Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tri thức nguyên thủy

03/05/201317:45(Xem: 602)
Tri thức nguyên thủy

CHUYỂN HÓA TÂM
Nguyên tác Tây tạng: Shamar Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch:Lục Thạch

---o0o---

PHẦN THỨ HAI

TRI THỨC NGUYÊN THỦY

I.- Con đường giác ngộ

Tinh túy của căn bản thức là Phật tính bất biến dù bị vô minh che phủ hay không. Khi tâm nhận ra tính chất thật của mình, căn bản thức và bảy thức kia của tâm mê muội được thay thế bằng các loại tri thức nguyên thủy (trí bát nhã, trí huệ, chân trí).

Sự chuyển hóa tám thức thành các loại trí huệ thông qua việc thực hành đạo pháp dẫn tới giác ngộ. Đạo pháp này có năm giai đoạn.

1.- Giai đoạn tích lũy

Giai đoạn đầu tiên được gọi là đạo tích lũy, hay tu nhân tích đức. Được chứa trong căn bản thức là những chủng tử của mọi hành động ô nhiễm với cảm xúc trong quá khứ. Những chủng tử nghiệp này sẽ chín và trở thành những chướng ngại trong một kiếp sống, cản trở việc tu tập tâm linh trong kiếp đó. Việc tích lũy công đức có mục đích ngăn những chủng tử này chín mùi thành những chướng ngại, và việc này được tiếp tục cho đến khi không còn chút dấu vết của nghiệp khổ đau nữa, giống như một thanh củi được giữ cho cháy tiêu hết thành tro.

Cũng có thể so sánh pháp tích lũy này với việc uống thuốc giải sau khi bị trúng độc. Thí dụ, thuốc giải độc cho tội sát sanh là bảo vệ và cứu mạng sống; thực hành bố thí để đối trị trộm cướp và nhiều pháp tích lũy công đức khác. Kết quả của việc tích lũy những nghiệp tốt là sẽ tái sanh làm người, vì chỉ trong cõi loài người mới có điệu kiện cho việc tu tập tâm linh để giác ngộ.

Trong giai đoạn tích lũy này, chúng ta bắt đầu thực hành thiền quán. Đây là pháp thiền quán làm cho tâm an tĩnh và ổn định để chuẩn bị cho việc đạt tri thức nguyên thủy hay trí huệ. Trong pháp này hành giả trụ tâm trên một đối tượng với sự chuyên nhất.

Ban đầu, tạp niệm khởi lên và không chịu sự kiềm chế, hoặc tâm rơi vào trạng thái hôn trầm, đến nỗi việc tham thiền tưởng như bất khả. Nhưng dần dần tâm ổn định hơn và chịu sự điều khiển của hành giả, có thể tập trung vào đối tượng của nó một cách tự nhiên, không cần gắng sức trong khi vẫn trong sáng và bén nhạy.

Tiếp theo là pháp minh sát quán, là pháp thiền quán về tính vô ngã, giải trừ sự ngã chấp của Mạt-na thức khi chúng ta nhận ra tính chất thật của căn bản thức.

2.- Giai đoạn nối kết.

Trong khi vẫn còn ở giai đoạn tích lũy, pháp thiền minh sát làm phát sinh bốn kinh nghiệm đặc biệt, chứng tỏ hành giả đi vào giai đoạn thứ nhì, giai đoạn nối kết là "con đường nối liền" với việc thực hiện tri thức nguyên thủy lần đầu tiên, khi mọi mê muội thô kệch của tâm được giải trừ, hành giả bước vào sơ địa (Bồ tát sơ địa). Bốn kinh nghiệm trong giai đoạn nối kết này là những ấn chứng cho thấy việc thiền quán đúng cách và bắt đầu có kết quả.

