Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2 - TU TRÌ - chương 3 - NỘI QUAN

10/12/201821:14(Xem: 2440)
Phần 2 - TU TRÌ - chương 3 - NỘI QUAN

Phật Giáo Thánh Điển Linh Sơn

Thích Huyền Vi

~0~

 

 

Phần Thứ Hai  -   TU TRÌ

CHƯƠNG  BA  -   NỘI QUAN

 

 

Mục  I   -  Yến  Tọa

 

  1. Mùa Hạ an cư :

 

            Đức Phật ở tại thành Xá Vệ.  Lúc bấy giờ các vị tỳ-kheo, mùa xuân, mùa hạ và mùa đông, tất cả thời đều đi du hóa, dẫm đạp các loài trùng, kiến cùng cỏ cây; mang y bát cùng các vật nặng, hư hao đường sá.  Các cư sĩ thấy thế mới chê trách rằng : “Các sa môn ngoại đạo kia, cũng như các Bà La Môn, còn biết một trong ba mùa.  Tức là mùa hạ thì phải an cư (1).  Các loài chim hãy còn ở ổ trụ hang , rồi tùy mùa mà chúng sống trong ấy.  Thế nên các tỳ-kheo không biết ba mùa nên làm hay không nên làm; các Ngài thường nói nào là thiểu dục từ bi, nào là thương xót chúng sinh; nhưng thật tế thì chà đạp chúng sinh, không có tâm nhân từ, không có hạnh Sa môn, phá pháp Sa môn”.

            Các tỳ-kheo trưởng lão nghe các lời chê trách đắng cay; đem các việc ấy bạch lên đức Phật.  Thế-Tôn nghe xong câu chuyện mới cho nhóm các vị tỳ-kheo tăng, và hỏi ý kiến các vị tăng chúng : “Các ông nhận xét lời của các cư sĩ chê trách, có đúng sự thật không ?”  Các tỳ-kheo đồng thưa rằng : “Thật như vậy, bạch Thế-Tôn !” - Đức Phật giải thích thêm các điều cần thiết cho việc tịnh tu và bảo các tỳ-kheo rằng : “Tất cả các thời, ba tháng mùa hạ, không nên du hành khắp nơi; nếu vị nào không tuân sẽ phạm tôi đột kiết la (2).  Từ nay, chúng tăng phải an cư kiết hạ mùa mưa và kết pháp cấm túc”.

(Trích kinh Ngũ Phần, trong pháp Tam An Cư của phần 3, quyển 19, trương 2, tờ 18, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. An cư : mùa mưa, ba bốn tháng hạ là thời kỳ vạn vật phát sinh, do đó nhà sư không nên đi ra ngoài, nên ở yên trong Tự Viện để nội tĩnh, tĩnh tọa và hành Phật sự.
  2. Đột kiết la : Dukkata. Danh từ tội trong giới luật, tội khinh rất dễ phạm vậy.

 

  1. Con đường yến tọa :

 

            Luận về người yến tọa:

            Không hiện thân ý ở trong ba cõi.  Ấy là yến tọa.  Không bỏ đạo pháp, nhưng thực hiện việc phàm phu.  Ấy là yến tọa.  Không đoạn phiền não mà vào niết bàn.  Ấy là yến tọa.  Nếu người nào hay ngồi như thế, chỗ Phật ấn khả.

(Trích kinh Duy Ma, phẩm Đệ Tứ thứ 3, huỳnh 7, tờ 16, bên trái).

 

Mục  II  -  Chế Tâm

  1. Tàng lục như quy, phòng ý như thành :

 

            Thuở xưa, khi đức Phật tại thế, có một vị đạo nhơn. học đạo dưới gốc cây ở bên mé sông.  Trong 12 năm, sự tham tướng không dứt trừ, vọng tâm lăng xăng, ý thức tán loạn, luôn nghỉ sáu món dục lạc, mắt ưa nhìn sắc đẹp, tai ưa nghe tiếng hay, mũi ưa ngữi mùi thơm, lưỡi thích ném vị ngọt, thân lại (1) tâm pháp, thân tĩnh ý giao du, không bao giờ yên dứt, trong 12 năm không thể đắc đạo.  Đức Phật biết, tìm cách độ mới hóa thành vị Sa môn, đi đến chỗ đạo nhơn kia đồng ở dưới gốc cây.

