Các bài giảng liên quan đến thế giới
(tiếp theo bài 3)
[…]
Tiếp theo dưới đây, chúng ta sẽ trích dẫn một bài thuyết giảng rất sâu sắc, mang tựa là Bhava Sutta, nêu lên sự chuyển động của thế giới :
Bài thuyết giảng về sự hiện hữu
Bhava Sutta - AN 3.76
(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Piya Tan và bản dịch tiếng Pháp của Rémy)
« Một hôm, Ngài Ānanda tìm gặp Đấng Thế Tôn, khi gặp Ngài thì vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì nêu lên với Đấng Thế Tôn một thắc mắc như sau : « Thưa Thế Tôn, người ta thường thốt lên ‘Sự trở thành ! Sự trở thành!’ (becoming ! becoming ! trong bản gốc tiếng Pali là : bhavo! bhavoti ! Có thể hiểu hậu ý trong câu thốt lên này như là một sự tuyệt vọng, bởi vì tất cả mọi sự trở thành nhất thiết đều đưa đến sự hủy hoại và tan biến, chẳng hạn như sự sinh sẽ đưa đến sự già nua và cái chết. Chúng ta sẽ trở lại với ý nghĩa sâu sắc của bài giảng này trong phần ghi chú dưới đây). Vậy thưa Thế Tôn, phải hiểu ý nghĩa mở rộng của sự trở thành (bhava / trở thành) như thế nào ? (chữ ‘bhava’ cũng có nghĩa là sự hiện hữu) »
« Này Ānanda, nếu không có kamma (hành động / nghiệp) nào chín muồi (tạo ra quả) trong lãnh vực tính dục (sensuality-property / các hình thức dục tính) thì sự trở thành thuộc lãnh vực tính dục (bằng phương cách tính dục) có thể nhận biết được (xảy ra được) hay không ? (thay vì trực tiếp giải thích một cách tổng quát và mở rộng về sự ‘trở thành’ / becoming của mọi hiện tượng trong thế giới là gì, thì Đức Phật hướng thẳng thắc mắc của người tỳ-kheo Ānanda vào một khung cảnh cụ thể và thiết thực hơn, đó là sự ‘trở thành’ trong lãnh vực dục tính, đưa đến sự sinh và sự hiện hữu của một cá thể).
« Không, thưa Thế Tôn ».
« Vì vậy, này Ānanda, khi tri thức chúng sinh còn bị tắc nghẽn bởi sự u mê, bủa vây bởi sự thèm khát, phát động (established / vận hành, thiết đặt) trong các cấp bậc thấp kém, thì kamma (hành động / nghiệp) sẽ là thửa ruộng, tri thức (consciousness) sẽ là hạt giống, sự thèm khát (craving / sự bám víu, đam mê) là hơi ẩm. Đấy là cách tạo ra sự tái trở thành (renewed becoming / tái hiện hữu / tái hình thành) trong tương lai.
« Này Ānanda, nếu không có kamma (hành động / nghiệp) nào chín muồi (tạo ra quả) trong lãnh vực hình-tướng (form-property / thể tính, thể dạng hình tướng, và cũng có nghĩa là thân xác) thì sự trở thành thể dạng hình-tướng có thể nhận biết được (xảy ra được) hay không ? ».
« Không, thưa Thế Tôn ».
« Vì vậy, này Ānanda, khi tri thức chúng sinh còn bị tắc nghẽn bởi sự u mê, bị bủa vây bởi sự thèm khát, phát động trong các cấp bậc trung bình, thì kamma sẽ là thửa ruộng, tri thức sẽ là hạt giống, sự thèm khát sẽ là hơi ẩm. Đấy là cách tạo ra sự tái trở thành trong tương lai. Ý nghĩa của sự trở thành là như vậy ».
« Vì vậy, này Ānanda, khi nào không có kamma chín muồi trong thể dạng phi-hình-tướng (lãnh vực tâm thần và tâm linh), thì thể dạng phi-hình-tướng có thể nhận biết được hay không ? »
« Không, thưa Thế Tôn ».
« Vì thế, này Ānanda, khi tri thức của chúng sinh còn bị bị tắc nghẽn bởi sự u mê, bủa vây bởi sự thèm khát, phát động trong các cấp bậc cao siêu (refined property / tinh tế / các chúng sinh thiêng liêng phi-hình-tướng), thì kamma sẽ là thửa ruộng, tri thức là sẽ hạt giống, sự thèm khát sẽ là hơi ẩm. Đấy là cách tạo ra sự tái trở thành (tái hiện hữu) trong tương lai.
« Này Ānanda, đấy là cách cho thấy tại sao lại có sự hiện hữu (bhava / sự trở thành, sự hình thành, sự hiện hữu) ».
(Câu kết luận trên đây cũng là câu trả lời cho Ānanda về sự trở thành là gì ? Vũ trụ, sự sống và con người luôn trong tình trạng chuyển động và trở thành. Đối với trường hợp của con người – dù là thuộc cấp bậc nào : thấp kém, bình dị hay thông thái – khi tâm thức họ vẫn còn bị chi phối bởi các sự u mê và thèm khát, thì họ không sao tránh khỏi sự tái hình thành)
Vài lời ghi chú
Bhava, tựa của bài giảng, là tiếng Pali và tiếng Phạn, là một thuật ngữ mang ý nghĩa rất bao quát và đa dạng. Ngoài hai ý nghĩa chính là sự trở thành (becoming) và sự hiện hữu (existence) chữ bhava còn phản ảnh một sự chuyển động, một quá trình diễn tiến đưa đến sự hình thành, tạo ra một sự sinh mới, một sự tái hiện hữu (renewed existence). Ý nghĩa của chữ bhava vì thế rất đa dạng, điều này cho thấy trước hết tại sao người tỳ-kheo Ānanda lại hỏi Đức Phật về ý nghĩa mở rộng của chữ này, sau đó là tại sao các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương của các dịch giả khác nhau lại mang nhiều tựa khác nhau . Bản dịch của nhà sư Thanissaro Bhikkhu mang tựa là Becoming / Sự trở thành, bản dịch của Rémy và Piaya Tan thì mang tựa là Existence / Sự hiện hữu. Trong khi đó thì bản dịch của nhà sư Bhikkhu Sujato lại mang tựa là Paṭhamabhavasutta (Paṭhama+bhava+sutta), có nghĩa là Bài giảng thứ nhất về sự hiện hữu. Chữ Paṭhama trong chữ Paṭhamabhavasutta có nghĩa là tiên khởi hay đầu tiên, lý do là vì bài giảng này có đến hai phiên bản: AN 3.76 và AN 3.77. Hai bài giảng này gần như hoàn toàn giống nhau, điều này cho thấy có thể là cùng một bài giảng nhưng đã được hai vị tỳ-kheo khác nhau thuật lại (?). Nhà sư Bhikkhu Sujato và cư sĩ học giả Piya Tan dịch cả hai phiên bản này.
Bải giảng được xếp trong Aṅguttara Nikāya / Tăng Chi Bộ Kinh, gộp chung hơn chín ngàn câu giảng ngắn. Các câu này lại được phân loại bằng cách dựa vào các đặc tính giống nhau và được xếp chung trong 11 Nipāta, chữ này có nghĩa là một loạt, một nhóm hay một cụm gồm các câu giảng và các bài giảng có một vài đặc tính giống nhau, kinh sách tiếng Việt gọi các Nipāta này là các Chương. Đặc tính giống nhau trong mỗi nhóm hay mỗi chương là con số yếu tố nêu lên trong các câu hay các bài thuyết giảng : nhóm thứ nhất nêu lên một yếu tố, nhóm thứ hai nêu lên hai yếu tố, và tiếp tục tăng dần như thế cho đến nhóm 11, nêu lên 11 yếu tố. Bài giảng về sự trở thành / Bhava Sutta trên đây nêu lên ba yếu tố : thửa ruộng biểu trưng cho ý niệm về cung cách hành xử (conduct in deed) ; hạt giống liên hệ với hậu quả phát sinh từ các ‘hành động’/ kamma trong quá khứ, biểu trưng cho lãnh vực tâm thần (thought) ; hơi ẩm biểu trưng cho tác ý, ngôn từ, cử chỉ, nói chung là các‘hành động’ / kamma trong hiện tại. Bài giảng nêu lên ba yếu tố tất cả, do vậy được xếp vào Nipāta thứ 3 (Tika Nipāta). Các câu giảng trong Nipāta lại được phân chia và gộp chung với nhau thành từng bài giảng, và bài giảng trên đây là bài giảng thứ 76 trong toàn bộ Aṅguttara Nikāya / Tăng Chi Bộ Kinh. Tóm lại bài giảng này được đánh số là AN 3.76.
Thoạt nhìn, trên phương diện nội dung, thì Bài giảng về sự trở thành trên đây, tuy ngắn và khá đơn giản, thế nhưng rất súc tích và khúc triết. Khi người đệ tử Ānanda hỏi Đức Phật về ý nghĩa của sự trở thành (bhava / sự hình thành, sự hiện hữu, sự tái hiện hữu) là gì, thì Đức Phật không trực tiếp trả lời thắc mắc đó của người đệ tử trên phương diện tổng quát, liên quan đến sự hiện hữu của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, mà hướng vào một lãnh vực giới hạn hơn, đó là sự trở thành của chúng sinh trong thế giới của sự sống. Đức Phật cho biết là tất cả mọi chúng sinh được hình thành bằng phương cách tính dục nhất loạt đều vướng mắc vào chu kỳ của sự trở thành tạo ra một sự tái hình thành. Dù họ là các chúng sinh thấp kém, bình dị hay cao siêu phi-hình-tướng thì cũng vậy, khi mà tâm thức của họ vẫn còn bị ‘tắc nghẽn bởi sự u mê, ngăn chận bởi các sự thèm khát’ thì họ không sao tránh khỏi sự trở thành (bhava).
Nếu câu giải thích về sự trở thành hướng người đệ tử Ānanda vào một lãnh vực giới hạn là sự tái hiện hữu của các chúng sinh trong sự sống, thì câu kết luận mở ra cho người đệ tử này một tầm nhìn bao quát hơn : « Này Ānanda, đấy là cách cho thấy tại sao lại có sự hiện hữu (bhava / sự trở thành, sự hình thành với ý nghĩa bao quát và mở rộng của nó) ». Sự xoay vần của từng mỗi chúng sinh đều hòa nhập vào sự xoay vần chung của toàn thể vũ trụ. Nếu chúng sinh cùng xoay vần với nhau qua các chu kỳ của sự sinh, sự già nua và cái chết trong lãnh vực của sự sống, thì các hiện tượng trong vũ trụ cũng cùng xoay vần với nhau qua không gian và thời gian để cùng biến đổi và hình thành.
Người tỳ kheo Ānanda hỏi Đức Phật : ‘Sự trở thành ! Sự trở thành! Những thứ ấy là gì ?’ Đức Phật trả lời : ‘Sinh ra bằng phương cách tính dục là một hình thức của sự trở thành / Bhava. Kamma của quá khứ là thửa ruộng, tri thức là hạt giống gieo vào thửa ruộng, sự u mê và sự thèm khát là hơi ẩm giúp cho hạt giống nẩy mầm. Đấy gọi là sự trở thành’. Sự chuyển động và biến đổi đó của con người và các hiện tượng trong vũ trụ nhất loạt đều là một sự trở thành, cả hai sự chuyển động đó cùng chia xẻ một yếu tố chung, một kích thước chung : đó là không gian và thời gian. Khi nào không có bất cứ một kamma nào chín muồi trong lãnh vực dục tính thì sẽ không có một thửa ruộng nào để gieo một hạt giống vào đó. Dù trong trường hợp hạt giống được gieo vào thửa ruộng đi nữa, thế nhưng nếu không có mưa sa của sự thèm khát, thì hạt giống cũng sẽ không sao nẩy mầm được ? Loại bỏ được hơi ẩm, mang lại sự ‘khô ráo’ và ‘tinh khiết’ cho tâm thức, là cách giúp một cá thể đứng ra bên ngoài sự diễn tiến trong thế giới của sự sống và cả vũ trụ của sự trở thành’.
