Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới Thiệu Tóm Tắt Về Bộ Trung Quán

05/05/201322:59(Xem: 9944)
Giới Thiệu Tóm Tắt Về Bộ Trung Quán
qd-phatthichca-ic

Giới thiệu tóm tắt về
Bộ Trung Quán
trong Tạng luận theo Đại tạng kinh Đại chính tân tu


Nhân bài viết của Huỳnh Ngọc Chiếnviết về “Trung quán tông và ánh sáng tâm linh”, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt về Bộ Trung quántrong Tạng luận theo Đại tạng kinh Đại chính tân tu (ĐTK/ĐCTT), gọi là góp thêm tư liệu nhằm giúp người đọc có những hiểu biết bước đầu về tông Trung quán.

Bộ Trung quánlà 1 trong 5bộ thuộc Tạng luận theo sự phân loại của ĐTK/ĐCTT. Năm bộ thuộc Tạng luận gồm:

1. Bộ Thích kinh luận
2. Bộ A-Tỳ-đàm
3. Bộ Trung quán
4. Bộ Du già
5. Bộ luận tập.

Chữ bộđược ĐTK/ĐCTT dùng để phân loại nơi Tạng kinh (phân làm 9 bộ,chưa kể Mật giáo) và Tạng luận (phân làm 5 bộ),căn cứ theo nội dung thì gồm 3 loại:

* Loại 1:Bộ là sự tập hợp các kinh luận chính, tiêu biểucùng với những kinh luận biệt hành, liên hệ, cùng hệ, đồng dạng. Loại này chiếm đa số: Bộ A-hàm, Bộ Bát-nhã, Bộ Pháp hoa, Bộ Hoa nghiêm, Bộ Bảo tích, Bộ Niết-bàn, Bộ Đại tập (Tạng kinh),Bộ Trung quán, Bộ Du-già(Tạng luận).

* Loại 2:Bộ là sự tập hợp các kinh luận dài ngắn, có nội dung quy về một chủ đề.Đó là các bộ: Bộ Bản duyên(tạng kinh), Bộ Thích kinh luận, Bộ A-tỳ-đàm(Tạng luận). BộBản duyênlà tập hợp các kinh dài, ngắn, vừa, có chung chủ đề là viết về lịch sử Đức Phật, tiền thân Phật, Bồ-tát, Pháp cú v.v… Bộ Thích kinh luận là tập hợp các luận dài ngắn,… có chung chủ đề là giải thích, luận giảng về kinh (tác giả là chư vị Bồ-tát, Luận sư của Phật giáo Ấn Độ, tác phẩm đã được Hán dịch. Nếu các tác phẩm giải thích, luận giảng về kinh luận do các Đại sư, học giả của Phật giáo Trung Hoa viết thì được tập hợp ở phần sớ giải). Bộ A-tỳ-đàmthì tập hợp các luận dài ngắn vừa thuộc mảng A-tỳ-đàm của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ, phần lớn do Pháp sư Huyền Trang dịch ra Hán ngữ (dịch lại hoặc dịch mới). Như các luận A-tỳ-đạt-ma lục túc, luận A-tỳ-đạt-ma phát trí, luận A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, luận A-tỳ-đạt-ma câu-xá

* Loại 3:Các kinh, luận còn lại không thể sắp vào các bộ trên thì sắp vào Bộ Kinh tập(Tạng kinh), Bộ Luận tập(Tạng luận).

Như vậy, Bộ Trung quánthuộc về loại 1. Chúng tôi xin dựa theo nghĩa ấy để giới thiệu tóm tắt.

Luận chính

Luận chính củaBộ Trung quán Trungluận(Mādhyamaka - Sāstra) hoặc Luận Trung quán, còn có tên là Luận Đại thừa Trung quán, Luận Bát-nhã đàng.Tác giả là Bồ-tát Long Thọ (Nā gārjuna, Thế kỷ II - III TL), người đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình hình thành cùng phát triển của Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Bắc truyền, cũng là người mở đầu cho công việc giải thích kinh, luận thuộc Phật giáo Bắc truyền.

