Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Lễ Đức Phật Thành Đạo

05/01/201118:21(Xem: 4058)
Ý Nghĩa Lễ Đức Phật Thành Đạo
Phat Thanh Dao

Ý NGHĨA LỄ ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO

TT Thích Trí Quảng

 

Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm Ngày Thành đạo của đức Phật Thích Ca nhưng theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày đức Phật Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch. Riêng đối với tôi, ngày tháng Thành đạo là ngày nào không quan trọng mà vấn đề chính chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa của sự Thành đạo. Kỷ niệm đức Phật Thành đạo theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm để cùng tiến bước trên con đường chánh pháp, xây dựng cuộc sống an lạc tốt đạo đẹp đời.

Trong phần chính yếu của kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới diễn tả Thiện Tài đồng tử đi cầu đạo, bằng niềm tin trong trắng, đầy đủ phước đức, Thiện Tài trải qua 110 thành gặp 50 thiện tri thức hay đủ các gương mặt tốt xấu của thế gian. Tuy có thật nhiều kinh nghiệm, Thiện Tài gạt bỏ lại phía sau tất cả những gì của cuộc đời để cuối cùng vẫn giữ được nét trong trắng của tâm thanh tịnh ban đầu nên Ngài mới gặp được đồng tử Đức Sanh và đồng nữ Hữu Đức. Học đạo với Đức Sanh và Hữu Đức rồi, Thiện Tài đến ra mắt Di Lặc Bồ Tát, tiêu biểu cho ý nghĩa hành giả có đầy đủ đức hạnh, trên bước đường tu gặp việc đáng buồn không buồn, đáng giận không giận, trải qua bao nhiêu khó khăn phiền lụy, lòng không chút bợn nhơ. Hành giả có đức hạnh hành đạo đến cuối cuộc đời, tóc vẫn xanh mă1t vẫn sáng mà kinh diễn tả bằng hình ảnh trẻ thơ là đồng tử Thiện Tài suốt đời cầu đạo bằng tâm hồn ngây thơ trong sáng. Từ tâm thanh tịnh không thay đổi, khế hợp với Đức Sanh và Hữu Đức, Thiện Tài mới thâm nhập Phật đạo gặp được Di Lặc Bồ Tát là người giữ tạng báu Như Lai, kinh Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Lô Giá Na lâu các. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ tu thế nào cho thành tựu đức hạnh vì chỉ có đức hạnh mới là nhịp cầu đưa chúng ta đến với Di Lặc Bồ Tát, người tiêu biểu cho đức hạnh đệ nhất, được Phật Thích Ca thọ ký làm người thừa kế Ngài ở Ta Bà trong đời vị lai.

Thiện Tài với tư cách hài nhi trong trắng gặp Di Lặc Bồ Tát dạy cho pháp giải thoát như huyễn theo đó mọi vật, mọi việc trần gian nói chung là các pháp đều huyễn hóa, đều do tâm chúng ta biến hiện ra mà thôi. Thâm nhập pháp như huyễn, trở về bản tâm thạnh tịnh, Thiện Tài thấy Tỳ Lô Giá Na lâu các xuất hiện. Tỳ Lô Giá Na lâu các gồm cả bốn phần nhân, hạnh, quả, đức của Phật Thích Ca mà kinh Pháp Hoa gọi Pháp thân thường trú. Tòa lâu các của đức Thích Ca Mâu Ni để lại, chúng ta phải hiểu là tòa vô hình tồn tại vô lượng kiếp không mất. Tòa lâu các hay Bảo sở là kho báu của Phật làm bằng gì, làm thế nào mà đức Phật tạo được? Trong kinh Pháp Hoa có nói đức Phật từ vô số kiếp trước hành Bồ Tát đạo, cảm thành thọ mạng, thành tựu Pháp thân nghĩa là Ngài đã tạo kho báu vô hình. Thực vậy, cuộc đời đức Phật trang nghiêm toàn bằng chất liệu đạo đức tri thức nên thọ mạng của Ngài vĩnh hằng bất tử. Đức Phật tu Bồ Tát pháp không phải một ngày một buổi cũng như Thiện Tài đồng tử phải vượt 110 thành tham học với 50 thiện tri thức hay trải qua 50 chặng đường cũng đồng nghĩa vượt thoát 500 do tuần đường hiểm sanh tử trong kinh Pháp Hoa mà tâm Bồ đề vẫn kiên cố, đức hạnh vẫn tròn đầy mới gặp Di Lặc Bồ Tát mở cửa cho vào Tỳ Lô Giá Na lâu các. Còn những người thấp chí bạc tài, sợ hành Bồ Tát đạo dài lâu, nửa đường muốn thối lui thì muôn đời vẫn ở trong sanh tử luân hồi. Riêng tôi, ý thức sâu sắc lời Phật dạy rằng chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay lăn lộn đủ trong các loài không biết mệt mỏi nhàm chán giống y như người đam mê cờ bạc đánh hết ván này lại tiếp tục ván khác, thật phí công vô ích. Quán kỹ điều này tôi rất ngán sợ, tự nghĩ chỉ nếm mùi ba ván cờ sanh tử trong cuộc đời là quá đủ rồi.

