Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hãy là những người tu tập chân chính

12/03/202407:12(Xem: 2299)
Hãy là những người tu tập chân chính

Phat thuyet phap
chap tay


Hãy là những người tu tập chân chính

Trong thời gian qua, mà đỉnh điểm là trong những ngày gần đây, mạng xã hội đã lan truyền nhiều đoạn thuyết giảng của TT.TCQ, trụ trì chùa TTPQ, những nội dung mà cộng đồng mạng lên tiếng xuất phát từ những bài thuyết giảng của TT.TCQ mà theo như dư luận cho rằng không phù hợp, vô lý và không căn cứ. Bên cạnh đó, tín đồ Tự viện này cũng đã có nhiều bài phản ánh, bình luận là do cộng đồng mạng “cắt ghép, sai lệch ý nghĩa” và làn sóng tranh luận giữa hai phía vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước câu chuyện này, chúng ta cần nhận thấy những vấn đề sau đây:

1. Bài giảng của TT.TCQ đưa ra mục đích là muốn giáo huấn cho phật tử trở thành người hoàn thiện tuy nhiên những quan điểm nhân quả của TT.TCQ là dựa trên suy nghĩ, suy diễn mang tính chủ quan cá nhân và ấn định những kết quả chưa được kiểm chứng bởi trong triết học Phật giáo, nhân quả của đạo Phật là sự tạo tác của con người, là quá trình luân chuyển không ngừng nghỉ, trong quá trình đó, con người đóng vai trò trung tâm và chủ động, không hề có bất kỳ sự chi phối nào từ một quyền năng, từ một đấng tạo hóa, thần thánh  trong tiến trình tạo tác ấy, mà chỉ có con người và các hành động tâm lý của nó mà thôi.

Các tôn giáo nói chung đều có quan niệm khác nhau về nhân quả, đối với Phật giáo, nhân quả được hiểu: Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Trong thế giới tương quan duyên sinh, mỗi sự vật, hiện tượng đều có những nguyên nhân của nó. Nguyên nhân của một sự thể (pháp) gọi là nhân, và hiện hữu (pháp) của sự thể đang tồn tại là quả. Trong mối tương quan nhân quả này, mỗi hiện hữu vừa là nguyên nhân vừa là kết quả như sự tuần hoàn của mây, mưa, nước, hơi nước... Nguyên nhân chính (trực tiếp) của một hiện hữu gọi là nhân, nguyên nhân phụ (gián tiếp) có ảnh hưởng đến quả gọi là duyên (hay các điều kiện phụ thuộc); do đó, khi một sự việc, hiện tượng nào đó đến thời điểm sinh ra, chúng ta hiểu đó là đủ nhân - duyên - quả. [1]

Nhân quả có mối tương quan mật thiết, mà hằng ngày chúng ta vẫn luôn sống trong vòng quay của quy luật nhân quả từ những điều nhỏ nhất, như trồng lúa thì cho ra gạo, gạo nấu thì thành cơm; Sự rung chuyển địa chất gây ra động đất, sóng thần; Nấu nước thì nước sẽ nóng,…” nhân quả là mối tương sinh, sẽ biến đổi tùy vào duyên thuận hay duyên nghịch, nhân quả có thể đến hoặc không tùy vào sự tương hợp hay đối kháng, như trồng lúa sẽ cho ra gạo nhưng nếu gặp thời tiết nghịch mùa, côn trùng phá hoại thì cây sẽ chết, không thể thành gạo; Một người uống nhiều bia rượu có thể gây ra bệnh gan thận nhưng nếu tiết chế lại hoặc có phương pháp đề kháng thì sẽ cải thiện được sức khỏe, tránh được bệnh gan thận; Nấu nước nhưng điện bị hư, củi không cháy thì nước cũng không thể nóng chứ không có nghĩa cứ uống rượu bia thì chắc chắn sẽ bị gan thận, gieo lúa thì chắc chắn sẽ thu được gạo, nấu nước là nước sẽ nóng.

Vì vậy khi đưa thuyết nhân quả vào để áp đặt và khẳng định nó sẽ xảy ra điều đó trong môi trường đó, hoàn cảnh đó như cách TT.TCQ lý giải là chưa phù hợp nên dẫn đến những tranh luận trái chiều là điều không thể tránh khỏi.

