Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15: Đầu đà khổ hạnh có ích lợi gì?

25/01/201108:23(Xem: 5854)
15: Đầu đà khổ hạnh có ích lợi gì?
mi tien van dap-ht gioi nghiem-

 



MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDA PANHA)
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)
Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính, ấn bản 2003
-ooOoo-



177. Đầu đà khổ hạnh có ích lợi gì?

Đêm ấy trở về, đức vua Mi-lan-đà không chợp mắt; có những ý nghĩa, những tư tưởng cứ lầm rầm trong đầu: "Kinh đô chánh pháp vĩ đại quá, huy hoàng quá. Chợ bán hoa, chợ bán vật thơm... chợ bán quả... cũng phong phú dường bao? Các vị pháp chủ, quân sư, quan tòa, luật sư đoàn... chẳng khác gì một vương quốc thịnh trị... Ai đến quốc độ ấy cũng tìm cho mình cái hay, cái lạ, cái đẹp... Ồ! mà tội gì lại đi mua hàng đắt quá? Kiếm cái rẻ nhất mà mua, mang về... một thời gian sau là giá trị ngang nhau cả thảy... Ví như có món hàng tam quy, ngũ giới, bố thí... là của người cư sĩ. Mà theo đại đức Na tiên bảo, là cư sĩ cũng có thể đắc quả A-la-hán. Vậy thì cần gì phải bước vào câu lạc bộ của bậc xuất gia? Và cần gì lại mua món hàng mười ba pháp đầu đà khổ hạnh; đã khốn khổ, đã hành thân hoại thể mà kết quả cũng ngang nhau?!"

Từ khi câu hỏi ấy khởi lên, đức vua Mi-lan-đà cứ xốn xang, bứt rứt trong lòng, cứ nóng nảy mong chờ cho trời mau sáng. Thật giống như bò khát nước đến tận cùng, hối hả bước xuống dòng khe. Hoặc như người đói cơm bươn bả đi tìm một củ khoai đỡ dạ. Thảng hoặc, ví như người đi bộ đường xa nắng gắt, mong chờ một chiếc xe ngựa để quá giang. Nếu không như thế thì giống như bệnh nhân nằm liệt giường, chờ thầy thuốc đến cứu. Không như thế thì như kẻ đói cơm rách áo mơ ước có vài xu. Hay như kẻ kia qua sông đang ngóng đợi đò cập bến. Hoặc ví như gã tình si mong gặp người mình yêu. Hoặc như gã thổi kèn cầu cho người nghe tán thưởng. Nếu không như thế thì như người sợ ma dọc đường mong chóng trở về nhà v.v... Vì tất cả cớ ấy, lý do ấy, mà khi trời chưa rạng sáng, đức vua Mi-lan-đà đã hối hả bảo quân hầu thắng kiệu đến ngay chỗ đại đức Na tiên. Các tập tục xã giao nghiêng mình chào hỏi, đức vua cũng chỉ làm cho có lệ. Tuy nhiên, cái đầu óc thông tuệ, suy nghĩ nhanh nhạy của đức vua trước khi cất tiếng hỏi, đã khởi lên một tư duy mười điểm còn nhanh hơn luồng sao xẹt:

Thứ nhất, khi ta hỏi, ngài đáp xong, tất ta sẽ cắt đứt được mối nghi ngờ.
Thứ hai, tâm ta sẽ trong sạch, vắng lặng trở lại.
Thứ ba, ta sẽ không còn loay hoay với những câu hỏi vô nghĩa lý nữa.
Thứ tư, từ sái quấy, tâm ta sẽ chuyển qua cái đúng, cái chánh.
Thứ năm, ta sẽ được bơi trong giòng pháp và đắc tuệ nhãn.
Thứ sáu, đại đức này sẽ coi ta cũng là kẻ xứng đáng được học Pháp.
Thứ bảy, ta sẽ trú trong thiện pháp chẳng có gì ngăn ngại được.
Thứ tám, ta sẽ dễ dàng đi vào pháp xuất thế gian.
Thứ chín, ta sẽ không còn sợ hãi trong tam giới.
Thứ mười, ta sẽ được sáp nhập hội chúng thính pháp mau lẹ, linh mẫn.

Nghĩ thế xong, đức vua Mi-lan-đà hỏi:

- Thưa đại đức! Có một câu hỏi mà trước đây bần tăng đã hỏi, nhưng hôm nay cũng cùng câu hỏi ấy nhưng mục đích hơi lệch sang hướng khác một chút. Mong đại vương hãy nhẫn nại!

- Tâu, vâng, bần tăng sẽ nhẫn nại - tuy nhiên, nếu có câu hỏi cũ mà đại vương chưa thông suốt, bần tăng cũng có thể nói lại một cách vui vẻ, thoải mái, không sao cả!

