Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đạo Phật với vấn đề an tử

27/08/201019:30(Xem: 4801)
Đạo Phật với vấn đề an tử

mercitron_maytutuAn tử, hay “cái chết êm đềm” được thực hiện bằng “máy tự tử” do bác sĩ Jack Kevorkian, chuyên nghiên cứu bệnh học tại nhiều bệnh viện khác nhau ở California và Michigan, thiết kế năm 1989 dưới tên gọi “mercitron”.

Máy này nhằm giúp những người mắc bệnh nan y không còn cơ hội chạy chữa, chỉ còn sống lại những ngày tháng “chờ chết” trong đau đớn tột cùng được chết theo ý nguyện của họ, một cái chết “nhanh chóng, nhẹ nhàng” hơn là phải sống trong nỗi khổ đau giày vò triền miên.

Sau chín năm thực hiện, Kevorkian đã giúp cho 130 bệnh nhân giã từ cuộc sống bằng “mercitron”. Năm 1998, Jack Kevorkian đã gởi tới hãng truyền hình CBS đoạn băng video quay lại cảnh thực hiện cái chết cho bệnh nhân có tên Thomas Youk, 52 tuổi, bị xơ hóa cơ trên, dưới sự trợ giúp của ông.

Sau đó, đoạn băng này đã được phát trên đài truyền hình ABC News với sự chứng kiến của 16 triệu người Mỹ, và rồi cả thế giới bắt đầu biết đến một “công nghệ” mới trong ngành y học: “công nghệ an tử”! Chính đoạn băng video này đã làm bằng chứng kết án Kevorkian tội “giết người cấp độ hai”, và bị xử 10-25 năm tù.

Hôm 1-6 vừa qua, “bác sĩ tử thần” Jack Kevorkian đã được tạm tha sau tám năm ngồi tù. Trong khoảng thời gian tám năm đó, mặc dù Kevorkian ngồi tù, nhưng việc “trợ giúp cái chết” vẫn được tiếp tục, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong tương lai, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giết người của “mercitron”, mà cả trong cuộc đấu tranh của những người, những tôn giáo ủng hộ hoặc chống đối vấn đề an tử.

Bằng chứng là nhiều tôn giáo, không chỉ tại Mỹ, mà khắp nơi trên thế giới, đã thẳng thừng tuyên bố là họ sẽ dùng mọi cách để ngăn chặn không cho việc an tử trở thành hợp pháp. Trong khi đó, bang Oregon, bang đầu tiên của nước Mỹ, đã thông qua luật cho phép những người mắc bệnh nan y không thể sống quá sáu tháng nữa, được yêu cầu bác sĩ hỗ trợ để được chết nhẹ nhàng. Từ năm 1998 đến 2006, đã có 292 người Oregon chọn cái chết này.

Rõ ràng, vấn đề an tử đã và đang trở thành mối quan tâm của thời đại. Vấn đề trở nên thật “có lý” khi một người phải sống trong cảnh đau đớn triền miên không sao tránh được, họ hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình một cái chết “an lành” hơn là quằn quại trong đau khổ. Quả thật, có những trường hợp, những căn bệnh, những cảnh đời,… chỉ có cái chết mới là sự giải thoát - giải thoát cho chính bản thân mình và cho cả người thân bớt đi gánh nặng, lo âu! Do đó, “mercitron” không chỉ được bệnh nhân chấp nhận mà còn được “tri ân”.

Nhưng cũng không ít người từ chối nó, thậm chí chống đối, bởi vì nó quá “tàn nhẫn” và “phi đạo đức”.

Vậy thì, trước thực trạng đó, đạo Phật vốn nhìn cuộc đời như mộng, như huyễn, xem tử sinh như trò huyễn hóa, hết thảy đều mộng mị, vô thường, vô ngã… đối diện vấn đề an tử như thế nào?

Hồi Phật còn tại thế, khi Ngài đang ngụ tại Tỳ Sá Li (Vaisàli), có một Tỳ kheo bị bệnh nặng, điều trị lâu ngày vẫn không lành. Thầy Tỳ kheo nuôi bệnh nói với Tỳ kheo bị bệnh dai dẳng ấy rằng: “Tôi không thọ trì, đọc tụng kinh điển hay tư duy hành đạo gì được hết. Hàng ngày phải đi đến nhà người ta tìm kiếm những thức ăn, thức uống, thuốc thang phù hợp với người bệnh khiến thiên hạ đều chán ngấy tôi. Tôi không bệnh mà cũng khổ sở chẳng kém”.

