Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Tôn Giáo Nguyên Thủy

04/03/201608:12(Xem: 8998)
Chương 1: Tôn Giáo Nguyên Thủy

Chương 1: Tôn Giáo Nguyên Thủy

TIẾT 1: GIỚI THIỆU 

1. Tại sao gọi là Tôn giáo học so sánh?

Nội dung của tôn giáo học so sánh là nghiên cứu, so sánh và giới thiệu một cách khách quan về giáo chủ, giáo lý, nghi thức và lịch sử của các tôn giáo. Có hai phương thức trình bày nội dung này: một là, đưa ra các chuyên đề khác nhau để nghiên cứu và thảo luận chung cho các tôn giáo; hai là, chia thành các chương để giới thiệu từng tôn giáo một. Nhưng giữa các tôn giáo, từ xưa đến nay, có rất nhiều điểm bất đồng về tính chất, nên viết bằng phương thức thứ nhất vừa khó khăn lại chưa chắc làm vừa lòng độc giả. Vì vậy, sách này sẽ dùng phương thức thứ hai.

Tôn giáo học[1] được xem là một môn học mới mẻ ở Trung Quốc. Tuy trong thư tịch truyền thống có rất nhiều tư liệu liên quan đến lĩnh vực này, nhưng dùng phương pháp khoa học và góc nhìn lịch sử để luận bàn chi tiết và mang tính chuyên môn, thì mãi đến thời cận đại mới xuất hiện trước tác của một số ít người và chủ yếu vẫn chịu ảnh hưởng của các học giả phương Tây. Trước đây, tại phương Tây, tôn giáo được đem ra luận bàn chỉ hạn cuộc trong phạm vi Cơ Đốc giáo, từ thời cận đại đến nay, mới bắt đầu dùng thư tịch của người phương Đông để nghiên cứu và so sánh rộng rãi. Thành quả của họ sau khi nỗ lực nghiên cứu tôn giáo của các dân tộc bằng khảo cổ học và ngôn ngữ học chính là sự ra đời của môn tôn giáo học so sánh.

Do đó, tôn giáo có thể nhuốm màu mê tín, nhưng tôn giáo học so sánh lại là một môn khoa học nhân văn và khoa học xã hội. Nó tìm cầu chân lý từ sự thật lịch sử, phát hiện vấn đề từ sự giống và khác nhau giữa các tôn giáo, rồi giải đáp vấn đề bằng phân tích tâm lý. Cho nên, môn học này có thể giúp chúng ta nhớ lại quá khứ của nhân loại và còn có thể hướng dẫn chúng ta lựa chọn tín ngưỡng đúng đắn hơn.

Thành phần trí thức trong xã hội hiện đại, đương nhiên không ít người là tín đồ tôn giáo, nhưng thực sự cũng có rất nhiều người không ưa thích tôn giáo. Trên thực tế, văn hóa của nhân loại hoàn toàn là từ tôn giáo mà ra. Sinh hoạt thường nhật của con người ngày nay, mặc dù không có cảm nhận về tâm lý tôn giáo, nhưng cũng khó mà không mang dấu ấn của các hiện tượng tôn giáo. Những tác phẩm văn học xa xưa nhất, vĩ đại nhất của thế giới, như Sử Thi Homer của Hy Lạp, văn học Veda của Ấn Độ, Kinh Dịch của Trung Quốc, Cựu Ước của người Do Thái... không tác phẩm nào không phải là sản vật của tôn giáo. Nghệ thuật kiến trúc kỳ vĩ thời xưa được thể hiện ở ngay tại cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Những tác phẩm điêu khắc và tranh tường sớm nhất, nổi tiếng nhất cũng đều là di sản của tôn giáo. Môn hóa học phát triển từ thời cận đại có nguồn gốc từ thuật luyện kim của tôn giáo cổ (ở Trung Quốc là thuật luyện đan). Thiên văn học cận đại cũng thoát thai từ sự sùng bái chiêm tinh trong tín ngưỡng tôn giáo. Và, các loại nghi lễ của con người ngày nay, từ tổng thống tuyên thệ nhậm chức đến cá nhân tuyên thệ kết hôn; từ thành kính chào cờ đến bắt tay, cúi chào nhau; từ bắn súng chào trong quân đội đến giơ tay chào trong dân gian; từ lễ thắp đuốc ở các sân vận động đến lễ phục của những cô dâu xuất giá; cùng tất cả lễ nghi, lễ tiết trong xã giao; không một nghi lễ nào là không bắt nguồn từ tôn giáo cổ đại. Tuy đa số đã được cải tiến và đơn giản hóa, nhưng vẫn còn đó mối quan hệ với những nghi lễ của tổ tiên chúng ta, ví dụ giữa cúi chào ngày nay và quỳ lạy ngày xưa, cũng chỉ như sự khác biệt giữa 50 bước và 100 bước mà thôi.

2. Phạm vi của Tôn giáo học

Từ “tôn giáo” không thấy có trong thư tịch cổ của Trung Quốc. Nó do các học giả Nhật Bản dịch ý của từ “religion” trong tiếng Anh. Thời kỳ bắt đầu tiếp nhận sự du nhập của văn hóa phương Tây, Trung Quốc đã vay mượn rất nhiều từ ngữ nước ngoài thông qua cầu nối là tiếng Nhật, vì thế từ “tôn giáo” cũng đã được mượn dùng. Rất khó định nghĩa chính xác từ “tôn giáo”, cái nghĩa “lấy đạo thần thánh để giáo hóa nhân dân” mà thiên Hệ Từ trong Kinh Dịch đã nói có lẽ là sát nghĩa nhất với từ này.

Do đó, hai chữ “tôn giáo” đem dùng cho Phật giáo thật không thích hợp, vì Phật giáo từ trước đến nay chưa từng kết hợp hai chữ này lại với nhau để sử dụng. Nếu theo lập trường của Thiền tông, giáo không dùng ngôn từ gọi là “tôn”, mượn ngôn từ làm rõ tôn gọi là “giáo”, cách dùng này hoàn toàn khác biệt với hàm nghĩa của từ “religion”.

Thật ra, Cơ Đốc giáo của phương Tây cũng không xem mình là tôn giáo, vì căn cứ theo nguyên nghĩa của từ “tôn giáo”, thì nó chỉ cho sự sùng bái đa thần hoặc sùng bái tự nhiên của loài người thời nguyên thủy, trong khi Cơ Đốc giáo là tín ngưỡng tiến hóa sau này của nhân loại.

Nhưng tất cả tín ngưỡng của nhân loại đều có một nguyên tắc chung: bất luận tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy hay tín ngưỡng tiến hóa sau này đều có mục đích giống nhau là tìm cầu sự an ủi. Vì thế, tuy các tôn giáo cao cấp, đứng trên lập trường của mình, đều không muốn tự nhận mình là tôn giáo, nhưng các nhà tôn giáo học, xuất phát từ thái độ nghiên cứu của họ, vẫn đưa tất cả những tín ngưỡng tìm cầu sự an ủi vào trong phạm vi của tôn giáo.

Có thể thấy, phạm vi của tôn giáo học có độ rộng hẹp khác nhau, quan điểm của các nhà tôn giáo học cũng không thể thống nhất với nhau. Nếu chỉ nghiên cứu các tôn giáo cao cấp thì tôn giáo học liền trở thành tôn giáo học so sánh. Kỳ thực, tôn giáo học so sánh có cùng chung một chủ đề với tôn giáo học. Max Müller cho rằng nội dung của tôn giáo học có hai loại: thần học so sánh[2] và thần học lý thuyết[3]; Jordan thì cho rằng tôn giáo học nên bao gồm ba lĩnh vực: lịch sử các tôn giáo, lý thuyết so sánh các tôn giáo và triết học các tôn giáo.

Vậy nên, cuốn sách này gọi là Tôn Giáo Học So Sánh, nhưng thực ra chính là tôn giáo học, chỉ có điểm khác là tôi (Thích Thánh Nghiêm) sẽ giới thiệu bắt đầu từ những tín ngưỡng ban sơ nhất của nhân loại.

3. Phương pháp phân loại tôn giáo

Vì có sự khác biệt giữa tôn giáo nguyên thủy và tôn giáo phát triển nên rất nhiều học giả thời cận đại đã căn cứ trên quan điểm của thuyết tiến hóa lịch sử để đưa ra đủ những cách phân loại khác nhau. Ở đây sẽ dựa vào tư liệu trong cuốn Lịch Sử Tôn Giáo Thế Giới của học giả người Nhật Antei Hiyane để biên dịch và liệt kê như sau:

a. E. Tylor phân làm 05 loại: Sùng bái tự nhiên nguyên thủy, Thuyết vật linh (Animism), Đa thần giáo dân gian, Tôn giáo nghi thức và Tôn giáo phổ biến.

b. G. Leeuw cũng phân làm 05 loại: Tôn giáo tự nhiên, Thuyết vật linh và sùng bái vạn vật, Thần thoại quốc gia, Tôn giáo luật pháp và Tôn giáo tối cao.

c. Hegel phân làm 03 cấp bậc: Tôn giáo tự nhiên, Tôn giáo mang đặc tính linh thiêng và Tôn giáo tuyệt đối.

d. Hartmann phân làm 02 loại lớn: Tôn giáo tự nhiên và Tôn giáo siêu tự nhiên.

e. A. Hiyane phân làm 03 loại lớn: Tôn giáo tự nhiên, Tôn giáo luân lý và Tôn giáo phổ biến.

