Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự

28/08/201100:23(Xem: 8657)
23. Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự

Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự Thứ Hai Mươi Ba

 

Nhận được:

“Tự tánh năng sinh muôn pháp

Vốn chẳng sinh diệt

Vốn chẳng lay động

Và có đủ diệu lực”.

Đó là nhận ra được sự ân cần phó chúc của Đức Thế Tôn.

Nhưng hiện hành làm sao để tương ưng với sự trực nhận và thể nhận vi diệu ấy.

Đến đây Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện “Dược Vương Bồ Tát bổ sự” để chỉ bày cho sự hiện hành vi diệu ấy của bản tâm.

Nên vào đầu phẩm kinh Ngài Tú Vương Hoa Bồ Tát bạch Phật rằng : “Bạch Đức Thế Tôn ! Ngài Dương Vương Bồ Tát dạo di nơi cõi Ta bà như thế nào? Ngài Dược Vương Bồ Tát đã có bao nhiêu nghìn muôn ức na do tha hạnh khổ khó làm? Hay thay Thế Tôn! Nguyện giải nói cho một ít, cho chúng hội được pháp hỉ”.

“Bồ Tát Tú Vương Hoa” là biểu tượng tượng trưng cho sự cao quý đẹp đẽ nhất của những chúng sinh nào đã thể nhập “Tri kiến Như Lai”.

Lời hỏi của Ngài Tú Vương Hoa gồm hai ý:

1) Ngài Dược Vương Bồ Tát dạo đi nơi cõi Ta bà như thế nào?

Với ý nghĩa: Dược Vương là “phương thuốc chúa” hay “phương thuốc nhiệm mầu”. Bồ Tát chỉ cho những đức tinh thuần thiện. Cõi Ta bà chỉ cho vọng tâm điên đảo. Vậy câu hỏi đó được nêu “pháp tướng vi diệu nào hiện hành điều phục được vọng tâm điên đảo”.

2) Ngài Dược Vương Bồ Tát đó có bao nhiêu nghìn muôn ức na do tha hạnh khổ khó làm?

Với ý nghĩa: “Pháp tướng vi diệu ấy có bao nhiêu nghìn muôn ức khi hiện hành khó lắm không?

Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này Tú Vương Hoa! Về thuở quá khứ vô lượng hằng sa kiếp trước, có Phật hiệu Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, Ưùng cúng, Chánh biến tri... Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. Nước đó không có người nữ, địa ngục, ngạ quỷ súc sinh, đất bằng phẳng, lưu ly làm thành, cây báu trang nghiêm, lò hương khắp cùng cả nước”.

Với ý nghĩa: Pháp thân vốn có đầy đủ đức tướng vi diệu không sinh diệt, thường tịch, thường chiếu, nên có danh xưng “Phật hiện Tịnh Minh Đức Như Lai”.

Đất tâm thanh tịnh, trí tuệ tuyệt vời làm gì có nhiễm ái si mê, sân hận nên gọi là “nước đó không có người nữ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A tu la...”, và một khi đã liễu triệt như thế, nghĩa là đã “kiến tánh”. Do vì kiến tánh mà không một đức tướng nào không làm cho chúng sinh hoan hỷ, tâm tướng không hai. Hành vi xứng hợp với chân lý, nên gọi là “Đức Phật đó vì Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến mà nói Pháp Hoa”.

“Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát đó ưa tu tập khổ hạnh trong pháp hội của Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức, tinh tấn tu hành mãn một muôn hai ngàn đặng hiện Nhất Thiến Sắc Thân Tam Muội”.

Vì “Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát” tượng trưng cho tất cả những đức tướng vi diệu mà khi chúng sinh thấy đến đều hoan hỷ. Đức tướng ấy không ngoài “tự tánh nhiệm mầu”, nên nói là “Đức Phật đó vì Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát nói kinh Pháp Hoa”.

Nhưng đã nhận rõ “tánh tướng không hai” thì như thế mới không còn trụ chấp nơi ngã tướng, chúng sinh tướng, nhân tướng mà đạt thành thể “Nhất thiết sắc thân tam muội”.