Thầy Tỳ kheo bệnh nói: “Thế thì phải làm sao? Tôi cũng chán ngán nỗi đớn đau này, không thể chịu đựng được nữa. Nếu thầy giết tôi thì tốt lắm”.

Tỳ kheo nuôi bệnh nói: “Thầy không nghe Thế Tôn chế giới không được tự tay giết người hay sao?”.

Tỳ kheo bệnh nói: “Nếu vậy thì thầy vì tôi đi gọi giúp người cầm dao đến đây”.

Tỳ kheo nuôi bệnh lại nói: “Thầy không nghe Thế Tôn chế giới không được đi tìm người cầm dao về giết người hay sao”.

Tỳ kheo bệnh nói: “Thế thì thầy bảo phải làm sao?”.

Tỳ kheo nuôi bệnh đáp: “Thầy chỉ cầu được sống không muốn chết, chứ nếu muốn chết thì có thiếu gì cách để chết”. Sau đó, Tỳ kheo bị bệnh vì không cần gì và khát khao gì nữa khi phải chịu đớn đau quằn quại, khổ mình, khổ người, nên đã tự sát (Luật Ma-ha Tăng-kỳ, ĐTK/ĐCTT 22, No 1.425).

Đức Phật biết được sự việc ấy, Ngài cho gọi thầy Tỳ kheo nuôi bệnh đến và quở trách: “Ông không từng nghe Như Lai dùng vô số phương tiện khen ngợi những người sống phạm hạnh, có thân từ ái, miệng từ ái, tâm từ ái, và khuyên cúng dường cung cấp cho họ những thứ cần thiết là gì? Nay vì sao ông lại ca ngợi sự chết? Điều đó là phi pháp, phi luật, không đúng lời Ta dạy, không thể dùng việc này để nuôi lớn thiện pháp”.

Đức Phật quở trách vị Tỳ kheo nuôi bệnh đã tác động vị Tỳ kheo bị bệnh kia tìm đến cái chết (tức gợi ý, khuyên bảo hoặc xúi giục người khác nên tìm đến cái chết hơn là sống trong giày vò khổ đau của bệnh tật, như trường hợp an tử), cũng có nghĩa là Đức Phật không đồng tình việc tìm đến cái chết, dù trong bất cứ trường hợp nào và bằng phương cách gì.

Trong giới luật của Phật giáo, tự mình sát hại, bảo người khác sát hại, khen ngợi hay tán đồng sự sát hại đều phạm trọng tội. Theo đó, người tạo ra cổ máy “mercitron”, những người đồng tình với việc làm này, kể cả bệnh nhân, đều không phù hợp với tinh thần và giới luật Phật giáo.

Đức Phật đã bằng vô số phương tiện để chỉ cho chúng sinh thấy rằng, có được thân người là rất khó, do đó được làm kiếp người là vô cùng quý báu. Hãy thử tưởng tượng, dưới đáy đại dương có một con rùa mù sinh sống. Cứ một ngàn năm nó nổi lên mặt nước một lần để lấy không khí. Lần nọ, khi nó vừa nổi lên thì đầu của nó chui lọt vào trong một bộng cây đang dật dờ trôi trên mặt biển! Một sự việc vô cùng hiếm có, nhưng được làm thân người, theo Phật giáo, còn hiếm có hơn vậy nữa.

Thân người khó được như thế nhưng lại dễ mất, bởi sự chi phối mạnh mẽ của định luật vô thường, và một khi mất rồi thì khó có được trở lại. Vì vậy, mạng sống của con người thật quý giá biết bao. Đặc biệt, chỉ có làm kiếp người, trong tấm thân thể hình hài này, dù xấu hay đẹp, dù sang hay hèn, dù mạnh khỏe hay ốm đau… nó cũng là phương tiện hay công cụ duy nhất làm thuyền bè đưa ta vượt thoát biển khổ đau sinh tử luân hồi.

Trong các loài chúng sinh, chỉ duy nhất chúng sinh làm người mới có đầy đủ điều kiện tu tập pháp giải thoát. Kinh điển ghi lại vô số những pháp thoại của Đức Phật cảnh tỉnh chúng ta hãy ý thức về sự vô thường của cuộc đời để nỗ lực tu tập giải thoát không để mất cơ hội là vậy.

