Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ Vụ Buddha Bar & Grill, Buddha Spa và Funky Buddha: Xây Dựng Một Dòng Chính Văn Hóa

04/11/201109:43(Xem: 3342)
Từ Vụ Buddha Bar & Grill, Buddha Spa và Funky Buddha: Xây Dựng Một Dòng Chính Văn Hóa

storm_1

TỪ VỤ BUDDHA BAR & GRILL, BUDDHA SPA VÀ FUNKY BUDDHA:
Xây Dựng Một Dòng Chính Văn Hóa

Đào Văn Bình

Mấy lúc gần đây trong nước đã nổ ra ba vụ xúc phạm nặng nề tới hình ảnh của Đức Phật và Phật Giáo nói chung, khiến gây phẫn nộ nơi hàng Phật tử. Đó là việc lợi dụng lòng Từ Bi, Hỉ Xả của Phật Giáo và trào lưu đang hướng về Phật Giáo trên toàn thế giới, nhất là Thiền, một vài người làm ăn đã dùng tên Phật và hình ảnh Phật (Buddha) cho cơ sở thương mại không đứng đắn của họ: Đó là Buddha Bar & Grillở Sài Gòn và tệ hại hơn nữa Buddha SpaFunky Buddhaở Hà Nội. (1)

Đóng góp ý kiến của chư tăng và Phật tử khắp nơi - trong lẫn ngoài nước thật nhiệt tình. Cuối cùng hai trong ba chủ quán nói trên đã ý thức được việc làm không thích hợp của mình ra thông báo xin đổi tên. Đây là điều đáng mừng. Thấy sai mà biết sửa chữa là tốt. Tuy nhiên còn chủ quán rượu Funky Buddha thì chưa thấy nói gì. Ngay từ lúc đầu, trên tinh thần Từ Bi, Hỉ Xả, tôi đã không nghĩ rằng chủ nhân hai quán nói trên là những người xấu, cố tình nhục mạ Phật Giáo, nhưng họ đã hành động một cách thiếu suy nghĩ, lợi dụng tên tuổi của Phật và uy danh của Phật Giáo cho mục tiêu câu khách mà không cần lý tới hậu quả và tác hại của nó. Cộng thêm với rất nhiều chuyện chướng tai gai mắt, lai căng khác đang diễn ra hằng ngày, cho thấy xã hội truyền thống đang bị thách thức bởi chủ nghĩa cá nhân phóng túng, buông thả, ích kỷ, tự do quá trớnnhập cảng từ Âu-Mỹ. Đó là trào lưu của thế hệ mới chỉ nghĩ đến việc làm sao cho nổi tiếng, sao cho kiếm được nhiều tiền, không cần biết tới giá trị đạo đức, truyền thống dân tộc, không nghĩ tới người khác…mà tôi nghĩ rằng khuynh hướng này đang bùng phát trong xã hội.

Do nhu cầu Đổi Mới Kinh Tế và gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Việt Nam hiện nay đang là cửa ngõ giao lưu, tiếp nhận ảnh hưởng “ngoại lai” giống như một đợt Sóng Thần, không những do ngoại nhân, Internet, phim ảnh, báo chí đem tới mà còn do ngay chính hằng triệu con dân Việt Nam ở ngoại quốc đem về: Đó là hằng chục ngàn cô gái lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, hằng trăm ngàn công nhân trong chương trình Hợp Tác Lao Động ở các quốc gia Đông Âu, Liên Xô cũ, thậm chí ở cả các quốc gia Ả Rập, ấy là chưa kể số lượng du học sinh từ các quốc gia Tây Âu, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ, Trung Quốc v.v…Nhưng đông đảo nhất và có thể tạo nên một cuộc đổi thay văn hóa có tính cách lịch sửđó là những gì mà 1,600,000 người Việt ở Hoa Kỳ đem về Việt Nam.

Những cô gái quê nghèo, thiếu học lấy chồng Đại Hàn đã bỏ đạo của tổ tiên để theo Tin Lành và khi trở về thăm nhà, đã không quỳ lạy bàn thờ ông bà và làm nhiệm vụ cải đạo ngay cha mẹ và anh em ruột thịt của mình, gây đau đớn cho cả gia đình và ngỡ ngàng bà con lối xóm. Ngay cả công nhân làm việc ở Nga, một số cũng cải đạo theo Tin Lành và khi về nước đã tham dự cuộc tụ họp ở Mỹ Đình với Tuyên Ngôn Thuộc Linhđầy khiêu khích và ngạo mạn” mà một số website Phật Giáo trong nước có đề cập tới. Còn đối với số công nhân làm việc tại các quốc gia Ả Rập có ai cải đạo sang Hồi Giáo hay không thì tôi không rõ. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, lớn nhất - không phải chỉ nằm trong phạm vi tôn giáo (cải đạo) mà còn tác động tới muôn mặt của xã hội như: tập quán, nếp sống gia đình, cách thức suy nghĩ, làm ăn, quan niệm sống, vui chơi giải trí, y phục, ngôn ngữ. Nó đang tấn công vào nền văn hóa cổ truyền của một đất nước trước đây đã “bế quan tỏa cảng” một thời gian rất dài. Đó là những gì mà 1,600,000 người Việt ở Hoa Kỳ và khoảng 250,000 người Việt ở Úc đem về Việt Nam.

