Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Hóa Độ Du Sĩ Magandiya

05/11/201320:35(Xem: 34832)
07. Hóa Độ Du Sĩ Magandiya
mot_cuoc_doi_bia_3



Hóa Độ Du Sĩ

Magandiya



Hôm kia, đức Phật lại ôm bát một mình đi khất thực, trở lại thị trấn Kammāsadhamma, sau đó tìm đến một khu rừng để nghỉ trưa. Ngài có một cuộc hẹn vào buổi chiều ở nhà người bà-la-môn thờ thần lửa thuộc dòng họ Bhāradvāja.

Du sĩ Māgandiya(1), một biện sĩ thuộc phái hưởng lạc, trong khi đi bộ ngao du, rong chơi đây đó, ghé nhà người bà-la-môn thờ thần lửa có tiếng trong vùng, thấy đâu đó đã được dọn dẹp, sửa soạn tươm tất; chính giữa phòng khách thấy có một tấm nệm cỏ đẹp được đan bện công phu, tinh xảo như đang chờ đợi, để dành cho ai đó. Ngạc nhiên, y hỏi:

- Cái chỗ ngồi chỉ là cỏ rác mà có vẻ trân trọng thế kia, dường như được soạn sẵn cho một vị sa-môn khổ hạnh nào đó phải chăng?

- Là vậy mà không phải vậy! Người bà-la-môn mỉm cười, dịu dàng nói - tấm tọa cụ là cỏ rác nhưng tâm của tôi không hề cỏ rác chút nào! Còn đức Thế Tôn đâu phải là khổ hạnh sư, ngài là một bậc Chánh Đẳng Giác, một vị đại A-la-hán, là bậc thầy của chư thiên và loài người.

Du sĩ Māgandiya chợt cười ha hả:

- À ha! Ông sa-môn Gotama hả? Ông ta đúng là một huyễn sư, một tà sư! Ta vừa hay tin, vợ chồng ông cậu của ta đã bị ông ta quyến dụ nên bỏ cả gia sản để xuất gia theo ông ta rồi! Ồ, đúng vậy rồi! Đúng là sa-môn Gotama rồi! Ôi, thật là bất hạnh thay! Ông ta còn là một vị đã phá hoại sự sống nữa!

- Này Māgandiya! Ông hãy thận trọng lời nói! Người bà-la-môn trừng mắt - tại sao ông dám bảo sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống?

- Đúng vậy chứ, tôi nói khác sao được? Sa-môn Gotama đã tự mình hành thân hoại thể; ăn, ở, mặc đều tiết chế, diệt dục rồi dạy cho đệ tử từ bỏ gia đình, sống không gia đình làm cho không biết bao nhiêu mầm sống của chúng hữu tình không được mở mắt chào đời! Thế không được gọi là hủy diệt sự sống hay sao?

Người bà-la-môn cất giọng bình tĩnh, ra đòn phản công, không khoan nhượng:

- Thôi được rồi, tôi nói chuyện không lại với ông. Nếu có ngon lành thì ông hãy đến đối thoại với sa-môn Gotama. Và tôi biết chắc chắn một điều rằng, là ông sẽ cúi đầu, thụt lưỡi, im re, run lập cập khi mà sa-môn Gotama chất vấn ông. Tại sao vậy? Ôi! Có biết bao nhiêu là vua chúa trí giả, nhiều vương tộc trí giả, nhiều bà-la-môn trí giả, nhiều danh sĩ trí giả, nhiều đại triệu phú trí giả... đã phải quy y theo sa-môn Gotama? Ôi! Có biết bao nhiêu là du sĩ, biện sĩ, lang thang sĩ, miệng lưỡi trơn tuột, lắc léo, trườn uốn như con lươn; biết bao nhiêu là khổ hạnh sĩ, đạo sĩ, cuồng sĩ, ngu si sĩ... với môi mép hàng tôm, hàng cá, đánh tráo chữ nghĩa lươn lẹo như con buôn... Họ đấy, một phần đã phải co giò, vác cẳng, khòm lưng lủi trốn như chuột chù, chuột hôi; một phần quy giáo sa-môn Gotama hoặc đệ tử của sa-môn Gotama. Và cũng rất đông là ngần ấy trí thức đã xuất gia theo giáo pháp của đức Tôn Sư. Ông là gì? Là một biện sĩ lỗi lạc ư? Là một lang thang sĩ của phái hưởng lạc ư? Hãy giữ cái lưỡi cho cứng, cái lưng cho thẳng mà đối thoại với sa-môn Gotama, một bậc Chẳng Đẳng Giác hằng triệu triệu năm mới xuất hiện một lần. Có xứng không? Hãy chờ đấy!

