- 01. Cô Gái Hạ Tiện Yêu Tôn Giả Ānanda
- 02. Nguyên Nhân Đức Phật Cho Thọ Y Kaṭhina
- 03. Cây Bồ Đề Ānanda
- 04. Người Đàn Bà Đau Khổ
- 05. Vị Tỳ Khưu Mắt Mù
- 06. Con Ngỗng Oan Nghiệt
- 07. Cho Xin Hạt Cải
- 08. Triệu Phú Keo Kiệt
- 09. Cô Gái Nô Lệ Đội Nước
- 10. Ni Trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī Niết-bàn
- 11. Miếng Giẻ Chùi Chân
- 12. Tên Thợ Săn Độc Ác
- 13. Vị Tỳ Khưu Ni Sinh Con
- 14. Đổi Chiếc Xe Mới
- 15. Con Số Đen Bất Hạnh
- 16. Devadatta Muốn Chưởng Quản Tăng Đoàn
- 17. Thái Tử Ajātasattu Hành Thích Vua Cha
- 18. Đức Phật Tẩy Chay Lễ Đăng Quang
- 19. Giết Phật Bằng Cung Nỏ Và Lăn Đá
- 20. An Tịnh Trong Ngục Tối
- 21. Giết Phật Bằng Voi Dữ Nālāgiri
- 22. Chiêu Bài Cuối Cùng Của Devadatta
- 23. Trưởng Giả Cấp Cô Độc Ra Đi
- 24. Củng Cố Pháp Và Luật
- 25. Binh Lửa
- 26. Tôn Giả Mahā Moggallāna Báo Hiếu Mẹ (bài của HT Minh Đức Triều Tâm Ảnh, do Phật tử Chánh Trí diễn đọc)
- 27. Tội Ác Cuối Đời Của Đức Vua Pāsenadi
- 28. Cảnh Giới Cho Thái Hậu Videhi
- 29. Tình Phụ Tử Thiêng Liêng
- 30. Cái Gốc Của Ghẻ Lở, Mụn Nhọt
- 31. Đêm Thanh, Trăng Sáng
- 32. Tiễn Chư Trưởng Lão Lần Lượt Ra Đi
- 33. “Pháp Truyền Thống” Của Đức Vua Pāsenadi
- 34. “Cái Thấy Sự Thực” Hóa Giải Hận Thù
- 35. Ngọn Lửa Thù
- 36. Lời Của Bậc Trí
- 37. Quả Báo Của Devadatta
- 38. Dòng Sākya Tiêu Vong
- 39. Tôn Giả Sāriputta Viên Tịch
- 40. Tôn Giả Mahā Moggallāna Niết-bàn
- 42. Nhân Quả Công Minh
- 43. Có Đủ Bảy Pháp Này, Đất Nước Không Thể Bại Vong!
- 44. Bảy pháp bất thối khác
- 45. Lại Lên Đường, Lại Ra Đi!
- 46. Phật Hứa Với Ma Vương
- 47. Cả Đêm, Rừng Sālā Không Ngủ
- 48. Bụi Tan Thành Ngọc
- 49. CẢM BẠT
Củng Cố Pháp Và Luật
Mùa mưa thứ ba mươi chín, đức Phật an cư tại Đông Phương Lộc Mẫu. Do năm nay cả hai đại tu viện tại Sāvatthi đều đông đúc do chư tăng các nơi đổ về nên đức Phật bảo hai vị đại đệ tử và chư trưởng lão tổ chức thuyết giảng nhiều lần, nhiều lớp để củng cố pháp và luật. Có một số giới luật cần phải chế định thêm. Có một số tri kiến về giáo pháp trong các cuộc tranh luận giữa chư tỳ-khưu với nhau cần phải được minh giải.
