Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vô ngã tiến trình giải thoát của hành giả học Phật

08/04/201318:18(Xem: 715)
Vô ngã tiến trình giải thoát của hành giả học Phật

Luận văn tốt nghiệp

VÔ NGÃ TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT CỦA HÀNH GIẢ HỌC PHẬT

Thích Nữ Nhuận Thành

DẪN NHẬP

1. Giới Thiệu Đề Tài.

Hơn 2500 năm trước, một Vĩ nhân xuất hiện trên đời, trong bối cảnh Ấn Độ đang đắm chìm trong sáu mươi hai học thuyết ngoại đạo chấp thủ ngã và ngã sở, bị vây bủa bởi chiều dày lịch sử phân chia giai cấp, nhân loại khổ đau, nhưng không tìm ra lối thoát. Sự xuất hiện của Ngài như vầng dương toả rạng, phá tan mọi tối tăm của màng mây vô minh trong đêm dài bất tận. Ngài đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại, giải phóng con người thoát khỏi khổ đau mà người dân Ấn Độ đã từ lâu phải cam tâm gánh chịu. Đó chính là Đức giáo chủ Gotama. Ngài xuất hiện trên thế gian này chỉ vì lợi ích cho đời, vì hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người. Chính vì lòng thương tưởng cho đời, mà trong suốt 49 năm hoằng truyền giáo pháp, mục đích duy nhất là để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi bể khổ sanh tử luân hồi, đạt đến niết bàn Thường - Lạc - Ngã – Tịnh.

Trong Khế kinh nói: “Nước trong đại dương tuy mênh mông vô cùng tận, nhưng đều bắt đầu từ nguồn, nước trăm sông đều đổ về biển cả và thuần một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, giáo pháp của Phật tuy có tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhưng duy nhứt có chung một vị, đó là vị giải thoát”. Thế nhưng, điều mà chúng ta cần quan tâm đó là ai giải thoát? Giải thoát bằng cách nào???

Một học giả người Đức, tiến sĩ Oldenburg đã nhận định:

“Đức Phật không giải thoát cho con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự mình giải thoát lấy mình như chính Ngài đã tự giải thoát Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này từ nơi Ngài, mà chính lòng xúc tín cá nhân thức tỉnh bởi những lời dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình.”(1)

Thật vậy, Đức Phật chỉ là bậc hướng đạo sư, Ngài vạch sẵn một con đường giác ngộ, còn bổn phận chúng ta là phải đi đúng con đường ấy. Ngài cũng khẳng định: “Chính ta làm cho ta trong sạch và cũng chính ta làm cho ta ô nhiễm.” 

Chỉ có con người mới đủ khả năng tự tạo cho mình hạnh phúc hay đau khổ, ngoài ra không có một năng lực sáng tạo nào từ bên ngoài có thể nắm giữ hay quyết định cho mình được. Chính vì con người là chủ nhân ông của vũ trụ, cho nên trên lộ trình tu tập để bước lên quả vị giải thoát, con người đóng vai trò then chốt trong việc Tu - Chứng. Do đó, hầu hết từ Nam truyền cho đến Bắc truyền Phật giáo, giáo lý Ngũ Uẩn được xem như một đề tài quan trọng nhất trong các kinh điển. Nói đến Ngũ Uẩn là nói đến Duyên Sinh Vô Ngã, bởi tất cả vũ trụ vạn hữu được hình thành trên nền tảng Duyên Sinh, một nguyên lý đích thực mà Đức Phật Gotama đã tự thân chứng nghiệm dưới cội bồ đề, để rồi từ đó Ngài đắc thành đạo quả.

Hành giả học Phật không gì ngoài mục đích đạt được cứu cánh Niết bàn, giáo lý vô Ngã là giáo lý độc đáo nhứt của Phật giáo, độc đáo nhứt trong lịch sử tôn giáo và tư tưởng của nhân loại, làm nền tảng trọng yếu để chúng ta hành trì tu tập, trên lộ trình tiến đến đạo quả giác ngộ giải thoát. Đây là một trong Tam pháp Ấn (ba dấu ấn chánh pháp) đã được Đức Thế Tôn xác quyết và ấn chứng, đó là: Chư hành Vô Thường, chư pháp thị Khổ, chư pháp Vô Ngã.

2. Lý Do Chọn Đề Tài.

Giữa khi nhân loại vẫn còn chìm đắm trong cơn mê Ngã và Ngã sơ,ũ thì tiếng nói Duyên Sinh Vô Ngã của Đức Phật vẫn mãi là tiếng nói của sự giác ngộ giải thoát, là tiếng chuông thức tỉnh lòng người mau vượt khỏi khổ đau. Trong thời hiện đại, thế giới văn minh đầy dẫy những màu sắc cám dỗ, sự phát triển khoa học công nghệ thông tin hiện đại, công nghiệp hoá hiện đại hoá, nền kinh tế cũng đang trên đà phát triển mạnh, lòng người điên đảo, bị cuốn theo dòng xoáy vật chất, như con thiêu thân lao mình vào lửa đỏ tham ái, lòng dạ bất an, luôn thấp thỏm lo âu hồi hộp. Tất cả đều do: “Cái Ngã càng lớn thì nhu cầu càng nhiều, nhu cầu càng nhiều thì sợ hải càng nhiều.”(2)

Để đáp ứng thoả mãn nhu cầu và bảo vệ nó, con người đã không ngại đem đến những cuộc chiến tranh tàn khốc, làm cho xã hội khủng hoảng, đạo đức suy vi, môi sinh môi trường bị tàn phá ô nhiễm…, mọi sự đau khổ cho mình và người đều bắt nguồn từ lòng tham lam vị kỷ, chỉ biết cái ta mà không hề nghĩ đến mọi người, mọi vật quanh ta.

Với những lý do đó, người viết chọn đề tài này với tâm nguyện sẽ làm một chút âm thanh nhỏ, góp phần vào tiếng nói Duyên sinh Vô Ngã, hy vọng mình và người đều được thức tỉnh mà vơi bớt khổ đau.

3. Phạm Vi Đề Tài.

Vô ngã là một đề tài khó, tuy nhiên, người viết cũng cố gắng hoàn thành tập tiểu luận này trong khuôn khổ sự hiểu biết quá hạn hẹp của mình. Với vốn kiến thức nhỏ nhoi thô thiển, người viết mạnh dạng đặt chân vào thế giới Vô Ngã, đây là bước đột phá hết sức liều lĩnh. Mặc dù hết sức cố gắng nhưng với trình độ Phật học sơ cơ, người viết chỉ có thể trình bày những phần tóm yếu sau:

Khái quát về Ngã.

Đức phật căn cứ Duyên sinh để phủ nhận cái ta biệt lập, tồn tại.

Do duyên sinh nên vô thườn, khổ, vô ngã.

Mục tiêu giải thoát của hành giả học Phật.

Giáo lý vô ngã đem lại hạnh phúc đích thực trong đời sống hiện tại.

4. Nguồn Tư Liệu Và Phương Pháp Nghiên Cứu.

Như trên đã trình bày, đề tài nghiên cứu này nói về Vô Ngã. Người viết cố gắng hoàn thành trong phạm vi đã được học, dựa trên cơ sở đã có sẵn, người viết chỉ thêm một vài ý kiến nhỏ nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Vì vậy, những tư liệu sử dụng hầu hết là tài liệu đã thành văn. Những tác phẩm liên quan trực tiếp đến vấn đề Vô Ngã như:

Kinh Tương Ưng, Trường Bộ, Trung Bộ… của HT. Thích Minh Châu dịch.

Ngũ Uẩn Vô Ngã của HT. Thích Thiện Siêu.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm, HT. Thích Thiện Siêu dịch.

Kinh thủ lăng nghiêm, Tâm Minh dịch.

Nghiên Cứu kinh Lăng Già, D.Tsuzuki, TT. Thích Chơn Thiện và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn dịch….

Ngoài ra còn có các tác phẩm khác liên quan đến đề tài này.

Trong quá trình thực hiện luận văn, nhằm làm sáng tỏ đề tài, người viết vận dụng phương pháp phân tích, dẫn chứng và liên hệ, đồng thời vận dụng giáo lý Vô Ngã vào đời sống hiện tại, nhằm mang lại niềm hạnh phúc đích thực trong cuộc sống của nhân loại.

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM VỀ NGÃ.

1.1 Ngã Của Đời Thường.

gã là chủ tể, là cái Ta, cái Tôi, là bản Ngã nơi ta, nó được định hình bởi những tình cảm thương yêu, giận hờn, tật đố, tham lam, ích kỷ …. Chính do những tâm lý vị kỷ đó tạo nên sự phân biệt có Ta và người, lúc nào cũng muốn Ta hơn người về mọi phương diện, học thức, danh vọng, tài sản, sắc đẹp v.v …, để chiếm hữu mọi thứ thuộc về Ta, bảo vệ cái Ta, của ta mà con người đã gây ra biết bao điều tội lỗi khổ đau cho chính mình và người khác. “Vì đó là cái ngã cố chấp, cái ngã đã có thành kiến sâu dày trong tâm tư của con người và vì nó mà phiền não tạo nghiệp.”(3) 

Một triết gia người Pháp, ông Blaire Pascal đã phát biểu như một định nghĩa: “Cái tôi (ngã) thì đáng ghét.” (Le moi est haissable).

Thật vậy, con người sẵn sàng đâm chém, giết hại cấu xé lẫn nhau cũng chỉ để thoả mãn cái ta đầy vị kỷ đáng ghét ấy. Bao cảnh tang thương đẫm lệ, dù là cha con, anh em, chồng vợ trong gia đình, họ đang sống hạnh phúc thương yêu nhau, nhưng một khi ai đó đụng đến cái ta thì mọi xung đột đều có thể xuất hiện. Một đứa con ngoan bổng nhiên nỗi loạn, chưởi cha, mắng mẹ hoặc bỏ nhà ra đi chỉ vì tát vào mặt nó trước đám đông, tức là đã xúc chạm cái ta của nó, vợ chồng đang sống hạnh phúc, đột nhiên đưa nhau ra toà ly dị, chỉ vì anh ấy, cô ấy nặng lời với tôi, không nghe theo ý kiến của tôi…, anh em ruột thịt lại tương tàn, tương sát lẫn nhau cũng do cha mẹ thương mi hơn ta, tài sản thừa kế không thuộc về ta v.v..., ngoài xã hội bà con láng giềng không nhìn mặt nhau, vì hàng rào nhà anh lấn đất nhà tôi, thằng bé nhà mi dám đánh con ta…, rộng hơn nữa thì giữa quốc gia này với quốc gia khác luôn diễn ra bao cuộc chiến tranh khốc liệt, cửa nát nhà tan, máu chảy thành sông, thây phơi ngập núi, tất cả chỉ vì lòng tham không đáy của con người, muốn chiếm hữu giang san lãnh thổ…, những cái không phải của ta và cũng để giữ gìn cái mà ta đang có. Ôi! Nhân sinh là thế đó. Cũng để chứng tỏ Ta là trên hết nên dân gian Việt Nam thường nói:

“Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn.”

Hay :

“Chồng em áo rách em thương,

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”

Và:

“Trâu ta ăn cỏ đồng ta,

Dù là cỏ cụt, nhưng là cỏ quê.”

Có thể nói dân gian Việt Nam tự bao giờ đã có một cách dùng ngôn từ hết sức độc đáo, độc đáo ở chữ “Ta”, nó không còn cái nghĩa đơn thuần nữa, mà “Ta”, “Tôi”, là đại danh từ ngôi thứ nhất số ít, tiếng Anh dịch là “I” khác với “You” ngôi thứ hai có thể là số ít hoặc số nhiều. Như vậy, cho dù tôi là kẻ nghèo hèn (I’m a poor) thì tôi vẫn là số một, là duy nhất, còn bạn dù là vua (You are the king) thì bạn vẫn chỉ là ngôi thứ hai và dĩ nhiên không phải là duy nhất.

