Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phát Bồ đề tâm theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm

08/04/201318:36(Xem: 2921)
Phát Bồ đề tâm theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm

Luận văn tốt nghiệp

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

THEO TINH THẦN KINH HOA NGHIÊM

Thích Phước Trí

A. DẪN NHẬP

I. Xác Định Ý Nghĩa Đề Tài

Trong quyển Nhập Bồ Tát hạnh có nói: “Muốn diệt trừ vô lượng khổ đau trong ba cỏi, và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc, thì đừng bao giờ xả bỏ Tâm Bồ Đề. Những hữu tình đang bị trói buộc trong ngục sinh tử mà phát Tâm Bồ Đề chốc lác cũng được gọi là con của Phật, đáng được trời người kính lễ. Như hóa chất luyện vàng, cái thân phàm tục ô uế sẽ được Tâm Bồ Đề chuyển hóa thành thân Phật, bảo châu vô giá. Bởi thế, hãy giữ vững Tâm Bồ Đề. Bằng con mắt tuệ, đấng đạo sư của chúng sanh thấy rõ Tâm Bồ Đề hết sức qúy báu. Bởi vậy, ai muốn ra khỏi ba cõi hãy khéo giữ vững Tâm Bồ Đề”.

Có khi nào chúng ta tự hỏi lòng mình là làm thế nào để được thành Phật không ? Phải chăng nhờ hành đạo Bồ Tát mà thành Phật. Vậy đạo Bồ Tát làm sao mà thành được ? Có phải là do “phát Tâm Bồ Đề”. Vậy Phát Tâm Bồ Đề là động lực độc nhất vô nhị của nhân hạnh Bồ Tát và quả chứng Như Lai. Nếu không có động lực đó, thì nhân hành Bồ Tát sẽ không có một ai hành và quả chứng Như Lai sẽ không có một ai chứng.

Như vậy cũng đủ hình dung ra rằng, Phát Tâm Bồ Đề quan trọng như thế nào trong Phật Pháp Đại thừa, cũng như người tu hành theo Kinh Hoa Nghiêm. Là một hành giả chuyên tu Phật Pháp Đại thừa mà nói là không cần Phát Tâm Bồ Đề là không thể tưởng tượng được. Người thực sự tu học Đại thừa xưa nay chưa ai bỏ qua việc Phát Tâm Bồ Đề. Phật dạy: “Mỗi chúng sanh đều có khả năng thành Phật”. Theo Kinh Hoa Nghiêm, điều đó có nghĩa là mỗi phàm phu đều có tiềm năng khai mở những tâm thức tiến hóa nói trên. Rằng sự khai mở ấy bắt đầu bằng phát khởi Bồ Đề Tâm và kết thúc bằng viên mãn Bồ Đề Tâm. Nói cách khác, chính Bồ Đề Tâm là cốt lỗi của tất cả mọi tâm thức tiến hóa. Chính Bồ Đề Tâm là động lực đẫy kẻ phàm tiến tới Thánh vị. Bồ Đề Tâm không những là phương tiện, mà là bản thể của giác ngộ. Bồ Đề Tâm vừa là đối tượng được khai mở, mà cũng vừa là chủ thể khai mở.

II. Lý do chọn đề tài

Đạo Phật lưu hành ở nước ta hằng bao thế kỷ, ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân Việt. Không chỉ là Phật Pháp Đại Thừa, mà còn là nhất thượng thừa. Hành giả Phật Pháp nói chung, đúng lý đều là Bồ Tát và đều đã Phát Tâm Bồ Đề. Nhưng nếu hỏi rằng phải chăng đạo hữu đã Phát Tâm Bồ Đề thì chắc đại đa số Phật tử sẽ không biết trả lời ra sao.

Chính vì một số người đang tu học Phật pháp, cũng như đa số Phật tử nói chung chưa rõ Phát Tâm Bồ Đề là như thế nào, nên không thể thực hiện Bồ Tát đại hạnh. Vì vậy, Phật Giáo lâm vào hiện trạng ảm đạm trời chiều, và đa số nhân quần xã hội cho rằng Phật Giáo là không cần thiết cho ngày nay, thậm chí chê bai là tiêu cực, yếm thế. Thử hỏi điều đó là một tổn thất to lớn biết chừng nào cho Đạo Phật.

Người có tâm với Đạo Phật chúng ta không thể ngồi nhìn Đạo Phật cứ thế mà đăm chiêu, không chút động tâm. Cho nên cần phải dựa trên tinh thần căn bản của Đức Phật, nêu cao những đặc chất vì pháp vì người, làm cho Đạo Phật hoạt động tích cực trở lại trong thế giới ngày nay. Vậy, phải làm sao ? Chỉ có một cách duy nhất là “Phát Tâm Bồ Đề”, thực hiện Bồ Tát đại hạnh mới được. Như Hòa Thượng đã viết ở phần lược giải Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền trang 380 như sau: “Theo Phật hay Phổ Hiền Bồ Tát, Bồ Đề tâm tức trí huệ là trên hết. Tu cùng kiếp mà không có Bồ Đề Tâm chỉ đạo, công phu cũng thành vô ích. Muốn có trí tụê, chúng ta phải học, phải suy nghĩ, phải làm và phải Phát Tâm Bồ Đề mà kinh thường gọi là tụê học”. Vì lý do ấy mà con chọn đề tài: “Phát Tâm Bồ Đề theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm” này.

Phát Tâm Bồ Đề tức là lập chí, hun đúc một tâm ý hướng mình vào con đường giác ngộ, phát triển tâm linh đi vào sự khai phát tiềm năng linh thiêng sẵn có của mỗi người, vào tất cả những hoạt động hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Nhiều khi mình nghĩ: “Tu mấy chục năm rồi, cần gì phải bàn tới chuyện phát tâm… Nói chuyện phát tài coi bộ hấp dẫn hơn !” Thật sự, phát tâm là chuyện mình cần làm hằng ngày. Tâm thái hướng về giác ngộ phải được khơi dậy, hun đúc, ấp ủ, nuôi dưỡng, không thể buôn lơi. Khổng Tử nhắc: “Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã !” Nghĩa là đạo thì chẳng thể tạm rời, dù trong thoáng chốc. Đạo tức là Tâm Bồ Đề vậy.

Có thể lúc đầu, sự phát tâm chỉ là một ý tưởng nho nhỏ. Nhưng khi ý tưởng ấy dấy động lên một cuộc cách mạng về cái nhìn, về nhân sinh quan và vũ trụ quan, về nhận thức, về giá trị của cuộc sống và ý nghĩa đời mình…. thì ý tưởng ấy chắc chắn mở ra một tâm thái rộng rãi, dẫn ta tới một ngưỡng cữa tâm linh cao hơn, sáng hơn; mà một khi đã bước qua cửa ấy rồi, cuộc đời mình hoàn toàn đổi thay, không còn nhìn cạn hẹp như xưa nữa. Đức Phật gọi động cơ thúc đấy ta vào con đường tiến hóa ấy là Phát Tâm Bồ Đề.

III. Giới hạn phạm vi đề tài

Như chúng ta đã biết, thế giới ngày nay có nhiều biến động. Xã hội phát triển theo chiều hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người người lo toan tất bật với cuộc sống, quên mất bản tâm của mình. Trước tình hình đó, những người con Phật chúng ta cần phải phát đại Bồ Đề Tâm. Không chỉ vì Đạo Phật suy vi mà Phát Tâm Bồ Đề, mà chính là vi phải Phát Tâm Bồ Đề để cứu khổ nhân loại. Vì lẽ đó, là một tín đồ Phật Giáo, việc Phát Tâm Bồ Đề là không thể trì hoãn. Đại cương Kinh Hoa Nghiêm tác giả Thích Hoằng Trường có viết: “Quên Phát Bồ Đề Tâm, làm mọi thiện pháp, đó là ma nghiệp”. Điểm đặc sắc của Kinh Hoa Nghiêm là thấy được khả năng tiềm tàng vô song của mỗi chúng sinh. Rằng mình có khả năng làm khô biển nghiệp, siêu thoát càn khôn, nắm trọn vũ trụ trong lòng bàn tay. Chỉ cần phát triển Bồ Đề Tâm thì bao ác nghiệp sẽ tan rã, bao công đức thành tựu, bao việc bất khả tư nghì tự hiển hiện. Để bắt đầu sự hiển hiện ấy, Kinh Hoa Nghiêm dạy ta trước hết phải sửa đổi cái nhìn: “Hãy thức tỉnh khỏi cơn mê nghĩ về một cuộc sống mà dòng đời mãi trôi, ngày lại ngày ta chẳng ý thức nó trôi về đâu” . Hãy làm cách mạng trong nội tâm; đặt cho mình một sứ mạng cao cả. Đừng chờ Phật, Bồ Tát hay một vị trời nào đó hiện ra chỉ bảo, tuyên bố đặt định sứ mạng giùm mình. Đời mình, mình phải tự sáng tạo, đừng chờ ai sáng tạo giúp mình.

Phát Tâm Bồ Đề quyết không phải là việc bình thường mà cực kỳ hiếm có rất khó đạt được. Một hành giả Phật Pháp, nếu đã thực sự Phát Tâm Bồ Đề thì địa vị của người đó trong Phật Pháp sẽ rất cao cả, ngay cả công đức mà người đó có được cũng sẽ rất là rộng lớn. Bởi vì người Phát Tâm Bồ Đề, ngay lúc đó đã có thể được tôn xưng là Bồ Tát. Bồ Tát sở dĩ trở thành Bồ Tát chính là ở chổ đã Phát Tâm Bồ Đề. Người đã Phát Tâm Bồ Đề, tuy hãy còn là một phàm phu nhưng cũng đã không còn là phàm phu bình thường nữa, mà đã trở thành một vị phàm phu Bồ Tát rồi. Có điều là, việc nảy sinh ra tâm Bồ Đề cố nhiên là cực kỳ khó, nhưng lai rất dễ thoái chuyển. Một người đã Phát Tâm Bồ Đề, nếu không chịu được những gay go phức tạp, mà một khi đã để mất đi cái tâm Bồ Đề, thì cái tư cách Bồ Tát của người đó cũng sẽ vì vậy mà mất theo. Vì lẽ đó, là Bồ Tát hay không phải là Bồ Tát, mấu chốt quan trọng nhất không ở đâu khác, mà hoàn toàn quyết định ở chổ đã Phát Tâm Bồ Đề chưa ? Có thể vĩnh hằng giữ lấy, không để mất cái tâm Bồ Đề ấy hay không ?

“Phát Tâm Bồ Đề theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm” là một công trình nghiên cứu tương đối khó khăn và vất vả. Ngoài những khó khăn về sự bất nhất trong một số kinh, trong các tài liệu nghiên cứu, thì vấn đề then chốt chính yếu là muốn mọi người cùng đồng phát tâm: “Cầu đạo giải thoát, hướng đến Phật qủa, làm lợi ích chúng sanh”. Trong kinh Vô Tận Ý, Đức Phật dạy chúng ta: “Nếu không vì hóa độ chúng sanh, ta không Phát Tâm Bồ Đề này”. Cho nên Phát Tâm Bồ Đề không chỉ là để hy vọng sau này mình sẽ thành Phật, mà quan trọng hơn vẫn là để ngay bây giờ có thể hóa độ chúng sanh, thâm nhập xã hội, tiếp cận nhân quần, tùy phận, tùy sức mà mở lối cho chúng sanh ra khỏi đường mê. Nói theo cách nói thông thường, Phát Tâm Bồ Đề có hai mục tiêu: Hướng lên thành Phật là mục tiêu hàng đầu; Hướng xuống hóa độ chúng sanh là mục tiêu thứ 2 mà người xuất gia cũng như những người con Phật có tâm hạnh Bồ tát cần phải thực hành.

Để trình bày đề tài trên, có rất nhiều vấn đề để thảo luận, bàn bạc, song phạm vi giới hạn của bản luận văn này chỉ xin sơ lược đôi nét về các vấn đề liên quan đến “Phát Tâm Bồ Đề” được bàn đến dưới đây:

- Giới thiệu khái quát về Kinh Hoa Nghiêm, Ý nghĩa tên kinh, nội dung kinh.

- Trình bài - Giải thích đề tài - Bồ Đề – Tâm Bồ Đề - Phát Tâm Bồ Đề.

- Phát Tâm Bồ Đề theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm.

- Thế nào là tà Phát Tâm Bồ Đề và thế nào là chân chánh Phát Tâm Bồ Đề.

- Nhân duyên Phát Tâm Bồ Đề.

- Phương pháp - khuyên rộng khắp đại chúng cùng đồng phát tâm.

- Lợi ích của sự Phát Tâm Bồ Đề.

B. NỘI DUNG

Chương 1: GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ KINH HOA NGHIÊM

1.1. Giới thiệu Kinh

Kinh Hoa Nghiêm là một kinh đồ sộ và vĩ đại nhất trong Phật Giáo đại thừa. Bộ kinh được thuyết trong 21 ngày, sau khi đức Thích Ca Mâu Ni thành chánh giác dưới cội Bồ Đề. Kinh diễn tả cảnh nội chứng bất tư nghì của Đức Phật. Qua bộ kinh, Đức Phật, bậc giác ngộ chân lý tối thượng, hiển bày một nhân sinh quan và vũ trụ quan thâm quảng, chẳng hạn cuộc bởi thời gian, không gian và phạm vị nhỏ bé của cá thể hay văn hóa.

Không những bộ kinh có hình thức đồ sộ: 80 cuốn, trăm vạn chữ, mà nội dung của nó cũng vĩ đại: bao hàm, dung nạp tất cả mọi tư tưởng của Đại thừa Phật Giáo. Bởi vậy, Tổ Sư xưa có nói: “Am hiểu Kinh Hoa Nghiêm là am hiểu tất cả mọi tông phái Phật Giáo. Am hiểu Kinh Hoa Nghiêm là am hiểu con đường tu Bồ Tát Đạo, thành Phật độ sanh. Kinh Pháp Hoa là vua của các kinh. Còn Kinh Hoa Nghiêm là vua của tất cả vua”.

Kinh này là đỉnh cao trí huệ của văn học Phật Giáo. Nó không những chỉ thẳng bản tánh Phật của mỗi người, nó còn chỉ ra con đường viên mãn đạo Bồ Tát. Theo đó, giác ngộ không phải là giai đoạn chót của đường tu mà là một điểm nhỏ trong qúa trình tu hành độ sanh, thực hành hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền. Bao nhiêu quả vị tu chứng chỉ là phương tiện mà thực chất vốn không, bao nhiêu dục vọng tự khô kiệt vì thể tánh chân như luôn hiển hiện.

Kinh này tiếng Phạn gọi là Avatamsaka Sutra. Từng phần của bộ kinh được dịch ra tiếng Hoa vào khoảng thể kỷ thứ hai công nguyên, và công trình phiên dịch được xúc tiến cả mấy trăm năm. Trong khoảng thời gian ấy, có hơn 30 bản dịch từng phần của kinh, và rất nhiều dịch giả biên soạn, tái dịch những tác phẩm cũ. Vô số sớ giải và án văn có liên hệ tới Kinh Hoa Nghiêm được sáng tác. Cuối cùng vào khoảng thể kỷ thứ bảy thì kinh được hoàn thiện. Ba bản dịch chính của kinh là bản gồm có 60 cuốn, do Ngài Budhabhadra (359-429) dịch, và bản gồm 80 cuốn, do Ngài Shikshananda (652-710) dịch và bản 40 cuốn của Ngài Prajna dịch. Bản Hoa Nghiêm 80 cuốn thông dụng và hoàn thiện hơn vì được dịch từ bản chính văn tương đối đầy đủ nhất.

Riêng Hòa Thượng chủ nhiệm bộ môn có viết trong “Lược giải Kinh Hoa Nghiêm” trang 7-9 như sau:

Kinh Hoa Nghiêm có 3 bộ: Bộ thứ nhất gọi là đại Hoa Nghiêm do Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Chuyển. Bộ thứ hai là Trung Hoa Nghiêm do Báo thân Lô Xá Na Chuyển và bộ thứ ba do Ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết. Như vậy, Kinh Hoa Nghiêm có cái nhìn về Đức Phật khác hơn các hệ tư tưởng khác và đương nhiên cũng khác hơn các hệ tư tưởng khác và đương nhiên cũng khác với lịch sử thông thường mà chúng ta học.

Cả 3 bộ kinh này đều ở cung rồng Ta Kiệt La. Nhưng hai bộ dại kinh và trung kinh quá đồ sộ, không thể mang về, nên ngài Long Thọ Bồ Tát chỉ thỉnh được bộ Tiểu Hoa Nghiêm gồm có 100.000 bài kệ. Và mang về nhân gian. Ngài lọc lại, chỉ còn một nữa là 45.000 bài kệ.

Bộ tiểu Hoa Nghiêm do ngài Long Thọ đem về, rồi truyền sang Trung Hoa, được dịch ra tiếng Trung Hoa, còn lại ngày nay 2 bộ. Bộ Hoa Nghiêm 60 quyển do Ngài Giác Hiền dịch đời Tấn và bộ 80 quyển dịch ở đời Đường, dưới sự bảo trở của Tắc Thiên Hoàng Đế, quen gọi là Võ Hậu.

Bộ Kinh Hoa Nghiêm chúng ta học chủ yếu nương theo bộ kinh đời Đường. Kinh Hoa Nghiêm do Báo thân viên mãn Lô Xá Na và kinh do Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật chuyển thì chúng ta không thấy được Báo thân và Pháp thân Phật, nên không thể nghe, không thể đọc và không thể hiểu được.

Hiểu Kinh Hoa Nghiêm là từ văn tự đi vào tư duy, vào thiền định, phát sinh được trí tụê và dùng trí tụê quán sát mọi sự, mọi vật. Kinh Hoa Nghiêm dẫn chúng ta vào pháp giới hay nhìn thế giới chân thật. Và biết được việc ở dạng chân thật, thì ta không còn lỗi lầm trên sinh hoạt hiện tượng của cuộc đời. Kinh Hoa Nghiêm muốn dạy ta cốt lỗi ấy.

Kinh Hoa Nghiêm phát xuất từ Ấn Độ, nhưng được phát triển mạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản. Thật vậy, theo sự nghiên cứu, Kinh Hoa Nghiêm chỉ còn tìm thấy rải rác trong vài tác phẩm ở Ấn Độ. Đó là Bộ Đại Trí Độ luận của ngài Long Thọ có dẫn dụng Kinh Hoa Nghiêm và những tác phẩm chú sớ như Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận, hoặc Thập Địa Kinh Luận giải thích về hai phẩm: Thập Trụ, Thập Địa của kinh. Như vậy, chỉ có một phần nhỏ của kinh được truyền thừa, còn toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm không có.

Tuy nhiên, về sau, Kinh Hoa Nghiêm được truyền sang Trung Quốc có 3 bộ, nhưng đều phát xuất từ nước Vu Điền của Trung Á (ngày nay thuộc khu tự tự của Trung Quốc). Kinh Hoa Nghiêm mang về Trường An, đến đời Tấn thì ngài Phật Đà Bạt Đào La (Giác Hiền) là người đầu tiên dịch sang tiếng Trung Quốc bộ Lục Thập Hoa Nghiêm, gồm 60 quyển, thường gọi là bộ cựu dịch. Cách 200 năm sau, đến đời Đường, Ngài Thật Xoa Nan Đà dịch, chia thành 80 quyển, gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm hay bộ tân dịch. Và cũng ở đời Đường, ngài Bát Nhã dịch riêng phẩm Nhập Pháp Giới, gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm gồi 40 quyển.

Kinh Hoa Nghiêm phát triển mạnh ở Trung Quốc, tiến đến thành lập Tông Hoa Nghiêm. Sơ Tổ của Tông này là ngài Đỗ Thuận (557-640), nhưng đến ngài Trí Nghiêm (602-668) là nhị Tổ mới chính thức thành lập Tông Hoa Nghiêm. Và Tổ thứ ba của Tông này rất nỗi tiếng, đó là ngài Pháp Tạng (Hiền Thủ, 643-712). Phải nói là đến thời của ngài Phát Tạng mới luận giải Kinh Hoa Nghiêm và giảng kinh này cho Tắc Thiên hoàng hậu. Ngài Pháp Tạng lý giải theo bộ bát thập Hoa Nghiêm. Ngài giảng giải đầy đủ hơn, vì đã tổng hợp được hai hệ tư tưởng Bát Nhã và Duy Thức của Sơ Tổ và Nhị Tổ, kết hợp thành bộ Hoa Nghiêm sớ. Đây là cốt lõi của Tông Hoa Nghiêm, làm cho Phật pháp thịnh ở đời này.

