Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Hướng Triết Lý Trong Phương Cách Hành Xử Của Đạo Phật Việt Nam

08/02/201203:44(Xem: 3895)
Ý Hướng Triết Lý Trong Phương Cách Hành Xử Của Đạo Phật Việt Nam

 

 chua_thienkhanh_02

 

 

 

Ý Hướng Triết Lý Trong Phương Cách Hành Xử Của Đạo Phật Việt Nam

 

Huỳnh Kim Quang

 

Đạo Phật là đạo khế lý và khế cơ, cho nên khi du nhập vào quốc độ nào cũng có thể vừa giữ được nội dung cốt lỗi căn nguyên của mình vừa khế hợp với tâm tình và sắc thái đặc dị của quốc độ ấy. Đây có thể nói là đặc tính ưu việt của đạo Phật mà quá trình hiện hữu sinh động trên hai mươi lăm thế kỷ qua là niềm xác tín kiên định.

 

Quả thật vậy, đạo Phật Việt nam mặc dù là nơi tụ hội của hai sắc thái đạo Phật Ấn độ và Trung hoa, vẫn thể hiện rõ nét đức tính đặc dị của mình. Đạo Phật Ấn thì mang đức tính xuất thế siêu việt, đạo Phật Trung hoa thì hàm ngụ đặc tính thực dụng siêu thoát. Nhưng, đạo Phật Việt nam thì đi sâu vào con đường thực nghiệm và nhập thế tự tại.

 

Xin hãy nghe lại mấy câu thơ của Thiền sư Vạn Hạnh sau đây:

 

"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

 Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô".

 

 Tạm dịch:

 

 Thân giống như điện như bóng có rồi không

Muôn cây cỏ tươi tốt vào mùa xuân rồi lại khô héo vào mùa thu

Khi đã nhậm vận được lẽ thịnh suy của cuộc đời thì không còn sợ hãi

Vì lẽ thịnh suy mỏng manh như giọt sương treo ở đầu cành cây.

 

 Qua đó, quá trình thực nghiệm giải thoát và giác ngộ là quá trình lịch nghiệm của kiếp người ngay trong cõi tử sinh mộng huyễn bằng cả thân xác tứ đại mong manh và tính mệnh của chính nó. Một khi đã chết đi sống lại từ trong đường tơ kẽ tóc giữa cõi mộng và thực, giữa vô minh và linh giác thì không còn gì có thể là chướng ngại, là sợ hãi. Đó là ý nghiã của "nhậm vận" trong mấy câu thơ trên. Và khi liễu đạt được điều ấy cũng là lúc Thiền sư thỏng tay vào chợ như vào cõi không người mà hóa độ, mà tùy duyên, mà tự tại giải thoát.

 

Việt nam từ thời lập quốc đến nay chưa có giai đoạn nào không phải lo lắng nhọc nhằn và yên ổn. Các triều đại như nhà Lý, nhà Trần mặc dù cũng có giai đoạn không chiến tranh, nhưng họa xâm lăng từ phương Bắc họa phá rối từ phương Nam vẫn là mối lo tâm phúc của toàn dân. Trải dài trên hai mươi thế kỷ, một đất nước chưa từng được an lạc, chưa từng được thảnh thơi, hết ngoại xâm rồi đến nội thù nội loạn! Ôi, quả là bất hạnh! Nhưng chính niềm bất hạnh ấy, trong một ý nghĩa nào đó, lại là cơ duyên tác thành nên tâm thức bừng sáng và ý chí bi tráng cho dân tộc.

 

Thật vậy, với bối cảnh lịch sử nhiểu nhương như vậy, người Việt nam không ai có thể dửng dưng trước sự bất an của đất nước, của dân tộc mình. Làm thế nào để cho đất nước được phồn thịnh, phú cường? Làm sao cho dân tộc được no cơm ấm áo, được an lạc, thái bình? Bằng cách nào để cho mọi người được sống một đời sống yên vui, hạnh phúc? Đó không những là mối ưu tư cấp thiết của một thời đại hay một thế hệ nào, mà còn là sự quan tâm hàng đầu của cả dân tộc trải dài suốt vận hành lịch sử qua bao nhiêu thế hệ.

