- 01. Cô Gái Hạ Tiện Yêu Tôn Giả Ānanda
- 02. Nguyên Nhân Đức Phật Cho Thọ Y Kaṭhina
- 03. Cây Bồ Đề Ānanda
- 04. Người Đàn Bà Đau Khổ
- 05. Vị Tỳ Khưu Mắt Mù
- 06. Con Ngỗng Oan Nghiệt
- 07. Cho Xin Hạt Cải
- 08. Triệu Phú Keo Kiệt
- 09. Cô Gái Nô Lệ Đội Nước
- 10. Ni Trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī Niết-bàn
- 11. Miếng Giẻ Chùi Chân
- 12. Tên Thợ Săn Độc Ác
- 13. Vị Tỳ Khưu Ni Sinh Con
- 14. Đổi Chiếc Xe Mới
- 15. Con Số Đen Bất Hạnh
- 16. Devadatta Muốn Chưởng Quản Tăng Đoàn
- 17. Thái Tử Ajātasattu Hành Thích Vua Cha
- 18. Đức Phật Tẩy Chay Lễ Đăng Quang
- 19. Giết Phật Bằng Cung Nỏ Và Lăn Đá
- 20. An Tịnh Trong Ngục Tối
- 21. Giết Phật Bằng Voi Dữ Nālāgiri
- 22. Chiêu Bài Cuối Cùng Của Devadatta
- 23. Trưởng Giả Cấp Cô Độc Ra Đi
- 24. Củng Cố Pháp Và Luật
- 25. Binh Lửa
- 26. Tôn Giả Mahā Moggallāna Báo Hiếu Mẹ (bài của HT Minh Đức Triều Tâm Ảnh, do Phật tử Chánh Trí diễn đọc)
- 27. Tội Ác Cuối Đời Của Đức Vua Pāsenadi
- 28. Cảnh Giới Cho Thái Hậu Videhi
- 29. Tình Phụ Tử Thiêng Liêng
- 30. Cái Gốc Của Ghẻ Lở, Mụn Nhọt
- 31. Đêm Thanh, Trăng Sáng
- 32. Tiễn Chư Trưởng Lão Lần Lượt Ra Đi
- 33. “Pháp Truyền Thống” Của Đức Vua Pāsenadi
- 34. “Cái Thấy Sự Thực” Hóa Giải Hận Thù
- 35. Ngọn Lửa Thù
- 36. Lời Của Bậc Trí
- 37. Quả Báo Của Devadatta
- 38. Dòng Sākya Tiêu Vong
- 39. Tôn Giả Sāriputta Viên Tịch
- 40. Tôn Giả Mahā Moggallāna Niết-bàn
- 42. Nhân Quả Công Minh
- 43. Có Đủ Bảy Pháp Này, Đất Nước Không Thể Bại Vong!
- 44. Bảy pháp bất thối khác
- 45. Lại Lên Đường, Lại Ra Đi!
- 46. Phật Hứa Với Ma Vương
- 47. Cả Đêm, Rừng Sālā Không Ngủ
- 48. Bụi Tan Thành Ngọc
- 49. CẢM BẠT
“Thân phận chiên-đà-la
Như bọ hung đội phẩn
Như dòi trong hầm xí
Hôi hám và dơ dáy
Bị mọi người coi khinh
Bị xã hội ruồng bỏ
Làm những việc hạ tiện
Như nạo vét ống cống
Như chùi rửa cầu tiêu
Giặt vật dơ, vật uế
Lau góc nhà, xó bếp
Cạo nồi niêu, soong chảo
Đội nước và gánh phân
Chăn dê và chăn bò
Ngủ hoang giữa chuồng trại
Không tấm đắp, tấm nằm
Quen muỗi lằn, sâu kiến
Quen đất cát, bụi bẩn
Nhận chửi mắng, đánh đập
Chịu tra tấn, đòn vọt
Là sở hữu của chủ
Muốn làm gì thì làm
Như kê chân, lót thân
Như giải tỏa tình dục
Rao bán như món hàng
Chọn mông và chọn vú
Chọn săn chắc, cơ bắp
Có cả quyền giết chết
Vì chúng không phải người
Là con heo, con chó
Là con bò, con trâu
Là công cụ sản xuất
Là công cụ phục dịch
Nô lệ đến suốt đời
Đổ mồ hôi, nước mắt
Ăn cơm thừa, canh cặn
Bệnh tật và ốm đau
Mụn nhọt và lở loét
Chết thì quăng bãi cốt
Xương thịt lần rã hoại
Tứ đại trả tứ đại
Chỉ còn lại hư vô
Nỗi đau và nỗi nhục
Chỉ còn lại hư vô
Kêu than không thấu trời
Rên rỉ không đụng đất
Thượng đế cũng ngoảnh mặt
Vô cảm và vô tri
Bỏ mặc cháu con ngài
Tàn ác và bất nhân
Cho trần gian tự diệt...”
