DướiBóng Đa Chùa Viên Giác
HT Thích Như Điển
Trần Trung Đạo
Chương1
Tưởng Niệm Một Mùa Xuân
Trần Trung Đạo
"Ai bắn viên pháo đó?" Năm 13 tuổi, trên những chiếc ghế đá bên bờ sông Hàn, bao nhiêu lần tôi đã nhìn xuống đáy sông sâu và hỏi như thế. Có lần tôi đã tính tìm về làng cũ, không phải chỉ để viếng thăm mà để tìm những mảnh pháo còn ghim đâu đó chung quanh vườn. Tôi muốn biết ai đã làm ra nó.
Làng Mã Châu của tôi là một ngôi làng nổi tiếng về nghề nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa. Những ngày còn nhỏ, tôi thích đứng xem người lớn nuôi tằm. Nhìn những con tằm nhỏ li ti, bám vào những chiếc lá dâu xanh, nhả những sợi tơ trắng mong manh, cho đến khi trở thành những con nhộng cuộn tròn trong cái kén. Qua đó, tôi cảm nhận sự kỳ diệu của một quá trình sinh diệt không cùng của vạn vật.
Cách làng tôi ba cây số về hướng đông là bản doanh của một đơn vị thuộc sư đoàn Thanh Long, quân đội Nam Hàn. Ngoại trừ các vị Tuyên úy Phật Giáo thỉnh thoảng ghé thăm những ngôi chùa gần quận lỵ, lính Nam Hàn thường đóng chặt trong căn cứ, rất ít ra ngoài và cũng không tham gia các cuộc hành quân mở đường vào mỗi buổi sáng như lính Cộng Hòa. Mỗi khi bị pháo kích, họ bắn trả lại nhiều lần hơn nên du kích cũng ngại, ít khi quấy nhiễu họ. Khi cần ra chợ, lính Nam Hàn di chuyển trong những quân xa có gắn đại liên không khác gì ra trận.
Cách làng tôi hơn một cây số về phía Bắc là quận lỵ Duy Xuyên, do một đại đội địa phương quân và các đơn vị nghĩa quân của các xã gần quận trấn giữ. Đây là khu vực an ninh nhất của quận, có ngôi trường trung học đệ nhất cấp sân rộng trồng đầy hoa phượng đỏ, có chợ quận đông đúc và vài cửa tiệm tạp hóa dọc đường từ quận lên nhà thờ Trà Kiệu. Quận Duy Xuyên còn được một căn cứ pháo binh nằm trên núi gần nhà thờ Trà Kiệu yểm trợ, đêm đêm bắn lên những trái hỏa châu soi sáng khu vực chung quanh quận lỵ.
Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ không đóng gần làng tôi nhưng trên đường hành quân thường dừng lại ở Duy Xuyên. Có lần nguyên cả tiểu đội ghé vào nhà tôi. Cha tôi ra dấu mời họ vào nhà nhưng họ từ chối, và chỉ cởi áo nằm phơi nắng ngoài sân. Bọn trẻ chúng tôi hiếu kỳ đứng chung quanh nhìn, cảm tưởng như họ đến từ một hành tinh nào xa xôi lắm. Có khi họ tập trung bọn trẻ chúng tôi lại, phân phát kẹo bánh và dạy vài câu tiếng Anh, trong lúc các bác sĩ, y tá lo khám bịnh và phát thuốc. Một thoáng suy tư chợt đến với tôi “những người Mỹ này từ đâu đến và tại sao họ lại đến đây?" Thế nhưng ở tuổi lên mười, những suy nghĩ như thế đến nhanh và ra đi cũng rất nhanh như tiếng trống tan trường.
Cách làng tôi 3 cây số về phía tây nam là một nhánh rẽ của sông Thu Bồn, chảy về hướng Cửa Đại. Sông Thu đẹp tuyệt vời, bao nhiêu thơ văn đã chảy ra từ dòng sông đó. Ban ngày dòng sông trong như một dải lụa, chảy êm đềm dưới bóng tre xanh nhưng ban đêm là khu vực hoạt động của các đơn vị du kích xã, chủ lực huyện của quân đội Mặt Trận Giải Phóng. Thỉnh thoảng, du kích từ bên kia sông bắt loa kêu gọi, nhiều khi còn nhắc đúng cả tên họ của anh em, bà con họ đang đóng ngoài quận lỵ, sớm “bỏ súng quay về với nhân dân”. Hẳn nhiên, bên phía quận cũng lập tức đáp lại bằng những lời kêu gọi “những ai đang lầm đường lạc lối sớm trở về với chính nghĩa quốc gia”, được phát từ một giàn loa khuếch âm có công suất mạnh hơn nhiều lần. Tôi làm quen với những nhóm chữ “dân tộc”, “chính nghĩa”, “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc”, “cộng sản”, “quốc gia” rất sớm, không phải từ những bài học lịch sử ở trường nhưng phần lớn qua những buổi phát thanh tuyên truyền của hai bên.
Trong vòng tròn có đường kính mười lăm kilômét chìm trong không khí chiến tranh thường trực đó, làng tôi nằm ngay ở giữa. Đánh nhau trực tiếp không nhiều nhưng nã pháo qua lại thì rất thường xuyên. Sau khi bắc loa chửi nhau một hồi, hai bên thường kết luận bằng dăm ba quả pháo. Nếu chẳng may một viên pháo không điều chỉnh chính xác để bắn được đến đích, sẽ dừng lại ở làng tôi, dăm ba người chết, vài người bị thương và nhiều căn nhà bị cháy. Cuộc chiến tương tàn tính bằng máu xương của bao triệu người Việt Nam đã diễn ra nhiều khi không khác gì một trò chơi trẻ con như thế đó.
Và đêm 21 tháng Giêng năm 1968, do cố tình hay sơ ý, do điều chỉnh cự ly quá dài hay quá ngắn, do nòng súng nâng quá cao hay hạ xuống quá thấp, một viên pháo đã dừng lại trên nóc nhà tôi. Trong các bên đại diện cho chiến tranh trên quê hương tôi, phải có một bên đã bắn ra viên pháo đó. Quân đội Nam Hàn bắn lên? Bên sông bắn qua? Ngoài quận bắn vào? Trên núi bắn xuống? Dù sao, viên pháo vô tri đã xuyên thủng mái nhà tranh và rơi xuống cạnh giường ngủ của cha con tôi.
Chiều trước đó, một chiều cuối năm trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên, gần cuối bữa cơm đạm bạc như mọi ngày, cha tôi dừng đũa nhìn tôi và nói: "Ăn Tết xong, con xuống Viên Giác ở với thầy ăn học". Tôi "dạ" đáp lời. Thật sự tôi không hiểu cha tôi nói như vậy có ý gì. Chiến tranh tuy đã lan rộng đến những vùng chung quanh, tiếng đại bác vọng về, màu hỏa châu soi sáng dọc bờ sông nhưng làng tôi cho đến đêm tháng Chạp 1968 vẫn còn tương đối thanh bình. Tại sao tôi phải bỏ đi? Tại sao đang sống bình an với gia đình, tôi lại phải xuống chùa Viên Giác, mãi tận Hội An, để ăn học?
