Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 8: Kinh Dược Sư giải nghĩa

14/10/201519:03(Xem: 4281)
Bài 8: Kinh Dược Sư giải nghĩa

Bo_Tat_Dia_Tang_2

KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 17:

HAI VỊ PHỤ TÁ PHẬT DƯỢC SƯ

 

Cõi Phật ấy có hai vị đại Bồ Tát là Nhựt Quang Biến Chiếu, và Nguyệt Quang Biến Chiếu, chính là hai bực thượng thủ trong vô lượng, vô số Bồ Tát và lại là những bậc sắp bổ xứ làm Phật. Hai vị này đều giữ gìn kho báu chánh pháp tạng của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

Mạn Thù Sư Lợi, vì thế những kẻ thiện nam tín nữ (2) nào có lòng tin vững chắc thì nên nguyện sanh về thế giới của Ngài.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Đại Bồ Tát: Đại nghĩa của chữ Ma Ha Tát là lớn; Bồ Tát là người giác ngộ trong loài hữu tình đã giải thích ở phần Kinh văn 1, Giải thích 5. Hai vị Đại Bồ Tát Nhựt Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu có ánh sáng chiếu khắp tất cả mọi nơi không bị vật cản nên chúng sinh ở nơi hang hốc tối tăm không có ánh sáng mặt trời mặt trăng cũng nhận được ánh sáng chiếu soi của 2 vị Đại Bồ Tát suốt ngày và đêm.

     Hai vị Đại Bồ Tát này đứng đầu trong vô số Bồ Tát ở cõi ấy và đang chờ ngày thành Phật trong đời hiện tại, đó là ý nghĩa của sắp bổ xứ làm Phật. Các Ngài đều giữ gìn kho báu chính pháp của Phật, nghĩa là hai vị giống như giáo thọ thay mặt Phật để giáo hóa đại chúng trong cõi Lưu Ly Tịnh.

 

(2) Thiện nam, thiện nữ: Muốn sinh về Cõi Tịnh Lưu Ly phải là người thiện không phải là người tạo tội ác mà có thể sinh về đó được. Phải là người giữ đủ 5 Giới cho hàng Phật tử tại gia là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu; ngoài ra còn phải làm cho tính tham mỏng đi, tính sân yếu mềm, tình ngã mạn nhẹ bớt. Đã là người thiện mà còn phải có lòng tin vững chắc không có gì làm cho thay đổi; vì vậy Đức Phật Thích Ca khuyên những người thiện có lòng vững tin thì nên nguyện sinh về thế giới của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang.

 

     Muốn về cõi đó phải sám hối tội lỗi, tu hành giống như muốn vãng sinh Tây phương cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, nghĩa là cũng phải có đủ “Tín Hạnh Nguyện”: tin tưởng lời Phật, trì Chú niệm Phật Dược Sư Lưu Ly Quang miên mật, phát nguyện sinh về cõi Lưu ly Tịnh. Kinh này không nói tới “đới nghiệp vãng sinh” như Kinh A Di Đà, nghĩa là người có tội đại ác khó có thể được vãng sinh về cõi ấy, nên hành giả phải giữ giới triệt để, sám hối tội trước, tránh tạo tội sau, và làm tất cả việc thiện, như vậy mới có thể được sinh về cõi ấy. Do đó, việc được sinh về cõi Lưu Ly Tịnh ở phương Đông của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang khó đạt hơn là về Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà.

 

KINH VĂN 18:

KẺ BỊ ĐỌA NẾU NHỚ DANH HIỆU PHẬT…

 

Lúc ấy Đức Thế Tôn lại bảo ông Mạn Thù Sư Lợi đồng tử (1) rằng: “Có những chúng sanh không biết điều lành dữ, cứ ôm lòng bỏn sẻn tham lam, không biết bố thí mà cũng không biết quả báo của sự bố thí là gì, ngu si vô trí, thiếu hẳn đức tin. Lại ham chứa chất của cải cho nhiều, đêm ngày bo bo gìn giữ, thấy ai đến xin, lòng đã không muốn, nhưng nếu cực chẳng đã phải đưa của ra thì đau đớn mến tiếc, dường như lóc thịt cho người vậy. Lại có vô lượng chúng hữu tình tham lẫn, chỉ lo tích trữ của cải cho nhiều mà tự mình không dám ăn tiêu, còn nói chi đến sự đem của ấy thí cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ và những kẻ nghèo hèn đến xin. Những kẻ tham lẫn ấy, khi chết bị đọa vào đường ngạ quỷ (2) hay bàng sinh (3). Mặc dầu ở trong ác thú, nhưng nhờ đời trước sống trong cõi nhân gian đã từng nghe qua danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, mà lại còn nhớ niệm đến danh hiệu Ngài thì liền từ cõi ấy thoát sinh trở lại làm người. Khi đã được làm người lại nhớ đến kiếp sống trong đường ngạ quỷ súc sanh, biết sợ sự đau khổ nên không ưa đắm mình trong dục lạc, mà còn muốn tự mình làm việc bố thí, không tham tiếc món gì và dần dần có thể đem cả đầu, mắt, tay chân hay máu thịt của phần thân mình mà bố thí cho những kẻ đến xin cũng được, huống chi là của cải là những vật thừa.


