Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

KINH ĐẠO LÝ DUYÊN KHỞI

12/09/201008:23(Xem: 3964)
KINH ĐẠO LÝ DUYÊN KHỞI


KINH ĐẠO LÝ DUYÊN KHỞI
Thích Nhất Hạnh dịch

(Dị Học Giác Phi Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ mười, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Kalahavivàda Sutta, Sutta-Nipàta 862-877

1. Vì đâu mà có tranh cãi đấu tụng? Vì đâu mà người ta làm khổ nhau, gây sầu thương cho nhau và ganh ghét nhau? Vì lý do gì mà người đời thường sử dụng ác ngữ để hủy báng nhau? Xin Bụt giảng cho chúng con về gốc rễ của vấn đề này.

2. Cái khả ái là nguồn gốc của mọi tranh tụng. Nó gây ra ganh tỵ, tật đố, ưu sầu, khổ não. Vì muốn hủy báng nhau cho nên người ta mới sử dụng vọng ngữ. Chính nó là gốc rễ đưa tới mọi hủy báng chống đối nhau.

3. Nhưng cái khả ái ấy ở đời do đâu mà có? Từ đâu mà ái phát sinh trong cuộc đời? Bỏ cái gì đi thì ái mới không còn và lúc ấy thì con người mới không đau khổ?

4. Chính ham muốn của mình làm cho mình vướng vào cái khả ái của thế gian. Và khi cái ham muốn lớn mạnh, nó sẽ tạo ra nhiều khổ đau. Không buông bỏ được cái hữu cũng là do nó. Và vì có cái hữu này cho nên mới có những cái hữu tới sau.

5. Cái gì làm phát sinh ra cái ham muốn bắt ta chạy theo dục lạc trong cuộc đời? Do đâu mà phân biệt được cái lành dữ xấu tốt? Do đâu mà có cái bắt đầu và cái chung cục? Xin bậc đại sa môn dạy: chúng con phải tuân thủ theo các pháp môn hành trì nào?

6. Cái ham muốn ấy phát sinh từ chuyện mình thích ý hay không thích ý. Dục cũng từ nhân duyên mà sinh khởi. Chỉ khi nào thấy được lý do sắc thân vì sao từ hưng thịnh lại đi đến tàn hoại thì người đời mới bắt đầu biết phân biệt quán chiếu.

7. Khi biết rằng mình đang bị dối gạt (bởi cái vỏ bên ngoài của các pháp) thì con người mới biết hoài nghi. Lúc bấy giờ ta mới nhận diện được hai mặt đối nghịch của các pháp. Thực tập quán niệm như thế nào để khám phá ra được con đường dẫn về tuệ giác. Phải có tâm mong cầu hiểu được giáo pháp ta mới thấy rõ được phép hành trì.

8. Cái có và cái không từ đâu tới? Tại sao người thân và người không thân một ngày kia cũng đều phải chết? Còn vấn đề cái thêm và cái bớt nữa. Xin đức Thế Tôn thuyết giảng cho chúng con về gốc rễ của hiện pháp?

9. Cái ái và cái không ái là do sự xúc chạm mà sinh khởi. Chúng tới rồi chúng đi, chúng sinh rồi chúng diệt, chúng không thể có mặt (nếu không có xúc chạm). Cái có và cái không, cái thịnh và cái suy cũng cùng trong một ý nghĩa đó. Bậc hiền giả giải thích về gốc rễ của hiện pháp một cách tường tận như thế.

10. Nhưng sự xúc chạm kia từ đâu mà đến? Vì nguyên do nào mà người ta lại bị vướng vào sắc dục của thế gian? Phải thực tập quán niệm như thế nào để không còn phân biệt chấp trước? Tại sao lại có sự vướng mắc vào sắc dục?

11. Do có tâm và vật (danh sắc) mà có xúc chạm. Vì có cái có nên danh và sắc mới khởi dậy. Phải vượt qua vô minh mới đạt được giải thoát. Phải thấy được rằng danh và sắc là nền tảng của xúc chạm.

12. Làm thế nào để buông bỏ được sự ham muốn về danh và sắc? Vì lý do gì mà phát sinh các loại tham ái? Làm sao cho tâm đắm trước tham ái được tiêu diệt tận cùng? Phải biết và hành trì theo giáo lý (bốn) sự thật như thế nào mới có thể đạt tới giải thoát?

13. Phải lìa bỏ cái ý niệm về tưởng, về sắc, về cái vô tưởng và về cái bất hành tưởng. Phải đoạn trừ tất cả và không vướng mắc vào ý niệm nào. Bởi tưởng là cái gốc rễ của mọi hý luận đem tới nhiều đau khổ.

14. Những điều con thưa hỏi đều đã được giải đáp. Nay xin đức Thế Tôn thuyết giải thêm cho chúng con: hành trì như thế nào để có thể trở nên một bậc toàn thiện? Còn có con đường nào khác hơn con đường mà bậc tôn đức đã chỉ bày hay không?

