Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2: Đức Phật Nói Kinh Chánh Pháp Chưa Từng Có

13/05/201311:43(Xem: 12509)
Phần 2: Đức Phật Nói Kinh Chánh Pháp Chưa Từng Có

Chú Giải Kinh Kim Cang & Chánh Pháp Chưa Từng Có

Phần 2: Đức Phật Nói Kinh Chánh Pháp Chưa Từng Có

Thích Huyền Vi

Nguồn: Thích Huyền Vi

QUYỂN THỨ I

Xứ Tây Thiên, tam tạng dịch kinh, triều đình ban cho chức Đại Phu Thí Hồng Lô Khanh, truyền thọ Đại sư, hiệu là Pháp Thiên, vâng chiếu chỉ phiên dịch.
Tôi nghe như vầy (1), một thuở nọ Đức Phật ngự tại thành Vương Xá (2), trên pháp hội Linh Sơn (3), cùng chúng đại tỳ kheo, một muôn hai ngàn năm trăm vị (12,500). Lúc bấy giờ có các đại Bồ Tát, số tới tám muôn bốn ngàn người (84,000), từ các cõi Phật đến câu hội. Các Bồ Tát ấy đều đủ đại trí, đặng đại tổng trì (4), đủ vô ngại biện tài (5), đạ chứng vô sanh pháp nhẫn (6), vào tam ma địa (7), tổng trì trí môn, rõ biết tâm ưa muốn của chúng sinh, khéo nói pháp yếu (8), như pháp giả thoát. Lại có bốn vị (9) đại thiên vương và trời Đế Thích, chủ cõi Ta Bà là vị đại Phạm thiên vương và vô lượng trăm nghìn trời, rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người và phi nhơn (10) v.v…đều đến nhóm họp. Lúc bấy giờ có vị đại Bồ Tát tên là Diệu Kiết Tường (11) ở bên núi kia (Linh Sơn) cùng 25 vị Đại Bồ Tát. Ấy là: Đại Bồ Tát Long Kiết Tường, Đại Bồ Tát Long Thọ, Đại Bồ Tát Kiết Tường Sanh, Đại Bồ Tát Kiết Tường Tạng, Đại Bồ Tát Tối Thượng Liên Hoa Kiết Tường, Đại Bồ Tát Liên Hoa Kiết Tường Sanh, Đại Bồ Tát Bửu Thủ, Đại Bồ Tát Bửu Ấn Thủ, Đại Bồ Tát Sư Tử Ý, Đại Bồ Tát Sư Tử Úy Âm, Đại Bồ Tát Hư Không Tạng, Đại Bồ Tát Bình Đẳng Tâm Chuyển Pháp Luân, Đại Bồ Tát Liễu Biệt Nhất Thiết Cú Nghĩa Đại Biện, Đại Bồ Tát Biện Tích, Đại Bồ Tát Hải Ý, Đại Bồ Tát Diệu Cao Vương, Đại Bồ Tát Ái Kiến, Đại Bồ Tát Hỷ Vương, Đại Bồ Tát Vô Biên Thị, Đại Bồ Tát Vô Biên Tác Hạnh, Đại Bồ Tát Phá Chư Ma, Đại Bồ Tát Vô Ưu Thọ, Đại Bồ Tát Nhất Thiết Nghĩa Thành.
Lại có bốn vị Thiên Tử ở cung trời Đâu Suất ấy là Thiên Tử Phổ Khai Hoa, Thiên Tử Quang Minh Khai Hoa, Thiên Tử Mạn Đà La Hoa Hương, Thiên Tử Tinh Tiến Pháp Hành. Các Thiên Tử ấy dùng tâm tin ưu. Mỗi vị cùng các bà con đồng đến chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, nghe thọ chánh pháp. Lúc ấy các vị Đại Bồ Tát cùng chúng thiên tử, đã đến pháp hội rồi, thứ lớp mà ngồi.
Lúc bấy giờ, đại chúng đa số đều nói: Nhất thiết trí của Phật thậm thâm vô lượng, rộng lớn vô biên, không thể nào nghĩ bàn, không có món gì so sánh, tối thượng không ai hơn, không thể nào rõ biết tận tường. Tại sao Đại Bồ Tát phải mặc áo giáp tinh tiến, mới chứng được Vô Thượng (12) Chánh Đẳng Chánh Giác? Lúc ấy trong pháp hội có vị Đại Bồ Tát tên là Long Kiết Tường nói với các Bồ Tát rằng; nếu có Bồ Tát nào trồng các căn lành tâm không trụ trước (13), hồi hướng thật tế. Ấy gọi là an trụ các pháp căn lành, mặc áo giáp tinh tấn. Đại Bồ Tát ấy liền chứng đến nhất thiết trí của Phật tánh.
Bồ Tát Long Thọ nói: Nếu Bồ Tát phát tâm bình đẳng, tâm điều phục, tâm ái lạc, tâm ưu thích, tâm nhu nhuyến, tâm vô phân biệt. Ấy gọi là kiên cố, mặc áo giáp tinh tấn, liền hay chứng đến Phật nhất thiết trí (14).
Bồ Tát Kiết Tường Sanh nói: Nếu có Bồ Tát ở trong nhiều kiếp, ưa muốn rõ biết Phật nhứt thiết trí, phải ở trong vô lượng kiếp mặc áo giáp tinh tấn, vì các chúng sanh, hạnh khổ khó làm, không tự cống cao (15). Vị ấy hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Kiết Tường Tạng nói: Nếu các Bồ Tát khởi tâm lợi tha, không đắm trước vui của mình, không ưa thiền định, nhưng hay khắp vì tất cả làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sanh, dùng vô lượng căn lành, hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Ấy là hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Tối Thượng Liên Hoa Kiết Tường nói: Như Phật đã dạy, nếu các Bồ Tát đối với tất cả pháp, không tự tha, không hiển không mật, khắp hay điều phục, không các khởi tác; ở trong tất cả hành, nhưng dứt năng hành. Ấy là Bồ Tát trụ pháp Xa Ma Tha (16) tương ưng, tự năng hành rồi lại hay giáo tha. Đó là Bồ Tát liền hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Liên Hoa Kiết Tường Sanh nói: nếu các Bồ Tát chấp trước pháp thế gian, tức không thể rõ biết Phật nhất thiết trí. Nếu đối với pháp thế gian, không bị đắm trước, không lợi, không suy, không hủy, không dự, không xưng, không cơ, không khổ, không lạc. Tức là đối với các pháp, không tăng không giảm. Ấy gọi là Bồ Tát xuất ly thế gian, liền hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Trì Thế nói: Nếu các Bồ Tát dùng các thắng hạnh, lợi ích tất cả chúng sanh, nhưng đặng lợi mình, không phải do mình và người, rồi sinh ra phân biệt, nhưng đem căn lành hồi hướng tất cả, khởi lòng đại tinh tấn thường vì chúng sinh trồng các căn lành. Ấy gọi là Bồ Tát an ổn các thắng hạnh, liền chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Địa Trì nói: Thí như trên đất liền hay sanh cây cối cùng các cỏ thuốc v.v…hoa trái tươi tốt đều hay thành tựu, cho đến muôn vật đều nhơn đất mà có ra, nhưng quả đất kia không bao giờ nghĩ; Ta sanh cỏ cây, rồi được thành tựu, đối với muôn vật, nương đất mà được an trụ, tất cả chúng sanh, y đại địa pháp giới mà được sinh trưởng, nhưng không bao giờ suy nghĩ ta hay sinh ra tất cả chúng sinh. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, khởi tâm bình đẳng cũng như quả đất liền, trường kỳ lợi lạc cho tất cả chúng sinh, nhưng không bao giờ nghĩ rằng, ta hay làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh, lìa được sự phân biết kia tức hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Bửu Thủ nói; người mặc áo giáp tinh tấn, làm các hạnh thù thắng rộng lớn vô biên tự không thấy đầy đủ thiện căn rộng lớn để mà thi hành. Nếu các vị Bồ Tát trụ tâm bình đẳng, không có ý tưởng phân biệt, cho đến trong giấc chiêm bao, đối với các chúng sanh, không sanh tâm buồn giận hay vui mừng, luôn muốn cho các hữu tình mặc áo giáp đại thừa, chứng đến Phật trí bình đẳng, khong theo ý niệm Thanh Văn (17), Duyên Giác. Bồ Tát ấy liền hay chứng được Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Bửu Ấn Thủ nói: Đã có cõi chúng sanh mỗi mỗi khiến họ khởi tâm đại bi, khắp thí (18) pháp ấn. Các chúng sanh ấy, những ai chưa tin khiến họ sanh lòng chánh tín, những người chưa nghe khiến họ nghe pháp thật nhiều, các kẻ xan tham khiến họ thật hành bố thí, những ai hủy phạm cấm giới, khiến họ trì gời kiến cố; những vị ưa giận tức,khiến họ thật hành nhẫn nhục, những người biến nhác, khiến họ khởi lòng tinh tiến, ai tâm bị tán loạn, khiến họ trụ thiền định, người nào quá ngu si, khiến họ tập đủ trí huệ, rồi khiến họ thường thật hành pháp lành, đều được tròn đầy thiện căn, thường làm theo ba thứ bửu ấn của Bồ Tát. Những gì là ba?
- Khiến chúng sinh tròn đầy trí Phật của họ, ai có căn lành đều nên hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Ấy là bửu ấn (19) thứ nhất.
- Các chỗ mình làm lành, đều có lợi ích, thành tựu căn lành cho tất cả chúng sinh. Ấy là bửu ấn thứ nhì.
- Quán thế giới loài hữu tình cũng như hư không, tự tánh thanh tịnh. Ấy là bửu ấn thứ ba.
Nếu Bồ Tát thường thật hành các việc trên, không có thôi dứt. Tức là hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Sư Tử Ý nói: nếu Bồ Tát tinh tiến kiên cố, nhưng không sợ hãi, không thể phá hoại, tâm không biếng nhác, không tưởng sợ sệt, dũng mãnh không thoái chuyển, ở trong vòng luân hồi (20), chịu đựng kham khổ, không khiếp không sợ, nhưng thường xa lìa, chứng đến niết bàn; đối với các việc khổ vui, bình đẳng mà trụ, không có hai tướng. Được như thế đó là hạng Bồ Tát mặc áo giáp tinh tấn, liền hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Sư Tử Vô Úy Âm nói: ví như kẻ sĩ trong thế gian có sức mạnh lớn, khuất phục mọi việc dễ dàng. Ấy gọi là chánh sĩ (21)
Các chánh sĩ thường thi hành các phá, xa lìa các tội cấu không sanh tà kiến, siêng thật hành đại hạnh, tâm thường nhu nhuyến, không có tướng thô ác, xa lìa các sự tàn bạo. Ấy gọi là chánh sĩ.
Thường pháp ngôn hiền lành, gần gũi các thiện hữu, đem tâm quý trọng, tôn kính sư trưởng, thuận đi theo con đường chánh, không có trái nghịch. Ấy gọi là chánh sĩ.
Xa lìa các sự tham ái, thật hành chánh mạng (22), dùng nghiệp thanh tịnh, dẹp hết các lỗi lầm, dùng tâm trí huệ, đoạn hết tà kiến ngu si, đối với ba nghiệp của mỗi người an trụ tịch tĩnh, đối với kẻ khác không sanh tâm nhiễu loạn, không bàn luận các việc tốt xấu hay dở, không chê không khen. Ấy gọi là chánh sĩ.
Thương xót các người nghèo cùng, ra ơn bố thí, không nhớ tưởng oán thân, trong tâm chất trực, ngoài tướng nhu hòa, xa lìa các tà vạy, gìn giữ thật hành chơn chánh, dùng pháp vô thượng, an vui tâm hồn, tịch nhiên kiên cố, bình đẳng yên trụ. Ấy gọi là chánh sĩ.
Đối với chúng sinh có gặp chướng ngại vì họ mà phá diệt; đối với thân mạng tài sản, thường hay khắp thí, đối với pháp thắng nghĩa không sanh xan lẫn, thấy các chúng sinh, những ai không phước không huệ, vì họ diệt trừ các pháp bất thiện, rồi sau mới thí cho diệu pháp bảo tạng (23), chúng sinh nghèo khổ thường cho những đồ quý báu, chúng sinh đau ốm cho thuốc thang, chúng sanh sợ hãi, cho họ an vui, người không chỗ nương tựa, vì họ làm chủ tể, kẻ bị sa vào bánh xe luân hồi, vì họ cứu độ, người ở trong chỗ tối tăm vì họ làm yến sáng chiếu soi, ai ở trong tà đạo, chỉ con đường chánh cho họ, thường dùng pháp ngữ (24) giáo dục tất cả, thấy lỗi lầm của họ không sanh giận tức. Ấy gọi là chánh sĩ.
Các Bồ Tát phải thật hành như thế, tức hay an trụ pháp tương ưng với Xa Ma Tha (25), rồi chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Hư Không Tạng nói: Bồ Tát bình đẳng quán sát, nhìn chúng sanh với con mắt đại từ, cũng như hư không, không có ngằn mé, quán sát hành động với tâm đại bi, không lường không ngằn cũng lại như thế, thường sinh tâm hoan hỷ, giũ gìn các giác quan, xa lìa mọi sự nhiễm trước, đối với sáu pháp ba la mật (26) thật hành không thất mỏi mệt, làm việc bố thí v.v…tâm như hư không, không bị ngăn ngại; trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, đều cũng như thế. Bồ Tát ấy liền hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Bình Đẳng Tâm Chuyển Pháp Luân nói: Như có vị Bồ Tát nào hành đạo bồ đề, phải đối với sự vật không khởi chấp tướng và tâm phân biệt, chắc chắn không bị ma vương làm não hại, thường được sự hộ niệm của các đức Phật, chư thiên, long thần, thường đến hộ vệ, tạo được căn lành, chân thật không mất. Nếu Bồ Tát đối với sự vật sanh tâm hữu tướng, khởi tưởng phân biệt, tức là cảnh giới ma, bị ma khuấy động, các Đức Phật khôn thể nhiếp thọ, chư thiên khó bề hộ vệ. Nếu vị nào kiên cố, không lay động, không trước tướng, không phân biệt. Bồ Tát ấy sẽ chuyển pháp luân (27) vô thượng, khắp vì tất cả? vì sao? Vì Bồ Tát rõ tánh của sự vật không phát khởi, không tạo tác. Bồ Tát tuy khởi các tâm, nhưng không chấp trước, đem tâm vô tướng để chứng quả Phật Bồ Đề, cho đến chuyển diệu pháp luân, cũng lại như thế. Ấy được gọi là Đại Bồ Tát mặc áo giáp tinh tấn, hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Liễu Biệt Nhứt Thiết Cú Nghĩa Đại Biện nói: Các chánh sĩ nên biết, tất cả chỗ là Bồ Đề, phiền não là bồ đề, các chỗ làm là bồ đề, pháp hữu vi là bồ đề, pháp hữu lậu là bồ đề, pháp vô lậu là bồ đề, tâm có chấp trước là bồ đề, tâm không chấp trước là bồ đề, căn lành là bồ đề, căn không lành là bồ đề, pháp thế gian là bồ đề, pháp xuất thế gian là bồ đề, pháp luân hồi là bồ đề, cảnh niết bàn là bồ đề, hư không là bồ đề, chơn thật là bồ đề, uẩn, xứ, giới (28) là bồ đề, địa, thủy, hỏa, phong, không, là bồ đề, Đại Bồ Tát rõ tất cả pháp tự tánh đều không, các cõi tạo tác đều không tạo tánh, đối với tất cả nghĩa lý như thật rõ biết. Ví như hư không, khắp tất cả chỗ; pháp bồ đề cũng lại như thế, khắp tất cả chỗ. Nếu Bồ Tát hiểu rõ các pháp, phải đủ biện tài, rồi đặng chánh trí, phân biệt cú nghĩa, liền hay chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Biện Tích nói: Nếu Bồ Tát có trí tuệ giải thoát, ra làm việc đều không chấp tướng, vì tâm không chấp tướng, nên không tăng giảm, không động, không lay, đối với tất cả ngôn ngữ như lý mà hiểu, chê bai khen ngợi cũng không chuyển động. Gặp được tất cả ngôn ngữ ngoại đạo, tất cả ngôn ngữ Như Lai, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc ẩn, hoặc hiển, đều xem bình đẳng, không có sai khác, biết rõ tất cả sự vật đều về nơi tịch diệt (29), tâm không bao giờ trụ trước, an nhiên không động, như núi Diệu Cao (30), không có tướng động chuyển. Bồ Tát đầy đủ trí tuệ giải thoát, trở về tâm tịch diệt. Tức là chứng được Phật nhứt thiết trí.
Bồ Tát Hải Ý nói: Bồ Tát có trí tuệ như biển lớn, muôn pháp đều về một vị bình đẳng. Bồ Tát đa văn tổng trì đặc tính của sự vật, một mùi vị không sai khác, biết rõ các pháp vôn là chơn tự tánh, đều là vô sở hữu (31); do nhân duyên sanh ra sự vật, tức là nghĩa chân thật, nơi chốn sinh ra các căn lành, rõ biết các pháp là như vậy, không tăng không giảm, bản tính xưa nay, phước lợi không cùng, rốt ráo vắng lặng, không đoạn không thường, tự biết như thật. Lại nữa, đối với chúng sanh khởi tâm vô lượng, không quên không mất, thường sanh tâm tôn trọng, vì họ giảng nói rõ ràng, bình đẳng chỉ bày pháp bất cọng, rộng vì các chúng sanh, gieo trồng căn lành. Bồ Tát ấy, thường mặc áo giáp tinh tấn, chắc chắn chứng được Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Diệu Cao Vương nói: Các chánh sĩ phải biết: "Phật nhứt thiết trí", chưa dễ gì biết rõ, khó mà độ lượng trong phần thủ chứng. Vì sao thế? Nếu các Bồ Tát vượt qua tất cả tâm hạnh của chúng sanh trong thế gian, vượt qua tất cả kiến văn chúng sanh trong thế gian, cho đến tin, ưa, hiểu, biết, đều hay vượt qua chúng sinh trong thế gian, triết để thật hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Phước đức gom góp cao hơn núi Tu Di. Bồ Tát ấy liền chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Ái Kiến nói: Đại Bồ Tát đối với cảnh sáu trần, quán không chỗ quán, cho đến duyên không chỗ duyên, vì sao? Vì hoặc sắc hoặc tâm bản tánh thanh tịnh, vì sắc thanh tịnh, mắt không chỗ xem, vì tiếng thanh tịnh, tai không chỗ nghe, vì hương thanh tịnh, mũi không chỗ ngửi, vì mùi thanh tịnh, lưỡi không chỗ rõ, vì xúc thanh tịnh, thân không chỗ biết, vì pháp thanh tịnh, ý không chỗ duyên, sở dĩ vì sao? Vì các căn thanh tịnh tự tánh vốn không, không tự, không tha, không ai, không nhàm, tự tánh bình đẳng, quán sát chúng sanh, không có cao thấp, đều là bình đẳng. Đối với giáo pháp của chư Phật, khởi tâm quyết định, không sanh nghi hoặc, ưa giáo pháp không nhàm chán, đặng rồi liền bố thí (32), thí không hối tiếc dần dần hay viên mãn tất cả Phật pháp. Đại Bồ Tát ấy, hành được như vậy đó, liền chứng được Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Hỷ Vương nói: Đại Bồ Tát an trụ tâm bố thí nhẫn nhục; nếu có ai hủy bán, mạ nhục, trách móc, đả đảo, trong lúc ấy, Bồ Tát không sanh tâm giận tức, mà còn hoan hỷ thương xót, đối với các chúng sanh, thường kết bạn lành, không có tướng mình và người, không có người năng hủy mà cũng không có kẻ sở hủy, các sự vật đều không, trong không, ngoài không, tướng người, tướng ta đều là trống không, do đó thường sinh tâm vui mừng, ra làm việc bố thí. Dù có ai muốn sinh đầu, mắt, tay, chân, vợ con, quyến thuộc, cho đến thân mạng, không sẻn không tiếc, vui mừng bố thí. Bồ Tát ưa tìm cầu giáo pháp nhiệm mầu, nếu nghe một bài kệ bốn câu, dù có mất ngôi vị chuyển luân vương (33) cũng không luyến tiếc; nếu được một chúng sinh nào, phát tâm bồ đề, dù có được ngôi vị Đế Thích (34) cũng không có gì ưa thích. Nếu tạm nghe những giáo pháp ít có, dù có được ngôi vị Phạm Thiên (35) cũng không ưa mến. Nếu đặng thấy các đức Như Lai, dù cho có của báu chứa đầy trong 3.000 đại thiên thế giới cũng xem như ngói đá. Ưa thấy các đức Phật vui mừng tràn ngập, đầy đủ các giác quan, thành tựu được pháp phần bồ đề, liền hay chứng được Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Vô Biên Thị nói: Đại Bồ Tát không có tướng ngã kiến (36), quán sát tất cả sự vật đều là thanh tịnh, không sanh nghi lầm, liền hay được thấy tất cả các đức Phật, nhìn các sắc không có tham trước, không vọng tưởng theo sắc, nhìn các chúng sanh, không cố chấp theo chúng sanh, cho đến quán sát tất cả sắc tượng trong thế gian cũng như thế. Nhục nhãn đã thấy tất cả cõi Phật đều là thanh tịnh, vì nghiệp báo (37) thanh tịnh, liền đặng đầy đủ thiên nhãn (38), đủ đại thần thông rồi được đầy đủ huệ nhãn, tròn đầy Phật pháp bất cộng (39) liền được đầy đủ pháp nhãn, đoạn hết phiền não liền đặng đầy đủ Phật nhãn. Bồ Tát ấy sẽ đặng đầy đủ thập lực (40), liền chứng đặng Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Vô Biên Tác Hạnh nói: Tất cả chỗ làm của chư Phật đều là bồ đề, vì sao? Bồ đề thường sanh ra tất cả trí tuệ, không nội tưởng, không ngoại tưởng cũng không trung gian. Thế nên Bồ Tát đối với tất cả sự vật không bao giờ chấp trước, bao nhiêu phiền não giới dứt hết không còn, không có việc ma, vượt ngoài cảnh giới của ma. Bồ Tát ấy liền chứng được Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Phá Chư Ma nói: Nếu Bồ Tát không khởi ngã kiến, liền xa lìa các cô chấp, các cố chấp không sanh, lánh được nghiệp ma, liền hay rõ ngộ các (41) uẩn, các uẩn đều không ngã tướng hằng diệt, ngã tướng diệt rồi, ma không làm hại, ma nghiệp đã diệt, giải thoát các chướng ngại, xa lìa các chướng ngại, liền đặng bồ đề. Ấy gọi là chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Vô Ưu Thọ nói: Nếu người nào tạo nghiệp bất thiện, thường sanh lo sợ, ăn năn tự trách. Nếu người tạo các nghiệp thiện, không có lo sợ. Thế nên Bồ Tát thường thật hành pháp lành, không có gián đoạn, hiên tiền liên tiếp, tức không bị lo tổn thương tên độc phiền não, liền mặc áo giáp tinh tiến, chứng đến Phật nhất thiết trí.
Bồ Tát Nhất Thế Nghĩa Thành nói: Nếu các thiện nam, giới pháp đầy đủ, hạnh nguyện đầy đủ, liền hay an trụ giới pháp căn bản. Vì như hương thơm, khắp xông tất cả, nhưng hay lìa các lồi lầm, xa lìa các việc ác mới được giác ngộ hoàn toàn, khi giác ngộ rồi mới hoàn thành nhứt thiết trí. Do đó phải biết giới pháp đầy đủ là gốc, phần bồ đề mới được thành tựu. Bồ Tát rõ biết như thế, tức là chứng đến Phật nhất thiết trí.
Như thế đó các Bồ Tát mỗi ngài nói pháp rồi, trong pháp hội có vị Thiên Tử Đâu Suất, tên là Phổ Khai Hoa, nói lên lời nầy: Các Bồ Tát! Vì như trong thế gian có loại cây Diệu Hoa, cây đẹp hoa nở tròn đầy, sắc hương sung mãn nhiều người ưa thích. Các vị Bồ Tát cũng lại như vậy, nếu các pháp mầu giải thoát, như hoa nở tròn đầy, trang nghiêm. Tất cả Đại Bồ Tát rất là ưa thích.
Lại cũng như những cây hoa trong vường ở cung trời Đao Lợi (42), cao lớn trang nghiêm, hoa nở tròn trịa, được các vị trời ưa thích. Đại Bồ Tát, nếu đủ các pháp giải thoát, hoa giác ngộ nở trang nghiêm. Tất cả Bồ Tát và các nhơn thiên rất là ưa thích. Cũng như viên ngọc ma ni tối thượng vĩ đại, trong sạch không có tỳ vết, đủ đức như ý; Đại Bồ Tát trong tâm thanh tịnh, không có các cấu nhiễm, đầy đủ công đức thắng pháp. Như thế tức là chứng được Phật nhất thiết trí.
Thiên Tử Quang Minh Khai Hoa nói: Các Bồ Tát như mặt trời chiếu yến sáng, phá các chỗ tỗi tăm, tất cả sắc tướng được hiển bày. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, đủ trí huệ sáng suốt, châm vào đuốc diệu pháp, soi khắp chúng sanh, diệt trừ các si ám. Khi si ám đã diệt thì không bị ngu mê che lấp; thường đi theo con đường sáng. Thế nên, Bồ Tát chỉ dẫn cho những chúng sinh nào đi sai đường, quay về con đường chánh. Tức là chứng đến Phật nhất thiết trí.
Thiên Tử Mạn Đà La Hoa Hương nói: Các Bồ Tát! Mùi thơm vi diệu của hoa Mạn Đà La (43) nghe xa hằng trăm do tuần. Đại Bồ Tát đầy đủ giới, định, huệ cũng lại như thế; Thơm giới, thơm định và thơm huệ (44). Nghe khắp tất cả trong thế gian. Nếu các chúng sanh nghe mùi thơm ấy, tất cả phiền não thảy đều tiêu trừ. Đại Bồ Tát ấy, đầy đủ thắng pháp công đức như thế, liền chứng được Phật nhứt thiết trí.
Thiên Tử Tinh Tấn Pháp Hành nói: Nếu các Bồ Tát tạm thời thoái chí, tức không thể tiến tu thắng hạnh, khó đặng quả Phật Bồ Đề. Nếu tâm tinh tiến, không tính kiếp số, trường kỳ dõng mãnh, trồng các căn lành, tâm không bao giờ nhàm chán, thường thật hành tám pháp trợ đạo. Những gì là tám? Một là: khuyên làm hạnh thù thắng, tương ưng các sự vật. Hai là: thường thật hành bốn hạnh vô lượng, theo pháp từ, bi, hỷ, xả. Ba là: thật hành năm (45) loại thần thông, theo pháp trí huệ. Bốn là: thường hành phương pháp tứ nhiếp; ấy là các pháp: bố thí, ái ngữ, lợi hạnh và đồng sự. Năm là: đối với ba (46) môn giải thoát, kiên nhẫn thật hành đầy đủ. Sáu là: rộng vì người khá, tuyên nói pháp nhiệm mầu. Bảy là: phát khởi tâm vô thượng Đại Bồ Đề. Tám là: khôn khéo phương tiện, hồi hướng (47) tất cả, nhiếp trì chánh pháp. Bồ Tát thật hành tám pháp nầy, tức hay chứng đến Phật nhứt thiết trí.
Lúc bấy giờ Đại Bồ Tát Diệu Kiết Tường bảo các Bồ Tát và chư Thiên Tử rằng: Các Đại Bồ Tát, đối với các pháp, phải xa lìa những sự phân biệt, liền chứng Phật trí. Thế nào là lìa những sự phân biệt? Nghĩa là không phân biệt ba cõi (48), không phân biệt các kiến chấp, không phân biệt là trong, là ngoài, không phân biệt là quả vị Thanh Văn, quả vị Duyên Giác, là địa vị ngu dị sanh (49), cũng không phân biệt là luân hồi, là phiền não, là năng quán, là sở quán, là nhơn, là quả, là cảnh giới hay phi cảnh giới, là tăng, là giảm, là ngã kiến, là ngã sở kiến, là xan tham, là bố thí, là phá giới, là trì giới, là giận tức, là nhẫn nhục, là giải đãi, là tinh tiến, là tán loạn, là thiền định, là ngu si hay trí huệ; cũng không phân biệt là căn lành hay sanh các pháp lành, là căn không tốt hay sinh các pháp không tốt, không phân biệt là pháp thế gian, là pháp xuất thế gian, trụ pháp bình đẳng, không phân biệt là hữu vi, là vô vi, không phân biệt là tâm có chấp trước, là tâm không chấp trước, không phân biệt là hữu lậu, là vô lậu. Các Bồ Tát phải biết: Các pháp nói trên không nên phân biệt, trụ tâm bình đẳng tương ưng, tức hay chứng đến Phật nhứt thiết trí.
Lại nữa, các Đại Bồ Tát: Các Đức Phật nghĩ có chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng không thể được. Vì sao? Vì không phải do tâm 'sở duyên", cũng chẳng phải do trí "sở trí", duy có Phật tánh (50) trực ngộ, cùng với Phật bình đẳng, nhứt thiết trí cũng bình đẳng, đối với 'nhứt thiết trí', quán 'vô sở hữu', vì 'vô sở hữu' , nên đối với nhứt thiết trí, không chỗ chấp trước, chẳng phải sắc thủ, thụ, tưởng, hành, thức đều không thể thủ (chấp trước). Ấy mới gọi là nhứt thiết trí. Không có pháp tướng (51), nhưng đều đủ 'pháp tướng'. Ấy gọi là 'nhứt thiết trí'; không thể chứng bố thí ba la mật, không thể chứng trì giới ba la mật, không thể chứng nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật không thể chứng, thiền ba la mật không thể chứng, bát nhã ba la mật cũng không thể chúng. Sở dĩ vì sao? Vì các pháp 'vô sở đắc'. Thế nên nhất thiết trí cũng 'vô sở đắc'.
Lại nữa, các vị Bồ Tát! Nhất thiết trí không phải ba đời có thể đặng, đời đã qua không thể đặng, đời hiện tại không thể đặng, đời chưa đến cũng không thể đặng, vì không trụ trước trong ba đời. Không nhãn thức 'sở quán', mà cũng không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý 'sở quán'. Vì cớ sao? Vì lìa các cảnh giới. Các vị Đại Bồ Tát thành tựu nhứt thiết trí, phải như thế mà trụ. Lý do vì sao? Vì tất cả pháp cũng như thế mà trụ. Các pháp bình đẳng, nhứt thiết trí cũng bình đẳng, cho đến pháp của chư Phật cùng pháp của phàm phu đều là bình đẳng. Như vậy, tất cả pháp bình đẳng. Thế nên gọi là 'nhứt thiết trí'. Đại Bồ Tát! Phải như thế mà trụ, nên học đúng như vậy. Vì như bốn đại (52) tự tánh đều không, nghĩ rằng vốn tự có tánh cũng không thể được. Vì sao? Bởi vì tự tánh vốn không; trong thế gian các pháp thiện và bất thiện, tự tánh không cũng không thể được. Vì sao? Vì không phân biệt. Phân biệt đã không, ấy là nghĩa chân thật.
Lúc ấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói pháp ấy xong trong pháp hội có hai nghìn thiên tử, chứng đặng vô sanh (53) pháp nhẫn; một muôn hai nghìn thiên tử khác phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác.