GIẢI NGHĨA:

 

(1) Đồng Tử: Từ chữ Phạn Pàli: Kumàra, dịch âm: Cưu Ma La; chữ Sankrist: Kumàraka, dịch âm: Cưu Ma Ra Già, nghĩa là Đồng Tử, con trai 4 tuổi trở lên, chưa cạo tóc, chưa thụ giới gọi là Đồng Tử. Đồng Tử ở đây chỉ cho Bồ Tát, Bồ Tát là vương tử của Như Lai, ví như trẻ con thế gian không có ý niệm dâm dục nên gọi Bồ Tát là Đồng Tử. Những vị, Bồ Tát và chư thiên theo hầu Đức Phật cũng gọi là Đồng Tử; ở Nhật Bản trong các pháp hội có các trai trẻ phụ việc khi cử hành lễ cũng gọi là Đồng Tử. (Từ điển Phật Quang)

 

(2) Ngạ Quỷ:  Chữ Sanskrit: preṭa, và Pali: peta, là quỷ đói, một trong ba đường tái sinh xấu. Ngạ Quỷ là hạng chúng sinh được xem như hạnh phúc hơn Địa ngục (s: naraka) nhưng đau khổ hơn Thần A-Tu-La (s: āsura). Người ta cho rằng: các yếu tố tái sinh thành quỷ đói là keo kiệt, ganh tị và tham lam; loài chúng sinh này được biểu diễn bằng cái bụng rất lớn và cái cổ cái miệng rất nhỏ. (Từ điển Đạo Uyển)

 

(3) Bàng Sinh:  Tức chỉ Súc Sinh (đi ngang). Trên từ long thú cầm súc, dưới đến thủy lục côn trùng, đều bởi nghiệp mà phải luân hồi trong ngả ác, không phải là đường chính của Người, Thần, Trời, cho nên gọi là Bàng Sinh.

 

     Đoạn Kinh Văn 18 trên, Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: “Có những chúng sanh không biết lành dữ”, đây là Ngài nói chúng sinh không biết nhân qủa của việc làm lành hay làm ác nên mới tham lam bỏn sẻn, keo kiết; vì nếu họ phải cho đi dù một chút ít họ cũng thấy đau xót như sẻ thịt họ ra. Họ không dám tự mình tiêu xài, huống chi là lấy của ra bố thí cha mẹ vợ con người thân và cho kẻ khác thì họ lo sợ và đau khổ vô cùng. Những người này khi chết bị đọa sinh vào loài Ma Qủy hay Súc Sinh, chịu vô lượng khổ.

 

     Những người ấy khi ở trong hai cõi khổ này, nếu đời trước làm người đã từng nghe danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà lúc bấy giờ nhớ lại rồi nhớ (niệm) nghĩ mãi danh hiệu Ngài thì khiến sẽ thoát khỏi cõi ấy, nghĩa là khi chết đi được tái sinh trở lại làm người. Khi được tái sinh làm người rồi thì tự nhiên người ấy sợ phải làm Ngạ Qủy hoặc Súc Sinh, người ấy tự nhiên phát tâm hoan hỷ, ca tụng sự bố thí, thường làm việc bố thí, không đắm mình trong dục lạc. Người ấy không bỏn sẻn tham lam tiền tài của cải vật chất cho đến sẵn sàng hiến tặng cơ quan bộ phận của thân thể mình cho người cần đến mà cũng không tiếc nuối.

 

KINH VĂN 19:

KẺ PHÁ GIỚI, HỦY CHÍNH PHÁP, NGÃ MẠN,

TÀ KIẾN, NẾU NGHE DANH HIỆU PHẬT…

 

Lại nữa, Mạn Thù Sư Lợi, trong chúng hữu tình nếu có những người nào thọ các giới của Phật để tu học mà lại phá giới hoặc có kẻ không phá giới (1) mà lại phá lề lối (2); hoặc có kẻ tuy chẳng phá giới và phép tắc mà lại hủy hoại chánh kiến (3). Hoặc có kẻ tuy không hủy hoại chánh kiến mà lại bỏ sự đa văn (4) nên không hiểu được nghĩa lý sâu xa trong kinh Phật nói; hoặc có kẻ tuy đa văn mà có thói tăng thượng mạn (5) ấy che lấp tâm tánh, cố chấp cho mình là phải, người khác là quấy, chê bai chính pháp, kết đảng với ma (6). Những kẻ ngu si ấy tự mình đã làm theo tà kiến (7) mà lại còn khiến cho vô số ức triệu chúng hữu tình cũng bị sa vào hố nguy hiểm. Những chúng hữu tình ấy bị trôi lăn trong các đường ngạ quỷ bàng sanh không khi nào cùng. Nhưng nếu nghe được danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì họ liền bỏ những hạnh dữ tu theo các pháp lành, khỏi bị đọa vào vòng ác thú nữa. Giả sử có người không thể bỏ những hạnh dữ và không tu theo những pháp lành mà phải bị đọa vào trong ác thú thì cũng nhờ oai lực bản nguyện của Đức Dược Sư khiến cho họ, khi tạm nghe được danh hiệu Ngài. Liền từ nơi ác thú mạng chung, trở sinh vào cõi người, được tinh tấn tu hành trong sự hiểu biết chân chính khéo điều hòa tâm ý, bỏ tục (8), xuất gia thọ trì và tu học theo giáo pháp của Như Lai, đã không hủy phạm lại thêm chính kiến đa văn. Hiểu rõ nghĩa lý sâu xa lìa được thói tăng thượng mạn, không chê bai chánh pháp, không bè bạn với ma, dần dần tu hành theo hạnh Bồ Tát chóng được viên mãn.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Phá Giới: Cũng gọi là phạm Giới, đối lại là trì Giới; hủy phá Giới luật đã nhận giữ. Luận Đại Trí Độ nêu ra 2 loại phá giới:

1. Nhân Duyên Bất Cụ Túc Giới: Nhân duyên không đầy đủ mà phá Giới, như người nghèo cùng, cơm áo thiếu thốn, sinh tâm trộm cắp mà phá Giới.

2. Nhân Duyên Cụ Túc Giới: Nhân duyên đầy đủ mà phá giới, như người tuy cơm áo đầy đủ nhưng vì tâm tham ưa thích trộm cắp, thích thói xấu, ưa làm việc ác nên hủy phạm Giới cấm.

 

(2) Phá lề lối: Là không tuân quy củ, lề lối, nguyên tắc.

 

(3) Hủy hoại Chính Kiến: Là sự hiểu không chân chính, sự thấy không đúng như thật nên là tà kiến; hành theo tà kiến là hủy họai Chính Kiến.

 

(4) Bỏ sự đa văn: Là không suy gẫm, không chịu học rộng nghe nhiều để học hỏi nên không thông hiểu được Phật Pháp,

 

(5) Tăng Thượng Mạn: Là hiểu ít cho rằng biết nhiều, kém người

cho là bằng người, bằng người cho là hơn người, hơn người thì phách lối với người khác.

 

(6) Kết đảng với ma: Là làm bạn với những kẻ xấu như kết bạn uống rượu, kết bè đảng trộm cướp, đây ví như kết đảng với ma vậy.

 

(7) Tà Kiến: Là cái thấy biết quanh co xấu ác, tức là cái thấy biết trái với chân lí Phật giáo. Còn gọi là kiến chấp, định kiến sai lầm, cố chấp và vướng mắc vào chỗ thấy biết hiện có của mình,

 

(8) Bỏ tục: Là bỏ cuộc sống gia đình, đến Chùa cạo râu tóc mặc áo Cà Sa giữ giới tu hành.

 

     Đoạn Kinh Văn 19 trên, Đức Phật nói đại ý: Có người phá giới, có kẻ phá quy củ, có kẻ phá chính kiến, có kẻ không chịu học hỏi, có kẻ có ít kiến thức lại cố chấp cho mình biết nhiều, cho mình là phải là hơn người, còn người khác là sai là kém. Họ tự kiêu mạn chê bai chính pháp, cho nên tà kiến che lấp bản tánh thường hằng trong tâm họ; họ lại còn dạy bảo những người ngu si nghe theo kết bè kết cánh để phá hoại chính pháp. Như vậy không những họ đã sai lầm mà còn làm cho vô số người khác sai lây giống như họ, nên những chúng sanh ấy phải chịu đọa vào Ngạ Qủy Súc Sanh để trả quả báo không dứt.

 

     Nhưng nếu những người này nghe được danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nghĩa là họ được nghe hay đọc giáo pháp của Phật, thì họ sẽ thức tỉnh hiểu ra sự sai trái của mình. Họ liền bỏ những hành vi sai lầm mà không phá giới và quy củ, giữ gìn chính kiến, tìm hiểu học hỏi giáo pháp chân chính để có kiến thức trí tuệ, mà không tự kiêu hơn người, không khinh chê người khác là kém. Rồi họ làm các việc tốt, tu theo các pháp lành, thì khỏi bị đọa vào vòng ma đói hoặc thú vật khổ sở nữa.

 

     Nếu như có người mặc dù đã được nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nghĩa là đã được nghe giảng hay đọc Phật pháp, nhưng không thể bỏ những hạnh xấu ác và không tu theo những pháp lành mà phải bị đọa vào trong loài ma qủy hoặc súc vật. Thì do bản nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai khiến cho họ từ trong các cõi khổ ấy chợt tự nhớ ra rồi ăn năn ân hận, liền chết đi rồi sinh vào cõi người. Khi được làm người lại có ý nghĩ hiểu biết một cách chân chính, rời gia đình vào chùa xin thọ trì và tu học theo giáo pháp của Như Lai, không hủy phạm giáo pháp, lại học hỏi hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, lìa các thói xấu kiêu căng, luôn luôn ca ngợi chính pháp, không bè bạn với người xấu, như thế dần dần tu hành theo hạnh Bồ Tát để tiến tới thoát khỏi sinh tử luân hồi.

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]