Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 2: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa

02/09/201517:45(Xem: 3998)
Bài 2: Kinh Dược Sư Giải Nghĩa

KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 2:   

VỊ THỈNH PHẬT NÓI KINH

PHẬT KHEN VỊ THỈNH CẦU

 

Bấy giờ, con của đấng Pháp Vương (1) là ngài Mạn-Thù-Sư-Lợi, nhờ oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, hở một vai áo, đầu gối bên hữu quỳ đất, hướng về Bạc-Già-Phạm, cúi mình chắp tay, bạch rằng: “Thế Tôn! Xin Ngài diễn thuyết, cũng giống như thế, diễn những danh hiệu (2) và những điều nguyện căn bản lớn lao, công đức tuyệt vời, của các Đức Phật, cho những người nghe, đều hết nghiệp chướng (3), vì sự lợi lạc của các hữu tình (4) khi Tượng Pháp (5) chuyển”.

 

Bấy giờ Thế Tôn tán thán đồng tử Mạn Thù Sư Lợi rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Ông Mạn Thù Thất Lợi! Ông lấy lòng đại bi (6), khuyên mời Ta nói về danh hiệu và công đức bản nguyện của chư Phật, để dẹp cho hết nghiệp chướng ràng buộc loài hữu tình, để cho lợi ích an lạc các loài hữu tình khi Tượng Pháp chuyển”; các ông hãy nghe kỹ, tư duy cho khéo, nay Ta sẽ nói cho nghe.

Mạn Thù Sư Lợi bạch rằng: “Xin vâng! Xin Thế Tôn nói, chúng con thích nghe”.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Pháp Vương tử: Là con của đấng Pháp Vương. Phật là Pháp Vương, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là một vị Bồ tát Đẳng Giác, sẽ thành Phật, là phụ tá của Phật Thích Ca, nên gọi Ngài là con của đấng Pháp Vương.

 

(2) Danh hiệu: Tên hiệu các vị Phật.

 

(3) Nghiệp chướng: Chữ Phạn: Karmàvaraịa, cũng gọi là Nghiệp lụy. Các nghiệp ác do thân, khẩu, ý của chúng sinh gây nên thường ngăn che gây chướng ngại chính đạo, nên gọi là Nghiệp chướng; nghĩa là vì có ác nghiệp nên khó tu hành và tu hành khó có kết qủa.

 

(4) Hữu tình: Là nói có cảm giác, có tình ý để chỉ cho các loài trong 6 cõi (luc đạo), gọi chung là chúng sinh.

 

(5) Tượng Pháp: Sau khi Phật nhập Niết Bàn, có 3 thời kỳ: Chính Pháp: 1000 năm đầu. Tượng Pháp: 1000 năm tiếp sau, Mạt Pháp: Sau 2000 năm là thời Mạt Pháp cho đến 10,000 năm, sau thời Mạt Pháp mặc dù còn Phật Pháp nhưng chẳng có người nào chứng đắc nữa.

 

(1) Đại Bi: Chữ Phạn Pàli: Mahàkaruna: Bi nghĩa là thương xót và cứu giúp, Chư Phật và Bồ Tát không nỡ thấy chúng sinh đau khổ nên mở lòng thương rộng lớn cứu vớt.

 

     Kinh Văn 2, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thỉnh cầu Phật Thích Ca thuyết giảng các danh hiệu, công đức và phát nguyện của các Đức Phật để cho người nghe và chúng sanh trong thời Tượng pháp cùng đời sau được sự lợi lạc và đều được hết nghiệp chướng. Ngày nay là thời Mạt Pháp, thời Tượng Pháp đã qua khỏi trên 500 năm rồi, mọi người thường chỉ chú trọng xây chùa, người tu đều muốn làm chủ chùa chứ không muốn dưới quyền người khác, và không chú trọng chuyên nhất việc tu tập, không nghiêm giữ Giới luật của Phật. Chùa và tượng Phật thì có nhiều đó, còn trong tâm mọi người thì chẳng mấy ai nhớ tới Phật, chẳng mấy người nhớ tới Giáo Pháp, do đó người tu chân chính rất ít và việc đạt đạo rất hiếm có.