Đầu tiên, chư vị trưởng lão cùng ngồi với nhau để tuyên đọc lại tất cả những giới luật từ lớn đến nhỏ và từng trường hợp, lý do chế định, xảy ra trong hoàn cảnh, nhân vật cụ thể nào. Việc này phải mất suốt mấy buổi chiều, sau đó, tôn giả Upāli và tôn giả Ānanda thay nhau tuyên đọc lại cho đức Phật xét duyệt.
Sau khi đức Phật đồng ý, từ cơ sở giới luật đọc tụng này, chư vị trưởng lão họp đại chúng tỳ-khưu tăng, ni bắt phải học thuộc; nơi nào không có khả năng học thuộc thì tuyển chọn một số tỳ-khưu tăng ni có trí nhớ tốt, học thuộc để làm luật sư trong các buổi lễ Uposatha và tụng giới bổn Pātimokkha. Cách làm này có kết quả khả quan, được đức Phật khen ngợi.
Việc thứ hai trong hạ này nữa, là điều chỉnh một số tri kiến về giáo pháp. Quả thật, do tăng đoàn phát triển lớn mạnh, xa rộng trong nhiều quốc độ, biên cương và hải đảo nên nơi nào không có mặt thường xuyên các bậc trưởng lão vô lậu thì tri kiến về giáo pháp dễ bị nghiêng lệch.
Trong buổi hội họp riêng của chư đại trưởng lão, tôn giả Sāriputta, Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, Upāli, Anuruddha, Bhaddiya, Nandiya, Ānanda... đã đúc kết để đưa ra một số tri kiến có đúng, có sai nhưng cũng cần phải được giải minh cho chính xác:
- Các pháp vô tự tính nên các pháp là “không”.
- Vì là “không” nên các pháp là mộng, huyễn, bào, ảnh.
- Không những “cái không”, mà “cả có cả không” đều không nói lên ý nghĩa nào cả.
- Nói “không” cái kiểu “trống không” là không được, nói “không” là “cái gì không”?
- Không có cái “không” nào tự dưng biến thành “có” cả.
- “Không” là “không có cái có cũng không có cái không”.
- “Không”, không phải là “không có”, ví dụ có cái hư không, ngoan không.
- Do các pháp vô ngã, vì Niết-bàn vô ngã nên Niết-bàn vô thường!
- Các pháp “bất sinh bất diệt”.
- Không phải “bất sinh bất diệt” mà là vì “vô sinh nên bất diệt”.
- Các pháp vô thường nên cái “vô thường ấy là thường”.
- Cái lạc của Niết-bàn là “thường lạc”.
- Sau khi thấy rõ vô ngã, cái mà vị hành giả chứng nghiệm phải là “chân ngã”...
Sau khi đưa ra một số tư tưởng thường gây nên các cuộc tranh luận đó đây, chư đại trưởng lão rùng mình. Quý ngài không ngờ, giáo pháp dị giản, như thực như chơn của đức Phật lại rơi vào tròng những luận tri, luận thức, luận vấn, luận kiến, luận chấp phức tạp như thế.
Chư vị trưởng lão thấy vấn đề quan trọng quá nên họ đến trình bày lại toàn bộ lên đức Phật và xin ngài tùy nghi, tùy thời, tùy phương tiện giảng nói cho đại chúng.
Tôn giả Sāriputta kết luận:
- Bạch Thế Tôn! Nếu chư vị giảng sư, pháp sư trong Tăng đoàn khắp cõi châu Diêm-phù-đề mà không nắm rõ, thấy rõ giáo pháp, khi họ gặp những câu hỏi tương tự, sẽ sinh ra những cuộc tranh luận; rồi không mấy chốc, phát triển thêm, nới rộng biên thì giáo pháp của đức Tôn Sư lại trở về với sáu mươi hai kiến chấp, sáu mươi hai luận điểm tư tưởng của bà-la-môn giáo muôn đời!