Vì đạt như thế mới có thể nói “sự lý viên dung, sự sự vô ngại”, cho nên khắp hiện tất cả 12 loại sắc thân, mà tất cả sắc thân đó không ngoài “pháp thân” vậy.

Sáng suốt rõ ràng vì đã nhận chân được tính thể nhiệm mầu. Nghe được tiếng nói huyền diệu của chân tâm, nên gọi là “Ta đặng Nhất thiết sắc thân tam muội nay đều là do sức đặng nghe kinh Pháp Hoa”.

Khắp hiện tất cả sắc thân, nhưng chẳng trụ chấp ở một sắc thân nào cả. Đó là vì ở nơi “bản tâm diệu dụng tùy duyên” vận hành vô hành. Như thế mớ dung thông tánh tướng, mới gọi là đáp đền ân Phật, mới gọi là cúng dường, nên Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đã nghĩ rằng : “Ta nay nên cúng dường Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức và kinh Pháp Hoa”.

Cúng duờng bằng cách nào? Bằng cách “Nhập Nhất thiết sắc thân tam muội”. Dùng “diệu tâm hương” để cùng dường chư Phật. Hay nói cách khác là nhập tam muội đó, giữa hư không rưới bông và hương hải thử ngạn chiên đàn để cúng dường Phật.

“Diệu tâm” ấy chỉ tỏa khắp khi mọi đức tướng đều chân thật và xứng hợp với “tự tánh”.

Dùng “diệu tâm hương” chưa đủ, Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đã nghĩ: “Ta dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường”.

Nhưng thân này là thân ở thể “Nhất thiết sắc thân tam muội” thì cùng dường bằng cách nào ? Bằng cách hiện hành những đức tướng vi diệu làm cho chúng sinh phát tâm hoan hỷ mà chẳng trụ chấp vào đức tướng hiện hành.

Liễu đựơc như thế là cúng dường. Liễu được như thế mới xứng danh “Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát”.

Như thế mới vượt thoát sự ràng buộc của mười hai loại sắc thân, mới sáng soi hằng sa thế giới.

“Chư Phật đồng khen ngợi: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Đó chính là chân thật tinh tấn, gọi là chân pháp cúng dường”.

Không có pháp cúng dường nào vi diệu hơn như thế. Sự tương tục hiện hành như thế lúc nào lại chẳng ở trong nhà “Tịnh Đức”. Chẳng ở quốc độ “Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai”.

Chính vì ở nơi thể an định sáng soi đó mà đặng pháp “Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn Đà la ni”.

Nghĩa là nhận rõ được “vi tế vô minh”, nhận rõ được “pháp âm vi diệu” không ngoài “bản tâm thanh tịnh”.

Như thế: Là “trực diện” Phật

Là “cúng dường” Phật.

Phược huệ trang nghiêm, vô phân biệt niệm, ứng cơ tiếp vật. Đến lúc đó, Đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai bảo Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát rằng: “Thiện nam tử! Giờ ta nhập Niết bàn đã đến, ông nên sắp đặt giường tòa. Thiên nam tử ! Ta đem Phật pháp giao cho ông, các chúng Bồ Tát đại đệ tử cùng pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác... giao phó cho ông”.

Nhập Niết bàn là để phó chúc, để thôi dứt suy lường. Vì thế nhập “bản tâm” nên không năng sở tương phân. Từ đó tám vạn bốn ngàn pháp môn “đức tướng” được tỏa khắp mười phương, không một pháp môn hoặc đức tướng nào không cao quý.

Sự cao quý ấy giống như sự cao quý của những hạt “xá lợi đựng trong tám muôn bốn ngàn bình báu” khi Đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai nhập Niết bàn.

Để xá lợi cho kẻ kế thừa là nhắc nhở, là ân cần phó chúc làm duyên khởi cho vạn loại chúng sinh trở về với “tự tánh nhiệm mầu”. Cùng dường xá lợi là hiện hành những đức tướng vi diệu để cho chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh Đản đẳng Chánh giác.

Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát đã cúng dường “xá lợi Phật” bằng một pháp vi diệu, đó là “đốt hai cánh tay”. Có ý nghĩa vượt thoát sự tương phân đối đãi. Rời bỏ niệm phân biệt: Phật - Chúng sinh, Thiện - Ác, Phiền não - Bồ đề.