LỜI GIẢI KINH CHÁNH PHÁP CHƯA TƯNG CÓ ( QUYỂN THỨ NHẤT )

1. Tôi nghe như vầy: Tôi có nghe như vầy. Lời của Tôn Giả A Nan nói: Tiếng Pali: Evam me Sutam. Tiếng Sanskrit: Evam Maya Srutam. Kinh nào có câu nầy đứng đầu đều là do đức Phật thuyết, sau đó Tôn giả A Nan thuật lại.
2. Thành Vương Xá: (S) Rajagriha (P) Rajagaha: Kinh đô nước Ma Kiệt Đà (Magadha) vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) trị vì lúc đức Phật giáng sanh. Sau khi đắc đạo, đức Phật thường thuyết pháp tại thành nầy để hóa độ Vua và Hoàng tộc.
3. Pháp hội Linh Sơn: (S) Gridhrakuta. Đức Phật thuyết kinh nầy tại núi Linh. Cảnh núi nầy hình như con ó ở gần thành Vương Xá. Đọc theo dịch âm là Kỳ Xà Quật, dịch nghĩa Linh Thứu Sơn, Kê Túc Sơn. Tại núi nầy, đức Phật thuyết nhiều bộ Kinh quan trọng, như KINH PHÁP HOA, KINH KIM QUAN MINH v.v…
4. Đại Tổng Trì: Maha Dharani. Tổng thiệt bất thất, trì ác bất sanh, nghĩa là giữ trọn vẹn, không để cho dù là việc thiệc nhỏ không thất lạc, không để cho ác nhỏ khởi lên. Trong khi tổng trì, Bồ Tát hoạc nhà đạo đức lấy giới, định, huệ, làm thể, nương theo đó mà tu thì có đủ công đức về đại tổng trì.
5. Vô ngại biện tài: Tài biện luận, tài giảng thuyết về đạo lý không ai sánh bằng, tài ăn nói hùng hồn, xảo diệu, khiến ai nấy cũng đều tín thọ. Tài biện thuyết của Phật và Bồ Tát không trở ngại, không có sức chi chống ngăn nổi, không có ai phản đối được. Nên gọi là vô ngại biện tài.
6. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý: các pháp không sanh không diệt. Bự tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt, tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
7. Tam ma địa: Samadhi, pháp đại định của nhà đạo bực cao, trong khi nhập định thân tâm không xao động, chăm chú vào một mục đích mà thôi. Các vọng tưởng tà kiến không thể nào xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định. Đắc cảnh tam ma địa được vào pháp thân thanh tịnh.
8. Nói Pháp yếu: Giảng giải các giáo pháp thiết thực đúng với chơn lý, hợp với sự thật. Nhất là nói pháp hợp căn cơ, độ sinh dễ dàng.
9. Bốn vị Đại Thiên Vương: Caturmaharaijakayrika, tứ Thiên Vương là bốn vị trời quản lãnh bốn châu thiên hạ, xem xét các điều thiện ác.
10. Phi nhơn: Chẳng phải người, chẳng giống người, chẳng phải người thường, như các hạn tiên, thần, quỷ, đều gọi là phi nhơn. Nhơn là tứ chúng: Tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Phi nhơn là Trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, A tu la, Ma hầu la, khẩn na la v.v…
11. Diệu Kiết Tường: Manjusri – tức là Bồ Tát Văn Thù. Ngài Văn Thù có 108 tên, đặc biệt tiêu biểu về trí tuệ căn bản, nên thường gọi Ngài là Đại Trí, cũng như người ta gọi Ngài Phổ Hiền là Đại Hạnh và Ngài Quán Thế Âm là Đại Bi. Lúc Thích Ca ra đời, Văn Thù hiện thân làm Bồ Tát hậu gần Phật, giúp Phật tuyên dương chánh pháp.
12. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác: Anuttara-Samyak Sambhodhi, Quả vị Phật. Tức là quả đạo lý tối cao mà đức Phật chứng ngộ, lúc Ngài đại định dưới cội Bồ Đề.
13. Tâm không trụ trước: Tâm niệm không bao giờ chấp trước ở vào một chỗ, tức là lòng rộng như hư không, tâm bao la, không dính mắc vào một việc gì, dù việc ấy hết sức nhỏ nhiệm.
14. Nhất Thiết Trí: Cái trí hiểu biết tất cả mọi sự vật, tức là trí của Phật. Trong Kinh thường xưng khen Phật là bậc Nhất Thiết Trí. Những ai theo Phật và nghe chánh pháp, rốt cuộc chắc chắn được nhất thiết trí.
15. Không tự cống cao: Không bao giờ chính mình ngã mạn, tự cao, tự đắc, cho mình là cao thượng, cho mình là số một trên đời nầy.
16. Xa Ma Tha: Samatha, dịch là chỉ quán, định huệ, tịch chiếu minh tịnh. Tức là ngồi suy nghĩ, thân tâm chẳng lay động, chăm chú vào một vấn đề cho ngộ lý, quán sát mọi việc cho sáng tỏ.
17. Thanh Văn, Duyên Giác: Thanh Văn là hạng theo giáo lý Tứ Diệu Đế để đắc quả A La Hớn, Duyên Giác là bậc theo giáo pháp dạy về Thập Nhị Nhân Duyên, phần nhiều tự tu, tự ngộ đến quả Duyên Giác, Thanh Văn Duyên Giác là hai thừa trong Phật Giáo.
18. Pháp Ấn: Dharma-mudra, sự ấn chứng huyền linh của Phật, hành giả đã từng tu trì chánh pháp hoặc thọ trì pháp niệm Phật. Pháp ấn còn có nghĩa: sự ấn truyền cho nhau cái tâm Phật, giữa Phật với Phật, tổ với tổ; sự ấn định vào tâm mà phú chúc tâm pháp. Còn có nhiều nghĩa khác về Pháp ấn.
19. Bửu ấn: Cái ấn chứng đặc biệt vi diệu do chư Phật, chư đại Bồ Tát ban các vị tu trì có đạo đức. Đồng nghĩa với Phật ấn. Ngoài ra khi nhà sư niệm chơn ngôn mà thủ hộ, phép ấy cũng gọi là bửu ấn.
20. Luân hồi: Samsara. Luân là bánh xe, quay tròn. Hồi là lần về. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi mãi, hết sanh rồi tử trong 6 đường, lăn đi lộn lại mãi, hết xuống rồi lên, hết lên rồi xuống, cũng như cái bánh xe lăn tròn mãi không lúc nào thôi.
21. Chánh sĩ. Bodhisattva, bực đại sĩ cầu chánh đạo, chánh quả. Thật hành hạnh Bồ Tát để giúp đỡ chúng sanh ra khỏi sông mê bể khổ.
22. Chánh mạng: Samyak-Ajiva: Đời sống chơn chánh, cách sống đời trong sạch của hàng đệ tử xuất gia. Chánh mạng là cách hành đạo thứ năm trong bát chánh đạo. Đệ tử Phật thích sống thanh tịnh ba nghiệp, bằng cách thuận theo chánh pháp mà nuôi mạng sống, lìa các sinh hoạt tà.
23. Diệu pháp bảo tạng: Pháp nhiệm mầu trong tạng quý báu. Đem thân tâm ra giúp ích cho đời, không luận ở đâu và hạng người nào.
24. Pháp ngữ: Lời nói ra chánh pháp, những ngôn ngữ giải bày điều hành, diễn thuyết đạo lý nhiệm mầu.
25. Xa Ma Tha: Samatha. Chỉ quán, định, huệ, tịch chiếu min tịnh. Tức là ngồi ngay thẳng suy nghĩ, thân thể và tâm ý chẳng lay động, chăm chú vào một vấn đề cho tỏ ý, quán sát cho sáng suốt…
26. Sáu pháp ba la mật: Ce-paramita: Sáu hạnh ba la mật. Lục độ là sáu nền đại hạnh có thể đưa người từ bến mê tới bờ giác, từ sanh tử đến niết bàn, từ địa vị pháp phu đến quả vị Phật.
27. Chuyển Pháp Luân: Dhammachakkappavattana. Quay bánh xe chánh pháp, tức là thuyết pháp để cứu độ chúng sanh. Pháp luân thường chuyển huệ tâm khai, nghĩa là bành xe chánh pháp thường quay làm cho tâm hồn được sáng suốt.
28. Uẩn, xứ, giới: Ngũ uẩn: Pacaskandha, sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Thập nhị xứ: Dvadasayatana: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ và sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp xứ. Thập bát giới: Astadasa-dhata. Nhãn giới, nhĩ,tỷ, thiệt, thân, ý; sắc giới, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhãn thức giới, nhĩ, tỹ, thiệt thân và ý.
29. Nơi tịch diệt: Chỗ vắng lặng, tức là trở về với bản thể của vũ trụ.
30. Núi Diệu Cao: Tức là núi Tu Di, Sumeru. Quả núi lớn nhất ở trung tâm vũ trụ. Ấy là hòn núi của tiên thánh, mỗi ngày các ngôi tinh tú xoay chung quanh quả núi nầy…
31. Vô sở hữu: Không chỗ có, chẳng chó chi mà được. Tự mình liễu ngộ rằng, các pháp vốn không, tất cả đều huyễn hóa, cho nên không thấy rằng mình có, không nhận rằng mình biết. Gọi là vô sở hữu.
32. Bố thí: Dana, cho một cách cùng khắp. Bố thí tài, bố thí pháp, và bố thí vô úy. Cao hơn là bố thí đến chỗ ba la mật, rốt ráo không chấp trước, không hư vọng.
33. Chuyển Luân Vương: Cakravartin. Vị Vua dùng chánh pháp trị dân, cũng như người quay cho bánh xe lăn tới, chớ không trở lui. Vị Vua ngồi trên cổ xe để đi thâu phục thiên hạ.
34. Ngôi vị Đế Thích. Tức là làm đến Vua Trời, Cakra. Đế Thích là Vua ở trời Đao Lợi, cõi dục. Cõi này có 33 cảnh giới. Ngôi vị Đế Thích là một ngôi vị cao sang, quyền quý…
35. Ngôi vị Phạm Thiên. Brahma là ngôi vị cao quý, có cung điện đồ sộ nguy nga. Cõi trời thanh tịnh ở miền sơ thiền trong cõi sắc. Một cảnh trong bốn cảnh: Phạm Thân Thiên, Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên và Phạm Thiên đều gọi chung là Phạm Thiên.
36. Tướng ngã kiến: Cái tướng chấp chặc cái ta, đem cái thân tâm của mình do bốn đại, năm uẩn hòa hiệp giả tạm mà cho là cái ngã thường trú bất biến.
37. Nghiệp báo: Cái nghiệp nó trả lại bằng sự vui vẻ hay khổ sở tùy theo đời trước mình đã làm lành hay làm ác. Cái nghiệp trong thời kỳ báo đáp. Tức là nghiệp quả hay quả báo.
38. Thiên nhãn: Dyvyacaksu. Mắt trời, mắt thần tiên sự thấy bằng thần thông, một thứ mắt trong ngũ nhãn. Với thiên nhãn, người ta có thể thấy mọi vật, các chúng sanh trong 6 đường luân hồi.
39. Bất cọng: Giáo pháp riêng biệt. Những pháp riêng biệt mà Phật chỉ dạy cho hàng Bồ Tát, những việc mà Đức Phật thi hành, những việc ấy chẳng giống với việc của ai cả.
40. Thập lực: Dasabala. Mười sức lực trí tuệ. 1. Tri thị xư phi xứ trí lực. 2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực. 3. Tri chư thiên giải thoát tam muội trí lực. 4. Tri chúng sanh tâm tánh trí lực. 5. Tri chủng chủng giải trí lực. 6. Tri chủng chủng giới trí lực. 7. Tri nhứt thiết sở đạo trí lực. 8. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực. 9. Tri túc mạng vô lậu trí lực. và 10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực.
41. Các uẩn: Các sự chứa nhóm, như là sắc uẩn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn. Chứa nhóm đúc kết thành sắc thân.
42. Trời Đao Lợi: Trayastrimca: Cảnh của chư Thiên cõi Dục, thuộc về lục dục thiên. Cung trời Đao Lợi ở trên cảnh Tứ Thiên Vương. Trời Đế Thích quản trị toàn cảnh ấy.
43. Hoa Mạn Đà La: Mandarava. Hoa rất quý ở cõi trời hay cảnh Phật. Mạn Đà La hoa là hoa sen trắng mầu nhiệm, mất trắng tinh, mùi rất thơm. Ai thấy màu cà ngửi mùi rất lấy làm thích ý.
44. Thơm giới, thơm định và thơm huệ: Tức là giới hương, định hương và huệ hương. Gọi là tam vô lậu học. Ba phần học của hàng vô lậu, của hạng người quyết đắc quả thánh.
45. Năm loại thần thông: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông và lậu tận thông.
46. Ba môn giải thoát. Ba cửa giải thoát. Ấy là không (vốn là không); vô tướng (không có thể tướng), và vô tác ( không cố ý làm gì) cũng gọi là vô nguyện: không mong cầu gì cho mình.
47. Hồi hướng: Hồi là gom góp lại, hướng là gởi đến cho ngưới khác, gọi là hồi hướng. Có 4 nghĩa hồi tự hướng tha, hồi nhơn hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tướng hướng tánh.
48. Ba cõi: Cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.
49. Ngu dị sanh: Tức là hàng nhị thừa mới giải thoát một phần vô minh, còn vi tế chưa đoạn, sự ngu mê khác hơn các chúng sanh khác, nghĩa là dứt được phần đoạn sanh tử. Nên gọi là ngu dị sanh.
50. Phật tánh: Buddhata. Bản tính sáng suốt giác ngộ của mỗi người. Tánh nầy, Phật cùng chúng sanh đồng nhau.
51. Pháp tướng: Tướng trạng các pháp. Các pháp tức các sự vật đều đồng một tánh, nhưng tướng khác nhau. Các tướng đều sai biệt nhau. Pháp tướng đối với chúng sanh tướng.
52. Bốn đại tự tánh: Mahabhuta là đặc tánh của bốn chất: đất, nước, gió, lửa. Bốn chất lớn nầy trong thế giới tạm họp thành con người và vạn vật.
53. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý: các pháp không sanh, không diệt. Bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh không diệt, tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhãn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.