- Thôi được rồi, đừng có mà tán thán kẻ phá hoại sự sống kia một cách cuồng tín như thế. Chửi rủa và phỉ báng ta như thế là đủ rồi. Kẻ trí không chấp nê miệng lưỡi của bọn ngu ngốc có cái tâm trí đen thui như cột nhà cháy. Được rồi, ta sẽ đợi và ta sẽ làm cho sa-môn Gotama thụt lưỡi, im re cho mà xem. Hãy dỏng tai mà nghe!

Đức Thế Tôn với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, nghe biết cuộc đối thoại vừa rồi, ngài xả thiền đi đến nhà người bà-la-môn thờ thần lửa. Bà-la-môn Bhāradvāja tiếp đón đức Phật một cách cung kính, trong lúc du sĩ Māgandiya chỉ chào hỏi ngài có vẻ xã giao.

Ngồi trên chỗ đã được chuẩn bị sẵn, đức Phật lướt nhìn bà-la-môn chủ nhà và du sĩ Māgandiya rồi vào đề ngay:

- Có phải vừa rồi đã có một cuộc nói chuyện thú vị - cục đất quăng qua, cục bùn ném lại - giữa hai vị từ tấm nệm cỏ này?

Du sĩ Māgandiya ớn lạnh xương sống. Bà-la-môn lông tóc dựng ngược, thưa bạch:

- Chính vì con đã không chịu nổi cái ngông nghênh, ngã mạn của ông đạo sĩ này nên đã có những lời khiếm nhã với y, có lẽ đã làm bẩn tai bậc thiên nhĩ thuần tịnh. Chính vì con muốn trình bày chuyện ấy với đức Thế Tôn, nhưng hóa ra ngài đã biết tất cả rồi!

Đức Phật quay sang du sĩ Māgandiya:

- Sự sống, theo quan niệm của ngươi là như thế nào hở Māgandiya?

Māgandiya thận trọng, giữ sự im lặng cần thiết, xem thử có cái bẫy nào ở đấy không!

- Hay theo học thuyết có vẻ cao siêu và lọc lõi của giáo phái ngươi là sự trưởng thành, khôn ngoan, kinh nghiệm phải được thực hiện qua sáu giác quan? Và suốt cuộc đời là phải làm cho sáu giác quan ấy được tích lũy kinh nghiệm không hạn chế qua sự thỏa mãn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp? Và đấy chính là hạnh phúc tối thượng theo như thánh thư của phái hưởng lạc?

- Đúng là vậy! Thánh điển của chúng tôi đã có truyền lại như thế.

- Và vì Như Lai chủ trương sống phòng hộ sáu giác quan, nghịch với quan điểm của phái hưởng lạc nên ngươi cho là Như Lai phá hoại sự sống?

- Đúng là vậy, thưa sa-môn Gotama.

Đức Phật cất giọng ôn nhu, điềm đạm:

- Nhưng nếu có những người hưởng thụ năm món dục lạc, đến một lúc nào đó cảm thấy chán mứa, cảm thấy không chịu nổi; họ muốn tìm một nơi thanh vắng, muốn xa lìa đời sống ngũ dục thì ngươi nghĩ về họ như thế nào hở Māgandiya?