            Một đêm nọ trăng sáng, có một con quỷ từ dưới sông bò lên, đến dưới gốc cây to. Lúc ấy lại có một con rái, đói đi tìm thức ăn, bổng gặp con quy, bèn muốn ăn thịt quy.  Con quy lập tức rút đầu đuôi và bốn chân vào dấu kín trong mai cứng; rái không thể nào làm hại được; con rái đi hơi xa xa, quy kia lại ló đầu ra và bước đi như thường lệ; thế là quy thoát chết, không có việc gì xảy ra.  Lúc ấy đạo nhơn hỏi vị hóa Sa môn rắng : “Con quy nầy có giáp hộ mạng, rái không cách nào làm hại được”.  Vị Sa môn đáp : “Ta nghĩ người đời, không bằng con quy nầy :  không biết được con vô thường, buông lung sáu tình dục, ma ở ngoài mới xâm nhập, thân hình tiêu hoại, thần thức phải ra đi; sinh tử không đầu mối, xoay dần trong năm con đường khổ, bị não hại trăm ngàn năm, đều do ý tạo ra.  Phải tự cố gắng sách tiến để cầu được diệt độ”.  Lúc ấy vị hóa Sa Môn nói bài kệ rằng :

“Có thân không bao lâu,

Đều phải trả về đất;

Hình hoại thần thức đi,

Tạm gởi tham làm gì ?

Vọng tâm chuyên tạo nghiệp,

Qua lại không đầu mối;

Vọng niệm nhiều tà tướng,

Tự mình chiêu lấy họa;

Ý thức gây tạo ra,

Chẳng phải cha mẹ làm;

Nên gắng đến chánh pháp,

Làm phước chớ thối chuyển.

Dấu sáu chỗ như quy,

Ngừa vọng ý như thành.

Huệ cùng ma chiến đấu,

Thắng lợi không gì lo”.

            Lúc bấy giờ tỳ-kheo nghe nói bài kệ nầy, đoạn lòng tham, ngăn các dục vọng liền chứng đặng đạo A La Hớn.  Biết vị hóa Sa Môn là đức Phật Thế Tôn; y phục chỉnh tề, đảnh lễ dưới chân Phật.

(Trích kinh Pháp Cú Thí Dụ, phẩm Tâm Ý thứ nhất, tạng 6, tờ 72, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Thân lại tâm pháp :  lại đây là nói lược danh từ cánh lạc, xưa dịch là xúc vậy.  Tâm pháp là tất cả các pháp của nội tâm.

 

  1. Tâm buông lung cùng tâm chế ngự :

 

           

            Người buông lung tâm nầy, sẽ mất hết việc lành, việc tốt của con người.  Chế ngự tâm trong một chỗ, không việc gì chẳng làm xong…..

(Trích kinh Di Giáo, thời 10, tờ 113, bên mặt).

 

  1. Tâm nhiễm trưóc cùng tâm không nhiễm trước :

 

            Đức Thế Tôn bảo rằng : “Các tỳ-kheo ! Tâm gần thế gian trôi đi, tâm bị nhiễm trước, tâm không tự tại.  Tỳ-kheo ! tâm kia gần thế gian, chắc chắn bị nhiễm trước, tâm khó tự tại.  Các tỳ-kheo ! hàng đệ tử đa văn của Phật, không có tâm buông lung, mà cũng không có tâm nhiễm trước, không có tâm giãi đãi.  Tỳ-kheo !  đệ tử đa văn của Phật, không theo tâm giãi đãi mà tâm lúc nào cũng theo bổn phận là đệ tử đa văn của Phật.

(Trích kinh Trung A Hàm, quyển thứ 45, phẩm Tâm, trắc 7, tờ 20, bên mặt).

 

  1. Tâm phải tùy người, người chớ tùy tâm :

 

            Vọng tâm phải theo người định đoạt, người chớ theo tâm; Tâm thường làm cho người mê lầm, tâm sát hại thân.  Tâm chứng La Hớn, tâm tạo cõi trời, tâm thủ cõi người, tâm làm súc sinh, tâm làm trùng kiến chim thú, tâm gây địa ngục, tâm làm qủy đói.  Làm thành hình mạo đều do tâm tạo tác cả….

(Trích kinh Phật Bát Niết Bàn, quyển thượng, trắc 10, tờ 14, bên mặt).

 

  1. Phước giữ gìn ý :

 

            Làm trăm ngôi chùa Phật, không bằng cứu sống một người biết tu tĩnh; cứu sống người trong mười phương thiên hạ, không bằng giữ ý một ngày.  Người nào được ý tốt, phước kia khó nghĩ lường.

(Trích kinh Mạ Ý, túc 8, tờ 9, bên mặt).

 

  1. Hàng phục ý mình cùng hàng phục ý người :

 

            Có người không thể hàng phục ý mình, trái lại muốn hàng phục ý của người khác.  Phải hàng phục ý của mình trước mới có thể dễ hàng phục ý của kẻ khác….

(Trích kinh Tam Huệ, tạng 8, tờ 24, bên trái).

 

Mục III  -  Quán Tâm

 

  1. Biết tâm mình như thật :

 

            Đức Phật nói : tâm bồ đề làm nhơn, đại bi làm căn bản, phương tiện để làm cứu kính.  Nầy Bí Mật chư !  Thế nào gọi là bồ đề ?  Nghĩa là biết lòng mình như thật.

