Thiền Sư Tín Học (? - 1190) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông ( thời Vua Lý Cao Tông)
🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ Ba, 21/10/2021 (16/09/Tân Sửu), chúng con được học về Thiền Sư Thiền sư Tín Học (? - 1190), đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 300 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).
Sư họ Tô quê ở làng Chu Minh, phủ Thiên Đức. Gia đình chuyên nghề khắc bản kinh. Thuở nhỏ Sư theo học với Thầy Thành Giới, không thích giao du.
Năm ba mươi hai tuổi, Sư đến Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du thọ giáo. Ở đây hầu thầy ba năm, Sư nhận được tông chỉ Thiền tông một cách sâu sắc. Sau đó, Sư một mình chống gậy du phương, đến chùa Quán Đảnh núi Không Lộ huyện Thạch Thất, Sơn Tây dừng lại trụ trì.
Sư Phụ giải thích:
- Thiền Sư Tín Học là một trong sáu đệ tử nối pháp của Thiền Sư Đạo Huệ gồm, thiền sư Tịnh Không, thiền sư Đại Xả, thiền sư Tín Học, thiền sư Trường Nguyên, thiền sư Tịnh Lực, thiền sư Trí Bảo.
- Thiền sư Đạo Huệ có lời di chúc rất sâu sắc để vào tâm của sáu vị đệ tử:”Loạn ly lan rộng, ái chừ, từ đó mà đến.” Ngài khuyến giáo luyến ái là đầu mối dẫn dắt thần thức đi tái sanh. Hành giả phải từ bỏ ái nhiễm ngay từ bây giờ, không chờ tới lúc ra đi.
- Thiền sư Tín Học có duyên lành được xuất thân từ gia đình chuyên nghề khắc bản kinh, nên từ nhỏ không thính giao du với bên ngoài, lo đọc kinh sách và rồi phát tâm xuất gia tu học với thiền sư Đạo Huệ và cuối cùng đắc pháp với Ngài.
Sư ở trước Phật đốt ngón tay cúng dường và phát nguyện lớn:
- Con đã nhiều kiếp trôi lăn trong trần lao, nay nguyện dứt hẳn không còn tạo lại.
Sư Phụ giải thích:
- Khi ra trụ trì, trước bàn thờ Phật, Sư phát đại nguyện, đốt ngón tay cúng dường.
- Sư Phụ giải thích cách đốt ngón tay, quấn vải vào ngón tay rồi thấm dầu và đốt, nóng thật khủng khiếp, người phát tâm phải đầy dũng lực kiên cường.
- Sư Phụ kể trong kiếp quá khứ, Đức Thế Tôn đã từng bố thí mắt, tay, máu thịt…để cầu pháp.
- Riêng bản thân Sư Phụ, trong lễ thọ giới tỳ kheo,Sư Phụ đã phát nguyện dự lễ tấn hương để được đốt liều hương trên đỉnh đầu ba chấm. Sư Phụ có chỉ ba chấm trên đỉnh đầu của Sư Phụ.
- Sư Phụ kể Thầy Hạnh Nguyện, Thầy Hạnh Tấn, Thầy Đồng Văn phát nguyện đốt ngón tay tại Đại Tháp Giác Ngộ sau khi hoàn tất chuyến bái hương tam bộ nhất bái từ Vườn Lộc Uyển, Thành Ba La Nại về đến Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ
Sư chuyên tu Tam quán theo trong kinh Viên Giác, ngày chỉ ăn một bữa, đến hình dung tiều tụy, trải nhiều năm như thế mà chẳng thối chí. Do đây, thâm đắc Chánh định tam quán. Công khanh sĩ thứ ngưỡng mộ phong thái cao nhã của Sư đua nhau đến học hỏi rất đông.
Sư Phụ giải thích:
Thiền Sư Tín Học đã chọn tu theo pháp môn Tam Quán của Kinh Viên Giác. Kinh Viên Giác có 12 phẩm, mỗi phẩm có một vị Bồ Tát thỉnh hỏi Đức Thế Tôn cho một pháp tu.
Phẩm 1: Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Phẩm 2: Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền
Phẩm 3: Bồ Tát Phổ Nhãn
Phẩm 4: Bồ Tát Kim Cang Tạng
Phẩm 5: Bồ Tát Di Lặc
Phẩm 6: Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ
Phẩm 7: Bồ Tát Oai Đức Tự Tại
Phẩm 8: Bồ Tát Biện Âm
Phẩm 9: Bồ Tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng
Phẩm 10: Bồ Tát Phổ Giác
Phẩm 11: Bồ Tát Viên Giác
Phẩm 12: Bồ Tát Hiền Thiện Thủ
Hai phẩm đầu Đức Thế Tôn dạy pháp tu đốn tu và đốn ngộ, các phẩm còn lại là tiệm tu.
Thiền Sư Tín Học chuyên tu Tam Quán, đó là:
1/ Quán Không: quán thấy tất cả pháp do nhân duyên sanh, thể tánh của pháp là không.
2/Quán Giả: tất cả pháp đều do duyên hợp mà có, nhưng là giả có.
3/Quán Trung: quán chiếu trong mỗi giây phút của cuộc đời, các pháp tự nó là giả có, là không, là do nhân duyên sanh ra, là giả danh, là không thật có nên không chấp có và chấp không.
Tổ Sư Long Thọ đã tuyên bố trong bài kệ số 18 trong Trung Quán Luận do ngài biên soạn:
Chúng nhân duyên sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa.