Bài thơ kệ ngũ ngôn ấy - là đặc tả thân phận của hạng người bần cùng, hạ liệt, bất hạnh nhất trong xã hội Ấn Độ thời đức Phật. Họ bị đẩy ra khỏi bốn giai cấp, được gọi là chiên-đà-la, hạng tiện dân. Họ sống lúc nhúc như sâu, như dòi trong các mương cống, trong những cái chòi rách nát, tối tăm như hang cáo, ổ chuột... bao giờ cũng cách ly với các giai cấp khác. Có một số tiện dân sống nô lệ mãn đời trong các trại sản xuất đủ loại như chăn nuôi, trồng trọt; trong các gia đình ông chủ lớn, ông chủ nhỏ như thương gia, tiểu phú, đại phú, bà-la-môn, quý tộc...
Cô gái có tên là Puṇṇikā được nói lên ở đây là tiện dân, thuộc hạng người chiên-đà-la ấy. Nhưng cô lại được năm điều may mắn, diễm phúc hơn các cô gái khác cùng hạng. Một là cô có chút học hành, có kiến thức, tri thức. Hai là cô có sắc đẹp, tuy không hơn ai, nhưng mặn mà, duyên dáng, nổi bật hẳn trong chúng. Ba là cô được phước lành làm nô lệ trong đại gia tộc của trưởng giả Cấp Cô Độc (Āthapiṇḍika), một cận sự nam thuần thành của đức Phật, giàu tín tâm và lòng nhân ái. Bốn là cô có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng, xiêm áo đầy đủ và ăn uống không hề thiếu thốn. Năm là cô được làm thường xuyên một công việc xem ra là nhẹ nhàng nhất, ấy là việc đội nước...
Tuy nhiên, cô buồn, cô bực, cô chán, cô ghét, cô hận, cô luôn muốn bứt thoát ra khỏi gông xiềng, bẻ gãy cái lồng sắt để bước ra thế giới bên ngoài, muốn hít thở không khí trong lành và mát mẻ của tự do.
Trưởng giả Cấp Cô Độc đối xử rất công bằng, rất tốt đối với bọn nô bộc, nô lệ; ông còn khuyên mọi người sống hiền lành, tập giữ ngũ giới, bát quan trai giới. Ai mà làm được thế, ông thưởng bằng nụ cười nhân hậu cùng với gạo tiền, vải vóc, mùng mền, xiêm áo... Ông thấy ai giỏi dang, chất phác, thuần hậu, chăm công, chăm việc trong một thời gian nào đó, ông sẵn sàng xóa bỏ đời sống nô lệ, muốn đi xuất gia theo Phật hay lập gia đình, cũng được, ông sẵn sàng tạo cho công ăn việc làm như một con người tự do!
