Lược Giải
Tâm Lễ Vương Học
Giáo đoàn đệ tử của Phật gồm có tất cả 7 chúng (Thất chúng), trong đó có 5 Chúng xuất gia (Ngũ chúng xuất gia) là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na; và 2 chúng tại gia (Nhị chúng tại gia) là Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di.
Người tại gia, “Tại gia nhân” 在家人, nói tắt là “Tại gia” 在家, hay còn gọi là “Cư gia” 居家, “Cư sĩ” 居士, “Trụ gia” 住家, chữ Phạm viết là Grha-stha, chữ Pàli viết là Gahattha. Người tại gia là người đang tu học ngay tại nhà của mình. Chữ “nhà” ở đây có 2 nghĩa: Một, là ngôi nhà thế tục (Thế tục gia) tức ngôi nhà mà ta đang sinh sống, trong đó có gia đình, có ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em, có thân bằng quyến thuộc, có công danh sự nghiệp, có công ăn việc làm để tự nuôi sống bản thân, có bổn phận, trách nhiệm đối với xã hội cần phải chu toàn…; hai, là ngôi nhà Tam giới (Tam giới gia) tức 3 cõi hay 3 cảnh giới mà do bởi nghiệp lực chiêu cảm, con người ta phải bị ràng buộc, chìm đắm, nổi trôi trong sinh tử luân hồi, hết sống rồi chết, chết rồi lại tái sinh trở lại trong đó, không cách nào có thể thoát ra được.
Như vậy, người tại gia trong giáo đoàn của Phật tuy là người vẫn đang sống tại nhà của mình, nhưng là người có đạo tâm, tin vào những điều Phật dạy, đã quy y Tam Bảo và phát nguyện thụ trì Ngũ giới, trở thành một thành viên trong 7 Chúng đệ tử của Phật. Khi ấy, người nam được gọi là Ưu-bà-tắc, hay còn gọi là Cận sự nam 近事男; và người nữ được gọi là Ưu-bà-di, hay còn gọi là Cận sự nữ 近事女.
Ý nghĩa của chữ “Cận sự” 近事, “cận” là ở gần, thân cận, gần gũi, sát một bên; “sự” là sự việc, công việc, làm việc, chỉ chung các hoạt động, sinh hoạt của con người. Vậy, Cận sự nam hay Cận sự nữ, là để chỉ cho người nam hay người nữ Phật tử, đang tu tập ngay tại nhà của mình, nhưng thân cận, gần gũi với Tăng già để cùng nhau tu học và chung lo Phật sự, hộ trì Tam Bảo, hoằng dương chánh pháp.
Khi nói đến người tại gia, trong kinh luận thường dùng cả 2 chữ “Trưởng giả” 長者hay “Cư sĩ” 居士 (Cư gia chi sĩ 居家之士), chữ Phạm viết là Grha-paty, chữ Pali viết là Gaha-pati, dịch âm là Nghi-ha hạ-bát-đế, Ca la việt, Già la việt… dịch ý là Gia chủ hay Gia trưởng, để chỉ cho người đang sống cuộc đời thế tục nhưng có đạo tâm và học vấn cùng trí tuệ hơn người, có địa vị và giàu sang, có đức hạnh và thông hiểu Phật pháp, như cư sĩ Duy Ma Cật, cư sĩ Hiền Hộ, Thắng Man phu nhân, cư sĩ Cấp Cô Độc… vào thời đức Phật còn đương tại thế, hay Trưởng giả Tâm Minh Lê Đình Thám ở Miền Trung, Trưởng giả Chánh Trí Mai Thọ Truyền ở Miền Nam trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại… Ngày nay, phổ thông trong giới học Phật gọi chung những tín đồ Phật giáo, những người có đạo tâm, tin vào Phật pháp và đang tu ở tại nhà là Cư sĩ.
