Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Vị Tỳ Khưu Ni Sinh Con

04/12/201319:58(Xem: 28366)
13. Vị Tỳ Khưu Ni Sinh Con
blank

Vị Tỳ Khưu Ni Sinh Con


Trong thời gian ở Trúc Lâm, hai vị tôn giả có dịp bộ hành ghé thăm tịnh xá này sang tịnh xá khác, cả tăng và ni thì thấy rõ thế lực của Devadatta đã được rải khắp các nơi. Ông ta đã có một tăng chúng riêng và ni chúng riêng, và trong thâm tâm, họ coi Devadatta như vị đạo sư thứ hai sau đức Phật. Cả hai ngài có viếng thăm đức vua Bimbisāra và thấy rõ ông ta đang có một nỗi buồn về chuyện gia đình. Số là bà Videhi thì nuông chiều con mặc dù thái tử đã lớn tuổi. Tâm ý của thái tử lại nôn nóng muốn nối ngôi trong khi đức vua Bimbisāra thấy con chưa đủ tư cách. Một vài ba lần, đức vua thấy hành tung hơi mờ ám giữa thái tử Ajātasattu và Devadatta. Họ đang có một liên kết gì đó do thái tử Ajātasattu thường cung cấp vật thực rất đầy đủ cho tăng ni do Devadatta quản nhiệm!

Devadatta thấy mình có sự hậu thuẫn vững chắc từ thái tử Ajātasattu nên càng lúc, ý đồ “muốn thay thế đức Phật” càng lộ rõ. Và chuyện xẩy ra sau đây, do hai vị đại đệ tử được một vị tỳ-khưu kể lại, thì thấy ý đồ của Devadatta càng lộ rõ:

“- Có một nàng con gái của một triệu phú ở thành Vương Xá; do túc duyên nhiều đời kiếp, tâm nàng chứa đầy thiện căn, nên từ khi lớn lên nàng không thích thú đời sống gia đình. Ý hướng xuất gia trong nàng như một ngọn đèn trong chiếc ghè không bao giờ tắt.

Nàng thưa với cha:

- Đời sống gia đình đầy những phiền não, vui ít, khổ nhiều. Hãy cho con được xuất gia trong giáo pháp của đức Thế Tôn.

Cha mẹ nàng ân cần khuyên răn, bảo rằng:

- Này con gái thân yêu! Đừng có mang ý nghĩ ngược đời. Con là con gái độc nhất trong gia đình. Là người thừa kế tài sản mai hậu, là nơi nương tựa cho cha mẹ lúc tuổi già sức yếu, là niềm vui cho cha mẹ lúc cô đơn, quạnh vắng. Con xuất gia thì ngôi nhà này sẽ như thế nào?

Biết là khó lay chuyển được những lý do mà cha mẹ nàng đưa ra. Tuy thế, nàng nghĩ: ‘Tài sản dẫu là cái đem lại hạnh phúc cho trần gian nhưng lấy gì làm chắc thật? Con gái lớn thì gả chồng, vậy cha mẹ ta biết nương tựa vào đâu? Mỗi chúng sanh lăn lóc trong ba cõi sáu đường đều cô đơn với nhân, quả và nghiệp của mình, biết ai đem lại niềm vui cho ai? Trong vòng tử sinh thật là mù mịt vậy thay?’

Thời gian sau, một gia đình tương xứng đến hỏi nàng làm vợ cho con trai trưởng của họ. Nàng nghe tin với tâm tư bình thản. Một con bướm đã đến viếng đóa hoa. Cái thuận theo dòng đời đã được hiện thực. Một lần nữa, nàng lại muốn bơi ngược, nên thưa với cha mẹ:

- Con xuất gia thì cha mẹ cũng không có chỗ tựa nương. Mà con có xuất giá thì cha mẹ cũng không có chỗ nương tựa. Cả hai đều làm cho gia đình quạnh vắng. Và cha mẹ vẫn cô đơn trong tuổi già. Vậy thì xuất gia hay xuất giá của con, cha mẹ đều khổ như nhau. Nhưng riêng phần con, xuất giá không cho con niềm vui, chính xuất gia mới cho con niềm an lạc. Vậy xin cha mẹ hãy cho con cạo đầu làm ni, đi theo Ni đoàn thánh hạnh sống đời thoát khổ.