Māgandiya cất giọng lửng thửng:

- Tôi không có ý kiến gì với hạng người ấy.

- Thế có một người khác, sau khi hưởng thụ ngũ dục, thấy nó dường như càng uống thì càng khát, không bao giờ thỏa mãn được dù săn đuổi suốt cuộc đời nên họ cảm thấy ngũ dục là nguy hiểm thì ngươi nghĩ về họ như thế nào hở Māgandiya?

Māgandiya vẫn ơ thờ, dấm dẳng:

- Cũng thế! Hơi đâu! Cứ mặc! Kệ chúng! Tôi vẫn không có ý kiến gì, vì quả thật thế gian có những hạng người như vậy.

- Vậy thì năm món dục lạc - Đức Phật vẫn từ hòa, kiên nhẫn - đối với người này thì vị ngọt, đối với người khác thì chán mứa, đối với người khác nữa là nguy hiểm, có phải vậy không, Magandiya?

Māgandiya bây giờ mới gật đầu, có vẻ như “Chính ta cũng đồng quan điểm như vậy đó, có gì là lạ lắm đâu!”:

- Đúng thật vậy rồi!

- Như Lai cũng thế đấy, này Māgandiya! Thuở còn tại gia, Như Lai hưởng thụ đầy đủ, hưởng thụ sung mãn năm món dục lạc; đến một lúc nào đó, Như Lai cảm thấy không còn chịu nổi, cảm thấy nó nhiệt não, nóng bức, chán ngấy nên Như Lai đã từ bỏ chúng, xuất ly chúng. Nhờ từ bỏ chúng, xuất ly chúng nên Như Lai được vô khổ, vô phiền, an tịnh, thảnh thơi... Đấy đâu phải là hủy diệt sự sống hở Māgandiya? Hay đấy lại là sự sống thanh bình, mát mẻ, êm đềm, hư tĩnh, thanh cao hơn, hơn là sự sống bầy nhầy, bì bọp trong vũng ngũ dục tối tăm, thấp hèn như dòi bọ no nê trong đống phẩn hôi, xác thối, cá ươn của chúng?

Māgandiya nín lặng, ông chợt toát mồ hôi lạnh và cảm thấy mình đang bị tấn công; và thánh điển của mình đã bắt đầu bị lộ khuôn mặt có nhọ đen và bùn bẩn...

- Dục lạc cõi người hạ liệt, thấp kém lắm, này Māgandiya! Một người sinh lên cõi trời Ba mươi ba được chúng thiên nữ hầu hạ, thọ hưởng các thiên dục một cách sung mãn, vị trời kia có khao khát trở lui thọ hưởng năm món dục lạc của cõi người nữa không, này Māgandiya?

- Thưa không, vì dục lạc cõi trời thù thắng, vi diệu hơn cõi người.

- Ví như một người bị bệnh cùi với thân thể lở loét, hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét đang dùng móng tay cào rách các vết thương rồi đốt chúng bởi lửa nóng, người ấy cảm thấy khoái trá vì dịu cơn ngứa, vì đã ngứa. Nhưng một người lành mạnh hay một người cùi đã khỏi bệnh, khi nhìn cảnh tượng ấy, có ao ước được như người cùi ấy không, này Māgandiya?

- Thưa không, không những không ao ước mà còn thấy tình cảnh ấy là đáng sợ.

- Dục lạc thế gian cũng tương tợ như người bị bệnh cùi với tình cảnh như vậy. Lấy móng tay cào rách các vết thương, hơ lửa nóng để tìm sự khoái trá, đã ngứa, nghĩa là tìm vui trong khổ, khổ thọ lại cho là lạc thọ, đấy được gọi là ngu si điên đảo tưởng, là kiến chấp hoang vu tưởng, ngươi có biết không, thầy ngươi có biết không, thánh điển của nhà ngươi có biết không, Māgandiya?