(Trích kinh Đại Nhựt, phẩm Trụ Tâm thứ nhất, nhuận 1, tờ 2, bên trái).

 

  1. Đoạn một gút ngã mạn, tất cả gút theo đó đoạn :

 

            Các chúng hữu tình trong thế gian, khi đoạn được một gút thì tất cả các gút (1) khác cũng theo đó mà đoạn.  Thế nào gọi là một gút ?  Ấy là ngã mạn.  Sở dĩ vì sao ?  Các chỗ có gút, trong tế chứa thô, tất cả đều lấy ngã mạn làm căn bản; tự ngã mạn sinh, do ngã mạn lớn.  Thế nên khi chặt đứt một gút ngã mạn, tất cả các gút khác cũng theo đó mà dứt.  Ví như quán sát trung tâm lầu đài ở thế gian thì các bộ phận tùy thuộc của lầu đài ta có thể rõ biết.  Trung tâm nếu sập thì các bộ phận khác cũng sập.  Ngã mạn còn thì các gút nương đó phát sinh; ngã mạn nếu đoạn thì các gút khác theo đó mà dứt hết.

(Trích kinh Bổn Sự :  Itivrtakasùtra, quyển thứ nhất, thời 6, tờ 23, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Gút (kiết), tên khác của phiền não, nó ràng buộc tâm chí vậy.

 

  1. Thấy ngã tức là thấy Phật :

 

            Hỏi : “Nếu được thật tánh của ngã, tức là được thật trí kiến không ?  -  Đáp : “Vâng ! nếu thấy thật tánh của ngã, tức là thật tri kiến.  Ví dụ như vị Quốc Vương kiểm lại người giữ kho vàng, đã xuất dụng bao nhiêu còn lại bao nhiêu vàng đều biết rõ.  Cũng như thế vì  đều biết thật tánh của ta thì biết được thật tri kiến”.  Lại hỏi : “Làm thế nào đặng thật tánh của ta ?” -  Đáp : “Nếu ai chứng đặng ngã, pháp không.  Vì sao thế ?  Vì ngã rốt ráo không có căn bản, không có quyết định; nếu người nào biết được như thế.  Người ấy gọi là đặng thật tánh của ta .”  Lại nữa, “như ta giải nghĩa của Văn Thù Sư Lợì đã nói : “Vì thấy được ngã tức là thấy Phật. Sở dĩ vì sao ?  Vì tánh ta tức là Phật tánh vậy.”

(Trích kinh Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn, phẩm Luận Tịch thứ 8, vũ 1, tờ 13, bên trái).

 

  1. Quán ngã, quán Phật :

 

            Nói về quán ngã, ngã tức là vô ngã.  Ấy gọi là quán ngã.  Lý do vì sao thế ?  Luận về quán ngã, thì quán các pháp tức là quán Phật vậy.  Phật thì vô hình, cũng không thể thấy…

(Trích kinh Thập Trụ Trừ Cấu Đoạn Kết, quyển thứ chín, phẩm Thân, Khẩu, Ý, vũ 3, tờ 90, bên mặt).

 

Mục  IV  -  Tịnh Tâm

 

  1. Bỏ ba độc, tâm như gương sáng :

 

            Ví như người có một tấm gương, không sáng không thấy hình; sau khi gia công lau hết bụi nhơ kia, liền tự thấy hình.  Cũng thế, người đã bỏ tham dâm, giận tức, ngu si, giống như người lau gương.

(Trích kinh A Hàm Chánh Hạnh, túc 8, tờ 16, bên mặt).

 

  1. Rửa sạch lòng nhơ :

 

Người có trí tuệ tiến đều,

Ngày đêm sáu khắc sớm chiều công phu,

Tẩy trừ tâm nhớp gương lu,

Như người thợ bạc đền bù công lao.

Ác sinh tâm vọng cổng cao,

Lại tự phá hoại lao đao  cuộc đời;

Như sắc sinh rĩ vự vời,

Trở lại ăn sắt tơi bời xưa nay.

(Trích kinh Pháp Cú :  Dharmapada, quyển hạ, phẩm Trần Cấu, tạng 6, tờ 102, bên mặt).

 

  1. Tâm đoan trang có sức mạnh :

 

            Chẳng những lực sĩ được nhiều sức mạnh, mà là tâm tự đoan chánh lại thắng hơn lực sĩ.  dùng sức siêng năng tinh tiến, tự tạo thành bậc giác ngộ.

(Trích kinh Phật Bát Niết Bàn, quyển thượng, trắc 10, tờ 12, bên trái).

 

  1. Thế gian sinh sống cùng đạo độ đời :

 

            Người nghĩ sự sinh sống trong thế gian, khó mà vượt qua con đường đời, tâm ưa thế gian thì không ưa đạo.  Đạo từ tâm phát khởi, người tâm đoan chính có thể đắc đạo.  Tâm đoan chính tầm thường, có thể được sinh lên cõi trời; người sáng suốt trải qua đường đời, có thể đặng làm người.

