Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

150. Mua thuốc độc ngầm hại người em họ

20/10/201815:45(Xem: 6757)
150. Mua thuốc độc ngầm hại người em họ

te dien hoa thuong


Tế Công Hoạt Phật
(Tế Điên Hòa Thượng)
Đồ Khùng dịch
(bút hiệu của HT Thích Minh Cảnh)

***

Chương 150:

Mua thuốc độc ngầm hại người em họ

Điềm ác mộng khó độ kẻ hôn mê



Trương Sĩ Phương lén mang thạch tín, hồng phàn đến nhà Vương An Sĩ, khi gặp Vương viên ngoại, hắn nói:

- Thưa dượng, dượng có khỏe không? Con nghe hai em đã trở về nên đặc biệt tới thăm đây.

Vương An Sĩ không biết Trương Sĩ Phương cấu kết với hai lão đạo sĩ hại mình, lại cho hắn là người tốt. Tại sao như thế? Nhân vì Vương thái thái rất thương cháu ruột, khi Vương An Sĩ mạnh rồi, Vương thái thái kể nhiều điều tốt cho hắn, nói rằng khi ông bệnh, Trương Sĩ Phương thiệt là quá tốt, thấy em nó không có ở nhà mà ông bị bệnh, nó lo việc giăng màn tính hậu sự trước; lại đi đặt nhà đám nhà đồ, chạy tới chạy lui lăng xăng mấy bữa. Thấy ông mạnh lại mới đi về đó. Vương An Sĩ nghe vợ nói tin là thiệt, nói:

- Thằng bé này tại nó không lo làm ăn thôi chớ kỳ thật không đến nỗi không tốt.

Hôm nay Trương Sĩ Phương đến thăm, Vương An Sĩ rất vui, nói:

- Trương Sĩ Phương, con thấy hai em con đã về rồi đó. Từ nay nếu con cải tà quy chánh, ta lo nhân duyên của Lý Tu Duyên xong sẽ cưới vợ cho con. 

Trương Sĩ Phương gặp Lý Tu Duyên hỏi:

- Này chú em, mấy năm nay chú đi đâu? Ta thiệt nhớ chú quá!

Tên tiểu tử này ngoài miệng nói ngọt xớt mà trong lòng lại toan tính: "Lát nữa thừa dịp họ bất phòng, mình bỏ thuốc vô bình trà, còn không nữa, mình bỏ vô rượu hay trong chén cơm để hai thằng ấy chết đi mình mới phát tài được". Trong lòng toan tính hại người mà bên ngoài hắn nói những lời nhân từ đạo đức!

Lý Tu Duyên nói:

- Trương đại ca, anh lại đây, một lát chúng ta cùng ăn cơm chung bàn nhé!

Vương An Sĩ nói:

- Được, ba anh em con ăn chung bàn đi, ta thấy vui đó.

Nói rồi kêu gia nhân dọn cơm rượu lên, Trương sĩ Phương ngồi giữa, Vương Toàn và Lý Tu Duyên ngồi hai bên. Vừa định uống rượu thì Lý Tu Duyên nói:

- Trương đại ca, anh coi tôi bây giờ cần có người ăn chung lắm, tôi rất sợ nên phải đề phòng. Bây giờ người tốt thì ít mà người xấu thì nhiều. Tôi rất sợ người ngoài miệng nói tốt mà trong lòng toan tính hại tôi. Mua 100 tiền thạch tiền thạch tín, 100 tiền hồng phàn, rình khi bất phòng bỏ vào chén cơm, còn không được thì bỏ vào ly rượu.

Trương Sĩ Phương nói:

- Chú em, chú nói khùng à? Ai dám hại chú đâu.

- Năm kia có người đồng bạn của chúng tôi cũng là hòa thượng kiếc, ông ta cùng ăn cơm chung với tôi lại bỏ thuốc độc, suýt chút nữa là tôi bị hại rồi. Từ dạo đó ăn cơm chung với ai, tôi hay để ý lắm; thật ra chúng ta là anh em với nhau, lẽ nào lại hại tôi sao? Trương đại ca, anh đừng giận! Trên mình anh có mang theo thạch tín không?

- Không có đâu!

- Có mang theo hồng phàn không?

- Cũng đâu có!

- Tôi cũng biết anh không thể làm như vậy, mà để ý vẫn tốt hơn!