Như nội dung đã viết trong kinh Mahanàma – Tương V, 574, kinh tạng Pali (Pali Nikaya – Bản dịch của HT Thích Minh Châu). Đức Phật đã có giải thích cho Thích tử Mahanàma về ý nghĩa của hai chữ Cư sĩ: Cư sĩ là người tin vào sự giác ngộ của Như Lai, có niềm tin vào chánh pháp, đã quy y Tam Bảo, thụ trì 5 giới, và biết sống bố thí, tự lợi lợi tha.
Theo như trong kinh Đề Vị Ba Lợi 提謂波利經 (bản chánh kinh nầy bị thất truyền, nhưng các sách khác đã trích dẫn, giải thích rất nhiều, nhờ đó mà biết được đại ý nội dung), kinh nầy cũng gọi là Đề vị ngũ giới kinh, tường thuật lại. Sau khi thành đạo, Phật đã tĩnh tọa suốt 28 ngày để hưởng pháp lạc của đạo quả Niết-bàn, không hề ăn uống. Qua ngày thứ 29, trên đường đi đến vườn Lộc dã, lúc dừng chân giữa đường, đức Phật gặp đoàn thương nhân xứ Ukala do hai thương gia có tên là Đề vị (Tapussa - Đề-lê-phú-sa) và Ba-lợi (Bahl-lika - Bạc-lê-ca) cầm đầu, dẫn theo đoàn lái buôn trên 500 người với 500 cỗ xe chất đầy châu báu đang trên đường trở về bản quốc. Từ xa, thấy đức Thế Tôn, họ đến đảnh lễ dưới chân Ngài và dâng cúng thức ăn. Đây là những người đầu tiên ở thế gian dâng cúng thức ăn lên đức Phật kể từ sau khi đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề. Sau khi thụ nhận thức ăn do Đề-vị và Ba-lợi hiến cúng, đức Phật dạy cho họ một bài kệ hộ thân và khuyên bảo: Các người nên quy y Phật, quy y Pháp, rồi thuyết về giáo lý Ngũ giới, Thập thiện cho họ nghe, đồng thời cho họ ít sợi tóc và móng tay để kỷ niệm. Những kỷ vật nầy được chiêm bái trải qua nhiều thế hệ, ngày nay trở thành một bảo vật của quốc gia và hiện đang được tôn thờ trong bảo tháp Shwedagon, một kỳ quan vô giá tại thủ đô Ngưỡng-quang (Yangon), Miến Điện (Myanmar). Về Đề-vị và Ba-lợi, sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, hai vị thương gia và đoàn thương nhân xin quy y với Phật, được đức Phật chấp thuận cho quy y và trao truyền Ngũ giới cho họ. Đây được xem là hai vị Cư sĩ đầu tiên, quy y “Nhị bảo” trong Giáo đoàn của Phật, vì lúc đó Phật chưa độ cho năm anh em ông Kiều-trần-như, chưa có Tăng già cho nên ở thế gian chưa có đầy đủ 3 ngôi Tam Bảo. Tuy nhiên, khi truyền pháp quy y và Ngũ giới cho hai vị thương gia (và cho Long Vương) Phật đều xướng Tam quy, vì muốn cho họ được quy y vị lai Tăng sau nầy. Theo kinh Đại Bổn (Mahāpadānasuttaṃ) về sau Cư sĩ Bạc-lê-ca (Bahl-lika) xuất gia trở thành Tỳ-khưu và đắc quả A-la-hán.
Qua sự kiện đó, đã cho chúng ta biết rõ rằng, muốn trở thành một Người tại gia, tức đệ tử đang sống tại gia của đức Phật là phải có niềm tin nơi chánh pháp, đã quy y Tam Bảo và phát nguyện thụ trì Ngũ giới. Đây được xem như 3 điều kiện bắt buộc phải có để bước vào Đạo, bước vào nhà Phật, trở thành một Phật tử, một Cư sĩ, một Người Tại Gia.
Vậy, Quy y nghĩa là gì? Tại sao muốn trở thành Phật tử thì cần phải quy y?
