Con hãy đọc khi con ở một mình
Lúc đó tôi được 13 tuổi. Trước đó một năm gia đình tôi đã chuyển từ Bắc Florida đến miền Nam California. Tôi dễ hận thù khi vừa đến tuổi vị thành niên. Tôi rất nóng nảy và hay cãi lại đối với bất cứ chuyện gì dù nhỏ mà ba mẹ đề cập tới, đặc biệt là nếu nó liên quan đến tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ lứa tuổi thiếu niên, tôi khó chấp nhận bất cứ điều gì đi ngược lại với quan điểm của mình về thế giới chung quanh. Một đứa bé “thông minh không cần dạy bảo”. Tôi phản đối bất cứ biểu lộ nào của tình thương. Thật sự, tôi dễ giận dữ khi đề cập đến cái từ “thương yêu”.
Vào một đêm, sau một ngày đầy khó khăn cho tôi, tôi bước nhanh vô phòng, đóng cửa lại và leo lên giường. Khi tôi nằm xuống, tôi để tay luồn dưới gối, tôi chạm phải một bao thư. Tôi kéo nó ra và trên phong bì có mang dòng chữ: “Con hãy đọc khi con ở một mình.”
Vì tôi ở một mình, không ai biết là tôi có đọc hay không, thế rồi tôi mở nó ra đọc. Bức thư viết: “Mike, Mẹ biết hiện giờ cuộc sống rất là khó khăn, Mẹ biết con rất là bực bội và Mẹ biết chúng ta không thể làm theo đúng ý của mình. Mẹ cũng biết là Mẹ rất là thương con và dù cho con có làm hay nói bất cứ điều gì cũng không thể thay đổi tình yêu thương của Mẹ dành cho con. Mẹ lúc nào cũng ở bên con khi con cần ai đó để chuyện trò, và nếu con không muốn thì cũng không sao. Con hãy biết rằng trong cuộc sống bất luận con đi đến đâu hay làm gì, Mẹ sẽ luôn thương yêu con và tự hào vì con là con trai của Mẹ. Mẹ luôn ở bên con và Mẹ rất yêu con - điều đó sẽ không bao giờ thay đổi. Thương con, Mẹ”.
Đó là bức thư đầu tiên trong nhiều bức thư “Con hãy đọc khi con ở một mình”. Tôi đã không để ý đến những bức thư đó mãi đến khi tôi trưởng thành.
Hiện giờ tôi đi đây đó khắp nơi để giúp đỡ mọi người. Có lần tôi ở Sarasota, Florida, dạy trong một buổi hội thảo, khi cuối buổi học, một phụ nữ đã đến gặp tôi và chia sẻ những khó khăn mà bà đã gặp phải với con trai của mình. Chúng tôi thả bộ tới bãi biển, và tôi đã kể cho bà nghe về tình thương yêu vô bờ bến của Mẹ và về những bức thư “Con hãy đọc khi con ở một mình”. Nhiều tuần sau đó, tôi nhận được một tấm thiệp báo rằng bà ta đã viết bức thư đầu tiên cho con trai và đã làm như thế đối với con trai bà.
Tối hôm đó khi tôi đi ngủ, tôi đặt tay xuống phía dưới gối nằm và nhớ lại cái cảm giác mỗi khi tôi nhận một lá thư. Trong những năm tháng thời niên thiếu đầy hỗn loạn, những lá thư như là sự vỗ về nhẹ nhàng rằng tôi luôn được yêu thương cho dù tôi có như thế nào đi nữa, chứ không phải vì đó là tôi. Trước khi tôi đi vào giấc ngủ, tôi cảm ơn Trời đã cho Mẹ tôi biết một đứa thiếu niên nóng nảy cần những gì. Giờ đây khi cuộc đời có phong ba bão táp, tôi biết rằng dưới chiếc gối của tôi sẽ có sự vỗ về nhẹ nhàng mà tình thương – tình thương không điều kiện, khắn khít, vĩnh cửu - sẽ thay đổi cuộc đời của mình.
“To read when you’re alone”, Mike Staver, Chicken Soup for the Woman’s Soul, 1996, Jack Canfield, Mark Victor Hansen, Jennifer Read Hawthorne and Marci Shimoff, Health Communications, Florida, USA.