Tóm lại, Kinh Hoa Nghiêm phát xuất từ Ấn Độ, nhưng vì qúa cao siêu, hiếm người tiếp thu được và tất nhiên việc phát triển càng khó hơn. Phải đợi đến khi truyền sang Trung Quốc hay Nhật Bản và phải gặp những vị vua chúa có phước báo và quyền thế phát tâm mới đủ điều kiện hổ trợ cho công việc phiên dịch, truyền bá kinh, cũng như xây dựng chùa chiền, đúc tượng được thành công.

Riêng ở Việt Nam, Phật Giáo đương nhiên cũng có phần ảnh hưởng tinh thần Hoa Nghiêm. Một số vị Cao Tăng cũng thọ trì kinh này. Ứng dụng được phần nào tinh ba của kinh trong cuộc sống. Tuy nhiên, nói chung bộ kinh này không phát triển mạnh ở Việt Nam .

1.2. Ý Nghĩa Tên Kinh

Tên kinh toàn bộ là: “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”, gọi tắt là Hoa Nghiêm. Nói vắng tắt, ý nghĩa tên kinh là ẩn dụ về pháp giới, pháp giới tức là chân tâm. Pháp giới là cảnh giới vô sai biệt, trong đó bao hàm mọi cảnh giới của thánh và phàm, của vũ trụ và vạn tượng. Đặc tính này bao gồm lý sự, thể, tướng, dụng nhân quả của pháp giới. Cũng như hoa sen (trong đề kinh Diệu Pháp Liên Hoa) là ẩn dụ của chân tâm, Hoa Nghiêm là ẩn dụ của pháp giới. Nếu phân tích tên kinh từng chữ thì:

Đại: là chỉ thể tánh bao la vô cùng tận của pháp giới, không sao có thể đo đạc trắc lượng được biên cương của pháp giới vô hình, ngay như vũ trụ cũng chỉ là một điểm trong pháp giới.

Phương: Nghĩa là phép tắc, nguyên lý, chân lý, pháp bất biến của pháp giới. Những chân lý này lúc nào cũng hiển nhiên, đúng đắn, chân chính không lệch lạc. Thí dụ như lý nhân qủa, lý nhân duyên, nghiệp báo, lý luân hồi. Chân lý chính là tướng trạng của pháp giới. Chân lý thì vô hình nhưng nó chi phối sự vận hành của tất cả mọi sự, mọi hiện tượng.

Quảng: Chỉ sự ứng dụng của pháp giới thì rộng lớn, trùm khắp vũ trụ, châu biến khắp nơi đâu cũng vô ngại. Không đâu ra ngoài phạm vi pháp giới. “Bóng dáng” của pháp giới (chân tâm của ta) thì gần kề và hiển hiện khắp nơi nhưng ta chẳng thấy đặng. Vì sao ? Vì ta bị vọng tưởng, dục vọng che khuất trí tuệ để thấu hiểu pháp giới. Nếu ai thể nhập pháp giới, trong một bụi trần y có thể dung nạp vô biên thế giới, trong một sát na dạo khắp vũ trụ. Đó là ứng dụng của pháp giới.

Phật: Chử này có hai nghĩa, một là Trí giác ngộ, hai là người giác ngộ. Giác ngộ điều gì ? Giác ngộ sự huyền diệu của pháp giới, của thể, tướng và dụng trong ba chữ Đại Phương Quảng. Sự giác ngộ này là chìa khóa để nhập pháp giới, của đại giải thoát, tự tại vô ngại. Sự giác ngộ này biểu hiện bằng thập trí hay thập lực trí của Đức Phật. Trong tên kinh, chữ Phật với ý giác ngộ là nghĩa chính, còn nghĩa người giác ngộ là nghĩa phụ, bởi vì đặc tính của pháp giới thì vô nhân vô ngã.

Hoa: Đây là hình tượng ẩn dụ sự tu hành mười ba la mật. Sự tu trì này là nhân để nhập pháp giới, thành tựu mọi công hạnh của Bồ Tát Đạo. Hình ảnh đóa hoa nở là hình ảnh của Tâm Bồ Đề, khai mở ra trong tâm thức người tu. Tâm này là nhân của mọi công đức, mọi hạnh lành. Hoa này có mười cánh, mỗi cánh là một hạnh ba la mật. Mời cánh ba la mật tức là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát nhã, Phương tiện, Đại nguyện, Đại lực, và Đại trí.

Nghiêm: Nghĩa là trang nghiêm, như dùng hoa để trang nghiêm. Ở đây ám chỉ dùng vạn hạnh để trang nghiêm bản thể thanh tịnh, trang nghiêm pháp giới. Hoặc có nghĩa là dùng vạn hạnh công đức để thành tựu Phật qủa. Nhân (trong chữ Hoa) là Bồ Đề Tâm, qủa (trong chữ Nghiêm) là Phật. Mỗi đóa hoa là một công hạnh với mỗi cánh hoa là một ba la mật. Kết những hoa đó lại thành vòng, thành tràng, tức là xâu nối những công hạnh đó với nhau. Bạn biết tràng hoa này dài bao nhiêu không ?

Dài lắm ! Vô cùng vô tận chẳng biết tới đâu thì hết. Đó chính là đặc tính của sự tu hành theo hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền: tu hoài không nghĩ, tu vô tận.

Ngài Thanh Lương Trừng Quán, có viết bài văn giới thiệu Kinh Hoa Nghiêm, trong đó có đoạn như sau:

Đại dĩ khoáng kiêm vô tế

Phương dĩ chính pháp tự trì

Quảng tắc xứng thể nhi chân,

Phật vị giác tư huyền diệu,

Hoa dụ công đức vạn hạnh.

Nghiêm vị sức pháp thành Phật.

Dịch rằng:

Đại thì rộng rải, không biên giới

Phương là chân lý tự vận hành

Quảng hợp bản tánh, biếp khắp nơi

Phật tức giác ngộ lý diệu huyền

Hoa chỉ vạn hạnh, cùng công đức

Nghiêm tô điểm lý, thành tựu người.

Trong bài tựa cho Hoa Nghiêm Đại Sớ, Ngài có viết thêm:

Kiến văn vi chủng,

Bát vạn siêu thập địa chi giai,

Giải hạnh tại cung,

Nhất sinh viên khoáng kiếp chi qủa.

Nghĩa là dù có kẹt trong vòng bát nạn (tức là gặp những khó khăn tột bực ngăn trở sư tu hành), nếu được thấy hoặc nghe Kinh Hoa Nghiêm, ta cũng có thể tu chứng vượt ngay tới giai vị Thập Địa, tức là giai vị tột bực của Bồ Tát. Nếu hiểu biết rồi thực hành theo Kinh Hoa Nghiêm thì ngay trong một đời này, ta có thể viên mãn quả báo tu hành của vô lượng vô biên kiếp.

Theo ngài Trừng Quán, tuy Kinh Hoa Nghiêm đồ sộ và vĩ đại vô cùng, nhưng phương pháp tu chứng mà kinh dạy thì lại giản dị và mạch lạc vô ngần. Đồ sộ và vĩ đại là vì: Nếu hiển bài chân lý của kinh cho rốt ráo thì mình phải đọc bản thượng phẩm Hoa Nghiêm, gồm có vô lượng vô biên bài kệ, nhiều như bụi trần trong vũ trụ vậy. Hễ nơi nào có sự hiện hữu dưới dạng tâm thức, vật chất, năng lượng… thì nơi ấy có bản thượng phẩm này. Nếu bạn chẳng có đủ đủ thời gian đọc bản thượng, thì đây bản trung chỉ có hơn trăm ngàn vạn ức bài kệ mà thôi ! Nếu bạn cũng chẳng rãnh rỗi đọc bản ấy, thì đây bản hạ: chỉ hơn 10 vạn bài kệ.

Giản dị và mạch lạc vì: toàn kinh là một bản đồ tu hành từ phàm phu tới thành Phật. Từ chương trong kinh dạy về từng giai đoạn tu hành. Pháp tu ở trước là nhân duyên cho pháp tu ở sau; cảnh giới ở trên thì phải từ cảnh giới ở dưới tiến lên. Pháp nào kinh dạy cũng thực dụng. Pháp nào cũng bao hàm mọi khía cạnh, từ nội tâm tới ngoại hạnh, từ tự tu tới độ sinh, từ xuất thế đến nhập thế…. Nhưng việc tu thật giản dị: cứ tu xong bước này, thì bước kế hiển hiện. Tu theo kinh, đọc kinh, tụng kinh, quán kinh, trì kinh tức là thể nhập vào chốn bất khả tư nghì, siêu việc tư duy lý luận.

Bởi thế nói kinh là bản đồ thì vẫn chưa đúng. Kinh là cửa ngõ của pháp giới, của giải thoát, của tự tại. Kinh là thật tại vô ngại trong trần lao hư huyển. Kinh là tổng thể nhất như trong vạn thù sai biệt.

1.3. Nội dung Kinh Hoa Nghiêm

Nội dung của Kinh Hoa Nghiêm là nói về tinh thần biện chứng, triết lý và phương thức tu hành đạo Bồ Tát. Nó diễn tả cảnh giới nội chứng cũng như trọn vẹn công hạnh của đường tu, từ phàm phu lên đến qủa vị cứu cánh giác ngộ. Cũng có thể nói đại ý của kinh này dạy ta làm sao khai mở chân tánh hay pháp giới trong tâm mình. Hoặc làm sao triển khai Bồ Đề Tâm tới chổ viên mãn nhất. Để giải thích nội dung tu hành, kinh chia làm bốn phần chính.

1. Tín phần: Phần này có 6 phẩm, thuyết minh cảnh giới nội chứng của chư Phật để giúp ta thoát khỏi sự hạn chế nhỏ hẹp do trí óc đặt định ra. Khi mình buôn bỏ những thành kiến và định kiến đặt ra trên nền móng của bản ngã, thì tự nhiên chân lý sẽ hiển hiện. Sự chấp nhận chân lý ấy, gọi là đức tin. Chân lý, hay pháp giới hay chân tâm vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh. Chỉ chờ ta khai mở.

2. Giải phần: Phần này có 31 phẩm, giải thích cặn kẽ các hạnh tu của đạo Bồ Tát, từ hạnh vị thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, tới hạnh vị Đẳng giác. Mỗi giai đoạn là một qúa trình phát triển và trưởng thành tâm giác ngộ và hạnh giác ngộ. Chữ “Giải” ở phần này có nghĩa là thấu triệt, không bằng suy nghĩ, hay so sánh, mà bằng thể nghiệm sự vắng lặng trong sáng của nội tâm. Sự vắng lặng này có là do bụi bặm phiền não được quét sạch,và Tâm Bồ Đề được nuôi lớn. Do đó phải thực hành: Cầm chổi quét sạch bụi phiền não trong lòng để thấy chân lý.

3. Hạnh phần: Phần này chỉ có một phẩm: Phẩm ly thế gian. Phần này trình bày về 2000 công hạnh, tóm tắt tất cả cách tu trì Bồ Tát Đạo từ lúc mới phát tâm cho tới hạnh vị Đẳng giác. Chính công phu tu hành ở giai đoạn này là then chốt cho sự cứu cánh thành tựu đạo Bồ Tát. Trong khi “Giải” là thể nghiệm chân lý, “Hạnh” ở đây có nghĩa là chia sẽ chân lý, giáo hóa chúng sanh. Giải và hạnh đi đôi với nhau không tách rời, không thể phân biệt trước sau. Biểu hiện của hạnh là: An trụ trong cảnh giải thoát (ly thế gian) nhưng vẫn ở trong trần thế để giáo hóa, phục vụ; làm chuyện giáo dục, công ích xã hội để độ sanh.

4. Chứng phần: Phần này trình bày cảnh giới rốt ráo của đạo Bồ Tát. Tuy phần này chỉ có một phẩm, nhưng rất dài, tên là Nhập Pháp Giới. Trong phẩm ấy, người hành giải tiêu biểu là một vị đồng tử tên là Thiện Tài, đại biểu cho chúng sinh, cho ta thấy sự tu hành từ đầu cho tới khi giác ngộ, thâm nhập pháp giới, ta cần trưởng thành những tâm thức nào. Với quan niệm thông thường, ta nghĩ rằng: Chứng qủa thành Phật là giai đoạn cuối cùng; nhưng theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm thì cái cuối cùng và cái bắt đầu thì bình đẳng. Khi Thiện Tài nhập pháp giới thì quan niệm tu hành có sự bắt đầu (từ phàm phu), có sự kết thúc (chứng đắc, thành Phật) đều tiêu vong, không thể áp dụng. Bất khả tư nghì ! Tuy nhiên chúng ta có thể an toàn mà kết luận rằng: Chứng có nghĩa là sự giải thoát rốt ráo nhất, là đại Niết Bàn, là cảnh giới tự tại vô ngại cứu cánh nhất, trong đó mọi chấp trước vào quan niệm và vào bản ngã hoàn toàn vắng bặt.

Đối với một hành giả thì Kinh Hoa Nghiêm như một con đường dẫn tới sự viên mãn Bồ Tát Đạo, viên mãn Tâm Bồ Đề. Như vậy thì khởi đầu của con đường này là đâu ? Là sự phát khởi Tâm Bồ Đề. Do đó chủ đề của Kinh là Bồ Đề Tâm.

Kinh này dạy ta làm sao Phát Tâm Bồ Đề, làm sao nuôi dưỡng, thành thục, rồi tới viên mãn; lại làm sao khiến tâm này phát triển ở những chúng sinh khác. Bởi vậy Kinh Hoa Nghiêm, từ đầu đến cuối, có thể xem như là một chương trình dạy ta thứ lớp tu hành từ phàm phu lên đến quả Phật. Có lẽ không có kinh nào trong Phật giáo trình bày sự tu hành một cách toàn diện rốt ráo như Kinh Hoa Nghiêm.

Chương 2 : TRÌNH BÀY – GIẢI THÍCH ĐỀ TÀI

Trước khi đi vào nội dung chính, cốt lỗi nhất của đề tài “Phát Bồ Đề Tâm”, muốn chuyển Phàm thành Thánh ta cần phải tu đạo Bồ Tát. Vậy tu đạo Bồ Tát là tu gì ? Là tu Bồ Đề Tâm. Tu Bồ Đề Tâm là nghĩa làm sao ? Là tu ba tâm thái: Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm.

Ý nghĩa của ba tâm thái đó là:

- Trực tâm: là tâm chính niệm chân như, chính niệm Phật tánh: đây là tâm thái có thể quán chiếu, có thể thấy, có thể phản ảnh đặc tính của chân như. Tâm này là trạng thái rỗng rang không chút phiền não, duyên lự, tạp niệm của lòng ta. Tâm này khi phát triển đến cùng cực sẽ khiến trí hụê Bát nhã hiễn hiện, đồng thời khiến ta đạt tới cảnh giới vô ngã, là căn bản để liễu thoát sinh tử. Ở nơi mức độ bình thường, thấp nhất, tâm này là lương tâm, là tâm chân thật, thẳng thắn, ngăn chặn ta làm ác, hủy phạm giới luật, làm chuyện đen tối, khúc khuỷu, không thành thật, dối trá.

- Thân tâm: là tâm thái hướng vào tánh chân thiện mỹ của pháp tánh: Đây là tâm khiến ta thích làm thiện, thích tu hành, thích học tập. Tâm này là rường cột giúp ta thành tựu mười ba la mật, thập lực trí và vô số thần thông biện tài công đức, bởi vì nó thôi động sự ưa thích thực hiện vô vàn điều lành, tu tập muôn ngàn pháp môn mà không mệt mỏi, nhàm chán. Để phát triển tâm này, ta cần phát vô số đại nguyện, nguyện tu hành vô lượng pháp môn. Tâm này khi phát triển đến cùng cực sẽ làm ta đạt tới cảnh giới vô ngã Niết Bàn, song không làm ta chấp vào cảnh giới tịnh tĩnh của cỏi Niết Bàn. Ngược lại nó khiến ta không ngừng tu hành để viên mãn hạnh nguyện.

- Đại bi tâm: là tâm bao nạp tất cả chúng sinh, là lòng thương vô hạn: Lòng này là đại bi khiến ta thấy chúng sinh và mình chỉ là một. Lòng đại bi giúp ta sống tự tại trong cõi phàm, không chuyện thị phi tranh chấp của chúng sinh làm ta phiền não. Đại bi là tình thương không có điều kiện, không có đòi hỏi được trả ơn hay được thương lại. Người tu tâm đại bi thì chỉ bố thí, ban bố, nhưng không hề đòi hỏi, chiếm đoạt, yêu cầu gì lại cho mình. Nếu trực tâm được tu hành trong cô đơn im lặng thì đại bi tâm là cách tu hành giữa chúng sanh, huyên náo tạp nhiễm. Chỉ khi tâm đại bi phát triển đến cùng cự thì đạo Bồ Tát mới viên mãn, bởi vì tâm đại bi là chiếc thuyền để độ chúng sinh tói giác ngộ. Và chỉ khi chúng sinh giác ngộ hết thì đạo Bồ tát mới thành.

Ba tâm này liên hệ mật thiết với nhau. Không cách gì chỉ tu đơn độc một tâm mà bỏ phế hai tâm kia. Khi một tâm tu thì tự nhiên nó sẽ thúc đẩy hai tâm kia cùng phát triển. Theo quan điểm của ngài Thanh Lương quốc sư, thì tâm đại bi nuôi dưỡng hai tâm kia. Ngài có làm ví dụ Tâm Bồ Đề như cây đèn dầu. Dầu tượng trưng cho hạnh cứu độ chúng sinh, tức là lòng đại bi. Tim đèn tượng trưng cho hạnh của thân tâm, tức sự rộng phát đại nguyện. Ánh sáng của đèn tượng trưng cho hạnh của trực tâm, tức là đại trí hụê. Qua đó ta thấy, tu Bồ Tát hạnh là làm phát triển và thành thục tới chổ cứu cánh viên mãn Bồ Đề Tâm, tức trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm.

Để rõ hơn chúng ta sẽ trình bày giải thích đề tài “Phát Tâm Bồ Đề theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm” từ chi tiết được phân ra như sau:

Theo ngài Pháp sư Diễn Bồi trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm dịch như sau (trang 19-26).

2.1. Bồ Đề là gì ? Là tiếng Ấn Độ, dịch ra tiếng Trung Quốc thì có hai cách, cách dịch cũ và cách dịch mới. Cách dịch cũ trước đời Đường là “Đạo”, dịch mới sau đời Đường là “Giác”. Nếu so sánh ý nghĩa thì: Nói về những diệu lý do chư Phật Thánh qủa thể hội được và những trí đức đã thành tựu mà dịch Bồ Đề là “Đạo” thì không có gì là không được. Nhưng cách dịch mới là “Giác” thì xác đáng hơn. Chữ “Giác” và chữ “Ngộ” trong “Giác Ngộ” là gần nghĩa nhau, “Giác” tức là “Ngộ”, “Ngộ” tức là “Giác”, nhưng thường ghép với nhau mà thành ra “Giác Ngộ”.

Chữ “Giác” nghĩa là Bồ Đề khác nghĩa với chữ “Giác” trong “cảm giác”, “tri giác”, “ố giác” thường gặp. Căn cứ vào những điều được chỉ dẫn trong kinh Phật, thì chữ “Giác” nghĩa là Bồ Đề “thuần chính giác”, trái nghĩa với mê hoặc, vì “Giác” sở dĩ gọi là “Giác” vốn là đối lập với mê hoặc.

Người phàm đới với sự vật này kia không hiểu được chính xác, không thể gọi là “Giác”. Ngay cả trong trường hợp tưởng rằng mình đã hiểu rồi, nhưng cái “hiểu” đó đã thật “thuần chính” chưa thì vẫn còn là vấn đế lớn. Vì tất cả những sự “hiểu” thông thường đó, phần lớn đều còn lẫn thành phần ô trọc trong đó mà chưa “thanh tịnh”. Cho nên chữ “Giác” nghĩa là Bồ Đề chân chính là phải “thuần chính”, “thanh tịnh”, không lẫn một mảy may vẫn đục hay mê hoặc trong đó, nếu không thì chưa đúng nghĩa “Giác” của chữ Bồ Đề. Do đo,ù “Giác Ngộ” và “mê hoặc” là trái hẳn nghĩa nhau, khi đã hiện diện sự giác ngộ thì mê hoặc đã tiêu tan hết rồi, hai cái đó không thể cùng song song tồn tại, cái lẽ của nó cũng như vậy. Quang minh xuất hiện thì hắc ám tiêu tan, trái lại hắc ám bao trùm thì quang minh biến mất. Lại như bạo ác và chính nghĩa không thể cùng song song tồn tại, khi chính nghĩa ngẫng cao đầu dậy thì bạo ác bị xéo nát.

Phải đạt đến trình độ như thế nào thì mới được gọi là “Giác Ngộ”?