Tôi biết cha tôi là đệ tử thầy Viên Giác. Ông rất kính trọng bổn sư và đã vài lần đưa tôi đến thỉnh an thầy. Thầy Viên Giác, như chúng tôi thường cung kính gọi, có pháp hiệu là Thích Long Trí, cũng rất thương tôi. Thầy là Đặc Ủy Thanh Niên của Tỉnh Giáo Hội và thường tổ chức các buổi văn nghệ khắp các nơi trong tỉnh. Khi còn nhỏ tôi thích hát và, so với nhiều bạn cùng đội, tôi hát khá hay. Năm mười tuổi, tôi và một số huynh trưởng Gia Đình Phật Tử xã Xuyên Châu, được thầy Thích Long Trí chọn vào ban văn nghệ trực thuộc Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam và Đặc Ủy Thanh Niên của tỉnh giáo hội Quảng Nam. Với các anh chị trưởng đó là một vinh dự, nhưng với tôi đó lại là một niềm vui, vì tôi có dịp bước ra khỏi ốc đảo cô đơn của mình để theo thầy đi nhiều nơi trong tỉnh. Những đêm văn nghệ lửa trại thường không có sân khấu, và để mọi người thấy mặt, thầy bảo tôi đứng trên ghế mà hát.
Tôi đến với đạo Phật từ năm bảy tuổi qua ngưỡng cửa của Gia Đình Phật Tử. Buổi sáng mùng tám tháng Chạp, nhân ngày lễ Đức Phật Thích Ca Thành Đạo, tôi hồi hộp theo cha đến chùa Ba Phong, ngôi chùa làng nho nhỏ nằm bên bờ sông Thu êm đềm chảy ra Cửa Đại, để ghi tên vào Gia Đình Phật Tử Ba Phong. Hôm đó là một trong những ngày trọng đại của đời tôi.
Như một đứa bé mồ côi mẹ, tôi đến với đạo Phật không phải vì đặc tính huyền bí linh thiêng tôn giáo nhưng đơn giản vì đạo Phật đem lại cho tôi món ăn tinh thần mà tôi cần từ thuở chào đời: tình thương. Tôi kính yêu Đức Phật hơn khi biết ngài bắt đầu hành trình giải thoát như một con người. Ngài đã từ chối cuộc sống cao sang, để lại sau lưng cung vàng điện ngọc, mang chiếc bình bát đựng đầy ắp tình thương đi vào thế giới khổ đau của nhân loại trong một chiếc áo vàng và đôi chân đất.
Tôi cũng yêu Gia Đình Phật Tử, tổ chức hướng dẫn thanh thiếu niên tu học theo tinh thần Phật Giáo. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa tin yêu để đời tôi không còn lạnh lùng, không còn cô đơn và không còn sợ hãi. Tôi có anh, có chị, có em. Gia đình tôi không còn heo hút dưới rặng tre già hiu quạnh mà đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Tôi cảm nhận được rằng tình thương không phải nằm trong lời rao giảng suông nhưng là một điều có thật. Tôi được dạy để thương yêu nhân loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình. Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình vào tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng, xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác. Tôi học cách mở mang sự hiểu biết trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó.
Thế nhưng, dù thân thiết bao nhiêu đi nữa, dù gần gũi bao nhiêu với đội, với đoàn, việc xuống ở luôn với thầy ăn học như cha tôi dặn dò, là điều trong trí óc thơ ngây của tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cha tôi thì sao? Căn nhà thân yêu, ngôi trường xinh xinh và dòng sông nhỏ của tôi thì sao? Tuy thắc mắc trong lòng nhưng tôi vẫn dạ khi cha tôi dặn dò. Như một thói quen, tôi vẫn "dạ" nhiều lần trong những đêm khuya, khi cha tôi ru tôi ngủ bằng những câu chuyện buồn nhiều hơn vui của đời ông. Cha tôi không giải thích lý do tôi phải ra đi và tôi cũng chẳng hỏi gì thêm. Nhưng buổi sáng hôm sau tôi mới biết ra rằng bữa cơm tối hôm qua là bữa cơm cuối cùng của cha con tôi trong căn nhà nhỏ ở Duy Xuyên. Lời dặn dò của cha tôi "Ăn Tết xong xuống Viên Giác" trở thành lời trăn trối của ông khi một viên đại pháo rớt vào căn nhà tranh của chúng tôi.
Viên pháo nổ tung tuổi thơ tôi thành nghìn mảnh vụn, chặt đứt đi của tôi một tàng cây che mát cuối cùng, chỗ dựa thiêng liêng duy nhất mà tôi có trên thế gian này. Tôi thức dậy sau tiếng nổ với một chiếc áo rách tươm và thân hình đầy máu. Không phải máu của tôi nhưng là máu của cha tôi. Cha tôi ra đi không kịp nói với tôi thêm một lời nào khác ngoài những dặn dò sau buổi cơm chiều vừa qua. Tôi áp ngực để nghe nhịp tim, vẫn còn đập nhưng vô cùng yếu ớt của ông.
Cha tôi ra đi giữa lúc tuổi đời tôi còn quá nhỏ, câu chuyện tình giữa mẹ và cha đã vĩnh viễn dở dang. Giọng hát bội Nam Ai buồn não nuột của ông đã tắt. Ông đến một nơi, tôi không chắc là đâu nhưng có một điều tôi tin, ở đó sẽ không có chiến tranh, không bom đạn, hận thù, nghèo đói, bịnh tật, những độc dược đã tàn phá gia đình tôi, và bao nhiêu thế kỷ hủy hoại đến mức tận cùng sinh lực của đất nước tôi.
Bao nhiêu năm qua, mỗi khi nghĩ về lời dặn dò của cha, tôi cảm nhận được trong đó sự kỳ diệu của tình người. Cha tôi phải ra đi nhưng đã tìm một nơi ông yên lòng nhất để gửi gấm tôi. Mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi giờ, mỗi sát-na mà tôi đang sống, cha tôi, qua hình ảnh một cơn gió nhẹ, một áng mây trên nền trời xanh, luôn ở gần tôi, che chở cho tôi trong những cơn hoạn nạn, vực tôi đứng dậy sau những lần vấp ngã.
Viên pháo nổ tung ở một thời gian tôi đang quá cần một mái ấm gia đình, một người cha để khuyên răn dạy dỗ, một ngôi trường để học.
Viên pháo nổ tung trong lúc cánh cửa tâm hồn tôi vừa hé mở ra để đón nhận những kiến thức mới lạ, để học hỏi và suy tư tích cực về cuộc đời thay vì phải đón nhận cảnh điêu linh tang tóc.
