Phỏng Vấn
3 Huynh Trưởng Cấp Dũng
Gia Đình Phật Tử VN Hải Ngoại
֎
Thưa các anh, các chị, các bạn Áo Lam thân mến,
Thường thì “truyền thống” của người Á châu rất hiếm khi nói về mình, nói đến những cái hay, cái đẹp của mình để mọi người cùng biết vì quan niệm rằng “hữu xạ tự nhiên hương” nên đâu cần phải “quảng bá”! Hơn thế nữa, kinh Pháp Cú chẳng phải đã dạy rằng trong tất cả các loại hương đều không thể bay ngược gió, duy chỉ có hương người đức hạnh bay khắp muôn phương! Cho nên, hàng huynh trưởng chúng ta hằng tâm niệm rằng, những Lam sự mà chúng ta thực hiện để phụng sự đàn em, phụng sự tổ chức, phụng sự đạo pháp cũng là những dịp mà chúng ta hành Bồ tát hạnh, là để rèn luyện tự thân, đó là tu học, là tự chứng nghiệm… nên hoàn toàn có tính chất cá nhân.
Tuy nhiên, đối với người phương tây thì lại khác biệt. Rất nhiều quyển sách có tính cách tự truyện, kể về những nhân vật quan trọng, có danh tiếng đang được sự chú ý của dư luận, hoặc là chánh trị gia, hoặc là nhà kinh tế, nhà khoa học, hoặc là tỷ phú thành công trong thương trường hoặc những tài tử, thần tượng trong phim ảnh… và kể lễ đủ mọi thứ từ tình duyên, gia cảnh, cho đến công việc, thú vui… không e ngại, không rụt rè, dấu diếm. Tùy theo từng đối tượng, đọc giả sẽ tìm trong ấy những bài học hữu ích cho cá nhân để học tập, noi theo. Đó gọi là quảng bá những kinh nghiệm sống, đôi khi rất là… sống sượng!
Ban Biên tập quyển Kỷ Yếu này ảnh hưởng bởi “môi trường” sống quyết định thực hiện cuộc phỏng vấn… “high tech” các anh, chị lớn của chúng ta, đó là:
- HTr. Cấp Dũng Tâm Trí Tư Đồ Minh, Đại diện HĐCD tại Hải Ngoại, Cố vấn BHD/CAN, nguyên Trưởng ban BHD/CAN những nhiệm kỳ đầu.
- HTr. Cấp Dũng Tâm Đăng Nguyễn Văn Pháp, đương nhiệm Trưởng ban BHD/HN.
- HTr. Cấp Dũng Tâm Minh Vương Thúy Nga, Trại trưởng Trạn Vạn Hạnh 2 Hải ngoại.
May thay, các anh chị của chúng ta sống tại hải ngoại nhiều năm, nên không cảm thấy e ngại để “nói về ta”, hoan hỉ trãi lòng với chúng ta về mọi
chuyện: từ đời oanh vủ, đời huynh trưởng, đời dân biểu, đời hải hồ, đời cô giáo và một đời… yêu đương!
♥ Cuộc đời Htr Tâm Trí Tư Đồ Minh:
1) Kính xin anh cho chúng em biết sơ lược nét chánh về anh? (cầm tinh con giáp nào, sanh quán ở đâu, năm gia nhập GĐPT… tất cả những gì anh muốn nói).
Xin cám ơn Ký giả TN/HNT đã lưu tâm đến anh mà thực hiện buổi phỏng vấn này. Anh còn 3 tháng nữa là 90 tuổi rồi, già cả lẩm cẩm, quên trước quên sau, có những sự kiện đã qua hơn 6, 7 mươi năm, nay nhớ đến đâu nói đến đó, nếu có gì sai sót xin ACE miễn lỗi cho.
Sau đây xin trả lời: Anh sinh ngày 15.01.1928, cầm tinh con Rắn (tuổi Tỵ) tại chợ Diên Sanh, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, gia nhập GĐPT năm 1952, đã sinh hoạt qua các thời gian và nhiệm vụ tại các trú xứ:
▪ 1952-1955: Liên Đoàn Trưởng GĐPT Hải Thiện, Hải Lăng, Quảng Trị và Đặc Ủy BHD/ Quận Nam, QuảngTrị.
▪ 1956 - 1963: Phó Trưởng Ban Ngành Nam, BHD/Quảng Trị
▪ 1964 - 1968: Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Tỉnh Quảng Trị.
▪ Năm 1967, anh mới được trả tự do, từ đảo Phú quốc về Saigon gặp Đại Hội Huynh Trưởng tại Tổng Vụ Thanh Niên đường Công Lý anh liền tham dự. Hòa Thượng (Thượng Tọa) Thiện Minh hỏi: Minh không-sợ hay sao mà mới về đã tham dự cuộc họp liền vậy, Dạ! thưa Thầy con ở tù nhiều lần đã quen rồi con không còn sợ nữa.
■ Năm 1968, sau Mậu Thân để an toàn cho cuộc sống nên gia đình anh phải di chuyển vào Huế.
▪ 1969 -1970: Cố Vấn Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên,
▪ 1970 - 1971: Ủy Viên Nội Vụ BHD/GĐPT Thừa Thiên
▪ 1972 - 1975: Trưởng Ban Tương Tế BHD Trung Ương GĐPTVN (UV HĐTN & XH)
■ 1976 - 1985: Gia đình di chuyển vào Túc Trưng, Phú Túc, Định Quán
▪ 1976 - 1984: Thời kỳ sinh hoạt chui, yểm trợ thành lập GĐPT Nam Sơn, Túc Trưng, Phú Túc, giúp đở GĐPT Phú Cường, Định Quán, Đồng Nai, mở Trại Huấn Luyện chui cho 2 GĐPT trên.
2) Nhân duyên nào anh gia nhập vào GĐPT? kể cho chúng em nghe vài kỷ niệm thời thơ ấu, thời Oanh Vũ.
Nhân duyên đưa anh gia nhập GĐPT có lẽ là Văn Nghệ, thời đó khoãng 1951 – 1952 Bác Phan Khắc Kiếm (mất rồi), Chi Hội Trưởng Chi Hội Phật Học Hải Lăng nhờ anh tổ chức Văn Nghệ gây quỹ xây dựng chùa Chi Hội, anh biết chút ít về ký âm pháp, sử dụng Accordion, Mandoline nên mạnh dạn nhận lời, và để hiểu biết về căn bản Phật Pháp, anh phải tìm sách báo Phật Giáo mà học hỏi, điển hình Nguyệt San Liên Hoa của Hội Phật Học Việt Nam Trung Việt, và sách Ánh Đạo Vàng , Đây Gia Đình, Kịch Thơ Thoát Ngục Vàng, Kịch đối thoại Mùa Gặt Ác, Suối Từ v.v của anh Võ Đình Cường nhờ vậy mà anh có vốn chút chút để soạn kịch, trực tiếp đạo diễn và tập cho các em trình diễn ca vũ nhạc, vô hình dung anh đã từ từ tiêm nhiễm (huân tập) tư tưởng Phật Giáo, sơ cơ về hiểu biết (trí tuệ) , tình thương (Từ Bi Hỷ Xả) v.v. vào thời ấy Thầy Thích Thanh Thùy giảng sư Hội Phật Học Việt Nam Trung Phần, Huế ra Diên Sanh thuyết pháp khiến anh bừng tỉnh, thích thú tìm hiểu và tu tập theo Phật Giáo. Sau những lần tổ chức Văn Nghệ lưu động gây quỹ xây dựng chùa, (vai Thái Tử Tất Đạt Đa, do Htr. Phan Tám đóng, hiện nay định cư tại Hayward, California Hoa Kỳ). Ban Trị Sự Chi Hội và anh em Đoàn Đồng Ấu (Gia Đình Phật Hóa Phổ) mời anh thành lập GĐPT Hải Thiện, Hải Lăng, là 1 trong 3 đơn vị GĐPT đầu tiên của tỉnh Quảng Trị:
1/ GĐPT Quảng Thiện tại Thị Xã Quảng Trị,
2/ GĐPT Phước Huệ tại Thị Xã Đông Hà
3/ GĐPT Hải Thiện tại Diên Sanh, Hải Lăng, là tiền thân của bốn GĐPT: Diên An, Diên Bình, Diên Chính và Diên Phước.
