- Bài 01: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 02: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 03: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 04: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 05: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 06: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 07: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 08: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 09: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 10: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 11: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 12: (Quyển Trung) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 13: Kinh Địa Tạng giải Nghĩa
- Bài 14: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 15: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 16: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 17: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 18: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 19: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 20: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 21: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 22: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 23: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 24: (Quyển Hạ) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 25: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 26. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 27. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 28. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 29. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 30. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 31. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Kinh Địa Tạng (PDF trọn quyển)
KINH
ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
5) NGƯỜI BỊNH ĐƯỢC LỢI
- Lại vầy nữa này QuánThế Âm! Trong các thế giới hiện nay và về sau, những hàng chúng sanh trong sáu đường, như có kẻ sắp mạng chung mà được nghe một tiếng danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng thoáng qua lỗ tai, thì kẻ mạng chung đó không còn bị đọa vào chốn khổ ba ác đạo.
Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng thân quyến đem của cải nhà cửa, vật báu, y phục v.v... của người sắp mạng chung đó mà làm của chi phí để tô đắp hay họa vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng.
Rồi làm cho người bịnh lúc chưa chết, hoặc mắt thấy tai nghe biết rằng hàng thân quyến đem nhà cửa vật báu v.v... vì mình mà tô vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng.
Người bịnh đó nếu có nghiệp báo phải mang lấy bịnh nặng, thời nhờ công đức này liền được lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu.
Còn nếu người bịnh đó có nghiệp báo số mạng đã hết, lại có đủ tất cả tội chướng nghiệp chướng đáng lẽ phải đọa vào chốn ác đạo, song vì nhờ công đức này nên sau khi mạng chung, liền được sanh vào cõi trời, cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều tiêu sạch.
GIẢI NGHĨA
Đức Phật nói: “Lại nữa này QuánThế Âm!Trong các thế giới hiện nay và về sau, những hàng chúng sanh trong sáu đường, như có kẻ sắp mạng chung mà được nghe một tiếng danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng thoáng qua lỗ tai”. Nghĩa là người sắp qua đời mà xoay cái nghe nghe Tâm mình (Địa Tạng) tức là tu hành quán tâm, mà bỏ được những lo buồn, dứt được những dính mắc chuyện đời trong tâm, do đó tâm được thanh tịnh thông suốt không ngăn ngại (thoáng qua lỗ tai), “thì kẻ mạng chung đó không còn bị đọa vào chốn khổ ba ác đạo”là điều có thể hiểu được vậy.
Chứ chẳng phải rằng người sắp qua đời được người khác đọc cho nghe một tiếng danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng thoáng qua lỗ tai, người bệnh chẳng cần phải tu hành gì cả, lại được khỏi bị đọa vào đường dữ, vì có ngài Bồ Tát Địa Tạng cứu hộ. Đây là lầm lẫn to lớn đó, là mê tín, không tu hành cái tâm mình mà muốn Thần Linh làm giùm là điều chẳng thể xảy ra, vì ai ăn người ấy no chứ chẳng ai có thể ăm giùm cho người khác no được vậy.
Ngài nói tiếp: “Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng thân quyến đem của cải nhà cửa, vật báu, y phục v.v... của người sắp mạng chung đó mà làm của chi phí để tô đắp hay họa vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng. Rồi làm cho người bịnh lúc chưa chết, hoặc mắt thấy tai nghe biết rằng hàng thân quyến đem nhà cửa vật báu v.v... vì mình mà tô vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng”. Nhà cửa, y phục tượng trưng cho thân thể, của cải vật báu là chỉ tài sản; người bệnh thường hay nghĩ đến luyến tiếc thân thể và của cải tài sản; nếu quyến thuộc dùng thân bệnh hoạn và của cải (làm chi phí) của người bệnh làm đề mục tu hành phá bỏ tâm chấp cái ta và cái của ta (tô đắp hay họa hình tượng).
Mục đích để chỉ cho người bệnh thấy hoặc nghe biết thân mạng và của cải chỉ là giả không thật, nó biến hoại vô thường, v.v… khiến cho người bệnh thực hành quán niệm xả bỏ không luyến tiếc của cải và thân mạng, thì có thể người bệnh nhờ công đức tu hành này mà khỏi bệnh và sống thọ. Do đó Đức Phật nói: “Người bịnh đó nếu có nghiệp báo phải mang lấy bịnh nặng, thời nhờ công đức này liền được lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu”.
Ngài nói tiếp: “Còn nếu người bịnh đó có nghiệp báo số mạng đã hết, lại có đủ tất cả tội chướng nghiệp chướng đáng lẽ phải đọa vào chốn ác đạo, song vì nhờ công đức này nên sau khi mạng chung, liền được sanh vào cõi trời, cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều tiêu sạch”. Nghĩa là nếu nghiệp báo đã chín mùi rồi thì phải chết, nhưng nhờ đã có công đức tu hành như đã nêu, nên sau khi chết được tái sinh vào chỗ tốt lành cõi Trời hoặc cõi Người hưởng qủa vui sướng mà nghiệp chướng cũng hết.