Từ thuở chào đời, tôi đã là một đứa bé bất hạnh. Mẹ và anh chị tôi đều mất rất sớm. Trí nhớ của tôi còn quá non để giữ lại hình ảnh mẹ. Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có đến một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn là tuyệt đối.
Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ.
Tôi không biết gì nhiều về mẹ ngoài những chuyện do cha tôi kể lại, tôi không biết gì nhiều về Nghi Hạ, nơi cha mẹ tôi gặp nhau, tôi không biết gì nhiều về Quế Sơn, tôi không biết gì nhiều về mảnh đất miền núi cao của quê hương Quảng Nam nghèo khổ của tôi, mảnh đất đã từng chôn khúc nhau tôi. Cha tôi kể lại rằng ở đó có hàng tre, cha tôi gọi là hàng tre Nghi Hạ. Dưới bóng mát của hàng tre ấy ông và Mẹ Quảng Nam đã gặp nhau, yêu nhau và cưới nhau. Họ cùng nhau dựng lên căn nhà tranh, đúc lò ươm tơ, đóng khung dệt lụa và xây một tình yêu chân thành, mộc mạc bên nhau. Đêm tân hôn của họ trong thời buổi tản cư không có rượu nồng, pháo đỏ, không nhẫn cưới và vắng đi cả những lời chúc tụng của cha mẹ, của bà con thân thuộc. Họ chúc nhau bằng ly nước nấu từ lá vối. Tôi chưa bao giờ được uống một ly nước vối nhưng nghe bà con nói nhà nghèo thường uống nước vối thay cho nước chè xanh, nước vối hơi chua và hơi chát. Dù sao, ở đó, trong một đêm huyền diệu của đất trời, những giọt máu của họ đã hòa vào nhau thành một, đã quyện vào nhau thành một, đã đan chặt lấy nhau, đã ôm ấp nhau để tái tạo nên tôi, tái tạo nên một kiếp con người.
Cha tôi kể rằng ở đó có rừng sim tím. Không biết ông có thường hái tặng mẹ khi mùa hoa sim nở? Một người có tâm hồn đầy thơ như cha tôi thế nào mà chẳng có. Thế nào ông chẳng hái một bó hoa sim cắm lên chiếc lọ bằng đất trên đường đi làm về và nhẹ nhàng đặt lên chiếc bàn bằng gỗ mít của mẹ. Thế nào ông chẳng có khi dắt mẹ đi dạo trên đồi sim trong những buổi chiều tà khi mặt trời rực đỏ dưới chân dải Trường Sơn hùng vĩ, cùng nhau thêu dệt ước mơ và niềm hy vọng ở đứa con sắp chào đời của họ.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong nỗi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình. Tôi biết băn khoăn, thắc mắc ngay từ thuở chỉ vừa lên năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi? Nếu mai mốt cha tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai? Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai? Và ở đó, những buổi chiều vàng bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những suy tư, dằn vặt đang bắt đầu đè xuống trên đôi vai nhỏ bé của mình. Từ khi còn rất nhỏ tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu, phải chăng thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi?
Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.
Mùng mười Tết Mậu Thân, với vài chiếc áo cũ gói trong chiếc khăn lụa của mẹ để lại, tôi theo đoàn người lánh nạn đi về thành phố. Khi chiếc xe già nua dừng lại bên chân cầu Vĩnh Điện, nhìn rặng tre soi bóng bên sông Thu Bồn, tôi nhớ cha tôi, nhớ căn nhà thân yêu sau Tết Mậu Thân chỉ còn là một đống tro tàn.
Tôi chẳng phải là nhà văn hay nhà thơ có những sáng tác đều tay nhưng tôi cũng đã tập viết để ghi lại những cảnh khổ đau chịu đựng mà tôi đã gặp trong chiến tranh và trong những ngày hòa bình khốn khổ sau 1975. Thế nhưng sẽ không bao giờ tôi có thể viết hết về cuộc sống của chính mình, một đứa bé 13 tuổi không gia đình, không cha mẹ, lạc lõng giữa một thành phố lớn như Đà Nẵng.
Tôi nhớ cha tôi vô cùng. Có lần trên đường Hùng Vương, tôi thấy một người giống hệt cha, vẫn mái tóc chải ngang, vẫn chiếc áo cánh đen, đang từ xa đi đến, tôi hồi hộp đứng chờ, nhưng khi đến thật gần tôi biết không phải. Tôi nhớ lại hình ảnh chiếc trực thăng quân đội mang cha tôi đến một bịnh viện dã chiến mà tôi không biết tên, với hy vọng cứu sống cuối cùng. Tôi nhớ đến đôi tay người lính Mỹ ôm tôi lại để khỏi bị cuốn theo sức hút từ chiếc trực thăng đang cất cánh. Chiếc trực thăng bay xa, bay xa, nhỏ dần, nhỏ dần và mất dạng bên kia hàng dương liễu. Tiếng gọi cha của thằng bé mười ba tuổi bị át đi bởi tiếng máy trực thăng. Không ai nghe. Không có tiếng trả lời. Tiếng thét của tôi, như một viên sỏi nhỏ rơi vào biển cả, không tạo nên chút sóng, không để lại một âm vang nào. Và như thế cha tôi đi. Ra đi vĩnh viễn trong cát bụi mịt mờ.
Ở Đà Nẵng tôi sống nhờ trong nhà của cô tôi. Trong số bà con, cô tôi là người thương tôi nhất nhưng cô cũng là người bà con nghèo nhất của tôi. Nhà cô chật hẹp, con cháu lại quá đông, nhiều đêm tôi phải ngủ đói trên căn gác của một trại cây ở hẻm 220 Hùng Vương, ngang hông phường Thạc Giáng. Vài tuần sau, vì nhà đông đúc, cô đưa tôi đến sống với người anh họ và bà chị dâu khó tánh ở Cỗ Mân, Sơn Chà. Chị dâu tôi khó tánh đến nỗi, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi không chịu đựng được nên lại lặng lẽ bỏ đi.
Đà Nẵng của những ngày tôi ở đó là thành phố chiến tranh, hỗn loạn, với những doanh trại, bãi tắm được gọi bằng tiếng Mỹ, China Beach, TienSa Camp, Monkey Mountain. Đường phố đầy người chạy loạn từ Huế, từ các quận miền núi đổ về, sống lăn lóc, đói khát dọc bến xe chợ Cồn, chợ Vườn Hoa. Cách thành phố không xa là bãi rác Hòa Cầm rộng mênh mông. Nơi đó, mỗi buổi sáng, hàng trăm đứa bé ở tuổi tôi bám theo những chiếc xe đổ rác Mỹ để nhặt những miếng thịt thừa, những lon bơ bỏ dở và ngay cả từng chiếc bao ny-lông dơ dáy. Tôi may mắn hơn vì khi đêm xuống còn có một trại cây ở trên đường Hùng Vương để về ngủ, những đứa khác phải ngủ bên hè các rạp hát chợ Cồn, Trưng Vương, Lido. Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh là những con ruồi, con nhặng chứ không phải những búp măng non của đất nước như chúng ta thường đọc trong sách vở. Những tuổi thơ không có mùa xuân. Chúng tôi đều thất học. Tôi chỉ mới học xong lớp bảy nhưng là đứa có học nhất trong đám trẻ mồ côi. Bọn chúng tôi có thằng sống bằng nghề đánh giày trên bến xe, có con bán cà-rem cây dọc phố, và có đứa đi trộm cắp, móc túi trong chợ. Tôi cũng đói khát nhưng hoàn toàn không có ý nghĩ phải đi đánh giày hay đi móc túi để sống qua ngày. Tôi kiên nhẫn chờ đợi một đổi thay mà tôi tin sẽ đến trong những tháng tới của đời mình.