Māgandiya cúi đầu, tự nghĩ: “Vậy là, giáo thuyết của giáo phái ta đã thật sự không còn chỗ đứng trước ví dụ cụ thể, hiện thực của sa-môn Gotama rồi.”

- Dục là lửa nóng, dục là khổ não, dục là đáng sợ, phải biết xa lìa. Dẫu cho lạc cõi trời, lạc của định sắc và vô sắc; chúng vi tế, thanh lương, thù thắng hơn rất nhiều; nhưng đối với bậc trí, họ cũng viễn ly, xa lánh để sống đời an tịnh, giải thoát, vô bệnh, đúng như kệ ngôn:

“ - Vô bệnh, lợi tối thắng

Niết-bàn, lạc tối thắng

Bát chánh là độc đạo

An ổn và bất tử”.

Nghe đến đây, du sĩ Māgandiya cố gỡ gạc sĩ diện nên hoan hỷ thốt lên:

- Đúng là vậy, sa-môn Gotama đã nói rất đúng: “Vô bệnh, lợi tối thắng. Niết-bàn, lạc tối thắng”. Các vị Tôn Sư, đại Tôn Sư của chúng tôi cũng truyền bài kệ ấy.

- Vậy thế nào là không bệnh, thế nào là Niết-bàn, hở Māgandiya?

Māgandiya lúng túng, giả vờ lấy tay xoa bóp chân tay của mình rồi nói:

- Tôi nay cũng hoàn toàn vô bệnh, chẳng có triệu chứng ốm đau, bệnh tật gì.

- Nói như vậy chứng tỏ ngươi không hiểu gì cả, chứng tỏ ngươi đã bị Tôn Sư, đại Tôn Sư của ngươi lừa gạt rồi, ngươi có biết không?

- Bị lừa gạt như thế nào, thưa sa-môn Gotama?

- Câu kệ ngôn ấy không có trong thánh điển của giáo phái ngươi. Đấy là kệ ngôn của bậc Chánh Đẳng Giác quá khứ còn truyền tụng giữa nhân gian, lâu quá, người ta quên mất hai câu sau. Tôn Sư, đại Tôn Sư của nhà ngươi, chỉ biết hai câu trước, đọc lên như vẹt mà không hiểu pháp ngữ của nó mà chỉ còn hiểu nơi thường ngữ thôi.

- Xin được nghe lời chỉ dạy.

- Này Māgandiya! Có một người mù bị lừa gạt về màu sắc thì ngươi cũng bị lừa gạt về vô bệnh và Niết-bàn; hãy nghe, và Như Lai sẽ có ví dụ cụ thể.

- Thưa vâng.

- Một người sinh ra đã mù, không biết gì về màu sắc, không có khái niệm gì về thế giới xung quanh. Hôm kia, có một kẻ vô công rỗi nghề, lấy chuyện lừa gạt thiên hạ làm thú tiêu khiển; y lấy một tấm vải thô dính nhọ dầu và bùn đất đem tặng người mù, nói rằng:“Đây là chiếc áo được sản xuất và may thêu tại xứ Kāsi, trắng như bông, lóng lánh những sợi tơ trời, đẹp lắm, bạn hãy mặc vào đi.” Người mù, tin tưởng người sáng mắt, mặc vào, đi tới, đi lui cảm thấy sung sướng, hãnh diện – nhưng đâu có biết rằng, mình bị người sáng mắt chơi xỏ, lường gạt? Cũng vậy là trường hợp của ngươi, này Māgandiya. Năm món dục lạc là khổ, là nóng bức, là nhiệt não, là cục bướu, là thấp thỏi... nhưng Tôn Sư, đại Tôn Sư của ngươi lại chủ trương hưởng lạc, coi khổ thọ như lạc thọ thì chúng đã không chơi xỏ, lường gạt ngươi là gì, này kẻ mù mắt?