Tiếc thay ruộng đồng và mưa sa lại là bản chất của cái thế giới mà mỗi người trong chúng ta tự tạo ra cho mình. Trong thế giới đó chúng ta luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, thế nhưng cây cỏ mọc lên thì lại thường là gai góc và cỏ dại. Tuy nhiên đôi khi những gì mọc lên từ thửa ruộng cũng có thể là một bông lúa chín vàng hay một cành hoa thơm ngát. Chúng sinh có thể là những kẻ hung dữ đần độn, hoặc hiền lành và bình dị, nhưng cũng có thể là những con người nhân từ, yêu thương và sáng suốt. Thế nhưng các thứ ấy, từ ruộng đồng, mưa sa, cho đến chúng sinh, tất cả đều là những sự trở thành. Mỗi cá thể tự tạo ra cho mình một sự trở thành, và điều đáng quan tâm và đáng tiếc là mỗi cá thể lại mượn sự trở thành đó của mình để nhìn vào thế giới, tiếp xúc với thế giới, và dựa vào đấy để tạo ra cho mình một thế giới luôn trong tình trạng trở thành. Thế giới trở thành đó trong nội tâm của mỗi cá thể cùng chuyển động với cá thể ấy để cùng gia nhập vào sự trở thành của sự sống nói chung. Sự trở thành đó của chúng sinh và sống lại tiếp tục gia nhập với sự trở thành của các hiện tượng vật lý trong không gian, để cùng nhau chuyển động và tương tác với nhau để tạo ra sự trở thành của cả vũ trụ. Sự trở thành to rộng đó phản ảnh cả ba khía cạnh của hiện thực : hiện tượng học (Phenomenology), tâm lý học (Psychology) và vũ trụ học (Cosmology). Đấy là ý nghĩa trong câu hỏi của người tỳ-kheo Ānanda và các câu trả lời và giải thích của Đức Phật.
Ngoài ra, nhà sư Thanissaro Bhikkhu trong phần ghi chú cuối bản dịch của bài giảng này có nêu lên một điểm khá tế nhị và sâu sắc, liên quan đến sự hiểu biết về sự trở thành, và điểm tế nhị này cũng đã được nêu lên trong một quyển sách của ông mang tựa The Paradox of Becoming / Sự Nghịch lý của sự Trở thành. Thật vậy, sự trở thành hay hình thành là nguồn gốc của khổ đau, của sự già nua và cái chết, thế nhưng chúng sinh thì lại bị ám ảnh bởi sự trở thành, say mê sự trở thành, mong muốn được tiếp tục trở thành. Độc giả có thể xem quyển sách rất sâu sắc này của nhà sư Thanissaro Bhikkhu trên mạng.
Sau hết cũng mạn phép trích dẫn bản dịch bài giảng này trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt, bản tiếng Hán và cả bản gốc bằng tiếng Pali, hầu độc giả tiện tham khảo thêm nếu cần :
1-Bản dịch trong Đại Tạng Kinh
VIII. Phẩm Ānanda
3.76. Hiện Hữu (存在)
(hai chữ Hán trên đây có nghĩa là ‘tồn tại’)
Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
—Hữu, hữu (有,有 / Có, Có), bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được xem là có hữu?
—Này Ānanda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của dục giới thời dục hữu có thể trình bày được không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ānanda, hữu có mặt.
—Và này Ānanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của sắc giới, thời sắc hữu có thể trình bày được không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc trung. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ānanda, hữu có mặt.
—Và này Ānanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của vô sắc giới, thời vô sắc hữu có thể trình bày được không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc thù thắng. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ānanda, hữu có mặt.
(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)
2-Bản dịch tiếng Hán :
增支部3集76經
有經第一
Hữu Kinh Đệ Nhất
(Bài kinh thứ nhất nói về sự hiện hữu / Paṭhama Bhava Sutta)
那時,尊者阿難去見世尊。抵達後,向世尊問訊,接著在一旁坐下。在一旁坐好後,尊者阿難對世尊這
麼說:
「大德!被稱為『有、有』(Hữu, Hữu / Có, Có),大德!什麼情形是有呢?」
「阿難!如果沒有欲界報果的業,你們是否能安立欲有呢?」
「不,大德!」
「阿難!像這樣,業為田地,識為種子,渴愛為濕潤,無明所蓋、渴愛所繫之眾生的識被住立在卑劣
界,這樣,有未來再生的誕生。
阿難!如果沒有色界報果的業,你們是否能安立色有呢?」
「不,大德!」
「阿難!像這樣,業為田地,識為種子,渴愛為濕潤,無明所蓋、渴愛所繫之眾生的識被住立在中位
界,這樣,有未來再生的誕生。
阿難!如果沒有無色界報果的業,你們是否能安立無色有呢?」
「不,大德!」
「阿難!像這樣,業為田地,識為種子,渴愛為濕潤,無明所蓋、渴愛所繫之眾生的識被住立在勝妙
界,這樣,有未來再生的誕生。
阿難!這樣是有。」
3-Bản gốc bằng tiếng Pali :
Bhava Sutta
(Bài thuyết giảng về sự trở thành)
Atha kho āyasmā ānando yena bhagavā tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā bhagavantaṁ abhivādetvā ekamantaṁ nisīdi. Ekamantaṁ nisinno kho āyasmā ānando bhagavantaṁ etadavoca:
« bhavo, bhavoti (sự Trở thành, sự Trở thành / sự Hiện hữu, sự Hiện hữu), bhante, vuccati. Kittāvatā nu kho, bhante, bhavo hotī » ti?
« Kāmadhātuvepakkañca, ānanda, kammaṁ nābhavissa, api nu kho kāmabhavo paññāyethā »ti?
« No hetaṁ, bhante ».
« Iti kho, ānanda, kammaṁ khettaṁ, viññāṇaṁ bījaṁ, taṇhā sneho. Variant: sneho → sineho (bj, sya-all, km, pts1ed)Avijjānīvaraṇānaṁ sattānaṁ taṇhāsaṁyojanānaṁ hīnāya dhātuyā viññāṇaṁ patiṭṭhitaṁ evaṁ āyatiṁ punabbhavābhinibbatti hoti. (…) Variant: āyatiṁ → āyati (bj) | (…) → (evaṁ kho ānanda bhavo hotīti) (mr)
Rūpadhātuvepakkañca, ānanda, kammaṁ nābhavissa, api nu kho rūpabhavo paññāyethā »ti?
« No hetaṁ, bhante ».
« Iti kho, ānanda, kammaṁ khettaṁ, viññāṇaṁ bījaṁ, taṇhā sneho. Avijjānīvaraṇānaṁ sattānaṁ taṇhāsaṁyojanānaṁ majjhimāya dhātuyā viññāṇaṁ patiṭṭhitaṁ evaṁ āyatiṁ punabbhavābhinibbatti hoti. (…) Variant: (…) → (evaṁ kho ānanda bhavo hotīti) (mr)
Arūpadhātuvepakkañca, ānanda, kammaṁ nābhavissa, api nu kho arūpabhavo paññāyethā »ti?
« No hetaṁ, bhante ».
« Iti kho, ānanda, kammaṁ khettaṁ, viññāṇaṁ bījaṁ, taṇhā sneho. Avijjānīvaraṇānaṁ sattānaṁ taṇhāsaṁyojanānaṁ paṇītāya dhātuyā viññāṇaṁ patiṭṭhitaṁ evaṁ āyatiṁ punabbhavābhinibbatti hoti. Evaṁ kho, ānanda, bhavo hotī »ti.
Dưới đây chúng ta lại trích dẫn một bài giảng khác trong Aṅguttara Nikāya / Tiểu Bộ Kinh, nêu lên sự quán thấy của Đức Phật về thế giới :
Bài thuyết giảng tại Kāḷaka
Kāḷaka Sutta - AN 4.24
Vào một dịp khi Đấng Thế Tôn đang ngụ gần nơi thị trấn Sāketa (một trong số sáu thị trấn lớn của đế quốc Kosala / Kiêu-tát-la) trong khu rừng thưa Kāḷaka (vào thời bấy giờ, các đô thị, làng mạc, thôn ấp đều dành ra một khu đất hoang dùng làm nơi nghỉ chân hoặc tạm trú cho những người tu hành khất thực thuộc mọi tín ngưỡng. Chẳng hạn như thị trấn Vārāṇasī / Ba-la-nại dành ra một khu rừng cách đó khoảng mười cây số là Sārnāth / Lộc uyển, tại nơi này Đức Phật, sau khi đạt được Giác ngộ, đã gặp lại năm vị đồng tu với mình trước kia), Ngài cho gọi các tỳ-kheo và nói với họ : « Này các tỳ-kheo ! »
Các tỳ kheo đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn »
Đấng Thế Tôn nói tiếp : « Này các tỳ-kheo, đối với bất cứ một thứ gì trong thế giới này – trong đó gồm có các Thiên nhân (Deva), Ma vương (Māra), Phạm-thiên (Brahma / các vị Trời trong Ấn giáo) cùng toàn thể thế hệ này gồm những người tu hành, các vị Bà-la-môn (các giáo sĩ trong Ấn giáo và những người thuộc đẳng cấp cao nhất trong xã hội), kể cả vua chúa và dân gian – mà ta trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, biết đến, đạt được, truy tìm, suy ngẫm trong tâm trí, thì ta đều hiểu biết tất cả. Những gì [mà ta] trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhận biết, hiện lên, hiển hiện trở lại, suy ngẫm trong tâm trí, thì ta đều hiểu biết một cách trực tiếp (thấu triệt được ngay, không cần phải suy xét hay lý luận). Tathāgata thực hiện được sự hiểu biết đó, thế nhưng Tathāgata không hề để cho các sự hiểu biết đó chiếm giữ (establish / thiết đặt, củng cố) một vị thế nào bên trong Tathāgata.
(Câu trên đây vô cùng quan trọng, phản ảnh nền tảng triết học và tâm lý học Phật giáo : dù là bất cứ một thứ gì trong thế giới này mà Đức Phật trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, biết đến, khám phá, suy ngẫm trong tâm trí, thì nhất loạt Đức Phật đều thấu triệt được một cách sâu xa và tuyệt đối. Thế nhưng Đức Phật không hề để cho các sự hiểu biết đó áp đặt mình, chi phối mình, lôi cuốn mình vào thế giới, mà chỉ xem đấy là cách giúp mình thoát ra khỏi thế giới. Nói một cách khác thì Đức Phật thấu triệt được sự vận hành của thế giới nhưng không tham gia vào sự vận hành đó của thế giới, mà chỉ xem đấy như là một phương tiện, một sự ý thức, giúp mình đứng ra bên ngoài thế giới. Tóm lại, có thể xem câu phát biểu trên đây của Đức Phật – hiểu biết thế giới để thoát ra khỏi thế giới – như là tiền đề trong toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật. ‘Những gì trông thấy, nghe thấy…’ là các ý niệm liên quan đến lãnh vực sinh học (Biology) và hiện tượng học (Phenomenology). ‘Không để cho các điều ấy chiếm giữ một vị thế nào trong tâm thức…’ là ý niệm liên quan đến tâm lý học (Psychology). ‘Thoát ra khỏi thế giới, đứng ra bên ngoài thế giới…’ là ý niệm liên quan đến triết học siêu hình (Metaphysics). Đấy là ba khía cạnh chủ yếu trong toàn bộ Giáo huấn của Dức Phật)
« Nếu ta buộc phải nói lên : ‘Tôi không biết gì cả về thế giới này […], [dù là] đối với bất cứ một thứ gì được trông thấy, nghe thấy, cảm thấy ? […], suy ngẫm trong tâm trí’, thì đấy là ta nói dối. Nếu ta buộc phải nói lên : ‘Tôi biết nhưng tôi cũng không biết (nói nước đôi) về thế giới này, dù là đối với bất cứ một thứ gì trong thế giới […] được trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhận biết […], suy ngẫm trong tâm trí, thì cũng vậy, đấy là cách mà ta nói dối. Nếu ta buộc phải nói lên : ‘Tôi không biết nhưng cũng không phải là không biết những gì trong thế giới này, dù là đối với bất cứ một thứ gì được trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhận biết […], suy ngẫm trong tâm trí, thì đấy là cách mà ta phạm vào sự sai trái (fault / lầm lỗi, sơ sót / một hình thức tránh né).