- Thế thì tốt. Bần tăng hỏi đây, một người tại gia thọ dụng ngũ dục, nằm ngủ với vợ, chen chúc với con cái, trang phục gấm vóc lụa là, trang điểm tràng hoa, xức vật thơm, thỏa thích ngọc vàng, chăn gấm, nệm nhung, uống ăn mỹ vị, cao sang... nhưng nếu họ thực hành chơn chánh bát chánh đạo, họ có đắc được đạo quả chăng?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Đắm say ngũ dục mà thực hành chánh pháp, mong đắc đạo thì làm sao được, đại vương? Đừng nói là nhiều người đắc đạo - mà chỉ một phần trăm, một phần hai trăm, một phần ngàn, thậm chí một phần mười triệu trong số ấy cũng không có đâu, đại vương!

- Ý đại đức nói là cư sĩ có vợ con gia đình, tài sản giàu sang... nếu thực hành chơn chánh cũng không đắc đạo quả sao?

- Ai nói với đại vương như thế?

- Chẳng lẽ...?

- Ồ! Bần tăng nói thế này: người cư sĩ tại gia sống đời ngũ dục, thọ hưởng ngũ dục mà không đắm say ngũ dục... biết tuần tự thứ lớp tu tập từ thấp đến cao, từ ngoài vào trong... thì sẽ đắc đạo quả; không những chỉ có một trăm, hai trăm... mà là hằng ngàn, hằng ức, hằng triệu - tâu đại vương!

- Xin đại đức nói cho rõ hơn về tuần tự, thứ lớp ấy?

- Tâu, vâng. Đắm say ngũ dục mà tu tập không phải là nhân để đạt đạo. Có đời sống ngũ dục mà không đắm say ngũ dục, cọng với sự tuần tự tu tập theo chánh pháp mới là nhân để đạt đạo! Đại vương đã rõ điều này chưa?

- Thưa, rõ!

- Còn tu tập thứ lớp - nghĩa là tuần tự theo thứ lớp mà Đức Phật thường dạy cho người tại gia, ấy là: đức tin, trì giới, nghe pháp, bố thí, thiền định, thiền tuệ... Cọng tất cả điều ấy gọi là nhân; có thực tập nhân ấy, thành tựu nhân ấy thì quả mới thành. Ví như nước mưa rơi xuống tràn hồ, tràn sông, tràn khe, tràn suối, tràn ruộng, tràn mương... tất cả nước tràn ấy, cuối cùng sẽ trôi về biển cả. Cũng vậy, khi các cái gọi là đức tin, trì giới, nghe pháp, bố thí, thiền đình, thiền tuệ... viên mãn rồi... tất nhiên sẽ tuôn chảy về biển giác ngộ... Ví như có người nông phu, ruộng đã cày bừa rồi, vô nước rồi, phân bón rồi, gieo hạt rồi, mạ lên rồi, nhổ cỏ rồi, săn sóc rồi... thì chỉ còn đợi ngày lúa chín, gặt hái, phơi khô cất vào bồ mà thôi! Chính tuần tự thứ lớp, qua các công đoạn tu tập - là nhân tố đưa người ấy đến thành công.

Ví như một người đếm số, ban đầu đếm chậm, sau đếm nhanh, rồi sẽ trở thành bậc thầy đếm số. Ví như một người học toán, ban đầu tập cọng trừ nhân chia, lần hồi tính ra được lúa gạo trồng trong một đòn gánh, mười đòn gánh, trăm đòn gánh...

Cũng như thế, tu tập lần lần, đức tin sẽ tăng trưởng, trì giới sẽ tốt hơn, nghe pháp chăm chuyên hơn, bố thí nhẹ nhàng hơn, thiền định kiên cố hơn, thiền tuệ sáng suốt hơn. Gom tất cả chúng lại, làm sao mà không đạt đạo được hở đại vương?!

- Trẫm hiểu rồi. Mà đạt đạo có nhiều thật không đại đức?

- Vô lượng số!

- Thật ư?

- Tâu, cận sự nam nữ thành Sàvatthi đắc A-na-hàm đạo, A-na-hàm quả, bần tăng nhớ không lầm là ba ức, năm vạn và bảy ngàn; tâu đại vương!

- Kinh khủng!

- Khi Đức Thế Tôn hóa phép lạ, khi thuyết về kinh giáo giới La hầu la, khi thuyết về kinh đại hạnh phúc... chư thiên đắc quả không đếm xiết được, tâu đại vương!

- Khiếp!

- Khi Đức Tôn sư thuyết pháp ở xứ Nàlykàya, thuyết nơi bảo tháp Pàsànakacetiya, thuyết pháp nhân người xâu tràng hoa cúng dường... thì cả thảy chư thiên và người tại gia cư sĩ thoát khổ hoặc đắc pháp cao siêu, thắng nghĩa pháp... cũng đến con số... bất khả tư nghì - tâu đại vương!

- Trẫm hiểu rồi!