2. Trước những bài viết, bình luận của rất nhiều phật tử TTPQ cho rằng những nội dung hình ảnh lan truyền trên MXH về TT.TCQ là cắt ghép không đủ ý, họ cho rằng người đọc không tinh tấn khi bị dẫn dắt bởi những bài cắt ghép. Thiết nghĩ một vị giảng sư trước hàng nghìn tín đồ thì điều quan trọng nhất là phải cẩn thận, chuẩn mực, chính xác trong từng lời nói, nhất là khi thuyết giảng về lĩnh vực Tôn giáo bởi đó là lòng tin tín ngưỡng của nhiều người. Lời thuyết giảng có thể giản dị, dí dỏm nhưng không được sai lệch, phản cảm, để không ai có thể cắt ghép mà xuyên tạc được. Chúng ta không thể đổ lỗi cho việc cắt ghép vì có nhiều người khẳng định khi xem toàn bộ bài giảng vẫn không thể đồng tình với những luận điểm, phán quyết về luật nhân quả theo cách của nhà sư. Khi dư luận phê phán, lên án, người giảng sư cần phải soi lại chính mình để điều chỉnh sao cho phù hợp, không nên để cho lực lượng tín đồ tỏa đi khắp nơi để cãi chầy cãi cối.

Vậy thì thay vì tín đồ tự viện này phải đi giải thích, chạy bài khắp MXH để “minh oan” cho TT.TCQ và phản bác người khác thì thiết nghĩ, người tu học nên tự quán chiếu lại mình, tìm ra nguyên nhân gốc rễ từ đâu mà người ta phải làm điều đó? Do mình sai hay do người ta xấu? Những người nói lên ý kiến đó là những ai? Những thành phần nào trong xã hội? Có thật sự là họ xuyên tạc hay họ đang nói lên quan điểm chính kiến của mình? Có câu nói “Một người nói bạn có thể họ sai, hai người nói bạn có thể họ nhầm nhưng nhiều người nói về bạn thì người ta nói đúng”.

3. Trong Tăng Chi Bộ Kinh (The Anguttara Nikaya/The “Further-factored” Discourses), Đức Phật có đưa ra 10 điều không nên tin, đó là:

- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay kinh điển.
- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.
- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
- Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.

- Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Vậy thì người tu học khi nghe lời thuyết giảng sẽ có quyền và nghĩa vụ tìm hiểu, cảm nhận, vận dụng sao cho phù hợp nhất những lý luận Kinh điển Phật giáo vào đời sống thực tiễn, những giáo lý chỉ có ý nghĩa khi người tu học cảm thấy điều đó giúp ích được cho họ trong đời sống nhân sinh, nếu họ thấy điều đó chưa thật sự thỏa đáng hoặc chưa hợp lý thì người ta có thể phản biện hoặc không vận dụng, một câu chuyện tâm linh hoặc đề tài xã hội sẽ chỉ dừng lại ở một mức độ tương đối chứ không thể đòi hỏi tính tuyệt đối, thống nhất từ tất cả người nghe. Khi chúng ta áp đặt, bắt buộc người khác phải tin tuyệt đối vào những điều suy diễn cảm tính cho dù là Kinh điển Phật giáo hay bất kỳ Tôn giáo nào cũng là điều không đúng.

4. Tín đồ tự viện TTPQ cho rằng việc cắt ghép lời giảng của TT.TCQ sẽ làm ảnh hưởng uy tín của nhà sư, thậm chí có ý kiến cho rằng “Nếu mình không chịu được thì làm sao Thầy Thích Chân Quang chịu nổi?”. Thiết nghĩ, đã là người tu hành, học Phật nghĩa là chúng ta đang hướng tâm mình đến trạng thái rỗng lặng, là bỏ qua những điều tiếng, là rèn giũa cho mình tính kham nhẫn trước mọi chuyện đục trong. Người tu sĩ thì phải khác với người phật tử, nếu có thị phi, chúng ta cũng xét vào từng mức độ để mà có cách chuyển hóa cho phù hợp, và xem đó như một cơ hội để thực hành tâm bồ đề, hướng đến giác ngộ, đoạn diệt tham-sân-si, đoạn diệt mọi hữu lậu. Thế nhưng nếu người tu vẫn chưa giữ được tâm an trước những biến cố, vẫn còn hơn thua, tranh luận miệt mài, vẫn còn sợ hãi đám đông, vẫn còn muốn giữ cho mình phần hơn, muốn mình phải luôn luôn đúng thì suy cho cùng, cái đúng đó cũng thành sai.

