Kính thưa Quý Liệt Vị,
Dù dòng thời gian đã xoá nhòa những hình ảnh quý gíá xa xưa, dù dấu chân của các Ngài đã rêu phong phủ kín. Nhưng những dấu chân ấy đã đi vào lịch sử nhân gian, dù tiếng nói các Ngài đã hòa vào không gian tĩnh lặng. Nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng pháp âm của các Ngài, làm chấn động tâm tư huyết mạch của bao người con Phật.
Trong quyển “Những Vị Phật ở Miền Tây Nam Việt Nam” này. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép trung thực theo lời thuật của các vị Trưởng Lão uy tín; hay các vị trí thức trung hậu; hoặc trích trong các tài liệu giá tri được mọi người tin tưởng.
Một quyển sách có giá trị, là quyển sách phải dày công sưu tầm, biên khảo nhiều tài liệu trung thực quý giá. Phải so sánh đối chiếu, cân nhắc và kiểm chứng có tính khoa học, để có được vị trí đặc biệt với giá trị vĩnh hằng. Trong sách chúng tôi trình bày các Vị có những điều mầu nhiệm lạ kỳ, có những hành động khác thường không ai dám nói, không ai dám làm. Nhưng các Vị lại tự tại hiên ngang làm một cách phi thường. Có những Vị do tu chứng, có những vị do phần trên chuyển hóa, có những Vị mượn xác phàm và có những Vị có hạnh tu kỳ bí của một Bồ Tát không ai làm nổi.
Còn có những Vị do công đức tu nhiều kiếp, thế nhân tôn kính là Phật. Vì Đạo phong của các Ngài khả kính, cứu nhân độ thế với lòng từ bi bao la, cùng với những lời tiên tri đều xảy ra đúng sự thực.
Tôi chưa có duyên được chứng kiến, gần gũi các Vị đã ra đời lâu xa, với những niên kỷ cách biệt. Nhưng có Vị tôi đã hân hạnh được hầu cận, chiêm ngưỡng Đạo phong uy nghi và lời nói lúc nào cũng lợi lành và soi sáng cho mọi người. Có những Vị tôi đã sống chung chùa và có những Vị tôi đã tiếp xúc gần gũi một thời gian. Thật sự, mắt phàm của tôi không thấy rõ những bí ẩn huyền vi của các Ngài. Chỉ thấy được những hiện tượng xảy ra đúng sự thực. Ngoại trừ các vị có Thần nhãn, Huệ nhãn hay Thiên nhãn hoặc được Chư Thiên mách bảo, thì các vị này kính trọng các Ngài một cách vô cùng kính cẩn. Chúng tôi đọc sách, thấy Phật sống Tế Điên và Phật sống chùa Kim Sơn bên Trung Hoa. Chư Tăng trong chùa và bá tánh gần gũi hay khinh thường các Ngài. Nhưng người ở xa lại biết rõ các Ngài, nên vô cùng quý trọng. Bấy lâu nay, quý vị ấy được sách vở tài liệu ghi chép, thậm chí đến việc vẽ vời thêm quay thành phim ảnh, tuồng tích. Chính vì thế chúng ta chỉ thấy nhắc các Vị Phật của Trung Hoa, hay những Vị Đạo Sư ở Ấn Độ, ở Tây Tạng xa xôi huyền bí mà người Việt chúng ta không biết, không tìm hiểu. Chúng ta lại tìm hiểu những vị Phật xa xôi rồi mơ tưởng, rồi ao ước! Còn những vị Phật ở ngay quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, chúng ta lại không biết, không tìm hiểu. Có thể Phật trong nhà không thiêng chăng ?
Thực sự là ít ai nghĩ đến, vì cuộc chiến và vì cuộc sống khó khăn, đã bao nhiêu năm qua làm cho chúng ta chỉ nghĩ đến những vấn đề sát sườn trước mắt. Nên chưa thấy ai nhắc đến các Vị Phật sống ở Miền Tây Nam Việt Nam. Ngoài Phật Thầy Tây An, Phật Trùm, Đức Bổn Sư núi Tượng và Đức Thầy. Chúng tôi chưa thấy ai sưu tầm ghi chép những Vị Phật Miền Tây thành sách, để phổ biến rộng rãi trong nhân gian. Để cho những thế hệ mai sau biết rõ về những Vị Phật ở Việt Nam chúng ta. Đây là điều thiếu sót rất lớn của Phật Giáo, và của người Phật tử Việt Nam chúng ta. Thậm chí thời gian qua, có những Vị Tăng có học vị cao, chỉ nghe đồn đãi qua sự vẽ vời bóp méo, tam sao thất bổn. Rồi thiếu kiểm chứng, thiếu nghiên cứu nghiêm túc, lại buông lời phỉ bang làm tổn đức lành. Nhưng lại ca ngợi những vị Phật xa xôi ở xứ khác mà mình chỉ nghe qua ! Cũng như Hòa Thượng Tế Điên và Phật sống chùa Kim Sơn, người ở gần thì xem thường, còn người ở xa thì lại quý trọng. Tôi rất ngạc nhiên, thấy những vị tự xem mình là trí thức, nhưng lại không chính chắn trong vấn đề tìm hiểu kiểm chứng. Đức Phật đã dạy: “Khoan vội tin điều gì, dù điều đó được nhiều đời truyền tụng. – Khoan vội tin điều gì, dù điều đó do uy quyền ban ra. – Khoan vội tin điều gì dù điều đó đã được mọi người công nhận . . . Các người hãy suy nghĩ, phân tích kỹ lưỡng, thấy thích hợp với chân lý rồi hãy tin, như vậy mới gọi là chánh tín".
Người Phật tử chúng ta cần chính chắn điều này, không vội tin nhưng cũng không bác bỏ. Tôi rất tiếc, những điều kỳ diệu của các Ngài thiếu sự phổ biến rộng rãi. Trừ những Vị có tín đồ đông thì có ghi chép thành kinh sách phổ biến. Nhưng có nhiều Vị, chỉ xuất hiện một giai đoạn ngắn, như Phật Tổ ở Cà Mau rồi viên tịch. Còn những đệ tử vùng quê thiếu kém về học thức, không có khả năng ghi chép thành kinh sách để lưu truyền. Cũng may còn lưu lại ngôi chùa và được Sắc phong từ thời vua Tự Đức. Tôi hy vọng sau này, Phật Giáo hay là những vị Phật tử hằng tâm hằng sản, những nhà làm phim, cùng các nghệ sĩ, tài tử. Sẽ khai thác những mẩu chuyện kỳ diệu hy hữu của những vị Phật này, làm thành những tuồng tích hấp dẫn trên phim ảnh, sẽ thu hút nhiều người xem hơn. Đó cũng là vấn đề hoằng pháp linh động nhất, hữu hiệu nhất, đi sâu vào lòng người tạo thành những ấn tượng đẹp nhất. Đồng thời, minh chứng những sự tu hành đắc đạo của người Việt Nam.
Thông thường, người ta chỉ nghe mơ hồ từng địa phương nhắc nhở, những Vị có hạnh tu, có hành động phi thường đặc biệt. Khi nghe rồi có vẻ nuối tiếc, vì mình không được gần gũi nhờ cậy, rồi lại bỏ qua. Vì thế, tôi e rằng sẽ mai một những chuyện hy hữu này. Cho nên trong thời gian tôi đang dưỡng bệnh, không đi hoằng pháp nhiều như lúc trước. Tôi lục soạn lại các tài liệu ghi chép, và tịnh tâm nhớ lại những ngày quá khứ xa xưa, viết vào đây để cống hiến quý Vị và lưu lại cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Bất cứ thời đại nào, dù hoàn cảnh nào khi người dân bị ức chế, bị ngăn cấm hành đạo, cũng có những vị “Nội Bí Bồ Tát, ngoại hiện phàm Tăng”. Hay là những Vị do công phu tu hành gian khổ đắc Đạo, hay cứu nhân độ thế, cho nên được người đời tôn xưng là Phật.
Ở đời có nhiều Vị khi còn sống thì thế nhân xem thường, nhưng đến khi các Ngài tịch mới thị hiện một vài việc, hoặc nói lại cho những đệ tử thân cận những điều bí nhiệm. Chính lúc đó, người ta mới hiểu rõ quý Ngài, với nỗi niềm hối tiếc, tự trách mình thì đã muộn. Vì hiện thể nhục thân của các Ngài đã lui về quá khứ! Như chuyện ông Hai Long Hầu, Sư cô Năm Minh Bửu, Sư Huynh Thiện Thành làm những điều không ai dám làm, Cậu Ba núi Sập ẩn nhẫn hóa độ và giúp đỡ rất nhiều người và những Vị siêu xuất diệu kỳ khác.
Hiện tại bây giờ, vẫn còn những Vị mang thân cư sĩ, cũng sinh sống bình thường, nhưng lại là những Vị Bồ Tát mang nhục thân cứu giúp nhiều người, hướng dẫn nhiều người quay về với Chánh Đạo. Chúng tôi đã tiếp xúc những Vị này, thấy có nhiều điều lạ, làm những việc chẳng ai làm được. Có Vị dùng thần thông thay hình đổi dạng trong tích tắc, để che mắt những kẻ luôn theo dõi gây khó khăn. Như chuyện ông Mười khi thì già, khi thì trẻ, khi thì cùi, khi thì cụt chân v . v . . Những chuyện này có mấy gia đình Phật tử chứng kiến, và được quý Ngài giúp đỡ nhiều việc. Do đó, lấy mắt trần thì không thấy được những kỳ diệu huyền vi của các Ngài. Chúng tôi sẽ kể vào những chương trong sách để cống hiến quý vị.
Ai có Thiện Tâm tu dưỡng, có làm phước giúp người chân tình, thì các Ngài mới gần gũi giúp đỡ. Có người cả gia đình ăn chay, nhưng công phu tu hành kém, thiếu lòng từ bi, các Ngài vẫn từ chối và quở trách. Chúng ta muốn các Ngài hộ trì, thì phải chân thật, khiêm tốn và nhất là tâm từ bi phải mở rộng, phải thể hiện chân thành đối với những nguời nghèo khổ tật nguyền, hay già yếu cô đơn. Có người chuyên lo tụng kinh có vẻ tinh tấn, để được tiếng khen, tụng đọc réo gọi Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Văn Thù, Đức Quán Thế Âm . . . Nhưng các Ngài đã đến trước cửa nhà chìa tay ra mà không ai tiếp đón. Hay trong lúc đi đường, thấy các Ngài đang lết với thân hình rách rưới, dơ bẩn tật nguyền, thay vì giúp đỡ lại vội tránh xa. Chúng ta tu như thế thì có kết quả gì không ! ! ? Bởi vì những vị Phật tương lai này, rất cần sự cúng dường nhiều hơn, để tiến tới thành Phật. Chắc chắn công đức cúng dường này thật vô lượng vô biên. Đức Phật dạy:”Ta là Phật đã Thành, tất cả chúng sanh là Phật sẽ Thành”. Quý Vị hãy chịu khó đọc kỹ quyển sách này, có nhiều mẩu chuyện đã xảy ra ngay trong thời hiện tại này. Đến nỗi người đó phải hối hận khôn nguôi, tưởng đâu là người thường ! Chúng ta cần nhớ, cõi này là cõi “ phàm Thánh đồng cư độ” tức là Quốc độ của phàm Thánh cùng ở chung.
Quý Vị hãy chịu khó nghiền ngẫm, suy tư sau khi đọc quyển sách này. Có khi Vị ấy xuất hiện trước mắt mình mà mình lại thờ ơ không tiếp. Sau khi biết rõ, hối tiếc muốn gặp vô cùng, thì không còn cơ hội nữa.
Những loại sách liên hệ đến Tâm Linh, chúng ta không nên đọc vội vàng, hoặc đọc lướt nhanh qua như những sách giải trí khác. Vì chúng ta sẽ không đi vào được chiều sâu của hoang vu Tâm Thức, để khai mở Tâm Linh của mình bên kia bức màn vô minh. Loại sách này, đòi hỏi chúng ta cần lắng lòng để đọc, để chiêm nghiệm tư duy cho thâm nhập, đọc một cách say mê, chúng ta sẽ đón nhận được những diệu kỳ, khai mở Tâm Linh ta, hoặc khai mở được một tia Trí Tuệ nào đó trong ta. Cũng như các Vị Bồ Tát đến với ta, không phải từ trên trời bay xuống, hay là đến với chúng ta với ánh hào quang chói lòa. Các Ngài đến với chúng ta rất giản dị qua hình hài nhân thế, hay là với hình thức nghèo nàn rách rưới xin ăn, hoặc với hình thức tật nguyền cô đơn không nơi nương tựa, để thử thách lòng người tùy duyên hóa độ. Vậy chúng ta hãy thận trọng, đừng xem thường một ai, mà nên mở rộng lòng từ, để tạo được những công đức quý báu.
Sách này tặng không bán, Quý Vị hãy tùy hỷ góp phần công đức vào chùa nào hay nơi nào đã tặng Quý Vị quyển sách này.
Kính chúc Quý Vị Bồ Đề tâm tăng trưởng và mau sáng tỏ, để thấy biết được những kỳ đặc của thế giới Thánh phàm đồng cư, biết được quê hương Việt Nam thân yêu chúng ta đã và đang có những Vị Phật này.
