Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Pháp Trường Tồn

07/07/201917:11(Xem: 5408)
Phật Pháp Trường Tồn

TVQD_ Tuong Dong Phat Thich Ca
PHẬT PHÁP TRƯỜNG TỒN
[1]
                                                       
Thích nữ Tịnh Vân

 

        Phật giáo không phải là tôn giáo để các tín đồ đến tham gia hay phát động như một phong trào, mà tự thân con người sau quá trình học hỏi, tư duy, nhận thức cốt lõi lời dạy của đấng Từ phụ, từ đó phát tâm tìm đến, thân cận và quy y Tam Bảo: ‘Hôm nay mong giác ngộ hồi đầu - Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo’.

Với lòng tịnh tín bất động, con người đầu thành vâng giữ mạng mạch giáo pháp, dốc lòng phụng hành đạo lý mình chọn, con người nhờ vậy được chân lý, chánh pháp che chở, thành tựu ‘Phép Phật nhiệm màu – Để mau ra khỏi luân hồi’.

          Phương pháp hành đạo trong đạo Phật với mục đích dìu dắt tự thân con người, chứng nghiệm đời sống tâm linh trong sạch, tĩnh lặng, bền vững, có nghị lực vượt qua chính mình cùng các biến đổi xung quanh, để con người có thể hòa vào tập thể, cộng đồng, xã hội rộng lớn, mà không cảm nhận lẻ loi, lạc lõng. Như vậy mục đích cao cả, nền tảng, tối thượng của đạo Phật, trước hết dẫn dắt, chỉ đường cho con người trở về vị trí thực, hoàn hảo, siêu việt, toàn thiện, với phẩm chất làm chủ tự thân:

                    ‘Chúng con khổ, nguyện xin cứu khổ

Chúng con khổ, nguyện xin tự độ’

Ghi nhớ ‘pháp là tối thượng giữa các loài hữu tình, đời này và đời sau’[2], người con Phật hành trì Bát Thánh Đạo để hiểu biết điều gì cần làm đầu tiên, đặt niềm tin vào đó. Như thế chánh tín gắn liền với lối sống thực tiễn, tạo cho con người cái thế cân đối, an trú chỗ dựa vững chắc, để bước kế tiếp là trở về nội tâm bình lặng, trong sáng, ngoại lực là sự gia hộ, chiếu cố, che chở của Tam bảo. Người hành trì được như thế, chắc hẳn nhận lãnh các đặc tánh, pháp ấn tuyệt vời cùng sự nhiệm màu mà phép Phật ban tặng, khiến người bình thường khác khó thực hiện được.    

          Ai tâm không an trú – Không biết chơn diệu pháp

          Tịnh tín bị rúng động – Trí tuệ không viên thành

                                                                                             Dhp. 38

          Hòn đảo tự thân

          Làm chủ, sống có bản lãnh, nương tựa tự thân, hòn đảo, ngọn đèn, …là hàng loạt các kết quả đạt được nhờ sự hiểu biết như thật về tỉnh thức, ý chí, tự tin, quảng đại, chuyên nhất, cùng tính tự trọng, khéo điều phục hay sự bình ổn trong cảm xúc giao tiếp, xây thành sức mạnh năng động và thành trì kiên nhẫn giúp con người thẳng vào đích an vui giải thoát hay tự xây hòn đảo bản thân.

          Nỗ lực, không phóng dật - Tự điều, khéo chế ngự

          Bậc trí xây hòn đảo - Nước lụt khó ngập tràn

                                                                                            Dhp. 25

Thật vậy, người làm chủ chính mình, là người tự am hiểu, thông đạt, tỏ ngộ lý Tứ đế, có cách sống bình an, nơi trú ẩn an tòan, kiên cố và là chỗ dựa vững chắc đáng để mọi người học hỏi. Người luôn trang bị cho bản thân một tâm không dao động, không trói buộc, không hệ lụy, phiền não, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian, tâm trở nên tự tại, độc lập, an nhiên đối với các lẽ thạnh suy, thành bại, được mất, hơn thua ngay trong cuộc sống vốn dĩ ‘như thị’ của đời  này.

          Bàn về chỗ dựa, lòng tin, con người cần có hai pháp căn bản (i) tin vào quy luật Nhân quả, Nghiệp báo (ii) tin vào giáo lý Tứ đế. Tin vào quy luật Nhân quả, Nghiệp báo, con người cần nhận thức rằng các hành động thiện có cơ sở, mục đích sẽ đem lại kết quả an vui, cơ hội tốt, trí tuệ lành mạnh, thân thể tráng kiện, đời sống bảo đảm. Các hành động ngược lại, sẽ trở ngại cho thân lẫn tâm, làm cho con người luôn có cảm giác mệt mỏi, sầu muộn, bất an, uể oải, khổ đau, mất trí nhớ và hàng loạt các  trì trệ không lành mạnh khác nối tiếp. Nếu con người như thật hiểu về các pháp gồm tuệ quán hiện tại và tuệ tri như thật về thế giới con người đang hiện hữu, con người sẽ đón nhận kết quả như chúng đang là. Với ý nghĩa này, chánh pháp cung cấp cho con người đường lối quay về, thoát ly khổ đau, sáng tỏ chân lý, phát hiện bảo thành, trực nhận bình an của chính mình hay nhận chân bản lãnh ngay trong tầm tay.