Từ vô lượng kiếp đức Phật hành đạo tích lũy công đức, mỗi lần tái sanh, Ngài lại đưa thêm vào kho tư lương phước đức trí tuệ nên dẫn đến kết quả trong hiện đời Ngài có thể lực khỏe mạnh, trí lực siêu việt và điều kiện sống thật cao tột mà bao người thế gian ước mơ. Riêng chúng ta tự xét mỗi đời tái sanh tạo thêm công đức hay nghiệp chướng? Trên bước đường tu, kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta phải cải tạo ngay trong tâm mình. Khi còn nhìn tha nhân bằng đôi mắt không thiện cảm, tự biết mình còn chất chứa nhiều nghiệp ác cần phải xóa bỏ, sám hối cho đến khi nhìn người với tâm hồn thanh thản và cao hơn nữa khởi được tâm đại bi đối với người chống phá mình. Đức Phật dạy hành giả thực tu theo dõi cải thiện tâm là chính vì tất cả diễn biến bên ngoài tốt xấu đều tùy thuộc nơi tâm chúng ta sanh khởi. Chính đức Phật hành đạo dưới dạng tâm, từ vô lượng kiếp đến nay Ngài hành Bồ Tát hạnh, quán sát nghiệp chướng trần lao quá khứ thế nào để hóa giải, chuyển thành công đức. Ai phát tâm tu Bồ Tát đạo được đức Phật nuôi lớn tâm này nên mỗi ngày tâm họ gần Phật hơn, việc của họ cũng giống Phật hơn. Mỗi lần đức Phật tái sanh, tiếp tục hành Bồ Tát đạo cộng thêm sự hành đạo của quyến thuộc, có bao nhiêu người tốt theo Ngài thì việc tốt của Phật trở thành bội số nhân, cứ như vậy mà hành động thánh thiện của đức Phật ảnh hưởng cho người làm tốt theo cho đến kiếp, hiện tại Ngài thành bậc Vô Thượng Đẳng Giác, trong tất cả loài, không loài nào mà Ngài không hiện hữu, không xả bỏ sinh mạng. Dưới kiến giải của Phật huệ, Ngài nhận ra được thân ta trong hiện tại là kết hợp thân của lục thú tứ sanh trong quá khứ và ngược lại trong thân của chúng sanh cũng có thân ta. Nói khác, từ phần vật chất xa đến vật chất hiện tại có liên hệ hỗ tương mật thiết đến độ Phật quán thấy tất cả hợp nhất, trong một chứa tất cả. Xa hơn nữa về tinh thần, Ngài cũng thấy tác động qua lại giữa các loài, điều này dễ hiểu như thực tế người thân buồn, ta cũng buồn theo, họ vui ta cũng vui theo. Từ liên hệ vô hình đó, đức Phật hành Bồ Tát đạo đồng cảm với chúng sanh để giải buồn cho họ, tùy hỷ với chúng sanh để mang thêm nguồn vui, tạo thành hạnh ban vui cứu khổ. Với quá trình tu hành từ vô lượng kiếp, đức Phật tổng hợp được liên hệ sắc thân hữu cơ và liên hệ tình cảm vô hình giữa Ngài và chúng sanh tạo thành Pháp thân hay Tỳ Lô Giá Na thân nghĩa là thân tổng thể bao hàm muôn loài. Trước kia, Thiện Tài chỉ thấy thân Phật giới hạn trong một đời nhưng nay trải qua quá trình vượt 113 thành học đạo với 53 thiện tri thức, Ngài thấy được thân tổng thể Tỳ Lô Giá Na thì Di Lặc Bồ Tát khuyên Thiện Tài nên cầu học một lần nữa với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Khi Thiện Tài vừa khởi ý niệm cầu đạo thì Văn Thù Sư Lợi cách xa 110 do tuần đưa tay đến xoa đầu thọ ký Thiện Tài. Từ khởi đầu tham phương cầu học, Thiện Tài được Văn Thù khai ngộ và thâm nhập được Tỳ Lô Giá Na lâu các rồi trở ra, Thiện Tài lại gặp Văn Thù gia bị lần thứ hai, nói khác Thầy ở giai đoạn một dạy chúng ta bằng ngôn ngữ tiến đến gặp Thầy ở trong pháp giới dưới dạng tâm. Ở dạng tâm hay nhìn bằng trí tuệ, tất cả thông thành một cõi, không còn chướng ngại, không còn chia chẽ từng quốc độ riêng biệt. Điều ấy có thể tạm hiểu như ngày nay chúng ta dùng viễn vọng kính dễ dàng quan sát mọi vật ở các vì sao, cũng vậy nếu chúng ta nâng độ sáng của cặp mắt tâm linh, chúng ta sẽ thấy pháp giới của Phật. Vì vậy Thiện Tài chỉ cần khởi tâm, Văn Thù Sư Lợi liền hiện hữu bên cạnh, bấy giờ Văn Thù và Thiện Tài cùng ở chung trên pháp tánh. Trong bể pháp tánh hay Tỳ Lô Giá Na biến chiếu mà quan sát mới nhận chân được rằng tất cả cảnh tốt xấu phải trái đều do tâm tạo, tâm có khả năng biến khắp pháp giới, khởi niệm ác liền có ác, khởi niệm thiện có thiện, chân lý này được đức Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm qua bài kệ:

Nhược nhơn dục liễu tri

Tâm thế nhứt thiết Phật

Ưng quán pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo.

Tóm lại, đức Phật Thành đạo hay trên con đường trở về an trú nơi bản tâm thanh tịnh, Ngài nhận ra được quy luật "Nhứt thiết do tâm tạo" và trong suốt pháp hội Hoa Nghiêm, đức Phật đưa cho chúng ta mô hình tu dưới dạng tâm của Ngài trong quá trình hành Bồ Tát đạo từ vô lượng kiếp, Ngài chăm sóc nuôi dưỡng tâm thanh tịnh. Thiện Tài đồng tử cũng đi cầu đạo theo lộ trình đó, tham học với 53 thiện tri thức tiêu biểu cho hành trình dấn thân giáp mặt với tất cả thành phần trong xã hội đến khi tâm thuần thiện, đầy đủ tâm đại bi mới được Di Lặc Bồ Tát mở cửa Tỳ Lô Giá Na lâu các đưa tạng bí yếu của Như Lai. Tôi mong rằng Tăng Ni Phật tử cũng đi theo mô hình này, nhận được phần nào pháp yếu của đức Phật trao cho đến tâm khai mở, thanh tịnh ngõ hầu đến gần Tỳ Lô Giá Na lâu các của Di Lặc Bồ Tát hay đến gần Pháp thân của chính mình, đó là phẩm vật quý giá nhất chúng ta dâng lên cúng dường đức Thế Tôn trong mùa Thành Đạo PL 2537.

