Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

24. Sa-Môn Đầu Trọc

05/11/201321:33(Xem: 28774)
24. Sa-Môn Đầu Trọc
mot_cuoc_doi_bia_3

Sa-Môn Đầu Trọc





Càng ngược tây bắc chừng nào thì khí hậu, thời tiết nghe lại càng dễ chịu hơn. Đức Thế Tôn và đại chúng đã rời Kapilavatthu một ngày đường, chừng hai ba hôm nữa thôi là họ sẽ đến Sāvatthi nước Kosala. Vật thực kiếm được bên các xóm làng cũng tương đối đầy đủ cho một hội chúng quá đông. Tuy nhiên, đức Phật đã thận trọng bảo các vị trưởng lão phân chia cách quãng từng đoạn, từng đoạn hoặc rải rác những lộ trình khác nhau. Hai vị đại đệ tử năng động lúc xuất hiện nơi này, lúc xuất hiện nơi khác để chăm sóc hội chúng. Lúc nào cũng có kẻ cảm đau bất ngờ, người nằm nghỉ dọc đường do yếu mệt hoặc chúng sa-di tuy khỏe khoắn nhưng thường ham chơi, nghịch ngợm tắm sông, tắm suối... lạc mất hội chúng là chuyện bình thường!

Đất nước Kosala nổi tiếng là giàu mạnh và tươi đẹp, vượt trội các tiểu quốc và các nước hùng cường phương nam, nhưng nhìn chung thì những thôn làng giáp biên vẫn quạnh vắng và tiêu điều. Nạn cướp đường vẫn thường hay xuất hiện trên lộ trình thương mãi này, không thể tảo trừ tận gốc được. Các nhà xã hội học thường giải thích tệ trạng này là do còn nghèo đói, bất công; tuy nhiên, theo giáo pháp của Phật, được nhìn xuyên suốt qua các kiếp sống của chúng sanh, thì nguyên nhân kia tuy đúng, nhưng nó chỉ là phần ngọn; còn cái phần gốc, cái căn cội sâu xa là do tâm, chủng nghiệp mà sinh ra.

Thật không thể làm gì được, tốt đẹp hơn cho thế gian này bằng sự tu tập và truyền bá giáo pháp cho chúng sinh tự thấy biết nhân quả, nghiệp báo, sợ hãi việc xấu ác và làm những việc lành tốt; cuối cùng là giữ được tâm trí trong lành, mát mẻ, an tịnh là tạo được hạnh phúc cho đời này và nhiều đời sau...

Đi bên bờ nam của một con sông Aciravatī nước cạn, đục lờ, đường sá, nhà cửa trông đã xuống cấp, vài ba ngôi thành bỏ hoang, dân cư thưa thớt, thấp thoáng xa gần là những đàn bò, đàn dê mỏi mệt gặm cỏ, gặm cây lá trên những đám đất khô vàng... đức Phật bước chậm lại, ngoảnh nhìn phía sau. Nhìn những đoàn sa-môn gọt mái đầu xanh, nối tiếp nhau, lố nhố, thấp thoáng sau các hàng cây... đức Phật chợt mỉm cười, nụ cười rất lạ. Đi cạnh bên, thấy được vậy, tôn giả Ānanda thưa hỏi lý do nụ cười.

Đức Phật nói:

- Tại chỗ này, vùng này, cả một miền sông núi, thung lũng có vẻ xơ xác, hoang tàn này, thuở xưa có ai ngờ được rằng, là một thị trấn hữu danh, với lâu đài, dinh thự, nhà cửa khang trang, sông trong, cây lành, trái ngọt, trù phú, thạnh mậu có tên là Vebhalinga, có một vị Phật ra đời đấy, này Ānanda!

- Nhưng mà nó có liên hệ gì nụ cười đâu?

Đức Phật leo lên một ngọn đồi nhỏ ven đường, ngồi nghỉ dưới bóng cây, lấy tay chỉ từng đoàn tỳ-khưu lố nhố gần xa rồi nói:

- Ông có thấy những chiếc đầu trọc, kế tiếp những đầu trọc, trông rất vui mắt kia chăng?