Kinh nghiệm thứ nhất được gọi là "hơi ấm", nhưng hơi ấm này không liên quan gì tới pháp vận động luồng hỏa hậu (Kundalini Yoga) hay một pháp tương tự nào khác. Hơi ấm là dấu hiệu sự gần lửa, như khi ở gần lò sưởi thì cảm thấy ấm. Kinh nghiệm đầu tiên này là ấn chứng của sự tiếp cận sơ khởi với tri thức nguyên thủy, và kinh nghiệm này chỉ xuất hiện khi chúng ta thực hành pháp thiền minh sát đích thực, và do đó không phải là một kinh nghiệm dễ đạt được. Đừng nghĩ rằng bất cứ một cảm giác lạ nào đó xuất hiện trong khi tham thiền là ấn chứng hơi ấm.

Kinh nghiệm thứ nhì được gọi là "đỉnh", xuất hiện khi chúng ta đạt được sự định tâm trong khi tham thiền. Ở mức này, kinh nghiệm thiền quán làm cho chúng ta tin chắc vào lời dạy của Đức Phật : Chúng ta biết chắc những giáo lý này là xác thực, và nếu làm theo, chúng ta sẽ đạt Phật quả viên mãn. Trong việc phát triển tâm linh từ trước tới giờ, chúng ta có thể đã nghi ngờ nhiều lần, có thể đã thực hành chỉ do niềm tin suông, nhưng từ đây trở đi, chúng ta trực tiếp hiểu luật nhân quả, biết rõ là hành động tốt hay xấu sẽ sinh ra hậu quả tốt hay xấu và những điều khác. Tất cả những nghi ngờ của chúng ta đã được loại bỏ.

Sự xuất hiện của kinh nghiệm thứ ba, "khoan dung", báo hiệu sự gia tăng của lực trí huệ. Bây giờ, hoạt động tích cực của minh sát quán trở nên mạnh đến nỗi nó có khả năng tiêu trừ bất cứ chủng tử nghiệp xấu nào trong căn bản thức, kể cả những nghiệp xấu tới mức có thể làm cho người ta tái sanh trong cõi địa ngục. Nghiệp tốt bây giờ mạnh hơn sự mê muội gây ra bởi nghiệp xấu chịu sự quấy nhiễu của các cảm xúc. Điều tốt đủ mạnh để khoan dung hay chịu đựng điều xấu mà không bị điều xấu khuất phục, do đó kinh nghiệm này được gọi là "khoan dung". Pháp thực hành này vẫn luôn luôn làm cho các lực tiêu cực suy yếu dần dần, các lực tích cực tăng sức mạnh, nhưng chỉ tới lúc kinh nghiệm khoan dung này xuất hiện thì lực tích cực mới thực sự có khả năng chịu đựng mọi khuynh hướng tiêu cực, dù chúng mạnh đến mức nào.

Kinh nghiệm thứ tư và sau cùng được gọi là "Đệ nhất thù thắng" vì là kinh nghiệm tốt nhất trong tất cả những kinh nghiệm đã đạt được trong thế gian. Kinh nghiệm này là cửa ngõ để chúng ta đi vào giai đoạn thị kiến và không còn ở trong lãnh vực phàm tục nữa. 

3.- Giai đoạn kiến đạo và giai đoạn thiền định

Giai đoạn kiến đạo bắt đầu vào đúng lúc chúng ta cảm nhận trực tiếp trí huệ hay tri thức nguyên thủy. Bây giờ hành giả ở ngoài vòng luân hồi, không bao giờ trở lại nữa, vì sự mê muội thô kệch do phiền não đã bị hủy diệt. Thị kiến trí huệ này giống như trông thấy trăng thượng tuần; đây là mặt trăng thật, nhưng không trọn vẹn. Trong giai đoạn thiền định tiếp theo sau, thọ kiến của chúng ta sẽ phát triển cho đến khi ở cấp Bồ Tát thứ mười, nó giống như trăng rằm.

4.- Giai đoạn vô học

Giai đoạn thứ năm và sau cùng được gọi là "không còn gì để học nữa" (vô học đạo). Giai đoạn này đánh dấu sự chuyển hóa hoàn toàn căn bản chuyển thức thành trí (trí bát nhã). Tất cả những điều cốt yếu đều đã được học. Căn bản thức vẫn luôn luôn giữ vai trò môi trường hoạt động của trí huệ, nhưng tâm mê muội vì các cảm xúc và các khuynh hướng xấu của chúng ta đã không nhận ra điều này. Bây giờ sự mê muội đó đã được dẹp bỏ, chúng ta có thể trông thấy tính chất thật của căn bản thức.