“Quy” 歸là về, trở về hay quay về, như người con gái về nhà chồng, thì gọi là “Vu quy” 于歸. Người bỏ xứ đi xa, nay trở về quê cũ, gọi là “Quy cố hương” 歸故鄉; “y” 依 là nương tựa, dựa vào. Quy y nghĩa là quay về nương tựa, hàm ý nương nhờ vào sự dẫn dắt, che chở, giúp đỡ, gia hộ, bảo vệ để không còn phải lo lắng, sợ hãi, không còn cảm thấy lẻ loi, cô đơn nữa. Ví như gà mẹ dẫn bầy gà con đi kiếm ăn, khi thấy bóng diều hâu gà mẹ liền kêu lên, tất cả các gà con đều chạy nhanh về núp dưới cánh gà mẹ để cầu sự che chở, bảo vệ, khi ấy gà con không còn thấy mình bị đe dọa hay sợ hãi nữa, vì tin rằng đã được mẹ che chở; hoặc như đứa bé được mẹ dẫn đi chơi xa, khi nó cảm thấy sợ hãi hay bị đe dọa, nó liền chạy đi tìm mẹ, tìm được rồi nó liền nắm chặt tay mẹ hay đứng sát một bên, khi ấy nó có cảm giác an tâm, không còn lo lắng sợ hãi nữa, vì tin rằng đã được mẹ che chở cho rồi. Ý nghĩa của sự quy y cũng giống như vậy.
Vào thời tiền sử xa xưa, còn trong u mê, mông muội, con người lúc nào cũng lo âu, sợ hãi vì mạng sống luôn bị đe dọa, cho nên phải nương tựa vào sự phù hộ của thần núi, thần sông, tảng đá, gò đất, bụi cây…, phải tin vào “thần cây đa, ma cây gạo, cú cây đề” để tìm cầu sự che chở. Đó thảy đều là hình thức quy y. Theo giáo lý Phật dạy, thì sự quy y như vậy không phải là điều chánh đáng, vì không giúp được gì cho con người trong sự vượt thoát khổ não bức bách và chấm dứt được nỗi sợ hãi về sinh tử luân hồi.
Con người vì đang sống trong nhiễm ô, tà kiến, khổ đau nên cần nương nhờ vào năng lực gia trì, phù hộ, che chở, dẫn dắt, để có thể đoạn trừ phiền não, vượt qua sự thống khổ của thế gian, chấm dứt nỗi sợ hãi phải trầm luân trong sinh tử, cho nên cần phải quay về quy y, nương tựa nơi Tam Bảo.
Quy y Tam Bảo không phải là đến tham dự một buổi lễ được tổ chức tại chùa cho có hình thức, để rồi sau đó có được một pháp danh, rồi xưng mình là Phật tử. Người muốn quy y Tam Bảo, trước tiên cần phải có niềm tin nơi Tam Bảo, đặt sự tin tưởng của mình trọn vẹn nơi Tam Bảo, nguyện suốt đời quay về nương tựa, y cứ nơi Tam Bảo. Theo đó:
- Quy y Phật là quay về nương tựa nơi đức Phật, cho dù phải bỏ thân mạng quyết không quy y theo trời, thần, quỷ vật. Vì sao? Vì trời thần, quỷ vật kia còn phải chịu luân hồi sinh tử, chứ chưa phải là hàng thánh nhân xuất thế, giải thoát. Quy y Phật là một lòng cung kính, lễ bái cúng dường đức Phật; tin tưởng rằng bản tâm mình cũng có tánh giác giống như Phật, nguyện quay về với tánh giác đó, hàng ngày nỗ lực tu tập để tánh giác đó được hiển lộ. Quy y Phật là thực tâm muốn trở thành Phật. Đó cũng chính là bản hoài của Phật và chư Đại Bồ Tát thị hiện ở cõi đời nầy, muốn giáo hóa cho tất cả chúng sanh thành Phật, chứ không phải giáo hóa để chúng sanh thành Phật tử. Quy y Phật mà chỉ để trở thành Phật tử, tức là cô phụ (làm trái lại, phụ tấm lòng mong mỏi) bản hoài của Phật và chư Đại Bồ Tát.
