Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Giảng Sư Rāhula

27/11/201320:00(Xem: 18273)
06. Giảng Sư Rāhula
mot_cuoc_doi_tap_5


Giảng Sư Rāhula


Đức Phật nấn ná ở Kapilavatthu do có nhiều duyên sự phải giải quyết, nên hết mùa xuân mới cùng đại chúng trở về Kỳ Viên trong tiết trời đã bắt đầu nắng nóng. Tránh con đường xa lộ thương mãi, đức Phật và đại chúng đi theo những lối mòn trong các thôn làng, các sườn đồi và sơn lộ có nhiều cây xanh bóng mát.

Trên lộ trình này, đức Phật và đại chúng có nhiều chỗ phải dừng chân để nghỉ ngơi hoặc tá túc qua đêm. Và vào những lúc như vậy, thỉnh thoảng đức Phật cảm hứng thốt lên một vài câu nói nào đó nhưng không giải thích làm cho đại chúng rất thú vị, mà đồng thời cũng phải mệt mề đăm chiêu suy nghĩ.

Ví như có lần, đức Phật nói:

- Chà! “Nhờ vô thường” nên lá vàng lá lại xanh; “nhờ vô thường” nên hoa tàn rồi hoa lại nở. “Nhờ vô thường” nên hết tiết đông lạnh giá lại sang tiết Xuân ấm áp, dễ chịu...

Đức Phật bỏ lửng câu nói rồi bước đi.

Chư tỳ-khưu phàm tăng ở phía sau không ngớt bàn tán với nhau:

- Này, sao trước đây, đức Đạo Sư và chư vị trưởng lão thuyết giảng: Vô thường là khổ?

- Ai mà biết!

- Cái định luật nó vậy!

- Thì... thì lá vàng, lá xanh nó đâu có tri giác mà than khổ?!

Rồi họ lại tranh luận với nhau nhưng mà không đi đến đâu cả.

Lần khác, đức Phật lại nói trống không:

- Chà! Cái dòng suối này “chẳng có tác ý, chẳng có tư tác” gì mà nó chảy róc rách, róc rách nghe rất vui tai; nó lại còn biết lách bên này, len bên kia qua mấy kẽ đá, qua mấy mô đất... dường như có “thức tánh” đấy nhỉ?

Khi đức Phật đi xa rồi, một số vị tỳ-khưu còn ngồi lại bên suối, suy ngẫm câu nói vừa rồi của đức Phật. Chịu. Họ không giải thích được.

Hôm nọ, dừng chân nơi một khu rừng im mát, thiên hô vạn hát là chim, là tiếng chim... như là một khúc hòa tấu du dương tuyệt vời của bà mẹ thiên nhiên...

Đức Phật lắng nghe một hồi rồi nói:

- Chà! Con chim này “tư tác” hót kiểu này, con chim kia “tư tác” hót kiểu kia. Trăm ngàn cách. Trăm ngàn loại. Nhưng không biết chúng có tranh âm, tranh giọng với nhau chăng? Tự nhiên như thế chăng? Hòa hợp như thế chăng?

Thường thì sau câu nói của đức Phật, các bậc thánh lậu tận mỉm cười còn chư phàm tăng thì nhăn mày. Có một số vị vây quanh tôn giả Moggallāna hoặc Ānanda để mong nghe vài lời kiến giải thông tuệ; nhưng các ngài thường nói:

- Chỉ có đức Đạo Sư mới biết rõ lúc nào là đúng thời, đúng duyên nhất để lý giải những điều ấy.

Một số vị lại đến vây quanh tỳ-khưu Rāhula, vì họ “nghe nói” con trai của đức Phật đã thành tựu cứu cánh phạm hạnh để mong một sự chỉ giáo.

Tôn giả Moggallāna hướng tâm một lát là đã biết sự thật: “Tỳ-khưu Rāhula ‘thọ hành’ đã sắp mãn, đức Phật cốt ý bộ hành về Kỳ Viên để Rāhula nhập diệt trước sự chứng kiến của đại chúng tăng ni cùng hai hàng cư sĩ áo trắng! Những câu nói cảm hứng của đức Phật, nhất là câu đầu tiên, chỉ có bậc thánh lậu tận mới giải thích được. Trong số chư vị phàm tăng ở đây có người khởi nghi tâm là Rāhula chưa đắc quả A-la-hán. Và đây là dịp đức Đạo Sư muốn tuyên dương trí tuệ như thực, vô lậu của Rāhula để phá nghi cho chư vị phàm tăng kia”.