II.- Phát triển trí tuệ

Khi đã không còn phiền não, tâm khám phá ra tính chất thật của mình và bắt đầu hoatï động với các lực trí huệ.

1.- Đại viên kính trí (Trí như gương)

Tinh túy của căn bản thức là nguyên lý Phật, cũng được gọi là Phật Tâm hay Phật Tính, có trong tất cả chúng sanh. Khi tất cả những dấu vết của mọi hình thức mê muội, dù tinh tế nhất, ngăn che Phật tính này đã được dẹp bỏ, thì khi đó trí như gương (đại viên kính trí) xuất hiện. Tâm trở nên giống như một tấm gương sáng bóng trong đóù xuất hiện rõ rệt mọi đối tượng mà nó biết.

Loại trí thức nguyên thủy này phát sinh vào cuối cấp Bồ tát thứ mười, sau khi việc thanh lọc tối hậu đã được thực hiện; lúc đó vị Bồ tát nhập kim cương định (định tam muội, Samadhi), đượïc gọi như vậy vì kim cương là một vật cứng nhất, được gọi là bất hoại. Kim cương định tượng trưng cho mục tiêu và chính là Phật quả vô thượng, không còn gì hơn để tu tiến nửa, không còn gì để học nữa. Qua suốt mười cấp Bồ tát, vị Bồ tát đã vào định, nhưng những định đó không hoàn toàn thanh tịnh cho đến khi kim cương định xuất hiện. Đại viên kính trí là toàn giác, là sự biết mà không tham dục. Hiện tại trí thức của chúng ta đăït căn bản trên nhị nguyên. Đối với chúng ta, nếu có trái, thì phải có phải; có mặt trước thì phải có mặt sau. Chúng ta bị giới hạn trong những lý luận vụn vặt tương đối của mình như con chim bị nhốt trong lồng. Kim cương định khắc phục hoàn toàn khuynh hướng này và tâm được giải thoát trong sự mở rộng vô giới hạn của Đại viên kính trí, nhưng xâu xa hơn nhiều so với sự xổ lồng của con chim.

Đối với chúng ta, những người còn giam trong sự tham dục quen thuộc, thì loại tự do này không thể hiểu được, dù chúng ta có cố gắng hiểu, chỉ khi nào chúng ta thân chứng kim cương định thì chúng ta mới hiểu trọn vẹn sự bao la của Đại viên kính trí, là trí huệ vĩ đại nhất và được phát triển trọn vẹn nhất trong các loại tri thức nguyên thủy. Không có tính nhị nguyên và ngã chấp, Đại viên kính trí là pháp thân hành động, mục tiêu của chúng ta. Đại viên kính trí trụ bất phân ly trong môi trường hoạt động của nó, là cõi không có một chút ô nhiễm nào (vô cấu nhiễm) không có lý luận vụn vặt của một tâm thức mê lầm.

2.-Bình đẳng tánh trí

Trước khi có sự chuyển hóa căn bản thức thành trí như gương, Mạt-na thức đã trở thành Bình đẳng tánh trí, và sự biến đổi này diển ra trong địa vị Bồ tát thứ tám.

Chướng ngại, hay phiền não, gồm hai loại : chướng ngại quan niệm sai lầm, hay tà kiến và chướng ngại nội tại. Những chướng ngại tà kiến có tính cách triết lý như ngã chấp, tin là có cái "ta" vĩnh cửu; hiểu lầm hoặc không đồng ý với Tứ Diệu Đế. Người bình thường có thể không có khả năng triết lý để có những ý kiến sai lầm đó, nhưng do không biết tính chất thật của căn bản thức Alaya, một cách vô thức người đó hành động như có cái ta"ta" thật, và đó là loại chướng ngại nội tại.