Puṇṇikā biết vậy nên cô luôn luôn cố gắng chăm chuyên, cần mẫn trong công việc đội nước và cô còn tự ý làm cả những việc ngoài bổn phận của mình. Giỏi dang thế nhưng dường như không ai thích cô bởi cái mặt luôn luôn hếch lên trời, bởi cách nói như luôn chứng tỏ sự hiểu biết của mình; bởi cái lưng làm ai cũng có cảm giác như luôn ưỡn lên, dựng thẳng lên; bởi cái nụ cười không bao giờ có vẻ tự nhiên, hồn nhiên mà là như biếm nhẽ, ngạo mạn; bởi cái giọng nói làm ai cũng cảm giác chua như dấm, đắng như trái bồ hòn! Đúng rồi, Đúng là cô quá cao ngạo, quá ngã mạn! Cô cao ngạo, ngã mạn trong khi giao tiếp, khi nói chuyện, trong việc làm, lúc ra đường và cả trong góc bếp. Đến nỗi cái cách đội nước của cô người ta ai cũng ghét - có cái gì đó chứng tỏ như: “Ừ, thì là việc của ta đấy! Ừ, ta là nô lệ đấy! Ừ, thì ta là vậy đấy!” Là nô lệ nhưng cô không bao giờ tránh mặt hay tránh bước chân các giai cấp khác. Gặp lúc phải nói chuyện với họ, cô xưng tôi và đối thoại như ngang hàng chẳng sợ gì cả. Cô chỉ kính nể có đức Phật, chư tăng ni giáo hội và ông bà chủ Cấp Cô Độc mà thôi. Vua chúa, bà-la-môn, tướng lãnh, quý tộc, đại phú gia, tiểu phú gia... cô cũng khinh khỉnh, không thèm kính trọng, hạ mình làm gì!
Puṇṇikā biết, khổ nỗi là tự biết mà cô không thể thay đổi được; cái kiêu ngạo, ngã mạn ấy nó ngủ ngầm trong dòng nghiệp rồi, tạo nên bản chất, cá tính sâu dày mất rồi. Cô không thể học được sự khiêm cung, nhún nhường, từ tốn, bao dung, rộng lượng, nhân ái như ông Cấp Cô Độc được. Đêm nằm suy nghĩ, đôi khi cô cũng tự thẹn, thấy ghét mình, căm mình... nhưng sáng ngày ra, tánh nào tật nấy, không thay đổi được. Cái cao ngạo, ngã mạn là một cái gì như năng lực ngầm, lại cuốn hút cô đi, tác động lên thân, lên khẩu, lên ý trong sinh hoạt hằng ngày...
Hôm kia, vào một ngày đông lạnh, cô lại đi đội nước như thường lệ, chuyến này rồi chuyến khác. Đầu tiên, khi thò cái hũ xuống nước, bàn tay của cô tê cóng, như bị đóng băng. Có cái gì nghe bì bõm. Khẽ nhìn ra xa. Một người đàn ông bà-la-môn tím thâm cả mặt mũi đang tắm rửa, cọ xát trong dòng nước lạnh buốt. Cô rủa thầm: “Rửa tội ư? Quả là một tin tưởng ngu nghếch! Cái đầu óc của ông đạo sĩ kia có lẽ làm bằng đất sét chăng? Bằng cái mê muội đặc sệt, trơ lì, đóng chai trong tâm thức truyền đời nên tư duy, hiểu biết không thể động cựa, nhúc nhích được chăng? Rõ thảm!”
Nâng được hũ nước lên bờ, cô rướn lưng đứng thẳng, quay sang phía ông đạo sĩ, ngửa mặt lên trời, nói lớn:
- Chà, tôi vọc nước, múc nước trong cái giá băng của dòng nước, tôi chịu khổ sở là vì công việc, là vì thân phận nô lệ, là vì sợ bị chủ rầy, chủ phạt, chủ đánh. Còn ai kia là tại làm sao vậy ha? Không biết là do sợ hãi điều gì, ai rầy, ai phạt, ai đánh mà phải chịu khổ sở, tím tái trong dòng nước lạnh buốt kinh khủng như thế - này hỡi người bà-la-môn!(1)
Người bà-la-môn ấy tên là Sotthiya - cũng là một đạo sĩ hữu danh - thấy cô gái đội nước, hạng tiện dân lại nói trống không, kiêu ngạo như thế, ông giận run. Cố gắng kiềm chế cơn giận, ông nói:
- Ta nghe ông trưởng giả Cấp Cô Độc có một cô gái nô lệ, không cam chịu thân phận mình mà thường hống hách, vô lễ, cao ngạo - có tên là Puṇṇikā; với miệng lưỡi chanh chua như vậy thì đúng Puṇṇikā là cô đây rồi. Nhưng ta cũng không chấp làm gì!