          Thông đạt Tứ đế, con người từng nghiệm qua, gì là khổ riêng của bản thân, nhân khổ từ đâu xuất phát, mau chóng đoạn diệt nó và con đường Bát Thánh luôn dẫn mọi người đến nơi bình an. Điều cần nhắc, chánh pháp nơi con người tìm đến nương tựa phải có liên hệ mật thiết đến cuộc sống của con người, nghĩa là con người cần cải đổi lối sống, hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt của mình cho phù hợp, vừa vặn, thích nghi với chánh pháp, lấy chánh pháp làm ngọn đuốc soi đường,  làm căn cứ, nền tảng, cốt lõi để con người có thể thực thi một cách trực tiếp khiến giảm dần các trục trặc, chướng ngại, hiểm nguy trong khi giao tiếp. Thật sự, con người rất cần nương tựa Tam bảo để được Tăng bảo hướng dẫn làm thế nào thâm nhập chánh pháp và thế nào để chánh pháp mãi trường tồn. Muốn vậy, con người phát nguyện khi sanh ra, thường được: ‘Trưởng ngộ minh sư - Chánh tín xuất gia - Đồng chơn nhập đạo’, để có thể ‘Đem phước lành gieo rắc phàm nhân’ và để ‘theo Phật Pháp trên bước đường lành’.         

          Những cách trình bày trên giúp hình thành bộ phận cấu trúc không nhỏ trong việc gia trì nội lực cá nhân, biến đổi lý thuyết nhận thức thành hành động cụ thể, có ích, hay còn gọi ‘ biết sống đời rộng rãi’, một ‘tài sản vô cùng quý báu’: tấm lòng khoan dung độ lượng từ đây luôn chiếu sáng. Tóm lại con người cần nương tựa chánh pháp vì Pháp bảo hay Phật bảo, là những nơi nương tựa soi thẳng vào tâm. Những chỗ dựa này, không tìm được từ phía bên ngoài, dù hình thức quy y góp phần không kém cho một kết quả thực tế, hữu dụng cho sự kiếm tìm và làm chủ đời sống tâm linh của bản thân. Bởi vì:

          ‘Chí phàm phu tự lực, khó thành - Cầu đức Phật từ bi gia hộ’

Năm giới nền tảng

          Do vì con người biết quý trọng đời sống an lạc riêng của mình, con người không nỡ tổn hại đời sống an lạc riêng của người. Đức Phật đã từng khuyên: ‘Phật giới cấm chuyên trì chu đáo - Dứt tận cùng cội rễ vô minh’. Khi con người tỏ ngộ, trở về bản lai diện mục của tự thân, họ hoàn hảo các phẩm chất tôn quý, nhờ đều đặn tích lũy, thận trọng bảo hộ hoài bảo thánh thiện ban sơ. Người như vậy, trong Phật giáo gọi là người đã ‘thành tựu lõi cây’ hay ‘đặt gánh nặng xuống’.

          Với chiến thắng cao cả, chiến thắng tự thân, vị này hoàn thiện ba mục tiêu quan trọng:

(i) tránh làm các điều ác (sabba pāpassa akaraṇaṃ)

(ii) thành tựu các việc lành ((saccitta pariyodapanaṃ)

          (iii) giữ tâm ý trong sạch (saccitta pariyodapanaṃ)

Nhờ tâm niệm hộ trì các giới căn bản:

          1. Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Tôi nguyện suốt đời không sát sanh. Khi quan sát giới này, con người phát hiện sự đau khổ của người khác, chính là sự đau khổ của bản thân, từ đó giảm dần lối sống gây khổ cho người. Với nhận thức này con người nới rộng tình yêu thương đến tất cả, đồng thời biết đón nhận những ai cần được quan tâm, nhằm làm vơi nỗi sầu của người. Vì nhu cầu an lạc cho người, mọi cá nhân cần gìn giữ giới này.

          2. Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Tôi nguyện đời đời không trộm cắp. Giới này biểu lộ sự trân trọng đến quyền lợi mà người khác đang làm chủ về tài sản, nghĩa vụ, công sức. Nhờ quán triệt giới này, con người từ bỏ sống bằng các phương tiện bất chính như trộm cắp, lừa đảo. Con người trải từ bi tâm đến tất cả chúng sanh, xóa hẳn các tính bảo thủ, cố chấp, ích kỷ. Về mặt lợi tha, người gìn giữ được giới này sẽ góp phần thúc đẩy, xây dựng, hợp tác, thân thiện với những người chung sống.

          3. Kāmesu micchācārā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Tôi phát nguyện không tà dâm. Giới này khuyên mọi người biết tôn trọng mái ấm của riêng mình và hạnh phúc nơi gia đình người. Tôn vinh giá trị đạo đức gia đình, mọi người phải tự kiềm chế tính vô độ của bản thân, thận trọng, phát huy, đề cao thái độ trung thành trước sau như một của đời sống gia đình, cộng đồng. Thiếu hiểu biết về sự thật này, con người phải nhận hậu quả khó lường về sau.

          4. Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Tôi nguyện trọn đời không nói láo. Đức Phật dạy chúng ta không nên nói các lời vô ích, không chân thật, làm xa cách; hãy nói những lời có ích, hòa nhã, từ tốn, nói những gì liên hệ đến sự thật, mục đích an ổn, giải thoát, là nhân cho thiện nghiệp phát sanh. Giữ được giới này, uy tín của người thêm tăng, nhiều người tin cậy, yêu kính và thân cận.