Phải đến được cái mức không còn mê hoặc thì mới nói là Bồ Đề. Ở địa vị phàm phu, do còn có mê hoặc, chưa thành tựu được Bồ Đề. Chỉ có thánh nhân xuất thế, vì đã dứt được mọi mê hoặc, nên đã thành tựu được giác ngộ, mới có thể nói là đạt được Bồ Đề. Cùng với thánh nhân xuất thế, nhưng về trình độ khác nhau chia làm tam thừa khác nhau. Cái mà các vị Thanh Văn thành tựu được là Bồ Đề Thanh Văn, cái mà các vị Duyên Giác thành tựu được gọi là Bồ Đề Duyên Giác. Cái các bậc Phật Đà vô thượng thành tựu được gọi là Bồ Đề vô thượng. Nói về ý nghĩa của Giác Ngộ, tuy rằng cùng là giác ngộ, nhưng tùy theo mức độ sâu nông khác nhau mà chia thành ba loại Bồ Đề, mà Bồ Đề Vô thượng là cứu cánh nhất, viên mãn nhất, cũng là cái Bồ Đề mà người phát tâm Bồ Đề muốn chứng qủa.

Bồ Đề không chỉ có danh nghĩa của nó, mà lại còn có tự thể của nó. Cái gì là tự thể của Bồ Đề ? Đó là điều mà chúng ta sẽ bàn tiếp dưới đây.

Phật Pháp có sự phân biệt Tam thừa cộng giáo và Đại thừa cộng giáo; Tự thể của Bồ Đề từ Tam thừa cộng giáo là chỉ Tụê thanh tịnh vô lậu xuất thế. Tụê này không phải cái gì khác, mà tức là tụê tâm sở trong ngũ biệt cảnh, chỉ có biệt cảnh tụê thông với lậu và vô lậu, mà đây là chỉ chuyên chỉ tụê tâm sở vô lậu. Tự thể của Bồ Đề xuất từ Đại thừa bất cộng giáo thì chỉ tứ trí Bồ Đề thanh tịnh. Tứ trí Bồ Đề thường được nói đến trong duy thức học, tức là tứ trí chuyển bát thức mà thành tứ trí (Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tính trí và Đại viên kỉnh trí). Đại thừa coi Tứ trí này là tự thể của Bồ Đề. Trên lập trường đó, Bồ Đề mà Thánh giả tam thừa đạt được, vẫn chưa đủ tư cách gọi là Bồ Đề, vì Tứ trí của nó chưa viên mãn, giác ngộ còn chưa cứu cánh, phổ biến. Như giác ngộ mà các thánh giả Thanh Văn, Duyên Giác đạt được chỉ là bộ phận, chưa thể biến khắp hết tất cả, cho nên không được gọi là Bồ Đề; Giác ngộ của Thánh giả Bồ Tát đạt được, phổ biến thì cố nhiên đã phổ biến, nhưng vẫn chưa đạt đến vô thượng, cho nên cũng không thể gọi là Bồ Đề.

Giác ngộ của Thánh giả Tam thừa, đã không thể gọi là Bồ Đề, thì tại sao kinh nói có ba loại Bồ Đề của Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát ? Nên biết rằng đây là đứng trên tướng bình đẳng của Bồ Đề mà nói, vì Bồ Đề tức là Giác ngộ, Thánh giả Tam thừa đều được Giác ngộ, cho nên có thể gọi chung là Bồ Đề. Nhưng theo ý nghĩa thù thắng, thì chỉ có vô thượng Bồ Đề mới có thể chân chính gọi là Bồ Đề. Vì chỉ có chứng được vô thượng Bồ Đề thì mới hoàn thành được Tứ trí. Khi chưa thể hoàn thành viên mãn, vì thế, gắn với ý nghĩa thù thắng của Bồ Đề, chỉ lấy Tứ trí làm thể. Diệu Quang Sát Trí trong tứ trí, nhị thừa có thể đạt được thành tựu từ bộ phận. Còn như Thành Sở Tác Trí, Bình Đẳng Tính Trí, Đại Viên Kính Trí, nhị thừa căn bản không thể thành tựu. Chân chính hoàn thành Tứ trí Bồ Đề duy chỉ có Phật và Phật mới có thể cứu cánh viên mãn. Thế nên, chí có giác ngộ mà Phật đã tối cao hoàn thành Tứ trí mới chân chính được gọi là Bồ Đề. Mà Vô Thượng Bồ Đề này lấy Tứ trí làm thể. Giác ngộ của nhị thừa, do đó không thể gọi là Bồ Đề.

Bồ Đề là giác ngộ, lấy vô lậu tuệ làm thể. Vô lậu tuệ tức tuệ tâm sở trong biệt cảnh, cho nên Bồ Đề cũng có tâm sỡ tương ứng của nó, cũng tức là tâm sở tương ứng với tứ trí. Nói đến họat động tâm thức của người ta, có cái gọi là tương ứng tâm sở, như đệ bát thức trước có năm tương ứng tâm sở, đệt thất thức có 18 tương ứng tâm sở, đệ lục có 51 tương ứng tâm sở, năm thức trước có 34 tương ứng tâm sở; Đến tứ trí do Bồ Đề Phật quả hoàn thành là do bát thức chuyển thành. Bát thức hữu lậu đã có tâm sở tương ứng thì tứ trí vô lậu cũng có tâm sở tương ứng của nó. Cho nên bất luận một trí nào trong tứ trí, cũng quyết không phải là cô đơn biệt lập. Tâm sở tương ứng của Bát thức hữu lậu có sự khác nhau, hoặc nhiều hoặc ít. Tâm sở tương ứng của Tứ trí vô lậu thì lại cũng có 21 tương ứng tâm sở, tức là ngũ biệt cảnh: Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Tuệ; Ngũ biệt cảnh: tác ý, xúc, thọ, tưởng, tư; thêm vào đó 11 thức tâm sở: Tín, tàm, qúy, vô tham, vô sân, vô si, tinh tiến, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hoại. Tương ứng với Bồ Đề Tứ trí, không ngoài 21 tâm sở nói trên, đó là nghĩa tương ứng của Bồ Đề.

2.2. Tâm Bồ Đề là gì ?

Ý nghĩa của Bồ Đề, còn nhiều điều có thể nói. Nay hãy tạm dừng để nói về Tâm Bồ Đề. Cái tâm nói ở đây hơi khác với cái thường nói, tâm không phải là cái cục thịt do máu thịt tạo thành, cũng không phải là hư vọng phân biệt tâm thường nói mà là hy vọng, nguyện vọng, tham muốn. Phật pháp thông thường nói đến “dục” (tham muốn) đều là nói cái không tốt, có ý chê trách. Nhưng nếu nói đến lòng tham muốn thiện pháp thì không phải là không tốt, mà là điều không thể thiếu được đối với người tu học Phật pháp. Nếu không có thiện pháp dục thì sẽ không đi tìm sự giải thóat, không trưng cầu Vô Thượng Bồ Đề. Khi đã có thiện pháp dục rồi thì sẽ nhiệt liệt theo đuổi những mặt nói trên. Cho nên, chữ “Tâm” trong Bồ đề tâm có nghĩa là hy vọng, dục cầu, cũng có nghĩa là lập chí. Chúng ta bất luận làm việc gì cũng phải có nguyện vọng, dục cầu, lấy nó làm động lực thì mới có thể hoàn thành được việc ta muốn làm. Việc thông thường trong thế gian mà còn như vậy, huống gì chúng ta muốn hoàn thành Vô thượng bồ đề, nếu không có nguyện vọng cao cả, dục cầu nhiệt liệt thì làm sao có thể đạt được mục đích thành Phật ? Vậy tự thể nay tức là dục tâm sở trong ngũ biệt cảnh. Cái dục tâm sở này giải thích chính đáng chữ “Tâm” trong phát Bồ đề tâm. Nhưng phải biết rằng, chính cái dục tâm sở trong biệt cảnh, trên địa vị phàm hữu lậu thông với tam tính; thiện, ác, vô ký, duy cái chí nguyện dục Bồ đề này, khi bắt đầu khởi phát, tức là tùy thuận vô lậu pháp của thiện pháp hữu lậu. Nên biết rằng, để cầu được Vô Thượng Bồ Đề mà phát sinh nguyện dục này, dựa trên nguyện dục này mà tiến lên theo hướng mục tiêu muốn đạt tới, công đức pháp vô tận mà Đại Thừa Phật quả có đều do cái dục tâm này sinh ra. Vì vậy chữ “Tâm” trong “Tâm Bồ Đề”, chúng ta không thể coi thường được.

Lại nữa, trong kinh thường hay nói đến vọng tâm, chân tâm và Bồ đề tâm.

- Vong tâm thì bao quát tất cả những gì thuộc về đầu óc của ta, sự tư duy, nghĩ ngợi, tính toán, cho đến tình cảm, phiền não, vui buồn, yêu ghét, giận hờn. Tất cả hoạt động của những suy tư, tình cảm trên thì xoay quanh một trung tâm mà ta gọi là cái ngã, cái tôi. Cái tôi này, theo Đức Phật, thì không có thực thể, không hiện hữu. Nó chỉ là một quan quan niệm, một sự chấp trước lầm lẫn, rằng bản ngã có thật.

Vong tâm còn bao quát cả trực giác, tiềm thức, hoặc theo danh từ nhà Phật, thì gọi là thức A lại gia, thức thứ tám, hoặc tạng thức. So sánh về tầm vóc và chiều sâu: Suy tư và tình cảm đem so với thức A Lai Gia thì cũng như vài hạt bụi so với dãy núi Hy Mã Lạp Sơn.

- Chân tâm có nhiều tên: Phật tánh, chân Như, Như Lai Tạng tánh, Pháp giới tánh, thể tánh… Chân tâm thì bất biến, tuyệt đối, vô biên, vô giới hạn, siêu việt ra ngoài sự tưởng tượng, hình dung hay tiếp xúc của cảm quang bình thường. Vọng tâm chẳng làm sao có thể trắc lượng hoặc “thấy” được chân tâm. Mọi kinh nghiệm của giác quan (như bạn ngồi thiền bổng thấy Phật Bồ Tát, hào quang, cảnh nhiệm mầu) đều thuộc phạm vi của vọng tâm chứ không phải của chân tâm.

- Bồ Đề Tâm thì chẳng phải là vọng tâm, nhưng cũng chẳng phải là chân tâm, phải chăng khó hiểu qúa ? Để cho dễ hiểu, xin lấy ví dụ sau: Vọng tâm là biển nước, chân tâm là mặt trăng, thì Bồ Đề Tâm là bóng trăng trên nước. Ở đâu có trăng thì ở đó có bóng trăng. Bồ Đề Tâm là cái bóng của chân tâm.

Trăng không thể tiếp xúc với nước, nhưng bóng trăng thì gắn liền với nước. Chân tâm thì ở trong phạm vi của tuyệt đối, nó không thể khiến thế gian là cõi tương đối tiếp xúc được. Nhưng Bồ Đề Tâm thì được. Bồ Đề Tâm là phương tiện để chân tâm khởi tác dụng tích cực trong cỏi trần thế. Bồ Đề Tâm là tâm thái vô hạn, vô biên, vô tận, không bị ngăn ngại bởi phiền não chấp trước của bản ngã nhỏ bé. Cũng như bóng trăng vận hành tự tại trên mặt nước, không hề trở ngại.

Do đó kinh Hoa Nghiêm chú trọng vào sự nuôi dưỡng và khở phát Bồ Đề tâm. Chỉ lo diệt phiền não thôi thì chưa đủ, và không cứu cánh. Như các vị A La Hán lậu tận, dứt hết phiền não, nhưng không thể thành Phật. Thành Phật là do phát triển Bồ Đề Tâm. Nếu bạn nuôi dưỡng được một phần Bồ Đề Tâm thì tự nhiên một phần phiền não sẽ rơi rụng mà bạn chẳng mệt nhọc diệt trừ.

Ví dụ: Thay vì kềm hãm tánh giận dữ khi thấy kẽ khác làm lỗi, cố giằng cơn giận; thì bây giờ mình tập tha thứ lỗi họ. Tìm hiểu nhân quả khiến họ sai lầm, nhất là thấu suốt những nhân tố trong tình cảm, quan niệm, để biết cách giúp đở “gở kẹt” cho họ. Tấm lòng biết tìm hiểu sự khó khăn của kẻ khác, gọi là trí huệ. Chỉ khi có trí huệ, sự tha thứ mới đem tới hiệu quả tích cực. Tha thứ hoài hoài, mà chẳng bao giờ trách cứ ai. Đó chính là trạng thái của Bồ Đề Tâm.

2.3. Phát tâm Bồ Đề là như thế nào ?

Tâm đã nói rồi, bây giờ nói tiếp đến “Phát Tâm Bồ Đề”. Trung tâm của bốn chữ này là chữ “phát”. “Phát” có nghĩa là “phát khởi”, “phát sinh”, tức là phát sinh, phát khởi cái Bồ Đề tâm ấy. Nghĩa chữ “phát tâm” rất rộng, như phát tâm niệm Phật, phát tâm trì chú, phát tâm tụng kinh, phát tâm tham thiền. Đây là nói về phương diện tu trì Phật pháp. Nếu nói về phương diện thế tục, có thể nói là phát tâm cầu tài, phát tâm làm quan, phát tâm cầu danh, phát tâm cầu trí. Mà phát tâm gì ắt phải làm việc đó. Cho nên luận nói: “Như người tham công danh, phát tâm cầu công danh, tu hành đặng công danh, nếu tham tài bảo, phát tâm cầu tài bảo. Phàm người muốn cầu thiện cầu ác, đều trước hết phát cái tâm rồi sau thực hiện cái chí của mình. Cho nên, người cầu Bồ Đề thì phát tâm Bồ Đề, tu hành Bồ Đề”.

- Cái tâm nguyện cầu chứng vô thượng Bồ Đề này, làm sao mới có thể phát khởi được ? Nói kỹ, thì có thể nói nhiều mặt, ở đây chỉ nói sơ lược qua hai loại.

+ Một là phát tự tính nội tại: Trong lòng ta vốn đã có giác tính Bồ Đề, nhưng khi nó bị phiền não che mất, sức mạnh của giác quá mỏng yếu, không thể có tác dụng mạnh. Như người ta khi đang có bệnh, tinh thần vận động hẳn không thể nâng lên được. Tuy trong trạng thái phiền não mê hoặc động loạn bất an, nhưng giác tính Bồ Đề vẫn tồn tại, chưa vì đau mà mất đi. Muốn rời bỏ cái tướng động loạn bất an đó, trừ khi chứng được Bồ Đề Phật quả. Khi có cái tâm thành Phật ấy rồi thì nên biết đây tức là đã phát tâm Bồ Đề tự tính nội tại.

+ Hai là phát tư trợ ngoại tại: Có thể có người nói; nội tại đã có thể phát tâm Bồ Đề, thế thì tại sao nay không thấy chúng sinh tự phát?

Đó là vì không được ngoại duyên tư trợ. Thế nào là sự tư trợ ngoại duyên ? Tức là Thiện hữu và Thánh giáo. Như nghe Đại thừa Thánh giáo, dựa vào huấn tập thường xuyên của Thánh giáo ấy, thế là tự mình phát Đại Tâm Bồ Đề. Đây là phát tư trợ bằng tự mình phát Đại tâm Bồ đề. Đây là phát tư trợ bằng lực Thánh giáo. Hoặc xem thấy thần thông, đạo lực của Phật, Bồ Tát, khiến cho tự mình phát đại tâm Bồ Đề. Đây là phát tư trợ bằng lực Thiện hữu.

Bốn chữ “Phát Tâm Bồ Đề” đã lần lượt giải thích rồi, căn cứ những điều đã nói trên, chúng ta có thể biết rằng: Người tu học Phật pháp Đại thừa chân chánh, cũng như hành giả tu học, thực hành hạnh nguyện Bồ Tát theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm mà Phật đã dạy, tất cả đều phải tự mình phát tâm Bồ Đề, không những thế mà con khuyến dẫn người khác phát tâm. Chỉ có tất cả mọi người cùng đồng phát tâm Bồ Đề, thì Phật pháp mới có thể tiếp tục hoằng dương, chúng sanh mới có thể phổ độ ! Tất cả những người con Phật, đồng tu học Phật pháp, bất luận là Tăng hay tục, nam nữ đều phải phát tâm Bồ Đề. Đặc biệt là thời kỳ đổi mới như hiện nay, xã hội không ngừng phát triển, người người tất bặc lo cơm áo gạo tiền, đua đòi chạy theo vật chất xa hoa mà quên đi bản tâm. Vì vậy, Phát tâm Bồ Đề là một việc cấp bách trước mắt của hành giả Đại thừa.

2.4 Phát tâm Bồ đề theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm

Kinh Hoa Nghiêm day rằng quên phát tâm Bồ đề mà làm mọi hạnh lành thì đó chỉ là nghiệp ma. Bởi thế qúa trình tu tập hành đạo đều dựa hoàn toàn vào năng lực của tâm Bồ đề. Điều này ta có thể thấy trong toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm. Bầy giờ để đơn giản hóa, chúng ta hãy nói về những điểm chính yếu, cần thiết nhất.

Theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm thì:

Phát tâm Bồ Đề, nói gọn là vừa hướng mình vào đường tu giác ngộ, vừa làm việc hóa độ chúng sinh, tức là “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”. Hai mục tiêu này cũng chính là ba tâm: Trực Tâm, Thâm Tâm và Đại Bi Tâm đã giải thích rõ ở phần đầu.

Phát tâm Bồ đề không phải là chỉ khởi một ý tưởng muốn tu hành hay muốn độ chúng sinh rồi ngừng lại. Nó đòi hỏi ta phải phát khỏi những ý tưởng đó hoài hoài. Nói cách khác: Phát tâm Bồ đề là hun đúc trong lòng một khuynh hướng kiên cố hướng về hai mục tiêu tu đạo và độ sanh.

Kinh Hoa Nghiêm dạy ta phát tâm Bồ đề như sau:

Phát tâm Bồ Đề tức là khơi dạy lòng Đại Bi: Chúng sinh cần ta cứu vớt. Tự thân của mỗi người chúng ta thử nhìn và quan sát xem nỗi khổ của chúng sinh, ai thoát được sanh già bệnh chết ? Ai tránh được chuyện bất như ý ? Họ sẽ rất sung sướng và thấy an lành nếu có ai đó giúp họ giải thích nguyên nhân sinh ra nỗi thống khổ, dắt dẫn họ giải trừ những thống khổ ấy. Chúng sinh đang cần tình thương của Bạn an ủi, che chở, đùm bục. Họ cần một người hiền từ, đáng tin cậy. Họ cần ban cho họ một tình thương vô tư, bình đẳng rộng lớn có thể dập tắt lửa nóng giận, thù hằn trong tâm họ. Tình thương ấy giống như tình thương của cha mẹ đối với con cái vậy đó; Không chút mong cầu chỉ biết phục vụ. Họ cần tình thương vô ngã của bạn.

Phát tâm Bồ đề là khơi dậy lòng an lạc: Chúng sinh ai cũng có nỗi bức rức đau khổ. Những kẻ tội nghiệp nặng nề vì đã từ sát hại, trộm cắp, loạn luân, phá giới… thì trong lòng càng bất an, ray rức. Họ cần bạn đem tấm lòng tha thứ bao dung ban bố cho họ, khiến tâm họ hết đau khổ, đắc an lạc.

Phát tâm Bồ đề là khơi dậy lòng nhiêu ích: Nhiều người vì chẳng thấu hiểu đạo lý nên đã lầm lẫn tạo ác nghiệp và tập thành thói quen làm ác. Họ cần bạn giúp họ, dắt dẫn họ, giúp đở họ tìm về đường sáng, ra khỏi hố bùn đen tối. Họ không muốn bị nhìn với cặp mắt ruồng bỏ, ghét chê. Họ cần bạn thật tình giúp họ.

Phát tâm Bồ đề là khơi dậy lòng ai mẫn: Nhiều chúng sinh luôn có tâm lo sợ hãi hùng. Sống trong một thế giới lúc nào cũng cạnh tranh, lòng sân hận, ngăn cách tình người càng lúc sâu đậm. Nhiều người cứ sống với tâm trạng đề phòng, nghi ngờ, cô lập, rồi sinh khiếp nhược nội tại, nỗi sợ mà họ không sao thừa nhận, kết quả là họ truyền phóng lòng sợ hãi ấy ra bên ngoài thành sự giận dữ, hung bạo, tranh chấp… Họ cần bạn bao dung, thông hiểu họ, làm họ hết sợ hãi.