- Không được đâu, con ơi! Cha mẹ nàng thiết tha nói – xuất gia là con rời khỏi gia đình, là con đi thẳng. Xuất giá là con đi lấy chồng, có lúc còn trở lại. Sau này, con tay bế tay bồng, không là niềm vui của ông bà ngoại sao? Còn con đi theo các người ta-bà khổ hạnh, phải nằm cây, ngủ rừng. Ăn thì không đầy dạ với cơm siu, với cháo chua. Mặc thì vải dơ, vải lượm rách rưới tồi tàn. Ngủ thì chẳng giường chẳng nệm, chiếu đất màn trời. Cha mẹ dẫu thế nào cũng là phú hộ có tiếng trong kinh thành, há không mủi lòng khi thấy đứa con núm ruột của mình sống đời sống khổ cực vậy ư? Không mất mặt ư? Không muối xát ư?

Vậy là nhân duyên chưa đủ! Nàng nghĩ, khi mà nhân duyên kia chưa đủ thì đừng biến ước nguyện an lạc, thành nỗi thống khổ không rời. Hãy an tịnh và tri túc với hoàn cảnh. Có nhân chưa chắc đã thành quả, mà phải đợi duyên. Khi đủ duyên, thuận duyên, chỉ cần lay thoảng một cơn gió nhẹ, trái cây kia sẽ rụng xuống trên tay.

Thế là nàng lại an phận thủ thường với cuộc sống trước mặt. Thấy cái hoa nở cũng nghe tươi vui. Thấy chiếc lá rụng cũng bâng khuâng mơ hồ. Biết mình sắp làm vợ người, không vì vậy mà nàng trau chuốt điểm trang thêm. Nàng đã quen với cái dung dị từ thuở nhỏ. Như đóa sen trong hồ nước giữa rừng già, âm thầm lặng lẽ mà tỏa hương. Sắc đẹp và nết hạnh của nàng không được như lài, như bưởi mà nó dịu nhẹ, thanh mềm, kín đáo như sói, như lan.

Vợ chồng ông phú hộ ngạc nhiên về hình thức không thay đổi của con, bèn khuyên:

- Con ơi! Hoa một lần nở, con gái một lần đi lấy chồng. Sao con không điểm trang thêm để tôn vinh cái vẻ mặn mà cho xứng hợp với cái thời xuân sắc?

- Thưa cha mẹ! Nàng đáp – do nghiệp quá khứ mà con có được cái danh tâm và sắc tướng hôm nay. Vậy cái hiện tại là cái thật của con. Con trau chuốt điểm trang thêm thì khác nào lấy cái giả mà phủ lên cái thật? Sợ rằng con sẽ mang tội dối người!

Vợ chồng ông phú hộ lắc đầu mà than:

- Ôi! Đẻ con, vợ chồng ta không đẻ ngược mà sao nó chỉ nói những cái ngược đời? Dẫu ngược đời mà sao cái lý cũng lọt tai?

Rồi nàng về nhà chồng. Chồng nàng là một thanh niên khả ái, có học nên tình thương yêu mà chàng dành cho nàng vượt qua đôi mắt thế tình. Không những yêu thương mà còn kỉnh trọng. Nàng không có gì xuất sắc hơn người về sắc đẹp, nhưng ngược lại là cái dịu dàng, nết na; đối xử phải lẽ và chu toàn các bổn phận không có gì để phàn nàn. Điểm nổi bật là nàng có một đời sống nội tâm lặng lẽ, thâm sâu và ổn định. Do vậy, những cái nhìn và những cái nhận thức từ đó bao giờ cũng có sức thuyết phục, tỏa sáng và có trọng lượng. Chồng nàng thường ngạc nhiên về những cái mới lạ, sắc bén và tế vi nơi những câu nói bình thường của nàng. Nó không bác học, kinh điển hoặc từ chương mà vẫn biểu hiện sự khôn ngoan của trí tuệ và tràn đầy đạo lý nhân sinh.

Có gì đáng ngạc nhiên đâu: Nàng đã tu hành từ nhiều đời kiếp rồi!

Đó là lúc mà thành phố vào ngày hội lớn. Nhà nhà rộn rịp tưng bừng. Phố chợ, công viên, lâu đài, đường sá đều được trang hoàng cực kỳ lộng lẫy. Cả hai vợ chồng trẻ cũng sửa soạn để chung vui với mọi người. Khi bước ra thềm nhà, người chồng ngạc nhiên thấy xiêm áo vợ mình không khác ngày bình thường bao nhiêu. Chỉ tươm tất một tí thôi. Đáng lẽ vào ngày hội lớn này, có gì phải mang ra chưng diện hết. Đáng lẽ nàng phải phấn sáp cho diêm dúa vào, phải đeo đồ trang sức cho mỹ lệ hơn. Và xiêm áo phải đính trân châu mã não; mái tóc kia phải tỏa mùi hương chiên đàn! Vậy mới phải lẽ. Vậy mới xứng đáng là “tiểu phú hộ phu nhơn”.