Vì vậy, “Ao ta” dù là ao đục cũng vẫn là số một, “chồng em”, chồng của ta dù nghèo khó xấu xí vẫn hơn chồng của người, cỏ đồng của ta dù là cỏ cụt, nhưng là cỏ của quê ta v.v…. Một loạt bao phủ bởi cái “Ta” đầy vị kỷ. Đây là quan niệm muôn đời của nhân loại. Ta là trên hết, Ta bất khả xâm phạm.

1.2 Ngã Theo Triết Học Ấn Độ.

Theo Ấn giáo chữ Ngã nguyên dịch từ chữ Àtman, nghĩa là hơi thở, là linh hồn bất diệt. Trong Chandogya Upanishad định nghĩa: “Cái ngã trong lòng ta nhỏ hơn hạt gạo, nhỏ hơn hạt mè, hạt cải, hạt kê. Cái lớn hơn trái đất, lớn hơn bầu khí quyển, lớn hơn cả bầu trời và tất cả thế gian.” Vậy cái ngã ấy vượt ra ngoài sự suy nghĩ luận bàn, và cái ngã bền vững chắc chắn “khí giới đâm không thủng, lửa đốt không cháy, nước không làm ướt, gió không làm khô, tự ngã bất biến (Nitya), nhuần khắp (Sarvagata), vững bền (Sthanu), bất di bất dịch (Acala), và hằng hữu (Snatana).”(4)

Từ thời R. gveda 1500 BC (Lê Câu Vệ Đà), cho đến thời đại Bràhmana 1000 – 800 BC (Phạm Thư), người ta quan niệm hơi thở là chủ thể hoạt động của sinh mạng con người, cho nên họ xem hơi thở chính là Tự Ngã.

Đến thời Upanishad, 800 - 600 BC (Áo Nghĩa Thư) chia Ngã thành hai loại: Tiểu ngã (Àtman) và Đại ngã (Bràman). Họ cho rằng tiểu ngã tức là cái tự thể của mỗi cá nhân, cũng là sản phẩm của đại ngã. Còn đại ngã tức Bràman, là nguyên lý trường tồn không thay đổi, là trung tâm vũ trụ, tuyệt đối, Bràman không có hình tướng, nhưng được biểu hiện nhân cách hóa bằng một vị Thượng Đế tối cao, toàn năng toàn trí, sáng tạo tất cả vũ trụ vạn hữu

Lời tuyên bố của Upanishad: “tôi là Phạm thiên, là Bràhman hay” ngươi là “cái ấy”, là hình thái của sự đồng nhất hóa với cái Ngã. Triết học Ấn Độ có một câu bất hủ: “TAT TVAM ASI” nghĩa là cái đó là mày, chính là mày. Một tôn vị sư đã diễn ý đó qua câu chuyện sau:

“Đem lại cho ta một trái sung.

_ Thưa tôn sư, đây.

Bửa nó ra.

_ thưa tôn sư, con bửa rồi đây.

Con thấy gì?

_ thưa tôn sư, con thấy nhiều hột nhỏ.

Cắt một hột đi.

_ Thưa tôn sư, con cắt rồi đây.

Con thấy gì?

_ Thưa tôn sư, con chẳng thấy gì cả.

Đúng vậy, đấy, con, chính từ cái bản thể tế vi đó, phải, chính từ cái bản thể tế vi đó mà phát sinh ra cây sung lớn. Con tin thầy đi, chính cái bản thể tế vi đó là linh hồn của cả vũ trụ. Nó chính là cái Thực thể. Chính là Àtman: Tat tavam asi - chính là con đấy, Shewetaketu ạ.

_ Thưa tôn sư, con có cần phải hiểu thêm gì về điều đó nữa không?

Thôi bấy nhiêu thôi.”(5)

Như vậy, theo Upanishad tất cả vạn vật đều do Đại ngã Bràman sáng tạo và sắp đặt, con người là một phần rất nhỏ của đại ngã tiềm ẩn gọi là tiểu ngã, tiểu ngã châu biến khắp cùng pháp giới, chỉ sau khi con người chết đi thì thân tứ đại trở về tứ đại, còn thần thức trả về đại thiên, tức tiểu ngã hoà với đại ngã là một, không còn có một Àtman cá thể, lúc đó gọi là giải thoát.

Hơn nữa, con người là do Bràman sáng tạo và sắp đặt, cho nên họ căn cứ vào đó để phân chia thành bốn giai cấp:

Bràhmanan (Bà - la - môn): Hàng giáo sĩ chuyên lo việc cúng tế.

Khattiyas (Sát - đế lợi): Vua quan quí tộc.

Vessas (Vệ - xá): Thương nhân buôn bán.

Sudras (Thủ - đà - la): Tiện dân nô lệ, hạng cùng đinh của xã hội đương thời.

Họ cho rằng một khi con người đã được Thượng đế Bràman sắp đặt trong giai cấp nào thì phải chấp nhận, hoàn toàn không thể thay đổi được. Do đó, sự bất công trong việc phân chia giai cấp đã làm cho người dân Ấn Độ vô cùng phẩn uất, nhưng không có cách nào thoát ra được.

Như vậy, “chính tư duy hữu ngã đã tạo nên ngã tính và giá trị của các sự vật hiện hữu và gây ra sự chấp thủ đưa đến phiền não khổ đau.”(6) Đức Phật hoàn toàn phủ nhận thuyết Hữu ngã ấy.

1.3 Đức Phật Căn Cứ Vào Lý Duyên Sinh Để Phủ Nhận Có Cái Ta Biệt Lập Và Tồn Tại

1.3.1 Tất Cả Các Pháp Do Duyên Sinh (Pàticca-Samuppàda).

Giáo lý Duyên Sinh đã minh chứng sự hiện hữu các pháp là do sự hoà hợp của các duyên làm nhân cho nhau tạo thành, hoàn toàn không có sự can dự của một đấng Thượng đế, thần linh hay đấng tạo vật nào có thể sáng tạo ra con người và vũ trụ cả. Nhưng Duyên Sinh là gì? Sao gọi là Duyên Sinh? Đây là điều mà chúng ta cần quan tâm xem xét.

Duyên Sinh hay Duyên Khởi, được dịch từ tiếng Pàli là: Pàticca-Samuppàda. “Pàticca” có nghĩa là sự hướng đến, cái này hướng đến cái kia, cái kia hướng đến cái này. Trung Hoa dịch là “Duyên”, nghĩa là làm điều kiện hỗ trợ cho “nhân” sinh khởi. Tiếng Anh dịch “Dependent”, là dựa vào, phụ thuộc vào. Còn “Samuppàda” là tập khởi, sinh khởi. Anh dịch là “Origination”, là sự khởi xướng, bắt nguồn, tạo ra. Tóm lại, Duyên Sinh (Dependent Origination) có nghĩa là sự sinh khởi của vạn pháp cần phải có sự hỗ tương giúp đỡ lẫn nhau.

Đức Phật định nghĩa Duyên Sinh như sau: “Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh, do hữu có sanh sinh, có lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh.”(7)

Căn cứ vào mười hai chi phần duyên khởi trên, ta thấy “vô minh duyên hành” là chi phần thứ nhứt, nhưng là chi phần căn bản, nó là nguồn gốc, nền tảng tạo nên vòng tròn luân hồi sinh tử và những đau khổ triền miên. Để hiểu rõ hơn về duyên khởi chúng ta sẽ lần lượt đi vào xem xét từng chi phần một.

] Vô minh (Avjjà): Tiếng Anh dịch là Ignorance, nghĩa là sự ngu si, mê mờ, không thấy, biết đúng sự thật…. Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, không biết rõ về khổ, không biết rõ về khổ tập, không biết rõ về diệt khổ, không biết rõ con đường đưa đến khổ diệt, này các Tỳ kheo, đây gọi là vô minh.”(8)

Có nghĩa là chúng sanh ngu muội không hiểu được thật tướng các pháp, lầm chấp cái mà ta cho là hạnh phúc nó chỉ là huyễn ảo, bởi do duyên sinh nên giả hợp, vô thường và đau khổ, nhưng không biết nguyên nhân từ đâu có khổ, không biết thế nào là hết khổ và bằng cách nào để thoát khỏi khổ đau. Trưởng Lão Mahàsi Sayadaw cắt nghĩa:

“Vô minh có nghĩa là quan niệm sai lầm hay ảo tưởng. Nó khiến chúng ta lầm tưởng cái sai và không thật cho là đúng và có thật. Nó dẫn chúng ta đi sai đường, do đó được gọi là tà hành vô minh (Micchà pàlipàtti-avjjà).”(9)

Nói cách khác, không hiểu rõ như thật về Duyên Sinh, Vô ngã là Vô minh.

Hành (Sànkhàra): Tiếng Anh Volitional actions, nghĩa là hành động tự ý, những hoạt động có ý thức. Đức Phật dạy:

“Thế nào là Hành, này các Tỳ kheo, có ba hành là thân hành, khẩu hành và ý hành,”(10)

Hành ở đây có sự tham gia của ý điều hành thân và khẩu, tốt hay xấu, sanh tử hay Niết bàn đều do tâm ý làm chủ, như trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy:

“Tâm như hoạ sĩ khéo,

Vẽ thế giới muôn màu,

Cảnh ngũ ấm thế gian,

Không pháp nào không tạo.”

Thật vậy, tâm chính là cái máy vạn năng, nó điều khiển tất cả mọi hành động thiện ác của con người, Niết bàn hay sanh tử, phàm phu hoặc Thánh nhân đều do nơi tâm mà có. Nó dẫn đầu các pháp và thúc đẩy cho thân, khẩu tạo nghiệp, đồng thời cũng là gạch nối giữa vô minh (Ignorance) hay minh (Knowledge) cùng với ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Trong kinh Sacckha, Đức Phật định nghĩa về hành:

“Này các Tỳ kheo, sắc là vô thường, thức là vô thường. Này các Tỳ kheo, các hành là vô thường, các pháp là vô ngã.”(11)

] Thức (Viàna): Tiếng Anh dịch là Consciousness, tức ý thức, sự thấy rõ, hiểu biết, phân biệt. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần mà sinh ra sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Thức này tùy thuộc vào nghiệp thiện hoặc ác của Hành mà sinh khởi, nó làm nền tảng cho sự lưu chuyển trong sanh tử luân hồi, tiếp nối tái sinh từ đời này đến đời khác. Đại Trưởng lão Mahàsi Sayadaw bàn về thức:

“Do vô minh, có hành, rồi hành sanh thức. Do biết quả của nghiệp trong quá khứ, một dòng tâm thức phát sanh mà trong đó ‘thức tái sanh’ là cái tâm đầu tiên của kiếp sống mới. Ví như các ác nghiệp cho quả là thức tái sanh trong bốn cảnh. Sau đó, luồng tâm thức gọi là ‘Tâm hữu phần’ (Bhavangacitta) hoạt động liên tục khi sáu lộ tâm không xảy ra lúc thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm và suy nghĩ. Nói cách khác, hữu phần là loại tiềm thức mà chúng ta có khi đang ngủ. Chúng ta chết bằng tiềm thức này và khi ấy nó được gọi là Tâm tử (Cuticitta). Như vậy, thức tái sanh, tiềm thức và Tâm tử tượng trưng cho cái tâm xảy ra do quả nghiệp của kiếp sống trước.”(12)

Như vậy, dòng tâm thức tương tục, chuyên chở tập khí sanh tử của vô minh và hành nghiệp làm duyên đi tái sanh tạo thành một thân mới.