Hai loại chướng ngại này có thể được hủy diệt ngay khi vị Bồ tát nhập định : "dũng mãnh". Định này cũng có thể được gọi là định quyền lực, vì không có gì có thể kháng cự được nó. Trong định này tâm phân biệt được khắc phục và bình đẳng tánh trí xuất hiện. Chúng ta không còn kiến chấp mình với người nữa. Tâm phân biệt này đã gây ra các cảm xúc đầy phiền não, và do đó tạo nghiệp xấu, động lực của luân hồi. Sự bám giữ vào cái ta tạo ra tính nhị nguyên, như ý niệm về những thái cực tốt và xấu, luân hồi và giải thoát,v.v... Bằng việc nhập định dũng mãnh, phần phiền não của ý thức

được chuyển hóa, tính nhị nguyên phân biệt được giải trừ và thay vào đó là bình đẳng tánh trí.

Sự thật, bình đẳng tánh trí đã được định tới một mức nào đó trong bảy cấp Bồ tát

đầu tiên, nhưng chỉ ở địa thứ tám khi vị Bồ tát nhập định dũng mãnh thì bình đẳng tánh trí mới hoàn hảo.

3.- Diệu quan sát trí

Khi tâm trí còn mê muội, ý thức vẫn còn (thức thứ sáu trong tám thức) bị ô nhiễm bởi vô minh, tạo ra những tà kiến và tri thức nhị nguyên về những đối tượng của lục thức. Đó là điều kiện phát sinh tạp niệm. Do vô minh, ý thức có tính chất hẹp và giới hạn. Bằng pháp thiền định "ảo thuật", vị Bồ tát nhận ra rằng mọi vật không khác gì những ảo tưởng do một nhà ảo thuật tạo ra, không có gì là có thật để bám giữ. Khi đó ý thức mới thoát khỏi mọi chướng ngại, các pháp có thể được quan sát cùng một lúc mà những tính chất riêng của chúng vẫn được ghi nhận.

Giáo lý của Đức Phật thường nói tới mộng huyễn, ảo ảnh và trò ảo thuật để chỉ tính chất giả ảo của kinh nghiệm thế gian của con người. Lúc đầu, chúng ta chỉ hiểu ý tưởng này bằng lý luận và những tiến trình tư tuởng khác, nhưng Bồ tát ở bát địa và cửu địa hiểu sâu xa hơn về tính giả ảo này bằng khả năng nhập định ảo thuật. Sự trực nhận này làm cho vị Bồ tát thoát khỏi sự gò bó của thức thứ sáu.

Một thí dụ về sự chật hẹp của ý thức còn vô minh : khi chúng ta đưa cánh tay lên, tay của chúng ta sẽ không đụng trần nhà; hành động của chúng ta bị giới hạn bởi ý tưởng cánh tay của mình ngắn mà trần nhà thì quá cao.

Do ý chí dũng mãnh, thoát khỏi nhửng ý tưởng hạn hẹp như vậy, Milarepa có thể đi xuyên qua tường nhà. Bức tường là một ảo ảnh và do hiểu trọn vẹn điều này, bức tường không còn là một chướng ngại vật trên lối đi của ngài.

Diệu quan sát trí, một trong các tri thức nguyên thủy, tuy xuất hiện ở địa thứ tám nhưng liên quan nhiều hơn tới địa thứ chín. Cũng như các loại tri thức nguyên thủy

khác, chỉ khi nào kim cương định làm cho căn bản thức biến thành Đại viên kính trí thì Diệu quan sát trí mới hoạt động trọn vẹn. Diệu quan sát trí nhận biết cùng lúc mọi vật với tính chất riêng của chúng, một cách rõ ràng, phân minh, không lẫn lộn với những vật khác.

Bình đẳng tánh trí và Diệu quan sát trí là tính chất của Báo thân của chư Phật. Báo thân của chư Phật hiển lộ trên các cõi tịnh, cõi tái sinh của các Bồ tát có tâm thanh tịnh. Những vị Bồ tát này trong sạch hơn người phàm tục, cũng như con người trong sạch hơn con chó. Sự thanh tịnh này làm cho các Bồ tát thọ hưởng lợi ích từ hoạt động của các Báo thân Phật, mà người thường không thể có được.