Chàng nói:

- Này em! Vẻ đẹp tâm hồn là quí. Sự giản dị của nết na, đức hạnh là quí. Nhưng hôm nay là ngày hội lớn, trước hàng vạn đôi mắt của thành phố, em cũng nên phá lệ trang điểm một lần cho ta vui lòng.

Nàng mỉm cười đáp:

- Nếu vì để vui lòng chàng thì thiếp sẽ trang điểm ngay. “Phu xướng phụ tùy” vừa hợp với lòng người vừa hợp với bổn phận. Sao thiếp lại dám từ chối được!

Người chồng trẻ sung sướng. Nhưng chàng thấy nàng vẫn đứng yên, đôi mắt nhìn ra xa: Ở đó có những cánh chim bay trong nắng sớm, tung lượn dưới khoảng trời cao rộng.

Chàng vẫn một mực chờ đợi.

Lát sau, nàng nói lẩm bẩm:

- Những con chim... những con chim...

Chàng ngạc nhiên hỏi:

- Em nói gì?

Chàng nghe nàng thở dài rồi nói:

- Chàng có thấy những cánh chim kia không? Những cánh chim trong nắng sớm và khoảng trời cao rộng...

Rồi lại nói tiếp:

- Chàng ơi! Thiếp có lỗi với chàng.

- Ta không tin thế. Không có chuyện đó bao giờ.

- Phải! Nàng cúi đầu – thiếp không hề giấu chàng điều gì. Nhưng có một sự thật thâm sâu tự đáy lòng thiếp chưa nói ra đấy thôi. Chưa nói ra, vậy là có lỗi. Từ khi về làm vợ chàng, sự thật kia đành phải chôn giấu vào một góc riêng biệt của tâm hồn. Dẫu chỉ là một góc nhỏ thôi, nhưng nó là cả một khoảng trời cao rộng, ở đó có những cánh chim tung bay trong nắng sớm...

Biết nàng thỉnh thoảng hay gợi ý cao xa trước khi đi vào một vấn đề quan trọng nên chàng lại dẫn nàng vào nhà.

- Em cứ nói! Chàng dịu dàng mở lời – ta mong rằng khung trời kia sẽ được mở rộng... Chàng chợt cười cho cái tế nhị và văn hoa mà chàng đã học được từ nàng – và ta là một cánh chim cô đơn được bay về họp mặt trong khung trời riêng biệt của lòng em.

Nàng lắc đầu rồi tiếp tục dòng tư tưởng của mình, nói như phân trần:

- Từ lâu rồi, từ khi về làm vợ chàng, khung trời đó bị bít kín bằng đời sống bổn phận, bằng hiếu tình là dâu thảo, là vợ hiền. Nhưng nó cũng luôn luôn bập bùng cháy tỏ ngọn đèn ước mơ. Ước mơ đó là gì, không nói ra với chàng hôm nay, thiếp e rằng mình có lỗi.

Nàng ngước lên nhìn chàng, đôi mắt long lanh và xa vắng. Chàng linh cảm một điều gì.

- Em hãy nói nữa đi. Anh cần biết tất cả sự thực, dẫu sự thực đó thế nào.

Như được khuyến khích, nàng tiếp:

- Thiếp đã ý thức từ thuở nhỏ, có thân là có tội, có khổ. Khỏi cần phải nói với chàng rằng, thân này không phải do chư thiên hóa sanh, do phạm thiên hóa sanh, không làm bằng vàng ròng, châu báu, không làm bằng gỗ chiên đàn, không sanh từ đài sen trắng, sen hồng hay sen xanh, không đựng đầy thuốc trường sanh bất tử. Cũng không cần nói với chàng rằng, thân này đầy những uế nhiễm; do cha mẹ sanh, bị vô thường, biến hoại, bị ái chấp thủ, là nhân của sầu ưu, là căn cứ địa của than khóc, là kho tàng của bệnh tật, là chỗ dung nạp của nghiệp lực, cả một bọc ô uế, nội bộ thường phát tiết xú tanh. Cứu cánh của thân này là đi đến sự chết, đi đến nghĩa địa, là chỗ tụ hội của các côn trùng. Xin lỗi hiền phu, vì là sự thật nên thiếp đã nói lời khó nghe. Thiếp trang điểm cái thân này chẳng khác gì lấy vòng hoa mà phủ ngoài đống phân dơ uế. Biết làm sao được vì thiếp thường hằng quán niệm sự bất tịnh của thân. Đấy là lý do thứ nhất mà thiếp có lỗi với chàng!

