Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Thường Lạc Ngã Tịnh

08/03/201109:59(Xem: 7269)
21. Thường Lạc Ngã Tịnh

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN III

Thường Lạc Ngã Tịnh

Cái thật thể hay thật tướng của vũ trụ mà đạo Phật gọi là Chơn như thì luôn luôn chân thật không giả dối. Vũ trụ chẳng qua là sự tổng hợp của không gian vô tận và thời gian vô cùng. Vũ là cho không gian và trụ là cho thời gian. Nhân quả là thời gian và nhân duyên là không gian cho nên vũ trụ chẳng qua là sự tổng hợp của nhân quả và nhân duyên mà thôi.

Khi Phật mới thành đạo thì Ngài chỉ dùng thuyết Nghiệp cảm duyên khởi để dạy chúng đệ tử. Đây là triết lý Tiểu thừa nguyên thỉ của Phật giáo. Triết lý nầy được rút ra từ trong “Tứ Diệu Đế” và “Thập nhị Nhân Duyên”. Dựa theo tư tưởng nầy thì con người sống trong thế gian nầy phải bon chen với dẫy đầy đau khổ. Cái khổ nầy chưa hết thì cái khổ khác hiện lên. Con người đã khổ vì thân thì nay lại khổ về tâm. Phật dạy vì vô minh vọng chấp nên con người phải khổ. Vì còn mê vọng nên chúng ta có hành động sai lầm và vì hành động sai lầm nên con người phải chịu quả khổ. Như thế thì con người cứ lanh quanh lẩn quẩn trong vòng nhân quả luân hồi. Chính luân hồi nhân quả nầy tạo ra chánh báo là thân ta và y báo là sơn hà đại địa tức là cảnh vật chung quanh ta. Khi nghiệp nhân biến đổi thì nghiệp quả củng biến đổi theo.

Do đó chánh báo và y báo cũng dựa theo đó mà biến đổi. Nói thế có nghĩa là khi con người tạo những nghiệp nhân thuộc về nhân thừa thì đời sau đầu thai lại mà chánh báo vẫn là người và y báo vẫn là sơn hà đại địa. Nhưng nếu người ấy tạo quá nhiếu nhân dữ thì chánh báo đời sau sẽ là súc sanh hay ngạ quỷ và y báo tức cảnh giới ở chung quanh cũng không còn giống như cảnh giới của người nữa. Nói thế có nghĩa là vũ trụ và vạn hữu sẽ biến đổi theo tầm mắt và sự hiểu biết của các loài ấy. Vì thế “nghiệp cảm” có nghĩa là do nghiệp như thế nào thì cảm thọ cái thân và cảnh như thế ấy. Nói một cách tổng quát là do nghiệp lực mà có thân tức là chánh báo và thế giới tức là y báo. Do đó con người trong bình sanh gây ra nghiệp lành hay dữ thì chánh báo và y báo sẽ cảm thọ tốt hay xấu về sau. Còn tạo nghiệp là còn hiện tượng giới tức là còn trôi nổi luân hồi. Khi dứt được nghiệp là trở về với Chân như tức là trở về với bản tâm thanh tịnh, chứng đắc Niết bàn.

Dựa theo thuyết Tiểu thừa nầy thì tất cả vạn pháp trong vũ trụ nầy đều là vô ngã tức không tự tánh. Không có một vật gì trên thế gian nầy mà tự nó có thể phát triển và tồn tại mà không cần đến những nhân duyên khác. Vì có sự duyên khởi như thế nên Đức Phật đã khẳng định là trong thế giới hữu hình nầy tất cả vạn pháp đều là vô ngã. Thật vậy tấm thân tứ đại của chúng ta là do sự kết hợp của muôn vạn yếu tố. Nếu là ngã thì chúng ta đâu cần ăn, đâu cần uống mà vẫn tồn tại, sống phây phây như thường. Nhưng xe muốn chạy phải có xăng và cây cỏ muốn sống phải có nước…Thế thì thuyết nầy bắt đầu bằng triết lý “vô ngã” để cho con người có cái nhìn rộng lớn về sự liên hệ với nhau trong vũ trụ nầy. Nhưng một khi đã thấy thấu triệt được tính vô ngã của vạn hữu thì lúc bây giờ Đức Phật mới cho chúng ta thấy hậu quả của nó.