5. Surā - meraya - majja - pamādatthānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Tôi nguyện không uống rượu, nếm các chất làm mê say khiến mất dần lý trí, gây rối loạn tinh thần, sanh hoang mang ngờ vực. Có người cho rằng uống rượu để thể hiện tình thân hữu khi giao tiếp, nhưng họ quên rằng tình bạn nghiêm túc và đúng đắn thường dựa trên tấm lòng chân thật, có hiểu biết, chia sẻ, biết động viên, an ủi, sẵn sàng tha thứ, độ lượng … không phải mượn rượu làm khuây. Nếu cá nhân nào phạm giới này, tư duy vị ấy trở nên hỗn loạn, bất chánh, dẫn đến các hành động thiếu tự chủ. Tài sản tiêu hao, gia đình ly tán, sức lực cạn kiệt, công việc đình trệ, trí tuệ lu mờ, con người trở nên vô tàm vô quý.

Nghiêm trì, tuân thủ các giới cấm, con người sẽ ‘sanh phùng trung quốc’, sanh ra với tướng mạo, sắc đẹp tự nhiên, nết hạnh đoan chánh, thừa tự gia tài chánh pháp để lại, có cuộc sống tịnh độ an nhàn ngay tại trần gian.      

          Có thể hiểu rằng, toàn bộ lời đức Phật dạy dựa trên nội lực kiên cố của con người, nghĩa là khi tâm con người có tỉnh thức, có chánh niệm, thì năm giới trên được thực hiện dễ dàng, thông suốt ‘Nhân định, phát tuệ’, do biết quán sát sự vật như chúng thật là.

          Lợi ích pháp thiện (Kusala)

          Từ khi hiểu đời là chuỗi nhân duyên tương tục, Phật giáo dạy con người sống chánh niệm, liễu đạt lý duyên khởi để niềm an lạc mãi tồn tại, hiện diện và ngự trị.

          Nhận định, tìm hiểu điều thiện, căn bản thiện; bất thiện và căn bản bất thiện; con người từ đó đi tìm cái gì là chơn, thiện, mỹ, hữu dụng để thực thi. Bởi vì đời sống con người có liên quan nhân quả lẫn nhau, ví như hột xoài hư không thể cho ra cây xoài tươi tốt, với trái ngon ngọt. Cũng vậy, chính con người làm chủ vận mạng của mình và chính con người tự tạo cho bản thân những kết quả an lạc hay khổ đau, không phải ai khác.

Thiện được hiểu theo hai nghĩa (i) xác định (con người tích cực thực thi một cách tự nhiên, vì đó là bản chất, chủng tử hay tập khí thiện trong con người) (ii) phủ định (cố gắng, miễn cưỡng, ngăn chặn, kiềm chế các ác, bất thiện). Bàn gì đi nữa, kết quả hình thành của thiện có thể là nghiệp tốt (kusala kamma), nghiệp xấu (akusala kamma) hay vô ký (abyākata kamma). Vậy thì con người tạo ra vóc dáng và tâm trạng buồn vui của mình trong hiện tại và vị lai với nguồn gốc  tích lũy của nghiệp.

Kinh Kesamutti, còn gọi Kālāma Sutta,[3] đề cập: Kesamutta, một thành phố nhỏ trong vương quốc xứ Kosala, nơi đức Phật đã khuyên nhủ dân Kālāma: ‘Chớ tin vì nghe báo cáo, chớ tin vì truyền thuyết, chớ tin vì theo truyền thống. Chớ tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ tin vì lý luận suy diễn, chớ tin vì diễn giải tương tự, chớ tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ tin vì phù hợp với định kiến, chớ tin vì lòng tin ấy phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ tin vì sa môn là bậc đạo sư của mình. Này Kālāma, khi nào tự mình biết: Các pháp này là sai, bất thiện, hãy từ bỏ chúng; các pháp này là thiện, đúng, tốt, hãy chấp nhận và hành theo’ …

Như vậy con người phải biết chọn lọc. Sự chọn lọc này có được, là kết quả thâu lượm từ thái độ quan sát, tư duy, học hỏi và kinh nghiệm theo hiểu biết (văn tư tu), giúp con người vượt khổ đau, tiến đến đời sống tương lai sáng lạn, hạnh phúc và an lạc cho bản thân cùng tha nhân.

Yathā’pi puppharāsimhā, kayirā mālā guṇe bahū.

                     Evaṃ jātena maccena, kattabbaṃ kusalaṃ bahuṃ.

          Như từ một đống hoa - nhiều tràng hoa được làm.

Cũng vậy thân sanh tử - làm được nhiều thiện sự.    (Dhp. 53)    

Thanh tịnh tâm

Bổn phận và trách nhiệm đối với con người trong đời sống hằng ngày, là thước đo bản năng ý thức của con người. Nó tồn tại bên trong, vì thế con người không thể đánh mất cái gọi là chất người, nhân phẩm, bản thể tự nhiên, hay quy luật đạo đức. Nếu mỗi tâm hồn thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, sẽ kết thành nhiều tâm đồng thể thanh khiết và cả cộng đồng ngát hương giới hạnh. Đất nước có kỷ cương, phép tắc, trật tự, giúp ngăn chặn phần nào các tệ nạn mang tính tự phát, vụ lợi, làm ảnh hưởng, tác động xấu đến bản chất của tập đoàn, cộng đồng.