Người chồng thấy mình bàng hoàng, nửa đớn đau nửa tự ái, tuy thế cũng bấm bụng mà nói rằng:

- Đấy là sự thật, ta trách nàng sao được? Vậy nàng hãy nói thêm lý do thứ hai?

- Cảm ơn chàng đã cho phép! Nàng nói tiếp – còn lý do thứ hai. Thiếp trộm nghĩ rằng, khi nào mà ta còn phó thác cho dòng nghiệp lực vô hình cấu tạo nên sắc tướng và danh tâm này; khi nào mà ta còn phó thác cho dòng nghiệp lôi kéo ta đi vào cõi mịt mù vô định thì ta còn phải đau khổ, thống khổ dài lâu. Vậy thì ta phải làm thế nào để thoát khỏi sự chi phối của nó? Làm thế nào tìm cho ra được căn nguyên của cuộc sinh tử nổi trôi vô định này? Nếu không có một ánh sáng nào soi rọi vào những câu hỏi đó thì vĩnh viễn ta còn ở trong tối tăm và bấp bênh thế nào! Lại nữa, những lạc thú trần gian quá ít ỏi và ngắn ngủi, biết có đền bù đủ máu và nước mắt mà chúng ta đã đổ xuống trong ba cõi sáu đường chăng? Vậy thì lạc thú trần gian kia là mật ngọt quyến dụ ta chăng? Là chiếc bẫy mịn màng êm ái của ma vương chăng?

Thưa hiền phu! Những điều đó không còn là hoài nghi nữa, mà chúng đã biến thành sự thực trong tâm tư thiếp, biến thành nỗi thao thức khôn nguôi. Chàng hỡi! Vâng lệnh mẹ cha nên thiếp phải về với chàng, nhưng ước mơ thoát ly thế tục, tâm nguyện con đường Đạo Sáng vẫn thôi thúc thiếp từng khi! Nơi cái góc tâm hồn bé nhỏ, tuyệt đối là sự thanh khiết vắng lặng, là sự chở che mà cũng là Chân Phúc ấy, thiếp thường để dành trọn vẹn cho đời sống xuất gia, đến khi nào chàng cho phép.

Nàng đã thôi nói, vầng trán chàng càng lúc càng cau lại. Thân chàng như cúi gập xuống. Lát sau như đã chiến thắng mình, chàng nói:

- Thế thì hiền thê ơi! Rất mừng cho nàng. Vậy thì nàng hãy xuất gia trong giáo pháp của đức Thế Tôn. Ta sẽ tình nguyện làm một thiện nam hộ độ chư tăng, Ni đoàn và giáo hội. Ta không có duyên phần xuất gia, nhưng ta nguyện cầu cho nàng sớm tìm ra an lạc!

Nói thế xong, chàng như lảo đảo lắc lư một hồi mới đứng yên. Chàng đau khổ lắm. Tuy thế, hồi lâu chàng cũng nở nụ cười, cố gắng tươi tỉnh nhưng vẫn không giấu được nỗi thê lương, xa vắng.

Nàng tự nghĩ: Đức Thích Tôn từ bỏ vương phụ, xã tắc, thê nhi vào lúc mọi người đang yên ngủ, thật là hữu lý làm sao. Vậy ta hãy lặng lẽ lên đường sau khi được phép một cách khó khăn. Nhưng mà sự thai sinh nào lại không đau đớn, nhất là ta lại cưu mang ‘thánh thai’(1)đã rất lâu rồi!