- Quy y Pháp là quay về nương tựa nơi chánh pháp, cho dù phải bỏ thân mạng quyết không quy y theo kinh điển ngoại đạo, tà giáo. Vì sao? Vì kinh điển của ngoại đạo, tà giáo không phải là pháp môn vô lậu, có thể đưa con người đến chỗ diệt khổ và giải thoát. Quy y Pháp là cung kính phụng thờ chánh pháp và biết tôn trọng, tri ân đối với người đang trùng tuyên chánh pháp, xem chánh pháp là bậc đạo sư của mình, hàng ngày an trú trong chánh pháp, y cứ nơi pháp môn mà mình đã thọ học, thường xuyên nghiên cứu, đọc tụng kinh điển để tăng trưởng trí tuệ, chuyên tâm quán chiếu để trau giồi chánh tri kiến, chánh tư duy, chuyển hóa thân tâm mình.
- Quy y Tăng là quay về nương tựa nơi đoàn thể tu học chân chính, cho dù phải bỏ thân mạng quyết không quy y theo thầy tà bạn ác. Vì sao? Vì thầy tà, bạn ác không phải là người đang đi trên con đường đưa đến chứng quả Tam thừa, họ sẽ dẫn dắt ta vào con đường tối tăm, tội lỗi. Quy y Tăng là thể hiện lòng cung kính, vâng theo lời dạy của Tăng già, y cứ nơi tánh chất thanh tịnh, hòa hợp của Tăng già để mà tu tập phạm hạnh, giữ gìn học giới, xây dựng đoàn thể tu học của mình cho được hòa hợp, thanh tịnh, để mang lại phúc lạc cho tất cả.
Thêm vào đó, một khi đã quy y Tam Bảo, ngoài sự quay về nương tựa, cầu sức gia trì của Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo (Thế gian trụ trì Tam Bảo) ở bên ngoài, tức tha lực, người quy y cần nên quay về tu tập, quán chiếu, trở lại với tánh giác nơi tự tánh; trừ bỏ ác kiến để quay về với chánh tri kiến; từ bỏ sự tham ái, nhiễm ô bất tịnh để quay về với sự thanh tịnh nơi tự tánh (Tam Bảo nơi tự tánh). Đó là sự và lý quy y Tam Bảo vậy.
Trong kinh số 6, phẩm Thiện Tụ, Thiên Năm Pháp, kinh Tăng Nhất A Hàm. Thích Đề-hoàn Nhân đã trả lời cho một vị Thiên tử rằng: “Ai quy y Tam Bảo thì sẽ không còn bị rơi vào 3 đường dữ nữa”.
Quy y Tam Bảo là bước đầu tiên để vào nhà Phật, là nền tảng căn bản của tất cả giáo lý Phật giáo. Bảy chúng đệ tử của Phật, dù xuất gia hay đang ở tại gia, muốn tu trì pháp môn hay thọ nhận bất cứ loại giới luật nào, trước tiên cũng đều phải thọ Tam quy giới. Tất cả các thời khóa công phu tu trì sớm tối, trước khi hồi hướng công đức, cũng đều phải trì tụng Tam quy để cảnh tỉnh chính mình. Như thế để biết, Tam quy là bước đầu tiên có ý nghĩa thiết yếu nhất trên con đường Phật đạo vậy.
Có người hỏi rằng: Có thật sự cần thiết phải quy y Tam Bảo hay không? Hay cứ y theo những lời Phật dạy trong kinh điển, rồi theo đó mà thực hành cũng tu được vậy.
Câu trả lời là: Không! Tại sao? Vì nếu chỉ y cứ theo kinh mà tu, tức chỉ nương tựa nơi Pháp Bảo. Trong khi Pháp Bảo là do Phật Bảo tuyên thuyết mới có và nhờ ở Tăng Bảo mà được lưu truyền. Nếu không có Phật Bảo và Tăng Bảo thì Pháp Bảo không thể thành tựu được. Hơn nữa, Tam Bảo tuy phân làm ba nhưng thể tánh cũng như bản chất chỉ là một và không thể tách rời. Do đó, không thể chỉ y cứ vào Pháp Bảo mà không quy y Phật Bảo và Tăng Bảo. Hay nói cách khác, nếu chỉ quy y Nhất Bảo, hay chỉ quy y Nhị Bảo thì pháp Tam quy y không thể thành tựu.