Trung luậnđược viết theo thể kệ,gồm 27phẩm, 446kệ. Bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập gồm 446 kệ, mỗi kệ gồm 4câu - 5chữ, với 27phẩm như sau:

Phẩm thứ 1: Quán về nhân duyên (16 kệ)

Phẩm thứ 2: Quán về khứ lai (25 kệ)

Phẩm thứ 3: Quán về sáu tình (sáu căn - 8 kệ)

Phẩm thứ 4: Quán về năm ấm (năm uẩn - 9 kệ)

Phẩm thứ 5: Quán về sáu chủng (8 kệ)

Phẩm thứ 6: Quán về nhiễm, người nhiễm (10 kệ)

Phẩm thứ 7: Quán về ba tướng (35 kệ)

Phẩm thứ 8: Quán về tác - Tác giả (12 kệ)

Phẩm thứ 9: Quán về bản trụ (12 kệ)

Phẩm thứ 10: Quán về đốt cháy, bị đốt cháy (16 kệ)

Phẩm thứ 11: Quán về bản tế (8 kệ)

Phẩm thứ 12: Quán về khổ (10 kệ)

Phẩm thứ 13: Quán về hành (9 kệ)

Phẩm thứ 14: Quán về hợp (8 kệ)

Phẩm thứ 15: Quán về có - không (11 kệ)

Phẩm thứ 16: Quán về buộc - mở (10 kệ)

Phẩm thứ 17: Quán về nghiệp (33 kệ)

Phẩm thứ 18: Quán về pháp (12 kệ)

Phẩm thứ 19: Quán về thời (6 kệ)

Phẩm thứ 20: Quán về nhân quả (24 kệ)

Phẩm thứ 21: Quán về thành - hoại (20 kệ)

Phẩm thứ 22: Quán về Như lai (16 kệ)

Phẩm thứ 23: Quán về điên đảo (24 kệ)

Phẩm thứ 24: Quán về bốn đế (40 kệ)

Phẩm thứ 25: Quán về Niết-bàn (24 kệ)

Phẩm thứ 26: Quán về 12 nhân duyên (9 kệ)

Phẩm thứ 27: Quán về tà kiến (31 kệ)

Nếu như nơi Tạng kinh, Bộ Pháp hoavà kinh Pháp hoacó số lượng trang ít nhất, thì nơi Tạng luận, Bộ Trung quánTrung luậncũng vậy, tức cũng có số lượng trang ít nhất. KinhPháp hoa, theo bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập, chỉ hơn 60trang Hán tạng, và Bộ Pháp hoachỉ gồm hơn 385trang, tức non ½ tập 9ĐTK/ĐCTT. Trung luận, vì được viết theo thể kệnên độ dày lại càng ít. Bản chú giải Trung luậncủa Phạm Chí Thanh Mục - là bản được biết đến nhiều nhất - chỉ hơn 38trang Hán tạng, và Bộ Trung quánchỉ gồm không đến 280trang, tức non 1/3 tập 30ĐTK/ĐCTT, trong khi Bộ A-tỳ-đàmchẳng hạn gồm hơn 3.500trang. Tuy nhiên, vì nội hàm cùng ngoại trương của Trung luận(cũng như kinhPháp hoa)(1)là cực lớn. Nói cách khác, những vấn đề được Trung luậnnêu lên, đặt ra là hết sức hàm súc, hết sức quan trọng, nên tác động cũng như ảnh hưởng của luận phải nói là vô lượng vô biên. Thế nên ĐTK/ĐCTT đã dùng Trung luậnvà các luận liên hệ (cũng như đối với kinhPháp hoavà các kinh cùng hệ đã lập Bộ Pháp hoa)để lập riêng Bộ Trung quánlà hoàn toàn hợp lý.

Chúng tôi xin nêu dẫn một số kệ thuộc loại tiêu biểu trong Trung luận:

Kệ thứ 1, thứ 2, nơi phẩm thứ 1: Quán về nhân duyên:

Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất.
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hý luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 1C)
(Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi
Nói pháp nhân duyên ấy
Khéo trừ các hý luận
Con cúi đầu lễ Phật
Bậc thuyết pháp đệ nhất).
Kệ thứ 9 nơi phẩm thứ 13 - Quán về hành:
Đại thánh thuyết không pháp
Vi ly chư kiến cố
Nhược phục kiến hữu không
Chư Phật sử bất hóa.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 18C)
(Đại thánh nói pháp không
Để lìa các kiến chấp
Nếu lại chấp có không
Chư Phật không thể độ).
Kệ thứ 10 nơi phẩm thứ 16 - Quán về buộc mở:
Bất ly ư sinh tử
Nhi biệt hữu Niết-bàn
Thật tướng nghĩa như thị
Vân hà hữu phân biệt.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 21B)
(Không lìa nơi sinh tử
Mà có riêng Niết-bàn
Nghĩa thật tướng như thế
Làm sao có phân biệt?).
2 kệ thứ 6 và thứ 7 nơi phẩm thứ 18: Quán về Pháp
Chư Phật hoặc thuyết ngã
Hoặc thuyết ư vô ngã
Chư pháp thật tướng trung
Vô ngã vô phi ngã.
Chư pháp thật tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sinh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết-bàn.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 24A)
(Chư Phật hoặc nói ngã
Hoặc nói về vô ngã
Trong thật tướng các pháp
Không ngã không vô ngã
Thật tướng của các pháp
Tâm hành ngôn ngữ dứt
Không sinh cũng không diệt
Tịch diệt như Niết-bàn).
2 kệ thứ 18, thứ 19 nơi phẩm thứ 24: Quán về bốn đế
Chúng nhân duyên sinh pháp
Ngã thuyết tức thị vô
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị Trung đạo nghĩa
Vị tằng hữu nhất pháp
Bất tùng nhân duyên sinh
Thị cố nhất thiết pháp
Vô bất thị không giả.
(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 33B)
(Nhân duyên sinh các pháp
Tôi nói tức là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo
Chưa từng có một pháp
Không từ nhân duyên sinh
Vì thế tất cả pháp
Chúng thảy đều là không).