Hơn nữa, với giáo pháp của Phật, nếu chúng ta thật lòng tu học, chắc chắn thành tựu đạo quả, không những chỉ thoát khỏi kiếp sống khổ đau hiện tại này, mà vĩnh viễn xa lìa các nẻo khổ đau trong ba cõi, đời đời sống an vui, giải thoát, dù thời gian tu học chỉ còn lại một ngày, thậm chí chỉ còn một hơi thở.

Đức Phật khẳng định: “Nay Ta nói cho các ông biết, trong hàng Thanh văn của Ta, có người tâm ngay thẳng, không siểm trá, không huyễn ngụy; Ta đã giáo hóa người này mười năm. Do nhân duyên này, người ấy có thể trong vòng trăm, ngàn, vạn năm chỉ một mực hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định. Điều này chắc chắn là có.

Lại nữa, thôi, không tính mười năm, mà chín năm, tám năm, cho đến một năm, mười tháng, chín tháng, cho đến một tháng; mười ngày, chín ngày, cho đến một ngày một đêm, nếu đã được Ta giáo hóa, thì đến sáng hôm sau họ có thể tiến bộ vượt bực. Sáng sớm đã được giáo hóa thì đến chiều tối, có thể tiến bộ gấp bội. Vì nhân duyên này, nên trong vòng trăm, ngàn, vạn năm chỉ một mực hỷ lạc, tâm lạc, phần nhiều trụ thiền định, thành tựu hai quả. Hoặc quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm” (Kinh Tạp A Hàm).

Như vậy, bằng kiếp sống này, chúng ta có thể đạt được giải thoát trong vòng hai mươi bốn giờ tu học. Vậy tại sao chúng ta không tạo mọi điều kiện cho bản thân mình, cho người thân của mình được an vui mãi mãi mà chỉ tìm đến an tử?

Chúng ta chỉ nhìn thấy được những nỗi khổ đau của kiếp người do thiếu cơm, thiếu áo, thiếu tiền, hay bệnh tật ốm đau… mà không thấy được nỗi khổ đau lớn nhất của đời người là bị nhận chìm trong dòng thác huyễn mộng của cuộc đời, trôi lăn theo sáu nẻo luân hồi, tử sinh vô tận. Một khi chưa vượt thoát được dòng thác hư huyễn ấy thì sự tìm đến cái chết vì nỗi khổ đau bệnh tật hiện tại nào có ích chi, nếu không muốn nói đó là cách mở cửa đi vào địa ngục. Vì thế, nhiệm vụ của người Phật tử khi đối diện với cận kề cái chết, hãy thực hành như lời Phật dạy:

“Nếu mình là một Phật tử trí tuệ, muốn đến chỗ một Phật tử trí tuệ khác đang bị tật bệnh khốn khổ, thì đem ba pháp an tâm này mà truyền dạy cho họ; nói rằng: ‘Này bạn! Hãy thành tựu lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật, đối với Pháp, Tăng’.

“Sau khi đem ba pháp an tâm này truyền dạy xong, lại nên hỏi rằng: ‘Bạn có quyến luyến cha mẹ không?’ Nếu người kia có quyến luyến cha mẹ, thì nên dạy buông xả và nên nói rằng: ‘Nếu bạn quyến luyến cha mẹ mà được sống, thì đáng quyến luyến. Đã không do quyến luyến mà được sống, thì quyến luyến làm gì?’

Nếu người kia nói không có quyến luyến cha mẹ thì nên tùy hỷ khuyến thiện và hỏi thêm rằng: ‘Đối với vợ con, nô bộc, tiền của cùng mọi vật bạn có quyến luyến không?’ Nếu nói quyến luyến thì nên khuyên buông xả, như pháp xả sự quyến luyến cha mẹ. Nếu nói không quyến luyến, thì tùy hỷ khuyến thiện và hỏi nữa: ‘Đối với ngũ dục thế gian bạn có luyến tiếc không?’ Nếu họ nói luyến tiếc, thì nên giải thích là ngũ dục thế gian là chỗ xấu xa, bất tịnh, bại hoại, hôi hám, không giống như ngũ dục thắng diệu cõi trời. Hãy khuyên kia lìa bỏ ngũ dục thế gian và quyết mong ngũ dục cõi trời.