Tôn giáo tự nhiên được phân làm Tự nhiên giáo nguyên thủy và Đa thần giáo. Tự nhiên giáo nguyên thủy lại có thể phân làm Thời kỳ vật tâm đồng nhất và Thời kỳ vật tâm phân đôi. Thời kỳ vật tâm đồng nhất là chỉ cho Thuyết vật linh, còn Thời kỳ vật tâm phân đôi có thể chia thành Sùng bái tự nhiên, Sùng bái vạn vật, Sùng bái quỷ thần và Sùng bái vật tổ (totem).

Lại đem Tôn giáo luân lý phân làm Luật pháp giáo và Luân lý giáo. Bà-la-môn giáo[4] của Ấn Độ và Do Thái giáo thời kỳ đầu thuộc về Luật pháp giáo; Hồi giáo của Ả Rập, Tiên giáo[5] của Ba Tư và Do Thái giáo thời đại tiên tri thì thuộc về Luân lý giáo.

Còn Tôn giáo phổ biến là loại tôn giáo quần chúng, mang tính quốc tế hóa, không giới hạn trong một chủng tộc nào, tính đến nay chỉ có thể xếp Phật giáo và Cơ Đốc giáo vào loại tôn giáo này.

blank Để độc giả dễ nhớ, tôi sẽ lấy cách phân loại của A. Hiyane lập thành biểu đồ như sau:

 

TIẾT 2: HÌNH THÁI TÔN GIÁO NGUYÊN THỦY

1. Định nghĩa tôn giáo

Nói khái quát, những đạo lý căn bản mà người ta tin tưởng và đem ra truyền dạy cho nhiều người chính là tôn giáo. Nếu vậy, tất cả các trường phái học thuật đều có thể gọi là tôn giáo, cho đến chủ nghĩa duy vật chống tôn giáo cũng nằm trong định nghĩa về tôn giáo. Ý nghĩa thường dùng để chỉ tôn giáo không hẳn là như thế.

Theo cuốn Lịch Sử Tôn Giáo Thế Giới của Antei Hiyane, muốn tìm một định nghĩa đơn giản cho tôn giáo, thật không dễ dàng gì. Sự ra đời của tôn giáo bắt nguồn từ sự thật tâm lý hoặc kinh nghiệm. Sự thật này biểu hiện trong quá trình lịch sử của nhân loại, làm hình thành nên ý thức tôn giáo của dân gian hoặc của xã hội. Vì vậy, điều đầu tiên mà những người nghiên cứu lịch sử tôn giáo từ xưa đến nay phải chú ý tới là ý thức tôn giáo được cấu thành từ những sự thật tâm lý. Sự thay đổi ý thức tôn giáo chính là sự tiến hóa của tư tưởng tôn giáo.

Ý thức tôn giáo xuất phát từ nhu cầu tâm lý rộng lớn và phức tạp của con người. Khái niệm ý thức tôn giáo trừu tượng này, khi biểu hiện ra đời sống thực tế của nhân gian sẽ trở thành sự thực tôn giáo, đó chính là những yếu tố có giá trị của đời sống con người như nghệ thuật, đạo đức và kinh tế.

Định nghĩa cho tôn giáo tuy không dễ dàng gì, nhưng cũng đã có rất nhiều học giả từng làm việc này, trong đó được sử dụng nhiều nhất là định nghĩa của Edward B. Tylor và James G. Frazer. Tylor nói rằng, định nghĩa hẹp nhất của tôn giáo là “tín ngưỡng vào sự tồn tại của quỷ thần”. Thuyết này tuy nêu lên được thái độ và đối tượng của tôn giáo, nhưng chưa nói đến hành vi (nghi thức) của tôn giáo. Đồng thời, sùng bái quỷ thần cũng chỉ là một trong những loại tôn giáo nguyên thủy, không thể khái quát toàn bộ tín ngưỡng tôn giáo. Frazer thì nói rằng, tôn giáo là “thủ tục hòa giải đối với quyền lực thống trị tự nhiên và đời sống con người của các đấng siêu nhiên”. Thuyết này đã bổ khuyết cho thuyết trên, nhưng vẫn chưa được hoàn hảo. Robert R. Marett cho rằng tốt nhất là dùng từ “thần thánh”[6] để thuyết minh về đối tượng của tôn giáo. Từ này phạm vi rất rộng, có thể bao hàm cả siêu nhiên hoặc tự nhiên, quỷ thần hoặc phi quỷ thần, tôn giáo hoặc ma thuật. Do từ “thần thánh” hàm chứa những ý nghĩa như: cấm kỵ, thần kỳ, bí mật, có khả năng và quyền lực, linh hoạt, cổ xưa... nên có người cho rằng, định nghĩa tôn giáo đơn giản nhất, nên chọn lấy thuyết “thần thánh” của Marett.

2. Nguồn gốc của tôn giáo

Nhu cầu về tín ngưỡng tôn giáo ra đời cùng với sự xuất hiện của loài người. Vì sao con người lại có nhu cầu này? Thông thường, đa số học giả đều cho rằng tôn giáo bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi của con người. Thuyết này bắt nguồn từ câu nói của triết gia La Mã Lucretius rằng: “Các vị thần đầu tiên được tạo ra từ nỗi sợ hãi”. Cùng một quan điểm đó, triết gia người Anh Thomas Hobbes (1588 - 1679) cho rằng: “Sợ hãi những sự vật vô hình là mầm mống tự nhiên của tôn giáo”. David Hume (1711 - 1776) cũng đồng ý với cách nói này.

Tính tàn phá khó lường của các sức mạnh ngoại tại làm sinh ra nỗi sợ hãi nơi con người, do tâm lý sợ hãi này, con người bèn tưởng rằng có một hoặc nhiều nhân vật quyền uy và vô hình nào đó đang nắm giữ nhân loại, trừng phạt nhân loại và gây tai họa cho nhân loại. Một số nhà tiên tri nghĩ rằng có thể cầu nguyện sự khoan thứ từ những nhân vật này bằng cách kính lễ và cúng tế. Việc dùng tâm lý con người để xét đoán đã làm cho nhân vật đầy quyền năng này trở nên có hình dạng giống người và thông hiểu được lòng người. Việc thỉnh cầu và đền đáp giữa con người với con người đã chuyển thành việc cầu xin và tạ ơn của con người đối với đấng siêu nhiên bất khả tri. Hai việc này chính là nguồn gốc của niềm tin tôn giáo và nghi thức tôn giáo.

Tuy nhiên, thời nguyên thủy, đối với nỗi sợ hãi do một số loài quỷ thần gây ra, đã có người dùng cách đối đãi bình đẳng, thậm chí có người dùng cách đe dọa, uy hiếp để chế ngự, hàng phục nó. Những cách này đã được sử dụng bởi tầng lớp phù thủy hay thuật sĩ trong các dân tộc nguyên thủy.

Giddings cho rằng tôn giáo khởi nguyên từ những “thực thể vô cùng đáng sợ”[7], và rằng những quan niệm tôn giáo đầu tiên chỉ là một mớ ý niệm mơ hồ, sau đó dần dần được phân hóa rõ nét. Người nguyên thủy lúc đầu chỉ tin vào thực thể vô cùng đáng sợ, sau mới biến đổi thành những tín ngưỡng sùng bái cụ thể, ví dụ như sùng bái quỷ thần.

Max Müller thì cho rằng ngọn nguồn của tôn giáo là “quan niệm vô hạn”[8]. Khi loài người đối phó với môi trường sống xung quanh mình, do năng lực của loài người không thể nào so sánh được với sức mạnh của tự nhiên, nên đã nảy sinh ra quan niệm vô hạn và tín ngưỡng sùng bái sức mạnh đó.

Tylor lại cho rằng đối tượng tín ngưỡng đầu tiên của loài người là quỷ thần. Quỷ thần chính là vật linh hoặc linh hồn. Vạn vật đều có linh hồn. Tất cả các hiện tượng lạ lùng trong tự nhiên đều do quỷ thần gây tạo ra.

Marett cải tiến thuyết của Tylor, đưa ra “thuyết vật linh phổ quát”[9] hay còn gọi là “thuyết tiền vật linh”[10], cho rằng trước tín ngưỡng quỷ thần, còn có thời đại mà con người chỉ tin vào một loại sức mạnh thần bí, siêu nhiên, tồn tại phổ quát trong vũ trụ. “Mana” trong tín ngưỡng của người Melanesia là một ví dụ cho loại sức mạnh thần bí, siêu nhiên này.

3. Sùng bái tự nhiên

Tri thức của loài người thời nguyên thủy chưa được khai mở, không hiểu biết gì về sự vận hành, biến đổi của thế giới tự nhiên, nên tự cảm thấy mình quá bé nhỏ, trong khi sức mạnh của tự nhiên thì quá vĩ đại, khó lường. Sự sùng bái những sức mạnh này làm sản sinh ra hàng loạt các vị thần tự nhiên mô phỏng theo hình dáng con người, chẳng hạn như: những người sống gần núi thấy núi cao lớn sừng sững liền nghĩ ra thần núi, những người sống gần biển thấy biển mênh mông bát ngát liền nghĩ ra thần biển, nơi không có núi và biển thì sinh ra thần đất, nơi nào có nhiều gió thì sinh ra thần gió. Tóm lại, sự xuất hiện của các thần tự nhiên có quan hệ với hoàn cảnh địa lý ở mỗi nơi.