Từ ngay nơi đó mới đầy đủ phước huệ trang nghiêm. Ngay nơi đó mới phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nên lúc ấy Ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát ở trong đại chúng lập lời thệ rằng: “Tôi bỏ hai tay ắt sẽ đặng thân sắc vàng như Phật, nếu thiệt không dối thời khiến hai tay tôi hoàn phục như cũ. Nói lời thề xong, hai tay tự nhiên hoàn phục. Đó là do phước đức trí tuệ thuần hậu của Bồ Tát cảm nên”.

Sự kiện ấy không ở trong cảnh giới của vọng thức suy lường. Trực nhận và liễu ngộ “tự tánh nhiệm mầu” thì mới vượt khỏi sự đánh lừa của vọng thức.

Bỏ hai cánh tay “trăm phước”để đặng thân sắc vàng, để đặng “pháp thân” thì ngay nơi đó nhận ra được “bản lai diện mục của chính mình” không thiện, không ác, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm.

Cho nên Đức Thế Tôn hỏi Ngài Tú Vương Hoa Bồ Tát: “Ý ông nghĩ sao?”.

Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát đâu phải ai xa lạ, chính nay là “Dược Vương Bồ Tát”. Có nghĩa là “đức tướng vi diệu không nhiễm trước sắc thân” mà làm cho chúng sinh hoan hỷ phát khởi Đại thừa tâm. Đó là “phương thuốc nhiệm mầu”.

Như vậy, đốt thân, đốt tay cúng dường là phá trừ “sắc ấm”. Chỉ có pháp trừ sắc ấm thì hành vi mới không rơi lọt vào sự tương phân đối đãi.

Cho nên Đức Thế Tôn dạy tiếp:

“Tú Vương Hoa! Nếu có người phát tâm muốn đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, có thể đốt một ngón tay, nhẫn đến một ngón chân để cúng dường tháp Phật, hơn đem quốc thành thê tử, và cõi tam thiên... các vật trân báu mà cúng dường”.

Đốt một ngón tay, một ngón chân để cúng dường tháp Phật là để vọng cầu phước báu hay để vọng cầu Phật quả, hoặc cầu cho chư Phật chứng minh. Sự tướng cúng dường đó có còn vướng nhiễm sắc thân chăng ? Có còn nhiễm chấp vào sự cúng dường chăng?

Đốt một ngón tay, một ngón chân, hay đốt thân, có nghĩa là phá trừ sắc ấm, phá trừ chấp ngã và không chấp ngã là cúng dường.

Như thế mới không đem vật bau nào so sánh được. Như thế mới đạt thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được.

Thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa là liễu triệt diệu lý này. Vì thế Đức Thế Tôn dạy rằng:

“Này Tú Vương Hoa! Thí như trong các dòng nước, sông, ngòi, kinh, rạch, thời biển là lớn nhất, kinh Pháp Hoa này cũng như thế”.

“Lại như mặt trời hay pháp trừ các chỗ tối tăm. Kih này cũng thế, hay phá trừ tất cả sự tối tăm bất thiện”.

“Lại như Đế Thích làm vua trong 33 cõi trời, kinh này cũng thế là vua trong các kinh”.

“Tú Vương Hoa! Nếu có người nghe phẩm Dược Vương Bồ Tát bổ sự này cũng đặng vô lượng biên công đức”.

Nếu có người nữ nào (người có nhiều ái nhiễm) nghe kinh điển này đúng như lời tu hành thì chẳng còn bị lòng tham dục làm khổ. Đặng thần thông vô sinh pháp nhẫn của Bồ Tát.

Kinh này là món lương dược, là phương thuốc nhiệm mầu, để từ đó chúng sinh nhận rõ thật tướng của vạn pháp. Không nhiễm chấp vào sắc thân, đức tướng mà cúng dường cầu phước báu hay để cầu quả vị Phật, mà để chiếu phá vô minh, hiện hành những đức tướng vi diệu để chúng sinh trực nhận “tự tánh nhiệm mầu” và ở nơi thể “hiện nhất thiết sắc thân tam muội” mà đốt thân cúng dường báo đền ân Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]