(Trích kinh Phật Bát Nê Hoàn, quyển thượng, trắc 10, tờ 11, bên trái).

 

  1. Tâm tịnh, độ được đời :

 

            Ví như suối nước trong veo, trong ấy có cát sỏi, xanh, vàng, trắng, đen, ai ai cũng đều thấy.  Những người đắc đạo tâm họ được thanh tịnh, người nào có huệ nhãn đều thấy; người muốn đắc đạo, trong lòng phải được trong sạch.  Cũng như nước vẩn đục thì không thấy vật trong nước ấy, giữ tâm không trong sạch thì không thể nào độ đời được.

(Trích kinh Bát Nê Hoàn, quyển thượng, trắc 10, tờ 40, bên mặt).

 

  1. Tâm tịnh, cõi Phật tịnh :

 

            Nếu Bồ Tát muốn được cõi tịnh, phải tịnh tâm của mình trước.  Tùy tâm kia được thanh tịnh, thì cõi Phật thanh tịnh…

(Trích kinh Duy Ma, phẩm Phật Quốc thứ nhất, huỳnh 7, tờ 15, bên trái).

 

  1. Ta tịnh thì tất cả tịnh :

 

            Ta thanh tịnh nên bố thí được thanh tịnh; bố thí thanh tịnh cho nên nguyện lực được thanh tịnh; nguyện lực thanh tịnh, nên hạt giống bồ đề được thanh tịnh.  Con đường đạo thanh tịnh thì tất cả được thanh tịnh vậy.

(Trích kinh Đại Tập, quyển thứ 14, phẩm Hư Không Tạng Bồ Tát, huyền 1, tờ 85, bên trái).

 

  1. Ác trước cùng ác sau :

 

            Vọng tâm trước làm ác, như mây che mặt trăng; vọng tâm sau khởi thiện, cũng như cây đuốc thấp lên tiêu hết bóng tối.

(Trích kinh Vị Tằng Hữu Nhân Duyên, quyển hạ, túc 8, tờ 58, bên mặt).

 

Mục  V  -  Vô Trụ Tâm

 

  1. Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm :

 

            Các vị đại Bồ Tát phải như vậy ma sinh tâm thanh tịnh; không nên trụ sắc (1) sinh tâm, không nên trụ thanh, hương vị, xúc, pháp sinh tâm; phải không trụ chỗ nào, mới sinh được tâm kia.

(Trích kinh Kim Cang Bát Nhã :  Vajraprajnasùtra, nguyệt chín, tờ 20, bên trái).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp  :  gọi đó là 6 trần, cũng lại gọi là 6 cảnh,  nó đối tượng với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.  Trong đây thâu nhiếp tất cả sự vật hữu hình cùng vô hình vậy.

 

  1. Không trụ tâm học :

 

            Ngài Giải Thoát Bồ Tát bạch với Phật rằng : “Thưa Thế Tôn ! tâm không có trụ, có gì mà tu học ?  Ấy là hữu học ư ?  Hay là vô học ư?” -  Đức Phật nói : “Tâm của Bồ Tát không sinh, tâm không xuất nhập, vốn là Như Lai tạng, tánh vắng lặng không động; không phải hữu học mà cũng không phải là vô học, không có học cùng không học, ấy tức là vô học; chẳng phải không có học, ấy là sở học”.

(Trích kinh Kim Cang Tam Muội :  Vajrasamàdhisùtra, phẩm vô tướng pháp, dinh 4, tờ 55, bên trái).

 

  1. Từ gốc không trụ, lập tất cả pháp :

 

            Bất thiện không sinh, pháp thiện không diệt.

Hỏi       : “Thiện cùng bất thiện lấy gì làm gốc ?”

Đáp     : “Thân làm gốc”.

Lại hỏi  : “Thân lấy gì làm gốc”

Đáp       : “Dục, tham làm gốc”.

Lại hỏi   : “Dục, tham lấy gì làm gốc”.

Đáp       : “Lấy hư vọng phân biệt làm gốc”

Lại hỏi  : “Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc”.

Đáp       : “Lấy điên đảo mộng tưởng làm gốc”.

Lại hỏi  : “Điên đảo mộng tưởng lấy gì làm gốc.

Đáp       : “Lấy vô trụ làm gốc”.

Lại hỏi  : “Vô trụ lấy gì làm gốc.

Đáp       : “Không trụ thì không gốc, từ gốc không trụ, nên lập tất cả pháp”.

(Trích kinh Duy Ma :  Vimàlakitisùtrà, phẩm quán chúng sanh thứ 7, huỳnh 7,  bên trái).