Câu nói đó làm cho Trương Sĩ Phương tâm thần rúng động. Hắn sẵn có tịch thành ra càng nhột nhạt. Làm sao trên đời này lại có một trường hợp giống như vậy được. Hắn sợ quá, cũng không dán lòi ra. Một ngày hai bữa cơm hắn không dám bỏ thuốc. Trời đã tối, viên ngoại nói:

- Trương Sĩ Phương, nếu con không về thì ở đây ba anh em con ngủ ở thư phòng, ta ra phía sau nghỉ.

- Vậy cũng được, Trương Sĩ Phương nói.

Lão viên ngoại đi vào trong. Ba người ngủ lại thư phòng. Vương Toàn và Lý Tu Duyên ngủ một giường, Trương Sĩ Phương ngủ riêng một giường. Vương Toàn nằm xuống là ngủ ngay, Lý Tu Duyên cũng ngáy pho pho, chỉ có Trương Sĩ Phương nằm lăn qua lăn lại không ngủ được. Trong bụng hắn trù tính: "Ta phải tìm cách hại hai thằng này mới phát tài được. " Nghĩ tới nghĩ lui đã chìm sâu vào giấc ngủ. Vừa mới thiếp ngủ thì thấy từ ngoài đi vào một ngườI chừng hơn 50 tuổi, mặt trắng râu đen, đầu đội mũ bằng vải xanh, mặc áo kép cùng màu lưng thắt dây to bản, mang giày đỏ két, đế mỏng, tay cầm truy hồn thủ mạng bài, đi theo sau là một con quỷ nhỏ, mặt như bùn xanh, hai chân mày đỏ, đầu tóc đỏ nốt, mình trần quấn quanh chiếc quần màu da cọp, tay cầm lang nha bổng, răng chơm chởm. Trương Sĩ Phương nhìn thấy sợ run lập cập! Vị công sai ấy nói:

- Trương Sĩ Phương, việc của ngươi làm ngươi có viết không? Hiện tại có người tố cáo ngươi, ngươi phải đi với ta.

Nói xong khua dây sắt rổn rảng, trói chặt Trương Sĩ Phương và lôi đi. Trương Sĩ Phương thấy mình đi trên đường cát vàng im ỉm không giống như đường đã đi. Đương đi thấy trước mặt có môt toà lầu, trên đề chữ "Âm Dương Giới". Trương Sĩ Phương lo lắng: "Không xong rồi! Chắc tới Âm tào Địa phủ đây!".

Qua khỏi tòa lầu không xa, thấy trước mặt có một toà thành trì rất là hiểm ác! Chỉ thấy âm phong thăm thẳm, mây đen mịt mù. Trong âm phong phưởng phất có tiếng khóc than, trong mây đen lảng vảng bóng hình li mị. Mang gông xiềng xích, chưa biết ngày nào thoát khỏi âm sơn! Cưa xẻ giã nhồi, không hay bao giờ xa rời địa ngục! Mục Liên mẫu tựa lan can dõi mắt trông con, vợ Giả Sung ngồi bên Nại Hà chờ chồng, Mã diện Ngưu đầu kéo lôi Tào Man vừa qua, Tang môn điếu khách trói dắt Vương Mãn lại đến.

Thật là:

Nhân gian chẳng thấy bọn gian dâm,

Địa phủ chất đầy người thọ tội.

Trương Sĩ Phương đang kinh hãi quá sức thì thấy một con quỷ lớn mình cao một trượng, tam đình nở rộng, mặt như gạch nám, lông mày đỏ tươi, con mắt đỏ lòm, tóc để xõa, mình đầy lông lá, tay cầm thiên xoa ba ngấn, bộ tướng rất hung ác, lớn tiếng hỏi:

- Mày là du hồn ở phương nào đến địa phương Phong Đô của tao, Hãy nói mau để khỏi bị bắt giữ.

Viên công sai ấy đáp:

- Xin chào quỷ vương huynh! Tôi vâng lịnh Diêm La Thiên tử bắt hồn quỷ Trương Sĩ Phương đến đây.

- Đã như thế thì thả cho mày đi qua.

Viên công sai lại kéo hắn đi tiếp, thấy trước mặt một tòa cửa lớn, hai bên vô số ác quỷ dữ tợn, trước cửa có một đôi liễn đối:

Bên này:

Dương thế gian hùng, thương thiên bại lý bởi do ngươi.

Bên kia:

Âm tào địa phủ, xưa qua nay lại có chừa ai?

Bảng ngang đề: Ngươi đến rồi ư?

Trương Sĩ Phương nhìn thấy mật rớt tim run! Tiến vào cửa lớn, bên trong phưởng phất giống như một tòa Kim An điện. Trên cột điện có một đôi liễn:

Chớ làm càng, ảo mộng sanh hoa, sờ sờ trước mắt thật cùng không, luống nhọc tâm cơ!