 

Trong hoàn cảnh lịch sử và tình tự dân tộc như vậy, ngay từ những ngày đầu có mặt trên đất nước này, đạo Phật đã tự hóa hiện mình trong cộng đồng dân tộc, ưu tư những gì dân tộc ưu tư, thao thức những gì dân tộc thao thức, hơn thế nữa, chia xẻ và gánh vác trách nhiệm trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Đây chính là động lực chủ đạo đưa đạo Phật Việt nam vào con đường thực nghiệm và nhập thế tự tại. Xin nghe lại lời nhắn nhủ của Quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử đối với vua Trần Thái Tông thì rõ:

 

 "Phàm vi nhân quân giả, dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm. Kim thiên hạ dục nghinh bệ hạ qui, tắc bệ hạ an đắc bất qui lai? Nhiên nội điển chi nghiên cứu nguyện bệ hạ vô vong tư tu nhĩ." (Trần Thái Tông - Thiền Tông Chỉ Nam Tự)

 

Tạm dịch:

 

Phàm là bậc lãnh đạo của nhân dân tất phải lấy ý nguyện của thiên hạ làm ý nguyện của mình, phải lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ đều muốn cung nghinh nhà vua về cung, ngài đâu có thể bỏ mặc mà không về? Nhưng có điều là việc nghiên cứu giáo điển nhà Phật xin nhà vua đừng bao giờ xao lãng.

 

Nói một cách cụ thể hơn, có mặt trên một đất nước mà lúc nào cũng bất an, không bị họa ngoại xâm thì bị nạn nội thù làm cho đời sống nhân dân khốn khó triền miên, đạo Phật, với lý tưởng ban vui cứu khổ, giải thoát và giác ngộ cho mình và người, tất phải nổ lực thi thiết hạnh nguyện của mình bằng con đường dấn thân thực sự. Nhưng dấn thân bằng cách nào sao cho tròn vẹn lý tưởng tự giác và giác tha trong khi thế sự thì chập chùng hệ lụy, cuộc đời thì muôn vạn chông gai?

 

Nếu dấn thân là chỉ để cứu khổ và giác ngộ cho người trong khi chính bản thân mình thì không tự tu tự giác e rằng nguyện lớn khó thành. Nếu bỏ mặc thế sự xa lánh thế nhân ẩn thân nơi cô xứ chỉ lo tự tu tự giác e rằng giác hạnh viên mãn khó tròn. Vậy phải làm sao? Từ câu hỏi này đưa người ta đến một tra vấn khác: Làm thế nào để có thể chuyển vận được hai cách thế hành xử xuất và nhập thế một cách dung hợp?

 

Một trong những giáo nghĩa cốt lỗi của đạo Phật là Duyên khởi. Qua duyên khởi, chúng ta thấy rằng tất cả các pháp đều sinh thành và hoại diệt trong mối tương quan, tương tức và tương diệt. Không có pháp nào mà không sinh khởi do những yếu tố hoặc điều kiện hợp thành. Sự hiện hữu của một pháp này là do những pháp khác làm duyên tụ hợp mà nên, nhưng sự hiện hữu của những pháp khác lại do chính pháp này và những pháp khác nữa hợp thành. Rồi lan rộng ra cho đến sơn hà đại địa và vũ trụ vô biên, tất cả chỉ là một mạng lưới tương quan, tương tức và tương diệt. Sự có mặt hoặc hoại diệt của cái này là nhân là duyên cho sự có mặt hoặc hoại diệt của những cái khác, và ngược lại. Cũng vậy, sự mê muội hoặc giác ngộ của chúng sanh này là nhân là duyên cho sự mê muội hoặc giác ngộ của những chúng sanh khác, và ngược lại. Tương tự như thế, sự khổ đau hoặc an lạc của người này là nhân là duyên cho sự khổ đau hoặc an lạc của những người khác, và ngược lại. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể thấy rằng xuất và nhập thế không thể tách rời nhau mà có. Cái này phải là nhân là duyên cho cái kia, và cái kia phải là nhân là duyên cho cái này.

 

Từ nội dung của giáo nghĩa duyên khởi ở trên đưa chúng ta đến một tri nhận khác. Đó là vì các pháp đều do nhân duyên sinh thành và hoại diệt, cho nên không có pháp nào có tự tánh. Hay nói cách khác, tất cả các pháp đều là giả hữu, vô tự tánh và không. Không không có nghĩa là tuyệt diệt, là hư vô, không là vì tự tánh vô tánh, là vì tự tánh là không, là "đương thể tức không", không ngay trong tự thể, không ngay trong lúc đang có mặt. Khi thể nghiệm được tự tánh không của vạn pháp tức là nghiệm chứng được trí tuệ Bát nhã - xin tạm gọi là nghiệm chứng, là thể nghiệm v.v.. để diễn đạt về trí tuệ cho dễ hiểu. Qua trí tuệ Bát nhã, người hành đạo mới có thể nhìn thấu suốt được bản thể tối hậu của vạn hữu mà không bị chướng ngại. Cũng qua trí tuệ Bát nhã, người hành đạo mới không còn vướng mắc bất cứ điều gì trong tư duy, ngôn ngữ và hành động; người hành đạo cũng sẽ không còn bất cứ sự lo âu và sợ hãi nào.