] Danh sắc (Nàma-rùpa): Tiếng Anh là Name and form, danh từ này là sự liên kết giữa tinh thần (Nàma) và vật chất (rùpa). Đức Phật định nghĩa:

“Này các Tỳ kheo, thế nào là Danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, đó gọi là Danh; bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra, đấy gọi là sắc. Như vậy, đây là sắc. Đây gọi là danh sắc.”(13)

Và như vậy, Sắc có nghĩa là bốn đại gồm: đất, nước, lửa, gió…, những thứ thuộc về vật chất mà ta có thể thấy được nắm bắt được, còn Danh thuộc về tâm lý không thể thấy bằng mắt sờ bằng tay được.

] Lục nhập (Chabbithàna): Tiếng Anh là six sense-organs, nghĩa là sáu cơ quan, sáu giác quan, sáu xứ. Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ.”(14)

Có thể nói đây là sáu cơ quan làm nơi cơ sở để sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý căn tiếp xúc sáu trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp trần, duyên với danh sắc mà sanh khởi xúc.

] Xúc (Phassa): Tiếng Anh gọi là Contact, là sự tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm. Đức Phật dạy về xúc:

“Này các Tỳ kheo, thế nào là xúc? Có sáu xúc: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc.”(15)

Thế thì xúc chính là điểm gặp gỡ của ba yếu tố căn, trần và thức làm nhân làm duyên cho nhau, khi căn tiếp xúc với trần thì thức có bổn phận phân biệt, tốt xấu, khổ hay vui làm nền tảng cho cảm thọ phát sinh.

] Thọ(Vedàna): Tiếng Anh có nghĩa là feeling, là cảm nghĩ, cảm giác, sự xúc động. Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, thế nào là thọ? Này các Tỳ kheo có sáu thọ thân này. Thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh và thọ do ý xúc sanh. Này các Tỳ kheo, đây gọi là thọ.”(16)

Và như vậy, thọ là kết quả của xúc phát sanh ba cảm giác thọ: Lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. Khi tiếp nhận từ sự tiếp xúc làm cho thân và tâm có cảm giác êm ái dễ chịu, làm tâm ta tham đắm say mê, đó là lạc thọ, ngược lại khi tiếp nhận từ những việc làm cho thân tâm ta đau đớn, mang lại những cảm giác khó chịu bực tức, sân giận thì thuộc về khổ thọ, bất khổ bất lạc là những cảm giác không làm cho ta thích thú, cũng không thấy chán, không vui không buồn, nó ở trong trạng thái si mê không phân biệt rõ ràng.

Tóm lại, thọ chính là nhân tố nuôi dưỡng tâm tham, sân và si là nguyên nhân cho tâm ái nhiễm phát sanh.

] Ái (tànhà): Tiếng Anh dịch thirst, là sự khao khát, thèm muốn nên thường gọi là khát ái. Có sáu nhóm ái: Ái sắc, ái thinh, ái hương, ái vị, ái xúc và ái pháp. Trong kinh Chánh Tri Kiến, Tôn giả Xá Lợi Phất nói:

“Chư Hiền, thế nào là Tập khởi của khổ? Chính là ái đưa đến tái sanh, cùng khởi hỷ dục và tham hướng đến tái sanh, cùng khởi hỷ dục và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, phi hữu ái. Chư hiền, như vậy gọi là Tập khởi của khổ.”(17)

Ái sanh khởi do tâm cảm nhận từ sự phân biệt dẫn đến khát khao, ham muốn làm cho dục vọng tăng trưởng, tất cả đều do bị vô minh chi phối nên nó còn được gọi là si ái. Và chính lòng khát ái tham vọng, muốn chiếm hữu những gì chưa có, nắm giữ những cái đã và đang có làm nhân cho Thủ sanh khởi.

Thủ (upàdàna): Tiếng Anh là Grasping, nắm chặt, ôm chặt, bám vào…, nghĩa là nắm chặt cái gì mà trong quá trình khát ái săn đuổi có được không để nó mất. Đức phật dạy:

“Này các Tỳ kheo, thế nào là thủ? Này các Tỳ kheo, có bốn thủ này: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ. Này các Tỳ kheo, đây gọi là thủ.”(18)

Như vậy, trong quá trình tham ái đưa đến chấp thủ, muốn nó tồn tại mãi mãi bên ta và chi Hữu xuất hiện.

Hữu (Bhava): Tiếng Anh Becoming, tức là vừa ý, thích hợp, hiện hữu, cảnh giới v.v…. Đức Phật dạy:

“Hữu là gì? Hữu có ba: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Đây gọi là hữu.”(19) thật ra, khi nào còn tham đắm trong ba cảnh giới này thì hữu luôn hiển hiêỉn để làm duyên cho sanh sinh khởi.

] Sanh (jàti): Tiếng Anh dịch nghĩa là Birth, tức là sự sinh ra, xuất hiện, phát sinh, tái sinh. Đức Phật dạy Ananda:

“Do duyên hữu (bhava) mà sự sinh phát khởi. Này Ananda, nếu hữu không có bất cứ loại nào, giới nào, chỗ nào, xứ nào như dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Nếu không có hữu (bhava) cho tất cả, do hữu diệt thời sanh có thể hiện hữu không?

_ Bạch Thế Tôn! Không.

Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của sanh (jati) tức là hữu (bhava).”(20)

Qua lời dạy trên, cho chúng ta thấy rõ Hữu chính là nguồn gốc cho Sanh hiện khởi, bất cứ loại chúng sanh nào dù hữu tình hay vô tình, một khi xuất hiện trên thế gian này tức là đã có mặt của sự sanh, và có sanh thì lão tử sẽ là một tiến trình tương tục của duyên sinh có mặt.

Lão tử (jarā-marana): Tiếng Anh dịch là Decay and death, tức là sự già và chết. Một danh từ ghép được kết hợp bởi hai từ “Jarā”ụ (decay) nghĩa là thối rữa, đổ nát, hư hoại, sự già và “Marana” (death), là sự chết, sự tiêu tan, huỷ diệt v.v…

Như vậy, lão tử là đã đến giai đoạn hoại và diệt của một chúng sanh. Đức Phật nói về lão tử:

“Này các Tỳ kheo thế nào là lão tử? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác bị già yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ giảm, các căn chín muồi. Đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác…, có sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn luiỉ, thân thể vứt bỏ. Đây gọi là chết .”(21)

Vòng tròn Duyên Khởi vận hành tạo nên tất cả các pháp trong vũ trụ, con người là một pháp cho nên cũng là kết quả hoà hợp của mười hai nhân duyên ấy. Vì con người là một hợp thể của Ngũ uẩn.

Năm uẩn này làm điều kiện tất yếu để hình thành một chúng sanh hay một con người, sự vận hành của năm uẩn cũng chính là sự vận hành của Duyên Sinh, “cái này có mặt nên cái kia có mặt.” Vì vậy, giữa mười hai nhân duyên và ngũ uẩn có sự tương đồng và liên quan mật thiết lẫn nhau.

Ngũ uẩn được dịch từ tiếng Pàli là Pacakhandhà, có nghĩa là sự nhóm họp của năm yếu tố. Còn dịch là Ngũ ấm, vì năm thứ này làm ngăn che Thánh đạo không liễu đạt được thực tánh bình đẳng của vạn pháp, sự vật cho nên gọi là Ấm. Chúng gồm:

Sắc uẩn (rùpaskandha): Tức bốn đại, tương đương với lục nhập trong mười hai nhân duyên.

Thọ uẩn (vedanãskandha): Chính là thọ của mười hai nhân duyên.

Tưởng uẩn (samjđãskandha): Tương đương với ái, thủ và hữu.

Hành uẩn (samskaraskandha): Tương đương với vô minh và hành. Hành uẩn này chính là hành trong mười hai nhân duyên.

Thức uẩn (vijđãnaskandha): Cũng chính là thức trong mười hai nhân duyên.

Ngũ uẩn: Chính là Danh sắc, từ lúc hình thành đến khi hoại diệt của Ngũ uẩn ta gọi là sinh, lão tử, sự chuyển biến liên tục ấy chính là định luật vô thường.

Như vậy, chính cái chấp ngã của phàm phu ngoại đạo tạo nên tất cả khổ của thế gian. Đức Phật là bậc siêu xuất thế, Ngài đem ánh sáng duyên sinh soi rọi vào thế giới mê mờ chỉ rõ hiện tượng các pháp do duyên mà sinh thì cũng theo duyên nên diệt, nó không có một thật Ngã thường trụ, vĩnh hằng.

CHƯƠNG 2.

CÁC PHÁP DO DUYÊN SINH NÊN VÔ THƯỜNG - KHỔ - VÔ NGÃ.

2.1 Chư Pháp Vô Thường (Anicca).

Như phần trước đã nói, “các pháp do duyên sinh thì cũng theo duyên diệt.” Vậy thì thể tánh của vạn pháp là biến đổi, con người và vạn hữu vũ trụ hình thành theo pháp Duyên Sinh, cho nên tất cả đều phải tuân theo định luật vô thường. Nhưng vô thường là gì? Hãy nghe Đức Phật dạy: “ Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi hư hoại đều là vô thường.”

Như vậy, vô thường là không thường, mọi vật biến đổi lưu chuyển trong từng sát na, thay đổi muôn hình vạn trạng đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Một triết gia Hy Lạp, ông Heraclite nói: “Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng nước.” Vâng, sự chuyển tiếp ấy không ngoài quy luật tự nhiên muôn thuở, chúng ta đứng trên cùng một khúc sông, nhưng dòng nước thì luôn vận chuyển từng giây từng khắc trôi mãi không ngừng, dòng nước sau không phải là dòng nước trước. Con người cũng vậy, dòng máu luôn lưu chuyển tuần hoàn trong toàn thân của chúng ta, chỉ trong khoảnh khắc thôi đời người thay đổi, từng lớp tế bào củ chết đi để thay vào đó những tế bào mới. Thế nên:

“Thở ra không hẹn thở vào,

Thở ra ta khác thở vào khác ta.”

( Trúc Thiên)

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có đoạn Đức Phật hỏi ba vị sa môn, mạng sống con người còn chừng bao lâu?

_ Vị thứ nhứt trả lời: Bạch Đức Thế Tôn, mạng sống con người còn chừng vài bữa ăn. Đức Phật quở ông chưa hiểu đạo.

_ Vị thứ hai trả lời: bạch Đức Thế Tôn, mạng sống con người còn chừng một bữa ăn. Đức Phật cũng quở là chưa hiểu đạo.

_ Vị thứ ba trả lời: Bạch Đức Thế Tôn, mạng sống con người còn chừng một hơi thở. Đức Phật khen ông hiểu đạo.

Chỉ một hơi thở ra mà không hít vào thì sự sống đã kết thúc. Trong văn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn dạy: “Vô thường, lão, bệnh bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”. Thật vậy, già bệnh chết không hẹn với bất cứ một ai, sáng còn tối mất, trong một sát na đã chuyển qua đời khác. Xưa Đức Phật khi còn là một thái tử, qua thời gian nghiền ngẫm sự đời, thấu hiểu được chân tướng vạn pháp biến đổi, một hôm Ngài đã than với công chúa Da Du: “… chúng ta sẽ già yếu và xấu xa, thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Đôi mắt của em rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu!... Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian…” Thế đấy, nhưng vì một niệm bất giác do vô minh vọng động, con người vội nhận giả làm chơn, chấp sắc thân này là thật có, cố nắm giữ, trao chuốc, cưng chìu nó cho đến khi theo cùng năm tháng tàn phai hương sắc, thân hoại mạng chung thì sanh đau khổ, buồn chán, đâu chịu hiểu rằng:

“Thân ngũ uẩn chỉ là phù vân tụ tán,

Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la,

Sự diệt sanh, sanh diệt vô cùng,

Nó hiện hữu với thời gian vô tận.”

