Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bước Đi, Theo Cõi Tâm Hương

15/05/201912:45(Xem: 4449)
Bước Đi, Theo Cõi Tâm Hương

 

BƯỚC ĐI, THEO CÕI TÂM HƯƠNG


Bài viết của SC Hạnh Chi

Diễn đọc: Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên



 

            Những tiếng gọi chậm rãi, ân cần, chợt vọng lên từ đáy lòng sâu thẳm khi thời công phu khuya vừa dứt. Những tiếng gọi hòa quyện vào nhau, nhịp nhàng đồng điệu như một bản hòa tấu. Tiếng gọi của Hồn Thiêng Sông Núi, của Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, của những vị ân sư đã đến rồi đi, đang còn rồi sẽ mất, của những ngôi chùa làng quê, của giòng sông, của vách núi …. Tất cả, như những âm thanh vọng từ cõi tâm hương nào, tuy nghìn trùng mà như gang tấc, tưởng chiêm bao mà như hiện thực đâu đây …

            Những âm thanh đó đã khiến thời công phu khuya dường như bất tận, để khi ánh dương lên, tôi biết, tôi sẽ phải làm gì.

            Đứng lên.

Cất bước.

Lần theo cõi tâm hương đó mà đi.

 Thế thôi.

Lộ trình là những nét chấm phá của từng chặng hiện lên khi tiếng vọng nào gọi tới. Không gì trước, không gì sau. Chỉ là an nhiên cất bước khi những tiếng gọi, tuy không thôi thúc mà sự ân cần lại có sức mạnh vô song.

            Thế đấy.

            Hành trang chỉ là Y Bát, chút vật dụng cá nhân, gọn nhẹ trong một túi vải, đeo sau lưng.

            Tôi đi về quê hương khi tiếng gọi của Hồn Thiêng Sông Núi đang vang vọng.

            Nửa trái địa cầu chưa qua hết những sát na chập chờn bay bổng giữa không trung. Chuyến bay dài, rồi cũng tới lúc đáp xuống.

            Quê hương tôi đây, nơi tôi đã chào đời, đã trưởng thành, đã rời xa, và đang trở lại. Vẫn đường phố cũ, ngõ hẻm xưa mà bước chân người trở về chợt ngậm ngùi, tưởng chừng xa lạ.

            Nhưng không! Xa lạ chỉ là những hình thức hiện hữu phơi bầy mà theo lẽ vô thường sẽ hợp rồi tan, còn rồi mất. Khi tôi rẽ vào con hẻm nhỏ có ngôi chùa cũ kỹ rêu phong thì tiếng niệm A Di Đà trong lòng vẫn ngào ngạt trầm hương của ngày tháng cũ, ngôi chùa xưa, khitôi thường theo mẹ vào tụng kinh; nay, nơi này đang ôm ấp tro tàn trong kiếp nhân sinh của Cha và Mẹ….

            Tôi thắp nhang, đứng lặng trước bài vị song thân, nhắm mắt, thầm niệm Phật. Khi cảm nhận tàn nhang rơi trên búp tay sen thì hai dòng lệ cũng đầm đìa trên má. Tôi xoa nhẹ tay trên di ảnh song thân, nghe trái tim mình thổn thức như thời thơ bé được che chở, được thương yêu bằng sự nghiêm huấn của Cha, bằng tiếng ru ngọt ngào của Mẹ ..…

            Lạy Phật rồi lạy tạm biệt song thân, tôi rời chùa thì nắng đã lên cao. Đường phố đầy người và xe cộ ngược xuôi, tất bật. Tôi đón chiếc Taxi đang trờ tới.

            Khi đã ngồi trong lòng xe, tôi nói với bác tài xế:

            - Xin cho tôi tới đường Nguyễn Thượng Hiệp, Phường 5, quận Phú Nhuận.

            Nhìn kính chiếu hậu, tôi thấy bác tài xế khẽ mỉm cười. Có lẽ cách nói của tôi không đúng văn phong của người trong nước, như tôi đã được cảnh báo, là họ sẽ nhận biết ngay, ai là người nước ngoài về!