Phát Bồ đề tâm là khơi dậy tâm vô ngại: Nếu sống trên đời, chuyện gì bạn cũng muốn cho vừa ý mình, đúng theo dự định mình muốn thì đâu đâu bạn cũng sẽ thất vọng. Chẳng lẽ mình nên để những sở thích, ham muốn, tính toán, dục vọng xiềng xích sự tự do, tự tại vốn có trong lòng mình sao ? Chẳng lẽ mình cam tâm đánh mất sự tự tại vô ngại này sao ? Nên cởi bỏ xiềng xích là vừa… Nếu là vô ngại, mình chớ nên chướng ngại, đố kỵ ghen ghét kẻ khác, cản trở họ thành công trên đường đạo hay đường đời, thì tự mình chuốc khổ, rồi tự sinh chướng ngại mà thôi.

Phát tâm Bồ đề là khơi dậy tâm Quảng đại: Không biết bao nhiêu chuyện vụn vặt hàng ngày khiến tâm ta quay cuồng bận rộn. Dường như tâm ta cứ chạy rong hoài hoài, không biết đâu là trọng tâm, chổ quy hướng (tức chân tâm vô ngã) để lòng yên nghỉ. Khi tâm mất chổ quy hướng thì ta dễ cau có, ích kỷ, chỉ nghĩ ngợi cho mình, vì mình, của mình. Mình cần lắng tâm yên lặng để cỏi lòng trở nên mở rộng. Bạn hãy thường tìm cách ngồi xuống định thần, tĩnh tư để bản ngã im lặng, chân lý hiển bày mở ra trong tâm.

Phát tâm Bồ Đề là khơi dậy lòng vô giới hạn: Tư tưởng, quan niệm, định nghĩa và thành kiến, hạn chế mình. Những kiến giải và kinh nghiệm trong chức nghiệp cũng hạn chế tiềm năng vô biên. Ngay cả lý thuyết, học thuyết, triết lý trong tôn giáo cũng hạn chế sự sống của chân lý. Bạn hãy nổ lực hướng mình vào khơi dậy chân lý bất biến, kinh gọi là pháp giới tánh, Phật tánh, vì đó là con đường duy nhất giải thoát mọi giới hạn. Chúng sinh ai cũng sống trong ngục tù tư tưởng, xiềng xích thành kiến; họ cần bạn giải phóng họ; chỉ cho họ ánh sáng trí tuệ vô hạn.

Phát tâm Bồ đề là khơi dậy tâm rộng rãi (khoang bát): Ở đời nhiều người hiến mình cho danh vọng, hết lòng phụng sự uy quyền lợi lộc. Càng nổ lực bao nhiêu lòng họ càng khép kín, càng nhỏ hẹp lại. Đến độ tấm lòng chật hẹp ấy nhiều khi làm kẻ khác nghẹt thở khó sống. Họ cần bạn giúp họ mở cánh cửa đóng kính ấy ra, để họ có thể thấy vị Phật trong tâm họ. Khoang bát là tâm thái thầm hiểu rằng chư Phật vốn ở trong tâm ta, Phật bên ngoài và Phật bên trong tâm không sai thù khác biệt. Và rằng: Không có hạnh phúc nào thâm sâu bằng hạnh phúc xuất phát từ cỏi lòng, nơi mà chư Phật an trú. Khơi dậy tâm này là khởi lòng cung kính, tôn trọng, cúng dường chư Phật mười phương. Bạn hãy khơi dậy tâm thái khoang bát trong lòng mình trước rồi khai mở cho những chúng sinh tâm hôn khép kính. Họ cần bạn giúp.

Phát tâm Bồ Đề là khơi dậy tâm thanh tịnh: Ô nhiễm là đặc tính của thế giới ta sống. Suy nghĩ và tâm tình ô nhiễm là đặc tính của thế giới nội tâm. Một khi hít thở được không khí lành thì chẳng ai muốn sống nơi không ô nhiễm vẫn đục. Cũng vậy, nếu ai nếm được mùi vị thanh tịnh an lạc thì chẳng ai còn muốn đắm mình trong cấu nhiễm phiền não. Chúng sinh cần bạn giúp họ trồng đóa sen lòng. Bạn hãy đem sự thanh tịnh của thân, miệng, ý cúng dường cho thế giới chúng sanh.

Phát tâm Bồ đề là phát khởi trí huệ chân chánh: Chúng sinh thì bị kềm tỏa trong vòng bản ngã, biểu hiện qua cảm xúc, tình cảm, quan niệm, dục vọng. Thánh nhân thì giải thóat những thứ đó. Các Ngài thấu hiểu và tri nhận được sự vận hành của những xiềng xích ấy. Tri nhận tức giải thoát. Các Ngài thấy rằng hễ càng nghe lời bản ngã thì kềm kẹp càng siết chặt; mà càng vùng vằng tranh đấu đè bản ngã thì kèm kẹp lại càng mạnh mẽ, vi tế hơn.

Rằng: Đạo cao một phân,

Ma cao một thước.

Đạo cao một thước,

Ma nhảy lên đầu.

Bởi thế mỗi người con Phật, tu theo pháp Phật cần giữ tâm bất động, không tranh, không tham, không chấp trước. Lặng im quán chiếu mọi sự. Mặc cho nhân duyên đến nhân duyên đi. Mình hãy lặng im trong im lặng…

Bồ Tát phát ý cầu Bồ đề

Chẳng phải không phân, không có duyên.

Đối Phật pháp tăng sinh tịnh tín,

Từ đó khơi dậy quảng đại tâm.

* Phương pháp tu: Thực hành Lập Nguyện:

Có rất nhiều phám môn hay phương pháp tu hành giúp Bồ Đề tâm phát triển vô hạn. Sau đây xin nêu ra một cách thông thường nhất. Đó là phát nguyện: “Bởi tu hành vô nguyện bất thành”. Thí dụ như chuyện cúng dường hoa. Chắc chúng ta ai cũng có lần cúng hoa dang Phật, hoặc chưng hoa, rãi hoa, tán hoa để cúng dường. Lúc ấy bạn suy nghĩ gì ? Sau đây là sự suy nghĩ của Bồ Tát, khiến cho hành động cúng dường hoa trở thành một pháp môn tu tuyệt diệu:

“Khi con cúng dường hoa như vậy, con xin đem căn lành này hồi hướng như vầy:

Nguyện tất cả chúng sinh đắc hoa tam muội, nở khai tất cả mọi thứ chân lý.

Nguyện tất cả chúng sinh đều được như Phật, ai nhìn thấy Ngài cũng sinh hoan hỷ, không nhàm chán.

Nguyện tất cả chúng sinh gặp duyên vừa lòng, tâm không động loạn.

Nguyện tất cả chúng sinh làm đủ mọi chuyện thanh tịnh, rộng lớn.

Nguyện tất cả chúng sinh thường nhớ bạn tốt, tâm không tráo đổi.

Nguyện tất cả chúng sinh như thuốc trị bá bệnh, có thể trừ khử mọi độc phiền não.

Nguyện tất cả chúng sinh thành mãn đại nguyện, đạt tới địa vị vô thượng trí vương.

Nguyệt tất cả chúng sinh có đặng trí huệ như ánh nhật quang, phá ngu si ám.

Nguyện tất cả chúng sinh có sự giác ngộ như vầy tịnh nguyệt, lớn rộng tròn đầy.

Nguyện tất cả chúng sinh vào cỏi chân báu, gặp thiện trí thức, thành tựu đầy đủ tất thẩy thiện căn”.

Đó là cách phát tâm Bồ đề của đại Bồ Tát hồi hướng thiện căn khi cúng dường hoa. Ngài nghĩ như thế vì muốn chúng sinh đắc trí vô ngại. Chỉ một việc dâng hoa nhưng biết suy nghĩ lập nguyện như vậy thì vũ trụ quan sẽ mỡ rộng, không còn hạn hẹp. Đây chỉ là cách phát nguyện sơ khởi trong vô sống nguyện mà Bồ Tát lập ra khi tu hành.

Nói đến lập nguyện, lấy người thế gian mà nói, mặc dù mỗi người đều lập nguyện riêng, nhưng đại thể là ai cũng có chí nguyện của mình. Có người lập nguyện rồi có thể thành được sự nghiệp mà mình kỳ vọng, hoàn thành được tâm nguyện của mình. Nhưng cũng có người lập nguyện rồi, kết quả cũng không nên việc gì, không đạt được nguyện vọng của mình. Cũng là lập nguyện, vì sao có người thành công có kẻ thất bại ?

Vấn đề là lập nguyện có kiên cố hay không, có người lập nguyện rồi, không thể kiên định chí nguyện của mình, hơi bị đã kích là lung lay chíc nguyện, thế thì làm sao mà thành công được ? Đã lập nguyện rồi thì phải kiên định bất di bất dịch, không vì trắc trở mà dao động, không vì đã kích mà sợ hãi, không vì khó khăn mà lùi bước, không vì trở ngại mà nản lòng. Lập nguyện kiên cố như vậy thì không có việc gì là không làm nổi. Cho nên lập nguyện không chỉ để mà lập nguyện, mà phải lập nguyện kiên cố cũng như khi phát Bồ đề tâm; quyết không vì bất cứ khó khăn nào mà để mất bản nguyện hay Bồ đề tâm của mình, phải có quyết tâm, sinh mệnh ta có thể mất, chí nguyện ta quyết không dao động mới được.

Giả định không phát tâm Bồ Đề quảng đại như vậy, không lập nguyện kiên có như vậy, thì hậu quả của nó sẽ ra sao ? Xin thưa răng: Nếu không đạt được sự phát tâm quảng đại như đã nói trên thì cho dù chúng ta có tu hành trong ba đại a tăng kỳ kiếp, cũng không thể nào thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Tức là, dù người hành giả có tu trì đúng phép trong thời gian dài vô số kiếp vi trần, thì cũng vẫn cứ đắm chìm trong bể khổ tử sinh không thể thóat. Nguyên nhân là ở đâu ?

Chính là vì không phát tâm quảng đại, không lập nguyên kiên cố. Chúng ta hãy nghĩ xem, điều đó quan trọng đến thế nào ? Không chỉ như vậy, nói theo quan điểm chung, tu hành Phật pháp không ngoài hy vọng đạt được thành tựu về Phật pháp. Nhưng nếu không phát tâm Bồ đề quảng đại, không lập nguyện kiên cố, thì dù có dụng công tu hành, kết quả vẫn là vất vã vô ích, không đạt được lợi ích thực tế của Phật pháp.

Như thế gian tu phúc hạnh là để kiếp sau được sinh lên trời, sẽ được hưởng phúc trời. Đến một ngày nào đó khi hết phước rơi xuống, hậu quả sẽ không tưởng tượng được. Như thế không phải là uổng công vất vả sao ? Cho nên cũng là dụng công tu hành mà phát tâm quảng đại, lập nguyện kiên cố thì thành tựu sẽ lớn, không phát tâm quảng đại, lập nguyện kiên cố, thành tựu sẽ nhỏ, thậm chí còn uổng phí công lao vất vả. Vì vậy, phát tâm quảng đại, lập nguyện kiên cố là điều kiện không thể thiếu được của việc tu hành Phật pháp.

Phát tâm quảng đại, lập nguyện kiên cố, nói cách khác là phát tâm Bồ đề, lập nguyện Bồ Tát. Phát khởi tâm Bồ đề, lập nên nguyện Bồ Tát, lấy cái tâm nguyện đó mà tu mọi thiện hạnh, mới có thể thành Phật nghiệp, Bồ Tát nghiệp, cũng tức là Thiện nghiệp vô lậu xuất thế gian. Nếu không phát tâm Bồ đề, không lập nguyện Bồ Tát, thề thì mọi thiện pháp đã tu, có thể tương ứng với Phật pháp hay không cũng thành vấn đề lớn.

Không chỉ có thế, theo Kinh Hoa Nghiêm: Một hành giả dù đã phát tâm Bồ đề, động cơ phát tâm lúc đầu, tuy nói là để hóa độ chúng sinh, nhưng lâu dần, trên đường đạo Bồ đề, hoặc vì bận xử lý việc đời, hoặc vì không chịu được thử thách, hoặc vì cảm thấy chúng sinh khó hóa độ, thế rồi tự nhiên quên mất tâm nguyện Bồ đề đã phát lúc đầu. Về việc này Đức Phật đã nói cho chúng ta biết: “Quên mất tâm Bồ đề thì tu mọi thiện pháp cũng thành ma nghiệp”. Gọi là quên mất tâm Bồ đề, không nên nghĩ là chưa từng có cái tâm ấy. Kinh nói: “Xưa có một vị Bồ Tát gặp được một đấng Như Lai, liền phát tâm Bồ Đề. Như vậy đáng lẽ rất tốt, nhưng về sau trong tu hành ở thế gian, quên mất cái tâm Bồ đề đã phát, cư như là chưa hề xảy ra chuyện đó. Hành giả quên mất tâm Bồ đề như vậy, mặc dù vẫn tu hành mọi thiện pháp ở thể gian, như tu ngũ giới, thập thiện, tứ thiền, bát định… cụ thể hơn, như bắc cầu, rải đường, cho áo, cho ăn, cho thuốc tứ sự v.v… đều có thể gọi là thiện pháp. Tóm lại, phàm việc gì có ích cho nhân quần xã hội, thế giới, nhân loại, đủ các loại việc từ thiện như vậy, đều có thể gọi là thiện pháp. Nhưng mọi thiện pháp đã tu, nếu tương ứng với tâm Bồ đề, tự nhiên sẽ trở thành tư lương thành Phật. Còn nếu không tương ưng với tâm Bồ đề thì tất cả đều thuộc ma nghiệp.

Cái gọi là ma nghiệp ấy là gì ? Ma, như mọi người đều biết, tức là ma vương, tác dụng duy nhất của ma vương là cản trở chúng ta hướng lên, hướng về cái thiện, hướng về quang minh. Không nên nghĩ chỉ có ma vương trên trời lục dục mới là ma, phàm những cái gì ngăn trở chúng ta trên con đường xuất thế đều có thể gọi là ma. Lấy thiên ma mà nói thì tà dục chỉ mong chúng sinh trong tam giới đều làm con ma, cháu ma, trở thành quyến thuộc của ma. Vì thế khi có một người muốn vượt ra ngoài tam giới, là ma vương phát hoảng, sợ rằng quyến thuộc của nó lại thiếu đi một. Thế là nó thi triển mọi chước quỷ mưu ma, cản trở lưu giữ người muốn xuất tam giới ấy, không cho ra khỏi tam giới. Do đó, quên mất tâm Bồ đề mà tu mọi thiện pháp, thì nhiều nhất cũng chỉ cảm thấy được qủa phúc báo sinh lên cỏi trời mà thôi, không thể thoát ra khỏi bàn tay ma vương, vẫn nằm trong sự khống chế của ma vương, ngoan ngoãn làm họ hàng thân thuộc của ma vương.

Lại nói thêm, phát tâm Bồ đề rồi mà lại quên mất tu các thiện pháp còn là ma nghiệp, huống gì căn bản không phát tâm Bồ đề, không lập nguyện Bồ Tát ? Những người như vậy tu các thiện pháp thì càng không phải nói. Cho nên nói: “Quên đi còn như vậy, huống gì là chưa phát”. Từ đây có thể thấy rõ hơn, phát tâm Bồ đề quan trọng như thế nào.

Chương 3:

3.1. Thế nào là Tà phát tâm Bồ đề?

Ở đây, chúng ta cũng có thể được gợi ý cho thấy, phát tâm lập nguyện, tuy nói rằng ai cũng có thể làm được, nhưng phải được một bậc đại thiện trí thức chỉ rõ. Theo sự chỉ dẫn của bậc thiện tri thức mà phát tâm lập nguyện, thì có thể tiến lên theo mục tiêu chính xác. Nếu gặp thầy tà bạn ác chỉ vẽ cho ta phát tâm lập nguyện, thì chúng ta không những không có mục tiêu chính xác để theo, mà tiền đồ của chúng ta cũng rất nguy hiểm. Điều này không thể không đặc biệt chú ý.

Phát tâm thường nói đến trong Phật giáo, tức là động cơ như người ta vẫn nói. Động co có thuần chính hay không, có quan hệ rất lớn đối với tiền đồ của ta. Nếu động cơ không tốt, không ngay thẳng thì chí nguyện lập ra cũng ắt là tà ngụy. Phát tâm lập nguyện lập ra cũng ắt là tà ngụy. Phát tâm lập nguyện đã tà ngụy, thì hành vi ắt sẽ thiên lệch, kết quả đương nhiên sẽ không thể tốt được. Ngày nay người ta phát tâm lập nguyện thực sự để giải thoát sinh tử thì ít lắm.

Trong khuyến phát Bồ đề tâm của pháp sư Diễn Bồi dịch trang 56-64. Đại sư Tỉnh Am đã dạy:

“Ở đời có kẻ tu hành, vẫn là tu hành đấy, nhưng không suy ngẫm tự tâm, chỉ lo việc ngoài: Hoặc cầu lợi dưỡng hoặc chuộng hư danh, hoặc tham dục lạc ở đời này, hoặc mong quả báo kiếp sau. Phát tâm như thế gọi là tà phát tâm ?”.

* Theo như Đại sư Tỉnh Am nói: Trên đời có một số người tu hành, tuy nói là phát tâm tu hành, nhưng họ chỉ biết tu mà không biết suy ngẫm tự tâm. Người tu học Phật pháp chân chính thì điều quan trọng nhất là tu tâm. Vì thế, trong kinh Phật có lúc gọi tu hành là tu tâm. Trong toàn bộ giáo lý Phật pháp đại thừa, tuy không thể nói hết thảy điều thuộc duy tâm luận, nhưng về đại thể, Phật pháp rất trọng tâm linh. Cho nên trong tát phẩm Tống Kính Lục, Diên Thọ Thiền sư ở Vĩnh Minh: “Thiên kinh vạn luận, tất minh duy tâm”. (Muôn kinh nghìn luận, tất cả đều làm rõ cái tâm). Cái tâm của ta, suốt ngày như vượn chuyền cành, như ngựa không cương, khi lao về Đông, lúc chạy về Tây, đâu có chịu nghe theo sự khống chế của ta. Đã không thể khống chế được tâm, đương nhiên cũng không thể hiểu rõ nó. Như ta, lúc bình thường, cái tâm rõ ràng là chạy theo hướng ác, tức dục vọng hay còn gọi là ngũ dục lạc… mà vẫn cứ nói tâm ta thiện. Chẳng phải đây là một hiện tượng tồn tại phổ biến hay sao ? Cho nên đức Phật từ lâu đã nói cho những người tu hành Phật pháp biết rằng phải từng giờ từng ngẫm về cái tâm của mình. Khi tu hành ta phải luôn tự hỏi: Tâm ta giờ này đây thế nào, ở trong ở ngoài, hay ở giữa, là thiện hay là ác hay là vô ký. Người tu học Phật pháp, sở dĩ dụng công học đạo, không ngoài suy ngẫm lòng mình, tức là việc lớn đã xong, tất cả thành công viên mãn.

Cái tâm của ta từ xưa đến nay phải chăng là cái tâm phân biệt hư vọng và bên trong cái tâm phân biệt hư vộng này phải chăng còn có một cái tâm không phân biệt ? Khi tu hành chúng ta phải suy ngẫm như vậy. Nên suy ngẫm, mò mẫm lâu dài, trường kỳ như vậy, cho đến một lúc bổng nhiên sáng bừng lên, tìm ra chính mình, thấy được thực chất vốn có của mình, lúc đó vấn đề đã được giải quyết.

Trên đời có người tu hành, không những không suy ngẫm lòng mình mà lại “chỉ lo việc ngoài”. Cái gọi là “ngoại vụ”, dưới đây sẽ giải thích riêng, ở đây có thể tổng quát thành một câu, là để cho cái tâm của mình rong ruỗi việc ngoài, khi chạy về Đông, lúc theo về Tây, không có cách nào kìm giữ được. Chính là vì cái tâm suốt ngày rong ruổi bên ngoài không một phút giây ngừng nghỉ, cho nên việc tu hành trước sau không tương ứng được.

Cái tâm chỉ biết lo việc ngoài ấy là lo cái gì ? Nói ra thì rất nhiều, ở đây chỉ vắn tắt nói mấy điều quan trọng.