Đừng lớn mật, sắt nóng đồng sôi, mờ mịt tâm thần sợ hay không, nghĩ suy cặn kẽ!

Trên biển ngang đề: Thiện ác phân minh.

Trương Sĩ Phương ngước đần nhìn lên thấy Diên La Thiên tử ngồi chễm chệ ngay chính giữa, đầu đội mũ ngũ long tranh châu, đầu rồng day ra trước, mình mặc cổn lông bào màu vàng, ngọc đái thắt ngang lưng, chân dận quan hài. Diêm Vương mặt như dao sắt, ba chòm râu đen lòa xòa trước ngực. Thiệt là thiết diện vô tư, phán quan: Một vị cầm sổ thiện ác, một vị cầm sổ sinh tử. Hai vị phán quan đều đội mũ đen giắt lông trĩ, mình mặc đại hồng bào, cổ tròn tay rộng, lưng cột bảo đái bằng tê giác, chân mang giày đen đầu vuông. Hai bên đều có Ngưu đầu Mã diện, rất nhiều ác quỷ dữ tợn đứng dàn hầu. Vị công sai ấy hô:

- Diêm La Thiên tử ở trên, quỷ tốt vâng sắc chỉ bắt hồn quỷ Trương Sĩ Phương về đây. 

Trương Sĩ Phương lúc đó không tự chủ được, tự động quỳ xuống. Diêm La Thiên tử ở trên nhìn xuống, nói:

Trương Sĩ Phương, ngươi đời trước có tích tụ phước đức nên đời này thác sanh làm con nhà giàu sang, hưởng phước an nhàn tự tại, không ngờ ngươi lại tự tung tự tác làm chuyện thương thiên nghịch lý, ra ngoài tìm hoa hỏi liễu, phá hoại phụ nữ nhà lành, làm tổn hao âm đức; ngươi lại mưu hại dượng ngươi là Vương An Sĩ, bây giờ định mưu hại em họ là Vương Toàn và Lý Tu Duyên nữa. Thật là tội ác đầy trời! quỷ tốt đâu! Hãy dẫn Trương Sĩ Phương đến các vua Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Đô Thị Vương, Bình Đẳng Vương, Chuyển Luân Vương, qua Tả ba tào, Hữu bốn tào, 74 ty, rồi sau đó dẫn nó đi thăm các cửa ngục cho biết mà chừa.

Quỷ tốt dạ rân, lập tức lôi Trương Sĩ Phương qua 10 điện Diêm La, rồi mới đến một sở, nơi đó hai con ác quỷ dữ tợn đang trói một người và cầm dao cắt lưỡi người ấy. Trương Sĩ Phương nhìn thấy, hỏi:

- Quỷ vương ơi, đây là tội gì thế?

- Người này hồi còn ở dương thế hay nói mách lẻo, khêu gợi chuyện thị phi, nói bạ. Sau khi chết phải vào địa ngục cắt lưỡi này.

Trương Sĩ Phương thấy ghê quá. Lại đi tới chỗ quỷ sứ đang mổ ngực móc tim tội nhân ra. Trương Sĩ Phương hỏi và quỷ tốt đáp:

- Người này hồi còn ở dương thế lòng quá ích kỷ, gian dâm, trộm cắp. Sau khi chết phải vào địa ngục moi tim.

Lại đi tới nữa, thấy một tòa núi dao, có mấy con quỷ lớn nâng bổng người tội ném trên núi dao ấy. Họ đều bị mũi dao đâm suốt cả người, máu tuôn xối xả. Trương Sĩ Phương hỏi:

- Mấy người này tại sao bị như thế?

- Đó là những đứa con bất hiếu, chửi mắng cha mẹ, oán trời trách đất, rủa gió hờn mưa. Sau khi chết phải vào địa ngục núi dao này.

Lại đi nữa, thấy một cây cột sắt cháy đỏ hừng hực, bắt một tội nhân đến ôm bị một con quỷ to đánh đập khổ sở. Trương Sĩ Phương hỏi và ngục tốt đáp:

- Người này hồi còn sống ở dương thế gian dâm vợ người làm mất danh tiết của họ. Sau khi chết xuống phải ôm cây cột lửa này.