Những đối tượng trong tự nhiên được người nguyên thủy tín ngưỡng nhất gồm có các loại sau:

3.1 Sùng bái đất

Thời nguyên thủy, con người xem đất là một sinh vật, thổ nhưỡng là da thịt của đất, nham thạch là xương cốt của đất, sông suối là mạch máu của đất và không khí là hơi thở của đất. Vì đất có thể sinh dưỡng vạn vật nên được gọi là “mẹ đất”[11]. Đã có mẹ ắt phải có cha. Người ta bèn liên tưởng đến và gọi bầu trời trùm trên mặt đất là “cha trời”[12]. Mẹ đất sinh ra và nuôi lớn vạn vật là nhờ ân huệ của cha trời. Tại Trung Quốc, quan niệm “mẹ đất, cha trời” biểu hiện ở tín ngưỡng càn khôn[13], âm dương. Có thể nói, đây là quan niệm căn bản của người nguyên thủy. Nó được thể hiện bằng những thần thoại nhân cách hóa, nên các đạo lý lớn lao về trời đất, âm dương đều được ra đời phỏng theo quan niệm của con người về việc giao hợp nam nữ. Các dân tộc ở Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ... có một loại tín ngưỡng tôn giáo rất kỳ lạ, đó là “sùng bái cơ quan sinh dục”[14]. Họ lấy những khối đá tự nhiên trông giống cơ quan sinh dục của người nam và người nữ đặt trong điện thờ để lễ bái. Theo nghiên cứu của tôi về thiên Hệ Từ trong Kinh Dịch, đạo lý càn khôn, âm dương mà thánh nhân Trung Quốc xưa đề xướng để giáo hóa bá tánh, thực chất cũng là một nhánh của tín ngưỡng sùng bái cơ quan sinh dục[15]. Ví dụ như trong chữ Tổ (祖) của tiếng Trung Quốc, chữ Thả (且) bên phải chính là hình tượng cơ quan sinh dục của người nam; như vậy, xuất xứ của chữ Tổ chính là từ tín ngưỡng sùng bái cơ quan sinh dục nam. Do tín ngưỡng sùng bái cơ quan sinh dục là kết quả tất nhiên của ý tưởng nhân cách hóa trời đất, tức lấy bộ phận sinh dục của người nam tượng trưng cho cha trời và của người nữ tượng trưng cho mẹ đất, nên bản thân tín ngưỡng này không những không có chút ý nghĩa dâm ô nào, mà trái lại còn mang đạo lý vô cùng trang nghiêm.

3.2 Sùng bái nước

Nước là thứ không thể thiếu đối với tất cả sinh vật, nhưng nước cũng là thứ có thể chảy tràn khắp nơi, gây nên lũ lụt, nhận chìm mọi loài. Vì vậy, nó thường được người nguyên thủy xem là “thần thánh” và “thần bí”. Suối thánh, giếng thần, nước thánh... đâu đâu cũng có. Việc Bà-la-môn giáo xem nước sông Hằng là nước thánh hay việc Jesus được làm lễ rửa tội bên bờ sông Jordan... đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng sùng bái nước. Sông Nile ở Ai Cập, sông Thames ở Anh quốc... đều được gọi là “cha”, và trong nghệ thuật thì được điêu khắc thành hình người. Các thầy phù thủy ở Tây Phi cúng tế thần biển; người Hy Lạp cổ và người La Mã còn ném sinh vật xuống biển để tế thần biển; người Peru cổ thì gọi biển là “mẹ biển”,[16] họ sùng bái biển vì xem biển là người cung cấp thức ăn cho mình.

3.3 Sùng bái đá và núi

Luôn luôn có những hòn đá mang hình dạng giống với các loài động thực vật ngẫu nhiên hình thành trong tự nhiên hoặc là di vật do người cổ đại đẽo gọt nên. Người nguyên thủy xem chúng là thần vật hoặc thánh tích. Tín ngưỡng ấy phổ biến trên toàn thế giới và vẫn còn tồn tại ở cả những tôn giáo cao cấp sau này, ví dụ như người Hồi giáo xem Hòn đá đen[17] ở thành Mecca là thánh vật và đến lễ bái nó. Lịch sử của dân tộc Hy Lạp, La Mã, Do Thái, Mexico và các dân tộc cổ đại khác đều có ghi chép về tín ngưỡng sùng bái đá. Khoảng 200 năm trước Công nguyên, người La Mã từng thành kính nghênh đón một hòn đá đen, nhỏ và thô đến từ Anatolia (Tiểu Á), cho đó là “Thánh mẫu Cybele”[18]. Ở Trung Quốc cũng từng có chuyện tương tự. Loại đá đen ấy rất có khả năng liên quan đến thiên thạch hoặc nham thạch núi lửa.

Còn về sùng bái núi, lễ cúng lớn nhất của Trung Quốc cổ đại là lễ cúng núi Thái Sơn do đích thân hoàng đế chủ trì; nhà tiên tri người Do Thái Moses đã gặp được Thiên Chúa Yahweh ở núi Sinai; người Ấn Độ xem dãy núi Himalaya là cái trục của thế giới; thần Jupiter của người La Mã, thần Odin của người Bắc Âu... đều ở trên núi. Người Trung Quốc hay truyền tai nhau câu nói: “Trong núi mới bảy ngày, thế gian mấy ngàn năm” và thường cho rằng trong những ngọn núi mây mù giăng kín có chỗ cư ngụ của các vị thần tiên.

3.4 Sùng bái lửa

Người nguyên thủy không biết tạo ra lửa. Lửa trong tự nhiên, như lửa từ sấm sét hay từ núi lửa, đối với họ, đều rất đáng sợ, vì lửa có thể nuốt chửng tất cả sinh vật. Tình cờ phát hiện ra xác thú vật được lửa nướng chín thơm phức còn sót lại sau các đợt cháy rừng, người nguyên thủy liền cho rằng lửa là một sinh vật sống có thể ăn thịt các sinh vật khác, thậm chí cho rằng lửa là thần linh, tín ngưỡng sùng bái lửa được bắt đầu từ đó. Người Mã Lai không dám bước qua bếp lửa; người Todas ở Ấn Độ khi thắp đèn phải lạy đèn; ba anh em ông Maha Kassapa, đại đệ tử của đức Phật, vốn là ngoại đạo thờ lửa; người Hy Lạp cổ trong mỗi gia đình phải giữ một ngọn lửa cháy sáng mãi để thờ nữ thần bếp lửa Hestia; người La Mã cũng làm như vậy; người Peru giao cho các cô gái nhiệm vụ trông coi lửa thần, gọi họ là “những người vợ của mặt trời”[19]; thần lửa Agini trong kinh Veda của Ấn Độ là vị thần tối cao nên ngay cả những người Ấn Độ thuộc chủng tộc Brahmana (Bà-la-môn) cũng không dám dùng miệng để thổi tắt lửa; Thiên Chúa Yahweh của Do Thái giáo cũng có liên quan đến thần lửa.

3.5 Sùng bái mặt trời, mặt trăng và các vì sao

Sự xoay vần tiếp nối của ngày và đêm là điều làm cho người nguyên thủy kinh ngạc nhất. Có thể nói rằng, sợ bóng tối là nỗi sợ hãi bẩm sinh của con người. Đêm tối làm cản trở hoạt động của con người, nhưng lại giúp ích cho hoạt động của nhiều sinh vật khác, vì vậy nó được xem là thần bí. Có ánh sáng, con người mới có thể hoạt động. Ánh sáng là ân huệ, nên con người sùng bái mặt trời chiếu sáng ban ngày, cùng mặt trăng và các vì sao chiếu sáng ban đêm. Nước Anh cổ từng dựng một cột đá lớn để tế mặt trời, còn lập cả tế đàn để cúng thần mặt trăng. Nhưng ở những nơi hạn hán thì mặt trời lại trở thành vật đáng sợ, cư dân nơi đó chỉ sùng bái thần mặt trăng, ví dụ như người Trung Phi rất sợ nhìn thấy mặt trời lên cao và chỉ sùng bái thần mặt trăng. Người Israel cổ đại mỗi khi nhìn thấy trăng non liền đốt lửa hiệu ở đỉnh núi để báo tin vui này cho mọi người.

Tín ngưỡng sùng bái mặt trời rất phổ biến: dân tộc Yamato ở Nhật Bản tự cho mình là con của thần mặt trời, đến tận ngày nay vẫn lấy mặt trời tượng trưng cho quốc gia của mình; người Peru cổ đại cũng tin rằng vua của họ là con của mặt trời; trong những câu chuyện cổ xứ Ba Tư có kể về thần mặt trời Mithra; thần mặt trời của Hy Lạp là Helios; thần mặt trời của La Mã là Sol; thần mặt trời của Ai Cập là Rah; thần mặt trời trong kinh điển Veda của Ấn Độ là Sūrya.