Đức Phật im lặng một lúc:
- Đúng vậy, ông nói đúng! Đối với những bậc vô lậu, giải thoát thì những tư tưởng như thế kia sẽ không dính vào tâm vị ấy, vì vị ấy biết rõ, thấy rõ “không” là gì, “có” là gì, “không tánh” là gì và Niết-bàn là gì! Nhưng khi sử dụng ngôn ngữ, nói năng thì chúng dễ rơi vào quan điểm, luận điểm kiến chấp cũ. Do vậy, Như Lai khuyên chư vị “không sử dụng tư tưởng để giải minh tư tưởng, không dùng lý luận để đối chọi lại với lý luận, không dùng cái đúng của mình để phanh ra cái sai của đối phương!” Như Lai nói vậy, chư vị có nắm bắt được “diệu ý” mà Như Lai muốn trao gởi không?
Câu hỏi của đức Phật trọng lượng nặng hơn quả núi Sineru đặt trong tâm trí họ. Mọi người im lặng.
Lát sau, chỉ có tôn giả Sāriputta trả lời:
- Không nên tranh luận bằng bất cứ phương cách nào, mà phải nên y cứ trên cái thực, cái thực của sự sống đang diễn ra, đang xảy ra để chỉ rõ cho đối phương thấy chân lý, bạch Thế Tôn!
Đức Phật mỉm cười hài lòng:
- Như Lai khen ông có trí tuệ nhanh nhạy, sắc bén. Tuy nhiên, hãy nghe Như Lai hỏi tiếp đây!
- Đệ tử xin nghe.
- Trở lại với mệnh đề tư tưởng đầu tiên: Các pháp vô tự tính nên các pháp là “không”. Câu ấy có đúng với giáo pháp của Như Lai? Và nó đúng là đúng như thế nào, nó sai là sai như thế nào? Vậy ông sẽ giải quyết vấn đề như thế nào mà không dùng tư tưởng để giải minh, không dùng lý luận để luận đối, không lấy cái đúng của mình để giải thích cho người ta?
Tôn giả Sāriputta nói:
- Với câu thứ nhất ấy, khả dĩ tránh được cả ba cách đối thoại trên, đệ tử sẽ có cuộc nói chuyện với họ, y cứ trên sự thật để trao đổi, bạch Thế Tôn!
- Ừ, ông nói chuyện với họ đi, Như Lai nghe đây.
Và đây là đoạn đối thoại ấy:
“- Bạn nói các pháp vô tự tính nên các pháp là không?
- Phải rồi!
- Một cái “đau” đến, cái đau ấy là một cảm thọ, có được xem là một pháp không?
- Nó là một pháp.
- Nó có“vô tự tính” không?
- Có, nó vô tự tính!
- Tại sao?
- Vì nó không ở lâu, và nó luôn thay đổi trạng thái!
- Đúng vậy! Bất cứ cái gì nó cũng không đứng yên, nó thay đổi luôn. Nhưng cái đau ấy nó “có” thật chứ?
- Vâng, nó có thật!
- Vô tự tính nên nó là không? Nhưng tại sao đau thì cứ vẫn là đau?
- Tôi không biết.
- Vậy thật sự là vẫn có đau?
- Vâng!
- Có đau là có khổ, là có dukkha?
- Đúng vậy!
- Bạn thấy chưa, tư tưởng của bạn không sai, nhưng nó sẽ rơi vào trò hý luận, rỗng không và vô ích nếu cứ ham nói mà không lo tu. Phải tu tập, phải chứng nghiệm, khi ấy bạn mới thực sự thấy rõ các pháp nó diễn tiến ra làm sao, mặt mũi của nó như thế nào? Phải quan sát để thấy rõ từ cái thực chứ đừng lý luận, đừng rơi vào các quan niệm, các quan điểm!”
Sau câu chuyện ấy, tôn giả Sāriputta kết luận:
- Đấy là cái cách đi từ sự thực để giải minh vấn đề của đệ tử đó, bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn chỉ giáo thêm?
- Ông đã nắm được cái lõi, này con trai!
Chư vị trưởng lão đồng tán thán:
- Tuyệt vời thay là trí tuệ như thực của tôn giả!