Nguyễn Lang,trong Việt Nam Phật giáo sử luận I, phần viết về Tuệ Trung Thượng Sĩ, đã ghi nhận về Bát bất Trung đạocủa Bồ-tát Long Thọ như sau: “Long Thọ (Nāgārjuna) ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ II đã phân tích và lý luận trên nguyên tắc nhân duyên sinh rằng thực tại vượt ra ngoài những phạm trù sanh diệt, thường đoạn, đến đi, nhất nguyên và đa nguyên (Trung quán luận). Ông kết luận rằng những phạm trù kia chỉ là những tạo tác của khái niệm nhận thức - đem ra phân tích thì chúng không phù hợp với thực tại. Ví dụ về sinh và diệt: Trên thực tế không có gì có thể từ không mà trở thành có, không có gì đang có mà trở thành không, bởi vì mọi hiện tượng tồn tại trên đã chuyển biến và trở thành… Thế giới nhìn qua nhận thức sinh diệt là thế giới phân biệt nhị kiến, không phải là thế giới thực tại, trong đó vạn pháp tồn tại trong một tương quan hòa điệu vi mật không thể cắt xén bằng khái niệm. Thế giới bất sinh bất diệt bất thường bất đoạn, không tới không đi không nhất nguyên không đa nguyên ấy là Niết-bàn, là giải thoát, là giác ngộ, là cảnh giới của thánh trí. Người học đạo phải đặt bản thân và sự sống của mình trong thế giới thực tại đó mới thể nhập được nó…” (Việt Nam Phật giáo sử luận I, bản in 1992, trang 321-322).

Bốn bản Trung luậnhiện có nơi Bộ Trung quánđều là những bản luận thích mang số hiệu 1564, 1565, 1566, 1567, thuộc tập 30ĐTK/ĐCTT.

* Bản 1:Mang tên Trung luận. Phạm Chí Thanh Mục giải thích, Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch Hán vào đời Hậu Tần (384-417), gồm 4quyển, Đại sư Tăng Duệ viết tựa, có ghi rõ số lượng kệ nơi mỗi phẩm. (No1564. ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 1-39B).

* Bản 2:Mang tên là Thuận trung luận nghĩa… Bồ-tát Vô Trước giải thích, Đại sư Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (thế kỷ V đến thế kỷ VI TL) dịch ra Hán ngữ vào đời Nguyên Ngụy (339-534), gồm 2 quyển. (No1565, ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 39C-50B).

* Bản 3:Mang tên là Bát-nhã đăng luận thích. Luận sư Phân Biệt Minh (Thanh Biện) giải thích, Hán dịch là Đại sư Ba-la-phả-mật-đa-la(565-633), dịch vào đầu đời Đường (618-906), gồm 15 quyển, Đại sư Tuệ Trách viết tựa (No1566, ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 50C-135).

* Bản 4:Mang tên là Đại thừa Trung quán thích luận. Luận sư An Tuệ giải thích, Đại sư Duy Tịnh (thế kỷ XI TL) dịch ra Hán ngữ vào đời Triệu Tống (960-1276), gồm 9 quyển (No1567, ĐTK/ĐCTT tập 30, trang 136-158).

* Bản 1là bản phổ biến nhất. Các bản Việt dịch hiện có đều dịch theo bản Hán dịch này(2). Nơi lời tựa,Đại sư Tăng Duệ đã cố gắng thâu tóm để nêu bật những nét chính của tác phẩm: “Dùng Trunglàm tên gọi là nhằm soi chiếu về nẻo thật. Dùng Luậnđể nêu là nhằm đạt tới chốn cùng tột nơi ngôn từ. Nẻo thật không tên gọi thì không tỏ ngộ, nên nhờ nơi Trungđể tuyên thuyết. Ngôn từ không giải thích thì không tận cùng nên mượn Luậnđể làm sáng tỏ…” (ĐTK/ĐCTT tập 30, No1564 trang 1A). Theo nhiều nhà nghiên cứu học cận đại thì Phạm Chí Thanh Mục là một biệt danh của Bồ-tát Đề Bà (Deva, thế kỷ III TL), tác giả Bách Luận, đệ tử của Bồ-tát Long Thọ. Điều ấy có thể đúng, vì nơi bản 1 này, người đọc có cảm tưởng là người giải thích và tác giả Trung luậnhầu như là một. Tức Bồ-tát Long Thọ hẳn đã có những khơi gợi, những hướng dẫn v.v… để cho đệ tử của mình làm công việc giải thích, tranh biện trong khi các bản giải thích kia, cụ thể là 2 bản 3,4 đều đã giải thích theo hướng hoàn toàn khác.