Tôi sống ở Đà Nẵng không lâu nhưng khi nhớ lại tuổi thơ mình, tôi vẫn cảm thấy xót xa, thường tự hỏi đám bạn bè bất hạnh, những nhánh sông chảy ngược ngày xưa đó bây giờ đang lưu lạc phương nào.
Đà Nẵng những ngày tôi ở, có những chiếc chiến xa nặng nề, những khẩu đại pháo nòng dài được cất lên từ chiếc tàu lớn neo ngoài cửa biển Sơn Chà và từ đó đi vào cuộc chiến; tiếng gầm thét của những đoàn phi cơ chiến đấu đang đáp xuống phi trường quân sự ngoài ngã ba Duy Tân; tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng chọc ghẹo, ok, hello, goodbye của những người lính Mỹ trắng, Mỹ đen ôm gọn trong tay những cô gái Việt Nam ốm yếu xanh xao vào tuổi chị tôi, vọng lại từ những hộp đêm dọc bờ sông Bạch Đằng. Ở tuổi 13, tôi cũng đã biết hổ thẹn, biết xót xa tủi nhục cho số phận làm một người Việt Nam, cảm thấy xa lạ ngay trên chính quê hương mình. Trên những bến xe đò, hai bên hè phố, đâu đâu cũng thấy ăn mày, đâu đâu cũng có người chạy giặc, đâu đâu cũng có tật nguyền thương tích chiến tranh. Tôi thường tự hỏi, tại sao lại là Đà Nẵng? Tại sao là Việt Nam quê hương tôi mà lại không phải một nơi nào khác?
Một ngày, tôi từ giã cô tôi để vào chùa Viên Giác, nơi duy nhất mà tôi biết và đã đến nhiều lần khi cha tôi còn sống. Tôi hy vọng với sự giúp đỡ của thầy Thích Long Trí, tôi sẽ có cơ hội tiếp tục con đường học vấn vừa dang dở. Hội An và Đà Nẵng tuy chỉ cách nhau vài chục cây số nhưng ngày đó đối với tôi là cả một hành trình. Cô không giữ tôi vì cô biết, ngoài vỉa hè, không có tương lai nào, không có một chỗ về nào khác, dành cho đứa bé mồ côi như tôi trên thành phố Đà Nẵng.
Khoảng tháng Năm 1968, vẫn với chiếc áo sơ-mi bạc màu, tôi rời Đà Nẵng. Mùa xuân cuối cùng của tuổi thơ trên quê hương đã đến và đi buồn như thế đó.
Chương II
Vào chùa Viên Giác
Trần Trung Đạo
Tôi lại ra đi. Chiếc xe hiệu Renault mà xanh đậm đưa tôi rời Đà Nẵng. Chỉ mấy tháng nhưng Đà Nẵng đã để lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ niệm, từ trại cây Thạc Giáng đến bờ cát Cỗ Mân. Không ai biết và sẽ không bao giờ ai biết, trên những đồi cát trắng dọc bờ biển Sơn Chà, mỗi chiều tôi âm thầm ra đứng nhìn về phía biển để chờ đợi một tin vui. Tin vui đó đã không bao giờ đến. Cha tôi không trở lại. Tôi nhớ rất rõ chiếc áo sờn vai tôi mặc, chiếc chiếu rách, chiếc giường tre nơi tôi ngủ. Trên cồn cát trắng kia, hơn ba mươi năm sau, vẫn còn in dấu chân tôi như đã hằn sâu trong ký ức một đời người.
Tuyến đường Đà Nẵng Hội An tuy ngắn nhưng với tôi là một chuyến đi xa. Ngồi trên xe tôi lo âu suy nghĩ, nếu thầy không cho tôi ở lại, rồi tôi sẽ đi đâu. Ngoài trại gỗ trong hẻm 220 Hùng Vương Đà Nẵng, tôi không còn một nơi nào khác để trở về. Tôi nhớ đến những đứa bé tôi gặp ở chợ Vườn Hoa, chợ Cồn, rạp hát Trưng Vương, giờ này chúng đang sắp hàng nhận kem để bán, đang đánh giày, đang đi nhặt bao ny-lông ở Hòa Cầm hay đang móc túi một người lính Mỹ nào đó.
Tôi nhớ cô tôi, chỗ dựa tinh thần duy nhất tôi có trong cuộc đời này. Buổi sáng trước khi chia tay, cô dúi vào tay tôi những đồng bạc được cô gói kỹ trong chiếc khăn tay, để tôi làm lộ phí và lo chuyện học hành. Tôi không nhớ là bao nhiêu nhưng với một người sống nhờ vào con, đó là cả gia tài của cô dành dụm từ nhiều năm. Làm sao cô biết được, ba mươi năm sau, những đồng bạc cô chắt chiu kia đã biến thành những hạt ngọc và rực sáng trong tâm hồn tôi tình thương dành cho những người cùng số phận. Cô tôi bịnh thường xuyên. Cái chết của gia đình người chị họ tôi, con thứ bảy của cô, và rồi cái chết của cha tôi, em trai út của cô, đã làm căn bịnh của cô ngày thêm trầm trọng. Chị Bảy, chồng, và con gái bốn tuổi chết khi chiếc xe lam chở họ chạy qua một trái mìn cực mạnh được đặt trên đường lớn chạy từ trạm Nam Phước lên chợ Quận Duy Xuyên. Thân xác họ bị mìn xé tan nát thành hàng trăm mảnh nhỏ. Các anh họ của tôi phải đi dò tìm trong những thửa ruộng hai bên đường để nhặt từng cái đầu, từng cánh tay, từng chút thịt. Tất cả được bỏ chung trong một cái nia lớn, sau đó chôn cất trong nghĩa địa gần nhà.
