Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II.5- Ngôn Ngữ Siêu Hình

13/01/201108:02(Xem: 8453)
II.5- Ngôn Ngữ Siêu Hình

TÌM HIỂU NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Thích Tâm Thiện

II.5- Ngôn Ngữ Siêu Hình

Trước khi nói đến ngôn ngữ siêu hình, vấn đề siêu hình cũng cần được bàn đến. Thông thường, siêu hình vốn được xem như là một trong những vấn nạn uẩn khúc nhất và nan giải nhất đối với con người. Vì cảnh giới siêu hình luôn luôn được cho rằng thoắt sinh ngoài cảnh giới của con người.

Chẳng hạn linh hồn có hay không? Sau khi chết, linh hồn sẽ đi về đâu? Những vấn nạn như thế dường như bao giờ cũng tự đặt ra một sự cách biệt tuyệt đối giữa thế giới hữu hình và siêu hình, và làm cho chúng trở nên đối lập nhau, như thể xác thì không phải là linh hồn... Do đó, khi nói đến siêu hình, trong quan niệm hạn hẹp, là nói đến những vấn đề linh hồn, những thế giới siêu nhiên, vô hình, cách biệt với thế giới của con người. Và tự thân của những khái niệm như linh hồn, siêu hình, siêu nhiên luôn luôn gợi lên trong tâm thức của con người những ảnh tượng về một thế giới mông lung u huyền nào đó, một thế giới không có trong thực tại.

Tuy nhiên, nếu nói một cách bao quát, và đứng trên bình diện rộng, chúng ta thấy rằng sự hiện hữu của hai thế giới hữu hình và vô/siêu hình luôn luôn có quan hệ với nhau. Và có thể nói, thế giới siêu hình chỉ thật sự tồn tại trong tương quan, ít ra là trên mặt nhận thức, nếu không như thế, thì thế giới dù là hữu hình hay vô hình đều không được biết đến.

Ngược lại, và vượt lên trên tất cả, trong quan điểm của Phật giáo, mọi thế giới từ vi mô cho đến vĩ mô, từ hữu hình cho đến siêu hình, đều luôn luôn cởi mở và hiển thị trước một điểm tâm trong sáng. Tất cả thế giới đó đều hiện hữu trong tương quan Duyên khởi. Chúng không hề tách biệt nhau. Và dầu là hữu hình hay vô hình, chúng đều là sự biểu hiện của Tàng thức.

Và trong thể cách của Tàng thức, thì mọi biểu hiện, hay mọi sản phẩm của nó chỉ có tùy thuộc vào duyên, chứ không tùy thuộc vào bản tính của môỵi hiện hữu cá biệt... Vì nguyên lý Duyên khởi bảo rằng mọi sự thể đều là hiện hữu của tương duyên, nên bản chất của chúng là "vô tự tính" (bản tính Không). Và như thế, thế giới siêu hình được tồn tại ngay trong lòng của thế giới hữu hình; hay nói khác đi, vô hình và hữu hình là những biểu hiện khác nhau của tâm thức mà thôi.

Từ đó, thế giới siêu hình, theo cái nhìn của Phật giáo, không phải là một thế giới hão huyền, xa xôi nào đó, mà trái lại, nó chính là thế giới đặc thù được biểu hiện từ tâm thức. Và quan trọng hơn cả, trên mặt nhận thức luận, nếu thế giới siêu hình được xem là biểu hiện của tâm thức, nghĩa là siêu hình được đồng hóa với các biến cố của tâm thức, thì như thế, Phật giáo quả thực là một tôn giáo có khá nhiều bối cảnh siêu hình.

Như chúng ta biết, trong kinh tạng, cái gọi là cảnh giới siêu hình - cảnh vượt ngoài sự hiểu biết và nắm bắt của người trần - được Đức Phật nói đến khá nhiều và đôi khi được trình bày rất cụ thể, như trường hợp của các cõi trời Sắc và Vô sắc. Mặc dầu nó vốn được xem là cảnh giới siêu hình, song ở đây, siêu hình là một trạng thái phi vật thể (đại loại như cõi Vô sắc v.v...), chứ không có nghĩa là không hiện hữu; chẳng hạn, tâm thức là siêu hình, là không có hình thù nào hết v.v...