Tôn giả Ānanda mỉm cười khi thấy đức Thế Tôn nói đến những cái đầu trọc!

- Dạ có thấy!

- Vì những cái đầu trọc ấy, mà Như Lai liên tưởng thuở đức Phật Kassapa ở thị trấn này, có một chàng thanh niên ngổ ngáo đã từng gọi vị Phật ấy là “sa-môn đầu trọc” nên Như Lai mỉm cười!

Thấy trời đã xế chiều, có lẽ đêm nay sẽ tạm cư ở đây, đức Phật cho triệu tập đại chúng, rồi kể lại tích truyện xưa liên hệ đến sa môn đầu trọc!

“- Thuở ấy, tu viện của đức Phật Kassapa ở gần đâu đây, trong vùng này, để giáo hóa chư tăngi. Ngài có một vị đàn tín đệ nhất là người thợ làm đồ gốm, tên là Ghaṭīkāra. Mặc dầu nhà nghèo lại sanh thuộc hạ cấp, Ghaṭīkāra rất được sự ưu ái của Thế Tôn Kassapa vì ông ta đã thành tựu được lòng tin bất thối với Tam Bảo, đã đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử(1), và đang sống trong giới luật của bậc thánh.

Bạn thân với Ghaṭīkāra là thanh niên Jotipāla, thuộc giai cấp bà-la-môn nhưng lại không có lòng tin với tôn giáo. Đã rất nhiều lần, người thợ gốm Ghaṭīkāra khuyên bảo bạn mình đến nghe pháp hầu giúp bạn tiến hóa nhưng đều bị Jotipāla từ chối, lại còn nói: “Đến với cái ông sa-môn đầu trọc ấy mà làm gì?”

Chẳng giận, chẳng buồn, chẳng nhụt chí, người thợ gốm vẫn với tâm từ ái và nhẫn nại sâu xa, quyết tâm tìm cách khuyến hóa bạn mình cho bằng được.

Một lần nọ, sau khi chu tất việc cơm nước phụng dưỡng cho cha mẹ mù lòa, Ghaṭīkāra đến thăm bạn với trang phục bình dị nhưng dung sắc rạng rỡ được toát ra từ một nội tâm không lúc nào là không thanh tịnh lạc trú.

Thấy Ghaṭīkāra, thanh niên Jotipāla cười cười:

- Có phải bạn sẽ mở lời quen thuộc:“Này bạn! Hôm nay trời đất thật là trong sáng, mỹ diệu, thù thắng, không một mảy bụi. Hoa nở rộ. Hương thơm ngát. Từng con đường cũng trong sáng, thù thắng, mỹ diệu, không một mảy bụi. Thế Tôn Kassapa đang ngụ cư trong một tu viện gần đây, không bao xa, ta hãy cùng đến đảnh lễ ngài, nghe pháp; rồi ta sẽ hưởng được phúc lạc tối thượng!”

Biết bạn là người thông minh, đã nói câu chặn họng, nhưng Ghaṭīkāra không chấp, vẫn mỉm cười, dịu dàng nói:

- Dòng sông mùa xuân trong xanh, mỹ diệu, tuyệt vời, không một mảy bụi. Thật là thoải mái, mát mẻ cho ta được bơi lội ở nơi ấy, được hít thở không khí trong lành, không một mảy bụi; được chà xát thân thể bằng bột tắm và đồ gãi lưng. Này bạn! Hãy cầm đồ gãi lưng và bột tắm, ta sẽ đi ra sông!

Thanh niên Jotipāla ngạc nhiên, nhưng rồi đã gật đầu lia lịa:

- Thế mới phải chứ! Đấy là điều mà ta mong ước, này thiện hữu!

Đến bờ sông, Ghaṭīkāra dẫn bạn mình đi xa một tí, đi xa một tí nữa...

Thanh niên Jotipāla dừng phắt lại:

- Chỗ này nước xanh và trong, sao không tắm ở đây, lại đi xa hơn năm đòn gánh, mười đòn gánh? À, hóa ra, bạn đã cố ý dẫn ta đến gần tu viện của sa-môn đầu trọc ấy?

