KINH ĐẠI KHÔNG
(Mahàsunnata sutta)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
GIẢI NGHĨA
Toàn Không
4. AN TRÚ NỘI
NGOẠI KHÔNG:
Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động thời tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động".
Nghĩa là vị ấy chú tâm đến Sáu Trần (sắc, thanh, hương, vi, xúc, pháp) không là cái ta, không là cái của ta, không là các pháp (ngoại không), chúng chỉ là giả có, không thật, biến đổi vô thường, là không. Vị ấy chú tâm đến Sáu Căn và Sáu Trần không là cái ta, Sáu Căn và Sáu Trần không là cái của ta, Sáu Căn và Sáu Trần không là các pháp (nội ngoại không). Vị ấy chú tâm đến an tịnh (không động). Trong khi vị ấy chú tâm đến an tịnh, thì vị ấy không thích thú, không tin tưởng, không an định tâm thức, không hướng đến an tịnh. Ở đây cũng nói lên ý nghĩa rằng sự hành trì thiền quán về nội ngoại không chưa được thuần nhiễn nên tâm không được thích thú tin tưởng an đinh, vị ấy cần phải hành trì kiên cố tinh tấn lâu dài.
-- Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là vị ấy biết như sau: “Trong khi ta chú tâm an tịnh (tác ý bất động), thì tâm không vui thích, không tin tưởng, không an định tâm thức không dao động, không hướng đến an tịnh”; vị ấy nhận biết (ý thức) rõ như vậy. Ở đây ý Đức Phật nhấn mạnh người tu phải tinh tấn hành trì lâu bền để an định tâm không dao động cho tới khi thuần nhiễn đạt được tâm thích thú thanh tịnh hoàn toàn.
-- Này Ananda, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú, an tọa, chuyên nhất, và an định nội tâm trên định tướng (samadhinimitte) đã đề cập về trước ấy. Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là vị Tăng ấy cần phải an định tâm thức bằng cách chuyên ngồi thiền quán để an định trong tâm của Sáu Căn về tất cả pháp (an định nội tâm trên định tướng) đã nói đến ở trên. Vị ấy chú tâm Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp; trong khi chú tâm vị ấy thấy biết rõ là như thế, vị ấy vui thích an định không dao động hướng đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (nội không).
Sự kiện là như vậy, vị ấy biết rõ như sau: "Trong khi ta chú tâm Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp, được thuần nhiễn, tâm ta thích thú, tin hoàn toàn, an định không dao động, luôn luôn hướng đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (nội không)". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Đến đây là đạt được nội không
Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú hướng đến bất động. Sự kiện là như vậy, này Ananda, vị Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là vị ấy chú tâm đến Sáu Trần không là cái ta, không là cái của ta, không là các pháp (ngoại không). Vị ấy chú tâm đến Sáu Căn và Sáu Trần không là cái ta, Sáu Căn và Sáu Trần không là cái của ta, Sáu Căn và sáu trần không là các pháp (nội ngoại không). Vị ấy chú tâm an tịnh (không động). Trong khi vị ấy chú tâm an tịnh, tâm thích thú, tin hoàn toàn, an định tâm thức không dao động hướng đến an tịnh.
Sự kiện là như vậy, vị ấy biết như sau: "Trong khi ta chú tâm an tịnh được thuần nhiễn, tâm thích thú, tin tưởng, an định tâm thức không dao động, hướng đến an tịnh". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Đến đây là đạt được nội ngoại không.
5. AN TRÚ TRONG
CÁC OAI NGHI:
1- AN TRÚ KHI ĐI:
-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo ấy đang an trú trong an trú này, tâm vị ấy hướng đến đi kinh hành, vị ấy đi kinh hành (cankamati), và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành, thời tham và lo ưu, các ác bất thiện pháp không có chảy vào. Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến ĐI KINH HÀNH, vị ấy đi kinh hành, và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành, thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác (bất thiện pháp) không có nghĩ đến (chảy vào)" Như không nghĩ đến ăn uống ngủ nghỉ, không nghĩ đến các việc phạm giới chẳng hạn. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Đây là quán niệm, tư duy trong khi đi, người tu phải luôn luôn thực hành trong khi đi như vậy để ngăn chặn khởi tham dục và sự việc bất thiện, mới là đúng ý Phật. Nếu trong khi đi, có bất kỳ một ý nghĩ tham dục, lo buồn hay ý nghĩ ác nào khởi sinh, thì vị ấy phải quán sát nó là giả có, ảo huyển, là không, nó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, để xả bỏ đoạn diệt nó.
2- AN TRÚ LÚC ĐỨNG:
-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo đang an trú trong an trú này, tâm vị ấy hướng đến đứng lại, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đứng lại thời tham và ưu, các ác bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến ĐỨNG LẠI, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành, thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác không có nghĩ đến”. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Nếu khi đứng lại vị ấy nghĩ nhớ ra trong khi đi, đã có bất kỳ một ý nghĩ tham dục, lo buồn hay ý nghĩ ác nào, thì vị ấy phải quán sát nó là giả có, ảo huyển, là không, nó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, để xả bỏ đoạn diệt nó.
3- AN TRÚ LÚC NGỒI:
-- Này Ananda, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến ngồi, vị ấy ngồi và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang ngồi, tham và ưu, các ác bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến NGỒI, vị ấy ngồi và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang ngồi thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác không có nghĩ đến”. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Bất cứ khi nào ngồi một mình hay có mặt người khác, người tu phải luôn luôn kiểm soát, không để tham dục, lo buồn và ý nghĩ ác sinh khởi.
4- AN TRÚ LÚC NẰM:
-- Này Ananda, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nằm, vị ấy nằm và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang nằm, thời tham và ưu, các ác bất thiện pháp không chảy vào". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến NẰM, vị ấy nằm và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang nằm, thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác không có nghĩ đến”. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Ngay cả khi nằm để nghỉ hay để ngủ cũng phải giữ chính niệm như khi đi đứng ngồi không khác.
-- Này Ananda, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nói, vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta sẽ không nói những câu chuyên hạ liệt, đê tiện, thuộc phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly dục, đoạn tiệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ. Niết-bàn, như quốc vương luận, đạo tặc luận, đại thần luận, quân luận, bố úy luận, chiến tranh luận, thực vật luận, ẩm liệu luận, y phục luận, ngọa cụ luận, hoan man luận, hương liệu luận, thân thích luận, xa thừa luận, thôn luận, thị trấn luận, đô thị luận, quốc độ luận, nữ luận, anh hùng luận, hạng trung luận, thủy bình xứ luận, tiên linh luận, sai biệt luận, thế giới luận, hải thuyết luận, hữu vô hữu luận". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến NÓI, vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta sẽ không nói những câu chuyên hạ liệt, đê tiện, thuộc phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích giải thoát, không đưa đến dứt bỏ năm dục (yếm ly), xa lià khát vọng thèm muốn (ly dục), đoạn tiệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như các luận thuyết của thế gian.” Như không bàn luận về phe đảng, không bàn luận về chính trị, v.v… Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy.
Nhưng này Ananda, đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm, đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nói các luận như vậy". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm, đưa đến chỗ dứt bỏ năm dục (nhứt hướng yếm ly), lià tham, đoạn diệt ác, an tịnh tâm, trí tuệ, giác ngộ, Niết-bàn, như ít dục luận, biết đủ (tri túc) luận, độc cư luận, không bè phái hội luận, tinh cần luận, giới luật luận, thiền định luận, trí tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nói các luận như vậy". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy.
6- AN TRÚ KHI SUY TẦM:
(Còn tiếp)