QUYỂN THỨ II

Ngài Đại sư Pháp Thiên, người Tây Thiên Trúc, hiểu thông ba tạng kinh điển, vâng chiếu chỉ nhà Vua dịch.
Lúc bấy giờ Đại Bồ Tát Biện Tích thưa trước Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng: Chúng ta cùng đến chỗ Phật xin hỏi: "Đại Bồ Tát nên an trụ thế nào?" Khi ấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường, ở trong pháp hội không rời pháp tọa, thu hình Bồ Tát, hóa hình tướng Như Lai, đầy đủ tướng tốt, giống đức Thích Ca Như Lai, không khác chút nào, liền bảo Bồ Tát Biện Tích rằng: "Như Lai ở đây, ông nay cứ hỏi. Lúc bấy giờ Bồ Tát Biệc Tích, không biết Như Lai hóa tướng, đến trước chỗ Phật, phát lời hỏi rằng:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát phải an trụ thế nào?
Hóa Phật đáp rằng
- Như Ta đã làm, Bồ Tát phải như thế mà trụ
Bố Tát Biện Tích bạch:
- Như Phật Thế Tôn phải an trụ như thế nào?
Hóa Phật đáp rằng:
- Không thật hành những pháp trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; không trụ trước cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, không tu thân nghiệp, không phát khẩu nghiệp và không khỏi ý nghiệp. Như vậy, ở trong tất cả chỗ đều 'vô sở hành' (1). Thiện nam tử! tất cả sở hành đều như huyễn hóa.
Bồ Tát Biện Tích thưa: Như Phật Thế Tôn cũng là tướng huyễn hóa ư?
Hóa Phật đáp rằng:
- Vâng đúng thế! Đại Bồ Tát phải như thế mà trụ.
Bồ Tát Biện Tích liền bạch Phật rằng:
- Vì sao Thế Tôn cũng bị tướng huyễn hóa?
Hóa Phật đáp rằng:
- Vâng, thiện nam tử! Tất cả mọi sự mọi vật đều là tướng huyễn hóa.
Bồ Tát Biện Tích thưa:
- Thật đúng như vậy! Các sự vật đặc tính của nó đều không, đều như huyễn hóa. Nhưng tại sao đức Phật Thế Tôn ta cũng là huyễn hóa?
Hóa Phật đáp rằng:
- Thiện nam tử! chẳng những Phật nầy là tướng huyễn hóa, mà là tất cả các đức Như Lai đều là tướng huyễn hóa.
Bồ Tát Biện Tích thưa:
- Ai là kẻ năng hóa?
Hóa Phật đáp:
- Tự nghiệp thanh tịnh, không có năng hóa và sở hóa, cũng không có ngã, không có nhân, không có chúng sinh, không có thọ giả, không có sĩ phu, không có thức giả, không có bổ đặc già la (2), không có tướng Phật, không có các tướng dị sanh…
Bồ Tát Biện Tích bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Phải học thế nào mới được bồ đề?
Hóa Phật đáp rằng:
- Tất cả pháp 'vô sở học'; Bồ Tát phải học như thế; cá pháp 'vô sở hành' Bồ Tát phải học như thế; các pháp 'vô sở úy' Bồ Tát phải học như thế; Các pháp không nghi lầm, Bồ Tát phải học như thế; các pháp không chỗ có, không chỗ duyên, không hư vọng, không tụ tập, không chỗ làm, không văn tự, không sanh, không diệt, không đã có, không hiện có, không huyễn hóa, không sắc tượng, không trí sở quán, lìa tất cả vọng tưởng. Đại Bồ Tát phải học như thế. Học như thế đó mới gọi là chánh học. Không chỗ giảm mất, cũng không tăng trưởng, nếu ai học như thế, không chỗ xa lìa, không chỗ hý luận, không chỗ ưa thích, không chỗ nhàn chán, không vui, không giận, không đến không đi. Học được như thế gọi là chánh học. Thế nên, nầy thiện nam tử! nếu có người nào ưa cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, phải biết đặc tính các pháp không luân hồi, không niết bàn, không lấy, không bỏ, không thí, không xan, không giới, không phạm, không nhẫn, không giận, không siêng, không biến, không định, không loạn, không trí, không ngu, không học, không vô học, không hành, không bất hành, không sở đắc, không sở chứng, không bồ đề, không Phật pháp, không ngã tướng, không nhơn tướng, không chúng sanh tướng, không thọ giả tướng, không bổ đặc già la tướng, không pháp tướng, cũng không phi pháp tướng, không hữu tướng, không vô tướng. Vì cớ sao? Vì các pháp như huyễn hóa, không hai, không sai khác, không tướng động chuyển. Tất cả pháp không sắc chấp tướng, mắt không thể quán sát; tất cả pháp không tướng phân biệt, không tâm sở tri, các sự vật bản tính vốn không, không có pháp gì có thể hành, không có bồ đề có thể đặng. Thế nên, thiện nam tử! Các Đại Bồ Tát phải hành như thế, tu học như thế. Nếu có thei65n nam tử nào nghe các lời trên, không sanh tâm sợ sệt, chẳng sanh lòng nghi lầm, liền chứng bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lại nữa, thiện nam tử! Ví như hư không, không thể tổn hại, lửa không thể đốt, gió không thể chuyển, nước không thể ướt, bụi không thể dính, khói, mây, sấm, sét, đều không thể mắc, vì hư không, không ngăn ngại. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, tâm không ngăn ngại, không bị động chuyển bởi các sự vật, không ưa muốn, không nhàm bỏ, tâm như hư không, các uẩn ma (3) v.v…không thể làm lay động. Các Bồ Tát ấy, sẽ chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; thường vì chúng sanh làm việc lợi ích vĩ đại không bao giờ cùng tận.
Lúc ấy, đức hóa Phật nói pháp ấy rồi, ẩn mà không hiện. Bồ Tát Diệu Kiết Tường trở lại bản hình. Bồ Tát Biện Tích đến trước Bồ Tát Diệu Kiết Tường thưa rằng:
- Như Lai Thế Tôn từ chốn nào đến, vừa mới thuyết pháp, rồi về nơi nào?
Bồ Tát Diệu Kiết Tường đáp:
- Trước không chỗ nào đến, nay Ngài cũng không về nơi nào cả!
- Hỏi: Đến mà không đến, vậy từ chỗ nào đến?
- Đáp: Từ tâm như như đến.
Bồ Tát Biện Tích thưa:
- Như Phật đã nói, tất cả Như Lai đều là tướng huyễn hóa, tướng huyễn hóa thì không từ đâu đến cả, cũng chẵng về nơi nào, phải như thế không?
Diệu Kiết Tường đáp:
- Đúng vậy! đúng vậy! như tướng biến hóa, không đến không đi. Tất cả sự vật, tất cả chúng sinh đều như thế cả.
Bồ Tát Biện Tích lại hỏi:
- Tất cả sự vật trụ chỗ nào?
Bồ Tát Diệu Kiết Tường đáp:
- Tất cả sự vật không tự tánh, phải trụ như thế.
Lại hỏi:
- Tất cả chúng sanh làm sao để trụ?
Đáp: - Tất cả chúng sanh, nghiệp báo (4) của họ cũng phải trụ như thế.
Lại hỏi:
- Nghiệp báo của tất cả chúng sanh như thế nào?
Đáp: - Các pháp không sanh cũng không nghiệp báo, các pháp bình đẳng, như vậy an trụ.
Lại hỏi; - Không nghiệp báo, tại sao chúng sanh nói có bị nghiệp báo?
Đáp: - Như chỗ tác nghiệp, như chỗ thọ báo. Ấy là nghiệp báo.
Lại hỏi: - Nghiệp báo chúng sanh tánh không, đã là không, chỗ nào lãnh thọ?
Đáp: - Như pháp chân thật, không nghiệp, không báo, và không có sanh, chẳng có chẳng không. Ấy là nghiệp báo. Song nghiệp báo chúng sanh, không quên không mất, tự nghiệp tánh không là nghĩa chân thật. Bồ Tát Diệu Kiết Tường trả lời các câu hỏi xong.
Trong pháp hội của Đức Thích Ca Mâu Ni có các Tôn Giả Xá Lợi Phất, A Nan cùng các vị Thanh Văn (5) khác, nhờ sức oai thần của Phật; đồng nghe Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã nói pháp nhiệm mầu. Lúc ấy Xá Lợi Phất liền từ chỗ ngỗi đứng dậy bạch rằng:
- Thưa Thế Tôn, thật là ít có! Các Bồ Tát kia mỗi vị dùng nhiều phương tiện khôn khéo, tuyên nói các pháp nhiệm mầu; nếu ai nghe được, chắc chắn sẽ pháp tâm Vô Thượng Chánh Đẵng Chánh Giác.
Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất:
- Đại Bồ Tát phải đem tâm "vô trước", tu học các hạnh, dùng tâm không biếng nhác tuyên nói chánh pháp. Xá Lợi Tử! Như chỗ thật hành của Bồ Tát, sẽ đặng quả báo, sẽ có trí huệ, và chỗ nói pháp đều cũng như thế. Như Xá Lợi Tử, chỗ thật hành, chỗ học vấn đều là hạnh Thanh Văn, còn có trước tướng, chỗ được trí huệ cũng lại như thế!
Lúc bấy giờ có một vị Bồ Tát tên là Quang Nghiêm liền từ pháp tòa đứng dậy, đến trước chỗ Phật, bạch cùng Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Thế nào gọi là hạnh Thanh Văn?
Phật nói:
- Thiện nam tử! hạnh Thanh Văn đối với sự vật thường có hạng lượng, đối với việc tu hành không thể xa lìa các tướng, ưa rời sanh tử, chứng đến niết bàn, chán bỏ chúng sinh, không muốn tế độ, trí huệ hẹp hòi, không có tâm rộng lớn, do đó Bồ Tát quán sát hạnh Thanh Văn, xem là tầm thường, trí huệ không có hạng lượng, nhưng thường rộng độ chúng sinh, lợi ích vô lượng.
Khi ấy Bồ Tát Quang Nghiêm lại bạch Phật rằng:
Thưa Thế Tôn! Bồ Tát Diệu Kiết Tường và các Đại Sĩ (7) kia, có thường xuyên đến pháp hội nầy thuyết pháp nhiệm mầu không? Chúng con rất ưa nghe. Vì sao? Vì Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã chứng ngộ pháp thậm thâm, vào được cửa giải thoát (8), dùng vô ngại biện tài, khéo nói pháp cốt yếu.
Lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni, liền dùng thần lực cảnh giác, bảo Bồ Tát Diệu Kiết Tường, đến trong pháp hội. Tức thời Bồ Tát Diệu Kiết Tường cùng hai mươi lăm vị Đại Bồ Tát và đại chúng ở nhân thiên, đồng đến chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi vị đầu mặt đảnh lễ dưới hai chân Phật, đi ba nhiễu ba vòng, rồi ngồi một bên. Khi ấy, Bồ Tát Quang Nghiêm liền thưa với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Vì sao Đại Sĩ rời chỗ Phật, đến nơi khác thuyết pháp?
Diệu Kiết Tường đáp:
- Chỗ Phật thuyết pháp, cao siêu khó hiểu, lìa các ngôn ngữ, chẳng phải trình độ tôi hiểu được.
Bồ Tát Quang Nghiêm nói:
- Chỗ Phật thuyết pháp, cao siêu khó hiểu, như bậc Đại Sĩ trí tuệ cao cường, còn không thể hiểu, chúng tôi làm sao mà hiểu cho nổi?
Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:
- Chỉ có Phật cùng Phật mới hay thông suốt, trừ bậc Như Lai, không thể tín ngộ. Thế nên, tôi nay tùy sức diễn nói, chỗ thuyết pháp kia, nhưng đúng như pháp mà nói, đối với pháp giới chơn tế (9), chẳng phải ly, không phải bất ly. Nói được như thế, mới là thuyết pháp. Đối với các ngôn ngữ, các hý luận, đối với các danh tướng, các sanh diệt cũng chẳng phải ly, chẳng phải bất ly, các pháp bình đẳng. Ấy gọi là thuyết pháp. Các pháp không tự tướng, không tha tướng, không pháp tướng cũng không phi pháp tướng, không tướng luân hồi mà cũng không tướng niết bàn. Ấy gọi là thuyết pháp.