            Cảm nhận như vậy, tôi bèn “tự thú”:

            - Tôi về thăm Sư Phụ.

            Tôi sửng sốt khi người tài xế trung niên nói ngay:

            Cô muốn đến Thư Quán Hương Tích phải không?

            - Sao bác biết?

            - Vì thấy cô là người tu, mà khu vực đó có Thư Quán Hương Tích là nơi một vị thầy được nhiều người kính mến, thường ghé về. Chắc đó là sư phụ cô?

            Tôi chỉ “Dạ”, không nói gì thêm mà lòng ấm áp biết bao!

1

            Cổng Thư Quán tuy mở rộng, nhưng tôi vẫn đứng lại, thở nhẹ, khép mắt, lắng tâm … và chỉ bước rất chậm, vào hàng hiên, khi tôi nghe rõ tiếng lòng mình đang cất lên “Bạch Sư Phụ, con là Hạnh Chi, đệ tử phương xa xin vào đảnh lễ Sư Phụ”

            Lạ thay, chỉ là tiếng thầm trong lòng, nhưng dường như Sư Phụ đã biết. Qua những kệ sách thơm nức giấy mực, từng nấc thang lên lầu lại đưa tôi về bao cảm xúc năm nào, lần đầu tiên được diện kiến Sư Phụ ở Thị Ngạn Am.

            Ánh mắt dịu dàng, lặng yên nhận ba lạy của đệ tử, rồi bàn tay phải đưa ra như ngụ ý nâng đệ tử đứng lên, chỉ chiếc ghế đối diện. Với nụ cười từ ái, Sư Phụ tự tay rót nước sôi trong bình vào ấm trà. Không gian căn phòng nhỏ chợt thoảng hương sen, như tỏa vào những trang kinh đang dịch, những câu thơ đang đơm ý, những bài kệ đang triển khai …

            Thế thôi. Mà dẫu ngàn lời,đệ tử cũng không tỏ bầy đủ những gì thầm nói tự đáy tâm can.

on tue sy

            Đa tạ Sư Phụ, bao năm nay đã mở dần cho con cánh cửa vô minh vốn là tên cai ngục mà Đức Thế Tôn đã nhận diện sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề. Từng lần nhập thất, từng trang cảo thơm hình thành những châu ngọc trên kệ sách của hành giả khắp năm châu là tấm lòng Sư Phụ chưa từng ngưng cống hiến cho những ai đã, đang và sẽ, cất bước trên con đường Trung Đạo.

Biển học mênh mông mà trí tuệ đệ tử còn quá non yếu nên thỉnh thoảng lại được Sư Phụ viết đôi lời khuyến tấn, nhắc nhở khi gửi cho những tác phẩm mới hoàn thành. Trước tâm lượng từ bi và mẫn ái này, đệ tử chỉ biết tự hứa,luôn cố gắng hành trì để trong muôn một không bội ơn Chư Phật, không phụ lòng Sư Phụ.

            Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

            Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về (1)

 

            Nắng nhuộm vàng những con đường dốc đưa người phương xa lên miền cao nguyên. Thiền viện tôn nghiêm uy nghi trên đỉnh đồi, bao tháng năm đã hướng dẫn từng bước chân thiền hành nhập vào an định. Từng bụi cây, từng ngọn cỏ đều phảng phất bóng dáng nhu hòa của vị Thiền Sư chống gậy trúc xuống núi, ân cần giảng dạy từng thắc mắc đơn giản cho kẻ cầu đạo. Lời Ngài giảng luôn đi sát với tâm chúng sanh chân chất, hiền hòa bằng ngôn từ mộc mạc. Chẳng hạn như:

            “Đạo lý đâu mà trao

            Vô tâm là lẽ đạo

            Ý niệm chớ vướng vào

            Giai không vô phiền não

            Đạo lý của nhà Phật dạy cốt chỉ cho mình sáng được việc của mình, chớ không phải ông thầy có một cái cho mình, nên nói không có cái mà trao. Làm sao mình khai thác cái sẵn có của mình, thì đó là đạo lý. Còn vô tâm đây là không có một niệm phiền não sanh tử, chớ không phải vô tâm là không có cái tâm chân thật. Khi nào mình không có những tâm điên đảo sanh tử, đó là thấy đạo (2)

            Thiền viện mênh mông mà không gian vẫn tràn đầy thiền lực. Lạ thay, cửa viện rộng mở, bất cứ ai, thành phần nào, tôn giáo nào, môn phái nào cũng có thể viếng thăm; vậy mà, dường như ai đã bước qua cánh cổng, đặt chân vào nội viện thì người đó như vừa thoát xác, thể hiện oai nghi của một thiền sinh, thanh thản thong dong, không chút vướng bận. 

            Nhiệm mầu thay năng lực huyền vi của Chánh Báo!

on thanh tu

 

            Rời thiền viện xuống đồi, vào thành phố, bước chân vô định đưa lữ kháchtới hồ Xuân Hương, địa danh thơ mộng giữa lòng Thành Phố Sương Mù. Ngồi bên bờ đá với một củ khoai nướng trong tay, tôi đang gặp lại tôi thời thơ bé, theo mẹ về trang trại của gia đình người bác, ở Lâm Đồng. Ký ức đó chưa hồi tưởng bao nhiêu mà bỗng nhạt dần, để chỉ 2 chữ “Lâm Đồng” càng lúc càng rõ nét.

Điều gì ở Lâm Đồng đang gọi tôi?

            Vị ngọt bùi của khoai nướng còn thơm nơi đầu lưỡi,tôi đã biết mình sẽ đi tiếp tới đâu. Tôi thầm cám ơn người bạn đạo đã ghi xuống sổ tay cho tôi địa danh này, trước khi tôi lên đường lãng du, với lời nhắn nhủ “Nếu có dịp, sư cô nên ghé đây: Chùa Dược Sư, thôn Phú An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng”

            Chiếc xe khách 12 chỗ thả tôi bên lề đường. Hỏi thăm, người chỉ ngã này, người bảo ngã kia, loanh quanh mãi, tưởng chừng bỏ cuộc. Vậy mà, như trong giấc mơ tôi đã bước vào sân chùa Dược Sư, đã qùy trước bảo tháp lúc nào không hay!

chua duoc su

            Ôi, phải chăng Sư Bà đã thương cảm, dẫn dắt con vào đây để con được chiêm ngưỡng nơi thờ phượng Ngài, để con được sụp lạy tôn tượng Ngài. Sư Bà ngồi đó, linh động như thời sinh tiền, tận tâm tận lực hoằng dương Chánh Pháp suốt hơn sáu thập niên chưa từng ngưng nghỉ. Hàng ngàn Ni-chúng tu học miên mật trong các Ni-viện Liên Hoa, Viên Thông, Hoa Nghiêmđã được Sư Bà tận tụy hướng dẫn. Lời gọn, ý sâu, Sư Bà thường nhắc nhở:

            “Các con đã biết rõ chùa chúng ta là một Tu Viện Tịnh Độ. Việc học vấn khiêm tốn, chỉ dám nghĩ tới một môn học là vãng sanh. Muốn chuyển thân phàm thành Thánh Hiền, chúng ta học và tu 2 việc:

a)    Chuyển phàm: Về sự, học luật để đưa thân, miệng, ý vào khuôn. Về lý, học Tứ Niệm Xứ để thanh lọc ba độc tham, sân, si trong tạng thức.

b)    Thành Thánh: Về sự, học kinh A Di Đà và chuyên niệm Phật. Về lý, học kinh Lăng Nghiêmđể biết vạn pháp quy về Như Lai Tạng, là tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh Độ

Học để biết chỉ có thế, nhưng tu tập thì phải miên mật, lâu dài nên chúng ta đã lập ra chương trình Bốn Mùa Hoa Giác”(3)