Hơn nữa, đây cũng là dịp để chúng ta, những tín đồ tự viện nhìn lại việc làm trước đó của mình, trong thời gian qua, tín đồ TTPQ đã thường xuyên, liên tục đả kích, dùng những lời thị phi, xúc phạm bậc tu hành khác bằng những lời gắn ghép “tà sư, bán nước, phản động, ác quỷ…” và đưa ra những diễn dẫn cũng từ những trích đoạn vài dòng, cắt ghép hình ảnh nhằm lên án, công kích họ, chúng ta có đặt mình vào hoàn cảnh của họ hay không? Thế nhưng vì sao vị ấy không hề có một chiến dịch truyền thông chống trả nào, không hề có một tín đồ nào đi biện minh giải thích hộ? không hề có một đội ngũ hùng hậu nào đi gây chiến nhằm bảo vệ vị ấy bất nhất đúng sai? Chúng ta hãy so sánh hai câu chuyện với hai cách ứng xử trên để nghiệm ra rằng chúng ta đã có cách hành xử từ bi, bình lặng, nhẹ nhàng đúng như lời Phật dạy hay chưa?!

5. Thời gian qua, rất nhiều lần khi người khác nêu lên những ý kiến phản biện về nội dung thuyết giảng của TT.TCQ, nhiều tín đồ đã sẵn sàng gắn ghép cho người ta những câu từ như “đó là bọn phản động, bán nước, những kẻ đang chống phá Đất nước, phá đạo Phật, là những kẻ nhận tiền của bọn phản động, của thế lực nước ngoài để chống phá TT.TCQ”  và hàng loạt bài đăng được lan truyền trên MXH với nội dung giống hệt như nhau, có cùng khẩu hiệu “Bảo vệ thầy TCQ là bảo vệ Phật pháp, bảo vệ đất nước”. Có thể nói việc gán ghép nội dung chính trị vào Tôn giáo, nhất là đạo Phật để đánh tráo khái niệm, cho rằng ai phản biện lại một vị Tăng, Ni nào đó là “phản động, nhận tiền của giặc” là một tư tưởng hết sức lệch lạc, ấu trĩ, vô minh. Đây là một luận điệu xuyên tạc nhằm trấn áp, quy chụp người khác, nó không những trái với tinh thần ái ngữ, buông xả của nhà Phật mà còn trái Pháp luật bởi sự vu khống và thiếu căn cứ này.

Từ khi nào TT.TCQ được xem là đại diện cho cả nền chính trị của một Đất nước? là đại diện cho cả dân tộc? là đại diện cho tất cả mọi học thuyết xã hội lẫn kinh điển Phật giáo? Là đại diện cho tất cả cái đúng trên đời để rồi mỗi khi có ai phản biện lại, ngay cả một cộng đồng phật tử, dư luận lên án mạnh mẽ thì đều bị quy chụp là phản động, phản quốc, bán nước, phá hoại đạo Phật…chỉ vì chỉ ra cái sai, cái vô lý trong bài thuyết giảng của TT.TCQ? Từ khi nào bao nhiêu bậc minh sư giảng đạo thuần thành, đúng chánh pháp lại trở thành tội đồ của Đất nước, trở thành chống phá đạo Phật khi nói khác với quan điểm của vị thầy này?