Có thể nói Hoa Kỳ ngày nay đang là một “siêu đế quốc” thống trị nhân loại về nhiều mặt. Đồng đô-la Mỹ là đơn vị tiền tệ được lưu hành và dự trữ khắp thế giới. Vũ khí của họ thì khỏi nói. Hoa Kỳ là nước có nhiều căn cứ quân sự và binh sĩ đóng ở ngoại quốc nhất. Hoa Kỳ là nước phóng nhiều vệ tinh, trạm không gian vào vũ trụ mà chúng ta không biết trên đó họ chứa, cất dấu những gì. Hoa Kỳ có nền kỹ nghệ điện ảnh áp đảo. Những phim mà họ đóng ra được cả thế giới xem hoặc mua về xem. Còn kỹ nghệ ca nhạc thì họ hoàn toàn vô địch. Ca sĩ nổi tiếng của Hoa Kỳ được cả thế giới ngưỡng mộ. Điệu nhạc, bài hát nào gọi là “top hit” lập tức được cả thế giới nhái theo và hát đi hát lại. Chỉ nội kỹ nghệ điện ảnh và ca nhạc không thôi Hoa Kỳ đã tác động tới đầu óc cả tỷ thanh niên, thiếu nữ trên hành tinh này. Về thời trang, quần áo thì khỏi chê. Các tài tử điện ảnh, ca sĩ nhạc Pop, nhạc Rap, cầu thủ đánh bóng rổ… ăn mặc như thế nào, kiểu cọ đầu tóc, quần áo hở bụng, hở ngực, hở vú ra sao, xâm trổ, vẽ mặt, đeo khoen ở môi ở mũi ở lưỡi như thế nào…lập tức cả trăm triệu trai gái kể cả các bà đã luống tuổi cũng bắt chước theo. Về thể thao họ cũng thống trị nhân loại. Còn về lãnh vực truyền thông thì Hoa Kỳ bá chủ thiên hạ. Các hãng thông tấn AP, UPI, Yahoo News đều của Hoa Kỳ. Từ Nam Cực cho tới Bắc Cực. Từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cho tới các quốc gia nhỏ bé ở Phi Châu, hải đảo. Từ Trung Đông cho tới Á Châu… đâu đâu cũng có thông tín viên của họ. Những tin tức nóng bỏng hàng đầu về những vấn đề trọng đại của thế giới đều do các hãng này loan đi. Dĩ nhiên khi nắm đầuđược truyền thông như thế họ có thể uốn nắn tin tức và từ đó xoay chuyển lề thói suy nghĩ, tác động đến cách quyết định, hành xử, cách nhận định đúng-sai, bạn-thù của chúng ta. Còn Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) thì có cả trăm thổ ngữ được tiếp vận đi toàn thế giới, đủ sức để tuyên truyền cho Hoa Kỳ và nhào nặn đầu óc của nhân loại.

Thế nhưng bên cạnh những cái nhất và vĩ đại đó Hoa Kỳ là nơi có nhiều thứ nhố nhăng, dâm ô, đồi trụy, khùng điên và xấu xa nhất. Mới đây, một bà mẹ 48 tuổi ở Tiểu Bang South Carolina đã giết hai con trai, người chồng cũ và bà mẹ kế để lấy tiền bảo hiểm nhân thọ. Nói thế có người sẽ vặn hỏi: Nếu vậy tại sao Hoa Kỳ vẫn là siêu cường thống ngự nhân loại? Xin thưa sở dĩ Hoa Kỳ chưa xụp đổ là vì - dù có những thứ nhố nhăng, đồi trụy và xấu xa đó nhưng Dòng Chính(Mainstream) vẫn đủ mạnh để cuốn đi những mặt tiêu cực. Một ngày nào đó nếu Dòng Chính suy yếu thì chính là lúc “người khổng lồ” ngã quỵ. Nó giống như một con sông nhiều rác rưởi, nếu dòng nước mạnh thì vẫn đủ sức cuốn trôi đi. Nhưng một lúc nào đó rác rưởi quá nhiều, dòng sông bị nghẹt cứng và trở thành nước tù hãm, hôi thối và dòng sông chết. Có thể nói không một thế lực nào có thể đánh gục nước Mỹ, mà nước Mỹ chỉ tự hủy diệt mình mà thôi. Tiến trình hủy diệt giống như sự xụp đổ của Đế Quốc La Mã năm xưa. Khi cách biệt giàu nghèo gia tăng, công nhân thất nghiệp, sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, sưu cao thuế nặng, chi phí quốc phòng tốn kém, trợ cấp xã hội quá cao, đem quân đi đánh khắp nơi, công khố trống rỗng, nợ nần không trả được, các đại công ty làm ăn bất chính như: thổi phồng lợi tức để bán cổ phiếu sau đó cổ phiếu tụt dốc khiến người mua trắng tay, nhận tiền bail outcứu nguy của chính phủ chia nhau xài qua hình thức phần thưởng công ty gọi là “bonus” rồi khai phá sản, khuynh hướng đồi trụy, tội phạm gia tăng, chủ nghĩa cá nhân phóng túng khiến đất nước suy yếu, chính quyền bất lực, một số tiểu bang vì muốn sinh tồn có thể tách ra. Đó là lúc Hoa Kỳ xụp đổ.