Đức Phật đưa mắt bi từ nhìn chư vị trưởng lão rồi nói:
- Đấy được gọi là phương pháp mà không có phương pháp, hy vọng chư vị đây đều là bậc đại trí thức, sẽ tùy duyên, tùy thời, tùy căn cơ, trình độ của học chúng, của người đối thoại, của từng nạn vấn mà linh động vận dụng khi minh giải cho mọi người về cái thực, sự thực ấy.
Tôn giả Ānanda chợt hỏi:
- Cái thực, cái sự thực ấy chúng ta trông thấy được, nghe được, ngửi được, nếm được, xúc chạm được, ý thức được ngay bây giờ đây, có phải vậy không, bạch đức Tôn Sư?
- Chính xác! Nó là cái toàn bộ căn trần thức, mười tám giới đang xảy ra, đang diễn ra, đang vận hành duyên khởi đó, này con trai út!
Chư vị đại trưởng lão, ai cũng nắm bắt được cái tinh lõi cả rồi. Tuy nhiên, đức Phật chợt hỏi thêm một câu nữa:
- Vậy mười bốn câu còn lại, chư vị có thể y cứ trên sự thật mà giải minh có được không?
Họ đồng trả lời:
- Tâu, vâng, được, bạch Thế Tôn!
- Chư vị là bậc vô lậu, cứ y cứ nơi thân, nơi tâm, nơi trí mình để chỉ cho người ta, nên Như Lai biết chư vị làm được. Nhưng ở đây, có Ānanda mới vào dòng, Như Lai chỉ ngại một mình ông ta thôi!
Tôn giả Ānanda tự tin đáp:
- Xin đức Tôn Sư hãy cho đệ tử thực tập.
- Ồ, được! Vậy thì nghe Như Lai hỏi đây. Trong các câu ở trên, có câu thứ mười bốn: “Cái lạc của Niết-bàn là thường lạc!” Ông làm cách nào chỉ rõ sự thật cho người ta thấy!
Rồi tôn giả Ānanda kể câu chuyện như sau:
“- Bạn nói lạc của Niết-bàn là thường lạc?
- Phải!
- Thường lạc là lạc mãi mãi, lạc hoài hoài, tiếp diễn đến vô biên, vô cùng?
- Phải vậy.
- Cũng có nghĩa là nó mãi lạc, mãi vui?
- Đúng vậy!
- Trong cái bát khất thực của bạn, thỉnh thoảng bạn cũng bắt gặp món ăn ngon thượng vị chứ?
- Thưa có!
- Bạn thích không?
- Vâng, rất thích, rất khoái khẩu!
- Thế “cái ngon”, “cái thích”, “cái khoái khẩu”, “cái lạc” ấy kéo dài được bao lâu?
- Thoáng lát thôi mà!
- Nếu cái ngon ấy, cái lạc ấy kéo dài một ngày thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?
- Làm gì có chuyện đó. Mà giả dụ nó kéo dài thì ai mà chịu nổi!
- Đúng vậy! Thế là chính bạn đã phủ nhận cái mãi lạc, mãi vui, cái thường lạc của bạn rồi đấy!”
Tôn giả Ānanda vừa chấm dứt đoạn đối thoại thì chư trưởng lão đồng khen ngợi:
- Thiện xảo lắm! Đa văn hiền giả!
- Ông Ānanda cũng nắm bắt được yêu cầu của Như Lai rồi, vậy là tốt quá rồi. Sự việc như thế là tạm ổn rồi. Nhưng Như Lai nhờ chư vị tìm cách mà chỉ sự thực giùm, khi có một số đông tỳ-khưu gặp việc gì cũng nói: “Ôi, ‘có có không không’ thôi mà! Ôi, có, không ấy như trăng trong nước, như hoa trong gương, như mộng huyễn bào ảnh cả!” Những câu phát ngôn ấy đúng hay sai với giáo pháp? Đúng là đúng ở chỗ nào, và sai là sai ở chỗ nào? Trong chư vị, ai có thể chỉ rõ chân lý ấy?