Với những kết luận mang tính khẳng định về “hình thái” của luật nhân quả trong thời gian qua của TT.TCQ, thiết nghĩ, đã là người giảng thuyết pháp, giảng sư phải chấp nhận một sự thật rằng “xung quanh mình có những người chưa theo đạo, có những người Tôn giáo khác, có những người là Phật tử nhưng tiếp nhận nội dung theo nhiều quan điểm khác nhau” bởi mỗi vị giảng sư đã có nhiều sự khác nhau trong cách thuyết giảng rồi cho nên người tu học, người đang lắng nghe bài thuyết giảng đó sẽ rất nhiều thành phần, rất nhiều ý kiến và chúng ta phải chấp nhận những hữu duyên, nghịch duyên đó như một quy luật hiển nhiên, bởi trên đời không có bất kỳ điều gì có thể làm hài lòng tất cả mọi người, dù là hoàn hảo nhất. Thế nên việc tín đồ tự viện này đã đồng loạt đăng tải bài viết để buộc người khác phải công nhận bài giảng của TT.TCQ là đúng, họ mạt sát, công kích những Tăng, Ni nào có lời thuyết giảng khác TT.TCQ, họ tràn lên fanpage Cổng thông tin điện tử Giáo Hội PGVN để công kích và làm áp lực buộc phải tháo gỡ những bài trung lập, không bênh vực TT.TCQ, họ không chấp nhận ai nói lên cái sai trong bài giảng của thầy mình, họ dùng những ngôn từ khẩu chiến để phản bác, gắn ghép người nói lên quan điểm khác là “phản động, chống phá Đảng, chống phá Đất nước, ăn tiền của bọn phản động”, là sẽ bị quả báo, bị đọa địa ngục nếu phản biện lại bài giảng của TT.TCQ thì có thể xem đó là một hành vi, lối nghĩ hết sức lệch lạc, thiếu chuẩn mực, nông cạn và kém văn minh dù được lý giải với lý do gì.

Đã là người tu học thì điều cốt lõi nhất, đơn giản nhất là diệt bỏ được tham-sân-si, là biết lắng nghe và tự nhìn lại bản thân mình bởi phàm đã là con người thì không ai là không có cái sai, không ai lại không một lần lỡ miệng, người nói lên cái sai của mình cũng là người giúp mình hoàn thiện, người tu học có phát triển hơn hay không là tùy vào thái độ và khả năng tiếp nhận những ý kiến này.

Đạo Phật không dạy cho người theo đạo tính sân si vô độ, cũng không dạy cho người phật tử bản tính lươn lẹo, xảo ngôn, sẵn sàng đổi trắng thành đen, đạo Phật càng không dạy người theo đạo phải u mê, cố chấp để một mực bảo vệ đền đài, bảo vệ cho giáo chủ, đạo Phật chỉ hướng cho người tu tập đến trạng thái bình an, rỗng lặng, xem mọi thứ nhẹ như không, sống tinh tấn, từ bi nhưng trí tuệ, không vô minh để biến mình thành tay sai, tín đồ cuồng tín.

Phật đã từng dạy cho các đê tử “hãy thắp đuốc lên mà đi”, “đừng nương tựa vào bất kỳ đấng tối cao, thế lực siêu nhiên nào mà hãy nương tựa vào chánh pháp”, vậy thì người học Phật phải biết tiếp thu, chọn lọc những kiến thức, lời giảng của nhiều người để vận dụng điều gì cho hợp lý, không phải chỉ khư khư nghe theo lời duy nhất một người để bác bỏ mọi quan điểm, mọi suy luận đúng sai.

Các giảng sư luôn mong muốn đào tạo ra cho nền Phật giáo, cho xã hội những phật tử thuần thành, có tinh thần bi-trí-dũng, biết chuyên tâm tu tập và làm sáng nội tâm mình, để làm tốt đời đẹp đạo bằng hành vi, trí tuệ chân tâm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà khi gặp một nghịch cảnh, một chướng ngại càng phải xem đó là cơ hội để thực hành tứ diệu đế. Người học Phật đối diện lời đàm tếu không đúng về mình thì xem như gió thoảng qua, nếu sai thì mình sửa đổi chứ không phải chăm bẵm xù lông gây bát nháo thị phi, là lăm lăm đi khẩu chiến khắp nơi để buộc cả thế giới phải công nhận mình là đúng, là những tín đồ cố chấp và gàn dở, thích gieo những lời lẽ cuồng ngôn, độc mồm độc miệng, lươn lẹo và ngụy biện. Bởi đó không phải là nhân cách chuẩn mực, nội tâm sâu sắc của một người chuyên tâm theo học Phật mà đó chỉ là “khoác chiếc áo” cho có mà thôi.