Một khi vị Bồ tát đã dẹp bỏ được sự rối loạn bởi phiền não bằng thiền định dũng mãnh, Bình đẳng tánh trí sẽ xuất hiện. Trí này cung cấp môi trường không rối loạn để Diệu quan sát trí hoạt động, và từ đó phát sinh các cõi tịnh để những người đã tạo nghiệp tốt có thể tái sinh ở các cõi này. Ở đó họ sẽ được nghe giáo lý Đại thừa và do đó đẩy nhanh việc tiến tới giác ngộ của mình.

So với địa ngục và cõi súc sanh thì thế giới loài người ít khổ hơn. Là con người chúng ta có thể biết những lời Phật dạy và thực hành để đạt giác ngộ. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã tạo nhiều thiện nghiệp trong quá khứ nên bây giờ nhận được những quả tốt này. Do vô minh, phần lớn kiếp sống của chúng ta được dùng để làm những việc xấu và hậu quả là tái sinh trong những cõi thấp, nếu không có hoạt động từ bi của chư Phật và chư Bồ tát tạo điều kiện tốt cho sự tiến hóa tâm linh của chúng sinh.

Nhờ có sự chuyển hoá tâm phiền não và phàm trí thành Bình đẳng tánh trí và Diệu quan sát trí, các ngài có quyền năng tạo ra các cõi thanh tịnh, như cõi Cực lạc của Phật A Di Đà, nơi vãng sanh cũa những người đã tạo phước đức. Những cõi này vẫn thuộc về vũ trụ ảo giác của thực tế tương đối, nhưng cao siêu hơn sáu cõi luân hồi bất tịnh.

4.- Thành sở tác trí

Trong giai đoạn kiến đạo ngay khi trí huệ phát sinh thì Tiền ngũ thức nhãn, nhĩ. tỷ, thiệt, thân bắt đầu chuyển hóa, và sau khi hành giả đắùc kim cương định, khả năng của các thức này sẽ phát triển trọn vẹn và trở thành Thành sở tác trí.

Với trí thức nguyên thủy này, một vị Phật đã giác ngộ viên mãn có thể tự ý tạo lập các thế giới vật chất về năm đại : địa, thủy, hỏa, phong, không và xuất hiện trên thế gian như một vị Phật lịch sự (như Phật Thích Ca), dạy chúng sinh đạo giác ngộ. Đây là một hoạt động của hoá thân Phật. Nhưng trước khi đó, vị Bồ tát cũng có thể dùng Thành sở tác trí trong việc tạo những điều kiện thuận lợi cho chúng sinh bất tịnh tạo thiện nghiệp để có thể tích lũy những khuynh hướng tốt do đó sẽ được tái sinh vào một thế giới trong thời gian Hóa thân đó xuất hiện.

Chư Phật và Bồ tát đã thuần thục nhiều pháp thiền quán sâu xa, trong đó có Bi quán. Định lực của pháp này có thể tự nhiên làm phát sinh tâm từ bi nơi một con chim hay một con côn trùng tình cờ có ở gần đó, gieo một hạt giống tốt sẽ chín thành quả tái sinh trong cõi cao hơn cho sinh vật đó, để nó có thể tạo nghiệp tốt và tiến tới giác ngộ. Trong một con vật, từ bi là phẩm tính tự nhiên của tâm nó. nhưng nó cần ảnh hưởng bên ngoài phát sinh từ định lực của một vị Phật để kích thích nó và gieo một hạt giống tốt. Bằng những cách như vậy chư Phật, Bồ tát dùng Thành sở tác trí của ngài tạo cảnh giới cho tất cả chúng sinh có thể kinh nghiệm trong giây lát khi tấm màn vô minh được vén mở và chúng có thể tiến thêm vài bước trên đường đạo.

5.- Pháp giới trí

Chư Phật có một thân nữa gọi là thân tinh túy vì thân này là yếu tính của ba thân kia và của bốn loại trí thức nguyên thủy nói trên. Trí thức của thân này là trí pháp giới, cõi bản thể năng động của các pháp, hàm ý không có sự tạo ý niệm của tất cả các thức, và được phối hợp với trí huệ. Việc chuyển hóa tâm đã hoàn tất, vị Phật giác ngộ viên mãn đắc tứ thân và ngũ trí tương ưng với các thân đó.