Māgandiya lạnh người, bàng hoàng. Lát sau, y hỏi:

- Vậy làm thế nào để được sáng mắt, thưa sa-môn Gotama quý kính?

- Đối với những người mù mắt thì người ta thường làm như thế nào để chữa trị, hở Māgandiya?

- Tuỳ theo bệnh mù mắt nặng, nhẹ của từng người mà có thể nhờ y khoa xét nghiệm, để biết có người không thể chữa trị được do quá nặng bởi mù mắt tiên thiên, bẩm sinh; có người mù, nhẹ, do từng nguyên nhân bệnh lý khác nhau, thì có thể mổ xẻ hoặc có thể xức thuốc, bôi thuốc tùy từng trường hợp!

- Cũng tương tợ vậy, này Māgandiya! Đối với người mù mắt quá nặng do tiên thiên, bẩm sinh được ví như người có vô minh, chấp kiến quá sâu dày, Như Lai không thể chữa trị được. Riêng đối với người mù mắt nặng, nhẹ do các trường hợp bệnh lý khác nhau, Như Lai sẽ chữa trị theo nhiều cách. Có người, Như Lai chỉ cho họ thấy các cảnh giới đau khổ của tứ ác đạo và hạnh phúc nơi các cõi trời. Có người, Như Lai hướng dẫn cho họ tu tập bố thí, trì giới. Có người, Như Lai chỉ cho họ các đề mục về thiền định. Có người, do có căn cơ sâu dày, Như Lai sẽ mổ xẻ, phân tích chi ly về khổ, về nguyên nhân khổ, về diệt khổ, về con đường diệt khổ. Có người, do có rất ít bụi cát trong mắt, Như Lai chỉ nói vài câu tinh yếu, cốt lõi của giáo pháp, tương tợ như chỉ cần một tí thuốc để xức, để bôi thì người kia liền lành bệnh... Và khi mắt đã được chữa lành, được sáng tỏ thì người mù mắt mới biết là mình bị lừa gạt. Khi ngươi thân cận với bậc chân nhân, ngươi mới học hiểu được rằng dục lạc thế gian là nhiệt não, là bệnh chướng, là cái đáng kinh sợ, nhờm gớm, xa lìa. Cái thân này chính là bệnh, là cục bướu, là cái mũi tên cần phải nhổ đi. Đến đây, ngươi mới nghĩ được rằng: Hóa ra, từ lâu ta đã bị phỉnh phờ, lường gạt, dối lừa nên đã xem khổ thọ là lạc thọ, sinh ra kiến chấp điên đảo tưởng, sinh ra chấp thủ ngũ uẩn. Bậc chân nhân dạy rằng: Do chấp thủ nên có hữu, có hữu thì có sinh, có sinh nên có già chết. Đấy là tập khởi toàn bộ khổ uẩn. Thấy rõ toàn bộ khổ uẩn ấy là sáng mắt, là vô bệnh. Chấm dứt toàn bộ khổ uẩn ấy là Niết-bàn. Thực hiện con đường đến Niết bàn chỉ có một đạo lộ duy nhất là bát chánh, là lộ trình của an ổn và bất tử vậy.

Nghe xong thời pháp, bà-la-môn thờ thần lửa thuộc dòng họ Bhāradvāja mở sáng được con mắt tuệ, có thể tự đi được bằng đôi chân của mình. Còn du sĩ Māgandiya thì xin được quy y và xuất gia, thọ đại giới. Đức Phật bảo rằng, vì ông là ngoại đạo, cần phải biệt trú bốn tháng; thứ nhất là để suy gẫm, gột rửa những tri kiến cũ đã đóng khói, mọc rêu trong tâm thức truyền đời của ông; thứ hai là để học hỏi những oai nghi tế hạnh, thực tập những pháp căn bản vào buổi đầu.

Nghe vậy, du sĩ Māgandiya xin được biệt trú bốn năm rồi hẳn thọ đại giới sau.