Từ dạo ấy vì nhu cầu Phật sự của Chi Hội Phật Học Hải Lăng anh phải nhận phụ tá Chi Hội Trưởng và là thành viên của Đoàn Đại Biểu Tỉnh Hội Phật Học Quảng Trị (1953 – 1963) tham dự hầu hết các Đại Hội Phật Học Trung Phần; rồi đổi danh xưng Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần tại chùa Từ Đàm, Huế, sau này Hội đổi danh xưng GHPGVNTN. Về Lam sự anh nhận nhiệm vụ LĐT GĐPT Hải Thiện, anh không qua các ngành Oanh, Thiếu và Thanh cho nên không có kỷ niệm thời Oanh Vũ. Một trong những Oanh Vũ thời gian ấy, hiện nay là Htr. Cấp Tấn TÂM XẢ Trần Đức Mười là Gia Trưởng GĐPT Diên Bình, Diên Sanh, Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị. Thời Thanh, Thiếu Niên anh ham chơi: Bóng Đá, Bóng Chuyền, Bóng Rổ, Bóng Bàn, Bơi lội v.v... Nhờ ham chơi thể thao nên bây giờ sức khỏe của anh không đến nổi nào so với những người đồng tuổi.
■ 1955 - 1975: Anh tham dự hầu hết Đại Hội Gia Đình Phật Tử Toàn Quốc: Đà Lạt, Nha Trang, Quy nhơn Sai gon, Đà Nẳng, ngoại trừ Đại Hội Toàn Quốc tại chùa Xá Lợi 1961 anh vắng mặt, lý do Nhạc Phụ qua đời ngay trong thời điểm ấy.
Sau đây anh tham gia các Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng:
▪ 02/1955 Trại Trưởng Trại HLHT Thiện Thệ (được kể như là A Dục 1 tại Diên Sanh, Hải Lăng).
▪ 05/1956 Trại Trưởng trại HLHT (xem như Lộc Uyển 2 tại Hà My)
▪ 06/ 1956 Trại Trưởng Trại HLHT (tức Lộc Uyển 3) tại Đông Hà,
▪ 07/1956 Trại Trưởng trại HLHT (tức Lộc Uyển 4) tại Kim Thạch.
▪ 1957: Trại Trưởng HLHT (tức Lộc Uyển 5) tại Diên Thọ
▪ 1958: Trại Trưởng HLHT (tức Lộc Uyển 6) tại Long Hưng
▪ 1961: Trại Trưởng HLHT Cấp I, A Dục 2 tại Hà Xá.
▪ 1962: Trại HLHT LU 9 tại Gio Linh, Trại HL/HT LU 10 tại Bồ Bản.
▪ 1962 Trại HLHT Cấp I, A Dục 3 tại Hà Xá,
▪ 1964: Trại A Dục 4, Trại Lộc Uyển 11.
▪ 1965: Trại Lộc Uyển 12, Trại Lộc Uyển 13 (12b)
▪ 1966: Trại cấp I, A Dục 6, Trại Cấp II, Huyền Trang 1 tại La Vang, (1)
Trong thời gian này chính quyền kỳ thị tôn giáo nên các anh huynh trưởng công chức, sỉ quan không tiện làm Trại Trưởng mà chỉ nhận làm Giảng Viên cho nên giao cho anh làm Trại Trường hầu hết các Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng. Một trong số Trại Sinh Trại HL/HT từ Lôc Uyển, qua A Dục cho đến Trại Huyền Trang, tiếp theo được giới thiệu tham dự Trại Vạn Hạnh 1 tại Đà Lạt nay là Htr Cấp Dũng TÂM TỰU Sử Thành, hiện sinh hoạt trong Ban Thường Trực Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Dũng GĐPTVN.
Sau đây là những kỷ niệm vui, buồn khó quên trong thời gian anh sinh hoạt trong GĐPT tại VN:
▪ 1955: Anh tham dự Trại Đoàn Trưởng Kiều Trần Như tại chùa Bảo Quốc Huế, anh Võ Đình Cường, Trại Trưởng, anh Hồ Viết Lợi, Đời Sống Trại, anh Nguyễn Sỷ Thiều, Quản Lý (3 người đã mất). Đêm Lửa Trại rất vui nhộn sau những màn văn nghệ của Trại Sinh, BQT yêu cầu mỗi người làm một câu tiếp nối vịnh về “Anh Thiều Quản Lý Trại”, các anh chị trong BQT, HLV góp lời vịnh: anh Thiều Quản Lý tợ Tề Thiên, nhưng có người đề nghị đổi lại: Anh Thiều Quản Lý giống Tề Thiên, miệng méo răng hô ngó cũng phiền, tay cầm thước khẻ không ngay thẳng, tàn tàn tật tật giống thằng điên. Quý anh lớn yêu cầu anh Thiều ngâm lại. Không do dự rất thản nhiên vui cười không tỏ vẻ buồn giận, anh Thiều từ từ ngâm lớn từng tiếng đến câu kết: tàn tàn tật tật giống thần tiên, làm cho cả Trại cười ầm lên và vổ tay tán thưởng vang dội trong đêm yên tỉnh của chùa Báo Quốc.
▪ 1958: Sau khi tổ chức Lễ Đài lộ thiên Đại Lễ Phật Đản tại Sân Vận Động Diên Sanh, Hải Lăng, bị chính quyền kỳ thị tôn giáo, kiếm cớ hộ tịch đưa ra Tòa Án Sơ Thẩm Quảng Trị phạt giam anh 3 tháng, tuy gián đoạn sinh hoạt với đoàn thể Áo Lam, nhưng ngay ở trong tù anh vận động thành lập NIệm Phật Đường và xin cho anh em Phật Tử được ăn chay, tụng kinh, niệm Phật ngay trong Trại Cải Huấn (lao xá) Quảng Trị , người nấu cơm chay cho anh em là chị Bùi Thị Sành (tù nhân) đầu bếp tù, hiện nay ở tại chợ Diên Sanh, Hải Lăng, Quảng Trị.
▪ 1960: Nhân vụ Binh Chủng Nhảy Dù đảo chánh do Đại Tá Nguyễn Chánh Thi chủ trương bị thất bại, Công An kiếm cớ tống giam anh tại nhà tù Quảng Trị, cùng bị giam giữ có anh Trần Quang Toản (đả mất) Phó TBHD/ Quảng Trị và một số anh em Phật Tử.
▪ 1963: Công cuộc đòi bình đẳng tôn gtáo & công bằng xã hội của Phật Giáo Việt Nam bị chính quyền đàn áp, bắt bớ, anh cũng bị bắt giam tại Ty Công An và Lao Xá Quảng Trị, cùng bị bắt có anh Nguyễn Khắc Ủy (đã mất) Trưởng BHD/Quảng Trị và một số ACE
▪ 1966: Cuộc vận đông đòi hỏi bầu cử chính phủ dân sự và quốc hội lập hiến do GHPGVNTN tổ chức, dược Quân Dân Cán Chính Miền Trung ủng hộ cho nên chính quyền quân sự trung ương, phái quân đội ra đàn áp và bắt bớ nhiều người giải về Sai gòn trước khi đày ra đảo Phú Quốc, trong số đó có anh bị bắt giam giử tại Trại Bình Hòa, Hóc Môn, Gia Định, gặp anh Lương Hoàng Chuẩn (đã mất) và một số anh em bị câu lưu, hằng đêm tụng kinh, niệm Phật, không có chuông mõ, thì dùng lon sữa bò và Càmèn thay thế, sau đó anh Lương Hoàng Chuẩn bị đưa ra Phú Quốc trước, đến khi giải tán trại giam mới đưa anh ra Phú Quốc sau, khi xuống sân bay Phú Quốc gặp anh em quân nhân được trả tự do, vai đeo balô, chuẩn bị về đất liền và nói: tụi này nay đã về, bây giờ anh mới ra thì đến khi nào mới được về… ngay lúc đó anh Mai Đình Nam (đã mất) Phó Trưởng BHD/Thừa Thiên (Sỉ quan Quân Lực VNCH) cũng bị câu lưu, đến đưa anh vào gặp Ông Giám Đốc Trại Cửu Sừng, Dương Đông, Phú Quốc, giới thiệu anh là nhân viên hành chánh xin cho anh làm việc tại V/P, nhờ vậy anh khỏi đi làm tạp dịch, khỏi đi đốn cây vác gổ về làm cầu , làm lán trại, nhưng không gặp lại anh Lương Hoàng Chuẩn vì ảnh đã về đất liền rồi. Sau một thời gian làm việc tại V/P, tích cực phục vụ cho anh em can nhân được Ông Giám Đốc Trại tin tưởng, cho nên anh xin Ông Giám Đốc Trại cho anh em can nhân hầu hết là Phật Tử (PT): quân nhân PT , học sinh PT, sinh viên PT, thanh niên PT, công nhân PT và một số du đảng Saigon Chợ Lớn được ăn chay và đi chùa Lễ Phât. Anh là người chịu trách nhiệm đưa anh em đi chùa và anh cũng là chủ sám buổi Lễ vì chùa không có vị thầy Trụ Trì mà chỉ có quý bác chăm lo hương khói. Anh tuy bị đày ra Phú Quốc, nhưng cảm thấy như đi dự Trại công tác Phật sự vậy.
3) Em được biết anh là Dân Biểu trước 1975 đã được anh em áo Lam bầu lên tại Quảng Trị, kể cho chúng em những kỷ niệm đẹp nhất đời Dân Biểu của anh.
