Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 04: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

07/11/201520:05(Xem: 6178)
Bài 04: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

Bo_Tat_Dia_Tang_1

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh 

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

4). TRƯỞNG GIẢ TỬ PHÁT NGUYỆN

 

     Này Văn Thù Sư Lợi! Trải qua bất khả thuyết kiếp bất khả thuyết lâu xa về trước, tiền thân của ngài Bồ Tát Địa Tạng làm một vị Trưởng Giả Tử, lúc đó, trong đời có Đức Phật hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai (1); Trưởng Giả Tử thấy tướng tốt đẹp nghìn phước trang nghiêm, mới bạch hỏi Đức Phật tu hạnh gì mà được tốt đẹp như thế?

     Khi ấy, Đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai bảo Trưởng Giả Tử rằng: “Muốn chứng được thân tướng tốt đẹp này, cần phải trải qua trong một thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ”.

     Này Văn Thù Sư Lợi! Trưởng Giả Tử nghe xong liền phát nguyện rằng: “Từ nay cho đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh bị tội khổ trong sáu đường, mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát tất cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Đạo”.

     Bởi ở trước đức Sư Tử Phấn Trấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, Ngài lập nguyện rộng đó, nên đến nay đã trải qua nghìn muôn ức vô số bất khả thuyết kiếp, mà Ngài vẫn còn làm vị Bồ Tát!

GIẢI NGHĨA:

(1) Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai: Sư T biểu trưng sự dũng mãnh, vì khi Sư Tử rống lên các loài đều sợ, đó là biểu tượng trí tuệ diệt trừ tất cả phiền não của chúng sinh. Phấn Tấn là tinh tấn dũng mãnh, Cụ Túc là đầy đủ, Vạn Hạnh là muôn công đức tu hành, Như Lai là Phật. Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai là biểu trưng người tu hành dũng mãnh đầy đủ tất cả các phương diện, cho được đầy đủ công đức của bậc Như Lai.

     Mở đầu Đoạn 4, Đức Phật giảng về khởi đầu từ kiếp lâu xa về trước, một Trưởng giả có duyên gặp Đức Phật hiệu Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai; ở đây chúng ta thấy tên hiệu của Đức Phật này là tượng trưng cho người tu hành dũng mãnh đầy đủ tất cả các phương diện. Như làm lành tránh làm ác, tu thập thiện, tu từ bi hỉ xả, tu Lục Độ (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ), v.v…để đạt công đức của Như Lai, mà công đức của chư Phật thì vô lượng vô biên, nên sự tu hành cũng phải vô lượng vậy.

     Trưởng Giả Tử thấy có tướng tốt đẹp nghìn phước trang nghiêm, mới bạch hỏi Đức Phật tu hạnh gì mà được tốt đẹp, Ngài bảo Trưởng giả rằng: “Muốn chứng được thân tướng tốt đẹp này, cần phải trải qua trong một thời gian lâu xa độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ”. Nghĩa là muốn có được thân tướng tốt đẹp của một vị Phật, tức là thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, thì phải tu hành trong dài lâu, độ thoát tất cả chúng sinh trong tâm mình; tại sao? Vì các chúng sinh này luôn luôn quấy động tâm, gây ra bao nhiêu là rắc rối ràng buộc điên đảo, gây buồn phiền đau khổ triền miên, khiến phải luân chuyển trong sáu cõi không dứt, nên không thể có được thân hình tốt đẹp. Ví dụ như mắt bị quyến rũ bởi sắc đẹp xấu, tai bị dính mắc bởi nói hay dở, mũi bị lôi kéo bởi mùi thơm hôi, lưỡi bị mê hoặc bởi món ăn uống ngon dở, thân bị hành hạ bởi trơn nhám, nóng lạnh, ý bị sai khiến bởi tham sân tà kiến, mạn nghi, tật đố, ganh tị, v.v… Tất cả đều gây cho Tâm thành điên đảo và buồn khổ, vì vậy muốn cho Tâm an thì phải xa lià, rời bỏ những thứ đó, khi tâm an thì thân sẽ khỏe đẹp.

     Trưởng Giả Tử nghe xong liền phát nguyện rằng: “Từ nay cho đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh bị tội khổ trong sáu đường, mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát tất cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật đạo”. Nghĩa là từ nay (lúc đó) trở đi mãi lâu xa về sau, tôi vì những chúng sinh bị tội khổ trong sáu cõi Trời, Thần, Người, Ngạ Qủy, Súc Sinh, Địa Ngục, mà áp dụng các cách tu hành (giảng bày nhiều phương tiện) để giải thoát hết thảy các chúng sanh còn đang ngự trị trong tâm, rồi mới thành Phật; tại sao? Vì nếu trong tâm còn một số dính mắc, tức là còn mộ số chúng sinh đang hiện diện ở trong tâm, ví như còn tham sân, còn qúy trọng cái ta, còn ích kỷ, còn nói dối, còn ham danh lợi v.v…, thì sẽ bị đọa sinh vào một trong ba đường dữ, chẳng thể giải thoát khỏi khổ được vậy.