Dịch nghĩa:
Các pháp từ nhân duyên
Ta gọi nó là không.
Nó cũng là giả danh,
Cũng gọi là trung đạo.
Các pháp sanh ra từ nhân duyên, ta gọi các pháp này là không, không là vì các pháp từ nhân duyên sinh khởi, đủ duyên thì các pháp kết hợp, hết duyên thì các pháp tan rã, nên gọi các pháp là không. Cũng gọi là giả danh, vì pháp do duyên khởi mà có nhưng chỉ tạm có, tạm đặt tên để gọi nên gọi là giả danh. Cũng gọi là nghĩa trung đạo. Trung đạo là con đường vượt thoát mọi phạm trù đối đãi như giàu-nghèo, đẹp-xấu, phải-trái, sống-chết, chấp có-chấp không, sanh tử-niết bàn, phiền não-bồ đề, sanh tử-niết bàn. Chỉ có con đường giữa Trung Đạo mới dẫn hành giả đến niết bàn giải thoát an vui, ngoài Trung Đạo sẽ không có bất cứ một con đường nào khác.
- Thiền sư Từ Đạo Hạnh có để lại cho đời bài kệ thị tịch nổi tiếng để giúp hành giả vượt thoát chấp có và chấp không:
Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Tam Tổ Huyền Quang dịch :
"Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?"
Sư Phụ kể một câu chuyện điển hình, một thương gia giàu có, do từ hai bàn tay trắng làm nên một đại công ty. Một đêm thị trường chứng khoán rớt xuống, trắng tay, vỡ nợ, ông tìm đến một bờ sông để tự tử. Nhưng khi đến bờ sông, ông thấy một cô thiếu nữ đang khóc nức nở, ông hỏi cô gái lý do. Cô gái bộc bạch là bị người yêu bỏ và cô khổ quá không sống nổi. Vị thương gia bảo “sao lúc chưa có bạn trai, cô có thể tự sống vui sống khỏe được mà sao bây giờ lại không ?”, nghe câu hỏi lạ đời này, cô gái chợt tĩnh ngộ và đứng lên cảm ơn bác thương gia đã giúp mở mắt cho cô. Bản thân bác thương gia cũng tự nhận ra khi chưa giàu có ta vẫn sống bình an vô tư lự, ta cũng từ tay trắng làm nên, tại sao ta không chịu trở lại như lúc xưa để làm lại từ đầu ? và ông cũng nhanh chóng vui lên và từ bỏ ý định nhảy xuống sông tự tử.
Một hôm Sư tự bảo:
- Có lợi ắt có nhiễm, có nhiễm ắt có lợi; có lợi có nhiễm, Bồ-tát chẳng làm; không lợi không nhiễm, Bồ-tát mới làm.
Sư Phụ giải thích:
Lời khuyên của Sư về hạnh xử thế, trước khi làm một điều gì thì phải quán chiếu, giống như để hạt giống trên đá, tịnh nghiệp chướng ngay trên lục căn, lục trần giúp cho nghiệp không có chỗ nẩy mầm thì không thể đưa đến khổ lụy.
Đến ngày 9 tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thụy thứ năm (1190) đời Lý Cao Tông, Sư cáo bệnh nói kệ:
Sơn lâm hổ báo, Hoành văn ban bác. Nhược dục chân biệt, Tử thốt mẫu trác.
Núi rừng cọp beo, Vằn vện lẫn lộn. Nếu muốn phân rành, Con kêu, mẹ mổ.
Nói kệ xong, Sư thị tịch.
Sư Phụ giải thích:
- bài kệ Sư làm vào năm 1190 cách nay 834 năm rất đơn giản và thiết thực:
* Núi rừng cọp beo, vằn vện lẫn lộn:
trong núi rừng, loài cọp beo có màu lông giống nhau rất khó phân biệt.
*Nếu muốn phân rành, Con kêu mẹ mổ.
Con gà ấp trứng, khi trứng đúng thời gian, gà mẹ nghe tiếng gà con trong trứng kêu thì gà mẹ mổ trứng, gà con được sanh ra.
- Sư ví như người đệ tử đủ nhân duyên thì được Sư Phụ khai thị một câu, đệ tử liền khai ngộ.
Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Tín Học do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:
Không thích giao du quyết học thiền Xuất gia chí nguyện gắng tinh chuyên Thiền tông yếu chỉ soi tâm tuệ Pháp Phật nghĩa mầu chiếu cội nguyên Ba quán ròng tu khơi bến giác Sáu thời thúc liễm hướng bờ thiêng Công khanh sĩ thứ mến nương học Thiền mạch khai thông sáng đạo huyền
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Tín Học, Sư có duyên lành từ thuở nhỏ giúp gia đình nghề khắc bảng kinh. Năm 32 tuổi, sau ba năm thọ giáo với thiền sư Đạo Huệ, Sư được tông chỉ thiền tông và với tâm dũng lực Sư phát đại nguyện trước Đức Phật, Sư đốt ngón tay cúng dường, nguyện “Dứt hẳn kiếp trần lao”. Và Sư đã đắc được Chánh Định sau nhiều năm Sư tu theo Tam quán trong kinh Viên Giác.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Thiền Sư Tín Học (? - 1190)
Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông
(Vào thời Vua Lý Cao Tông)
Kính dâng Thầy bài trình pháp về Thiền Sư Tín Học với niềm hoan hỷ và tri ân vô bờ khi được Thầy khai thị về câu cuối của bài kệ thị tịch của Ngài " TỬ THỐT, MẪU TRÁC" qua bài pháp thoại hôm nay . Kính bạch Thầy với nhiều năm nghiên cứu Phật Pháp và chuyên nghe pháp thoại mỗi ngày ít nhất là 6 giờ thế mà phải đợi đến 300 bài pháp thoại của Thầy những gì con thọ nhận từ Kinh Sách và các bài giảng của quý cao tăng đến nay mới được thấu suốt rõ hơn gấp bội phần . Đúng là một đại duyên ( tăng thượng thượng duyên ) .Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an , HH
Là một trong sáu đệ tử đắc pháp với Thiền Sư Đạo Huệ ( đời thứ chín thiền phái Vô Ngôn Thông) như là TS Tịnh Không, Đại Xả, Trường Nguyên, Tịnh Lực, Trí Bảo ...nên các Ngài đã thấm nhuần lời di chúc của Sư Phụ lúc thị tịch" LOẠN LY LAN RỘNG ÁI CHỪ TỪ ĐÓ MÀ ĐẾN "
( Trích : Đến niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ mười (1172) ngày mùng một tháng tám, Sư có chút bệnh, than rằng: “Loạn ly lan rộng, ái chừ, từ đó mà đến.”)