Lại đi nữa, đến một tòa Hồ băng, người tội thân thể lõa lồ, nằm trên hồ băng giá buốt ấy. Trương Sĩ Phương hỏi và ngục tốt cho biết:

- Người này hồi còn sống ở dương thế cổ xướng những dâm thư, chuyên hát những dâm từ, dẫn dụ phụ nữ nhà lành hư thân mất tiết. Sau khi chết phải vào trong địa ngục băng lạnh này.

Lại đi nữa đến một ao huyết, rất nhiều người đàn bà đang uống máu dơ trong đó. Trương Sĩ Phương hỏi và được cho biết:

- Những người đàn bà sống ở dương thế không biết kính trọng cha mẹ, không tiếc ngũ cốc, không tin thần Phật, không kính trọng chồng. Sau khi chết phải vào đây uống máu dợ Đây là ao máu dơ.

Lại đi tới nữa không xa, thấy có một cái cân lớn đang móc ngang lưng một người. Hỏi ra mới biết người này khi sanh tiền chuyên dùng cân già cân non, hại người lợi mình, nên phải chịu quả báo này. Lại đi nữa gặp chỗ xay nghiền, chảo nấu dầu, chỗ ngàn dao muôn kiếm, chỗ lột da rút gân đủ thứ đủ loại. Đó là những chỗ dành cho người tội lúc sinh tiền giết người phóng hỏa, trộm cắp, tà dâm… Trương Sĩ Phương đi một hồi lâu đến chỗ cầu vàng và cầu bạc. Một ông già mặt mũi hiền từ, có Kim Đồng, Ngân Đồng cầm quạt đứng hầu. Mội người trong tay đều có cầm bàn toán, trong bàn toán có chỗ cắm quạt. Trương Sĩ Phương hỏi:

- Người này sao được thanh nhàn như thế?

- Người ấy trên dương thế hay bình sách, giảng cổ luận kim nói đạo đức, dạy nhân ái. Khắp độ kẻ mê muội, khuyên người làm lành. Sau khi chết được Kim Đồng, Ngân Đồng đưa qua cầu vàng cầu bạc siêu sanh về nhà quyền quý. Phàm ở dương thế đắp đường sửa cầu, phóng sanh, trai tăng thí gạo, mùa đông thí nước gừng, mùa hè thí trà mát, tế khổn phò nguy, kính trời đất, lễ thần minh, thờ tổ tiên, hiếu cha mẹ. Những người này sau khi chết được qua cầu vàng cầu bạc.

Trương Sĩ Phương gật đầu nghĩ: "Hèn chi người ta nói: Thiện ác rốt rồi đều phải trả, chỉ có đến mau với chậm thôi". Trương Sĩ Phương đi khắp các địa ngục, lại dẫn đến gặp một vị Diêm Vương. Diêm Vương truyền:

- Đem Trương Sĩ Phương quăng vào vạc dầu chiên nó.