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát
California, ngày 15 tháng 12 năm 2009
Trân trọng
Hòa Thượng Thích-Tuệ-Chiếu
***
CHƯƠNG I Nhận thức và sưu tầm
1- Thời Gian trước và sau 1975:
Khi viết quyển :”Những Xúc động đi vào Tâm Linh Trên Xứ Phật”. Tôi viết bằng những xúc cảm, với những dòng lệ lăn dài trên má, mà không thể cầm được. Hoặc nó âm thầm chảy trong tim, vì xúc động bởi những linh ảnh sinh hoạt của Đức Phật thời xa xưa, hiện về sống động trong tâm trí tôi. Rồi sự tàn sát dã man của giặc Hồi cướp phá, sát hại Tăng, Ni, san bằng các Thánh Tích làm cho điêu tàn, trở thành những rừng già suốt sáu thế kỷ. Nhờ sự hy sinh cao cả tận tụy của những nhà khảo cổ Bồ Tát, và những Vị cao Tăng Bồ Tát. Các Ngài đã nhiệt tâm chịu nhiều gian khổ, đứng ra kêu gọi các nhà hằng tâm hằng sản, đóng góp kẻ công, người của, khai quật các Thánh tích và đại trùng tu khôi phục lại. Cho nên những nơi này, mới được hồi phục để mọi người chiêm bái như ngày hôm nay. Bây giờ tôi đọc lại quyển sách chính mình viết đó, vẫn còn cảm thấy ngăn nghẹn ở tim, ở cổ của mình ! Vì những linh ảnh đó vẫn còn sống động mạnh mẽ trong tôi. Thương quá là thương ! Đức Phật đã vất vả gian truân hành đạo, rồi gục ngả trong rừng già. Đến khi Ngài đi hoá đạo, chịu nhiều nạn khổ bị vu khống, thoá mạ, ám hại của thế nhân do ngoại đạo gây ra tấp phủ lên Ngài. Cho đến những linh ảnh Chư Tăng, Ni bị giặc Hồi sát hại đầu thế kỷ thứ XIII, các Vị đã hy sinh tử đạo, đã ôm tượng Phật chịu chết một cách trung kiên, với lòng từ bi không chống trả. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ khai quật lên, mới thấy rõ hiện tượng những bộ xương này đang ôm tượng đức Phật. Ai thấy, ai nghe mà không xúc động bùi ngùi ! Nhất là người Phật tử, làm sao khỏi rơi ngấn lệ dài, trước cảnh bi thương não nùng như vậy ! ?
Sau đó, những nhà khảo cổ như Tiến sĩ Alexander Cunningham, Tiến sĩ Rajeudra Lal Mitra, Ngài Hòa Thượng Anagaarika Dharmapala cổ động trùng tu các Thánh tích. Còn vùng Kushinagar do công lao ông Carlyle, ông Pandit Hirananda Sastara và ông Volgel. Các Vị đã vất vả hy sinh phần còn lại cuộc đời, để vận động tài chánh và các Chánh phủ các quốc gia, nhờ can thiệp với Chánh Phủ Ấn Giáo tại Ấn Độ, để được phép vào những rừng sâu tìm kiếm khai quật những Thánh tích về Đức Phật, khai quật kho tàng văn hoá quý giá của nhân loại, đã bị chôn vùi suốt 6 thế kỷ qua. Trong lúc đó những nơi này đã biến thành rừng già, với cây cối um tùm, dây leo chằng chịt, tìm kiếm ra dấu tích là cả công trình khó khăn. Hơn nữa, những đống gạch ngói đổ nát đó, đã làm hang ổ cho nhiều loài rắn độc sanh con đẻ cháu nhiều đời. Cho nên không ai biết Đức Phật có hay không ? Hay là sự bịa đặt hoang đường làm vui cho mọi người !? Những hình ảnh của công trình khai quật ấy, đã sống mãnh liệt trong tôi, những nhân công bị rắn độc cắn, những chứng bệnh lạ vùng rừng già nhiệt đới, đã làm cho mọi người sợ hãi. Nhưng nhờ Phật lực gia hộ, cho nên những nhà Bác học đã không nao núng bó tay. Quý vị ấy, tạm thời nghỉ ngơi cho ngui ngoai những chấn động, trước sự chết chóc bất ngờ của công nhân khai quật. Rồi lại cố gắng tiếp tục công trình đào bới khó khăn, trong sự phòng thủ lo âu hồi hộp. Vì mạng sống con người, trong rừng già nhiệt đới lúc đó quá mong manh ! Luôn bị đe dọa ngày đêm, với bao nhiều thử thách gay go, đầy nghiệt ngả khó khăn như vậy ! .
Giai đoạn kế tiếp là tu bổ, hồi phục lại các Thánh Tích, cũng không kém phần gian truân và hy sinh xương máu của Chư Tăng. Tội nghiệp các Vị Tăng Miến Điện và Tích Lan, hy sinh ở lại dọn dẹp hương đèn nơi các Thánh tích Đức Phật Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Bị nhóm Hồi Giáo và Ấn Giáo, nửa đêm đến đánh đập các Vị trọng thương một cách tàn nhẫn, có tính cố sát. Các Vị Đại Đức này phải chạy thoát thân mới bảo toàn được tánh mạng. Để rồi hôm nay, chúng ta đến các Thánh Tích chiêm bái, không phải là rừng già làm hang ổ cho các loài rắn độc Ấn Độ nữa. Bây giờ có đường tráng nhựa, có khách sạn, có các tiệm buôn, đủ phương tiện phục vụ cho chúng ta. Đó là kết quả của bao nhiêu xương máu đã hy sinh, bao nhiêu nước mắt mồ hôi đã tuôn chảy, cho nên hôm nay các nơi Thánh tích mới được như vậy ! Tuy nhiên vẫn còn nỗi đau buồn chưa nguôi. Vì các Thánh tích Phật Giáo, nhưng Phật Giáo chỉ quản lý được 1/3 chỗ hương đèn thờ phụng như Bồ Đề Đạo Tràng. Để dọn dẹp, tụng kinh và tu bổ hằng năm. Còn tất cả, đều do Ấn Giáo quản lý và chia tiền mà không ra công giữ gìn tu bổ ! ! ! Thử hỏi, ai không đau lòng, xót dạ trong tình cảnh tài sản của ông Cha mình, nay bị người ta xí phần quản lý gần hết ! ? ! ?
Mãi đến bây giờ, Hồi giáo vẫn còn hung hăng và độc tôn, không muốn tôn giáo nào tồn tại và phát triển. Đối với Phật giáo không gây thù hằn gì với họ, lại còn tha thứ sự san bằng bình địa những Thánh tích, những cơ sở Phật Giáo và tha thứ cả sự tàn sát Tăng, Ni một cách dã man của họ tám thế kỷ trước. Thế mà mới đây tại Ấn Độ, họ đã đốt phá trường Đại Học Phật Giáo Quốc Tế Dhamma Dipa vùng Manu Bakul của thành phố Sabroom, thuộc Tiểu bang Triputa. Nhóm phá hoại này họ gởi thư hăm dọa trước, nhưng ai cũng nghĩ rằng” Đó là chuyện xa xưa của bảy tám thế kỷ trước. Còn thời đại này là thời đại Dân chủ và Tự do, thì làm gì có chuyện chuyện đốt phá dã man như ngày xưa !” Nhưng thư hăm dọa gởi chưa ráo mực, thì một lực lượng mặt mày hung hăng, tay cầm hung khí, họ xông đến muốn đánh giết chư Tăng, Ni nếu ai dám cản trở. Họ đập phá lung tung, cầm đuốc đốt hết tất cả ! Họ la hét đốt cháy các giảng đường, Thiền đường, thư viện, Tăng Xá và Ni xá, nhà bếp, nhà kho v . v . . Tất cả chư Tăng Ni, Thiền sinh đều phải chạy, tài sản còn lại chỉ còn bộ y dính trên người. Còn tất cả kinh sách, tài sản đều biến thành tro bụi. Chuyện vừa xảy ra lúc hoàng hôn buông xuống vào ngày 24 tháng 6 năm 2008. Từ bệnh viện, tôi mới trở về được tin này, với quyển sách này tôi viết đang dang dở hơn 100 trang, với cõi lòng buồn thương chư Tăng, Ni du sinh. Nên tôi ghi vào đây thêm những dòng sử hoen ố của giặc Hồi. Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy xưa và nay, những người đạo hồi cuồng tín thành hiếu sát trước sau như một, không thay đổi. Họ không muốn các tôn giáo bạn tồn tại, họ đã từng gây Thánh chiến với các tôn giáo như Ân Giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo và Do Thái giáo. Duy có Phật Giáo sống theo giáo lý từ bi, chịu nhẫn nhục ra đi, hoặc bị sát hại mà không chống cự.
Chính vì thế, Giáo lý từ bi làm cho Chư Tăng, Ni thành những chiến sĩ hòa bình. Cho nên ngày Đản Sanh của Đức Phật, đã được Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chọn làm ngày Lễ Hòa Bình của Thế-Giới. Tôi viết quyển Những Xúc Động Đi Vào Tâm Linh Trên Xứ Phật bằng sự nghẹn ngào, bằng những dòng nước mắt xúc cảm. Cho nên khi chiêm bái các nơi này, những hình ảnh từ thời Đức Phật, cho đến khi giặc Hồi xâm lăng ở Ấn Độ, đã kéo về trong tâm hồn tôi. Giặc Hồi cướp phá bao nhiêu tài sản, rồi san bằng các ngôi chùa, san bằng đại học Nalanda, và đã sát hại mấy vạn Tăng, Ni trên đất Phật. Thời gian dài đã phôi pha, chìm vào trong quên lảng lâu rồi. Thề mà, khi đến chiêm bái những nơi Thánh tích ấy, những linh ảnh ngày xưa từ thời Đức Phật, lại hiện về trong tâm thức của tôi. Tuy tôi không khóc, nhưng sao nước mắt cứ tuôn trào, làm nghẹn ngào những lời kinh tôi đang tụng. Đến khi viếng Bồ-Đề Đạo Tràng, tôi đến ôm hôn cây Bồ Đề, tôi lại vui mừng sung sướng, có cảm giác như ôm hôn lưng Đức Phật. Những hình ảnh thân thương mấy ngàn năm trước, lại hiện về trong tâm thức của tôi. Thương quá là thương Đấng Cha Lành của nhân loại, Đấng Đạo Sư của Trời và người. Còn lúc hôn tòa Kim Cang, tôi lại có cảm xúc như hôn chân Đức Phật, với những dòng lệ lăn dài xúc động trong tim. Đồng thời, thương cảm những người xưa, chư Tăng đã hy sinh cho đại cuộc trùng hưng Phật tích.
* * *
Bây giờ, tôi viết quyển sách “ Những Vị Phật Miền Tây Nam Việt Nam “này, không phải chỉ bằng những xúc động của ngấn lệ dài. Tôi viết bằng sự kết tinh của những dòng máu đã chảy bởi thương tích, bằng sự chết đi sống lại của vùng sơn cước thượng du miền Bắc, suốt mười năm tù đày trong các trại giam. Kể cả viết bằng sự tích lũy, sự ấp ủ lâu dài từ thời chú Tiểu hầu bậc Tôn Sư ở chùa. Đồng thời, tôi ghi nhận những chuyện kỳ ngộ với các Vị đặc biệt, mà tôi có thiện duyên đã tiếp xúc. Cho nên, tôi mới được những tài liệu quý giá này, để chia xẻ với quý vị, để phổ biến lưu truyền cho thế hệ con cháu chúng ta. Để cùng sung sướng vui mừng, về quê hương Việt Nam của chúng ta bên kia Thái Bình Dương, đã có những Vị Phật, đã có những Vị Bồ Tát, thường xuất hiện bằng nhục thân, để cứu nhân độ thế. Cho đến bây giờ, vẫn còn những Vị Bồ Tát mang nhục thân như chúng ta, làm những việc mà không ai làm được !
Nhân tiện đây, xin mạn phép quý vị. Cho tôi được kính cẩn cúi đầu, tạ ơn các Vị Hoà Thượng đã viên Tịch và những Vị còn hiện tiền, đã dành nhiều thì giờ trả lời sự tham khảo sưu tầm của tôi. Các Vị đã thuộc hàng Đại Lão Hòa Thượng như:Hòa Thượng T.Thiện-Lạc, HT T.Phổ Huệ, HT T.Long-Đức, HT T.Huyền Võ, HT T.Huệ Lầu, HT T.Phổ Quyền, HT T.Phổ-Tràng, HT.T.Ngộ Tánh, HT T.Huệ Nhã và HT T.Thiện Tánh chùa Phước Long. Ni Sư T.Nữ Giải Thỉnh, Ni Sư T.Nữ Giải Chưởng, Ni Sư T.Nữ Giải Sự. Với nhiều vị thuộc hàng Sư Huynh thân thương của tôi. Các Vị đã chịu khó kể về các bậc tu hành đắc quả, như vị Phật sống chùa Phi Lai và vị Phật Nằm ở chùa Minh Bửu Cao-Lãnh, trong giai đoạn trước tôi chưa biết Ngài. Có cả cô Diệu Hương, thường gọi là cô Sáu, cả hai ông bà là đại thí chủ Hồ văn Tôn pháp danh là Huệ-Phò, đã dâng cúng đất cho Ngài xây chùa Thành Hoa, ở đầu cù lao Giêng. Ngoài ra hai ông bà còn xuất nhiều lúa gạo, tiền bạc đi chợ nuôi Tăng, Ni ở tu hành tại nhà trong lúc làm chùa và những lúc khó khăn thiếu thốn. Sau này anh hai Rober và và anh ba Berna con của ông bà, với cháu Nội đích tôn là cậu Thiện Tra cũng tiếp tục lo công việc chùa. Thật là một gia đình hiếm có, cả ba đời đều có những hy sinh lớn lo giúp cho chùa, công đức vô lượng.