Vì là vô ngã nên tất cả vật thể trên thế gian nầy sẽ biến chuyển thay đổi theo luật vô thường. Đó là sinh, trụ, di, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Con người thì phải chịu sinh, lão, bịnh, tử còn vật thể thì nay có mai không. Ngày xưa cung thành Ca Tỳ La Vệ tráng lệ bao nhiêu thì ngày nay chỉ còn lại vài cục gạch bể nát. Thời Pháp thuộc ở Sài gòn có ai giàu hơn ông Chú Hỏa mà bây giờ chỉ còn là dĩ vãng mà thôi. Vì thấy sự vô thường, sinh diệt bất tận nên con người sinh lòng đau khổ. Càng đi sâu vào cuộc đời thì cái khổ càng to, cái lo càng lớn. Một vị tổng thống giàu sang quyền thế thì ai dám nói ông ta khổ? Nhưng thật ra một vị tổng thống mà muốn làm cho được quốc thái dân an thì phải tận tụy hết mình thì tự mình chuốc bao phiền não khổ đau. Còn nếu dân tình thế thái, lầm than, đau khổ thì lo sợ bồi hồi, nay người này chửi, mai kẻ khác phàn nàn và đi đâu cũng sợ có người ám sát. Thế thì làm tổng thống có sung sướng gì đâu?

Khi con người thấy rằng cuộc đời chỉ là một chuỗi dài đau khổ thì họ đâm ra lo lắng sầu bi. Càng lo âu phiền não thì tâm càng bất tịnh. Có ai đang đau khổ mà tâm thư thái an vui bao giờ? Vậy cuối cùng triết lý của Tiểu thừa chính là vô ngã, vô thường, đau khổ và bất tịnh. Đây chính là tục đế hay chân lý tương đối tức là Pháp hữu vi để giúp chúng sinh thấy bề thật của sự sinh thoái trong thế giới hữu hình nầy.

Vì đi đâu cũng thấy “khổ” cho nên con người mới cố tu để đạt đến cứu cánh là giải thoát sinh tử và chứng ngộ được Niết bàn. Nhưng thật sự có Khổ như thế chăng?

Sau hai mươi năm thuyết pháp bây giờ Đức Phật mới bắt đầu nói kinh Bát nhã và chính Đức Phật đã dùng tới hai mươi hai năm để diễn giải trí tuệ Bát nhã nầy. Bát Nhã là trí tuệ sáng suốt triệt để vĩnh hằng trong mỗi con người và đây chính là nguồn gốc của triết lý Đại thừa mà Bát Nhã Tâm Kinh là cốt yếu tinh hoa của bộ kinh dày 600 quyển này.

Khi dạy hàng Tiểu thừa thì Đức Phật dùng thuyết Nghiệp cảm Duyên Khởi để chỉ cho chúng sinh biết cái Khổ mà tìm về cứu cánh Niết bàn. Bây giờ kiến thức của chúng đệ tử đã cao và trình độ tu chứng đã tiến triển nên Phật bắt đầu khai thị một triết lý mới. Nếu dựa theo tư tưởng của Tiểu thừa thì kẻ tu hành không bao giờ vượt qua Thánh quả A La Hán.

Phật dạy rằng:

“Cái khổ ở trong địa ngục bị thiêu đốt cũng chưa phải là khổ. Cái khổ làm ngạ quỷ bị đói khát cũng chua phải là khổ. Cái khổ làm súc sanh kéo cày, bị đánh đập cũng chưa phải là khổ. Sống trong Vô minh điên đảo không biết đường đi mới là khổ”.

Vô minh là mờ mịt, tạo tội lỗi để phải trầm luân vĩnh viễn trong lục đạo luân hồi không biết lối ra mới là cái khổ lớn nhất của con người. Chẳng hạn như người đang chiêm bao thì không bao giờ biết được chiêm bao cho tới lúc thức giấc rồi mới biết đó là cảnh chiêm bao. Chúng sinh hiện đang ở trong vòng vô minh vọng thức thì không thể biết được vô minh vọng thức. Chỉ khi nào họ được giác ngộ hoàn toàn thì lúc đó họ mới biết được rõ ràng cảnh giới của vô minh vọng thức.Vì thế chủ trương cứu khổ của đạo Phật là khai thị chúng sanh để phá cho được cái ách Vô minh mà họ đã đeo từ ngàn muôn kiếp tới nay.

Bây giờ nếu chúng sinh muốn hoàn thành Phật đạo thì phải theo Bồ tát giới và mở rộng tư tưởng theo triết lý Đại thừa để phá hết Vô minh và đoạn trừ phiền não. Dựa theo tư tưởng Đại thừa thì tất cả vạn vật từ con người cho đến vũ trụ chẳng qua là sự duyên khởi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]