Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đệ lục giác tri

15/09/201002:28(Xem: 8479)
Đệ lục giác tri

CHÁNH VĂN:

Đệ lục giác tri:
Bần khổ đa oán,
Hoạnh kết ác duyên,
Bồ-tát bố thí,
Đẳng niệm oán thân,
Bất niệm cựu ác,
Bất tắng ác nhân.

DỊCH:

Điều thứ sáu phải nên giác biết:
Người khổ nghèo lắm kết oán hờn.
Không duyên tạo ác đâu sờn,
Bồ-tát bố thí, ai hơn kẻ này.
Lòng không còn thấy kia đây,
Ít khi nhớ đến buồn gây thuở nào.
Dù người làm ác biết bao,
Một lòng thương xót, khổ đau cứu giùm.

GIẢNG:

Đệ lục giác tri:
Bần khổ đa oán,
Hoạnh kết ác duyên.

Điều giác ngộ thứ sáu, Phật dạy Bồ-tát khi làm việc lợi tha phải biết tâm bệnh của chúng sanh là quá nghèo khổ nên hay oán hận, hay kết nhiều duyên ác. Phàm người nghèo khổ có nhiều oán hận là vì thiếu thốn vật chất, lúc nào cũng bị những điều bất như ý bức bách ép ngặt, không bực dọc với người ngoài thì bực bội trong gia đình. Nếu có ai động chạm tới là họ quạu quọ nổi sân giận làm hung làm dữ. Nhất là người không biết tu, không thông lý nhân quả, khi lâm vào cảnh nghèo khổ đói cơm rách áo thì oán trời trách đất. Thấy người giàu có hơn mình là sanh tâm đố kỵ, thấy người quyền quí hơn mình là sanh tâm oán ghét, lúc nào cũng có mặc cảm không tốt với người hơn mình; mặc dù người quyền quí giàu có biết tu, không hề khinh chê hay làm phiền lòng họ mà họ vẫn ghét. Vì họ cảm thấy họ khốn khổ đủ điều, còn người giàu sang quyền quí sung sướng đủ cách. Do mặc cảm không tốt đó, không duyên cớ gì mà cấu kết duyên ác xấu, gây kết oan trái với người. Vì vậy mà người nghèo học đạo khó, ngược lại người đủ ăn đủ mặc ít bị những bực bội ép ngặt thì dễ tu.

Là Phật tử đã học Phật pháp, thấu suốt lý nhân quả, nếu hiện tại lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ, hiểu rằng mình trước đã gieo nhân keo kiệt bỏn sẻn, không biết giúp đỡ ai, lại thêm tham lấy của người. Đã lỡ gieo nhân xấu nên ngày nay nghèo khó, vui chịu không oán trách than van, nỗ lực xả bỏ tâm keo kiệt bỏn sẻn, chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Cố gắng phát triển hạnh lành phát tâm bố thí giúp đỡ mọi người, đó là đoạn cái nhân nghèo khổ, sẽ được giàu có an vui về sau.

Có nhiều Phật tử than nghèo, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, của cải vật chất không có, lấy gì để bố thí? Quí vị nghiệm lại xem, trong đời này có ai nghèo đến nỗi không dư vài ba hột cơm để bố thí cho kiến ăn, hoặc không dư một mảnh vải để băng bó vết thương cho người bị nạn! Chắc chắn ai cũng có những món tối thiểu này. Tu không phải đợi có tiền nhiều bố thí cúng chùa mới là làm phước, chúng ta biết thương người, nghĩ đến người, tùy theo khả năng, phương tiện sẵn có của mình mà giúp đỡ người. Chẳng hạn nhường chỗ ngồi cho người già yếu khi xe chật, phụ giúp người đi đường gánh bưng quá nặng… Như vậy là chúng ta chuyển đổi tâm niệm keo kiệt bỏn sẻn thành tâm bố thí lợi tha, chuyển đổi hành động xấu ác thành lương thiện làm lợi ích cho người vật. Người nghèo mà sống như thế thì đâu có kết duyên ác gây oán hận với ai. Ngược lại, cứ khư khư ôm ấp tâm niệm xấu xa oán hờn, đã khổ lại chồng chất thêm khổ. Thế nên người Phật tử nghèo hiểu rõ lý nhân quả, phải khéo tu để chuyển đổi hoàn cảnh nghèo nàn đau khổ của mình, trở thành an vui sung sướng trong hiện tại và mai sau.

Ở trước Phật chỉ cho biết nhân luân hồi sanh tử là vô minh. Đến đây Phật dạy gốc nghèo khổ là keo kiệt bỏn sẻn, tham lam lấy của người. Phải nỗ lực cố gắng tu để phá trừ nó.