« Vì vậy, này các tỳ-kheo, khi Tathāgata trông thấy một cái gì đó được trông thấy, thì Tathāgata không xem đấy như là [một đối tượng] được trông thấy (as seen). Tathāgata cũng không xem đấy như là [một đối tượng] không trông thấy (unseen / một hình thức phủ nhận). Tathāgata cũng không xem đấy là [một đối tượng] có thể trông thấy được (to-be-seen). [Hơn nữa] Tathāgata cũng không xem mình là người trông thấy (a seer / một chủ thể trông thấy).
(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp ‘nghe thấy’, ‘cảm thấy’, ‘từng biết đến’, v.v. nhưng đã được thu ngắn)
« Vì vậy, này các tỳ-kheo, khi Tathāgata nghe thấy […]
« Vì vậy, này các tỳ-kheo, khi Tathāgata cảm thấy […]
« Vì vậy, này các tỳ-kheo, khi Tathāgata nhận biết về một cái gì đó được nhận biết, thì Tathāgata không xem đó như là một đối tượng được nhận biết. Tathāgata cũng không xem mình là người nhận biết (với tư cách là một chủ thể. Nêu lên một sự phủ nhận hoàn toàn về chủ thể và cả đối tượng là cách nêu lên sự trống không tuyệt đối của tất cả mọi hiện tượng, không có gì được tạo tác, hình thành và hiện hữu cả).
« Vì vậy, này các tỳ-kheo, Tathāgata luôn chỉ là ‘Như Thế’, không một mảy may thay đổi trước tất cả mọi hiện tượng được trông thấy, nghe thấy, cảm nhận và nhận thức. Và ta cũng nói lên với các tỳ-kheo rằng : [ngoài ra] không có bất cứ một thể dạng ‘Như Thế’ nào khác lại có thể cao siêu và tuyệt vời hơn.
(Nhà sư Thanissaro Bhikkhu còn cho biết thêm là chữ ‘Như thế’ tiếng Pali là ‘Tādin’, tương đương với tiếng Anh là Such, Like that, có nghĩa là tâm thức thăng bằng, bình lặng và trong sáng của một người tu tập đã thành đạt, một tâm thức đúng với nó ‘chỉ là như thế’. Tâm thức đó không thể mô tả được, cũng không thể nói ra được, một tâm thức không hề xao xuyến cũng không hề suy thoái. Sự nhận xét trên đây của nhà sư Thanissaro thật tinh tế : nếu không có chủ thể thì lấy ai ‘mô tả’ hay ‘nói ra’, nếu không có đối tượng thì nào có gì để mà ‘xao xuyến’ hay ‘suy thoái’).
« Bất cứ một thứ gì được trông thấy, nghe thấy và cảm nhận được,
Mà các kẻ khác bám chặt vào đấy và xem đấy là thật,
Thì một người chỉ là Như Thế (Như Lai) – giữa những con người bám víu đó –
Sẽ không xem đấy là thật cũng không xem đấy là giả mạo (lừa phỉnh).
« Từ lâu ta đã trông thấy rõ mũi tên [tẩm thuốc độc] đó,
Mà không biết bao nhiêu thế hệ con người,
Đã bám chặt vào nó và chết vì nó,
‘Ta biết, ta trông thấy : tất cả cũng chỉ là như thế !’
Tathāgata không hề vướng mắc vào bất cứ một thứ gì cả ».
(Đức Phật đứng ra ngoài sự chuyển động của thế giới sự sống và cả vũ trụ trong thể dạng trở thành, điều đó cũng có nghĩa là Đức Phật đứng ra ngoài hai yếu tố không gian và thời gian là hai thành phần chung của thế giới sự sống và của cả vũ trụ vật lý. Đấy là cách mà Đức Phật hòa nhập với hiện thực tại nơi này và trong thời điểm này, một cách thoát ra khỏi không gian và cả thời gian. Điều đó cho thấy Đức Phật có thể là đang đứng bên cạnh chúng ta tại nơi này, trong thời điểm này, thế nhưng chúng ta thì không ý thức được sự hiện hữu đó của Đức Phật, bởi vì chúng ta luôn ở thể dạng chuyển động trong không gian và cả thời gian, trong khi Đức Phật thì đứng yên một cách tự tại – ít nhất là qua tâm thức sâu xa của Ngài, một tâm thức vượt lên trên cả hai kích thước đó)
Vài lời ghi chú
Bài giảng thật căn bản và chủ yếu, nêu lên một sự vượt thoát hoàn toàn ra khỏi thế giới hiện tượng, một sự vượt thoát tuyệt đối : không có chủ thể nhận biết, cũng không có đối tượng được nhận biết. Điều đó nói lên một sự xóa bỏ toàn diện các hiện tượng trong thế giới, sự chuyển động của chúng trong thế giới và cả sự tương tác giữa chúng và các sự tạo tác (saṅkhāra) trong tâm thần của một cá thể. Sự xóa bỏ tuyệt đối đó phản ảnh ý niệm về sự trống không của thế giới hiện tượng trong triết học Phật giáo.
Thế giới hiện ra với một cá thể xuyên qua ngũ giác và tâm thần của cá thể ấy qua một sự chuyển động thường xuyên, vì vậy nếu nói lên là ‘tôi không biết’ hay ‘tôi biết nhưng cũng không biết’ là nói dối, hoặc nói lên là ‘tôi không biết nhưng cũng không phải là tôi không biết’ thì đấy là một cách tránh né, một cách nói sai. Đức Phật trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, nhận biết… được tất cả, hiểu biết được tất cả, thấu triệt được tất cả những gì mình trông thấy, nghe thấy…, và Đức Phật cũng khẳng định và xác nhận các điều đó, thế nhưng Đức Phật đứng ra ngoài các hiện tượng được trông thấy, nghe thấy… Đứng ra ngoài ở đây không có nghĩa là dửng dưng, tránh né hay khước từ sự hiểu biết, mà trái lại là một sự hiểu biết tinh tế, một thái độ hành xử sâu xa trước các hiện tượng trong thế giới, các sự vận hành của thế giới, tất cả cũng chỉ là như thế.
Xem các thứ ấy là các đối tượng rất thật để bám chặt vào chúng thì đấy là cách biến chúng trở thành một mũi tên tẩm thuốc độc, ‘mà không biết bao nhiêu thế hệ con người đã bám chặt vào nó và chết vì nó’. Chiến tranh, hận thù, xung đột chưa bao giờ chấm dứt trên toàn thế giới, tất cả chẳng qua là vì mỗi con người trong chúng ta đều cho rằng những gì mình trông thấy, nghe thấy… là thật, là đúng, là hữu lý để bám víu vào chúng, đuổi bắt chúng, hòa mình với chúng, cố gắng thực hiện chúng bằng được.
Đức Phật đứng ra ngoài các đối tượng của sự trông thấy, nghe thấy…, đồng thời cũng phủ nhận cả chủ thể của các hành động (kamma) trông thấy, nghe thấy… Vượt lên trên và ra bên ngoài cặp đối ngẫu chủ thể và đối tượng để cảm nhận được sự trống không tuyệt đối của hiện thức chính là sự Giải thoát nêu lên trong Giáo huấn của Đấng Thế Tôn.
Dưới đây chúng ta lại tiếp tục trích dẫn một bài giảng khác mang tựa là Bài thuyết giảng về một món nợ / Iṇa Sutta – AN 6.45 :
Bài thuyết giảng về một món nợ
Iṇa Sutta - AN 6:45
(Dựa theo ba bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Piya Tan và một bản dịch tiếng Anh không thấy ghi tên dịch giả trên trang mạng Suttafreinds, cùng một bản dịch tiếng Pháp của Bhikkhu Sekha)
« Này các tỳ kheo, nỗi khổ của một người chạy theo (đuổi bắt, lăn mình vào) các thú vui dục tính nào có khác gì với nỗi khổ của một người nghèo khó trong thế giới này ».
« Quả là như vậy, thưa Thế Tôn ».
« Này các tỳ kheo, nỗi khổ của một người nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt, lâm vào cảnh nợ nần, nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính trong thế giới này (người nghèo khó mơ ước được một miếng ăn ngon, người chạy theo các thú vui dục tính tơ tưởng các sự thích thú dục tính, cả hai đều là những người thiếu thốn, thèm khát và khổ đau như nhau) ».
« Quả là như vậy, thưa Thế Tôn »
« Này các tỳ kheo, nỗi khổ của một người nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt, lâm vào cảnh nợ nần, phải trả tiền lãi cho các món nợ của mình, nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính trong thế giới này ».
« Quả là như vậy, thưa Thế Tôn »
« Này các tỳ-kheo, nỗi khổ của một người nghèo khó, thiếu thốn, lâm vào cảnh nợ nần, không trả được tiền lãi đúng hạn kỳ, bị chủ nợ trách cứ, nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính trong thế giới này ».
« Quả là như vậy, thưa Thế Tôn ».
« Này các tỳ-kheo, nỗi khổ của một người nghèo khó, thiếu thốn, lâm vào cảnh nợ nần không trả được, chủ nợ trách cứ và kết tội, nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính trong thế giới này ».
« Quả là như vậy, thưa Thế Tôn ».
« Này các tỳ-kheo, nỗi khổ của một người nghèo khó, thiếu thốn, lâm vào cảnh nợ nần, bị kết tội và bị giam vào ngục, nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính trong thế giới này ».
« Quả là như vậy, thưa Thế Tôn ».
« Này các tỳ-kheo, nỗi khổ trong cảnh nghèo khó trong thế giới này nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính. Tiền lãi phải trả là một nỗi khổ trong thế giới này, nỗi khổ đó nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính. Tiền lãi phải trả là một nỗi khổ trong thế giới này, nỗi khổ đó nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính. Bị trách cứ là nỗi khổ trong thế giới này, nỗi khổ đó nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính. Tù tội là một nỗi khổ trong thế giới này, nỗi khổ đó nào có khác gì với nỗi khổ của một người chạy theo các thú vui dục tính.
« Cũng tương tự như vậy, này các tỳ-kheo, một người không phát động được một sự tin tưởng nào trước sự lợi ích của các phẩm giá cao quý hơn, không biết xấu hổ trước sự lợi ích của các phẩm giá cao quý hơn, không cảm thấy hối tiếc trước sự lợi ích của các phẩm giá cao quý hơn, thiếu nghị lực trước sự lợi ích của các phẩm giá cao quý hơn, không ý thức được sự khác biệt trước sự lợi ích của các phẩm giá cao quý hơn, thì trong lãnh vực khuôn phép của những người tu tập cao quý, người ấy sẽ chẳng khác gì như một kẻ khổ sở, thiếu thốn và bần hàn.
« Con người ấy – kẻ khổ sở ấy, kẻ thiếu thốn và bần hàn ấy, không có một sự tin tưởng (cương quyết) nào trước sự lợi ích của các phẩm giá cao hơn …, không biết xấu hổ…, không cảm thấy hối tiếc…, thiếu nghị lực…, không nhận thấy được sự khác biệt trước sự lợi ích của các phẩm giá cao hơn – dấn thân vào con đường thiếu đạo hạnh trong lãnh vực thân xác, dấn thân vào con đường thiếu đạo hạnh trong lãnh vực ngôn từ, dấn thân vào con đường thiếu đạo hạnh trong lãnh vực tâm thần. Đấy là những gì mà ta gọi là món nợ mà người ấy phải trả.