Còn vị Phật Tổ Cà Mau, tôi đã đọc lược sử và xem hình ảnh chung quanh tháp của Ngài tại chùa Phật Tổ. Trong thời gian đó, nhờ tôi công tác tại Cà Mau năm 1970. Tôi cũng có tham khảo những vị bô lão ở đây, nhưng mỗi người trình bày mỗi ý, chỉ nghe lại rồi tam sao thành thất bản, không mấy chuẩn xác. Tôi phải cân nhắc, đắn đo và suy tư phân tích kỹ lại từng việc. Để được đầy đủ và phù hợp hữu lý với hoàn cảnh thời đó. Từ cuộc sống bình thường. đến khi Ngài được quyển kinh tu hành, cho đến lúc Ngài tịch được vua Tự Đức Sắc tứ cho xây cất ngôi chùa gần chợ Cà Mau, lấy hiệu là Quán Âm Cổ Tự. Vì Ngài hành theo hạnh Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, cứu nhân độ thế.
Tôi cũng xin chân thành cảm tạ, quý vị đã kể nhiều việc liên quan đến các vị Phật ở miền Tây. Như giáo sư Sơn Hồng Đức dạy sử địa ĐH Văn Khoa Sài-Gòn, ĐH Cần Thơ, lúc tôi còn làm việc tại Bộ Tư Lệnh QĐIV/QK4 ở Cần Thơ. Cảm tạ giáo sư Trần văn Mãi dạy ĐH Văn khoa và ĐH Vạn Hạnh, lúc cùng ở chung trại Nam Hà, tỉnh Hà Nam Ninh. Giáo sư là người hiền đức, là tín đồ trung hậu của Phật Thầy Tây An, có nhiều uy tín. Giáo sư đã kể cho tôi nghe nhiều mẫu chuyện, từ Phật Thầy cho đến Đức Huỳnh Giáo chủ. Tôi cũng xin cám ơn Bác sĩ Trương văn Quýnh, nguyên Giám Đốc Bệnh Viện Đô Thành Sài Gòn. Lúc ở trại Nam Hà, bác sĩ là Trưởng trạm y tế của trại, ông đã dùng “phù phép đặc biệt” giúp tôi dưỡng bệnh trong lúc cần thiết. Bác sĩ phải vào trại với chúng tôi, là vì tội danh làm Chủ Tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng cấp Trung Ương .
Tôi xin kể một chuyện vui về bác sĩ, mà anh em hay nhắc tới. Lúc đó tuổi của bác sĩ đã 65, mắt mờ không thấy rõ. Dù bác sĩ mang kính, nhưng cái kính đó từ thời dệ Nhị Cộng Hòa. Nhưng ai nhờ nhổ răng là bác sĩ nhổ liền, không do dự chút nào hết. Dù có bác sĩ Thịnh là Thiếu tá Quân y cũng là tù binh ở chung trạm xá, chuyên môn về mắt, tai, mũi, họng. Một hôm trung tá Long xin được một liều thuốc tê của Pháp, do anh em có thăm nuôi đem vô cho. Lúc đó anh Long bị cái răng sâu hành hạ ăn không được, thay vì nhờ bác sĩ Thịnh, anh Long vì thân với bác sĩ Quýnh cho nên nhờ bác sĩ Quýnh. Bác sĩ Quýnh liền OK ngay, rồi chích thuốc tê để nhổ. Nhưng mắt quá mờ không thấy và lại thích tếu cho vui. Bác sĩ Quýnh vừa nhún nhảy theo kiểu dancing, miệng thì đánh nhạc “ Schách schách shình, schách schình . . .” tay thì cầm kềm thọt vào miệng anh Long, hỏi :
- Răng nào đâu ? Anh Long đưa đầu lưỡi chỉ răng sâu. Bác sĩ Quýnh kẹp ngay và giựt mạnh. Anh Long vội ghì tay bác sĩ Quýnh lại, miệng la ú ớ : - “Trời ơi ! Sao bác sĩ kẹp lưỡi của tôi giựt !?” Anh em ngồi chung quanh chờ khám bệnh, lúc bấy giờ ai cũng phải bật cười. Còn anh Long nhăn nhó đau đớn, sợ hãi vì đau răng đã khó ăn uống, bây giờ lại thêm đau lưỡi nữa thì làm sao chịu nổi. Anh đứng lên định bỏ ra ngoài, nhưng anh em khuyên: - Thuốc còn tê hàm, nhổ răng không đau. Thôi hãy ráng ngồi nhổ cho xong đi ! Chứ dễ gì kiếm được thuốc tê của Pháp tốt như thế này !” Với hoàn cảnh thắt ngặt này, anh Long cũng phải đành để bác sĩ nhổ thêm cái răng sâu mới ăn cơm được. Vì ở đây không dễ gì tìm được loại thuốc tê của Pháp để nhổ răng Bác sĩ Quýnh nói : - Tại anh đưa lưỡi ra. Lấy tay chỉ thôi, đừng lấy lưỡi chỉ nữa !
Kỳ này anh Long dùng tay chỉ chiếc răng sâu. Bác sĩ Quýnh lại đưa kềm vào kẹp cái răng. Vì cả hàm răng đã thấm thuốc tê, cho nên anh Long không còn cảm giác gì nữa. Thế là nhạc vũ trường lại nổi lên từ miệng của bác sĩ, với điệp khúc: “ Schách schách schình, schách schình . . . “,chân thì nhún nhảy, như đang dìu người đẹp nào đó quay cuồng trong tiếng nhạc của hộp đêm. Thỉnh thoảng bác sĩ Quýnh quay một vòng fantasia cho ngoạn mục. Thế rồi bác sĩ liền kẹp chiếc răng anh Long, xoay qua, xoay lại cho nhốm chân răng để nhổ. Rồi giựt mạnh ra, đưa cho anh Long, nói : - Đây răng sâu của anh đây ! Anh Long cầm cái răng xem, sao quái lạ, thấy nó vẫn liền lạc tốt láng bình thường! Mặt anh tái xanh, anh lấy tay rờ thử, cảm thấy cái răng sâu hủng lổ vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ trong miệng, liền nói : - Chết tôi rồi ! Bác sĩ lại lầm nữa rồi ! Răng sâu bác sĩ lại chừa, còn cái răng nguyên của tôi thì nhổ đi rồi !. Anh em chứng kiến cảnh này, ai cũng tức cười, nhưng không dám cười to thoải mái. Vì nạn nhân đang nhăn nhó đau khổ. Nhưng có anh tức cười quá nói : - Ở Mỹ người ta hay: “ Buy one, get one.” Còn ở đây mình : “ Pull one, donate one mà !”Anh em nghe vậy, nín cười không được nữa. Liền cười rộ lên,.lúc đó bác sĩ Quýnh cũng tức cười ! Ngoại trừ anh Long là người đang đau khổ, cho nên anh không cười nổi mà thôi. Anh Long lại đứng lên định về phòng, nhưng anh em khuyên, thuốc còn tê nên nhổ. Chứ ít ngày răng nhức nữa thì đâu còn thuốc để nhổ ! Anh Long lại ngồi xuống với gương mặt chán nản buồn so, chờ đợi. Không khí trong phòng bắt đầu căng thẳng và yên lặng. Bây giờ bác sĩ Quýnh lại lấy tay rà cái răng sâu hủng lổ đó rồi nói : - Anh yên chí ! Nhất quá tam, đương nhiên sẽ an toàn tốt đẹp mỹ mãn ! Bác sĩ Quýnh lấy ngón tay, để trên chiếc răng sâu rồi đưa kềm vào kẹp. Không khí trong phòng lại rộn vui lên, vì nhạc vũ trường “schách schách schình. Schách schình . . . “ trong miệng bác sĩ Quýnh lại trổi lên. Anh Long sợ hãi nói : - Bác sĩ đừng trổi nhạc nữa, nhổ răng xong bác sĩ hãy nhảy. Mỗi lần bác sĩ trổi nhạc nhổ trật hoài, tôi sợ quá ! Bác sĩ Quýnh nói : - Chuyện nhỏ, có sao đâu ! Bác sĩ Quýnh xoay chiếc răng qua lại, cho nhốm chân răng rồi giựt mạnh. Chiếc răng sâu của anh Long, bây giờ mới được nhổ thật sự. Không còn nhổ một, tặng một nữa!Răng của anh, nhổ tại trạm xá y tế của trại Nam Hà. Chứ không phải nhổ tại vũ trường Sài Gòn với nhạc schách schách schình, schách schình . . . ! Âm thanh này, nó đã tạo thành ấn tượng sâu đậm trong lòng anh em, khi nhổ răng mà nghe nhạc miệng schách schách schình là không ai dám nhổ nữa ! Anh em nhờ bác sĩ Thịnh nhổ giùm.
Bác sĩ Quýnh còn có nhiều chuyện vui, nhưng có một chuyện anh em hay nhắc. Nguyên bác sĩ có nguời anh là Trương Như Tảng, giữ chức vụ Bộ Trưởng bộ Tư Pháp của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông Bộ trưởng này làm tờ trình xin bảo lãnh bác sĩ Quýnh về. Khi cán bộ cao cấp ở trên xuống cho bác sĩ Quýnh hay sự việc. Bác sĩ Quýnh từ chối sự bảo lãnh đó ! Vì không muốn mang ơn ai ! Dù đó là anh ruột của mình. Mấy cán bộ mới trắc nghiệm bác sĩ xem sao, cho nên hỏi :
- Khi Cách mạng cho bác sĩ về, nếu xảy ra chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ. Cả hai đều tuyển mộ quân, bác sĩ sẽ đầu quân bên nào ? Bác sĩ Quýnh không cần suy nghĩ, liền trả lời ngay: - Tôi đi lính Liên Xô ! Mọi người ngạc nhiên hỏi : - Tại sao bác sĩ không đi lính Mỹ cho sướng ? Mà lại đi lính Liên Xô ? - Vì khi Liên Xô bại trận, tôi bị Mỹ bắt làm tù binh, tôi cũng được no đủ và sung sướng ! Các cán bộ lúc này mới thấm ý, vội quay lưng bỏ đi ngay, không nói được lời * * *
Trước 1975, tôi còn người bạn là đại tá Trần văn Tươi cựu tỉnh trưởng An-Giang, mẫu người đạo đức, trung hậu và tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao. Tôi với đại tá biết nhau lâu từ năm 1965, nhưng không có dịp tâm tình. Dù tôi điều hành và dạy trường Trung học Bồ Đề gần cạnh tòa hành chánh An-Giang chỗ đại tá làm việc. Đến khi mùa hè đỏ lửa năm 1972, tôi trong ngành Tuyên Uý cùng đại tá tăng cường cho Sư đoàn 21/BB. Đóng căn cứ tại Lai Khê, trong thời gian giải tỏa Bình Long An Lộc. Tôi cùng đại tá, với Mục Sư Nhớ, hằng tháng đi ủy lạo thương bệnh binh nằm rải rác các Quân Y Viện từ Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu, Quân y Viện Cộng Hoà và các Quân y viện ở miền Tây. Đi theo đoàn chúng tôi, có sĩ quan Tâm lý chiến, sĩ quan HC. Tài Chánh để phát lương và một nữ quân nhân Xã Hội. Mục đích là uỷ lạo và gắn Huy chương Anh Dũng Bội Tinh, và Chiến Thương Bội Tinh cho các anh em chiến binh đang điều trị. Đồng thời phát lương và giải quyết những thắc mắc, hay những thiệt thòi của anh em chưa được hưởng. Nhờ công tác chung trong thời gian dài, buổi tối về nghỉ trong các biêt thự dành riêng cho sĩ quan cao cấp. Khi rảnh uống trà, chúng tôi tâm tình, cho nên tôi được biết đại tá là người đã có một thời đi theo bên cạnh Đức Thầy, và thoát chết lần thảm sát ở Cần Thơ. Nên Đại tá hiểu biết nhiều việc, và kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Đức Thầy, đã giúp tôi có ý thức và hiểu biết thêm về Đức Thầy.
Ngoài ra, tôi cũng có dịp nằm gần cạnh trung tá Huỳnh văn Minh, nguyên tỉnh trưởng Châu Đốc, ở trại Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú ba năm trường. Anh Minh là một tín đồ trung hậu của Phật Giáo Hòa Hảo, hiền lành trung thực. Anh đã kể cho tôi nghe, những việc kỳ diệu về Đức Thầy. Vì trong gia đình anh, cha truyền con nối mấy đời theo Phật Thầy Tây An đến Đức Thầy. Thời điểm chúng tôi ở chung đó, vào buổi sáng sớm, trời đông lạnh rét cóng tay và vào đầu xuân, núi rừng sơn cước vùng này vẫn lạnh. Cho nên có câu: “ Rét tháng ba, bà già chết cóng”. Lúc đó, chúng tôi làm Sơn nữ Phà-Ca của đội già yếu ớt, mỗi buổi sáng trong sương mờ của núi đồi trùng điêp. Mỗi người đeo một cái giỏ, lên núi đồi trong mưa phùn buốt giá. Chính mùa này, trà mới ngon thơm tuyệt hảo thuộc siêu hạng Nhất Dương Chỉ (Nói theo kiếm hiệp, vìtối anh em hay kể chuyện, để quên tháng ngày dài và để ngủ ngon) Còn khi hái trà, mùa này thì cảm giác nhìn bằng mắt, còn những ngón tay tê cóng, không có cảm giác gì khi đụng đến búp trà. Những đọt trà còn búp non trong trắng mượt mà, đọt còn trắng hai cánh lá phụ mới phơn phớt xanh, được gọi theo chuyên môn là “Một Tôm Hai Tép”. Mới ăn vào nghe chát và hơi đắng. Nhưng khi qua khỏi cổ một chút, là nghe dịu ngọt và hương thơm xông lên, mùi vị thơm của loại trà ngon Vĩnh Phú, nổi tiếng nhất miền Bắc. Vì nó có vị ngọt dịu lâu dài, làm cho trong người sảng khoái, sức khỏe dẻo dai. Có lẽ nhờ vậy, mà anh em làm những đồi trà, được tăng sức đề kháng mạnh hơn những đội khác. Nghe qua có vẻ thơ mộng và lý tưởng quá ! Nhưng không ai khờ dại muốn sống như vậy đâu ! Vì chúng tôi phải lao động cuốc rảnh trồng trà, cuốc hố trồng khoai mì, mà ngoài Bắc gọi khoai mì là củ sắn. Mỗi hố vuông vức 50cm, chiều sâu 40cm, tiêu chuẩn mỗi ngày phải cuốc 40 hố. Cuốc đất rán sức quá, cho nên có nhiều anh rán sức, bị hộc máu tại chỗ. Ngoài ra phải đào hồ bên vách núi nuôi cá, nó rộng lớn thăm thẳm mênh mông. Sức yếu, phải khiêng vác đất đá nặng nề chẳng khác nào Vạn Lý Trường Thành. Nhiều anh kiệt sức bị bệnh lao, khi về nhà chữa trị tốn rất nhiều tiền. Nhưng tiêu chuẩn ăn chưa được nửa bụng. Sợ nhất là ăn khoai tây, vì bữa ăn chỉ có 5 hay 6 củ bằng đầu ngón tay cái, anh em thường gọi là ăn trứng chim.