Để cho sự việc được quang minh, chồng nàng nói:

- Khi nàng đến nhà này, danh chính ngôn thuận, đèn treo hoa kết, hai họ đón đưa, quan khách chật đường, vui tươi và xán lạn. Đón đưa nàng về chốn buộc ràng tục lụy mà như thế; huống nay nàng ra đi trong ánh đạo vinh quang, trở về với ánh đạo vinh quang; nàng hãy cho ta được thỉnh mời tất cả chư tăng ni trong thành phố, làm một cuộc cúng dường lớn. Ta sẽ tỏ lòng tôn kính đức Tôn Sư và giáo hội. Ta muốn nàng cũng danh chính ngôn thuận mà ra đi. Như thế, nàng sẽ được nở mặt nở mày, hoan hỷ và mát mẻ. Còn ta sẽ không còn ngậm ngùi, hối hận hay luyến tiếc điều gì. Ta và nàng cùng an lạc.

Nàng cúi đầu chắp tay tỏ lòng kỉnh trọng và tri ân người chồng hiểu biết và độ lượng.

Thế là sau cuộc bố thí, cúng dường lớn, nàng xuất gia. Dĩ nhiên, hôm ấy, ở đây không có mặt đức Phật cũng như chư đại trưởng lão nên nàng phải xuất gia với ni chúng thuộc nhóm Devadatta. Một vị trưởng lão ni đích thân giáo giới và cho nàng đề mục thiền định. Không bao lâu sau, nàng sống hoan hỷ với tâm tư viên mãn.

Thuở ở với chồng, nàng đã có thai, nhưng nàng không biết. Nên thời gian sau cái thai càng ngày càng lộ rõ. Các tỳ-khưu-ni nhận thấy các căn của nàng càng ngày càng đổi khác, tay, chân, lưng, màn da bụng lớn lên – nên hỏi nàng:

- Này hiền muội! Hình như hiền muội có thai. Sự việc này là thế nào đây?

Nàng không biết cách trả lời, chỉ nói:

- Thưa các hiền tỷ! Tôi không biết sự việc này, giới hạnh tôi đầy đủ.

Các vị tỳ-khưu-ni không biết giải quyết ra sao bèn đem nội vụ đến Trúc Lâm tịnh xá thỉnh thị ý kiếnDevadatta:

- Thưa tôn giả! Thiện nữ nhơn này, với sự chấp thuận khó khăn của người chồng, được xuất gia. Nay nàng có thai. Chúng tôi không rõ nàng thọ thai khi còn là cư sĩ hay là khi đã xuất gia. Nay chúng tôi phải làm gì?

Devadatta tự mình chưa giác ngộ, không có lòng kham nhẫn, từ bi, từ mẫn; lại sống lệ thuộc nơi danh lợi, thị phi – nên nghĩ rằng:

“- Một tỳ-khưu-ni thuộc ‘phái của ta’ mang thai. Đấy là sự kiện hại đến uy tín và danh vọng của ta. Khi mà uy tín và danh vọng của ta đã bị dư luận chỉ trích, chê bai thì lợi dưỡng, do đó sẽ bị giảm thiểu. Ta tha cho nàng là tự làm hại ta vậy”.

Nghĩ thế xong, không có điều tra, không có hỏi han tự sự sau trước mà như xô đẩy một tảng đá thoát khỏi chướng ngại, Devadatta nói:

- Để một nữ nhân như vậy tồn tại trong giáo pháp này, dầu phải dầu trái cũng có hại đến uy tín chung. Các ngươi hãy đuổi nó đi, hãy tẩn xuất nó đi, rồi lại đi bá cáo khắp nơi rằng: ‘Pháp và luật của Devadatta thật nghiêm minh, đã tẩn xuất đúng pháp và luật một kẻ thiếu giới hạnh!’

Nói thế xong, nhưng tự trong thân tâm, Devadatta lại nghĩ: ‘Như vậy, từ một sự việc đáng lẽ mất uy tín, danh vọng, ta lại làm cho càng thêm uy tín, danh vọng. Phi bậc trí tuệ, không ai làm được thế!’

Chúng tỳ-khưu-ni nghe lời phán truyền của Devadatta, đứng dậy đảnh lễ rồi đi về trú xứ của mình.

Biết rõ sự việc, nàng thưa:

- Thưa các tôn giả! Trưởng lão Devadatta không phải là đức Phật, không thể có lời tuyên bố tối hậu được. Con xuất gia với ni chúng của tôn giả ấy, nhưng con sống trong giáo pháp của đức Tôn Sư, bậc Chánh Đẳng Giác, bậc Tối Thượng Nhân ở đời. Chớ làm rơi mất nơi con điều đã có được một cách khó khăn. Hãy đưa con đến Kỳ Viên tịnh xá, gặp đức Đạo Sư.