Tín ngưỡng sùng bái sao cũng thấy có ở khắp nơi trên thế giới. Những nhà thiên văn học đầu tiên chính là một số chiêm tinh gia mang đậm nét tôn giáo. Họ có thể dự đoán điềm lành dữ của con người, độ thọ yểu của tuổi tác, sự tốt xấu của thời tiết hay điều may xui của số mạng từ sự vận hành của các vì sao. Việc lễ bái sao Bắc Đẩu của Đạo giáo Trung Quốc chính là tín ngưỡng sùng bái sao. Người Chaldea và người Do Thái xưa cũng kết hợp thuật chiêm tinh và tín ngưỡng sùng bái sao làm một, họ xem các vì sao là nơi ở của thần linh. Khi Jesus ra đời, có truyền thuyết rằng một ngôi sao đã dẫn đường cho ba vị đạo sĩ Ba Tư đến bái yết con của Chúa. Ở nhiều nơi, sao băng thường bị xem là điềm báo của tai họa. Người da đen ở châu Phi thì cho rằng sao băng là những thầy phù thủy đã chết quay trở lại để gây họa cho họ.

4. Sùng bái động vật

Động vật nói ở đây đồng nghĩa với từ “animal” trong tiếng Anh, không bao gồm con người trong đó. Người nguyên thủy cảm thấy hoảng sợ trước các loài động vật to khỏe và cảm thấy kỳ lạ trước các loài động vật có khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên hơn mình. Vì loài người có rất nhiều điểm không bằng động vật, nên mới nảy sinh ra tín ngưỡng sùng bái động vật.

Những thần linh mà các dân tộc phụng thờ thường khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh; các loài động vật được sùng bái cũng khác nhau tùy theo từng địa phương. Ví dụ, đối tượng sùng bái của các dân tộc phương Bắc là sói và gấu, còn của các dân tộc phương Nam là sư tử, voi, hổ, cá sấu...

Các loài động vật mà người Ai Cập cổ sùng bái rất đa dạng, chẳng hạn như bò, rắn, mèo, chim ưng, cá sấu,... Người Ấn Độ thì sùng bái cả chim, thú lẫn các loài bò sát, trong đó được tôn sùng nhất là bò, rắn, chim ưng và vượn; đặc biệt, bò đực ở xứ Ấn được xem là loài động vật vô cùng thiêng liêng. Có một số người Trung Quốc xem các loài cá không vảy là động vật mang lại xui xẻo, lại xem cá quả là cá tràu tiến vua và cấm không được ăn. Người da đỏ ở châu Mỹ tôn thờ gấu, bò rừng, thỏ rừng, chó sói và một số loài chim. Người Mexico xem chim cú là linh hồn độc ác; người Trung Quốc cũng rất miệt thị loài chim này. Người Madagascar ở châu Phi thờ phụng cá sấu. Phong tục sùng bái cáo và chồn cũng rất phổ biến ở vùng nội địa của Trung Quốc.

Trong các loài động vật được con người sùng bái thì rắn là loài thường thấy nhất. Kinh Sáng Thế Ký trong bộ kinh Cựu Ước của Do Thái giáo lấy rắn làm kẻ thù số một của loài người. Vua Solomon trí tuệ hơn người nhưng có bốn việc mà ông không thể hiểu được, một trong bốn việc đó là việc rắn bò trên đá. Người da đỏ Dakota và người da đỏ Shawnee dùng cùng một danh từ để chỉ cho rắn và quỷ thần. Trong mỗi ngôi nhà của người Marabar đều có làm một căn phòng nhỏ riêng biệt cho rắn ở. Người Paiwan ở Đài Loan cũng có loại phong tục này, họ cho rắn là hóa thân của tổ tiên mình. Bang Penang ở Malaysia có một đền thờ rắn, ở đây có rất nhiều rắn độc, nhưng chúng không hề cắn người. Người Ojibway và người Cherokee ở Bắc Mỹ xem rắn đuôi chuông là thần. Người Peru thì sùng bái rắn hổ mang. Hy Lạp và La Mã cổ đại tôn rắn là thần y học. Hiện nay vẫn có thể tìm thấy phong tục sùng bái rắn ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Trung Quốc rắn cũng thường được xem là loài động vật thần thoại, ví dụ như thiên Cao Tổ Bản Kỷ trong sách Sử Ký Tư Mã Thiên có chép chuyện mẹ của Hán vương Lưu Bang nằm mộng thấy mình giao hợp với thần thuồng luồng tại một bờ hồ lớn mà sinh ra ông. Việc Lưu Bang chém rắn trắng được giải thích là con của Bạch Đế hóa thành rắn, bị con của Xích Đế chém chết[20]. Trong truyền thuyết Hán văn còn có rất nhiều câu chuyện về trăn thần.

5. Sùng bái thực vật

Sự đâm chồi vào mùa xuân, sự sinh trưởng trong mùa hạ, sự héo tàn vào mùa thu và sự ẩn tàng trong mùa đông, những biểu hiện của sức sống và sự thích nghi với khí hậu của thực vật đã khiến người nguyên thủy cho rằng chúng cũng có linh hồn chủ tể và cũng có tình cảm, ý chí giống con người. Một số loài thực vật có chứa chất dịch đặc thù có thể làm cho con người bị say hoặc trúng độc, nên cũng được con người rất kính sợ. Ví dụ, tên thần rượu Soma của Ấn Độ, vốn là tên một loài cỏ dại, cỏ này có thể nấu rượu, người ta dùng rượu đó để tế thần nên Soma đã trở thành tên của thần.

Những cây cổ thụ to lớn, trang nghiêm thường được con người xem như thần thánh và nhân cách hóa cho giống con người. Thần cây hoặc cây thần đều có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Cây thần có thể trị bệnh, có thể nói chuyện với người, thậm chí hóa thành người để yêu đương và kết hôn với người. Trong truyền thuyết còn có cả chuyện người sống biến thành cây nữa.

Bộ tộc người da đỏ Oraibi không thích chặt những cây đang sinh trưởng. Thổ dân Oko không dám dùng một vài loại cây để làm thuyền độc mộc. Người Thái Lan trước khi chặt cây Takhien phải cúng bánh và gạo cho cây. Tạng Luật của Phật giáo quy định một vị Tỳ-kheo muốn chặt cây phải xin phép cây trước; điều luật này bắt nguồn từ phong tục xưa của Ấn Độ.

Một số giống người nguyên thủy tin rằng họ chính là hậu duệ của thực vật. Trong lịch sử Mexico có một vị vua, tương truyền đời trước của ông là hai cái cây. Tượng thờ của một số vị thần lớn đều được tạc theo hình dáng cây cối, ví dụ như thần Tota của Mexico, thần Oak của La Mã và thần Dionysus của Hy Lạp. Sáng Thế Ký trong Cựu Ước nói rằng sở dĩ nhân loại có trí tuệ là vì Adam và Eva đã ăn trái của cây phân biệt thiện ác; thần thoại này bắt nguồn từ Babylon.

Nguyên nghĩa của từ đền miếu (temple) trong tiếng Anh là cây cối vì người nguyên thủy lấy rừng cây làm đền miếu để tế thần. Ở Ba Tư, trên một số cây thần, người ta treo quần áo, vải rách và pháp vật. Ở Đức, ở Mỹ đều có rừng thần[21]. Người da đen ở Congo sùng bái một loại cây tên là mirrone. Tại núi Ali ở Đài Loan cũng có một cái cây thần. Người Nicaragua không những sùng bái những cây lớn mà còn sùng bái cả ngô và các loại đậu.

Theo quan điểm của Phật giáo, phần lớn quỷ thần cư trú nơi thân cây cọng cỏ; cỏ cây linh nghiệm không phải là do bản thân cỏ cây mà là nhờ quỷ thần sống nương trên đó. Vì vậy, Phật giáo tuy cũng thừa nhận sự tồn tại của quỷ thần, nhưng khác với tôn giáo nguyên thủy sùng bái vạn vật, tín đồ Phật giáo chánh tín không sùng bái quỷ thần.

6. Sùng bái vật tổ

Sùng bái vật tổ là một trong những hình thái tôn giáo nguyên thủy. Về ý nghĩa của nó, Frazer nói: “Vật tổ là một loại vật tự nhiên nào đó mà những người hoang dã cho rằng mỗi một vật như vậy đều có quan hệ mật thiết và đặc thù với họ, vì thế họ sùng kính nó một cách mê tín”.

Reinach thì nói cụ thể hơn: “Vật tổ chỉ cho một loại động vật, thực vật hoặc vật vô sinh nào đó mà người trong các thị tộc phụng thờ làm tổ tiên, người bảo hộ hay làm biểu tượng cho sự đoàn kết của họ”.

Những di tích được phát hiện từ thời cận đại của tín ngưỡng sùng bái vật tổ vẫn còn dễ dàng tìm thấy trong cộng đồng thổ dân châu Úc và cộng đồng người da đỏ Bắc Mỹ. Từ “totem” vốn là thổ ngữ của người da đỏ Oraibi ở châu Mỹ. Từ “kobong” của thổ dân châu Úc cũng đồng nghĩa với từ “totem”.