- Đừng nghĩ chư thiên ấy là bậc xuất gia! Họ tại gia cả đấy, họ sống trong vinh hoa và ngồi trên ngũ dục cả đấy, tâu đại vương!

- Vâng!

- Đừng nghĩ người tại gia ấy không có ngũ dục. Rất nhiều người trong bọn họ búi tóc bằng ngọc tía, đeo cổ tay cổ chân bằng bạc, bằng vàng, vợ con thê thiếp có đủ, xa hoa lộng lẫy có đủ, y phục vua trời có đủ. Chỉ có điều họ sử dụng, họ thọ hưởng ngũ dục không như ruồi kiến chết trong hũ mật, không như đồng tiền của gã trọc phú cho vay nặng lãi, không như kẻ đói cơm vét nạo cả mảng cháy, tâu đại vương!

Nghe đến ngang đây, đức vua Mi-lan-đà mới tủm tỉm cười rồi bắt đầu phản công:

- Thưa đại đức! Ở nhà có vợ nâng khăn sửa túi, có con cái hầu cơm hầu nước, có nệm ấm chăn êm lúc đông giá, có lầu cao hóng mát lúc hanh hè, có bạc tiền rủng rỉnh cho kẻ ăn người ở, có võng kiệu, xe pháo lui tới đỡ mỏi chân, có thức ăn ngon vừa dạ, vừa khẩu, có bạc vàng trang điểm lấp loáng cao sang, có hoa thơm hương nồng phảng phất bên gối...! Có cái là đừng đắm quá mà thôi. Có cái là đừng tà mạng, trược hạnh mà thôi. Có cái là đừng gian trá độc ác thì thôi. Có cái là đừng vọng ngôn loạn ngữ mà thôi. Có cái là đừng rượu chè be bét mà thôi. Có cái là đừng trộm cắp, gian xảo thì thôi. Có cái là đừng cắt cổ cho mượn một lấy mười v.v... Thế là có thể tu hành mà thành Thánh quả. Còn hơn các vị tu hành cực khổ, nhất là các vị tu mười ba pháp đầu đà khổ hạnh, thật là tội nghiệp. Khỏi kể ra đây mười ba pháp đầu đà, nhưng đại khái là cuộc sống của họ còn tệ hơn một kẻ nghèo nàn nhất trên trần thế, chẳng có một nhu cầu tối thiểu. Sao các vị ấy mang nghiệp chi mà nặng thế, đại đức?

- Đại vương cứ nói tiếp đi!

- Vâng, bệnh rất nhẹ, chữa sơ sơ cũng lành, cần gì bôn ba đi tìm thầy thuốc trứ danh? Giết con muỗi thì hơi đâu mà sắm sửa cung tên? Chặt củ khoai thì hơi đâu tìm kiếm bảo đao? Làm chuồng cho heo ở thì cần gì đi kiếm loại danh mộc? Qua mương nước vài ba sải mà đòi sắm chiếc hải dương thuyền? Múc nước trong hủ mà đòi sắm cái gàu tát ruộng? Vật thực, y phục, nhà cửa của mình vứt đi mà lại đi xin ăn từng muỗng, lượm vải tử thi mà mặc, ngồi dưới cội cây mà nghỉ?

Thưa đại đức! Đấy là việc làm lạ đời khó hiểu của những ông sa môn thọ mười ba pháp đầu đà! Họ dại, họ ngu, họ si, hay làm như thế để chứng tỏ mình tu hành ghê gớm, khiếp đảm?

- Quả thật là bản án của một vị quan tòa. Luận cứ đưa ra của đại vương thật là đanh thép, hùng hồn. Tuy nhiên, nếu đại vương nhận ra công năng diệu dụng của mười ba pháp đầu đà thì có lẽ đại vương không nói thế nữa.

Tại gia tu hành chơn chính cũng đạt đạo, đạt đạo rất nhiều là khác. Nhưng một vị sa môn, một tỳ khưu thọ mười ba pháp đầu đà là đã gần kề bên Niết bàn, lại còn lợi ích cho chúng sanh không kể xiết nữa, tâu đại vương! Chính sự lợi ích cho chúng sanh, nêu gương cho chúng sanh - thì một trăm cư sĩ đạt đạo, ngàn cư sĩ đạt đạo - cũng không bằng một tỳ khưu hành mười ba pháp đầu đà đắc đạo đâu, tâu đại vương!

- Xin đại đức cứ tiếp tục.

- Bây giờ đại vương thử lắng nghe hai mươi tám đức tính cao thượng, siêu việt của mười ba pháp đầu đà khổ hạnh:

Thứ nhất là, nuôi mạng trong sạch.
Hai là, an lạc quả, hạnh phúc quả.
Ba là sống đời vô tội.
Thứ tư, giảm nỗi khổ cho người khác.
Thứ năm, không sợ hãi.