Nếu người kia nói tâm đã xa lìa ngũ dục thế gian và trước đã nghĩ đến dục thắng diệu cõi trời, thì tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với họ rằng: ‘Ngũ dục thắng diệu cõi trời, là pháp vô thường, khổ, không, biến hoại. Chư Thiên cõi trời có thân tướng thù thắng hơn ngũ dục cõi trời’.

Nếu kia nói đã bỏ nghĩ đến dục cõi trời và chỉ nghĩ đến thân tướng hơn ngũ dục, thì cũng tùy hỷ khuyến thiện và lại nói với rằng: ‘Dục của hữu thân cũng lại là pháp vô thường, biến hoại, chỉ có sự an lạc của xuất ly, là Niết-bàn với sự diệt tận của các hành. Nhân giả nên lìa bỏ sự mê luyến nơi hữu thân, mà nên vui cái vui Niết-bàn vắng lặng, tối thượng, thù thắng” (Kinh Tạp A Hàm).

Đó là cách thăm bệnh và nuôi bệnh của người Phật tử. Một cách tổng quát, khi có một người không may mang bệnh nan y, chúng ta phải tìm mọi cách để “khai thị” cho người đó thấy được bản chất không thật, hư dối, tạm bợ của cuộc đời như trăng nơi đáy nước, bóng mình trong gương, như ánh lửa khí nhiệt bốc, như tiếng vọng của lời gọi, như mây nổi trong bầu trời, như đám bọt nước… và khuyên họ hãy buông xả tất cả mọi tâm niệm chấp thủ cái tôi, của tôi; hướng họ về cảnh giới an lành của Tịnh độ A Di Đà, khuyên họ phát nguyện vãng sinh về đó bằng cách niệm hay phát khởi ý tưởng về Phật A Di Đà và cõi giới của Ngài, thì không cần cổ máy “mercitrin”, người mang bệnh nan y dù mấy, nếu thật sự không qua khỏi, cũng nhẹ nhàng ra đi.