Bồ-tát bố thí,
Đẳng niệm oán thân,
Bất niệm cựu ác,
Bất tắng ác nhân.

Do vì người nghèo khổ hay có tâm bệnh oán hờn, tạo nhiều nghiệp ác, nên Phật dạy Bồ-tát khi làm việc lợi tha, gặp người nghèo khổ như đã nói thì phải thông cảm cho họ. Nếu họ lỡ kết oán gây hờn thì Bồ-tát hoan hỉ tha thứ và đem lòng từ bi bình đẳng mà đối xử, không phân biệt thân sơ. Tùy theo tâm niệm hoàn cảnh sở cầu của họ, biết họ đang bị khổ ách nào chi phối, đang cần cầu điều gì, theo đó mà giúp cho phù hợp. Như thế mới có kết quả tốt, giống như lương y tùy bệnh cho đúng thuốc thì bệnh mau lành.

Cũng vậy, Tăng Ni hay Phật tử chẳng những thương cái khổ hiện tại của người bần cùng, mà còn thương cái khổ vị lai của họ nữa. Tìm hiểu tâm niệm hoàn cảnh của từng hạng người để giúp đỡ họ. Phật dạy do nghèo khổ mà phần đông chúng sanh có tâm oán hờn và kết nhiều duyên ác, nên khi gặp những người có hoàn cảnh như vậy, thì phải phương tiện giúp cho họ bớt khổ, nghèo thiếu trong hiện tại, sau đó hướng dẫn cho họ học hiểu đạo lý, biết nhân nào là ác xấu, phải chịu quả báo khổ đau thì nên tránh, nhân nào là tốt, cần phải làm để được an vui lợi ích.

Khi Tăng Ni hay Phật tử ra làm lợi ích cho chúng sanh, luôn nhớ chúng sanh nghèo khổ, nhiều lòng tham, nhiều oán hờn. Chẳng hạn đi phát gạo phát tiền, họ lãnh rồi trở lại lãnh nữa, lãnh nhiều lần như vậy; hoặc họ đến muộn, phẩm vật chia đã hết họ tức giận chửi mắng. Chúng ta nên thông cảm và thương họ đang bị nghèo khổ ép ngặt, mất sự sáng suốt bình tĩnh, tha thứ và an ủi họ mà không buồn giận.

Phật lại dạy thêm, Bồ-tát khi bố thí là do lòng từ bi bình đẳng, đối với kẻ oán người thân đều bố thí ngang nhau, không nhớ nghĩ những điều ác mà họ đã làm ngày xưa và cũng không hề ghét bỏ người hung dữ. Việc làm này hơi cao, người thường khó thực hiện được. Nhưng đó là tinh thần Đại thừa, nhằm lấy ân báo oán, khởi tâm từ bi hỉ xả, vong kỷ lợi tha. Nên khi ra làm việc, chúng ta cần phải xem xét tâm niệm mình có còn vị kỷ không? Có còn thân sơ không? Có còn nhớ nghĩ đến oán cừu xưa không? Nếu còn thì phải tiến tu hơn nữa, để chuyển hóa tâm niệm nhỏ hẹp cho xứng đáng với lời Phật dạy. Vì nếu chúng ta còn vị kỷ thì không thể nào thực hiện đúng lời Phật dạy. Giả sử có người giàu có quyền thế lấn áp chúng ta, sau đó họ sa cơ thất thế nghèo khổ, ngược lại chúng ta được quyền thế giàu có. Trong một dịp đi bố thí gặp lại người lấn áp mình ngày xưa, chúng ta không hoan hỉ cho người đó. Như vậy là chúng ta còn nhớ lỗi xưa của họ, chúng ta còn tâm vị kỷ hẹp hòi, chưa có tâm hỉ xả. Bồ-tát thì không như vậy, dù xưa họ có làm khổ các ngài, nay thấy họ khổ, các ngài vẫn ra tay cứu giúp.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Bố thí cho một trăm người dữ ăn không bằng bố thí cho một người hiền. Bố thí cho một ngàn người hiền, không bằng bố thí cho người giữ năm giới. Bố thí cho mười ngàn người giữ năm giới, không bằng cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn… Cúng dường một trăm ức vị Bích-chi Phật không bằng cúng dường một vị Phật.” Nghĩa là bố thí cho người tu cao chừng nào, thì có phước nhiều chừng nấy. Song, tại sao kinh này Phật lại dạy bố thí phải bình đẳng? Đồng là lời Phật dạy sao có sự mâu thuẫn nhau? Vậy kinh nào dạy đúng với tôn chỉ của Phật?