Nói đến bầu cử thì phái nói là phiếu bầu của đa số dân chúng, chứ không phải chỉ có GĐPT, nhưng nhờ ACE GĐPT anh mới đắc cử. Nhân đây một lần nữa TT/TĐM xin gửi lời cám ơn đến ACE áo Lam đã đề cử và tích cực vận động giúp anh và xin cám ơn đồng bào ủng hộ anh trong một hoàn cảnh cực kỳ nguy khó , điển hình như chính quyền Tỉnh họp Ban Ngành công khai chống đối anh, Thầy lại rút lời ủng hộ anh, nhưng đến ngày công bố kết quả bầu cử tại Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị. Ứng Cử Viên thất cử đến bắt tay chức mừng: “Tôi thành thật chúc mừng anh, tôi tưởng anh thất cử ngay từ lúc đầu…”
Tiếp theo đây những kỷ niệm đẹp nhất không quên trong đời Dân Biểu của anh phục vụ đồng bào. Qua những lần “thăm dân cho biêt sự tình” cùng với anh em nằm ngủ và tâm sự đến khuya trên vạt giường tre trong các Trại Tạm Cư tỵ nạn chiến tranh 1972, 1973 của đồng bào Quảng Trị chạy vào tạm cư tại Đà Nẵng.
▪ Sau một thời gian công tác giúp dân có kết quả, được các thành phần trước đây vì tranh cử nên trở thành đối lập, nay lại tỏ tình cảm mến anh, điển hình Ông Lý Kỷ (Đại Việt) ở Xuân Lâm, Hải Lăng tổ chức buổi cơm thân mật ngay trong Trại Tạm Cư vùng Hòa Khánh, Đà Nẵng mời anh tham dự cùng sự hiện diện của bà con láng giềng.
▪ Kỷ niệm khó quên, chính quyền các cấp lắng nghe lời tố cáo của anh đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào, điển hình các vụ cứu trợ đồng bào các Trại Tạm Cư tại Tỉnh Thừa Thiên, mỗi lần anh đến gặp Tỉnh Trưởng Đại Tá Tôn Thất Khiên để yêu cầu giải quyết những mất mát thực phẩm, thiếu sót quyền lợi của đồng bào, Đại Tá Khiên liên gọi điện thoại khiển trách vị Quận Trưởng liên hệ và hứa với anh 2 ngày sẽ trả lại cho đồng bào những thiếu mất ấy, quả thật có nơi chỉ 1 ngày sau đã nhận lại vật phẩm bồi hoàn, vì vậy anh bận rộn không ít đi đến tận các Trại Tỵ Nạn tại Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín, Long Khánh, Bình Tuy… họ đã yêu cầu anh can thiệp, nơi nào anh đến là nơi đó đồng bào đều vui mùng vì sự can thiệp của anh có kết quả, tuy bận rộn, mệt mỏi mà vui, vì đã đem niềm vui đến cho đồng bào trong lúc lưu trú tại các Trại Tỵ Nạn thiếu thốn mọi bề.
▪ Vụ gạo nylon có người chưa hiểu rõ cho rằng: hạt gạo nylon đắt tiền hơn gấp mấy lần gạo trắng tại sao đem ra cứu trợ, lại còn bị tố cáo ăn bớt của dân. Nhân tiện đây anh xin giải thích để giải đáp những ai còn thắc mắc vụ gạo Nylon. Vì các chuyến tàu chở gạo từ Saigon ra Đà Nẵng đều có chở hạt Nylon nguyên liệu để làm bao, bì, đồ vật gia dụng nhưng có những bao tải bị rách, hạt Nylon rơi rới cọng chung với gạo đổ hốt . gọi là “gạo hốt hầm tàu”, qua một thời gian gạo bị mục nát, thời giá bằng 5% gạo tốt, sở dĩ có vụ gạo nylon vì chính quyền Đà Nẵng đem “ gạo hốt hầm tàu “ ấy cấp phát cho đồng bào tỵ nạn, loại gạo không thể nấu thành cơm, chỉ dành nuôi gia súc . Sau khi nhận được tin do anh em cho biết sự việc như trên, anh liền đến gặp Đại Tá Khôi, Thị Trưởng Thành Phố Đà Nẵng trình bày những sự việc và nhờ giúp đỡ cho đồng bào Tỵ Nạn, nhưng Đại Tá Khôi lại đổ lỗi cho chính quyền Quảng Trị trong lúc chuyên chở tráo đổi gạo xấu, vì vậy anh phải lên diễn đàn Quốc Hội tố cáo hành vi bất xứng của chính quyền Đà Nẵng và mở cuộc họp báo tại Hạ Nghị Viện nhờ ngành truyền thông phổ biến. Sau khi anh tố cáo, chính quyền Trung Ương liền cử một phái đoàn Liên Bộ: Xã Hội - Kinh Tế - Tài Chánh từ Saigon ra điều tra tận nơi, kết quả 3 Trưởng Ty: Xã Hội, Kinh Tế , Tài Chánh Đà Nẳng bị cách chức, tống giam 3 Nhà Thầu cung cấp loại gạo hốt hầm tàu, bồi hoàn cho dân Quảng Trị tại các Trại Tạm Cư mười mấy ngàn tấn gạo và cả trăm triệu tiền nước mắm (lâu ngày quên mất số liệu chính xác) anh rất vui mừng kết quả của sự can thiệp của anh, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, báo chí lại đăng tin đại ý: trong một buổi sáng uống Café với các ký giả, Đại tá Khôi Thị Trưởng Thành Phố Đà Nẵng cho biết: trong 3 Dân Biểu đơn vị Quảng Trị có một Dân Biểu gốc Hoa, bà vợ làm Đại Bài Gạo vì đấu thầu không được nên tố cáo sai vì hạt Nylon đắt tiền hơn gạo trắng…….”. Để làm sáng tỏ sự việc, tại diễn đàn Quốc Hội anh xác nhận tôi là người Việt gốc Hoa, vợ tôi tên là Hàn Túy Anh không làm Đại Bài Gạo, yêu cầu Bộ Tài Chánh sưu tra Môn Bài có tên vợ tôi làm Đại Bài Gạo hay không? và đặt vấn đề với hành pháp tại sao? một sự việc do tôi tố cáo chính quyền Đà Nẵng làm thiệt hại đến sự sinh sống của Đồng Bào Tỵ Nạn chiến tranh đã được chính quyền Trung Ương đáp ứng, cử một phái đoàn Liên Bộ Xã Hội – Tài Chánh – Kinh Tế ra điều tra tận nơi, kết quả cách chức 3 Trưởng Ty Xã Hội, Kinh Tế và Tài Chánh, tống giam 3 Nhà Thầu cung cấp gạo mục nát, bồi hoàn cho đồng bào Quảng Trị mấy chục ngàn tấn gạo và hằng trăm triệu đồng tiền Nước Mắm, một việc làm sáng tỏ như dưới ánh mặt trời, tại sao người chịu trách nhiệm là Đại Tá Khôi Thị Trưởng Thành Phố Đà Nẵng không bị khiển trách, lại huyên hoang tố ngược tôi vì tranh ăn nên tố cáo bậy… Để cho nhân dân tin tưởng chính sách của chính phủ, tôi yêu cầu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện trực tiếp hỏi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, phủ đầu rồng có bao che hay không ?. Chiều hôm ấy anh Đoàn Mạị, nguyên Trưởng Ty An Ninh Quân Đội, Dân Biểu Đơn Vị Đà Nẵng gọi điện thoại cho anh : anh Minh ơi! bớt giận đi , chiều nay Đại Tá Khôi đã bàn giao chức vụ Thị Trưởng rồi, và cám ơn anh, về vụ Chợ Cồn Đà Nẵng mà tụi này (3 Dân Biểu Đà Nẵng) xeo bứng… không được… Hiện nay anh Đoàn Mại và gia đình định cư tại California. Thời gian này, những ai theo dõi báo chí đều biết những sự việc như trên. Và kỷ niệm đáng nhớ của anh là những công tác với tư cách dân biểu dược chính phủ đáp ứng, dân chúng thương mến điển hình qua thủ bút bài thơ:
“Đồng bào Xã Hải Trường, Kính tặng Ông Tư Đồ Minh Dân biểu Quốc hội “ :
Ông lo đời đạo gánh hai vai,
Tư quốc tư dân ấy chí trai,
Đồ thượng vô biên tuấn mã tiến,
Minh danh bất phụ hảo tâm khai,
Dân tình kết ý không lầm lẫn,
Biểu lộ đồng tình ít có ai,
Quốc vận thăng trầm thân vị quốc,
Hội này càng rõ kẻ mắt tai./.