Một số đông tỳ-khưu-ni có tu chứng, một số đông tỳ-khưu-ni biết phàm tâm của Devadatta, họ biết rõ sự thật trong cách ăn nói của nàng, nên với lòng từ ái, bi mẫn, như đối với đứa con một, không quản ngại khó khăn, gian lao vất vả, đã dội nắng dầm mưa, dìu nàng lên đường. Trải qua sáu mươi do-tuần, đầu trần chân đất, họ từ Vương Xá, đến gặp đức Đạo Sư ở tịnh xá Kỳ Viên, cung kính đảnh lễ ngài rồi tường trình sự việc. Họ đâu biết rằng, lúc ấy, hai vị đại đệ tử và một ngàn vị tỳ-khưu đã trở về Kỳ Viên mấy hôm trước, và con người của Devadatta như thế nào, đức Phật đã biết rõ.

Đức Đạo Sư suy nghĩ:

‘- Không cần có thắng trí cũng biết rằng thai của nàng ấy đã được tượng hình khi còn là gia chủ. Đấy là sự thực. Nhưng sự việc này nếu không được minh chứng trước tai mắt những người trong quốc độ, trước những đại thí chủ uy tín, lão thành trong giáo hội thì ngoại đạo, hoặc cả Devadatta sẽ nhân cơ hội này mà xuyên tạc, đặt điều, vu khống. Phải minh chứng sự thanh tịnh của nàng trước tứ chúng và dư luận vì lợi ích cho riêng nàng mà còn vì lợi ích cho phần đông’.

Ngày hôm sau, đức Thế Tôn cho thỉnh mời vua Pāsenadi nước Kosala, đại Cấp Cô Độc, tiểu Cấp Cô Độc, nữ đại thí chủ Visākhā và nhiều nhân vật gia chủ, tôn túc có uy tín khác nữa.

Rồi vào buổi chiều, khi tứ chúng đã đến tụ họp đông đủ tại giảng đường, đức Thế Tôn nói với trưởng lão Upāli, vị giáo sư luật học:

- Này Upāli! Hãy thực thi bổn phận của mình, hãy làm cho thanh tịnh sự việc của vị tỳ-khưu-ni trước bốn chúng.

Vị trưởng lão tinh thông luật học, cung kính vâng lời đức Thế Tôn, khoác đại y màu vàng chói đi đến giữa hội chúng, uy nghi của con phượng hoàng, ung dung lên ngồi trên bảo tọa thấp. Rồi với giọng minh bạch, rõ ràng, tôn giả trình bày lại sự việc của vị tỳ-khưu-ni; và mong rằng sự thanh tịnh hay không thanh tịnh của nàng sẽ được chứng kiến quang minh trước quốc độ cũng như trước giáo hội.

- Này nữ đại thí chủ Visākhā! Trưởng lão Upāli nói – đức Phật và tăng chúng tin tưởng vào trí tuệ và đức công minh của bà; vậy thì bà hãy xác định ngày xuất gia, tháng xuất gia của vị tỳ-khưu-ni này. Sau khi biết rõ rồi, hãy tìm cách xác định khi thụ thai là trước hay sau thời gian xuất gia?

Nữ đại thí chủ Visākhā vâng lời trưởng lão, cho treo một cái màn. Và trong bức màn kín đáo ấy, chỉ có hai người. Bà Visākhā quan sát thân thể của vị tỳ-khưu-ni trẻ. Do hiểu biết và kinh nghiệm, bà suy tính ngày tháng; và biết được khi thụ thai là thời kỳ còn làm nữ gia chủ. Bèn đi đến trưởng lão Upāli và báo cáo kết quả.

Trưởng lão Upāli, giữa bốn chúng, tuyên bố là vị tỳ-khưu-ni ấy là thanh tịnh.

Khi được xác minh mình là thanh tịnh, nàng đến đảnh lễ bậc Đạo Sư, đảnh lễ tôn giả Upāli với sự mừng vui ràn rụa nước mắt; rồi sau đó nàng xin nhập chúng với chư tỳ-khưu-ni ở Sāvatthi, không trở về Vương Xá nữa.

Thời gian sau, nàng sanh hạ được một trai có uy lực lớn, do nàng trước đây đã từng cầu nguyện dưới chân đức Phật Padumuttara quá khứ.