          Đức Phật là vị lương y độc tôn, đã từng thấy khổ đau trong nhân loại, thuyết ra chân lý đầu tiên (Khổ đế) để mọi người cùng nhận định, đồng thời chỉ ra lối thoát an toàn, đưa người đến chỗ thanh thoát, bình an. Đây là điểm then chốt chỉ thấy trong đạo Phật. Phần lớn người ta thích đến với đạo Phật vì Phật giáo dạy con người rất thực tế, giản dị, dễ tiếp thu đối với các tướng ‘sanh trụ dị diệt’ để không kẹt trong thọ dụng, chấp thủ, ái nhiễm vì thiếu hiểu biết. Con người luôn bằng lòng với hiện tại, giải quyết quá khứ và xây dựng tương lai. Nhận thức được đời là chuỗi khổ đau, tất nhiên cần hiểu nguyên nhân khát ái đích thực mà loại bỏ. Thấy được nhân rồi, nổ lực đều đặn, tiêu trừ gốc rễ, để qủa sai lầm của các nghiệp nơi thân khẩu ý và những hoạt động tiếp theo không có điều kiện tái phát. Hạnh phúc, an lạc trong tầm tay con người, nếu vị ấy một lòng thẳng bước trên con đường trung đạo, hòa mình vào quy luật tự nhiên, sống tỉnh thức trong từng hơi thở, quán triệt các pháp vô thường, vô ngã, làm tươi mát mình trong hương vị giải thoát.

Anekajāti saṃsāraṃ, sandhāvissaṃ anibbisaṃ

          Gahakārakaṃ gavesanto, dukkhā jāti punappunaṃ.

          Lang thang bao kiếp sống – Ta tìm nhưng chẳng gặp

Người xây dựng nhà này - Khổ thay phải tái sanh              (Dhp. 153)

Gahakāraka diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi

                    Sabbā te phāsukā bhaggā, gahakūtaṃ visaṅkhitaṃ                                Visaṅkhāragataṃ cittaṃ, taṅhānaṃ khayam ajjhagā.

Ôi ! người làm nhà kia – Nay ta đã thấy ngươi!

Ngươi không làm nhà nữa - Đòn tay ngươi bị gãy

Kèo cột ngươi bị tan – Tâm ta đạt tịch diệt

Tham ái thảy tiêu vong                                   (Dhp. 154)

Sống thanh nhàn

Lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, nôn nao … là các tâm trạng tự nhiên, len lỏi, tản mạn trong lòng mỗi người bất luận vị ấy là ai, đang có hoàn cảnh thế nào, tuổi tác ra sao. Người với tâm trạng vui ít, khổ nhiều, thường sống trong trạng thái hồi hộp, lo toan, buồn phiền, tinh thần dao động, sức lực cạn kiệt, lý trí lu mờ, có hại cho tánh mạng, giảm tuổi thọ. Để vượt qua những tâm trạng không tích cực này, con người cần hiểu biết về sự thật của công việc như chúng đang tiếp diễn, thể trạng cá nhân, đời sống hiện tại, khả năng có thể ... để lập ý chí, lấy lại bình tĩnh, dựng lên đổ vỡ. Bằng tấm lòng nhẫn nại, cam khổ, vun vén, tỉnh thức, hoà nhập, thể xác phục hồi, tinh thần dần mạnh, từ đó vững vàng nối tiếp đoạn đường phía trước.

Cho nên cần nhanh chóng tỉnh thức, tỏ ngộ cuộc đời do duyên, tất cả có ra đều phù du, không thực thể, giả tạm, mà không nên chấp. Ai lầm chấp, tưởng giả là chơn, sẽ chuốc nhiều phiền muộn, lo toan về sau. Một khi phiền não chất chồng, khó lấy lại được sự bình an. Lại nữa, ngoài cái giả của cuộc đời nên hiểu còn có cái thật nhưng mong manh, ngắn ngủi, chỉ nhứt thời để con người có thể mượn giả thật này mà đóng góp, ghi lại, hay cống hiến cho đời, cho người những bài học, những tấm gương, những giá trị phụng sự cao cả.

Có thể nói bài học trân trọng, quý báu cho những ai biết sống là người ấy luôn biết trang bị cho mình cái sẽ từ giã ngay từ bây giờ và trước đó. Như vậy, sống là phương tiện cần thiết để phục vụ cho an lạc. Hạnh phúc sẽ có trong tay người nào biết sống. Sống chết rất hệ trọng (sanh tử sự đại) trong kiếp làm người, vì sống quyết định cho cái chết ‘sống sao chết vậy’ và ngược lại. Cái sống đích thực phải là lẽ sống biết quên cái tôi (attā) nhỏ bé này để cùng hòa và phục vụ cho cái của số đông, vì lợi ích cho số đông. Hãy thử nghiệm nhìn đời một cách như thật qua dòng tình cảm mãnh liệt đang thôi thúc ta, nó dâng cao rồi chẳng bao lâu, lại lặng lẽ buông xuống, cứ thế lượm và buông, khiến nó chông chênh, thay đổi, bất thường.