Như đã nói ở trên, từ một thuộc địa của Anh, Hoa Kỳ trở thành một siêu cường, dĩ nhiên là đất nước họ có rất nhiều cái hay cái đẹp. Nhưng những cái tốt đẹp này nó tiềm ẩn mà phải là người có trình độ giáo dục, phải theo dõi và hòa nhập và dòng sinh hoạt chính của Hoa Kỳ, phải đọc lịch sử Hoa Kỳ, văn hóa Hoa Kỳ mới thấy. Có thể nói, hầu hết những gì mà người dân ở các quốc gia khác bắt chước đều là cái xấu của Hoa Kỳ. Giả dụ một cô gái không có học ở Việt Nam với đôi chút nhan sắc, sang đây, chỉ cần tới tiệm bán giày dép, quần áo như Macy’s, rồi vào tiệm uốn tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ, thì cô ta đã “lột xác”. Và chỉ trong một tuần lễ, cô ta có thể học được cách vẽ môi, vẽ mắt, vẽ mặt, những gì đang diễn ra trên đường phố và những điệu nhún nhảy của Mỹ. Nhưng để có bằng AA Degree (Cán Sự) thì ít ra phải học Anh Văn 6 tháng rồi vào Đại Học Cộng Đồng 2 năm. Còn cử nhân (BA, BS) thì tối thiểu 5 năm. Nhưng để hiếu biết về truyền thống văn hóa, nhân cách Hoa Kỳ thì có khi phải mất 20, 30, 40 năm, mở mắt cho to và chịu khó học hỏi mới thấy. Đó là tinh thần làm việc siêng năng, đầu óc sáng tạo, tinh thần trọng pháp, sự đóng góp thiện nguyện, tham gia cộng đồng, thái độ khiêm tốn lịch sự và biết chia xẻ của người Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên khi người Việt đem văn hóa Mỹ về Việt Nam thì sản phẩm tùy theo trình độ mỗi người. Đối với những người lớn tuổi trước đây ở Việt Nam đã có văn hóa cao, dù ở Mỹ, Úc, Pháp, Đức bao lâu, khi về Việt Nam họ không bao giờ đem những cái nhố nhăng, lai căng ra khoe. Họ không phải là thành phần “áo gấm về làng”. Điều mà họ mong muốn là đóng góp vào nền văn hóa, giáo dục, kinh tế, khoa học, y khoa của đất nước. Còn đời sống thì họ vẫn mộc mạc, khiêm tốn như xưa bởi vì trước đây họ đã “sống trên nhung lụa”. Thế nhưng những gì mà họ đóng góp cho đất nước lại chỉ gói gọn trong khuôn viên đại học, tầng lớp trí thức, chứ không tràn lan ra ngoài xã hội. Những gì mà họ mong muốn chuyển hóa đất nước ít ra phải mất năm, mười năm chứ không chỉ một sớm một chiều. Còn đối với thế hệ trẻ trưởng thành ở Mỹ đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm, thì không cần phải nói, người trong nước cũng đã thấy con người và cung cách làm việc của họ như thế nào. Cái nguy hại nhất là những gì mà thành phần ít học và “áo gấm về làng” đem về.

