và sau đó các hãng thông tấn, truyền hình và báo chí khắp nơi trên thế giới tiếp tục loan báo và đã gây ra một tiếng vang không nhỏ.
12/02/2015(Xem: 7486)
Hôm ấy, có một vị tỳ-khưu còn trẻ nhưng bị bệnh mất, thi hài được chư tăng hỏa táng. Một vài người thắc mắc sao còn quá trẻ mà đã hết tuổi thọ? Vài ngày sau, trong thành phố Āḷavī có người chết bệnh, có người chết nước, có người chết lửa, có người chết do sét đánh, có người chết do đao kiếm... được bàn tán chỗ này, nơi kia. Đức Phật biết là đúng thời nên ngài thuyết một thời pháp nói về sự chết của các loài hữu tình. Đầu tiên, ngài cảm hứng ngữ thốt lên một bài kệ thơ dài nói về sự chết:
12/02/2015(Xem: 11239)
Trong Kinh Bát Dương có nói rằng:”Sanh hữu hạn, tử bất kỳ”; nghĩa là: “sanh có thời gian, chết chẳng ai biết được”. Điều nầy có nghiã là: khi chúng ta được sanh ra trong cuộc đời nầy, cha mẹ, Bác sĩ có thể đóan chừng ngày tháng nào chúng ta ra đời. Vì họ là những chủ nhân của việc tạo dựng ra sanh mạng của chúng ta; nhưng sự chết, không ai có thể làm chủ được và không ai trong chúng ta, là những người thường, có thể biết trước được rằng: ngày giờ nào chúng ta phải ra đi khỏi trần thế nầy cả. Do vậy Đạo Phật gọi cuộc đời nầy là vô thường.
05/02/2015(Xem: 7120)
Đây là một quyển sách ghi lại ba ngày thuyết giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại thành phố Luân Đôn vào mùa xuân năm 1984, tức cách nay (2014) đúng ba mươi năm. Chủ đề chính của những buổi thuyết giảng này là nguyên nhân nào đã đưa đến sự hiện hữu xoay vần và trói buộc của chúng ta trong thế giới hiện tượng. Sự xoay vần hay "chu kỳ trói buộc" đó gồm có mười hai mối dây tương liên níu kéo nhau và chi phối toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta từ lúc vừa được hình thành cho đến khi cái chết xảy đến và sẽ tiếp tục lập đi lập
18/01/2015(Xem: 6328)
Từ xưa đến nay người ta thường thắc mắc về vấn đề mất còn, sống chết. Có hai thuyết làm cho người ta chú ý đến nhiều nhất. Một thuyết cho rằng loài người cũng như loài vật, một lần chết là mất hẳn, không còn gì tồn tại sau đó nữa. Một thuyết cho rằng loài người chết đi, nhưng linh hồn vẫn vĩnh viễn còn lại, được lên thiên đàng hay bị xuống địa ngục.
07/01/2015(Xem: 6142)
Ở quê tôi, một số gia đình khi người thân mất, có mời Ban hộ niệm đến để hộ niệm. Có điều, những người trong Ban hộ niệm bắt buộc phải niệm (A Di Đà Phật) đến khi nào người chết được vãng sanh mới thôi, có khi quá 24 giờ mới được khâm liệm. Tôi muốn hỏi làm sao để biết người chết được vãng sanh để dừng hộ niệm? Để quá lâu như thế mới khâm liệm có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của mọi người không? (HUỆ QUANG, Bưu điện Ngã Bảy, Hậu Giang)
22/12/2014(Xem: 26445)
Bộ sách Lamrim Chenmo(tib. ལམ་རིམ་ཆེན་མོ) hay Đại Luận Về Giai Trình Của Đạo Giác Ngộ(Tên Hán-Việt là Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận) được đạo sư Tsongkhapa Losangdrakpa (tib. རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ) hoàn tất và phát hành vào năm 1402 tại Tây Tạng và được xem là bộ giáo pháp liễu nghĩa[1]. Bộ sách này sau đó đã trở thành một trong những giáo pháp thực hành tối quan trọng của dòng truyền thừa Gelug, vốn là một trong bốn trường phái Phật giáo lớn nhất tại Tây Tạng đồng thời cũng là dòng truyền thừa mà đương kim Thánh đức Dalai Lama thứ 14 hiện đứng đầu.
13/12/2014(Xem: 8045)
Cụ ông Mahashta Murasi khỏe mạnh ở tuổi 179. Dường như thần chết đang ngủ quên hoặc cuốn sổ tử bỗng dưng để lọt cái tên Mahashta Murasi. Cụ ông Ấn Độ này đã bước sang tuổi thứ 179 và là người có tuổi thọ nhất trong lịch sử loài người vẫn còn sống.
24/11/2014(Xem: 9083)
A NEWBORN baby may have been trapped in a storm water drain on the side of a Sydney motorway for up to five days before he was found by passing cyclists yesterday. The malnourished baby boy was found abandoned at the bottom of a 2.4m drain, covered by a concrete slab, after a cyclist and his daughter heard the baby’s screams early Sunday morning.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]