(Huyền Giác Thiền Sư)

Vì vậy, con người luôn đau khổ trước cảnh tang thương đổ vỡ bởi định luật vô thường luôn chi phối, từ con người cho đến hoàn cảnh quanh ta. Đoạn mở đầu trong truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du nhìn cuộc đời:

“Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Sự vô thường sờ sờ trước mắt, bãi bể hoá thành ruộng dâu “sao dời vật đổi”, không chỉ thân của sinh vật mới vô thường mà hoàn cảnh xung quanh ta như: đất đai, sông núi cũng chuyển biến không ngừng, những trận động đất, những cơn sóng thần đã cướp đi hàng trăm ngàn người, sự tang tóc thê lương làm chấn động cả thế giới, ấy chẳng phải là vô thường ư? Chúng ta hãy nghe lại lời của Nguyễn Gia Thiều tiên sinh than thở: 

“Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này,

Tuồng huyễn hoá khéo bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.”

Một đời người chúng ta chứng kiến biết bao sự đổi thay, trải qua bao nhiêu thăng trầm vinh nhục hết thịnh lại suy, có lẽ vì vậy mà dân gian Việt Nam ta thường nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” hay, “sông có khúc, người có lúc”…, không ít thi sĩ, nhạc sĩ đã gởi hồn mình vào những bài thơ, khúc hát như để than van oán trách cuộc đời, bằng những tâm sựthê lương khi tìm về quá khứ:

“Con đường xưa ngập trong cát bụi,

Thành quách xưa hoá cảnh hoang tàn,

Năm tháng oai hùng thành lịch sử

Bao chiến công, tên tuổi còn vang

Mộng bá vương ai người quyết định?

Lẽ thịnh suy há chẳng có nguyên do

Sự đời vần vũ như mây gió

Đổi thời gian, đổi cả không gian.”

Không những thời gian theo thời tiết bốn mùa thay đổi, mà không gian cũng quay cuồng như mây gió, tan hợp theo lý duyên sinh, nhưng vì con người bị vô minh che lấp không hiểu nguyên do, nên mới bị khổ đau chi phối.

2.2 Chư Pháp Thị Khổ (Dukkha).

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy: “Đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi.” Nghĩa là ham muốn nhiều là khổ, sự khó nhọc của việc sống chết, tất cả đều từ tham dục phát sinh. Chữ “Dục” đây thuộc chi “Ái” trong mười hai nhân duyên, tham dục chính là nguồn gốc sinh tử, làm nền tảng để chúng sanh trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Thế nhưng, chúng sanh mê muội, mãi đắm mình trong tham dục để tìm vui. Đức Phật ví người chạy theo dục lạc cũng như người khát nước, lại uống nước mặn vào thì càng khát hơn.

Nỗi khổ của chúng sanh thì không đồng, mỗi người đều có một hoàn cảnh đau khổ khác nhau. Tuy nhiên, đã là một chúng sanh sống trong cõi Ta Bà này thì không ai có thể tránh được cái khổ, cho dù đó là bậc đế vương. Có lẽ vì thế mà người ta thường nói “Đời là bể khổ.” Thật ư? Nguyễn Công Trứ tiên sinh nhận định: 

“Thoạt sinh ra thì đà khóc choé,

Đời có vui sao chẳng cười khì…?”

Vâng, con người chào đời bằng tiếng khóc chứ không phải nụ cười, phải chăng tiếng khóc ấy chính là sự báo hiệu của một kiếp người đầy đau khổ? Thi sĩ Đoàn Như Khuê đã miêu tả cuộc đời:

“Biển khổ mênh mông sóng ngập trời,

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi.

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,

Ngẫm lại cùng trong bể khổ thôi.”

Theo Ông, con người hiện hữu trên thế gian chỉ làm thân lữ khách, đang chèo một chiếc “thuyền chơi” vơi giữa biển đời đầy dẫy khổ đau. Nhưng, “thuyền ai ngược gió” hay “xuôi gió”, dù sống trong giàu sang nhung lụa, hay đói rách cơ hàn, phú qúi vinh hoa hay bần cùng khốn khổ, “ngẫm lại” suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều đang ngụp lặn trong biển trần đầy những đau thương, những cơn sóng vô minh luôn rình rập, sẵn sàng chờ chực để nhận chìm chúng ta trong lòng biển ấy. Chúng ta cố vẫy vùng, cố ngoi lên bằng danh lợi, bôn ba xuôi ngược, khổ trí lao tâm để rồi, hởi ôi!

“Gót danh lợi bùn pha sắc xám,

Mặc phong trần nắng nám mùi dâu.

Trắng răng đến thuở bạc đầu,

Tử sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần.” (Ôn Như Hầu)

Tất cả đều do lòng tham không đáy của con người, mãi bon chen trong miếng đỉnh chung mùi phú quí, rong ruỗi theo cơn lốc vô minh cũng chỉ mong bồi đắp cái ta đầy vị kỷ. Ước mộng không thành, chùn bước phong trần, mòn chân gió bụi, Ôn Như Hầu tiên sinh nhìn lại một đời người:

“Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.”

Nguyễn Công Trứ cũng không khỏi buộc tiếng than:

“Kiếp sau xin chớ làm người,

làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”

Chao ôi! Một kiếp người sao mà chán thế? Trong đạo đức kinh Lão tử nói: “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân, nhược ngô vô thân hà hoạn chi khổ? “. Nghĩa là ta có cái hoạn lớn vì ta có thân, nếu ta không có thân thì khổ của hoạn ấy từ đâu mà có? Đạo Phật thì sao? Đức phật cũng dạy : “Cuộc đời, và cả cuộc sanh tử, chỉ là khổ đau.”(22)

Ngài còn chia làm ba loại khổ: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Hay tám khổ: sanh, lão, bệnh, tử khổ, người yêu thương xa lìa là khổ, kẻ oán ghét gặp gỡ là khổ, sự mong cầu không được là khổ, và còn không biết bao nhiêu là khổ, nói chung năm uẩn là khổ….

Thế nhưng, nếu dừng tại đây thì đạo phật là đạo bi quan chán đời yếm thế, chứ không phải là đạo giải thoát. Không, Đức Phật không dừng ở đó, trước hết Ngài dạy chúng ta thấy rõ cái khổ mà nguyên nhân khổ chính do lòng khát ái chấp thủ ngã, nhưng những đau khổ sẽ không còn khi chúng ta biết quán niệm về khổ, vô thường, vô ngã.

2.3 Chư Pháp Vô Ngã (Anatta).

Vô ngã nghĩa là không còn bản ngã, thấy được cái ta chỉ là huyễn ảo, là duyên sinh, vô thường.

Sở dĩ các pháp hiện hữu và tồn tại chỉ là sự giả hợp của các duyên, mọi sự vật đều từ nhiều nhân nhiều duyên hoà hợp mới thành, không một vật nào chỉ có một nhân hay một duyên mà có thể thành hình được. Ví như: “Cục đất, nhào nặn, thợ gốm v.v… hoà hợp lại, do đó có cái bình sinh ra. Lại như sợi chỉ, khung cửi, thợ dệt .v.v… kết hợp lại mà có tấm vải sinh ra. Lại như đổ đất xây nền, cột kèo, bùn, cỏ, nhân công v.v… hoà hợp nên có căn nhà sinh ra. Lại như sữa đặc quấy đều, nhân công v.v… hoà hợp mà có bánh sữa sinh ra. Lại như hạt giống, đất nước, lửa gió, không khí, thời tiết, nhân công v.v… hoà hợp nên có mầm lúa sinh ra. Đây là nhân duyên bên ngoài của sự vật. Còn nhân duyên bên trong, chính là:vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử; mỗi mỗi đều có nhân trước rồi mới sinh ra được.”(23)

Ví dụ trên cho ta thấy rõ hơn về định thức duyên sinh: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt.”(24)

Sự thật, nơi vạn pháp chúng ta không thể tìm thấy một tự ngã độc lập, bất biến, tự do, tự tại làm chủ tất cả và chi phối tất cả. Chế Lan Viên cũng từng ngớ ngẫn hỏi rằng: 

“hồn của ai trú ẩn ở hồn ta.

Ý của ai trào lên trong đáy óc

…………………….

Ai bảo dùm: “Ta có, ta không?!”

Ta có! Ta là ai? Ta là gì? Ta từ đâu đến rồi sẽ về đâu? Còn bảo rằng không. Sao ta hiện hữu giữa đất trời?

Theo quan điểm Phật giáo thì chúng hữu tình đều dựa vào các pháp uẩn, xứ, giới mà được cấu thành. Con người cũng chỉ là do sự tổ hợp của năm uẩn, nhưng mỗi một uẩn đều không có một tự ngã riêng biệt, mà đều là duyên sinh, cho nên không có cái gọi là hữu ngã nơi tự thân của con người nói riêng và vạn pháp nói chung.

Để trả lời những câu hỏi về tự ngã của vua Mi Lan Đà. Na Tiên Tỳ kheo đã đem chiếc xe của nhà vua ra mà phân tích, Ngài hỏi nhà vua:

_ “Cái gì gọi là xe? Cái gọng chăng?

Nhà vua đáp: Không phải.

_ Hay cái trục, cái bánh là xe chăng?

Chẳng phải đâu.

_ hoặc roi, dây cương là xe?

Chẳng phải.

_ Thế chắc cái ách, căm xe?

Không phải nốt.

_ Vậy cái gì là xe?”(25)

Như vậy, cái thường được gọi là chiếc xe, khi bánh, trục … được đặt ở vị trí thích hợp, và nó sẽ không còn được gọi là chiếc xe khi bánh, trục … bị đem bỏ ở một vị trí riêng không thích hợp; cũng vậy, được gọi là một con người là khi năm uẩn, tứ đại hoà hợp tạo thành. Nếu đem phân tích chia chẻ từng món như : Tóc, lông, răng, móng, da thịt, xương gân v.v… để tìm một cái ngã độc lập riêng biệt, điều đó hoàn toàn không thể được.

Như vậy, vô ngã chính là tiếng nói duyên sinh, qua đó mọi tà kiến về tự ngã, thật hữu hoàn toàn bị đánh đổ, không có một cái gì được gọi là ta, của ta, là tự ngã của ta. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo! Sắc là vô ngã, nếu trong sắc có ngã như vậy sắc không phải chịu đau khổ. Sắc này phải như vậy hay phải như thế kia, trường hợp tương tự có thể xảy ra. Nhưng, vì sắc không có ngã nên sắc này còn chịu khổ đau và không thể có trường hợp: sắc này phải như vầy, hay phải như thế kia. Cũng vậy thọ, tưởng, hành, thức đều vô ngã.”(26) 

Tóm lại, vô thường, khổ và vô ngã, tuy có ba nhưng chung quy chỉ là một. Bởi vì, khi nói các pháp do duyên sinh nên vô thường, hữu vi, biến hoại, nên khổ, tức là ta đề cập đến vấn đề khổ và nguyên nhân của khổ. Nhưng ngay cái khổ cũng do duyên sinh thì khổ cũng không phải thường khổ, nên chúng ta mới có thể tu tập để thoát khổ và đạt được an lạc. Và ngay cái gọi là vô thường ta thấy được tính vô ngã nơi vạn pháp thì tà kiến ảo tưởng về thật ngã, thật pháp được đoạn trừ , tất cả khổ được chấm dứt, tri kiến thanh tịnh được phát sinh, an vui giải thoát. Như vậy, nói khổ là ý trình bày các pháp do duyên sinh nên vô thường, nói vô thường vì các pháp vô ngã và nói vô ngã là đã am hiểu lý vô thường. Chính vì vậy khi nói một là gồm đủ cả ba.

Tuy nhiên, giáo lý phật giáo luôn mang tính nhất quán là tri và hành, hiểu được giáo lý chỉ là giai đoạn đầu, muốn được giải thoát hành giả thông qua sự hiểu biết phải thực hành điều hiểu biết đó, áp dụng tri kiến, kiến giải vào đời sống, tự thân nổ lực tu tập để đoạn trừ mọi khát ái, chấp thủ, mọi tà kiến tham sân mới là điều quan trọng. Đoạn được chấp thủ ngã và ngã sở chính là trọng tâm của hành giả trên đường học Phật.