« Nhằm mục đích che dấu hành vi thiếu đạo hạnh ấy trong lãnh vực thân xác, người ấy tạo ra cho mình một sự mong muốn xấu xa: ‘Mong sao kẻ khác không hề biết đến hành vi trên thân xác ấy của tôi’. Người ấy mong muốn kẻ khác không hề biết đến hành vi trên thân xác ấy của mình. Người ấy ăn nói với chủ đích khiến kẻ khác không nghi ngờ gì cả về hành vi trên thân xác ấy của mình. Người ấy cố gắng làm cho kẻ khác không hề biết đến hành vi liên quan đến thân xác này của mình.
« Nhằm mục đích che dấu hành vi thiếu đạo hạnh ấy trong lãnh vực ngôn từ, người ấy tạo ra cho mình một sự mong muốn xấu xa : ‘Mong sao kẻ khác không hề biết đến hành vi ngôn từ của tôi’. Người ấy mong muốn kẻ khác không hề biết đến hành vi ngôn từ ấy của mình. Người ấy ăn nói nhằm chủ đích khiến kẻ khác không nghi ngờ gì cả về hành vi ngôn từ ấy của mình. Người ấy cố gắng làm cho kẻ khác không hề biết đến hành vi ngôn từ ấy của mình.
« Nhằm che dấu hành vi thiếu đạo hạnh trên phương diện tâm thần, người ấy tạo ra cho mình một sự mong muốn xấu xa : ‘Mong sao kẻ khác không hề biết đến hành vi tâm thần (các ý nghĩ) của tôi’. Người ấy mong muốn kẻ khác không hề biết đến hành vi tâm thần ấy của mình. Người ấy ăn nói nhằm chủ đích khiến kẻ khác không nghi ngờ gì cả về hành vi tâm thần của mình. Người ấy cố gắng làm cho kẻ khác không hề biết đến hành vi tâm thần ấy của mình. Đấy là những gì mà ta gọi là tiền lãi (interest / tiền lời) [từ món nợ] mà người ấy phải trả [trong thế giới này] ».
« Các vị đồng hành (các vị đồng tu) của người ấy có một cung cách hành xử ngay thật hơn trong cuộc sống thánh thiện, sẽ bàn bạc với nhau về người ấy: ‘Vị đáng kính ấy (vị tu hành ấy) làm những việc như thế này, vị đáng kính ấy hành xử như thế kia’. Ta bảo với các tỳ-kheo rằng đấy là sự cảnh cáo (notice / cảnh giác) đối với người ấy.
« Khi người ấy (người tỳ-kheo ấy) đi vào một khu rừng, ngồi xuống dưới một gốc cây hoặc trong một túp lều bỏ hoang, thì các ý nghĩ kém đạo hạnh và tồi tệ ấy sẽ dấy lên trong tâm trí người ấy. Ta bảo với các tỳ-kheo rằng đấy là một người đáng bị tống cổ (hounded) [ra khỏi Tăng đoàn].
« Con người ấy - kẻ nghèo khó, thiếu thốn và bần hàn ấy – dấn thân vào các cung cách hành xử thiếu đạo hạnh trong lãnh vực thân xác, dấn thân vào cung cách hành xử thiếu đạo hạnh trong lãnh vực ngôn từ, dấn thân vào cung cách hành xử thiếu đạo hạnh trong lãnh vực tâm thần – lúc cái chết xảy ra và thân xác tan rã, tất sẽ rơi vào cõi địa ngục hay trong tử cung của một con thú. Ta không thể hình dung được một cảnh ngục tù nào có thể độc ác hơn, đớn đau hơn là cảnh bị giam cầm nơi cõi địa ngục hay trong tử cung của một con thú, và đấy cũng là một thứ chướng ngại ngăn chận sự nhẹ nhõm thật tuyệt vời mang lại từ sự lánh xa mọi sự ràng buộc [tính dục] ».
Ta bảo rằng: Nghèo khó không những là nỗi khổ đau trong thế giới này,
Mà còn khiến rơi vào cảnh huống nợ nần!
Nợ nần trói chặt kẻ nghèo khó,
Nào khác gì với khổ đau bủa vây kẻ chạy theo các thú vui dục tính.
Một người bị nợ nần chồng chất,
Sẽ không sao tránh khỏi cảnh tôi đòi.
Càng lún sâu trong cảnh tôi đòi,
Người ấy càng cầu mong đạt được thật nhiều các thú vui dục tính.
Dù vậy, trong số các môn đệ cao quý (những người tu hành)
Vẫn có nhiều vị thiếu hẳn niềm tin (no faith / thiếu cương quyết, không giữ được lời cam kết),
Họ là những người không biết xấu hổ vì đạo đức, không biết sợ hãi vì đạo đức.
Họ dấn thân vào các hành động xấu xa.
Thực thi các hành động tồi tệ trên thân thể,
Phạm vào các ngôn từ tệ hại,
Phát động một tâm thần xấu xa,
[Thế nhưng] người ấy lại cứ cầu mong: ‘Không ai biết đến các điều ấy nơi con người của tôi’
Người ấy, trên thân thể,
Qua ngôn từ và cả bên trong tâm thức mình,
Luôn kín đáo tạo ra các kamma (nghiệp) xấu xa cho mình,
Tại nơi này và cả các nơi khác, mãi mãi không bao giờ chấm dứt.
Vi phạm những điều xấu xa, người ấy quả là dại dột,
Đấy là cách mà mình tạo ra các điều sai trái.
Tương tự như nợ nần chống chất đối với người nghèo khó,
Khổ đau sẽ bủa vây người ấy khi lăn mình vào các thú vui dục tính.
Các hành vi xấu xa sẽ không buông tha người ấy,
Từ tâm thần cho đến cả con tim,
Dù sống trong khung cảnh thôn làng hay những nơi hoang dã,
Thì người ấy cũng không sao tránh khỏi sự hối hận dấy lên với mình,
Thực thi các hành động xấu xa, người ấy quả là dại dột,
Trí tuệ lu mờ sẽ khiến mình vi phạm vào các hành vi sai trái,
Người ấy sẽ chui vào tử cung của một con thú,
Hay rơi vào cảnh đọa đày nơi địa ngục.
[Trái lại] đối với một người cương quyết, dù phải sống trong khung cảnh gia đình,
Thế nhưng biết bố thí những gì mình gặt hái được một cách lương thiện,
Thì sẽ đạt được hai mục đích : sự lợi ích trong hiện tại và niềm phúc hạnh trong các kiếp sống mai sau.
Sự hào phóng đó là cách giúp người tại gia tích lũy công đức cho mình.
Đối với một người cương quyết, rời bỏ gia đình,
Bước theo con đường đạo hạnh của những con người cao quý,
Biết xấu hổ, biết ăn năn, biết giữ gìn đạo hạnh của những con người cao quý,
Tất sẽ tạo được cho mình một cuộc sống thảnh thơi.
Mang lại cho mình sự thích thú vượt lên trên lãnh vực xác thịt.
Thức hiện được sự thanh thản (equanimity / sự bình lặng)
Loại bỏ được năm thứ chướng ngại (1), phát huy được sức kiên trì , hòa nhập vào các thể dạng jhāna (2)
Người ấy sẽ tạo được cho mình một tâm thức hợp nhất (3), tập trung (4) và minh mẫn (5).
Nhận biết được sự chấm dứt hoàn toàn của mọi thứ chướng ngại,
Thoát khỏi mọi sự bám víu,
Tâm thức của người ấy được giải thoát một cách thật sự, mang lại cho mình sự nhận thức,
Về sự chấm dứt hoàn toàn của mọi sự bám víu phát sinh từ sự trở thành (bhava).
[Người ấy thốt lên[n1] :] ‘Sự giải thoát của tôi đã hoàn toàn vững chắc’.
Sự ý thức tối thượng ấy là cả một niềm phúc hạnh tuyệt vời,
Không một mối lo buồn, không một chút ô nhiễm, tất cả chỉ là một sự an bình tỏa rộng.
Đấy là cách thoát khỏi món nợ [của sự thèm khát dục tính] » (6).
(1) Năm thứ chướng ngại, kinh sách Hán ngữ gọi là ngũ triền cái: 1: sự thèm muốn dục tính (kāmacchanda / tham dục), 2: sự ghét bỏ (byāpāda / sân hận, ác ý), 3: sự đờ đẫn (thīna middha / hôn trầm), 4: sự bồn chồn (uddhacca kukkucca / trạo cứ), 5: sự hoang mang (vicikicchā / hoài nghi).
(2) Jhāna: thiền-na, các thể dạng tâm thức đạt được trong lúc thiền định.
(3) Tâm thức hợp nhất: tâm thức cô đọng không bị phân tán.
(4) Tâm thức tập trung: sự chú tâm thăng bằng và vững chắc, còn gọi là ‘chánh niệm’.
(5) Minh mẫn: Trí tuệ.
(6) Ngoài ra cũng xin lưu ý là các câu kệ bên dưới một số các bài giảng thường được xem là các câu xuất hiện muộn, có nghĩa là được ghép thêm, nhằm chủ đích giúp dễ nhớ, hoặc tóm lược nội dung của bài giảng, nhưng không phải là những lời giảng trực tiếp của Đức Phật. Do đó có một số dịch giả không dịch các câu kệ này.
Vài lời ghi chú
Sống trong thế giới này cũng tương tự như mang trên cổ cái ách của một món nợ rất lớn : đó là sự thèm khát dục tính, phản ảnh một sự thiếu thốn nào đó, nói một cách khác, thì đấy là món nợ của bản năng truyền giống. Quả hết sức lạ lùng, tuy là một món nợ, thế nhưng nó lại có thể chuyển thành ‘tình yêu, tạo ra các sự ‘say đắm’, ‘đam mê’, nói lên một thứ ‘hạnh phúc’ nào đó. Thế nhưng qua bài thuyết giảng trên đây của Đức Phật, thì sự thèm khát dục tính không hẳn là ‘tình yêu’ mà là một ‘món nợ’. Sự thèm khát dục tính và sự thèm khát miếng ăn cả hai cùng phản ảnh một sự thiếu thốn như nhau, một sự nghèo khó như nhau. Sự thèm khát dục tính phản ảnh kín đáo sự thúc đẩy của bản năng truyền giống, sự mơ ước được đầy đủ phản ảnh kín đáo bản năng sinh tồn. Đối với bản năng truyền giống thì lực thúc đẩy của bản năng càng mạnh thì món nợ càng to : nào là đam mê, say đắm, tuyệt vọng, thất tình, nào là phấn son, nước hoa, quần áo…, đấy là tiền lãi tạo ra bởi món nợ ngày càng chồng chất ấy.
Nếu món nợ của bản năng truyền giống mang tính cách cá nhân, thì món nợ của bản năng sinh tồn quy mô hơn và rộng lớn hơn. Hai món nợ đè nặng lên vai của con người trong cuộc sống. Càng chạy theo tính dục và ‘tình yêu’, càng thèm khát miếng ăn và của cải, thì tiền lãi từ hai món nợ ấy sẽ càng cao. Thất tình, tuyệt vọng, khổ đau…, chiến tranh, xung đột, vơ vét…, chưa bao giờ chấm dứt trên hành tinh này. Cạo đầu sống cách ly, ôm bình bát khất thực từng ngày là thái độ của những người cương quyết không gánh vác các món nợ đó trong thế giới này.