Những vật được tôn làm vật tổ tuy không hạn chế nhưng thực tế thì phần nhiều là động, thực vật. Ví dụ như trong 500 vật tổ của thổ dân miền Đông Nam châu Úc, chỉ có 40 thứ không phải là động, thực vật, như: mây, mưa, sương, ráng, mặt trời, mặt trăng, gió, mùa thu, mùa hạ, mùa đông, ngôi sao, tiếng sấm, lửa, khói, nước, biển...

Vật tổ là chỉ toàn bộ chủng loại, chẳng hạn lấy chuột túi làm vật tổ, thì là chỉ toàn bộ loài chuột túi, không phải chỉ một con đơn lẻ nào. Khi lấy một loài vật nào đó làm vật tổ, thường thì người ta sẽ không dám giết hại hoặc ăn thịt loài vật ấy. Chỉ trong hoàn cảnh đặc biệt, như cử hành nghi thức tôn giáo, hoặc loài ấy là động vật nguy hiểm, hoặc trừ vật tổ ra không còn vật gì khác ăn được, mới giết vật tổ ăn thịt. Có một dân tộc ở miền Bắc Nhật Bản đến nay vẫn tổ chức giết gấu như là một nghi thức tôn giáo trang nghiêm.

Người nguyên thủy xem việc giết vật tổ ăn thịt là nghi thức tôn giáo thiêng liêng. Cơ Đốc giáo đến tận ngày nay vẫn cử hành Tiệc Thánh, “ăn thịt và uống máu của Jesus”,[22] mối quan hệ giữa việc làm này với tín ngưỡng sùng bái vật tổ rất rõ ràng. Nhưng, người nguyên thủy cũng phải làm cho vật tổ của bộ tộc mình sinh sôi nảy nở để làm thức ăn cho các bộ tộc khác, hai bộ tộc ăn thịt vật tổ của nhau là điều không bị cấm đoán.

Ngoài châu Mỹ và châu Úc, những nơi khác cũng có dấu tích của tín ngưỡng sùng bái vật tổ. Người Bechuana ở miền Nam châu Phi phân chia thành tộc cá sấu, tộc cá, tộc khỉ, tộc bò, tộc voi, tộc nhím, tộc sư tử, tộc cây leo... Mười hai con giáp của người Trung Quốc đều là động vật, chúng bắt nguồn từ tín ngưỡng của các dân tộc vùng Trung Á và cũng là dấu tích của tín ngưỡng sùng bái vật tổ. Người da đỏ ở Peru phần đông tin rằng tổ tiên của mình là động vật. Người Khonds ở Ấn Độ cũng lấy tên động vật làm tên thị tộc của mình, phân chia thành bộ lạc gấu, bộ lạc cú, bộ lạc hươu... Người Dao ở Trung Quốc xem chó là tổ tiên. Người Đột Quyết tự nhận mình là sói. Tất cả đều là một dạng của tín ngưỡng sùng bái vật tổ.

7. Sùng bái linh vật

Sùng bái linh vật cũng là một dạng sùng bái vạn vật. Đối tượng của nó là những vật vô sinh nhỏ nhặt như: một hòn đá nhỏ, một cành cây nhỏ, một cái nón cũ, một miếng vải rách... Chỉ cần người ta nhìn thấy một vật và trực giác của họ cho rằng nó là linh vật liền đem nó ra cúng tế và cầu nguyện, có linh nghiệm thì tạ ơn nó, không linh nghiệm thì thường là vứt bỏ hoặc hủy hoại.

Có một người da đen từng tự thuật như vầy về tín ngưỡng sùng bái linh vật: “Bất kỳ người nào trong chúng tôi, nếu muốn làm một việc gì, trước tiên phải tìm một vị thần trợ giúp. Thứ đầu tiên nhìn thấy khi ra khỏi nhà sẽ được lấy làm thần của chúng tôi... Sau đó, mỗi ngày chúng tôi cúng cho nó một vật hiến tế khác nhau. Nếu nó không linh sẽ đem trả lại chỗ cũ”.

Linh vật tuy được sùng bái nhưng nếu không thể làm người ta toại nguyện thì thường bị người ta ngược đãi, thậm chí đánh đập, tiêu hủy. Việc như vậy rất thường thấy ở những người da đen.

8. Sùng bái tượng

Sùng bái ngẫu tượng cũng là một trong những hình thái tôn giáo nguyên thủy, có thể là tiến hóa từ sùng bái linh vật. Người ta điêu khắc hoặc đắp nặn tượng của những vật mà họ sùng bái để làm đối tượng thờ phụng. Những vị thần có uy lực cực mạnh thì thường được tạo tượng cực lớn, họ có mình người nhưng có thể mang đầu sư tử, chân hươu, cánh chim... Có người xem tượng là bản thân thần linh, có người lại chỉ xem tượng là chỗ thần linh nương nhờ. Người hoang dã phần lớn tin rằng tượng chính là thần linh, tính chất của niềm tin này giống như tín ngưỡng sùng bái linh vật.

Việc sùng bái ngẫu tượng sau này đều bị Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo nghiêm cấm. Phật giáo ngay từ đầu cũng đã không sùng bái ngẫu tượng. Tượng được những người tín ngưỡng sùng bái, nhưng có lúc cũng bị họ trừng phạt. Người da đen khi không được may mắn liền đem tượng mà mình thờ phụng ra đánh; người Trung Quốc gặp lúc hạn hán luôn khiêng tượng thần ra ngoài trời bắt tượng phơi nắng; tăng lữ Bà-la-môn ở Ấn Độ khi người dân dâng cúng không được nhiều thường dùng xích sắt trói tay chân của tượng lại.

9. Sùng bái người sống

Sùng bái người sống tức là xem một người còn sống nào đó như thần linh để sùng bái. Ở New Zealand từng có một tù trưởng tên là Hougi tự xưng mình là thần. Cựu tổng thống Ghana Kwame Nkrumah, người bị lật đổ vào năm 1966, tự xưng là Chúa cứu thế. Một vị vua nổi tiếng của đảo Society tên là Tamatoa được nhân dân tôn làm thần linh. Vua và hoàng hậu của thổ dân Tahiti cũng được tôn là thần. Thiên hoàng của Nhật Bản trước đây cũng từng được người dân Nhật Bản xem như thần thánh. Người da trắng đến xã hội của người hoang dã lần đầu tiên luôn được họ xem là thần linh. Người da đen Bushmen thì cho rằng người da trắng là con cháu của thần linh. Người Congo xem thầy phù thủy là thần đất, lãnh tụ của các thầy phù thủy được xem là thần của toàn cõi.

Tín ngưỡng sùng bái người sống này tiến hóa từ tín ngưỡng sùng bái vạn vật. Vạn vật còn có thể được xem là thần linh, thì những nhân vật đặc biệt đang sống trong xã hội loài người đương nhiên cũng có thể được xem là thần linh. Jesus tự xưng mình là con trai và cũng là hóa thân của Chúa. Số lượng các vị lãnh tụ chính trị hoặc tôn giáo ở Trung Quốc và nhiều nước khác tự khoe mình là con trời hoặc con thần thực sự là rất nhiều.

10. Sùng bái vong hồn

Người nguyên thủy cho rằng tất cả mọi vật đều có linh hồn[23] hoặc sinh khí, con người cũng như vậy. Do đó, sau khi con người chết đi, sức sống của sinh khí con người vẫn còn và nó sẽ biến thành vong hồn[24]. Trong khi ngủ, cơ thể con người ngưng hoạt động, thế mà lại có những cảnh mộng xuất hiện, suy ra ngoài thể xác con người còn có cả linh hồn. Sau khi con người chết đi, linh hồn này trở thành vong hồn.

Từ “linh hồn” đa phần được dùng với nghĩa “hình bóng” trong rất nhiều thổ ngữ. Linh hồn là cái bóng của con người, vong hồn xuất hiện cũng là cái bóng của con người lúc sinh tiền xuất hiện. Có một số người viết tên của kẻ thù lên tượng gỗ, hoặc dùng giấy cắt thành hình người, viết tên kẻ thù của mình lên đó, rồi thi triển chú thuật, làm cho kẻ thù gặp nạn, thậm chí bị chết.

Người ta ai cũng có tâm lý mong muốn mình được sống mãi. Đức tin rằng thân xác bắt buộc phải chết, nhưng linh hồn vẫn luôn tồn tại là một trong những niềm an ủi vượt bậc mà tôn giáo nguyên thủy dành cho tín đồ của mình.

Con người vì sự hạn chế của nhục thể nên phạm vi hoạt động rất nhỏ hẹp, linh hồn sau khi chết không còn bị thể xác trói buộc, tự do hơn rất nhiều, nên có đôi chút thần thông, đây chính là nhân tố dẫn đến việc sùng bái vong hồn. Người ta thích sùng bái những người và vật có sức mạnh lớn, đồng thời thần thánh hóa những người và vật đó. Những anh hùng hào kiệt của nhân loại, sau khi chết đi, luôn luôn trở thành đối tượng của tín ngưỡng sùng bái vong hồn. Công giáo và Hồi giáo tôn thờ những Thánh đồ đã chết của họ. Bên dưới bàn thờ của mỗi giáo đường Công giáo La Mã đều phải chôn di hài hoặc di vật của các Thánh đồ. Miếu Khổng Tử, miếu Quan Đế, miếu Ma Tổ... ở Trung Quốc cũng đều là một dạng của tín ngưỡng sùng bái vong hồn.