Lại xem hành trạng của Ngài Tín Học với nghề nghiệp gia đình truyền lại in bản kinh nên đã thấm nhuần kinh sách nên sau 3 năm hầu Thầy đã đạt Yếu chỉ Thiền Tông một cách sâu sắc
(Sư đến Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du thọ giáo. Ở đây hầu Thầy ba năm, Sư nhận được tông chỉ thiền tông một cách sâu sắc. )
Theo đó
Người đạt “Yếu chỉ Thiền tông” là người hiểu được pháp môn Thiền Tông là pháp môn không dụng công tu hay sử dụng bất cứ thứ gì nơi vật lý này để tu cả. Mà chỉ cần hay ra mình có Phật Tánh và sống với Tánh Phật ấy là đủ. Hay nói cách khác là đã vào được “sân thiền” rồi vậy.
Như vậy
Yếu chỉ Thiền tông là “Kiến tánh khởi tu”.
Nói đến kiến tánh là nói đến giác ngộ, có giác ngộ là đối với vô minh. Muốn thông suốt chỗ giác ngộ, trước phải hiểu tường tận gốc vô minh.
Giác ngộ là tên khác của Trí tuệ Bát-nhã. Có trí tuệ mới biết chỗ sai lầm, nhận ra điều chân thật. Trí tuệ là ngọn đuốc sáng soi phá vô minh tối tăm.
Tuy nhiên có lẽ Ngài mới Giải Ngộ (Giải ngộ là nhân nghe một câu kinh hay một lời chỉ dạy của Thiện tri thức, liền thấy được Bản tánh. Tính cách đạt được rất nhanh, nên cũng gọi là Đốn ngộ. Nhân Phật, Tổ, thầy, bạn mà được ngộ đạo, nó thuộc về Trí hữu sư. Giải ngộ mới là kẻ thấy đường về quê, chưa phải là người về đến nhà. Người tu được giải ngộ, đã thanh toán xong năm mươi phần trăm nghi ngờ trên đường tu của mình) ........
Vì chiêm nghiệm được điều đó ...Ngài quyết chí phải được Giác Ngộ viên mãn cho nên đã đốt tay cúng dường và phát nguyện lớn:
- Con đã nhiều kiếp trôi lăn trong trần lao, nay nguyện dứt hẳn không còn tạo lại.
Và từ đấy Sư chuyên tu Tam quán theo trong kinh Viên Giác, . Do đây, thâm đắc Chánh định tam quán.
Mà như chúng ta thường được chỉ dạy rằng "Kinh Viên giác là nói về tuệ giác viên mãn của Phật" Giáo nghĩa cốt tủy của kinh Viên Giác là lời Phật chỉ bày "Tánh Viên Giác" đều có sẳn nơi mỗi chúng sanh. "Viên Giác" là kết quả tu tập hay là Viên Giác là sự sáng suốt, tánh tròn đầy, là Phật quả.
Muốn đạt đến Viên Giác phải dùng "bản nhân địa' để thấu suốt vô minh vì vô minh và bản giác cùng chung trong tâm, nên tánh giác không thể không có vô minh. Có vô minh hay không có vô minh đều bỏ là tùy thuận tánh tịnh Viên Giác.
Theo HT Thích Trí Quang "kinh này rõ ràng duyệt xét khá kỹ về trí thức con người. Điều kỳ dị trong việc này là đối với trí thức ấy không công nhận mà có vẻ công nhận. Thí dụ chương Tịnh chư nghiệp chướng nói về sự tự ý thức tự ngã: tự biết mới hiện ra tự ngã, vậy là không công nhận, nhưng tự hiểu như vậy nên cũng hiểu tự ngã ấy không đáng nhận, vậy là có vẻ công nhận. Rồi tự biết, tự hiểu và tự rõ, tuệ giác, thì như khối nước đá bị đun sôi mà tự rã từ từ, cho đến rã hết, không còn chút nào để tự biết mình đã rã hết: nước đá đã trở lại nước, tự ngã đã hoàn nguyên viên giác. Như vậy thì sự ngộ nhập viên giác có thể bắt đầu ngay nơi sự tự ý thức tự ngã."