Khi thấy rõ, biết rõ sự thực như vậy nên tôn giả Moggallāna nói với Rāhula:

- Hãy trả lời cho họ nghe đi, Rāhula! Chính đức Tôn Sư muốn để giành vinh hạnh ấy cho ông đấy!

Được sự chuẩn nhận, chấp thuận của vị thầy A-xà-lê khả kính của mình, tỳ-khưu Rāhula mới dám trả lời. Và đoạn đối thoại giữa họ như sau.

Tỳ-khưu Rāhula nói:

- Về câu nói cảm hứng thứ nhất của đức Đạo Sư về lá xanh, lá vàng, hoa tàn, hoa nở... là ngài muốn nói đến cái lý vô thường tự nhiên của trời đất. Nhờ có lý vô thường tự nhiên ấy mà vũ trụ này có thành, có trụ, có hoại, có không; và nhờ có hoại, có không nên mới có thành có trụ! Vậy, nếu không có định luật vô thường tự nhiên này thì một hạt bụi cũng không có mặt, cũng không được thiết lập; và ngọn Sineru hùng vĩ kia cũng không cơ sở để tồn tại! Cho nên, sự vô thường ấy, sự chuyển đổi, thay đổi, dịch hóa ấy nó làm nên vạn hữu, tạo tác nên vạn hữu, chứ không đưa đến dukkha (khổ)(1), thưa chư tôn giả!

- Thế sao đức Thế Tôn giảng về tam pháp ấn vô thường, vô ngã, dukkha (khổ) là định luật của tất thảy pháp?

- Đúng vậy! Nhưng chư tôn giả phải để ý là có hai cái saṅkhāra, hai cái “hành” hai cái “hữu vi”, hai cái tạo tác khác nhau. Cái saṅkhāra, cái “hành” cái “hữu vi”, cái tạo tác của thiên nhiên trời đất là cái tất yếu, cái không thay đổi được; nhờ nó mới có thế gian, thế giới, tinh hà, nhật nguyệt, núi sông, vạn hữu! Cái vô thường, vô ngã ấy không đưa đến dukkha (khổ) thưa chư tôn giả! Chính cái lăng xăng tạo tác, cái saṅkhāra, cái hành, cái hữu vi của tâm niệm, của các trạng thái tâm lý, cụ thể là của thương ghét, buồn vui, tham muốn, giận dữ, đố kỵ, tị hiềm... hằng chục cái thay đổi, chuyển dịch vô thường ở trong tâm niệm mới đưa đến dukkha (khổ) này! Hãy hiện quán, hãy minh sát cái saṇkhāra, tức là của hành trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức là chư tôn giả sẽ thấy biết như thực như vậy!

Tỳ-khưu Rāhula giảng thế xong, không biết bao nhiêu là lời xít xoa bàn tán, khen ngợi, tán dương:

- Chà! Một vị thốt lên - thật là tuyệt vời!

- Cảm ơn “trưởng lão”!

- Thật không có gì rõ ràng như thế nữa!

- Minh nhiên! Như thị!

- Chỉ có bậc thánh lậu tận mới tường minh được như thế!

Rồi họ hỏi tiếp qua câu hỏi thứ hai:

- Thế còn cái dòng suối?

- Không tư tác, nó róc rách...?

- Không tác ý nó len lỏi...?

- Dường như nó có thức tánh?

Tỳ-khưu Rāhula mỉm cười:

- Xem nào, này chư tôn giả! Đất có chỗ cao, chỗ thấp; nước ở chỗ cao chảy xuống chỗ thấp là cái tự nhiên. Khi chảy xuống, tuôn xuống, do nó va đập vào đá nên có tiếng róc rách, đấy là cái tự nhiên. Cái dòng đang chảy bị một mô đất, một rễ cây, một lèn đá chặn ngang thì nó phải tìm cách len lỏi sang lối khác, đó là cái tự nhiên. Chẳng có tác ý, tư tác, thức tánh gì ở đó cả. Không những là những hiện tượng ấy, mà cho chí chuyện dịch hóa mưa nắng, ngày đêm, nóng lạnh, chuyển đổi bốn mùa; rồi ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú đến sông biển, ao hồ, muôn sinh, thảo mộc... đều bị chi phổi bởi những định luật tự nhiên của trời đất cả thảy. Những định luật ấy không có dukkha; chỉ có định luật nhân quả nghiệp báo mới đưa đến dukkha, thưa chư tôn giả! Giáo pháp của đức Tôn Sư xây dựng, kiến lập ở chính chỗ này, ngay tại chỗ này: Thấy rõ dukkha và chấm dứt dukkha ấy!