Tôi xin đưa ra một ví dụ để giải thích đoạn này cho quí vị hết nghi ngờ. Phật tử nào lớn tuổi có con đông khéo dạy dỗ con thì sẽ thông cảm điều này. Khi con còn nhỏ, quí vị thường dạy: “Con phải chọn bạn mà chơi, đứa nào hiền lành siêng học nên thân cận gần gũi, đứa nào hung dữ biếng nhác nên tránh xa, vì gần nó sẽ nhiễm những thói hư tật xấu, mà hỏng cả cuộc đời.” Khi con khôn lớn học hành thành tài, có đức hạnh trí tuệ vững vàng, quí vị lại khuyên con: “Con hãy coi bạn bè, đứa nào nghèo khó, kém đạo đức nên tới lui giúp đỡ cho nó được tốt được vui…” Sở dĩ quí vị khuyên dạy các con như thế, là vì con quí vị có đủ khả năng tự chủ và làm lợi ích cho người, góp phần xây dựng cho xã hội được tốt đẹp, chớ không còn đóng khung bằng cách dạy con phải gần người hiền người tốt mãi.

Cũng như thế, người mới tu, tập khí tham sân si phiền não còn dày, mà sức huân tu còn kém, nên Phật dạy tránh xa người dữ, gần gũi người trí người hiền để được duyên thuận, được yên ổn dễ tu dễ tiến. Đến khi phiền não tham sân si cạn mỏng, đạo lực vững, có đức tự chủ không bị chi phối bởi nghịch duyên, thì Phật dạy nên giúp đỡ làm lợi ích mọi người, giúp kẻ dữ người hiền như nhau. Người mới tu đạo lực non yếu cần bạn lành duyên tốt để tiến, còn tu lâu có đạo lực, nếu ở trong cảnh thuận hoài sẽ bị chìm trong ấy không tiến được. Giả sử có người tu lâu, ăn trên ngồi trước mọi người, Phật tử đến chùa đều đảnh lễ cúng dường, muốn gì được nấy, tha hồ hưởng thụ, không gặp khó khăn thử thách nên không biết mình tu đến đâu? Tuy tu mà không có ai chọc phá nên không biết sân giận phiền não còn hay hết. Hoặc không có ai bỏ đói, đâu có biết kham nhẫn cơn đói đến đâu? Vì vậy, giai đoạn sau của người tu, cần phải có thử thách, để trắc nghiệm xem tu đã thật sự tiến bộ chưa? Có đối xử bình đẳng giữa kẻ xấu người tốt, kẻ sơ người thân chưa?

Thế nên tu trong cảnh thuận được an ổn thấy có tiến bộ, thì chưa tin mình đã tiến thật sự, an ổn thật sự. Khi nào gặp nghịch duyên thử thách mà vẫn thản nhiên an ổn vượt qua thì mới thật là tiến bộ. Ví dụ tôi tuyên bố tu hạnh nhẫn nhục, nhưng tôi cứ ở trong cảnh thuận, không có người đến chửi mắng khi dể, vu oan giá họa, thì làm sao tôi biết được tâm nhẫn nhục của tôi đến đâu? Người tu khi phát nguyện tu hạnh nào, cần phải có duyên nghịch để thử thách cho vượt qua mới thành tựu hạnh tu. Giống như đứa học trò qua một năm học, cuối năm, chịu sự khảo hạch của giám khảo, trả lời đúng mới được đậu. Việc tu hành nói thì dễ, tưởng tượng thì dễ, sống trong thuận cảnh cũng dễ. Nhưng, đối diện với thử thách, vượt qua một cách thản nhiên, không bị sân si phiền não làm ô nhiễm mới thật là khó.