Chứ chẳng phải dùng của cải nhà cửa vật báu quần áo v.v… của người bệnh đem bán hết để lấy tiền trả cho chi phí tô đắp tượng hay họa hình Bồ Tát Địa Tạng. rồi làm cho người bệnh thấy hoặc nghe bằng cách hô lên nhiều lần để cho người bệnh biết việc làm này, lại khấn vái cầu xin Bồ Tát cứu vớt, thì nhờ công đức này người bệnh ấy liền được lành mạnh, lại tuổi thọ thêm dài lâu và tất cả tội chướng đều được tiêu diệt; nếu hiểu như thế là mê tín và kết qủa là tiền của mất mà chẳng được gì cả.
6) TIÊN VONG ĐƯỢC PHƯỚC.
- Lại vầy nữa, này Bồ Tát QuánThế Âm! Về đời sau, nếu có kẻ nam tử, người nữ nhân nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, hoặc lúc lên năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất anh chị em.
Đến khi người đó khôn lớn nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng thân quyến không rõ đọa lạc vào chốn nào, hay sanh về thế giới nào, hoặc sanh lên cõi trời nào?
Người đó như có thể tô vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, nhẫn đến nghe danh hiệu của Ngài rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường.
Thời quyến thuộc đã sớm khuất của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào ác đạo tính ra phải chịu đến số kiếp, nay nhờ công đức tô vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng và chiêm lễ cúng dường của con cái, hay của anh em chị em, nên liền đặng giải thoát, được sanh lên cõi trời cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu.
Còn như quyến thuộc đã sớm khuất của người đó có phước lành, đã được sanh lên cõi trời cõi người hưởng thọ quả vui thù thắng vi diệu rồi, thời nhờ công đức này càng thêm lớn nghiệp nhân về bực Thánh, hưởng vô lượng quả vui.
Như người đó lại có thể trong hai mươi mốt ngày, chuyên lòng chiêm lễ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng và niệm lấy danh hiệu của Ngài đủ số một muôn biến, sẽ được Địa-Tạng Bồ Tát hiện vô biên thân, mách cho người đó rõ nơi cõi của hàng thân quyến sớm khuất kia đã sanh về.
Hoặc trong giấc mộng, Bồ Tát Địa-Tạng hiện sức thần thông lớn, tự dắt người đó đến các thế giới thấy hàng quyến thuộc.
Nếu người đó lại có thể trong mỗi ngày niệm danh hiệu của Bồ Tát một nghìn biến luôn đến một nghìn ngày.
Thời người đó sẽ được Bồ Tát sai các vị Quỉ Thần ở tại chỗ đó hộ vệ trọn đời, hiện đời món ăn đồ mặc dư dật, không có các thứ bịnh khổ, cho đến các sự tai vạ còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân.Rốt ráo rồi người đó được Ngài Bồ Tát Địa-Tạng xoa đảnh thọ ký cho.
GIẢI NGHĨA
Đoạn 8 này, Đức Phật nói đại ý: nếu có người nào sinh ra còn nhỏ mà cha mẹ anh em chết sớm không biết cha mẹ quyến thuộc khi qua đời tái sinh nơi đâu. Khi trưởng thành nếu: “Người đó có thể tô vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, nhẫn đến nghe danh hiệu của Ngài rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường”. Nghĩa là người đó cố gắng quán sát tu tâm sửa tính (tô vẽ hình tượng Ngài Bồ Tát Địa Tạng), cho cả đến xoay cái nghe nghe tự tánh mình (nghe danh hiệu Ngài). Lại thích thú làm (một lần chiêm ngưỡng) ưng thuận làm (một lần đảnh lễ) liên tục từ một ngày cho đến 7 ngày, quán sát tâm mình miệt mài chăm chỉ không ngưng nghỉ.
“Thời quyến thuộc đã sớm khuất của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào ác đạo tính ra phải chịu đến số kiếp, nay nhờ công đức tô vẽ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng và chiêm lễ cúng dường của con cái, hay của anh em chị em, nên liền đặng giải thoát, được sanh lên cõi trời cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu”; tại sao lại được vậy? Vì người đó tu tâm: xoay cái nghe nghe tự tánh và quán sát tâm tư, tức là nghe và quán xét những vọng tâm vọng tưởng nổi lên trong tâm, thấy chúng không thật mà là giả, quán sát tất cả những thói hư tật xấu như tham, sân, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, ganh tị v.v…. Tỉ dụ như nhớ tới hình bóng người đẹp, tiếng ca du dương, món ăn ngon, mùi thơm; nghĩ tới danh vọng địa vị, được mất thành bại, khen chê vinh nhục, vui sướng buồn khổ v.v....