Vậy thì dòng đời luôn trôi chảy theo một hướng: vô thường, tùy duyên, không có ngã và ngã sở. Con người cần chấp nhận nó như một hiểu biết, quán triệt và phát hiện nó như một ân huệ để đón nhận tổng thể tuỳ duyên của vạn vật. Từ đó con người giải quyết mọi việc một cách dễ dàng, êm ả (tất cả đều là chuyện nhỏ). Sẽ đẹp biết bao nếu con người luôn giữ nét mặt bình thản với nụ cười trên môi dù tình thế ra sao.

Thức tỉnh đời nhờ quy luật ‘sanh trụ dị diệt’, con người từ bóng tối, u ám, dày đặc bởi vô minh lần tới ngọn đuốc, từ chỗ mệt nhoài những bất hạnh, sở hữu hạnh phúc an lạc, giác ngộ viên mãn. Vậy đời sống mỗi cá nhân, có thể được trắc nghiệm và kiểm tra qua kinh nghiệm hành trì của từng cá nhân.

Nếu con người biết sống với quy luật tuần hòan, sẽ tìm được cuộc sống chánh trực, mang lại hiệu quả cao, vì tánh nết dần được lắng trong nhờ giới đức, đức hạnh tỏa chiếu muôn nơi nhờ thấu triệt, đời sống con người từ đó trở lại cung cấp cho con người cơ hội, nhu cầu về đạo đức và trí tuệ, là những nhu cầu hạnh phúc tối cao.  

Trực nhận sự việc

Nhìn thẳng sự việc như chúng thật là, sẽ hiểu đời theo ánh sáng của Tam pháp ấn (ti-lakkhaṇa), một pháp môn đưa người đến bờ an lạc nội tâm, đạt được cảm xúc bình ổn, một sự thực vi diệu trong đời thường, được bậc Hiểu biết thế gian (lokavidū) tận tình chỉ dạy, giải thích.

Trong ba pháp ấn, vô thường (anicca) và vô ngã (anattā) tác động trực tiếp mang tánh vô ký, vì mọi vật tồn tại ở dạng vật chất với bản tánh thay đổi, không có thực thể, rỗng không. Còn tất nhiên khổ (dukkha) là kinh nghiệm sống của những sự việc có điều kiện.

Đức Phật đã từng dạy, cuộc đời con người sẽ có bình an, tâm tư lắng dịu, hiền thục, nếu con người hiểu biết như thật về ba đặc tánh căn bản này. Nắm vững giáo lý Tam pháp ấn giúp con người hiểu được quy luật tự nhiên của cuộc sống, công việc, nghề nghiệp, tài sản, địa vị … mà mỗi người trải nghiệm. Với trình độ chuẩn mực, sự thông đạt tỏ tường về khổ (dukkha), vô thường (anicca) và vô ngã (anattā), con người sẽ tạo cho mình cuộc sống lành mạnh, có giá trị. Nhờ vậy con người thoát khỏi những mơ tưởng bao la vũ trụ, viển vông không thật, bởi lục dục lòng tham không đủ mà dũng cảm, can đảm chấp nhận sự thật trên đường đời với trí tuệ như chơn về sự việc như chúng đã đang và sẽ tiếp diễn.

Tu tập Tam pháp ấn một cách rốt ráo thì khi đương đầu, đối phó, va chạm sự việc gì, trong hoàn cảnh nào, con người đều nhìn được mặt thật của chúng, nhờ tuệ quán và định tâm, một yếu tố quan trọng trong giáo lý của đức Phật. Từ ly tham, con người tự do khỏi các nắm bắt, bảo thủ, cố chấp, hiềm hận, ganh tỵ của tự ngã, tâm nhờ vậy thoát khỏi triền phược, kiết sử, hệ lụy, tham ưu và sự vắng lặng, trong sáng, an tịnh Niết bàn hiển hiện.

Xoa dịu đau thương

Ngày nay trong giao tiếp, các từ ‘xác định và phủ định’ thường được sử dụng. Theo khái niệm chung, xác định nghĩa là thực hiện một cách tự nhiên, có tâm huyết, tích cực, chuẩn mực, năng động, dũng cảm, luôn nhiệt tình và hài lòng với công việc mình đảm nhiệm. Phủ định thường mang tính thụ động, ép buộc, do dự,  miễn cưỡng và thiếu tự nhiên.

