Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Phẩm “Thí Dụ”

24/11/202017:18(Xem: 8002)
14. Phẩm “Thí Dụ”

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-488

 

XIV. PHẨM “THÍ DỤ”

Phần đầu quyển 548, Hội thứ IV, TBBN.

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

 

Tóm lược:

 

Quyển thứ 548

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải đúng thật là Bát Nhã sâu xa vì việc lớn mà xuất hiện ở đời không?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng thật là Bát Nhã sâu xa vì việc lớn mà xuất hiện ở đời. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa có thể thành tựu Nhất thiết trí trí, thành tựu các bậc Độc giác, thành tựu các bậc Thanh văn.

Thiện Hiện nên biết! Như Quán đảnh đại vương Sát đế lợi, oai đức tự tại, chinh phục tất cả, đem các việc nước giao cho quan lớn nên rảnh rỗi, nhàn hạ, an ổn, vui vẻ. Chư Phật cũng thế, là đại Pháp vương oai đức tự tại, chinh phục tất cả, đem các pháp Phật, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Thanh văn đều giao phó Bát nhã Ba la mật để thành tựu khắp tất cả.

Thế nên, này Thiện Hiện! Bát Nhã sâu xa xuất hiện ở đời vì việc lớn là đúng sự thật.

Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã sâu xa không vì nhiếp thọ chấp trước sắc mà xuất hiện ở đời; không vì nhiếp thọ chấp trước thọ, tưởng, hành, thức mà xuất hiện ở đời. Không vì nhiếp thọ chấp trước quả Dự lưu mà xuất hiện ở đời; không vì nhiếp thọ chấp trước quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán mà xuất hiện ở đời. Không vì nhiếp thọ chấp trước Độc giác Bồ đề mà xuất hiện ở đời. Không vì nhiếp thọ chấp trước Nhất thiết trí trí mà xuất hiện ở đời. (Q.548, TBBN)

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Vì sao Bát Nhã sâu xa này cũng không vì nhiếp thọ chấp trước Nhất thiết trí trí mà xuất hiện ở đời?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Ý ông sao? Ông thấy có quả A la hán có thể nhiếp thọ chấp trước không?

Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không. Con không thấy có quả A la hán có thể nhiếp thọ chấp trước.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Hay thay! Ta cũng không thấy có pháp Như Lai có thể nhiếp thọ chấp trước.

Thế nên, này Thiện Hiện! Bát Nhã sâu xa không vì nhiếp thọ chấp trước Nhất thiết trí trí mà xuất hiện ở đời.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Bát Nhã sâu xa cũng không vì nhiếp thọ chấp trước Nhất thiết trí trí mà xuất hiện ở đời thì các chúng Bồ Tát sơ học Đại thừa nghe nói như vậy liền sanh tâm hoảng sợ, không thể tin nhận. Nếu từng ở nơi vô lượng quá khứ Phật có đầy đủ nhân duyên, phát nguyện rộng lớn, luôn luôn tích tập căn lành tốt đẹp nhất, các chúng Bồ Tát nghe nói như vậy mới có thể tin thọ được.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như lời ngươi nói. Do nhân duyên này không nên vội thuyết Bát Nhã sâu xa cho các Bồ Tát mới học Đại thừa.  

Khi ấy, các Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc đều bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật này thật là sâu xa, khó thấy, khó biết, khó tin hiểu vô cùng. Những hữu tình nào đã từng ở nơi vô lượng quá khứ Phật, phát nguyện rộng lớn, trồng nhiều căn lành và phục vụ nhiều bạn lành thì mới tin hiểu được Bát Nhã sâu xa. Nếu như các loài hữu tình nơi tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều thành tựu tùy tín hành, trải qua một kiếp hay hơn, những loài hữu tình đó tu tự địa hạnh, chẳng bằng có người đối với Bát Nhã sâu xa này vui thích, nghiền ngẫm, suy tư, so sánh, quán sát trong một ngày, thì công đức đạt được nhiều hơn công đức kia vô lượng.

Phật dạy các Thiên tử:

- Đúng vậy! Như các ông đã nói!

Thiên tử nên biết! Nếu các thiện nam, thiện nữ được nghe Bát Nhã sâu xa, thì mau chóng đắc Niết bàn, vượt hơn tùy tín hành đã nói trước đây, trải qua một kiếp hay hơn tu tự địa hạnh.

Các Thiên tử nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phấn chấn, đảnh lễ đức Thế Tôn, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi từ tạ trở về cung.