Còn cái cuốc lưỡi khá dài. Quý vị hãy hình dung, cái cuốc còn mới, bề ngang 15cm, chiều xuống của lưỡi cuốc là 25cm. Cuốc ba tháng lưỡi mòn hết 5cm. Như vậy chúng ta thấy núi đồi đầy sõi và đá cứng. Mỗi lần cuốc mạnh xuống, lưỡi cuốc chạm đá sỏi thường toé lửa. Mỗi nhát cuốc chỉ ăn sâu được 3cm đến 5cm, tuỳ chỗ đá non hay đá già, chỗ đá non mềm có đất nạc thì xuống sâu hơn. Khi cuốc xong một vùng đất, rồi hốt lá cây trộn với đất đá vụn đó, ghim một khúc cây mì. Đến 2 năm sau mới đào củ mì lên ăn được. Còn cuốc rảnh sâu 30cm dọc theo triền đồi, thì anh em gieo 3 hột trà. Chờ mãi 3 tháng sau, hột trà mới nhú mầm nổi. Trong những tháng mùa đông lạnh quá, đọt trà không ra nổi, thì đi làm cỏ, vào rừng cắt lá cây, bó lại đội về ủ làm phân. Nhưng mấy tháng sau, đào hầm phân đó lên, nó chưa mục mà có mùi chua ngấy rất khó chịu và nóng như nước sôi, bốc hơi lên ngùn ngụt. Nhưng cũng phải lấy cuốc cào vào sọt, bưng đem rải xuống ruộng. Loại phân trời ơi đất hởi như thế, thì ruộng lúa làm sao tốt nổi ? Thế mà vẫn gắn được cái danh từ mỹ miều, bắt vần, bắt đeo như thơ, như nhạc cho loại phân chua ối này :
Nhờ sức lao động Biến lá rừng mênh mông Chỉ tốn chút công Thành nguồn phân vô tận. Đến ngày mùa thu hoạch, tôi đếm mỗi bông lúa chừng 25 đến 35 hạt. Còn lúa miền Nam từ 60 hạt trở lên. Ruộng nào trúng, bông sai quằn từ 80 đến 120 hạt. Nhưng ở đây nhà trại, đã từng luyện bùa phép ở bên Liên xô hay Bành Trướng Bắc Kinh rồi. Khi về, lại luyện phép tiếp trên đỉnh núi Saba ở miền Bắc cao nguyên ! Cho nên ngày tổng kết cuối năm, với phù phép của Tổ Karmarx và Lenin truyền xuống, thổi vào cánh đồng xơ xác lưa thưa đó, thành bản văn tuyệt vời. Ai cũng phải ngạc nhiên, há hóc mồm, trố hai mắt to ra mà nhìn, vểnh hai tai lên để nghe: “Lúa trúng mùa vượt chỉ tiêu. Nhờ kỹ thuật cao, lao động xuất sắc” rồi tuyên bố vượt chỉ tiêu. Nhưng thực sự cày bằng lưỡi cày từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn bên Tàu, nó nhỏ và nhọn như mũi tên, để có thể lách những tảng đá mà cày. Thế kỷ 20 mà đi lùi 5000 năm cổ đại về trước, là Kỹ thuật cao sao ? ! Chúng tôi không đạt đỉnh cao trí tuệ của loài người, nên không thể hiểu nổi. Còn anh em lúc nào bụng cũng đói, đói, đói, nhưng trại giam, cấm không cho nói là đói, phải nói là ăn chưa no. Có nghĩa là có cơm có thịt, mà tại các anh khờ quá không chịu ăn, làm biếng ăn, cho nên chưa no. Vì thế anh em bước xuống ruộng lạnh cóng, run rẩy, đói meo đi ngả xiêu ngả tó, chúi nhủi sức đâu mà làm. Lưng thì đau, người rét cóng, tay thì tê dại, nhưng bắt buộc phải làm cho có chừng. Vậy mà được gắn nhãn hiệu là lao động xuất sắc. Buông bản văn xuống, Thầy chú vỗ tay reo mừng, bắt buộc anh em cũng vỗ tay theo, nhưng với cõi lòng hoang mang, chán nản vô cùng. Vì cả đất nước như vậy, thì chắc chắn dân chúng nghèo đói làm sao vươn lên. Nhưng khi mở miệng thì tự hào là tiền rừng bạc biển, vậy mà Việt Nam lúc đó lại bị liệt vào nước nghèo đói chậm tiến nhất. Sau này chúng tôi mới biết rõ, có tuyên bố vượt chỉ tiêu, thì điều đương nhiên phải có tiệc mừng. Dù tài sản có tiêu điều xơ xác, nhưng các bác vẫn hạ cờ Tây để làm cầy bảy món. Thế là vật heo, hạ cờ tây khao tiệc ăn mừng lúa trúng, thật tưng bừng náo nhiệt, thầy chú vui say, ngả nghiêng bí tỷ ! ? Đúng là phù phép tuyệt vời ! Nhà nước lúc nào cũng tiến lên, tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường lạc hậu ! ! !
Những năm tháng ấy, chúng tôi chịu nhiều gian truân khốn khổ. sống gần những Buôn, những Bản người Tày, người Thái Trắng, Thái Đen (người Thái nhuộm răng đen, chứ không phải da đen như Mỹ đen), người Mường . . . Tuy chúng tôi sống trong thế giới hiện thực, nhưng lại có những mẫu chuyện khôi hài gần như hoang đường hay huyền thoại nào ấy ! Sống trong bầu trời Việt, nhưng khung trời lại xa lạ, mọi việc tưởng không thể có mà lại thực, còn chuyện có thực lại biến thành không. Giống như kinh Bát Nhã diễn tả hiện tượng cuộc đời :”Sắc tức thị không ,không tức thị sắc” . Vậy viết đến đây, chúng tôi xin kể vài chuyện nho nhỏ trong báo Nhân Dân miền Bắc (Ấn bản báo Nhân Dân Miền Nam khác ấn bản báo miền Bắc), của kho tàng chuyện vui xã-Hội chủ-nghĩa tuy gần mà xa lạ này, để cống hiến quý những nụ cười thoải mái cho vui. Để quý vị thấy rõ chúng tôi sống trong khung trời mới lạ, tuy gần gũi, nhưng sao mình lại thấy nó xa xôi như chuyện huyền thoại ở đời nào ấy ! Một hôm đọc báo Nhân Dân, tôi thấy bài viết về hợp tác xã nuôi cá, với chỉ tiêu hàng năm 100 tấn. Ngày tổng kết, báo cáo thu hoạch 120 tấn, vượt chỉ tiêu 20 tấn.. Người dân địa phương này, mỗi năm chỉ được mua cá một lần, nhưng tiêu chuẩn còn thiếu. Đoàn thanh tra đến kiểm lại, thấy hợp tác xã nuôi bắt cá, chỉ có 85 tấn cá cả năm. Còn thiếu 15 tấn mới đạt chỉ tiêu. Nhưng sao lại vượt chỉ tiêu tới 20 tấn cá nữa, thật là phép lạ ? Thanh tra hỏi Hợp tác xã lấy đâu ra 35 tấn cá nữa mà vượt chỉ tiêu 20 tấn. Hợp tác xã trả lời: “Còn gởi nuôi dưới hồ, chưa bắt” ! ! ! ? Chu choa ơi ! Có kiểu còn gởi ở dưới hồ chưa bắt ! Điều này chúng tôi thấy nó quen quen, bụng mình thì đói, đi xiêu vẹo, làm lẹt quẹt có chừng, lúa thưa thớt, mà sao lúa trúng vượt chỉ tiêu nhiều thế ! ? Còn rượu thịt thầy chú hả hê kia, thì đào lấy sức lao động của ai mà ra vậy !? Dù thế nào đi nữa : Phải báo cáo vượt chỉ tiêu thì mới có tiệc tùng, mới có tăng lương, mới có thăng chức chứ ! Tội gì mà để bụng thèm, có chết ai đâu mà sợ. Chỉ tội cho những người dân, phải nhịn ăn, nhịn mặc đóng thuế cho các ông Đày Tớ của nhân dân ăn nhậu, tìm cách vơ vét của dân lành.
Còn đoàn thanh tra có đến, thì lại đãi tiệc tùng, rồi cứ: “Dí quà vào xách, Kẹp nách là xong.”
Đoàn Thanh Tra được tiệc tùng, lại có Chiến Lợi Phẩm thì tội gì mà không lấy ! Mà có chết ai đâu ! Cả mình và người đều vui vẻ cụng ly búa xua. Thôi thì “cứ thế mà nàm, cứ “tiến nên” tiến mạnh cho mau xụp đổ !”
Một chuyện nữa trong báo Nhân Dân, hợp tác xã cho ba người lên đồi cuốc đất. Nhưng chỉ có hai người cuốc đất, còn một người ngồi đánh trống để khích lệ, để làm nhịp cho hai người cuốc. Anh đánh trống nhanh thì hai người kia cuốc nhanh, nếu đánh trống chậm thì hai người kia cuốc chậm. Nếu thương hai anh cuốc đất tình hàng xóm có nhau, anh lại đánh trống cho có chừng, có khi 5 phút 1 dùi cho có lệ. Hai anh cuốc đất nhàn nhã vừa cuốc vừa ca: Anh ở đầu sông em cuối sông . . . Nếu anh tổ trưởng không ưa hai anh cuốc đất, thì anh cứ đánh như nhạc Rap. Hai anh kia phải cuốc mệt le lưỡi, thấy ông thấy bà cả ba kiếp. Chúng ta thấy hợp tác xã này, mọi người có tinh thần khôi hài, đầy kịch tính văn nghệ đấy chứ ! ! ? Lao động kiểu này thì tiến nhanh tiến mạnh lên con đường sụp đổ !
Một chuyện nữa cũng trong báo Nhân Dân. Có hợp tác xã máy cày, thật quá ư vất vả không ai bằng, thấy mà thương, mà tội nghiệp chết đi thôi ! Một hợp tác xã nông nghiệp đến làm hợp đồng, mướn hai máy cày có người lái, cày cho hợp tác xã sản xuất của mình. Các máy cày thường sơn màu đỏ, để cho nó nổi lên trong đồng dễ thấy từ xa. Đúng ngày hẹn, hai chiếc máy cày đến. Ngày ra quân làm ruộng, cở xí rợp trời, trống đánh thúc giục, người đi rầm rộ, khí thế mạnh mẽ ra quân không phải đánh giặc, mà làm ruộng, kẻ cuốc người leng để giãy cỏ đắp bờ. Dẫn đầu hai chiếc máy cày, hùng hục như xông trận. Khi cày, máy chạy chưa hết một vòng là nằm ỳ tại chỗ. Hai anh lái máy, mở máy xem rồi lắc đầu chắc lưỡi, bèn hẹn một tuần nữa trở lại sửa máy mới cày được. Vì phải về kiếm ốc, kiếm sên, kiếm bạc đạn, kiếm dây trân thay thế. Hợp tác xã nghe rồi thất kinh hồn viá, như thế sẽ trễ vụ mùa rồi ! Nếu ít ngày hư nữa, rồi kéo dài hết vụ mùa mà cày chưa xong thì sao ? ! ! Chỉ còn cách hốt đất xơi, chứ lúa gạo có đâu mà đóng thuế, rồi có lúa đâu mà xơi. Họ đành xúm lại năn nỉ anh lái máy, cố gắng sửa chữa cày ngay giùm, vì trời sắp mưa đến rồi ! Hơn nữa cày sớm cho kịp thời vụ, họ sẽ đền ơn trọng hậu. Hai anh lái máy cày nhăn mặt, gãi tai, gãi cổ, nhìn nhau chờ đợi một cái gì đó, cái gì mà nó rất thân thương và thiết thực là thủ tục Đầu Tiên ! Vì thế họ không phải nhìn nhau qua ngấn lệ nhạt nhòa, mà nhìn nhau qua khóe mắt ẩn chứa nụ cười khoan khoái vui vui. Bổng có người lạ đến nói riêng với chủ nhiệm Hợp tác xã: “Các ông muốn cày kịp vụ mùa, theo kinh nghiệm cho biết, thì phải có cơm gà. cá gỏi ngày ba bữa đấy ! Vì:
Trâu đen ăn cỏ, Trâu đỏ ăn gà Thuốc lá hai bao Bì trao phải cộm
Lúc ấy máy sẽ chạy liên tục, hoàn tất sớm hơn dự định cho các ông !”. Thế là hợp tác xã, biết được chứng bệnh kỳ lạ của loại trâu đỏ này. Liền cam kết đúng luật giang hồ dùng thần dược đó để trị liệu. Hai anh lái máy liền mở nắp máy gõ gõ, vặn vặn, xoay bên đây, xoay bên kia, nhăn mặt, chắc lưỡi tỏ vẻ quá khó khăn. Rờ rẫm được một lúc bổng reo lên, thôi được rồi và nói: “Bây giờ chúng tôi cố gắng hết sức, chạy được lúc nào hay lúc ấy. Nếu hư thì tính lại nữa.” Nói thế cho có chừng, nhưng có thuốc thần là cơm gà, cá gỏi, thuốc lá với bì thơ cồm cộm, là máy chạy tuốt tuồn tuột ngon lành, khỏi chê chỗ nào hết ! Còn bì thơ dầy cộm hơn nữa, thì trâu đỏ cày quên ngủ trưa. Nếu chủ nhiệm Hợp tác xã biết điệu nghệ hơn nữa, thì trâu đỏ cày luôn ngày chủ nhật.”