Biết không thể qua mặt cái ông bạn có đầu óc sắc bén, tinh tế này, Ghaṭīkāra bèn dừng chân lại.

Sau khi tắm xong, Ghaṭīkāra nắm chặt tay Jotipāla như cái móc sắt, nói rằng:

- Thật hy hữu thay khi có một đức Thế Tôn, đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ra đời. Làm thân người đã khó, làm thân người nam khó hơn, làm thân người nam mà toàn hảo ngũ quan càng khó hơn nữa. Lại sinh nhằm thời có đấng Pháp Vương vô thượng lại càng hy hữu. Hãy đi! Chớ có chần chờ, chớ có trì hoãn! Hãy đến yết kiến ngài và nghe pháp! Đừng có cứng đầu nữa!

Sau một hồi vùng vẫy bằng sức mạnh của mình, thoát ra được, thanh niên Jotipāla cười ha hả:

- Thôi mà ông bạn! Vừa rồi! Đủ rồi! Chán cả cái lỗ tai rồi! Yết kiến sa-môn đầu trọc ấy mà làm gì, an lạc gì, lợi ích gì! Thôi! Đừng có nói nữa!

Người thợ gốm, lần này, khởi lên sự cương quyết tối thượng, sức mạnh được sử dụng định lực để tập trung tối thượng nắm chặt chỏm tóc của thanh niên Jotipāla, cất giọng uy nghiêm:

- Này ông bạn thân! Thế Tôn Kassapa ở gần đây, không có bao xa. Lần này bạn không thể thoát đi đâu được. Ta sẽ nắm chặt, sẽ lôi và kéo bạn đến yết kiến đức Thế Tôn ấy! Dầu tay ta có bị đốt bằng lửa, có bị chặt bằng dao, bạn đừng nghĩ rằng ta sẽ thả tay ra. Ta sẽ không bao giờ thôi nắm chỏm tóc của bạn nếu chưa đạt được ý nguyện!

Nghe lời nói có thép, có lửa ấy, thanh niên Jotipāla chợt dựng tóc gáy, thần sắc thay đổi, một ý nghĩ khởi sanh: “Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Bạn thân của ta, thợ gốm Ghaṭīkāra tuy sanh thuộc hạ cấp, lại dám nắm chặt búi tóc của ta bằng cả hai tay? Lại còn hăm dọa sẽ lôi, sẽ kéo ta đi dẫu ta vừa mới gội đầu, dẫu ta sanh thuộc giai cấp thượng đẳng? Việc này chắc chắn không phải tầm thường mà phải có lý do trọng đại? Lại nữa, bạn ta còn nói, đẫu bị đốt bằng lửa, bị chặt bằng dao, y cũng không buông ra? Việc ấy sẽ có lợi gì cho y mà y khổ tâm đến thế? Thôi! Đúng rồi! Rõ ràng là y đã có tâm từ ái đối với ta chứ không phải là có ác ý! Ồ, mà bạn ta có ác ý với ai bao giờ dù cả với con sâu, cái kiến!”

Nghĩ thế xong, thanh niên Jotipāla mềm mỏng nói:

- Ta hiểu rồi! Ta hiểu ý tốt của bạn rồi! Nhưng đến yết kiến ông sa môn đầu trọc kia, có cần thiết phải dùng cả hai tay nắm chặt chỏm tóc, lại còn hăm dọa lôi và kéo nữa?

- Cần thiết lắm chứ! Người thợ gốm gật đầu cương quyết – vô cùng cần thiết nếu bạn không chịu đi, không chịu đến yết kiến đức Đại Tôn Sư!

Thấy thần sắc nghiêm nghị của bạn, Jotipāla nghĩ thầm: “Chưa một lần nào, y bỡn cợt với ta! Chưa một lần nào mà ta thấy y lẫm lẫm uy nghiêm như thế! Dẫu ta có sức mạnh của tượng vương, dẫu ta có uy mãnh như sư tử vương, y vẫn lôi và kéo ta đi như thường, không có thối thất, không có nhụt chí!”