CHƯƠNG 3.

MỤC TIÊU GIẢI THOÁT CỦA HÀNH GIẢ HỌC PHẬT

3.1 Phá Được Ngã Chấp.

Mục tiêu chính của người học Phật không gì ngoài sự mong cầu giải thoát, nhưng mục đích tối hậu sẽ không bao giờ đạt được khi trong ta vẫn chưa đoạn trừ ngã chấp.

Một câu chuyện được Hoà Thượng Thiện Siêu minh hoạ về sự chấp ngã như sau:

“ngày xưa có một linh hồn sau nhiều kiếp tu luyện, đến Thiên đàng gõ cửa Thượng đế, Thượng đế hỏi:

_ Ai đó?

Tôi, linh hồn đáp.

_ Thượng đế hỏi: Tôi là ai?

Đáp: Tôi là tôi.

_Thượng đế bảo: Ở đây không đủ chỗ cho ta và ngươi cùng ở. Ngươi hãy đi nơi khác.

Linh hồn ấy trở lui về trần gian tu luyện thêm một ngàn năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại.

_ Thượng đế hỏi: ai đó?

Đáp: tôi.

_ Tôi là ai?

Tôi là ngài, linh hồn đáp.

Khi ấy Thượng đế mở cổng cho vào.”(27)

Thế đấy, khi với tâm phân biệt có ta và ngươi thì cổng thiên đàng không đủ chỗ, chỉ khi “tôi là ngài” nghĩa là chúng ta tuy hai mà một thì cổng thiên đàng thênh thang rộng mở. Cũng vậy Niết bàn không dung chứa ngã, không có chỗ cho ngã chen chân. Nhưng vì phàm phu nghiệp chướng sâu dày khoác bên ngoài lớp vỏ vô minh và tham ái, nhận giả làm chơn, không khác nào đi ngoài trời nắng mang cặp kính màu mà nhìn sự vật, mọi thứ xanh, vàng, đỏ, tím … đều do cặp kính màu kia biến hiện. Tâm vọng tưởng điên đảo do ngã kiến khởi lên phân biệt “chấp có một cái ngã trong ngũ uẩn, nó làm chủ tể trong ta thì đó là mê lầm, phá ngã chấp là phá cái ngã đó, cái ngã của phàm phu, ngoại đạo chấp, đó là lối đi vào tà kiến, sinh tử luân hồi.”(28)

Để phá được ngã chấp cũng có nghĩa là chúng ta cởi bỏ cặp kính màu vô minh tham ái, thấy rõ thân ngũ uẩn đã là không thật, “vì được kết hợp bằng nhiều yếu tố như chiếc xe được ráp bằng những bộ phận khác nhau. Khi những yếu tố này tan rã hoặc nằm chỗ khác thì không còn gọi là thân cũng như bộ phận chiếc xe tháo ra từng mảnh không còn gọi là xe.”(29)

Vì vậy, chúng không có một tự ngã(Àtman), một linh hồn thường trụ, độc lập trong ngũ uẩn. Chúng được nối nhau bằng vòng tròn Duyên khởi, nên chỉ cần ta chặt đứt mắc xích Ái thì tất cả các chi phần khác liền được đoạn trừ. Đức Phật dạy:

“Do doạn diệt tham ái, vô minh một cácA(hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; v.v… lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn diệt. Đây gọi là Duyên khởi.”(30)

Ngài cũng dạy: “Ái diệt tức Niết bàn.” Trong Duy Thức nói: Sở dĩ có ngã là vì thức Mạt Na thường chấp A Lại Da thức làm ngã, nó cùng bốn món căn bản phiền não tương ưng. Bốn căn bản phiền não đó là: Ngã si, Ngã kiến, Ngã mạn và Ngã ái.

Theo Duy Thức thì tu cho đến địa vị: A la hán, Diệt tận định và Xuất thế đạo thì đoạn được ngã chấp. Nhưng đây chỉ mới diệt được phần thô của ngã tướng, nghĩa là tuy biết thân ngũ uẩn do các pháp nhóm hợp mà thành nên giả huyễn, nhưng vẫn còn thấy có các pháp để nhóm họp. Bây giờ tiến thêm một bước nữa hành giả phá luôn những phần tế ấy để thấy rằng các pháp nhóm họp cũng không có gì để nhóm họp.

3.2 Phá Luôn Pháp Chấp.

Như phần trước đã phá được ngã chấp, nhưng pháp chấp vẫn chưa quên vì còn thấy có thật pháp nên mới có đoạn. Để được rốt ráo phần phá chấp chúng ta cần đi sâu vào từng pháp để quán chiếu như trong kinh A Hàm có bài kệ:

“Quán Sắc như bọt nước,

Thọ như bong bóng nước,

Tưởng y như sóng nắng,

Các hành như cây chuối.

Các thức là vô ngã.”(31)

Như vậy, không những ngũ uẩn là vô ngã vì chúng do duyên sinh hoà hợp tạo thành, mà ngay chính bản thân của từng uẩn cũng giả dối, không thật, vô ngã.

_ Sắc được ví như bọt nước, tuy thấy có hiện trên mặt nước nhưng rồi sẽ tan theo sóng nước.

_ Thọ thì như bong bóng nước thoạt khởi lên liền biến mất.

_ Tưởng như sóng nắng, nghĩa là khi trời nắng chúng ta đi ngoài đồng trống hoặc trên bãi cát, hay trên đường nhựa, ta thấy thấp thoáng từ xa chập chờn như có làn nước ở phía trước; đó gọi là sóng nắng. Trong kinh nói: những con ngựa khát nước, nhìn thấy sóng nắng, tưởng là nước nên chạy tới, càng chạy tới lại càng khát mà không thấy nước đâu cả. Đây là dụ về cái tưởng.

_ Hành uẩn như cây chuối không có lõi, thân chuối được bao bọc bằng nhiều lớp bẹ. Khi ta lột hết những bẹ ấy thì không còn được gọi là cây chuối nữa. Cũng vậy khi phân tích các hành uẩn thì sẽ không còn một cái thật ngã nào trong nó .

_ Các thức là vô ngã, bởi bản thân của từng uẩn đã là giả dối, như huyễn, thì chính sắc, thọ, tưởng, hành và thức là giả dối. Thức ví với ảo thuật, nhưng khi chúng ta dùng tuệ nhãn quán sát như thật tri kiến thì thức sẽ hiện ra trống rỗng, các pháp do thức biến hiện đều rỗng không, không thật.

Một đoạn trong bài đầu duy thức tam thập tụng nói:

“Do giả thuyết ngã pháp.

Hữu chủng chủng tướng chuyển.

Bỉ y thức sở biến…”

Nghĩa là: do giả mà nói có ngã và pháp, có tất cả các hình tướng chuyển biến, các hình tướng chuyển biến kia nương vào thức mà biến. “Nhưng Đức Phật dạy rằng chẳng thà người ta nên xem thân xác vật lý của mình như là ngã còn hơn ý thức, vì tâm, ý hay thức thì biến đổi không ngừng ngày cũng như đêm, vã lại còn mau chóng hơn thể xác.”(32)

Vậy ngã và pháp đều do nơi thức mà có, nay lại nói thức vô ngã, nó như một trò ảo thuật cũng không thật, thì các pháp nương vào đâu mà có ngã. Và như vậy, khi nói Ngũ uẩn là giả huyễn không thật, đó là mới chỉ cái tướng của chúng, nhưng khi dùng tri kiến thanh tịnh đi sâu vào quán chiếu thể tánh của vạn pháp thì nó vốn không thật có. Để thể nhập vào trí Bát nhã, kinh Kim Cương nói: “Nên nhìn các pháp hữu vi, như sao, như nhậm, như ngọn đèn, như huyễn thuật, như sương, như bọt nước, như mộng, như chớp, như mây.”(33)

Đến đây, ta thấy chẳng những Ngũ uẩn là hư huyễn mà phải nói rằng “Ngũ uẩn giai không.” Nhưng không này chẳng phải rỗng không, mà là “chơn không diệu hữu”, “không” không phải thật không, “có” nhưng không thật có. Bởi theo lý duyên sinh, các pháp đủ duyên hoà hợp nên hiện hữu, tức có, nếu bảo là không thì không đúng. Khi nhân duyên phân ly, tức diệt nên không, mà cho là có cũng sai. Như trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Các pháp thế gian nhân duyên hoà hợp, giả gọi là sanh, nhân duyên phân ly giả gọi là diệt. Do đó, sinh không thật sanh, diệt không thật diệt….”(34)]

Vậy thì có pháp nào để tu, pháp gì để đoạn??? Đây là giai đoạn hành giả đã nhẹ nhàng cởi bỏ mọi gánh nặng, đoạn trừ được tà kiến, hữu, vô, thường đoạn…, nhẹ gánh hành trang trên lộ trình giác ngộ giải thoát.

Vô chấp tức Niết bàn. Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn toàn rốt ráo, vì còn thấy có pháp để tu và đoạn, có Niết bàn để chứng. Tâm phân biệt phàm - Thánh khởi lên, mà tâm còn khởi tức còn vọng động. Bước cuối cùng để thật sự giải thoát, điều hành giả cần làm là phải hàng phục vọng tưởng và trú tâm thanh tịnh.

3.3 Hàng Phục Vọng Tâm Và An Trú Chơn Tâm.

Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tính.” Vậy Phật tánh là gì? Đó chính là bản tâm chơn như thanh tịnh, tịch diệt vắng lặng, không sanh không diệt, không nhiễm không tịnh, chẳng đến cũng chẳng đi, như như bất động. Gọi là nhứt tâm chơn như hay còn gọi là Như Lai Tạng tánh…

Tâm này vốn không mê, không ngộ, chẳng Thánh, chẳng phàm, “nó không phải là một sự hiện hữu cũng không phải là một phi hiện hữu; quả thật, nó vượt khỏi cả hữu lẫn phi hiện hữu; nó là như như, nó được tách khỏi cả cái tâm thức.”(35)]

Nhưng vì vô minh bất giác, một niệm vọng động khởi lên vô số phân biệt, có tất cả các pháp hư vọng nhiễm tịnh…, cho nên nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.” Hành giả tu đạo giải thoát dùng trí tuệ Bát Nhã quán chiếu các pháp từ tâm vọng tưởng điên đảo phân biệt mà có, nên phải đoạn trừ chúng và an trú chơn tâm thường trú để hiển bày Phật tánh trong ta.

3.3.1 Hàng Phục Vọng Tâm.

Tâm (citta): tiếng Anh dịch the mind, Trung Hoa dịch là tâm, ý, hay ý thức, A - lại - da thức, nó nương nơi nhứt tâm chơn như mà có, nên cũng gọi là Sanh diệt tâm, cũng tức là Vọng tâm.

Thật ra, thể tánh sáng suốt của Nhứt tâm chơn như tùy theo duyên mà châu biến khắp cùng pháp giới, tuy nói tùy duyên, nhưng bất biến, chỉ vì chúng sanh bị vô minh dấy lên vọng niệm, ngăn che không cho nó hiển lộ, việc làm hằng ngày thiện ác bất minh, niệm niệm nối nhau không dứt. Trong kinh nói: Vọng và chơn ví như sóng nương nơi nước mà có, thể tánh của nước (chơn) vốn thanh tịnh, không động không chuyển, sở dĩ có sóng (vọng) là do sự chuyển động của gió (niệm) khởi lên vọng động, nhưng chúng sanh từ trước đến nay chưa từng lìa niệm nên bị sanh tử luân hồi, chỉ khi nào biết dùng tuệ quán Bát Nhã soi sáng, quay về thể tánh nhứt tâm, rốt ráo ly niệm đạt đến chỗ “Niệm vô niệm niệm” lúc bấy giờ biển lặng sóng yên mặt hồ tâm phẳng lặng thì trăng Bát Nhã hiện tiền soi thấu vạn pháp giai không, như ngài Thông Biện Đại sư nói: 

“Tịch tịch Lăng già nguyệt,

không không độ hải chu,

Tri không, không giác hữu,

Tam muội nhậm thông chu.”