Kính tặng. (Thủ bút bài thơ)
▪ Anh giúp anh chị em Thương Phế Binh, Cô Nhi Quả Phụ và đồng bào can thiệp với Bộ Xã Hội kịp thời giải quyết những hồ sơ bị để lâu ngày cấp phát gấp cho các đương sự, kết quả nhiều người được lãnh ngân khỏan trợ cấp nhanh chóng mà không còn bị điều kiện hay trở ngại gì cả.
▪ Sở dĩ anh làm được những việc như trên là nhờ sinh hoạt với GĐPT tu tập ba đức tính : Bi Trí Dũng , nay gặp thuận thời thuận thế của tư cách một Dân Biểu Quốc Hội mà không giúp dân giải quyết những việc tuy không lớn lao gì nhưng liên quan đến đời sống của dân thì mình có hổ thẹn với lương tâm hay không? và để không phụ lòng ACE GĐPT và đồng bào đã tin tưởng nơi anh.
4) Anh rời VN năm nào? hiện ngụ ở đâu? quá trình sinh hoạt của anh tại Hải Ngoại.
Anh và gia đình rời VN ngày 11/12/1985, đến Toronto ngày 12/12/1985 theo diện con bảo lãnh, sau 5 lần dọn nhà, hiện nay cư trú tại nhà số 47 Henrietta St, Toronto, ON M6N 1S4 và sau đây là sinh hoạt của anh tại Hải Ngoại:
▪ 1986-1987: Cố Vấn Chuyên Môn GĐPT Vạn Hạnh , Toronto.
▪ 1987-2006: Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Canada.
▪ 1993-1997: Phó Trưởng Ban Điều Hợp Trung Ương GĐPTVN tại HẢI NGOẠI ▪ 1997-2000: Ủy Viên Xã Hội BHD Lâm Thời GĐPTVN/ HẢI NGOẠI.
▪ 2000-2004 Ủy Viên Xã Hội Ban Hướng Dẫn GĐPTVN/ HẢI NGOẠI kiêm Trưởng Nhóm TNHVQH (Nhóm Tự Nguyện Hướng Về Quê Hương ), Đại Diện BHD/GĐPTVN/HẢI NGOẠI tại CANADA
▪ 2004-2008: Ủy Viên Xả Hội BHD/GĐPTVN Thế Giới
▪ 2008 Thọ Cấp DŨNG tại Đại Hội GĐPTVN Thế Giới ở Ấn Độ ▪ 2006-2012: Đại Diện BHD/GĐPTVN/HN/CAN kiêm TNTNHVQH.
▪ 2012 - 2016: Phó Trưởng BHD/GĐPTVN Thế Giới Đặc trách Hải Ngoại. Cố Vấn BHD/GĐPTVN Hải Ngoại.
▪ 2006 đến nay: Cố Vấn BHD/GĐPTVN/CANADA.
▪ 2016 đến nay: Uỷ Viên Giám Kiểm Hội Đồng Thường Trực Huynh Trưởng Cấp Dũng GĐPTVN.
Anh đã tham dự 4 Kỳ Đại Hội GĐPTVN/THẾ GIỚI và 6 Kỳ Đại Hội GĐPTVN/HẢI NGOẠI
5) Theo em được biết, anh còn là một thiền sinh Dòng Tiếp Hiện, theo Sư Ông Làng Mai tu tập nhiều năm nay. Anh có thể thuật cho chúng em nghe một ngày tu tập của anh như thế nào?
Anh ăn trường trai, hằng ngày anh thức dậy 5 giờ30 sáng, làm vệ sinh xong, ngồi thiền khoảng 20 phút, tụng kinh, lễ Phật khoảng 1 giờ 30 phút, đến 10 giờ đêm ngồi thiền trước khi đi ngủ, hằng tháng tuần đầu ngày Chủ Nhật tham dự một ngày Tụng Giới từ 9:30 đến 17 :30. Anh luôn luôn thực tập nụ cười và hơi thở có ý thức , áp dụng luôn cả lúc đi đường như đi thiền hành, ngồi trên Subway hoặc đợi xe Bus cũng theo dõi hơi thở (trị liệu) để được thân tâm hợp nhất, an tịnh, làm việc không vội vàng, hấp tấp, gặp chuyện không vừa ý, liền theo dõi hơi thở, học hạnh lắng nghe, ngôn ngữ từ ái,, không thành kiến, không phản ứng, không phê phán, việc gì đi nữa cũng từ từ giải quyết. Mỗi khi tâm hành khởi niệm tiêu cực , bình tỉnh quán chiếu, nhờ vậy anh bớt ham muốn, bớt nóng giận v.v, đem an vui cho gia đình và những người xung quanh, thành quả quá trình của sự tu tập là anh có chuyển hóa chút chút...
6) Mọi người đều nói rằng bên cạnh người đàn ông thành đạt là người đàn bà tuyệt diệu. Hảy kể cho chúng em nghe về người bạn đời của anh từ lúc….người đâu gặp gỡ làm chi… cho đến tay dẫn tay bồng và rồi đến nay tóc bạc chấm vai…
Nàng tên là Hàn Túy Anh, pháp danh Tâm Thông, sinh 02/02/1935 tại Huế từ thơ ấu theo gia đình ra Diên Sanh mở tiệm thuốc Bắc, gia đình anh cũng có tiệm thuốc Bắc nên dễ gặp nhau, và có những buổi cùng cô em gái anh Tư Đồ Bích Liên chơi đàn Mandoline, đến lúc nàng tròn 17 xuân xanh là anh rước nàng về dinh sống chung rồi , sản sinh 9 người con (7 trai và 2 gái), hiện còn 5 trai và 2 gái + 2 rể & 4 dâu đều có gia đình riêng cùng 10 cháu nội và 3 cháu ngoại , gia đình anh hiện có 28 người. Bà Xả anh tính tình hiền hậu, không ngồi lê đôi mách, chịu thương chịu khó, không những lo liệu việc nội trợ, chăm sóc con cái mà còn quán xuyến công việc buôn bán, làm ăn của một thương gia hạng trung tại Diên Sanh, sau khi vào Huế cũng thêm việc : quản lý lò Mỳ Điện sản xuất các loại bánh mỳ v.v. , có những lúc anh vắng nhà cả tháng trời lo việc GĐPT do mở liên tục các Trại Huấn luyện Huynh trưởng và các Trại Họp Bạn toàn Tỉnh, tổ chức và tham dự các Đại Hội v.v. ở lại chùa Tỉnh Hội cả mấy tuần lễ là chuyện thường, sở dĩ anh yên tâm hoạt động Lam sự như vậy là nhờ có Bà Xã đảm đương mọi việc của gia đình, hơn nữa anh cẩn trọng vấn đề thân giáo, không có lem nhem tai tiếng gì nên Bà Xã tin tưởng, vui vẻ chấp nhận cho anh luôn vắng mặt, để đi lo công việc GĐPT.
7) Những kinh nghiệm nào anh muốn truyền đạt cho đàn em hải ngoại.
Thật ra anh chẳng có kinh nghiệm gì mới mẻ, chẳng qua anh siêng năng tu tập, áp dụng Phật pháp vào đời sống. Ví dụ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” có nghĩa là những việc ác chẳng nên làm, không những không sát hại, đánh đập sinh mạng còn không nói lời độc ác, căm thù, gây chia rẻ, lưởi hai chiều, dối trá, vu khống có thể khiến người ta đau khổ, đưa đến thương vong đều là việc ác chẳng nên làm. Chúng thiện phụng hành có nghĩa là những việc thiện cứu người cứu vật, phóng sinh, giúp đở người già bệnh tật cô đơn, trẻ em mồ côi bệnh tật, hoạn nạn tai ương, nói lời dể thương, an ủi, xây dựng tổ chức, phục vụ đàn em qua sinh hoạt GĐPT đều là việc thiện nên làm. Ngoài ra đối với người thương, mình phải biết cách tưới hoa, chứ không nên tưới rác, khiến cho gia đình huyết thống càng thêm an vui và hạnh phúc.
Cùng Phóng viên TN/HNT thân mến!
Đến đây anh đã trả lời xong 7 câu hỏi của Phóng Viên, thật ra khuôn khổ cuộc phỏng vấn của KỶ YẾU KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP BHD/GĐPTVN/CANADA làm sao diển tả hết chi tiết các sự kiện của một đời người. Một lần nữa cho anh gửi lời cám ơn ACE và mọi người đã giúp anh trong việc đạo cũng như việc đời cho nên anh mới đạt dược những thành tựu khiêm tốn như trên.