Đến khi hai con trâu đỏ ăn cơm gà, cá gỏi, thì cũng phải có loại nước gì nồng nồng, cay cay làm trơn cuống họng chứ ! ? Tội nghiệp những bác nông dân nghèo, phải “ thắt lưng buộc bụng”nhịn ăn, nhịn mặc, nai lưng đóng góp phần này. Chính những dân nghèo này, họ mới nhìn nhau qua ngấn lệ nhạt nhòa, tức tữi ! Họ nhìn hai con trâu đỏ ăn uống rượu thịt mà thèm, nước giải cứ chảy ra mà cầm không được. Còn trong lòng lại đang se thắt nỗi đắng cay cho cái xã hộiĐỉnh Cao Trí Tuệ này ! Rồi bất chợt, họ lại ước mong mình được làm con trâu đỏ như thế, để bỏ những ngày công: “Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da” ! (Đói thì bụng cồn cào, xót xa khó chịu như lửa đốt, thì ai cũng biết. Nhưng mà dao hàn cắt da thì người Miền Tây Nam bộ khó hình dung ra được. Vì miền Tây nhiều sông ngòi kinh rạch, khí hậu mùa đông ít lạnh. Còn Miền Bắc núi đồi nhiều, ít sông suối. Cho nên mùa Đông miền Bắc lạnh buốt, lạnh một cách khô khan. Vì thế mép miệng, kẻ đầu ngón tay và gót chân mọi người, hay bị nứt chảy máu, giống như dao cắt vào da thịt vậy.)
Còn loại trâu đỏ này, ở trong miền Nam rất hiền lành, mộc mạc thật thà. Nhưng khi lùa chúng ra miền Bắc, bị nhiễm virus của Liên Xô hay là Bành Trướng Bắc Kinh gì đó, hoặc Hội chứng Đỉnh Cao Trí Tuệ loài người, cho nên bị nhiễm lây quá nặng ! Do đó, nó mới trở chứng như vậy ! Lúc ấy, nhìn mấy con trâu đen cày nặng nề, chậm chạp, hì hục mà thương. Chỉ ăn toàn cỏ còi cọc, mà còn bị quất roi tơi bời trông thật tội ! Ngoài ra, còn có nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn khác, không thể kể hết. Chúng tôi chỉ nói sơ lược vài mẩu chuyện thực tế, mà gần như huyền thoại. Bởi chúng tôi đã sống ở vùng Trâu gỏ mõ, chó leo thang đó. Vì miền rừng núi, trâu hay lủi vào rừng vào bụi lùm ăn lá cây, muốn tìm nó rất khó khăn. Người ta phải cột vào cổ nó một ống tre làm mõ, trong ống tre có treo cái bù lon. Khi nó ăn cỏ, mõ tre khua lọc cọc, để người ta biết nó trong đám cây rậm nào đến dẫn về. Còn chó leo thang, là dân miền rừng núi hay cất nhà sàn cao, muốn lên nhà thí con chó phải keo thang !
Ở Mỹ người ta tổng kết, về việc chuyên viên tư vấn kinh tế cho các cơ quan chánh phủ hơn 10,000 người. Ở các nước thuộc khối Liên Hiệp Âu Châu có 1,000 chuyên viên kinh tế. Còn Vương Quốc Anh riêng là 100 chuyên viên. Trung Cộng nước lớn người đông và phức tạp, phải huy động một lực lượng lớn là 100,000 người chuyên viên trí thức, nhưng đa số phe nhóm hơn là tài năng. Do viện Khoa học Xã hội Bắc kinh, có gần 50 Trung Tâm nghiên cứu quốc sách, với 260 bộ môn do 4,000 nhà nhiên cứu điều hành. Còn Việt Nam thì đem Tố Hữu chuyên làm thơ để làm kinh tế, đem Đại tướng chỉ huy chiến trường, làm điều hành kế hoạch sanh đẻ. Cho nên trong dân mỉa mai:
Ngày xưa đại tướng cầm quân Bây giờ đại tướng cầm quần chị em
Việt Nam không đào tạo nổi một chuyên viên kinh tế, cho nên mới ra nông nổi bệ rạc, xuống dốc trầm trọng qua các kỳ đổi tiền. Khiến cho vật giá leo thang, làm cho người dân lúc đó càng nghèo. Một mặt họ còn tịch thu vàng bạc của dân để làm của riêng, khiến cho bao nhiêu người cùng cực phải tự tử. Lộ nguyên bản chất là đảng Mafia cướp của hại dân, làm cho cả nước chịu nghèo hai mươi năm.
Đang viết những dòng này, chúng tôi nghe được tin:” Đợt rét bất thường ở miền Bắc trong tháng 02 (2008). này Lạnh từ 10 độ C xuống tới 0 độ C. Làm cho người nông dân nghèo vùng rừng núi cao nguyên miền Bắc, bị chết đến 136.000 con bò và trâu ! ! !” Nghe thật thảm thương cho người dân nghèo khổ. Dù họ phải đi xuống đồng bằng cách xa 50 đến 70 Km để mua rơm cho trâu bò ăn. Phải đốt lửa, phải đem chăn (cái mền) và bao bố đắp cho trâu bò, nhưng nó vẫn chết cóng. Trâu bò vùng này là tài sản quý giá của họ, nuôi sống gia đình họ. Bây giờ nó chết rồi thì họ trắng tay, còn dựa vào đâu để sinh sống ! ? Vùng này trâu đỏ không cày được, vì ruộng bậc thang. Người ở dưới triền, còn ruộng nằm trên vách núi. Họ vạt vách núi khỏa bằng được chỗ nào, thì be bờ chứa nước suối làm ruộng tại chỗ đó. Phải cày lưỡi cày cổ lổ nhỏ và nhọn như mũi tên, giống như lưỡi cày thời Nghiêu Thuấn (Xem tranh Nhị Thập Tứ Hiếu có vẽ cảnh cày này ) cách đây hơn 5000 năm cổ đại. Để lòn lách với những tảng đá nằm choáng chỗ trong ruộng . Bây giờ trâu đen ăn cỏ, bò vàng gặm rơm không còn nữa, thì lấy cái gì cày bừa để nuôi sống gia đình ? ! Ai có sống qua những vùng này, mới cảm thông sâu xa nỗi khổ đau, nghèo nàn đáng thương của họ. Ở đây họ thường ăn khoai, ăn bắp trộn cơm. Còn tiền bạc triệu họ tìm đâu ra để mua trâu, mua bò ? ! Một con bò hay con trâu cày được, phải từ 9 đến 10 triệu trở lên theo thời giá lúc này. Còn nói đến nhà lầu, xe hơi thì dù họ có nằm mơ cũng không thấy nổi ! Bởi đó là Thiên Đường quá xa xăm, gần như huyền thoại mơ hồ họ không dám nghĩ tưởng đến. Nhưng không cách xa họ nhiều, lại có những người Đày Tớ Nhân Dân phè phỡn, ăn nhậu say sưa, hiếp gái vị thành niên, phải bồi thường bạc tỷ. Có người chơi cá độ thua 5, 10 triệu đô la là chuyện thường. Cho con cháu qua Mỹ học, đem theo hàng chục triệu mua nhà, gởi bank ăn chơi trác táng. Sao họ không nghĩ đến đồng bào ruột thịt ở quê nhà, mở rộng cánh tay giúp đỡ ? Lương bổng của họ được bao nhiêu ? Sao tiền bạc họ đào đâu ra nhiều thế ?! Trong lúc Việt Kiều Hải Ngoại, nghe nói người nghèo khổ thiếu ăn thì gởi tiền về giúp. Họ có tiền mà không giúp. Thật sự, đó là kết quả của sự tham nhũng qua máu của dân, mỡ của dân tận trời Âu, Mỹ, làm lụng vất vả để gởi về giúp đỡ thân nhân !. Hoặc từ ngân quỹ của nhà nước mà họ tham nhũng.
* * *
Còn nói về chúng tôi trải qua những tháng ngày lưu đày gian lao đó. Nếu chúng tôi không lên đồi trà cuốc hố, thì phá rừng trồng sắn, hoặc làm ruộng đông xuân, cấy lúa dưới ruộng nước mùa đông tê cóng. Cho nên có anh chịu không nổi phải bại xụi, rồi bị liệt nằm một chỗ. Đó là cuộc sống chúng tôi sau 1975 như vậy..Chỉ được buổi tối ngồi uống trà, hoặc chia nhau một viên kẹo, rồi nhìn trời hiu quạnh mông lung, rỉ rả tâm tình cho nhau nghe. Cũng nhờ vào hoàn cảnh kỳ ngộ này, buổi tối anh Minh kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Đức Thầy, về Phật Trùm mà tôi chưa biết. Nhờ như thế, tôi nhận định là cuộc đời của chúng ta, luôn đối kháng nhau và lại nương tựa bổ túc cho nhau. Trong cảnh khổ khốn cùng, vẫn luôn tàng ẩn cái vui. Trong cái rủi ro, lại nẩy mầm may mắn, cũng như trong chia ly đã hiện ra ngày hội ngộ. Nếu không sống trong hoàn cảnh này, tôi đâu có dịp gặp giáo sư Trần văn Mãi, trung tá Huỳnh văn Minh và nhiều anh em, để biết thêm về Phật Thầy, Phật Trùm và Đức Thầy. Cũng như không có cơ hội găp các anh em phủ Tổng thống, phủ phó Tổng thống, phủ Thủ tướng, phủ Đặc ủy tình báo trung ương và các nhân vật đặc biệt khác quy tụ đông đủ ? Sống trong hoàn cảnh này, mới thấm thía hết tình nghĩa Huynh Đệ Chi Binh, của mọi sắc áo binh chủng cùng chung một màu cờ.
Nhân tiện đây, tôi xin ghi vài dòng chân thành cảm tạ Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi nguyên Tư Lệnh QĐIV +QK4, các Vị Tướng Lãnh, các Vị Tư Lệnh các Quân Binh Chủng, đã hoan hỷ giúp tôi nhiều vật thực, để nấu đãi các anh em không có thân nhân thăm nuôi lúc tết. Đó là dịp tết Nhâm-Tuất 1982 ở trại Nam Hà, với lễ cầu an đông đảo chưa từng có trong các trại tù miền Bắc. Chúng tôi cũng xin cảm tạ sự nhiệt tình, và tài ba của các anh em ngành an ninh, đã khéo đánh lạc hướng các cán bộ trại. Nhất là trung tá Lê đã khéo léo kêu gọi anh em trong Phong Trào Phục-Quốc còn trẻ, mới bị bắt sau này. Giữa trời trưa nắng, đã đem banh ra ngoài sân đá rồi hò hét, làm cho tiếng tụng kinh của hơn 70 người, không vang dội đi xa. Để chúng tôi yên tâm làm lễ, không phải vội vàng cuốn tượng, ôm chuông mỏ chạy dài như các Vị khác. Cần nói rõ thêm, bàn Phật là những cái rương chồng lên ghép lại, rồi trải tấm mặt bàn xem rất trang nghiêm. Tượng ảnh Phật do tôi vẽ trên giấy, dễ cuốn gọn thu dẹp khi hữu sự. Bình hoa làm bằng ống tre, chuông là cái tô kiễu tiếng rất thanh, mỏ là ống tre tiếng rất ấm. Trên bàn thật Phật trang nghiêm đầy đủ hương đăng, hoa quả và chè xôi. Nhưng vốn là nhà binh nhanh nhẹn tháo vát, mỗi người mỗi việc, cho nên viêc trang trí không đầy hai phút là xong tất cả. Sau thời lễ Cầu An cuối năm cho anh em và thân nhân của người đang vượt biên, và Cầu siêu cho các anh em xấu số đã nằm ở trên núi đồi hoang vắng. Kế tiếp là bữa cơm chay đơn giản, gồm bốn nồi cơm, ba nồi canh rau lớn và hai nồi đậu hủ kho với ba nồi chè xôi đượm đà đầy tình nồng chia xẻ .(Có những anh miền Bắc tù về hình sự, họ được trại tin tưởng cho ra vô tự do để phục vụ cho trại, mình cho tiền họ rồi nhờ ra chợ mua đồ giùm) Mỗi nồi lớn cở mười người ăn. Chúng tôi phân phối cho anh em được tin tưởng, ở mỗi phòng chỉ nấu hai nồi, để tránh các tay antenne phát giác.