Tóm lại, khi không biết về tính chất thật của căn bản thức, trí phiền não nhận lầm căn bản thức là bản ngã phân biệt với những ngã khác. Ý thức ô nhiễm diễn dịch theo nhị nguyên những thông tin nhận được qua Tiền ngũ thức, làm phát sinh tiến trình tạo ý niệm, coi tất cả các vật đối tượng bên ngoài cũng như bên trong của dòng tâm thức là có thật. Do chấp các hiện tượng là có thật, tâm tạo nghiệp lệ thuộc luật nhân quả và sinh ra các hình thức đau khổ. Vậy thế gian khổ có nguồn gốc là vô minh.

Khi nhận biết căn bản thức (Alạida) là Phật tính. Mạt-na thức (thức thứ bảy) sẽ được chuyển hóa thành Bình đẳng tánh trí, còn ý thức (thức thứ sáu) trở thành Diệu quan sát trí và Tiền ngũ thức sẽ hoạt động một cách thanh tịnh như Thành sở tác trí. Nhờ có kim cương định, căn bản thức chuyển trọn vẹn thành Đại viên kính trí.

Bây giờ vị Phật giác ngộ đã thực hiện được Pháp thân phát xuất Báo thân và Hóa thân. Vị Phật có khả năng hành động một cách tự tại vô ngại vì lợi ích của chúng sanh trong các cõi tịnh cũng như bất tịnh, trong khi vẫn luôn luôn trụ trong Thân Tinh Túy, là tổng thể yếu tính của ba thân trên, với trí pháp giới, hay tri thức nguyên thủy của pháp giới, tức là cõi năng động, nguồn gốc của các pháp.

Hiện tại, những kinh nghiệm của chúng ta phát xuất từ sự rối loạn hay mê muội của tâm. Nhưng chúng ta có thể tự nhận ra những thành phần của tâm. Căn bản thức là tâm thức vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi chúng ta bất tỉnh hay ngủ. Sự tương tục này làm cho chúng ta nhớ mình là ai khi hồi tỉnh hay thức dậy, dù rằng trong trạng thái đó bảy thức kia tạm thời ngưng hoạt động. Chúng ta có thể quan sát dễ dàng sự vận hành của năm thức đầu, và nếu cẩn thận, chăm chú hơn một chút, chúng ta cũng có thể biết về cách hoạt động của ý thức và Mạt na thức. Tâm khoảnh khắc (thuộc ý thức, thức thứ sáu) thì khó nhận ra hơn, trừ khi chúng ta có thể làm cho tâm của mình an tĩnh.

Các loại tri thức nguyên thủy chỉ có thể được biết bằng kinh nghiệm trực tiếp. Khi tâm vẫn còn rối loạn với những hoạt động của nó thì cúng ta chỉ có thể biết lơ mơ về những tri thức này, và vì không hiểu trọn vẹn nên sự hiểu biết này càng sai lầm.

Trước khi có sự thanh lọc các tiến trình hoạt động của tâm thì tri thức của chúng ta chỉ có tính cách vụn vặt và không đúng sự thật. Qua kinh sách ghi lời của Đức Phật, chúng ta đều biết truyện ngụ ngôn nổi tiếng người mù xem voi. Mấy người mù chưa hề biết con voi là gì, họ chỉ có thể trực tiếp biết bằng kinh nghiệm riêng của mình, và những kinh nghiệm khác nhau của họ tùy thuộc vào những phần thân thể của con voi mà họ sờ vào. Người mù rờ vào chân voi nói rằng con voi lớn và thẳng như một thân cây; người nắm cái tai thì tả con voi giống như một cái quạt; người rờ vào vòi thì giải thích con voi có thân dài và uốn éo như một con đĩa khổng lồ. Họ đều không sai nhưng không hoàn toàn đúng, và vì vậy họ không đồng ý kiến với nhau. Cũng vậy, chúng ta đang ở trong cảnh người mù rờ voi đối với những sự thật của thế gian cũng như đối với sự hiểu biết của chúng ta về các loại tri thức nguyên thủy hay trí huệ. Sự hiểu biết của chúng ta chỉ là vụn vặt, không trọn vẹn, cho đến khi chúng ta giác ngộ viên mãn.