Thứ sáu, không tổn hại ai.
Bảy là, lộ trình tiến hóa.
Tám là, xa lìa điệu bộ hợm hĩnh, khoe khoang.
Thứ chín, xa lìa say mê.
Thứ mười, hộ trì, giữ gìn mình.

Mười một, mọi người thương tưởng.
Mười hai, giáo hóa mình.
Mười ba, buông dao, buông trượng.
Mười bốn, rèn luyện sự thu thúc.
Mười lăm, thực hành (mục đích) đúng đắn, thuận lợi.

Mười sáu, làm cho mình vắng lặng.
Mười bảy, làm cho mình thoát khỏi phiền não.
Mười tám, dứt sự luyến ái.
Mười chín, giảm trừ sân hận.
Hai mươi, tháo gỡ si mê.

Hai mươi mốt, tiêu diệt ngã chấp.
Hai mươi hai, cắt đứt tư duy xấu xa.
Hai mươi ba, vượt hoài nghi.
Hai mươi bốn, trừ lười biếng.
Hai mươi lăm, tương tư không có chỗ nương.

Hai mươi sáu, hành nhẫn nại.
Hai mươi bảy, đức tính độ lượng vô giới hạn.
Hai mươi tám, diệt tận khổ đau.

Nếu không có hai mươi tám đức tính như thế thì có thể là mười tám đức tính sau đây:

Một là, hạnh kiểm thuần khiết.
Hai là, thực hành hoàn thiện hạnh kiểm.
Ba là, giữ gìn, bảo vệ thân khẩu.
Bốn là, tâm trong sạch.
Năm, bám chặt được sự tinh tấn.

Sáu, dứt trừ lo sợ.
Bảy, dứt trừ ngã kiến.
Tám, dứt trừ kết oán.
Chín, trú vững trong tâm từ.
Mười, nhận lãnh vật thực sao cũng được

Mười một, có tâm thương tưởng, bình đẳng và tôn trọng tất cả mọi người.
Mười hai, biết tiết độ trong vật thực.
Mười ba, hằng thức tỉnh.
Mười bốn, không lưu luyến chỗ ở.
Mười lăm, trú chỗ nào cũng an lạc.

Mười sáu, người ghét điều ác.
Mười bảy, mến thích nơi thanh vắng.
Mười tám, không dễ duôi, buông xuôi.

Đại vương! Ngài đừng tưởng ai cũng có thể thực hành mười ba pháp đầu đà được. Họ phải có những đức tính sau đây:

Thứ nhất, có đức tin.
Thứ hai, có tàm, quý.
Thứ ba, người mạnh khỏe (không bệnh hoạn, tàn tật).
Thứ tư, thuần thục trong việc tìm kiếm chân lợi ích.
Thứ năm, là người có nhiệt tình, chín chắn.

Thứ sáu, có trí tuệ.
Thứ bảy, ham thích học hỏi, có kiến thức.
Thứ tám, thọ trì kiên định.
Thứ chín, ít tìm lỗi người khác.
Thứ mười, trú tâm từ.

Người có đủ mười đức tính ấy mới xứng đáng thọ mười ba pháp đầu đà khổ hạnh.

Người tại gia là kẻ thỏa thích và dính mắc trong ngũ dục thì khó mà thực hành chánh pháp để đắc đạo quả. Tuy nhiên, có những cư sĩ tại gia vẫn sống đời ngũ dục mà họ tu tập cũng đắc quả, là do nhờ nhiều kiếp về trước họ có tu hạnh đầu đà rồi. Chính nhờ có tu hạnh đầu đà rồi nên trong tâm họ đã thành tựu ít nhiều những phẩm chất cao đẹp - nên kiếp này, họ không cần phải thọ đầu đà nữa; chỉ nhờ nghe pháp, thực hành pháp họ có thể đắc đạo quả được. Họ chỉ tiếp tục làm lại công việc trước đây, thành tựu các công đoạn đang còn dang dỡ đấy thôi, tâu đại vương!

- Vâng, trẫm đang nghe.

- Ví như một người bắn cung thiện xảo, trổ tài trước đức vua; và được đức vua ban thưởng trọng hậu như voi ngựa, tôi trai, tớ gái, thê thiếp... cùng rất nhiều của cải, tài sản v.v... Người bắn cung kia có phải là một sớm một chiều mà có được tài nghệ như thế đâu? Hẳn phải trải qua nhiều thời gian, nhiều năm công phu khổ luyện, phải không đại vương? Ví dụ ấy như thế nào thì người cư sĩ kia cũng y như thế! Người cư sĩ ấy bây giờ được phần thưởng cao quý là đạo quả Thánh nhân, là do nhờ y cũng đã từng công phu khổ hạnh mười ba pháp đầu đà dài lâu từ nhiều kiếp trước. Vậy đại vương đừng đặt những câu hỏi mà chưa tra vấn rõ nguồn căn, chưa hiểu rõ về nhân về quả như thế!

- Thưa vâng!