 

"Bồ đề Tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố". (Tâm kinh Bát nhã)

 

Tạm dịch:

 

Bồ tát nương vào trí tuệ rốt ráo cho nên tâm không còn lo ngại; khi tâm không còn lo ngại thì không còn sợ hãi.

 

Qua trí tuệ Bát nhã, vạn pháp vốn quy về một nguồn cội, vốn cùng một bản thể. Đã liễu ngộ được lẽ đồng nguyên của vạn hữu, cho nên chúng sanh đó không thấy có sự sai biệt nào giữa ta và người. Niệm lực của từ bi vô hạn là niệm lực của tình thương khi cảm nghiệm được mối quan hệ nhất thể của vạn hữu. Từ đó, sự thể hiện của lòng từ bi không còn là một thứ hành vi vì bổn phận, vì trách nhiệm mà là sự tuông chảy tự nhiên từ niệm lực vô cùng như nước từ nguồn chảy ra không dứt.

 

Thấy được hướng đi đích thực của đạo Phật Việt nam là con đường thực nghiệm và nhập thế tự tại, ngài Khương Tăng Hội đã dịch Bát Thiên Tụng Bát Nhã và biên tập Lục Độ Tập Kinh và Lục Độ Yếu Lược vào thế kỷ thứ ba Tây lịch. Đây là những kinh văn cốt tủy của đạo Phật Việt nam hướng đạo cho phương thức hành xử phù hợp với tình tự dân tộc và hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Trên bước đường vừa nhập thế tích cực để cứu nước cứu dân, vừa thực nghiệm giải thoát giác ngộ cho mình và người, Bát nhã trí và từ bi tâm là hành trang vô giá.

 

Với Bát nhã trí, con người nhìn suốt được bản thể đồng nhất của vạn hữu, và tri nhận rằng sự hiện hữu của các pháp là sự hiện hữu linh diệu. Nó vừa gỉa hữu lại vừa không, song chính vì không nó lại hiện hữu như thật; nói rằng gỉa cũng không đúng nói rằng thật cũng không đúng, nó thật là chơn không diệu hữu. Từ đó, chân đế hay tục đế, xuất thế hay nhập thế không còn là những nan đề hay những lựa chọn tất yếu phải có. Chân đế và tục đế không khác nhau bởi vì, chân là chân của tục và tục là tục của chân. Khước từ tục để tìm chân sẽ không có chân nào ngoài tục để tìm. Bỏ chân đi vào tục thì tục vốn không có tự tánh lấy gì để vin vào. Cũng vậy, xuất thế và nhập thế vốn không hai bởi vì, căn cứ vào đâu để nói xuất hay nhập? Căn cứ vào thời gian ư? Thời gian nào là thời gian để căn cứ, là quá khứ, là hiện tại hay là vị lai? Quá khứ thì đã qua cho nên không hiện hữu, hiện tại thì trôi mãi không ngừng lấy gì làm chỗ nương để xuất với nhập, còn vị lai thì chưa đến làm sao căn cứ để ra vào? Căn cứ vào các pháp ư? Các pháp vốn không có tự tánh lấy gì làm chỗ để căn cứ?

 

Chân tục hay Thánh phàm cũng đều do tâm mà ra. Tâm liễu ngộ được thực tướng phi tướng của các pháp thì là Thánh là chân. Tâm mê muội vì vô minh thì là phàm là tục. Một khi khởi vọng tâm thì sơn hà đại địa là cõi đảo điên khổ lụy, nhưng nếu thấu triệt được tự thể phi thể của vọng tâm thì vũ trụ pháp giới không còn là cõi triền phược. Cho nên Quốc sư Phù Vân tại Trúc Lâm Yên Tử đã mở lối đạo cho vua Trần Thái Tông như sau:

 

"Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật. Kim bệ hạ nhược ngộ thử tâm, tắc lập địa thành Phật, vô khổ ngoại cầu dã." (Trần Thái Tông - Thiền Tông Chỉ Nam Tự)

 

Tạm dịch:

 

Trong núi này vốn không có Phật, Phật chỉ ở tại tâm. Khi tâm tịch lặng và liễu tri các pháp ấy gọi là Phật. Nay nếu nhà vua giác ngộ được tâm ấy thì tức là đang đứng vững trên Phật địa, không cần khổ nhọc đi tìm cầu bên ngoài.