Rồi ông nói tiếp:
- Này cô Puṇṇikā! Chính cô biết rõ ta tắm trong nước là ta muốn tẩy uế, muốn rửa cho sạch hết tội lỗi nơi thân, nơi tâm - là cái tín ngưỡng thiêng liêng của đạo bà-la-môn từ ngàn xưa mà! Tại sao đã biết rồi mà cô lại giả vờ muốn hỏi? Cái cách hỏi của cô dường như là muốn chất vấn, muốn chỉ trích ta đang ngăn điều ác, bằng việc làm lành tốt như thế này hay sao? Bất cứ ai dù già, dù trẻ mà trước đây đã từng tạo nghiệp bất thiện qua thân, khẩu ý - nếu được tắm rửa thường xuyên trong dòng nước mẹ thiêng liêng liêng này thì đều được giải trừ tất cả mọi ác nghiệp, mọi tội lỗi! Cô không biết thế sao?(1)
Cô gái chợt cười hì hì:
- Trâu bò tắm sông còn nhiều hơn cả các ông đạo sĩ bà-la-môn nữa. Chắc bây giờ trâu bò quanh hai bờ sông Gaṅgā đều đã thành thánh cả rồi, phải vậy không, thưa ngài?
Nghe cô gái nói “trâu bò”, ông Sotthiya giận run:
- Ngươi dám...
- Phải! Tôi dám chứ! Nếu ngài rửa tội trong bao năm, chắc hẳn ngài sẽ thành thánh trước cả trâu, cả bò, thưa ngài!
Đạo sĩ Sotthiya giận run lẩy bẩy. Vừa lạnh, vừa giận - nhưng ông không đáp nổi trước cô gái quá quắt!
Cô gái cười dài như cố chọc giận thêm:
- Đạo sĩ nếu đã thành thánh thì chắc không còn giận, không còn sân, ở đây thì ngược lại. Chứng tỏ gì? Chứng tỏ quan niệm tắm nước sông Gaṅgā tẩy sạch hết tội lỗi là một tín ngưỡng sai lầm, si ngốc!
Đạo sĩ Sotthiyta im sững, không đáp được.
Cô gái tấn công tiếp:
- Nước chỉ rửa sạch thân thể, không thể rửa sạch cái tâm được, thưa đạo sĩ khả kính! Bằng chứng là cái tâm tham, sân, si của đạo sĩ vẫn còn y nguyên. Phải biết nhúc nhích cái đầu óc một chút mà tư duy cho đúng đắn, chân chính và sâu sắc hơn...
Thấy đạo sĩ có vẻ im lặng lắng nghe, cô gái chậm rãi thuyết giảng:
- Ông chủ của tôi, trưởng giả Cấp Cô Độc từ khi gặp giáo pháp của đức Phật Cù Đàm, ông cúng dường gần hết cả gia sản mà ông luôn tươi cười, vui vẻ, rộng lượng, tham sân si gì đó dường như diệt mất gần hết. Ổng như ông thánh vậy đó. Tu vậy mới gọi là tu! Còn ông thì sao nào? Chẳng biết tu làm sao cả! Vậy là nhờ cái nước sông ngu ngốc kia tu giùm, nó rửa tội giùm cho! Hãy tỉnh trí lại đi! Hãy bỏ cái đạo si mê kia mà tu theo giáo pháp của ông Phật Cù Đàm đi!
Trời lạnh, nước lạnh mà “bài giảng” của cô gái “trời đánh thánh vật” càng làm cho ông bà-la-môn lạnh hơn. Nhờ lạnh hơn cho nên ông tỉnh ngộ, thời gian sau, ông bỏ tất cả xin xuất gia tỳ-khưu trong giáo pháp của đức Đạo Sư và trở thành một vị A-la-hán.
Còn cô gái? Hôm kia, trưởng giả Cấp Cô Độc kêu cô lại và nói:
- Con đã làm việc rất tốt trong bao nhiêu năm qua, hôm nay ta tuyên bố là sẽ xóa thân phận nô lệ cho con. Vậy con sẽ thu xếp đời mình từ đây về sau như thế nào, con hoàn toàn tùy nghi chọn lựa. Ta hứa sẽ giúp con.
- Thưa chủ! Cho con xin được xuất gia như thanh niên Dasaka mà trước đây chủ đã cho chàng ta thoát khỏi thân phận nô lệ.