Lúc bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khen ngợi Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Lành thay! Hay thay! Như Diệu Kiết Tường đã thuyết pháp chân thật. Vì sao? Vì các pháp ly ngôn thuyết, ly tất cả tướng, không có pháp lớn, cũng không có pháp nhỏ, đoạn các phân biệt, không có chỗ quán chỗ thấy, về tâm tam muội (10), chưa có một pháp nào hoặc tăng hoặc giảm. Thuyết pháp như thế gọi là giải pháp, tức gọi là thấy Phật.
Khi Đức Thích Ca Mâu Ni nói pháp yếu nầy, trong pháp hội có tám nghìn Bồ Tát chứng quả Vô Sanh Pháp Nhẫn, có hai trăm thiên tử, phát tâm đại thừa, giây phút nghĩ rằng: Phật pháp rất là cao siêu, khó hiểu khó biết, không thể cùng tận, nhưng riêng chúng tôi thiệt khó hiểu nghĩa cao siêu ấy. Thật hành các thắng hạnh, chứng đến vô thượng Bồ Đề, không như quả Thanh Văn Duyên Giác cầu đến Niết Bàn quyết định không nghi lầm, lúc ấy thoái chuyển tâm đại thừa. Trong lúc đó, Thế Tôn biết rõ ý nghĩ của các Thiên Tử, bảo các Thiên Tử rằng:
- Các ông chớ khởi tâm giải đãi, thoái thất hạnh đại thừa (11), nên phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, kiên cố không rút lui.
Lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni vì muốn độ các thiên tử, liền hóa hiện một thân trưởng giả, tay bưng bình bát đầy đựng các vật thực, vào pháp hội đến chỗ Đức Phật, thành tâm dâng bát cơm lên Đức Thế Tôn, rồi đầu mặt lạy dưới chân Đức Thế Tôn tác bạch rằng:
- Cúi mong Thế Tôn thương xót nạp thọ cho đồ ăn nầy.
Khi ấy, Thế Tôn theo ý trưởng giả nhận các vật thực nầy. Bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Phật thọ đố ăn, không có hạng lượng, giáp khắp pháp giới mà không có trụ trước, không thấy kẻ thí, không thấy người thọ, đều là bình đẳng đúng như pháp thụ thực.Lúc ấy, Xá Lợi Tử tâm sanh nghi ngờ, đồ ăn của trưởng giả từ đâu mang đến? Đâu phải từ chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường hóa hiện để làm Phật sự? Đức Thế Tôn biết trong tâm của Xá Lợi Tử nghi, liền bảo Xá Lợi Tử rằng:
- Xá Lợi Tử chớ nghĩ như thế; hoặc đến hoặc đi, Phật tự biết thời.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn thọ thực xong để bình bát dưới đất, bát kia thông xuống thế giới hạ phương, mỗi mỗi cõi Phật hiện nói pháp yếu, trước mỗi Đức Phật bình bát đều hiện ra. Các đệ Phật tử, mỗi người đều hỏi:
- Bát nầy từ đâu đưa đến?
Các Đức Phật đều nói:
- Thế giới thượng phương, gọi là Ta Bà, có Đức Phật Thế Tôn, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, hiện nay đang thuyết pháp. Bình bát nầy từ kia mà đến, vì muốn giáo hóa các vị Bồ Tát. Bát kia trải qua bảy mươi hai cõi Phật, số nhiều như các sông Hằng. Có một thế giới tên là Quang Minh, Đức Phật đó hiệu là Quang Minh Vương Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện tại thuyết pháp ở trước. Đức Phật kia, trụ giữa hư không.
Khi ấy Phật Thích Ca Mâu Ni phóng bình bát rồi, liền bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng:
- Ông nên dùng thần lực quán sát bình bát ở chỗ nào, trụ ở nơi đâu?
Xá Lợi Phất liền vào mười nghìn môn Tam Ma Địa (12), ở trong định ấy, dùng sức trí của mình và sức thần thông của Phật; mười nghìn cõi Phật khắp quán sát bình bát nầy, không thấy chỗ trú. Từ trong đại định ra rồi, bạch với Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Như con đã quán sát trải qua mười nghìn cõi Phật, không thấy chỗ sở trụ của bình bát nầy.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn liền bảo tôn giả Đại Mục Kiền Liên (13) rằng:
- Ông dùng thần lực quán sát bình bát, trụ ở chỗ nào?
Lúc bấy giờ Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, vâng thánh chỉ của Phật, liền nhập tám nghìn định môn, trụ trong định kia, dùng thần lực của mình, ở nơi thế giới hạ phương, tám nghìn cõi Phật, quán sát bình bát nầy cũng không thấy trụ chỗ nào cả. Từ trong định xuất, đến trước bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con dùng sức thần thông xem khắp thế giới hạ phương trải qua tám nghìn cõi Phật, không hề thấy bình bát trụ ở chỗ nào.
Đoạn, Đức Thế Tôn liền bảo Tôn giả Tu Bồ Đề rằng:
- Ông dùng sức thần thông, quán sát bình bát, nay ở chỗ nào, và trụ ở đâu?
Tu Bồ Đề vâng thánh chỉ của Phật, liền vào định môn một muôn hai nghìn; ở trong định ấy, trải qua một muôn hai nghìn cõi Phật, quán sát bình bát nầy không thấy trụ chỗ nào, từ trong định ra, tới trước đức Phật, thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Con vận thần lực, trải qua một muôn hai nghìn cõi Phật, xem khắp nơi, nhưng không thấy bình bát ấy trụ ở chỗ nào! Như vậy đó, năm trăm đệ tử hàng Thanh Văn, mỗi vị tự dùng thần thông và sức thiên nhãn, quán sát khắp nơi, nhưng đều không thể thấy!
Lúc bấy giờ, Tôn giả Tu Bồ Đề, bạch với Đại Bồ Tát Từ Thị (15) rằng: Nhơn giả được thụ ký (16), một đời bổ xứ thành Phật; cúi mong Tôn giả nhập định, quán sát bình bát nầy trụ ở đâu để khai thị cho đại chúng. Bồ Tát Từ Thị bảo Tu Bồ Đề rằng:
- Tôn giả tôi được thụ ký một đời thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Song, có Bồ Tát Diệu Kiết Tường cho biết tất cả định môn, danh tự còn không lưu ý, huống là chứng nhập. Bồ Tát Diệu Kiết Tường chứng biết, chỗ tu chỗ hành đều được thông suốt. Tu Bồ Đề! Chỗ hành sự của các đức Phật Như Lai, nay tôi đâu có thể biết được ư? Thế nên thần thông, trí tuệ của tôi đâu có bì kịp Bồ Tát Diệu Kiết Tường! Nay Đức Thế Tôn phóng bình bát ra chỉ có Diệu Kiết Tường là biết chỗ trụ, ngoài ra không ai biết được.
Lúc ấy, Tu Bồ Đề đến trước Thế Tôn, bạch rằng:
- Bồ Tát Diệu Kiết Tường, trừ Đức Như Lai, không ai hơn nổi về việc phóng bình bát của Đức Thế Tôn. Cúi mong Từ Phụ sắt chỉ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, dùng đại thần thông mang bình bát đến pháp hội, chỉ cho đại chúng rõ biết dể ra làm Phật sự.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn liền bảo Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Diệu Kiết Tường! Ông biết bình bát ấy đương trụ chỗ nào? Lại ở nơi nào?
Bồ Tát Diệu Kiết Tường, vâng lời Phật dạy, nhưng tự suy nghĩ: Tôi nay không nên rời pháp tòa, không lìa hội Phật, không nên ẩn thân nơi khác, phải lấy bình bát kia, chỉ cho đại chúng. Nghĩ rồi liền vào chánh định (tam ma địa), lúc ở trong định, dũ cánh tay mặt đến thế giới hạ phương, trải qua các cõi Phật, đến trước mỗ đức Phật. Tay nhiệm mầu kia pháp ra tiếng nói: "Tôi nay kính lạy các đức Phật, thầy tôi là Phật Thích Ca Mâu Ni, hỏi thăm đức Thế Tôn, có ít bịnh ít não, khinh an thiền duyệt không? Hỏi lời ấy rồi, mỗi lỗ chân lông trong cánh tay đều phóng ra trăm nghìn yến sáng, mỗi mỗi yến sáng có trăm nghì hoa sen, trên mỗi hoa sen đều một đức Như Lai ngồi ở trên đó. Mỗi đức Như Lai đều khen ngợi Phật Thích Ca Mâu Ni. Mỗi thế giới đều bị sáu thứ (17) chấn động; hiện hào quang vĩ đại, chiếu khắp cõi Phật, lại hiện tràn phan bảo cái, các đồ nghiêm sức để làm Phật sự. Như vậy mỗi một cõi Phật đều có như thế, qua bảy mươi hai cõi Phật số nhiều như cát sông Hằng rồi, đến cõi Phật Quang Minh Vương, tay kia phát tiếng chào hỏi kính trọng, cũng lại như thế, lại ph1ong ra trăm nghìn yến sáng, trong mỗi hào quang có trăm nghìn hoa sen, trên mỗi hao sen đều có Phật ngồi, các đức Phật đều khen ngợi Thích Ca Như Lai, yến sáng giao chiếu, suốt thông vô lượng!
Lúc bấy giờ, trong pháp hội của Phật Quang Minh Vương, có một vị Bồ Tát tên là Quang Tràng (18), từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước bạch đức Quang Minh Vương Như Lai rằng:
- Cánh tay nhiệm mầu này từ đâu đến? hiện tướng phóng quang như thế, lại trong hào quang có hiện hoa sen, trên các hoa sen có đức Như Lai, mỗi đức Phật đều khen ngợi Đức Thích Ca Mâu Ni. Tướng ấy ý nghĩa thế nào? Xin Phật chỉ dạy!
Đức Quang Minh Vuong Như Lai bảo Bồ Tát Quang Tràng rằng:
- Thượng phương cách đây bảy mươi hai cõi Phật, số nhiều như cát sông Hằng, có một thế giới tên là Ta Bà (19). Đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Ứng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện tại thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, cõi kia có một vị Bồ Tát tên là Diệu Kiết Tường, đầy đủ đại công đức, mặc áo giáp tinh tiến không thể nghĩ bàn, có sức đại trí, đã đến bờ kia. Vì Bồ Tát ấy ở trong pháp hội của Phật Thích Ca Mâu Ni kia, không đứng dậy từ pháp tòa, dũ cánh tay mặt lấy bình bát kia, vì duyên cớ ấy, nên mới có điềm lành nầy.
Lúc bấy giờ Đức Quang Minh Vương Như Lai, từ trong chân mày phóng ra hào quang sáng soi khắp bảy mươi hai cõi Phật ở thượng phương số nhiều như cát sông Hằng đến thế giới Ta Bà, chiếu khắp rộng lớn, nhưng chúng sanh ở thế giới Ta Bà nhờ yến sáng ấy rất là hoan hỷ như vị chuyển luân vương (20). Những ai thật hành hạnh Bồ Tát, nhờ yến sáng ấy chiếu soi, đều đặng chứng quả, tự hành viên mãn. Còn các vị Đại Bồ Tát, đều đặng yến sáng mặt trời đại định. Những hàng thật hành vệ hạnh Thanh Văn đều đặng tám pháp môn giải thoát (21). Các vị Bồ Tát ở cõi Phật Quang Minh Vương kia, nhờ yến sáng của Như Lai đều đặng thấy Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế giới Ta Bà nầy, gồm cả Bồ Tát Diệu Kiết Tường các chúng Thanh Văn vây quanh thuyết pháp.
Khi ấy, Đại Bồ Tát Quang Tràng thấy ác nghiệp trong trược của chúng sinh ở thế giới Ta Bà nầy, sanh lòng thương xót, liền bạch với Đức Quang Minh Vương Như Lai rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con nhờ yến sáng của Phật thấy đặng thế giới Ta Bà kia, uế ác đầy nhẫy. Các Đại Bồ Tát sanh ở chỗ đó, vì như ngọc lưu ly ở trong bùn lầy, việc ấy như thế nào?
Lúc bấy giờ, đức Quang Minh Vương Như Lai bảo Bồ Tát Quang Tràng rằng:
- Thiện nam tử chớ nói như thế, quốc độ của chúng ta, các vị thật hành hạnh Bồ Tát, ở trong mười kiếp, tu tập thiền định, nhưng không bằng chúng sanh ở thế giới Ta Bà kia, phát khởi một niệm đầy đủ tâm từ, bi, hỷ, xả, liền hay thu hoạch, công đức vô lượng, diệt trừ tất cả phiền não trọng chướng. Vì sao? Bởi vì chúng sanh ở thế giới Ta Bà rất là mãnh lợi, thế nên các Bồ Tát sanh trong cõi kia, vì muốn hộ trì Phật pháp, ông nay, chớ nên sanh tâm buồn khóc!
Lúc bấy giờ các chúng Bồ Tát ở trong pháp hội của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhờ yến sáng chiếu soi qua, liền bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Vì duyên gì có yến sáng ấy chiếu soi như thế, cũng khiến chúng con sanh tâm đại hoan hỷ, các chúng sanh thấy thế diệt các phiền não! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo các Bồ Tát rằng:
- Thiện nam tử! hạ phương cách đây bảy mươi hai cõi Phật can già sa (22), có một thế giới tên là Quang Minh, nơi ấy có đức Phật Như Lai hiệu là Quang Minh Vương, ứng chánh đẳng giác, hiện tại thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Đức Phật kia trong chân mày phóng ra yến sáng lớn, chiếu soi khắp cõi Ta Bà nầy. Lúc ấy các vị Bồ Tát lại bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Chúng con, giờ đây muốn thấy yến sáng của thế giới kia, kính mong đức Quang Minh Vương và các vị Bồ Tát dùng sức thần thông (23), khiến cho chúng con được thấy.
Lúc bấy giờ Đức Thích Ca Mâu ni, dưới chân Ngài hiện nghìn tướng bức luân (24), ở trong bức luân kia phóng ra yến sáng lớn, dưới soi đến bảy mươi hai thế giới, số nhiều như các sông Hằng, rộng lớn chiếu sáng đến cõi Phật Quang Minh. Khi ấy, các chúng Bồ Tát nương nơi yến sáng của Phật đều thấy được đức Phật Quang Minh Vương kia và các vị Bồ Tát, rồi thu hoạch được pháp môn tam ma địa (25), ngọn đèn Diệu Cao. Lúc ấy ở hạ phương mỗi cõi Phật yến sáng khắp soi, cùng thế giới Ta Bà nầy, cùng nhau được thấy không có chi ngăn ngại cả. Như thế các thế giới hạ phương cho đến các chúng Bồ Tát ở cõi Phật Quang Minh Vương cùng các vị Bồ Tát ở thế giới Ta Bà nầy lẫn nhau nhìn thấy, hết lòng kính trọng. Thí như mặt trời sáng diệt hết các chỗ tối tăm, tất cả chúng sanh đều được thấy nhau cũng lại như vậy. Lúc đó, các Bồ Tát kia mỗi vị đều phát khởi tâm tinh tiến, chuyên cầu đại quả.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường dũ cánh tay đến trước Đức Quang Minh Vương Như Lai, trụ giữa hư không, đương khi lấy bát, có nhiều vị Đại Bồ Tát các cõi Phật vô số trăm nghìn bình bát đến thế giới Ta Bà, điềm tướng chiếu sáng đều được tạm ổn. Bồ Tát Diệu Kiết Tường để bình bát trước Phật Thích Ca Mâu Ni, trụ giữa hư không, khi ấy Bồ Tát xuất định, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật, lễ dưới chân Đức Thế Tôn rồi bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con vâng ý chỉ của Phật, đến thế giới hạ phương tìm chỗ ném bình bát, nay ở trước Phật để giữa hư không, xin Phật nạp thọ.
Lúc ấy Đức Thế Tôn mặc nhiên lãnh thọ. Khi ấy, ở thế giới chư Phật ở hạ phương cùng các chúng Bồ Tát theo bình bát bay đén, đều đến trước Phật Thích Ca Mâu Ni lễ kính hai chân của Phật, mỗi vị xưng khen danh hiệu đức Phật kia. Trong số đó có một đức Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác chào hỏi Đức Thế Tôn có ít bịnh ít não, khin an thiền duyệt, khí lực dồi dào không? Giáo hóa chúng sinh có mỏi mệt không? Cung kính chào hỏi như thế đã xong, đức Thế Tôn an ủi rồi ngồi một bên.
Lúc bấy giờ bảo Ngài Xá Lợi Phật rằng:
- Ông nay lắng nghe, tôi sẽ vì ông nói rõ chỗ hạnh nguyện và nhân căn bản thuở đời quá khứ của Bồ Tát Diệu Kiết Tường.
Khi ấy, Xá Lợi Phất lãnh thọ lời dạy ngồi nghe. Đức Phật dạy:
- Xá Lợi Phất, thuở đời quá khứ, vô số trăm nghìn kiếp câu đê na do tha (27) khi kia có đức Phật, hiệu là Vô Năng Thắng Tràng Như Lai, ứng cúng chánh đẳng chánh giác, xuất hiện trong đời. Thế giới của đức Phật kia gọi là Bất Khả Hủy, có tám muôn bốn nghìn chúng Thinh Văn và một muôn hai nghìn chúng Bồ Tát. Đức Phật kia nói pháp tam thừa (28), giáo hóa chúng sinh. Ngài cũng xuất hiện trong đời ngũ trược (29), ác thế, vì các chúng Bồ Tát nói sáu pháp Ba La Mật (30). Xá Lợi Phất! Lúc bấy giờ,nơi kia có một vị tỳ kheo tên là Trí Vương, thông tuệ sáng suốt, khéo nói pháp yếu. Vị tỳ kheo kia, gần đến giờ ngọ, đắp y mang bát vào trong thành vua, thứ lớp đi khất thực. Thành đó gọi là Quảng Đại. Vì sư được các đồ ăn đầy đủ, liền ra khỏi thành, bỗng gặp người con của vị trưởng giả, tên là Tịnh Tý, ngồi bên cạch từ mẫu, thấy vị tỳ kheo mang bát đi qua, liền đến trước vị tỳ kheo có ý muốn xin chút đồ ăn uống trong bình bát. Lúc bấy giờ vị tỳ kheo thấy vị đồng tử kia, căn lành thuần thục, có đại pháp khí (31), liền lấy đồ ăn trong bình bát hoan hỷ trao cho. Đồng tử được các thức ăn, pháp tâm hoan hỷ, đi theo tỳ kheo Trí Vương đến chỗ của Vô Năng Thắng Tràng Như Lai. Khi ấy đồng tử liền đến trước Phật, đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn. Tỳ kheo Trí Vương mang các đồ đã khất thực trao cho vị đồng tử kia, dặn rằng:
- Ông đem các thức ăn nầy cúng dường Đức Thế Tôn và đại chúng, ông sẽ đặng vô lượng phước báo.
Đồng tử y theo lời vị tỳ kheo nói liền bưng đồ ăn kia dâng lên Đức Thế Tôn, nhưng đồ ăn còn nhiều. Sau đó thứ tự cúng dường đại chúng, các bật Bồ Tát, Thanh Văn trong pháp hội đều lạnh thọ thức ăn kia, tất cả đều no đủ, nhưng đồ ăn còn thừa.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất:
- Đồng tử Tịnh Tý đã cúng dường, tâm rất hoan hỷ, liền đến trước Phật nói bài kệ rằng:
Con dùng thức ăn quý,
Cúng Phật và đại chúng
Nay cúng dường đã xong,
Đặng phúc báo không nghi.
Cúng dàng đã vô tận,
Công đức cũng không cùng,
Đã cúng dường lên Phật,
Quyết đặng phúc vô biên.
Con đem đồ ăn quý,
Cúng dàng lên Thế Tôn,
Tăng trưởng các căn lành,
Tiếp nối không cùng tận.
Như thế đem một bình bát cơm, trong vòng bảy ngày cúng dường các đức Như Lai và chúng Thinh Văn, Bồ Tát, nhờ sức oai thần của Phật đồ ăn còn mãi không hết. Lúc ấy tỳ kheo Trí Vương bảo Đồng Tử rằng:
- Ông cúng dường rồi phải quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, trọn đời chỉ giáo của tỳ kheo, quy y Phật, Pháp, Tăng, khi quy y rồi tâm sanh hoan hỷ, pháp lòng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (32)
Lúc bấy giờ cha mẹ của Tịnh Tý đi tìm kiếm con, đến trong pháp hội của Vô Năng Thắng Pháp Tràng Như Lai, đến rồi đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Đồng tử Tịnh Tý thấy cha mẹ đến, tâm sanh hoan hỷ, chào hỏi cung kính, đối trước cha mẹ, liền nói bài kệ rặng:
Cha mẹ đến rất quý,
Các Phật rất khó gặp,
Con cầu đại (33)giác ngộ,
Vì tất cả chúng sanh
Khắp quán tướng tốt Phật,
Thân phóng yến sáng đẹp,
Những ai có trí huệ,
Phải câu quả Bồ Đề.
Con nay cầu xuất gia (34)
Xin cha mẹ hứa khả,
Con không thích giàu sang,
Vì Phật rất khó gặp!
Lúc ấy cha mẹ của Đồng tử, vì con liền nói bài kệ:
Ta cho ông xuất gia,
Đến Vô Thượng Bồ Đề
Ta nhờ nhân duyên ông,
Sẽ cũng học như thế.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất, lúc ấy đồng tử Tịnh Tý nhờ cha mẹ cho đi xuất gia. Sau đó cha mẹ tin theo Phật Pháp cũng lại xuất gia, trở về với Phật Pháp Tăng hoan hỷ tín thọ. Lúc bấy giờ lại có 500 người, đồng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,đều về Phật xin xuất gia, Đức Phật đều nhiếp thọ. Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất.
- Ông nay phải biết, tỳ kheo Trí Vương khi đó, đâu phải ai xa lạ, tức là Diệu Kiết Tường Bồ Tát ngày nay, còn đồng tử Tịnh Tý là thân ta ngày nay. Xá Lợi Phất! Về trước lâu xa, khi ta làm con ông trưởng giả nhờ Diệu Kiết Tường Bồ Tát trao cho ta bình bát, khiến ta phát tâm đại Bồ Đề. Lại nữa, Xá Lợi Phất! ta từ khi mới phát tâm đại bồ đề cho đến kết quả viên mãn pháp thập lực (35), tứ vô sở úy (36), tất cả công đức, đủ trí không cùng tận, đều nhờ Diệu Kiết Tường Bồ Tát phát khởi khai đạo cho. Vì sao? Bởi vì chỗ phát tâm của ta cũng như hư không, không có ngằn mé. Lại nữa, nầy Xá Lợi Phất! đã có mười phương vô lượng, vô số đồng danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật, giống như ta ở chỗ của Diệu Kiết Tường, khai phát tâm bồ đề. Lại nữa, đời quá khứ các đức Để Sa Như Lai, các đức Như Lai ấy, ta ở trong vô lượng kiếp xưng khen các Ngài, các Như Lai ấy cũng đồng với ta ở chỗ Diệu Kiết Tường Bồ Tát phát khởi đạo tâm, được thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác chuyển bánh xe pháp (37) nhiệm mầu. Lại nữa, Xá Lợi Phất! có các vị thật hành hạnh Bồ Tát. Đầu tiên ở tren cung trời Đâu Xuất (38), thị hiện tướng giáng sanh, xuất hiện trong đời; ban đầu sanh trong cung Vua, rồi sau tu các hạnh khổ, cho đến lúc ngồi chốn đạo tràng (39), đều nhờ sự giáo hóa chỉ đạo của Diệu Kiết Tường Bồ Tát. Xá Lợi Phất! phải biết Diệu Kiết Tường Bồ Tát là mẹ hiền của các vị Bồ Tát, vì sản xuất tất cả các Bồ Tát. Xá Lợi Tử! những lời ta nói đều là chân thật, nhân duyên trước kia, chúng ta phải biết như thế.
Đức Phật giảng nói lời ấy rồi, tất cả cõi Phật trong mười phương, đều hiện các thứ bảo cái (40), mang đến cúng dường Diệu Kiết Tường, trong mỗi bải cái, phóng ra yến sáng rộng soi khắp cõi Ta Bà, lại trong bảo cái phát ra tiếng nói nhiệm mầu như vầy; Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói như thế, đúng như thế, về trước theo Đức Diệu Kiết Tường kia phát tâm bồ đề
Lúc ấy, trong pháp hội của Phật Thích Ca Mâu Ni, những vị trước thoái tâm bồ đề, 200 vị thiên tử thấy đức Phật Thế Tôn và Ngài Diệu Kiết Tường Bồ Tát, hiện bày các việc không thể nghĩ bàn như thế và nghe Phật nói nhân duyên bổn khởi, mỗi vị đều suy nghĩ như thế nầy: Các đại pháp vô thượng của chư Phật khó mà nghe được, huống là được thấy công đức cao thượng của chư Phật Như Lai. Hôm nay, chúng ta đối với các đức Thế Tôn nên bỏ tâm hạ liệt (41) trước, nên phát tâm vô thượng đại bồ đề, quyết đến quả vô thượng đại bồ đề. Nghĩ như thế rồi liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác kiên cố, không bao giờ thoái chuyển.

LỜI GIẢI KINH CHÁNH PHÁP CHƯA TỪNG CÓ. ( QUYỂN THỨ HAI)

1. Vô sở hành: Không chỗ hành động, tức là không chấp trước, không thủ xả. Tâm rộng thênh thang như hư không.
2. Bổ đặc già la: Pudgala dịch nghĩa: Lúc nào cũng có thể đi đến các cảnh thú, nhận lấy các cảnh thú, mà không có lòng chán ngán.
3. Các uẩn ma: Tức là các ma chướng trong ngũ uẩn không làm lay chuyển, đó là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
4. Nghiệp báo: Cái nghiệp nó trả lại bằng sự vui vẻ hay khổ sở tùy theo đời trước mình đã làm lành hay làm ác. Cái nghiệp trong thời kỳ báo đáp. Tức là nghiệp quả hay quả báo.
5. Thanh Văn: Sravaka. Bậc nầy nghe Phật nói pháp Tứ Đế mà ngộ đạo, chứng đắc A La Hớn.
6. Vô trước: Tâm không chấp trước, không vướng mắc một nơi nào, rộng rãi thênh thang như hư không.
7. Đại sĩ: Bực Bồ Tát, vì Bồ Tát rất dõng mãnh ra đi cứu đới. Cũng có khi dùng chỉ bậc Thanh Văn có đủ hạnh Bồ Tát và quả vị Phật. Bực Đại Sĩ là hạng người đại từ, đại lực, làm lợi lớn cho mình, vừa làm lợi lớn cho người, cứu nạn cứu khổ và hóa độ chúng sanh.
8. Cửa giải thoát: Cửa giải thoát. Người giữ đủ giới luật, thân tâm được thanh tịnh, mới vào cửa giải thoát được.
9. Chơn đế: Pháp giới chân thật. Ý nghĩa hai chữ chơn đế, nghĩa lý học thuyết chơn thật, không sai chạy, trái lại là tục đế. Như nói thế gian pháp là tục đế, còn xuất thế gian pháp là chơn đế. Pháp giới chơn đế là thế giới xuất thế gian.
10. Tâm tam muội: Tức là tâm thiền định. Tâm lúc nào cũng an nhiên tự tại, không có vọng tưởng điên đảo.
11. Hạnh đại thừa: Hạnh tu theo đại thừa: Bố thí, trì giời, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí huệ ba la mật…
12. Tâm ma địa: Samadhi, phép thiền định, đại định của nhà đạo bực cao trong khi nhập định thì thân thể và tâm trí chẳng còn xao động, chỉ chăm chú vào một mục đích mà thôi. Lúc bấy giờ, những vọng tưởng, những tà kiến, không thể xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định.
13. Đại Mục Kiền Liên: Maha Mandgalyayana. Một vị đại Thanh Văn, đệ tử lớn của Phật, được khen là thần thông đệ nhất trong hành đệ tử.
14. Tu Bồ Đề: Subhuti là bậc Thanh Văn. Ngài nổi danh về sự hiểu rành và biện giải lý chơn không.
15. Bồ Tát Từ Thị: Maitreya Bodhisattva. Họ Từ, dòng lành, dòng Phật, vị Phật lấy đức từ bi làm chủ. Từ Thị là tiếng dịch nghĩa, còn tiếng âm theo Phạn là Di Lặc (Maitreya). Từ xưa, đức Bồ Tát ấy gặp Phật, phát tâm tu hành, chứng phép từ tâm tam muội. Hiện nay Ngài đang ở trên cung trời Đâu Suất nội viện (Tushita).
16. Thụ ký: Vyakarana. Thọ là nhận lấy. Ký là ghi nhớ, ghi chứng. Trao cho sự ký chứng, khi một đức Phật phán xét rằng về sau một vị nào tu hành sẽ thành Phật gì, ở đâu?. Đó gọi là thụ ký.
17. Sáu thứ chấn động: Sáu thứ nầy hiện ra ở cõi đất lớn, sáu cách rúng động trên mặt đất.
1) Động (rung chuyển)
2) Khởi (vùng dậy)
3) Dũng (phun ra) – Ba thứ chấn động trên là biến hóa của hình thể.
4) Chấn (vang dội)
5) Hống (gào lên)
6) Kích (đánh ra) – Ba thứ chấn động nầy là biến hóa của âm thanh.
18. Quang tràng: Một vị Bồ Tát sanh trong thời kỳ Phật Quang Minh Vương, trợ Phật tuyên dương chánh Pháp rất là đắc lực.
19. Ta Bà:Saha: nghĩa là Kham Nhẫn. Thế giới đầy đau khổ, người tu hành phải kham nhẫn, phải chịu các sự nhẫn nhục. Vì cõi Ta Bà có đủ các sự trược, ác mà chúng sanh phải chịu.
20. Chuyển luân vương: Cakravartin. Vị Vua dùng chánh pháp trị dân, cũng như người quay cho bánh xé lăn tới, chớ không trở lui. Vị Vua ngồi trên cổ xe dê đi thâu phục thiên hạ.
21. Tám pháp môn giải thoát:
1) Nội hữu sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát.
2) Nội vô sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát.
3) Tịnh giải thoát thân chứng.
4) Không xứ giải thoát.
5) Thức xứ giải thoát.
6) Vô sở hữu xứ giải thoát
7) Phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ giải thoát
8) Diệt tận định xứ giải thoát.
22. Căn già sa: Cát sông Hằng. Thí dụ về số rất nhiều như số cát sông Hằng vậy. Đức Phật thường giáo hóa trong vùng sông Hằng. Nên Ngài dùng cát sông Hằng mà thí dụ cho người đời để nhận thức.
23. Thần thông: Rddhi, Thần: Linh diệu, bất trắc, không thể đo lường. Thông: vô ngại, không chi ngăn trở nổi, lưu thông tự tại. Thần thông tức là thần túc thông; Iddhividdha, phép bay đi xa trong nháy mắt. Cũng gọi là thần biết.
24. Bức luân: Các chỉ ở dưới chân rất là tốt đẹp, giống như các chỉ lưới đan tròn trịa và trong sáng.
25. Tam ma địa: Samadhi, pháp đại định của nhà đạo bực cao, trong khi nhập định thân tâm không xao động, chăm chú vào một mục đích mà thôi. Các vọng tưởng tà kiến không thể nào xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định. Đắc cảnh tam ma địa được vào pháp thân thanh tịnh.
26. Na do tha: Navuta, số lớn bên Ấn Độ. Số nầy hoặc bằng muôn ức, hoặc bằng ngàn vạn.
27. Câu de na do tha: Con số lớn: 10 triệu trở lên.
28. Tam thừa: Triyana ba cổ xe dùng để chuyên chở. Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa.
29. Ngủ trược: Năm thứ dơ ở cõi Ta Bà nầy: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.
30. Sáu pháp Ba La Mật: Ce-paramita: sáu hạnh ba la mật. Lục độ là sáu nền đại hạnh có thể đưa người từ bến mê tới bờ giác, từ sanh tử đến niết bàn, từ địa vị phàm phu đến quả vị Phật.
31. Đại pháp khí: Khí cụ hành đạo rộng lớn. Căn khí đạo đức vĩ đại. Dụ như bình bát đựng trọn bữa cơm của nhà sư, Pháp khí có sức thọ lấy các pháp môn của Phật v.v…
32. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác: Anuttara-Samyak Sambhodhi. Quả vị Phật. Tức là quả đạo lý tối cao mà đức Phật chứng ngộ, lúc Ngài đại định dưới cội bồ đề.
33. Đại giác ngộ: Hội được chơn lý, mở mang chơn trí. Các bậc thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là vị đại Giác Ngộ.
34. Xuất gia: Ra khỏi nhà thế gian, đi tu. Xuất gia có ba nghĩa:
1) Xuất hồng trần gia
2) Xuất tam giới gia
3) Xuất vô minh gia.
35. Thập lực: Dasabala: Mười sức mạnh trí tuệ;
1) Tri thị xứ phi xứ trí lực
2) Tri tam thế nghiệp báo trí lực
3) Tri chư thiên giải thoát tam muội trí lực
4) Tri chúng sanh tâm tánh trí lực
5) Tri chủng chủng giải trí lực
6) Tri chủng chủng giới trí lực
7) Tri nhứt thiết sở đạo trí lực
8) Tri thiên nhãn vô ngại trí lực
9) Tri túc mang vô lậu trí lực
10) Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực
36. Tứ vô sở úy: Bốn đức dạn dĩ chẳng sợ, có 4 đức chẳng sợ ấy, thì dễ giáo hóa chúng sanh, vì lòng mình chẳng khiếp
1) Nhứt thiết trí vô sở úy
2) Lậu tận vô sở úy
3) Thuyết chướng đạo vô sở úy
4) Thuyết tận khổ đạo vô sở úy.
37. Chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu: Dhammachakkappavattam. Quay bánh xe Chánh Pháp, tức là thuyết pháp để cứu độ chúng sanh. Pháp luân thường chuyể huệ tâm khai, nghĩa là bánh xe chánh pháp thường quay làm cho tâm hồn được sáng suốt.
38. Cung trời Đâu Suất: Tushitadeva, cung trời Đâu Suất về thượng giới. Hiện nay, ở cung Đâu Suất, có rất nhiều vị Bồ Tát, trước khi giáng thế làm Phật đều ở cung trời Đâu Suất. Các vị ấy gọi là Bổ Xứ Bồ Tát, hay là nhứt sanh Bổ Xứ Bồ Tát, đều là các bậc tự tại thần thông, thường du hóa đi tế độ chúng sinh và du hành các cõi Tịnh Độ của chư Phật.
39. Ngồi chốn đạo tràng: Bodhimandala, ngồi nơi thuyết pháp giảng kinh. Người ta thường dùng chốn đạo tràng mà gọi các chỗ dưới đây:
1) Chỗ thờ Phật, tức là nơi chánh điện mỗi chùa.
2) Chỗ tụng Kinh hằng ngày
3) Chỗ các sư giảng đạo, truyền đạo
4) Chỗ thanh tịnh, nơi ấy vị sư tu luyện tham thiện nhập định
40. Bảo cái: Cái lọng báu, lọng quý để thờ Phật, Bồ Tát hoặc để che hầu những vị Hòa Thượng. Lọng ấy có khi làm bằng thất bảo.
41. Tâm hạ liệt: Tâm thấp kém, tâm chỉ biết ích kỷ, tâm chỉ biết lo lợi cho mình mà không nghĩ đến ai, nên gọi là tâm hạ liệt.