Có thể nói phần lớn những gì mà thành phần này du nhập vào Việt Nam đều là những thứ a dua, bắt chước, nhố nhăng, bèo bọt của xã hội Hoa Kỳ chứ không phải là những gì làm nền tảng để xây dựng một xã hội tốt lành. Đây cũng là điều dễ hiểu vì họ ngay tình không biết và thâm tâm họ nghĩ đây là “cái hay, cái đẹp, cái văn minh, cái nhất thế giới của Mỹ ”. Và tất cả những thứ này đã tác động ngay và mạnh mẽ đến người trong nước. Nguyên do dễ hiểu bởi vì người dân đa số nghèo quá và thiếu hiểu biết. Khi thấy người Việt từ ngoại quốc về thì nhìn với ánh mắt thán phục và thèm khát. Xin nhớ cho một nền văn hóa tồi tệ nhưng kinh tế mạnh vẫn có thể áp đảo một nền văn hóa tốt nhưng nghèo. Tôi có người em gái mới định cư vào Mỹ cách đây vài tháng cho biết ở Việt Nam bây giờ cũng có nguời tổ chức Lễ Halloween (Lễ Con Ma) và Valentine (Ngày Tình Yêu). Đúng là chuyện rởm đời! Ở đâu thì có lễ hội đó. Lễ hội phát xuất từ cuộc sống của dân gian mà đi lên. Chẳng hạn ngày xưa chưa có đèn điện, đất nước lại sống về nông nghiệp cho nên con người mới trân quý Chị Hằng cho ánh sáng về đêm cho nên mới có Tết Trung Thu, mới có Hát Hội Trăng Rằm, mới có Gạo Trắng Trăng Thanh. Vì đất nước ta nhỏ luôn luôn bị giặc Phương Bắc xâm chiếm, đô hộ cho nên toàn dân mới quý trọng các vị anh hùng đánh đuổi ngoại xâm, từ đó mới có đền thờ Bà Trưng, Bà Triệu, Thánh Gióng, Đức Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ v.v…và các anh hùng liệt sĩ. Ở Mỹ làm gì có chuyện đó. Rồi thì đất nước triền miên khói lửa, giặc giã, đói kém, tù tội, binh sĩ hy sinh ngoài mặt trận, dân lành oan thác.. cho nên vì lòng từ bi, lân mẫn mà có Tháng Bảy Ngày Rằm Xá Tội Vong NhânCúng Cô Hồn.Vì dân Việt coi trọng nguồn gốc “Cây có cội, nước có nguồn” cho nên mới có tục lệ thờ cúng tổ tiên, Vu Lan Báo Hiếu, chảy Hội Đền Hùng. Còn ngày Tết gia đình tụ hội để tưởng nhớ về ông bà nội ngoại, sau đó vui chơi, thăm bè bạn, đi chùa lễ Phật cầu phước cho con cháu, chứ không phải chỉ tụ tập ở Times Square, New York rồi la ó để“Count-downchào đón New Year”. Xin nhớ cho tôn giáo thế nào thì văn hóa thế đó. Văn hóa thế nào thì lễ hội như thế. Cái đẹp ở chỗ này chưa hẳn đã đẹp ở chỗ khác. Cái được chấp nhận ở chỗ này chưa chắc được ưa chuộng ở chỗ kia. Xin đừng lai căng, bắt chước. Xin đừng đem về những rác rưởi xã hội của người ta. Hiện nay tại Mỹ người ta đang khổ vì Lễ Halloween và ngày lễ này cũng từ từ phai nhạt. Nguyên do là vì trong Lễ Halloween trẻ em, người lớn thường hóa trang thành những tên cướp biển, con ma, quỷ Dracula đeo mặt nạ, miệng đầy máu, cầm dao giả, súng giả đi xin kẹo ban đêm hay đi lang thang ngoài đường hoặc vào các quán rượu (Bar) đã khiến gây ngộ nhận là ăn cướp giả trang, năm nào cũng có người bị bắn chết. Vả lại trong tình hình nước Mỹ đang điên đầu với kế hoạch chống khủng bố, ăn mặc giả trang như thế khác nào giúp cho bọn xấu lợi dụng để giết người, cho nên người Mỹ bắt đầu “sợ” Lễ Halloween trong khi một số “Việt kiều rởm” lại rước về đất nước của mình.

Tuy nhiên những gì đề cập trên đây chỉ là những thứ “lẻ tẻ” không đáng sợ. Điều đáng lo nhất là cái đầu óc bị nhiễm “vi khuẩn xấu ”. Đó là tinh thần vọng ngoại, cá nhân chủ nghĩa phóng túng, quên cội quên nguồn, khinh chê văn hóa dân tộc, chạy theo “kinh tế thị trường”, tìm đủ mọi cách làm giàu mau chóng mà không cần biết tới Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Khi có chút của cải rồi thì “ trưởng giả học làm sang” sống sa hoa phung phí, chỉ biết có mình, không hề biết chia xẻ hoặc dửng dưng trước khổ đau của người khác. Tôi nghĩ rằng cái bảng hiệu Buddha Bar & Grill ở Sài Gòn, Buddha Spa và Funky Buddha ở Hà Nội kia, cùng với rất nhiều những thứ nhố nhăng khác, chính là sản phẩm ngoại lai du nhập vào từ những bèo bọt của văn hóa xứ người và đầu óc “kinh tế thị trường”chạy theo lợi nhuận.

Khi cánh cửa bị khép kín lâu ngày bỗng dưng mở toang, khiến cái xấu lẫn cái tốt ùa vào. Do thiếu chuẩn bị, thiếu gạn lọc, thiếu một dòng chính văn hóađủ mạnh để “cuốn đi rác rưởi” hai bên bờ, chúng ta phải trả một giá rất đắt ngày hôm nay. Dù nói trời nói đất gì đi nữa, một quốc gia không có một nền văn hóa dòng chínhđể xã hội phô bày ra một kiểu cách “bát nháo” trong cuộc sống thì không được thế giới kính nể. Nếu những cái xấu cứ tiếp tục được nuôi dưỡng và lan tràn thì đến một lúc nào đó sẽ tạo ra một xã hội vô tổ chức, hư đốn, rồi dẫn tới bạo động, dù luật pháp có nghiêm khắc thế nào cũng bất lực. Bởi vì khi đó, chính luật pháp cũng bị hư đốn theo. Năm xưa Lê Ngọa Triều đã dùng vạc dầu, hổ báo ăn thịt người, róc mía lên đầu nhà sư, mà đất nước vẫn cứ loạn triền miên và phải đợi tới Lý Công Uẩn thay thế, dùng đứcđể trị dân, đất nước mới thái bình thịnh trị.