Họ ra khỏi hội chúng chẳng bao xa bỗng nhiên biến mất. Tùy thuộc cõi nào họ trở về cung cõi ấy, khuyến khích chư thiên tu hạnh thù thắng.

 

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào nghe Bát Nhã sâu xa có thể sanh tin hiểu, không bị chìm đắm, không bị mê muội, không nghi hoặc, không chấp, hoan hỉ lắng nghe, cung kính cúng dường, vị ấy từ đâu sanh đến chỗ này?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu các đại Bồ Tát nghe Bát Nhã sâu xa có thể sanh tin hiểu, không bị chìm đắm, không bị mê muội, không nghi hoặc, không chấp thủ, hoan hỷ lắng nghe, cung kính cúng dường, ưa gặp, ưa nghe, thọ trì, đọc tụng, thường không xa lìa Bát Nhã sâu xa và có những ý tưởng tốt đẹp tương ưng với người đó, yêu mến đi theo người thuyết pháp, như bò con theo mẹ, chưa tạm xa lìa. Cho đến dù chưa được tất cả nghĩa lý Bát Nhã sâu xa, thông suốt rốt ráo, có thể giảng nói cho người, thì vẫn không bao giờ xa lìa Bát nhã Ba la mật và thầy thuyết pháp, dù chỉ trong giây phút. Đại Bồ Tát này từ trong cõi người sanh đến đây, nhờ vào nhân tốt đẹp đời trước nên thành tựu sự kiện hôm nay. (Q.548, TBBN)

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải các đại Bồ Tát thành tựu công đức như vậy là nhờ vào thừa sự cúng dường chư Phật ở phương khác rồi từ đó sanh ra đến đây chăng?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Có đại Bồ Tát thừa sự cúng dường chư Phật ở phương khác rồi từ đó sanh ra đến đây, thành tựu công đức tốt đẹp như vậy. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này trước đây đã ở nơi vô lượng đức Phật phương khác nghe Bát Nhã sâu xa sanh lòng tin hiểu, cung kính cúng dường, biên chép, thọ trì, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa kinh Bát nhã Ba la mật, tư duy, tu tập, giảng dạy cho người khác. Từ nơi đó họ sanh đến đây, nhờ căn lành đã có nên thành tựu được việc này.

Này Thiện Hiện! Có đại Bồ Tát là chư thiên từ trời Đổ sử đa, sanh vào cõi người, họ cũng được thành tựu công đức như vậy. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này đời trước đã ở trời Đổ sử đa, nơi đại Bồ Tát Từ Thị, nghe Bát Nhã sâu xa sanh lòng tin hiểu, cung kính cúng dường, thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa trong Kinh ấy, tư duy, tu tập, rộng vì người nói. Vị ấy từ cõi đó sanh đến đây, nhờ căn lành đời trước nên thành tựu được việc này.

Này Thiện Hiện! Các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa tuy đời trước đã được nghe Bát nhã Ba la mật nhưng không thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, đời này sanh trong cõi người nghe nói Bát Nhã sâu xa này tâm mê mờ, nghi hoặc, thối lui. Hoặc có lúc sanh ra những sự hiểu biết khác khó có thể khai ngộ. Vì sao? Vì không hiểu nghĩa nên tâm mê mờ, nghi hoặc, thối lui.

Này Thiện Hiện! Các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa tuy đời trước đã được nghe Bát nhã Ba la mật cũng từng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày nhưng không theo lời dạy tinh tấn tu hành. Ngày nay, sanh trong loài người, được nghe dạy Bát Nhã sâu xa, dù chỉ trải qua thời gian ngắn, tâm người ấy vẫn vững chắc, không ai có thể phá hoại. Nếu rời chỗ nghe Bát Nhã sâu xa và vị thầy thuyết pháp để thỉnh hỏi nghĩa sâu mầu, thì người ấy liền thối thất, sanh tâm do dự. Vì sao? Vì tuy đời trước thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa được nghe Bát nhã Ba la mật, cũng thỉnh hỏi nghĩa lý sâu xa, nhưng không tu hành tinh tấn theo lời dạy, nên đời này đối với Bát nhã Ba la mật có khi muốn nghe, có khi chẳng muốn nghe, có khi tâm bền vững, có khi tâm lui sụt, tâm ấy dao động, tấn thối vô thường, như bông gòn bay theo gió. Nên biết các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa mới học Đại thừa, mặc dù có tín tâm nhưng không thanh tịnh kiên cố. Đối với Bát Nhã sâu xa không thể tin ưa lâu dài. Theo nghiệp vị ấy sẽ rơi vào một trong hai địa, là Thanh văn hoặc Độc giác.