Tôi cảm thấy đau lòng khi những giáo viên, những nhà tâm lý học tìm mọi cách để xoa dịu vết thương cho những người tật nguyền, nghèo khổ để họ có động lực vượt qua những khiếm khuyết ngoại hình, khó khăn về hoàn cảnh mà sống lạc quan thì ngược lại có những người mang danh nhà sư lại tích cực đem những khiếm khuyết thân thể, sự nghèo khó, bệnh tật, tai nạn của người khác ra để rêu rao, lên án bằng những lời hết sức nặng nề, họ thản nhiên dùng những ngôn từ như “quả báo, nhân quả” để gắn vào cuộc đời của những người kém may mắn và tự hào xem đó như một thành tích lý giải cao siêu. Người ta có câu “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, “Quay đầu là bờ” để thấy rằng dù là tội đồ đi nữa nhưng một xã hội nhân văn là biết để cho người ta một con đường sống khi họ biết hướng thiện hoàn lương, nhưng tại sao người giảng đạo lại cứ chăm chăm vào đó để buộc họ phải trả nhân, trả quả? Đạo Phật từ bi có lấy nỗi thống khổ về ngoại hình, gia cảnh của người khác ra làm câu chuyện suy diễn, áp đặt hay không? Có chì chiết về kiếp này, kiếp trước trên sự tổn thương của người nghèo khổ và bệnh tật? Và khi nói lên những điều như vậy, những nhà sư và phật tử có bao giờ cảm thấy mình vô tâm, vô tri, tàn nhẫn trước nỗi tự ti, mặc cảm của người khác hay không?

Có thể nói, nếu tình trạng này vẫn còn tồn tại thì đây là những thành phần vô cùng nguy hại cho tôn giáo và cho xã hội bởi họ sẽ làm bại hoại niềm tin của nhiều người vào Phật giáo, bởi họ gieo vào lòng người khác sự bất an nhiều hơn an lạc, gieo vào lòng người khác mặc cảm tự ti chứ không có sự lạc quan, họ có thể chống phá bất kỳ cơ quan, đoàn thể nào, bất kỳ tổ chức nào bằng những lời vô cùng xảo ngôn và hành động vô cùng hung hăng, nông cạn. Thực chất, đối tượng họ bảo vệ duy nhất không phải Phật, không phải Tôn giáo, không vì bất kỳ một tổ chức nào của Đất nước mà chỉ là cho giáo chủ của họ mà thôi. Vậy đó có phải là chân lý, là giá trị tinh thần nhân văn, nhân bản khi truyền giảng về đạo Phật hay không?

“Thật-giả” nghe có vẻ như lẫn lộn và khó phân biệt nhưng không phải vậy, nó chỉ khó phân biệt khi chúng ta chỉ mới nhìn thoáng qua mà chưa có thời gian tiếp cận và thử thách, một khi đã có dấu chân của thời gian cùng với sự nhìn nhận từ vô số con người thì thật giả đều sẽ bị phơi bày, dù là sự ngụy trang tinh xảo nhất, thế nên người chân tu sẽ không bao giờ phải sợ hãi trước bất kỳ điều gì, họ sẽ luôn bình thản đón nhận mọi sóng gió, thị phi, bởi họ có tâm bồ đề kiên cố, có như vậy họ mới là thạch trụ minh sư soi sáng cho tầng tầng lớp lớp phật tử đi theo. Ngược lại, người chưa có tâm tu hành thật sự sẽ dễ dàng bị chao đảo trước những làn sóng thị phi, họ sẽ cất công tìm mọi cách che chắn cho mình rồi từ đó lại có những hành động nhất thời làm mất đi hình ảnh, mất đi sự uy nghiêm, vững chãi.

Trước những sự việc vừa qua đã cho chúng ta thấy cách hành xử còn rất nhiều những khiếm khuyết mà người tu học cần phải biết nhìn nhận, thay đổi và điều chỉnh lại mình, đặc biệt là trong lối ứng xử trước đám đông và trên cộng đồng mạng ngày nay, cái sai của con người không phải là việc làm sai mà cái sai nghiêm trọng nhất của con người là không chịu nhận mình đã làm sai và không chịu sửa sai mà chỉ luôn cho là mình đúng. Mong rằng Nhà nước và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam sẽ có sự quan tâm chặt chẽ đối với những thành phần lợi dụng tự do ngôn luận để tấn công và quy chụp các cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng uy tín, danh dự, tinh thần người khác. Bên cạnh đó Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cũng cần có những giải pháp chỉnh đốn lại tình hình thuyết pháp tùy tiện như hiện nay nhằm tránh gây hoang mang dư luận, tránh làm cho dư luận có những cái nhìn sai lệch về Đạo Phật, để chúng sinh cảm thấy khi mặc áo lam, bước vào chùa là những con người thuần thành, từ bi và rỗng lặng, là vững tâm tu hành an lạc chứ không phải lo lắng sợ hãi những “nhân quả” mông lung, là mặc cảm tự ti khi ngồi bên dưới nghe sư thầy thuyết pháp, là đầy rẫy sân si hơn cả những người trần tục bên ngoài!