Công việc của chúng ta là làm cho tâm an tĩnh và thân nhập tính chất thật của nó, để rốt cuộc cót hể nhập vào các loại định và cùng lúc dẹp bỏ sự mê muội bằng cách tạo nghiệp tốt, trong đó việc tốt nhất là phát triển tâm từ bi, pháp đối trị mạnh nhất cho tính ngã chấp. Trong tiến trình thanh lọc này chúng ta cần phải có đức tính kiên trì để đi từng bước một qua các giai đoạn của đạo pháp tiến tới việc nhận ra Phật tánh của chính mình.

Dù có rửa bao nhiêu, than vẫn đen, nhưng chúng ta thì không như vậy; trí huệ hay tri thức nguyên thủy là thành phần căn bản nhất của thực thể chúng ta, là tấm kính chỉ cần lau chùi cho sạch bụi là sự trong sáng của nó sẽ trở lại.


---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/03/2018(Xem: 9137)
Có những vần thơ gắn liền với mỗi người từ thuở biết viết, biết đọc cho đến lúc trưởng thành, đi theo suốt cuộc đời, và cũng có thể…cho đến hơi thở cuối cùng. Những vần thơ hay những câu thơ của những thi sĩ nổi danh mà mình đã thuộc nằm lòng, đã ghi nhớ tận đáy sâu của ký ức, và bỗng một lúc nào đó, ở một tình huống nào đó, một nhân duyên nào đó, tự chúng hiện ra một cách tự nhiên trong dòng tư tưởng, sự nghĩ suy, và bộc ra thành lời nói như là của chính mình và đôi lúc, chỉ nhớ đến vần thơ, câu thơ đó mà cũng không hề nhớ đến tác giả là ai nữa ! Các vần thơ, các câu thơ ấy thực sự đã gắn liền với mình, với đời sống mình, đôi lúc còn được xem như là kim chỉ Nam để giúp mình phản ứng, cư xử trước mọi hoàn cảnh, vui hay buồn, tốt hay xấu đang xảy ra.
27/02/2018(Xem: 6497)
Cái tự tánh của tâm viên luôn luôn thay đổi vô thường rất khó mà chuyên tâm nhất trí, chú tâm lâu dài. Kinh Pháp Cú mở đầu, “Tâm làm chủ, tâm tạo!” Hiểu theo nghĩa thông thường chấp ngã của phàm phu là tâm ta làm chủ mọi hành động của ta, tạo ra mọi tư duy và dẫn đến hành động của ta. Tâm phan duyên dẫn ta đi vòng vòng từ suy nghĩ này qua tư tưởng khác thay vì ta dễ dàng nắm bắt, hàng phục được cái tâm bất trị đó. Nhưng bồ tát không thấy tâm chủ, tâm tớ, tâm ta. Không có hành động và tư duy của người, không có suy tư và hành động của ta. Tôi nghĩ, ngay cả giữa Có và Không cũng không có sở trụ để chấp. Chẳng hạn, nhân sinh thường chấp ngã, lưu luyến sống trong quá khứ và lo lắng cho tương lai của chính mình. Chúng ta thường được giảng dạy là phải sống với hiện tại, ngay trong giờ phút này, nhưng ngay cả cái hiện tại chính giữa này cũng vô định xứ, thay đổi
03/02/2018(Xem: 16800)
Tương quan là có quan hệ qua lại với nhau, tương cận là mối tương quan gần gủi nhất. Vấn đề này, mang tính tương tác mà trong Phật giáo gọi là: “cái này có thì cái kia có, cái này sinh thi cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…”
22/01/2018(Xem: 9599)