Tóm lại, đạo Phật không đồng tình với việc sử dụng hệ thống “mercitron”, cũng không níu kéo sự sống trong trạng thái nằm chờ chết, mà bằng mọi cách, mọi phương pháp làm cho bệnh nhân được “giác ngộ” trước khi chết. Và điều này có được áp dụng hay không còn tùy thuộc vào quá trình nhận thức và khả năng “giác ngộ” của nhân loại về vấn đề sống chết, cũng như về đạo Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/03/2012(Xem: 6053)
*Chánh Pháp thời kỳ: là sau Phật diệt độ, mới bắt đầu 500 năm Chánh pháp.( Theo luận Tỳ bà sa Q18. Vì độ cho Nữ giới xuất gia, nên Chánh Pháp bị giảm còn 500) Chánh pháp, có nghĩa là ‘Chứng Pháp’. Thời kỳ này có pháp, có người tu, và có người chứng được pháp đã tu. Có đủ Giáo Hạnh. Chánh pháp tồn tại 500 năm, hết 500 năm là qua thời tượng pháp. *Tượng Pháp thời kỳ: , là sau Chánh pháp, Tượng pháp tồn tại được 1000 năm. Tượng có nghĩa là ‘vẫn giống’ như Chánh pháp, có giáo, có hạnh,có pháp để tu, nhưng ít người chứng ngộ. Hết 1000 năm Tượng-pháp, là vào thời kỳ mạt pháp. *Mạt Pháp thời kỳ : Là thời khởi đầu chuyển thành ‘vi mạt’, Pháp mạt tồn tại Mười Ngàn Năm (10.000). Chỉ có Giáo mà không còn Hạnh! Tệ hơn, nhỏ bé hơn, thời kỳ của hao mòn, teo tóp, suy vi, chánh tà lẫn lộn. Ngày nay, Tuợng pháp hết đã lâu. Mạt Pháp cũng đã trôi qua 1051 năm rồi, nhưng còn kéo dài 8.949 năm nữa thì “Mạt Pháp” chấm dứt.
23/02/2012(Xem: 4473)
Sau 2 bài báo về quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” của tác giả Duy Tuệ, số lượng những ý kiến trên mạng bênh vực, đề cao tác giả quyển sách cho thấy tổ chức “Đại gia đình Minh Triết” do tác giả Duy Tuệ, người tự phong “đạo sư”, thành lập và chỉ đạo, điều hành đã tập trung khá đông đảo người tham gia tổ chức, đặc biệt là ở Việt Nam.
09/01/2012(Xem: 4329)
Bài viết này tiếp tục trích dẫn và bàn luận những vấn đề từ nội dung quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” của tác giả Duy Tuệ*. Loạt bài viết này của chúng tôi, trước hết, xin được hiểu như một loạt bài điểm sách, bình luận nội dung sách, với tựa đề quyển sách liên hệ đã nêu ở trên, được tiếp thị đến tôi trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, như đã miêu tả ở bài trước.
26/12/2011(Xem: 3282)
HỎI: Cách đây gần 2 năm vợ chồng tôi ăn chay trường. Nguyên nhân là tự dưng tôi không thể ăn được thịt cá, thế là tôi ăn chay. Còn chồng tôi trước đó có tìm đọc một số kinh sách, nghe giảng pháp, bắt đầu có hướng tu tập tại gia theo pháp môn Niệm Phật, khi thấy tôi ăn chay trường nên cùng ăn chay luôn. Tình cờ tôi gặp một người cũng ăn chay trường và tu tập nhiều năm. Khi thấy chúng tôi ăn chay và niệm Phật thì chú ấy rất vui mừng và đưa cho chúng tôi nhiều sách, đĩa hướng dẫn tu tập...
04/11/2011(Xem: 3343)
Mấy lúc gần đây trong nước đã nổ ra ba vụ xúc phạm nặng nề tới hình ảnh của Đức Phật và Phật Giáo nói chung, khiến gây phẫn nộ nơi hàng Phật tử. Đó là việc lợi dụng lòng Từ Bi, Hỉ Xả của Phật Giáo và trào lưu đang hướng về Phật Giáo trên toàn thế giới, nhất là Thiền, một vài người làm ăn đã dùng tên Phật và hình ảnh Phật (Buddha) cho cơ sở thương mại không đứng đắn của họ: Đó là Buddha Bar & Grillở Sài Gòn và tệ hại hơn nữa Buddha SpavàFunky Buddhaở Hà Nội.
25/10/2011(Xem: 8053)
Thái độ của Phật giáo liên quan đến sự hòa điệu phi thường này như thế nào? Phật giáo có chấp nhận ý niệm có một Đấng Sáng Tạo toàn tri hay là một nguyên lý sáng tạo có khả năng điều chỉnh sự tiến triển của vũ trụ một cách tuyệt vời? Hay Phật giáo cho rằng sự hòa điệu chính xác và tuyệt vời của vũ trụ chẳng qua chỉ là một tình cờ may mắn? Vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo?
17/10/2011(Xem: 5168)
Phim tài liệu này đa số là hình ảnh xứ Cam bốt, không phải Sài gòn 1963: 54 giây đồng hồ đầu là cảnh Sài Gòn; Sau đó là toàn cảnh xứ Cam bốt và cảnh quân đội Cam bốt bắt bớ đàn áp Sư và phật tử, chỉ có vài giây ngắn là xen vào ảnh bà cố vấn Ngô đình Nhu .
08/09/2011(Xem: 5713)
Năm 1962, cơ duyên đến, Hoàng tôi "tình cờ" được dự lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm. Đó là một hoát nhiên đại ngộ chính trị. Không khí trang nghiêm, kỹ luật, thuần thành của biển người trên sân Chùa Từ Đàm hôm đó khiến Hoàng tôi nghĩ rằng, tổng quát ra, Phật giáo có thể là một đoàn thể áp lực có khả năng góp phần giải tỏa những oan khiên khúc mắc lịch sử xứ sở đang kẹt vào. Như thế nào? Thực sự Hoàng tôi chưa có một ý niệm rõ rệt nào cả. Anh chị em chúng tôi thường le lưỡi đùa đó là thời "mã thượng ham vui".
08/08/2011(Xem: 4700)
“Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” là một quyển ký sự - tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trần Thiết, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, cựu phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, là người đã phỏng vấn Tổng thống Dương Văn Minh vào ngày 30/4/1975.
27/07/2011(Xem: 4385)
Cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài giới thiệu cách sử dụng tờ gấp vào việc quảng bá lễ Phật đản. Tuy nhiên, chưa thấy đơn vị Phật giáo nào áp dụng trong thực tế, trong khi các hoạt động truyền thông đã có truyền thống lâu đời của lễ Phật đản, như xe hoa, cũng như những hoạt động truyền thông cổ động mới cho lễ Phật đản, như thuyền hoa, đều bị cắt hủy, loại bỏ tại 1
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]