Dịch nghĩa:

“Trăng lăng già vắng lặng,

Thuyền Bát Nhã vốn không,

Biết không, rồi mới biết có,

Tam muội mặt thong dong.”

“Trăng lăng già” chính là thể tánh vắng lặng sáng suốt, trí tuệ Bát Nhã vốn đã là “không” cho nên phá được tất cả hữu, từ chỗ “biết không” có tự tánh của các pháp, rồi mới “biết có” trí tuệ sáng suốt, có chơn tánh hiện tiền.

Như vậy, đã biết vọng tâm có là do nơi vô minh vọng động khởi niệm sanh diệt tương tục mà thành, nó vận hành theo Duyên khởi thì phải chịu chi phối bởi định luật vô thường, bốn tướng sanh trụ dị diệt, sẽ bị đoạn trừ nhờ vào trí Bát Nhã siêu việt soi sáng vào chỗ vô minh tăm tối, một khi minh khởi thì vô minh tan biến vì chúng vốn không thể hoà hợp nhau, trước do vô minh mà vọng niệm khởi, nay vô minh đoạn tức vô niệm, rốt ráo nguồn chơn, có sanh diệt là do vọng niệm, nay vô niệm thời không còn sanh diệt, bình đẳng chỉ một nguồn chơn, sở dĩ “Nói cái vọng, để tỏ cái chơn, vọng, chơn ấy, cả hai đều vọng, cốt để chỉ rõ sự thật là tuyệt đối, không thể dùng những tư tưởng đối đãi mà hình dung sự thật được.”(36)

Hơn nữa, đã nói bản tâm chơn như vốn “không sinh, không trụ, không diệt gọi là tướng trạng của vô vi, không có sinh, trụ, diệt thì không có sự vật, không có sự vật thì không thể làm thành tướng trạng. Nếu cho rằng không có tướng trạng là tướng Niết bàn thì không đúng. Nếu không có tướng trạng là tướng Niết bàn, thì lấy tướng trạng gì mà biết Niết bàn là không tướng. Nếu lấy có tướng mà biết là không tướng, thì làm sao gọi là không tướng được. Nếu lấy không tướng mà biết là không tướng mà biết là không tướng, thì không tướng ấy tức là không. ‘không’ thì chẳng thể nào biết được … sinh trụ diệt là tướng hữu vi, còn chỗ nào không có sinh trụ diệt là tướng vô vi, bởi vậy, không tướng là Niết bàn là không đúng. Vì các loại nhân duyên của sinh trụ diệt đều không, chứ không thể có tướng hữu vi thật được, cho nên pháp hữu vi đều không thì pháp vô vi cũng không, pháp hữu vi và vô vi không, cho nên cái ta cũng không. Ba việc đó không cho nên tất cả sự vật đều không.”(37)

Đó chính là để trả lời cho câu hỏi “Vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm” trong kinh Kim Cang vậy.

3.3.2 An Trú Chơn Tâm.

“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, là tinh thần nòng cốt của toàn bộ nội dung tư tưởng của kinh Kim Cang Bát Nhã. Nghĩa là: không nên trú tâm bất cứ nơi nào để khởi tâm. Nói trú tâm, tức là tâm sẽ bị dính mắc vào một cảnh, tức là tâm bị vọng động khởi lên vô vàn sự phân biệt ngăn che Thánh đạo, cho nên không nên trú tâm ở bất cứ vào một nơi nào cả.

Trong kinh Lăng Nghiêm ngài Anan bị Đức Phật bảy lần gạn hỏi tâm, Anan trả lời đều bị Phật bác bỏ, bởi Anan vẫn còn bị dính mắc vào chỗ chấp trước tâm trụ chỗ này hoặc chỗ kia. Khi dùng trí Bát Nhã để quán chiếu thì tâm không ở bên ngoài, tâm cũng chẳng phải bên trong, “Chỉ vì chúng sinh mê lầm chấp trước nên hạn chế phạm vi tính mà thôi, pháp giới tính của tự tâm vốn trùng trùng duyên khởi, một tức là tất cả, tất cả là một, trong một có tất cả, trong tất cả có một thân không khác vô lượng thân.”(38)

Bốn câu đầu trong bài kệ tóm tắt diệu lý mà cũng là câu chú hiển giáo của Thủ Lăng Nghiêm:

“Nơi chơn tánh, hữu vi là không,

Vì duyên sanh nên in như huyễn

Vô vi vì không sanh không diệt,

Chẳng thật như hoa đốm hư không,”(39) 

Như vậy, các pháp hữu vi không có trong chơn tâm thanh tịnh, nó do duyên sanh nên hoàn toàn giả dối như trò ảo thuật, còn các pháp vô vi vốn đã không sanh, không diệt, như hoa đốm trên không chợt biến, chợt hiện. Xưa Lục Tổ Huệ Năng đã trình tâm qua bài kệ đốn ngộ của Ngài:

“Bồ đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhứt vật

Hà xứ nhạ trần ai”

Nghĩa là: Bồ đề vốn không có cây, minh cảnh cũng không đài, xưa nay không có một vật nào cả, thì làm gì có bụi để lau chùi.

Chính Ngài Huệ Khả cũng đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma cầu pháp an tâm. Tổ bảo: “Ông hãy đem tâm đến đây ta an tâm cho”. Huệ Khả lúng túng thưa “Con tìm tâm không thấy” Tổ liền dạy: “Như vậy là ta đã an tâm cho ông rồi đó.” Ngay lúc đó Ngài Huệ Khả tỏ ngộ chơn tâm.

Như vậy, bản thể chơn tâm thường hằng vắng lặng, “ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng”, không thể dùng lời nói để diễn bày, nó xa lìa tất cả danh tự ngữ ngôn, không thể nghĩ bàn được. Nói Niết bàn cũng chỉ là hư vọng, sự thật không có người chứng Niết bàn và cũng không có Niết bàn để chứng, chơn cũng chẳng phải thật chơn, mà chỉ là danh từ vay mượn của cái giả để nói cái thật mà thôi. Để đi thẳng vào tinh thần đốn giáo, Tổ Bồ Đề Đạt Ma tuyên bố:

“Bất lập văn tự,

Giáo ngoại biệt truyền,

Trực chỉ nhân tâm,

Kiến tánh thành Phật.”

Tóm lại, để tiến thẳng trên đường giác ngộ giải thoát, điều cần yếu là hành giả phải triệt tiêu tất cả chấp ngã và chấp pháp. Trong Bát Nhã Tâm kinh có câu “Hành thâm Bát Nhã Ba La mật Đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.” Nghĩa là: đi sâu vào trí Bát Nhã, khi quán chiếu tất cả năm uẩn đều không, thì giải thoát tất cả khổ ách. Và trí Bát Nhã chỉ có thể hiển hiện khi đã đi vào thế giới vô ngã, đoạn trừ tất vọng niệm, an trú tâm vào nơi vô trú, đạt đến chơn ngã rốt ráo. Đó chính là giải thoát hoàn toàn.

CHƯƠNG 4.

GIÁO LÝ VÔ NGÃ ĐEM LẠI HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI

Toàn bộ giáo lý Phật giáo chỉ dạy cho con người biết cách tu tập và giải thoát, mà trong đó phải nói giáo lý vô ngã là một giáo lý giúp con người nhận chân sự thật các pháp, để từ đó con người xa lìa mọi ngã kiến, si mê, hằng lâu đã tiềm ẩn trong ta, làm cho cái bản ngã mỗi ngày một lớn, nhận chìm con người trong biển khổ triền miên. Một khi thấm nhuần giáo lý vô ngã sẽ giúp ta thoát ly mọi đau khổ hằng ngày trong cuộc sống.

4.1 Mối Quan Hệ Giữa Người Với Người.

Trong cuộc sống con người thường đi tìm nguồn hạnh phúc cho mình bằng nhiều hình thức khác nhau, thậm chí có những người có ít nhiều hiểu biết về Phật giáo, lại chạy đi tìm cảnh giới Niết bàn bên ngoài đến mòn hơi kiệt sức nhiều kiếp trôi lăn trong sanh tử luân hồi, mà vẫn chưa tìm thấy một cảnh giới an vui hạnh phúc.

Sự thật, “người đã chứng ngộ chân lý, Niết bàn, là người hạnh phúc nhứt trần gian, người ấy giải thoát mọi mặc cảm và ám ảnh, mọi phiền não và lo âu làm cho những người khác điêu đứng. Sức khoẻ, tinh thần của người ấy được hoàn toàn. Họ không hối tiếc quá khứ, cũng không mơ mộng về tương lai. Họ sống hoàn toàn trong hiện tại. Bởi thế họ thưởng thức và vui vẽ, hoan hỷ, thưởng thức sự sống thuần khiết, các giác quan đều khinh an, không còn lo lắng, bình an và thanh thoát. Vì họ giải thoát khỏi dục vọng ích kỷ, hận thù, vô minh, kiêu căng, ngã mạn và tất cả mọi thứ bất tịnh xấu xa ấy. Họ trong sạch từ hoà, đầy lòng thương bao quát, từ bi, tử tế, thiện cảm, thông cảm và khoan dung. Họ phục vụ kẻ khác một cách trong sạch nhứt, vì không còn nghĩ về mình, họ đã thoát khỏi ảo tưởng về Ngã.”(40

Và như vậy, họ sống hết mình vì người khác, tình thương của họ không có vết chân của tham lam vị kỷ. Người ấy giải thoát mọi đau khổ vì họ không còn bị các thứ phiền não, tham, sân, si não loạn. Đó chính là kết quả của kiến tánh, của trí tuệ Bát Nhã soi thấu thể tánh các pháp, biết nguyên lý của vũ trụ vạn hữu vốn, vô thường, khổ đau và vô ngã, họ hoà mình với tất cả mọi người, mình là tất cả, tất cả là chính mình, sống trong “Niềm hạnh phúc tuyệt vời của kiến tánh có nghĩa là ta đã dẹp bỏ được chấp ngã. Khi ta buông bỏ cái tôi, thì ta sẽ nhẹ nhàng, giải thoát.”(41)

Một con người thật sự chấm dứt bản ngã, là một mẫu người luôn thành công trong cuộc sống. Bởi họ không còn thấy đau khổ bực dọc mỗi khi bị ai đó xúc chạm mình, khi nhận một lời mắng chưởi từ người khác họ cảm thấy nó cũng hoàn toàn không thật, mà chỉ là sự tổng hợp của hơi thở, sự cử động của răng, lưỡi và cuống họng để tạo ra một thứ âm thanh, bởi vì chính thân ta còn là giả thì huống gì tiếng chưởi kia làm sao là có thật được.

Vả lại, họ luôn tự nhủ mình “khi ngươi tức giận kẻ kia, thì cái gì nơi kẻ ấy làm cho ngươi tức giận? Ngươi giận tóc, hay lông, hay móng … hay nước tiểu? Nếu phân tích con người ấy, về tứ đại, ngũ uẩn, thập nhị xứ hay thập bát giới, ta đều không thấy có một yếu tố nào để kết luận có một ngã thể nơi người ấy. Do thế nên cơn giận không có một chỗ nào để đặt chân lên được.”(42)

Nghĩ như vậy cho nên trên gương mặt luôn hiện vẻ tươi vui, dễ gây thiện cảm với moai(người xung quanh mình. Khác hẳn với người có bản ngã quá lớn, họ sẽ rất hận thù đối với người đụng đến ta, tài sản của ta v.v…. gương mặt bao giờ cũng đằng đằng sắc khí, họ luôn cau có khó chịu làm người khác khó tiếp xúc. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:

“Con tôi tài sản tôi

Người ngu sinh ưu não.