- Điều ấy là rất tốt, này Māgandiya!

Đức Phật nói thế xong, và ngài còn biết rõ rằng, vị du sĩ này, sau này sẽ là một vị A-la-hán.



(1)Māgandiya này còn thanh niên - theo Buddhaghosa giảng giải, ông ta là cháu trai của bà-la-môn Māgaṇdi - chuyện dấu chân Phật và cô con gái ở trong một chương trước(Tự điển Pāḷi Proper Names ghi là Māgandiya chứ không phải Māgaṇḍiya).


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/02/2014(Xem: 21013)
Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Tôi” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Tôi”. Khi cảm tính về “Cái Tôi” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát.
22/01/2014(Xem: 9043)
Trong luận Đại Thừa Khởi Tín có từ “phát thú đạo tướng” , phân tách Tướng Đạo mà tất cả chư Phật chứng đắc, tất cả chư vị Bồ Tát phát tâm tu hành để mau chứng đắc quả vị Phật. Trên có từ “Phát Thú” nghĩa là phát tâm hướng về, cất bước ra đi hướng thẳng về một mục tiêu nhất định gọi là “Thú Hướng”. “Phát Thú Đạo Tướng” nghĩa là phân định các tướng sai khác của sự phát tâm hướng đến Đạo. Đạo tức là Bồ Đề, Niết Bàn mà chư Phật đã chứng đắc. Đó là Bản Giác, Nhất Tâm Chân Như, tự tướng của Nhất
19/01/2014(Xem: 8720)
Khi khảo sát về PHÁT BỒ-ĐỀ TÂM, chúng tôi tự nghĩ, chúng ta cần phải biết Bồ-Đề là gì? Bồ-Đề Tâm là thế nào? Phát Bồ-Đề Tâm phải học theo những Kinh, Luận nào? Vv.v… Tiếng Pãli : bodhi. Dịch là Tri, Đạo, Giác, Trí. Nói theo nghĩa rộng Bồ Đề là Trí Tuệ đoạn tuyệt phiền não thế gian mà thành tựu Niết Bàn. Tức là Trí Giác Ngộ mà Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn đã đạt được ở qủa vị của các Ngài. Trong các loại Bồ Đề nầy, Bồ Đề của Phật là rốt ráo tột bậc, nên gọi là A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề dịch là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh biến trí, Vô thượng chính chân đạo, Vô thượng Bồ Đề. Sau khi thành Phật, Đức Thích Ca có giải rằng ngài có đủ ba thể Bồ Đề: 1- Ứng Hóa Phật Bồ Đề: tức là thể Bồ Đề hiện lại trong đời Ngài làm Thái Tử Tất Đạt Đa mà tu hành.
12/01/2014(Xem: 11757)
Johan Galtung là Giáo sư Đại học Hawaii và được mời thỉnh giảng trên 30 Đại học nổi tiếng khắp thế giới. Ông còn là Giám Đốc của Transcend và Peace Research Institute, Olso. Với trên 50 ấn phẩm và 1000 công trình nghiên cứu khoa học về Hoà Binh ông đã nổi danh là người sáng lập cho lĩnh vực Peace Studies. Với những đóng góp to lớn này ông được nhiều giải thưỏng cao qúy. Tác phẩm chính trong lĩnh vực Phật học là „Buddhism: A Quest for Unity and Peace” (1993). Các tiểu tựa là của người dịch.
25/12/2013(Xem: 6932)
Toàn tri toàn giác không thể được phát sinh mà không có nguyên nhân, bởi vì đâu phải mọi thứ luôn luôn là tòan tri toàn giác đâu. Nếu mọi thứ được sinh ra mà không liên hệ đến điều gì khác, chúng có thể tồn tại mà không có sự câu thúc - sẽ không có lý do tại sao mọi thứ không thể là toàn tri toàn giác.
24/12/2013(Xem: 7912)