Kính xin ghi lại những điều đã học:
Kinh Viên Giác đã nói đến sự giác ngộ viên mãn, nên tất nhiên Phật thuyết kinh này chủ yếu cho hàng căn cơ viên đốn. Viên đốn là gì? - Là sự giác ngộ tròn đầy nhanh chóng trong một tích tắc, một sát-na, không qua thứ lớp tu tập. Đây là tinh thần của Bồ tát Đại thừa. Chỉ có Bồ tát mới đi trên con đường Phật đạo, cuối cùng viên mãn Phật quả. Cho nên, sự xuất hiện của mười hai vị Bồ tát trong kinh nói lên rằng, các Ngài đang hành trì lời Phật dạy, đang đi trên con đường đến Phật quả; và nhất là các Ngài muốn đi vào trung tâm giác ngộ của Phật để biểu hiện sức sống, chứ không phải đi theo con đường tiệm thứ, thứ bậc. Tuy rằng trong văn kinh có chỗ nói đến tiệm thứ tu tập, nhưng đó là vì lòng từ bi mà Phật đưa ra phương tiện thôi. Ngay trong phẩm đầu là phẩm Văn Thù, kế đó là phẩm Phổ Hiền, đã xoáy mạnh vào đốn ngộ. Chúng ta bây giờ học kinh Viên Giác, rồi sau sẽ học các bản kinh Đại thừa khác, để có niềm tin vững chãi đối với Thiền Đốn ngộ. Thiền Đốn ngộ là tinh ba của tất cả kinh điển Đại thừa. Thiền Đốn ngộ chính là đóa hoa nở trên cây Phật giáo.
Đốn ngộ mà kinh Viên Giác chủ ý nói đến ở đây, có nghĩa là đối với những bậc căn cơ bén nhạy, chỉ một phen nghe đến Phật thừa, liền siêu phàm vào Như Lai địa. Các vị không theo cấp bậc tu chứng của Tiểu thừa, không cần trải qua nhơn địa của Bồ tát, tức Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng... Đó là chủ ý của kinh Viên Giác. Cho nên, khi học đến kinh này, chúng ta phải lắng nghe, phải lắng sâu tâm thức của chúng ta để mà nghe. Lắng thần như vậy, có học Phật bằng sự thiết tha của một người khao khát tìm cầu chân lý như vậy, chúng ta mới có thể hiểu được yếu lý của Phật. Còn nếu chúng ta ngồi nghe như nghe đọc một bản thuyết trình, một bài diễn văn khai mạc, thì chúng ta không thể nào hiểu được nghĩa lý thâm sâu của kinh điển, nhất là kinh điển Đại thừa là nhắm vào trung tâm giác ngộ.
Cho nên Phật dạy : "Biết huyễn tức ly huyễn, không cần đến phương tiện; ly huyễn tức giác cũng không có thứ lớp trước sau", nhưng tùy thuận thì cần lập phương tiện để dẫn dắt chúng sinh.
Kinh chỉ ra phương tiện trong việc tu hành để đạt tánh Viên giác với 12 chương gồm 12 Vị Bồ Tát thượng thủ tiêu biểu ( Sự và Lý ) đó là :
Chương 1 Văn Thù : Vì sao Ngài Văn Thù xuất hiện trước tiên trong số 12 vị Bồ tát? - Chúng ta nên biết, Bồ tát Văn Thùtượng trưng cho Căn-bản-trí, Chơn-trí, Thật-trí. Căn-bản-trí là vô ngôn vô ngữ, nhưng từ chỗ vô ngônnày mà hiểu được tất cả ngôn ngữ. Chủ yếu của kinh Viên Giác cũng là nói đến Căn bản trí. Đức Phậttùy theo sự thưa thỉnh của Ngài Văn Thù, liền đi thẳng vào vấn đề không quanh co, không thứ lớp. Đức Phật muốn chỉ thẳng cho hàng Bồ tát và chúng sanh nhận ra tự tâm Viên Giác của chính mình, mà trong kinh gọi là Nhơn-địa pháp-hạnh của Như Lai. Trước nhận ra tánh Viên Giác, sau đó khởi tu, mới có thể viên thành Phật đạo. Như vậy, ta thấy rõ kinh Viên Giác đúng là thuộc Đốn giáo Đại thừa, mà chương Văn Thù có thể nói là căn bản cho toàn thể bản kinh.
Chương 2- Phổ Hiền: Sau khi nêu lên ba thắc mắc, Bồ tát Phổ Hiền thiết tha cầu Phật chỉ dạy phương tiện thứ lớp để chúng sanh đời mạt nương vào đó tu hành, xa lìa được các huyễn. Lòng thiết tha thưa thỉnh ấy thể hiện bằng hình ảnh năm vóc gieo xuống đất và lập lại lời thưa hỏi ba lần.
“Khi ấy, Đức Thế-Tôn bảo Bồ tát Phổ Hiền rằng: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các hàng Bồ tát và chúng sanh đời mạt, tu tập Như huyễn Tam muội của Bồ tát, phương tiện tiệm thứ khiến các chúng sanh được lìa các huyễn. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói”. Lúc ấy Bồ tát Phổ Hiền hết sức vui mừng, vâng theo lời dạy và cùng đại chúnglắng sâu tâm thức mà nghe”: Đây là lời khen và hứa khả của Đức Phật đối với Ngài Phổ Hiền, chủ yếu sẽ giảng về Như huyễn Tam muội của Bồ tát. Vậy Như huyễn Tam muội là gì?