15. Đã biết là mình đang đi trên con đường (bát) chánh thì còn sợ gì bị sai lạc? Đó là con đường dẫn tới quả vị tuệ giác. Vị mâu ni thiền định dưới một gốc cây trong rừng. Không có con đường nào đẹp hơn thế.

16. Hiểu như thế rồi thì các vị phải một lòng hướng về (sự thực tập). Một bậc tôn đức được giải thoát thì không còn bị ràng buộc vào nghi lễ và giới cấm nữa. Một người như thế có thể vượt qua mọi phiền não một cách mau chóng trong cuộc đời. Vị ấy vượt thoát được thời gian và không còn trở về luân hồi nữa.


Bối Cảnh

Đây là kinh Dị Học Giác Phi. Dị Học Giác Phi là các giáo phái ngoại đạo muốn thi đua về pháp thuật với Bụt. Khung cảnh dựng lên: Bụt còn trẻ mà được vua Tần Bà Xa La mến mộ, trong khi ấy các vị lãnh đạo trưởng thượng của sáu giáo phái nổi tiếng kia thì bị thất sủng. Họ đề nghị với Vua Tần Bà Xa La tổ chức thi đua pháp thuật xem bên nào đạo lực cao cường hơn. Vua không chấp nhận. Họ sang nước Xá Vệ đề nghị với vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc tuy cũng rất sùng mến Bụt, nhưng chấp nhận cho tổ chức cuộc thi tài này. Cuối cùng pháp thuật của Bụt cao cường hơn. Và trong khung cảnh ấy Bụt nói kinh này. Khung cảnh này thật sự không ăn khớp gì nhiều với nội dung.


Đại Ý

Kinh này là dấu hiệu sự bắt đầu hình thành của giáo lý mười hai nhân duyên. Kinh nói tới tám nhân duyên: thức, danh sắc, xúc, thọ, dục, ái, thủ, hữu. Dục và ái còn là hai cái khác nhau. Chưa nói tới vô minh, nhưng đã bắt đầu đề cập tới hành khi nói về thức. Chưa có sinh và lão tử, nhưng sinh và lão tử đã nằm sẵn trong hữu. “Vì có cái hữu này nên có những cái hữu tới sau.” Câu này nằm trong bài thi kệ thứ tư.

Trong bài thi kệ thứ nhất, thủ là nắm chặt ý kiến của mình. Trong bài kệ thứ ba, sở dĩ mình nắm chặt nó, tại vì nó là đối tượng của sự yêu thích của mình. Nó là cái khả ái. Trong bài thứ tư, dục (ham muốn) là nguyên do của ái, và cái ái cũng là nguồn gốc của cái hữu bây giờ và những cái hữu tới sau.

Bài thứ sáu đề cập tới thọ, cảm thọ dễ chịu (thích ý) hay khó chịu (không thích ý). Chưa nói đến xả thọ. Cái thích ý làm phát sinh cái dục. Bài thứ chín nói về xúc. Bài thứ mười một nói về danh sắc. Và bài thứ mười ba nói tới tưởng. Tưởng là tri giác, là thức, là chủ thể và đối tượng nhận thức. Vọng tưởng là tri giác sai lầm của thức. Vọng tưởng là vô minh, vọng tưởng làm cho thức là thức, nếu không thì nó đã là trí. Vọng tưởng là gốc rễ của mọi suy tư và ngôn ngữ có công năng đem tới khổ đau. Đây chính là bản chất của hành.

Kinh này không những trình bày được sự liên hệ giữa tâm vật và nguyên do của luân hồi sinh tử mà còn cung cấp được những chỉ dẫn thực tập.

Bài thi kệ thứ bảy và thứ tám đề nghị quán chiếu về hai mặt đối nghịch của các hiện tượng; có và không, tới và đi, thêm và bớt. Tư tưởng này đi tiên phong cho tư tưởng Trung Đạo và Bát Nhã Ba La Mật. Bài thứ 13 cho biết rằng nếu tinh cần quán chiếu về đối tượng tâm ý để đừng bị vướng mắc vào bất cứ ý niệm nào, dù là ý niệm vô tưởng và bất hành tưởng, thì ta có thể đạt tới giải thoát thật sự, chấm dứt mọi vọng tưởng. Bài thứ 15 khuyến khích ta nắm cho được con đường Bát Chánh Đạo mà đi.

Hình ảnh một người ngồi thiền định dưới một gốc cây trong rừng là hình ảnh đẹp nhất. Đó là hình ảnh của một vị mâu ni.

Kinh này là kinh thứ mười trong Nghĩa Túc Kinh, nhưng lại là kinh thứ mười một trong Atthaka Vagga, kinh tương đương trong tạng Pali.

(Nguồn: http://old.thuvienhoasen.org)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]