Bài giảng về một món nợ trên đây nêu lên một sự ý thức trong lãnh vực đạo đức cá nhân của những con người bình dị trong xã hội, trái lại bài thuyết giảng dẫn dưới đây sẽ nêu lên các cấp bậc thực hiện siêu việt hơn nhiều, các cấp bậc này chỉ có thể đạt được bởi những người tu tập Phật giáo :
Bài thuyết giảng nơi đế quốc Kosala
Kosala Sutta - AN 10.29
(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Tanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Sujato, Piya Tan và bản tiếng Pháp của Rémy)
Trong bài giảng này Đức Phật nêu lên mười thể dạng tuần tự về các niềm phúc hạnh của chúng sinh, bắt đầu là niềm phúc hạnh của vua Pasedani cai trị đế quốc Kosala, tiếp theo là niềm phúc hạnh của vị Đại Phạm Thiên (Mahābrahmā), là vị Trời trong Ấn giáo quản lý toàn thể hệ thống vũ trụ, và tiếp tục sau đó là tám cấp bậc thiền định (jhāna[n2] ) của người tu tập. Thế nhưng tất cả mười cấp bậc phúc hạnh đó đều là những thứ bất toại nguyên, tức là đổi thay và chuyển biến, có nghĩa là không trường tồn. Duy nhất chỉ có Nibbāna / Niết-bàn mới thật sự là thể dạng thăng bằng và tinh khiết, trong đó không có bất cứ một thứ gì hiển hiện, cũng không có bất cứ một thứ gì biết mất. Bài giảng này như sau :
[1]- « Này các tỳ -kheo, dù xứ Kāsi (Ka-di) và xứ Kosala (Kiêu-tát-la) có rộng lớn và cách xa nhau cách mấy, thì cũng phải thừa nhận là vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của xứ Kosala là một vị thống lãnh tối cao. Thế nhưng không phải vì thế mà vua Pasenadi của xứ Kosala tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến (change / chuyển đổi, biến đổi / trong nguyên bản bằng tiếng Pali thì chữ này là vipariṇāma, và theo các lời bình giải trong Luận Tạng thì chữ này cũng có nghĩa là cái chết). Khi đã trông thấy được điều đó thì một môn đệ cao quý (một người tu hành) được học hỏi sẽ phải tỉnh ngộ, và khi đã tỉnh ngộ thì vị ấy sẽ không còn đam mê những gì tuyệt đỉnh, và càng không nghĩ đến những gì hạ cấp (tóm lại câu này có nghĩa là một vị đế vương dù cai trị một lãnh thổ thật rộng lớn đi nữa, thế nhưng không phải vì thế mà tránh khỏi sự đổi thay / vô thường, người tu hành phải nhìn vào đó như là một bài học).
(Xin nhắc lại, Kosala là một đế quốc lớn trong châu thổ sông Hằng vào thời đại của Đức Phật, tóm thâu và sáp nhập nhiều nước chư hầu, trong số này có nước Kāsi, thủ đô của vương quốc này cũng gọi là Kāsi, tên ngày nay là Bārāṇasī / Ba-la-nại, và gần nơi này là Sarnath / Lộc Uuyển, nơi mà Đức Phật gặp lại năm vị đồng tu với mình. Vua Pasedani của đế quốc Kosala là một đệ tử trung kiên của Đức Phật)
[2]- « Mặt trời và mặt trăng xoay vần, tỏa sáng và dù có chiếu rọi xa đến đâu, thì hệ thống vũ trụ với muôn ngàn thành phần cấu tạo cũng sẽ tỏa rộng xa đến đấy. Trong hệ thống với muôn ngàn thành phần đó, có hàng ngàn mặt trăng, hàng ngàn mặt trời, hàng ngàn ngọn núi Suneru (Tu-di / tên của một ngọn núi huyền thoại trong nền tín ngưỡng của Ấn độ nói chung), vua của tất cả các ngọn núi, có hàng ngàn lục địa Jambudīpa (lục địa Jambudīpa, còn gọi là Himava, là lục địa biểu trưng cho toàn thể bán lục địa Ấn Độ, tên gọi Himava cũng đã được vay mượn để đặt tên cho dãy Trường Sơn / Himalaya ngày nay. Jambudīpa theo kinh điển Phật giáo Theravada là một lục địa rộng lớn, bao quanh ngọn núi Sineru / Tu-di với hàng ngàn đỉnh núi thật cao. Dường như tín ngưỡng của người dân trong châu thổ sông Hằng đều chịu ít nhiều ảnh hưởng từ dãy núi Hi-mã Lạp-sơn ?), về phương Tây có hàng ngàn lục địa Goyana, về phương Bắc có hàng ngàn lục địa Kuru, về phương Đông có hàng ngàn lục địa Videha, có hàng ngàn bốn miền đại dương, có hàng ngàn cõi [thiên đường] Tusita (Đâu suất), có hàng ngàn cõi [thiên đường] của các vị Thiên nhân Sáng tạo (các vị Trời sáng tạo trong Ấn giáo), hàng ngàn cõi [thiên đường] của các vị Thiên nhân Quản lý (các vị Trời Quản lý trong Ấn giáo) an bài những gì tạo ra bởi các vị Thiên nhân Sáng tạo, có hàng ngàn thế giới của các vị Brahmā (Phạm Thiên / các vị Sáng tạo ra thế giới / creator of the world. Nói chung trong Ấn giáo có ba vị Trời / Brahmā / Phạm Thiên to lớn nhất : vị Sáng tạo, vị Quản lý và vị Chỉ huy tối thượng là Mahābrahmā / Đại Phạm Thiên). Và trong hệ thống vũ trụ gồm hàng ngàn thành phần đó thì vị Mahābrahmā (Đại Phạm Thiên, còn gọi là Đại Thiên Vương / vua của các vị Phạm Thiên) được xem là vị tối cao (nói chung cách mô tả trên đây là dựa vào sự hình dung của Ấn giáo về thế giới của các Thiên nhân trên cõi trời. Theo cách mô tả trên đây thì Đức Phật không những nêu lên giới trong Ấn giáo mà còn có hàng ngàn cõi thượng giới khác tương tự như vậy trong không gian). Thế nhưng kể cả vị Mahābrahmā (Đại Phạm Thiên) [trên cõi thượng giới] cũng không sao tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến. Khi đã trông thấy được điều đó thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ phải tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ thì vị ấy sẽ không còn đam mê những gì tuyệt đỉnh, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp.
[3]- « Đến một lúc nào đó thì vũ trụ này cũng sẽ đi đến chỗ chấm dứt của nó. Khi vũ trụ đi đến chỗ chấm dứt thì khi đó hầu hết chúng sinh sẽ hiển hiện trong cõi của các vị Ābhassarā (các vị Thiên nhân Tỏa sáng / The Radiant Devas). [Nhờ] mang thể dạng tâm linh, họ sẽ an trú thật lâu dài trong cõi ấy, họ tự nuôi dưỡng mình bằng các niềm phúc hạnh, tự tỏa ra ánh sáng, họ vượt xuyên ngang vòm trời và ngự trị trong sự huy hoàng (những gì nêu lên trên đây là dựa vào các sự hình dung trong Ấn giáo). Thế nhưng các vị Thiên nhân Ābhassarā (các vị Thiên nhân Tỏa sáng) đó cũng phải gánh chịu sự đổi thay và chuyển biến (đối với các tín ngưỡng độc thần ngày nay, tuy không chủ trương đa thần như trường hợp của Ấn giáo, thế nhưng mỗi tín ngưỡng đều phải g ánhchịu sự phân tán và ly giáo, tạo ra các tông phái khác nhau, và mỗi tông phái tôn thờ một vị Trời riêng). Khi đã trông thấy được điều đó thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ thì vị ấy không còn đam mê những gì tuyệt đỉnh, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp.
[4]- « Có tất cả mười thể loại tổng thể (totality-dimension / đặc tính toàn diện của môt sự vật / trong nguyên bản bằng tiếng Pali thì chữ này là kasiṇa (whole, totality, entire / tổng quát, tổng thể, bao hàm tất cả mọi khía cạnh của một sự vật, và ý nghĩa tổng thể trong thuật ngữ này cũng được sử dụng như là một đối tượng thiền định). Vậy mười thể loại tổng thể (kasiṇas / toàn diện) ấy là gì ? Chẳng hạn như một người nào đó quán thấy được địa cầu qua sự tổng thể của nó : bên trên, bên dưới, khắp mọi hướng, không một chút phân tách (không một sự phân biệt nào, không một khía cạnh cá biệt nào), hoàn toàn vô tận (immeasurable / vô biên, hoàn toàn chỉ là địa cầu qua tính cách toàn diện của nó). Chẳng hạn như một người nào đó nhận thấy nước qua tổng thể của nó […] (lập lại câu trên đây, nhưng đã được cắt bớt để tránh sự lập đi lập lại), nhận thấy lửa qua tổng thể của nó […], nhận thấy gió qua tổng thể của nó […], nhận thấy màu xanh dương qua tổng thể của nó […], nhận thấy màu vàng qua tổng thể của nó […], nhận thấy màu đỏ qua tổng thể của nó […], nhận thấy màu trắng qua tổng thể của nó […], nhận thấy không gian qua tổng thể của nó […], nhận thấy tri thức (consciousness) qua tổng thể của nó : bên trên, bên dưới, khắp mọi hướng, không một chút phân tách nào. Đấy là mười thể loại tổng thể (các chiếc đĩa mang màu sắc khác nhau thường được dùng như là các đối tượng của sự chú tâm trong phép luyện tập thiền định nhằm biểu trưng cho tính các toàn diện của một vật thể. Sự chú tâm vào một thể dạng đơn thuần và duy nhất mang chủ đích phát huy thể dạng định /samatha, là thể dạng thăng bằng, thanh thản, tập trung và bình lặng của tâm thức). Có các chúng sinh thực hiện được thể dạng [chú tâm] đó, tuy nhiên không phải vì thế mà họ tránh khỏi được sự đổi thay và chuyển biến. Khi đã trông thấy được điều đó thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ thì vị ấy không còn đam mê những gì thượng thặng, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp.
[5]- « Có tám thể dạng chủ động [tâm thần] (tám cấp bậc ‘chánh niệm’ / mindfullness / pleine conscience, tức là tám cấp bậc tập trung tâm thần từ thấp đến thật cao. Trên đây chúng ta thấy vua Pasedani thành công trong việc quản lý đế quốc Kosala rộng lớn cùng các nước chư hầu trong thế giới này. Trên không trung thì đám mây mù của các vị Trời trong Ấn giáo cũng đạt được cõi thiên giới rạng ngời và đầy phúc hạnh. Sau hết là tám cấp bậc thành đạt của người tỳ-kheo trong phép luyện tập sự chú tâm). Vậy tám thể dạng chủ động [tâm thần] ấy là gì ?
(1) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được hình tướng bên trong [của các sự vật], [đồng thời] trông thấy cả hình tướng bên ngoài, [cả hai] mang tính cách giới hạn (limited / hạn hẹp, có nghĩa là vẫn còn phân biệt), [chẳng hạn như] xinh đẹp hay xấu xí. Khi đã chủ động được chúng (nhận biết được bản chất hình tướng bên trong và trông thấy cả bản chất hình tướng bên ngoài, có nghĩa là ‘nhận thức’ được ‘tổng thể’ của chúng) thì người ấy sẽ ý thức được là ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy [bản chất mang tính cách tổng thể của một sự vật]’. Đấy là cấp bậc chủ động [tâm thần] (chánh niệm) thứ nhất.
(Thí dụ trông thấy một ‘nhân dạng’ thì nhận biết được nhân dạng ấy từ ‘bên trong’ là một ‘chúng sinh’, đồng thời cũng trông thấy nhân dạng ấy từ ‘bên ngoài’ là một người phụ nữ, và người phụ nữ ấy có thể là xinh đẹp hay xấu xí. Tóm lại, trông thấy một ‘nhân dạng’, nhận ra là một người phụ nữ, xấu xí hay xinh đẹp, đồng thời ý thức được qua tổng thể của ‘nhân dạng’ ấy là một ‘chúng sinh’, thì đấy là cấp bậc thứ nhất mang lại từ phép luyện tập thiền định, và cũng có thể hiểu sự hiểu biết tiên khởi này là cấp bậc ‘chánh niệm’ thứ nhất)
(2) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được hình tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy cả hình tướng bên ngoài mang tính cách vô tận (immeasurable / thường xuyên biến thể, không thể thăm dò, xác định, dự đoán hay đo lường được), [chẳng hạn] như xinh đẹp hay xấu xí. Khi đã chủ động được chúng (nhận thức được tổng thể của chúng, gồm bên trong và cả bên ngoài), thì người ấy sẽ ý thức được là: ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’. Đấy là cấp bậc thứ hai của sự chủ động [tâm thần] (cấp bậc thứ hai của thể dạng ‘chánh niệm’).