- Một vị thầy thuốc nổi tiếng, được mọi người kính trọng, yêu mến; cái tài ấy tỏa ra cái đức ấy, không phải bỗng dưng mà ông ta có được. Chẳng rõ là đã bao năm bao tháng trước đây, ông ta đã tìm học thầy này, thầy kia; tự mình tìm tòi, tra vấn, học hỏi, nghiên cứu... phải vậy không đại vương?

- Thưa, vâng!

- Buổi sớm, đại vương ra vườn, thanh thản dạo chơi, thấy trái ngọt đầu cành bèn hái ăn. Mọi người trầm trồ nói đức vua có phước, có trái ăn ngay vừa lòng mát dạ! Cái phước ấy không phải tự nó có, trái cây ngon ngọt kia chẳng phải nó bỗng dưng sanh ra! Hẳn là nhiều năm trước đây đại vương đã khởi ý trồng loại cây này, bèn giao cho người làm vườn, tìm giống, ươm hạt, chăm sóc, phân bón, tưới nước v.v... Nhờ khổ lao ấy, trái ngọt mới thành, phải không đại vương?

- Thưa, vâng!

- Trên đời này bất kỳ một thành tựu to lớn nào cũng đều phải được trả giá đánh đổi đầu óc, công phu và thời gian. Chẳng có đầu óc, công phu và thời gian, lẽ nào người cư sĩ tại gia kia lại đạt đạo quả cao siêu phải không đại vương?

- Thưa vâng!

- Theo bần tăng hiểu, người cư sĩ ấy trước đây đã thọ mười ba pháp đầu đà, đã đắc được quả vị Tu đà huờn; khi từ giã cõi đời, tử tâm cuối cùng hướng về thiện đạo nên được sanh làm người giàu sang. Phước báu ấy người kia vẫn thọ hưởng, nhưng tâm bậc thánh đã vào dòng rồi, thì đôi khi chỉ nghe một câu kệ là có thể diệt tận lậu hoặc; đâu cần gì tu tập cho nhiều, công phu cho lắm hở đại vương!

- Ồ! Thế thì trẫm đã vỡ mọi lẽ rồi!

- Nói về công năng, diệu dụng của mười ba pháp đầu đà thì không sao kể xiết được, tâu đại vương! Ngài có muốn nghe thêm chăng?

- Vâng, trẫm rất muốn. Trẫm muốn trang bị cho mình những kiến thức ấy, khả dĩ rửa sạch bụi bặm cho mình và cho người khác.

- Thiện tai! Vậy thì trẫm sẽ nói đây.

Mười ba pháp đầu đà này, trước hết, được ví như đất, vì đất là nơi nương tựa của mọi loài. Pháp đầu đà là nơi nương tựa, sanh trưởng của mọi thiện pháp.

Nó được ví như nước, bởi nước rửa sạch bụi bặm, dơ dáy - pháp đầu đà rửa sạch trần cấu, ác uế.

Nó được ví như lửa đốt cháy mọi vật - pháp đầu đà thiêu hủy phiền não.

Ví như gió, thổi quạt đi tất cả mọi khí, mọi mùi; Pháp đầu đà cũng thế, nó thổi quạt đi tất cả khí vị trần gian, dù thanh hay trược, dù thơm hay thối!

Nó được ví như thuốc để chữa bệnh - pháp đầu đà đối trị tất cả tâm bệnh của tất cả con người.

Ví như nước trường sanh - pháp đầu đà cho mọi người nếm thưởng nước cam lồ bất tử.

Nó được ví như ruộng, sinh lúa gạo - pháp đầu đà là ruộng phước cho chư thiên và loài người.

Nó được ví như ngọc như ý, thành tựu ước nguyện - pháp đầu đà cũng thành tựu ba cõi người, trời và Niết bàn như ý nguyện.

Nó được ví như thuyền to vượt qua biển lớn - thì pháp đầu đà cũng là chiếc thuyền kiên cố để vượt qua đại dương sinh tử ái hà.

Ví như có một nơi chốn an vui, thoát khỏi mọi sợ hãi - pháp đầu đà cũng là chỗ nương tựa, thoát khỏi mọi sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

Ví như người mẹ hằng nuôi dưỡng và bảo vệ con thoát khỏi mọi điều rủi ro, tai hại - pháp đầu đà cũng hằng nuôi dưỡng và bảo vệ chúng sanh y như thế.

Pháp đầu đà cũng có thể được ví như người cha, là nguyên nhân sanh con - pháp đầu đà cũng là người cha, nguyên nhân để sanh sa môn quả.

Nó được ví như người bạn tốt hằng giúp đỡ ta thành công trên đường đời - pháp đầu đà là người bạn lành giúp đỡ ta trên đường tiến hóa.

Ví như hoa sen không dính nước - pháp đầu đà cũng không dính nước ái dục và si mê.

Ví như những vật thơm có thể tẩy uế - pháp đầu đà cũng tẩy sạch những uế trược.