- Thôi! Hãy thả tay ra đi, ông bạn hiền thiện! Thanh niên Jotipāla thở ra một hơi dài, có vẻ thua cuộc - Ta hứa ta sẽ đi yết kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác của bạn.

Khi họ cùng đến nơi, người thợ gốm cung kính đảnh lễ đức Phật Kassapa còn thanh niên Jotipāla chỉ mở lời chào lấy lệ rồi ngồi một bên.

Ghaṭīkāra giới thiệu bạn của mình rồi khẩn thiết yêu cầu đức Thế Tôn ưu ái thuyết cho Jotipāla nghe một thời pháp.

Thế rồi, quán căn cơ xong, đức Phật, với pháp thoại đã làm cho người thợ gốm cùng chàng thanh niên đều thích thú, phấn khích. Họ hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.

Như vừa được hóa sanh từ giáo pháp, với hỷ và lạc đầy ắp trong tâm, với tín và trí ngời sáng trong mắt, trên đường về, thanh niên Jotipāla nói với người thợ gốm:

- Quả thật là tôi rất ngạc nhiên, là tại sao khi nghe được những thời pháp vi diệu, thù thắng như thế mà bạn lại không từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia theo giáo pháp của đức Tôn Sư?

Thợ gốm Ghaṭīkāra dừng lại, nắm chặt hai tay bạn:

- Phải lắm! Với thời pháp tối thượng ấy, ai là người có tai, có trí đều xa lìa thế gian cát bụi để sống đời trong lành, vô nhiễm.

Thanh niên Jotipāla xoay người lại, nắm cổ tay của người thợ gốm với sức mạnh chưa từng được thấy:

- Vậy tại sao bạn không xuất gia? Hay là tôi sẽ nắm chặt búi tóc bạn rồi kéo, rồi lôi bằng thần lực của trăm con voi to, ngàn con voi to?

Ghaṭīkāra phì cười:

- Coi kìa! Bạn phấn khích quá mà quên hoàn cảnh của tôi rồi! Tôi còn cha mẹ mù lòa ở nhà cần phải có người phụng dưỡng chứ!

- Ờ, xin lỗi! Thật tình xin lỗi! Còn tôi, ngay ngày mai, sẽ xuất gia thôi, không chần chờ một ngày nào nữa.

Thế rồi, thanh niên Jotipāla được xuất gia, thọ đại giới vào ngày hôm sau, bước vào đời sống phạm hạnh dễ dàng và thuận duyên như cá bơi trong nước...

Trời đã tối. Đức Thế Tôn mới kể đến ngang đây, đang ngừng hơi thì tôn giả Ānanda cảm thán:

- Cái căn cơ của chàng thanh niên sao mà bén nhạy và sâu dày đến thế? Chỉ một thời pháp đã xoay ngược toàn bộ tri kiến, từ cái câu khinh mạn “sa-môn đầu trọc” qua câu tôn kính “đức Tôn Sư” chỉ có mấy nháy mắt!

Đức Phật mỉm cười:

- Đừng tưởng thanh niên ấy là ai, là Như Lai đấy! Và cũng đừng tưởng người thợ gốm ấy là ai, chính là phạm thiên Sāhampati, người đã phương tiện thỉnh mời Như Lai xuống núi độ sinh tại Bodh-gayā độ nào!

Sự tiết lộ của đức Phật làm đại chúng tròn mắt, rồi xì xào bàn tán. Nghe nói rằng, đức Đạo Sư đã từng phát nguyện Chánh Đẳng Giác từ thời đức Phật Dīpaṅkāra, đã tu tập ba-la-mật đến bốn a-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp. Lẽ ra, năng lực công phu ấy nó sẽ tiềm tàng trong dòng nghiệp, dòng tâm. Làm sao có thể quên được mà lại phát ngôn mạo phạm một vị Phật kia chứ?