* “Hoặc cầu lợi dưỡng”, đây là một đối tượng của “ngoại vụ”. Lợi dưỡng tức là tài lợi cúng dường, là cốt nói đến người xuất gia tu hành. Ta vứt bỏ tài vật thế tục để vào chùa sống cuộc sống của người xuất gia, mọi thứ cần cho cuộc sống hằng ngày đều là dựa vào sự cúng dường từ bên ngoài. Trên lập trường Phật pháp, vốn dĩ là có một phần tu hành, tất nhiên sẽ cảm ứng một phần cúng dường. Vấn đề là xem ta có phải thật thà tu hành không. Thật thà tu hành học đạo, không lo không có cúng dường. Nhưng trong thực tế, đa số người tu hành vẫn cứ thấy lo sợ rằng sự cúng dàng của mình có thể gián đoạn, do đó không ngừng chạy theo sự cúng dàng bên ngoài để mong nuôi sống bản thân của mình, duy trì cuộc sống hàng ngày của mình. Thời Phật tại thế và ở các quốc gia Phật giáo phương Nam, người xuất gia chỉ cầm bát đi khất thực mà duy trì sự sống, không cần phải lo dự trử của cải gì cả. Nhưng Phật Giáo truyền đến Trung Quốc, chịu ảnh hưởng của bản vị gia đình Trung Quốc, người xuất gia sống ở chùa không thể thực hành chế độ cầm bát đi khất thực. Nhưng có ngôi chùa thì cũng như có gia đình, không khỏi lo tích trữ lương thực để dùng cho đời sống. Thế là nhiều cái tệ hại phát sinh. Người này lo chạy theo lợi dưỡng người kia cũng lo chạy theo lợi dưỡng, có lúc đụng đầu với nhau vì lợi dưỡng, thậm chí xảy ra tranh như thế tục vẫn nói. Diễn ra tranh đọat lợi dưỡng thì sẽ tất nhiên dẫn đến con đường phá hoại lẫn nhau, làm cho trong nội bộ Phật Giáo không được thanh tịnh !

* “Hoặc chuộng hư danh” là đối tượng thứ hai của “ngoại vụ”. “Hư danh” là cái danh hão huyền, tức là cái tiếng tăm như thế tục nói. Tiếng tâm là sinh mệnh thứ hai của người. Một người có tiếng tâm tốt, không những là dễ dàng sống hòa hợp với người khác, mà trong việc lập thân xử thế cũng là một nhân tố rất quan trọng. Như ta làm một việc gì đó, có thành công được hay không, hoàn toàn là xem tiếng tăm của ta thường ngày ra sao mà quyết định. Vì thế mọi người phải lo sao cho có tiếng tăm tốt. Điều đó vốn không có gì là không tốt. Nhưng một hành giả xuất gia tu hành, dụng công tu hành sao cho tinh tiến là phận sự của người xuất gia, không cần gì mà phải rêu rao ngoài miệng, càng không cần gì mà phải đem điều đó ra để tỏ rằng mình là người tu hành. Thực tế có rất nhiều người hay phô trương khoe khoang công phu của mình, để cho mọi người biết anh ta tu hành ra sao. Xét nguyên nhân và mục đích không ngoài ý muốn được người khác khen ngợi mình, để cho tiếng tăm lan truyền như vậy tức là tham cầu hư danh. Một người tu hành chân chính, đã không nên cầu lợi dưỡng, lại không nên chuộng hư danh, vì điều đó là không phù hợp với việc tu hành.

* “Hoặc tham dục lạc đời này”, đó là kiểu “ngoại vụ” thứ ba. Theo Phật pháp, người tu hành chân chánh phải diệt trừ, xưa đuổi ngũ dục ra khỏi tâm trí của mình. Nếu như không thể xua đuổi dục lạc đời này, trái lại còn tham tiếc thì việc tu hành không thể đạt được mục đích. Nếu biết rằng năm thứ dục lạc (sắc, thanh, hương, vị, xúc) có một sức mạnh rất lớn, thường làm mê hoặc những người phàm tục ở thế gian, nó làm cho người ta mê đắm. Không biết rằng tham tiếc dục lạc bây giờ thì tương lai sẽ thành năm sợi dây ràng buộc vào trong địa ngục. Vì một khi ta sa vào cái bãy của ngũ dục thì chỉ có ngày ngày lún sâu vào hố sâu của ngũ dục, khác nào lửa cháy chất thêm củi, ngọn lửa sẽ cháy to hơn. Nói thực, người ta từ vô lượng kiếp, thường ở trong lục đạo luân hồi, tử sinh không thể độ thóat chính là vì tham tiếc ngũ dục trước mắt. Chư Phật bảo cho chúng ta: “Bất cứ một hành giả Phật pháp nào, nếu muốn lìa bỏ đường mê mà lên bờ giác, chuyển phiền não thành Bồ đề, thì chỉ có một cách duy nhất là từ bỏ ngũ dục”. Cho nên bất luận là tại gia hay xuất gia, nếu muốn phát tâm tu hành thực sự thì phải thờ ơ với dục lạc thế gian hiện thời. Không nên có một chút tham tiếc hoặc theo đuổi. Giả định vẫn còn tham tiệc, thì cái tâm của ta hiện nay tất nhiên sẽ vẫy vùng trong cảnh giới ngũ dục, khi thì chạy theo sắc đẹp trước mắt, khi thì chạy theo hương quyến rũ hoặc xúc giác của thân thể. Trong tình hình đó, cái tâm của ta làm sao có thể để yên ổn trênđối tượng quán sát, tu hành đúng pháp được ? Cho nên tham cầu dục lạc kiếp này là một động lực lớn làm cho tâm ta chạy theo việc ngoài.

* “Hoặc mong quả báo kiếp sau”, là dạng “ngoại vụ” thứ tư. Mục đích chân chính của việc tu học Phật pháp, tất nhiên là để giải thóat khỏi sinh tử, không nên có hy vọng cầu tìm cái gì khác cả, càng không nên trông mong phúc lạc quả báo vị lai. Nhưng phần lớn người tu hành, nhất là người tu tai gia, thường thường học Phật tu hành chỉ là để tìm cầu phúc lạc quả báo vị lai. Như vậy quả là sai. Nên biết trông mong quả báo vị lai tốt hơn hiện tại, dù ta có tìm được thì ta vẫn trong vòng luôn hồi sinh tử, chưa giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, nếu phát tâm như vậy, vì chỉ một dạ tìm quả báo kiếp sau, cho nên tâm ta tự nhiên lo tính việc ngoài, không thể đặt yên trên cỏi Phật, tu hành đúng pháp. Vì vậy, trông mong quả báo vị lai cũng là không được.

* “Phát tâm như vậy thì gọi là phát tà tâm”, đây là lời tổng kết. Các loại phát tâm đã nói trên tức là phát tà tâm. Dựa vào cái tà tâm đó mà lập nguyện là tà nguyện. Nói theo Phật pháp một cách chính xác, phát tâm lập nguyện như thế thì thà rằng không phát tâm lập nguyện còn hơn, vì làm như vậy không những không thể nào tương ứng với Phật pháp mà còn có hại cho mình. Cho hay, bất cứ người nào phát tâm lập nguyện nếu không theo chính lý, không đi vào chính đạo, tham cầu những lợi ích lớn thế gian, ham muốn tiếng tâm ở thế gian, tập nhiểm dục lạc thế gian, trong mong quả báo vị lai… không thể gọi là phát tâm lập nguyện chân chính, chỉ có thể gọi là tà tâm, tà nguyện. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Sau khi Phật diệt độ, trong thời mạt pháp, tà sư thuyết phát hằng hà sa số, làm cho người tu chân chánh thành quyến thuộc ma”, hay trong bài “Hiển chính biện ngộ”, Đại sư Ấn Quang nói: “Ngoại đạo ngày nay khắp thế gian đều thấy”. Nhưng đáng ghét nhất là những ngoại đạo ấy, dựa vào Phật pháp, dụ dỗ đồ chúng, tạo tác phi pháp, cuồng hoặc vô tri, đi vào ngoại đạo, nhầm theo đường tà, kẻ không biết cứ tưởng là chính pháp !

Trong những ngoại đạo dựa vào Phật pháp ấy, hãy lấy Đồng Thiện Xã mà nói: Bất cứ một người nào đến gặp Xã, khi nói cầu đạo, trước hết phải do một giáo thụ gì đó, lâm thời thay người cầu đạo kính thỉnh Thánh Phật Tiên Chân âm đàn, lại đòi người cầu đạo phải tự mình nhặt một cái lá thăm vò viên bỏ trong chén, nếu mở ra thấy chữ “chuẩn” thì mới cho phép nhập Xã. Đã nhập Xã rồi, còn bắt phải thề không được đem những mật ngữ truyền dạy trong đạo nói với người khác chưa nhập đạo, nay đối với bố mẹ, anh em, con cháu, chồng vợ cũng không được để lộ. Nếu vi phạm lời thề, thì xin bị xét đánh, chết cháy, chết đuối hay bị bất cứ một cái chết bắt đắc kỳ tử nào… Phát tâm lập nguyện như vậy, tức là tà tâm tà nguyện đã nói trên.

Không riêng Đồng Thiện Xã như vậy, mà còn nhiều người lợi dụng Phật pháp để làm những chuyện phi pháp. Cách đây không lâu có giáo chử xứ sương mù… mọi đường ngay nẻo tắt đều bí hiểm. Những giáo môn không chính đáng như vậy có đáng để chúng ta học tập, sùng phụng hay không ? Người có chút ích tri thức, đều biết rõ cái xằng bậy của nó, không gần gủi nó. Nhưng chúng ta là đệ tử Phật phụng hành chánh pháp, làm sao có thể theo chúng mà xoay chuyển ?

3.2. Thế nào là chân chánh phát tâm Bồ đề ?

Lại nữa trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm do Pháp sư Diễn Bồi Dịch trang 65-67, Đại sư Tỉnh Am có dạy: “Đã không cầu lợi dưỡng tiếng tăm, lại không tham dục lạc quả báo, chỉ vì giải thoát sinh tử, vì giác ngộ Bồ đề mà phát tâm, phát tâm như vậy, gọi là “chính” lại nữa: “Một lòng trên cầu Phật đạo, một dạ dưới hóa độ chúng sinh. Nghe đường Phật dài xa, không sinh lùi khiếp; thấy chúng sinh khó độ, không sinh chán mỏi. Như trèo núi cao muôn nhẫn ắt phải trèo đến đỉnh; như lên tháp chín tầng, ắt phải lên đến ngọn. Phát tâm như thế, gọi là “chân”.

Phát tâm tà tướng đã nói xong, bây giờ nói về phát tâm chân chính. Phát tâm nói ở đây và phát tâm nói ở trên, hoàn toàn trái ngược nhau, ở trên xuất phát từ tham cầu lợi dưỡng, thích được nổi tiếng… loại phát tâm nói dưới đây, đã không tham cầu lợi dưỡng, lại không thích tiếng tăm; ở trên xuất phát từ tham cầu dục lạc hiện thế, quả báo vị lai… ở dưới, đã không tham cầu dục lạc hiện thế, lại không mong chờ quả báo vị lai, một lòng một dạ, chỉ vì giải thoát sinh tử, vì giác ngộ Bồ đề mà phát tâm tu hành. Phát tâm như vậy gọi là “chính”. Phát tâm để liểu sinh thoát tử, mới nhìn, hình như chỉ để giải thoát chính mình, nhưng thật ra mục đích duy nhất của việc học Phật, là để giải quyết vấn đề lớn về sinh tử, sinh mệnh này tiếp teho sinh mệnh khác, hình thành một dòng chảy sinh mệnh tiếp nối nhau không ngớt. Dòng chảy sinh mệnh này chìm nổi trong bể khổ tử sinh. Đó chính là nổi thống khổ cực lớn ! Chổ khác nhau lớn nhất giửa Phật Giáo và các tôn giáo khác, chính là ở vấn đề lớn này. Bất cứ một tôn giáo nào khác, trong giáo lý của họ, xưa nay chưa từng chỉ cho người ta cách giải quyết vấn đề sinh tử như thế nào, thậm chí dạy người ta cầu trường sinh, như Đạo Giáo ở Trung Quốc, hoặc dạy người ta cầu vĩnh sinh bất tử, như Đạo Cơ Đốc hiện nay. Theo chính nghĩa Phật pháp, chúng sinh ở thế gian này, trừ phi không sinh, chứ đã sinh thì không thể không tử. Nếu muốn không chết, trước hết phải không sinh. Cái gọi là trường sinh, vĩnh sinh, nói thẳng ra chỉ là lừa dối người ngu mà thôi. Từ xưa đến nay có ai đã từng thấy người nào trường inh hoặc vĩnh sinh ? Vẫn cứ là sinh rồi tử, tử rồi sinh, sinh tử không ngừng. Vì vậy, người học Phật chân chính, tuyệt đối không phải là để cầu trường sinh, vĩnh sinh, chỉ phát tâm để giải thoát sinh tử, chỉ phát tâm để cầu chứng vô thượng Bồ đề. Ngày nào chưa đạt mục tiêu đó thì ngày đó còn không ngừng theo đuổi mục tiêu đã nói trên.

Phát tâm Bồ đề tâm có hai nhiệm vụ lớn: Một là trên cầu Phật đạo để tự lợi, hai là dưới là hóa độ chúng sinh. Một lòng trên cầu Phật đạo là nhiệm vụ thứ nhất khi muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy, thì mọi ý nghĩ trước sau đều phải tập trung tất cả vào đạo Phật không một giây phút lãng quên, càng không thể giữa đường lùi bước. Một dạ dưới hóa độ chúng sanh là thuộc nhiệm vụ thứ hai. Khi muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, thì phải một lòng một dạ hóa độ chúng sinh quyết không một chút lòng nào vị kỷ.

Có điều là, khi đã phát tâm, phải tiến tới làm cho nó kiên cường, cho dù có lúc “Nghe nói đường Phật dài xa, không sinh lòng lùi khiếp”, trước hết phải thừa nhận mình vẫn là một phàm phu khổ não, bắt đầu từ điểm là phàm phu cho đến điểm cuối cùng chứng được Phật quả, ở giữa là một con đướng xa vời gian khổ. Nói “đường Bồ đề xa lắc” là như vậy. Con đường Bồ đề đi từ phàm phu đến Phật quả là rất dài, không thể đi hết trong thời gian ngắn. Người phát tâm Bồ Đề, không thể vì nghe nói đường Bồ đề xa dài mà sinh lòng khiếp sợ lùi bước, mà phải có một dũng khí vô tỉ, phát huy tinh thần dũng mãnh vô úy, khắc phục mọi khó khăn, bài trừ mọi chướng ngại, với ý chí chưa đạt mục đích chưa thôi, đi hết cái lộ trình Bồ đề xa lắc đó.

Còn nữa, “thấy chúng sinh khó độ, không sinh lòng chán nản mỏi mệt”. Chúng sinh nói về số lượng thì vô lượng vô biên, nhiều không sao tính xuể, nói về mặt căn tánh, thì mỗi người có một căn tính khác nhau. Chúng sinh thuần lương, cố nhiên dễ độ hóa, nhưng đa số là cương cường ngang nghạnh. Gặp những chúng sinh cương cường ngang nghạnh ấy, không những không tiếp thụ sự giáo hóa của ta, mà lại còn có thể buông lời lăng nhục. Thậm chí chân đá tay đấm, gặp những chúng sinh như vậy, người hành đạo Bồ Tát phải chịu đựng được thử thách, quyết không những không vì thế mà nảy sinh lòng chán nản mỏi mệt, mà còn phải sinh lòng thương xót, cảm thấy những chúng sinh này ngu si thái quá, ta không cảm hóa thì còn ai đến cảm hóa cho ? Từ đó mà tìm phương kế để giáo hóa, phải làm để cho chúng sinh đó chịu sự giáo hóa mà đi lên con đường Phật thì mới thôi. Giả định vì chúng sinh khó hóa độ mà sinh lòng chán mỏi, thậm chí không giáo hóa chúng sinh nữa thì ta không thể nào hoàn thành được cái bản nguyện hóa độ chúng sinh, đó là một điều vô cùng đáng tiếc.

Để kiên định tâm nguyện, bây giờ xin nêu một thí dụ: “Như trèo núi cao vạn nhẫn ắt phải trèo đến đỉnh”. Cao vạn nhẫn là để nói độ cao của núi. Theo cách xưa ở nước ta, tám thước là một nhẫn, vạn nhẫn là tám vạn thước. Núi cao vạn nhẫn là núi cao tám vạn thước. Như chúng ta trèo núi, không thể vì thế núi cao vút mà nảy sinh lòng khiếp sợ lùi bước. Để có thể mở rộng tầm mắt, phải lên đỉnh cao, thì mới có thể nhìn được toàn cảnh bốn bên. Giả dụ trèo lên lưng chừng núi rồi lùi xuống, thì muôn vàn cảnh sắc, làm sao thưởng thức được.

Qua đó ta liên tưởng đến những tấm gương tu hành của các vị Bồ Tát phát tâm Bồ đề chân chính. Bồ Tát là những nhân vật sống động và hiện thật trong cõi đời của chúng ta. Sự tích của các Ngài chúng ta biết ít, dù sự thị hiện của các Ngài thì vô số. Song lẽ, kinh Phật dạy rằng, những vị Bồ Tát ấy vốn mang ý nghĩa tượng trưng để dạy ta phản tỉnh, bắt chước theo gương sáng của các Ngài. Sau đây là một vài vị Bồ Tát chính giúp ta suy tư về gương sáng của các Ngài.

+ Bồ Tát Phổ Hiền: Gọi là Bồ Tát của Đại hạnh, vì Ngài đại biểu cho tinh thần tinh tấn, tu mọi pháp môn không nhàm mỏi, không gián đoạn, không giới hạn. Ngài thường được hình dung cởi con voi trắng sáu ngà. Voi là biểu tượng cho tính chắc thật, bước đi vững vàng của công hạnh tu trì. Sáu ngà voi tượng trưng cho sáu Ba la mật căn bản.

+ Bồ Tát Văn Thù: Gọi là Bồ Tát của Đại trí, vì Ngài tượng trưng cho nhân tu là lòng tín chân thật, và quả tu là trí huệ bát nhã. Ngài vừa là mẹ của đức tin mà cũng là mẹ của trí huệ. Đức Văn Thù thường được thấy ngồi trên con sư tử. Sư tử, vị chúa sơn lâm trượng trưng cho tâm vô úy. Khi trong tâm không còn tư tưởng hắc ám, được trí huệ chiếu sáng thì cõi lòng sẽ hết sợ hãi. Tay Ngài có lúc cầm cuốn kinh Bát Nhã, có lúc cầm gươm trí huệ, có lúc lại cầm cây như ý. Như ý là một pháp khí đại biểu cho quyền uy, muốn gì được nấy, hết sức tự do tự tại; do đó nó tượng trưng cho trí huệ bát nhã, khiến ta được tự tại không bị phiền não bức bách. Học gương của Ngài là học cách tu hành trong mọi hoàn cảnh, phiền não nghiệp chướng.

+ Bồ Tát Quán Âm: Ngài đại biểu cho lòng đại bi vô hạn, sẳn sàng cứu khổ cứu nạn, mà không phân biệt người tốt xấu. Ngài là tấm gương để ta học cách phát triển giáo hóa tha nhân. Thông thường ta thấy đức Quán Âm tay cầm bình nước cam lộ, tay cầm nhành dương chi. Bình cam lộ, tương truyền có thể chứa trọn nước trong bốn biển: nó tượng trưng cho mức độ sâu rộng của lòng đại bi, có thể bao hàm mọi tâm thái. Nước cam lộ là nước đại bi, có thể dẹp tan lửa sân hận. Nhành dương liễu mểm mại là đặc tính hiền từ, như nhuyến, đem lại thanh tịnh, trừ bệnh độc. Học gương Ngài là bắt chước lòng đại bi, thương yêu chúng sinh vô điều kiện.

+ Bồ Tát Di Lặc: Ngài đại biểu cho lòng hiền từ, nhu nhuyến, bao dung, làm chổ dựa cho tât cả chúng sinh, khiến ai cũng cảm nhận sự ấm cúng và tình thương chân thật. Ngài là tấm gương để ta học cách đối xử với chúng sinh. Tuy đức tướng của Ngài Di Lặc đầy đủ 32 tướng như Phật, như thông thường ta thấy Ngài dưới hình dáng của Bố đại hòa thượng: Một vị Tăng bụng tròn, tay nắm quạt, tay xách bị, dạo khắp nơi. Bụng tròn của Ngài là biểu thượng cho lòng bao dung, hiền từ. Có bài thơ tán thán Ngài rằng:

“Độ dại năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự.

Khẩu khai thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhẫn”.

Nghĩa là: Bụng lớn có thể chịu đựng, tha thứ những việc mà thiên hạ khó tha thứ. Miệng rộng hay cười, cười những việc đáng cười của thế nhân. Học gươngtốt của Ngài là học lòng bao dung, từ hòa vô lượng.

+ Bồ Tát Địa Tạng: Ngài tượng trưng cho lòng hiếu thảo và tánh kham nhẫn vô biên đối với chúng sinh. Ngài là đại biểu của đại nguyện ba la mật. Thường thường, Ngài tay cầm tích trượng, tay cầm ngọc châu. Tích trượng có 12 vòng vàng, khi tung nó phát ra tiếng kêu loảng xoảng, rung động và phá tan cửa địa ngục. Tích trượng là đại biểu cho trí huệ phá tan 12 nhân duyên sinh tử. Ngọc châu của Ngài có thể chiếu soi cõi hắc ám địa ngục, khiến chúng sinh chịu khổ, khi thấy ánh sáng sẽ lập tức theo đó thoát ra khỏi cõi đen tối u minh. Ngọc châu chính là biểu tượng của trí huệ chiếu thấu cõi lòng phiền não u ám của chúng ta. Học gương đức Địa Tạng là học gương hiếu thảo với tất cả chúng sinh. Thường tự soi sáng cõi lòng, cũng như hy sinh bản thân để thành tựu kẻ khác.