Nó được ví như Tu di sơn không bị lay động bởi bão, gió - pháp đầu đà cũng không hề lay động bởi tám ngọn gió thế gian.

Ví như hư không rộng rãi thênh thang không cùng tột - pháp đầu đà cũng mênh mông không mé bờ. Hư không không có kẻ thù và ai đến quấy rối thì pháp đầu đà cũng y như thế.

Ví như con sông lớn chở bao nhiêu rác rều đất cát về biển cả - pháp đầu đà cũng cuốn trôi tất thảy xấu ác, bợn nhơ, trần uế...

Ví như người dẫn đường cho kẻ bộ hành khỏi lầm đường, lạc nẻo - pháp đầu đà cũng dẫn đường cho hành giả khỏi rơi và các mê lộ, tà kiến.

Ví như người lái buôn chở hàng hóa đến nơi thị tứ - pháp đầu đà cũng chuyên chở chúng sanh đến cõi niềm an vui.

Ví như mặt trăng có ánh sáng mát dịu - pháp đầu đà cũng mát mẻ thanh lương và tẩm dịu lòng người.

Ví như mặt trời, hằng xuyên thủng mây mù, pháp đầu đà cũng xuyên phá hôn ám, vô minh.

Ngoài ra, pháp đầu đà còn:

Làm thành tựu tư cách;
Là nơi thương yêu của mọi người;
Nơi không có tội lỗi;
Nơi viên mãn đức lành;
Nơi của những trạng thái tâm cao thượng;
Dứt trừ ưu sầu, nóng nảy, rối rắm;
Chận đường tái sanh v.v...
Như nước tưới thấm mầm cây;
Như lửa để nấu nướng đồ ăn;
Như là hầm tài sản của mọi người;
Như được thân cận bạn lành, người dũng cảm;
Như người hầu hạ mong được quan tước;
Như nơi dạy học trò học nghệ;
Như cái kiếng để soi mặt;
Như y phục để mặc;
Như rương hòm cất đồ đạc;
Như đèn đốt ban đêm;
Như vương lệnh ban hành ngăn phạm luật;
Nơi thành tựu sa môn quả;
Nơi thành tựu lục thông;
Đạt kết quả mau lẹ;
Ngăn ngừa giới phạm.

Tâu đại vương, lợi ích, diệu dụng, đức tính, công năng của mười ba pháp đầu đà cao thượng và phong phú như thế, nên những hạng người sau đây không thể thực hành được:

Một là, người có tâm ganh tỵ.
Hai là, người giả dối.
Ba là, người tham muốn thấp hèn.
Bốn là, người chỉ nghĩ đến miệng và bụng.
Năm là, người ham lợi lộc.
Sáu là, người cầu danh.
Bảy là, người ham vinh dự.

Bảy hạng người ấy không thể thọ đầu đà mười ba pháp, nếu có thì cũng làm cho sự thọ trì ấy bị hư hỏng; họ sẽ bị mọi người khinh bỉ, chê bai, giễu cợt, ruồng bỏ, lánh xa v.v... Trong hiện tại thì như thế, còn vị lai thì sẽ phải chịu nhiều quả báo đau khổ, bị lửa địa ngục thiêu đốt, lửa cháy phần trên và phần dưới. Hết địa ngục họ sanh làm ngạ quỷ có thân hình to lớn, có sắc thân xấu xí, hôi hám; thân chỉ là cái lỗ trống rỗng, tai thòng xuống, chịu đói khát triền miên, chịu khổ vô cùng tận; bị lửa phụt từ trong thân ra đằng miệng, có da bọc xương, bị dòi đục khóet v.v...

Nói tóm là người thiếu phước, thiếu căn duyên, có nghiệp nặng, có kiếp sống thấp hèn, hạ liệt không thể thọ mười ba pháp đầu đà được; như kẻ lên làm vua mà thiếu đức, thiếu phước sẽ tự rước khổ vào mình. Chỉ có những vị tỳ khưu tri túc, tinh tấn, siêng năng, không bộ điệu, có đức tin... có chí nguyện xa lìa sinh tử - mới thọ trì được.

Quả thật, pháp đầu đà như thuốc dành cho người bệnh, như hoa thơm, như ngọc như ý, như ngai vàng và bảo cái của đức vua... Người thực hành mười ba pháp đầu đà trước sau cũng sẽ đắc thắng trí thần thông hoặc Niết bàn an lạc, tâu đại vương!

Nghe đến đây, đức vua Mi-lan-đà nói:

- Trẫm cảm thấy choáng ngợp trước lợi ích quá to lớn, kỳ vĩ và nhiều đến vô lượng như thế.

- Dĩ nhiên rồi! Vì đấy là sự mến yêu, là sở thích, là lộ trình của chư Phật, và cũng là cõi về của chư vị Thánh nhân. Ai cũng phải đi qua lộ trình ấy, đã từng thực hành pháp ấy nên mọi công phu, công hạnh dễ dàng được trổ quả. Họ dễ dàng nhập định, dễ dàng an trú lạc mãn, hỷ mãn, dễ dàng chứng đắc các pháp cao siêu.