                                                                                                             
Sài Gòn 11/03/2024

D.L An Tường Anh


Nguồn tham khảo:

[1] Phật Học Cơ Bản, Chương trình Phật học Hàm thụ (1998-2002), Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/02/2015(Xem: 18020)
Lúc tôi viết những dòng về cuốn sách của Linh mục Nguyễn Văn Thư, thì bom đạn đang tiếp tục nổ trên một phần của trái đất, nhân mạng con người bị xem như cỏ rác. Hệ lụy nầy phải chăng có nguồn gốc từ các tôn giáo độc thần còn sót lại? Nhân loại ít có những ngày vui; phần lớn là chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh mà nhiều trường hợp y học tân tiến cũng đành chịu bó tay.
22/02/2015(Xem: 6096)
Đây là câu hỏi lớn, liên hệ đến quyết định của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do vậy, việc trao đổi dưới đây chỉ là quan điểm cá nhân của riêng tôi. Trước hết, theo tôi, chúng ta phải mạnh dạn đánh giá lại giá trị và giới hạn của các pháp môn được Phật giáo Việt Nam tiếp nhận từ Phật giáo Trung Quốc. Khi đánh giá bằng các thống kê xã hội học cụ thể, ta sẽ rút ra được những kết luận nhất định. Vào năm 1945, dân số của nước Việt Nam khoảng 25 triệu người, trong đó Phật tử chiếm 80%. Đến năm 2013 chúng ta có trên dưới 90 triệu dân và số lượng Phật tử chỉ còn lại 38%. Đó là dữ liệu giúp ta đánh giá cách thức làm đạo của Phật giáo. Chúng ta phải thừa nhận rằng không phải cái gì của Phật giáo Trung Quốc truyền bá đều đúng và cần được tôn thờ như chân lý. Thước đo bằng thống kê trên sẽ giúp ta tránh được những quan điểm trái ngược: theo hay không theo, chịu ảnh hưởng hay không chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc.
16/02/2015(Xem: 10348)
Bài học cho Việt Nam Những thái độ vô tâm, hờ hợt trước tình hình đất nước của chúng ta sẽ góp phần biến Việt Nam thành Tây Tạng thứ 2, âm mưu bành trướng của Bắc Kinh đang hướng về Việt Nam, chuyện này rồi sẽ xảy ra nếu mọi người vẫn chưa kịp thức tỉnh!
10/02/2015(Xem: 7872)
1) Khuynh hướng 1 xuất phát từ Trung Quốc trong giai đoạn mà các nhà Nho nắm vai trò lãnh đạo chính trị của Đại lục muốn dành cái quyền ngự trị quan điểm tư tưởng triết học tôn giáo của họ trên bề mặt nhận thức văn hóa và đời sống tinh thần của cư dân họ. Chủ trương họ đưa ra là Tam Giáo Đồng Nguyên. 2) Khuynh hướng 2 cho rằng tôn giáo nào cũng dạy con người “lánh ác làm lành” và đạo Phật cũng là một trong các tôn giáo như thế. Từ đó, với mục đích “Dĩ hòa vi quý” trong quá trình làm đạo chúng ta dễ dàng bị rơi vào các cái bẫy đó và cố đánh đồng bằng cách hạ thấp đạo Phật xuống để đẳng thức hóa với các tôn giáo vốn khác với đạo Phật.
30/01/2015(Xem: 6336)
"Việc chém con lợn đang sống khỏe mạnh là lối đối xử tàn ác, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem, đặc biệt là trẻ em", ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật châu Á, trao đổi với VnExpress ngày 29/1.
30/01/2015(Xem: 22350)