Hôm tôi ra đi, cô nói cười nhiều nhưng tôi biết chỉ để tôi khỏi buồn. Cô tránh nhìn lâu vào mắt tôi vì sợ đứa cháu trai 13 tuổi của cô sẽ khóc. Cô không khóc và tôi cũng thế. Tôi tập không khóc trước mặt ai. Tôi cắn răng mỗi khi có người bà con ghé đến thăm, vuốt tóc tôi và buông đôi ba lời thương xót, tội nghiệp, rồi bỏ đi. Tôi tập cười vui và xem thường nghịch cảnh. Chỉ vỏn vẹn 4 tháng trôi qua nhưng tôi đã khá quen với đói khát, rẻ khinh trong cuộc sống mỗi ngày.
Xe chạy ngược trên quốc lộ số một mang tôi về gần với quê nội Duy Xuyên hơn. Trên con đường đó, vài tháng trước một toán lính Mỹ đã dừng lại xem xét vết thương của cha tôi, lúc đó đang trên đường chở đi Đà Nẵng bằng chiếc xe lam của bác Hoàng cùng xóm. Toán lính Mỹ gọi trực thăng đến đón cha tôi. Họ cho tôi theo một đoạn đường ngắn rồi hạ xuống để tôi lại trong một căn cứ Mỹ và trực thăng tiếp tục bay. Đó là lần cuối cùng tôi thấy mặt cha tôi. Đứng một mình trên bãi cát nhìn chiếc trực thăng nhỏ dần về phía biển mang theo người thân yêu nhất của tôi và tôi thét lên như con nai tơ đang lạc mẹ giữa rừng già. Hầu hết những người quen biết đều nghĩ trực thăng mang cha tôi ra một tàu bịnh viện nổi ở ngoài khơi để chữa tri. Tôi cũng tin như thế nên từ bao nhiêu năm nay thường nhìn ra phía biển mỗi chiều.
Tôi đến Viên Giác vào buổi trưa. Không giống những ngôi chùa Phật Giáo khác ở Hội An, chùa Viên Giác, ngoài chánh điện mang đậm nét xa xưa, cổ kính, còn có hai dãy nhà Đông, nhà Tây vừa được mới xây với kiến trúc hiện đại. Hai bên cổng tam quan là hai cây đa lớn, có thể hàng trăm tuổi, che mát cả một sân chùa rộng. Phía bên phải chùa là trụ sở của Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Quảng Nam.
Trước đây, mỗi khi về Viên Giác, tôi được các anh chị trong ban hướng dẫn cưng chiều vì là đoàn viên nhỏ nhất trong ban văn nghệ tỉnh. Trong hồi ký viết trước ngày ngài viên tịch năm 1998, thầy chúng tôi còn nhắc lại những thành công xuất sắc của đoàn văn nghệ Quảng Nam và vở kịch Thiền Môn Đẫm Máu, trong đó tôi đóng vai một đứa bé vì cứu thầy mà bị giết dù chỉ tuổi lên mười. Khi tôi hát xong thầy từ hàng ghế đầu bước ra sau sân khấu ôm chầm lấy tôi. Các thầy và anh chị trưởng đều thương mến tôi. Tôi trở lại lần này không giống như những lần trước nữa. Con chim oanh vũ nhỏ nhoi ngày xưa đã ngưng hót. Hôm đó, tôi chỉ là một con chim non tránh bão, đang đi tìm một nơi nương tựa, chẳng tha thiết gì đến chuyện văn nghệ, hát hò và cũng chẳng còn ai để ý đến tôi.
Khác với những lần trước tôi đến đây trong những ngày đại lễ ồn ào đông đúc, hôm ấy chùa vắng lặng. Thầy Thích Long Trí ngạc nhiên khi thấy tôi bước vào chùa một mình chứ không phải với cha tôi hay các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử như cách tôi thường đến trước đây. Tôi chắp tay bạch với thầy những gì đã xảy ra cho tôi từ Tết Mậu Thân và xin phép thầy ở lại. Thầy Long Trí gật đầu không một chút do dự và nói vắn tắt "Con ở lại đây ăn học". Nói xong thầy đi công việc. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, thật không ngờ điều tôi lo lắng nhất lại được thầy chấp nhận một cách dễ dàng như thế.
Thầy tôi năm đó ngoài 40 tuổi, rất nghiêm trang, văn võ song toàn. Thầy không trực tiếp dạy bảo tôi nhiều nhưng sau nhiều năm theo thầy đi đây đó, tôi học lén ở thầy rất nhiều điểm, từ cách nói, cách diễn tả một vấn đề, cách biện luận. Sau này khi lớn lên, quan điểm của tôi về vai trò của đạo Phật, về dân tộc khác ít nhiều với thầy tôi, nhưng đồng thời tôi cũng không thể phủ nhận tình yêu vô cùng sâu sắc mà thầy tôi đã dành cho dân tộc và đạo pháp.
Các chú điệu chỉ cho tôi một chiếc phản bằng gỗ nhỏ có rất nhiều rệp, một chiếc chiếu nặng mùi mồ hôi của những người khách từng ghé trọ qua đêm trong chùa, một chiếc mền mỏng và chiếc mùng. Tất cả đều rất cũ. Trong chùa lúc đó đã có một số học sinh trọ học. Hai nam một nữ, anh Hùng, anh Sáu, chị Minh Đức. Sau này có thêm Hoàng và Nhiêu, một người nhỏ hơn tôi mà tôi rất thương và đã chết khi đạp phải mìn trên đường về thăm mẹ. Tôi ở chung phòng phía dãy nhà Đông với hai chú điệu và anh Sáu. Phòng khá rộng, mỗi người nằm một góc. Ngoài tôi, ai cũng quen với đời sống trong chùa. Tới giờ họ tự động làm công việc của mình, kẻ đánh chuông, người quét lá, kẻ nấu ăn, người gánh nước.
Anh Hùng, anh Sáu, chị Minh Đức đều lớn tuổi hơn và học trên tôi vài lớp. Chúng tôi làm quen nhau khá dễ dàng, trao đổi nhau chuyện học hành, đời sống trong chùa. Các anh chị học ở các trường trung học trong thành phố. Tôi chưa biết sẽ học trường nào và làm sao có thể vào học được. Không giống tôi, cha mẹ họ đều còn sống. Họ ở Viên Giác để đi học, cuối tuần có khi trở về nhà riêng với người thân của họ. Tôi không có nơi về. Tôi sẽ ở đây với chùa Viên Giác, ngủ trên tấm phản bằng gỗ chiều ngang không hơn một mét và đắp bằng tấm mền vừa được tôi giặt cho bớt mùi hôi. Đêm đầu tiên ngủ trên phản gỗ, vừa lạ chỗ, vừa không quen, tôi không ngủ được, nằm nghe tiếng lá đa xào xạc, một cảm giác hoang vu, xa lạ nhưng cũng rất ấm cúng, gần gũi, thanh bình mà tôi chưa bao giờ được nghe trước đó. Ba mươi năm sau, tiếng lá đa xào xạc vẫn còn nghe trong tâm tưởng của tôi và được tôi giữ lại trong bài thơ Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác.