Ông trưởng giả hoan hỷ mỉm cười gật đầu:
- Ừ! Con còn nhớ chuyện Dasaka à? Đức Thế Tôn rất khen ngợi. Bây giờ vị ấy đã là một bậc A-la-hán rồi.
- Thế à? Anh chàng Dasaka chất phác kia mà đã là một bậc vô lậu rồi à? Thật là tuyệt, thưa chủ!
- Ừ, thật là tuyệt! Thật kỳ diệu thay là giáo pháp của đức Tôn Sư!
Chuyện của nô lệ Dasaka đã được đức Phật thuyết lại tại Kỳ Viên tịnh xá như sau :
“- Có một vị tỳ-khưu tên là Dasaka xuất thân là nô lệ, ông ta là con của một nữ nô lệ trong đại gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc. Khi tịnh xá Kỳ Viên đi vào sinh hoạt, công việc tạp dịch rất bộn bề, trưởng giả Cấp Cô Độc đã sai thanh niên nô lệ Dasaka hằng ngày đến đấy để trông coi vườn tược kiêm cả việc gác cổng. Dasaka bẩm chất tháo vát, lanh lợi, chịu khó nên ai cũng mến yêu và tin cậy. Ngày qua ngày, Dasaka cảm thấy đời sống xuất gia sao mà thanh bình, an ổn và cao đẹp quá, cậu thầm ước ao trong lòng, là làm sao mình cũng sống được đời sống phạm hạnh như vậy. Hôm kia, đến Kỳ Viên có việc, trưởng giả Cấp Cô Độc tình cờ trông thấy Dasaka đứng lặng trông theo đoàn chư vị tỳ-khưu đang ôm bát vào kinh thành để khất thực. Đôi mắt của Dasaka như bị hút dính vào hình ảnh vô sự và thanh thoát ấy không chịu buông rời.
- Con đang suy nghĩ gì đấy, này Dasaka?
Trưởng giả cất tiếng hỏi, Dasaka giật mình quay lại, lắp bắp:
- Dạ... dạ...
Như đọc được tâm ý của người thanh niên, ông trưởng giả quan tâm cất tiếng hỏi:
- Con có thích đời sống ấy không, Dasaka?
- Thưa, con không dám đâu. Con là thân phận nô lệ thấp hèn...
Trưởng giả với tấm lòng bao dung, rộng lượng, nở nụ cười thơm ngát như hương hoa sen:
- Giáo hội của đức Tôn Sư không hẹp hòi thế đâu con! Máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn, ngài không hề phân biệt giai cấp. Nếu con sống được đời sống xuất gia cao thượng ấy, ta sẽ xóa bỏ thân phận nô lệ cho con. Khi ấy con sẽ không còn là kẻ nô lệ thấp hèn nữa. Và nếu con tu tập tốt, ta sẽ đảnh lễ con, cúng dường những vật dụng cần thiết đến cho con với tất cả tấm lòng thành, với tất cả sự quý kính...
Thanh niên Dasaka xúc động, chảy nước mắt ràn rụa, quỳ xuống ôm chân trưởng giả, nghẹn ngào không nói được nên lời.
Thế rồi, sau đó, thanh niên Dasaka được xuất gia. Tuy tu hành định tuệ gì cũng không bằng người nhưng ông ta có đức tính phục vụ rất nổi bật. Bất cứ việc gì mà chư tăng giao phó, ông đều vâng lời chu toàn bổn phận. Đặc biệt, do trong dòng nghiệp đã tích lũy nhiều đời là phi nhân nên ông ta có đôi chân đi nhanh và dẻo dai đến lạ lùng. Bởi vậy, việc trao truyền thông tin đây đó, từ quốc độ này sang quốc độ khác, từ tịnh xá này sang tịnh xá kia thường là trách nhiệm và bổn phận của Dasaka. Cũng vì việc tăng nên hôm kia tỳ-khưu Dasaka đến Kosambī, đúng lúc, tỳ-khưu Khemaka ngã bệnh đang nằm một nơi hẻo lánh tại Badarika.
Chư tăng Kosambī từ lâu vốn đã nghe tiếng tu hành nghiêm túc của tỳ-khưu Khemaka, rất ngưỡng mộ ngài nên nhờ tỳ-khưu Dasaka đến thăm hỏi bệnh tình.