TT Thích Trí Quảng
Source: Nguyệt San Giác Ngộ

Tuyển Tập Kính Mừng Đức Thích Ca Thành Đạo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2017(Xem: 11265)
Giáo lý đạo Phật là gì? Giáo lý đạo Phật là phương tiện để điều trị thân bệnh và tâm bệnh, là dược liệu của sự chân thật giúp cho người bệnh hiểu rõ bản chất của sự thật, của chân tâm để đạt đến sự giác ngộ rốt ráo. Chúng sinh do tâm bệnh nên có thân bệnh phát tác và mãi trong chuỗi dài sinh tử luân hồi, con người phải trải qua bốn giai đoạn là sinh, già, bệnh, chết; là quy luật tất yếu của thế giới sinh – diệt, chúng sinh nào muốn liễu sinh thoát tử, phải điều trị bệnh bằng các bài thuốc mà đức Phật đã chỉ dạy.
22/05/2017(Xem: 54107)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
13/02/2017(Xem: 5670)
Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. (Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh)
05/01/2017(Xem: 13042)
Sao Mai từ góc trời lên Tử sinh đã dứt não phiền đã tan Mười phương thế giới hân hoan Mừng đấng Chánh Giác với ngàn lời ca. Mừng ngày Đức Phật thành đạo (8-12 âm lịch). Đây là hình ảnh rất thiêng liêng và cao quý đối với người Phật tử, vì đây là lúc thái tử Siddhartta Gautama đã tìm ra được đạo lớn sau 49 ngày thiền định miên mật dưới gốc cây Bồ Đề, và nhờ đó Phật giáo đã có mặt và tồn tại suốt 2600 năm qua, mang lại lợi ích cho vô lượng vô số chúng sinh.
01/10/2016(Xem: 8049)
Vào khoảng năm 1978, chùa chúng tôi xảy ra một biến cố làm cho tất cả mọi người có thêm kinh nghiệm về việc tái sinh và nghiệp báo. Nếu biến cố này xảy ra trước 1975 thì chắc những tờ nhật báo tha hồ khai thác để làm tiền thiên hạ, và chùa chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng không ít vì cảnh “dập dìu tài tử giai nhân” đua nhau tới chùa tìm hiểu sự vụ, hòng kiểm chứng những lời tường thuật của báo chí. Nhưng nhờ sự cố đã xảy ra vào một thời rất căng cho các chùa chiền, thêm nữa chùa chúng tôi ở nơi thật hẻo lánh trên núi thì ai biết được sự cố hy hữu đã xảy đến.
27/12/2015(Xem: 9621)
Lễ Vía Đức Phật A Di Đà 2015 tại TV Minh Quang Sydney, Úc Châu, Chủ Nhật 26-12-2015
02/06/2015(Xem: 14676)
Trước khi ôn lại Tiểu Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để người đọc nhận định dễ hơn về ngày tháng ghi trong tiểu sử của Ngài, chúng tôi xin nhắc lại là Đức Phật Thích Ca sanh vào năm 624 trước Tây Lịch. Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi vào năm 544 trước Tây Lịch. Sáu trăm hai mươi bốn năm sau, Tây Phương mới bắt đầu chọn năm sinh của Đức Chúa Jesus Christ làm khởi điểm cho Dương lịch. Như vậy tính đến nay là năm 2015 thì Đức Phật đã ra đời được 2,639 năm và chiếu theo Phật lịch khởi đầu từ năm Đức Phật viên tịch (năm 544 trước TL) thì Ngài đã nhập Niết Bàn được 2,559 năm. Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên ... từ xưa đều làm Lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng Tư Âm Lịch. Tên gọi tắt dành cho ngày Lễ Phật Đản là "Ngày mồng Tám tháng Tư" đã lưu truyền hằng bao thế kỷ, trở thành phong tục tập quán cổ truyền, ghi đậm vào tâm khảm của mọi người kể cả người theo hay không theo Phật giáo.
30/01/2015(Xem: 10031)
Hôm mồng 08 tháng 12 Âm lịch (27/01/2015), Tổ đình Thiền tông Thiếu Lâm Tự tổ chức nấu Cháo Bát Lạp, để dâng cúng dường Kỷ niệm ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, hoạt động này đã thu hút hàng trăm Phật tử tham gia chế biến món truyền thống với hương vị đặc trưng này. Hôm nay cũng là Lễ hội Cháo Bát Lạp nhân Kỷ niệm ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, được gọi là “Pháp Bảo Tiết”. Vào buổi sáng lúc 08 giờ 30 phút, Hòa thượng Thích Vĩnh Tín, Phương trượng Thiếu Lâm Tự, cùng đại chúng vân tập Đại Hùng Bửu điện cử hành cung phụng Pháp hội, những tình nguyện viên, thiện nam tín nữ Phật cầu Phúc.
29/01/2015(Xem: 5971)
Nam Mô Bồ Đề Thọ Hạ Đại Thắng Ma Quân Dạ Đổ Minh Tinh Đạo Thành Chánh Giác Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Sao Mai từ góc trời lên Tử sinh đã dứt não phiền đã tan Mười phương thế giới hân hoàn Mừng Đấng Giác Ngộ với ngàn lời ca.
27/01/2015(Xem: 8805)
DƯỚI GỐC CÂY NÀY, NẾU TA KHÔNG ĐẮC ĐẠO VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ, DẦU CHO TAN THÂN NÁT THỊT QUYẾT KHÔNG ĐỨNG LÊN. Lời nguyện vĩ đại trên Đức Phật đã đánh đổ tất cả thành trì, vương tước và khước từ cuộc sống vị kỷ, hạn hẹp tình vợ chồng con cái trong chốn nhung lụa, giàu sang của hoàng tộc. Lời nguyện siêu tuyệt trên Đức Phật đã băng rừng, lội suối trải qua bao gian khổ, nhọc nhằn hiểm nguy để tìm ra chân lý giải thoát khổ đau cho tất cả muôn loài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]