Do đó, có thể nói rằng, ngôn ngữ siêu hình là một trong những cách thế diễn đạt của Phật về thế giới tâm thức. Vì vậy, nó cũng cần được bàn đến. Trước hết, có một số thuật ngữ được dùng để kiến thiết thế giới siêu hình có thể được bàn đến như Không (Sanyàta), Vô tướng, Vô tưởng, Vô sinh, Niết bàn v.v... Đây được xem là những khái niệm cơ bản được dùng để nói đến cảnh giới siêu hình. Và như đã đề cập, siêu hình ở đây không phải là cảnh giới mông lung u huyền nào, mà nó chính là thế giới của tâm thức, một thế giới thường được xem là khác biệt với thế giới hiện thực.
Đoạn kinh vắn dưới đây, có thể được xem là một lối diễn đạt về thế giới siêu hình.
"... - Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát và vô tướng tâm giải thoát này, có một pháp môn, này Hiền giả, do pháp môn này, các pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt. Và này Hiền giả, lại có một pháp môn, do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa đồng nhất và danh sai biệt. Này Hiền giả, lại có một pháp môn, do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa đồng nhất và danh sai biệt.

Này Hiền giả, thế nào là có pháp môn, do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa sai khác và danh sai khác? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỳ kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô lượng tâm giải thoát.

Và này Hiền giả, thế nào là vô sở hữu tâm giải thoát? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỳ kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng "Không có việc gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy, này Hiền giả, vị Tỳ kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến chôỵ nhà trống và suy nghĩ như sau: "Đây trống không, không có tự ngã hay không có ngã sở". Như vậy, này Hiền giả, gọi là không tâm giải thoát.

Và này Hiền giả, thế nào là vô tướng tâm giải thoát? Ở đây, này Hiền giả, vị Tỳ kheo không tác ý với nhất thiết tướng, đạt và an trú vô tướng tâm định. Như vậy, này Hiền giả, gọi là vô tướng tâm giải thoát. Như vậy là có pháp môn và do pháp môn này, những pháp ấy nghĩa sai biệt và danh sai biệt. Và này Hiền giả, thế nào là có pháp môn và do pháp môn này, các pháp ấy có nghĩa đồng nhất nhưng danh sai biệt.

Tham, này Hiền giả, là nguyên nhân của hạn lượng; sân là nguyên nhân của hạn lượng; si là nguyên nhân của hạn lượng. Đối với vị Tỳ kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc và tham, sân, si này đã được chặt tận gốc như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai.

Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô lượng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát không có tham, không có sân, không có si. Tham, này Hiền giả, là một vật gì (chướng ngại), sân là một vật gì (chướng ngại), si là một vật gì (chướng ngại). Đối với vị Tỳ kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, thì tham, sân si này đã được chặt tận gốc, như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai.

Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô sở hữu, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát ấy không có tham, không có sân, không có si. Tham, này Hiền giả, là nhân tạo ra tướng, sân là nhân tạo ra tướng, si là nhân tạo ra tướng. Đối với vị Tỳ kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, thì tham, sân, si này được chặt tận gốc, như thân cây tala được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai.

Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô tướng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng đối với các tâm giải thoát ấy, và bất động tâm giải thoát này không có tham, không có sân, không có si. Như vậy, này Hiền giả, là pháp môn này, những pháp ấy là đồng nghĩa nhưng danh sai biệt" (39). (Đại Kinh Phương Quảng Thứ 43, Trung Bộ)

Một số đặc trưng của ngôn ngữ siêu hình

Trước hết, ngôn ngữ siêu hình là một "phát biểu trực giác", nó nói thẳng nói thật ngay vấn đề mà không cần phải thông qua cơ sở lý luận nào. Tỉ dụ, kinh nói: "Này Hiền giả, khi nào các tâm giải thoát là vô tướng, thì bất động tâm giải thoát được gọi là tối thượng". Ở đây, hầu như "tâm vô tướng" là cái trục chính, để qua đó, "ngôn ngữ vô tướng" (tức siêu hình) được trình bày.

