Lê Sỹ Minh Tùng
PHẦN IV
Sinh diệt Tứ diệu đế
Đây chính là chân lý Tứ diệu đế mà Đức Phật đã thuyết giảng cho nhóm ông Kiều Trần Như. Triết lý nầy lấy chữ “Khổ” làm đối tượng và vô thường tức là thành, trụ, hoại, không là kết quả của nó. Con người cũng như vạn vật trong thế gian nầy chẳng qua là nằm trong vòng sinh diệt của vô thường mà thôi. Loài hữu tình thì bị chi phối bởi sanh, lão, bệnh, tử còn loài vô tình thì cũng không thoát khỏi định mệnh của sinh, trụ, di, diệt. Thật vậy, không có vật gì trên thế gian nầy mà tự nó có thể sanh ra và tồn tại được mà không nhờ sự trợ giúp của những nhân duyên khác. Cho nên tất cả vạn pháp trong vũ trụ nầy đều là vô ngã cả. Vì không có ngã nên tất cả vạn pháp đều bị chi phối bởi luật vô thường tức là có sinh tất sẽ có diệt.
Con người vì thấy hiện tượng sinh diệt hiển hiện trước mắt làm cho họ đâm ra lo sợ và dĩ nhiên khổ đau cũng bắt đầu nẩy sinh từ đây. Ngày xưa chúng ta mạnh khỏe tráng kiện bao nhiêu thì bây giờ già yếu, bệnh hoạn bấy nhiêu. Tiền tài, danh vọng mà con người thành đạt bằng cách làm ăn lương thiện hay bằng thủ đoạn lưu manh thì họ có đem theo được đâu? Nghèo cũng khổ mà giàu cũng chưa chắc đã sung sướng gì. Sống trong một xã hội càng văn minh tân tiến thì càng có nhiều bệnh tật hiểm nghèo, khó trị. Vì phải đối diện với bao nhiêu đau khổ của cuộc đời như thế nên tâm thức con người trở thành ô nhiễm và bất tịnh.
Như thế Sinh diệt Tứ diệu đế là dựa trên bốn căn bản là vô ngã, vô thường, đau khổ và bất tịnh. Cốt tủy của chân lý Tứ diệu đế nầy là đoạn trừ Tham-Sân-Si phiền não để tâm được thanh tịnh mà chứng được Niết bàn. Trong phần đạo đế Đức Phật đã đưa ra 37 phẩm trợ đạo để giúp chúng sinh đạt được cứu cánh Niết bàn. Niết bàn là Liễu nhân chớ không phải là Tác nhân có nghĩa là Niết Bàn chính là tự tánh thanh tịnh có sẵn trong mọi chúng ta chớ không phải do con người tạo ra. Khi tu theo đạo đế tức là dùng 37 phẩm trợ đạo để đánh tan đám mây vô minh hắc ám làm cho bản tâm thanh tịnh được bừng sáng thì Niết bàn sẽ hiển hiện tức thì. Đây chính là Tạng giáo và là giáo lý của Tiểu thừa để đạt được bốn hàng thánh quả của Thanh văn thừa là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Trong số tất cả những đại đệ tử của Đức Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Phú Lâu Na, A Nan, A Na Luật…đều tu theo pháp sinh diệt Tứ diệu đế nầy để trở thành A La Hán.