(Tương tự như trường hợp trên đây : nhận biết được nhân dạng từ ‘bên trong’ là một ‘chúng sinh’, hiện ra ‘bên ngoài’ là một ‘phụ nữ’ mang các đặc tính ‘phụ thuộc’ biến dạng đến vô tận, chẳng hạn như xinh đẹp hay xấu xí. Trên địa cầu có hàng tỉ người phụ nữ, nhưng không có hai người phụ nữ hoàn toàn mang các đặc tính bên ngoài giống nhau dù là xinh đẹp hay xấu xí)
(3) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình tướng bên ngoài mang tính cách giới hạn, xinh đẹp hay xấu xí. Khi đã chủ động được chúng (qua tổng thể của chúng, tức là bên trong và cả bên ngoài), thì người ấy sẽ ý thức được là: ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’. Đấy là cấp bậc thứ ba của sự chủ động [tâm thần].
(Trông thấy một nhân dạng thì nhận thức được tính cách ‘vô thực thể’ bên trong của nhân dạng ấy, ‘vô thực thể’ ở đây có nghĩa là sự biến dạng ‘vô tận’ của nhân dạng ấy chẳng hạn như một bào thai, một đứa bé hay một cụ già, v.v., kể cả trông thấy được tính cách ‘trống không’ / anatta nơi sự hiện hữu của nhân dạng ấy, đồng thời cũng trông thấy được nhân dạng đó từ bên ngoài là một phụ nữ, có thể là xinh đẹp hay xấu xí, là các đặc tính giới hạn và tạm thời)
(4) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy cả phi-hình-tướng bên ngoài mang tính cách vô tận, xấu xí hay xinh đẹp. Khi đã chủ động được chúng, thì vị ấy sẽ nhận thức được là: ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’. Đấy là cấp bậc thứ tư của sự chủ động [tâm thần].
(Thí dụ trông thấy một nhân dạng thì nhận thức được tính cách phi-hình-tướng từ bên trong của nhân dạng đó, tức là tính cách phi-thực-thể của nhân dạng đó, đồng thời cũng trông thấy được các đặc tính bên ngoài là một người phụ nữ, chẳng hạn như xinh đẹp hay xấu xí, là các các đặc tính luôn biến dạng và đổi thay, không đo lường được, không tính toán hay xác định được)
(5) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được phi-hình-tướng bên trong (tính cách vô thực thể của một sự vật), [đồng thời] trông thấy cả hình tướng bên ngoài [chẳng hạn như] mang màu xanh lam (blue), màu xanh lam là màu của nó, màu xanh lam là đặc tính của nó, màu xanh lam hắt lên (glow / tỏa ra) từ sự phản chiếu của chính nó. Tất cả tương tự như màu xanh lam của một đóa hoa của loại cây lanh (flax / lin / cây gai), hoặc tương tự như một tấm vải mút-xơ-lin (vải the) của thị trấn Vārāṇasī (Vārāṇasī muslin / vào thời đại của Đức Phật, Vārāṇasī / Ba-la-nại là một vùng đô thị rộng lớn, phồn thịnh, nhiều hàng hóa đủ loại, nổi tiếng nhất là các loại nước hoa, vải the mút-xơ-lin…, và cũng là nơi xuất phát các đoàn thương buôn chuyên chở hàng hóa đi khắp nơi), bóng loáng cả hai mặt, mang màu xanh lam, màu xanh lam là màu của nó, màu xanh lam là đặc tính của chính nó, màu xanh lam hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Và cũng tương tự như vậy, một người nhận thức được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình tướng bên ngoài là màu xanh lam, màu xanh lam là màu của chính nó, màu xanh lam là đặc tính của nó, màu xanh lam hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Khi đã chủ động được chúng (qua tổng thể của chúng, từ bên trong và cả bên ngoài của chúng) thì người ấy sẽ ý thức được : ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’ (nhưng không diễn đạt gì cả: hình tướng bên trong của nó là như thể, màu sắc bên ngoài của nó là như thế, tất cả thuộc vào tổng thể của chúng). Đấy là cấp bậc thứ năm của sự chủ động [tâm thần].
(Nhận thức được tính cách phi-thực-thể từ bên trong một vật thể và đồng thời trông thấy được cả tính các tự-tại của vật thể ấy từ bên ngoài. Sự quán thấy đó là cấp bậc chánh niệm thứ năm. Ngoài ra cũng có thể hiểu các câu : ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’ như là cách nói lên Trí tuệ / Wisdom / Sagesse trong Phật giáo ).
(6) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được phi-hình-tướng (phi thực thể) bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình tướng bên ngoài [chẳng hạn như] mang màu vàng, màu vàng là màu của nó, màu vàng là đặc tính của nó, màu vàng hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Tất cả tương tự như một đóa hoa màu vàng của loại cây kaṇṇikāra (tư liệu của Wisdom Library cho biết tên khoa học ngày nay của loại cây này là Pterospermum acerifolium, một loại cây thuộc họ Cẩm quỳ / Malvaceae), màu vàng là màu của nó, màu vàng là đặc tính của nó , màu vàng hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó, tương tự như một tấm vải the mút-xơ-lin của thị trấn Vārāṇasī, bóng loáng cả hai mặt, mang màu vàng, màu vàng là màu của nó (của tấm vải), màu vàng là đặc tính của nó, màu vàng hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Và cũng tương tự như vậy, một người nhận biết được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình tướng bên ngoài, [chẳng hạn như] mang màu vàng, màu vàng là màu của nó, màu vàng là đặc tính của nó, màu vàng hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Khi đã chủ động được chúng, thì người ấy sẽ ý thức được: ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’. Đấy là cấp bậc thứ sáu của sự chủ động [tâm thần].
(Nhận thức được bản chất vô-thực-thể từ bên trong của một vật thể, đồng thời trông thấy được cả tính cách tuy là tự tại nhưng có thể biến dạng của nó từ bên ngoài. Đấy là cấp chánh niệm thứ sáu)
(7) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được phi-hình-tướng (phi-thực-thể) bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình-tướng từ bên ngoài [chẳng hạn như] mang màu đỏ, màu đỏ là màu của nó, màu đỏ là đặc tính của nó, màu đỏ là màu hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Tất cả cũng tương tự như một đóa hoa màu đỏ của loại cây bandhujīvaka (theo tư liệu của Wisdom Library thì tên khoa học ngày nay của loại cây này là Pentapetes phœnicea, tên tiếng Việt là cây ‘tí ngọ’ hay cây ‘ngũ phướng’), màu đỏ là màu của nó, màu đỏ là đặc tính của nó, màu đỏ là màu hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó, tương tự như một tấm vải mút-xơ-lin của thị trấn Vārāṇasī, bóng loáng cả hai mặt, mang màu đỏ, màu đó là màu của nó, màu đỏ là đặc tính của nó, màu đỏ là màu hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Và cũng tương tự như vậy, một người nhận biết được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình tướng bên ngoài, [chẳng hạn như] mang màu đỏ, màu đỏ là màu của nó, màu đỏ là đặc tính của nó, màu đỏ là màu hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Khi đã chủ động được chúng, thì người ấy sẽ ý thức được: ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’. Đấy là cấp bậc thứ bảy của sự chủ động [tâm thần].
(Các trường hợp thứ 5, thứ 6 và thứ 7 nêu lên tổng thể là một cánh hoa, nhưng là các cánh hoa thuộc ba thể loại cây khác nhau, đó là tính cách phi-thực-thể của chúng, đồng thời cũng trông thấy được các màu sắc rất thật và tự tại của chúng là màu xanh lam, màu vàng và màu đỏ, tuy là các màu tự tại của chúng nhưng thật ra là các đặc tính tùy thuộc vào bản chất của từng thể loại, do đó các màu sắc ấy cũng chỉ là phi-thực-thể)
(8) « Đấy là trường hợp của một người nhận thức được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình tướng bên ngoài, [chẳng hạn như] mang màu trắng, màu trắng là màu sắc của nó, màu trắng là đặc tính của nó, màu trắng là màu hắt lên từ sự phản chiếu của chính nó. Tất cả cũng tương tự như một vì sao mai mang màu trắng lúc hừng đông, màu trắng là màu sắc của nó, màu trắng là đặc tính của nó, màu trắng hắt lên từ sự tỏa sáng của chính nó, tương tự như một tấm vải mút-xơ-lin của thị trấn Vārāṇasī, bóng loáng cả hai mặt, mang màu trắng, màu trắng là màu của nó, màu trắng là đặc tính của nó, màu trắng hắt lên từ sự tỏa sáng của chính nó. Và cũng tương tự như vậy, một người nhận biết được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình-tướng bên ngoài, [chẳng hạn như] mang màu trắng, màu trắng là màu của nó, màu trắng là đặc tính của nó, màu trắng hắt lên từ sự tỏa sáng của chính nó. Khi đã chủ động được các chúng, thì người ấy sẽ ý thức được: ‘Tôi hiểu biết, Tôi trông thấy’. Đấy là cấp bậc thứ tám của sự chủ động [tâm thần] (cấp bậc thứ tám của thể dạng ‘chánh nhiệm’ : hiện thực đúng với nó là như vậy, hiện thực là ‘như thế’, từ bên trong nó và cả những gì phụ thuộc và liên hệ với chính nó).
(Cấp bậc chánh niệm thứ 8 nêu lên một sự mở rộng, một vì sao trong vũ trụ, không mang một màu sắc nào cả. Bên trong là phi-hình-tướng, bên ngoài chỉ là một sự tỏa sáng lóe lên từ một cái gì đó vô-thực-thể, tất cả chỉ là một đốm lóe sáng phi-hình-tướng giữa không gian)
« Trên đây là tám cấp bậc chủ động [tâm thần] (chánh niệm). Cấp bậc siêu việt nhất trong số tám cấp bậc đó là thể dạng của một người nhận biết được phi-hình-tướng bên trong, [đồng thời] trông thấy được cả hình tướng bên ngoài, [chẳng hạn như] mang màu trắng, màu trắng là màu của nó, màu trắng là đặc tính của nó, màu trắng hắt lên từ sự tỏa sáng của chính nó. Và cũng từng có các chúng sinh nhận thức được [phi-hình tướng bên trong và hình tướng bên ngoài] theo cung cách đó. Dù có nhận thức được theo cung cách đó đi nữa nhưng không phải vì thế mà chúng sinh ấy tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến. Khi đã trông thấy được điều đó thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ thì vị ấy sẽ không còn đam mê những gì tối thượng, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp.
[6]- « Có bốn phương pháp tu tập mang lại thành quả. Vậy bốn phương pháp ấy là gì ? [Trước hết] là phương pháp khổ nhọc (painful) nhưng thành quả mang lại rất chậm chạp ; phương pháp [thứ hai] cũng rất khổ nhọc nhưng thành quả mang lại nhanh chóng ; phương pháp [thứ ba] nhẹ nhàng (pleasant / agréable / dễ chịu, thanh thoát thú vị) nhưng thành quả mang lại chậm chạp ; phương pháp [thứ tư] siêu việt hơn cả, đó là phương pháp nhẹ nhàng nhưng thành quả mang lại thì nhanh chóng. Và cũng từng có các chúng sinh thành công theo phương pháp [nhẹ nhàng] này. Dù gặt hái được thành quả bằng phương pháp [nhẹ nhàng] này đi nữa, nhưng không phải vì thế mà các chúng sinh ấy tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến. Khi đã trông thấy được điều đó thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ thì vị ấy sẽ không còn đam mê những gì tối thượng, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp.