Tỳ-khưu Dasaka vốn thất học, chất phác, không biết ăn nói nên tình thật hỏi:
- Vậy phải thưa hỏi làm sao?
- Nói là chư tăng Kosambī quan tâm, lo lắng thăm hỏi bệnh tình của ngài, hiện ngài có kham nhẫn nổi với cơn đau hay không? Ngài đã xoay xở và tự chữa bệnh cho mình có hiệu quả hay không?
Đến công viên Badarika, tỳ-khưu Dasaka thấy tỳ-khưu Khemaka nằm bệnh nơi một cái chòi hoang tồi tàn, dường như chỉ còn bộ xương nhưng thần sắc rất an nhiên, tự tại. Sau khi lặp lại lời thăm hỏi của chư tăng Kosambī, đợi câu trả lời nhưng không nghe ông ta nói gì cả. Tỳ-khưu Dasaka bèn tự động đi quét dọn, chùi rửa nơi này nơi khác, tìm cách múc nước đầy nơi chỗ chứa - lặng lẽ đảnh lễ vị trưởng lão rồi từ giã. Trước sau, tỳ-khưu Khemaka vẫn không nói một lời, ông chỉ nghĩ thầm trong bụng rằng:“Mấy ông tỳ-khưu ở Kosambī không có việc gì làm hay sao mà cho người đến thăm hỏi vớ vẩn như vậy chứ? Tu không chịu tu, cứ làm ba cái chuyện tào lao không!”
Sau khi không nhận được câu trả lời nào, tỳ-khưu Dasaka được cử đi một lần nữa, với câu hỏi của chư tăng ở Kosambī: “Ngài đã thấy tự tánh của ngũ uẩn chưa?” Lần này, tỳ-khưu Khemaka cũng chẳng ừ với chẳng hử! Tiếp tục, tỳ-khưu Dasaka được cử đi lần thứ ba với câu hỏi: “Ngài đã đắc quả A-la-hán chưa?” Nghĩ là với câu hỏi ấy thì hơi quá đáng, và cũng đã “quá tam ba bận”, không đáp không được, tỳ-khưu Khemaka nói cộc lốc, cụt ngủn: “Chưa!”
Thế mà vẫn không yên, Dasaka được cử đi lần thứ tư với câu hỏi: “Khemaka có nghĩa là gì trong tự tánh?”
Hết chịu nổi với những câu hỏi ngu ngốc, phù phiếm của những tỳ-khưu ở Kosambī, bốn lần khó chịu dường như vón đặc lại thành một cục trong cổ họng, khạc mãi không ra, tỳ-khưu Khemaka vùng ngồi dậy. Mặc dầu sức khỏe còn yếu, ông cũng gắng gượng chống gậy, nhờ tỳ-khưu Dasaka dìu từng bước cho đến Kosambī. Và thật kỳ diệu, do đường xa lao nhọc, ông toát mồ hôi lớp này đến lớp khác và người cảm thấy rất nhẹ nhàng, rồi lành bệnh.
Và cuộc đối thoại giữa tỳ-khưu Khemaka với nhóm sáu mươi tỳ-khưu ở Kosambī đã xảy ra:
- Tại sao quý vị làm phiền tôi quá vậy?
- Nghe đồn về đời sống giới hạnh nghiêm túc và khả năng thông bác giáo pháp của ngài, nên chúng tôi chỉ muốn học hỏi thôi!
- Thế tại sao quý vị không chịu khó khởi cái tâm một chút, chịu khó nhấc cái chân một chút mà lại làm phiền đến tỳ-khưu Dasaka chất phác và hiền lành này?
- Chúng tôi thấy người bạn trẻ này rất nhiệt tình và không hề than van lấy nửa lời.
- Hóa ra, do vậy mà các vị đã lợi dụng lòng tốt của người ta?
- Chúng tôi xin sám hối!
- Không phải là với tôi!
Tỳ-khưu Dasaka vội xua xua tay, mỉm cười nói:
- Tôi có đôi chân tốt, giúp nhau một tí thôi! Không cần thiết phải nghiêm trọng sám hối như vậy đâu!
Sau đó, đoạn đối thoại được tiếp tục.