Hôm sau, các anh Hùng và Sáu dặn tôi xuống nhà trù (nhà bếp) chào bà Chín, một bà cụ khoảng gần 60 tuổi, có một phòng ngủ riêng phía bên trong nhà bếp. Bà rất nghiêm trang, ít nói. Bà Chín là người quản trị gần như tất cả sinh hoạt trong chùa, từ chuyện tiền bạc, bếp núc, ăn uống, làm tương chao, trồng rau cải quanh chùa. Nói chung đời sống kinh tế của chùa Viên Giác đều do một tay bà đảm trách. Từ thầy Trụ Trì cho đến các thầy, các chú điệu đều nể trọng bà. Tôi tính chào bà xong sẽ đi ra phố nên đội chiếc mũ vải lính của người anh họ cho tôi trước ngày tôi rời Đà Nẵng, để che bớt nắng. Anh họ tôi đi lính Biệt Động Quân nên chiếc mũ vải màu đen có hình con cọp rằn nhỏ thêu trên góc trái. Chiếc mũ hơi lớn và không tỉ lệ với khuôn mặt của đứa bé 13 tuổi, nên làm cho tôi mang dáng dấp bụi đời. Khi chào bà Chín tôi quên lấy mũ xuống nên bà ta nhìn tôi khó chịu. Bà không nói gì nhưng khi tôi bước ra, nghe tiếng bà vọng lại "Thầy dắt ở đâu một thằng du đãng về". Tôi nghe rất rõ câu nói đó. Bà vô tình đã nhỏ một giọt muối mặn vào vết thương trong lòng tôi và làm tôi đau đớn. Tôi cắn răng để khỏi quay trở lại hỏi bà tại sao bà mắng tôi như thế. Từ đó tôi không xuống bếp nữa. Khi bữa ăn đến nếu còn chỗ trống tôi ngồi, hết chỗ trống tôi nhịn đói nhưng không xuống bếp lấy thêm chén đũa hay để tìm đồ ăn như các anh chị khác.
Thầy trụ trì rất bận. Tôi không buồn gì thầy tôi vì ngài đảm nhiệm một lúc quá nhiều trọng trách trong giáo hội nên rất ít khi ở chùa vào ban ngày. Phòng riêng của thầy bên dãy nhà Tây, rất ít khi mở cửa. Có khi tôi chỉ gặp thầy một lần vào buổi sáng, cúi đầu chào trước khi thầy ra xe đi các quận. Từ hôm gặp thầy lần đầu, tôi chưa hề được thầy hỏi han gì về chuyện học hành ăn ở của tôi.
Trước mặt chùa ngày đó là vùng đất rộng, bà Chín cho trồng nhiều loại rau hai bên đường vào chùa. Mỗi sáng các chú gánh nước tưới rau và buổi chiều nhóm học sinh phải ra nhổ cỏ, tỉa các nhánh bị sâu ăn hay cắt rau cho ngày mai đem ra chợ bán. Dĩ nhiên, các anh Hùng, anh Sáu đi làm vườn tôi cũng phải đi theo. Tôi không biết làm vườn, chỉ biết ngó các anh chị làm để làm theo một cách chậm chạp. Bà Chín nhìn tôi nhíu mày, hẳn bà nghĩ là tôi lười biếng. Bà thì thầm với những người chung quanh về tôi. Tôi không nghe được bà nói gì nhưng đoán là những lời không tốt. Bà Chín là người có công nhất, trung thành tuyệt đối với thầy và tận tụy đối với chùa Viên Giác, tiếc thay ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên bà không có một chút thiện cảm nào dành cho tôi, đơn giản chỉ vì chiếc mũ. Dù ở tuổi 13, tôi cũng đủ tự ái để có thể dửng dưng trước sự khó chịu của bà. Tôi không quan tâm đến những điều bà nghĩ về tôi vì tôi biết bà không cản được bước tôi đi, mối quan tâm duy nhất của tôi là không biết học trường nào. Tôi tự nhủ với mình, tôi vào Viên Giác là để đi học chứ không phải chỉ để nhổ cỏ, bắt sâu. Nếu vào đây để làm như thế thì thà tôi đi đánh giày, bán cà-rem cây ở Đà Nẵng vui hơn.
Vài hôm sau, khi nghe trường trung học đệ nhất cấp Duy Xuyên, nơi tôi học lớp bảy trước đây, vừa dời xuống Vĩnh Điện, dạy nhờ ở trường trung học Nguyễn Duy Hiệu, tôi quyết định rời chùa Viên Giác.
Sáng hôm sau, khi thầy trụ trì vừa thức dậy tôi bạch với thầy tôi cần lên Vĩnh Điện học nên phải ra đi. Vĩnh Điện cách Hội An khoảng mười lăm cây số nhưng với điều kiện giao thông thời đó không thể sáng đi chiều về. Thầy gật đầu. Thầy gật đầu khi tôi từ biệt ra đi cũng giống như thầy gật đầu khi tôi đến, bình thản và không thắc mắc tôi sẽ lấy gì để sống. Tôi như chiếc lá đang rơi ngoài sân chùa kia, chẳng là gì trong suy nghĩ của thầy hay của một ai ở chùa Viên Giác. Người lo lắng cho tôi trên đời này chính là tôi chứ không phải ai khác.
Chỉ trong vòng 4 tháng, tôi đã đi ba chuyến đi quan trọng, rời quê hương, rời Đà Nẵng, và rời Viên Giác. Nhưng tôi phải đi để tìm cách tiếp tục con đường học vấn. Khi bước ra khỏi cổng tam quan chùa Viên Giác tôi thầm nói với chính mình, ngày nào bà Chín còn sống tôi không trở lại ngôi chùa này nữa.
Tôi không có ý trù cho bà chết, nhưng tôi biết, tôi không thể tìm được sự cảm thông thương xót nơi bà. Dù sao, khi đến Vĩnh Điện vài hôm, một người bạn học của tôi ở trước chùa Viên Giác cho tôi biết bà Chín vừa qua đời vì một tai nạn xe hơi.