Câu chuyện này còn được kinh luật, chú giải kể tiếp. Một hôm, đức vua Pāsenadi đi qua trú xứ của chư tỳ-khưu-ni, nghe tiếng trẻ khóc, dừng chân lại hỏi, biết rằng đấy là con của vị tỳ-khưu-ni đã được đức Phật và Tăng chúng xử thuở nọ, bèn nói rằng:

- Này các khanh! Thật là trở ngại biết bao cho một vị tỳ-khưu-ni phải nuôi dưỡng con cái. Việc ấy là bổn phận của hàng cư sĩ chúng ta.

Thế rồi, đức vua mang về nuôi dưỡng như vị hoàng tử và đặt tên là Kassapa. Lên bảy tuổi, Kassapa xin xuất gia với bậc Đạo Sư. Sau này, đúng hai mươi tuổi, Kassapa thọ đại giới. Không lâu sau, ngài trở thành một nhà thuyết pháp tài giỏi giữa các nhà thuyết pháp, được đức Phật ấn chứng và tán dương là vị thuyết pháp đệ nhất. Tỳ-khưu Kassapa nhờ nghe kinh Vamūka mà chứng quả A-la-hán. Còn mẹ ngài nhờ phát triển thiền quán, chứng quả cao nhất.

Được biết rằng, trưởng lão tỳ-khưu-ni, mẹ của ngài Kassapa, trong giáo pháp của đức Tôn Sư, sau này, sáng chói như trăng rằm giữa hư không (gaganamajjha).

Như thế, nhờ sự sáng suốt của đức Thế Tôn, và túc duyên nhiều đời kiếp của hai mẹ con vị tỳ-khưu-ni mà từ chỗ đáng lẽ bị họa hại, bị tẩn xuất, lại trở thành hai bậc thánh, làm rực rỡ thêm khu rừng giáo pháp và thêm sắc thêm hương cho đạo giác ngộ vậy.