 

Mục  VI  -  Niệm Phật

 

  1. Niệm Phật sanh lên cõi trời :

 

            Vua  Mi Lin Đa hỏi Na Tiên tỳ-kheo rằng : “Vi Hương Tao Sa Môn nói :  người ở thế gian làm ác trăm năm, đến khi gần chết niệm Phật, sau khi người ấy chết được sinh về cõi trời; lời nói ấy, tôi không tin nổi.  Lại nói thêm :  làm ác một đời chết, liền vào trong nê lê (1), tôi cũng không tin vậy”;  -  Na Tiên hỏi lại Vua : “Như người cầm một viên đá nhỏ để trên mặt nước, đá ấy nổi hay chìm ?”  -  Vua trả lời : “Đá kia sẽ chìm”.  -  Na Tiên hỏi thêm : “Như có người khuân tảng đá lớn trăm cân để trên chiếc thuyền, đá kia có chìm không ?” -  Vua quả quyết trả lời : “Không chìm”.  -  Na Tiên giải thích : “Khối đá nặng trăm cân ở trong chiếc thuyền, nhờ thuyền nên đá nặng kia không chìm xuống nước.  Cũng như thế, người mặc dù có gốc ác, nhưng một khi niệm Phật; nhờ tha lực một phần, nên không vào trong nê lê, liền sanh lên cõi trời.  Viên đá nhỏ kia bị chìm cũng như người làm ác, không biết niệm Phật, tụng kinh, sau khi chết bèn vào địa ngục”.  Vua Mi Lin Đa khen rằng : “Hay quá !  quí hóa thay !”.

(Trích kinh Na Tiên tỳ-kheo, quyển hạ, tạng 8, tờ 50, bên trái).

 

LƯỢC GIẢI

 

  1. Nê lê :  Naraka, dịch là địa ngục.

 

  1. Nhớ Phật, niệm Phật, cách Phật không xa :

 

            Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với bạn đồng luân 52 vị Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch Phật rằng : “Con nhớ nhiều kiếp về trước, có đức Phật ra đời, tên là Vô Lượng Quang, 12 đức Như Lai nối nhau một kiếp, đức Phật kia sau hết hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, đức Phật kia dạy con niệm Phật ta muội.”

            Ví như có người :  một chuyên tâm nhớ, một người khác chuyên tâm quên.  Hai người như thế, nếu gặp hay không gặp, hoặc thấy hay không thấy, hai người nhớ nhau, cả hai nhớ nghĩ sâu xa.  Như thế đời nầy cho đến đời khác, đồng làm hình ảnh, không cùng trái khác; Như Lai trong mười phương thường nghĩ các chúng sanh, như mẹ nhớ con.  Nếu con trốn tránh, tuy nhớ cũng chẳng làm gì?   Con nếu nhớ mẹ, cũng như mẹ nhớ con; mẹ con nhiều đờì không xa cách nhau.  Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật niệm Phật; hiện tiền, tương lai, quyết định thấy Phật và cách Phật không xa; không nhờ phương tiện, mình phải tự động để tâm đặng khai, cũng như người ướp mùi thơm, thân luôn luôn có hơi thơm.  Ấy gọi là Hương Quang trang nghiêm.

            Ta nhớ nhân địa xưa kia, dùng tâm niệm Phật, chứng quả vô sinh pháp nhẩn; nay ở thế giới nầy, tiếp độ người niệm Phật, về nơi cõi Tịnh……

(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 5, thành 1, tờ 20, bên trái).

 

  1. Con đường niệm Phật :

 

            Phải tắm gội sạch sẽ, mặc ác tinh khiết, ăn rau cải trường trai, chớ nên ăn ngũ vị tân và thịt cá.  Ở chỗ vắng lặng,  trang nghiêm chốn đạo tràng; ngồi kiết già chánh niệm, hoặc đi, hoặc ngồi, nhớ thân tướng của Phật, không cho tâm loạn động, lại cũng chớ duyên cảnh khác, hay nhớ nghĩ các việc khác.  Hoặc một ngày một đêm, hoặc bảy ngày đêm; không tạo nghiệp khác, chí tâm niệm Phật, cho đến khi nào thấy Phật.  Niệm nhỏ thấy nhỏ, niệm lớn thấy lớn, cho đến niệm vô lượng, thấy sắc thân Phật cũng vô lượng vô biên.

 

(Trích kinh Đại Tập  :  Mahàsanghàtasùtra, quyển 43, phẩm Nhật Tạng Niệm Phật Tam Muộn, huyền 3, tờ 45, bên mặt).

 

  1. Bồ Tát niệm Phật:

 

            Vào định diệt thọ tướng, an trụ trong định nầy, tất cả ba thọ ba hành đoạn diệt; tâm không hành động, các thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý v.v…đều phải đoạn diệt.  An trụ trong định, hoặc một ngày đêm, hoặc cho đến bảy ngày đêm, thọ đồ ăn pháp vị trong thiền định.  Từ đây cho đến xã định, tâm niệm phải thanh tịnh, không có chỗ nào chấp trước, an nhiên mà trụ, lại vào thắng nghĩa cứu kính không định.  Trụ trong định nầy giữ tâm bình đẳng, không chỗ nào thủ trước, cũng như hư không.  Các lỗ chân long trong thân đều lưu xuất sương dịch, hình trạng cũng như sao mão, dứt trừ tất cả gút mắc gai nhọn trong tâm.  Từ giờ phút ấy cho đến khi xã định, đặng ‘chánh ức niệm’, tối thắng hỷ lạc, đầy khắp châu thân; như vị thiên tử cõi trời Đại Tự Tại, hiện bày tất cả an lạc trong định, các lỗ chân long trong thân thể đều thọ lạc cùng khắp.