Tôi đến Vĩnh Điện khoảng tháng Sáu 1968. Thành phố thứ ba tôi đến kể từ ngày xa nhà. Tôi không có một người quen ở thị trấn này nhưng tôi phải đến vì trường trung học Duy Xuyên ở quê tôi vừa dời ra đó. Vĩnh Điện là một thị trấn nhỏ nằm trên quốc lộ số một và ngay trên ngã ba đường đi Hội An, Đà Nẵng và Tam Kỳ. Thị trấn chạy dài khoảng một cây số với nhiều quán mì Quảng, tiệm ăn, quán café và cửa hàng tơ vải. Vĩnh Điện là nơi lớn lên của nhiều nhà thơ xứ Quảng nổi danh sớm và cũng qua đời rất sớm. Từ thị trấn giữa đàng đó, nhà thơ quá cố Nguyễn Nho Nhượng đã in tập thơ có cái tựa đầy định mệnh Tiếng Nói Giữa Hư Vô trước khi qua đời vào tuổi 23. Và cũng từ nơi đó, nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc đã viết những bài thơ về cái chết của anh. Từ khi biết đọc thơ, tôi bị ám ảm bởi những câu thơ của Nguyễn Nho Sa Mạc đã viết như một lời trăn trối trong bài Mùa xuân 21:
Tôi gọi nhỏ tên người sa nước mắt
Ở trên đời vừa đúng hai mươi năm
Máu sẽ khô, xin tim này đừng rụng
Giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm
Một đọan khác trong cùng bài:
Thân với máu xin thắp làm sương khói
Giữa trần gian về tìm lại con người
Vũng tóc đó tháng ngày qua cỏ úa
Lửa của đời thiêu đốt tuổi hai mươi
hay trong bài Sinh Nhật, một sinh nhật cuối cùng trên dương gian, anh viết như nuối tiếc cho kiếp người ngắn ngủi của mình:
Hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ
Ta muốn đi cho trọn kiếp người
Anh Nguyễn Nho Sa Mạc mất năm 1964, tròn hai mươi tuổi.
Nơi nhộn nhịp nhất của thị trấn Vĩnh Điện vẫn là bến xe Vĩnh Điện, trạm dừng và chuyển xe của khách đi về nhiều ngã khác nhau. Cầu Vĩnh Điện bắc qua nhánh sông Thu êm ả chảy về cửa Đà Nẵng. Trung học Nguyễn Duy Hiệu rất đẹp, được xây gần phía bên kia chân cầu hướng đi Đà Nẵng. Như hầu hết các trường trung học khác ở miền Trung, sân trường Nguyễn Duy Hiệu trồng nhiều phượng đỏ. Ngay trước cổng trường ngày đó có một cây phượng nhỏ, xinh xinh nhưng gầy yếu. Tôi để ý đến cây phượng này nhiều nhất vì nó có chút gì đó giống tôi, nhỏ nhoi và đứng lẻ loi ngay trên lối vào trường. Vì cô độc lẻ loi nên cây phượng nhỏ trở thành chỗ dựa lưng, chỗ chờ đợi và chỗ dựng xe của đám học trò. Nhìn tấm thân trầy trụa của cây phượng nhỏ, ngày đó tôi đã thấy cảm thương. Năm ngoái, có dịp hỏi thăm về trường cũ, tôi rất vui sau gần bốn mươi năm, cây phượng nhỏ ngày xưa vẫn còn sống và che mát cả một khoảng trống lớn trên lối vào trường.
Hình ảnh những rặng tre dài soi bóng trên sông, những chiếc ghe chở hàng xuôi dòng về Đà Nẵng, những buổi chiều tôi thường đứng nhìn lên phía thượng nguồn sông Thu, đã để lại rất nhiều trong những bài thơ tôi viết sau này.
Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ
Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn
Thuở học trò tôi hay đứng ven sông
Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Ðiện
Ở trung học Nguyễn Duy Hiệu tôi gặp lại nhiều thầy cô và bạn học cùng trường sau một thời gian tản mác khắp nơi. Giáo sư hướng dẫn lớp bảy của tôi, Phùng Ngọc Nhựt, rất vui khi gặp tôi. Thầy Nhựt gần ba mươi tuổi, độc thân, đeo kính cận dày. Thầy dạy Việt văn và dạy nhạc, cả hai môn tôi đều thích và học khá nên thầy có nhiều cảm tình riêng. Thầy dắt tôi vào văn phòng và xin lỗi đã không đến thăm tôi được khi nghe tin gia đình tôi gặp tai nạn. Tôi rất quý mến thầy, không phải chỉ vì thầy dạy những môn tôi thích nhưng thầy hay nói về quê hương đất nước, kể chuyện lịch sử cho chúng tôi nghe và tập chúng tôi hát những bài hát ca ngợi đất nước mình. Bài hát đầu tiên thầy dạy chúng tôi hát là bài Những Nẻo Đường Việt Nam. Thầy hát không hay lắm nhưng trong mỗi lời ca dường như thầy gởi gấm theo tâm sự của một thanh niên lớn lên trong một đất nước đang chìm vào cảnh tương tàn, nhiễu nhương, phân hóa:
Những nẻo đường Việt Nam
Suốt từ Cà Mau, thẳng tới Nam Quan
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Ôi những nẻo đường Việt Nam
Những nẻo đường về đâu
Ánh chiều chìm rơi bờ lúa nương dâu
Ôi những nẻo đường về đâu ...
Ơ ta đắp đường làng ta
Nhắn ai đi xin chớ quên quê nhà ...
Buổi chiều ngày đầu tiên trong thị trấn không có một người quen với tôi là cả một vấn đề. Ăn đâu? Ở đâu? Cũng may, không phải chỉ mình tôi phải đương đầu với những khó khăn đó. Phần lớn bạn học cùng quê của tôi cũng đang lang thang đi tìm chỗ ở. Với tôi, hoàn cảnh còn khó khăn hơn vì chẳng những tìm cho ra chỗ ở mà còn phải là chỗ ở không trả tiền thuê. Tôi không có nhiều tiền. Những đồng bạc chắt chiu của cô tôi đã gần hết. Tôi và vài người bạn, đến gần tối mới tìm ra được một căn nhà gần ngã ba Vĩnh Điện. Anh chủ nhà đi lính đóng ở Hội An và chị cũng đi theo anh. Chiều hôm đó, trước khi đi, họ cho chúng tôi ở mà không phải trả một khoản tiền nào, bù lại chúng tôi phải săn sóc, quét dọn, tưới cây trong vườn nhà anh chị. Tôi còn nhớ tên của anh là anh Xích. Tôi và ba người bạn học, một nam hai nữ, cùng sống trong căn nhà của anh Xích. Chị Ngà, học lớp đệ tứ, lo việc đi chợ, nấu ăn, bếp núc. Chúng tôi rất thân nhau. Chiến tranh làm chúng tôi trưởng thành rất sớm. Chị Ngà mới mười lăm, mười sáu tuổi nhưng rất ra vẻ một người chị cả. Chị làm hầu hết công việc trong nhà, kèm thêm cho chúng tôi học, và có khi còn giúp chúng tôi giặt giũ áo quần.
Nhà chúng tôi ở tương đối an ninh vì chỉ cách quận lỵ Điện Bàn một đoạn đường ngắn. Tuy nhiên, mỗi khi có pháo kích vào quận hay đánh nhau phía trong cầu Câu Lâu, cách quận vài cây số, chúng tôi cũng phải xuống hầm ngủ để đề phòng đạn lạc. Có khi chúng tôi ngủ quên suốt đêm dưới hầm.