* Bản 2:Tên gọi đầy đủ là: Thuận Trung luận nghĩa nhập đại Bát-nhã-ba-la-mật kinh sơ phẩm pháp môn(Thuận theo nghĩa của Trung luận, hội nhập pháp môn nơi phẩm đầu của kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật). Và như thế thì đấy không phải là tác phẩm Giải thích Trung luậnnhư 3 bản kia. Đại từ điển Phật Quang(trang1034B - 1035A) phần nói về tác phẩm Trung luận, đã có lý khi không xem Thuận Trung luận nghĩa… của Bồ-tát Vô Trước thuộc loại “chú thích Trung luận”, mà chỉ nói: “Ngoài ra, còn có tác phẩm Thuận Trung luận nghĩa… của Bồ-tát Vô Trước”.

Thuận Trung luận nghĩa… hầu như không có bố cục, tác giả chỉ nêu dẫn 2 kệ đầu(3)nơi phẩm thứ 1 của Trung luận, tạo sự nối kết với một số điểm nơi phẩm thứ nhất của kinh Đại Bát-nhã, theo đấy để biện giải, quảng diễn. Đoạn cuối quyển hạ, tác giả có dẫn thêm vài kệ nữa (thuộc phẩm thứ 2 và thứ 4 của Trung luận) cũng là chỉ để đối chiếu nhằm biện biệt.

Nhưng dù sao thì Bồ-tát Vô Trước cũng đã biện giải ít nhiều về Trung luận, mà những biện giải ấy không phải là không có giá trị. Do đấy cũng có thể sắp Thuận Trung luận nghĩa… vào đây.

Hai bản 3,4 giải thích theo hướng căn cứ vào nghĩa hiện có của các kệ để biện giải, quảng diễn. Bản 3 là bản có số trang nhiều nhất (hơn 84 trang, bản 1: hơn 38 trang), nhưng phần giải thích nhiều đoạn văn nghĩa không rõ, khó lãnh hội. Bản 4 gồm 9 quyển, mới giải thích hết phẩm thứ 13 (Phẩm Quán về hành. ĐTĐ Phật Quang(trang 1.035A) phần nói về tác phẩm Đại thừa Trung quán thích luậncủa Luận sư An Tuệ, Hán dịch là Đại sư Duy Tịnh, đã ghi: gồm 18 quyển. Rồi nơi trang 2.406B Thích luận: 9 quyển. Như vậy, tác phẩm này gồm 18 quyển, giải thích quảng diễn đủ 27 phẩm nơi Trung luận, hay chỉ có 9 quyển, chỉ giải thích 13 phẩm:

Phần luận liên hệ

Phần luận liên hệ của Bộ Trung quángồm các tác phẩm của Bồ-tát Long Thọ (Luận Thập nhị môn, 4 luận ngắn), các tác phẩm của Bồ-tát Đề Bà (Bách luận, Bách tự luận, Quảng bách luận, Luận đại trượng phu), và tác phẩm của Luận sư Thanh Biện(Luận Đại thừa chưởng trân).

1- Tác phẩm của Bồ-tát Long Thọ:

* Luận Thập nhị môn(Dvādasamukha - sāstra): Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, dịch vào đời Hậu Tần (384-417), 1 quyển (ĐTK/ĐCTT, tập 30, No1.568, trang 159-167C). Đây là sự nối tiếp của Trung luận“Dùng 12 môn để hội nhập nơi nghĩa không”.

* Bốn luận ngắn:Đó là các luận: luận Nhất-thâu-lư-ca, luậnĐại thừa phá hữu, luậnLục thập tụng như lý, luậnĐại thừa nhị thập tụng(No1573, 1574, 1575, 1576. ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 253-256C). Luận No1573 do Đại sư Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi dịch ra Hán ngữ vào đời Nguyên Ngụy (339-534). 3 luận còn lại do Đại sư Thi Hộ (Hậu bán thế kỷ 10 - đầu thế kỷ XI TL) dịch ra Hán ngữ vào đời Triệu Tống (960-1276). Có thể xem đây là những phác thảo để dẫn đến Bát bất trung đạocủa Trung luận(4).