     Bởi ở trước đức Sư Tử Phấn Trấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, Ngài lập nguyện rộng đó, nên đến nay đã trải qua nghìn muôn ức vô số bất khả thuyết kiếp, mà Ngài vẫn còn làm vị Bồ Tát! Nghĩa là như đã giải thích ở Tựa Đề Kinh, Bồ Tát Địa Tạng là biểu trưng cho A Lại Đa Thức, Tạng thức, Tâm của mỗi người, mà chúng sinh thì còn mãi trong tâm khó có thể hết được. Lâu lắm mới có một vị Phật, tức là lâu lắm mới có một người tu hành dứt hết chúng sanh trong tâm để thành Phật; vì vậy mà Bồ Tát Địa Tạng vẫn phải tiếp tục cứu vớt chúng sanh đến không biết bao giờ vậy.

5). BÀ LA MÔN NỮ CỨU MẸ

1. BÀ LA MÔN NỮ NGHE PHẬT DẠY:

    Lại thuở bất khả tư nghì vô số kiếp về trước, lúc đó có đức Phật hiệu là: Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, Đức Phât ấy thọ đến trăm nghìn muôn ức vô số kiếp. Trong thời tượng pháp, có một người con gái dòng Bà la môn, người này nhiều đời chứa phước sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi đứng lúc nằm ngồi, Chư Thiên thường theo hộ vệ. Bà mẹ của người con gái này mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam Bảo; thuở ấy, mặc dầu người nữ đem nhiều lời phương tiện khuyên nhũ bà mẹ người, hầu làm cho bà mẹ người sinh chính kiến, nhưng mà bà mẹ người chưa tin hẳn. Chẳng bao lâu bà ấy chết, thần hồn sa vào Vô Gián địa ngục.

    Lúc đó, người nữ biết rằng người mẹ khi còn sống không tin nhân quả, chắc phải theo nghiệp quấy mà sanh vào đường ác. Người nữ bèn bán ruộng vườn, sắm nhiều hương hoa, cùng những đồ lễ cúng, rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Trong một ngôi chùa kia thấy hình tượng của Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương đắp vẽ oai dung đủ cách tôn nghiêm.

     Người nữ chiêm bái tượng của Đức Phật lại càng sinh lòng kính ngưỡng, tự nghĩ thầm rằng: “Đức Phật là đấng đại giác đủ tất cả trí huệ, nếu Đức Phât còn trụ ở đời, thì khi mẹ tôi khuất, tôi đến bạch hỏi Phật, chắc thế nào cũng rõ mẹ tôi sinh vào chốn nào”

     Nghĩ đến đó, người nữ buồn tủi rơi lệ nhìn tượng Như Lai mà lòng quyến luyến mãi.

     Bỗng nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: “Thánh Nữ đang khóc kia, thôi đừng có bi ai quá lắm! Nay ta sẽ bảo cho ngươi biết chỗ của mẹ ngươi”.

Thánh Nữ chắp tay hướng lên hư không mà vái rằng: “Đức Thánh Thần nào đó mà giải bớt lòng sầu lo của tôi như thế? Từ khi mẹ tôi mất đến nay, tôi thương nhớ ngày đêm, không biết đâu để hỏi cho rõ mẹ tôi thác sinh vào chốn nào?”

     Trên hư không lại có tiếng bảo rằng: “Ta là Đức Phật quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà ngươi đang chiêm bái đó. Thấy ngươi thương nhớ mẹ trội hơn thường tình của chúng sinh nên ta đến chỉ bảo”.

     Thánh Nữ nghe nói xong liền té xỉu xuống, tay chân mình mẩy đều bị tổn thương. Những người đứng bên vội vàng đỡ dậy, một lát sau Thánh Nữ mới tỉnh lại rồi bạch cùng trên hư không rằng: “Cúi xin Đức Phật xót thương bảo ngay cho rõ chỗ thác sinh của mẹ con, nay thân tâm của con sắp chết mất!”

    Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai bảo Thánh Nữ rằng: “Cúng dường xong, ngươi mau mau trở về nhà, rôì ngôì ngay thẳng nghĩ tưởng danh hiệu của Ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sinh của mẹ ngươi.”