Nên biết, phước điền của cả thế gian, không gì hơn là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo cũng mang nội dung của sự phát tâm cầu Vô thượng Bồ-đề. Người có niềm tin chân chánh thọ trì Tam quy, được 9 lợi ích sau đây:
1. Chính thức trở thành một thành phần trong 7 chúng đệ tử của Phật.
2. Bước lên bực thang đầu tiên, làm nền tảng cho sự thọ giới sau nầy.
3. Giảm nhẹ những tội chướng đã tạo ra từ trước.
4. Chứa nhóm công đức to lớn.
5, Được hưởng quả vui trong hiện tại và quả vui ở vị lai.
6. Chẳng còn bị đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
7. Người và loài chẳng phải người (phi nhân) đều chẳng thể nhiễu loạn.
8. Tất cả việc tốt lành đều được thành tựu.
9. Là cái nhân đầu tiên để dẫn đến Niết-bàn.
Theo nội dung viết trong phẩm Thanh Tín Sĩ và phẩm Thanh Tín Nữ, kinh Tăng Nhất A-Hàm (Tiểu Tạng Thanh Văn - Việt dịch: Thích Đức Thắng; hiệu chính và chú thích: Tuệ Sỹ) (tương đương Tăng Chi Bộ Kinh - Anguttara Nikaya – HT Thích Minh Châu Việt dịch).
Mười vị Ưu-bà-tắc đệ nhất, đứng đầu trong hàng đệ tử của đức Phật là:
- Người đầu tiên nghe pháp mà chứng Hiền thanh, là hai thương khách Tapussa (Đề-lê-phú-sa) và Bhallika (Bạc-lê-ca).
- Trí tuệ đệ nhất (Đệ nhất thuyết pháp) là Gia chủ Chất-đa.
- Thần đức đệ nhất, chính là Kiền-đề A-lam.
- Hàng phục ngoại đạo đệ nhất, chính là Gia chủ Quật-đa.
- Nói pháp sâu đệ nhất, chính là Gia chủ Ưu-ba-quật.
- Tọa thiền, tư duy đệ nhất, chính là Ha-xỉ A-la-bà.
- Hàng phục Ma cung đệ nhất, chính là Gia chủ Dũng-Kiện.
- Phước đức đệ nhất, chính là Gia chủ Xà-lợi.
- Đàn thí đệ nhất, chính là Gia chủ Tu-đạt (Sudatta - Cấp Cô Độc)
- Thành tựu môn tộc đệ nhất, chính là Gia chủ Mẫn-dật.
Và mười vị Ưu-bà-di đệ nhất, đứng đầu trong hàng đệ tử của đức Phật là:
- Người đầu tiên thọ trì đạo mà chứng quả, chính là Ưu-bà-di Nan-đà Nan-đà-bà-la.
- Trí tuệ, đa văn đệ nhất, là Ưu-bà-di Cửu-thọ-đa-la.
- Thường thích tọa thiền đệ nhất, là Ưu-bà-di Tu-tỳ-da Nữ.
- Huệ căn tỏ rõ đệ nhất, là Ưu-bà-di Tỳ-phù.
- Kham năng thuyết pháp đệ nhất, là Ưu-bà-di Ương-kiệt-xà.
- Khéo diễn nghĩa kinh đệ nhất, là Ưu-bà-di Bạt-đà-sa-la Tu-diệm-ma.
- Hàng phục ngoại đạo đệ nhất, là Ưu-bà-di Bà-tu-đà.
- Âm vang trong suốt, là Ưu-bà-di Vô Ưu.
- Luận giải nhiều đề tài đệ nhất, là Ưu-bà-di Bà-la-đà.
- Dõng mãnh tinh tấn đệ nhất, là Ưu-bà-di Tu-đầu.