            Như thế Bồ Tát, an lạc xúc chạm thân kia, liền nhớ niệm Phật, vì nhớ niệm Phật thì độc nhất thấy Phật, không thấy tướng khác.  Bồ Tát khi bấy giờ, nếu niệm một Phật, thì thấy một Phật; nếu niệm nhiều Phật thì thấy nhiều Phật;  nếu niệm thân Phật nhỏ thì thấy đức Phật nhỏ; nếu niệm thân Phật lớn thì thấy đức Phật lớn; nếu niệm vô lượng thân Phật thì thấy thân Phật vô lượng.  Nếu niệm tự thân là thân tướng Phật; thì thấy thân mình đồng với thân Phật, các tướng viên mãn.  Nếu niệm thân khác là thân tướng của Phật; thì thấy thân khác đồng với thân Phật, các tướng được viên mãn.  Nếu niệm tất cả số tình cùng phi tình, chỗ có sắc tượng là thân tướng Phật; thì thấy tất cả số tình cùng phi tình chỗ có sắc tượng là thân tướng đều đồng thân Phật, các tướng viên mãn, không thấy các sắc tướng nào khác.  Bồ Tát lúc ấy, liền nghĩ như thế nầy : tất cả các pháp, tất cả sắc tượng đều như huyển hóa v.v..chắc thật không hư dối…..

(Trích kinh Địa Tạng Thập Luân, quyển thứ 10, phẩm Phước Điền Tướng, huyền 7, tờ 44, bên trái và tờ 45, bên mặt).

 

  1. Nhất hạnh tam muội :

 

            Pháp giới chỉ nhất tướng, rồi liên hệ duyên khởi khắp pháp giới.  Ấy gọi là nhất hạnh tam muội.

            Nếu các thiện nam cùng thiện nữ nào muốn vào nhất hạnh tam muội, truớc phải nghe bát nhã ba la mật, y theo lý thuyết mà tu trì; rồi sau mới có thể vào nhất hạnh tam muội, như duyên nơi pháp giới, không thối chuyển, không hư hoại, không nghĩ bàn, chẳng ngại, chẳng tướng.

            Các thiện nam cùng thiện nữ muốn vào nhất hạnh tam muội; phải ở chỗ không nhàn, bỏ các ý loạn, không chấp tướng mạo, chú tâm vào một Phật, chuyên trì xưng niệmn danh hiệu; theo phương sở của PhẬT, thân đoan trang hướng về nẽo chánh, đối với một đức Phật, mỗi niệm nối nhau liên tục.  Ở trong niệm ấy có thể thấy được các đức Phật đời quá khứ, hiện tại và vị lai.  Vì cớ sao ?  Vì niệm một Phật công đức vô lượng vô biên, niệm vô lượng chư Phật công đức cũng thế, không hai, chẳng nghỉ bàn.  Phật pháp bình đẳng không phân biệt, đều là thừa nhất như, thành bậc tối chánh giác; đầy đủ công đức vô lượng, biện tài vô lượng.  Người như thế chắc chắn vào được nhất hạnh tam muội; đều biết các đức Phật ở nhiều pháp giới như số cát sông hằng, tướng trạng không sai khác.

(Trích kinh Văn Thù Bát Nhã, quyển hạ, nguyệt 9, tờ 5, bên mặt).

 

Mục  VII  -   Quán Phật

  1. Quán Phật, vô thường, không , vô ngã :

 

            Nếu người muốn lễ Phật,

            Và các bậc Tối Thắng,

Nhìn xem các chủng loại,

Đều phải quán vô thường.

Chư Phật đời quá khứ,

Nhẫn đến thời tương lai,

Như nay Phật hiện tại,

Đây đều là vô thường.

Nếu người muốn lễ Phật,

Quá khứ và tương lai,

Thuyết ở trong hiện tại,

Phải quán nơi pháp không.

Nếu người muốn lễ Phật,

Tương lai cùng quá khứ,

Hiện tại và chư Phật,

Phải tính nơi vô ngã…

            Trong đây không ngã, không mạng, không nhơn, không tạo tác, cũng không hình dung, người có dạy, có trao các pháp thảy đều không tịch.  Thế nào là ngã ? – Ngã ấy không chủ tế; ta nay trở về với tánh chân pháp.

(Trích kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm Thính Pháp thứ 36, trắc 2 , tờ 44, bên trái).