Trọn một đời hiến dâng Đạo Pháp, lúc ra đi, để lại bút tích đơn sơ mà sáng ngời tấm lòng hy hiến:

“Ký ca ký cóp

Đóng góp nên công

Nhẹ như lông hồng

Bay về Cực Lạc …”(3)

su ba hai trieu am

Không biết tôi đã qùy bao lâu trước tôn tượng Sư Bà được thực hiện bằng sáp, với kỹ thuật tuyệt hảo khiến kẻ chiêm ngưỡng như đang được trực diện pháp thân sinh tiền. Tôi chỉ đứng lên khi nước mắt đã nhạt nhòa và bắt gặp cái nhìn thông cảm của một sư cô đứng bên góc tường đối diện. Tôi bước đến gần và sư cô nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi. Thì ra sư cô cũng đang rưng rưng đôi giòng lệ …

Có lẽ chính sự thông cảm này mà tôi đã được sư cô chỉ cho, là cách đây chỉ khoảng hơn 100 mét là Bảo Tháp thờ cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm.

Tôi ngỡ như mình đang nằm mơ vì tôi chưa hề biết nơi đâu lưu di tích này, cũng không hy vọng gì trong chuyến đi có thể được quỳ lạy Bảo Tháp thờ vị Liên Tông Sơ Tổ Vô Nhất Đại Sư, vị Thầy mà thời sinh tiền từng chứng tỏ có tha-tâm-thông, thiên-nhãn-thông, nhìn suốt quá khứ, vị lai những ai đủ duyên được Ngài độ. Chính tôi cũng may mắn được biết một, trong những người được Ngài độ nên mới được nghe những điều tưởng như huyền thoại từ chính người trong cuộc.

Riêng tôi, nghiệp dầy phước mỏng chỉ biết đến danh Ngài qua cuốn sách qúy “Niệm Phật Thập Yếu” mà Ngài biên soạn công phu, là kim chỉ nam cho hành giả tu Pháp Môn Niệm Phật; đồng thời giải tỏa băn khoăn cho bao người không ít khổ đau giữa hai ngả Thiền và Tịnh. Ngài luôn nhắc nhở rằng Thiền Tông và Tịnh Độ nói riêng, đồng cùng đi về chân tánh, tuy hai mà một, đều nương tựa để hiển tỏ, thành tựu lẫn nhau.Những trang sách Ngài để lại, dù dưới dạng thức nào cũng không thiếu những lời thơ ân cần xác quyết để trấn an những hành giả còn hoang mang hai nẻo đường về:

“Tức tâm là độ, lý không ngoa

Tịnh khác Thiền đâu, vẫn một nhà

Sắc hiển trang nghiêm miền Diệu Hữu

Không kiêm vô ngại cõi hằng sa (4)

Hoặc như:

“Chốn cũ chân-như lắm nẻo về

Đường tuy khác lối, vẫn đồng quê

Trong Thiền có Tịnh, trời Lư-lảnh

Nơi Tịnh gồm Thiền, nước Động-khê (4)

on thien tam


Một vị chân tu, sáng ngời đạo hạnh, đã đạt thành môn Niệm Phật Tam Muội, thì việc biết trước giờ phút lâm chung chỉ là để bồi dưỡng thêm niềm tin cho hàng hậu học. Di bút để lại cho biết đích xác ngày giờ, hai ngày sau đó sẽ vãng sanh:

Hôm qua tin tức, trời Tây báo

Giờ mẹo mai đây, tạ thế tình (4)

 

Cũng như khi quỳ lạy Tôn tượng Sư Bà ở chùa Dược Sư, nơi đây tôi không biết mình đã quỳ bao lâu cho đến khi giòng cảm xúc mơ màng cảm nhận là trời đang mưa nhẹ…

Trên lộ trình ra đường cái, đón xe về đồng bằng, tôi biết rõ là mình đang nhận phước báu mới có đủ những thuận duyên ngoài mong ước như vầy. Suốt chặng đường về, tôi chắp tay búp sen, thầm tạ ơn Chư Phật, Chư Bồ Tát mười phương đã cho tôi được thọ nhận những gì vừa trải qua.