Nói như thế không có nghĩa là phiền trách. Hai chữ “phiền trách”không có trong kinh điển nhà Phật. Đạo Phật không bao giờ chủ trương than thân trách phận hay chấp nhận định mệnh cay đắng, mà Đạo Phật chủ trương trực diện với khổ đau, sắn tay áo lên, lao vào để giải quyết. Đức Phật không ngồi trên Cung Trời rồi sai phái một đứa con hay một sứ giả xuống Cõi Ta Bà này tuyên phán rằng nhân loại hãy cứ cầu nguyện và tôn thờ Ngài rồi sẽ có tất cả. Mà Đức Phật đã đích thân thị hiện (sinh vào) vào cõi trần lao này, tự tu, tự chứng rồi phát nguyện độ tận chúng sinh. Trên tinh thần đó thì câu hỏi đặt ra là aisẽ làm công việc lao vào chốn trần lao, bụi đời này để cứu độ chúng sinh, nói khác đi trong mặt trận bảo tồn và xây dựng văn hóa?

Có ba trụ cột vừa là nhân tố xây dựng và là điểm tựa cho nền văn hóa, đó là: Chính quyền, tôn giáo và trí thức.

1) Vì nắm quyền lực trong tay, ấn định chính sách giáo dục, chính quyền có đầy đủ phương tiện để định hướng, xây dựng và hỗ trợ cho việc hình thành, phát huy một dòng chính văn hóa cho dân tộc. Trường học chính là môi trường giáo dục văn hóa bậc nhất của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên vai trò quan trọng nhất của nhà cầm quyền là phải tự biến mình thành gương mẫu cho toàn dân. Kỳ vọng của quần chúng đối với chính quyền không gì hơn Cần, Kiệm, Liêm, Chính và Thượng Tôn Luật Pháp. Chỉ cần giữ gìn được những tiêu chuẩnđạo đức công quyềnđó thôi thì chính quyền đã trở thành “phụ mẫu chi dân”, nói gì dân cũng nghe và làm theo.

2) Về vai trò của tôn giáo thì Phật Giáo chính là tiêu biểu cho dòng chính văn hóa dân tộc, nhưng trước thực tại này Phật Giáo phải làm gì? Trước hết quý sư, ni phải là mẫu mực về phẩm hạnh và tu chứng bản thân. Mà muốn trở thành gương mẫu, theo Hòa Thương Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ thì không ngoài Giới-Định-Huệ. Giữ gìn được Giới-Định-Huệ thì trở thành thánh tăng, nói gì đại chúng cũng nghe và khi đó chư tăng, ni trở thành trụ cột đạo đức của đất nước. Xa lìa Giới-Định-Huệ thì sa đọa, uy tín không có và gốc Phật Giáo lung lay, nói chi việc giáo hóa chúng sinh, xây dựng văn hóa. Là người con Phật, dùng con mắt Tuệ quán chiếu vào cuộc sống và thế giới ngày hôm nay, chúng ta phải thương xót chúng sinh mới phải. Chưa bao giờ loài người phải đối phó với những thử thách nghiêm trọng như vậy. Dân số thì gia tăng, tài nguyên thì lần hồi khô kiệt, lương thực thiếu kém, động đất, sóng thần, lụt lội, bão tố triền miên khiến tốn kém và tổn thất sinh mạng, kinh tế đình trệ trong khi đó thì nhu cầu của con người mỗi lúc mỗi gia tăng- nhu cầu thiết thực thì không nói gì - mà trong đó còn có cả nhu cầu phù phiếm nữa. Buổi sáng thức dậy là cả những căng thẳng, toan tính, lo âu về cuộc sống khiến không còn chủ định được nữa. Trong khí đó những “cơn bão cám dỗ ngoại lai” ào ào thổi tới như muốn xô ngã, như muốn lôi kéo đất nước và chúng sinh vào con đường vô định. Nhìn ra ngoài xã hội, những người giàu thì giàu quá khiến tạo nên sự thèm khát, từ đó tìm đủ mọi cách để ngoi lên. Thử hỏi trong bối cảnh đó văn hóa, đạo đức còn duy trì được không? Có phân tích được như thế thì mới thấy chúng ta không thể oán trách hoặc kết tội chúng sinh. Ngày hôm nay, chư tăng ni không thể chỉ ngồi Thiền, tụng kinh niệm Phật, lên non Nhập Thất để tìm sự giải thoát cho bản thân mình mà phải sắn tay áo lao vào xã hội để giúp đời. “Phật Giáo đồng hành cùng dân tộc” ngoài việc giữ nước, nổi trôi theo vận nước, còn có nghĩa là cùng chia xẻ và giúp giải quyết những khó khăn của đất nước, của cộng đồng dân tộc. Ngoài những việc tốt lành mà chư tăng ni đã làm trong nhiều năm qua, các ngài phải làm sao, nói sao cho người giàu có dám bỏ tiền bạc ra làm phước thiện, xây bệnh viện, trường học và cấp học bổng cho học sinh nghèo. Phải làm sao cho đất nước có nhiều ông Cấp Cô Độc như thời Đức Phật tại thế. Tinh thần đóng góp thiện nguyện “Dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người” là dòng chính của văn hóa dân tộc. Phải nói làm sao cho các bà, các cô ăn không hết của, bớt tiền son phấn, quần nọ áo kia, giày dép đắt tiền, chơi bời hoang phí để giúp đỡ những cô nhi, quả phụ, trẻ em khuyết tật: Đó là dòng chính của văn hóa dân tộc. Phải nói làm sao để những người đang hãnh tiến vì của cải, coi người như cỏ rác hãy biết khiêm tốn và biết câu “lá lành đùm lá rách”: Đó là dòng chính của văn hóa dân tộc. Hãy nói làm sao để những kẻ ở trong thương trường đang “ăn gian làm dối” biết xấu hổ: Biết xấu hổ là dòng chính của văn hóa dân tộc. Hãy nói làm sao để những người đang chạy theo thói đời trưởng giả, nếp sống ngoại lai biết nhìn lại xem mình là ai– là Việt là Tây là Tàu hay là Mỹ? Biết nhìn lại mình, nhận biết được nguồn gốc của mình là dòng chính của văn hóa dân tộc. Phải nói làm sao để những người nghèo đừng tự ti mặc cảm mà phải tự tin, hy vọng rồi theo con đường đạo đức để vươn lên: Tự tin và tuân thủ đạo đức xã hội là dòng chính của văn hóa dân tộc. Phải nói làm sao để những người đang hành nghề bán buôn tại những khu du lịch đừng có lối “chặt chém” cướp tiền du khách. Giá cả minh bạch, thuận mua vừa bán là dòng chính văn hóa của bất cứ quốc gia nào. Hãy nói làm sao để những kẻ đang dùng tên tuổi và hình ảnh của những bậc tôn kính cho dịch vụ làm ăn không đứng đắn biết đó là sai trái để sửa chữa. Có lỗi mà biết sửa chữa là dòng chính của văn hóa dân tộc. Hãy nói làm sao để quý thầy cô, các bậc cha mẹ dạy dỗ con cái đừng nói năng thô bỉ, tục tĩu và biết kính trọng mọi người. Biết kính trên nhường dưới là dòng chính của văn hóa dân tộc. Hãy nói làm sao để người lớn, trẻ em đừng phóng uế bừa bãi. Biết giữ gìn vệ sinh đường phố, bảo vệ thú vật cây cỏ, bầu trời, biển hồ sông suối. Bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng của công đó là dòng chính của văn hóa dân tộc.