Tam muội được dịch là Chánh định hay Chánh thọ; Như huyễn có nghĩa là tất cả các pháp đều huyễn nhưng luôn luôn ở trong Như tánh. Như huyễn tam muội là ở trong chánh định mà quán triệt được lý Như huyễn của tất cả các pháp; lại vẫn ở trong chánh định mà hiện làm biết bao việc như huyễn để độ chúng sanh. Lý Như huyễn rất sâu mầu, không thể tư duy hay quán sát mà hiểu được. Nếu chúng tacòn thấy có tâm năng quán và cảnh sở quán, còn phân biệt cái biết và cái bị biết, thì chúng ta không thể nào thẩm thấu được nghĩa lý sâu xa này.
Chúng sanh thường chấp trước vào các pháp, thấy các pháp đều thật. Cho nên, một trong những khí giới tuyệt hảo để hủy diệt sức mạnh của sự chấp trước này, là tuyên bố rằng tất cả các pháp đều như mộng, sương, điện chớp... Đó là lý do Phật nói về lý Như-huyễn. Như huyễn không có nghĩa là từ chối thế giới hiện thực, mà nhìn thấy thế giới bằng tri kiến như thật. Khi quán chiếu các pháp một cách sâu xa, hiểu muôn sự muôn vật đều là duyên sinh giả hợp, chúng ta thấy rõ các pháp không phải là chính nó, mà do vay mượn những thứ không phải nó để tạo thành. Đến mức độ cao hơn, chúng ta thấy đương thể đã là không, các pháp hiển hiện nhưng không có thực thể, đó là cái thấy bằng trực giác Bát-Nhã. Cho nên, khi nói lý Như Huyễn, Đức Phật muốn phát khởi trong tâm chúng sanh một tri kiến như thật. Khi ánh bình minh giác ngộ bừng lên, thế giới sẽ hiện bày toàn bộ sự thật trước mắt ta, tự nhiên ta thể nhập Như huyễn Tam muội.
Một câu hỏi đặt ra: Chúng ta quán chiếu thấy rõ các pháp do duyên sinh, ta biết chúng không thật. Nhưng trong cuộc sống đời thường, khi trần cảnh kéo lôi, sao ta vẫn thấy có thật và vẫn bị dính mắc buộc ràng? - Bởi vì tập khí nhiều đời vẫn còn, chúng ta lại chưa hoàn toàn thẩm thấu lý Như huyễn nên vẫn thấy các pháp thực sanh thực diệt. Vì vậy, dù đã biết đã hiểu về tự tánh không của tất cả các pháp, nhưng phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới có thể hoàn toàn thấu triệt và thâm nhập Như huyễn tam muội.
“Này Thiện nam tử! Tất cả các thứ huyễn hóa của chúng sanh đều sanh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai, giống như hoa đốm từ hư không mà có. Huyễn hoa tuy diệt, nhưng tánh của hư không vẫn không hoại”: Đoạn này có ý nghĩa rất sâu xa. Tất cả huyễn hóa của chúng sanh đều sanh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Chúng ta có thể tin điều này không? Khi đưa cây viết lên, tất cả chúng ta đều thấy cây viết - cây viết này sinh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Khi đánh một tiếng chuông, tất cả chúng ta đều nghe - tiếng chuông này cũng sanh trong Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Như vậy, cái thấy và cái nghe đó đều nằm trong tâm Viên Giác.
Khi ấn vào mắt, ta thấy có hoa đốm loạn xạ trong hư không; khi bỏ tay ra, hoa đốm biến mất. Hoa đốmấy sanh ra từ đâu? - Từ hư không mà sanh, rồi cũng diệt trong hư không. Nhưng hoa đốm dù sanh dù diệt, hư không vẫn bất động. Cũng vậy, tất cả các pháp tức sáu trần, sáu căn cho đến thức tâm phân biệt, là những thứ huyễn hóa của chúng sanh, đều sanh từ Diệu tâm Viên Giác của Như Lai. Thật ra, phải nói là “Tâm Viên Giác Như Lai” chứ không là “Tâm Viên Giác của Như Lai”, vì đó chính là Diệu tâmở mỗi chúng ta vậy. Nếu không có Diệu tâm này, chúng ta sẽ đồng như gỗ đá vô tri vô giác. Cho nên, ta phải nhân nơi những huyễn hóa này mà nhận ra tâm Viên Giác của chính mình.
Chương 3- Phổ Nhãn
Chương 4- Kim cang Tạng
Chương 5- Di Lặc
Chương 6- Thanh Tịnh Tuệ
Chương 7- Oai Đức Tự Tại
Chương 8-Biện Âm
Chương 9 -Tịnh Chư Nghiệp Chướng
Này Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp hy vọng thành đạo, không chịu cầu ngộ, chỉ thêmđa văn, tăng trưởng ngã kiến. Cần phải siêng năng hàng phục phiền não, khởi đại dõng mãnh, chưa được phải làm cho được, chưa đoạn phiền não phải khiến cho đoạn. Tham, sân, ái, mạn, xiểm khúc, tật đố, đối cảnh chẳng sanh. Ta cùng với người ân nghĩa yêu mến, thảy đều tiêu diệt. Phật nói người như thế, dần dần sẽ thành tựu, cầu thiện tri thức, không lạc vào tà kiến. Nếu đối với chỗ sở cầu mà sanh tâm yêu ghét, thì không thể nhập vào biển Giác ngộ thanh tịnh được”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
“Tịnh Nghiệp! Ông nên biết! Tất cả các chúng sanh Đều do chấp Ngã-ái Xưa nay vọng lưu chuyển Do chưa trừ bốn tướng Không thành tựu Bồ đề. Nơi tâm sanh yêu ghét Ở niệm còn xiểm khúc Thế nên nhiều mê muội Chẳng thể vào thành Giác. Nếu ngộ trong sát na Liền trừ Tham, Sân, Si, Không còn tâm ái pháp, Dần dần được thành tựu Thân ta vốn không có Yêu ghét do đâu sanh? Người cầu Thiện tri thức, Chẳng lạc vào tà kiến. Sở cầu sanh tâm khác, Rốt ráo chẳng thành tựu”.