Lắng nghe điều gì của người là sự quan tâm và tôn trọng người. Thay vì đi tìm nguyên nhân vì sao con người thống khổ, bị dằn vặt, ưu phiền, người nghe nên chấp nhận sự chú tâm, lắng lòng, chỉ nghe lời nói của đương sự nhằm xoa dịu nỗi khổ hiện tại của họ, không nên có ý kiến lúc này. Người nghe càng nên tránh lời lẽ mang tính chia rẽ, a dua, nhằm tăng lòng khâm phục của đối tượng. Cũng không nên che giấu những sơ hở, thói quen trì trệ, khiếm khuyết cần sửa nơi người hoặc phô bày tính tốt của người một cách không cần thiết. Nói chung, điều gì cần biểu dương, ca ngợi, con người nên khuyến khích, động viên mà không dèm pha thêm tính độc ác, ẩn ý bên trong; điều gì đáng phê bình, khiển trách, con người nên góp ý một cách trong sạch, phân minh. Chẳng hạn khi nghe điều gì đó không thật, con người vẫn cứ tiếp tục chăm chú nghe và chỉ nghe mà thôi, nhờ vậy người kia mới có cơ hội diễn tả hết nỗi khổ đau và giảm dần căng thẳng, buồn phiền uẩn khuất của họ. Sửa lỗi cho người, chỉ khi nào người nghe cảm thấy ‘đúng thời’ hoặc phía đau khổ đang trong tình trạng ổn định, có thể tiếp nhận ý kiến người khuyên một cách dễ dàng. Lại nữa khi nghe người kia tâm sự hết sự thật, người nghe không nên đem sự thật ấy đi nói với người khác, vì tính tôn trọng người. Trong trường hợp nếu lời nói của mình làm ảnh hưởng không tốt đến an lạc, hạnh phúc của người, người nghe nên giữ yên lặng, còn như vì sự thật có ích cho họ, nên thốt ra dù bản thân có thể bị tổn thương hay va chạm.

Người có trái tim xác thực, rộng mở, hiểu biết luôn kiên nhẫn lắng nghe lời tâm sự của người khác. Những ai muốn có an tịnh nội tâm, nhất định người ấy biết tu, rèn tâm, kiềm chế tâm một cách hiệu quả; không chịu khó, kiên trì, nhẫn nại, khó lòng đạt được an tịnh nội tâm dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi chứ đừng nói đến đạt được nội tâm lâu dài. Điều kiện để có trái tim trung thực, trái tim nhân ái hẳn phải là người với từ tâm, bi tâm, hỷ tâm và tấm lòng vị tha, buông xả, luôn là đối tượng mọi người cần đến.

Người có trái tim nhân ái, thường tu tập, phát triển, trau dồi thiền định, quán sát tánh không, tâm vị đó luôn hướng đến loài hữu tình, nguyện cầu cho họ sớm tỏ ngộ, thoát cảnh u tối, được hưởng an vui, thanh nhàn. Người có trái tim biết hiểu, biết thương và lắng nghe, được nhiều người ái mộ, thân cận, vì tự thân người ấy luôn an lạc khiến những ai đến gần cũng cảm được bình an, nhẹ nhàng, thanh thóat.

Chúng ta từng vượt gian khó, hãy dẫn người cùng qua (chúng sanh vô biên thệ nguyện độ). Chính chúng ta thoát mọi hệ lụy buộc ràng, hãy dạy người biết cách tháo gỡ (phiền não vô tận thệ nguyện đoạn). Chính chúng ta nếm mùi an lạc, hãy ban tặng người niềm tin yêu hy vọng (pháp môn vô lượng thệ nguyện học). Chính chúng ta tỏ ngộ, hãy nguyện cầu cho người cùng tỏ (Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành). Mong những lời cầu nguyện này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và số đông, đều được an tịnh, đều được hạnh phúc, vì lòng từ đối với đời, đối với nhiều người, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.[4]

Phát triển cộng đồng

Mỗi cá nhân là thành viên trong gia đình, cũng là thành viên của xã hội, vì thế vị ấy cần nghĩ đến tình đồng loại mà làm những gì mang tính thiết thực cho nhân loại, cộng đồng của mình. Người tự biết xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất là người tự biết tôn trọng, cung kính và xác định vị trí riêng của mình. 

Trước hết tự đặt mình – Vào những gì thích đáng

Sau mới giáo hóa người - Người trí khỏi bị nhiễm   (Dhp. 158)

Nhờ khéo điều phục mình, con người tự làm cho mình như điều mình dạy người và con người nhờ vậy trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội, dân tộc cũng như toàn cầu.

Đời sống đoàn thể gồm các mối quan hệ hổ tương của nhiều cá nhân, chính vì thế con người cần thường xuyên cập nhật thông tin để dễ trao đổi, giúp đỡ, động viên và hiểu biết nhau hơn. Vả lại trong các mối quan hệ mật thiết của đời sống thường nhật, thì sự ‘chú tâm lắng nghe’ hầu như được xem là yếu tố giao tiếp quan trọng, dù nó đóng vai trực tiếp hay gián tiếp giữa các cá nhân hay đoàn thể khác nhau. Dựa trên phương diện bình trực, mỗi cá nhân có những bổn phận và trách nhiệm riêng để thi hành và giải quyết công việc của mình, nhưng không thể vì quyền lợi riêng lại lạm dụng, xúc phạm vào các lãnh vực, giá trị hạnh phúc riêng của người. Một tập đoàn cá thể riêng biệt cũng phải nghĩ đến những người dân cùng đang sinh sống, cùng đang hoạt động trong khu vực cộng đồng hay đất nước khác nhau, nhằm bảo vệ sự hiện hữu, sinh tồn của họ cũng như bảo vệ các thế hệ tương lai kế tiếp.