(1)Ý nói là cưu mang tâm niệm xuất gia.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/02/2014(Xem: 20783)
Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Tôi” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Tôi”. Khi cảm tính về “Cái Tôi” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát.
22/01/2014(Xem: 8971)
Trong luận Đại Thừa Khởi Tín có từ “phát thú đạo tướng” , phân tách Tướng Đạo mà tất cả chư Phật chứng đắc, tất cả chư vị Bồ Tát phát tâm tu hành để mau chứng đắc quả vị Phật. Trên có từ “Phát Thú” nghĩa là phát tâm hướng về, cất bước ra đi hướng thẳng về một mục tiêu nhất định gọi là “Thú Hướng”. “Phát Thú Đạo Tướng” nghĩa là phân định các tướng sai khác của sự phát tâm hướng đến Đạo. Đạo tức là Bồ Đề, Niết Bàn mà chư Phật đã chứng đắc. Đó là Bản Giác, Nhất Tâm Chân Như, tự tướng của Nhất
19/01/2014(Xem: 8586)
Khi khảo sát về PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM, chúng tôi tự nghĩ, chúng ta cần phải biết Bồ-Đề là gì? Bồ-Đề Tâm là thế nào? Phát Bồ-Đề Tâm phải học theo những Kinh, Luận nào? Vv.v… Tiếng Pãli : bodhi. Dịch là Tri, Đạo, Giác, Trí. Nói theo nghĩa rộng Bồ Đề là Trí Tuệ đoạn tuyệt phiền não thế gian mà thành tựu Niết Bàn. Tức là Trí Giác Ngộ mà Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn đã đạt được ở qủa vị của các Ngài. Trong các loại Bồ Đề nầy, Bồ Đề của Phật là rốt ráo tột bậc, nên gọi là A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề dịch là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh biến trí, Vô thượng chính chân đạo, Vô thượng Bồ Đề. Sau khi thành Phật, Đức Thích Ca có giải rằng ngài có đủ ba thể Bồ Đề: 1- Ứng Hóa Phật Bồ Đề: tức là thể Bồ Đề hiện lại trong đời Ngài làm Thái Tử Tất Đạt Đa mà tu hành.
12/01/2014(Xem: 11588)
Johan Galtung là Giáo sư Đại học Hawaii và được mời thỉnh giảng trên 30 Đại học nổi tiếng khắp thế giới. Ông còn là Giám Đốc của Transcend và Peace Research Institute, Olso. Với trên 50 ấn phẩm và 1000 công trình nghiên cứu khoa học về Hoà Binh ông đã nổi danh là người sáng lập cho lĩnh vực Peace Studies. Với những đóng góp to lớn này ông được nhiều giải thưỏng cao qúy. Tác phẩm chính trong lĩnh vực Phật học là „Buddhism: A Quest for Unity and Peace” (1993). Các tiểu tựa là của người dịch.
25/12/2013(Xem: 6853)
Toàn tri toàn giác không thể được phát sinh mà không có nguyên nhân, bởi vì đâu phải mọi thứ luôn luôn là tòan tri toàn giác đâu. Nếu mọi thứ được sinh ra mà không liên hệ đến điều gì khác, chúng có thể tồn tại mà không có sự câu thúc - sẽ không có lý do tại sao mọi thứ không thể là toàn tri toàn giác.
24/12/2013(Xem: 7821)
Phần khảo sát trong Phật Học Từ Điển (đã trích dẫn) viết về Chân Như như sau: “Chân: chân thật, không hư vọng. Như: như thường, không biến đổi, không sai chạy. Chân Như tức là Phật Tánh, cái tánh chân thật, không biến đổi, như nhiên, không thiện, không ác, không sanh không diệt. Cái Chân Như thì đầy đủ nơi Phật. Nó cũng vẫn có nơi chúng sinh. Những chử dưới đều đồng nghĩa, đồng thể với Chân Như: Tự tánh thanh tịnh, Phật tánh, Pháp Thân, Như Lai Tạng, thật tướng, pháp giới, pháp tánh, viên thành thật tánh, Pháp vị.” Trong Duy Thức Luận có viết về ba Chân Như như sau: 1/ Vô tướng Chân Như: Chân Như không tướng; là cái thể của các pháp khắp cả, không có tướng hư chấp. 2/ Vô sanh Chân Như: Chân Như không sanh; các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra chứ hẳn là không thật có sanh .
24/12/2013(Xem: 10089)
Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì : “Thủy Giác: mới tỉnh giác. Cái bổn tánh của hết thảy chúng sanh sẳn có lòng thanh tịnh tự tánh, đủ cái đức vốn chiếu sáng tự thuở nay, đó kêu là Bổn Giác (vốn tỉnh giác sẳn). Cái Bổn Gíac ấy do bề trong ung đúc và nhờ cái duyên ngoài thầy dạy, mới khởi ra cái lòng chán chuyện tham cứu thuận theo bổn giác lần lần sanh ra có trí giác ngộ kêu là Thủy Giác (sau mới tỉnh giác). Bổn Giác đó tức là bốn đức (thường, lạc, ngã, tịnh) vốn thành sẵn vậy. Thủy Giác là bốn đức mới thành ra sau nầy vậy.”
20/12/2013(Xem: 36367)
THIỀN, được định nghĩa, là sự tập-trung Tâm, chú ý vào một đối tượng mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Tôi chia THIỀN làm hai loại, Thiền giác ngộ (Meditation for Enlightenment) và Thiền sức khỏe (Meditation for Health). Tập sách nầy chỉ bàn về Thiền sức khỏe mà thôi.
17/12/2013(Xem: 17898)
Thành thật luận 成實論 (Satyasiddhi-śāstra) cũng gọi Tattvasiddhi Śāstra 16 quyển, hoặc 20 quyển, do Ha-lê-bạt-ma (Harivarman) tạo luận, Cưu-ma-la-thập (Kumārạiva) dịch, Đàm Quỹ ghi chép, Đàm Ảnh chỉnh lý, trong khoảng đời Dao Tần, niên hiệu Hoằng Thùy thứ 13 đến 14 (411 ~ 412), thâu lục trong Đại Chính, Đại Tạng Kinh, Tập số 32, kinh số 1647.
17/12/2013(Xem: 8810)
Có sự phân giới của chúng sinh và không phải chúng sinh, và việc quan tâm đến các chúng sinh cùng hành vi tinh thần trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cũng có những trình độ khác nhau. Khi chúng ta thức giấc, khi chúng ta mơ ngủ và khi chúng ta ở trong giấc ngủ sâu và rồi thì khi chúng ta bất tỉnh - ở tại mỗi giai tầng, có một trình độ sâu hơn của tâm thức. Rồi thì cũng ngay tại thời điểm lâm chung khi tiến trình của tan biến của tâm thức tiếp tục sau khi hơi thở chấm dứt - tại thời điểm ấy, lại có một trình độ thậm chí sâu hơn của tâm thức. Chúng ta không có kinh nghiệm của những gì xảy ra tại thời điểm lâm chung, nhưng chúng ta thật sự biết những gì là kinh nghiệm thức giấc và mơ ngủ và vào lúc ngủ sâu như thế nào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]