QUYỂN THỨ III

Ngài Đại Sư Pháp Thiên, người Tây Thiên Trúc, hiểu thông ba tạng kinh điển, vâng chiếu chỉ nhà Vua dịch.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni lại bảo ngài Xá Lợi Phất rằng:
- Ông nay phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thật hành các hạnh Bồ Tát, không nên đắm trước theo quả Thanh Văn. Vì sao? Nầy Xá Lợi Phất, tất cả chúng sanh ở trong sự luân hồi (1), không sanh lòng sợ hãi, không do dự giải thoát. Thế nên các Bồ Tát phải khởi lòng đại tinh tiến, ở trong nẻo luân hồi, tìm đủ cách hóa độ, khiến chúng sanh sợ khổ sanh tử, vượt ra ba cõi (2). Ông, nếu chỉ thích quả Thanh Văn, không thể nào khởi tâm đại bồ đề (3), cứu độ tất cả chúng sanh. Thế nên, tất cả chúng sinh, nếu được gặp gỡ vị có Bồ Tát tâm, khuyên họ phải khởi sự tinh tiến, liền đặng giải thoát sanh tử, cũng thường phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Xá Lợi Tử! Thuở đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Cụ Túc Công Đức Như Lai, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Trong pháp hội của Đức Phật nầy có chúng Thanh Văn hàng trăm câu đê (4), có tám nghìn chúng Bồ Tát. Đức Phật kia sống lâu 10 muôn tuổi. Có hai vị Thanh Văn là bậc Thượng Thủ. Một vị gọi là Xuất Hiện, trí tuệ đệ nhất. Vị thứ hai gọi là Tấn Tật, thần thông đệ nhất. Lúc ấy, Cụ Túc Công Đức Như Lai, đến giờ thụ trai, đắp y, mang bát, cùng các đại chúng, thứ tự đi vào một góc thành vua. Thành kia gọi là Diệu Âm, tuần tự khất thực. Khi đức Phật vào thành, vị Thanh Văn Trí Tuệ, đứng ở bên phải đức Phật, vị Thanh Văn thần thông đệ nhất đứng ở bên trái của Đức Phật, còn các chúng Thanh Văn khác đều theo sau Phật, các chúng Bồ Tát tiến tới phía trước. Lại nữa, có các Đại Phạm Thiên Vương, Đế Thích, Thiên Chúa, hộ thế tứ thiên vương, vá các thiên chúng. Họ đi nhiễu đức Thế Tôn, vào trong thành vua kia.
Lúc ấy, trong thành có 3 vị đồng tử, dùng các đồ trang nghiêm đứng ở bên đường kia, cùng nhau tỏ vẻ phấn khởi. Ba vị đồng tử ấy, xa xa nhìn thấy đức Thế Tôn, tướng tốt đoan nghiêm, oai đức vô lượng, yến sáng chiếu soi cũng như Kim Sơn, nghi dung đỉnh đạc như Đại Long Vương (5), thấy rồi tâm sanh hoan hỷ, cung kính tôn trọng. Vị đồng tử thứ nhất nói:
- Các ông có thấy đức Phật Thế Tôn không? Đối với các chúng sanh là bậc tối tôn, tối thượng, phước đức không cùng tận; trên trời cùng nhơn gian, thảy đều tôn kính. Thế nên, chúng ta phải đồng cúng dường, quyết đặng phước báo lớn, cùng nhau bàn luận rồi, vị đồng tử thứ nhất nói bài kệ rằng:
Đức Phật nầy, tối tôn đại chúng,
Trên trời, nhơn gian nên cúng dường,
Chúng ta nên dâng đồ cung dưỡng,
Đặng phước báo lớn, nhưng không mất.
Vị đồng tử khác nói tiếp bài kệ:
Ta không dâng cúng dường hương hoa,
Cũng không phải các thứ quý khác,
Duy nhất toàn dùng thân mạng nầy,
Nên xả cùng dường Phật, Thế Tôn
Lúc ấy, vị đồng tử trước liền cổi các anh lạc (6) trân châu trị giá đến trăm nghìn lượng vàng, hướng về hai vị đồng tử kia nói:
Tôi nay đem các thứ quý nầy,
Cúng Phật Như Lai, đại trí tôn,
Nguyện tôi trình bày cúng dường rồi,
Sẽ đặng Vô Thượng, đại phước tụ.
Lúc bấy giờ hai đồng tử khác thấy đồng tử nầy, hiến cúng của báu rồi, mỗi vị cũng cổi chuỗi anh lạc đang mang trong người, hướng về đồng tử nói bài kệ rằng:
Tôi dùng anh lạc để cúng dường,
Tất cả tối thắng chánh giác tôn,
Phát tâm thành nầy cúng dường rồi,
Thệ nguyện cầu nơi chánh pháp Phật.
Khi đó, một đồng tử trước thấy hai người nầy, cũng hiến anh lạc, mà bảo đó rằng:
- Các vị đã làm phước lợi vô lượng, đối với Phật Pháp muốn cầu quả báo gì?
Vị đồng tử thứ hai nói:
- Tôi muốn tương lai sẽ được làm đệ tử hầu bên mặt đức Thế Tôn, và sẽ đặng trí tuệ thứ nhất.
Vị đồng tử thứ ba nói:
- Tôi nguyện tương lai sẽ được làm đệ tử Phật, hầu bên trái ngài và được thần thông thứ nhất.
Hai đồng tử mỗi vị nói sở nguyện của mình xong, lại hỏi đồng tử thứ nhất rằng:
- Ông khéo khai đạo, vì tôi làm bạn lành, ông hiến cúng dường để cầu việc gì?
Đáp rằng:
- Sở nguyện của tôi sẽ cầu được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đủ tất cả trí, phóng quang chiếu sáng, khiến tất cả chúng sinh, ai thấy cũng đều phát tâm bồ đề. Như sư tử chúa, các loài thú đều vây quanh. Như Đức Phật ngày nay, bình đẳng không sai khác.
Đức Phật bảo:
- Xá Lợi Tử! ba vị đồng tử kia, như vậy, mỗi vị khi phát nguyện thì ở giữa hư không có 8.000 thiên tử, đồng thanh khen ngợi: Lành thay! Quý hóa thay! Các ông khéo nói lời ấy, hy vọng kết quả thù thắng quyết định không nghi! Ba vị đồng tử kia, mỗi người mang chuỗi anh lạc, đến trước chỗ Phật.Khi đó, đức Phật bảo ngài Xá Lợi Tử! Cụ Túc Công Đức Như Lai thấy ba vị đồng tử cầm chuỗi anh lạc đem đến chỗ Phật, liền bảo Hải Huệ Bí Sô (7) rằng:
- Bí Sô! Sư thấy ba vị đồng tử nầy không?
Hải Huệ bạch Phật rằng:
- Vâng! Con đã thấy.
Đức Phật nói:
- Bí Sô! Đồng tử thứ nhất tâm ý mong cầu, cùng với hai đồng tử khác chẳng đồng, dở chân, động bước tự tại đặc tôn, như vị Chuyển Luân Thánh Vương (8), giả sử có trăm nghìn Phạm Thiên, Đế Thích cũng không bì kịp. Nay đến chỗ Phật, khai phát đạo tâm, mong muốn chứng đến Vô Thượng Bồ Đề.
Ba vị đồng tử ấy đến chỗ Phật rồi, mỗi vị đầu mặt lạy dưới chân đức Phật, dâng chuỗi anh lạc lên đức Thế Tôn, Phật đã thọ rồi, vị phát tâm Thinh Văn, đã hiến chuỗi anh lạc ở trước đức Phật kia đã phát tâm bồ đề, đã dâng chuỗi anh lạc lên đức Phật, trụ giữa hư không biến thành bốn trụ đài báu, bốn phía nghiêm túc; trên đó có các đức Phật ngồi kiết già (9), hiện các tướng tốt trang nghiêm, thù thắng vô lượng. Lúc ấy Cụ Túc Công Đức Như Lai liền nhập đại định, khắp quán sát tướng biến hóa của chư Phật Như Lai, từ trên diện môn phóng ra nhiều tia sắc sáng. Ấy là các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, biếc, lục, yến sáng khắp soi, vô biên thế giới trên đến trời Phạm Thiên, sang chói lấn át yến sáng của mặt trời mặt trăng, khó mà hiện bày. Ánh sáng kia chiếu rồi, nhiễu bên hữu ba vòng, trở lại nhập vào đảnh môn của đức Thế Tôn. Lúc ấy, Hải Huệ Bí Sô, đến trước bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Có nhân duyên gì mà phóng hào quang nầy. Cúi mong Đức Thế Tôn, chỉ dạy cho chúng con biết.
Đức Phật bảo Bí Sô rằng:
- Ông thấy hai vị đồng tử nầy đã dâng chuỗi anh lạc, ở trước Phật có trụ không?
Bí Sô bạch Phật rằng: Vâng, con đã thấy.
Đức Phật nói:
- Bí Sô! Hai vị đồng tử nầy vì cầu quả Thanh Văn, ưa muốn chứng đến niết bàn tự lợi, không thể phát khởi tâm đại bồ đề; Bí Sô! Ông lưu ý vị đồng tử trước, đã dâng chuỗi anh lạc lên trên đức Phật, ở giữa hư không, làm các việc biến hóa. Vị nầy vì muốn chứng đến Vô Thượng Bồ Đế, lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hai vị đồng tử kia chỉ ưa trí huệ thần thông, không thể khắp vì lợi lạc, thế nên chỗ dâng đồ cúng dường cũng không có tướng thù thắng. Phải biết người phát tâm đại bồ đề, ra làm việc phước cũng không thể lường. Ông nay phải nên bỏ tâm Thanh Văn, phải cầu chứng đặng Vô Thượng Chánh Dẳng Chánh Giác, đức Phật bảo;
- Xá Lợi Tử! Khi xưa đồng tử phát tâm đại thừa, đâu phải ai xa lạ, mà chính thân ta ngày hôm nay; người mà ưa trí tuệ, tức là thân ông. Vị ưa thần thông tức là Ngài Mục Kiền Liên đó. Các ông hàng Thanh Văn tuy khỏi sự luân hồi, chỉ ưa thích niết bàn, trọn không làm lợi ích quần sinh. Tâm bình đẳng của chư Phật đồng như hư không, không cùng không tận. Phước tu vô lượng, công đức vô lượng vượt hơn cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác, Xá Lợi Tử! Các vị chóng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ các ngài Xá Lợi Tử, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Nâu Lâu Đà, Ưu Bà Ly, Phú Lâu Na, Tu Bồ Đề…v.v…các vị đại Thanh Văn, khác miệng đồng tiếng bạch rằng:
- Quý hóa thay! Đức Thế Tôn, khéo hay khai đạo kiến chúng con phát khởi tâm đại Bồ Đề. Bạch Thế Tôn! Phải biết các thiện nam tử và thiện nữ nhơn, những ai đã trồng các căn lành, tìm cầu giải thoát, nên phát tâm rộng lớn và thật hành hạnh nguyện rộng lớn, các người ấy sẽ thấy được trăm nghìn các đức Phật, được nghe chánh pháp. Bạch Thế Tôn! Chúng con từ xưa đến nay trí tuệ hẹp hòi, không dám mong cầu trí vô biên của Phật, nhưng nay tự lòng khắc trách, nên phát tâm rộng lớn. Ví như có người tạo những nghiệp bất thiện rồi, nếu không ăn năn đổi ác theo lành, thì không do đâu khỏi các khỗ não. Chúng con hàng Thanh Văn, chỉ cầu tự lợi, nếu kh6ong bỏ tâm hạ liệt, cầu trí tuệ Phật, trọn không khỏi cảnh vô dư Niết Bàn. Lại nữa cũng như người gần đến lúc mạng chung tâm thức hôn loạn, đối với thân bằng quyến thuộc không thể nào đoái hoài! Chúng con nếu cầu niết bàn tự lợi, đối với các chúng sanh, không tâm hóa độ, cũng lại như thế. Thế Tôn phải biết, tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng như quả đất lớn, tất cả chúng sinh trong thế gian đều nương theo đất mà trụ, nhờ nơi đất mà sinh sống. Tất cả căn lành đều y nơi tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà đặng sinh trưởng cũng lại như vậy.
Lúc bấy giờ trong pháp hội có một muôn người, nghe đức Phật nói nhân duyên bổn sự (10), và nghe Xá Lợi Tử nói lời ấy rồi đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ Vua nước Ma Già Đà (11), phục sức nghiêm chỉnh, đích thân đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ dưới chân đức Phật, đi nhiễu ba vòng, rồi ngồi một bên. Khi ấy, đức Vua hướng về đức Phật chấp tay, một lòng tôn kính bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Tất cả chúng sinh, nhân tạo nghiệp gì? Nhân duyên tạo nghiệp do đâu mà trụ?
Đức Phật trả lời:
- Đại Vương! Tất cả mạng sống lâu của chúng sinh cho đến bổ đặc già la (12) đều y ngã thân kiến (13) mà trụ, điên đảo phân biệt, vì do phân biệt, nên khởi hoặc tạo nghiệp, do tạo nghiệp, nên không được giải thoát.
Vua lại hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Ngã thân kiến lấy gì làm căn bản?
Đức Phật dạy
- Vô minh làm căn bản
Lại thưa:
- Cái vô minh đó ai, làm căn bản?
Đức Phật đáp:
- Tác ý không như lý làm căn bản
Lại hỏi:
- Tác ý không như lý lại lấy cái gì làm căn bản?
Đức Phật đáp:
- Tâm bất bình đẳng làm căn bản
Lại thưa:
- Thế nào gọi là tâm bất bình đẳng?
Đức Phật dạy:
- Tử vô thỉ đến nay, biết không như thật, gọi đó là tâm bất bình đẳng.
Lại thưa:
- Thế nào gọi là biết không như thật?
Đức Phật dạy:
- Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, ở trong cái không mà chấp là có. Ấy gọi là biết không như thật.
Lại hỏi:
- Thế nào gọi là ở trong cái không mà chấp là có?
Đức Phật đáp:
- Các pháp phân biệt không sanh, không thật, chấp cho là có thật.
Lại thưa:
- Nếu các pháp không sanh nay làm sao nói được?
Đức Phật đáp:
- Đại Vương! Thân ta còn không, pháp không chỗ nói
Lại hỏi đức Thế Tôn:
- Thân nếu không có, làm sao tạo tác, thế nào an trụ?
Đức Phật đáp;
- Đại Vương! Mặc dù có chỗ tạo tác, cũng không nên chấp trước.
Lại hỏi:
- Tức không chấp trước việc ấy thì làm sao mà nói ra?
Đức Phật nói:
- Không chấp trước sự vật, như thật mà nói, ấy là lời Thánh.
Lại hỏi:
- Thế nào gọi là nói lời như thật? Lại làm sao mà cho là lời Thánh?
Đức Phật gọi:
Đại Vương! Đối với tất cả sự vật lìa trần cảnh, xa cố chấp, đó là lời chân thật, đó cũng gọi là nói như thật. Người nói như thật, là lời nói của bậc Thánh. Bậc Thánh đã nói, gọi là khéo biết các pháp, vốn không chỗ sanh, phải như thế mà trụ, theo như thế mà học.
Lúc bấy giờ, Vua nước Ma Già Đà, nghe Phật nói chánh pháp, tâm sanh hoan hỷ, rồi bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, thật là hy hữu, khéo nói pháp nầy, thật chưa từng có. Như Đức Phật Thế Tôn, dùng trí vô lậu (14), khắp vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nên nói pháp chân thật. Tất cả chúng sanh tội nghiệp đã ràng buộc, nhưng không thể nghe pháp lãnh thọ, tu hành. Con cũng như thế, Thế Tôn nên nghĩ, con từ xưa đến nay, không gặp bạn lành, đem tâm bất thiện, con cũng rộng tạo các nghiệp bất thiện. Thế nên không thể nào gần gũi đức Thế Tôn để nghe Chánh Pháp. Con ở trong thâm cung chỉ ưa hý ạc, ăn uống, yến tiệc, suốt ngày lẫn đêm, không bao giờ nhàm bỏ. Thế nên, con không thể đến chỗ Phật, nghe học chánh pháp. Bạch Thế Tôn! Con nay ăn năn tự trách, trước kia đã tạo các nghiệp dữ sâu sắc, ở trong ngày đêm, chưa bao giờ an vui, như người bị tội, thường sanh tâm sợ hãi. Đức Thế Tôn Đại Từ , là đấng cha chung của chúng sanh. Người không chỗ nương tựa, vì họ làm nơi nương tựa, ai không nhẫn nhãn mục vì họ làm người dẫn đường. Các chúng sanh bị khổ não, vì họ làm an lạc. Những người đi sai đường, vì họ chỉ con đường chính. Các người nghèo thiếu, vì họ thí cho của báu, tâm Phật bình đẳng, không bao giờ mỏi mệt, khắp hay lợi lạc, không phân biệt kẻ oán người thân. Bạch Thế Tôn! Cuối mong Ngài thương xót cứu độ chúng con. Con suy nghĩ trước đây đã tạo tội, luôn ôm lòng sợ hãi, cũng như kẻ rơi xuống hầm sâu, chỉ hy vọng cứu vớt. Con lo sợ rơi trong đường ác. Xin Thế Tôn cứu hộ, dứt hết các tội cấu kia hiểu rõ chánh pháp.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết Vua nước Ma Già Đà, ăn năn vì đã tạo ác nghiệp muôn đời, ưa thích giáp pháp đại thừa thậm thâm, mà tự suy nghĩ: Diệu Kiết Tường Bồ Tát trí tuệ biện tài, hay vì chúng sinh diễn thuyết. Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Tử, nhờ oai lực của Phật, biết được tâm niệm của Phật, liền bảo Vua nước Ma Già Đà rằng:
- Đại Vương nên biết, Bồ Tát Diệu Kiết Tường biện tài vô lượng, trí tuệ vô biên, khéo nói pháp yếu, quyết hay vị Vua tuyên nói chánh pháp, khiến Vua khai giải, thu hoạch đại an lạc, nên vào cung Vua thỉnh cầu, ăn cơm cúng dường, lợi ích vô lượng. Lại nữa khiến tất cả nhân dân trong thành Vương Xá, chiêm lễ, khen ngợi, thấy nghe tùy hỷ, trồng các căn lành, thu hoạch phước đức thù thắng.
Lúc ấy Vua nước Ma Già Đà, như tôn giả nói, liền đến trước bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường:
- Vì lòng đại từ của Bồ Tát thương xót chúng tôi, quá bước vào cung ăn cơm cúng dường, giờ đây cúi mong, thương xót lời cầu thỉnh của chúng tôi.
Lúc ấy Diệu Kiết Tường Bồ Tát bảo Vua kia rằng:
- Tôi nhận lời thỉnh cầu của Đại Vương và sẽ làm Đại Vương như nguyện. Vua phát tâm thù thắng, tôi đã nạp thọ đồ cúng dường, ưa muốn nghe pháp, tôi sẽ vì Vua tuyên nói: Đại Vương! Nên đối với tất cả pháp, không nên chấp trước, tôi sẽ vì Vua thuyết Pháp; đối với tất cả pháp, không có vọng tưởng nghi lầm, tôi vì Vua thuyết pháp; đối với tất cả pháp, không có chấp trước ba đời, tôi sẽ vì Vua thuyết pháp; đối với tất cả pháp không dùng Niết Bàn của Thinh Văn, Duyên Giác làm tướng tịch diệt, tôi sẽ vì Vua thuyết pháp.
Vua bạch với Diệu Kiết Tường rằng:
- Lành thay! Rất ít có! Cúi mong Bồ Tát thương xót chúng con, cùng các đại chúng, đồng thọ cúng dường.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói;
- Đại Vương! Và để lời nói ấy, như Vua dùng đồ uống ăn, y phục cúng dường đại chúng, vì thương xót mà làm đồ cúng dường, đây cũng chẳng vì lợi, không vì phước . Luận vì sự cúng dường, đối với pháp phải khởi tâm ly hữu: không tạo tác, không ngã kiến, không chúng sinh, không thọ giả, không các tưởng bổ đặc già la; không trước tự tướng, không chấp trước tha tướng. Ấy là cúng dường. Phải quán sát các pháp không có thủ, không uẩn, xứ giới, không trong không ngoài, không chấp ba cõi, mà cũng không thể lìa ba cõi; cũng không thiện mà cũng chẵng ác, không ưa muốn, chẳng nhàm bỏ, không phải thế gian cũng không phải xuất thế gian, chẳng phải hữu lậu, không phải vô lậu, chẳng phải hữu vi, không phải vô vi, chẳng phải có phiền não, chẳng phải lìa phiền não, không phải luân hồi, mà cũng không phải tịch diệt. Được như thế đó, mới là chơn cúng dường. Vua lại bạch với Diệu Kiết Tường rằng:
- Bồ Tát thương xót, lợi lạc cho chúng con, xin nguyện lãnh thọ cúng dường.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:
- Đại Vương sẽ không cầu lợi lạc, không chỗ nào thương xót. Tâm ấy "không sở trước" (15), không động, không chuyển, không khen, không chê, không lấy, không bỏ, không cầu lợi lạc, không chỗ thương xót, mỗi pháp bình đẳng, mà không sở đắc. Ấy gọi là thọ cúng. Đại Vương! Được như thế đó, gọi là chơn lợi lạc!
Vua bạch với Diệu Kiết Tường rằng:
- Pháp vốn vô tướng, mà cũng không động tác, con hiến cúng dường, cũng phải như thế.
Diệu Kiết Tường nói:
- Tánh không vô tướng, cũng không động tác. Người cầu pháp phải là không tưởng, không nguyện, không hành động, không tạo tác, mà cũng không vô tác. Vì cớ sao? Đại Vương! Tự tính các pháp vốn không chỗ động, cũng không có tạo tác. Tự tánh chúng sanh vốn không, ba nghiệp không chỗ động tác. Đại Vương phải quán sát tất cả hành nghiệp thảy đều vô tác, vì rõ biết tất cả pháp tự tánh vốn không.