Chương 10- Phổ Giác
Chương 11- Viên Giác
Chương 12- Hiền Thiện Thủ
Và kính ghi rõ Tam Quán như đã được Giảng Sư TT. Thích Nguyên Tạng thuyết giảng
Tam Quán có nghĩa là : Quán Không, Quán Giả và Quán Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa
1- Thấy các pháp đều do duyên sinh - Thể tánh đều Không gọi là quán Không
2- tuy thể tánh Không sống khi duyên hợp thì Có mà là GIẢ CÓ nên gọi là Quán Giả .
3- KHÔNG, GIẢ đều buông chỉ còn một Tâm CHÂN NHƯ túc là Quán Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa
Về nguyên lý của “Pháp lý Không”, Long Thọ đã giải thích bằng thuyết Duyên Khởi (Pratityasamutpada).
Sở dĩ các Pháp là Không mà trở thành Có là vì chúng do Duyên mà phát khởi; bởi đấy, Tướng ấy mới là Giả, cũng như cái Ta đây là phi-bản-ngã, là cái ta mượn, là có ta mà Không ta (vô ngã) vậy. Bởi phải có Duyên nên mới khởi, nên giáo thuyết Đại thừa mới là vô-tuyệt-đối chỉ có Tương-đối của Trung đạomà thôi.
Nhân duyên sở sanh Pháp Ngã thuyết tức thị không Diệc danh vi giả danh Diệc danh Trung đạo nghĩa.
Đấy là tóm tắt cả lập trường căn bản của Trung quán luận; và đấy cũng chính là trọng tâm học thuận của học thuyết Trung Quán (Madhyamika) do Long Thọ lập nên.
Theo Ngài Long Thọ thì Niết bàn không phải là có, cũng không phải là chẳng có, mà Niết-bàn là Không (Phi hữu, phi vô, duy không) -
Ngài nói rằng: “Con người do ngũ uẩn tạo nên hình hài. Hình hài bởi nhân duyên mà bị chằng chịt vào các vòng Sinh, Tử, Vãng, Lai. Nay chính giác mà tự tháo bỏ ra ngoài cõi nhân duyên thì đấy là Niết-bàn. Cho nên, Luân hồi với Niết-bàn vốn không có khoảng cách; nhưng cả hai lại cùng chia để cùng nằm ở cả trong hai khoảng thực tại: mê chấp và chính giác. Mê chấp ấy là tự trói buộc bằng nhân duyên luân hồi; Chính giác ấy là tự thoát ra ngoài nhân duyên để sang Niết-bàn".
Tuy nhiên theo cái Lý của Trung đạo, cách tự giải thoát nhiệm mầu nhất là không cần biết đến có luân hồi hay có Niết bàn, không tham sống, không sợ chết, không quan niệm đến nhân duyên, không nhìn đến Pháp tướng, không biết thế nào là trói buộc không màng thế nào là giải thoát, lòng lâng lâng với Không là đủ
Và Ngài Từ Đạo Hạnh đã để lại bài kệ chỉ dạy rằng "Chớ chấp có, phủ nhận không, cả hai đều không phải là thực tại tuyệt đối thường hằng"
Tác hữu trần sa hữu Vi không nhất thiết không Hữu không như thủy nguyệt Vật trước hữu không không.
Dịch nghĩa: Có thì muôn sự có Không thì tất cả không Có, không trăng đáy nước Đừng mắc có cùng không.
Tuy nhiên . Kinh đã chỉ rõ 3 phương tiện chánh là pháp tu thiền chỉ, quán và Thiền na .
1-samatha)
- Này thiện nam, nếu Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh, dùng tâm giác thanh tịnh giữ cái lặng lẽ làm hạnh, rồi y đó lắng các vọng niệm và biết thức phiền động, thì trí tuệ lặng lẽ phát sanh, thân tâm khách trần từ đây diệt hết. Nội (tâm) liền phát ra lặng lẽ khinh an. Do vì lặng lẽ nên tâm của các đức Như Lai ở mười phương thế giới hiển hiện rõ trong đó, như bóng hiện trong gương. Phương tiện này gọi là Xa-ma-tha.
2- Tam-ma-bát-đề (quán, samapatti).
- Này thiện nam tử, nếu các vị Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh rồi, dùng giác tâm thanh tịnh nhận biết tâm tánh cùng với căn trần đều là huyễn hóa, liền khởi trí huyễn để trừ pháp huyễn, biến hiện các hạnh huyễn mà khai hóa chúng sanh như huyễn. Do khởi pháp quán huyễn nên nội tâm phát đại bi khinh an. Tất cả Bồ-tát từ đây khởi hạnh tu quán, dần dần tăng tiến. Người quán huyễn không đồng với cảnh huyễn, không đồng với pháp quán huyễn, vì đều là huyễn nên tướng huyễn hằng lìa. Các vị Bồ-tát này ở nơi hạnh viên diệu như đất làm cho mầm được tăng trưởng, phương tiện ấy gọi là Tam-ma-bát-đề (quán, samapatti).