[7]- « Có bốn sự nhận thức (perception / sự nhận biết, sự quán thấy). Vậy bốn sự nhận thức ấy là gì? Đó là trường hợp của một người có một sự nhận thức giới hạn (limited / thu hẹp / một sự nhận thức bình dị, thông thường) ; đó là trường hợp của một người nhận thức với một tâm thức mở rộng (một sự nhận thức hiện lên qua các thể dạng lắng sâu của tâm thức trong phép thiền định) ; đó là trường hợp của một người nhận thức mang tính cách tính cách vô tận (tương tự như sự nhận thức bao quát trong lảnh vực tâm thần của các vị Phạm thiên / Brahmavihāra); đó là trường hợp của một người nhận thức được sự trống không (nothingness / vacuité), tức là sự nhận thức : ‘Chẳng có gì cả’ (There is nothing). Trong số bốn sự nhận thức đó thì sự nhận thức về sự trống không là siêu việt hơn cả. Và cũng từng có các chúng sinh thực hiện được sự nhận thức theo cung cách đó. Dù thực hiện được sự nhận thức theo cung cách đó đi nữa, thế nhưng không phải vì thế mà các chúng sinh ấy tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến. Khi đã trông thấy được điều đó, thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ, thì vị ấy không còn đam mê những gì tối thượng, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp (đạt được sự cảm nhận tối thượng về sự trống không của hiện thực chưa phải là sự giải thoát cuối cùng).
[8]- « Đối với một quan điểm thượng thặng bên ngoài [Dhamma / Đạo Pháp] (có nghĩa là không trực tiếp thuộc vào thành phần giáo huấn của Đức Phật) thì [đại loại] như thế này: ‘Tôi không thể nào là như thế được ; điều đó không thể nào xảy ra với tôi ; tôi không thể nào trở thành như thế được ; chuyện ấy không thể nào liên quan đến tôi’ (không chấp nhận sự trở thành, thù ghét quá trình già nua và cái chết). Đối với một người mang một tầm nhìn như thế thì người ta có thể bảo rằng người ấy là một người ước mong gánh nặng (unloathsomeness) của sự trở thành (bhava / becoming / sự hình thành, sự hiện hữu) không đè nặng lên con người của tôi, kể cả mong cầu sự trở thành phải chấm dứt đối với tôi. [Thật ra] cũng từng có các chúng sinh đã tạo được cho mình tầm nhìn đó (cảm thấy tương lai và cuộc sống quá nặng nề và ước mong đặt gánh nặng ấy xuống). Và dù cho họ có thực hiện được quan điểm đó đi nữa, thế nhưng không phải vì thế mà họ tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến (tức là quá trình của sự già nua và cái chết). Khi đã trông thấy được điều đó, thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ thì vị ấy sẽ không còn đam mê những gì tối thượng, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp.
[9]- « Có những người tu hành [thuộc các tôn giáo khác] và những vị bà-la-môn giảng dạy (quảng bá, chủ xướng) ‘thể dạng tinh khiết tột đỉnh của tâm thức’ (theo những lời bình giải trong Tạng Luận thì thể dạng tinh khiết tột đỉnh trong trường hợp này có nghĩa là thể dạng ‘phi-cảm-nhận’ nhưng cũng không hẳn là ‘không-cảm-nhận’). Và những vị đã thực hiện được ‘thể dạng tinh khiết tột đỉnh’ đó [được xem] là những vị thượng thặng, trong số họ cũng có những vị thực hiện được một cách hoàn hảo sự trống không [của mọi hiện tượng], giúp mình hòa nhập và an trú trong thể dạng phi-cảm-nhận nhưng cũng không hẳn là không-cảm-nhận, và khi đã trực tiếp nhận thức và thực hiện được thể dạng đó thì họ có thể giảng dạy Dhamma của mình [cho kẻ khác]. [Và dù cho] họ có thể giảng dạy Dhamma của mình [cho kẻ khác] đi nữa, thế nhưng không phải vì thế mà họ tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến (bhava / sự trở thành / sự hiện hữu). Khi đã trông thấy được điều đó, thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ tỉnh ngộ. Khi đã tỉnh ngộ, thì vị ấy sẽ không còn đam mê những gì tối thượng, lại càng không nghĩ đến những gì hạ cấp.
[10]- « Có những người tu hành và những vị bà-la-môn giảng dạy (chủ xướng) sự vượt thoát hoàn toàn khỏi mọi hình thức bám víu tại nơi này và trong hiện tại này (có nghĩa là đạt được thể dạng Nibbāna tại nơi này và trong hiện tại này). Trong số họ có những vị đã thực hiện được thật hoàn hảo thể dạng vượt thoát khỏi mọi sự bám víu tại nơi này và trong hiện tại này, họ [được xem] là những vị thượng thặng, điều đó có nghĩa là họ đã quán thấy được (trong nguyên bản bằng tiếng Pali thì chữ này là yathā·bhūtaṃ, có nghĩa là nắm bắt được, thấu triệt được) sự vận hành của sáu cơ sở của sự tiếp xúc giác cảm (ngũ giác và tâm thần), gồm sự hiển hiện của chúng, sự tan biến của chúng, các sự thỏa mãn (các sự thích thú, vừa lòng) cũng như các mối hiểm nguy do chúng tạo ra. Khi ta giảng dạy về các điều ấy, giải thích về các điều ấy, thì một số người tu hành và các vị bà-la-môn, không căn cứ vào một nền tảng [vững chắc] nào cả, đã rơi vào sự sai lầm và lệch lạc bằng cách tạo ra một hình ảnh méo mó về ta, chẳng hạn như nói lên: ‘Vị Samana Gotama (vị Sa-môn Cồ-đàm, chữ sa-môn / samana có nghĩa là ‘một người từ bỏ cuộc sống thế tục để bước theo con đường tu hành’,và chữ Cồ-đàm / Gotama là họ của Đức Phật) không thuyết giảng về ý nghĩa toàn diện (đầy đủ) về các sự thích thú dục tính, cũng không thuyết giảng đầy đủ về Rūpa (hình tướng / thân xác / forms) và những sự cảm nhận [giác cảm] (feelings). ‘Thế nhưng ta phải nói lên rằng ta đã giảng dạy thật trọn vẹn về [những gì liên quan đến] các sự thích thú tính dục, về [những gì liên quan đến] Rūpa (thân xác, hình tướng vật chất), cùng [những gì liên quan đến] các sự cảm nhận [phát sinh từ các cơ quan giác cảm] (nói chung là Đức Phật nêu lên và giảng dạy thật đầy đủ các sự hiểu biết liên quan đến sự đam mê tính dục, sự hiện hữu của thân xác cùng sự vận hành của sáu cơ quan giác cảm – lục giác và tâm thần – tạo ra một sự hiểu biết siêu việt, giúp người tu tập thực hiện được thể dạng Nibbāna tại nơi này và trong hiện tại này). Và ta cũng phải nói lên rằng ta đã thoát ra khỏi mọi sự thèm khát, không còn bám víu vào bất cứ một thứ gì cả, hoàn toàn bình thản trước những gì tại nơi này và trong lúc này (câu này có nghĩa là Đức Phật đã thực hiện được ngay trong hiện tại thể dạng Nibbana / Niết-bàn, một thể dạng không có gì hiển hiện cũng không có gì biến mất, hoàn toàn đứng ra ngoài sự chuyển động của thế giới hiện tượng) ».
Vài lới ghi chú
Trước hết trên phương diện hình thức, chúng ta nhận thấy trong bài giảng này cũng như trong một số lớn các bài giảng khác, có nhiều câu mang cùng một cấu trúc giống như nhau, có nghĩa là lập đi lập lại, sự khác biệt giữa các câu này chỉ là một vài chữ, một vài vài yếu tố hay ý niệm nào đó. Thế nhưng đấy lại là đặc tính chung của phần lớn các bài giảng, điều đó đôi khi có thể khiến chúng ta cảm thấy các bài giảng quá dài dòng. Tại sao lại như vậy ? Lý do là vì chúng ta sống trong một khung cảnh tiến bộ hơn, chúng ta có chữ viết, có máy ghi âm, chúng ta có thể xem lại hay nghe lại một phân đoạn hay một câu nào đó rất dễ dàng, thế nhưng đối với người xưa thì phải học thuộc lòng và truyền khẩu cho nhau, lập đi lập lại là cách giúp họ dễ nhớ. Mỗi câu mới chỉ được ghép thêm một chữ, một yếu tố hay một ý niệm mới so với câu trước đó. Các dịch giả ngày nay thường tìm cách rút ngắn các câu lập đi lập lại, thế nhưng người xưa thì phải chấp nhận sự dài dòng đó để việc học thuộc lòng được dễ dàng hơn. Sở dĩ nêu lên điều này là để nhắc nhở chúng ta là việc tu tập luôn đòi hỏi một sư kiên nhẫn và cố gắng. Ngày nay, các phương tiện truyền thông tiến bộ hơn nhiều, đôi khi chúng ta cảm thấy có nhiều người vì thiện tâm hoặc vì hăng say, đã dựa vào các phương tiện dễ dàng và thuận lợi đó để viết lách hay thuyết giảng, nhưng không hề tra cứu, tìm hiểu hay căn cứ vào một bài giảng nào của Đức Phật. Điều đó là cả một sự đáng tiếc. Do vậy, chúng ta thường tạo ra một hình ảnh méo mó về Đức Phật, diễn giải sai lầm và lệch lạc về giáo lý Phật giáo, hạ xuống quá thấp một nền Tư tưởng siêu việt của Đấng Thế Tôn. Bài giảng trên đây cho thấy điều đó cũng đã từng xảy ra đối với một số người tu hành và các vị bà-la-môn vào thời đại của Đức Phật, và chính Đức Phật cũng đã phải cảnh giác họ : ‘Khi ta giảng dạy về các điều ấy, giải thích về các điều ấy, thì một số người tu hành và các vị bà-la-môn, không căn cứ vào một nền tảng [vững chắc] nào cả, họ rơi vào sự sai lầm và lệch lạc bằng cách tạo ra một hình ảnh méo mó về ta’.
Điểm cần lưu ý thứ hai trên phương diện hình thức là các sự kiện, các yếu tố hay các ý niệm nêu lên trong các bài giảng hầu hết được xác định bằng các con số, chẳng hạn như bài giảng trên đây nêu lên mười thành quả : sự thành đạt của một vị đế vương cai trị một đế quốc rộng lớn, sự thành đạt của các vị Phạm Thiên tạo dựng, an bài và quản lý vũ trụ, và sau đó là tám cấp bậc thành đạt trong việc luyện tập thiền định của một người tu hành. Cách nêu lên các con số như vậy là để giúp thêm vào việc học thuộc lòng, nếu không nhớ được đầy đủ các yếu tố hay các ý niệm đúng theo các con số đã được xác định thì người tu tập sẽ ý thức được ngay. Xin nhắc lại, toàn bộ Aṅguttara Nikāya / Tăng Chi Bộ Kinh gồm hơn chín ngàn câu giảng, nhất thiết đều được liệt kê và đánh số như trên đây, và bài giảng trên đây nằm chung trong nhóm các bài giảng nêu lên mười yếu tố (Dasaka Nipata). Và cũng mạn phép nhắc thêm là chúng ta cũng có trích dẫn trên đây một bài giảng mang tựa Bhava Sutta / Bài giảng về sự hiện hữu - AN 3.76. Bài giảng này nêu lên ba ý niệm : thửa ruộng nói lên hậu quả phát sinh từ cung cách hành xử (conduct in deed / kamma / hành động / nghiệp trong quá khứ), hạt giống nói lên ý nghĩ trong tâm thức (thought / tác ý), hơi ẩm nói lên hành động (act / kamma trong hiện tại), do vậy bài giảng này được xếp chung với các bài giảng cùng nêu lên ba ý niệm, ba sự kiện hay ba yếu tố (Tika Nipāta). Sở dĩ dài dòng như trên đây là để nêu lên cách phân loại và sắp xếp các bài giảng dựa vào các con số thống kê, nhưng không dựa vào các cấp bậc hiểu biết của người nghe giảng, cũng không dựa vào các chủ để. Cách sắp xếp đó chỉ nhằm vào mục đích phân loại và dễ nhớ, loạt sách này là một sự cố gắng, một sự liều lĩnh, gộp chung một số bài giảng theo từng chủ đề bao quát, dựa vào một số đường nét chủ yếu trong toàn bộ Giáo huấn của Đức Phật.