Thiện Hiện nên biết! Như chiếc thuyền bị thủng giữa biển cả mênh mông, những người trong thuyền nếu không nắm được cây, đồ vật, phao nổi, tấm ván, thây chết v.v… làm chỗ nương tựa, biết chắc họ sẽ bị chết chìm, không qua đến bờ kia được. Nếu những người trong thuyền đó nắm được cây, đồ vật, phao nổi, tấm ván, thây chết v.v… làm chỗ nương tựa, nên biết những nguời này không bao giờ bị chết chìm, được an ổn và đến bờ bên kia, không bị tổn hại, hưởng các sự an vui. (Q.548, TBBN)

Các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa cũng như vậy. Có người tuy đối với Đại thừa có thành tựu chút ít kính tin, yêu thích nhưng không nhiếp thọ Bát Nhã làm chỗ nương tựa. Nên biết hạng người đó lui mất giữa đường, không thể chứng đắc Nhất thiết trí trí, nghĩa là rơi vào Thanh văn hay Độc giác. Người nào đối với Đại thừa mà có tín tâm, có nhẫn thọ, có hâm mộ, có khát khao, có kiến giải, có thực hành, có hỷ, có lạc, có xả, có tinh tiến, có tôn trọng, có thâm tâm, có tịnh tâm, không buông trôi, không tán loạn đối với quả vị Vô Thượng Bồ đề không bỏ điều qui định hoàn hảo và có nhiếp thọ Bát Nhã làm chỗ nương tựa. Nên biết những người này không bao giờ giữa đường lui sụt vào Thanh văn hay Độc giác, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, mang lại lợi ích an vui cho tất cả mọi loài trong tương lai.  

Này Thiện Hiện! Như có người nam hay người nữ mang chiếc bình đất sống đến sông, suối, giếng, ao, khe để lấy nước. Nên biết chiếc bình này chẳng bao lâu sẽ bị tan rã. Vì sao? Vì chiếc bình này chưa được nung chín, chẳng kham nổi nước, nên cuối cùng tan rã thành đất.

Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, tuy đối với Đại thừa có tín tâm, có nhẫn thọ, có hâm mộ, có khát khao, có kiến giải, có thực hành, có hỷ, có lạc, có xả, có tinh tiến, có tôn trọng, có thâm tâm, có tịnh tâm, không buông trôi, không tán loạn đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ điều qui định hoàn hảo, nhưng không nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa. Nên biết những kẻ đó sẽ lui mất giữa đường, không thể chứng đắc Nhất thiết trí trí, nghĩa là rơi vào Thanh văn hay Độc giác địa.

Này Thiện Hiện! Như có người nam hay người nữ mang chiếc bình đã nung chín đến sông, suối, giếng, ao, khe để lấy nước. Nên biết chiếc bình này không bị tan rã. Vì sao? Vì chiếc bình này được nung chín tốt, kham nổi chịu đựng nước rất bền chắc.

Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ và nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa. Nên biết những người này không bao giờ giữa đường lui sụt vào Thanh văn hay Độc giác địa, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, mang lại lợi ích an vui cho tất cả mọi loài trong tương lai.

Này Thiện Hiện! Như có lái buôn không có trí khôn, thuyền ở trên bờ chưa sửa chữa chắc chắn, giục tốc kéo xuống nước ra đi. Nên biết thuyền này giữa đường bị hư chìm, người, thuyền, của cải vật chất trôi đi khắp nơi. Người buôn này không có trí khôn nên tán thân mất mạng và mất hết của cải quí báu.

Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, tuy đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ qui định hoàn hảo, nhưng không nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa. Nên biết những kẻ đó sẽ lui mất giữa đường, không thể chứng đắc Nhất thiết trí trí, nghĩa là rơi vào Thanh văn hay Độc giác địa.

Này Thiện Hiện! Như có người buôn trí tuệ khéo léo, trước khi ra khơi sửa chữa thuyền thật chắc chắn, rồi mới hạ thủy, biết không có lỗ thủng, sau đó đem đồ đạc, của cải chất lên thuyền ra đi. Nên biết thuyền này chắc chắn không bị hư chìm, người và đồ đạc được đến nơi an ổn.