GIẢI NGHĨA

     Tiểu đoạn 1, khởi đầu Đức Phật nói rằng: “Thuở bất khả tư nghì vô số kiếp về trước, lúc đó có đức Phật hiệu là: Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, Đức Phât ấy thọ đến trăm nghìn muôn ức vô số kiếp. Trong thời tượng pháp, có một người con gái dòng Bà la môn, người này nhiều đời chứa phước sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi đứng lúc nằm ngồi, Chư Thiên thường theo hộ vệ”.

     Danh hiệu “Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai” biểu trưng của thiền định sẽ đạt giác ngộ trở thành bậc Phật, mà Ngài “thọ đến trăm nghìn muôn ức vô số kiếp” lại hàm ý cho sự giáo hóa chúng sinh của Ngài trong thời gian rất lâu dài. “Trong thời Tượng Pháp” tức là sau khi Ngài nhập Niết Bàn trong một nghìn năm là thời Chính Pháp, rồi tới thời Tượng Pháp cũng một nghìn năm tiếp theo, “có người con gái dòng Bà La Môn” nghĩa là người con gái trong dòng qúy tộc giàu có. Người này nhiều đời chứa phước sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi đứng lúc nằm ngồi, Chư Thiên thường theo hộ vệ”, tức là nhiều đời về trước đã làm vô số việc lành cứu giúp chúng sinh và tu hành, nên kiếp ấy lúc nào cũng được mọi người xung quanh nể trọng và được các vị Trời bảo vệ.

    Đức Phật cho biết: “Bà mẹ của người con gái này mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam Bảo. Thuở ấy, mặc dầu người nữ đem nhiều lời phương tiện khuyên nhũ bà mẹ người, hầu làm cho bà mẹ người sinh chính kiến, nhưng mà bà mẹ người chưa tin hẳn; chẳng bao lâu bà ấy chết, thần hồn sa vào Vô Gián địa ngục”. Mê tín là tin vào điều sai lầm mà không biết là sai, tin vào điều không đúng mà tưởng là đúng, Mê tín, là tin giống như người u mê không có sự hiểu biết tận tường chân chính, tin điều không đúng sự thật nên gọi là tin mù quáng. Tà đạo là đạo có giáo lý chủ trương tin tưởng vào sự việc gì mà không thể chứng minh cụ thể được sự thật của nó, mà chỉ có thể chứng minh theo lối lý luận quanh co mập mờ áp đặt phải tin. Mê tín tà đạo, đây là vấn đề thuộc về tinh thần, nhưng cũng ảnh hưởng đến vật chất, vì từ sự tin mê lầm tưởng đó là sự thật, khiến cho ý nghĩ, nói năng và hành động sai lầm.

Thường khinh khi ngôi Tam Bảo: Là coi Phật Pháp Tăng không ra gì, như coi thường bậc Giác ngộ cho là Phật chẳng dám làm hại ai dù là con kiến; coi rẻ giáo lý của đạo Phật, như cho là giáo lý yếm thế chẳng giúp gì cho đời cả; khinh chê sự tu hành của Tăng chúng, như cho là người tu không có lợi ích gì cả v.v…. Có biết đâu rằng nghìn muôn ức kiếp mới có một vị Phật ra đời để cứu độ chúng sinh; có biết đâu rằng giáo lý của Phật nói từ chân tâm phát ra, nên luôn luôn là sự thật dù có qua thời nào ở bất cứ đâu cũng vẫn là sự thật không thay đổi; có biết đâu rằng bất cứ chúng sinh nào theo giáo pháp của Phật tu hành một cách kiên cố vững bền thì rốt ráo đều thoát khỏi khổ; như vậy Tam Bảo không là đáng kính qúy sao?

Chính Kiến: là thấy đúng, thấy ngay thẳng, thấy không lệch không sai, thấy đúng sự thật; người có chính kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không bẻ cong sự thật, không sai sự thật. Người có chính kiến không bị dục vọng thiên kiến chấp kiến làm cho sai sự thật, vì vậy người có chính kiến nhận biết phân biệt rõ ràng đâu là chân thật, đâu là tà giả.