 

Từ bến xe ven đô vào trung tâm thành phố Sài Gòn, tôi như lạc vào một thế giới khác. Người và xe, âm thanh và cảnh trí đồng loạt đua nhau hối hả như chưa ai từng biết chậm lại để cảm nhận trong lồng ngực mình một hơi thở bình an! Hầu hết những người lái xe hai bánh đều bịt khẩu trang chắn bụi và đội nón sắt an toàn. Đây cũng là luật trong thành phố nên vô hình chung, nhìn tổng thể hoạt cảnh so với cảnh trí năm xưa thì người từ phương xa trở về chưa kịp cập nhật, sẽ tưởng như lạc vào một hành tinh khác!

Về lại căn nhà xưa, nơi gia đình người em luôn dành cho tôi một phòng nhỏ, tôi tự nhủ, sẽ giới hạn tối đa việc phải đi ra ngoài đường. Vậy mà, ngay chiều hôm sau, người em mời tôi ra phố để cùng gia đình dùng một bữa cơm chay trước khi “Bà-chị-sư-cô lại biến mất mịt mù!”

Gia đình nói đúng quá, nên chẳng thể từ chối.

Quán ăn tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, con đường ngày xưa từng làm mòn guốc cô nữ sinh mê thích những quầy hàng nhỏ, nơi thì bán sách, nơi thì giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật, nơi thì mời gọi bước chân dừng lại để nghe một dòng nhạc trầm bổng du dương …. Con đường xưa, nay không còn thấy những món ăn tinh thần đó nữa mà nhộn nhịp, huyên náo là những món ăn phục vụ thân tứ đại! Bắp hấp, mực nướng, khoai chiên … mạnh ai nấy rao bán, công an đuổi tới đâu thì chạy tới đó. Người bán, người mua, người đuổi, đều thản nhiên như là chuyện bình thường!

Khi thành phố lên đèn thì những hoạt cảnh đó lại tấp nập hơn vì được tăng cường những chiếc loa lưu động của nhóm “nghệ sỹ lưu động” rao bán những băng nhạc đủ loại. Đèn hai bên đường tỏa mầu xanh dương, không những không giúp cho không gian buổi tối chút ấp áp mà dường như ngược lại!

Sao lại là mầu xanh này?

Đĩa mì xào chay, gắp mãi vẫn chưa vơi thì một cụ già, lưng hơi còng, chợt dừng trước bàn chúng tôi, xòe những tấm vé số trên bàn tay khẳng khiu, mời mua. Trong khi người em từ tốn lắc đầu thì phản ứng tự nhiên của tôi là lấy trong túi vải mấy đồng, trao bà cụ. Cũng phản ứng tự nhiên, bà cụ trao tôi mấy tờ vé số. Tôi thành thật, khẽ nói:

- Biếu cụ uống nước thôi.

Bà cụ thu lại những tấm vé, vừa chậm chạp quay đi, vừa nhỏ nhẹ:

- Cám ơn sư thầy, nhưng tôi bán hàng chứ không phải người ăn xin.

Giọng bà cụ điềm đạm, nhu hòa, không một chút mỉa mai hờn giận mà tôi  tưởng như có gáo nước lạnh vừa xối khắp thân mình! Nhìn bà cụ khuất dần trong những hoạt cảnh huyên náo, tôi không thể không liên tưởng đến những gian xảo, những lường gạt, những tham lam từ hàng triệu đến hàng tỷ tỷ đồng, của lớp người quyền thế mà thỉnh thoảng vì ăn chưa no, chia chưa đều, nên lại tự bật mí trên công luận!

Ôi, cám ơn Mẹ Già Nghèo Khổ Bán Vé Số nuôi thân!

Trong ao bùn vẫn còn những đóa sen.