+ Bồ Tát Đại Thế Chí: Ngài đại biểu cho sức tinh tấn, kiên trì tu tập. Trong khi đức Quán Âm tượng trưng khía cạnh độ sinh nhập thế của Pháp môn Tịn Độ, đức Thế Chí tượng trưng cho khía cạnh chuyên tu xuất thế. Ngài thường cầm đóa sen, tượng trưng cho sự tu hành thanh tịnh, gnay trong cõi ô trược tịnh nhiễm. Học gương Ngài là học đức vô úy, không bắt chước những tấm gương xấu, những ảnh hưởng của kẻ xấu quanh mình. Mình chỉ chịu ảnh hưởng bởi những người hay những chân lý nào mình muốn mà thôi. Đó gọi là sức mạnh ý chí. Một khi đã quyết định tu hành thì mình giữ vững chí hướng không nghi ngờ, bỏ bê nữa. Đó chính là tinh thần của đức Đại Thế Chí.

Tóm lại, người tu học Phật pháp, cần phải chọn cho mình những tấm gương sáng, noi theo đó học hỏi phát tâm Bồ đề, thì mới có thể gọi là phát tâm chân chinh. Người phát tâm chanh chính là cực kỳ qúy hóa.

3.3. Nhân duyên Phát Tâm Bồ đề

Như đã nói, con đường tu hành từ phàm phu tới giác ngộ thì dài lắm. Đôi khi phải mất rất nhiều kiếp số, chứ không phải chỉ một đời rồi “tức thân thành Phật”. Chúng ta có biết khi Bồ Tát muốn dẫn dắt chúng sinh tu hành nhiều kiếp số như vậy, điều khó khăn nhất đối với các Ngài là gi chăng ?

Ngoài sự phát tâm Bồ đề chân chánh điều khó nhất chính là kết duyên lành với chúng sinh. Kết duyên lành nghĩa là làm người bạn tốt, đáng tin cậy, đáng tín nhiệm. Nói cách khác, theo ngôn ngữ hiện đại, thì tức là làm sao có được sự tính nhiệm, đắc nhân tâm, có được sự tin cậy của chúng sinh. Mà không lợi dụng, lạm dụng và lợi dụng lòng tin cậy ấy. Đó là điều khó.

Là người tín đồ, mình biết vị Thầy ấy có thể dẫn dắt mình tu tới nơi tới chốn mình mới theo ông ta chớ. Dại gì đi học theo những người ích kỷ, lợi dụng mình để làm chuyện lợi ích cho riêng họ. Đặt lòng tin vào trật người Thầy thì khổ lắm. Để giải quyết vấn đề ấy, chư Bồ Tát đã bắt đầu đường tu bằng hạnh bố thí ba la mật; phục vụ, làm lợi, bố thí, cấp dưỡng, chăm sóc, nuôi nấng, bảo bọc… chúng sinh. Làm tất cả những việc gì lợi ích chúng sinh trước đã. Đương nhiên, các Ngài làm nhưng không vì quyền lợi, ích kỷ riêng tư.

Tục ngữ nói: “Có thực mới vực được đạo !” Do vậy, điều thiết thực nhất để tạo sự tín nhiệm là đáp ứng được nhu cầu của chúng sinh. Mà những nhu cầu này không ra ngoài những chuyện trong sinh hoạt thường nhật; ăn uống, ngủ nghỉ, công việc, gia đình, vui buồn, khó khăn, bịnh hoạn, tai ương… Khi Bồ Tát bố thí, các Ngài tìm cách làm sao giải quyết những nhu cầu ấy. Nhưng có lẽ nhu cầu lớn nhất của chúng sinh là làm sao họ vơi khổ đau, được vui sướng. Và đó là lý do tại sao trước khi giảng giải pháp môn tối hậu giác ngộ thành Phật, chư Bồ Tát phải làm vô lượng việc tốt, khiến chúng sinh bớt khổ, thấy gương vị tha không ích kỷ và tin tưởng vào đạo đức của các Ngài.

Kết quả ? Chúng sinh khi quan sát thấy cỏi lòng thật sự tự tại không ích kỷ, đầy lòng vị tha, từ bi của các Ngài, họ sẽ tự nguyện theo chân tu hành. Đó gọi là gieo duyên lành.

Giờ xin nói về nhân duyên Phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề này là vua trong các thiện pháp; phải có nhân duyên mới phát khởi được. Nói đến nhân duyên Phát tâm Bồ đề thì có rất nhiều, nếu nhất nhất nói ra, thì không sao nói hết được.

Trong quyển “Khuyết phát Bồ Đề Tâm” của Pháp Sư Diễn Bồi dịch, từ trang 98 – 283 nhà xuất bản Hà Nội 1994 có viết.

Đại sư Tỉnh Am khái quát sơ lược thành 10 loại nhân duyên phát tâm Bồ đề như sau:

+ Một là niệm trọng ân Đức Phật.

+ Hai là niệm ân Cha Mẹ.

+ Ba là niệm ân sư trưởng.

+ Bốn là niệm ân thí chủ.

+ Năm là niệm ân chúng sinh.

+ Sáu là niệm nỗi khổ sinh tử.

+ Bảy là tôn trọng tính linh của mình.

+ Tám là sám hối nghiệp chướng.

+ Chín là cầu vãng sinh tịnh độ.

+ Mười là để niệm chính pháp có thể trụ lâu.

Trong 10 loại nhân duyên trên, 5 loại đầu là nhân duyên ngoại tại, 5 loại sau là nhân duyên nội tại. Đây là nội dung chính, tức là nói nhân duyên phát tâm Bồ đề, cũng tức là nói cho ta biết lấy nhân duyên gì để phát tâm Bồ đề. Theo Phật phát, bất luận làm gì cũng đều có nhân duyên của nó. Có nhân duyên rồi, sau đó mới có thể làm được việc gì ta muốn làm. Phát tâm Bồ đề, tất nhiên cũng không thể thiếu nhân duyên. Nếu không có nhân duyên, không thể phát tâm Bồ đề.

a) Niệm ân đức sâu dày của Phật mà Phát tâm Bồ Đề

Kinh Pháp Hoa nói: “Hạt giống Phật theo duyên mà khởi phát”. Càng thấy rõ nhân duyên phát tâm Bồ đề là không thể thiếu được. Đệ tử Phật tu học Phật pháp, bất luận là tại gia hay xuất gia, quan trọng nhất không gì hơn là luôn luôn tư niệm, đức nặng sâu của Phật Đà đã mang lại cho ta và phải nghĩ cách báo đền. Cho nên “niệm ơn nặng của Phật” mà phát tâm Bồ đề được liệt vào thứ nhất.

“Vì sao niệm ân đức sâu nặng của Phật ? Là vì đức Phật Thích Ca Như Lai của ta trước hết phát tâm vì chúng ta mà hành đạo Bồ Tát; trải qua vô lượng kiếp, chịu đủ mọi nổi khổ. Khi ta tạo ra nghiệp chướng, Phật rất thương ta, tìm mọi phương tiện dạy bảo hóa độ ta, nhưng ta ngu si không biết tín thụ. Ta ra xuống dịa ngục, Phật rất đau buồn, muốn chịu khổ thay ta, nhưng nghiệp chướng ta quá nặng, không thể cứu vớt ta ra khỏi địa ngục. Ta đầu thai làm người. Phật dùng phương tiện bảo ta trồng cây thiện căn, đời đời kiếp kiếp Phật theo sát ta (để giáo hóa) tâm người không lúc nào lìa bỏ ta. Khi Phật mới xuất thế, ta còn trầm luân. Nay ta có thân người thì Phật đã diệt độ. Tội gì mà sinh vào thời mạt pháp ? Suy ngẫm như vậy, xưa nay nếu không gây trồng thiện căn, làm sao có thể được nghe Phật pháp ? Không nghe Phật pháp thì đâu biết thường chịu ơn Phật ? Ân ấy, đức ấy, đồi núi khó bì. Trừ phi phát tâm quảng đại, hành đạo Bồ Tát, kiến lập Phật pháp, cứu độ chúng sinh thoát khổ, thì dù nát thịt tan xương há dễ đền đáp (ơn đức Phật). Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ nhất như vậy”.

b) Nhớ công ơn Cha Mẹ mà phát tâm Bồ đề

Muốn báo đền ân đức Phật, đượng nhiên phải vận dụng sinh mệnh của ta, mà sinh mệnh này là do Cha Mẹ ta mang lại. Ân đức của cha mẹ, cũng không thể không báo đền. Cho nên “Niệm ân đức cha mẹ” mà phát tâm Bồ Đề liệt vào thứ hai.

“Rằng sao phải nhớ công ơn Cha Mẹ ? Đau buồn cho Cha Mẹ, vất vả sinh ta, mười tháng mang thai, ba năm bú mớm, nhường khô bỏ ướt, nuốt đắng nhả ngọt, ta mới thành người, những mong nối dõi tông đường cung thừa tế tự. Nay chúng ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, thẹn nhận danh hiệu Sa môn. Bùi ngọt không dâng, tế tự không có, khi cha mẹ sống không thể phụng dưỡng, khi cha mẹ chết không thể dẫn linh. Đối với thế tục đã là tổn thất lớn cho cha mẹ, mà cũng không được ích gì để giúp cha mẹ họ hàng giải thoát sinh tử, siêu thăng Tịnh độ. Cả hai đằng đều sai, tội nặng khó trốn. Suy nghĩ như vậy, chỉ có luôn hành Phật đạo suốt trăm kiếp nghìn đời, phổ độ chúng sinh khắp thập phương tam thế, thì không chỉ cha mẹ đời này mà cha mẹ kiếp kiếp đều được cứu vớt, không chỉ cha mẹ một người mà cha mẹ mọi người, thấy được siêu thăng. Đây là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ hai vậy”.

c) Niệm ơn Sư Trưởng mà Phát tâm Bồ Đề:

Sinh mệnh của ta do cha mẹ cho, nhưng có được tri thức, hiểu được ít nhiều Phật pháp là nhờ có sự dạy bỏ dẫn dắt của sư trưởng. Không có sự dạy bảo dắt dẫn đó, ta sẽ không biết gì. Cho nên “niệm ân đức sư trưởng” mà phát tâm Bồ đề được liệt làm thứ ba.

“Vì sao nhớ ơn Sư Trưởng ? Cha mẹ tuy có thể sinh ra thân ta, nhưng nếu không có sư trưởng thế gian thì không biết lễ nghĩa; nếu không có sư trưởng xuất thế, thì không hiểu Phật pháp. Không biết lễ nghĩa thì giống như dị loại, không hiểu Phật pháp thì chẳng khác người trầng tục. Nay lũ chúng ta bởi biết lễ nghĩa, hơi hiểu Phật pháp, cà sa phủ thân, giới phẩm che mình, cái ơn nặng đó đều là nhờ sư trưởng mà có. Nếu cầu chứng tiểu quả, thì chỉ có thể tự lợi. Nay muốn thành đạo đại thừa, phải phát nguyện lợi khắp mọi người. Có như thế thì hai loại sư tưởng thế gian và xuất thế đều được lợi. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ ba”.

d) Niệm ơn thí chủ mà Phát tâm Bồ đề:

Với người xuất gia học Phật mà nói, cha mẹ sinh ra ta, sư trưởng dạy bảo ta, cố nhiên không sai. Nếu như không có sự cúng dường tài vật của thí chủ, thì ta không thể yên tâm học đạo, trụ trì Phật pháp, độ hóa chúng sinh. Do đó, người xuất gia học Phật, ắt phải luôn luôn tư niệm ơn thí chủ.

“Thế nào là niệm ơn thí chủ ? Chúng ta ngày nay thức ăn vật dụng hàng ngày đều không phải do ta mà có. Cháo cơm ba bửa, quần áo bốn mùa, những khi ốm đau, tổn phí để nuôi thân, nuôi miệng đều là nhờ ở sức lao động của người khác cung cấp cho chúng ta chi dùng. Một hành giả xuất gia học Phật pháp, bất luận là tự lợi hay lợi tha, muốn khỏi phải lo nghĩ cho đời sống, phải có thí chủ phát tâm cúng dường, nhờ sư phát tâm cúng dường của thí chủ, mà có thể thành tựu được đạo nghiệp xuất gia hoặc hạnh nguyện độ sanh. Như vậy, ơn đức của thí chủ đối với người xuất gia là rất lớn. Nhưng ở đây cần phải nói rõ, thí chủ cúng dường Tăng Bảo phải có cái tâm thuần khiết, không thể lẫn vào đây một động cơ phụ nào cả thì mới thực sự có công đức lớn. Nếu không như thế, thì dù phát tâm cúng dường Tăng Ni công đức cũng chẳng được là bao, thậm chí không có công đức gì. Đại sư Tỉnh Am dạy: “Kẻ kia dốc sức cấy cày, khó lòng dủ miệng. Ta đây mặc đủ còn thừa, biết đâu tiếc của ? Kẻ kia cửa liếp nhà tre, tất bặc suốt đời. Ta thì cửa cao chùa rộng, quanh năm nhàn rỗi. Lấy cái lao động của người kia để cho chúng ta nhàn dật, trong lòng yên chăng ? Đem cái lợi của người khác để nuôi béo chúng ta, với lý có thuận chăng ? Nếu không phải bi trí song hành, phúc tuệ nhị nghiêm, bố thí được ơn, chúng sinh nhận thưởng, thì hạt gạo tất vải cũng có phận phải đền, ác quả khó thoát. Aáy là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ tư vậy”.

e)Nhớ ơn chúng sinh mà phát tâm Bồ đề:

Giữa người với người có quan hệ dựa vào nhau mà sinh tồn, cho nên nhân loại thế giới đan vào nhau thành một mạng lưới quan hệ hết sức mật thiết, chúng sinh hình như không có quan hệ gì với ta, nhưng từ vô thỉ cho đến ngày nay với thời gian dài ấy, cũng là có quan hệ thân thuộc.

“Đại sư Tỉnh Am dạy: “Ta với chúng sinh, từ nhiều kiếp trước đến nay, đời đời kiếp kiếp đã từng là bố mẹ của nhau, có ơn đức với nhau. Nay vì khác kiếp hôn mê không nhận ra nhau, theo lý mà suy, há không báo đáp ? Nay là trâu ngựa mang lông đội sừng, biết đâu trước kia không phải là con ta ? Nay là sâu bướm bò trườn bay lượn, biết đâu xưa chẳng từng là cha ta ? Thường thấy, trẻ nhỏ rời xa cha mẹ, lớn lên dung mạo thảy đều quên. Huống gì thân duyên kiếp trước, mà nay khó rõ họ Trương hay họ Nguyễn. Kẻ kia gào khóc dưới địa ngục, vật vã trong ngạ quỷ, đau khổ ai hay, đói rét ai tỏ ? Ta tuy không thấy không nghe, nhưng kẻ kia ắt đang cầu xin cứu vớt. Ngoài kinh ra không ai kể được việc này, ngoài Phật ra không ai nói được lời này. Lũ người tà kiến kia, đâu có thể biết được ? Vì lẽ đó Bồ Tát thấy sâu kiến đều là Cha Mẹ ta xưa kia, là chư Phật sau này cho nên luôn luôn nghĩ cách mạng lại lợi ích cho sâu kiến, luôn luôn nghĩ cách báo ơn sâu kiến. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ năm”.

f) Nhớ nỗi khổ sinh tử mà Phát tâm Bồ Đề:

Năm loại ân đức đã nói trên là điều mà những người tu học Phật pháp phải ghi nhớ. Nhưng mục đích cuối cùng của việc tu học Phật pháp là giải thoát nổi khổ lớn sinh tử. Nếu không vì cái mục đích cuối cùng ấy thì hà tất phải học Phật, học Phật có ý nghĩa gì ? Cho nên “Niệm nổi khổ sinh tử” mà Phát tâm Bồ đề liệt vào thứ sáu.

Đại sư Tỉnh Am dạy: “Thế nào là nhớ nỗi khổ sinh tử ? Đó là nói ta và chúng sinh từ nhiều kiếp đến nay, luôn luôn trong luân hồi sinh tử, chưa được giải thoát. Cõi người, trên trời, giới này phương khác, biến đổi khôn cùng, thăng trầm chốc lát. Chốc ở trên trời, chốc ở cỏi người, chốc ở địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Hắc môn sớm ra mà chiều về, hang thép tạm rời mà lại nhập. Lên núi đao, khắp mình không còn mảnh da lành; trèo cây kiếm, từng mẫu nhỏ thịt xương cũng nát; sắt đỏ không thể đói lòng, hễ nuốt vào ruột gan đều như nát. Đồng chảy khó uống cho đở khát, uống vào xương thịt đều tan. Cưa sắt sẽ thân, đứt rồi lại nối, nghiệp phong thổi nhẹ, chết rồi lại sinh. Trong thành lửa cháy, không nỡ nghe thảm thiết tiếng gào; trên chậu rán quay, chỉ vang lại tiếng kêu thống khổ. Băng lạnh vừa ngưng, thì hình trạng (tội nhân) như sen xanh kết nhụy; máu thịt nức nỡ, thì thân thể (tội nhân) như sen đỏ nở hoa. Một đêm địa ngục, tử sinh đã trải muôn lần, một sáng khổ đau, nhân gian đã qua trăm tuổi. Nhiều lần phiền ngục tốt vất vả, ai tin lời răn dạy của Diêm Vương. Chịu tội biết khổ, dù hối hận cũng muộn rồi, đã thoát lại quên, vẫn như xưa gây nghiệp ác. Đánh lừa bật máu, ai hay cực nhục mẹ ta ? Dắt lợn vào lò, đâu biết cha mẹ ta đau đớn. Ăn thịt con mà không biết, văn vương còn vậy, ăn thịt cha nào có hay, giống phàm đều thế. Ân ái năm nào nay hóa oan gia, giặc thù ngày xưa nay thành cốt nhục. Xưa là mẹ mà nay là vợ, trước là cha mà nay là chồng, có túc mệnh thông biết được thì hổ nhục xiết bao, có thiên nhãn thông thấy được thì thật đáng cười đáng thương. Lẫn trong bọc phân, mười tháng nằm co tù túng ! Máu ối tanh hôi, đầu lộn chui ra lộn ngược ! Thơ dại mà hay, Đông Tây chẳng biết, đến khi khôn lớn, tham dục liền sinh. Chẳng mấy chốc già ốm tím theo, trong nháy mắt, vô thường lại đến ! Gió lửa thét gào, thần thức ở trong tán loạn; tinh huyết đã kiệt, da thịt ở ngoài héo khô. Không một sợi lông không bị kim chích, không một huyệt khiến không bị dao đâm, con rùa đem ninh, lột mai nó dễ, thần thức sắp tắt, khó lìa xác hơn. Tâm không chủ định, như con buôn xuôi ngược nơi nơi; thân chẳng định hình, như nhà ở thường thường đổi. Như hạt bụi thế giới đại thiên, sao đếm hết bao nhiêu thân qua lại, như mệnh mang tứ hải ba đào, ai đếm xuể có bao nhiêu biệt lệ ? Đống xương khô ngất nghểu vượt cả núi cao, bãi thây xác mênh mông, rộng hơn mặt đất. Giả sử không được nghe lời Phật dạy, sự thực này ai thấy ai nghe ? Nếu như không được học Phật kinh, lý lẽ ấy sao hay sao biết ? Có người vẫn tham luyến như xưa, si mê như cũ, chỉ e trăm kiếp nghìn đời, một lầm trăm lỡ. Thân người khó được mà dễ mất, giờ lành khó đến mà dễ để qua. Đường sá mịt mờ, ly biệt dài lâu. Ác báo chốn tam đồ, vẫn phải tự ta gánh chịu. Đau lòng không nói được, nào ai thay được cho ta ? Nói đến điều này há không lạnh gáy ? Vì lẽ đó, nên dứt lòng sinh tử, rời bể ái dục , tự cứu, cứu người kiêm đủ, cùng lên bờ bến Niết Bàn, công huân khoáng hậu không tiền, chỉ một việc này là đủ. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ sáu vậy”.

g) Tôn trọng tính linh mình mà phát tâm Bồ đề:

Hiểu rõ sinh tử là một nỗi khổ lớn, muốn giải quyết đại khổ đó, tất phải tôn trọng tính linh của mình, cũng tức là tự mình tôn trọng mình. Giả sử như một người không tôn trọng tính linh của mình, thì ở thế gian anh ta sẽ tạo ra đủ loại tội lỗi, sống bất thiện, làm sao có thể giải thoát sinh tử được ? Cho nên: “Tôn trọng tính linh của mình” mà phát Bồ Đề tâm liệt vào thứ bảy. Đại sư Tỉnh Am dạy: “Vì sao tôn trọng tính linh của mình ? Rằng cái tâm hiện nay của ta cùng cái tâm của Phật Thích Ca Như Lai là vô nhị vô biệt. Vì sao đức Thế Tôn từ kiếp vô lượng đến nay đã sớm thành chánh giác. Còn chúng ta hôn mê điên đảo vẫn làm phàm phu ? Lại nữa, đức Phật Thế Tôn thì có thần thông, trí huệ, công đức trang nghiêm vô lượng, còn chúng ta thì chỉ có nghiệp hệ, phiền não, trói buộc sinh tử vô lượng. Tâm tính là một mà mê ngộ vực trời. Nghĩ lại suy đi, há không hổ thẹn ? Ví như châu báu vô giá mà vùi trong bùn đọng, coi như ngói vụn, không quý tiếc trân trọng, vì lẽ đó nên dùng thiện pháp vô lượng mà đối trị phiền não, tu có công đức, thì tính đức mới khai hiển. Như châu báu được rửa sạch, đỉnh treo lên cờ cao sẽ tỏa sáng soi gọi khắp nơi, làm lu mờ hết thảy mọi thứ ánh sáng khác. Như thế thì có thể nói là không phụ công giáo hóa của Phật. Không phụ tính linh của mình. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ Đề thứ bảy”.