Chư vị tỳ-khưu xung quanh có vị bủn rủn, bàng hoàng; có vị bần thần suy nghĩ; có vị hỷ lạc phát sanh do thấy được giáo pháp bất tử.

- Vô cùng tri ân “trưởng lão”.

- Chúng tôi đã được vén mở con mắt pháp rồi đó!

Im lặng một lát, tỳ-khưu Rāhula nói tiếp:

- Còn tiếng chim các loại, các giống, thân hình, màu sắc, giọng hót khác nhau là do nghiệp khác nhau. Nếu trăm ngàn thảo mộc khác nhau từ cây, đến lá, từ hoa đến trái là do hạt giống khác nhau thì tiếng chim có sự khác nhau là do nghiệp khác nhau.

- Vậy tiếng chim có tư tác không?

- Có đấy, nhưng tư tác rất nhỏ nhiệm, đôi khi chỉ ở một vài giống chim có thức tánh cao; còn đa phần là do bản năng chi phối, và bản năng chính là quả dị thục do nghiệp tạo từ trước.

- Có loài chim cu ghét nhau tiếng gáy nên chúng thường tìm cách đấu nhau, hót tranh tiếng nhau để tranh giành lãnh thổ, làm oai cô mái!

- Có như vậy đấy!

- Không chỉ làm oai với cô mái mà còn gọi bạn, báo động nguy hiểm, báo động an toàn, báo động có thức ăn... thì sao?

- Có thể do tư tác hiện tiền mà cũng có thể do bản năng! Thất khó biết địch xác điều ấy, khi mình không phải là chim! Và nhất là mình không phải là đức Chánh Đẳng Giác.

Mọi người cười vui, hoan hỷ.

Có vị cắc cớ hỏi:

- Những cái thấy biết vừa rồi của “trưởng lão” do đâu mà có, trong lúc trưởng lão tuổi còn thanh niên, thọ đại giới vừa được một năm?

Tỳ-khưu Rāhula mỉm cười:

- Thưa, một phần do học hỏi, một phần do chiêm nghiệm, một phần dường như có sẵn từ quá khứ, như tự dưng mà biết thế thôi!

Moi người dường như ai cũng thỏa mãn, hoan hỷ toát ra ngoài mặt.

Tôn giả Moggallāna bước lại, tán thán:

- Đức Thế Tôn đi đã xa rồi! Nếu không ngài cũng phải khen ngợi, tán dương những kiến giải thông tuệ và uyên bác của “giảng sư” Rāhula!

Tỳ-khưu Rāhula cúi đầu:

- Đệ tử không dám!

Chư phàm tăng hôm ấy họ mới thật sự tâm phục, khẩu phục, kính trọng, tôn trọng Rāhula.