“Việt Nam Thi Sử Hùng Ca” được tôi (TNT Mặc Giang) sáng tác vào tháng 9 năm 2003. Từ năm 2003-2005, tác phẩm này do tôi tự in ấn nhiều lần bằng hình thức Photocopy, biếu tặng những người quen biết và người thân tại Việt Nam và tại Úc. Tôi dự tính xuất bản chính thức quyển Việt Nam Thi Sử Hùng Ca, nên đã nhờ SG. Phạm Trần Quốc Việt viết Lời giới thiệu từ năm 2005. Vì những trục trặc ngoài ý muốn, nhất là gặp khó khăn về tài chính, tôi đã chưa thể xuất bản chính thức. Ông Phạm Trần Quốc Việt nay vẫn còn khỏe mạnh. Lời giới thiệu của ông tôi vẫn tôn trọng giữ nguyên trong ấn bản internet tại trang nhà Hương Đạo.[1] Thực ra, từ mười năm qua, trang nhà Lương Sơn Bạc online[2] tác phẩm Việt Nam Thi Sử Hùng Ca của tôi, đúng với nguyên văn của tôi sáng tác.
22/01/2015(Xem: 11136)
Điểm đến của người tu học Phật thường là chứng ngộ (đắc đạo). Nhưng tại sao gần đây, ta cũng hay nghe nói Vãng sanh Cực Lạc như một kết quả cho việc hành trì. Vậy, Chứng ngộ và Vãng sanh khác nhau thế nào, và có gì chống trái giữa hai từ ngữ ấy? Vãng sanh là mục tiêu chân chánh và khẩn thiết nhất của những người hướng đến đạo giải thoát và là ước mong nhiệt thành của hành giả Niệm Phật, sau những năm tháng tu tập.
20/01/2015(Xem: 5850)
Không thể phủ định rằng giáo dục Phật giáo dựa trên ba phương diện minh triết Phật dạy bao gồm giáo dục đạo đức (giới), giáo dục chuyển hóa (thiền) và giáo dục tri thức giải quyết vấn nạn (tuệ). Người được đào tạo trong trường Phật học, ngoài kiến thức thông thường còn thực tập chuyển hóa, mang tính ứng dụng thực tiễn và có khả năng giải quyết các nỗi khổ niềm đau của bản thân và tha nhân. Để nền giáo dục Phật giáo tại Việt Nam đáp ứng được các mục đích nêu trên, chương trình đào tạo Phật học tại Việt Nam cần có sự thích ứng với xu thế giáo dục Phật học trên thế giới là điều không thể bỏ qua. Trong bài viết này, tôi trình bày vài nét về a) Bản chất đào tạo Phật học, b) Nền Phật học Tây Tạng và c) Hướng đến cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam. Các vấn đề trên chỉ được nêu ra một cách khái quát, chưa đi sâu vào việc phân tích.
15/01/2015(Xem: 5277)
Vụ nhật báo Người Việt kiện tuần báo Saigon Nhỏ về mạ lỵ phỉ báng được khởi sự từ tháng 9 năm 2012, nhưng đến tháng 12 năm 2014 mới được đưa ra xét xử. Sau một phiên tòa kéo dài bốn tuần, ngày 30.12.2014, tòa tuyên phạt bà Hoàng Được Thảo và tuần báo Saigon Nhỏ 4.500.000 USD. Các cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới đều xôn xao. Nhiều người đã điện thoại hay gởi email cho chúng tôi và hỏi: Tại sao ra nông nỗi này? Báo Saigon Nhỏ là báo chống cộng mà? Có gì bí ẩn đàng sau?
15/01/2015(Xem: 5279)
Noel năm nay có vẻ rầm rộ đồng bộ từ trong nước đến ngoài nước; riêng Việt Nam, T.V báo đài đồng loạt đưa tin và phổ biến âm nhạc, trình bày cảnh vật mua sắm, hình ảnh hang đá, cây thông và những biểu tượng Giáng Sinh. Các tỉnh, thành có giáo xứ đều trưng bày cờ xí, băng rôn rợp bóng; Đêm 24, dù không phải tín đồ Kitô giáo, thanh niên nam nữ cũng tràn ngập đường phố, ăn chơi thoải mái như chưa từng được tự do như thế. Phật giáo cũng cử đoàn đến thăm viếng các giáo phận, giáo xứ thể hiện tinh thần đại đoàn kết tôn giáo. Thời bình có khác!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]