11. Sùng bái tổ tiên

Sùng bái tổ tiên có đồng tính chất với sùng bái vong hồn và là loại sùng bái vong hồn thịnh hành nhất. Người có tín ngưỡng này cho rằng, người ta ai cũng có quan hệ mật thiết với con cháu của mình, tuy đã qua đời, nhưng vẫn âm thầm theo dõi, quan sát hành vi của con cháu, hoặc là phù hộ, hoặc là trừng phạt. Đây là căn nguyên của tín ngưỡng sùng bái tổ tiên.

Người Trung Quốc đặc biệt tôn kính tổ tiên, Nho gia nói tôn kính tổ tiên là để tỏ lòng hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn, chứ không phải để sùng bái vong hồn, vì Khổng Tử lúc còn ở đời không hề nói về những việc trước khi sinh và sau khi chết, có vong hồn hay không, ông chẳng quan tâm đến. Thực ra, ngay từ thời nhà Ân, người Trung Quốc đã sùng bái vong hồn và cho rằng “người trở lại làm vong”, đây là bằng chứng cho thấy sùng bái vong hồn có trước và khơi nguồn cho sùng bái tổ tiên. Việc này tuy có quan hệ đến lòng hiếu thảo, nhưng không chỉ đơn thuần là xuất phát từ lòng hiếu thảo.

Thần Yama trong kinh điển Veda của Ấn Độ là người chết đầu tiên và cũng là tổ tiên đầu tiên của nhân loại, sau đó thần trở thành vua Diêm La chuyên cai quản các vong hồn. Đây cũng là một loại tín ngưỡng sùng bái tổ tiên.

12. Sùng bái tính dục

Ở trên đã đề cập đến tín ngưỡng sùng bái bộ phận sinh dục, xem bộ phận sinh dục là vật tượng trưng cho cha trời và mẹ đất. Tiến thêm một bước nữa, từ sự ngợi ca đối với sức sống của con người, người hoang dã đã xem bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ như là nguồn gốc của sự sống, do đó sinh ra tín ngưỡng sùng bái tính dục. Bởi thế, Antei Hiyane nói rằng: “Sùng bái tính dục gần như là quá trình tất yếu của sự tiến hóa tôn giáo”. Một nhân tố khác của sùng bái tính dục là do những cuộc chiến tranh giữa các chủng tộc cổ đại với nhau, có thắng có bại, có ưu có liệt, làm cho dân số khi ít khi nhiều. Cho nên, các chủng tộc đều cầu nguyện cho sự sinh sôi của dân số, đối tượng cúng tế của họ chính là thần tính dục, và bộ phận sinh dục nữ đã trở thành biểu tượng của một vị thần tính dục được nhân cách hóa. Đặc biệt, hình thức tế tự của tín ngưỡng này là thực hiện giao hoan giữa người nam và người nữ.

Vì vậy, vào thời cổ đại, ở các nước như Babylon, Hy Lạp, Carthage, La Mã... thịnh hành cái gọi là “mại dâm thiêng liêng”[25], tuy những người bán dâm bị bộ kinh Cựu Ước của Cơ Đốc giáo sau này chỉ trích là “đại dâm phụ”, nhưng vào thời bấy giờ người ta không hề cho rằng việc làm của họ là sự dâm loạn xấu xa. Những người bán dâm ấy đều là những nữ tu sĩ được sùng bái đặc biệt, người đàn ông nào “thọ giáo” với họ cũng sẽ trở thành người ủng hộ cho tôn giáo của họ.

Trong Ấn Độ giáo, có một giáo phái tên là Sākta, phái này chủ yếu sùng bái nữ thần Durgā, vợ của thần Shiva. Mật tông Phật giáo về sau chịu ảnh hưởng của phái này, đề xướng ra Du-già Vô thượng Kim cương thừa[26], tu “Phật mẫu quán”, làm việc trai gái. Sự sa đọa của các Lạt-ma Hồng giáo[27] Tây Tạng từ đây mà ra, sự đồi trụy của các Lạt-ma đời Nguyên từ đây mà ra, việc bị các học giả Nhật Bản gọi là Mật giáo tà đạo từ đây mà ra, và việc bị các học giả Anh quốc gọi là tông Tantra[28] cũng từ đây mà ra. Đài Loan ngày nay vẫn còn có người tự xưng là thượng sư của Mật thừa, tuyên bố rằng: “Chúng sinh từ nơi ấy mà đến, vẫn nên hướng về nơi ấy mà tu”. Thật chẳng đáng buồn ư!

 

TIẾT 3: NGHI THỨC CỦA TÔN GIÁO NGUYÊN THỦY

1. Nghi thức tôn giáo và thầy tư tế

Con người ai ai cũng nhân cách hóa những vị thần mà họ tin tưởng, vì vậy nghi thức tế thần của họ cũng đều chủ yếu là vận dụng theo các lễ nghi giữa con người với nhau. Nguyên nhân tế thần không ngoài việc thỉnh cầu, tạ ơn và tìm sự an ủi. Phương thức tế thần ban đầu lấy hiến tế các con vật là chính, dần dần có thêm những bài hát ca ngợi thần, những điệu múa làm vui lòng thần và những quy định về trình tự và động tác cúng tế. Vì vậy, nghi thức tôn giáo thời kỳ đầu, người bình thường cũng có thể làm được, về sau do các nghi thức này ngày một phức tạp, đành phải để cho những tư tế chuyên thực hiện các lễ nghi tôn giáo chủ trì.

Tư tế vốn dĩ bình đẳng với người thường, nhưng sau vì được hưởng những đồ người ta cúng tế cho thần linh, và trở thành môi giới giữa con người với thần linh, nên người ta tưởng rằng họ gần gũi thần linh hơn và nhận được nhiều sự quan tâm của thần linh hơn, từ đó họ trở nên khác với người thường và bắt đầu được thần thánh hóa lên. Việc trở thành chủng tính đặc quyền của giai cấp tư tế Bà-la-môn ở Ấn Độ, hay việc được hưởng nhiều đặc quyền của các tư tế Cơ Đốc giáo mà trong Cựu Ước đã nói đến đều có thể thuyết minh cho điều này.

2. Sự ra đời của chú thuật

Chú thuật có cùng một nguồn gốc với tôn giáo, cả hai đều ra đời từ sự ngưỡng cầu đối với các sức mạnh siêu nhiên. Chú thuật có lịch sử rất xa xưa, và nó cũng rất phổ biến, hiện diện cả trong các tôn giáo nguyên thủy cho đến các tôn giáo cao cấp.

Nghĩa gốc của chú là cầu xin hoặc khấn nguyện, cho nên phàm là những từ chuyên dùng để cầu xin, khấn nguyện đều có hàm nghĩa của chú ngữ. Một câu khẩu ngữ đơn giản nếu dùng để cầu nguyện thần linh thì sẽ có công năng của một câu chú. Vài câu nói nào đó có hiệu nghiệm đặc biệt lập tức sẽ trở thành chú ngữ được truyền bá khắp nơi. Cơ Đốc giáo hiện nay tuy không có mật chú, nhưng họ lại quy định rất nhiều lời cầu nguyện mẫu, tác dụng của chúng hoàn toàn giống với chú ngữ.

Sự bí mật hóa của chú ngữ có hai nguyên nhân: một là việc dịch âm không dịch nghĩa từ ngoại lai; hai là bản thân chú ngữ là sự đơn giản hóa một loại ngữ nghĩa nào đó nên không dễ để có thể hiểu được. Việc tụng chú mà không cần hiểu hàm nghĩa của nó cũng có hai nguyên nhân: một là thần chú đa phần do thần linh khải thị, dùng làm tín hiệu liên lạc giữa thần linh và người tụng, mà bản thân tín hiệu thì không nhất thiết phải có bất cứ ý nghĩa nào; hai là người tụng chú sở dĩ có linh nghiệm là vì xuất phát từ sự tập trung tâm lực của cá nhân, muốn được cảm ứng, tất phải thành tâm, nếu bận bịu với việc suy nghĩ nghĩa lý của chú ngữ, tâm lực liền khó tập trung hơn.

Sử dụng chú ngữ vào thực tế thì gọi là chú thuật. Chú thuật là một loại kết tinh của tác dụng phản xạ của tâm lý con người. Do có một điều thỉnh cầu nào đó mà con người thốt ra một lời cầu nguyện với thần linh, cái tâm thỉnh cầu này nếu đặc biệt mạnh hoặc giữ được lâu dài, thì có thể ở trong mơ, hoặc trong lúc tâm thần bất định, sẽ được một hoặc một số vị thần nào đó hiện thân khải thị cho một câu thần chú mới. Việc được thần linh hiện thân khải thị thỉnh thoảng cũng có thể xảy ra ở người bình thường, còn đối với các bậc thầy chú thuật chuyên tu, thì cơ hội xảy ra so với người thường càng nhiều hơn nữa, phân tích bằng tâm lý học, ta có thể thấy rõ được điều này.