3) Còn đối với hàng ngũ trí thức, trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Cái quý trọng nhất của trí thức là đóng góp sự hiểu biết của mình cho sự phát triển của đất nước, làm đẹp, làm sáng, làm cao thượng thêm cuộc đời như Cụ Nguyễn Công Trứ nói “Phù thế giáo một vài câu thanh nghị”. Dĩ nhiên trí thức cần có cuộc sống đầy đủ nhưng lý tưởng của trí thức không phải là quyền lực, của cải mà Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là một gương sáng tuyệt vời khiến các Vua Mạc, Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh phải vấn hỏi về những vấn đề trọng đại của đất nước. Vì có phương pháp khoa học, có đầu óc quan sát tinh tế và nhìn xa trông rộng (viễn kiến) cho nên trí thức cần mạnh dạn đóng góp vào mọi vấn đề của đất nước như: đạo đức, văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng. Phương thức làm việc của trí thức là nghiên cứu rồi đưa ra giải pháp giống như một ông bác sĩ chẩn bệnh rồi cho thuốc. Người trí thức chân chính không kết tội ai. Thật khôi hài nếu ông bác sĩ la mắng bệnh nhân “tại sao thế này, tại sao thế kia” khi bệnh nhân tới xin trị liệu. Ngoài ra trí thức không phải là chính trị gia. Chính trị gia hoạt động nhằm mục đích tranh đoạt chính quyền để lãnh đạo đất nước. Trí thức chân chính không lệ thuộc vào đảng phái nào. Tại Hoa Kỳ, nếu trí thức thuộc Đảng Cộng Hòa sẽ chỉ trích bất cứ chính sách nào của Đảng Dân Chủ, dù chính sách đó tốt đẹp và ngược lại. Trí thức chân chính chỉ vì lợi ích chung mà nói. Trí thức là khối óc (Think Tank) của dân tộc. Đất nước không có trí thức giống như cá sống trong ao tù. Đất nước có trí thức giống như rồng gặp mưa bay lên trời. Ở Hoa Kỳ trước những vấn đề đối nội, đối ngoại gay go, người ta thường phỏng vấn những chuyên viên thượng thặng, tức những nhà thức giả về vấn đề này. Ở đâu cũng vậy, khi trí thức lên tiếng thì quần chúng lắng nghe. Việt Nam hiện nay, do nhu cầu Đổi Mới, gia nhập Cộng Đồng Thế Giới và vì tốc độ phát triển quá nhanh, yếu tố ngoại lai đủ loại lùa vào như một cơn bão, truyền thống văn hóa Việt đang bị thách thức nghiêm trọng. Xây dựng và củng cố một dòng chính văn hóađể đất nước tiến lên mà không mất gốc không hỗn loạn, đẹp mà dễ thương đó cũng là trách nhiệm của trí thức đương thời.