Tôn giả Mahā Moggallāna thưa:
- Câu này để cho đệ tử nói thay chư tôn trưởng lão, bạch Thế Tôn. Và đệ tử cũng có một đoạn đối thoại như sau:
“- Bạn nói ‘có có không không’ là nghĩa làm sao hở?
- Thì đấy, cái nào, pháp gì nó cũng có đó rồi không đó, khi nó ‘có’, khi nó ‘không’, thế thôi!
- Tôi muốn bạn nói cái cụ thể kìa! ‘Cái có cái không’ nào mà chúng ta cùng thấy tận mắt kìa?
- Dễ thôi! Ví như trăng trong nước!
- Tôi thấy trăng trong nước rồi. Sao nữa?
- Nó ‘có’ không?
- Tôi thấy là nó ‘có’.
- Bạn trật rồi. Có sao ta lại vớt lên không được?
- Thế là nó ‘không’ sao?
- Không sao được, tôi thấy nó bằng mắt đây này!
- Vậy, ‘có’ cũng trật mà ‘không’ cũng trật sao?
- Đấy! Các pháp đều như vậy đấy! Có có không không thật không biết thế nào mà lần! Nó không như mộng, huyễn, bào, ảnh là gì?
- Ý bạn muốn nói là nói gì cũng như nói trong mộng?
- Chính thị!
- Nghĩa là một pháp, một hiện tượng, một cái gì đó đang xảy ra đều là cái không thật?
- Chính thị!
- Bạn quả thật là một kẻ ngu ngốc!
- Sao bạn lại phỉ báng tôi?
- Đâu có! Câu nói của tôi, nó chỉ là một âm thanh thoáng qua, nó có có không không như mộng huyễn bào ảnh thôi mà!
Người đối thoại sụp lạy:
- Hóa ra là nó có thật! Xin tri ân hiền giả!
- Có thật nhưng mà nó diệt rồi!
- Thì câu phỉ báng ấy trở thành không.
- Ồ, hóa ra có, không ấy là định luật sinh diệt; đồng thời nó nằm nơi ý niệm của ta thôi!
Người đối thoại lắng nghe.
Vị kia nói tiếp:
- Xem nào! Khi ta nhìn trăng trong nước, nếu tâm ý khởi có là nó ‘có’,khởi không là nó ‘không’! Cũng tương tợ vậy, lời phỉ báng kia mà chấp có – có cái này thì có cái kia,theo định luật duyên khởi – thì liền có ngay tham sân si, phiền não. Còn nếu ta khởi niệm không - không có cái này thì không có cái kia– thì tham sân, phiền não không sanh khởi. Trong trường hợp này, ‘cả có cả không đều có cả’đấy, ông bạn!”
- Tôi thấy rõ rồi! Vậy, ‘có, không’ đều là ‘có’ cả để ta giác ngộ lý duyên khởi trong thế giới tục đế. Còn tánh không, không phải là cái ‘không’ và có này, nó là cái bản chất như thực của chư pháp; nói cách khác, do nhờ tánh khôngnên các pháp mới được thiết lập!
- Đúng vậy! Cảm ơn bạn đã thấy”.
Tôn giả Mahā Moggallāna nói xong, đức Phật kết luận:
- Cách giải minh của Sāriputta có sử dụng lý luận, nhưng lý luận này lại được y cứ trên cái thực, xem ra cũng khả dụng. Đây được coi như là trường hợp thứ tư vậy.
Chư vị trưởng lão hoan hỷ thọ trì lời dạy thuộc đỉnh cao của giáo pháp nhưng lại là thiết thực hiện tại mà ai cũng có thể chiêm nghiệm, quan sát được trong đời sống tương duyên, tương quan của mỗi người, của mỗi hành giả học Phật và tu Phật.