3-Thiền-na. (dhyana)
- Này thiện nam, nếu các vị Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh, dùng giác tâm thanh tịnh không thủ pháp quán huyễn và tướng lặng lẽ. Rõ biết thân tâm đều là vật ngăn ngại, còn cái vô tri giác minh thì không bị các pháp làm chướng ngại, hằng siêu vượt các pháp chướng ngại và không chướng ngại. Thọ dụng các tướng thế giới và thân tâm ở cõi trần này, cũng như âm thanh từ đồ vật thoát ra ngoài, phiền não Niết-bàn chẳng lưu ngại nhau, nội tâm liền được lặng lẽ khinh an, diệu giác tùy thuận cảnh giới tịch diệt tự tha, thân tâm không còn có thể kịp nữa. Chúng sanh, thọ mạng đều là cái tưởng phù hư. Phương tiện tu này gọi là Thiền-na. (dhyana)
Lời kết
Kính ngưỡng Thiền Sư Tín Học với công hạnh tu tập theo tời phát đại nguyện của Ngài từ khi đạt được yếu chỉ Thiền Tông một cách sâu sắc qua lời di chúc của Minh Sư Đạo Huệ để rồi đạt đến Chánh định Tam Quán ( nhận ra Tâm chân thật của chính mình) - Tâm chân thật này cũng gọi là Tánh giác hay Phật tánh. Thấy được Tánh giác thì thành Phật không nghi, vì đã biết Phật nhân nhất định sẽ đến Phật quả.
Và điều này lại minh xác được rằng " Chỉ cho người nhận được Bản tâm mình là chủ đích của Thiền tông. "
Hơn thế nữa ...câu cuối bài kệ thị tịch của Ngài lại chỉ rõ Nhân duyên cơ phong hoá độ chúng sinh hay Sự Học Đạo của Đệ tử đúng thời đúng lúc sẽ gặp Minh Sư khai thị và tìm được lối đi đúng với Chánh Pháp Như Lai. ...
Kính tán thán và tri ân Giảng Sư đã truyền trao đại chúng bài pháp thoại quá tuyệt vời ...và giải thích việc Tấn hương ( đốt liều ) một nghi thức tự nguyện hiến dâng cho đạo pháp và thể hiện sự từ bi đối với tất cả muôn loài của một Tăng Siết
Kính trân trọng,
Ngài Thiền Sư Tín Học ...
...Một trong Sáu đệ tử đắc pháp với Thiền Sư Đạo Huệ (1)
Đời thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông
Thừa hưởng chánh nghiệp từ cha ông (2)
Xuất gia, công hạnh phát huy....Thiền Tông đạt yếu chỉ (3)
Cúng dường đốt tay, phát đại nguyện quyết chí (4)
Hành thiền theo kinh Viên Giác ...trải nhiều năm
Tựu thành Chánh Định Tam Quán ..
.....công khanh sĩ phú theo học đông (5)
Cơ phong hoá độ chúng sinh ...
kệ thị tịch ...nhân duyên phương tiện! (6)
Kính đa tạ Giảng Sư ...ĐỐT LIỀU qua kinh nghiệm (7)
Nhiều thí dụ cúng dường đốt tay ...tăng sĩ thời nay (8)
Hạnh xử thế trong cuộc đời ...lợi, nhiễm quyết định ngay (9)
Bài pháp thoại quá tuyệt vời ...hữu ích, súc tích !
Nam Mô Thiền Sư Tín Học tác đại chứng minh
Huệ Hương
Melbourne 21/10/2021
Chú thích :
(1) Thiền Sư Đạo Huệ có 6 đệ tử nối pháp đời thứ 10 là ( Thiền Sư Tịnh Không, Đại Xả, Tín Học , Trường Nguyên, Tịnh Lực , Trí Bảo ...nên các Ngài đã thấm nhuần lời đi chúc của Sư Phụ lúc thị tịch"
Và Ngài Đạo Huệ để lại di chúc cho hậu học suy ngẫm về giây phút trước giờ lâm chung nếu còn ái nhiễm dính mắc thì" LOẠN LY LAN RỘNG ÁI CHỪ TỪ ĐÓ MÀ ĐẾN "
(2)
Sư họ Tô quê ở làng Chu Minh, phủ Thiên Đức. Gia đình chuyên nghề khắc bản kinh. Thuở nhỏ Sư theo học với thầy Thành Giới, không thích giao du.
(3)
Năm 32 tuổi, Sư đến Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du thọ giáo. Ở đây hầu Thầy ba năm, Sư nhận được tông chỉ thiền tông một cách sâu sắc.
Sau đó, Sư một mình chống gậy du phương, đến chùa Quán Đảnh núi Không Lộ huyện Thạch Thất, Sơn Tây dừng lại trụ trì
(4)
Sư ở trước Phật đốt ngón tay cúng dường và phát nguyện lớn:
- Con đã nhiều kiếp trôi lăn trong trần lao, nay nguyện dứt hẳn không còn tạo lại.
Sư chuyên tu Tam quán theo trong kinh Viên Giác, ngày chỉ ăn một bữa, đến hình dung tiều tụy, trải nhiều năm như thế mà chẳng thối chí.
(5) Do đây, thâm đắc Chánh định tam quán. Công khanh sĩ thứ ngưỡng mộ phong thái cao nhã của Sư đua nhau đến học hỏi rất đông.
(6)
Đến ngày 9 tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thụy thứ năm (1190) đời Lý Cao Tông, Sư cáo bệnh nói kệ:
Núi rừng cọp beo,
Vằn vện lẫn lộn.