Đức Phật biết cái thắc mắc ấy nên ngài nói:

- Ừ, các thầy nghi ngờ là đúng! Quả thật có một ác nghiệp ngăn che. Một kiếp nọ, có một vị vua trông coi một quốc độ phồn vinh nhưng lại bị tà giáo lộng hành, đâu đâu cũng là những đạo sĩ giả hiệu lập giáo nơi này, lập giáo nơi kia, ma mị bòn rút của dân. Trăm trăm ngàn ngàn tu sĩ cạo trọc đầu sống đời biếng nhác kiếm ăn đủ mọi cách xảo trá, bất chánh. Thế là kỷ cương, phép nước được đặt ra. Vị vua kia bèn cho quân đội lùng sục các nơi bắt bọn trọc đầu kia phải hoàn tục về nhà làm ăn sinh sống hoặc đuổi ra khỏi nước. Vị vua kia bị ám ảnh... bị ám ảnh “ những cái đầu trọc” từ độ ấy; rồi nó còn ăn lan qua kiếp thứ hai, kiếp thứ ba lúc làm một vị quốc sư, lúc làm một quan tổng trấn.

Ồ, các thầy đừng tưởng vị vua ấy là ai, là Như Lai đấy. Tuy nhiên, cũng nhờ căn tu sâu dày, sự che ám ấy chỉ cần một người bạn lành, một người bạn tốt như phạm thiên S nhắc nhở là Như Lai trở lại đường xưa lối cũ ngay!

Đại chúng thở phào do hiểu được sự vận hành kỳ lạ của nhân quả nghiệp báo.

Đến ngang đây thì giữa hư không chợt sáng rực rồi vọng xuống tiếng nói:

- Đức Thế Tôn căn cơ thâm hậu, mẫn tiệp gấp triệu triệu lần đệ tử! Nếu không nhắc nhở thì đức Tôn Sư vẫn trở lại với dòng tâm, dòng trí của mình như thường! Cái dòng ba-la-mật ấy cuồn cuộn, với năng lực tối thượng thì vài hòn sỏi, hòn sạn đâu có mấy hơi sức mà đòi ngăn trở!

Đức Phật cũng cất giọng phạm âm:

- Này phạm thiên S! Ông bạn có thuận cho Như Lai kể lại hành trạng tối thượng của người thợ gốm ấy cho đại chúng nghe chăng?

- Đức Thế Tôn tùy nghi! Nhưng theo đệ tử hiểu là đức Thế Tôn nên lựa chọn một hội chúng khác, có lẽ tại Sāvatthi, có đầy đủ vua quan cùng hai hàng cận sự nam nữ thì lợi ích thù thắng hơn nhiều!

- Ừ, đúng là vậy!

- Thôi, Thế Tôn hãy nghỉ ngơi! Đệ tử vấn an sức khỏe đức Tôn Sư và xin được cáo biệt!

Ai cũng háo hức muốn nghe tiếp nhưng đức Phật đã ngừng chuyện kể. Họ âm thầm đảnh lễ đức Phật rồi mỗi người tự tìm lấy một gốc cây, một bãi trống, một hang đá nào đó tùy nghi qua đêm.

Núi rừng như đi vào thiền định.