Ví như một thửa ruộng đã cày bừa sẵn, phân nước đầy đủ, bây giờ chỉ vãi lúa là hạt nảy mầm thành đám ruộng xanh tốt. Các vị đã thực hành đầu đà kiếp trước rồi, kiếp này cũng dễ viên toàn công hạnh như thế.

Ví như vị thái tử lên ngôi vua, nhờ vương vị ấy do vua cha đã dày công hãn mã gầy dựng nên, lại còn do phước phần mà vị thái tử ấy đã tạo trong kiếp trước. Các vị trưởng tử của Đức Phật được thừa hưởng pháp bảo của Đức Tôn Sư, nhưng cũng chính là do nhờ các ngài đã công phu khổ hạnh đầu đà nhiều kiếp. Cho hay, đầu đà mười ba pháp kia là nguyên nhân cần thiết, tất yếu cho mọi thành tựu quả vị tâu đại vương!

- Thưa vâng!

- Đức Phật cũng thường tán dương những vị tỳ khưu tinh tấn thọ đầu đà. Đức pháp chủ Xá-lợi-phất là bậc tối thượng Thinh văn cũng thọ trì mười ba pháp đầu đà, nên đã thành tựu vô lượng trí tuệ, vô lượng đức tính quý báu - mà ngoài Đức Thế Tôn ra, không ai sánh bằng, tâu đại vương!

- Vâng, quả là lợi ích tối thượng - đức vua Mi-lan-đà nói - Trẫm xin rút lại lời nói ban đầu, đại đức nhé!