 

Nghiệm chứng được diệu lý Bát nhã thì liễu ngộ các pháp đều không. Từ đây, người hành đạo không đắm nhiễm, không cố chấp, không sợ hãi bất cứ điều gì. Chính vì lý do này, trong quá trình hành hoạt để đóng góp vào công cuộc dựng nước, giữ nước và cứu khổ cho dân tộc, đạo Phật Việt nam chưa bao giờ quan tâm đến chuyện danh lợi, chưa bao giờ đắm nhiễm trong thành quả mà chính mình đã tạo dựng. Con đường thực nghiệm và nhập thế không phải là con đường danh vọng để thi thố tài năng, đó là con đường lịch nghiệm sự giác ngộ và giải thoát cho mình và người. Hay nói cách khác, đó là con đường giải nghiệp cho mình và người chứ không phải là con đường kết nghiệp.

 

"Mắt phải sáng như mặt trời, lòng phải rộng như biển cả, hành động phải cẩn trọng cân nhắc so đo: Mọi hoạt dụng của mình đều vì giải nghiệp. Đừng tạo nghiệp cho mình và mọi người." (Hòa thượng Thích Đức Nhuận, nguyên Chánh thư ký Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống nhất )

 

Mang tâm thức vô minh vọng động để hành đạo thì mỗi tư duy, lời nói và hành tác đều là nhân duyên để kết nghiệp cho mình và người. Rồi từ đó càng dấn thân càng lún sâu vào vũng lầy của vô minh phiền não và càng xa cách mục tiêu giác ngộ và giải thoát. Cho nên, con đường thực nghiệm và nhập thế của đạo Phật Việt nam là con đường thử thách cam go đối với người dấn thân hành đạo. Nếu không trang bị bằng trí tuệ Bát nhã và tâm từ bi, người hành đạo không tránh khỏi chuyện kết nghiệp cho mình và người. Chỉ có trí tuệ Bát nhã mới có thể đủ năng lực để đẩy người hành đạo ra khỏi giới hạn và sự vướng mắc của vọng tâm, chọc thủng vào biên tế cuối cùng của chân và tục đế, tự tại mà đến mà đi.

 

"Diệu tính hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càn"

(Thiền sư Ngộ Ấn - Thị Tịch)

 

Tạm dịch:

 

Thể tính mầu nhiệm rỗng suốt không gì có thể bám víu

Liễu ngộ được nguồn tâm rỗng suốt ấy không phải là việc khó

Ngọc nung trên núi màu sắc vẫn thường rực rỡ

Hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn tươi thắm.

 

Ca dao Việt nam có câu:

 

"Trăm đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn."

 

Hoa sen nở trong đầm bùn mà không hôi mùi bùn là chuyện không khó tin, nhưng hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn tươi thắm thì quả là việc không những hy hữu lại còn mầu nhiệm nữa! Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói rằng:

 

"Tam giới bất an do như hỏa trạch"

Ba cõi không an ổn giống như nhà lửa.

 

Người hành đạo trong truyền thống đạo Phật Việt nam dấn thân vào cuộc đời đầy phiền não sân si như nhà lửa để xây dựng đất nước, cứu khổ cho muôn dân và thực nghiệm sự giác ngộ, giải thoát cho mình và người mà vẫn tự tại ung dung đó không phải là sen nở trong lò lửa nhưng vẫn tươi thắm sao?