Cám ơn,
TÂM TRÍ Tư Đồ Minh
♥ Hảy cùng nhau khám phá cuộc đời ANH TÂM ĐĂNG:
1) Kính xin anh cho chúng em được biết sơ lược những nét chánh về anh ? (cầm tinh con giáp nào, sanh quán tại đâu, năm gia nhập GĐPT, … tất cả những gì anh muốn nó)
Trước hết, anh xin cám ơn em, đã có nhã ý giớI thiệu anh đến anh chị em Lam viên Hải Ngoại. Nói về mình, mà sẽ phổ biến rộng rãi trên “ báo chí, kỷ yếu v.v.” là điều anh cảm thấy hơi e ngại, nhưng trong Tình Lam, chân thật, có biết, có hiểu mới có thương, cho nên anh cũng thấy an tâm mà trao đổi chút tâm tình. Xin bốn phương niệm tình tha thứ.
Anh sinh năm 1939, tuổi con mèo, sắp bước qua tuổi tây 79 và tuổi ta 80. Anh sinh tại Huế, hiện có gia đình và vì tánh anh thích Số chẳn nên Gia Đình anh có: 2 vợ chồng, 2 trai, 2 gái, 2 dâu, 2 rể, 2 cháu nội trai, 2 cháu nội gái, 2 cháu ngoại trai, 2 cháu ngoại gái và chưa có 2 , chỉ có 1 cháu cố ngoại trai. Hì hì.
2) Nhân duyên nào anh gia nhập GĐPT ? Kể cho chúng em nghe vài kỷ niệm thời thơ ấu, thời oanh vũ...
Năm 1949, Gia đình anh di chuyển vào Thành Phố Hội An, Quảng Nam sinh sống. Năm 1950 anh tham gia Sinh Hoạt GĐPT Chơn An, tại Hội an, do Htr Lý Trường Trân làm Liên Đoàn Trưởng. Năm 1952, Tham dự Trại Huấn Luyện Đội Chúng Trưởng tại Chùa Tỉnh Hội Đà Nẳng, do Phái Đoàn BHD Trung Ương GĐPT VN tổ chức. Có quý anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, Hồng Liên Phan Cảnh Tuân, Phạm Mạnh Cương .v.v trong Ban Quản Trại.
Vì Cuộc sống của Gia Đình, anh phải di chuyển nhiều và lần lượt tham gia các GĐPT như sau: Năm 1952: GĐPT Bồ Đề - Huế, Năm 1955: GĐPT An Lăng – Huế, Năm 1958: GĐPT Khánh Hòa, Nha Trang, Năm 1960: GĐPT Chánh Đạo, Sài Gòn, Năm 1965: BHD GĐPT Gia Định (NK 1). Năm 1970: GĐPT Kỳ Hoàn, Quy Nhơn, Năm 1973: Đoàn CHT Sài Gòn – Gia Định. – (Từ năm 1975 đến 1984: Gián đoạn sinh hoạt: tù Cải tạo tại Núi rừng Bắc Việt ). Cuối Năm 1991: Định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1992: Đoàn CHT San Diego, Hoa Kỳ. Năm 1993: GĐPT Chánh Kiến, San Diego, Năm 1995: GĐPT Hoa Nghiêm, San Diego. Năm 1996: BHD Miền Quảng Đức, và BHD GĐPT VN tại Hoa Kỳ, Năm 1997: BHD Hải Ngoại …cho đến nay. Tham dự 4 ĐH Thế Giới và 6 ĐH Hải Ngoại tại Đức, Ấn Độ và Thái Lan, Thọ Cấp Dũng năm 2016.
Kỷ niệm Áo Lam thì …trăm thương, ngàn nhớ …kể sao cho xiết !!
Tuy nhiên, nói về Kỷ niệm Áo lam mà anh nhớ nhất vẫn là vào dịp Trại Vu Lan, năm 1954, trong Khuôn viên Chùa Tỉnh Hội, anh là Đội Trưởng Đội Sen Đỏ đã được quen với Chúng Phó Chúng Sen Hồng….NGUYÊN HỒNG. Quen, quen mãi..rồi hiểu, rồi thương…cho đến 8 năm sau, năm 1962, mới được làm Lễ Phát Nguyện..không phải Phát Nguyện Đeo Hoa Sen, hay Phát Nguyện Thọ cấp …mà là PHÁT NGUYỆN TRỌN ĐỜI BÊN NHAU …Hì hì ..Chúng Phó Chúng Sen Hồng : NGUYÊN HỒNG, trở thành Bà Xã của anh từ ngày đó ..
3) Em được biết anh là Quan năm tàu thủy, làm thế nào anh có thể kết hợp được với đời huynh trưởng GĐPT ? Kể cho chúng em những kỷ niệm đáng nhớ (về sự phối hợp này). Và Sở thích của anh là gì ?
Cũng như những người Trai thời loạn !... Xếp bút nghiên lên đường cứu Nước
Anh lên đường nhập ngủ năm anh 18 tuổi, nhưng Anh là Lính Thủy “Ôm mộng Hải hồ” và cấp bậc sau cùng là “Quan Năm tàu thủy”... Vì anh thích “Ra khơi” cho thấy mặt trùng dương, cho thấy trời mênh mông, cho thấy đời viễn vông, cho thấy ta hải hồ !
Trong Quân chủng Hải Quân, anh đã từng làm Hạm Trưởng nhiều chiến hạm: Trợ chiến hạm, Y tế Hạm v.v... Con tàu đơn độc giữa biển khơi đầy bão táp. Phải sáng suốt và có những quyết định chính xác để có thể đưa con tàu vượt qua muôn ngàn bão tố, trở về bến Mẹ. Anh cũng đã từng làm Tham Mưu Trưởng cấp cao trong Quân đội. Vì vậy, anh đã đem những hiểu biết và kinh nghiệm có được trong Quân Đội, áp dụng vào sinh hoạt trong GĐPT, đặc biệt trong việc tổ chức, quản trị điều hành và hành chánh. Nói về kỷ niệm của sự phối hợp, hay đúng ra là nhận thức về sự kết hợp này, anh nghĩ rằng, giữa biển khơi mênh mông, trên con tàu đơn độc, các Thủy thủ đều có niềm tin và yêu thương lẫn nhau, sẳn sàng hy sinh và sống chết cho nhau, cùng góp sức bên nhau, vượt qua bao nhiêu khó khăn để sinh tồn, để bảo vệ bờ biển của Tổ Quốc... đó cũng chính là Tinh thần, là Tình yêu thương của Đoàn viên GĐPT, hy sinh và thương yêu nhau vượt qua mọi thử thách để phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc, như Tinh thần của Người lính thủy giữa biển khơi bảo vệ hải phận, giang sơn.
Về sở thích của anh: Ngoài việc học hỏi Phật pháp, Anh thích viết văn, làm thơ, nghiên cứu Tử vi đẩu số và... khiêu vũ. Lúc còn trẻ anh rất năng động, học nhu đạo, thái cực đạo, thích thể thao và là cầu thủ bóng rỗ của quân trường. Qua Hoa Kỳ, anh thích nghiên cứu học hỏi Computer, Web site và Sưu tầm, lưu trử Tài Liệu cơ bản Tổ chức và Hành chánh GĐPT, nền tảng pháp lý cho Thế hệ Lam viên mai sau.
4) Anh rời VN năm nào? hiện ngụ tại đâu? Quá trình sinh hoạt của anh tại hải ngoại.
Anh và Gia đình rời Việt Nam theo diện HO 9, tháng 12 năm 1991. Hiện sống tại Thành Phố San Diego, California.
Về Quá Trình Sinh hoạt GĐPT như anh đã nói ở trên…Về Đời sống dân sự . Năm 1991-1994 : Anh vừa đi học tại Grossmont College, vừa đi làm Ngành In ấn ..lúc mới đặt chân đến xứ lạ, đất khách quê người. Anh tốt nghiệp Đại Học Cộng Đồng ngành Quản Trị - Kinh Doanh. Năm 1995-2004: Anh làm việc tại Văn Phòng Bảo hiểm Xe Cộ và Nhân thọ, Chủ nhân là Anh Phan Trung Kiên, một Huynh Trưởng rất nhiệt thành và hy sinh cho Đạo pháp và GĐPT. Anh Kiên đã yễm trợ và dành ½ Căn phòng để làm Kinh Doanh, còn ưu ái hy sinh dành ½ Căn phòng kia, để làm Văn Phòng BHD Hải Ngoại và cung cấp mọi phương tiện máy móc, dụng cụ cho anh Tâm Huệ và Anh, phục vụ BHD Hải Ngoại, suốt thời gian Anh Tâm Huệ còn tại thế, từ năm 1995 đến năm 2009.
5) Những kinh nghiệm nào anh muốn truyền đạt cho đàn em hải ngoại ?