Thần hồn sa vào Vô Gián địa ngục: Thần hồn không phải là Linh hồn như có tôn giáo chủ chương Linh hồn bất diệt không thay đổi, Phật giáo không công nhận Linh hồn, mà cho nó là Thần thức hay nghiệp thức. Chính do hành động tạo nghiệp của ta trong quá khứ tạo điều kiện tái sinh; chính Thần thức mang theo nghiệp gá vào tinh cha huyết (trứng) mẹ, nên có nguồn sống cho bào thai. Chính nghiệp lực vô hình từ quá khứ là hiện tượng tâm linh tạo cơ hội cho “tế bào mầm” nẩy nở phát triển khi đủ nhân duyên, nó là chủng tử là mầm sống; đừng hiểu lầm đây là Linh hồn bất tử, tại sao? Vì nếu là linh hồn bất tử, nó có quyền lựa chọn chỗ tốt mà đến, không thèm lựa chỗ nghèo nàn bệnh tật khổ sở, như thế thì tại sao có trẻ em sinh ra mạnh khoẻ đầy đủ đẹp đẽ, lại có trẻ em sinh ra bệnh tật câm điếc khuyết tật; tại sao có trẻ em sinh vào gia đình nghèo hèn, có trẻ em sinh vào nơi danh giá phú qúy? Thuyết Linh hồn bất biến trường tồn không thể giải thích một cách hợp lý được; còn Thần thức do nghiệp lực đưa đẩy không có quyền lựa chọn, mà tùy nghiệp thiện ác đã làm dẫn dắt mà phải đến nơi tương ưng lành dữ tốt xấu vậy.

Vô Gián địa ngục: Là địa ngục mà nơi đó tội nhân phải chịu cực hình khổ sở liên tiếp suốt ngày đêm không ngưng nghỉ trong lâu dài nhiều triệu năm đến hàng tỉ năm.

     Lúc đó, người nữ biết rằng người mẹ khi còn sống không tin nhân quả, chắc phải theo nghiệp quấy mà sanh vào đường ác. Người nữ bèn bán ruộng vườn, sắm nhiều hương hoa, cùng những đồ lễ cúng, rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Trong một ngôi chùa kia thấy hình tượng của Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương đắp vẽ oai dung đủ cách tôn nghiêm.

     Danh hiệu Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương là biệu trưng của tu thiền, Giác là tỉnh biết, Hoa là gốc là cái sẽ kết thành qủa, Giác Hoa Định Tự Tại là do thiền định sẽ đạt được tự tại thanh tịnh tiến tới giác ngộ giải thoát

     Người nữ chiêm bái tượng của Đức Phật lại càng sinh lòng kính ngưỡng, tự nghĩ thầm rằng: “Đức Phật là đấng đại giác đủ tất cả trí huệ, nếu Đức Phât còn trụ ở đời, thì khi mẹ tôi khuất, tôi đến bạch hỏi Phật, chắc thế nào cũng rõ mẹ tôi sinh vào chốn nào”.  Ở đây, chúng ta thấy rõ là người nữ này có tâm tin tưởng hoàn toàn vào Chư Phật, tức là người có chính tín vậy. Nghĩ đến đó, người nữ buồn tủi rơi lệ nhìn tượng Như Lai mà lòng quyến luyến mãi. Tại sao? Vì người nữ này buồn tiếc rằng Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương đã nhập Niết Bàn cả trên một nghìn năm rồi (Thời Tượng Pháp) nên không có cơ hội được gặp Ngài để hỏi han học hỏi. Chúng ta ngày nay cũng gần tương tự, vì Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập Niết Bàn trên hai Nghìn năm trăm năm rồi (Thời Mạt Pháp), mà có mấy ai nghĩ và làm được như người nữ này không?

     Bỗng nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: “Thánh Nữ đang khóc kia, thôi đừng có bi ai quá lắm! Nay ta sẽ bảo cho ngươi biết chỗ của mẹ ngươi”.

    Nghe như thế, nữ nhân chắp tay hướng lên hư không mà vái rằng: “Đức Thánh nào đó giải bớt lòng sầu lo của tôi như thế (?); từ khi mẹ tôi mất đến nay, tôi thương ngày đêm, không biết đâu để hỏi mẹ tôi thác sinh vào chốn nào?”

     Trên hư không lại có tiếng bảo rằng: “Ta là Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà ngươi đang chiêm bái tượng đó; Ta thấy ngươi thương mẹ ngươi khác hơn chúng sinh thường tình nên Ta chỉ bảo”.

     Nữ nhân nghe nói liền xỉu ngã xuống, một lát sau mới tỉnh lại rồi hướng trên hư không thưa: “Cúi xin Đức Phật xót thương chỉ chỗ thác sinh của mẹ con, nay con sắp chết mất!”

    Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai bảo rằng: “Ngươi trở về nhà, ngồì ngay thẳng nghĩ tưởng danh hiệu của Ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sinh của mẹ ngươi”. 

     Như đã nói ở trên, chúng ta thấy danh hiệu:Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật là biểu trưng cho nghĩa biết thiền định để đạt được thanh tịnh tự tại, tức là muốn biết chỗ thác sinh (nghiệp qủa) thế nào thì phải thực hành thiền định.

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]