Bài kinh Lòng Từ (Mettā Sutta) là bài kinh phổ biến, được đức Phật dạy nhân mùa an cư kiết hạ cho các Tỳ kheo. Kinh này vừa mang tính bảo hộ (Paritta) vừa là đề mục hành thiền. Bài Kinh dạy mọi người cần thực hành đức tánh tự trọng, khoan dung và hy sinh để xã hội, cộng đồng, dân tộc được hạnh phúc, công bằng, thịnh vượng. Bài kinh cũng đề cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tương thân tương ái của giống nòi, để mọi người có nhiệm vụ, bổn phận cư xử hợp tình, hợp lý, mang lại an lạc, ấm no, bình an cho nhau. Đức Phật từng khuyên chúng ta xây dựng đất nước, thống nhất dân tộc trên tinh thần Bốn vô lượng tâm (Brahma-vihāra), làm giảm dần đến xóa hẳn bịnh tật, nghèo đói, lạc hậu, hận thù, khổ đau. 

Bên cạnh đó, dựa vào lòng ưu ái, việc làm hợp sở trường, hành động tự phát, ý chí kiên trì, thích dấn thân, ưa gần gũi, tâm bình đẳng, mê phục vụ, đức Phật đã dạy về Tứ nhiếp pháp (saṅgahavatthu),[5] (bốn phương pháp làm cho chúng sanh được gần gũi, hiểu biết và sống trong an lạc), gồm:

(i) Dāna (bố thí): ban bố, phân phối, chia sẻ, dâng tặng, cống hiến về tài, pháp và vô úy. Nhờ vậy con người được sống trong bình đẳng, an lạc; xã hội, quốc gia được an cư, thịnh vượng.

(ii) Piyavācā (ái ngữ): nói lời dịu dàng, tao nhã, thương yêu, hòa hợp  khi giao tiếp với người, vì ‘lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’. Nói lời ôn hòa, nhã nhặn, làm vừa lòng người dễ cảm hóa người đi theo con đường Bát chánh.

(iii) Atthacariyā (lợi hành): làm lợi ích cho người qua thân khẩu ý, bất luận việc lớn hay nhỏ. Nói chung biết giúp đỡ và phục vụ người một cách tận tình, chu đáo trong mọi trường hợp.

(iv) Samānattatā (đồng sự): là cách giúp đỡ thiết thực, đều đặn, có tâm, đạt hiệu quả đối với những người cùng sống trong hoàn cảnh, môi trường, nghề nghiệp qua những biểu hiện hòa hợp của thân đồng trú, khẩu vô tránh, ý đồng duyệt, lợi đồng quân, kiến đồng giải, giới đồng tu, mà không phân biệt giai cấp, sắc tộc, tín ngưỡng, văn hoá, trình độ, thế hệ.

Một xã hội hay quốc gia mạnh hay yếu do những phần tử trong đó có hợp nhất tư duy, ý chí, mục đích; có thống nhất trong công việc đối nội, đối ngoại được phán quyết bởi vị lãnh đạo hay không. Nếu tất cả đều biết vận dụng thực hành Bốn vô lượng tâm cùng Bốn nhiếp pháp, nhất định gia đình, cộng đồng, dân tộc đó được sống trong Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Nhờ nhận thức rằng mọi loài hữu tình chung sống với nhau trong một cộng đồng, thống nhất và vững chắc trên mọi phương diện, nhất là lãnh vực nhân quyền, con người ý thức: lâu như chúng ta không có phân biệt giữa mình và người, thì vấn đề giải thoát cho người ngang bằng với giải thoát cho chính mình, điều này sẽ giúp ích cho người cũng như cho chính tự thân. Với cách suy nghĩ như trên, Phật giáo là một tôn giáo góp phần phục vụ năng động, tích cực cho nhân loại mà không đòi hỏi phải được nhân loại đáp lại một cách có điều kiện.    

Lại nữa, một quy luật quản lý đúng cũng rất quan trọng, nó hổ trợ con người như một phần ghép cơ bản, có khả năng điều phối các hoạt động dễ dàng, mau chóng đi đến kết quả tốt đẹp nhờ gia thêm các đức tánh, bản chất có liên quan đến phẩm chất, đạo hạnh và các phương tiện kỹ thuật thiện xảo, tinh vi. Hai ngành thực hiện mục đích trí tuệ cần thiết, nên được bồi dưỡng, phát huy, chính là ‘văn tuệ và tư tuệ’ hay hãy không ngừng học hỏi để luôn sáng tạo và phát sanh kiến thức mới. Nhờ hoạt động tâm lý làm phát triển trí nhớ; nổ lực, tinh cần, tinh tấn nhờ lý trí; hình thành ‘duy tuệ thị nghiệp’. Điều gì con người học hỏi ở học đường chỉ là trí tuệ ban sơ cần thiết giúp đời sống con người ổn định, còn những ai với tư duy chín chắn hơn nhất định thành tựu trong lãnh vực chuyên môn của mình.

Tóm lại, từ kiến thức dẫn đến dũng cảm, từ văn hóa tạo thành kiên trì, dẻo dai, bền bỉ. Kiến thức và văn hóa là hai phần cấu tạo trách nhiệm giúp con người vượt qua đức tính rụt rè, lo sợ, thiếu tự chủ; con người thường xuyên trau dồi, tìm tòi, cập nhật, phát minh, học hỏi sẽ không bị lỗi thời. Với đức chịu khó, nhẫn nại, con người có thể chuyển đổi các phiền não khác trong mình như ái nhiễm, ích kỷ, thụ động, thành lối thong dong trên lộ trình giải thoát giác ngộ góp phần ủng hộ Phật pháp trường tồn.   