Theo anh, một Tổ chức, muốn duy trì, cần phải có KỶ LUẬT. Kỷ luật trong Quân đội rất khắt khe, nhờ sự khắc khe đó mà khi lâm trận, người lính tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh của Cấp Lãnh đạo. Trong GĐPT thì cũng có Kỷ luật, nhưng là Kỷ luật tự giác. Nhờ thâm nhập Phật pháp, vì là Tự giác nên Đoàn viên GĐPT luôn biết tôn trọng và hành xử tốt để Tổ chức GĐPT càng ngày càng vững mạnh. Anh mong Đoàn viên GĐPT phải ý thức và hành xữ đúng điều này. Điều thứ 2 mà anh muốn truyền đạt cho đàn em của anh là người Phật Tử nên lấy Giới luật làm căn bản và thường xuyên tu tập rèn luyện bản thân theo Giáo Lý Phật Đà để xây dựng Tổ chức, bảo vệ Đạo Pháp và Dân tộc. Hãy sống với nhau và thương yêu nhau bằng Tình Lam.
6) Mọi người đều nói rằng: “bên cạnh người đàn ông thành đạt là người đàn bà tuyệt diệu”. Hảy kể cho chúng em về người bạn đời của anh từ … người đâu gặp gở làm chi... cho đến tay dẫn, tay bồng và rồi đến ngày nay tóc bạc chấm vai.
Như anh đã trình bày ở trên. Anh và chị đều là Đoàn sinh GĐPT Chơn An, Hội An, Quảng Nam. Chị là Htr NGUYÊN HỒNG. Cũng là Người Huế như anh. Biết nhau từ lúc còn Oanh vũ lên đến Ngành Thiếu, Huynh Trưởng GĐPT. Chiếc Áo Lam hai đứa đã cùng mặc lúc tóc còn xanh, nay vẫn còn trên vai, nhưng tóc thì đã bạc màu.
Hai đứa vẫn song hành trên Đường Đời và Đạo. Hai trái tim vẫn mãi mãi hòa nhịp yêu thương. Cùng nhau tiếp nối hành trình Áo lam trong trắng. Anh thường xuất hiện ở mặt nổi, còn chị thì ở mặt chìm… là ngọn đèn trong bóng đêm cho anh đi... là giòng suối mát khi anh khát... là ánh mắt dịu dàng làm cho con tim anh khi giận hờn, nóng nảy trở nên êm dịu...
Chị là Cán Sự Điều Dưởng tại Bệnh viện Huế, Nha Trang, Quy Nhơn và Sài Gòn. Ý nguyện đem con tim và bàn tay giúp kẻ khổ đau, bệnh tật… nơi Nhà Thương và cuộc đời tràn đầy khổ đau.
7) Trong cuộc đời “sông nước hải hồ”, anh có làm rơi rớt những giọt lệ hồng nào chăng? (anh mà nói “no” là em nghi lắm đó, thành thật khai báo). Câu này là bonus… vì anh là nhà banh.
Câu hỏi này hơi khó, nhưng khó mà cũng dể... Vì tuy có... nhưng cũng như không, tuy không… mà thiệt ra là có. Trong cuộc đời này vừa có cũng vừa không. Mà có, thì cũng như không... Vì tuy có nhưng đã qua rồi thì… đâu còn có nữa ! Mà đã không còn có nữa, tức là không... Hì hì...
Chấp nhận có biển, thì phải chấp nhận có lúc biển êm, mà cũng có lúc biển có sóng gió. Con người thường tự an ủi hay biện minh bằng nhửng ‘’câu thần chú ‘’. Những lúc Biển ‘’nổi sóng’’ thì Bài hát ‘’HOA BIỂN’’của Lính Thủy, là câu thần chú cho những người Lính thủy, trong đó có anh, để xóa tan nổi buồn và đẹp lòng người yêu.
“Trùng khơi nổi gió, lênh đênh triền sóng… lắc lư con tàu đi”...
“Em ơi giận hờn, xin như hoa sóng tan trong Đại Dương!”
Hay trong bài “TÂM TÌNH NGƯỜI LÍNH THỦY”
“Mai tàu xa bến xin em đừng buồn,
Cho dù xa cách muôn nghìn đại dương
Hay lênh đênh qua nhiều bến,
Bao nhiêu đóa hoa chào đón
Vẫn không phai ước nguyện ban đầu ‘’
Em THỊ NGUYỆN thân mến. Đến đây là anh đã hoàn thành lời hứa trả lời Bài Phỏng Vấn của em. Một cuộc đời dài gần 80 năm mà chỉ gói ghém trong đôi giòng tâm sự..
Chiếc Áo lam đã làm cho anh em mình gần gủi và thân thương... Chiếc Áo lam đã làm cho mình hiểu được ý nghĩa cao thượng của cuộc sống... Hạnh phúc và Khổ đau như là 2 mặt của một đồng xu. Anh và em hãy cùng nhau hứa, giữ mặt HẠNH PHÚC của đồng xu, để cuộc sống được mãi mãi an vui, hạnh phúc, dưới ánh Hào Quang của Đức Thế Tôn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TÂM ĐĂNG Nguyễn Văn Pháp
♥ Sau cùng chúng tôi giới thiệu chị Tâm Minh, người chị hải ngoại được rất nhiều đàn em ngưỡng mộ:
Vài dòng tiểu sử của Tâm Minh Vương Thúy Nga
■ Tâm Minh (TM) ra đời ngày 17/4 /1939 tại Hội An , Quảng Nam , trong một gia đình trung lưu. Cha (Vương Quang, người Quảng Nam 100% ) và Mẹ (Trần thị Như Tú , người Huế 100%) _ Cha mẹ đều là nhà giáo.
Lúc nhỏ TM học ở trường Tiều học Hội An (có bạn cùng lớp Ba & lớp Nhì là Tâm Đăng Nguyễn Văn Pháp _ Năm 1948 ,TM và Tâm Đăng cùng sinh hoạt trong đoàn Đồng Ấu Phât Tử do anh Lương Trường Trân làm Đoàn Trưởng.)
■ Năm 1950 ,TM theo gia đình ra Huế (quê Mẹ) học tiếp bậc Tiểu học và Trung học ở trường Nữ Trung Học Đồng Khánh (Huế) cho đến niên khoá 1957 -1958 thì chuyển qua lớp Đệ Nhất B1 trường Quốc Học (vì Đồng Khánh chưa có lớp Đệ Nhất) . Lúc này Tâm Đăng học Đệ nhất B2 nhưng sau đã “theo tiếng gọi của Hải quân” ghi danh đi học lớp Sĩ quan Hải quân.
Sinh hoạt GĐPT ở Huế (1950 - 1966)
Ra Huế, năm 1950 TM xin gia nhập Gia Đình Phật Tử Gia Thiện, đưọc học Phật Pháp với Thầy Minh Châu, Thầy Chơn Trí , được các Anh Chị Trưởng hướng dẫn, như Chị Đặng Tống Tịnh Nhơn, chị Lương thị Đào, anh Lữ Hồ, anh Trần Kiêm Đạt, anh Nguyễn Sĩ Thiều, anh Đỗ Kim Bảng, anh Văn Đình Hy v.v...
Ngày thọ 5 Giới : Phật Đản 1954 (PL 2498)
Bổn Sư (truyền Giới) : Sư Bà Thích Nữ Diệu Không
Pháp danh : Tâm Minh
Khi ở Đoàn Liên Hương, TM lại được học Phật Pháp với Thầy Đức Tâm, Thầy Thiên Ân , sư Cô Thể Quán , SC Thể Thanh...Thầy Thiện Châu . Thời gian ở đoàn Liên Hương , TM và các Bạn được đào tạo thành Huynh trưởng dưới sự huớng dẫn của qúi Chị : Hoàng thị Kim Cúc, Đặng Tống Tịnh Nhơn, Lương thị Đào, Hoàng Tuy An ( em gái anh Hoàng Trọng Cang) , Hoàng thị Quỳnh Hoa, Đinh thị Lệ Minh… và năm 1958 TM chính thức phát nguyện làm Huynh Trưởng.
Từ 1958 TM đã về làm HTR. các đơn vị: Thuận Hoá (hậu thân của GĐPT Gia Thiện ) , GĐPT Từ Đàm.
Đã sinh hoạt với BHD Thừa Thiên , BHD Trung Phần... cho đến năm 1966; thời gian này TM có cơ hội làm quen với các Anh Chị HTR. các Tỉnh như anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ, anh Đằng, anh Luyên , anh Nhi, anh Giao ,chị Thu Nhi (Phan Thiết), anh Bạch Hoa Mai… và có tham gia BQT (huấn luyện viên) các Trại A Dục ở Quảng Trị [ trong BQT có chi Thu Nhi và trong số trại sinh có anh Sử Thành, anh Phan Đình Thăng, mà sau này anh Thành đã học Trại Vạn Hanh 1 /QN và anh Thăng là học viên Vạn Hạnh 2/QN cùng khóa với TM ]
■ Năm 1961,TM tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế (ban Lý Hoá) đuợc bổ nhiệm dạy tại trường nữ Trung Học Đồng Khánh Huế ..