Cần nói rõ thêm, chúng tôi sửa soạn nhà ăn thành Chánh Điện trong vòng vài phút. Vì đã phân công mỗi người mỗi việc nhanh gọn. Bàn thờ làm thành ba tầng cấp, được chồng lên bằng những cái rương ráp lại, phủ mặt bàn đẹp mắt. Tầng trên trang trí hình Phật do tôi tự vẽ. Tầng hai, để hai bình hoa bằng ống tre với hoa rừng, bình hương bằng cái tô kiểu, một cặp đèn cầy để trên hai chén úp. Cúng chè xôi với kẹo bánh để anh em hưởng lộc Phật. Chuông gia trì bằng cái tô Kiểu lớn, tiếng khá thanh. Còn mỏ là ống tre bương tiếng khá ấm. Còn tầng cấp dưới cùng, là cúng ông bà bằng cơm canh, do phân công nhiều anh em nấu. Hẹn trước là khi thấy ám hiệu, tôi ra sân lớn bên ngoài giũ áo lạnh. Anh em thấy thì nhiệm vụ của ai nấy làm chớp nhoáng trong một phút. Người đem cơm, người đem chè, người đem hoa, đem chuông, đem mỏ v . v ... Xúm nhau bưng dọn, trang trí và giữ an ninh cho chúng tôi làm lễ. Tuy lúc đó, chúng tôi gầy ốm, tóc tai dài nhằng như các Đạo Sư Tây Tạng ẩn tu. Mùa đông chúng tôi thường măc đồ nhà binh cho đở lạnh. Nhưng tôi với Thầy Hạnh Đạt (Hồ Trí), trong tù gọi là Thầy Trí, vẫn mặc y áo chỉnh tề, trông khá trang nghiêm. Khi lời nguyện hương vừa ngân lên, để cầu an cho anh em và gia đình anh em, và cầu siêu cho những anh em đã nằm xuống vĩnh biệt chúng tôi, gởi nắm xương tàn khắp núi rừng miền Bắc. Lời nguyện hương trầm ấm thiết tha, vô tình đã đi sâu vào tâm hồn anh em, như tiếng réo gọi hồn ai khiến anh em xúc động. Khi lời kinh hòa trong tiếng chuông ngân với nhịp mõ trầm hùng, làm chấn động không gian và rung động lòng người, càng làm cho anh em xúc động thêm. Hình ảnh chùa xưa sống lại trong lòng anh em, không còn ai nghĩ mình đang còn bị giam, đang bị khó khăn và hạn chế. Như có thần lực lôi cuốn mạnh, không ai có thể tự kềm chế được mình. Mặc dù tôi đã nhắc nhở anh em trước, nên tụng nho nhỏ vừa đủ nghe thôi ! Không ngờ sức ép tinh thần bị ức chế quá lâu, bây giờ có dịp trổi dậy mạnh mẽ như trái phá, như sóng thần cuồn cuộn dâng lên tràn ngập tâm hồn. Cho nên các anh em đều tụng lớn, tụng như mở hết cõi lòng, tụng để nói lên sự bất khuất, tụng để tiêu tan những phiền não ưu sầu, tụng để cho tâm hồn nhẹ nhàng an lạc. Tiếng tụng kinh đông người vang dội ra sân ngoài, làm cho các anh em giữ an ninh bên ngoài lo âu. Anh trung tá Lê trưởng toán giúp an ninh, nghe tiếng tụng kinh lớn quá ! Anh vội vàng chen lách vào bên trong rỉ tai tôi :”Thầy ơi ! Nói anh em tụng kinh nhỏ lại, chứ kéo dài như vầy thi không xong đâu !”. Tôi thấy tình hình đang căng thẳng như đi trên lửa, mà tinh thần anh em đang lên cao, không thể ngăn cản, không thể kiềm chế được nữa. Tôi đành nói với anh Lê :”Thôi anh ra ngoài tìm cách khác giải quyết, tôi thấy anh em đang liều mạng đi trên lửa rồi, không thể kiềm chế được đâu !” Anh Lê lo lắng, nhưng nhờ tài ba khéo léo, như có Hộ Pháp ủng Hộ anh tìm cách đánh lạc hướng lính canh. Anh điều động giới trẻ, thuộc thành phần Phục Quốc bị tù sau. Kêu họ đem banh ra sân đá giữa trưa nắng, rồi la hét vang dội. Nhằm làm loảng tiếng tụng kinh trong này và đánh lạc hướng sự chú ý của công an. Cần diễn tả rõ thêm, Trại tù chúng tôi có hai dãy nhà lớn, mỗi dãy có sáu nhà. Mỗi nhà có hai dãy sàn xi măng lổm chổm cho tù nằm và hai dãy sàn cây gập gềnh tầng trên. Mỗi dãy nằm chật phải trở đầu mới nằm được là 22 người, nằm thưa 10 người là vừa. Mỗi nhà có tường cao bao quanh và rào dây kẽm gai trên đầu tường. Sân trước nhà rộng để trồng hoa, làm hồ non bộ và tập họp điểm danh mỗi ngày hai lần. Sân sau hẹp, từ vách nhà cách tường rào hơn 2m, anh em dùng làm bếp nấu nướng ăn thêm. Còn bên ngoài tường, giữa hai dãy nhà, là cái sân lớn để tập họp toàn trại, trình diễn văn nghệ hay là chiếu cinéma. Buổi chiều dùng làm sân banh cho giới trẻ hoặc ai có sức. Như vậy chúng ta thấy, bên ngoài sân lớn chung và bên trong nhà giam, còn ngăn bởi một bức tường cao. Vì thế, bên ngoài chỉ nghe tiếng hò hét, đá banh của thanh niên Phục Quốc. Còn bên trong chỉ nghe tiếng chuông mõ trầm hùng và tiếng tụng kinh vi diệu. Sau ngày làm lễ, có sự khó khăn cho tôi. Nhưng nhờ Phật lực hộ trì, việc gì cũng qua. Riêng tôi bị đổi qua phòng giam khác. Điều làm cho tôi vui, là anh em phấn khởi lên tinh thần, bớt buồn lo, có điểm tựa tinh thần và đoàn kết chung quanh tôi.
Sau những ngày làm lễ cầu an và cầu siêu tất niên đó, tôi xuống bệnh xá nằm tỵ nạn. Anh Phạm Hữu Trung bên cảnh sát, đến gặp riêng tôi xin quy y. Tôi thấy mình đức mỏng nghiệp nhiều, nên giới thiệu anh đến Hòa Thượng T. Thiện Chánh và Hoà Thượng Giám Đốc Nha Tuyên Úy T. Thanh Long để anh đến quy y. Nhưng anh không chịu, tôi đành hẹn anh nên trở về suy nghĩ kỹ nên quy y với ai, bảy ngày nữa sẽ tính sau. Nhưng lòng chân thành tha thiết của anh, mới sáng hôm sau kẻng vừa báo thức. Các phòng vừa được mở khóa cho anh em sinh hoạt, thì anh Trung đã đến tôi đang nằm ở bệnh xá, cương quyết xin quy y. Không thể từ chối nữa, tôi mời Hòa Thượng T. Thiện Chánh, mới xuống bệnh xá nằm cạnh tôi, chứng minh cho buổi lễ Quy y thêm long trọng. Thế là bàn Phật trong chớp nhoáng được bày ra với hình tượng Phật, bình hoa bằng cái tách nhựa, chưng 5 cái hoa cúc hoa hồng hái trước sân. Lễ Quy Y bắt đầu, tuy đơn giản nhưng thật trang nghiêm và đầy đủ nghi thức như ở chùa. Từ đó anh trở thành thị giả cho tôi. Ai cho tôi món gì thì anh nấu, quần áo anh giặt giùm tôi. Bây giờ anh không còn là anh Trung nữa, mà anh trở thành Đại Đức T.Pháp Quang, hiện ở Tu-Viện Pháp Vương của Hoà Thượng T.Vân Đàm tại vùng Washington D.C.
Cuộc sống chúng tôi lúc bấy giờ như thế ! Phải trải qua nhiều trại, chúng tôi đã đổ những giọt máu chảy ở rừng sâu. Bởi những thương tích, do phá rừng xẻ núi, nhất là đốn nứa làm nhà. Khéo lắm mỗi ngày cũng ít nhất 40 vết nứa cắt trên hai tay và thân mình. Đến nỗi máu ra không còn đỏ nổi, chỉ toàn nước vàng với chút màu hồng lợt. Vì ăn lát sắn khô với nước muối pha loảng, ngoài ra không có gì dinh dưỡng. Lâu lâu ăn được vài miếng da trâu, kho với nước muối bốc lên mùi tanh ói. Được ăn như vậy gọi là ân huệ lắm rồi, để cầm máu bớt chảy hơn. Ngoài những giọt máu, là những dòng mồ hôi gian truân vất vả, và những dòng nước mắt cảm thương anh em kiệt sức chết bất ngờ. Nhất là lúc ở Hoàng Liên Sơn, ít tuần là có một chiến hữu vĩnh biệt anh em, vì ăn trái vải Guốc, ăn lá Ngón hay là ăn dây rau má dại trong rừng. ( Lá rau má ăn được, nhưng dây rau má rừng nó cứng như cọng tăm, dễ gảy và thành những cạnh nhọn đâm vào thành ruột non. Cho nên ăn vào đầy hơi và đau đớn vô cùng, càng uống thuốc tiêu lại càng đau hơn. Khi giải phẩu kiểm nghiệm mới thấy) Vì thế, anh em không biết ngày nào lại đến phiên mình lên đồi nằm. Anh em đã vĩnh biệt chúng tôi nằm lại nơi núi rừng, anh em đã sanh Nam, tử Bắc nơi núi đồi lạnh lẽo cô đơn. Có lúc chúng tôi trải qua các trại giam, chết đi sống lại, gần gũi với cái chết không lường trước được, tưởng đã ra người thiên cổ lâu rồi. Nhưng nhờ có Phật lực hộ trì, cho nên chúng tôi vẫn sống và vẫn cười vui vẻ. Chính nhờ vậy, tôi mới viết được quyển sách này, bằng những kết tinh bi thương, bằng những kiên trì chịu đựng hùng tráng. Tuy cay đắng xót xa, nhưng vẫn pha lẫn khôi hài như chuyện huyền thoại đã kể ở trên. Có một điều, làm cho chúng tôi thấy rõ được sự thật, pha lẫn chút tự hào. Là một hôm ở trại Nam Hà, chúng tôi hỏi vài đứa bé con của công an quản lý trại:
- Các cháu lớn lên có muốn làm sĩ quan quản lý trại không ? Mấy đứa trẻ đáp ngay : - Không ? - Các cháu muốn làm cán bộ cao cấp chứ gì ? - Không ? - Vậy khi lớn các cháu muốn làm gì ? - Muốn làm tù Chánh Trị như các bác ! Mọi người lúc bấy giờ đều trố mắt ngạc nhiên, hỏi: - Các bác bị tù mất tự do, thiếu thốn mọi thứ, tại sao các cháu lại muốn ? - Vì các bác đang tù mà chẳng phải lo gì cả ?! Rồi các bác sẽ được Mỹ lãnh qua bên đó. Thế là được tự do, được sung sướng ở quốc gia giàu mạnh, ai mà không muốn ? !
Tôi lại không nghĩ như vậy ! Vì qua Mỹ chỉ được Tự Do, nhưng chưa chắc được sung sướng. Vì phải đi làm, phải lo nhiều việc, phải đóng thuế. Thật vậy, qua Mỹ có nhiều người sáng đi làm không thấy mặt trời mọc, tối mới về không thấy mặt trời lặn, thì sung sướng ở chỗ nào ? ! Ngoài ra phải nhín mặc, nhín xài, cái gì cũng phải tiện tặn. Mới có tiền dư gởi về cho cha mẹ, cho thân nhân ruột thịt đã chia xẻ cơm đùm, muối bọc cho mình sống sót trở về. Với may mắn mình được qua Mỹ, nhưng gia đình họ còn ở lại Việt Nam .
* * *
Đối với tôi, lúc còn trong trại giam cho đến bây giờ. Tâm tôi vẫn thanh thản, không thù hận, cũng không oán ghét ai. Đối với tôi, chỉ có tình thương, cảm thông và tha thứ. Suy nghĩ kỹ, nếu mình sống trong xã hội đó, hoàn cảnh đó, thì mình bị nhồi nhét cũng như người ta thôi! Nếu phải tranh đấu lại phải hy sinh thêm một thế hệ nữa ! Rồi sau này, người kế tiếp mình, có làm theo ý mình không ? Hay lại lo hưởng thụ độc tài nữa ! Tôi rất Quý trọng những nhà đang tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ và những anh em đã và đang tù đày vì chính nghĩa Tự Do.
Tôi đã sống theo giáo lý từ bi, hỷ xả của Đấng Cha Lành Tam Giới. Hơn nữa nhận thức lời Phật dạy:” Những hoàn cảnh khắc nghiệt, những sự việc khổ đau mà ta gánh chịu đời này, là kết quả của nguyên nhân nhiều đời trước chúng ta đã gieo..” Vậy khi nghiệp đến. Chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận trả nghiệp, là chúng ta sẽ cảm thấy an ổn ngay, không ưu phiền không khổ sở. Vì đa số người ta khổ là vì không nghĩ đến trả nghiệp quả. Hơn nữa người ta khổ bởi hoàn cảnh thì ít, nhưng lại khổ nhiều gấp bội, do lo lắng rầu rĩ, do sợ hãi chết chóc, do hoang mang khủng hoảng tinh thần thì quá nhiều. Đó là nhân sinh quan của tôi. Cho nên tôi tuy lớn tuổi hơn nhiều anh em, nhưng lại trông trẻ hơn và khỏe hơn. Có nhiều anh em trẻ hơn tôi, nhưng lại già hơn. Thậm chí có người buồn đến tóc bạc sớm và răng rụng nhiều. Bởi khi chúng ta lo rầu khổ sở, thì hệ thống thần kinh xáo trộn chức năng. Khiến cho nội tạng rối loạn. Giống như đèn giao thông bị chạm mát, chớp tắt không đúng kỹ thuật, gây tai nạn giao thông ! Cho nên tóc cũng không có điều kiện để giữ được carbon làm đen, mà thải ra ngoài làm cho bạc trắng mái đầu như ông cụ.Vì thường thường, người ta khổ đau vì hoàn cảnh thì ít. Nhưng do lo sợ, hoang mang, ưu phiền, than thân trách phận. chính những điều này làm cho người ta đau khổ gấp nhiều lần hơn. Cách biết sống, là người ta sẵn sàng chấp nhận hiện tại, để làm vui là mình đang hiện hữu, đang đối diện với khổ đau mà không sợ hãi. Như vậy là mình đã chiến thắng bước đầu rồi. Như anh A là tù binh, ngồi trong song sắt, nhìn vào vách tường đang giam nhốt mình mà than thở. Đương nhiên anh ta cảm thấy buồn khổ nhiều, chóng già và dễ đau yếu mòn mõi. Cùng trong tù, nhưng anh B này lại nhìn ra bầu trời cao, ngắm chim bay, nhìn mây trắng, thưởng thức ánh trăng ngà, miệng ca hát. Đương nhiên anh B này vui, khỏe và tươi trẻ hơn. Tại sao ta không thản nhiên chấp nhận, để sống cho vui !? Lại dại dột đày đọa mình thêm, để làm cho mình đau khổ nhiều thêm. Cho chóng già nua và bệnh hoạn !