Tỳ-khưu Khemaka nghiêm sắc mặt:
- Rồi còn những câu hỏi nữa. Tại sao chư vị cứ chơi cái trò rỗng không và vô ích như thế?
Nhóm tỳ-khưu kia cúi đầu như nhận lỗi. Tỳ-khưu Khemaka nghĩ là cần phải nghiêm khắc, đưa họ từ đường biên, trở về với nẻo chánh, bèn thuyết giáo rằng:
- Chỉ những câu nói giúp nhau tiến triển giới, định, tuệ và tuệ giải thoát mới được gọi là lời nên nói, mới là chánh ngữ, đấy là pháp giáo nghiêm huấn của đức Tôn Sư. Ngoài ra, không chỉ nói và nghe suông mà còn cần phải thực hành, thường trực niệm và quán ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày. Tự tánh của ngũ uẩn là sanh diệt, là rỗng không, điều đó ai cũng biết, nhưng chỉ biết bằng tưởng tri hoặc thức tri thì có ích lợi gì, có hay hướm gì mà đặt câu hỏi? Cái biết ấy chỉ là ngoài da. Chúng phải được nhìn thấy và chứng nghiệm bởi tuệ giác do công phu hành trì miên mật, quý vị phải hiểu như thế chứ !
Thấy nhóm tỳ-khưu kia có vẻ chăm chú lắng nghe, có vẻ phục thiện nên ngài tiếp:
- Còn Khemaka có nghĩa là gì trong tự tánh ư? Câu hỏi ngốc nghếch. Chẳng có gì ráo! Nó chỉ là cái tên suông thôi! Tuy nhiên, ngay chính tôi cũng chưa hề thấy được như thực cái tên suông ấy, cái danh ấy, bao giờ tôi cũng sinh khởi cái tôi ấy mà biết, sinh khởi cái của tôi ấy mà hành! Chưa bao giờ tôi trả được tự tánh vô thường, vô ngã lại cho vô thường và vô ngã cả! Tôi chưa làm được điều đó. Một vị thánh A-na-hàm dầu đã đoạn tận năm món kết buộc và sai sử(1)mà vẫn còn bị ràng buộc bởi cái tôi ấy, cụ thể là vẫn còn ngã mạn, phóng tâm và vô minh. Chư vị hãy biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy chứ!
Lời của tỳ-khưu Khemaka vừa chấm dứt, chợt ông lặng người, một sự kỳ diệu xảy ra trong tâm ông, ông đắc quả A-la-hán ngay tại chỗ. Và còn kỳ diệu hơn thế nữa, sáu mươi vị tỳ-khưu kia cũng đắc quả A-la-hán luôn.
Thế rồi, khi câu chuyện này được lan truyền ra, mọi người tín mộ, cả tăng và tục ùn ùn kéo đến; từ đó, Badarika mới bắt đầu được xây dựng cốc liêu ngày càng nhiều và mọi công trình chính và phụ trông cũng tươm tất. Hiện giờ được gọi là công viên Badarikārāma.”
Đức Phật kể ngang đó, biết mọi người còn thắc mắc về thân phận nô lệ của tỳ-khưu Dasaka, ngài nói tiếp, và sau đó, ai cũng hiểu như sau:
- Bây giờ tỳ-khưu Dasaka đã đắc quả A-la-hán rồi. Trước đây, ông tinh tấn phục vụ thì tốt nhưng hễ cứ ngồi thiền thì hôn trầm, thụy miên lại kéo đến. Đức Phật và tôn giả Mahā Moggallāna đã khiển trách và cũng đã nhiều lần sách tấn, khuyến khích, tìm biện pháp thích nghi dìu dắt ông ta từng bước một. Do nhân duyên quá khứ, cách đây chín mươi mốt kiếp (kappa), tiền thân Dasaka gặp được đức Phật Độc Giác Ajita và có cúng dường đến vị này một quả xoài. Đến thời đức Phật Kassapa, ông ta đã là một vị tỳ-khưu. Đây là nhân và duyên giúp tỳ-khưu Dasaka đắc A-la-hán quả. Tuy nhiên, trong một kiếp quá khứ khác, ông ta sai bảo một vị A-la-hán làm một số việc lặt vặt cho mình nên đã nhiều đời kiếp phải mang thân nô lệ.