2- Tác phẩm của Bồ-tát Đề Bà:

* Bách luận(Satāsāstra): Khai sĩ Bà Tẩu giải thích, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch Hán, 2 quyển (ĐTK/ĐCTT, No1569, tập 30, trang 167C-182A). Theo Đại sư Tăng Triệu, nơi Lời tựa của bản Hán dịch, thì Bách luậncó 20 phẩm, mỗi phẩm có 5 kệ, nhưng bản Hán dịch chỉ dịch 10 phẩm của phần đầu, 10 phẩm của phần sau chưa dịch. Tuy nhiên, bản giải thích của Khai sĩ Bà Tẩu ở đây có nêu 10 phẩm (phẩm 1-10) nhưng không thấy nêu dẫn kệ, chỉ dùng lối hỏi - đáp (ngoại nêu - nội nói) để tranh biện, quảng diễn, nhằm bác bỏ những tà kiến của ngoại đạo.

* Bách tự luận:No1572, 1 quyển, Hán dịch là Đại sư Bồ Đề Lưu Chi (thế kỷ VI TL), dịch vào đời Hậu Ngụy (339-534), được xem là một tóm lược của Bách luận(ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 250B-252).

* Quảng bách luận bản: No1570, 1 quyển, 200 kệ (4 câu 5 chữ), Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664), dịch vào đời Đường (618-906). Bồ-tát Đề Bà còn có tác phẩm Tứ bách luận(Catuhsataka, gồm 16 phẩm, 400 kệ), có thể xem là sự khai triển từ Bách luận. Tác phẩm này đã được Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán ngữ. Nhưng Pháp sư chỉ dịch nửa sau của luận gồm 8 phẩm, 200 kệ (4 câu 5 chữ), lấy tên là Quảng bách luận bản(ĐTK/ĐCTT, No1570, trang 182A-186).

Quảng bách luận bảnđã được Luận sư Hộ Pháp giải thích, luận giảng và cũng được Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán ngữ: Đại thừa quảng bách luận thích luận (No1571, 10 quyển. ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 187-250B).

* Luận Đại trượng phu:No1577, 2 quyển, Hán dịch là Đại sư Đạo Thái (hậu bán thế kỷ IV - đầu thế kỷ V TL), dịch vào đời Bắc Lương (397-439) (ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 256C - 268A). ĐTK/ĐCTT ghi tác giả Luận Đại trượng phu là Bồ-tát Đề-bà-la. ĐTĐ Phật Quang(trang 1198A - B), mục Ngũ luận sưđã viết về Bồ-tát Đề Bà: Là đệ tử của Bồ-tát Long Thọ, tác giả Bách luận, Luận Đại trượng phu…Như vậy, Bồ-tát Đề-bà-la và Bồ-tát Đề Bà là một. Luận Đại trượng phugồm 29 phẩm ngắn. Hai phẩm đầu là kệ, các phẩm còn lại phần nhiều là văn xuôi. Nội dung của luận là bàn về những tư lương của Bồ-tát trong quá trình hành hóa độ sinh như hành thể, hành xả, phát tâm bồ-đề, hiện bày tâm bi v.v… Đáng lẽ nên sắp vào Bộ Du-già, thuộc hệ về Địa Bồ-tát của Luận du-già, nhưng vì là tác phẩm của Bồ-tát Đề Bà nên sắp ở phần này.

3- Tác phẩm của Luận sư Thanh Biện

* Luận Đại thừa chưởng trân: No1578, 2 quyển, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (602-664), dịch vào đời Đường (ĐTK/ĐCTT, tập 30, trang 268A-278B). Nội dung của luận là “dùng luận pháp của nhân minh, luận phá các kiến chấp sai lầm của ngoại đạo, Tiểu thừa, Đại thừa Hữu tông, nhằm chứng đắc thật nghĩa của Đại thừa không tông, ra sức đề xướng việc dùng không trí để xa lìa các thứ phân biệt về có không, hoàn thành 8 chánh đạo, 6 ba-la-mật(5).