(1)Ở đây cần ghi chú thêm một lượt nữa. Dukkha thường được dịch là khổ, thường không nói hết nội dung ngữ nghĩa của nó. Có thể tóm tắt trong ba nghĩa chính: Một, tấm thân vật lý thường bị đau nhức, bệnh tật, già lão, tử vong... nên gọi là dukkha. Hai, sự biến đổi, thay đổi của các trạng thái tâm lý như buồn vui, thương ghét, nóng giận, khổ lạc...chi phối chúng ta nên đưa đến dukkha. Ba, sự bất toại nguyện, bất như ý, rỗng không, bất toàn của thế gian pháp nên gọi là dukkha.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 3440)
Một mùa Thành Đạo nữa lại về. Thành Đạo là tên gọi của sự kiện chứng ngộ Niết Bàn . Một lầ nữa, lòng chúng ta lại rộn lên niềm hân hoan chào đón ngày Đức Thế Tôn hoàn thành công phu tu tập của Ngài, công phu chuyển đổi vọng tâm để Niết Bàn hiển lộ.
29/03/2013(Xem: 3814)
Trong Việt Nam Phật Giáo sử luận, tập một, khi bàn về sự liên hệ giữa thiền và thi ca, giáo sư Nguyễn Lang viết: “Thi ca không có hình ảnh thì không còn thi ca nữa, cũng như đi vào lý luận siêu hình thì thiền không còn có thể là thiền nữa”
14/12/2012(Xem: 6919)
Bản-thể-của-Phật còn gọi là Như Lai Tạng, Phật Tính, Pháp Giới, Chân Như... (tiếng Phạn là Tathagatagarbha), là một khái niệm quan trọng của Đại Thừa Phật Giáo.
19/06/2012(Xem: 6554)
Những khi mà tâm hồn tôi bị hoang mang và dao động trước những thống khổ của con người do chính con người gây ra, những lúc đó tự nhiên những câu thơ của Bùi Giáng, những câu thơ mà một thời tôi đã từng say sưa đọc lại có dịp sống dậy trong tâm hồn buồn bã của tôi:
04/03/2012(Xem: 46334)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
02/01/2012(Xem: 2922)
Đức Thế Tôn thành đạo bằng con đường nào? Bằng con đường chí thiện, có nội dung đoạn trừ các lậu hoặc, để thành tựu Niết-bàn và giáo hóa chúng sanh. - Điểm Đến Chí Thiện Sau những ngày từ bỏ vương cung, cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, làm người xuất gia, Thế Tôn nói: “Mặc dù cha mẹ không bằng lòng, than khóc nước mắt đầy mặt, ta vẫn cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống thoát ly gia đình. Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, đi tìm con đường vô thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh”.[1]
25/12/2011(Xem: 3027)
“Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài hãy thuyết pháp! Bạch đức Thiện Thệ, xin Ngài hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu những vị này được nghe Chánh pháp họ sẽ thông hiểu” Theo kinh Āriyapariyesana, sau khi đức Thế Tôn thành đạo, Ngài chiêm nghiệm và quán chiếu sâu vào pháp do Ngài mới chứng được, là sâu thẳm, là vi diệu, cao quý, siêu lý luận, chỉ có người trí mới thấu hiểu, còn phần nhiều chúng sanh thì đam mê ái dục, chạy theo ái dục, khómà thấy được pháp lý duyên khởi, khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh…
08/01/2011(Xem: 2639)
Bạn có nghĩ rằng ta là người vĩ đại và quan trọng? Dĩ nhiên, hầu hết chúng ta đều nghĩ thế, ít nhất ra là vào một thời điểm nào đó. Nhưng mà rất khó để ôm giữ cái cảm giác quan trọng đó nếu bạn chịu khó suy xét đến cái thế giới không gian huyền diệu mà con người lần đầu tiên vừa thăm dò đến. Ta hãy nhìn nó như thế này:
07/01/2011(Xem: 2460)
Chiều 28-12-2000, phi trường Quốc tế Indra Gandhi, New Delhi rộn rịp đầy bóng những tăng ni sinh Việt Nam với những bó hoa tươi nhiều màu trên tay, những đôi mắt long lanh ngời sáng, những nụ cười hoan hỷ luôn nở trên môi… tất cả đang rộn ràng, hớn hở, chờ đợi đón phái đoàn hành hương từ Việt Nam sang do HT. Thích Trí Quảng, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự Thành Hội TPHCM, và Tổng Biên tập báo Giác Ngộ làm trưởng đòan.Tháp Đại Giác ghi dấu sự thành đạo của đức Phật
05/01/2011(Xem: 2813)
Ngược dòng thời gian hơn 25 thế kỷ, kể từ thời điểm trọng đại đánh dấu một chiến công lẫy lừng trong lịch sử nhân loại, một con người bình thường bằng đấu tranh nội tại đã tự mình vượt thoát khỏi mọi sự trói buộc của khổ đau sanh tử luân hồi. Một đại vĩ nhân xuất hiện. Những lời tuyên bố đầu tiên của Ngài mãi mãi về sau vẫn là một khúc ca khải hoàn, chấm dứt trường chinh chống bọn giặc Ma vương phiền não, đưa một con người từ phàm phu lên vị trí một Bậc Giác ngộ, Bậc Đạo Sư của trời người. Từ đó nhân gian tôn xưng Ngài là Đức Phật -- Bậc Giác ngộ tối thượng. Và như thế, hằng năm đến ngày mùng tám tháng chạp, mọi người con Phật trên khắp năm châu đều nô nức đón chào một sự kiện lịch sử: Đức Phật Thích Ca Thành Đạo. Hòa với niềm vui chung của muôn loài, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa Thành Đạo của Đức Bổn Sư.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567