Vua nói:
- Các hành nghiệp tạo tác, tại sao gọi nó là không?
Diệu Kiết Tường đáp;
- Đại Vương! Như pháp quá khứ đã diệt, pháp vị lại chưa đến, hiện tại không chỗ sinh, các hạnh hữu vi, cũng lại như thế. Do đó không trụ trước ba đời, vì đều là vô thường. Pháp không tăng cũng không giảm. Đại Vương! Đối với các hạnh, phải rõ biết như thế.
Vua nói:
- Thánh đạo cùng phiền não hai pháp có bình đẳng không?
Diệu Kiết Tường đáp:
- Hai pháp nầy bình đẳng, cũng không tăng giảm. Đại Vương! Yến sáng mặt trời khi mọc ra cùng với bóng tối có hiệp được không?
Vua tra lời:
- Không thể được. Khi yến sáng mặt trời mọc, các bóng tối đều dẹp hết.
Diệu Kiết Tường nói:
- Khi yến sáng mặt trời mọc ra, rồi các bóng tối kia, trở về chỗ nào?
Vua nói:
- Vậy bóng tối kia không có chỗ trụ?
Diệu Kiết Tường nói:
- Phiền não cùng thánh đạo cũng lại như thế. Hai cái nầy không đợi nhau, cũng không tăng không giảm, không trụ mà đều trụ. Đại Vương! Phiền não bình đẳng thì thánh đạo cũng bình đẳng. Hai cái nầy bình đẳng cho nên các pháp đều bình đẳng. Đại Vương nên biết! Phiền não tánh không cũng không chỗ trụ, vì phiền não nên đặng thánh đạo, vì đặng thánh đạo nên không bị phiền não trở lại. Thế nên hai đặc tính nầy, không tăng, không giảm cũng không sai khác.
Vua hỏi:
- Phiền não cùng thánh đạo từ đâu phát sanh?
Diệu Kiết Tường đáp:
- Từ tâm sinh ra, tâm nếu không sinh, phiền não không lại sanh; phiền não không sanh, thánh đạo không sanh. Thế nên, phải biết phiền não phải quán sát như thế. Thánh đạo cũng phải quán sát như thế, quán như thế rồi, thì tâm "vô sở đắc' (16)
Vua nói:
- Pháp thánh đạo trở về niết bàn phải không?
Diệu Kiết Tường nói:
- Không phải thế! Các pháp không khứ lai, niết bàn cũng như thế.
Vua nói:
- Thánh đạo phải trụ như thế nào?
Diệu Kiết Tường đáp:
- Thánh đạo phải trụ "như như"
Vua hỏi:
- Được Thánh đạo không phải chộ trụ Giới, Định, Huệ sao?
Diệu Kiết Tường đáp:
- Các pháp không hành, không tường lìa các hý luận. Nếu có giới, định, huệ tức là hý luận; có hành, có tướng, không nên trụ như thế. Người trụ như thế, chẳng phải trụ, chẳng phải không trụ, thánh đạo cũng như thế.
Vua nói:
- Có thiện nam cùng thiện nữ thật hành hạnh bồ đề, có đặng thánh đạo không?
Bồ Tát nói:
- Người thật hành bồ đề, không có một chút pháp nào có thể đặng. Con đường bồ đề không khổ, không vui, phi ngã, phi vô ngã, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, không tịnh, không uế, không nhàm chán luân hồi, cũng chẳng ưa chứng niết bàn. Thế nên tất cả pháp đều không thể đặng. Pháp thánh đạo cũng không thể đặng.
Vua lại bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Quý hóa thay! Đại sĩ, thật là ít có, khéo nói pháp yếu, tôi đều tin hiểu. Song, lòng thành của tôi kính biện cúng dường, sẽ mang đồ ăn đồ uống, cúng dường các đại chúng. Bồ Tát hôm nay được thỉnh bởi tôi!
Diệu Kiết Tường nói:
- Ăn 'vô sở tác' thí 'không sở thọ', người thí kẻ thọ, không hai không khác. Vua đã thành tâm, sẽ lãnh thọ đồ cúng dường của Đại Vương.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Nay chính là thời gian, nhận lời thỉnh của Vua, sẽ vì nhiều người làm lợi ích lớn.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường bạch trước Phật rằng:
- Con nay vâng thánh chỉ của Phật đã thọ lời Vua thỉnh, sẽ cùng đại chúng đồng thọ cúng dường.
Lúc ấy, Vua nước Ma Già Đà biết Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã nhận lời thỉnh, tâm sanh hoan hỷ, đặng đại an ẩn, kính lễ đức Thế Tôn và Bồ Tát Diệu Kiết Tường và các đại chúng. Sau đó đến chỗ tôn giả Xá Lợi Phất hỏi tôn giả rằng:
- Bồ Tát Diệu Kiết Tường gần đến thọ lãnh cúng dường của tôi. Vậy Bồ Tát đồng đến số ấy bao nhiêu?
Xá Lợi Phất đáp:
- Sẽ có 500 chúng đại Bồ Tát đồng đến phó hội nhà Vua. Khi đó, Vua nước Ma Già Đà, trước trở lại hoàng cung, trang hoàng chánh điện rộng lớn, sắc lịnh các cấp sứ giả đều giữ thân tâm tinh khiết, thiết đủ các đồ thượng vị ăn uống, la liệt các đồ tràng phan bảo cái thượng diệu, rải các hoa nhiệm mầu, đốt các hương thơm ngát, trân châu anh lạc hết sức hoa lệ, trang hoàng 500 tòa ngồi, lại ở trong thành Vua, ra lện sửa sanh đường sá, rải hoa đốt hương, không có các trần cấu, đường lộ huy hoàng. Lúc ấy nhân dân trong thành nghe tin Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến trong cung Vua, thọ lãnh đồ cúng dường của nhà Vua. Dân chúng đều sinh tâm hoan hỷ và khát ngưỡng, mỗi người cầm hương hoa đứng chờ hai bên đường để cung nghinh Bồ Tát.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, ở trong buổi tối, khởi tâm suy nghĩ: Ngày mai, do lời mời của nhà Vua, minh sẽ đến phó hội, các vị Bồ Tát đồng với tôi đến đó rất ít. Nay phải đến cõi nước của chư Phật để thỉnh các chúng Bồ Tát đồng đến cung Vua, trang nghiêm thắng hội. Nếu tôi vì Vua thuyết pháp, các Bồ Tát kia sẽ làm chứng minh sư. Nghĩ thế rồi, liễn ở nơi bản xứ, ẩn thân không hiện, trải qua trong giây phút, qua phương đông cách xa tám muôn cõi Phật, có một thế giới, tên là Thường Thanh. Đức Phật cõi ấy, hiệu là Kiết Tường Thanh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện tại thuyết pháp, vì các Bồ Tát, nói pháp đại thừa. Các Bồ Tát kia đều là bậc Thoái Chuyển (19). Trong cõi nước đức Phật kia có bảy loại cây quý báu, cấy ấy có nhiều hoa quả. Nhánh là của cây ấy thường phát ra tiếng nói nhiệm mầu khen ngợi tiếng giong của chư Phật khen ngợi tiếng pháp ra chánh pháp và khen ngợi tiếng nói của Bồ Tát bậc Bất Thoái Chuyển. Ấy gọi là thế giới Thường Thanh. Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã đến kia rồi, đến trước Kiết Tường Thanh Như Lai, đầu mặt lạy dưới chân Phật rồi bạch Phật rằng:
- Con từ thế giới Ta Bà đến đây, vì nhận lời thỉnh của quốc vương Ma Già Đà tại cung Vua để thọ lãnh cùng dường trai phạn, vì chúng Bồ Tát quá ít, nên đến thỉnh các Đại Bồ Tát thượng sĩ, cùng con đồng đến cung Vua, thọ lãnh đồ cúng dường kia, khiến tất cả chúng sinh đều được phước lớn, cúi mong Thế Tôn sắc chỉ cho các Bồ Tát, nhận lời con thỉnh cầu.
Khi ấy Kiết Tường Thanh Như Lai liền bảo tám muôn đại Bồ Tát rằng:
- Thiện nam tử! Nay Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến thỉnh quý vị sang thế giới Ta Bà kia, phó hội trong cung Vua nước Ma Già Đà, cúng dường các đồ ẩm thực, các ông nên đến vì đồng là việc Phật.
Lúc ấy các Bồ Tát y lời Thế Tôn sắc chỉ, liển phải phụng hành. Khi đó Bồ Tát Diệu Kiết Tường, lễ tạ từ biệt đức Kiết Tường Thanh Như Lai, cùng tám muôn đại Bồ Tát ẩn thân không hiện; liền trở về thế giới Ta Bà đến trụ xứ chính. Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường cùng các chúng Bồ Tát cùng nhau an tọa, liền bảo các Bồ Tát rằng:
- Tôi có pháp môn, gọi là đại tổng trì (20). Nay vì các Đại Sĩ, phân biệt diễn nói. Thế nào gọi là pháp môn tổng trì? Ấy là người ưa muốn thủ chứng pháp môn tổng trì, phải trụ tâm chánh niệm không tán loạn, lìa các giận si, đối với tất cả pháp trí huệ thông suốt, hành đạo Như Lai, đặng môn biện tài, trụ nơi vô tướng, vào tất cả pháp được trí môn tổng trì, tương tục thánh đạo, nhưng hay nhậm trì ngôi Tam Bảo, khi nào ngôn luận, không bị trệ ngại, khéo giải tất cả ngôn ngữ của chúng sanh; nếu có biện luận, vấn nạn, đủ cách phân biệt; ở trong đại chúng, tâm không sợ hải. Chỗ có tất cả trời (21), rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, người và phi nhân, cho đến Đế Thích và Phạm Vương. Dưới đến thuộc dị loại (22), bàng sanh, các loại ngôn âm sai khac, nhưng hayu theo kia, các thứ ngôn âm, mà vì thuyết pháp, khéo biết căn tánh chúng sanh, lợi độn tùy theo mỗi loại mà hiểu biết các căn thanh tịnh, lìa các tà kiến, bình đẳng an trụ pháp môn tổng trì, không trụ trước các pháp thế gian tám thứ trái thuận; viên mãn tất cả thiện pháp xuất thế, vì các chúng sanh nói hạnh nghiệp kia về nhân duyên quả báo, khiến các chúng sanh đặng an lạc rộng lớn, đối với tất cả chỗ trí tuệ thông suốt, hay khiến chúng sanh, trừ bỏ gánh nặng tâm không lo rầu, biết rõ tự tánh các pháp, tùy theo trình độ diễn thuyết chánh pháp họp với tâm bịnh, khiến khởi tâm tinh tiến, thu hoạch các lợi lành. Bồ Tát sanh tâm hoan hỷ, không mong cầu quả báo; có được bao nhiêu căn lành cho lo hồi hướng đến tất cả trí tri. Cấu nhất thiết trí (23), khắp vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh, ở trong sáu phương, pháp độ thoát đều thành tựu, thí hạnh viên mãn hồi hướng tất cả giống trí. Giới hạnh viên mãn hồi hướng chúng sanh, khiến kia an lạc. Nhẫn hạnh viên mãn, đặng tướng tốt của Phật, trang nghiêm đầy đủ. Tinh tấn viên mãn, thành tựu tất cả căn lành. Thiền định viên mãn, đặng tương ưng với các pháp, tự tại vô ngại.Trí tuệ viên mãn, thông suốt tất cả sự vật, đối với các pháp tự tại, lìa các lỗi lầm. Các thiện nam! Pháp môn tổng trì như thế, được pháp môn nầy rồi, không chỗ nào quên mất, vì tổng quát hay nhiệm trì tất cả trí.
Lại nữa, thiện nam tử! Pháp môn tổng trì, lại hay thọ trì tất cả pháp. Ấy gọi là rõ biết tất cả các pháp, không, vô tướng, vô nguyện, không động, không tác, xa lìa sự phân biệt kia, không sanh, không diệt, chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng phải có, chẳng phải không, không lai, không khứ, chẳng thành chẳng hoại, chẳng tụ, chẳng tán, chẳng phải có tánh, chẳng phải không tánh, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, lìa các hý luận,đối đãi. Không có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, không bổ đặc già la, không thủ không xả, chẳng phải thấy, chẳng phải nghe, chẳng phải hay, chẳng phải biết. Ấy gọi là "trì tất cả pháp"
Lại nữa, thiện nam tử! lại nữa pháp môn tổng trì là gìn giữ tất cả pháp, tự tánh của nó là không; như chiêm bao, như bọt nước, như ánh nắng, như hư không v.v…lại hay trì tất cả pháp, khổ, không, vô thường, vô ngã, tịch diệt v.v…tự tánh của nó không tạo tác, không vui, không khổ, không đặng, không chứng. Lại nữa, pháp môn tổng trì vì như quả đất hay duy trì thế gian, không lớn, không nhỏ, đều được duy trì và bảo vệ, cũng không mỏi mệt. Đại Bồ Tát đặng pháp môn tổng trì cũng lại như thế, kháp vì chúng sanh, phát tâm bồ đề, nhiếp thu các căn lành, không cho tan mất, dù trải qua vô số kiếp, không bao giờ tạm giải đãi và thoái chuyển. Lại nữa, cũng như quả đất hay nuôi dưỡng muôn vật. Bồ Tát đặng tổng trì hay giáo hóa làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Lại cũng như quả đất lớn hay sanh cỏ cây, nuôi dưỡng chúng sanh. Chúng ta được tổng trì Bồ Tát thường sanh tất cả pháp lành, lợi ích chúng sinh. Lại cũng như quả đại địa, không tăng không giảm, nhậm trì muôn vật, không cao không thấp, kia được tổng trì Bồ Tát tâm cũng như thế, không tăng không giảm, nhận trì chúng sanh, không có tưởng oán thân. Lại cũng như quả đất lớn, thọ các mưa móc không bao giờ nhàm đủ, kia đặng tổng trì Bồ Tát ưa vui nghe thọ trong pháp hội của chư Phật và Bồ Tát, không bao giờ nhàm đủ. Lại cũng như quả đất lớn hay duy trì tất cả chủng tử, y theo thời gian sinh trưởng, trọn không bao giờ thôi dứt, kia đặng tổng trì Bồ Tát hay duy trì tất cả chủng tử về pháp lành, y theo thời gian sanh trưởng cũng không thôi dứt.
Lại nữa như kẻ sĩ dũng mãnh trong thế gian, oai lực mạnh mẽ, hay hàng phục các quân ma khác. Kia đặng tổng trì Bồ Tát đầy đủ đại tinh tiến, thần thông oai đức, hay hàng phục ma quân.
Lại nữa, thiện nam tử phải biết tất cả tự tánh các pháp không quên, không chỗ ghi nhớ, là thường là vô thường, là khổ, là vui, là tịnh, là bất tịnh, là ngã, là vô ngã, là hữu tình, là phi hữu tình, là thọ mạng, là phi thọ mạng, là bổ đặc già la, là phi bổ đặc già la v.v…pháp môn tổng trì cũng lại như thế. Cũng không ghi nhớ, vì các pháp lìa hai tướng, cũng không chỗ quên.
Lại nữa, thiện nam tử, pháp môn tổng trì, cũng như hư không, nhậm trì đại địa, không tưởng "sở trì" (24). Tổng trì tất cả pháp, không tưởng 'sở trì'.
Lại cũng như yến sáng mặt trời, chiếu soi tất cả sự tướng. Tổng trì hay quán chiếu tất cả pháp.
Lại cũng như chúng sinh hay duy trì tất cả hạt giống phiền não, trọn không tan mất, pháp môn tổng trì thường duy trì tất cả sự vật cũng không tan mất.
Lại cũng như tâm luân ghi nhận của chư Phật và Bồ Tát, hay chuyển được tâm ý cho tất cả chúng sanh, mà không có tướng năng chuyển, pháp môn tổng trì duy trì tất cả pháp, cũng không có tướng năng trì.
Các thiện nam tử! như trước đã nói các thứ thí dụ, không có cùng tận, các pháp không cùng tận, pháp môn tổng trì cũng không cùng tận, vì nó vô lượng vô biên như hư không.
Khi Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói pháp nhiệm mầu nầy, trong pháp hội có năm trăm vị Đại Bồ Tát, chứng đặng Đại Tổng Trì.
LỜI GIẢI KINH CHÁNH PHÁP CHƯA TỪNG CÓ ( QUYỂN THỨ BA)
1. Luân hồi: Samsara. Luân là bánh xe, quay tròn. Hồi là lần về. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, luân hồi mãi, hết sanh rồi tử trong 6 đường, lăn đi lộn lại mãi, hết xuống rồi lên, hết lên rồi xuống, cũng như cái bánh xe lăn tròn mãi không lúc nào thôi.
2. Ba cõi: Cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc
3. Tâm đại Bồ Đề: Maha Bodhi Citta là tâm Phật, là tâm giác ngộ hoàn toàn, là tâm chịu khổ, chịu khó độ tận chúng sinh. Tâm đại Bồ Để là tấm lòng vị tha vô bờ bến.
4. Câu đê: Koti về số mục, một câu đê là mười triệu (10.000.000)
5. Đại long vương: Maha naga radya: Vị Vua loài rồng vĩ đại thường ở trong cung điện dưới nước, dưới đáy biển, cũng có khi ở trên nước, có phép thần thông, trữ nhiều bảo vật.
6. Anh lạc trân châu: Kevura,: Collier de perles, de diamants. Xâu chuỗi bằng ngọc quý. Ấy là loại trang sức mà các hàng quý phái ở Ấn đeo nơi cổ, nơi ngực, nơi đầu. Chư Bồ Tát và thiên nữ cũng tự trang sức bằng anh lạc trân châu. Lại có những loại rắn chúa, rồng chúa cũng có mang anh lạc băng trân châu.
7. Bí sô: Bhiksu: Moine. Vị tu sĩ bên nam đã thọ cụ túc giới, gọi là Bí Sô. Nữ kêu là Bí Sô Ni.
8. Chuyển Luân Thánh Vương: Cakravartin. Vị Vua dùng chánh pháp trị dân, cũng như người quay cho bánh xe lăn tới, chớ không trở lui. Vị Vua ngồi trên cổ xe để đi thâu phục thiên hạ.
9. Kiết già: Utkutukasana, cách ngồi theo Phật, tréo mảy chân ngồi. Có cách kiết tường tọa và cách khác gọi là hàng ma tọa.
10. Bổn sự: Itivrtaka. Ấy là những việc làm, những kiến văn của Phật, trong các đời trước của Phật, do Phật thuật lại.
11. Ma Già Đà: Cũng gọi là Ma Kiệt Đà, dịch nghĩa là Vô Nhuế Hại. Một nước của Ấn Độ, nằm về hữu ngạn miền nam, kinh đô là thành Vương Xá (Rajagaha). Các Vua nước Ma Già Đà: Maha Padma là cha Vua Bimbasara, đã từng thờ phụng đức Phật. Ajatasatru, con Vua Bimbasara, phạm lỗi soán ngôi và giết cha.
12. Bổ Đặc Già La: Pudgala. Lúc nào cũng có thể đi đến các cảnh thú, nhận lấy các cảnh thú, mà không có lòng chán ngán.
13. Ngã thân kiến: Ý kiến chấp có cái ta, sự thấy rằng có cái thân. Đem thân tâm của mình do năm uẩn hòa hợp giả tạm mà cho là có cái nghĩa thường trụ nhứt định.
14. Trí vô lậu: Tức là vô lậu tuệ, trí huệ đã ra khỏi các phiền não ô nhiễm, thong dong, tự tại, trí tuệ của chư Thánh: La Hán, Duyên Giác, Phật…
15. Vô sở trước: Chẳng chấp trước chi hết, chẳng có chi mà chấp trước. Tự mình liễu đạt các pháp vốn không, tất cả đều như hư không, cho nên không thấy rằng mình đắc, không thấy rằng mình có…
16. Vô sở đắc: Như trên số 15 đã giải.
17. Vô sở tác: Không chỗ làm, không tạo tác, không mưu cầu, không tầm thế mà tạo ra…không hay thí.
18. Không sở thọ: Không chỗ nhận lành, không ai nạp thọ, không lãnh, không thọ…
19. Bất thoái chuyển: Avaivartika. Chẳng quay gót trở lại. Kêu tắt là bất thối. Việc tu hành về công đức, thiện căn, trí huệ càng ngày càng phát triển, chớ không thoái thất.
20. Đại tổng trì: Maha dharani. Tổng trì bất thất, trì ác bất sanh, nghĩa là giử trọn vẹn, không để cho dù là việc thiện nhỏ không thất lạc, không để cho ác nhỏ khởi lên. Trong khi tổng trì Bồ Tát hoạc nhà đạo đức lấy giới, định, huệ làm thể, nương theo đó mà tu thì có đủ công đức về đại tổng trì.
21. Tất cả trời, rồng v.v…Đây là hàng bát bộ - deva, naga, yaksa, gandharva, asura, garuda, kinara, mahoraga.
22. Dị sanh: Prthagjana là loài sanh khác hơn động vật thường (?)
23. Nhứt thiết trí: Cái trí hiểu biết tất cả mọi sự vật, tức là trí của Phật. Trong kinh thường xưng khen Phật là bậc Nhất Thiết Trí, những ai theo Phật và nghe Chánh Pháp, rốt cuộc chắc chắn được nhất thiết trí.
24. Sở trì: Nói cho đủ là không tưởng sở trì, nghĩa là không một pháp nào mà không nhiếp trì.