Cũng vậy, này Thiện Hiện! Thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ qui định hoàn hảo và có thể nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa. Nên biết những người này giữa đường không bao giờ lui sụt vào Thanh văn hay Độc giác địa, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, làm lợi lạc cho tất cả hữu tình đến tận đời vị lai. Vì sao? Vì nếu các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ qui định hoàn hảo và nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã suốt trong thời gian ấy không rơi vào Thanh văn hay Độc giác địa, nhất định sẽ chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thường làm lợi ích cho tất cả hữu tình.

Này Thiện Hiện! Ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại thêm nhiều bệnh như: Bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm, hoặc ba bệnh xen lẫn. Ý ngươi thế nào? Người già bệnh này có thể từ giường có thể tự đứng dậy được không?

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Người này nếu có người đỡ cho đứng dậy cũng không có sức đi một dặm, hai dặm, ba dặm. Vì sao! Vì đã quá già lại nhiều bệnh.

Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, giả sử đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ qui định hoàn hảo. Nếu không nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa(1), nên biết hạng người này không chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, bị lui sụt vào Thanh văn hay Độc giác địa. Vì sao? Vì xa lìa pháp phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật nên phải chịu như vậy.

Này Thiện Hiện! Ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại thêm nhiều bệnh như: Bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm, hoặc ba bệnh xen lẫn. Người già bệnh này muốn từ giường, ghế đứng dậy đến chỗ khác nhưng không thể đứng được. Nếu có hai người mạnh, mỗi người nâng một bên nách, đỡ dần cho đứng lên và bảo người đó: “Đừng lo bị khó khăn, muốn đi đâu tùy ý, hai chúng tôi không bao giờ bỏ ông, chắc chắn đưa đến chỗ an ổn không có tổn hại”.

Cũng vậy, này Thiện Hiện! Có các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa nếu đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ qui định hoàn hảo và nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa. Nên biết những người này không bao giờ giữa đường bị suy sụt, rơi vào Thanh văn hay Độc giác địa, nhất định chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các hữu tình.

 

Thích nghĩa:

(1). Kinh ĐBN thường đề cập đến thập Ba la mật là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát nhã Ba la mật. Đó là sáu thành phần chánh mà Bồ Tát phải học nếu muốn giác ngộ, trở thành Chánh giác hay đắc Nhất thiết trí trí; và bốn Ba la mật phụ là Phương tiện xảo, Nguyện Ba la mật, Lực Ba la mật và Trí Ba la mật. Dĩ nhiên, 10 thành phần này có chức năng khác nhau. Nhưng, Bát nhã Ba la mật được coi là bộ phận mẹ, chi phối hay nhiếp thọ tất cả các Ba la mật khác. Nên Kinh thường đề cao vai trò của Bát nhã Ba la mật hơn chín Ba la mật khác. Vì vậy, phẩm “Thí Dụ” này cũng như các phẩm tương tự ở ba Hội trước, xem các Ba la mật này là phương tiện của Bát nhã Ba la mật để thành tựu giác ngộ hay đắc Nhất thiết trí trí.

Sở dĩ có giải thích này là vì nhiều Kinh thường dùng cụm từ “phương tiện thiện xảo của Bát Nhã” như Kinh TBBN với phẩm “Thí Dụ” kể trên. Có Kinh như “Phật Mẫu Bát Nhã” lại phân chia làm hai thành phần là Phương tiện và Bát Nhã. Vì xem Bát Nhã như bộ phận mẹ, nên nói Bát Nhã là cứu cánh và chín Ba la mật kia là phương tiện. Trên thực tế thập Ba la mật không có phân chia. Tất cả hỗ tương nhau sanh khởi trên con đường tầm cầu chân lý cùng mang lại phúc lợi cho toàn thể hữu tình.

 

Lược giải:

 

Nếu chỉ có lòng tin ưa mà chẳng biên chép, thọ trì, tụng đọc, chẳng giảng thuyết, chẳng chánh ức niệm Bát nhã Ba la mật cùng với năm Ba la mật kia nhẫn đến Nhất thiết trí, phải biết thiện nam, thiện nữ nầy giữa đường suy bại, chẳng đạt được Nhất thiết trí, sẽ rơi rụng vào bậc Thanh văn hay Độc giác.