 

  1. Quán Phật thì tâm không khác Phật :

 

            Đức Phật thưa với Phụ Vương rằng : “Đúng như vậy ! trong đời vị lai, các thiện nam cùng thiện nữ v.v..và cùng tất cả; nếu ai hay chí tâm, quán sát bên trong, ngồi đoan trang thiền định, quán sát thân của Phật; phải biết người ấy, tâm như tâm Phật, cùng với Phật không khác.  Mặc dù còn ở trong đời phiền não, nhưng không bị những điều ác ngăn che; ở trong đời vị lai, được rưới mưa pháp lớn,,,,,

(Trích kinh Quán Phật Tam Muội Hải, phẩm Lục Thí Thứ Nhất, huỳnh 5, tờ 1, bên trái).

 

  1. Quán tâm Phật :

 

            Các đức Phật Như Lai dùng đại từ bi làm tâm, giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, dùng làm thân; thập lục, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp, đại bi, tam niệm xứ, mà tự trang nghiêm.  Ai quán như thế gọi là Quán tâm Phật…

(Trích kinh Quán Phật Tam Muội Hải, phẩm Quán Tưởng, huỳnh 5, tờ 18, bên trái).

 

  1. Người phát tâm Phật là tâm đại từ bi :

 

            Vô lượng đức Phật có 84.000 tướng; trong mỗi  một tướng có 84.000 thứ đẹp tùy hình; trong mỗi thứ đẹp lại có 84.000 yến sáng chiếu soi; mỗi một yến sáng khắp soi mười phương thế giới, chúng sinh niệm Phật, nhiếp thụ không bỏ.  Tướng tốt yến sáng kia và cùng hóa Phật, không thể diễn tả đầy đủ; chỉ phải nhớ tưởng, khiến tâm nhãn soi thấy.  Ai thấy được việc nầy tức là thấy tất cả chư Phật trong mười phương; vì thấy chư Phật gọi là niệm Phật tam muội.  Người khởi quán như thế gọi là quán tất cả thân Phật; vì quán thân Phật cũng thấy được tâm Phật.  Tâm của chư Phật là tâm đại từ bi, dùng tâm vô duyên từ mà nhiếp hóa các chúng sinh.

(Trích kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, địa 12, tờ 79, bên trai).

 

  1. Là tâm là Phật :

 

            …Kế đó sẽ tưởng Phật.  Vì cớ sao ?  vì các đức Như Lai là pháp giới thân, khắp vào tâm tưởng của tất cả các chúng sinh.  Thế nên các ông khi tâm tưởng Phật, tâm ấy tức là 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình; tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật, các đức Phật ở trong biển chánh biến tri (1), từ tâm tưởng sinh ra.  Vì thế, nên phải một lòng chánh niệm, quán tưởng đức Phật Đa Đà A Già Độ (2), A Ra Ha (3), tam miệu tam Phật đà.

(Trích kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, địa 12, tờ 79, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI :

 

  1. Chánh biến tri  : Tam miệu tam bồ đề, dịch âm chữ  Samyaksambodhi.
  2. Đa đà a già độ  :  Tathàgata, dịch là Như Lai.
  3. A Ra Ha  :  Arha,  đồng với chữ A la Hớn dịch là Ứng cúng, sát tặc và vô sinh.

 

Mục   VIII   -  Quán chúng sinh :

 

  1. Tất cả chúng sinh đầy đủ Như Lai trí tuệ :

 

            Lúc bấy giờ đức Thích Ca Như Lai dùng thiên nhãn vô chướng ngại thanh tịnh, quán sát tất cả chúng sinh; quán rồi, liền nói như thế nầy :  Lạ thay !  kỳ diệu thay ! Như Lai cùng chúng sinh đầy đủ đức tướng trí huệ, ở trong thân mỗi người mà không nhận biết.  Ta sẽ  chỉ dạy các chúng sinh kia, giác ngộ thánh đạo; đều khiến chúng sinh hằng xa lìa vọng tưởng điên đảo cấu phược, đủ thấy trí huệ Như Lai, ở trong thân mỗi người cùng chư Phật không khác….

(Trích kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tánh Khởi thứ 35, thiên 8, tờ 72, bên trái).

 

  1. Chúng sinh tánh :

 

            Pháp tính như vậy, không lường không ngằn, vì các chỗ che khuất của phiền não, theo giòng sinh tử, chìm đắm trong sáu đường, đêm sài luân chuyển, vì theo chúng sinh, nên gọi là chúng sinh tánh….

(Trích kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã, quyển thứ 111, phẩm Pháp Tánh, nguyệt 8, tờ 70, bên trái).