Quỷ tốt dạ rân, trước mắt thấy một chảo dầu lớn đang sôi sùng sục, khói bốc mịt mù, Trương Sĩ Phương bị nhấc bổng lên sắp quăng vào chảo, sợ quá thét lên một tiếng giật mình tỉnh lại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/09/2013(Xem: 7716)
Khi bước xuống thuyền vượt biên ai cũng mang đầy hy vọng, mơ ước... Có kẻ mơ ước một tương lai xán lạn ở chân trời mới, có người chỉ mong những giấc mộng bình thường: Ngày hai bữa đủ no, tự do yên ổn...
11/09/2013(Xem: 4243)
Hân tra chìa khóa, mở cửa bước vào phòng làm việc. Căn phòng khá rộng. Diện tích gấp hai sân bóng rổ hầu hết chứa kệ vải. Ở một góc sát cửa sổ nhìn ra ngọn đồi cỏ là chỗ làm việc của Hân với Susan, chiếm 1/6 căn phòng, có một bàn dài, kế đó là những dãy kệ chứa nú
11/09/2013(Xem: 4754)
Hằng năm vào tháng mười, sinh nhật tôi, tôi có thông lệ, trước tiên là tự nhắc mình đóng tiền niêm liễm đến Văn Bút Âu Châu (tôi là hội viên mà), kế đó là cố nặn óc tìm một truyện ngắn về đề tài Sinh Nhật coi như món ăn tinh thần "đãi" quí vị độc giả.
10/09/2013(Xem: 6177)
Một lần nữa, chẳng quản đường xá xa xôi, thời gian, công sức, tôi tìm về tu viện Viên Đức Đức quốc không những gặp lại nhị vị Đại Đức Thích Hạnh Đức, Đại Đức Thích Hạnh Tuệ, tôi đã may mắn tiếp thụ tài thuyết giảng của hai Thầy; một người giảng thật nhẹ nhàng nhưng sâu, một người giảng lôi cuốn hấp dẫn trong khoá tu học do anh em Gia Đình Phật Tử Thụy Sĩ tổ chức vào dịp lễ Phục Sinh hằng năm vừa qua, mà còn hân hoan chào đón thêm 6 vị trong phái đoàn “Hoằng Pháp Âu Châu” do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển tổ chức, một lực lượng hùng hậu chưa từng có từ trước đến nay. Nhìn trong danh sách giảng huấn của phái đoàn, tôi gọi đùa, toàn “Cao thủ võ lâm!” mặc dù không ai là võ sĩ cả mà là tu sĩ!
10/09/2013(Xem: 7670)
“Hậu sinh khả úy“ (kẻ sanh sau thật đáng nể sợ) là câu nói của ngài Khổng Tử, một triết gia Trung Hoa thốt ra khi ngài cùng học trò đi dạo thấy một em nhỏ vọc gạch cát xây thành giữa lối đi, ngài bảo: “Tránh chỗ cho xe ta qua“. Đứa nhỏ đứng dậy, đáp: “Xưa nay, xe tránh thành, chứ thành nào lại tránh xe“. Thấy đứa nhỏ đối đáp thông minh, Khổng Tử xuống xe cùng bé trò chuyện, đưa ra nhiều câu hỏi rất khó khăn, đứa bé đều trả lời thông suốt
09/09/2013(Xem: 5194)
Đối với những ai đã từng ghé Ấn Độ, nghe ngóng, tìm hiểu, quan sát, hẳn không xa lạ gì với thế giới của lực lượng Tăng Ni sinh viên Việt Nam đang du học tại đó. Nhưng với riêng tôi, cho mãi năm 2011 trong chuyến hành hương Tích Lan, tôi mới thực sự biết được bằng mắt thấy tai nghe thế giới lạ đó qua sự giới thiệu của Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác về bốn sinh viên tu sĩ, học tăng từ Ấn Độ.
09/09/2013(Xem: 5255)
Nói đến, viết đến các khóa học Âu Châu, bao năm qua cây viết của tôi đã gần mòn, đã có nhiều bài viết về khóa học, viết đến độ không còn gì để viết. Nào ăn, nào ngủ, nào học, nào chơi... đủ cả. Khỏe cả bên trong, tốt lẫn cả bên ngoài. Thế thì lần này sẽ viết về gì đây?! Xin thưa, viết về “Thiên Đường Hạ Giới“ ạ.
06/09/2013(Xem: 4344)
Từ chùa Từ Đàm, tôi trở lại khóa học, nơi tổ chức khóa tu Âu Châu của mười ngày qua. Sân trường giờ vắng hoe. Thảm cỏ xanh dẫn ra con đường lớn, không còn một bóng người. Vài băng ghế nằm rải rác trên sân cỏ cũng đìu hiu như nhớ, như chờ ai. Bên trong trường học lưa thưa sót lại một số người đang dọn dẹp và một số đang đợi chuyến bay cho ngày hôm sau khi khóa học bế giảng. Hằng ngàn người, mới đó mà...biến mất. Biến như một cơn gió thoảng qua.
06/09/2013(Xem: 8584)
Lý số, đông y là nghề của bố chồng tôi. Không rõ nhờ cụ thực tài hay tại hành nghề miễn phí, không nhận thù lao của khách nên khách của cụ khá đông. Một ngày, năm đó tôi vừa 23 tuổi, có một vị khách đặc biệt đến nhà giữa lúc bố tôi đi vắng. Vị khách tướng tá khác phàm, râu tóc bạc phơ, cốt cách như một tiên ông. Cụ mặc chiếc áo dài the, đầu đội khăn đóng như bố chồng tôi vậy, tay cụ cầm gậy trúc và tự xưng là bạn của bố tôi mặc dù xưa nay tôi chưa hề gặp cụ bao giờ. Tôi mời cụ vào nhà.
29/08/2013(Xem: 10005)
Năm 1983: chúng tôi cạn kiệt khi mua xong đất làm tự viện mà còn thêm nợ nữa. Mảnh đất thật trơ trọi, không nhà cửa, một túp liều cũng không, Suốt mấy tuần lễ đầu chúng tôi phải ngủ trên cánh cửa cũ mua rẻ trong bãi phế liệu. Chúng tôi kê bốn góc gạch làm giường (dĩ nhiên làm gì có nệm – chúng tôi tu ở rừng mà!).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]