Việc sử dụng chú thuật cũng có thể tùy từng người mà có sự khác nhau, những người mới hoặc những người sử dụng trong lúc tâm ý tán loạn, chắc chắn sẽ không hiệu nghiệm. Vì thế, những hành giả Du-già của Mật tông đặc biệt chú trọng ba nghiệp thân khẩu ý tương ứng nhau. Sự hiệu nghiệm của chú, ngày nay người ta đã có thể chỉ rõ được bằng phương pháp khoa học, không còn là một vấn đề hoàn toàn thần bí nữa.

3. Những nghi thức từ lúc sinh đến lúc chết

Loài người nguyên thủy xem sự ra đời của một con người là do bàn tay tạo tác của sức mạnh siêu nhiên nên họ cử hành các nghi thức tôn giáo như: rảy nước lên mình đứa trẻ để biểu thị sự thanh khiết, hoặc đưa đến những nơi linh thiêng mà gia tộc họ thờ tự để cầu thần ban tên cho đứa trẻ, hoặc trồng cây kỷ niệm để dự đoán vận mạng của đứa trẻ sau này.

Khi đứa trẻ trở thành thanh niên, phải cử hành “nghi thức gia nhập đoàn thể” của chủng tộc hoặc của đoàn thể tôn giáo. Nghi thức gia nhập đoàn thể tùy phong tục mỗi nơi mà có sự khác biệt, nhưng đều cực kỳ khắt khe, thậm chí có nơi gần như là tàn khốc. Trước khi gia nhập đoàn thể thường có một giai đoạn để rèn luyện thân tâm, ví dụ như: trai giới, nhịn ăn, hành hạ thể xác, trầm tư mặc tưởng... Tuy nhiên, nghi thức này chủ yếu dành cho nam giới, trong cái nhìn của nữ giới thì đây là một đặc quyền của nam giới, và cũng là một bí mật thiêng liêng.

Kết hôn là việc quan yếu để loài người duy trì nòi giống, vì vậy nó cũng có những nghi thức tôn giáo cần phải tiến hành. Trong nghi thức kết hôn của người nguyên thủy, có một loại phong tục cổ quái gọi là “quyền hưởng đêm đầu”[29]. Westermarck phán đoán có lẽ là do quan niệm “sợ máu trinh nữ” của người nguyên thủy nên họ cho rằng những nhân vật trong tôn giáo hoặc những nhân vật có địa vị cao trong xã hội mới có quyền ngủ đêm đầu tiên với các trinh nữ. Một nghi thức thường thấy trong hôn lễ của xã hội nguyên thủy là cô dâu và chú rể cầm trên tay hoặc đứng đối trước vật tổ của bộ tộc hay những vật biểu trưng cho tổ tiên của chủng tộc mình để tuyên thệ hoặc lễ bái. Việc Cơ Đốc giáo lấy Tân Ước và Cựu Ước làm thánh chứng cho hôn lễ, kỳ thực, cũng xuất phát từ nghi thức hôn lễ nguyên thủy này.

Các chủng tộc nguyên thủy, lúc bình thường, cũng thực hiện một số nghi thức tôn giáo. Họ xem trọng trai giới thanh tịnh, cấm kỵ dâm ô, và lấy tắm gội, rưới nước, nhịn ăn, tụng chú ngữ, cúng vật tế... làm các hành vi tôn giáo của mình. Họ tự biết được sự ô uế của thân thể và cảm nhận được sự bất tịnh của tinh thần, mà bất tịnh chính là tội ác, nên lợi dụng vật hiến tế để gánh lấy tội ác của mình, chuộc tội thay cho mình, khôi phục lại sự thanh tịnh. Tư tưởng Jesus chuộc tội cho loài người chính là bắt nguồn từ đây[30].

Chết là điểm chung cuộc của đời người. Đối với các chủng tộc nguyên thủy thì chết lại là sự bắt đầu của một đời sống mới, họ cho rằng người chết vẫn được sống mãi ở một thế giới khác. Vì vậy, khi có người chết, họ tụng chú trừ tai cầu phước cho vong linh người đó, chôn các loại vật dụng vào trong mộ để người đó sử dụng, làm cho người đó được sống vui vẻ ở thế giới bên kia.

Những nghi thức tôn giáo của người nguyên thủy bao quát tất cả các sự kiện trọng đại trong đời sống của một con người. Cho đến nay, Cơ Đốc giáo vẫn có đầy đủ các loại nghi thức ấy. Còn Phật giáo suy cho cùng là một tôn giáo siêu tôn giáo, trong kinh điển nhà Phật chưa từng quy định cách cử hành các nghi thức khi chào đời, trưởng thành, hôn lễ, tang ma; thậm chí có thể nói Phật giáo là một tôn giáo lý tính phản đối các nghi thức tôn giáo. Phật giáo Trung Quốc thời gian gần đây vô cùng thịnh hành việc siêu độ vong linh, việc này ban đầu là học từ nghi thức lập trai đàn của Đạo giáo, sau triều Nguyên là do chịu ảnh hưởng của các Lạt-ma Mật tông Tây Tạng.

4. Vật hiến tế của tôn giáo

Vật hiến tế[31] là vật môi giới được con người sử dụng để tỏ lòng cung kính thần, tạ ơn thần, hoặc xoa dịu sự phẫn nộ của thần. Những thứ được dùng làm vật hiến tế thường là tùy theo khả năng của mỗi người mà chọn lấy những trái cây ngon nhất, những bó hoa đẹp nhất, hay những gia súc béo nhất. Có khi người ta mời cả thần linh cùng ăn với con người; thần linh hấp thụ phần hương của vật cúng, còn con người ăn lấy phần chất của vật cúng. Nhưng vào thời kỳ đầu, người ta cho rằng thần linh thực sự ăn vật cúng nên đem nó vứt bỏ hết, ví dụ như cúng thần sông thì quẳng hết vật cúng xuống sông; sau đó họ mới thay đổi quan niệm, cúng xong không vứt bỏ nữa mà lấy vật cúng để ăn.

Sau khi việc ăn vật hiến tế cúng thần trở thành phong tục, một số nơi đã lấy chính việc này làm nghi thức sùng bái tôn giáo cần phải thực hành. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, mỗi khi cúng xong, thầy chủ lễ sẽ đem vật hiến tế ra phân chia cho người dân, phần phân chia này cũng được quý trọng như thần thánh và phải ăn hết ngay lập tức.

Lại có một loại phong tục lạ lùng khác là: trước tiên tôn vật hiến tế làm thần linh, sau đó lại đem nó giết đi để ăn thịt, và tin rằng tính chất thần thánh của vật hiến tế có thể ảnh hưởng đến người ăn nó. Vì phong tục này, những động vật được người nguyên thủy sùng bái, bất luận là nó tự chết hoặc bị giết, thường hay bị người sùng bái nó ăn thịt. Niềm tin này cũng được vận dụng cho cả loài người, những tù trưởng của thổ dân New Zealand, sau khi chết trận, thường bị quân địch chia nhau ăn thịt với hy vọng sẽ có được dũng khí và trí tuệ như của họ.

Lại có nơi người ta tin rằng hiến tế người thân yêu nhất của mình có thể đạt được sự phù hộ và làm cho thần linh nguôi giận nhiều hơn. Ví dụ, Abraham trong Cựu Ước muốn giết chính con trai mình để hiến tế cho Yahweh; Jephthah thì thực sự đã giết con gái ruột của mình để thiêu cúng Thiên Chúa.

Nói đến hiến tế người[32] tức là nói đến phong tục giết người để tế thần. Phong tục này đã từng tồn tại ở rất nhiều nơi, vào rất nhiều thời đại. Có nơi giết người để tế đường, có nơi giết người để tế cầu, có nơi giết người để tế chân móng của một công trình kiến trúc lớn nào đó... Vài năm trước, ở Đài Loan, có tin đồn nhảm rằng một nhà máy lớn nọ, vào ngày khai lò, đã giết một bé trai tế ống khói lò, tuy sau đó điều tra không thấy chứng cứ xác thực, nhưng chuyện này cho thấy phong tục hiến tế người đúng là đã từng lưu hành ở Trung Quốc. Chúng ta cũng có thể tìm thấy những chuyện như vậy trong lịch sử, như: Tống Tương Công đem Khoái Tử đi tế ở xã Thứ Thư; Hoa Nguyên giết sứ nước Sở là Hấn Cổ...

Trong lịch sử La Mã, việc giết người để tế thần không có gì là lạ: Caesar từng giết hai binh sĩ để tế thần; Augustus từng lấy một cô gái làm vật hiến tế; vào thời các hoàng đế Trajan và Constantine sau đó cũng từng có sự việc như vậy; mãi đến năm 915 Tây lịch tục hiến tế người mới bị cấm chỉ. Hiến tế người đặc biệt thịnh hành ở Mexico xưa kia, theo thống kê của Max Müller, mỗi năm trong các đền thờ ở Mexico, khoảng 2500 người bị giết để tế thần, trong đó có năm lên đến 10 vạn người. Ở Ấn Độ cũng có phong tục này, thịnh hành nhất là từ năm 1865 đến 1866; hiện nay tuy đã bị cấm, nhưng người ta vẫn lấy bột mì, hồ nhão, đất sét nặn thành hình người rồi chặt đầu nó tế thần.