 

  1. Tự tính chúng sinh thanh tịnh, phải tôn trọng :

 

            Các đức Phật Như Lai đều biết chúng sinh tự tính thanh tịnh nhưng bị khách trần phiền não ngăn che, không vào được tự tánh.  Vì thế, nên đại Bồ Tát, khi thật hành trí huệ đến bờ bên kia phải nghỉ như thế nầy : Ta phải dõng mãnh cần tu tinh tấn, vì các chúng sinh mà giảng nói, pháp bát nhã ba la mật thậm thâm kia để tiêu diệt hết phiền não.  Tất cả chúng sinh đều có tánh thanh tịnh; do đó, mọi người chớ sinh lòng tưởng là hạ liệt, phải nên tôn trọng; kia tức là thầy ta, như pháp mà cung kính.  Đại Bồ Tát khởi tâm như thế, liền sinh bát nhã (1), xà na (2) đại bi…

(Trích kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã, quyển thứ 3, phẩm pháp tánh, nguyệt 8, tở 70, bên mặt).

 

  1. Bát nhã  :  prajnã, thông thường dịch là trí huệ.
  2. Xa na     :  jnàna, dịch là trí.

 

  1. Trong thân chúng sinh có Như Lai :

 

            Giới hạn của Như Lai ấy có vô lượng vô biên, bị ngăn che bởi lớp phiền não, theo giòng sinh tử, trôi lăn trong sáu đường, bị luân chuyển từ vô thỉ.  Bồ Tát thấy rồi, trừ diệt tướng chúng sinh, trừ diệt tướng pháp giới, trừ diệt tướng đại kiết; nương trí vô ngại ở trong cảnh chúng sinh tương tục, quán sát cảnh giới Như Lai, phát khởi tướng kỳ lạ : “Quan trọng thay chúng sinh ! Như Lai tức ở trong thân chúng sinh, nếu mê không thấy được Như Lai…

(Trích kinh Vô Thượng Y, quyển Thượng, phẩm Như Lai Giới, trụ 7, tờ 79, bên trái).

 

  1. Chúng sinh giới tự tánh thanh tịnh :

 

            Tất cả Như Lai, xưa ở nhân địa, biết chúng  sinh tự tánh thanh tịnh, bị nhiễm trược của khách trần phiền não.  Chư Phật Như Lai suy nghỉ như thế nầy :  Khách trần phiền não không thể vào trong thế giới thanh tịnh của chúng sinh.  Cấu nhiễm phiển não làm ngoại chướng bị hư vọng ngăn che chỗ phát khởi suy nghĩ; chúng ta phải vì tất cả chúng sinh nói pháp thậm thâm ấy để diệt phiền não chướng, không nên sinh tâm hạ liệt.  Dùng đại lượng đối với các chúng sinh, sanh tấm lòng tôn trọng, khởi tâm đại sư, phát khởi bát nhã, phát khởi xà na, phát khởi đại bi, y theo năm phương pháp nầy, Bồ Tát đặng vào quả vị A Bệ Bạt Trí (1)

(Trích kinh Vô Thượng Y, quyển Thượng, phẩm Như Lai Giới, trụ 7,tờ 79, bên mặt).

 

LƯỢC GIẢI :

 

  1. A bệ bạt trí  :  Avaivarti, dịch là bất thối chuyển, đối với con đường tiến hóa thành Phật, không bị thối chuyển.  Đây là một trong những cấp bậc tu hạnh Bồ Tát.

 

  1. Không nói các lỗi của Bồ Tát :

 

            Nếu ai nói lỗi lầm của Bồ Tát thì xa lìa vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng lãnh thọ nghiệp chướng tội lỗi.  Nếu nói tội lỗi oai nghi của Bồ Tát thì để xa lìa quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.  Nếu Bồ Tát đối với Bồ Tát khác sanh tướng hạ liệt, đối với mình sanh tưởng thù thắng; ấy là tự hại mình, cũng sẽ thọ lãnh tội chướng nghiệp chướng.  Nếu Bồ Tát muốn giáo dục Bồ Tát khác phải sinh tưởng như Phật, rồi sau mới giáo dục đó, Bồ Tát nếu muốn không bỏ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, không nên sanh tâm khinh giận các Bồ Tát khác…

(Trích kinh Chư Pháp Vô Hạnh, quyển hạ, vũ 2, tờ 26, bên trái).

 

  1. Đối với tất cả chúng sanh khởi lòng tưởng như Thế Tôn :

 

            Từ nay về sau, chúng ta nên đối với tất cả chúng sinh, sanh lòng tưởng như đức Thế Tôn.  Vì sao ?  Bởi vì chúng ta không có đủ trí huệ phán đoán, những chúng sanh nào có căn Bồ Tát ?

những chúng sinh nào không căn Bồ Tát ?  Chúng ta không biết các việc như thế, hoặc đối với chúng sanh, sanh tâm khinh mạn, thì là tự hại cho mình…

(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, quyển hạ, huỳnh 7, tờ 8, bên trái).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xong Phần Hai Chương Ba Nội Quan

Pd. Phuong An

 

           

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]