Tam luận tônglà một trong 13 tông phái Phật giáo đã được hình thành và phát triển tại Trung Hoa. Tông này còn được gọi bằng nhiều tên như: Không tông, Vô tướng tông, Trung quán tông, Long Thọ tông, Đề Bà tông, Bát Nhã tôngTam luận tông đã hình thành và phát triển rộng ở Trung Hoa từ đầu thế kỷ thứ V TL, sau khi Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch ra Hán ngữ Trung luận, Thập nhị môn luậncủa Bồ-tát Long Thọ và Bách luậncủa Bồ-tát Đề Bà. Tam luận tông dùng 3 bộ luận trên làm căn bản, tuyên dương các nghĩa lý Không, Vô tướng, Bát bất trung đạo, hiển bày tánh không của các pháp. Môn hạ của Pháp sư Cưu Ma La Thập tiêu biểu như chư vị Đại sư Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo Sinh, Đạo Dung, Đàm Ảnh… hoặc trước thuật, hoặc giảng thuyết, đều dốc sức hoằng dương tông môn, sau đấy thì có Đại sư Đàm Tế (411-475). Vào thế kỷ thứ 6 TL, Tam luận tông được Đại sư Tăng Lãng (thế kỷ VI TL) xiển dương. Ông được xem là sơ tổ của học phái Tân tam luận tông. Nối tiếp thì có Tăng Thuyên (Thế kỷ VI TL), Pháp Lãng (507-581), và nhất là Cát Tạng (549-623). Các trước tác của Đại sư Cát Tạng gồm có: Tam luận huyền nghĩa, 1 quyển; Đại thừa huyền luận, 5 quyển; Nhị đế nghĩa, 3 quyển (ĐTK/ĐCTT, tập 45, No1852/1, 1852/5, 1853/3). Ông sớ giải rất nhiều kinh, nhất là sớ giải 3 bộ luận: Trung luận(Trung Quán luận sớ, 20 quyển, ĐTK/ĐCTT, tập 42, No1824), Thập nhị môn luận(Thập nhị môn luận sớ, 6 quyển, ĐTK/ĐCTT, tập 42, No1825), và Bách luận(Bách luận sớ, 9 quyển, ĐTK/ĐCTT, tập 42, No 1827)(6).

Trên đây là những tóm tắt về Bộ Trung quánTrung quán tông. Mấy bộ còn lại của Tạng luận như Bộ A-tỳ-đàm, Bộ Du-già cũng nên được giới thiệu.

Chú thích

(1) Về kinhPháp hoa, cứ xem các tác phẩm sớ giải về bộ kinh ấy do các Đại sư vào loại hàng đầu của Phật học Trung Hoa viết (Pháp Vân, Trí Khải, Cát Tạng, Trạm Nhiên, Quán Đỉnh, Khuy Cơ…), nhất là sự xuất hiện của Thiên Thai tông… cũng đủ thấy bộ kinh ấy vĩ đại như thế nào.

(2) Có vị chỉ dịch phần kệ, không dịch phần giải thích của Phạm Chí Thanh Mục; có vị dịch hết phần kệ và phần giải thích, nhưng các kệ thì diễn ra văn xuôi. Theo chúng tôi nên dịch hết cả phần kệ cùng phần giải thích, nhưng phần kệ nên Việt dịch theo thể kệ (4 câu - 5 chữ), vì các kệ đã được giải thích tương đối đầy đủ, mà thể kệ vẫn có giá trị văn học tiêu biểu.

(3) Kệ đầu nơi Trung luận, Đại sư Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (trong Thuận trung luận nghĩa...) đã dịch Hán:

Bất diệt diệc bất sinh
Bất đoạn diệc bất thường
Bất nhất bất dị nghĩa
Bất lai diệc bất khứ.
Phật dĩ thuyết nhân duyên
Đoạn chư hý luận pháp
Cố ngã khể thủ lễ
Thuyết pháp sư trung thắng.
(ĐTK/DDCTT, T30, tr.39C)
(Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Chẳng đoạn cũng chẳng thường
Nghĩa chẳng một chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Phật đã nói nhân duyên
Dứt các pháp hý luận
Nên con cúi đầu lễ
Sư thuyết pháp hơn hết).
Tham khảo trong Bát-nhã đăng luận thích, Đại sư Ba-la-phả-mật-đa-la đã dịch Hán:
Bất diệt diệc bất sinh
Bất đoạn diệc bất thường
Phi nhất phi chủng chủng
Bất lai diệc bất khứ
Duyên khởi hý luận tứa
Thuyết giả thiện diệt cố
Lễ bỉ Bà-già-bà
Chư thuyết trung tối thượng.
(ĐTK/ĐCTT, T30, tr.51C)
(Chẳng diệt cũng chẳng sinh
Chẳng đoạn cũng chẳng thường
Không một không vô số
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Duyên khởi hý luận dứt
Người thuyết khéo diệt trừ
Kính lễ Bà-già-bà
Tối thượng trong các thuyết).

(4) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu chùm luận ngắn của Bồ-tát Long Thọ, Nguyệt san Giác Ngộ số 124 tháng 7-2006.