Tự ta ta không có

Con đâu tài sản đâu.”

Chính sự hiểu biết giáo lý vô ngã duyên sinh, sự có mặt của chúng ta là một chuỗi dài nối kết, ta và người tuy hai mà một không thể chỉ một mình ta có thể tồn tại được, biết “thương người như thể thương thân”, chia xẽ cho nhau những gì trong cuộc sống, vui cái vui của người khác, nghĩa là làm cho người khác vui mình cũng thấy vui theo. Người như vậy, bao giờ, mọi lúc, mọi nơi họ đều cảm thấy an lạc hạnh phúc tuyệt vời. Chẳng những giáo lý Vô ngã chỉ mang lại hạnh phúc thật sự trong đời sống chúng ta, mà nếu mọi người, mọi nhà đều thẩm thấu và thực hành giáo lý này thì giữa những cộng đồng người với nhau luôn chan hoà trong tình thương nhân loại.

4.2 Mối Quan Hệ Cộng Đồng.

Con người bởi xây dựng tư tưởng trên hữu ngã, nên dẫn đến truy tìm bảo vệ ngã, đi kèm với tham, sân, si v.v… để cạnh tranh về kinh tế, chính trị … nên thế giới luôn diễn ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, sát hại lẫn nhau, tạo nên một thế giới điên đảo chỉ toàn là đau khổ, giết chóc và sợ hãi.

Giá như con người biết tư duy vô ngã, tất cả là duyên sinh, đâu có gì là ta, là của ta. Hiểu như vậy thì chắc chắn các cuộc xung đột, cạnh tranh sẽ không còn nữa. Con đường tư duy vô ngã sẽ mang lại hạnh phúc an lạc cho chính ta và cho cả cộng đồng.

Một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao mọi người không thể hiểu được tôn giáo của nhau? Tại sao bao giờ cũng có nhiều xung khắc thế?

Bản ngã đấy. Nó không liên quan gì tới tôn giáo cả, chỉ là bản ngã thôi. Bất kỳ cái gì của bạn cũng đều phải là tốt nhất trên thế giới. Bất kỳ cái gì của người khác đều không thể tốt nhất được, không thể được phép là tốt nhất trên thế giới.”(43)

Nhân danh tôn giáo, đã có biết bao nhiêu cuộc xung đột đẫm máu hàng loạt xảy ra trên thế giới, mà nguyên nhân chính là do tranh chấp nhau về giáo thuyết, tranh cải nhau chỉ vì sự truyền bá giáo pháp, họ không thể hiểu nhau, chấp nhận nhau, không thể ngồi lại với nhau đàm đạo, họ xuyên tạc giáo pháp của nhau rồi dẫn đến những xung đột đáng tiếc. Nói đến tôn giáo là nói đến điều thiện đại diện cho cái thiện để dẹp bỏ cái ác, thế mà không thể thông cảm cho nhau, tất cả đều bắt nguồn từ sự chấp ngã.

Những vọng tưởng về ngã chấp làm con người ngày một tách biệt nhau. Một cuộc họp của những người trí thức, thay vì đưa ra những ý kiến hay để xây dựng vấn đề, thì một hồi sau ông này đỏ mặt, ông nọ tía tai cũng chỉ vì muốn bảo vệ quan điểm ý kiến của mình, để rồi cuộc họp có thể sẽ kết thúc bằng những cuộc đọ sức bằng bạo lực, ẩu đả xô xát lẫn nhau, mà không giải quyết được vấn đề gì. Sự thành công sẽ đến, “Khi ta buông bỏ hoàn toàn các quan điểm, ý kiến của mình, ta có thể nhìn thấy bản thể của mọi sự mọi vật rõ ràng hơn. Với chúng ta, các quan điểm, ý kiến chính là sự thất bại của ta. Khi ta bắt đầu bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình. Sự tranh cãi về một quan điểm cho ta thấy rằng quan điểm đó không được thiết lập dựa trên kinh nghiệm. Vì người ta không cần bào chữa cho kinh nghiệm mà có. Trong quan điểm dựa vào Ngã chấp. Cả hai (quan điểm và Ngã) đều không phải là sự thật tuyệt đối.”(44)

Nhân loại sẽ chấm dứt đau khổ khi nào con người không còn thấy cái bản ngã bao trùm trên toàn thể vũ trụ, không còn thấy chỉ có cái gì của ta là trên hết, thì các cuộc giao tranh không có cơ hội bùng phát, thế giới chấm dứt chiến tranh, hoà bình luôn đồng hành với Vô Ngã.

Tóm lại, hạnh phúc sẽ thật sự đến với chúng ta nhờ tuệ tri tất cả các pháp là: Vô thường, Khổ đau và Vô ngã, ai thấy rõ sự thật này với trí tuệ, sẽ giải thoát mọi khổ đau cho mình và người và cho cả thế giới. Đây là con đường đưa đến thanh tịnh, an lạc màu nhiệm.

KẾT LUẬN

Nhìn lại, xuyên suốt toàn bộ Tam Tạng kinh điển của đức Phật trong hơn bốn mươi năm hoằng pháp độ sanh, mục đích tối hậu của Ngài không gì ngoài sự chuyển mê khai ngộ, cứu khổ ban vui. Ngài không phải là một triết gia đi tìm nguyên lý nhân sinh vũ trụ, Ngài chỉ là bậc lương y tài đức vẹn toàn, giáo lý của Ngài chính là thần dược trị lành mọi chứng bệnh phiền não, đau khổ của chúng sanh.

Trong những năm hoằng truyền chánh pháp, đức Phật thường dùng phương tiện độ sanh, Ngài chỉ rõ sự hình thành vũ trụ vạn hữu là duyên sanh, nên biết “Không thể nói các pháp là thường, vì các pháp đều theo duyên hoà hợp sanh nên vô thường. Lại nếu nói các pháp là không, thì rơi về chấp đoạn.” (45)

Giáo lý của Đức Phật là con đường Trung đạo, luôn mang tính chân xác và nhất quán xa lìa tất cả Hữu, Vô. Ly tứ cú, tuyệt bách phi. Bài kệ trong Trung luận nói rõ ý này:

“Chúng duyên sở sanh pháp

Ngã thuyết tùức thị không

Diệc vi thị giả danh

Diệc vi Trung đạo nghĩa.”

Các pháp cho dù là pháp thế gian, hay xuất thế gian, đã gọi là pháp thì đều do duyên sinh, cho nên Luận Chủ nói là “không, là giả danh, cũng chính là nghĩa trung đạo.” Khi nghiên cứu Phật giáo, càng đi sâu vào chúng ta càng thấy rõ giáo lý của đức Phật không phải là những giáo điều dành để ban phước, giáng tội, cũng không giả đưa con người vào cơn mộng thiên đường hay làm cho con người hải hùng lo sợ bởi những tưởng tượng và mọi thứ tội lỗi, Đức Phật chỉ nói sự thật về con người và thế giới xung quanh họ là gì, để rồi từ đó họ có thể tự tìm cho mình một lối thoát khỏi khổ đau, đạt đến tự do hoàn toàn, an vui và hạnh phúc.

Kho tàng chánh pháp mà Đức Phật đã để lại dù là tam tạng kinh điển cũng không ngoài ý nghĩa đã nói, không một pháp nào có thể tự mình làm ra mà đều là do duyên hoà hợp tạo thành nên không thật, cho nên nói Mê cũng không phải thật mê, chẳng qua do một niệm bất giác cùng vô minh tương ưng khởi vô số vọng niệm phân biệt, các pháp sắc, thọ, tưỏng, hành và thức theo duyên mà sanh ra tạo nên pháp giới chúng sanh, khi “Năm uẩn ấy họp lại, mà ta quen gọi là một cá thể chính là Dukkha (khổ). Không có cá thể hay tôi nào khác đằng sau năm uẩn ấy để chịu khổ. Như Buddhaghosa đã nói: Chỉ có đau khổ nhưng không có người khổ đau, có hành động, nhưng không có người hành động.”(46)

Khổ vốn không có tự ngã, nên nó không thể tồn tại riêng lẽ độc lập, mà phải từ nhiều nguyên nhân làm duyên cho nhau sinh khởi đau khổ lưu chuyển trong sanh tử luân hồi. Trong Trung Luận nói:

“Khổ bất tùng duyên sanh,

vân hà đương hữu khổ?”

Nghĩa là: khổ nếu không từ duyên sanh, thì làm gì có khổ được. Và như vậy, “khổ, sanh tử, luân hồi có bản thể của sự sinh thành, nên nó cũng phải có bản chất của hủy diệt. Dukkha phát sinh vì ái dục (tanhà), và nó chấm dứt do Huệ (pađđộ), dục và huệ cả hai đều ở trong ngũ uẩn. Đức Phật dạy: Chính ngay trong thân này, ta nói có thế giới, và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới.”(47)

Như vậy, thực tại khổ hiện hữu bởi vì duyên sinh lưu chuyển, thì thực tại Niết bàn chính là con đường đoạn diệt tham ái, chấp thủ từ cuộc sống. Hạnh phúc sẽ thật sự đến khi chúng ta liễu đạt các pháp thế gian này vốn:

“Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Vầng trăng vằng vặc in sông

Chấp chi có có, không không mơ màng.”

Nguyên văn:

“Tác hữu, trần sa hữu,

Vi không, nhứt thiết không,

Hữu, không như thuỷ nguyệt,

Vật trước hữu không không.” 

(Thiền Sư - Từ Đạo Hạnh)

Vấn đề Ngộ và Chứng ngộ từ giáo lý Vô Ngã bắt đầu từ nguyên lý Duyên sinh, sẽ giúp hành giả triệt tiêu tất cả vọng tưởng chấp thủ, vượt khỏi vòng lẫn quẫn có không, thường đoạn, đạt tới lý tính Bát Nhã, hiển bày thể tính sáng suốt tuyệt đối của chơn tâm, thường hằng vắng lặng rốt ráo niết bàn. Nhưng ngay cả Niết bàn cũng không thật có, không có người chứng Niết bàn, cũng không có Niết bàn để chứng, Niết bàn không có mặt trong quá khứ, không có ở hiện tại hay tương lai. Thật tướng Niết bàn đã là vắng lặng hoàn toàn thì không thể dùng lời nói mà chỉ bày được, nói Niết bàn cũng chỉ là danh từ giả, mượn cái giả để chỉ cái chơn. Cho nên nói chơn cũng chẳng phải thật chơn. Nói Ngộ, cũng không phải là thật ngộ, thật chứng của Niết bàn chỉ đạt được khi mọi nhiễm ô từ vọng niệm đoạn diệt, bản giác tự tâm hiển hiện nhờ trí Bát Nhã.

Môt hôm Xá Lợi Phất bảo: “Ồ bạn, Niết bàn là hạnh phúc! Niết bàn là hạnh phúc! Khi ấy Udàyi liền hỏi: nhưng này bạn Sàriputta, hạnh phúc nào có thể có, khi không có cảm giác? Câu trả lời của ngài Xá Lợi Phất vô cùng triết lý và vượt khỏi tầm hiểu biết thông thường: chính sự không có cảm giác ấy mới là hạnh phúc.”(48)

Như vây, cái hạnh phúc chính là đạt đến cảnh giới Niết bàn, mà Niết bàn chính là cái vắng lặng tuyệt đối, hoàn toàn xa lìa sự đối đãi Có, Không, Thường Đoạn của thế gian. Hành giả học Phật, với cái nhìn vô cấu nhiễm không còn chấp tướng, thì tất cả pháp đều là Phật pháp, “phiền não tức bồ đề, sanh tử tức niết bàn….” Đến đây, hành giả đi vào đời bằng phương châm tùy duyên bất biến, bất biến nhưng tùy duyên, nhờ vào trí tuệ Bát Nhã mang đến hạnh phúc an lạc cho đời bằng hạnh nguyện lợi sanh, hành giả thực hành Lục Độ, Vạn Hạnh mà không bị vướng mắc vào bất cứ một pháp nào. Không còn thấy có người độ và người được độ, không thấy có người thành Phật, cũng không thấy có quả vị Phật để thành, vô tu vô chứng. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có đoạn viết “hành vô hành hành, tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng.” Làm, nhưng không thấy mình làm mới gọi là làm, tu, nhưng không thấy mình tu mới gọi là tu, chứng, cũng không thấy chứng mới gọi là chứng. Đó chính là chân giác ngộ, chân giải thoát.