(1)Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/02/2011(Xem: 3146)
Từ cổ chí kim, trong thâm tâm của mỗi người luôn cố gắng tìm kiếm và vạch ra bản chất của thế giới, thực chất bản tính của con người, sự tương đồng giữa nội tâm và ngoại tại, tìm con đường giải thoát tâm linh… Mỗi người tùy theo khả năng của mình đã cố gắng vén mở bức màn bí ẩn cuộc đời. Vì vậy, biết bao nhiêu nhà tư tưởng, tôn giáo, triết học ra đời với mục đích tìm cách thỏa mãn những nhu cầu tri thức và chỉ đường dẫn lối cho con người đạt tới hạnh phúc. Nhưng mỗi giáo phái lại có những quan điểm, tư tưởng khác nhau. Ở đây, với giới hạn của đề tài, ta chỉ tìm hiểu bản chất triết học của Bà-la-môn giáo dưới cái nhìn của đạo Phật như thế nào.
19/02/2011(Xem: 3040)
Là một phần trong cái hùng vĩ nền triết học Ấn Độ, Bà-la-môn giáo và Phật giáo đã có sự đóng góp to lớn, không những trên bình diện triết lý u huyền mà còn để lại những ảnh hưởng sâu đậm trong từng nếp nghĩ, cử chỉ hay quan niệm sống của toàn thể dân tộc Ấn Độ. Và cũng vì là hai thực thể có cùng chung một dòng máu nên trong quá trình phát triển, cả hai đều đã có những ảnh hưởng nhất định lên nhau. Nhưng vì ra đời muộn hơn nên đã có không ít quan niệm cho rằng Phật giáo là sự hệ thống lại các tư tưởng Ấn độ giáo, hoặc cũng có ý kiến cho rằng đạo Phật là phản biện của chủ nghĩa tôn giáo Ấn... Còn có rất nhiều nữa những quan niệm hoặc là thế này hoặc là thế kia để so sánh những mệnh đề đã tồn tại từ lâu trong lòng của hai khối tư tưởng một thời đã từng được xem là đối kháng của nhau.
17/02/2011(Xem: 3144)
Nói rằng triết học Âu Tây giỏi và bảnh rồi, cho nên kiêu căng biệt cư, không cần chiếu “camé” vào để “thâu” một ít vốn ở các hệ thống triết học Á Đông nữa thì thật là không đúng. Nói rằng triết học Á Đông có một số mặc cảm rồi cam phận đơn cư thì lại càng tuyệt đối không đúng lắm nữa.
14/01/2011(Xem: 15069)
Bản văn này chỉ giới thiệu những điểm chủ yếu có liên quan đến triết học Trung Quán một cách hết sức đơn giản, dù vậy, vẫn bao hàm được tất cả mọi yếu điểm cốt lõi của hệ phái Triết học này.
14/01/2011(Xem: 8572)
Viết về một triết học là đặt ra các câu hỏi về những vấn đề được bàn đến trong triết học đó. Trong trường hợp này, chúng ta thử viết một bài nghiên cứu mang tính phê bình về triết học Thế Thân.
13/01/2011(Xem: 3335)
Trong các lớp bậc trung học chúng ta cũng đã biết chút ít thế nào là tương tự. Hai bài toán có thể dùng cùng một phương cách để giải thì ta gọi đó là "quá trình tương tự hoá".
11/01/2011(Xem: 8593)
Lý Duy tâm của Phật giáo không công nhận có cảnh nào là cảnh thật, hết thảy các cảnh đều do tâm hiện, lá chuối cũng tâm hiện, bóng người cũng tâm hiện, như hoa đốm giữa hư không.
05/01/2011(Xem: 12843)
Triết thuyết Căn Bản của PG Đại Thừa
05/01/2011(Xem: 4052)
Tài liệu về Đại sư Khuông Việt quá ít ỏi , hầu như chỉ bao gồm trong chuyện kể về Ngài của Thiền Uyển tập anh , Cho đến nay những hiểu biết về Ngài chỉ căn cứ vào đó , chưa có những phát hiện gì mới ngoài những diễn dịch , phát triển suy đoán , lắm khi mang tính cường điệu . . Qua bài này như một góp ý nhò nhặt , người viết mong rằng những nhận định vế Đại sư lừng danh của nước Việt bớt đi những suy diễn chung chung , thiếu dẫn chứng, chỉ mang tính cường điệu mà thiếu tính khoa học ; đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ chung của nhà nghiên cứu là tìm thêm tài liệu , chứng cứ để củng cố những luận điểm nhằm vinh danh vị Tăng thống đầu tiên của nước ta .
05/01/2011(Xem: 3319)
Đạo đức học là một bộ phận của triết học nhằm dựa vào lý trí mà thiết lập một sự phân biệt giữa thiện và ác, giữa điều được làm và điều bị cấm làm, nhằm nêu ra một nguyên tắc tổng quát để xếp loại và đánh giá các hành động. Đạo đức học nhằm nêu định cứu cánh của mọi hành động hợp lý mà con người cố vươn tới, tức mục đích, lý tưởng của cuộc đời và tìm các phương cách giúp con người tiến tới mục đích lý tưởng ấy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567