 

     Đức Phật khen ngợi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã mở lòng đại bi tới hết thảy mọi chúng sanh, nhằm dẹp bỏ các nghiệp chướng trói buộc đưa loài hữu tình ra khỏi ba đường ác, để mang lại cho họ sự yên vui nên đã thỉnh Phật nói về danh hiệu của Chư Phật cùng những công đức bản nguyện của các Ngài. Ngay đoạn Kinh này, Đức Phật đã lưu ý là tất cả thính chúng rằng: “hãy nghe kỹ, tư duy cho khéo”, tức là hãy chú ý nghe để ghi nhớ và suy tư ngẫm nghĩ cẩn thận, chứ chẳng phải là nghe hời hợt và chẳng chịu suy nghĩ kỹ những lời Ngài giảng dạy.

 

     Chẳng phải như ngày nay, thời Mạt Pháp nhiều người nghe thuyết pháp vào tai này xong ra tai kia, vì khi nghe xong ra về chẳng còn nhớ được gì; hay khi đọc Kinh sách xong cũng chẳng còn nhớ Kinh sách nói ý nghĩa ra sao nữa. Khi nghe hay đọc thì cũng biết cũng hiểu, nhưng đa số đều chẳng bao giờ nhớ thực hành theo như lời Phật dạy. Đọc đoạn Kinh này, chúng ta phải hiểu rằng Đức Phật tuy nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và thính chúng thời ấy, nhưng thực ra là Ngài nói cả với chúng sinh thời Tượng Pháp và Mạt Pháp vậy. Bởi vậy, khi đọc Kinh này, chúng ta nên suy nghĩ cho kỹ để hiểu ý nghĩa sâu xa mà Phật muốn nói; chúng ta nên ghi nhớ không quên, nhất là phải theo đó để thực hành, thì mới đúng với lòng mong muốn của Phật vậy.

 

*

*   *

 

KINH VĂN 3:

12 NGUYỆN KHI PHẬT

DƯỢC SƯ CÒN LÀ BỒ TÁT

 

Phật bảo Ngài Mạn Thù Sư Lợi: “Về phía Đông kia, cách đây nhiều Phật Độ (1) bằng mười lần số cát sông Căng-Già (2), có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly (3). Đức Phật cõi ấy danh hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc Già Phạm.

Ông Mạn Thù Thất Lợi ơi! Khi đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, còn đương hành đạo Bồ Tát, Ngài đã phát ra mười hai nguyện lớn, khiến cho hữu tình cầu gì cũng được”; vị Phật ở nơi này có danh hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1)Phật Độ: Là cõi Phật, Phật Quốc, tức là một giải Ngân Hà.

 

(2) Sông Căng Già: Là sông Hằng, sông lớn nhất của xứ Ấn Độ phát nguồn từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn cao nhất thế giới, chảy xuống biển nam Ấn Độ.

 

(3) Tịnh Lưu Ly: Là ngụ ý một thế giới thanh tịnh trong suốt như lưu ly.

 

     Kinh Văn 3, Đức Phật nói rằng ở phía Đông, cách thế giới Ta-Bà chúng ta bằng mười lần số cát sông Hằng cõi Phật, tức là nếu tính đếm từng hạt cát thì bằng 10 lần số cát sông Hằng giải Ngân Hà, có một thế giới gọi là Lưu Ly Tịnh. Như vậy thì phải nói thế giới Lưu Ly Tịnh cách cõi Ta Bà về phương Đông vô lượng cõi Phật, xa hơn rất nhiều so với cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà chỉ cách hơn 10 muôn ức cõi Phật tức là hơn 10 tỷ giải Ngân Hà mà thôi.

 

     Cũng giống như các đức Phật khác, Ngài cũng có mười danh hiệu là:

01 - Như Lai: Bậc Chính Đẳng Chính Giác, Phật vốn không từ đâu lại và cũng chẳng đi về đâu, đó là Như Lai.

02 - Ứng Cúng: Đầy đủ chính pháp vi diệu, xứng đáng hưởng cúng dường của Người, và Trời.

03 - Chính Biến Tri: Dịch theo âm là Tam Miểu Tam Phật Đà, nghĩa là biết rõ hai đế lý: Lý thế gian (Thế đế), là lý tương đối, và lý chân thật (Chân đế) là lý tuyệt đối bình đẳng.

04 - Minh Hạnh Túc: Giữ gìn tịnh giới thanh tịnh, tức sự tu hành và trí huệ của Ngài đạt tới chỗ viên mãn, đầy đủ Tam Minh (Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh).

05 - Thiện Thệ: Không còn sinh trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc giới nữa.

06 - Thế Gian Giải: Là trí huệ cao vời, biết hết thế gian nhân sinh và vũ trụ.

07 - Vô Thượng Sĩ: Đấng tối cao không ai vượt qua.