Một lần, khi trời vừa tối, một đơn vị quân Cộng Hòa, trên đường hành quân dừng lại ở Vĩnh Điện, khoảng một tiểu đội được bố trí ở trong khu vực nhà chúng tôi. Nhà trở nên chật chội, không ai ngủ được. Đám học trò chúng tôi và mấy anh lính ngồi chung quanh ngọn đèn dầu để nói chuyện. Về khuya, mọi người đều tìm chỗ ngả lưng, chỉ còn mình tôi và một người lính, anh Bửu, là ngồi lại. Quê anh ở Đại Lộc. Anh em chúng tôi hỏi thăm nhau về chuyện gia đình. Anh nói nhiều về tuổi thơ vất vả của anh ở Đại Lộc, anh nói về cha anh, người cha già bị bịnh nặng đang sống nhờ vào đồng lương lính của anh mỗi tháng gởi về. Tôi cũng thành thật kể anh nghe về những bất hạnh vừa xảy ra với tôi. Khi ngồi kể chuyện đời mình, chính tôi cũng ngạc nhiên trong thời gian chỉ vài tháng nhưng không biết bao nhiêu điều đã xảy ra cho tôi từ ngày rời Mã Châu, ra Đà Nẵng, sang Sơn Chà, vào Hội An và đêm hôm đó là thị trấn Vĩnh Điện. Tôi đã đi một chặng khá xa và có thể sẽ còn đi xa nữa. Bên ngọn đèn dầu không đủ sáng để soi rõ mặt nhau, chúng tôi ngồi kể chuyện buồn đau trong nước mắt. Tôi không cắn răng để nín khóc nhưng cũng cố để khỏi khóc òa lên trong đêm tối. Nước mắt của một người lính trẻ và một đứa bé mồ côi mười ba tuổi đã nhỏ trên quê hương bất hạnh của họ. Đêm đó anh Bửu và tôi đều không ngủ. Tuy trời chưa sáng, người lính gác đêm đã vào gọi anh và đơn vị ra đi. Trước khi đi anh đặt tay lên vai tôi, dặn dò chuyện học hành và trao tôi một gói giấy nhỏ, trong đó là một phần tiền lương lính của anh. Số tiền anh cho tôi đã tiêu dùng hết từ lâu, nhưng giọt nước mắt anh nhỏ xuống trong đêm gặp gỡ ở Vĩnh Điện vẫn đọng lại trong tâm hồn tôi hôm nay và chắc chắn sẽ còn mãi cho đến ngày tôi lìa cõi đời này. Giọt nước mắt của anh là nhựa nguyên cho cây đời tôi xanh lá. Tình thương của anh giúp tôi đứng dậy được mỗi khi tôi quỵ xuống trước những khó khăn. Nhân cách và lòng hiếu thảo của anh là chiếc gương đạo đức để tôi soi rọi lương tâm mình mỗi ngày. Tôi nghĩ về anh Bửu rất nhiều và rất mong gặp lại anh dù biết là rất khó. Ngoại trừ tên anh và câu chuyện vừa kể, tôi không biết gì nhiều hơn. Tôi cầu mong anh đọc được những dòng này vì tôi tin rằng nếu đọc, anh sẽ nhớ ra tôi ngay.
Chúng tôi ở nhà anh Xích được vài tháng thì anh chị trở về, có nghĩa là chúng tôi lại phải dọn đi. Sau một ngày hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được một nơi ở khác nhưng cách trường Nguyễn Duy Hiệu khá xa. Nơi chúng tôi ở lần này không được an ninh như nơi ở trước, ban đêm du kích thường hay về. Có đêm tôi đang nằm ngủ mấy anh du kích kéo chiếu lên khám xét. Thấy tôi còn nhỏ họ đắp lại và bỏ đi. Nhà trong xóm ngã ba Điện Bình này toàn là người già và bọn học trò đệ nhất cấp như chúng tôi. Thanh niên đều ra Vĩnh Điện ngủ khi trời tối, đi lính hay ra Đà Nẵng làm ăn. Bà chủ nhà dặn dò tôi rất kỹ những câu trả lời về tuổi tác, từ đâu tới, làm gì vì bà cũng ngại chúng tôi sẽ bị bắt đem theo. Bọn tôi hiểu nên mỗi khi nghe tiếng chân bước vào nhà giữa khuya, tôi thường co chân lên một chút để cho người ngắn hơn.
Anh Hai, con của cô tôi lái xe đò, tuyến đường Tam Kỳ Đà Nẵng. Cuối tuần tôi ra quốc lộ đứng chờ xe anh để theo xe về Đà Nằng thăm cô. Đời sống của cô và gia đình vẫn thế, chật vật trong căn nhà nhỏ. Đà Nẵng vẫn là thành phố xô bồ đông đúc mặc dù một số lớn dân lánh nạn Mậu Thân đã trở về nguyên quán. Mỗi lần tôi về như thế cô tôi lại cho tôi một ít tiền. Anh Hai con của cô tôi thỉnh thoảng cũng giúp đỡ tôi. Tôi cũng về lại Sơn Chà thăm người bác, anh thứ tư của cha tôi, đang sống với con trai. Tôi lại đứng trên cồn cát trắng Cỗ Mân nhìn về phía biển, nơi tôi tin có một tàu bịnh viện đang thả neo ngoài cảng Sơn Chà.
Tôi trở lại Vĩnh Điện để học xong niên học. Ngày cuối cùng của niên khóa, thầy hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai thông báo sang năm trường sẽ dời xuống Hội An.
Vì bà Chín đã qua đời nên tôi có ý định trở lại chùa Viên Giác một lần nữa.
(còn tiếp)
Đôi nét về tác giả
Trần Trung Ðạoquê quán Duy Xuyên Quảng Nam. Cựu học sinh Trung Học Duy Xuyên, Trung Học Trần Quí Cáp, Hội An. Cựu sinh viên Kinh Tế, Vạn Hạnh và Luật, Sài Gòn.
Vượt biên bằng đường biển năm 1981, tạm trú tại trại Palawan, định cư tại Mỹ trong cùng năm. Học điện toán tại Wentworth Institute of Technology và Boston University. Kỹ sư điện toán cho một công ty đầu tư tài chánh tại Boston.
Khởi động các sinh hoạt văn hóa, tuổi trẻ trong mạng lưới Internet từ cuối thập niên 80.
Ðóng góp tích cực vào nỗ lực xây dựng các phong trào trẻ tại hải ngoại từ đầu thập niên 90 đến nay. Thuyết trình về các chủ đề tuổi trẻ tại các cộng đồng Việt Nam, các hội nghị nhân quyền, đại học, tổng hội sinh viên, trại hè.
Liên lạc tác giả: trantrungdao@aol.com
Tác phẩm đã in:
Giấc Mơ Việt Nam, văn
Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, thơ
Thao Thức, thơ
Thơ Trần Trung Đạo, thơ
Tâm Bút, văn
Dưới bóng đa chùa Viên Giác (viết chung với HT Thích Như Điển)
---o0o---
Nguồn: http://www.trantrungdao.com
Trình bày: Tịnh Tuệ