Kết luận:

Văn hóa chính là sự gạn lọc của của trí tuệ, kinh qua lịch sử, cùng với tôn giáo như bóng với hình. Hồi Giáo có văn hóa Hồi Giáo. Thiên Chúa Giáo có văn hóa Thiên Chúa Giáo. Phật-Lão-Khổng có văn hóa Tam Giáo đi kèm không thể nhầm lẫn và cho thấy nét đặc thù của mỗi dân tộc. (2) Khi đất nước loạn ly, văn hóa suy đồi. Khi đất nước bị nô lệ, văn hóa bản địa tiêu vong, nếu sống sót thì cũng “lai căng, hổ lốn”. Khi đất nước tự chủ, thái bình, thịnh trị và có “minh quân” thì mọi thứ đều hưng thịnh, văn hóa dân tộc sán lạn và là dòng chính cho mọi hình thái cư xử, sinh sống của xã hội. Có thể nói văn hóa chính là “bộ óc” quyết định mọi sinh hoạt của con người. Ví dụ: Một người “có văn hóa” thì ăn nói lễ độ, biết giữ gìn vệ sinh chung, biết bảo bọc truyền thống dân tộc, kính trọng các nơi tôn nghiêm, biết giá trị lịch sử, biết thế nào là giới hạn của mọi vấn đề, cao hơn nữa là biết thương yêu, chia xẻ và khiêm tốn. Còn người “thiếu văn hóa” thì ăn nói thô bỉ, cộc lốc, phóng uế bừa bãi, không biết giữ vệ sinh chung, nhố nhăng, lai căng, không biết tôn kính các nơi chốn trang nghiêm, không biết giá trị lịch sử, không biết quý trọng truyền thống dân tộc, không biết thế nào là giới hạn, không biết yêu thương, không biết chia xẻ và thường kiêu ngạo.

Trong bài viết “Sự Cường Thịnh Của Một Quốc Gia Theo Đức Phật” phổ biến vào Tháng 6, 2010 tôi đã viết “Khi mà những kẻ côn đồ, dao búa, những kẻ sống thác lọan, trụy lạc, những kẻ trọc phú, những kẻ vô phẩm hạnh mà được TV, báo chí tới phỏng vấn, bốc lên như một thứ “role model” khuôn mẫu cho mọi người vươn tới - thì đó là một xã hội hư đốn đồi trụy, một xã hội không còn coi học vấn và phẩm hạnh là những gì tôn quý.” Vậy muốn xây dựng một đất nước hùng cường và toàn dân trên dưới một lòng thì phải xây dựng một dòng chính văn hóa. Cao nhất của văn hóa là Tinh Thần Dân Tộc, Sự Hiểu Biết, Lễ Độ và Lòng Nhân Đạo.Một đất nước sẽ vô cùng hùng mạnh nếu mọi người có ý thức, lễ độ, có tinh thần trách nhiệm, biết chia xẻ và đùm bọc lấy nhau. Một đất nước - dù là siêu cường - cũng sẽ bị hủy diệt nếu mọi người sống trong tinh thần ích kỷ. Thế nhưng muốn xây dựng được một dòng chính văn hóa như thế chúng ta phải có một cái gì, tức phải có Vốn. Người Do Thái thông minh và có tinh thần đoàn kết tuyệt vời. Tân Gia Ba phát triển nhờ tinh thần kỷ luật. Nhật Bản vừa có kỷ luật vừa có tinh thần tự sỉ (biết xấu hổ và tự sát khi phạm lỗi lầm nghiêm trọng). Hoa Kỳ có tinh thần, sáng tạo, trách nhiệm và trọng pháp. Lào, Miến Điện, Kampuchia, Thái Lan, Tích Lan có lòng kính ngưỡng Tam Bảo không nơi nào bằng. Còn Việt Nam chúng ta có gì ?