(5) Ghi nhận như thế là chúng tôi đã dựa theo ĐTĐ Phật Quang(tr.4957A) vì thật sự là Luận Đại thừa chưởng trânrất khó đọc (trừ đoạn cuối) dù Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng. Nơi đoạn cuối của luận, tác giả đã khẳng định các tính chất siêu việt nơi pháp thân của Như Lai cùng nói đến sáu Ba-la-mật, tám Chánh đạo... Nhưng trong toàn luận đâu có chỗ nào bàn về các pháp này? Lại, như trước đã nêu, Bát-nhã đăng luận thích, No1566, 15 quyển, cũng của Luận sư Thanh Biện (Phân Biệt Minh) cũng có nhiều phần, nhiều đoạn rất khó đọc.

(6) Xem thêm: Tinh hoa triết học Phật giáo của Junjino Takakusu, Tuệ Sỹ Việt dịch, NXB.Phương Đông 2008, tr.147-163.

Đào Nguyên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/12/2018(Xem: 11101)
Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi. NVT
06/12/2018(Xem: 4557)
Đối với nhiều người Phật tử, từ bi là quan trọng hơn cả, và nếu không có từ bi thì không có đạo Phật. Đạo Phật là con đường diệt khổ, vậy thì từ là đem vui, bi là cứu khổ, còn gì đúng hơn nữa khi nói đạo Phật là đạo của từ bi ? Nhưng người ta cũng có thể tự hỏi : có thể nào thâu gồm lại đạo Phật trong hai chữ từ bi ? Liệu từ bi có đủ để định nghĩa đạo Phật, để phân biệt đạo Phật với các tôn giáo và triết thuyết khác ? Nói một cách khác, có thể nào xem từ bi như là một đặc điểm của đạo Phật ? Nhìn chung quanh, chúng ta thấy đạo giáo nào cũng chủ trương tình thương bao la, rộng lớn, như lòng bác ái của đức Ky Tô, thuyết kiêm ái của Mặc tử. Nhưng chỉ có đạo Phật mới nổi bật lên bằng sự đề cao trí tuệ. Có thể nói rằng trong suốt lịch sử tư tưởng nhân loại, không có một tôn giáo nào đặt trọng tâm vào vai trò của trí tuệ hơn là đạo Phật. Bởi vì Buddha (Phật) phát xuất từ chữ Phạn bud, có nghĩa là hiểu biết. Đức Phật là người đã hiểu biết trọn vẹn, đã tỉnh thức, đã giác ngộ, l
02/12/2018(Xem: 9812)
Thời gian gần đây nhiều Phật tử đã yêu cầu tôi giải thích những lời dạy vô giá của Phật theo phương cách hiện đại, xử dụng thuật ngữ và diễn giải thực tế, có hiệu quả, thực tiễn và không quá cao siêu. Theo phương cách dễ hiểu và thực tế để áp dụng trong đời sống hằng ngày. Đây là tập sách đầu của một chuỗi những tập sách nhằm mục đích đáp ứng những thỉnh cầu này. Đây là tập sách sưu tập gồm 50 lời dạy ngắn kèm theo chú giải chi tiết dài ngắn khác nhau, mục đích để khuyến khích tất cả những vị đã dành thời gian để đọc và thực hành những lời dạy này để phát triển sự hiếu biết chân thật và lòng từ bi.
26/11/2018(Xem: 12898)
Chúng tôi đến thăm Việt Nam một vài lần, tôi nhớ có lần chúng tôi đang ở Hà Nội. Lúc đó là Đại hội Phật Giáo, tôi cũng có buổi thuyết trình cùng với những vị khác nữa. Hôm đó đang ngồi đợi, thì có một vị Thầy trẻ người Việt đến chào, sau khi hỏi từ đâu đến, tôi nói tôi đến từ Australia. Thầy ấy nói, oh… woh… vậy Thầy có biết vị Tăng tên Ajahn Brahm không? … (cả Thiền đường cười). Tôi trả lời: Tôi là Ajahn Brahm đây. Thế là Thầy ấy tỏ ra rất hào hứng, tôi cũng hào hứng... Tôi thích Việt Nam. Tôi thích người Việt.
04/09/2018(Xem: 9134)