Thế thường, người đời khi bị chửi mắng, đánh đập, lấn hiếp thì cho đó là ma quỉ theo phá không cho tu. Ngược lại, đối với người tu Phật, thấy đó là Bồ-tát nghịch hạnh, giúp cho mình cái duyên thù thắng để sớm thành tựu viên mãn công hạnh tu hành. Vậy khi quí vị phát tâm tu, nếu gặp duyên thuận gần gũi được bạn lành tận tâm giúp đỡ mọi mặt, thì biết đó là thiện hữu tri thức ở mặt thuận, chúng ta cũng phải nỗ lực tu tiến, chớ bằng lòng trong cảnh thuận rồi quên tu. Nếu gặp nghịch duyên, người xấu ác phá phách làm chướng ngại, thì biết mình đang gặp thiện hữu tri thức ở mặt nghịch, chúng ta càng cố gắng nỗ lực vượt qua, không thối chí nản lòng bỏ tu. Đối trước người giúp đỡ hay làm chướng ngại mình vẫn bình thản, tâm không chao động, ấy mới là oán thân bình đẳng, khi giúp đỡ họ thì giúp như nhau tâm không thiên vị. Hiểu như thế, chúng ta sẽ không thắc mắc khi đọc kinh Pháp Hoa thấy Phật kể chuyện Đề-bà-đạt-đa trải qua nhiều kiếp về trước, tạo nhiều duyên nghịch trong đời tu hành của Phật. Sau đó Phật kết luận Đề-bà-đạt-đa là thiện hữu tri thức bậc nhất của Ngài, nhờ thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa mà Ngài mau thành tựu Phật quả.

Người tu mà chỉ mong gặp cảnh thuận, gặp người hiền thì không biết rõ khả năng tu của mình. Người mong ước như thế chỉ tu với Phật chớ không tu với chúng sanh. Song, Phật không cần chúng ta tu với Ngài, vì lạy Phật hoài Ngài cũng không mừng, chê Phật mãi Ngài cũng không buồn. Thế nên không cần tu với Phật, mà phải tu với chúng sanh, thì sự tu hành mới có ý nghĩa. Muốn được như thế, phải luôn nhớ người chửi mắng gây phiền chướng cho mình, biết đâu là Bồ-tát thị hiện giúp mình tu tiến.

Chúng ta không nên tưởng Bồ-tát là những vị từ trên trời giáng xuống, có hào quang có phép linh, để chúng ta đến đảnh lễ cầu xin việc này việc nọ. Bồ-tát hiện thân rất thực tế, có khi lại tầm thường, ở bên cạnh mà chúng ta không biết. Sách xưa ở Trung Hoa có ghi lại câu chuyện: Tại chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai có hai vị Bồ-tát tên Hàn Sơn và Thập Đắc. Ngài Hàn Sơn không ai biết rõ tông tích. Một hôm trời lạnh như cắt, Ngài từ trong núi lạnh đi ra, quần áo rách rưới bẩn thỉu, vô chùa xin ở. Do từ núi lạnh đi ra, nên Ngài được gọi tên là Hàn Sơn. Còn ngài Thập Đắc thì do Thiền sư Phong Can đi khất thực về, gặp đứa bé bị bỏ bên đường bơ vơ, Ngài đem về chùa nhờ nuôi, đặt tên là Thập Đắc, nghĩa là lượm được. Hai vị sống trong chùa rất là bần hàn, ăn thì không ngồi trên quả đường như chúng, lại ra sau bếp lượm cơm dư cơm đổ lọc rửa lại để ăn. Ngủ thì ngủ ngoài hiên chùa, sống không cần ai biết đến. Tuy nhiên, các Ngài sống rất vô tư hồn nhiên. Sau khi Thiền sư Phong Can tịch, quan Tri phủ ở gần chùa bị bệnh, mộng thấy ngài Phong Can chỉ cho món thuốc, ông uống lành bệnh, nên ông rất tin tưởng Ngài. Lại một hôm ông mộng thấy ngài Phong Can bảo ông có muốn đảnh lễ Bồ-tát, thì đến chùa Quốc Thanh tìm hai ngài Hàn Sơn và Thập Đắc mà đảnh lễ, hai ngài là Bồ-tát Văn-thù và Phổ Hiền thị hiện. Quan Tri phủ đến chùa tìm, Hòa thượng Trụ trì bất đắc dĩ cho gọi hai Ngài ra. Tuy thấy hai Ngài ăn mặc lôi thôi dơ bẩn, thái độ ngây ngô, nhưng ông vẫn đảnh lễ. Hai Ngài biết tông tích mình đã bại lộ liền cõng nhau chạy vô núi, mất luôn. Đó là Bồ-tát thật mà mọi người không nhận ra được. Nên người đời thường ỷ mình khôn lanh, tranh giành hơn thua, lắm khi phạm tội với Bồ-tát mà không hay!

Tóm lại, điều giác ngộ thứ sáu Phật dạy Bồ-tát khi làm việc lợi tha, phải biết rõ tâm lý hoàn cảnh căn cơ của từng người, thực hành lòng từ bi bình đẳng, không phân biệt thân sơ ân oán, tha thứ mọi lỗi lầm cho người, nhất là thương xót cứu giúp người nghiệp chướng nặng nề tạo nhiều tội ác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]