Giữa sỏi đá vẫn ẩn tàng ngọc quý.

tu hieu

Tinh túy này, bản chất này không quyền lực nào, không sức mạnh nào hủy diệt được thì những vô thường kia chỉ là hoa đốm mà thôi!

Cảm tạ Bồ Tát hóa thân đã nhắc nhở và xua tan phiền não.

 

Với cõi lòng nhẹ tênh đó, hai ngày sau tôi lên đường, dọc theo dãy Trường Sơn mà tiến dần về miền Trung, nơi có tiếng gọi của:

“Thầy ngồi trên xe lăn

Tâm từ lặng lẽ rải

Đường thiên lý khôn ngăn

Thể hiện bao mẫn ái”

tu hieu-2

Tôi về nơi đất thiêng cổ kính có ngôi chùa Từ Hiếu từ ngày sư tổ Tánh Thiên Nhất Định khai lập đến nay đã non hai thế kỷ. Chính nơi đây là nguồn pháp bất tận từ bao bậc chân tu khả kính, từng thế hệ tiếp nối theo bước chân Thầy Tổ mà tận tụy trao truyền giáo pháp.

Tổ Đình Từ Hiếu với những lối mòn đất đỏ, tre trúc bao quanh, mưa nắng hai mùa, thiên nhiên như ôm lấy từng nóc tháp rêu phong, từng bờ tường vôi nhạt mà pháp âm không ngừng tuôn chảy. Nay, sau nhiều thập niên hành đạo khắp năm châu, Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh đã quyết định dành trọn những ngày tháng cuối, về trụ nơi Ngài từng là chú điệu, thường ngồi nhổ cỏ bên bờ hồ bán nguyệt. Sự kiện này đã không ngừng thôi thúc hàng ngàn thiền sinh đủ mọi quốc tịch tìm về Tổ Đình Từ Hiếu để được đảnh lễ thầy mình và cũng để được đặt chân tới nơi đã hun đúc, nuôi dưỡng đạo tâm vị thầy khả kính.

 

Tiếp tục lên đường theo tiếng gọi từ cõi tâm hương, bước chân người phương xa chợt cảm nhận như có bao bước đồng hành. Quả đúng thế khi chúng ta bước được những bước cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, bước cho bằng hữu xa gần, cho người ta thương và cả người không thương ta … Với bước chân an lạc đó, lữ khách rời Tổ Đình, ghé chùa Từ Đàm, bái lạy bao âm hưởng truyền đăng Chánh Pháp từng kết tụ nơi đây, rồi xuôi theo hướng biển.

Xe khách đổ dốc về Đà Nẵng. Tiếng vọng “Nhĩ căn viên thông” đang thiết tha vẫy gọi. Làm sao có thể không tìm về nơi này khi đã từng được nghe là từ ngày Tôn Tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát uy nghiêm sừng sững dựng trên vách núi, nhìn ra biển cả thì mùa bão hàng năm không còn tới nữa. Mẹ Hiền đứng đó, giang rộng ngàn tay chắn mưa giông bão tố cho đàn con từng chịu bao khổ đau vì ách nước, nạn trời!

quan am linh ung

Về tới linh địa, nơi ngôi chùa Linh Ứng được tạo dựng bằng cả sức lực và tâm lực của bao tấm lòng thành, người phương xa lại để rơi những hạt lệ tri ân khi qùy lạy trước Tôn Tượng Bồ Tát. Từng lá cỏ, từng bông hoa, từng hạt sỏi nơi này đều thầm lặng thể hiện cái đẹp không lời của chiều sâu nghệ thuật, khiến khách thập phương dừng nơi đây không thể không nghĩ rằng đây là những phẩm vật tối thượng mà kẻ phàm phu đã tận dụng hết khả năng tinh thần để cúng dường Bồ Tát.