Các nhận xét trên đây nhất thiết liên quan đến phần hình thức của bài giảng, dưới đây chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu xa hơn về phần nội dung. Thoạt nhìn thì nội dung của bài giảng thật ngắn gọn : dù là đạt được thành quả nào, một cấp bậc hiểu biết nào, thì tất cả – từ các vị Phạm Thiên trên cõi thiên đến vua chúa, kể cả những người tu hành trong thế giới này – khi đã vướng mắc vào sự trở thành (bhava / becoming / existence / sự hiện hữu) thì không có một ai tránh khỏi sự đổi thay và chuyển biến, có nghĩa là không thể vượt lên trên sự chuyển động của thế giới, tách ra khỏi sự vận hành của vũ trụ. Thế nhưng đồng thời thì Đức Phật cũng nêu lên các phương cách giúp chúng ta vượt thoát khỏi sự chuyển động của thế giới, đứng ra bên ngoài sự vận hành của vũ trụ. Các phương cách ấy là gì : ý thức được sự tàn phá của sự thèm khát dục tính, ý thức được sự hiện hữu của thân xác (rūpa) như là một hậu quả cụ thể, gánh chịu quá trình của sự trở thành (bhava) như là một hậu quả cụ thể, đưa đến sự hình thành của một thân xác mới, một rūpa mới cho chính mình. Xin lưu ý chữ rūpa mang hai ý nghĩa : hình tướng (form) và thân xác vật chất (material form), là hai thứ mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ. Hơn thế nữa, sáu cơ quan giác cảm trên thân xác đó – ngũ giác và tâm thần – cũng cùng gánh chịu các ảnh hưởng từ quá khứ, chúng tiếp tục vận hành trên thân xác mới, qua các khả năng hạn hẹp, phiến diện, u mê và lầm lẫn (avijjā / vô minh) của chúng, để nhào nặn và tạo ra một sự tạo tác (saṇkhāra) mới, tham gia vào quá trình trở thành (bhava) của thân xác mới. Đức Phật nêu lên và giải thích thật trọn vẹn và đầy đủ Dhamma của Ngài về sự diễn tiến đó, thế nhưng ngay trong thời đại của Ngài, những người tu hành thuộc các tín ngưỡng khác và cả những người bà-la-môn, là những người thuộc đẳng cấp cao nhất trong xã hội, cũng đã chỉ trích Dhamma của Ngài, tạo ra một hình ảnh méo mó về Ngài. Trong hơn 25 thế kỷ trong suốt quá trình quảng bá, không biết bao nhiêu các sự thêm thắt méo mó, các sự diễn đạt lệch lạc, các sự bày vẽ màu mè đã được ghép thêm vào Dhamma của Đức Phật. Điều đó khiến chúng ta đôi khi cũng nên nhìn lại xem mình có bước đúng trên con đường mà Đấng Thế Tôn đã vạch ra cho chúng ta hay không. Chúng ta hãy nêu lên một vài thí dụ cụ thể :
Chẳng ta thường nghe nói : ‘Niệm Phật thành Phật’, thế nhưng chúng ta có thể tự hỏi thành Phật là như thế nào ? Thành Phật là để ôm bình bát đi khất thực hay là để kẻ khác tạc tượng và thờ phụng mình, cầu xin mình đủ mọi chuyện ? Hoặc đôi khi chúng ta cũng có thể đọc thấy các câu như sau : ‘ Bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật’. Vậy chúng ta cũng có thể tự hỏi nếu bất chấp văn tự thì hơn mười ngàn bài thuyết giảng của Đức Phjật có còn lưu truyền đến nay hay không ? Trực chỉ chân tâm, thì cái gì trực chỉ, chân tâm ở đâu mà trực chỉ ? Bản chất của cái tánh là gì để mà trông thấy nó thì thành Phật ? Hoặc chúng ta cũng có thể nghe kể chuyện về một vị tu hành người Ấn độ sang Trung quốc truyền giáo. Vị này ngồi yên nhìn vào một bức tường trong chùa Thiếu Lâm suốt chín năm để chinh phục người Hán, thế nhưng có một vị đại sư Trung quốc xin làm đệ tử thì phải đứng ngoài trời dưới mưa tuyết và phải chặt cánh tay trái dâng lên vị này thì mới được vị này nhận làm đệ tử. Một câu chuyện có vẻ giả tạo, đầy hung bạo và mâu thuẫn một cách lộ liễu.
Sau hết cũng xin trích dẫn thêm bản dịch Bài thuyết giảng nơi đế quốc Kosala / Kosala Sutta - AN 10.29 trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt, hầu độc giả có thể tham khảo thêm :
Aṅguttara Nikāya
III. Phẩm Lớn
10.29. Người Kosalà
—Này các Tỷ-kheo, xa trông như thế nào là nước Kàsi Kosalà, xa rộng như thế nào, là sự trị vì của vua Pasanadi nước Kosalà, trong phạm vi như vậy, vua Pasenadi nước Kosalà được xem là tối thượng. Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vua Pasenadi, nước Kosalà có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong (vấn đề) ấy; do nhàm chán trong (vấn đề) ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, xa cho đến mặt trăng, mặt trời di chuyển, xoay chuyển, chói sáng các phương, cho đến như vậy là ngàn thế giới. Trong ngàn thế giới ấy, có 1.000 mặt trăng, có 1000 mặt trời, có 1000 vua núi Sineru, có 1000 cõi Diêm phù đề, 1000 Tây ngưu Hóa châu, 1000 Bắc-cu-lô-chân, 1000 Đông thắng Thần châu, 4000 biển lớn, 4000 Đại vương, 1000 Bốn đại Thiên vương, 1000 Tam thập tam thiên, 1000 Dạ-ma-thiên, 1000 Đâu-suất thiên, 1000 Hóa lạc thiên, 1000 Tha hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm thiên giới. Này các Tỷ-kheo, xa rộng cho đến 1000 thế giới, Đại phạm Thiên ở đấy được xem là tối thượng. Tuy vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Đại Phạm thiên có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong (Đại Phạm thiên) ấy, do nhàm chán trong (Đại Phạm thiên) ấy, từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
Này các Tỳ-kheo, có một thời, đến thời ấy, thế giới này chuyển hoại, trong khi thế giới chuyển hoại, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình phần lớn sanh qua cõi Abhassara (Quang âm thiên). Ở tại đấy, chúng sanh này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy một thời gian khá dài. Này các Tỷ-kheo, trong khi thế giới chuyển hoại, các Quang âm thiên được xem là tối thượng. Nhưng này các Tỷ-kheo, đối với chư Quang âm thiên, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong (chư Quang âm thiên) ấy; do nhàm chán trong (Quang âm thiên) ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này. Thế nào là mười?
Một người tưởng tri Thiền án đất, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng. Một người tưởng tri Thiền án nước… một người tưởng tri Thiền án lửa… một người tưởng tri Thiền án gió, một người tưởng tri Thiền án xanh… một người tưởng tri Thiền án vàng… một người tưởng tri Thiền án đỏ… một người tưởng tri Thiền án trắng… một người tưởng tri Thiền án hư không… một người tưởng tri Thiền án thức, phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng.
Này các Tỷ-kheo, có mười Thiền án xứ này.
Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong mười Thiền án xứ này, tức là Thiền án thức. Có người tưởng tri phía trên, phía dưới, bề ngang, không hai, vô lượng. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tưởng như vậy. Đối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều nhàm chán trong ấy; do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì với hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, có tám thắng xứ này. Thế nào là tám?
Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Đó là thắng xứ thứ nhất.
Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Đó là thắng xứ thứ hai.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, Ta thấy”. Đó là thắng xứ thứ ba.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Đó là thắng xứ thứ tư.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh—như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh—như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh—như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta thấy, ta biết”. Đó là thắng xứ thứ năm.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng—như bông kannikàra màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng—như lụa Ba-la-nại cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoài sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Đó là thắng xứ thứ sáu.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ—như bông bandhujìvaka màu đỏ, như lụa Ba-la-nại, cả ai mặt láng trơn, màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ,…ánh sáng đỏ. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Đó là thắng xứ thứ bảy.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng—như sao mai Osadhi màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng—như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy, vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Đó là thắng thứ tám.
Này các Tỷ-kheo, có tám thắng xứ này.
Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong tám thắng xứ này, tức là có người tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng màu trắng, hình sắc màu trắng, ánh sáng trắng. Sau khi nhiếp thắng chúng, vị ấy tưởng tri như sau: “Ta biết, ta thấy”. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tưởng như vậy. Đối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nó gì đối với hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, có bốn con đường này. Thế nào là bốn?
Con đường khổ thắng tri chậm; con đường khổ thắng tri mau; con đường lạc thắng tri chậm; con đường lạc thắng tri mau.
Này các Tỷ-kheo, có bốn con đường này.
Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong bốn con đường này, tức là con đường lạc thắng tri mau. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh thực hành như vậy. Đối với các chúng sanh thực hành như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng này. Thế nào là bốn?
Có người tưởng tri có hạn lượng. Có người tưởng tri đại hành. Có người tưởng tri vô lượng. Có người tưởng tri Vô sở hữu xứ, nghĩ rằng: “Không có sự vật gì”.
Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng này.
Các này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong bốn tưởng này, tức là có người tưởng tri Vô sở hữu xứ, nghĩ rằng: “Không có sự vật gì”. Này các Tỷ-kheo có những chúng sanh có tưởng như vậy. Đối với các chúng sanh có tưởng như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến thoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với hạ liệt.
Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các thành kiến của các dị học, tức là: “Nếu ta không có trong lúc ấy, thời nay đã không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta”. Với người có tri kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, có thể chờ đợi như sau: Sự không nhàm chán này đối với hữu sẽ không có đối với người ấy. Sự nhàm chán này đối với hữu diệt sẽ không có đối với người ấy. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có tri kiến như vậy. Đối với chúng sanh có tri kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì đối với các hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn… tuyên bố thanh tịnh là mục đích tối thắng.
Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các vị tuyên bố thanh tịnh là mục đích tối thắng, tức là sự vượt qua một cách hoàn toàn Vô sở hữu xứ, sự chứng đạt và an trú Phi tưởng phi tưởng xứ. Họ thuyết pháp để thắng tri cái ấy, để giác ngộ cái ấy. Này các Tỷ-kheo, có những chúng sanh có nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, đối với các chúng sanh có nói như vậy, có sự đổi khác, có sự biến hoại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán trong ấy. Do nhàm chán trong ấy, vị ấy từ bỏ sự tối thượng, còn nói gì với các hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Ba-la-môn… tuyên bố hiện tại Niết-bàn là mục đích tối thắng.
Cái này là tối thượng, này các Tỷ-kheo, trong các vị tuyên bố hiện tại Niết-bàn là mục đích tối thắng, tức là sau khi như thật sự tập khởi, sự chấm dứt vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của sáu xúc xứ, được giải thoát không có chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, Ta là người đã nói như vậy, đã tuyên bố như vậy. Và một số Sa-môn, Ba-la-môn xuyên tạc Ta với điều không thật là phi hữu, trống không, nói láo, nói rằng: “Sa-môn Gotama không tuyên bố sự liễu tri các dục, không tuyên bố sự liễu tri các sắc, không tuyên bố sự liễu tri các thọ”.
Và này các Tỷ-kheo, ta tuyên bố sự liễu tri các dục, Ta tuyên bố sự liễu tri các sắc, ta tuyên bố sự liễu tri các thọ, Ta tuyên bố ngay trong hiện tại sự vô dục, tịch diệt, thanh lương không chấp thủ, Bát-niết-bàn.
(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)
Burers-Sur-Yvette, 12.09.24
Hoang Phong
(còn tiếp)