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/11/2014(Xem: 11235)
Trong các kinh tạng, Phật nói nhiều về ‘tam thiên, đại thiên’ thế giới và đa số chúng ta thường hình dung rằng những thế giới này nằm bên ngoài trái đất, thế giới của các vị trời, thần… Vì chưa chứng được thần thông nên chúng tôi không thể nhìn thấy được những thiên giới đó! Nhưng thật ra nếu quán chiếu cho sâu, chúng ta sẽ thấy rằng có những thế giới không đâu xa mà chính ngay bên trong cõi ta bà, nơi mình đang sống.
25/10/2014(Xem: 20633)
Trong bất cứ một cộng đồng nào đều có nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều chủng loại con người khác nhau sống cùng trong đó, thì chắc chắn luôn có sự hiện diện của nhiều mặt tư tưởng khác nhau, phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Vì vậy để gìn giữ một cuộc sống yên bình cho một cộng đồng, con người phải có nhiều phương pháp để hòa giải mọi sự khác biệt. Xuyên suốt trong lịch sử của loài người, đã có rất nhiều lời đề xuất để giải quyết, thậm chí phải sử dụng đến phương sách bạo động, chẳng hạn như chiến tranh, xung đôt nhằm giải quyết sự khác biệt.
20/10/2014(Xem: 33032)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
23/09/2014(Xem: 5921)
Đa số người nghe, trong kinh Phật nói "xem thân như huyễn hóa", cho là tâm trạng bi quan, yếm thế. Trái lại, nhà Phật thấy thân như huyễn hóa là sức mạnh để làm lợi ích chúng sanh. Như nói "Bồ-tát lấy thân như huyễn, độ chúng hữu tình như huyễn", bởi Bồ-tát thấy thân hình không thật, nên sẵn sàng lăn xả vào làm việc lợi ích chúng sanh, dù gặp khó khăn nguy hiểm cũng không ngán sợ, vì thân như huyễn, có mất cũng không gì quan trọng. Thấy chúng hữu tình như huyễn, nên độ chúng sanh mà không chấp nhân, ngã. Thấy thân như huyễn, khiến người ta mạnh mẽ lên, không còn hãi sợ, trước vạn vật biến thiên mà tâm hồn mình vẫn an nhiên tự tại... Ta hãy nghe bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh:
18/08/2014(Xem: 58369)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
17/08/2014(Xem: 19190)
Tuy là những tích xưa, chuyện cổ, nhưng đối với người có óc quan sát sẽ rất là bổ ích, vì trong ấy chứa đựng những tư tưởng cao xa thâm thúy về triết lý đạo đức. Với người chịu dày công tìm hiểu, đạo lý không có gì là bí ẩn; với người biết suy xét, hiểu được đạo lý không phải là khó khăn. Sau khi xem những chuyện tích được sưu tập trong phần này, hy vọng độc giả sẽ có thể dễ dàng thấy được những ý nghĩa đạo lý đã có tự ngàn xưa, được ghi lại qua những câu chuyện rất thú vị, làm cho chúng ta vui thích.
15/08/2014(Xem: 12993)
Tánh biết tham lam vật chất ,ích kỷ,vị tha,nhân quả,,ăn năn ,sám hối, thương yêu, ghét bỏ, sợ hãi, buồn tênh, v.v… của muôn loài hữu tình chúng sinh nói chung, con người nói riêng được hiển lộ ra ngoài thân ở lời nói và hành động trong đời sống hằng ngày.Tánh biết này,được các nhà ngôn ngữ cổ đại Trung Quốc gọi là Tâm.Từ đó cho đến nay người Trung Quốc và Việt Nam đều nói là tâm, một khi đề cập đến sự biết của các loài hữu tình chúng sinh,và con người.
02/08/2014(Xem: 7989)
Vào thời xa xưa các luận sư Phật học quan niệm rằng không gian (hư không) là một pháp vô vi. Quan điểm này còn lưu lại trong tác phẩm ĐẠI THỪA BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN (Mahāyāna-śatadharmavidyā-dvāra-śāstra) do thầy Thế Thân (Vasubandhu) ở vào thế kỷ thứ IV (~316-396) biên soạn. Nhưng theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì Không gian không phải là một pháp vô vi bởi vì nó còn bị chi phối bởi thời gian, vật thể và tâm
10/06/2014(Xem: 6144)
(Tờ nguyệt san GEO là một tờ báo lâu đời của Pháp có chủ trương và nội dung rất gần với tờ nguyệt san nổi tiếng National Geographic của Hoa Kỳ; số báo 342, phát hành tháng 8 năm 2007, là một số đặc biệt dành cho Phật giáo với chủ đề “Đà phát triển mới của Phật giáo, trong số báo này có một bài phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ký giả ghi chép: Andreas Hilmer. Hoang Phong lược dịch và ghi chú)
18/03/2014(Xem: 14464)
Phật dạy bậc đại nhân có tám điều giác ngộ. Điều thứ nhất, giác ngộ cuộc đời là vô thường, vũ trụ mênh mông tạm bợ. Gốc của bốn đại vốn không thật, trống rỗng nhưng nếu chúng ta không biết, chấp nó là thật thì sẽ dẫn đến đau khổ. Tập hợp năm ấm là vô ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, không thật và không có chủ thể. Tâm này là cội nguồn phát sinh điều ác, thân này là nơi tích tụ tội lỗi. Người hay quán chiếu được như thế dần dần sẽ thoát khỏi sanh tử.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]