Tu Tứ Đế Pháp, Bốn Chân Lý Chắc Thật, Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi Chứng Đạo dẹp tan sự quấy nhiễu của ma quân ở cõi Trời Tha hóa thứ sáu vào nửa đêm ngày mùng 8 tháng 2 năm Tân-Mùi. Việt lịch Năm 2256 HBK*. Tr.BC.596. Sau Thời Hoa Nghiêm Phật đến vườn Lộc Dã Uyển truyền dạy Bốn Pháp Tứ-Đế, độ cho năm vị từng theo Phật cùng tu thuở trước, thành bậc Tỳ Khưu đắc đạo. Năm vị đó là: 1/. A Nhã Kiều Trần Như, 2/. A-Thấp Bà, (Mã-thắng) , 3/ .Bạt-Đề, 4/. Ma-Ha-Nam, 5/. Thập-Lực-Ca-Diếp. Năm Vị nghe pháp Tứ Đế rồi, tu tập chứng A La Hớn Quả. Tứ Đế Pháp: 1. Khổ Đế. 2. Tập Đế. 3. Diệt Đế. 4. Đạo Đế. -Khổ Đế, là Ác quả của Tập Đế. -Tập Đế, là tạo Nhân xấu của Khổ Đế. -Diệt Đế, là Thiện quả của Đạo đế. -Đạo Đế, là Nhân tu của Diệt Đế.
13/08/2018(Xem: 7411)
Các Phân Khoa Phật Giáo Thích Thái Hòa Tôi viết bài này, xin chia sẻ đến những ai muốn quan tâm đến lãnh vực giáo dục trong Phật giáo, nhưng chưa có điều kiện để nghiên cứu. Trong Phật giáo có năm phân khoa như sau: 1/ Phật giáo Đại chúng Thời Phật, xã hội Ấn Độ phân chia thành bốn giai cấp, gồm: - Bà-la-môn (Brāhmaṇa): Giai cấp Tăng lữ, giai cấp học giả của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Họ tự nhận sinh ra từ miệng Phạm-thiên. Giai cấp này làm mai mối giữa thần linh với con người. Họ có sáu quyền hạn: Tự ý làm đền thờ trời; làm thầy tế để tế trời; tự ý đọc Phệ đà (veda); dạy người khác đọc Phệ đà (veda); tự bố thí và tự nhận sự bố thí.
03/06/2018(Xem: 25300)
CHÁNH PHÁP Số 79, tháng 06.2018 NỘI DUNG SỐ NÀY:  THƯ TÒA SOẠN, trang 2  TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3  THÁNG SÁU EM VỀ HẠ CHỨA CHAN (thơ Tiểu Lục Thần Phong), trang 7  CÚNG DƯỜNG CHÁNH PHÁP (Sa môn Thích Tín Nghĩa), trang 8
17/03/2018(Xem: 11810)
Con người càng ngày càng đông đảo trên thế gian nhưng từ trước đến nay có được bao người giác ngộ, giải thoát khỏi nghiệp chướng, khổ đau? Cho dù, Phật Pháp có đơn giản, dễ dạy đến đâu nhưng khi mà nhân duyên chưa tới với những kẻ độn căn thì cho dù bồ tát có tái sinh, cố tâm chỉ độ pháp Phật cao siêu vi diệu cho nhân sinh còn đầy vô minh cũng chỉ tốn công vô ích, chẳng khác gì đem đàn gảy cho trâu nghe. Một trong những pháp môn đơn giản nhứt của Phật Pháp đó là thiền định (Zen). Zen khả dĩ có thể giúp cho hành giả giảm bớt căn thẳng tâm thần. Nếu luyện tập chuyên cần, Zen có khả năng giúp thân tâm có đủ sức mạnh lẫn nghị lực tinh thần để chuẩn bị đối phó với trở ngại xãy ra. Zen có thể giúp ta hóa giải tâm lý lúc mà đau khổ tái phát làm khổ tâm thân trong cuộc sống thay vì mong tu hành giác ngộ, giải thoát, thành Phật quá xa vời. Cũng như những pháp môn khác, Zen có mục đích giúp ta lúc “đa tâm bấn lo
14/03/2018(Xem: 11777)
Sài Gòn- Trần Củng Sơn- Sáng ngày Thứ Sáu 9 tháng 3 năm 2018, giáo sư Vũ Thế Ngọc đã trình bày về triết học của Tổ sư Long Thọ tại chùa Xá Lợi Sài Gòn với sự tham dự khoảng một trăm thiện hữu tri thức Phật Giáo. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc- một cây bút nổi tiếng trong nước về những bài viết về tuổi trẻ và Phật Giáo- đại diện Ban tổ chức giới thiệu diễn giả.
13/03/2018(Xem: 12761)
Từ lúc sinh ra, tất cả chúng ta muốn sống một đời sống hạnh phúc và đó là quyền của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người cùng chia sẻ quan điểm rằng hệ thốn giáo dục hiện hữu của chúng ta là không đầy đủ khi đi đến việc chuẩn bị cho con người yêu thương hơn – một trong những điều kiện để hạnh phúc. Như một người anh em nhân loại, tôi nguyện làm cho mọi người biết rằng tất cả chúng ta cùng sở hữu những hạt giống của từ ái và bi mẫn. Có một bộ não thông minh chưa đủ; vì chúng ta cũng cần một trái tim nhiệt tình
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]