 

Quãng đường ngắn, từ Đà Nẵng tới Hội An mà bỗng khởi lên nỗi ngậm ngùi dài vời vợi, vì trên quốc lộ dẫn vào trung tâm phố cổ Hội An, chợt thấy một cột mốc bên đường với hàng chữ viết vội: “Xin cùng hợp tâm hợp lực bảo vệ Phố Cổ”. Tinh thần câu viết này đã đủ nói lên sự khẩn thiết của lời cầu cứu!

Quả đúng! Phố Cổ đã không còn cổ nữa. Đang trầm trồ trước nét đẹp kiến trúc xưa của một căn nhà nhỏ thì chỉ một quãng ngắn, lữ khách đã sững sờ vì sự hào nhoáng của ngôi biệt thự lộng lẫy kế bên, như kẻ quyền thế chống nạnh, huênh hoang trước đám dân nghèo! Cứ thế, cổ và tân xen lẫn nhau, sớm muộn gì tiền bạc bắc phương cũng tràn xuống, xóa sổ một thành phố đang tuyệt vọng giữ gìn những kiến trúc đậm nét đặc thù dân tộc! Người dân địa phương có thể làm gì để cứu vãn? Và có ai nghe thấu tiếng kêu thương?

Giòng lịch sử bao đời hưng phế, đã minh xác không gì không chuyển hóa. Hồn thiêng sông núi như những mạch nước ngầm đã nuôi dưỡng hồn dân tộc qua bao cửa ải thăng trầm, nên bất hạnh đời này rồi chỉ là những giai đoạn gập ghềnh trên dặm trường thiên lý mà thôi!

Bất chợt hình ảnh Mẹ Già Bán Vé Số bừng lên trong tôi, như cơn gió mát xua tan oi bức nắng hè.

 

Về lại miền Nam, nhìn những tờ lịch vừa rơi, lữ khách biết thời tạm biệt đã điểm.

Vào chùa, tiếng niệm A Di Đà trong tâm lại ngân lên rộn rã. Nén nhang lạy Phật an ủi biết bao khi tôi quỳ trước di ảnh song thân, thầm thì lời bái biệt. Ánh mắt cha, nụ cười mẹ không là sự bịn rịn, quyến luyến mà là niềm an lạc diệu kỳ để con an lòng vững bước.

Đi hay Về sẽ đồng một nghĩa như nhau, nếu ta có thể tìm gặp chính mình, thì dặm trường thiên lý cũng chỉ là gang tấc.

Trong gang tấc này, tôi đã đi, để tri ân.

Và về, để ngậm ngùi.

 

Hạnh Chi (TNHT)

(Tào Khê tịnh thất, một chuyến về quê)

(Mời xem bài khác của cùng tác giả)



 

* Chú thích:

(1) Thiền Sư Tuệ Sỹ

(2) Thiền Sư Thanh Từ

(3) Sư Bà Hải Triều Âm

(4) HT Thích Thiền Tâm

(5) Thiền Sư Nhất Hạnh

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/10/2014(Xem: 43827)
Uống trà là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Á Đông theo phương châm“Bình minh nhất trản trà". Cách đây hàng ngàn năm, con người đã biết đến trà như một loại nước uống mang lại sự sảng khoái, thanh khiết cho tinh thần, là cách để khai tâm mở trí. Người ta xem chén trà là đầu câu chuyện, là gợi mở tâm linh, là giao thoa văn hóa và kết nối lòng người.
10/10/2014(Xem: 4408)
Từ lâu, người ta tin rằng có một cái “bản ngã” thường hằng, bất biến, tồn tại độc lập trong vạn pháp. Trước sự nhầm lẫn tai hại đó, Phật Thích Ca bèn nói thuyết “Vô ngã” để chúng sinh phá chấp. “Vô ngã” không phải không có gì hết mà là không có tự tánh, không có tự thể riêng biệt. Đây là một trong ba Pháp ấn trong hệ thống giáo lý của Phật giáo (hai pháp ấn kia là Khổ và Vô thường). Gọi là Pháp ấn có nghĩa là trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đạo Phật nếu có pháp môn nào không có một trong ba khái niệm Khổ, Vô thường và Vô ngã thì không phải giáo lý đạo Phật.
03/10/2014(Xem: 4350)
Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình. Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu
02/10/2014(Xem: 4269)
Ra đến bến xe trời hãy còn khuya khoắt, trông cảnh nhộn nhịp ì xèo rộn lên từ những gian hàng ăn uống ở một góc gần bên, và tiếng nói cười lăng xăng của hành khách đi lại lẫn với tiếng những người bán hàng rong mời mọc. Nhìn sang quầy bán vé bây giờ không giống như những ngày tháng sau năm 1975, bề mặt thoáng mát rộng rãi trang trí bởi những bảng quảng cáo, những hoa văn sắc màu, những hàng ghế để khách ngồi chờ trông lịch sự. Khách mua vé rất nhanh khỏe hơn xưa, không còn cảnh chen lấn xếp hàng cả buổi trời như trước đây, lại có thêm nhiều loại xe phục vụ trên các tuyến, việc nầy còn tùy thuộc vào túi tiền của hành khách, ai có tiền nhiều thì đi loại xe chất lượng cao, còn ai ít tiền thì đi loại xe bình dân hơn. Nói vậy chứ còn khá hơn trước Đây, bởi ba chiếc xe car cũ kỹ hoặc xe chạy bằng than đá trên những tuyến Miền Đông, Miền Tây vào những năm 1975 - 1990.
24/09/2014(Xem: 6376)
Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, luôn luôn giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh. Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân. Đêm tới khi ngủ, máng khố trên vách, thường bị chuột chui ra cắn rách, phải xin bá tánh chút vải thừa thay khố nhiều lần.
03/09/2014(Xem: 4670)
Lúc đó tôi được 13 tuổi. Trước đó một năm gia đình tôi đã chuyển từ Bắc Florida đến miền Nam California. Tôi dễ hận thù khi vừa đến tuổi vị thành niên. Tôi rất nóng nảy và hay cãi lại đối với bất cứ chuyện gì dù nhỏ mà ba mẹ đề cập tới, đặc biệt là nếu nó liên quan đến tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên, tôi khó chấp nhận bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm của mình về thế giới chung quanh. Một đứa bé “thông minh không cần dạy bảo”. Tôi phản đối bất cứ biểu lộ nào của tình thương. Thật sự, tôi dễ giận dữ khi đề cập đến cái từ “thương yêu”.
26/08/2014(Xem: 4084)
Ở ven bờ bể Mễ Tây Cơ, có một làng nhỏ chuyên sống nghề đánh cá, một chiếc thuyền con lướt sóng nhẹ vào bờ, đem về vài con cá khá to. Một ông khách Mỹ đứng trên bờ, khen ngợi nghề đánh cá tài giỏi của anh chàng Mễ Tây Cơ và hỏi anh ta mất bao nhiêu thì giờ mới được chừng đó cá. _ “ Không lâu lắm đâu !” anh Mễ Tây Cơ trả lời.
17/08/2014(Xem: 25204)
Đại Sư tên là Huệ Năng, cha họ Lư, tên húy là Hành Thao. Người mẹ họ Lý, sinh ra ngài nhằm giờ tý, ngày mùng tám tháng hai, năm Mậu Tuất, niên hiệu Trinh Quán thứ 12. Khi ấy, hào quang từ nhà ngài chiếu sáng lên không trung, mùi hương lạ tỏa lan khắp nhà. Đến tảng sáng, có hai vị tăng lạ mặt đến thăm, bảo cha ngài rằng: “Khuya nay ông vừa sinh quý tử, chúng tôi đến đây là để đặt tên cho cháu bé. Ông nên đặt trước là chữ Huệ, sau là chữ Năng.”
17/08/2014(Xem: 24138)
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
17/08/2014(Xem: 21267)
Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lí, mà luôn tuân theo định luật nhân quả. Định luật này không do một đấng thần linh nào, xã hội nào đặt ra cả, mà là luật tự nhiên, âm thầm, lặng lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]