Nhân như vậy đó, duyên như vậy đó và quả cũng như vậy đó; hãy chiêm nghiệm mà tu tập, hãy chiêm nghiêm mà hành trì; khi nào chưa thấy rõ tự tính vô thường, vô ngã của tâm và pháp thì khi ấy còn cần phải miên mật an trú chánh niệm trước mặt tại một căn nhà trống, tại một bãi đất hoang hay tại một nghĩa địa thiêu xác... Hãy nhớ lấy!”
Thế rồi, sau đó, noi gương thanh niên Dasaka, cô gái xin được xuất gia, và thời gian sau tỳ-khưu-ni Puṇṇikā đắc quả A-la-hán, đầy đủ thắng trí thần thông và luôn cả bốn tuệ phân tích. Cô đã sử dụng sự biện tài, thông thái của mình để hàng phục chúng ngoại đạo mồm mép, đem lại lợi lạc tối thượng cho rất nhiều người.
Hôm kia, sau giờ nghỉ ngơi, thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả, tỳ-khưu-ni Puṇṇikā dùng thiên nhãn thông, thần túc thông, soi lại các kiếp sống xa xăm, được biết rằng, cô đã có nhân duyên với chư Chánh Đẳng Giác Vipassī, Sikhī, Vessabhū, Kakusandha và Koṇāgamana. Cô đã từng là một vị tỳ-khưu-ni gương mẫu, rạng ngời về giới hạnh, thu thúc nghiêm túc, nghe nhiều học rộng, giảng nói ý nghĩa về pháp và luật thâm sâu, quảng bác với ngôn ngữ biện tài, lưu loát như nước chảy mây trôi, đúng như dư âm từ quá khứ: “Do tu tập cô trở thành vị ni có đại trí tuệ, và do nghe nhiều cô trở thành vị ni thông thái”(1). Vì coi mình có đại trí tuệ, coi mình là thông thái nên cô sinh ra cống cao ngã mạn, coi thường các vị trưởng lão ít học, khinh rẻ, mạt sát học chúng là ngu si, là đần độn. Cho nên, việc bị sanh ra trong gia tộc hạ tiện là do ngã mạn ẩn tiềm trong dòng nghiệp không bị tiêu hoại(2). Vì do nghiệp kiêu căng, ngã mạn ấy nên kiếp này, tại thành phố Sāvatthi, trong giáo pháp của Thế Tôn Gotama, cô sinh ra làm hạng tiện dân, nô lệ. Thấy nhân duyên và quả ba đời, tỳ-khưu-ni Puṇṇikā khẽ ngâm lên một câu kệ, như mặt trăng khẽ vén lớp mây mờ để soi chiếu vạn vật, núi sông, cây cỏ:
“- Ngã mạn và kiêu căng
Cống cao và tự đại
Ỷ mình hay mình giỏi
Cậy mình thông mình tài
Chê mọi người ngu si
Khinh thế gian cỏ rác
Sinh làm người nô lệ
Phải sống kiếp tiện nhân
Gieo gì thì được nấy
Pháp như thực như chân!”
Puṇṇikā - vị tỳ-khưu-ni A-la-hán xuất thân nô lệ bất giác mỉm nụ “tiếu sanh tâm” thơm ngào ngạt của trí tuệ hương và giải thoát hương.(1)Phỏng dịch từ đoạn Pāḷi: Udahārī ahaṃ sīte sadā udakamotariṃ, ayyānaṃdaṇḍa bhayabhītā vācādosabhayaṭṭitā. Kassa brāhmaṇa tvaṃ bhīto sadā udakamotari, vedhamānehi gattehi sītaṃ vedayase bhusaṃ.
(1) Phỏng dịch từ đoạn Pāḷi: Yo vuḍḍho daharo vāpi pāpakammaṃ pakubbati, dakābhisiñcanā bhoti pāpakammā pamuccati. Uttarantassa akkhāsiṃ dhammatthasaṃhitaṃ padaṃ,taṃ ca ñatvā sa saṃviggo pabbajitvā ’rahā ahu.
(1)5 món kiết sử: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình.
(1)Từ câu Pāḷi trích trong ký sự: “Bhāvanāya mahāpaññā sutena ca sutāvinī”.