Phần khảo sát trong Phật Học Từ Điển (đã trích dẫn) viết về Chân Như như sau: “Chân: chân thật, không hư vọng. Như: như thường, không biến đổi, không sai chạy. Chân Như tức là Phật Tánh, cái tánh chân thật, không biến đổi, như nhiên, không thiện, không ác, không sanh không diệt. Cái Chân Như thì đầy đủ nơi Phật. Nó cũng vẫn có nơi chúng sinh. Những chử dưới đều đồng nghĩa, đồng thể với Chân Như: Tự tánh thanh tịnh, Phật tánh, Pháp Thân, Như Lai Tạng, thật tướng, pháp giới, pháp tánh, viên thành thật tánh, Pháp vị.” Trong Duy Thức Luận có viết về ba Chân Như như sau: 1/ Vô tướng Chân Như: Chân Như không tướng; là cái thể của các pháp khắp cả, không có tướng hư chấp. 2/ Vô sanh Chân Như: Chân Như không sanh; các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra chứ hẳn là không thật có sanh .
24/12/2013(Xem: 10152)
Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì : “Thủy Giác: mới tỉnh giác. Cái bổn tánh của hết thảy chúng sanh sẳn có lòng thanh tịnh tự tánh, đủ cái đức vốn chiếu sáng tự thuở nay, đó kêu là Bổn Giác (vốn tỉnh giác sẳn). Cái Bổn Gíac ấy do bề trong ung đúc và nhờ cái duyên ngoài thầy dạy, mới khởi ra cái lòng chán chuyện tham cứu thuận theo bổn giác lần lần sanh ra có trí giác ngộ kêu là Thủy Giác (sau mới tỉnh giác). Bổn Giác đó tức là bốn đức (thường, lạc, ngã, tịnh) vốn thành sẵn vậy. Thủy Giác là bốn đức mới thành ra sau nầy vậy.”
20/12/2013(Xem: 37281)
THIỀN, được định nghĩa, là sự tập-trung Tâm, chú ý vào một đối tượng mà không suy nghĩ về một vấn đề nào khác. Tôi chia THIỀN làm hai loại, Thiền giác ngộ (Meditation for Enlightenment) và Thiền sức khỏe (Meditation for Health). Tập sách nầy chỉ bàn về Thiền sức khỏe mà thôi.
17/12/2013(Xem: 18068)
Thành thật luận 成實論 (Satyasiddhi-śāstra) cũng gọi Tattvasiddhi Śāstra 16 quyển, hoặc 20 quyển, do Ha-lê-bạt-ma (Harivarman) tạo luận, Cưu-ma-la-thập (Kumārạiva) dịch, Đàm Quỹ ghi chép, Đàm Ảnh chỉnh lý, trong khoảng đời Dao Tần, niên hiệu Hoằng Thùy thứ 13 đến 14 (411 ~ 412), thâu lục trong Đại Chính, Đại Tạng Kinh, Tập số 32, kinh số 1647.
17/12/2013(Xem: 8887)
Có sự phân giới của chúng sinh và không phải chúng sinh, và việc quan tâm đến các chúng sinh cùng hành vi tinh thần trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cũng có những trình độ khác nhau. Khi chúng ta thức giấc, khi chúng ta mơ ngủ và khi chúng ta ở trong giấc ngủ sâu và rồi thì khi chúng ta bất tỉnh - ở tại mỗi giai tầng, có một trình độ sâu hơn của tâm thức. Rồi thì cũng ngay tại thời điểm lâm chung khi tiến trình của tan biến của tâm thức tiếp tục sau khi hơi thở chấm dứt - tại thời điểm ấy, lại có một trình độ thậm chí sâu hơn của tâm thức. Chúng ta không có kinh nghiệm của những gì xảy ra tại thời điểm lâm chung, nhưng chúng ta thật sự biết những gì là kinh nghiệm thức giấc và mơ ngủ và vào lúc ngủ sâu như thế nào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]