Tóm tắt những điều nói trên, đã làm người đều có Phật tính, thì “vì lẽ đó” nay làm người, lại mai gặp được Phật pháp, “nên dùng thiện pháp vô lượng mà đối trị mọi phiền não”. Phát tâm tu học Phật pháp, bài học duy nhất đầu tiên là đối trị phiền não. Vì chúng sinh sở dĩ lưu chuyển trong luân hồi sinh tử là do sự dẫn dắt của nghiệp lực, mà đứng đầu nghiệp lực là phiền não đang không ngừng phá rối. Nếu có thể diệt trừ sự phá rối của phiền não thì sẽ có thể không tạo ra nghiệp hữu lậu nữa, không có sự thúc đẩy của nghiệp lực hữu lậu, thì tự nhiên không phải chịu nỗi khổ sinh tử. Thiện pháp vô lượng, nói rộng là tám vạn bốn nghìn pháp môn. Dùng tám vạn bốn nghìn pháp môn đó đối trị tám vạn bốn nghìn phiền não. Nói giản đơn đó là sáu phép Ba La Mật mà Bồ Tát tu. Tu như thế đến trình độ hoàn mãn thì chỉ có thể đối trị sạch mọi phiền não.

Chúng ta biết rõ tính linh sẵn có của mình vốn là sáng quắt rực rỡ và có tính đức thiên nhiên, thì nay, nếu có thể trên cơ sở tôn trọng tính linh của mình mà tu đức một cách thiết thực, thì có thể nói là “không phụ công” Phật Đà quay buồm từ bi xuất hiện ở nhân gian mỏi miệng, nhọc lòng “giáo hóa” chúng ta. Vì Phật hiện về nhân gian thuyết pháp là để giáo hóa chúng sinh. Nay theo lời dạy của Phật Đà mà làm, đương nhiên không phụ lòng từ bi giáo hóa nhân loại của Phật Đà. Đồng thời ta tu hành theo lời giáo huấn của Phật, làm cho tính linh ta hiển hiện, không còn bị vùi lấp trong bùn nhơ, thì không những không phụ công giáo hóa của Phật. Từ vô thỉ đến nay, chúng ta điên đảo mê hoặc, tạo nghiệp chịu khổ, cố nhiên phụ công giáo hóa của chư Phật, thực ra còn phụ cả tính linh của mình. Của nhà quý báu vốn có trong tính linh của mình không đem ra dùng mà cam tâm luân lạc làm kẻ hành khất bần cùng, đó là điều Phật thương xót chúng ta. Nay hiểu rõ tính linh mình là quý báu mà phát tâm Bồ Đề, lấy việc thành Phật làm mục đích.

h) Sám hối nghiệp chướng mà phát tâm Bồ Đề:

Tôn trọng tính linh của mình là nhằm để lìa khỏi sinh tử, mà lìa khỏi nổi khổ sinh tử thì phải tu hành đúng pháp. Trong quá trình tu hành, muốn tiến lên thuận lợi vô ngại, phải sám hối tiêu trừ nghiệp chướng. Vì nghiệp chướng là sự chướng ngại lớn nhất trên đường tu hành, phải sám hối tiêu trừ đi. Cho nên “sám hối nghiệp chướng” mà phát tâm Bồ Đề liệt làm thứ tám.

Đại sư Tỉnh Am nói: “Vì sao phải sám hối nghiệp chướng ? Kinh nói phạm một tội đột các la, như Tứ Thiên Vương tuổi thọ năm trăm tuổi xuống nê lê địa ngục. Cát la là tội nhỏ mà làm khổ báo như thế, huống gì tội nặng ? Khổ báo khó mà nói hết ! Nay chúng ta trong sinh hoạt hằng ngày, nhất cử nhất động luôn luôn phạm giới luật, ăn cơm uống nước phạm thi la. Tội lỗi phạm trong một ngày cũng đã là vô lượng, huống gì tội lỗi đã phạm suốt đời suốt kiếp, thì thật không thể nói hết. Hãy lấy ngũ giới mà nói, mười người thì chín người phạm lộ ra thì ít che giấu thì nhiều. Ngũ giới gọi là Ưu Bà Tắc giới, còn chưa thể thủ trì đầy đủ, huống gì Sa Di giới, Tỳ Khưu giới, Bồ Tát giới v.v… thì càng bất tất phải nói. Hỏi danh nghĩa thì nói rằng tôi là Tỳ Khưu. Nhưng thực chất thì chưa đáng Ưu Bà tắc, há không đáng hổ thẹn sao ? Nếu biết được rằng không thụ Phật giới thì thôi, đã thụ giới thì không được phạm giới. Không phạm giới thì thôi, khi đã phạm giới thì cuối cùng ắt phải rơi vào tam ác đạo. Nếu không từ mẫn mẫn tha, tự thương thương tha, thương mình thương người, tự xót mình xót người, thân khẩu khẩn thiết miệng khấn lệ rơi, cùng khắp chúng sinh cầu xin sám hối, thì ác báo nghìn đời muôn kiếp khó thoát. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ Đề thứ tám vậy”.

i) Cầu vãng sanh Tịnh Độ mà phát tâm Bồ Đề:

Tu hành ở cỏi dục giới, thế gian đầy ô trược này, những nhân duyên cản trở đạo là rất nhiều, nếu muốn được hoàn cảnh thanh tịnh lý tưởng, giải thoát sinh tử một cách thuận lợi, lại học được rất nhiều phương tiến độ sinh, như vậy chỉ có cầu vãng sinh Tịnh Độ. Vì cõi Tịnh Độ là dễ tu hành nhất. Cho nên “cầu vãng sinh Tịnh độ” mà phát tâm Bồ Đề liệt vào thứ chín.

Ngài Tỉnh Am dạy: “Vì sao phải cầu vãng sanh Tịnh độ ? Vì tu ở uế độ này, thành đạo khó lắm, vãng sanh Tịnh độ kia, thành Phật sẽ dễ. Vì dễ nên một đời có thể thành, vì khó nên nhiều kiếp cũng chưa thành. Vì thế các bậc Thánh hiền xưa người người hướng theo, nghìn kinh muôn luận chổ nào cũng có chỉ quy. Tu hành thời mạt thế không sao vượt được pháp môn Tịnh độ này. Nhưng kinh nói thiện căn ít không thể vãng sinh Tịnh độ. Nói phúc đức nhiều, không gì bằng chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật, nói thiện căn nhiều, không gì bằng phát tâm Bồ Đề quảng đại. Vì thế trì niệm thánh hiệu chốc lát còn hơn bố thí trăm năm, phát tâm quảng đại một lần vượt hơn hẳn tu hành trọn kiếp. Niệm Phật vốn là mong thành Phật, không phát đại tâm thì niệm Phật để làm gì ? Phát tâm nguyện là để tu hành, không sinh được Tịnh độ, thì tâm đã phát cũng dễ thoát. Vậy thì gieo hạt Bồ Đề, cày bằng cái cày niệm Phật, quả đạo sẽ tự nhiên tăng trưởng, cưỡi con thuyền đại nguyện, đi vào biển lớn Tịnh độ, ắt hẳn sẽ vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ Đề thứ chín”.

Niệm Phật đã lấy việc vãng sinh Tịnh độ làm bản nguyện, thì nên “cưỡi con thuyền đại nguyện đi trên biển lớn Tịnh độ thì mới có thể yên ổn vững vàng sinh vào thế giới cực lạc” cho nên nói: “Đi vào biển lớn Tịnh độ, ắt hẳn sẽ vãng sinh Tây phương Cực lạc”, thuyền đại nguyện, là nói về thuyền 48 lời nguyện của Phật A Di Đà: Nói về hành giả, là thuyền đại nguyện vãnh sinh Tịnh Độ của mình. Cưỡi hai con thuyền đại nguyện đó, đi vào lãnh hải của Tây phương Tịnh độ. Cưỡi gió đè sóng dũng mãnh tiến lên, cuối cùng ắt sẽ đến Tây phương Cực lạc thế giới. Có thể thấy tâm nguyện của chúng sinh và tâm nguyện của Phật A Di Đà là tương nhiếp tương thành. Vì vậy mới có câu nói: “Nên biết Phật A Di Đà nhờ đại nguyện mà thành Phật. Nếu như nguyện ta đã phát còn hợp với nguyện Phật nhiếp sinh, thì vãng sanh Tịnh độ khó gì ? Vô lượng kiếp trước, Phật đã vì chúng sinh chịu khổ khắp thế giới mà phát 48 nguyện. Theo đại nguyện đó trải bao kiếp lâu dài, tu Bồ tát hạnh… Nên hiểu đại nguyện đại lực của Phật A Di Đà cũng ví như một con thuyền lớn bất cứ là ai, chỉ cần lên thuyền là sẽ tới bến bên kia, không lo đắm chìm mà là thuận nước, thuận gió. Nếu ta không chịu lên thuyền thì sẽ như thế nào ? Cho nên vẫn phải tự mình phát nguyện là việc trước hết. “Cưỡi thuyền đại nguyện” có thể vãng sanh Tịnh độ, thì tức là sẽ vượt ngang qua sinh tử, lướt nhanh đến Bồ đề vô thượng. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ chín.

j) Muốn cho chính Pháp trụ lâu ở thế gian mà phát tâm Bồ đề:

Trước khi vãng sinh Tịnh độ, nếu hiểu được Phật pháp, thì không những có lợi ích cho mình, mà còn có lợi ích cho nhân loại, thậm chí cũng có lợi ích mọi chúng sinh trong tam giới ngũ thú. Như Lai có thể vĩnh hằng trụ lại ở thế gian. Cho nên “niệm chính pháp trụ lâu ở thế gian” mà phát tâm Bồ đề liệt làm thứ mười.

Đại sư Tỉnh Am nói: “Vì sao phải làm cho chánh pháp trụ lâu ở thế gian ? Đức Thế Tôn chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay vì chúng ta mà tu đạo Bồ đề, làm được những việc khó làm, thế mới thành Phật. Khi đã thành Phật rồi, hóa độ khắp hết, vào cõi Níêt bàn, chính pháp, tượng pháp đều đã qua đi, chỉ còn mạt pháp. Giáo pháp còn đó, nhưng không người học, tà chính không phân, phải trái không rõ, chỉ lo tranh cạnh, chạy theo lợi danh. Ngước trông đâu đâu, khắp thiên hạ đều thế, không biết Phật là ai, chính pháp nghĩa là gì, Sư Tăng là danh hiệu gì ? Suy tàn đến như thế, đau lòng không nỡ nói, mỗi khi nghĩ đến, bất giác lệ rơi ! … Do vậy đau lòng không chịu nỗi mà vô kế khả thi, khoảnh khắc quên mình bỉ hậu, bổng nhiên phát khởi đại tâm, tuy không mong vãn hồi vận mạt ở thời nay, quyết mong hộ trì chính pháp trong kiếp tới… Vì cớ đó, cùng các đạo hữu đến đạo trường này, mở pháp hội này, sám hối tu pháp, phát 48 đại nguyện, nguyện nào cũng nhằm hóa độ chúng sinh, mong trăm ngàn kiếp phát tâm, tâm tâm đều thành Phật. Từ ngày hôm nay, mãi mãi về sau, hết cả kiếp này, thề quy hướng Tây phương mà an dưỡng, khi đã lên tòa sen cửu phẩm lại xin về thế gian Sa bà, mong sao mặt trời Phật lại tỏa sáng, cửa pháp lại xiển dương, biển Tăng trong suốt ở cỏi này, không đông phương chúng sinh đều độ hóa. Vận hội nhờ đó mà dài thêm, chính pháp nhờ đó mà trụ lại thế gian. Ấy là nhân duyên phát tâm Bồ đề thứ mười vậy”.

Vì sao phải làm cho chính pháp trụ lầu ở thế gian ? Điều nên biết trước hết là chính pháp của Phật đã khai thị cho chúng ta không phải dễ dàng mà có được, trước hết phải thể ngộ được chính pháp, sau đó đem cái chính pháp đã thể ngộ được tuyên phát cho mọi người nghe. Thể ngộ chính pháp tức là thành Phật. Phật sở dĩ thành bậc Chính giác, không phải vì mình mà vì chúng sinh chúng ta mà thành Phật. Vì thế mới nói: “Đức Thế Tôn ta, từ kiếp vô lượng đến nay, vì chúng ta mà tu đạo Bồ đề”. Trong quá trình tu đạo Bồ đề, không phải Phật đã có thể tiến lên phía trước một cách thuận lợi không gặp khó khăn trở ngại gì, mà là làm được những việc khó làm, chịu đựng những điều khó chịu, để làm việc hóa độ chúng sinh. Khó làm mà làm được, nói như việc bố thí, bề ngoài thì thí tiền tài, đối với tiền tài người có chút hiểu biết, không phải đến nỗi khó thì xả, bề trong thí sinh mệnh, có lúc phải thí đầu mắt, tủy não, chân tay, thậm chí toàn thân, thế thì thật không còn giản đơn nữa rồi. Một sự “nan hành năng hành” vĩ đại biết bao. “Khó chịu mà chịu được”. Hãy nói việc nhẫn nhục. Căn tính của chúng sinh rất khác nhau, ta thật lòng thật dạ vì sự tốt đẹp của chúng sinh, hy vọng dẫn dắt chúng sinh lên đường sáng sủa nhân sinh, họ không những không lĩnh tình và cám ơn, trái lại dùng đủ thủ đoạn không chính đáng để đối phó với ta, chửi bới ta, lăng nhục ta, đánh đập ta, làm cho ta chịu không nổi. Nếu không có một chút nhẫn nhục nào đó, ta ắt sẽ thoái tâm, không tiếp tục tiến lên trên đường Bồ đề nữa. Vậy mà Đức Phật của chúng ta, bất luận bị dày vò, đã kích đến mấy cũng vẫn chịu đựng được, cốt sao đạt được mục đích hóa độ những chúng sinh cương cường ngang nghạnh khó giáo hóa. Hơn nữa, trước sau không bỏ chúng sinh nào. Đây là một tinh thần “nan nhẫn năng nhẫn”. Vĩ đại biết bao !

Phật đã không từ gian khổ xả kỷ lợi tha như vậy, thậm chí chịu khổ vô lượng thay cho chúng sinh, cho mãi đến khi nhân hành đáng tu ở nhân địa Bồ tát được tu đến mức viên thành, phúc tuệ được tu đến mức hoàn mãn, thế mới thành được Phật. Từ đây có thể thấy thành Phật không phải dễ dàng, mà phải trải qua đủ loại khổ luyện trong thời gian rất dài thì mới có thể ngồi dưới gốc Bồ đề, nhìn sao sáng ban đêm, phá tan mọi ma quân mà thành chánh giác vô thượng. Vì lẽ đó, chúng ta “thân là Phật tử” dù sao cũng phải coi việc hoằng pháp lợi sinh, kế tục mệnh tuệ của Phật là nhiệm vụ duy nhất thì mới có thể báo đền trong muôn một ơn đức sâu dày của Phật. Nếu không làm được như vậy thì không thể đền đáp ơn sâu của Phật.

Mười loại nhân duyên phát tâm Bồ đề trên, nhìn ra như đối lập với nhau, thực ra có quan hệ mật thiết với nhau, không cho phép chúng ta thay đổi thứ tự trước sau. Đại sư Tỉnh Am từ trong kinh điển, rút ra mười loại nhân duyên phát tâm, có thể thấy rõ đức từ bi sâu rộng của người. Ngài lại dạy thêm: “… Xét tôi khổ chí, cùng lập nguyện này, cùng phát tâm này, ai chưa phát tâm thì nay phát, ai đã phát tâm rồi thì phát thêm nữa; ai đã phát thêm rồi nay hãy tiếp tục phát tâm. Đừng sợ khó mà khiếp hãi rút lui, đừng cho là dễ mà coi thường, đừng nóng vội mà không kiên trì lâu dài, đừng lười biếng trễ nải mà không dũng mãnh, đừng uể oải mà không hăng hái, đừng chần chừ mà chờ đợi đến ngần ngại, đừng vì mình ngu đần mà không dám phát tâm, đừng cho rằng mình căn cơ nông mỏng mà tự nghĩ mình không có phận”.

Phát tâm Bồ đề quảng đại, không thể chậm trễ, ai chưa phát tâm nguyện Bồ đề hãy phát tâm ngay hôm nay, ai đã phát tâm nguyện Bồ đề rồi, hẫy làm cho tâm nguyện Bồ đề ấy lớn thêm theo ngày tháng. Nếu ai đã nêu cao được tâm nguyện lớn thì muôn vàn xin chớ để thoái thất tâm nguyện Bồ đề.

Phát tâm Bồ đề vô thượng rồi, phải hành đạo Bồ tát rộng rãi, mà hành đạo Bồ tát là rất gian nan khốn khổ tuyệt đối không thể nghĩ là nhẹ nhàn. Xưa kia Phật đà phát tâm hành đạo Bồ tát, đã trải qua một lịch trính làm được những việc khó làm, với tinh thần đại vô úy, đã gạt bỏ mọi gai góc nguy hiểm khó khăn rồi mới đạt được mục đích thành Phật. Nay trong bài Đại sư Tỉnh Am đã nêu ra tám điều “đừng” để khuyên chúng ta không được sơ ý trong khi phát tâm Bồ đề.

- “Đừng vì khó khăn mà khiếp sợ lùi bước”. Thường nói, vấn đề cá nhân dễ giải quyết, công việc của đại chúng khó xử lý. Phát tâm Bồ đề để độ hóa chúng sinh là mưu cầu hạnh phúc cho đại chúng, nhưng căn tính của từng người khác nhau, khi tiếp xúc với quần chúng không thể tránh khỏi nhiều việc gai góc khó giải quyết, như sợ khó khăn mà không dám tiến lên, thế thì tất nhiên sẽ khiếp hải lùi bước không còn các dũng khí làm Bồ Tát nữa, cho nên hành đạo Bồ tát đầu tiên là phải không vì khó khăn mà không dám tiến lên để tránh cái tâm lý khiếp hải thoái chuyển.

- “Đừng cho là dễ mà khinh thường”. Việc lớn hành đạo Bồ tát cho là gian nan cố nhiên là không được, nhưng cho là dễ dàng cũng không được. Trong đoạn “tôn trọng tính linh của mình” đã từng nói, chúng sinh vốn có viên ngọc quý Phật tính, phải gia công mài rủa mới sáng đẹp, nếu coi là dễ mà khinh thường thì dễ nẩy sinh tự mãn. Người tự mãn cuối cùng sẽ tự phá tự bỏ, không thể thành công, thử nghĩ mà xem, làm một việc nhỏ ở thế gian còn khó thành công huống hồ gì việc lớn thành Phật độ sinh ?

- “Đừng nôn nóng mà không kiên trì lâu dài”. Đạo Bồ tát là dài lâu, phải kiên trì làm trong thời gian dài thời mới đến được tận cùng con đường Bồ đề, do đó không thể nôn nóng mà thiếu lòng kiên trì. Trung quốc có câu tục ngữ: “Dục tốc bất đạt”. Chúng ta phải nhớ lấy. Người thợ thông thường ở thế gian còn phải tốn công học tập nhiều năm mới thành nghề được huống gì việc lớn thành Phật độ sinh. Muốn thành công nhanh chóng sao được ? Có người nghĩ rằng một đời có thể thành Phật, đó thật là một quan niệm sai lầm lừa người dối mình. Nói thật việc nhỏ ở thế tục còn không thể cầu may, cầu may trên đường tu hành thành Phật càng sai lầm lớn mà trí giả không bao giờ làm.