Tôi nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng lần đầu tiên vào năm 1972. Chỉ ba ngày sau khi tôi đến Dharamsala ở miền bắc Ấn, ngài đã bắt đầu khóa thuyết giảng 16 ngày, bốn đến sáu tiếng mỗi ngày về những giai đoạn của con đường Giác Ngộ. Tôi đã bắt đầu học Tạng ngữ và thực tập Phật giáo Tây Tạng vào năm 1962, và những vị thầy của tôi, đặc biệt chỉ bảo về những sự phức tạp của các luận điển Tây Tạng, đã chuẩn bị cho tôi việc học hỏi với những học giả du già Tây Tạng tị nạn ở Ấn Độ. Nhưng thật tình mà nói, tôi không nghĩ rằng một vị tái sanh được chỉ định nắm quyền sinh ra ở đông bắc Tây Tạng năm 1935 và được nhìn nhận qua những sự tiên đoán, các giấc mộng, những biến cố cực kỳ phi thường, và các thử nghiệm như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vào lúc 2 tuổi – có thể đảm đương nhiệm vụ quan trọng như vậy.
22/01/2018(Xem: 7760)
Chúng ta biết rằng nhà khoa học Albert Einstein có những quan điểm rất gần với nhà Phật. Nhưng rồi cũng sẽ bất ngờ, khi thấy có lúc Einstein nói y hệt, gần như 100% y hệt như giáo lý nhà Phật. Đặc biệt là khi Einstein viết thư chia buồn một người bạn thân năm 1950... Thí dụ, các pháp là Không. Thí dụ, vạn pháp là thức. Einstein đều nói lên cả hai quan điểm này. Trong Kinh Tiểu Không MN 121, và Kinh Đại Không MN 122, Đức Phật hướng dẫn cách chú tâm từ một nội dung có nhiều dẫn tới nội dung có ít, và từ có ít sẽ bước vào Không để an trú.
12/01/2018(Xem: 7173)
Vấn đề chủ yếu trong tác phẩm Trung Quán Luận của Long Thọ là tánh không. Ý nghĩa cốt lõi của tánh không như chúng ta đã biết là tánh không trong điều kiện duyên khởi.Trong các kệ tụng vi diệu, Long Thọ tỏ lòng kính trọng đức Phật như một vị thánh diễn giải các pháp thoại về duyên khởi với năng lực siêu nhiên. Vì vậy, Long Thọ ca ngợi đức Phật là một vị đạo sư vô song. Theo đạo Phật, nền tảng giáo lý duyên khởi là điều rất quan trọng.
06/01/2018(Xem: 15647)
Vài suy nghĩ về việc học chữ Phạn trong các Học Viện Phật Giáo Việt Nam_ Lê Tự Hỷ
05/01/2018(Xem: 12180)
Sau bài giới thiệu “Đọc Trúc Lâm Thiền Phái tại Huế của Thích Tín Nghĩa” phổ biến tới bạn đọc ngày 7/12/2017, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa lại gửi biếu tôi thêm hai cuốn sách : - Trúc Lâm Thiền Phái Thi Tập tái bản lần thứ nhất 2013. - Đạt Ma và Huyền Trang tái bản lần thứ ba 1998.
02/01/2018(Xem: 8062)
Phái đoàn chúng tôi đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu về đến đây, tức là chùa Châu Lâm, thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để thăm viếng bà con và chia sẻ một số tịnh tài, phẩm vật đến với bà con khốn khó trong cơn bão lũ vừa qua tại tỉnh nhà chúng ta. Thưa quý vị! Phú Yên là quê hương yên bình, được che chở bởi trời đất, bởi hồn thiêng sông núi, bởi lịch đại Tổ sư Phật giáo. Quê hương của chúng ta có biển, có núi, có đầm, có sông và có bình nguyên, cho nên cũng từ đó, mà quê hương chúng ta đã phát sinh ra nhiều bậc anh tài cho đất nước, nhiều bậc cao Tăng cho Đạo Pháp một thời.
21/12/2017(Xem: 8927)
Hôm nay là ngày 9/10/Đinh Dậu, tức ngày 26/11/2017, tại chùa Quang Sơn, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, thay mặt chư Tôn Đức Tăng hiện tiền, cũng như chư Tôn Đức Tăng Ni Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, các Phật tử của Âu Châu hảo tâm, các nhà mạnh thường quân tại Âu Châu, phái đoàn chúng tôi xin gửi lời thăm hỏi chân tình nhất đến bà con hiện diện hôm nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]