Thổ dân Mexico thời cổ còn có tục lệ ăn thịt người: Mỗi năm cử hành một lễ tế lớn trước vị thần mà họ phụng thờ, từ một năm trước phải chọn ra một chàng trai tuấn tú để làm vật hiến tế cho năm tới. Trong vòng một năm đó, chàng trai này được tôn sùng là thần và được cung phụng đầy đủ mọi thứ; người dân thấy anh ta phải phủ phục lễ bái và phải thuận theo tất cả yêu cầu của anh ta. Đến tháng cuối cùng, tuyển ra 4 mỹ nữ làm vợ của anh ta. Vào ngày cuối cùng, cho anh ta dẫn đầu một đoàn người trang nghiêm tiến vào đền thờ, sau rất nhiều nghi thức và lễ lạy, anh ta sẽ bị giết để tế thần, thịt của anh ta được thầy tư tế và các bậc tôn trưởng chia nhau ăn hết.

Từ tục lệ hiến tế người của tôn giáo nguyên thủy, xem người được hiến tế là thần và chia nhau ăn thịt người đó, có thể chứng minh lý luận về Jesus có xuất xứ từ tôn giáo nguyên thủy. Jesus tự xưng là hiện thân của Chúa, Jesus hy sinh trên thập tự giá là để tế thần chuộc tội cho nhân loại. Những người tín ngưỡng Jesus, vì để có được thánh linh của Jesus, nên phải ăn Tiệc Thánh - ăn thịt và uống máu Jesus.[33]

 

3. Science of Religion.

4. Comparative theology.

5. Theoretical theology.

6. Brahmanism.

7. Zoroastrianism.

8. The sacred.

9. Great Dreadful.

10. Perception of the Infinite.

11. Animatism.

12. Pre-Animism.

13. Earth Mother.

14. Heaven Father.

15. Càn và Khôn vốn là hai quẻ trong Kinh Dịch, tượng trưng cho trời và đất.

16. Phallic worship.

17. Xem thêm chương 12, cuốn Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ của cùng tác giả.

18. Mother Sea.

19. Black Stone.

20. Mother Goddess Cybele.

21. Wives of the Sun.

22. Lưu Bang, trước khi khởi nghĩa, trong một lần đưa dân phu đến núi Ly Sơn, giữa đường gặp một con rắn trắng lớn nằm chắn ngang, đã vung kiếm chém chết rắn. Có một bà lão không biết từ đâu đến ngồi khóc bên xác rắn, khi được hỏi vì sao lại khóc, bà lão đáp: “Con tôi là con của Bạch Đế hóa thành rắn nằm ngang giữa đường, nay bị con của Xích Đế giết, nên tôi khóc”. Người ta cho rằng đó là điềm báo hiệu cho triều Tần sắp bị triều Hán tiêu diệt, vì theo truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, trên trời có 5 vị Thiên Đế, trong đó Bạch Đế ở phía tây ứng với vị trí của nước Tần và Xích Đế ở phía nam ứng với vị trí nơi Lưu Bang khởi nghiệp.

23. Sacred groves.

24. Trong bữa ăn tối cuối cùng trước khi bị đóng đinh lên thập tự giá, Jesus lấy bánh, bẻ ra, phân phát cho các môn đồ và nói rằng: “Này là thân thể ta”, rồi lấy rượu nho đưa cho họ và phán rằng: “Này là máu ta”, lại còn căn dặn họ: “Hãy làm điều này để nhớ đến ta”. Cho nên, ngày nay, tín hữu Cơ Đốc cử hành Tiệc Thánh hằng năm để tưởng nhớ Jesus theo những việc mà ông đã làm trong bữa ăn tối cuối cùng đó.

25. Soul.

26. Ghost.

27. Sacred prostitution.

28. Kim cương thừa (Vajrayāna) là một hệ phái bắt nguồn từ Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna), xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 ở Bắc Ấn Độ, sau đó được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản... Vì hệ phái này có những phương pháp tu học huyền bí mang tính chất mật truyền, nên còn được gọi là Mật giáo hay Mật tông.

29. Theo Phật giáo Tây Tạng, từ Lạt-ma có nghĩa là “thượng nhân”, gần giống với từ Guru (đạo sư) của Ấn Độ. Ngày nay, danh từ Lạt-ma hay được dùng để gọi các vị cao tăng Tây Tạng, không kể trình độ chứng đạo của họ đến đâu. Hồng giáo là tên gọi khác của phái Nyingma, một trong bốn dòng truyền thừa lớn của Phật giáo Tây Tạng.

30. Tantra, cũng như yoga và thiền, được coi là con đường dẫn đến sự khai sáng, ra đời ở Ấn Độ khoảng 6000 năm trước. Khi mới xuất hiện, tantra thách thức niềm tin thời bấy giờ, vì nó nói rằng, khả năng tình dục là con đường dẫn đến những điều thần thánh, và những thú vui trần tục khác như ăn uống, nhảy múa... đều là thiêng liêng.

31. Jus Primae Noctis.

32. Xin đọc thêm tiết 3, chương 3 và tiết 2, chương 4 sách Nghiên Cứu Cơ Đốc Giáo của cùng tác giả.

33. Sacrifice.

34. Human sacrifice.

35. Sách tham khảo chính của tiết này là Văn Hóa Nhân Loại Học của Lâm Huệ Tường.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/03/2023(Xem: 9457)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5595)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
03/02/2023(Xem: 8476)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
31/01/2023(Xem: 9644)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
07/01/2023(Xem: 8087)
Phương pháp phát triển cá nhân mà nhà sư Sangharakshita nói đến trong bài này là phép thiền định của Phật giáo, một phép luyện tập nhằm biến cải một con người bình dị trở thành một con người đạo đức, sáng suốt và cao quý hơn, và ở một cấp bậc sâu xa hơn nữa còn có thể giúp con người đạo đức, sáng suốt và cao quý ấy thoát ra khỏi thế giới hiện tượng luôn trong tình trạng chuyển động và khổ đau này.
23/12/2022(Xem: 21959)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
14/12/2022(Xem: 3015)
Đạo đức và Luân lý chẳng những là nền tảng của mọi tôn giáo, mà còn là nền tảng của mọi xã hội loài người. Một xã hội sẽ không hoạt động hoặc phát triển nếu không có Đạo đức và Luân lý; nó sẽ không chịu nổi sự hỗn loạn và bạo lực. Đạo đức và Luân lý cũng đóng vai trò là hệ thống giá trị mà từ đó luật pháp và công lý được hình thành, cùng với các định nghĩa của chúng ta về đúng và sai. Một hệ thống Đạo đức và Luân lý không chỉ tạo ra hòa bình và trật tự trên thế giới này, nó còn cung cấp một mục đích trong cuộc sống. Sống có Đạo đức và Luân lý cho chúng ta cảm giác thành một ơn gọi cao hơn có thể mang bản chất tâm linh, cho phép chúng ta trải nghiệm sự siêu việt vượt qua những cám dỗ vật chất trần tục.
02/11/2022(Xem: 22776)
Đức Phật thuyết giảng giáo nghĩa Đại thừa vì tám lý do, được nêu lên ở trong bài kệ của Đại thừa trang nghiêm kinh luận: "Bất ký diệc đồng hành Bất hành diệc thành tựu Thể, phi thể, năng trị Văn dị bát nhân thành". Bài kệ này nêu lên tám lý do, tám bằng chứng kinh điển Đại thừa là do đức Phật nói chứ không phải là ai khác. Hàng Thanh văn không đủ khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Hàng Duyên giác không có khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Bồ tát cũng chưa đủ sự toàn giác để nói kinh điển Đại thừa. Còn đối với ngoại đạo thì đương nhiên không thể nói được một từ nào ở trong kinh điển Đại thừa. Có nhiều vị cố chấp, thiên kiến nói rằng kinh điển Đại thừa do ngoại đạo tuyên thuyết; nói như vậy là hồ đồ, không có luận cứ. Tu tập đến cỡ như hàng Thanh văn, hàng Duyên giác mà còn không nói được kinh điển Đại thừa thì làm gì cái đám ngoại đạo chấp ngã, chấp trước, chấp danh, chấp lợi mà nói được kinh điển Đại thừa. Cho nên nói kinh điển Đại thừa do ngoại đạo nói, đó
02/11/2022(Xem: 19470)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
31/10/2022(Xem: 15795)
SOTAPATTI, quả vị Dự lưu, là cấp bậc đầu tiên trong bốn cấp bậc giác ngộ được đề cập trong Phật giáo Sơ kỳ. Tên gọi của quả vị nầy là từ ý nghĩa của một hành giả nhập vào dòng chảy không thối chuyển (sotāpanna, thánh Dự lưu) đưa đến giải thoát hoàn toàn. Dòng chảy nầy chính là đường thánh tám chi (Bát chi Thánh đạo, SN 55:5, kinh Sāriputta), là dòng sông hướng đến Niết-bàn cũng giống như sông Hằng chảy ra biển cả (SN 45:91, kinh Phương đông). Thời gian cần thiết để dòng sông nầy tiến đến mục tiêu tối hậu là tối đa bảy kiếp sống, không kiếp nào tái sinh trong cõi giới thấp hơn cõi người (SN 55:8, kinh Giảng đường bằng gạch).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]