Khác với ngôn ngữ ẩn dụ, thí dụ, hay biểu tượng, ngôn ngữ siêu hình tự thân nó không gợi lên một hình ảnh nào mang tính cách biểu thị. Và nếu có thể nói đến sự biểu thị của ngôn ngữ siêu hình, thì cái được biểu thị ở đây là Không hay là Vô tướng, tức không ảnh tượng, không hình thái và không chiều kích. Nó chính là tiếng nói trong sáng nhất từ chân tâm. Và trong tiếng nói đó, mọi âm thanh cáu bẩn đều đã được thanh lọc.

Cũng tựa hồ như viên ngọc lưu ly, thể tính trong suốt của nó luôn luôn là biểu thị duy nhất cho chính nó. Vì thế, đặc trưng thứ nhất của ngôn ngữ siêu hình là không mang theo một hình ảnh biểu tượng nào cả. Nó - tức Không tướng - là biểu thị duy nhất cho nó và của nó.

Và nữa, như chúng ta thấy, trong các cảnh giới như được nói đến trong Phật giáo, thì chỉ có cảnh giới của chân tâm, của Phật tính là toàn bích, là tối thượng. Ở đó, mọi hoạt cảnh, mọi ảnh tượng của vọng thức không còn nữa. Nhưng nói như thế, không có nghĩa chân tâm là trơ lì, bất động, mà trái lại, nó linh diệu và năng động vô cùng.

Do đó, ngôn ngữ từ chân tâm là một loại ngôn ngữ vô tướng, hay là siêu hình. Điều này được kinh dụ cho hình ảnh Đức Phật dùng diệu âm mà nói pháp, trong khi thân và tâm của Ngài bất động. Vì thế, đặc trưng thứ hai của ngôn ngữ siêu hình là ngôn ngữ được dùng để nói về một thế cách, biểu hiện đặc thù của tâm thức đã vượt qua mọi vọng động, bất an - tâm thức trên chiều chân như, tuyệt đối.

Hơn thế nữa, cái nhân để tạo ra các ảnh tượng huyễn hoặc trong thế giới của tâm thức như kinh trình bày, chính là tham, sân và si: "... Tham, này Hiền giả, là nhân tạo ra tướng; sân là nhân tạo ra tướng; si là nhân tạo ra tướng" (40). Vì thế, khi tâm thức không còn tham, sân, si thì không còn sinh khởi các ảnh tượng huyễn hoặc nữa.

Nó được gọi là vô tướng giải thoát. Do đó, ngôn ngữ của vô tướng giải thoát là ngôn ngữ thoát ly tham, sân, si, hay nói khác hơn là ngôn ngữ của thực tại toàn chân. Ở đây, thay vì xây dựng nên các phạm trù, ảnh tượng, nó xóa nhòa tất cả, không biên tế và không hình thức. Ngôn ngữ chính là tiếng nói của giải thoát. Đây là đặc trưng thứ ba của ngôn ngữ siêu hình.

Và cuối cùng, như chúng ta thấy, do không y cứ trên cơ sở của lý luận, phân tích, thí dụ, biểu tượng v.v... nên ngôn ngữ siêu hình chỉ được Đức Phật dùng để giảng cho những ai đang đi theo con đường thiền định để tiến tới giác ngộ, giải thoát. Do vậy, nó không phải là ngôn ngữ phỗ thông trong giao tiếp. Cũng như cái có hình thức thì được nói bởi và bằng hình thức.

Ngược lại, các pháp phi hình thức như chân tâm chẳng hạn, thì được nói bằng ngôn ngữ siêu hình. Tóm lại, ngôn ngữ siêu hình là ngôn ngữ được dùng để nói về các cảnh giới của tâm thức đã và đang vươn đến sự giải thoát tối hậu. Nó đi qua tất cả và không để lại bất kỳ một ảnh tượng biểu thị nào, tựa hồ như thác ghềnh được tuôn chảy từ nguồn mạch chân tâm, xuyên qua mọi hang khe của núi đá và vẽ nên một biểu thức bất định.

Ngôn ngữ siêu hình là như thế. Nó chỉ tương ưng với thế giới thực tại với muôn ngàn khác biệt và đa thù. Vì sự biểu hiện của chân tâm là vô tận, nên không thể có một cấu trúc ước lệ, khuôn mẫu nào có thể nói lên được tất cả. Ngôn ngữ siêu hình vốn là sự biểu hiện của thế giới thực tại tính Không.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]