Nếu thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo, có tin, có nhẫn, có thích, có muốn, có hiểu, có hành, có hỷ, có lạc, có xả, có tinh tấn, có tôn trọng, có tâm sâu, có tâm tịnh, lìa phóng dật, không tán loạn, lại y Bát nhã Ba la mật, biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, chánh ức niệm, người nầy lại được hộ trì bởi phương tiện thiện xảo của Bát Nhã thì sẽ đạt được Nhất thiết trí, giữa đường chẳng suy bại rơi vào bậc Thanh văn, Độc giác, có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ.

Giống như người vượt biển, chẳng may thuyền bị đắm giữa biển cả mênh mông mà không chịu lấy đồ vật, phao nổi, tấm ván, thây chết v.v… làm chỗ nương vịn thì chắc bị chết giữa đường không thể nào đến thành lớn lợi vui. Bồ Tát cũng thế, đối với Vô thượng Chính đẳng Chính giác, tuy đầy có đủ công đức như trên, nếu không được phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật hộ niệm, Bồ Tát này sẽ không thể thành tựu Nhất thiết trí; ở giữa đường chắc chắn sẽ bị suy bại rơi vào Thanh văn hay Độc giác..

Giống như nam hay nữ dùng bình bằng đất chưa nung chín đến sông, suối, giếng, ao, khe để lấy nước. Nên biết chiếc bình này chẳng bao lâu sẽ bị tan rã. Vì sao? Vì bình này chưa nung chín, khi gặp nước chẳng kham nổi nên tan rã. Cũng như vậy, thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, tuy đối với Đại thừa, có đủ công đức như trên, nếu không được phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật hộ niệm, Bồ Tát này không thể thành tựu Nhất thiết trí; ở giữa đường cũng sẽ bị lui bại.

Giống như lái buôn không có trí khôn, thuyền ở trên bờ sửa chữa chưa xong, giục tốc ra khơi. Nên biết thuyền này giữa đường bị hư chìm, người, thuyền, của cải vật chất trôi nổi khắp nơi. Lái buôn này không có trí khôn nên tán thân mất mạng và mất hết của cải tài vật. Cũng như vậy, thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, tuy đối với Đại thừa có tín, có nhẫn v.v… nhưng không dùng phương tiện thiện xảo và Bát nhã Ba la mật sâu xa. Nên biết những kẻ đó sẽ lui bại giữa đường, không thể chứng đắc Nhất thiết trí, nghĩa là rơi vào Thanh văn hay Độc giác.

hữu tin, hữu nhẫn, hữu ái, v.v… và có đầy đủ công đức mà không nhiếp thọ phương tiện khéo léo của Bát nhã Ba la mật thì cũng giống như người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại nhiều bệnh tật, không thể lê chân. Nhưng nếu có hai người khỏe mạnh, mỗi người xóc một bên nách, đỡ đậy thì có thể đến nơi có phong cảnh đẹp để thưởng ngoạn như mong ước.

Cũng như vậy, hữu tin, hữu nhẫn, hữu ái, v.v... đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, Bồ Tát vẫn không thể sang được bờ kia. Nhất thiết trí, nếu không được hộ trì bởi hai người lực lưỡng là Bát Nhã và Phương tiện, nhất định Bồ Tát bị lùi lại giữa đường và rơi vào bậc Thanh văn hay Độc giác. Tại sao? Vì Bát Nhã và Phương tiện là những người bạn tốt lúc nào cũng hộ trì Bồ Tát trong quá trình hành đạo để thực hiện hạnh nguyện của các Ngài; nếu không có chúng, Bồ Tát sẽ không bao giờ thành đạt ước nguyện.

Vì vậy, Bát Nhã và Phương tiện thiện xảo đóng vai trò quan trọng trong kỹ thuật tu tập và hành trì để trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác. Nên Bát Nhã và Phương tiện là chỗ đáng nương tựa. Do đó, tùy thuận và nhiếp thọ Bát Nhã và Phương tiện là điều cần yếu nếu muốn Giác ngộ, đạt Chánh giác, chứng Nhất thiết trí trí, thành thục chúng sanh cũng như thanh tịnh Phật độ.

Vì vậy, Phật bảo:

Có thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, giả sử đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, nói rộng cho đến đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không bỏ qui định hoàn hảo. Nếu không nhiếp thọ phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa, nên biết hạng người này không chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, bị lui sụt vào Thanh văn hay Độc giác địa. Vì sao? Vì xa lìa pháp phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật nên phải chịu như vậy”./.

 

---o0o---

 

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]