Năm 1963 lập gia đình. Chồng là Phan Bang , PD Như Thông, cũng là một nhà giáo, quê ở Bình Định. [ để đáp ứng câu hỏI của anh Thị Nguyện , TM xin nói “cuộc nhân duyên” này chỉ là mối tình học trò, cũng do “trùng trùng duyên khởi” nhưng không có chi tiết nào giống tiểu thuyết hết J ]
Anh không phải là đoàn viên GĐPT ( Hướng Đạo sinh khi đang còn nhỏ) nhưng hiểu TM nhièu nên chưa bao giờ gây trở ngại cho việc TM tham gia trai mạc, đại hội v.v.của GĐPT. Thậm chí , năm 1961 (hay 62?) , Anh đang giữ chúc vụ Hiệu truởng trưòng Trung Hoc KonTum, và BHD/ GĐPT Kontum đang thiếu chức vụ Tưỏng Ban thì Chị Hoàng thị Kim Cúc chỉ thị ngay cho BHD/GĐPT Kon tum mời anh Bang làm TB ( cái này gọi là “bắt cóc” chứ không thể gọi là mời đuơc ! TM phản đối quá chừng nhưng Chị nói tạm thời mà thôi , Kontum sẽ nhanh chóng tổ chưc ĐH /HTR. …Quả thật sau đó có ĐHHTr. Và anh Thiết làm TB )
Từ 1966 đén 1984:
Đến năm 1966 ,TM xin thuyên chuyển vào Bình Định ; TM tiếp tục sinh hoạt với BHD/ GĐPT Bình Đinh (Phó Trưỏng Ban ngành Nữ) và sinh hoạt với GĐPT Kỳ Hoàn (Đoàn trưởng Đoàn Thíêu Nữ) _ Cùng Đơn vị có anh Phan Duy Thanh , chị Bùi Kim Tuyến… hiện nay vẫn còn sinh hoạt.
■ Về đời sống gia đình, TM dạy tại trường Nữ Trung Hoc Qui Nhơn ( NTH/QN) , làm Hiệu truởng tại đó 3 niên khoá ( 67-68, 68-69, 69-70 ) sau đó xin thôi và vẫn dạy tại trường NTH/QN cho đến tháng 3/1975. TM cùng với gia đình nhỏ vào Saigòn sống với cha me, đến khi Saìgon thất thủ, dân chỗ nào phải về chỗ đó thì TM trở về Qui Nhơn dạy lại trường NTH (lúc đó đã đổi tên là trường Phổ Thông Trung Học Trưng Vương) . Lúc này anh Bang phải đi “học tập” ở Kim Sơn (3 năm) TM với 4 con trên tay , đứa lớn nhất 10 tuổi và nhỏ nhất 3 tuổi , vẫn đi dạy ở đó cho đến năm 1982 thì xin thôi để vào sinh sống hẵn tại SG [phải kể cho rõ là có 1 năm học 79-80 ,TM phải thuyên chuyển đến dạy trường PTTH Tuy Phước cách Qui NHơn 10 km. Trong sô học sinh ở đây có một chú Tiểu , học giỏi,sau này TM gặp lại vị tu sĩ (là chú Tiểu ngày xưa) là đệ tử của Thầy Như Điển. [ Bởi vậy Thầy NĐ thuờng hay chê TM là “học trò chị đã tiến xa, đạt đuọc học vị này nọ rồi mà chị vẫn đứng nguyên tại chỗ ! TM muốn thưa Thầy : nghề dạy học, làm Thầy Cô giáo, là phát nguyện làm người đưa đò mà ! thiên hạ qua đò, lên bờ đi khắp thế gian còn người đưa đò thì vẫn ở “cây đa bến cũ “ ]
■ Từ sau 75 , TM vẫn sinh hoạt với BHD/GĐPT Binh Dịnh mặc dù BHD “sinh hoạt chui” nhưng hằng tuần GĐPT Kỳ Hoàn vẫn sinh hoạt , TM vẫn vừa SH với Đon vị Kỳ Hoàn và BHD/Binh Định cho đến khi xin nghỉ việc (năm 1982)
Từ 1983, TM sống ở Sàigòn, sinh hoạt với nhóm Huynh Trưởng Cao niên ( anh Từ, anh Lộc, anh Giao, chị Cúc… và làm quen với các Đơn vị GĐPT Saigòn Gia Định , GĐPT Thủ Đô qua sự giới thiệu của chị Cúc và anh Từ.
Về đời tư, TM dạy học ở nhà hoặc đến nhà vài học sinh mà phụ huynh mời từ năm 83 đén năm 1992 .
Sinh hoạt GĐPT : từ 1985 đến 1992 :
Tham gia BQT, làm HLV , các Trại HL Huynh trưởng của GĐPT Thủ Đô, anh Từ làm Gia Trưởng , và Nhóm Nữ Phật tử Liên Hoa .
Ban viên BHD / GĐPT Gia Định (thời gian anh Nguyễn Quang Tú làm Truởng Ban).
Huynh trưởng GĐPT Đức Phương (Chùa Giác Uyền _Saigon_ Đoàn Trưởng Thiếu Nữ)
Tham gia các BQT các Trại HL Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang của BHD/GĐPT Gia Định tổ chức.
Tham gia Trại Vạn Hạnh 2/QN
Trong Ban san định Tài liệu Tu học ngành Thiếu và ngành Thanh, và TL Huấn Luyện Huynh Trưởng (công tác do BQT giao phó cho VH2/QN sau ngày Kết Khoá Trại)
■ Tháng 11/1992: gia đình di chuyển qua Mỹ (em gái bảo trợ) định cư tại Houston, TX. Gặp lại ACE Huynh trưởng GĐPT nên tiếp tục sinh hoạt.
1993- 1998 : BHD Miền Tịnh Khiết Hoa Kỳ, UV Tu Thư , Phó Trưởng Ban Truyền Thống.
HTR. GĐPT Huyền Quang (Houston) từ 1993-1999 (Đoàn Trưởng Thiếu Nữ )
Đến năm 1999, bệnh tim trở nặng hơn trước (BS khuyên phải tránh xúc động , quá hưng phấn như reo hò, hát to … nên không thể sinh hoạt chơi đùa với các em như trước, xin chuyển qua GĐPT Linh Sơn gần nhà và chỉ dạy Phật Pháp chứ không cầm Đoàn nữa )
2000 - 2004 : BHD/GĐPT VN tại Hải ngoại (UV Giáo Dục)
BHD / TƯ/GĐPTVN tại Hoa Kỳ (UV Quản TRị HTR. và PTB Nghiên cứu Huấn Luyện 2 nhiệm kỳ : 96-2000 va 2000-2004)
HTR. GĐPT Linh Sơn Houston (phụ trách Phật Pháp) từ 1999 đến 2004 (đầu năm 2005 bệnh và sức khoẻ đã yếu kém nên đã xin nghỉ sinh hoạt ở Linh Sơn }
2004 – 2008 : Phó TB /BHD/GĐPTVN tại Hải ngoại (kiêm UV Giáo Dục)
BHD/ GĐPTVN tại HK sau Đại Hội hợp nhất (Phó TB Nghiên cứu Huấn Luyện )
2008 – 2012 : UV Giáo Dục BHD /TƯ/GĐPT VN trên Thế Giới
Tham gia trại Huấn Luyện HTr cấp 3 Vạn Hạnh 1/Hoa Kỳ ( Trại phó kiêm Trưởng khối Huấn luyện )
Thọ Tại Gia Bồ Tát Giới tại Bangkok Thái Lan , tháng 10 năm 2012 (PL 2556), Pháp tự: Phước Mỹ - (Bổn Sư Truyền Giới : Đường Đầu Hoà thượng Thích Đức Chơn)
Được phong cấp Dũng từ Lễ Phật Đản PL 2550 ( tháng 5/ 2006) [ QĐ số : 06012/ HDHN/QĐ ] - Sinh hoạt Hội Đồng Cấp Dũng Thế Giới
2012-2016: tham gia Trại HL Huynh Trưởng cấp III Vạn Hạnh 2 HN (Trại trưởng + Trưởng khối Huấn Luyện ) do BHD Hai Ngoại Tổ chức
Sinh hoạt HĐ cấp Dũng (UV Sách Tấn Tu Học & Phó TTK ) nhiệm kỳ 2012 – 2016 và 2016 - 2020
2017 : Tham gia việc Tổ chức Tu Học Bậc Lực I /Hải Ngoại ( Giảng viên và Bảo Huynh của Liên Chúng Âu Châu ) do BHD Hải Ngoại tổ chức .
Đó là những sinh hoạt của TM trong GĐPT VN từ thời thơ ấu cho đến lúc bạc đầu (năm nay TM đã 78 tuổi )
Hiện nay Bang-Nga sống chung với gia đình con gái ( có 7 cháu _ 1 Ngoại và 6 Nội vì TM có 3 trai 1 gái => có 3 cô dâu ngươi Bắc và 1 ông rễ người Nam ) các con cháu đều ở TX ( 3 đứa ở Houston, 1 đứa ở Dallas)
Lá Thư Kỷ Niệm.