Vì khi mình lo rầu, thì hệ thống thần kinh căng thẳng và xáo trộn. Thay vì chất vôi được điều hòa cung cấp cho răng tốt, cung cấp cho xương chắc. Nhưng sự xáo trộn hệ thần kinh, làm cho các tạng phủ ảnh hưởng không hấp thụ. Chất vôi lại bị đẩy vào gan làm cho sạn đóng ống dẫn mật, đẩy xuống thận làm cho sạn thận. Chất đường cơ thể không hấp thụ, vì thiếu insulin do lá lách không tiết ra, thải vào máu thành ra người ta bị tiểu đường v . v . . Người xưa nói :” Tâm sầu bạch phát” là tâm buồn phiền quá thì đầu bạc sớm. Cho nên có nhiều anh tuổi nhỏ hơn tôi tóc bị bạc trắng và răng hư mau rụng. Tất cả điều này do ta biết cách sống, thì tinh thần ổn định, tâm an lạc thì thân cũng được an. Đức Phật dạy :
Không hối tiếc chuyện quá khứ Không ưu tư chuyện vị lai Hãy sống ngay thực tại Được an vui lâu dài
* * *
Đến khi tôi được trả về, có dịp thuận lợi là tôi đi tìm các tài liệu tham khảo thêm. Dù tôi đã đọc qua nhiều loại sách, nhưng một hôm vô tình, tôi đọc ngay tài liệu tham khảo của giáo sư Trịnh văn Thanh, nói về Phật Thầy cho đến Đức Thầy. So sánh những tài liệu tôi tham khảo, cũng như các vị bô lão kể lại tôi ghi chép, thì giống hết 90%.
Tôi lại nghiên cứu thêm những bộ Việt Sử Toàn Thư của giáo sư Phạm văn Sơn tương đối đầy đủ, bộ Việt Sử của ông Trần trọng Kim rõ ràng và chính chắn . Bộ An Nam Chí Lược của Lê Tắc là kẻ phản bội Tổ quốc theo Tàu. Hắn ta đã dùng những chữ không chấp nhận đươc, như gọi Hai Bà Trưng là nữ yêu tặc, gọi các thuộc tướng của hai Bà còn lại là dư đảng giặc. Không biết ai sinh ra hắn, mà hắn phản phúc và gian manh như vậy ! Nhưng có một điều là hắn ghi được những dòng lịch sử mà không ai biết. Do Viện Đại Học Huế thấy rõ điều này, cho nên phiên dịch và xuất bản trước năm 1975 để cho mọi người làm tài liệu. Bộ Quốc Sử Quán triều Nguyễn, bộViệt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ, bộ Thiền Uyển Tập Anh của Kim Sơn, sau này Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát biên tập lại. Và Thiền Uyển Tập Anh do Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch. Tôi tham khảo nhiều tài liệu liên quan đến sử Việt Nam, liên quan đến cung đình Huế, gồm các vị vua chúa và các phi tần trong những thời điểm quân Pháp xâm lươc v. v ... Mục đích là tra khảo thêm niên giám các triều đại, để biết rõ thêm sự việc đó nhằm triều đại vua nào ở Việt Nam. Đồng thời truy tìm những gì có liên quan đến Phật Giáo, cũng như hiện tình đất nước ta lúc đó như thế nào ? Vì đó là bối cảnh cần thiết, để biết rõ vị Phật đó ra đời trong hoàn cảnh nào ! Nhất là thời Pháp thuộc dân ta ra sao? Từ đó tôi tìm đọc thêm quyển : “Tận thế Hội Long Hoa” và tìm đọc lại bốn cuốn Sám giảng của Phật Thầy, của ông Sư Vãi bán khoai và của Đức Thầy. Dù những sách này, tôi đã đọc trước năm 1970, để đi hoằng pháp vùng Châu Đốc, Tri Tôn, Tân Châu, Hồng Ngự và Cái Dầu. Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều vị bô lão tìm hiểu học hỏi thêm. Cộng với thời gian lúc tôi điều hành và dạy trường Bồ Đề Long Xuyên, kiêm Giám Đốc Bồ Đề Chợ Mới. Lúc đó Hoà Thượng T. Đức Niệm còn là Đại Đức làm Hiệu Trưởng,. Nhưng mỗi năm Thầy chỉ xuống Chợ Mới một lần rồi đi du học Đài Loan. Tôi phải qua hàng tuần giảng dạy, chăm sóc tinh thần khuyến khích anh em văn phòng và học sinh. Do đó, có dịp lúc chiều và tối, tôi tiếp xúc với các vị trưởng lão Phật Giáo Hòa Hảo địa phương. Vì Quận Chợ Mới, Phật Giáo Hòa Hảo hơn 80%. Nhờ vậy tôi đã có một số vốn liếng về Phật Thầy và Đức Thầy, nhưng lúc đó tôi chưa nhận thức đầy đủ. Mục đích tìm hiểu lúc đó, để hiểu biết rõ Tôn giáo bạn khi đi giảng vùng Phật Giáo Hoà Hảo, khi cần đề cập đến những gì liên quan chung của Phật Giáo mà Đức Thầy kêu gọi :
“Cả tiếng kêu cùng khắp chư Tăng Với Tín nữ, Thiện nam Phật Giáo Nên cố gắng trau thân gìn Đạo Hiệp cùng nhau truyền bá Kinh lành Làm cho đời hiểu rõ thanh danh Công đức Phật từ bi vô lượng "
Còn những mẩu chuyện, về những vị có hạnh tu đặc biệt, có Huệ mầu thông suốt, hay những vị là Bồ Tát ứng hiện qua nhục thân, tôi cũng có duyên lành nghe các Phật tử kể lại cới sự kính trọng tột bực. Hoặc chính tôi thấy, hay là đuợc tiếp xúc trong những lúc riêng tư đặc biệt. Tôi sẽ kể lại trong sách này, để cống hiến quý vị. Hiện tại bây giờ cũng có những vị tương tợ như vậy, đang hành đạo, hóa đạo cứu nhân độ thế. Nếu ai có duyên khi về Miền Tây sẽ gặp được các Ngài đang hiện hữu. Chứ không phải mơ hồ xa xôi như chuyện xưa tích cũ, hay là chuyện thần thoại hoang đường, hoặc như chuyện Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, mang tính chất tưởng tượng, huyền ảo đưa người vào cõi mộng . Nhưng trong sách này, tôi có kể một mẩu chuyện thực tế gần đây, có nhiều anh em biết. Cốt chuyện thật ly kỳ vừa ảo vừa thực, còn hơn chuyện Liêu Trai Chí Dị .
Về những chuyện vui lạ tôi kể về miền Bắc ở phần trước, mới nghe qua như huyền thoại. Nhưng thực tế đã xảy ra rất nhiều người biết. Nhất là dân miền Bắc, họ đã chứng kiến và kinh nghiệm vấn đề này nhiều. Còn ở miền Nam cũng có nhiều chuyện hấp dẫn, báo Tuổi Trẻ cũng hay đăng. Những chuyện tôi sắp kể về miền Tây Việt Nam sau đây, người chưa nghe lần nào, hay chưa biết chưa chứng kiến. Cũng có thể cho là chuyện hư cấu huyền thoại, là chuyện lạ của mấy ngàn năm trước. Nhưng nó vẫn thực sự hiện hữu, đối với người vùng Cửu Long Thánh địa hữu duyên. Nhất là những người tu tại gia hay làm phước, hay giúp đỡ người nghèo khổ, tánh tình họ chân thật, nên các vị hay đến với họ. Trong sách này, tôi có sưu tầm ghi chép các mẫu chuyện về những Vị có hạnh tu đặc biệt, những Vị có huệ mầu thông suốt. Hay là những Vị Bồ Tát ứng hiện qua nhục thân, các Ngài thay hình đổi dạng trước mắt chúng ta, mà chúng ta không biết. Đôi khi người Phật tử tụng kinh, đến danh hiệu các Ngài như réo gọi. Bố Tát Quán Thế Âm, Đại Hạnh Phổ Hiền v . v . . Thời kinh vừa dứt, thì các Ngài đã đến trước cửa đứng chờ rồi ! Nhưng rất tiếc lại coi thường Ngài, không ai đón tiếp mừng rỡ. Vì thấy các Ngài rách rưới xin ăn ! Thế gian là vậy, khi vắng thì kính trọng, kêu gọi tha thiết, nhưng khi gặp lại coi thường, đôi lúc tỏ vẻ như khinh bạc. Vì chúng ta chỉ chờ Ngài từ trên mây sa xuống, với dung nghi đẹp đẽ, y phục rực rỡ với hào quang sáng chói, Chứ có bao giờ nghĩ, là các Ngài sẽ thị hiện một người tầm thường, nghèo rách nhất thế gian đâu !
Một người Phật tử thật sự, không nên xem thường ai. Bởi ai cũng là một vị Phật sẽ thành. “Vị Phật sẽ thành thì có những nhu cầu cần hơn vị Phật đã thành. Cho nên sự chăm sóc cúng dường vị Phật sẽ thành, là những công đức vô cùng quý giá và cần thiết, để làm trợ duyên cho vị đó mau thành thì công đức vô lượng”. Ngày xưa, nếu Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư không ân cần săn sóc, không thân mật an ủi trò chuyện với một Thầy bệnh hũi đến chùa. Chắc chắn không ai cứu được Pháp sư, khi mang chứng bệnh ghẻ mặt người hành hạ đau nhức ngày đêm. Để hiểu rõ đức tính khiêm tốn, lòng từ bi thương giúp người bệnh hoạn, là một hạnh tu quý giá và cũng là yếu tố quan trọng cứu mình khi lâm phải gian nguy. Tôi xin kể mẫu chuyện nhân quả của Ngài Quốc Sư Ngộ Đạt, để hầu quý vị rõ :
“Thuở tiền kiếp xưa, một chuyện nhân quả hy hữu đã xảy ra bên Trung Hoa vào thời vua Ý Tông. Lúc bấy giờ Ngài Ngộ Đạt còn là vị Tăng trẻ đang đi du học các nơi, chưa nổi tiếng nên chưa ai trọng vọng. Người ta gọi tên Ngài là Tri Huyền. Bẩm chất Ngài thông minh, nhân hậu và đường đường tướng hảo. Trong lúc Ngài đang đi du học, một hôm đến ngụ ở ngôi chùa trong kinh thành. Gặp một vị Tăng mang bệnh hũi lở loét, mọi người trong chùa sợ hãi tránh xa không ai thân thiện. Ngài động lòng từ bi, gần gũi thân thiện, chăm sóc tận tình vị Tăng bệnh hủi, và thảo luận Phật pháp. Ngài thương vị Tăng có kiến thức sâu rộng không ngờ, lại bệnh hũi nên không thể hoằng pháp được. Ngài ân cần săn sóc và an ủi, trở nên thân thiện. Ngài ở kinh thành, tìm học các vị cao Tăng một thời gian, thông suốt tam tạng,giáo điển, thấu đáo thiên văn địa lý, rành các sách sử sâu rộng. Đến khi ngài thăng tòa, thuyết pháp như dòng thác thao thao bất tuyệt, làm tươi mát lòng người, làm sáng tỏ được con đường đạo mà ai cũng cần phải đi. Lúc ấy người ta mới biết đạo hiệu của Ngài là Ngộ Đạt làm Pháp sư. Vì muốn tham học thêm, nên Ngài từ giã trong chùa và giã từ vị Tăng bệnh hủi để tiếp tục hành trình. Vị Tăng bệnh hủi đó, cảm kích cái ân chăm sóc thân tình. Cho nên trong lúc chia tay ân cần dặn: “Sau này khi ông có nạn gì, hãy nhớ lên núi Cửu Long ở Châu Bành, thuộc quận Ba Thục tìm tôi. Tôi sẽ giúp cho ông. Nhớ chỗ tôi ở trên núi có hai hàng tùng cao, hãy nhớ tìm đến đó !”. Ngày tháng thoi đưa, qua nhanh như bóng câu chạy qua cửa sổ. Lời dặn dò đó quên dần trong ký ức của ngài. Lúc đó ngài đến một ngôi chùa An Quốc tại Kinh-đô. Ngài thuyết nhiều thời pháp vang danh, từ hàng thứ dân cho đến giới trí thức, quan quyền đều khâm phục.Danh tiếng ngài vang đến cung đình, vua Ý Tông cho thỉnh ngài vào hoàng cung thuyết pháp, rồi gạn hỏi chỗ diệu mầu uyên thâm của Phật pháp, chuyện kinh sử đời xưa, ngài đều thông suốt, luận giải tinh tường sâu sắc. Vua kính quý, tôn ngài làm Quốc sư, tứ ân rất hậu. Cho thợ giỏi vào cung chạm khắc tòa trầm hương quý giá ban cho ngài. Với tước phẩm cao sang quý nhất thiên hạ, danh vị tột đỉnh không ai hơn. Khi ngài ngồi trên tòa trầm hương thơm ngát, bất chợt ngài khởi ý niệm tự hào về danh vọng, làm cho cái ngã phát triển bị ô nhiễm trần cấu, tổn đức lành rồi sanh bệnh. Trên đầu gối bên trái càng ngày càng sưng to và đau nhức. Ít ngày sau hình thành một mụt ghẻ mặt người thật dữ tợn. Có lằn mi giống như mắt,có nổi dạng giống mũi, miệng răng đầy đủ, ai trông thấy lạ lùng cũng kinh hãi. Mụt ghẻ thường hay đau nhức khó chịu, ai nói đụng chạm đến là nó trợn mày nghiến răng, làm cho Quốc sư càng đau đớn quằn quại, khó chịu vô cùng. Phải nói nhẹ nhàng dịu ngọt, đút thịt ngon cho nó ăn, đưa rượu ngon cho nó uống, thì lúc đó mới ngưng đau nhức. Các quan Ngự y trong triều, cũng phải bó tay, không dám chữa trị nữa, và cũng không ai dám đá động đến nó. Vì nói động đến nó, nó sẽ hành hạ Quốc sư chết đi sống lại. Xưa nay chưa có ai mắc bệnh này, cũng chưa có sách sử nào ghi chép bệnh ghẻ mặt người, biết ăn thịt, biết uống rượu lạ lùng như thế ! Mỗi ngày mỗi trầm trọng, miệng của nó lại hay chảy ra nước vàng hôi hám dơ bẩn, nó đau nhức thấu xương, ngài chỉ có cách cắn răng chịu đựng.