- “Đừng lười biếng trễ nãi mà không có dũng khí”. Con đường đi đến Phật quả dài lâu như thế, không tinh tiến dũng mãnh không được, tuyệt đối không thể lười biếng trễ nải một tí nào. Nhưng dũng mãnh không thể chỉ dũng mãnh nhất thời, mà phải dũng mãnh một cách kiên trì, không gián đoạn thì mới là dũng mãnh thực sự, phải tiến lên phía trước bằng những bước đi vững chắc thì mới là tinh tiến thật sự. Chỉ có tiến tới trên con đường Phật một cách tinh tiến thì mới tránh khỏi được tình trạng nẩy sinh tâm lý lười biếng muốn nghĩ ngơi khi thuận lợi thoải mái. Có nhiều người học Phật, không thể đạt được Bồ đề tối cao vô thượng, nguyên nhân căn bản là do lười biếng trễ nải.

- “Đừng uể oải mà không hăng hái”. Trong thế gian hiện thực ta có thể thấy rõ ràng là, phàm phu làm việc gì mà hăng hái phấn chấn thì dễ có thu họach lớn, còn uể oải chây lười thì rất khó thành công. Việc đời còn thế huống gì việc đạo Phật vô thượng. Vì thế hành giả Bồ tát phải hăng hái phấn chấn. Không thể uể oải rụt rè, càng không thể chây lười được sao hay vậy. Nên biết rằng sức mạnh tinh thần là lớn hơn cả, một khi tinh thần đã suy sụp thì không còn cách nào cứu vãn được.

- “Đừng chần chừ mà chờ đợi ngày mai”. Hôm nay phát tâm Bồ đề thì ngay ngày hôm nay bước lên đường Bồ tát, đừng mang tâm lý chần chừ chờ đợi mà hao phí thời gian qúy báu. Càng không thể trông chờ tương lai, phải làm với tinh thần “việc hôm nay làm xong trong hôm nay” quyết không đợi đến ngày mai, phải biết rằng ngày mai rồi lại có ngày mai khác. Nếu như chần chừ thành nết, việc gì cũng đợi ngày mai thì chưa nói Đạo Phật vô thượng, mà cả việc đời cũng khó hy vọng thành công, cho nên không thể chần chừ qua ngày.

- “Đứng vì mình ngu đần mà không dám phát tâm”. Căn tính chúng sinh có sự khác nhau giữa thông minh lanh lợi và ngu đần chậm chạp. Đó là một sự thật không thể phủ nhận được. Nhưng chúng ta nên biết, người căn tính thông minh lanh lợi cố nhiên có thể hướng theo đường Phật, mà người ngu đần chậm chạp cũng có thể hướng đến Bồ đề. Hơn nữa cùng ngu đần chậm chạp thì càng phải tu học Bồ đề. Vì người người đều có thể tu được, không phân biệt kẻ trí người đần. Cho nên hành giả Phật pháp đừng vì tư chất ngu đần của mình mà cứ không dám phát tâm tiến thủ trên con đường vô thượng.

- “Đừng cho rằng mình căn cơ nông mỏng mà tự nghĩ mình không có phận”. Có thể có người cho rằng Phật đạo vô thượng là để cho người có căn tính sâu dày tu, ta là người căn cơ nông mỏng, không có tư cách tu học đạo Phật, thế là tự ti tự bỏ cho rằng mình không có phận. Không biết rằng nghĩ thế là sai lầm. Trong kinh, Phật nhiều lần căn dặn chúng ta: “Mọi chúng sinh đều có tính Phật, đều có khả năng thành Phật”. Ta là một chúng sinh vì sao tự phá tự bỏ coi là mình không có duyên phận gì với Bồ đề vô thượng ? Mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật, tại sao ta không có khả năng ấy ? Phải tự tin như vậy.

C. KẾT LUẬN

Nên biết rằng chư Phật mười phương, bất luận là Phật đã thành ngày xưa, hay hiện nay đang thành Phật, tương lai cũng thế, tất cả đều là nhờ phát tâm Bồ đề. Nhờ phát tâm Bồ đề mà được thành Phật. Thế thì sự tôn qúy và công đức đặc biệt rộng lớn của việc phát tâm Bồ đề không phải nói cũng đã rõ.

Nhưng đặc tính của một vị Phật, cùng có một gốc: “Bồ đề tâm”. Bởi vậy, nếu muốn chứng đắc, ta phải phát tâm. Phát tâm Bồ đề thì phải bỏ tâm tham muốn dục vọng ích kỷ. Sở dĩ ta không buông bỏ được những thứ ích kỷ vì ta không thấy được tầm vóc và hạnh phúc do Bồ đề tâm đem lại.

Có kệ tụng nói về khả năng của Bồ đề tâm, rằng:

“Bồ đề tâm là gốc mười lực

Gốc bốn biện tài, bốn vô úy,

Cũng là gốc của thập bát pháp;

Đắc những thứ ấy do phát tâm”.

Không những vậy, mọi quả vị và cảnh giới khác đều do phát âm mà thành.

“Sắc tướng trang nghiêm của thân Phật,

Pháp thân bình đẳng kỳ diệu ấy,

Trí huệ vô trước, đáng cúng dường,

Điều do phát tâm mà chứng đắc.

Quả vị Độc Giác, A La Hán

Niềm vui thiền định của Sắc giới.

Những thứ tam muội cỏi Vô sắc,

Đều do phát tâm làm cội gốc.

Niềm vui tự tại của trời người,

Đủ thứ sung sướng trong các nẻo,

Niềm vui do sức định, tinh tấn…

Tất thảy đều do sơ phát tâm”.

Tầm vóc và công năng của sự phát tâm Bồ đề thì không thể lường được.

“Muốn biết tất cả mọi Phật pháp,

Hãy mau khởi phát Bồ đề tâm.

Tâm này công đức thù thắng nhất,

Chắc chắn đắc Phật trí vô ngại.

Chúng sinh tâm hạnh: có thể biết,

Cỏi nước, hạt bụi: cũng rõ thấu.

Biên tế hư không: đo lường được.

Công đức phát tâm không thể tính.

Phát tâm: sản sinh Phật ba đời,

Thành tựu an lạc trong thế gian,

Tăng trưởng tất cả thắng công đức,

Vĩnh đoạn tất cả mọi nghi hoặc.

Mở ra tất cả diệu cảnh giới,

Tận trừ hết thảy mọi chướng ngại,

Làm thành tất cả cõi thanh tịnh,

Xuất sinh tất cả trì Như Lai.

Muốn gặp mọi Phật trong mười phương,

Muốn thí vô tận kho công đức,

Muốn diệt khổ não của chúng sinh,

Hãy mau phát khởi Bồ đề tâm.

Tóm lại, nếu ai có thiện duyên với Phật, kính tin Tam Bảo nhưng chưa nghe, không biết phát tâm là gì, không biết phát tâm thế nào, chưa từng phát tâm Bồ đề; nay đã nghe, đã đọc được bài luận văn này, đã hiểu nhân duyên phát tâm Bồ đề, hiểu được ý nghĩa, phương pháp, công đức và sự thù thắng của nó, thì xin nguyện cùng chư phương Phật tử. Các vị tín tâm với Tam Bảo cùng chư Đại Đức, Tăng Ni. Từ hôm nay đây lập tức phát tâm, lập tức lập nguyện. Tứ chúng Phật giáo ngày nay nếu có thể cùng phát tâm Bồ đề, dùng lập nguyện Bồ Đề, kết thành quyến thuộc Bồ đề tiến lên trên đường Phật thì tin rằng không chỉ Phật giáo được chấn hưng, chánh pháp được trường tồn lâu dài mà tất cả chúng sinh trong thế giới Sa bà cũng sẽ được lợi ích. Vì tứ chúng Phật giáo, có thể thực sự khẩn thiết phát tâm thì thế giới Sa bà này an cư lạc nghiệp. Sở dĩ thế giới này có nhiều hỗn loạn, chiến tranh, thiên tai… đâu đâu cũng đằng đằng sát khí chỉ vì Phật pháp chưa truyền bá khắp mọi ngóc ngách của thế giới, chưa thấm vào trong mọi ngóc ngách của thế giới, chưa thấm váo trong mọi tấm lòng. Chúng ta phát âm Bồ đề nếu như người người đều hoằng dương Phật pháp, làm cho Phật pháp lưu hành khắp thế gian, chuyển hóa thế giới uế ác, ô trược này thành ra “Tịnh độ ở chốn nhân gian” thì tuyệt vời biết mấy.

Để kết thúc bài luận văn, sau đây là một phần những lời kệ mà Đức Di Lặc chỉ dạy cho Thiện Tài Đồng Tử về ý nghĩa cũng như lợi ích của Bồ Đề Tâm được trích trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Hiền Thủ, NXB Tôn Giáo 2003, Thích Hoằng Trường dịch và soạn, trang 637-640:

“Thiện nam tử !

Bồ đề tâm này cũng như hạt giống,

Vì làm sinh trưởng mọi thứ Phật pháp.

Bồ đề tâm này như thửa ruộng tốt,

Vì làm tăng trưởng những pháp bạch tịnh của mọi chúng sinh.

Bồ đề tâm này như đất bao la,

Vì trì giữ hết mọi thứ thế gian.

Bồ đề tâm này cũng như tịnh thủy,

Vì tẩy sạch hết phiền não cấu bẩn.

Bồ đề tâm này cũng như gió mạnh,

Thổi khắp trần gian không hề trở ngại.

Bồ đề tâm này cũng như lửa hực

Thiêu đổt tất thảy mớ củi thành kiến.

Bồ đề tâm này cũng như tịnh nhật,

Chiếu khắp vũ trụ.

Bồ đề tâm này cũng như trăng rằm,

Tròn đầy tất cả mọi pháp bạch tịnh.

Bồ đề tâm này ví như đèn sáng,

Tỏa ra đủ thứ ánh sáng chân lý.

Bồ đề tâm này ví như mắt sáng,

Thấy biết nơi đâu an ổn, hiểm nghèo.

Bồ đề tâm này cũng như đại lộ,

Vì dẫn ta về thành phố đại trí.

Bồ đề tâm này ví như đường chính,

Vì khiến rời bỏ những nẽo tà vạy.

Bồ đề tâm này như chiếc xe lớn,

Vì chuyên chở hết tất cả Bồ tát.

Bồ đề tâm này ví như cửa ngõ,

Mở ra tất cả công hạnh Bồ tát.

Bồ đề tâm này cũng như cung điện,

Để ta an trụ tu tập tam muội,

Bồ đề tâm này ví như vườn tược,

Vì vào dạo chơi, sẽ thọ pháp lạc.

Bồ đề tâm này cũng như nhà ở,

Vì làm tất cả chúng sinh yên ổn.

Bồ đề tâm này là chổ trở về,

Vì đem lợi ích đến khắp trần gian.

Bồ đề tâm này là chổ nương tựa,

Vì Bồ tát hạnh đều dựa vào đó.

Bồ đề tâm này ví như từ phụ,

Giáo dục dạy dỗ tất cả Bồ tát.

Bồ đề tâm này ví như từ mẫu,

Nuôi nấng chăm nom tất cả Bồ tát.

Bồ đề tâm này như người bạn tốt,

Thành tựu lợi ích tất cả Bồ tát.

Bồ đề tâm này như người lãnh tụ,

Vì vượt trên bậc thanh văn duyên giác.

Bồ đề tâm này như vị đế vương,

Vì mọi ước nguyện đều làm tự tại.

Bồ đề tâm này ví như đại hải,

Tất cả công đức đều chứa trong nó.

Bồ đề tâm này như núi Tu di,

Đối xử bình đẳng với mọi chúng sinh.

Bồ đề tâm này như núi Thiết vi,

Nhiếp trì nâng đội tất cả thế giới.

Bồ đề tâm này ví như tuyết sơn,

Trưởng dưỡng tất cả cây thuốc trí tuệ.

Bồ đế tâm này ví như Hương sơn,

Xuất sinh mọi thứ hương thơm công đức.

Bồ đề tâm này ví như hư không,

Công đức tuyệt diệu rộng lớn vô biên.

Bồ đề tâm này ví như hoa sen,

Vì chẳng ô nhiễm bởi pháp thế gian.

Bồ đề tâm này ví như voi khôn,

Vì tánh thuần hậu, không ác dữ dằn.

Bồ đề tâm này ví như thiện mã,

Vì xa rời hết những tánh nết xấu.

Bồ đề tâm này như người cầm cương,

Nắm giữ chân lý của chiếc xe lớn (đại thừa).

Bồ đề tâm này ví như thuốc hay,

Trị lành tất cả mọi bịnh phiền não.

Bồ đề tâm này ví như hố sâu,

Hãm diệt hết thảy mọi thứ độc ác.

Bồ đề tâm này ví như kim cương,

Xuyên thủng mọi vật.

Bồ đề tâm này như hợp hương thơm,

Cất giữ tất cả hương thơm công đức.

Bồ đề tâm này như hoa tuyệt đep,

Khắp hết trần gian ai cũng thích ngắm.

Bồ đề tâm này như bạch chiên đàn,

Dập tắt lửa dục khiến được tươi mát.

Bồ đề tâm này như hắc trầm hương

Vì khi xông lên trùm khắp pháp giới”.

Lại nữa, Kinh Lương Hoàng Sám, chương thứ tư, phẩm Phát Bồ Đề Tâm trang 101 có ghi:

…“Bây giờ đã cùng nhau gặp thời buổi tốt, ngày đêm chớ để phiền não che lấp tâm tánh, phải nên nổ lực phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề tức là tâm Phật, công đức trí huệ vô lượng, không thể nghĩ bàn. Phát tâm một niệm còn được công đức như vậy huống gì phát tâm luôn luôn.

Giả sử lịch kiếp tu hành vô lượng phước đức, làm đủ hết thảy việc lành, không bằng một niệm phát tâm Bồ đề trong muôn một. Toán số thí dụ cũng không thể so lường được công đức phát tâm Bồ đề.

Lại như có người chỉ làm việc phước đức chớ không phát tâm vô thượng Bồ đề; người ấy cũng như kẻ cày ruộng không gieo giống. Mầm mấm đã không gieo thì làm sao có lúa thóc.

Vì lý do ấy nên phải phát tâm Bồ đề để làm nhân duyên cho việc chứng quả; trước là báo ơn chư Phật, sau là cứu vớt muôn loài.

Sở dĩ Phật khen ngợi các Thiên tử rằng:

“Lành thay ! Lành thay ! Như lời các ngươi nói là vì muốn lợi ích cho hết thảy chúng sanh”.

Phát tâm Bồ đề là cách cúng dường lớn hơn tất cả”.

Đường đạo vô biên,

Nhưng bắt đầu bằng bước gần nhất:

Hãy phát Bồ đề tâm.

Cuối cùng xin hết thảy chư vị cùng phát tâm Bồ đề, cùng hành đạo Bồ tát, cùng hướng quả Bồ đề.

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/03/2023(Xem: 9238)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5450)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
03/02/2023(Xem: 8255)
Đã có rất nhiều tài liệu đề cập về Thiền bao gồm Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tọa, Thiền Hành, Thiền Phàm Phu, Thiền Ngoại Đạo, Thiền Tiểu Thừa, Thiền Trung Thừa, Thiền Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa...Tất cả đều là những sắc thái, tướng trạng, hiện tượng và tác động từ tâm thức chúng ta trong ý hướng tu tập trên đường giải thoát, giác ngộ Phật đạo. Sự giác ngộ giải thoát nơi Phật Đạo, tuy nhiên, lại quá phong phú, đa diện với sắc thái tâm thức rất sâu xa vi tế nên dù Phật tánh
31/01/2023(Xem: 9396)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
07/01/2023(Xem: 7915)
Phương pháp phát triển cá nhân mà nhà sư Sangharakshita nói đến trong bài này là phép thiền định của Phật giáo, một phép luyện tập nhằm biến cải một con người bình dị trở thành một con người đạo đức, sáng suốt và cao quý hơn, và ở một cấp bậc sâu xa hơn nữa còn có thể giúp con người đạo đức, sáng suốt và cao quý ấy thoát ra khỏi thế giới hiện tượng luôn trong tình trạng chuyển động và khổ đau này.
23/12/2022(Xem: 20960)
Các video sau được sưu tập và biên tập sao cho mỗi video đều có mục lục chi tiết (ngoại trừ các bài giảng lẻ), kèm theo thời điểm lúc giảng các mục để người xem có thể dễ dàng theo dõi. Ngoài ra nếu vô tình nghe một đoạn bất kỳ cũng có thể biết được Sư bà đang giảng tới mục nào vì tên mục đó có ghi phía dưới màn hình.
02/11/2022(Xem: 22383)
Đức Phật thuyết giảng giáo nghĩa Đại thừa vì tám lý do, được nêu lên ở trong bài kệ của Đại thừa trang nghiêm kinh luận: "Bất ký diệc đồng hành Bất hành diệc thành tựu Thể, phi thể, năng trị Văn dị bát nhân thành". Bài kệ này nêu lên tám lý do, tám bằng chứng kinh điển Đại thừa là do đức Phật nói chứ không phải là ai khác. Hàng Thanh văn không đủ khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Hàng Duyên giác không có khả năng để nói đến kinh điển Đại thừa. Bồ tát cũng chưa đủ sự toàn giác để nói kinh điển Đại thừa. Còn đối với ngoại đạo thì đương nhiên không thể nói được một từ nào ở trong kinh điển Đại thừa. Có nhiều vị cố chấp, thiên kiến nói rằng kinh điển Đại thừa do ngoại đạo tuyên thuyết; nói như vậy là hồ đồ, không có luận cứ. Tu tập đến cỡ như hàng Thanh văn, hàng Duyên giác mà còn không nói được kinh điển Đại thừa thì làm gì cái đám ngoại đạo chấp ngã, chấp trước, chấp danh, chấp lợi mà nói được kinh điển Đại thừa. Cho nên nói kinh điển Đại thừa do ngoại đạo nói, đó
02/11/2022(Xem: 19127)
Bấy giờ, tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc, nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao tôi lại khóc như vậy.
31/10/2022(Xem: 15516)
SOTAPATTI, quả vị Dự lưu, là cấp bậc đầu tiên trong bốn cấp bậc giác ngộ được đề cập trong Phật giáo Sơ kỳ. Tên gọi của quả vị nầy là từ ý nghĩa của một hành giả nhập vào dòng chảy không thối chuyển (sotāpanna, thánh Dự lưu) đưa đến giải thoát hoàn toàn. Dòng chảy nầy chính là đường thánh tám chi (Bát chi Thánh đạo, SN 55:5, kinh Sāriputta), là dòng sông hướng đến Niết-bàn cũng giống như sông Hằng chảy ra biển cả (SN 45:91, kinh Phương đông). Thời gian cần thiết để dòng sông nầy tiến đến mục tiêu tối hậu là tối đa bảy kiếp sống, không kiếp nào tái sinh trong cõi giới thấp hơn cõi người (SN 55:8, kinh Giảng đường bằng gạch).
29/10/2022(Xem: 9644)
Nhận tin nhắn trễ trên Viber sau khi đã ra khỏi nhà, và mãi đến trưa con mới trở về nên con chỉ nghe lại bài phỏng vấn này do TT Thích Nguyên Tạng có nhã ý cho chúng đệ tử học hỏi thêm giáo lý Phật Pháp trước khi Ngài trở về trú xứ Hoa Kỳ sau 3 tuần tham dự Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư và Lễ Mừng 32 năm Khai Sơn Tu Viện Quảng Đức, vào trước giờ có pháp thoại của Tổng Vụ Hoằng Pháp và Giáo Dục của Giáo Hội Úc Châu cùng ngày. Tuy nhiên với sự ngưỡng mộ của con đối với bậc cao tăng trí tuệ viên minh, diệu huyền thông đạt như Ngài, mà những lời Ngài trình bày qua những kinh nghiệm tu chứng hành trì, hạnh giải tương ưng thu thập được trong suốt hơn 46 năm qua đã khiến con phấn chấn tu tập hơn, hầu đạt được mục đích tối cao mà Đức Phật đã truyền trao nên con đã nghe lại đôi lần vào hôm nay để có thể uống được cam lồ qua những lời đáp trao đổi Phật Pháp. Thành kính tri ân TT Thích Nguyên Tạng và HT Thích Đồng Trí và kính xin phép cho con chia sẻ lại những gì con đã học được.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]