 



[1] Hội thảo ‘Hộ quốc an dân’ tại tỉnh Kiên Giang, 2010

[2] Trường bộ (khởi thế nhân bổn kinh, 27)

[3] Tăng Chi Bộ  III (539- 543) / Kinh thứ năm trong Đại Phẩm của chương có Pháp Ba Số, đoạn 66

[4] J. J. Jones, Mahavastu, III., p. 134.

[5] Aṅguttanikāya. II., p. 253

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2021(Xem: 11178)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
07/11/2021(Xem: 11432)
Kinh Vô Lượng Nghĩa nói “vô lượng pháp từ một pháp mà sinh ra”. Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí Giả (538-597), quyển 5, nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo, một pháp thâu nhiếp tất cả pháp, chính là Tâm”. Phổ môn là vô lượng giáo pháp. Vô lượng giáo pháp này cũng từ một giáo pháp mà sinh ra. Một giáo pháp phổ cập tất cả gọi là phổ môn. Chư Phật thuyết giáo thuận theo Tâm của chúng sinh. Giáo là những ngôn từ được thuyết ra cho những chúng sinh chưa thấu suốt. Pháp là những phương thức với nhiều tướng trạng giống nhau hoặc khác nhau. Tâm ý chúng sinh có bao nhiêu ngõ ngách thì giáo pháp có chừng ấy quanh co. Chư Phật dùng muôn vàn phương tiện khế cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất từng nói: “Phật dùng nhiều thứ nhân duyên và thí dụ, phương tiện ngôn thuyết như biển rộng khiến tâm người trong pháp hội được yên ổn, con nghe pháp ấy khiến lưới nghi dứt” là nghĩa trên vậy.
04/10/2021(Xem: 2611)
Trong những gì tôi được đọc và được nghe kể, hình như nhà thơ Bùi Giáng không còn tham sân si, hay nếu còn, thì rất là ít. Không rõ có ai chứng kiến lúc nào Bùi Giáng khởi tâm tham sân si hay không. Rất nhiều người đã thân cận, đã chứng kiến đời thường của nhà thơ họ Bùi và đều nhận thấy nhà thơ như là người của cõi khác, người bay trên mây, người lạc tới thế gian này, như dường không còn chút nào tham sân si; hay chỉ còn, nếu có, thì rất ít.
05/09/2021(Xem: 14561)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
18/08/2021(Xem: 3170)
Hôm nay là ngày 15/8 dương lịch nhằm ngày mồng Tám tháng Bảy, Tân Sửu. Chỉ còn một tuần nữa là tới Rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy âm lịch là ngày mà các chùa theo đạo Phật khắp nơi trên thế giới đều tổ chức Lễ Vu-Lan rất trọng thể. Lễ Vu-Lan từ lâu đã được xem như là ngày Lễ Báo Hiếu của những người con dành cho bậc cha mẹ.
23/07/2021(Xem: 10996)
Giữa tương quan sinh diệt và biển đổi của muôn trùng đối lưu sự sống, những giá trị tinh anh của chân lý bất diệt từ sự tỉnh thức tuyệt đối vẫn cứ thế, trơ gan cùng tuế nguyệt và vững chãi trước bao nổi trôi của thế sự. Bản thể tồn tại của chân lý tuyệt đối vẫn thế, sừng sững bất động dẫu cho người đời có tiếp nhận một cách nồng nhiệt, trung thành hay bị rũ bỏ, vùi dập một cách ngu muội và thô thiển bởi các luận điểm sai lệch chối bỏ sự tồn tại của tâm thức con người. Sự vĩnh cửu ấy phát xuất từ trí tuệ vô lậu và tồn tại chính bởi mục đích tối hậu là mang lại hạnh phúc chân thật cho nhân loại, giúp con người vượt thoát xiềng xích trói buộc của khổ đau. Tuỳ từng giai đoạn của nhân loại, có những giai đoạn, những tinh hoa ấy được tiếp cận một cách mộc mạc, dung dị và thuần khiết nhất; có thời kỳ những nét đẹp ấy được nâng lên ở những khía cạnh khác nhau; nhưng tựu trung cũng chỉ nhằm giải quyết những khó khăn hiện hữu trong đời sống con người và xã hội.
07/05/2021(Xem: 15900)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
29/11/2020(Xem: 12209)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
04/11/2020(Xem: 7556)
Những chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn: Các chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn được chứng ngộ khi nghe được những học thuyết về các Uẩn, Giới, Xứ, nhưng lại không đặc biệt lưu tâm đến lý nhân quả. Họ giải thoát được sự trói buộc của các phiền não nhưng vẫn chưa đoạn diệt được tập khí của mình. Họ đạt được sự thể chứng Niết-Bàn, và an trú trong trạng thái ấy, họ tuyên bố rằng họ đã chấm dứt sự hiện hữu, đạt được đời sống Phạm hạnh, tất cả những gì cần phải làm đã được làm, họ sẽ không còn tái sinh nữa. Những vị nầy đã đạt được Tuệ kiến về sự Phi hiện hữu của “Ngã thể” trong một con người, nhưng vẫn chưa thấy được sự Phi hiện hữu trong các sự vật. Những nhà lãnh đạo triết học nào tin vào một "Đấng Sáng Tạo" hay tin vào “Linh hồn” cũng có thể được xếp vào đẳng cấp nầy.
03/10/2020(Xem: 19418)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567