Anh Thị Nguyện (TN) thân mến ,
Viết tiểu sử của Tâm Minh (TM) và nộp bài cho anh TN xong ,Tâm Minh chợt nhớ còn thiếu 1 câu trả lời nên vội viêt câu trả lời gởi qua ngay ; xong tưởng là đủ nhưng lại thấy còn thiếu vài kỷ niệm vui/buồn nên vội viết thêm lá thư này bổ sung .
Vào những năm 60, TM đã tham gia vao BHD /GĐPT Trung Phần nên hay đưọc đi theo phái đòan của BHD Trung Phần đến các Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng ở các Tỉnh , ví dụ Quảng Trị, Bình Định v.v... Hồi đó, TM mới ra trường , tuổi đời còn rất trẻ , mà các anh chị Huynh Trưỏng trại sinh ở các Tỉnh phần nhiều lớn tuổi hơn TM nên TM thuờng xưng “em” với ACE trại sinh. Năm đó, phái đoàn ra Quảng Trị, TM ở trong BQT của Trại A Dục , có cả chị Thu Nhi ( nay là Sư Cô Huệ Tâm) . Phần Phật Pháp do quý Thầy giảng, TM cũng như chị Thu Nhi và các Anh trong đoàn chỉ phụ trách phần chuyên môn như Cầm Đoàn hay những vấn đề của GĐPT .Mỗi người sau khi thuyết trình bài giảng thì phải tập cho Lớp 1 bài hát mới hay 1 bai hát truyền thống . TM tập cho lớp A Duc hát bài “Ngồi quây quần xem đây thiêu ai..” .Tập hát xong rồi, TM mới chia 2 phe hát thi, coi thử bên nào hát đúng hơn … lớp học rất vui và nghiêm chỉnh nhưng đến lần thứ 3 thì có 3 anh la to lên : Có ANH đây ( nguyên văn bài hát là “có em đây! Có em đây” !) TM liền nói : như vậy là phe này thua rồi _ Ba anh này là ai các Bạn biết ko? _đó là Sử Thành, Phan Đình Thăng và 1 “ông” nữa sau 75 TM mới gặp lại .
Còn chị Thu Nhi thì tập bài hát Sen Trắng nhưng giọng Chị là giọng Nam nên chị hát chữ “tày” thành chữ “tài” thế là bị mấy “Ổng” này theo chọc “tới bến” luôn
Đây chỉ là 1 chuyện rất nhỏ trong “rừng kỷ niệm” chuyện GĐPT qua ký ức mù suơng của TM ; nhưng đáng nhớ là vì hồi đó thì kêu ACE/TS ADuc là Anh/Chi, bây giờ, TS ADuc trẻ hơn con mình nhiều Trại sinh Vạn Hạnh có người còn phải gọi mìmh bằng Chị vì mình già hơn
Bây giờ là 1 kỷ niệm khác về những ngày Pháp nạn năm 1963 . Hồi đò mình giữ chúc vụ Ủy viên Thiếu Nữ BHD Thừa Thiên , ngoài đời thì mình đang là 1 gíáo sư Trung học, mình đang chấm thi Tú Tài I tại Trung Tâm Giám khảo đặt tại truờng Đồng Khánh. Hôm dó ngày 22 hay 23/8 / 1963 chùa Từ Đàm đã bị “thất thủ” , qúy Thầy và ACE Huynh Trưởng v.v... đã mất liên lạc với nhau và phần lớn đã “nằm” trong Nha Cảnh Sát _ cụ thể như em gái của TM vừa là sinh viên Phật tử, vừa là HTR./GĐPT Ba La Mật thì đã bị Cảnh sát xông vào nhà bắt đi ngay sáng sớm hôm 20/8 sau khi Từ Đàm bị “hốt” trọn về giam ở Nha Cảnh sát (CS) . Mình biết mình cũng sẽ đi vào đó... nhưng mình không biết rằng đã có lệnh bắt giam mình rồi mà ông Chánh chủ Khảo (lúc đó là thầy Hoàng Trung) lo mình sẽ hoảng hốt nên chưa cho mình biết... Thầy đến bên mình nói chuyện và hỏi thăm gia đình, mình nói: “ACE /GĐPT của con đã bị bắt hết rồi Thầy ơi, mấy hôm nay mưa to gió lớn, con lo không biết họ có đuợc ở trong nhà không… Con sốt ruột quá…” Thày nói “không ngờ chị can đảm vững vàng ghê , vậy tôi nói thật cho chị biết, tôi nhận giấy đòi bắt Chị từ hôm qua nhưng chưa đưa ; bây giờ Chị hãy cầm tờ giấy này và mảnh giấy ghi điểm đây đưa cho người CS đang chờ chị ở dưới lầu”… Mình đi xuống dưới lầu, quả nhiên có ngườì CS đợi; mình đưa mảnh giắy ghi điểm cho anh ta, ảnh cảm ơn và nói : Cô đi lấy ít áo quần và vât dụng cá nhân rồi ra xe đi về Nha (mình đang sống trong trường ĐK) . Mình đi ra xe và nhìn lui, các bạn đồng nghiệp đều ra cửa sổ trên lầu nhìn xuống và vẫy tay chào… mình thật quá cảm động . Có tiếng la to : Thúy Nga đi trước nghe, tụi mình sẽ vào sau… Mình đưa tay chào lại … không hề lo sợ điều gì đang đợi mình vì biết rằng các anh chị em mình đều “tụ họp” đông đủ trong đó rồi...
Mình không phải kể về những ngày “ở tù” đâu, chỉ kể một kỷ niệm rất dễ thương về tình nguời, tình đồng nghiệp trong những ngày Pháp nạn, mình thật may mắn nếm được mùi vị ngọt ngào của tình thuơng thuần túy của tư duy vô ngã (trong tập thể giáo sư ấy, có biết bao nhiêu người không cùng tiếng nói, không cùng tôn giáo, không cùng khuynh hướng chính trị… với mình, nhưng họ cùng chung một niềm lo âu, ái ngại cho nguời bạn đồng nghiệp đang gặp nguy cơ…)
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày ấy… mọi sự việc, hiện tượng, biến cố… đã xảy ra và qua đi như một cơn gió thỏang , như một giấc mộng… Thầy Hoàng Trung cũng đã rời khỏi thé giới này nhưng cứ mỗi lần gặp lại một người bạn của thời xa xưa ấy, TM thấy như mọi sự mới xảy ra ngày hôm qua… và “chứng ngộ” đuợc “Tính không thực có của thời gian, không gian” cũng như “khoảnh khắc và thiên thu không khác”
Xin tạm dừng đây anh Thị Nguyện nhé !
Thân ái,
Tâm Minh Vương Thúy Nga
Thưa các anh, các chị, và các bạn Lam viên thân mến,
BHD Gia Định có tặng mỗi đại biểu trong Đại Hội Huynh Trưởng Thế Giới Kỳ IV vừa qua một bức liễn: “Chung một Lý tưởng, trọn một đời Lam”. Bức liễn nầy gợi cho chúng ta nhiều vấn đề để suy tư, nhất là đối với những anh chị em huynh trưởng hải ngoại.
Làm thế nào để Lý Tưởng của người huynh trưởng GĐPT bền vững, không phai mờ ? Làm thế nào để chúng ta có thể “Trọn một Đời Lam” với thế giới vật chất hiện nay ? Dĩ nhiên, mỗi huynh trưởng sẽ có một câu trả lời riêng cho chính mình...
Qua bài phỏng vấn này, chúng tôi hy vọng đã phát họa được Chân Dung của Htr Tâm Trí, Htr Tâm Đăng và Htr Tâm Minh qua các giai đoạn thăng trầm của dòng đời thực tế với cuộc đời Lý tưởng. Ba cuộc đời đầy sóng gió với những trách nhiệm rất ư là khác biệt phải chu toàn, đã phủ trùm toàn bộ đời sống thực tế của người cư sĩ tại gia. Xuyên suốt bài phỏng vấn, các anh, chị tiền bối phải chăng đã vạch rõ cho chúng ta thấy chẳng có gì trái ngược, chống đối giữa dòng đời thực tế và cuộc đời Lý Tưởng? Đời và Đạo: tuy hai mà một. Hay nói cách khác: sống Đạo trong cuộc Đời! Mong mõi tất cả chúng ta, nhất là các bạn huynh trưởng trẻ hải ngoại có thể học hỏi được trong đây ít nhiều… để có thể sống “Trọn một đời Lam”.
Ấn Cát Tường Thân thương Chào nhau,
Thị Nguyện Huỳnh Ngọc Trọng
Phỏng Vấn 3 Huynh Trưởng Cấp Dũng Gia Đình Phật Tử VN Hải Ngoại - Thị Nguyện Huỳnh Ngọc Trọng