Tất cả những thứ đó là bụi phủ gương nên không soi hình được, là mây mù che khuất mặt trời, chúng chỉ là khách đến rồi đi không lúc nào dứt, đêm thì mơ mộng, ngày thì suy nghĩ tưởng nhớ liên miên. Biết được như vậy rồi xa lià rời bỏ, không ham chẳng màng tới chúng nữa, thì như gương sạch bụi soi muôn hình, như mây tan mặt trời xuất hiện. Tức là tu hành để tâm không còn những thứ suy nghĩ tưởng nhớ xuất hiện nữa, mỗi vọng tưởng ví như một chúng sinh, tâm đang từ có vô số đầy ắp chúng sinh, sau thưa dần chỉ còn một số chúng sinh thôi, thì người đó cũng đã đạt được một phần công đức. Lúc đó người ấy vì những người qúa cố mà hồi hướng thì có thể nhờ công đức này mà người qúa cố gặp được nhân duyên để rồi chuyển đổi từ tâm ác sang tâm thiện, do đó sẽ được tái sinh đến chỗ tốt hơn.
Còn cha mẹ đang ở các cõi tốt rồi thì sẽ gặp nhân duyên học đạo để tu hành tiến tới giải thoát vậy, nên Đức Phật nói: “Còn như quyến thuộc đã sớm khuất của người đó có phước lành, đã được sanh lên cõi trời cõi người hưởng thọ quả vui thù thắng vi diệu rồi, thời nhờ công đức này càng thêm lớn nghiệp nhân về bực Thánh, hưởng vô lượng quả vui” là vậy.
“Như người đó lại có thể trong hai mươi mốt ngày, chuyên lòng chiêm lễ hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng và niệm lấy danh hiệu của Ngài đủ số một muôn biến”; nghĩa là khi người đó đã tu như trên rồi, mà lại chuyên một lòng nhớ (niệm) hỏi cái tâm mình (danh hiệu Địa Tạng) bằng cách Tham Thiền câu “Nam Mô Địa Tạng, niệm Địa Tạng là ai?” trong 21 ngày liên tiếp không ngưng nghỉ một giây phút nào ngoại trừ mệt qúa ngủ thiếp đi, thì “Sẽ được Bồ Tát Địa-Tạng hiện vô biên thân, mách cho người đó rõ nơi cõi của hàng thân quyến sớm khuất kia đã sanh về, hoặc trong giấc mộng, Bồ Tát Địa- hiện sức thần thông lớn, tự dắt người đó đến các thế giới thấy hàng quyến thuộc”; nghĩa là lúc ấy tâm của người đó ở trong tịch tịnh và như vậy tâm người đó sẽ biết được hoặc trong giấc mộng sẽ thấy nơi chốn người thân qúa cố đã sinh đến.
Cũng có thể rằng người đó không tu theo đường lối Tham Thiền mà tu theo đường lối Niệm Tam Muội: “Nam Mô Bồ Tát Địa Tạng”, nếu thực hành niệm Bồ Tát miên mật không ngưng nghỉ vô số cả ngàn vạn lần sẽ dẫn tới nhất tâm vô tâm, thì có thể trong giấc mộng cũng thấy nơi chốn người thân đã sinh đến do chính tâm mình giao cảm mà có được.
“Như người đó lại có thể trong mỗi ngày niệm danh hiệu niệm “Nam Mô Bồ Tát Địa Tạng” hay tham câu “Nam Mô Địa Tạng, niệm Địa Tạng là ai?” liên tiếp không ngưng nghỉ mỗi ngày một nghìn lần, trong một nghìn ngày tức là ba năm liền, người đó sẽ đạt được tâm bất loạn hay đốn ngộ (Sơ quan). Như vậy thì các Qủy Thần sẽ biết và tự động tới bảo vệ, khi có các Qủy Thần bao quanh hộ vệ thì sẽ không thiếu thốn, tai họa chẳng thể đến, bệnh tật chẳng màng, mà đầy đủ mọi thứ, do đó Đức Phật nói:“Người đó sẽ được Bồ Tát sai các vị Quỉ Thần ở tại chỗ đó hộ vệ trọn đời, hiện đời món ăn đồ mặc dư dật, không có các thứ bịnh khổ, cho đến các sự tai vạ còn không hề vào đến cửa, huống nữa là đến nơi thân”. Nếu tu hành tới mức triệt để rồi thì sẽ vào chính định hay triệt ngộ (Mạt Lậu Lao Quan), đạt được tâm giải thoát để tiến tới Phật qủa, đó là với ý nghĩa mà Đức Phật nói: “Rốt ráo rồi người đó được Ngài Bồ Tát Địa-Tạng xoa đảnh thọ ký cho” là vậy.
(Còn tiếp)