Đào Văn Bình

(California Tháng 11, 2011)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/03/2012(Xem: 6053)
*Chánh Pháp thời kỳ: là sau Phật diệt độ, mới bắt đầu 500 năm Chánh pháp.( Theo luận Tỳ bà sa Q18. Vì độ cho Nữ giới xuất gia, nên Chánh Pháp bị giảm còn 500) Chánh pháp, có nghĩa là ‘Chứng Pháp’. Thời kỳ này có pháp, có người tu, và có người chứng được pháp đã tu. Có đủ Giáo Hạnh. Chánh pháp tồn tại 500 năm, hết 500 năm là qua thời tượng pháp. *Tượng Pháp thời kỳ: , là sau Chánh pháp, Tượng pháp tồn tại được 1000 năm. Tượng có nghĩa là ‘vẫn giống’ như Chánh pháp, có giáo, có hạnh,có pháp để tu, nhưng ít người chứng ngộ. Hết 1000 năm Tượng-pháp, là vào thời kỳ mạt pháp. *Mạt Pháp thời kỳ : Là thời khởi đầu chuyển thành ‘vi mạt’, Pháp mạt tồn tại Mười Ngàn Năm (10.000). Chỉ có Giáo mà không còn Hạnh! Tệ hơn, nhỏ bé hơn, thời kỳ của hao mòn, teo tóp, suy vi, chánh tà lẫn lộn. Ngày nay, Tuợng pháp hết đã lâu. Mạt Pháp cũng đã trôi qua 1051 năm rồi, nhưng còn kéo dài 8.949 năm nữa thì “Mạt Pháp” chấm dứt.
23/02/2012(Xem: 4467)
Sau 2 bài báo về quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” của tác giả Duy Tuệ, số lượng những ý kiến trên mạng bênh vực, đề cao tác giả quyển sách cho thấy tổ chức “Đại gia đình Minh Triết” do tác giả Duy Tuệ, người tự phong “đạo sư”, thành lập và chỉ đạo, điều hành đã tập trung khá đông đảo người tham gia tổ chức, đặc biệt là ở Việt Nam.
09/01/2012(Xem: 4327)
Bài viết này tiếp tục trích dẫn và bàn luận những vấn đề từ nội dung quyển sách ““Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm” của tác giả Duy Tuệ*. Loạt bài viết này của chúng tôi, trước hết, xin được hiểu như một loạt bài điểm sách, bình luận nội dung sách, với tựa đề quyển sách liên hệ đã nêu ở trên, được tiếp thị đến tôi trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, như đã miêu tả ở bài trước.
26/12/2011(Xem: 3279)
HỎI: Cách đây gần 2 năm vợ chồng tôi ăn chay trường. Nguyên nhân là tự dưng tôi không thể ăn được thịt cá, thế là tôi ăn chay. Còn chồng tôi trước đó có tìm đọc một số kinh sách, nghe giảng pháp, bắt đầu có hướng tu tập tại gia theo pháp môn Niệm Phật, khi thấy tôi ăn chay trường nên cùng ăn chay luôn. Tình cờ tôi gặp một người cũng ăn chay trường và tu tập nhiều năm. Khi thấy chúng tôi ăn chay và niệm Phật thì chú ấy rất vui mừng và đưa cho chúng tôi nhiều sách, đĩa hướng dẫn tu tập...
25/10/2011(Xem: 8046)
Thái độ của Phật giáo liên quan đến sự hòa điệu phi thường này như thế nào? Phật giáo có chấp nhận ý niệm có một Đấng Sáng Tạo toàn tri hay là một nguyên lý sáng tạo có khả năng điều chỉnh sự tiến triển của vũ trụ một cách tuyệt vời? Hay Phật giáo cho rằng sự hòa điệu chính xác và tuyệt vời của vũ trụ chẳng qua chỉ là một tình cờ may mắn? Vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo?
17/10/2011(Xem: 5166)
Phim tài liệu này đa số là hình ảnh xứ Cam bốt, không phải Sài gòn 1963: 54 giây đồng hồ đầu là cảnh Sài Gòn; Sau đó là toàn cảnh xứ Cam bốt và cảnh quân đội Cam bốt bắt bớ đàn áp Sư và phật tử, chỉ có vài giây ngắn là xen vào ảnh bà cố vấn Ngô đình Nhu .
08/09/2011(Xem: 5712)
Năm 1962, cơ duyên đến, Hoàng tôi "tình cờ" được dự lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm. Đó là một hoát nhiên đại ngộ chính trị. Không khí trang nghiêm, kỹ luật, thuần thành của biển người trên sân Chùa Từ Đàm hôm đó khiến Hoàng tôi nghĩ rằng, tổng quát ra, Phật giáo có thể là một đoàn thể áp lực có khả năng góp phần giải tỏa những oan khiên khúc mắc lịch sử xứ sở đang kẹt vào. Như thế nào? Thực sự Hoàng tôi chưa có một ý niệm rõ rệt nào cả. Anh chị em chúng tôi thường le lưỡi đùa đó là thời "mã thượng ham vui".
08/08/2011(Xem: 4700)
“Dương Văn Minh – Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” là một quyển ký sự - tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trần Thiết, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, cựu phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, là người đã phỏng vấn Tổng thống Dương Văn Minh vào ngày 30/4/1975.
27/07/2011(Xem: 4379)
Cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài giới thiệu cách sử dụng tờ gấp vào việc quảng bá lễ Phật đản. Tuy nhiên, chưa thấy đơn vị Phật giáo nào áp dụng trong thực tế, trong khi các hoạt động truyền thông đã có truyền thống lâu đời của lễ Phật đản, như xe hoa, cũng như những hoạt động truyền thông cổ động mới cho lễ Phật đản, như thuyền hoa, đều bị cắt hủy, loại bỏ tại 1
23/06/2011(Xem: 4627)
Sách vở, báo chí, dân chúng ở miền Nam trước đây gọi chế độ ông Diệm là độc tài, hoặc độc tài gia đình trị. Dictature, despotisme, tyrannie, autocratie, despotisme oriental ... tất cả những khái niệm chính trị đó của phương Tây đều có thể áp dụng được - và đã áp dụng - cho chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi dùng chữ "toàn trị" ở đây trước hết là để nhấn mạnh một trong hai tiêu chuẩn chính mà Hannah Arendt đã dùng để định nghĩa khái niệm totalitarisme : ý thức hệ. Chế độ ông Diệm đã khẩn trương dựng lên từ đầu và càng ngày càng bắt dân chúng nuốt một thứ chủ nghĩa mà chẳng ai hiểu là gì : chủ nghĩa nhân vị.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]