08 - Điều Ngự Trượng Phu: Biết rõ phương tiện điều phục chúng sinh.

09 - Thiên Nhân Sư: Thầy của Trời và Người, khiến Trời Người không khởi lòng khiếp sợ, giáo hóa cho lìa khổ được vui.

10 - Phật, Thế Tôn hay Bạc Già Phạm: Bậc giác ngộ được Người và Trời tôn kính.

 

     Tất cả các vị Phật đều có nguyện lực lớn, đều chuyển pháp luân, đều giáo hóa chúng sanh bằng giáo pháp với mục đích cứu khổ chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử để đạt giải thoát như các Ngài; chúng ta chỉ cần nương nhờ vào nguyện lực và di sản của các Ngài để lại cho chúng ta, đó là Phật Pháp chứa đựng trong Ba Tạng mười hai phần Kinh.

 

     Liệu chúng ta có thể nhận di sản này để thừa hưởng không (?), điều đó còn phải hỏi xem chúng ta có phải là Phật tử chân chính hay không? Thí dụ: công đức của chúng ta chưa đủ, hoặc chúng ta chưa thực tâm muốn là Phật tử chân chính thì chẳng thể nào thừa hưởng được di sản Pháp Bảo vô thượng của Phật. Do đó gặp được Phật pháp chúng ta phải hết sức trân qúy, tinh tấn hành trì, sinh tâm hoan hỷ khi gặp được Pháp qúy báu; ví như kẻ khát gặp nước, kẻ đói gặp được ăn vậy.

 

     Chúng ta cần để ý câu kinh: “Vị Phật ở nơi này có danh hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”. Chúng ta cùng phân tích cho rõ nghĩa danh hiệu này như sau:

 

Dược Sư Lưu Ly Quang được dịch phiên âm từ tiếng Phạn là: Bhaichadjyaguru.

Dược: Có nghĩa là thuốc, thuốc làm cho người bệnh được lành, người yếu đau thành khỏe mạnh, từ không hiểu biết trở thành hiểu biết, tượng trưng cho một sự thay đổi từ xấu trở nên tốt, từ khổ sở buồn phiền trở thành vui vẻ sung sướng, từ ngu si trở thành minh mẫn trí tuệ.

Sư: Có nghĩa là thầy, là người đầu tiên phát minh một việc gì, ở đây là vị Thầy bắt mạch kê toa thuốc để trị bệnh khổ của chúng sinh.

Dược Sư: Là thầy thuốc tượng trưng tiêu biểu cho sự mẫu mực khuôn phép tốt đẹp để mọi người theo đó mà làm theo. Những thứ bệnh điên đảo hay ba độc như: tham, sân, si, một khi Ngài cho toa nếu chúng sanh chịu uống thuốc đắng đều làm cho chúng sanh dứt hết mọi thứ bệnh khổ và diệt trừ tất cả những thứ đảo điên của chúng sanh, từ si mê trở thành minh mẫn, từ trong sinh tử luân hồi được giải thoát.

Lưu: Là chất diêm sinh, nhưng cũng có nghĩa là vàng ròng, là tốt đẹp, trong sáng.

Ly: Là xa lià, hay thấm vào,

Lưu Ly: Là tiếng Phạn nghĩa là chất lưu ly màu xanh trong suốt qúy báu, tượng trưng rời bỏ xa lià cái xấu xa đen tối để được cái trong sạch tốt đẹp.

Quang: Là ánh sáng, rõ ràng, vẻ vang, cũng có nghĩa là quang đãng, hết sạch mọi bệnh tật, không còn buồn khổ và xấu xa.

Lưu Ly Quang: Là ánh sáng trong suốt, tiêu biểu cho sự bỏ ác làm lành, tu hành gạn lọc thân tâm cho sạch hết tham sân si mạn nghi kiến trược v.v… để được trong sáng tốt đẹp.

 

Tóm lại, Dược Sư Lưu Ly Quang có nghĩa là thay đổi lối sống, sám hối tội lỗi, giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià xấu xa, giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành, gạn lọc thân tâm cho sạch hết tham sân si mạn nghi kiến trược v.v… cho tới đạt giải thoát. Chứ chẳng phải như nhiều người hiểu theo nghĩa đen một cách lầm lẫn sinh ra mê tín, đây là điểm chính của Kinh cần ghi nhớ triệt để, không nên nhớ hời hợt, chẳng nên quên lãng, vì ý nghĩa này sẽ áp dụng cho toàn Kinh này.

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]