-ooOoo-

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/01/2023(Xem: 2238)
Dan Lusthaus là nhà văn và giáo sư người Mỹ chuyên về Phật Giáo. Ông chuyên nghiên cứu về Du-già-hành Tông (Yogācāra – hay còn gọi là Duy Thức Tông). Ông là tác giả của nhiều bài viết và sách. Ông dạy tại Đại Học University of California at Los Angeles (UCLA), Đại Học Tiểu Bang Florida, Đại Học Tiểu Bang Missouri, và vào mùa thu năm 2020 ông là Phó Khoa Nghiên Cứu về Nam Á tại Đại Học Harvard, Massachusetts. Tác phẩm “Buddhist Phenomenology” đã được xuất bản vào năm 2002.
22/12/2020(Xem: 6270)
Duy Thức Học là môn triết học và cũng là môn tâm học. Duy Thức Học được gọi là môn triết học vì môn học này nhằm khai triển tận cùng nguyên lý của vạn hữu vũ trụ nhân sanh mà vạn hữu vũ trụ nhân sanh thì rộng lớn bao la không bờn bến và nguyên lý lại nằm trong lãnh vực tánh không, không có hiện hữu và lại còn phức tạp. Duy Thức Học cũng gọi là môn tâm học vì môn học này đứng trên lập trường tâm linh để lý giải vạn pháp mà tâm linh lại sinh hoạt không hiển lộ, khó đưa lên trên bình diện thực tại như khoa học vật lý, nhưng không thể thiếu mặt nó trong mọi sinh hoạt của vạn hữu vũ trụ nhân sanh. Vì muốn định rõ giá trị sự cấu trúc đa dạng cũng như sự sinh hoạt của vạn hữu vũ trụ nhân sanh trên lãnh vực tâm linh, Duy Thức học thiết lập rất nhiều danh từ chuyên môn để minh giải tường tận mọi mặt từ sự tướng đến lý tánh, từ sai biệt cá thể đến tổ hợp tổng thể và từ cụ thể đơn giản đến chỗ thâm sâu bí ẩn. Trường hợp đây của Duy Thức Học so sánh không khác khoa học vật lý, khoa
06/05/2020(Xem: 5663)
Kính thưa quý đọc giả thân mến, tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng của Bồ Tát Thế Thân đã được rất nhiều Hoà Thượng, Thượng Toạ Đại Đức Tăng Ni hữu học dịch giải ra Việt Ngữ và cũng đã trình bày qua nhiều lăng kính tư tưởng sáng tạo và nhờ đó nền văn học Duy Thức càng ngày trở nên càng phong phú.
19/05/2018(Xem: 4883)
Tiêu đề trên rút ra từ đoạn kinh TỨ NIỆM XỨ (Trung Bộ Kinh số 10) do ngài Thích Minh Châu dịch: “-- Này các Tỷ-kheo, đây là con đường ĐỘC NHẤT nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ NIẾT BÀN. Đó là Bốn Niệm xứ.” Bài viết này nhắm giải thích 2 ý nghĩa quan trọng của pháp tu TỨ NIỆM XỨ: 1) Là con đường đi đến NIẾT BÀN. 2) Là con đường ĐỘC NHẤT để đi đến đó, không thể đi bằng một con đường nào khác được.
12/05/2018(Xem: 5802)
Ai là người kế thừa sau khi Phật nhập diệt, Từ lời Phật dạy trong kinh, các ngươi lấy pháp làm nơi nương tựa, cho đến lúc Phật sắp nhập Niết-bàn biến thànhcâu: sau khi Như Lai nhập diệt các ngươi lấy Pháp và Luật làm thầy, cho đến Luật tạng thì lại đề cập: Sau khi Như Lainhập diệt các ngươi lấy giới luật làm thầy. Từ lấy Pháp làmnơi nương tựa, đến lấy ‘Pháp’ và ‘Luật’ làm nơi nương tựa,cuối cùng ‘lấy giới luật’ làm thầy rõ ràng là sự diễn biến kháphức tạp.
01/04/2018(Xem: 3975)
YÊU THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM THƯỜNG DÂN Nguyên tác: Compassion and Civic Responsibility Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Budapest 2010 Chuyển ngữ: Tuệ Uyển Thực tế, tôi rất vui mừng và cảm thấy vinh dự lớn để đón nhận giá trị này và cũng có cơ hội để nói với những thanh thiếu niên nam nữ. Tôi nghĩ tất cả trông rất rạng rở trong đôi mắt. Một học sinh rất sáng sủa cũng ở đây. (Chỉ vào đầu của ngài và đến một học sinh sói đầu) Tôi nghĩ hai chúng tôi đang tranh đua với nhau. (Cười) Xin lỗi nhe! Vậy thì những thanh thiếu niên này – các cháu là niềm hy vọng căn bản của chúng tôi. Tôi sinh năm 1935, ngay trước thế chiến thứ II; rồi thì chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, sự chia cắt Ấn Độ và nội chiến ở Trung Hoa. Những cuộc chiến tiếp tục cho đến bây giờ, ở châu Phi và Trung Đông.
31/03/2018(Xem: 5608)
Những bài kệ của các thiền sư trong triều đại nhà Lý dưới đây thấy tưởng như là thơ, nhưng không phải hẳn là thơ. Cho nên, nó nên thơ. Nói theo thiền ngôn, thấy vậy chứ không phải vậy nên nó như vậy! Luận theo bạch thoại, thiền sư không làm thơ chỉ ra kệ. Nhưng kẻ nghe kệ tưởng nhầm là thơ ... mộng. Bất chợt, trong khoảng khắc, tâm tư bổng nhiên tịch, tĩnh, tỉnh, tịnh lặng, an nhiên, thanh tịnh nhất. Khi nhậm vận, quan sát những thăng trầm của thế sự trôi qua trước mắt mà trong lòng thanh thản, không còn bận tâm nữa. Khi mà cảnh vui buồn không còn chi phối tâm lòng, được mất không còn tham cầu, thành bại hết hãi sợ. Khi mà quán thấu sinh tử vô thường và khi mà chỉ chiếu kiến nhưng không sở trụ vào sự biến thiên tùy duyên của vạn hữu vô thường đó. Ấy là lúc lấp ló, nhi sinh tánh bất sinh bất diệt của chân tâm.
15/12/2017(Xem: 137867)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
17/10/2017(Xem: 7996)
Niềm vui của việc gặp gở những người ta yêu, nổi buồn của việc mất mát người thân, sự phong phú của của những giấc mơ đầy sức sống, sự an bình của những bước chân qua khu vườn vào một ngày xuân, sự hoàn toàn an định trong một thể trạng thiền tập sâu xa – những thứ này và những thứ nọ giống như chúng cấu thành một thực tại kinh nghiệm của chúng ta về [tâm] thức. Bất chấp nội dung của bất cứ kinh nghiệm nào trong ấy là gì, thì không ai trong tâm nhạy cảm của họ có thể nghi ngờ về thực tại ấy.
06/09/2017(Xem: 7463)
Hạt hồ đào (walnut) ăn rất ngon nhưng cái vỏ của nó rất cứng. Ở Tây phương người ta có chế ra một cái kẹp sắt, chỉ cần bóp mạnh cái kẹp thì vỏ hồ đào vỡ và ta có thể thưởng thức ngay hương vị thơm ngọt và bùi của hồ đào. Có những kẻ trong chúng ta đã từng bị lúng túng trong khi đọc những bài kệ Trung Quán Luận. Nhưng trong hai mùa Đông năm 2001-2002 và 2002-2003, thầy của chúng tôi là thiền sư Nhất Hạnh đã giảng giải cho chúng tôi nghe và hiểu được những bài kệ ấy một cách dễ dàng và thích thú. Sách này ghi lại những bài giảng của thầy về sáu phẩm căn bản của Trung Quán Luận, các phẩm Nhân Duyên, Khứ Lai, Tứ Đế, Hữu Vô, Nhiên Khả Nhiên và Niết Bàn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]