Tuy nhiên hằng ngày, ngài cũng rán lễ Phật tịnh tâm. Một hôm sau khi niệm Phật tịnh tâm xong, bất chợt ngài nhớ đến vị Tăng bệnh hũi. Lúc giã từ, vị Tăng này đã ân cần dặn dò là : “Sau này ông có nạn, hãy lên núi Cửu Long tại Châu Bành, Quận Ba Thục mà tìm tôi. Tôi sẽ giúp ông ! Chỗ tôi ở trên núi, có hai hàng tùng cao. Hãy nhớ tìm đến đó !” Quốc sư mừng thầm suy nghĩ, chắc vị Tăng này là Bồ Tát hóa hiện để giúp mình chăng ? Ngài vội chuẩn bị hành lý gọn, quảy túi lên vai với người tuỳ tùng, chống gậy đến tìm vị Tăng đó ! Trải qua đoạn đường thiên lý, với sơn khê vất vả, ngài mới đến chân núi Cửu Long. Trời đã vào Xuân hơn một trăng rồi, núi rừng đang thay màu áo mới, những hoa rừng đua nhau nở rộ với mùi thơm hoang dại của cỏ cây. Trời chiều tà hồng rực, những đàn chim hót gọi nhau bay về tổ ấm, hoà thành bản nhạc có nhiều âm điệu trầm bổng, ríu rít, rộn ràng. Tuy từ dưới chân núi, nhưng đã thấy rõ hai hàng tùng cao ngất ở trên cao, hiện trên khung trời đỏ rực lúc hoàng hôn, như réo gọi hãy cố gắng nhanh chân vì đang đến đích. Lòng ngài hân hoan, dù đã trải qua cuộc hành trình mệt mõi, nhưng sắp đến nơi rồi đúng như lời hẹn nhắc của năm xưa. Ngài chống gậy lần theo con đường mòn lên núi. Tuy lên triền dốc núi cao, nhưng sao trong người Quốc sư vẫn khỏe, mà mụt ghẻ mấy ngày gần đây, nó cũng không hành hạ ngài như trước. Đi một đoạn rồi nhìn lên, Quốc sư thấy một cung điện nguy nga, hùng vĩ, sáng rực một khung trời. Trong lòng cảm thấy vui mừng, bước chân ngài càng nhanh nhẹn. Càng lên cao, cảnh hoa thơm cỏ lạ càng nhiều, không biết đây là cõi tiên hay cõi Phật. Duy điều đặc biệt nhất, là trong người Quốc sư cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát lạ. Ánh tà dương bây giờ đã khuất , nhưng ánh sáng vẫn rực rỡ khác thường, làm cho khách phương xa rộn lên niềm vui khó tả. Khi Quốc sư đến cổng tam quan, thì thấy vị Tăng năm xưa đã đứng đợi sẵn ở đó tự lúc nào. Nhưng lạ lùng thay, vị đó không có bệnh hũi, mà tướng thể trang nghiêm đẹp đẽ khác thường. Gương mặt của vị ấy sáng rỡ, hiện rõ nét từ bi khả ái, với nét trí tuệ tuyệt vời của một vị Bồ Tát. Vị Tăng đó đón tiếp Quốc sư ân cần và thân thiện. Còn Quốc sư là người tha hương được ngộ cố tri, là người bệnh gặp thần y cứu giúp, thì nỗi vui mừng nào tả xiết.
Sau khi lo công việc thường nhật của bản thân xong, Quốc sư mới hàn huyên tâm sự, kể lại đầu đuôi bệnh chứng phát sanh. Vị Tăng đặc biệt ấy, yên lặng nghe, để Quốc sư kễ lễ tâm sự cho hết, để trút bỏ những phiền não đang vương mang, cho nhẹ nhàng tâm hồn. Khi Quốc sư dứt lời, vị Tăng ấy với giọng trong ngân, nhưng ấm áp thân thiện nói: “Ông đã đến đây rồi, thì mọi sự đã xong. Ông không phải lo sợ về chứng bệnh đó nữa ! Dưới núi này có cái suối Thanh Lương, Sáng mai, ông hãy xuống suối khoát nước rửa mụt ghẻ đó. Nó sẽ rơi rụng, hết ngay lập tức.Thôi bây giờ Quốc Sư hãy niệm Phật, tịnh tâm rồi đi nghỉ .”
Hôm sau, Quốc sư thức dậy sớm, ngồi niệm Phật, tịnh tâm. Đợi trời vừa hừng đông, khi chim rừng líu lo ríu rít, reo mừng trời bình minh đang chuyển mình rực rỡ. Một chú tiểu vui tươi với nụ cười mát dịu, gương mặt chú sáng như trăng thu, tươi cười đưa Quốc sư xuống suối rửa mụt ghẻ. Bầu trời hồng hồng, gió mai nhè nhẹ, chim rừng ca hót líu lo, làm cho cảnh núi rừng hôm nay vui nhộn, giống như niềm vui của Quốc sư đang bừng dậy trong lòng. Buổi sớm mai, dòng suối trong ngần và mát lạnh, in hiện cả bầu trời rực rỡ của ban mai. Nền trời xanh với mây hồng, điểm những con hạc trắng bay qua, gieo những tiếng trong ngân vang dội cả núi rừng. Quốc sư cảm thấy tâm hồn thanh thoát nhẹ nhàng, liền bước xuống suối định khoát nước, định rửa cái mụt ghẻ oan nghiệt đó. Nhưng ! Bổng có tiếng nói lớn vang lên từ mụt ghẻ, làm chấn động dòng suối, khiến con nai vàng đang uống nước, cũng giật nẩy mình bỏ chạy :
- Hãy khoan rửa, Ông hãy nghe tôi nói xong hãy rửa không vội. Ông là Quốc sư, học nhiều biết rộng, thông suốt những chuyện cổ kim. Vậy ông có đọc mẫu chuyện, Viên Án giết oan Triệu Thố, trong bộ Tây Hán không ? ! Quốc sư đáp : - Có ! Tôi đã đọc hết mẫu chuyện đó ! - Vậy lẽ nào ông lại không biết rõ những tình tiết trong ấy ! Viên Án đã giết oan Triệu Thố ?! Chính ông là Viên Án thuở xưa đó ! Còn tôi là Triệu Thố bị giết oan đây ! ! ! Quốc sư cảm thấy bàng hoàng, sợ hãi, lo lắng, bủn rủn chân tay, còn mụt ghẻ Triệu Thố ngưng một chút rồi nói Tiếp: - Vì nỗi oan khiên tức tối khôn nguôi đó ! Cho nên tôi căm hờn phải theo ông báo oán mãi. Nhưng trải qua mười đời ông tu hành nghiêm cẩn, vòng hào quang giới đức bao phủ bảo vệ ông. Cho nên tôi không thể xâm phạm đến ông để báo thù được. Nhưng thời gian gần đây, ông được vua trọng vọng trân quý, ưu ái, rồi ân tứ đủ điều vinh hoa, lại còn ban cho tòa trầm hương để ngồi. Do đó, tâm danh vọng cao sang của ông nổi lên sự ham thích, thấy không ai bằng mình, cho nên ông bị tổn phước đức lành. Vì thế, vòng hào quang bị mờ thưa, tạo thành cơ hội thuận tiện, cho tôi xâm nhập vào đầu gối để hành hạ ông, trả thù cái mối hận lâu dài của tiền kiếp xa xưa ! Nhưng may mắn cho ông, là thời gian trước ông có lòng từ bi, chăm sóc người bệnh hũi mà ai cũng sợ xa lánh. Chính vị đó là Bồ Tát A Nặc Ca hóa hiện. Vì thương ông muốn giải cứu cho ông, cho nên Bồ Tát đã dùng Tam Muội Thủy, rửa sạch cái oan khiên phiền não lâu đời đó cho tôi rồi. Bây giờ, tôi không còn oán hận ông nữa, tôi với ông chấm dứt hận thù từ đây. Nhờ ân đức của Bồ Tát, bây giờ tôi đi chuyển kiếp. Còn ông đã rõ oan nghiệp, hãy cố gắng tu hành, đạo hạnh cho cao siêu, để phổ độ chúng sanh đang hướng vọng về ông.
Nghe xong mọi việc, Quốc sư thất kinh hồn vía, bàng hoàng rủn cả chân tay, té ngồi bên bờ suối. Một lúc lâu mới hồi tỉnh lại, trong người vẫn còn bần thần bất an. Nhưng chực nhớ mụt ghẻ trên đầu gối, Quốc sư niệm Phật cầu nguyện cho Triệu Thố sớm siêu sinh, rồi khoát nước vội rửa mụt ghẻ oan nghiệt đó ! Lạ thay ! Quốc sư khoát nước rửa đến đâu, mụt ghẻ rả ra từ từ rơi đến đó, rồi tan mất. Đầu gối trơn lẳn trở lại, nhưng vẫn còn vết tích một lớp da đỏ hồng mới hình thành. Quốc sư rửa tay, rửa mặt cho hồi tỉnh hoàn toàn. Khi nghe trong người đã khỏe khoắn liền bước lên bờ. Quốc sư định lên đảnh lễ tạ ơn Bồ Tát A Nặc Ca, đồng thời lấy hành lý rồi từ giã trở về. Nhưng khi nhìn lên núi, không còn thấy đền đài nguy nga đâu nữa, kể cả hai hàng tùng cũng không còn. Con đường mòn lên núi đã biến mất, toàn là cây cao bóng cả và những sợi dây rừng chằng chịt. Chú tiểu đồng đã đi đâu lúc nào, còn túi hành lý lại nằm bên bờ suối như ai mới mang để đó ! Quốc sư định tìm người tùy tùng, thì thấy anh ta đang dáo dác tìm đường. Quốc sư kêu lại vác hành lý, rồi hai Thầy trò về kinh đô.
* * *
Qua mẫu chuyện này, chúng ta thấy đây là bài học quý báu, để chúng ta cố gắng rèn luyện mình tinh tấn tu thêm, đồng thời cần mở rộng lòng từ bi và khiêm tốn giúp người. Ở chùa có Tăng chúng đông, tuy thấy bình thường, nhưng phước đức các vị rất lớn. Vì “Đức chúng như hải”, cần phải biết nương tựa quý trọng và tương trợ lẫn nhau, để dưỡng được đức lành của mình. Hơn nữa biết đâu có những vị Thánh Tăng trong đó, thường ở lẫn lôn để độ người hữu duyên. Như trường hợp ngài Ngộ Đạt Quốc sư, có lòng từ bi thương thầy bệnh hũi. Cho nên khi có lâm nguy thì cũng được Bồ Tát cứu độ. Nếu ngày xưa, ngài khinh thường vị Tăng bệnh hũi mà xa lánh, không ân cần săn sóc, an ủi. Chắc chắn khi mang bệnh mụt ghẻ oan khiên đó, thì không ai cứu giúp nổi ! Vậy chúng ta không nên khinh thường người, bởi chúng ta mắt thịt, không phân biệt được ai phàm ai Thánh. Trong quyển sách này, tôi sẽ kể những chuyện thử thách ly kỳ, của những vị đang đi cứu độ thế nhân, đang hiện hữu bên chúng ta mà chúng ta không hay biết. Những chuyện có thật, không phải chuyện hư ảo huyền hoặc xa xôi nào khác. Để cống hiến quý vị tự răn nhắc mình và luôn khiêm cung, luôn mở rộng lòng từ bi của người con Phật. Đừng để tâm hồn mình phải ân hận khôn ngui, khi hối tiếc thì đã muộn màng, không thể nào bù đắp lại được.
Quyển sách này, không những chúng tôi viết cho thế hệ chúng ta đọc, mà viết cho những thế hệ con cháu chúng ta mai sau đọc. Cho nên mỗi phần mỗi đoạn, chúng tôi đều trình bày về bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Để cho con cháu chúng ta hiểu rõ phần nào lịch sử Việt Nam, và thêm được những nhận thức cần thiết.
|