Nếu muốn phân rành,
Con kêu, mẹ mổ.
(Sơn lâm hổ báo,
Hoành văn ban bác.
Nhược dục chân biệt,
Tử thốt mẫu trác.)
Nói kệ xong, Sư thị tịch.
Câu cuối trích trong bài kệ của Thiền Sư Hương Nghiêm lúc thượng đường dạy chúng
Sư có làm bài kệ:
Tử thốt mẫu trác
Tử giác mẫu xác
Tử mẫu câu vong
Ứng duyên bất thát
Dịch:
Con kêu mẹ mổ
Con biết mẹ vỏ
Con mẹ đều quên
Hợp duyên chẳng lố.
(7)
Trên đầu của những người xuất gia theo đạo Phật thường có những vết sẹo tròn, đây là vết tích của việc đốt hương cúng dường chư Phật. Trong Phật giáo lễ này còn được gọi là “Tấn hương” (đốt hương), “Nhiệt đảnh” (Đốt đầu) hay còn gọi là “Đốt Liều”.
Tấn hương là một nghi thức biểu thị ý chí khao khát học hạnh Bồ-tát, nguyện hiến trọn cuộc đời mình phục vụ đạo pháp và cuộc sống con người. Người phát tâm tấn hương có thể đốt 1 liều (chấm hương - PV), 3 liều, 6 liều, 9 liều hay 12 liều trên đỉnh đầu tùy theo tâm nguyện của mỗi người.
Việc phát nguyện tấn hương diễn ra sau khi các đệ tử tu theo đạo Phật thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát giới. Lễ đốt hương này chỉ thấy trong các Đại giới đàn thuộc Phật giáo Bắc tông (hay đại thừa).
Lúc đốt hương, người tu sĩ phải mang áo Cà Sa, ngồi ngay thẳng, nghiêm trang trước bàn thờ Phật, có những nhân viên y tế đo và đánh dấu trên đầu trước để tránh trúng mạch máu và dây thần kinh gây nguy hiểm cho bản thân. Ngoài ra bên cạnh còn có những người phụ giúp xem hương cháy được chừng nào và có ai bị xỉu, bị chảy máu…hay không.
Điều đặc biệt khiến người đốt quên đi nỗi đau xác thịt là nhờ sự đồng thanh niệm danh hiệu Phật và trì tụng thần chú của quý chư Tăng, Ni, Phật tử… hòa cùng âm thanh của chuông trống Bát Nhã vang khắp căn phòng.
Viên hương tròn được bỏ lên đầu của mỗi người làm từ bột trầm hương và lá ngải cứu. Trầm để cho thơm và dễ cháy, còn ngải cứu là vị thuốc chống nhiễm trùng và nhanh lành vết thương.
Hai thứ này trộn lại, vo tròn, quấn trong tờ giấy mỏng hút thuốc lá bằng hạt bắp, phía dưới được làm to ra bằng móng tay út, phần trên vấn lại nhọn để làm ngòi khi thắp lửa. Thời gian đốt từ 20 - 30 phút, tùy thuộc vào độ cháy và thịt của mỗi người.
Việc đốt hương này được những người con Phật xem là hành động thể hiện sự chân thành, quyết tâm tin và theo Phật. Có người còn đốt đi một hoặc hai ngón tay để cúng dường”.
Đa số Tăng Ni Phật giáo đều cho rằng việc đốt hương là sự cúng dường giá trị tâm linh cao lớn nhất không phải dễ dàng làm được. Đó là hạnh phúc nhất của cuộc đời tu theo Phật.
(8)
TT Thích Hạnh Tấn', Thích Hạnh Nguyện( đệ tử của HT Phương Trượng chùa Viên Giác Thích Như Điển ) và TT. Thích Đồng Văn đã đốt ngón tay tại Bảo Tháp Giác Ngộ / Bồ Đề Đạo Tràng sau khi Tam bộ nhất Bái một khoảng đường dài tương đương với 30 phút lái xe bằng Bus
Kinh Địa Tạng được trích dịch từ kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luận, cuốn một tập 13 của Hán tạng, từ trang 721 đến 726 (Bản dịch của T.T. Trí Quang, Sài Gòn, 1976). Kinh này thuộc thời đại phát triển Đại thừa, khoảng từ đầu kỷ nguyên Tây lịch trở về sau. Đức Thế Tôn đã nói Kinh này cho Thánh Mẫu Ma-gia ở cung trời Đao Lợi trước lúc Thế Tôn và Niết-bàn.
Du Hóa Tập 2 là một tuyển tập bao gồm những bài viết mà chúng tôi đã đăng tải trên các Tạp chí, Nội san… của các chùa trong và ngoài nước. Đây là những bài viết đã được đọng lại theo dòng thời gian qua sự cảm nhận từ ánh sáng lời dạy của đức Phật được áp dụng trong cuộc sống hiện tại.
Sự phân tích về cái chết không phải là để trở nên sợ hãi mà là để biết trân quý kiếp sống này, trân quý kiếp người mà qua đó bạn có thể thực hành những pháp tu quan trọng.
Mời xem đoạn thứ hai: “một đời thành Phật”, xem tiết thứ hai, kinh nói rằng “Di Đà Niết Bàn, Quán Âm tức bổ Phật vị hiệu Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, quốc danh chúng bảo phổ tập, trang nghiêm kỳ Phật diệt hậu, Đại Thế Chí Bồ Tát tức bổ Phật vị hiệu Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai”.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.