Giáo lý vô ngã sẽ thật sự đem lại hạnh phúc trong đời sống hiện thực khi chúng ta biết “Tư duy vô ngã, hay sự giác tỉnh Duyên khởi vận hành, thì sự vận hành này sẽ dẫn tới sự đoạn diệt của mười hai chi phần ấy, hay sự đoạn diệt khổ đau. Bấy giờ con người xuất hiện là con người của cái nhìn vô ngã về sự vật và của hạnh phúc trong hiện tại.”(49)

Được như vậy rồi, chúng ta sẽ không còn phải tìm Niết bàn đâu cả, mà ngay trong đời sống này chúng ta xây dựng cho mình một gia đình hạnh phúc, giàu mạnh, thế giới hoà bình, luôn sống chan hoà trong tình thương nhân loại, tất cả mọi an lạc hạnh phúc sẽ đến cho toàn cầu nếu chúng ta biết vận dụng giáo lý Vô Ngã một cách toàn triệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Thích Minh Châu - Tương Ưng Bộ Kinh II - ĐTKVN - 1993.

[2]. Thích Minh Châu - Tiểu Bộ Kinh I - TTĐHVH - 1982.

[3]. Thích Minh Châu - Trường Bộ Kinh I - ĐTKVN - 1999.

[4]. Thích Minh Châu - Trung Bộ Kinh I - ĐTKVN - 1992.

[5]. Thích Nữ Diệu Đạo - Vô Ngã Vô Ưu - Ni Sư Ayya Khema - Pl 2548.

[6]. Thích Nữ Trí Hải - Bóng Nguyệt Lòng Sông - NXBTG - 2004.

[7]. Thích Nữ Trí Hải- Con Đường Thoát KhoĂ - W. RAHULA - ĐHVH - 1966.

[8]. Phạm Kim Khánh - Đức Phật Và Phật Pháp - NXB TP.HCM - 1998

[9]. Thích Nữ Diệu Không - Đại Trí Độ Luận I - PL 2531 

[10]. Trần Phương Lan - Buddhism Through English Reading II - NXB TP. HCM - 2002

[11]. Nguyễn Hiến Lê - Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ - Will Durant- NXBVH.

[12]. Tâm Minh - Kinh Thủ Lăng Nghiêm - NXBTG - 2004.

[13]. Thích Đức Nghiệp - Tam Luận Toàn Tập - NXBTG - 2002.

[14]. Thích Giới Nghiêm - Mi Tiên Vấn Đáp - NXBTG - 2003.

[15]. Thích Thiện Nhơn - Lược Giảng Luận Trung Quán - LHNB - 2004.

[16]. Thích Tâm Quang - Dưới Mắt Các Nhà Trí Thức - Iternet- Thuviehoasen.

[17]. Thích Phước Sơn - Thanh Tịnh Đạo Luận Toản Yếu - TCCPHVN -1990.

[18]. Thích Thiện Siêu - Kinh Thủ Lăng Nghiêm - NXBTG - 2004.

[19]. Thích Thiện Siêu - Vô Ngã Là Niết Bàn - BTSTTH - 1993.

[20]. Thích Thiện Siêu - Ngũ Uẩn Vô Ngã - NXBTG - 1999.

[21]. Thích Minh Tuệ - Pháp Duyên Khởi - NXBTP. HCM - 1999.

[22]. Thích Chơn Thiện - Tư Tưởng Kinh Kim Cang - NXBTG - 1999.

[23]. Thích Chơn Thiện, Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn - Nghiên Cứu Kinh Lăng Già - D.Tsuzuki - NXB Thuận Hoá - 1999.

[24]. Thích Chơn Thiện - Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pàli - NXBTP. HCM -1999.

[25]. Thích Chơn Thiện - Phật Học Khái Luận - NXB TP. HCM - 1999.

[26]. Osho - Kinh Kim Cương - 2003.

[27]. Bhagavad - Gìtà II - cơ sở tu thư và xuất bản quảng hoá - 1971.

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/11/2019(Xem: 27102)
Nam mô ADIĐÀ PHẬT , xin Thầy giải thích thắc mắc của con từ lâu : “ Nam mô Tam Châu Cảm Ứng Di Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát “: 1- Tại sao Tam Châu mà không là Tứ Châu ? 2- Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát có phải là Vị Bồ Tát đứng chung với Ngài Tiêu Diện BT ở bàn thờ trước hall mà khi chúng con mới vào chùa QDT dẫn đến và nói : cô chú khi mới vào chùa đến xá chào 2 Vị BT này ( check in ) trước khi ra về cũng đến xá chào ( check out).Xin Thầy nói về tiểu sử của 2 Vị BT ( 2 security officers) mà Phật đã bổ nhiệm xuống cho mỗi chùa .Xin mang ơn Thầy 🙏
08/11/2019(Xem: 16095)
Thanh Từ Thiền Sư, tuyên ngôn như thế, lời vàng đanh thép, lý tưởng cao siêu, muôn đời bất diệt. Phật Giáo Dân Tộc, đồng hành muôn thuở, tuy hai mà một, bền lòng sắc son, nẻo đạo thanh cao, đường đời rộng mở. Ông Dương Ngọc Dũng, mang danh tiến sĩ, học vị giáo sư, nói năng như khỉ, hành vị đáng khinh, giảng đường đại học, kỳ thị tôn giáo, nói xàm nói láo, xúc phạm Phật giáo, bôi nhọ Tăng Ni.
03/09/2019(Xem: 10424)
Hiện tình quốc tế và đất nước đang diễn biến dồn dập hơn bao giờ hết. Khi chính quyền các quốc gia và định chế quốc tế tỏ ra không đủ khả năng để ứng phó trước nguy cơ chiến tranh có thể bộc phát, thì một chủ đề đạo đức tôn giáo cần được thảo luận: Phật giáo có biện minh nào cho chính nghĩa trong cuộc chiến tương lai không?
07/07/2019(Xem: 6752)
Phật giáo không phải là tôn giáo để các tín đồ đến tham gia hay phát động như một phong trào, mà tự thân con người sau quá trình học hỏi, tư duy, nhận thức cốt lõi lời dạy của đấng Từ phụ, từ đó phát tâm tìm đến, thân cận và quy y Tam Bảo: ‘Hôm nay mong giác ngộ hồi đầu - Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo’. Với lòng tịnh tín bất động, con người đầu thành vâng giữ mạng mạch giáo pháp, dốc lòng phụng hành đạo lý mình chọn, con người nhờ vậy được chân lý, chánh pháp che chở, thành tựu ‘Phép Phật nhiệm màu – Để mau ra khỏi luân hồi’.
10/05/2019(Xem: 15382)
Các nước phương Tây đang sống trong một thời đại bất thường: Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp, kinh tế khủng hoảng, nợ công cao ngất, nạn di dân đe doạ, xã hội bất bình đẳng, dân chúng nổi giận giúp đưa cho ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đẩy Vương Quốc Anh thống nhất ra khỏi Liên Âu. Đâu là nguyên nhân cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và giải pháp cho hệ thống dân chủ tự do đang lâm nguy? Phần một lý giải cho vấn đề này theo quan điểm của Francis Fukuyama trong tác phẩm Identity: khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân, đấu tranh để công nhận nhân phẩm là
16/02/2019(Xem: 7074)
Những câu văn không chuẩn văn phạm vì thiếu những chủ từ [subjects] trong những bài triết luận về Phật Giáo mà tôi đã, đang, và sẽ viết không phải là tôi cố ý lập dị như những triết gia danh tiếng trên thế giới khi họ hành văn chương và viết về triết học nhưng mà tôi không có thể làm cách nào khác hơn khi viết về ý vô ngã [không Tôi] để không bị mâu thuẫn với ý phá ngã.
01/02/2019(Xem: 8824)
Những câu văn không chuẩn văn phạm vì thiếu những chủ từ [subjects] trong những bài triết luận về Phật Giáo mà tôi đã, đang, và sẽ viết không phải là tôi cố ý lập dị như những triết gia danh tiếng trên thế giới khi họ hành văn (chương) và viết về triết học nhưng mà tôi không có thể làm cách nào khác hơn khi viết về ý vô ngã [không Tôi] để không bị mâu thuẫn với ý phá ngã.
08/01/2019(Xem: 6677)
Kinh Duy Ma Cật, tôi đã có duyên được học với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, tại Phật Học Viện Báo Quốc - Huế, sau năm 1975 Tôi rất thích tư tưởng “Tịnh Phật Quốc Độ” của kinh này, khi nghe đức Phật gọi Bồ tát Bảo-tích mà dạy: “Trực tâm là Tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật chúng sinh không dua nịnh sẽ sinh về cõi ấy. Thâm tâm là Tịnh Độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, những chúng sinh nào có đầy đủ công đức sẽ tái sinh về cõi ấy. Bồ đề tâm là Tịnh độ của Bồ tát. Khi Bồ tát thành Phật, hết thảy chúng sinh tầm cầu Đại thừa sẽ sinh vào cõi ấy.
26/11/2018(Xem: 12905)
Chúng tôi đến thăm Việt Nam một vài lần, tôi nhớ có lần chúng tôi đang ở Hà Nội. Lúc đó là Đại hội Phật Giáo, tôi cũng có buổi thuyết trình cùng với những vị khác nữa. Hôm đó đang ngồi đợi, thì có một vị Thầy trẻ người Việt đến chào, sau khi hỏi từ đâu đến, tôi nói tôi đến từ Australia. Thầy ấy nói, oh… woh… vậy Thầy có biết vị Tăng tên Ajahn Brahm không? … (cả Thiền đường cười). Tôi trả lời: Tôi là Ajahn Brahm đây. Thế là Thầy ấy tỏ ra rất hào hứng, tôi cũng hào hứng... Tôi thích Việt Nam. Tôi thích người Việt.
04/09/2018(Xem: 9137)
Tu Tứ Đế Pháp, Bốn Chân Lý Chắc Thật, Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi Chứng Đạo dẹp tan sự quấy nhiễu của ma quân ở cõi Trời Tha hóa thứ sáu vào nửa đêm ngày mùng 8 tháng 2 năm Tân-Mùi. Việt lịch Năm 2256 HBK*. Tr.BC.596. Sau Thời Hoa Nghiêm Phật đến vườn Lộc Dã Uyển truyền dạy Bốn Pháp Tứ-Đế, độ cho năm vị từng theo Phật cùng tu thuở trước, thành bậc Tỳ Khưu đắc đạo. Năm vị đó là: 1/. A Nhã Kiều Trần Như, 2/. A-Thấp Bà, (Mã-thắng) , 3/ .Bạt-Đề, 4/. Ma-Ha-Nam, 5/. Thập-Lực-Ca-Diếp. Năm Vị nghe pháp Tứ Đế rồi, tu tập chứng A La Hớn Quả. Tứ Đế Pháp: 1. Khổ Đế. 2. Tập Đế. 3. Diệt Đế. 4. Đạo Đế. -Khổ Đế, là Ác quả của Tập Đế. -Tập Đế, là tạo Nhân xấu của Khổ Đế. -Diệt Đế, là Thiện quả của Đạo đế. -Đạo Đế, là Nhân tu của Diệt Đế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]