QUYỂN THỨ IV

Ngài Đại Sư Pháp Thiên, người Tây Thiên Trúc, hiểu thông ba tạng Kinh điển, vâng chiếu chỉ nhà Vua dịch.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường ở trong nửa đêm, lại vì chúng Bồ Tát tuyên nói pháp môn Bồ Tát Tạng (1), bảo các chúng Bồ Tát rằng:
- Các Đại Sĩ! Cần phải rõ biết pháp môn Bồ Tát Tạng, chưa có một sự vật nào mà không nhiếp về Bồ Tát Tạng , đã có các pháp thế gian và xuất thế gian, hữu vi, vô vi, hoặc thiện, hoặc bất thiện, hữu tướng, vô tướng, các pháp hữu lậu (2), vô lậu đều là Bồ Tát Tạng. Thiện nam tử! vì như ba ngàn đại thiên thế giới (3), trong đó có trăm ức bốn đại châu (4), trăm ức mặt trời mặt trăng, trăm ức núi Tu Di (5), trăm ức biển lớn đều không lìa sự thu nhiếp của ba nghìn đại thiên thế giới. Pháp Bồ Tát Tạng cũng lại như thế. Đã có pháp phàm phu (6), pháp Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến pháp chư Phật cũng không xa lìa Bồ Tát Tạng. Vì sao thế? Bởi vì Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, chư Phật thừa đều đồng có một. Cũng như cấy lớn cọng, cành, nhánh, lá, thưa dày, sum sê đều đồng một góc. Bồ Tát Tạng là cội gốc sanh ra pháp tam thừa (7), không sai không khác. Số lượng kia rộng lớn không thể tính toán; vì như biển lớn, bao la không ngằn mé. Giả sử có Vua A Tu La (8), các vị Dược Xoa v.v…cho đến các đại lực sĩ, muốn dò xét biển kia, không bao giờ biết được. Các chúng Thanh Văn, Duyên Giác, tất cả trời, người, v.v…muốn biết pháp Bồ Tát Tạng, không thể cùng tận; các người có trí, muốn biết pháp giới, định, huệ, của Bồ Tát còn không thể biết, chỉ có ai vào Bồ Tát Tạng mới tự mình biết rõ ràng.
- Lại nữa, thiện nam tử! Ví như biển lớn chỗ ở của các loại thủy tộc, chỉ uống nước trong biển cả, không biết mùi vị ở sông suối. Người nào thật hành Bồ Tát thừa chỉ biết pháp Bồ Tát Tạng, không thích con đường Thanh Văn, Duyên Giác.
- Thiện nam tử! trong Bồ Tát Tạng tạm gọi có ba: Thanh Văn, Duyên Giác có khác. Thanh Văn chỉ nghe nghĩa lý bốn diệu đế, cầu chứng Niết Bàn. Ấy gọi là Thanh Văn tạng. Ai chỉ ưa thích lý duyên sinh (10), để cầu chứng Niết Bàn. Ấy gọi là Duyên Giác tạng. Người hành Bồ Tát tạng sẽ chứng đặng Phật nhất thiết trí. Lại nữa, thiện nam tử! nên biết Thanh Văn Tạng, Duyên Giác Tạng, Bồ Tát Tạng bình đẳng không sai khác. Tâm chúng sinh ưa muốn có "tam thừa học", do đó người học cầu Thanh Văn, trí tuệ hẹp hòi, không chỗ dung nạp, sợ khổ luân hồi, đối với pháp tứ diệu đế rất là ham thích, cầu chứng Niết Bàn, cho được yên ổn!
- Người thích cầu quả vị Duyên Giác, tâm có hạn ngại, không thể khắp vì chúng sanh, không đủ tâm đại bi, để thật hành hạnh lợi tha. Chứng Niết Bàn cho là cứu cánh.
Đại Bồ Tát học Bồ Tát Tạng, tâm lượng rộng lớn, không như chỗ so lường của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ có các vị Bồ Tát tu học pháp kia, mới hay rõ biết. Lại nữa! thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác chỉ ưa tự thừa, tu các căn lành cầu quả nhị thừa, đối với pháp Bồ Tát, lại không rõ biết. Các Bồ Tát quán pháp Thanh Văn, đối với pháp tứ đế, đều hay chứng biết, khéo hay phân biệt, nhưng không bao giờ ưa chứng quả kia. Quán pháp Duyên Giác ở trong mười hai nhân duyên đều hay chứng biết, khéo hay phân biệt, nhưng không thú chứng quả kia. Bồ Tát viên mãn các hạnh thông suốt tất cả pháp lành; vì như đồ quý báu torng sạch như ngọc lưu ly, đựng các vật dụng, đều đồng một sắc sáng sạch không khác; pháp Duyên Giác, Thanh Văn vào trong Bồ Tát Tạng vốn không khác. Thế nên các Đại Bồ Tát vào Bồ Tát Tạng rồi thất các pháp bình đẳng, không có sai khác, không có pháp tướng (11) của chư Phật, không có pháp tướng Bồ Tát mà cũng không có pháp tướng của nhị thừa, đối với tất cả pháp không có chỗ so đo, nghĩ ngợi, lìa các ngôn ngữ văn tự, không biểu không thị. Vì cớ sao? Vì không tướng trạng, không thể quan sát, vì lìa nghĩa lý, nên không thể suy tư. Học được như thế nhiếp tất cả trí. Thiện nam tử! Ấy gọi là Bồ Tát Tạng, thông suốt như thế, tự tại vô ngại.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến lúc gà gáy sáng lại vì các vị Đại Bồ Tát, tuyên nói câu Kim Cương bất thoái chuyển bánh xe Pháp, bảo các vị Bồ Tát rằng:
- Thiện nam tử! nếu Đại Bồ Tát, khéo nói chánh pháp, nghe qua hiểu ngộ, kẻ nói người nghe, tất cả đều được pháp bất thoái chuyển (12), các vị đó không chuyển động, không tan hoại. Thiện nam tử! pháp bất thoái chuyển, hoặc thừa, hoặc cảnh giới của thừa, hoặc Phật, hoặc Pháp hay Tăng, đều là bánh xe không thoái chuyển. Vì cớ sao? Vì bất thoái chuyển, tức là pháp giới, vì không lìa chỗ sanh trong pháp giới, bánh xe kia không tướng chuyển. Ấy gọi là chuyển pháp luân, không hai không khác tức là tự tánh pháp giới vậy.
- Thiện nam tử! thế nên người thật hành các hạnh Bồ Tát, phải biết như thế, liền được giải thoát bánh xe bất thoái chuyển Đại Bồ Tát rõ biết như thế, giải thoát như thế rồi, sẽ chứng đặng quả Như Lai, khắp hay lợi lạc tất cả chúng sanh; đối với cửa giải thoát, không có hai pháp. Như Lai tướng giải thoát, tất cả pháp tướng giải thoát, vì đều không có khác. Tất cả pháp không tướng giải thoát cũng không hai tướng. Vì sao? Vì thân không giải thoát, tâm cũng không giải thoát, hai pháp tự tánh tức là tướng giải thoát vậy. Tất cả sự vật cũng lại như thế. Các Bồ Tát rõ biết như vậy. Ấy tức là bánh xe không thoái chuyển.
- Thiện nam tử! phải biết bánh xe không thoái chuyển, nhưng không chỗ chuyển. Vì sao thế? Vì sắc cùng sắc tự tánh vốn không chỗ chuyển, thọ, tưởng, hành, thức, cũng như vậy, thức tự tánh cũng không chỗ chuyển. Các pháp tự tánh đều không chỗ chuyễn. Ấy tức là bánh xe không thoái chuyển. Bánh xe kia, xưa nay không có đoạn hoại, không tướng đều là tướng chẳng phải 'có sở đắc', chẳng phải 'không sở đắc', chẳng phải nói, chẳng phải là không nói, không danh từ, không trụ trước!
- Lại nữa, 'không, vô tướng, vô nguyện" , tướng giải thoát môn là pháp không thể nào phân biệt được, từ đâu mà có. Tất cả tướng kia cũng như hư không, không chỗ gá nương, tự tánh các pháp, không nương không trụ. Ấy gọi là cấu Kim Cương (13) bánh xe không thoái chuyển. Thiện nam tử! đặc tính các pháp là không, không thể phá hoại, câu Kim Cương kia xa lìa tất cả kiến chấp, phải trụ như thế vào cửa không giải thoát. Câu Kim Cương kia xa lìa các sự phân biệt, phải trụ như thế vào môn tướng giải thoát. Câu Kim Cương kia lìa các nghi hoặc nên trụ như thế vào cửa vô nguyện giải thoát. Câu Kim Cương kia lìa các chấp trước, phải trụ pháp giới như thế. Câu Kim Cương kia lìa các sự vật, không ta đây, không tạo tác, không tham, không trước, an trụ tự tánh, thanh tịnh Niết Bàn. Ấy gọi là câu Kim Cương.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường ở trong suốt đêm, đầu hôm, nửa đêm, gà gáy vì các Bồ Tát nói các pháp yếu rồi. Các Bồ Tát ấy, đều được pháp môn đại định sáng suốt nhiệm mầu. Mỗi vị Bồ Tát ấy toàn thân trong mỗi lỗ chân lông phóng ra trăm nghìn yến sáng, trong mỗi tia sáng, hiện ra trăm ngàn đức Phật, mỗi một đức Phật ở khắp mười phương thế giới, rộng vì chúng sinh ra làm việc Phật.
Khi ấy Vua nước Ma Già Đà, sắm đủ các đồ ăn uống rồi, bình minh xuất hiện, đến chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, bạch với Bồ Tát rằng:
- Nay đúng là giờ mời Bồ Tát thọ lãnh đồ cúng dường của tôi. Bồ Tát nhận lời thỉnh của Vua liền đến hoàng cung. Lúc bấy giờ, tôn giả Đại Ca Diếp! gần đến giờ ăn, Ngài đắp y mang bát, cùng 500 tỳ kheo, muốn vào đại thành Vương Xá (14), thứ lớp khất thực, đi nửa đường trong lòng suy nghĩ, chúng ta, này không nên vào trong thành nầy, nên đến chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường nghe thọ chánh pháp, suy nghĩ như thế rồi, liền cùng chúng tỳ kheo đồng đến chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, đến rồi cùng nhau hoan hỷ kính lễ hỏi han, rồi trụ một bên. Giờ phút thiêng liêng ấy, Bồ Tát Diệu Kiết Tường bảo tôn giả Đại Ca Diếp rằng:
- Tôn giả Ca Diếp cớ sao giờ ăn lại mang bình bát đến đây?
Ca Diếp bạch rằng:
- Chúng tôi muốn vào đại thành Vương Xá khất thực, nhưng trước vào đây
Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:
- Chúng tôi sẽ cúng dường cho Tôn Giả và các tỳ kheo các đồ uống, đồ ăn.
Ca Diếp đáp rằng:
- Bạch Bồ Tát! Không phải như vậy, ngày nay chúng tôi đến đây là để nghe chánh pháp, không phải cầu sự uống ăn.
Diệu Kiết Tường thưa:
- Tôn giả phải biết, các người cầu đạo có hai hạng nhiếp dưỡng: Một là hạng uống ăn; Hai là hạng nghe diệu pháp.
Ca Diếp bạch rằng:
- Đúng vậy Đại Sĩ, chúng hữu tình thế gian, nếu lìa đoạn thực (15) thì không có chỗ nào hòa hiệp, không thể nuôi dưỡng sắc thân, đâu có thể nghe thọ diệu pháp?
Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:
- Tôn Giả nên thọ lãnh đồ ăn uống, tôi sẽ cúng dường; sự cúng dường ấy không khỏi luân hồi, chẳng chứng niết bàn, không thể lìa pháp dị sanh (16), không trụ pháp thánh đạo. Vì cớ sao? Sở thí cúng năng thí, không tăng không giảm, không có pháp gì có thể sanh mà cũng chẳng có pháp gì có thể diệt, không có pháp gì có thể học, cũng không sở đắc. Thế nên tôi phải cúng đồ ăn, đồ uống cho các vị. Ca Diếp bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Quý hóa thay, Bồ tát là bậc đại thí chủ. Cúng thí như thế, gọi là chơn bố thí.
Lúc ấy, Bồ Tát Diệu Kiết Tường suy nghĩ như thế nầy:
- Tôi nay vào đại thành Vương Xá, vì Vua nước Ma Già Đà làm Phật sự vĩ đại, nghĩ thế rồi, tức thời vào tất cả đại định thần thông biết hóa. Ở trong đại định nầy, phóng ra hào quang sáng lớn, khắp soi thế giới Ta Bà, thấy ba nghìn đại thiên thế giới, như xem trong bàn tay; nơi nào có địa ngục, bàng sinh và các loại hữu tình, nhờ yến sáng chiếu soi đều được xa lìa sự khổ, không một chúng sinh nào khởi tâm tam độc (17), cũng không có tưởng ganh ghét oán thù, lẫn nhau thương mến, như con như mẹ. Trong ba nghìn đại thiên thế giới, đều có sáu thứ chấn động. Khi ấy, chư thiên tử v.v…ở cõi dục và cõi sắc, đều đến cùng dường Bồ Tát Diệu Kiết Tường, trổi lên trăm nghìn âm nhạc, mưa các hoa trời tươi đẹp, rải cùng đường sá, rất là trang nghiêm. Bồ Tát Diệu Kiết Tường dùng sức thần thông, khiến đường sá kia thật là bằng phẳng, cũng như mặt bàn, đem vô số trân bửu để mà nghiêm sức, rải các hoa tươi, lớn như vừng bánh xe. Ấy là hoa Ưu Bát La (18), hoa Câu Mẩu Đà (19), hoa Bôn Noa Lợi Ca (20) v.v…lại dùng màng lưới báu che khăp ở trên, bủa khắp các trang phan bảo cái đầy cõi hư không, lại hiện đài hoa bảy báu và các loại cây quý báu, trên các cây quý báu đều có ngọc báu lưu ly trở thành hoa quả, dùng các dây báu làm thành hàng rào, mỗi một cây báu đều tỏa ra mùi thơm nhiệm mầu, khắp một do tuần, gần các cây đó lại có những ao quý báu cát toàn bằng vàng rải ở dưới đáy, nước tám công đức (21), đầy nhẩy ở trong, tưới các hoa nhiệm mầu. Như hoa Ưu Bát La, hoa Bát Nạp Ma, hoa Câu Mẩu Na, hoa Bôn Noa Lợi Ca v.v…lại có các loại chim; Uyên ương, phượng hoàng, bạch hạc v.v…bay liện bốn phía. Trong các cây báu, đài báu, đều có mùi thơm vi diệu, ai ngửi qua là hoan hỷ, dưới mỗi cây có 25 thiên nữ, cầm hương chiên đàn (22), dân lên cúng dàng. Bồ Tát Diệu Kiết Tường ở trong thiền định, hiện các việc thù thắng đặc biệt rồi liền xuất định, liền bảo tôn giả Đại Ca Diếp rằng:
- Tôi nay cùng tôn giả đồng đến đại thành Vương Xá, trong cung vua Ma Già Đà, thọ lãnh các đồ cúng dường, ăn uống; đại đức trưởng lão phải đi đến trước, tôi sẽ theo sau.
Ca Diếp bạch rằng:
- Không thể như vậy, thưa Bồ Tát! Đại sĩ đầy đủ trí huệ, thần thôn vô lượng, đa văn biện tài, khéo nói các pháp. Đức Thế Tôn thường khen ngợi thế. Chúng sanh ai thấy đại sĩ đều pháp tâm bồ đề, thật hành hạnh nguyện Bồ Tát. Tôi trong hành chúng Thanh Văn, dù được xưng là kỳ cựu, nhưng không đủ khả năng như đại sĩ , đâu dám đi trước, ngồi trước, xin đi theo sau Bồ Tát. Vì cớ sao? Vì tất cả chúng sanh đều phát tâm bồ đề, chúng Thanh Văn, Duyên Giác khó mà bì kịp, huống chi là những người thật hành đạo Bồ Tát đã lâu. Ví như sư tử con, dù mới sanh, nhưng có sứ lớn, mạnh mẽ oai hùng, không có sợ sệt, thân nó tỏa ra mùi thơm, gió thổi khắp nơi các loài thú nghe biết đều là lo sợ! cho đến loài voi lớn, dù có sức mạnh, tất cả thế gian, không thể chế phục; khi nghe mùi hương của sư tử mới sinh cũng sanh tâm sợ hãi. Chúng sanh nếu phát tâm bồ đề, dũng mãnh kiên cố, tất cả tưởng ma, chúng sinh sợ hãi, Thanh Văn, Duyên Giác cũng không bì kịp! Các Đại Bồ Tát nghe Phật nói pháp đại thừa, tâm hồn không động, sanh đại hoan hỷ, thường làm cách như sư tử rống để hàng phục ma chướng. Thế nên ở trong chơn pháp (23), không có tam thừa (24), chỉ dùng tâm bồ đề làm tôn trưởng, vì tất cả pháp lành đều từ tâm bồ đề sanh. Nay Bồ Tát đi trước cũng như tâm bồ đề sinh ra vô lượng pháp lành.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường hoan hỷ đi trước, các đại Bồ Tát tả hữu vây quanh, các chúng Thanh Văn đều đi theo sau lìa chỗ bản trụ, vào thành Vương Xá. Khi ấy trời mưa hoa báu, ở giữa hư kho6g, tấu trăm nghìn thứ nhạc trời, phóng hào quang sáng, khắp soi đại chúng, ở trong ánh sáng, mưa các hoa sen, tất cả nhân dân trong thành Vương Xá, thấy Bồ Tát rồi đều sanh hoan hỷ, cầm các hương hoa để mà cúng dường.
Lúc bấy giờ Vua nước Ma Già Đà nghe Bồ Tát Diệu Kiết Tường cùng tám muôn chúng đại Bồ Tát và năm trăm Thanh Văn, đồng đến phó hội, liền suy nghĩ rằng: chỗ tôi chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho năm trăm khẩu phần. Nay đâu các chúng Bồ Tát nhiều hơn số kia, làm sao cúng dường đầy đủ; lại nữa nơi đâu mà dung chứa cho hết!
Nghĩ như thế rồi, Bồ Tát Diệu Kiết Tường, biết được ý Vua mới nói với các thiên vương và đại dạ xoa chúa là Cung Tỳ La, ở trong giây phút hóa hình đồng tử đến trước bệ Vua mà tâu với Vua rằng.
- Đại Vương chớ nên lo nghĩ, Bồ Tát Diệu Kiết Tường có phương tiện lớn, phước đức cùng trí tuệ, không thể nghĩ bàn hay dùng một bữa ăn khắp giúp cho tất cả chúng sinh trong ba nghìn đại thiên thế giới, đều được no đủ, đồ ăn không bao giờ hết. Nay đây tám muôn Bồ Tát, năm trăm Thanh Văn, số kia không có nhiều, tại sao phải lo? Vì cớ sao? Bồ Tát Diệu Kiết Tường! vì phước đức và trí tuệ vốn không cùng tận cho nên vật thực cũng không cùng tận.
Lúc ấy Vua nước Ma Già Đà nghe lời ấy rồi tâm sanh đại hoan hỷ, ưa thích vui sướng, liền đến Bồ Tát Diệu Kiết Tường, khởi tâm cung kính, tôn trọng cho là việc hy hữu, cùng các cung thuộc, mang các thứ hương hoa, hương bột, hương xoa v.v…trổi các bản nhạc, cung nghinh Bồ Tát, gặp Bồ Tát rồi lễ bái hỏi thưa, rải các hoa thơm, đi trước hướng dẫn Bồ Tát vào trong cung Vua rồi. Lúc ấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến cung Vua rồi, liền bảo Bồ Tát Phổ Chiếu rằng:
- Thiện nam tử! ông phải trang nghiêm đạo tràng nay chính là phải thời.
Bồ Tát Phổ Chiếu nhận lãnh sứ mện rồi, dùng sức thần thông làm cho cung điện nhà Vua bỗng nhiên rộng rãi nghiêm tịnh, các chỗ trang nghiêm, không có chi ngăn ngại cả. Treo các hoa thơm, tràng phan anh lạc, nghiêm sức thứ nhất, thành đạo tràng vĩ đại. Lại bảo Bồ Tát Pháp Thượng rằng:
- Thiện nam tử! ông nên vì tôi trải các toại cụ thượng diệu, để yên trong đại chúng an tọa.
Lúc ấy Bồ Tát Pháp Thượng khảy móng tay để mà triệu tập, ở trong giây phút có tám muôn ba nghìn pháp tòa thượng hạng xuất hiện chốn đạo tràng, các thứ quý báu để mà trang nghiêm. Các pháp tòa chánh giáp khắp chốn đạo tràng không bị ngăn cản. Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường thăng tòa và khiến các chúng Bồ Tát và Thanh Văn cũng an tọa mỗi pháp tòa. Vua nước Ma Già Đà liền đến trước Bồ Tát Diệu Kiết Tường bạch rằng:
- Cuối mong Bồ Tát cùng đại chúng thương xót chúng tôi, từ việc cúng dường các đồ ăn uống đến những nghi lễ thô sơ.
Lúc bấy giờ, bốn vị đại thiên vương cùng các hàng quyến thuộc đồng đến đạo tràng, kính lễ cúng dường Bồ Tát Diệu Kiết Tường và các đại chúng. Lại có vị chúa Trời Đế Thích cùng các quyến thuộc và bà con của A Tu La v.v… mỗi vị đều mang hương bột chiên đàn, đi đến đạo tràng cúng dường đại chúng. Lại có Đại Phạm Thiên Vương chủ thế giới Ta Bà, biến tướng đồng tử cùng các chúng Phạm Thiên, thị giả hai bên đều mang phát trần (25) quý báu đến chốn đạo tràng, lễ kính Bồ Tát Diệu Kiết Tường rồi đứng qua một bên, các chúng phạm thiên cũng mang phất trần cùng các Bồ Tát và chúng Thanh Văn cùng đứng bên hữu. Lại có Long Vương Vô Nhiệt Não, trên đường đến đạo tràng, trụ giữa hư không, không hiện thân kia mang các chuỗi anh lạc, trong chuỗi anh lạc kia lưu xuất nước tám công đức (26). Tất cả đại chúng dùng nước ấy không cùng tận
Lúc ấy, Vua nước Ma Già Đà liền suy nghĩ rằng: các Bồ Tát nầy đều không bình bát, rồi lấy chi mà ăn? Diệu Kiết Tường Bồ Tát biết ý Vua nghĩ rồi tâu Vua răng:
- Đại Vương chớ suy nghĩ, các vị Bồ Tát nầy tuy không mang theo bình bát, nhưng khi cần dùng, tùy theo mỗi cõi Phật mà bình bát tự nhiên đưa đến.
Đại Vương hoan hỷ! liền bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Các Bồ Tát ấy ở cõi Phật nào? Từ đâu đến đây? Tôi muốn biết rõ ràng cõi nước và danh tự.
Diệu Kiết Tường đáp rằng:
- Đại Vương nên biết! Ở phương đông có nước tên là Thường Thanh,đức Phật nước ấy hiệu là Kiết Tường Thanh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiện tại thuyết pháp. Các vị Bồ Tát ấy từ cõi Phật kia đến để thọ lãnh đồ cúng dường của Vương cung, đây là một việc khiến Đại Vương được thấy những việc ít có, đúng theo thời thế giới Thường Thanh, lưu trữ tám muôn ba nghìn bình bát tốt, vì nhờ sức oai thần của đức Phật kia và sức hạnh nguyện của các vì Bồ Tát, các bình bát kia từ hư không đến thế giới (27) Ta Bà nầy, đến ao vô nhiệt não (28), liền khi đó có tám muôn ba ngàn Long nữ, dùng nước tám công đức rửa sạch các bình bát kia, mỗi vị mang bát đến trước các Bồ Tát.
Vua nước Ma Già Đà thấy việc ấy rồi, khen ngợi chưa từng có, không thể nghĩ bàn, tâm rất hoan hỷ. Lúc ấy, Bồ Tát Diệu Kiết Tường tâu với Vua rằng:
- Giờ đây, các vị Bồ Tát đã có bình bát, Vua nên phân bố đồ ăn đồ uống cúng dường toàn chúng.
Đại Vương liền bình đẳng phân chia các thức ăn vào bình bát dâng lên các vị Bồ Tát và đại tăng. Đại chúng trong đạo tràng cảm khích đầy đủ các đồ cúng dường, không có vị nào thiếu thốn cả, quán sát đồ ẩm thực hãy còn không hết. Vua bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Đại sĩ! Thật là ít có, tôi chỉ dùng ít phẫm vật để cúng dường đại chúng, thế mà đồ ăn hãy còn lưu lại.
Bồ Tát bảo rằng:
- Pháp chân thật của Đại Vương không cùng tận, nên phẩm vật mà đại vương cúng cũng không cùng tận.
Chư Bồ Tát và đại chúng, độ ngọ đã xong, phóng bình bát giữa hư không mà trụ, không bị lay động, Đại Vương bạch với Bồ Tát rằng:
- Bát ấy trụ ở nơi nào?
Bồ Tát đáp:
- Đại Vương! Pháp chân thật có trụ chỗ nào không?
Vua bạch:
- Pháp chân thật không trụ chỗ não cả.
Bồ Tát nói:
- Đại Vương nên biết, chân pháp không chỗ trụ. Bát nầy cũng không chỗ trụ. Bát nếu không chỗ trụ, các pháp cũng lại như vậy. Đại Vương phải biết, pháp tánh vốn không, nên như thế mà trụ.
Lúc bấy giờ, Vua nước Ma Già Đà cúng dường Bồ Tát Diệu Kiết Tường và đại chúng xong, đứng trước Bồ Tát, sanh lòng khát ngưỡng, muốn nghe chân pháp kia, liền bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Bồ Tát mở lòng đại từ, vì tôi cùng chúng sinh giảng nói giáo pháp hy hữu.
Bồ Tát bảo rằng:
- Đại Vương! Giáo pháp hy hữu, giả sử trải qua nhiều kiếp số như cát sông Hằng, các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trải qua trăm nghìn đời, nói cũng không hết.
Đại Vương nghe qua tâm sinh sợ hãi, mê muội không vui. Khi ấy tôn giả Đại Ca Diếp tâu với Đại Vương rằng;
- Chớ nên nghĩ các đức Phật nhiều như số cát sông Hằng, không thể tuyên nói giáo pháp hy hữu. Bồ Tát Diệu Kiết Tường cũng không thể nói hết. Chỉ vì giáo pháp của Phật, nói không cùng tận, không thể dùng ngôn thuyết mà diễn tả được. Đại Vương chỉ theo ý thích ưa muốn nghe giáo pháp gì?
Lời hỏi phớt qua của Bồ Tát Diệu Kiết Tường, nhưng vị Đại Sĩ nầy có sức phương tiện (29) thiện xảo vô lượng, quyết hay vì Vua thuyết pháp ít có, nghe lời ấy rồi,tâm liển tỉnh ngộ, liền bạch với tôn giả rằng:
- Tôi mới nghe qua Bồ Tát nói, tâm sanh nghi hoặc, nhưng nhờ tôn giả giải thích tỉ mỉ, tôi được tỉnh ngộ, liền đến trước Bồ Tát Diệu Kiết Tường bạch rằng:
- Bồ Tát như thế nào? Các Đức Phật nhiều như số cát sông Hằng cũng không thể tuyên nói pháp hy hữu, tôi nghe lời ấy, tâm không bị lầm; cúi mong Bồ Tát giải quyết mối nghi cho tôi.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường bảo rằng:
- Đại Vương! Chư Phật số nhiều như cát sông Hằng đều hay tuyên nói pháp hy hữu. Pháp mà không thể nói ấy là pháp hy hữu, Đại Vương! Phải đối với tất cả pháp, tâm không bao giờ trụ trước. Pháp kia không thể nói. Các đức Phật Như Lai cũng không thể nói. Đại Vương! Đối với các đức Phật Thế Tôn, có thấy tướng được không?
- Chẳng phải vậy. Vua đáp.
Lại hỏi thêm:
- Pháp hữu vi (30), pháp vô vi (31), pháp chân thật, pháp hư vọng đều có thể thấy được không?
Vua đáp:
- Đều không thể thấy.
Bồ Tát nói:
- Đối với tất cả pháp có chỗ xem tướng không? Đối với tất cả pháp có chỗ nào nói được kh ông?
Vua đáp:
- Không thể được.
Diệu Kiết Tường nói:
- Đại Vương! Vì do nghĩa nầy, nên tôi mới nói pháp ít có, chư Phật nhiều như số cát sông Hằng, không thể nào tuyên nói cho hết.
Lại nữa, Đại Vương! Hư không không hình tướng, cũng không động chuyển; khói mây bụi mù, không thể dính mắc. Hư không bản tánh thanh tịnh, không pháp gì có thể nhiễm, không pháp gì có thể tịnh, chư Phật Như Lai rõ biết tất cả pháp cùng hư không v.v…do nghĩa nầy nên các Phật số nhiều như cát sông Hằng, nói không thể cùng tận.
Lại nữa Đại Vương! Chư Phật Như Lai ở trong tướng vô trụ, ngưng nhiên không động, dụng công nhưng thường vắng lặng. Vì sao? Vì pháp không thể dời, vì nó "ly" xứ nhưng "phy" xứ; pháp không thể đặng vì lìa các chấp tướng. Đại Vương nên biết! Các pháp chẳng sinh, cũng chẳng phải không sanh, chẳng lớn, chẳng nhỏ, không chân thật, không chẳng chân thật, chẳng phải hữu tưởng, chẳng phải vô tưởng, không chỗ tạo tác, chẳng phải không tạo tác, không trí không ngu, không chấp tướng, chẳng phải không chấp tướng, không tập hợp, không tan mất, không lại, không đi, chẳng điên đảo, chẳng lìa điên đảo, không tức phiền não, không ly phiền não, chẳng phải tự nhiên sanh, chẳng phải do người khác sanh. Đại Vương! Các pháp như hư không vì không động chuyển, các pháp không so sánh vì lìa bạn lữ; các pháp không hai tướng vì không sai biệt; các pháp không có biên giới, vì không thể thấy; các pháp không có hạn lượng vì không lớn nhỏ; các pháp không cùng tận vì thường bị chuyển; các pháp rộng lớn vì nó không trong, ngoài và chính giữa; các pháp không phân biệt vì nó xa lìa vọng tưởng; các pháp là thường vì không chuyển biến; các pháp là lạc vì không khổ não; các pháp có chủ tể vì lìa vọng chấp; các pháp là thanh tịnh vì không cấu nhiễm; các pháp tịch tĩnh vì thường trạm nhiên; các pháp vộ sở đắc vì lìa ngã tướng (32); các pháp không đáng vui vì tướng giải thoát; các pháp không bỉ thử vì lìa ngã thủ (33); các pháp không phá hoại vì lìa các thứ cháp tướng; các pháp nhất vị vì đồng tánh giải thoát; các pháp một tướng vì xa lìa các tướng khác; các pháp đều không vì lìa các kiến chấp; các pháp vô tướng vì tướng nó thanh tịnh; các pháp vô nguyện vì xa lìa ba đời; các pháp không bị nhiếp trong ba đời vì quá khứ, hiện tại và vị lai không thể đặng, sanh tử, niết bàn vốn bình đẳng; các pháp đều bình đẳng; Đại Vương! Các pháp đã như thế, phiền não, nghi hoặc có thể sanh được không?
- Không thể. Vua đáp. Các pháp đều không, phiền não, nghi hoặc làm sao mà có được!

Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:
- Phiền não không sanh, pháp cũng không nói, phiền não tánh không, các pháp bình đẳng; sanh tử; niết bàn vốn bình đẳng, phiền não, bồ đề cũng bình đẳng.

LỜI GIẢI KINH CHÁNH PHÁP CHƯA TỪNG CÓ (Quyển Thứ Tư)

1. Bồ Tát Tạng: Bodhisattvayana là tạng của Bồ Tát. Bồ Tát Tạng có đủ tam tu tịnh giới là nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiều ích hữu tình giới.
2. Hữu lậu, vô lậu: Lậu tức là phiền não, mê dục. Sáu căn đối với sáu trần còn lậu tiết, còn rĩ ra, còn cảm xúc, còn lưu thông, nên gọi là lậu. Hữu lậu tức là cón lưu chuyển trong vòng phiền não, tham, sân, si, còn vấn vương trong ba cõi, sáu đường. Trái lại là vô lậu.
3. Ba nghìn đại thiên thế giới: Tức là một thế giới lớn như Ta Bà thế giới. 1000 thế giới nhỏ hiệp thành 1 tiểu thiên thế giới, thêm vô 1.000 thể giới nữa thành 1 trung thiên thể giới, thêm vô 1.000 thế giới nữa thành 1 đại thiên thế giới (1.000 = tiểu thie6nl 1.000.000 = trung thiên; 1.000.000.000 = đại thiên). Thế thì 1 tam thiên đại thiên thế giới hay 1 đại thiên thế giới có một ngàn triệu thế giới (1.000.000.000)
4. Bốn đại châu: Bốn châu lớn:
1)Châu Nam Thiên Bộ
2) Châu Đông Thắng Thần
3) Châu Tây Ngưu Hóa
4) Châu Bắc Câu Lư
Ấy là 4 cõi đại lục tại bốn phương núi Tu Di.
5. Núi Tu Di: Sumeru. Quả núi lớn nhất ở trung tâm vũ trụ. Ấy là hòn núi của tiên thánh, mỗi ngày các ngôi tinh tú xoay chung quanh quả núi này…
6. Pháp phàm phu: Prthagjana: là pháp tầm thường, pháp thiếu đạo đức và ưa nhạo báng, pháp phàm phu đối với pháp thánh nhơn.
7. Pháp tam thừa: Giáo pháp của Thanh Văn, giáo pháp của Duyên Giác, và giáo pháp của Bồ Tát.
8. Vua A Tu La: Là vị Vua ưa làm phước nhưng hay giận tức. Có nhiều loại vua A Tu La; Vua A Tu La ở cõi trời, vua A Tu La ở cõi người, vua A Tu La ở cõi quỷ và vua A Tu La ở cõi súc v.v…
9. Dược Xoa: Yaksas, cũng dịch Dạ Xoa, một loại trong tám loai chúng sinh (xem tám bộ chúng); Hạng quỷ thần thường hãm hại người, súc.
10. Lý duyên sinh: Các pháp do nhân duyên sinh la lối tu quán của Duyên Giác Thừa, quán cây rơi lá rụng, quán pháp sanh diệt, nhận chân lý duyên sinh.
11. Pháp tướng: Tướng trạng của pháp, các pháp tức các sự vật đều đồng một tánh, nhưng khác tướng. Các tướng đều sai biệt nhau. Pháp tướng của chư Phật không thể nghĩ bàn.
12. Bất thoái chuyển: Avaivarkita: Chẳng quay gót trở lại. Kêu tất cả là bất thối. Việc tu hành về công đức, thiện căn, trí huệ càng ngày càng phát triển, chớ không thoái thất.
13. Câu Kim Cương: Câu xưng tụng thập hiệu. Mười danh hiệu của Phật; lại có những câu kệ, những câu ca ngợi, phúng vịnh xưng tán công đức của Phật. Cũng gọi là Kim Cang cú.
14. Đại thành Vương Xá: (S) Rajagrihha (P) Raijagaha: Kinh đô nước Ma Kiệt Đà (Magadha) vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) trị vì lúc đức Phật giáng sanh. Sau khi đắc đạo, đức Phật thường thuyết pháp tại thành này để hóa độ Vua và hoàng tộc.
15. Đoàn thực: Một cách ăn trong bốn cách ăn. Đoằn thực nghĩa là vo tròn miếng ăn bỏ vào miệng. Cũng gọi là đoạn thực, miếng ăn cắt ra từng đoạn. Đoàn thực là cách ăn thông thường của người đời.
16. Pháp dị sanh: tức là chúng sanh pháp. Prthagjana là loài khác hơn động vật thường.
17. Tâm tam độc: tâm tham lam, tâm giận tức và tâm si mê.
18. Hoa Ưu Bát La: Udambara, dịch là Linh Thụy Hoa. Cây linh nầy mấy nghìn năm mới trổ hoa, khi hoa nở thì có bực Luân Vương xuất thế, hay có Phật ra đời.
19. Hoa Câu Mẫu Đà: Kusuma, một loại hoa thơm bát ngát, đẹp tuyệt vời, hương sắc đầy đủ.
20. Hoa Bôn Noa Lợi Ca: Pundarika: Hoa sen trắng
21. Nước tám công đức: Eau ayant les huit bonnes qualites. Nước có 8 công đức, 8 đức tánh; ấy là: lắng sạch, trong, mát, ngọt ngon, nhẹ dịu, nhuần trơn, an hòa, lúc uống trứ được đói khát, và vô số sự lầm lỗi lo âu và uống rồi bổ khỏe các căn về thân thể và về tinh thần.
22. Hương chiên đàn: Mùi thơm của cây chiên đàn. Người ta dùng mùi thơm ấy để cúng Phật và luôn tiện khử trược.
23. Chơn pháp: tức là chơn lý, giáo pháp chơn chánh.
24. Tam thừa: Triyana ba cổ xe dùng để chuyên chở. Thanh Văn Thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa.
25. Phất trần: Cây kết bởi sợ, gai, v.v…có cái cán. Các vị tu hành thường cầm để tiêu biểu cho sự đập giữ các bụi trần phiền não, thân tâm được tự tại.
26. Nước tám công đức: Eau ayant huit bones qualites. Nước có 8 công đức, 8 đức tánh: ấy là: lắng sạch, trong mát, ngọt ngon, nhẹ dịu, nhuần trơn, an hòa, lúc uống trừ được đói khát, và vô số sự lầm lỗi lo âu và uống rồi bổ khỏe các căn về thân thể và về tinh thần.
27. Thế giới Ta Bà: Saha. Cõi kham nhẫn. Thế giới Tam Thiên Đại Thiên do đức Thích Ca làm hóa chủ. Thế giới Ta Bà dịch là nhẫn độ. Nơi ấy người tu hành phải kham nhẫn, chịu sự nhẫn nhục, vì cõi nầy có đủ các sự trược ác mà chúng sanh phải chịu. Ta Bà thế giới cũng gọi là đại nhẫn thế giới, vì ở cõi nầy rất khó mà tu học và ai tu học được thì có phước đức nhiều hơn ở cõi Tịnh Độ.
28. Vô Nhiệt Não: Manasarovara. Đây là cái ao không nóng bức, không phiền muộn. Cái ao rất là trong mát yên vui, tự chủ và mọi việc được như ý nguyện.
29. Phương tiện thiện xảo: Upaya; Monyen habilete dans l'emploi des monyens. Theo phương tiện khéo léo mà làm việc, tùy cảnh ngộ giúp ích chúng sanh về vật chất hay về tinh thần. Cũng gọi là quyền phương tiện là một đức độ lớn của Bồ Tát khi ra đời độ sanh.
30. Pháp hữu vi: Sự vật có tạo tác, cố ý tạo tác, chớ không chìu theo cái tự nhiên. Trái với pháp vô vi, những gì có sắc thì thuộc hữu vi. Hữu vi thì có tánh bất thường, vô thường. Hữu vi tức là hữu lậu, còn phiền não, trìu mến.
31. Pháp vô vi: trái lại với nghĩa pháp hữu vi.
32. Ngã tướng: tướng của ta, chúng sanh đối với pháp ngũ uẫn là hòa hiệp một cách giả tạm, thế mà họ kể bậy là có thân mình, cái thiệt mà mình có. Đó gọi là ngã tướng.
33. Ngã thủ: Bảo thủ cái ta, chấp chặc thân ta là có thiệt, là hằng còn, bảo thủ tối đa về cái ngã tướng.

QUYỂN THỨ V

Ngài Đại Sư Pháp Thiên, người Tây Thiên Trúc, hiểu thông ba tạng Kinh Điển, vâng chiếu chỉ nhà Vua dịch.
Lại nữa Đại Vương! Pháp ít có, rất sâu khó hiểu, tức là tướng tất cả pháp tịch diệt (1): chẳng phải thủ, chẳng phải xả, không tụ không tán, từ nhân duyên sanh, không có chủ tể; vì duyên sanh, nên không tự không tha, các pháp không tự tánh, vì tự tánh không, tức là "vô sở đắc", do "vô sở đắc", cho nên tất cả pháp tịch tĩnh, tướng tịch tĩnh đó là tướng chân thật. Đại Vương phải khởi tâm chánh tín, phải tu học như thế, quán sát như thế, người học như thế lìa tất cả tướng, chẳng phải có sở học, chẳng phải không sở học, không đặng không mất, hiểu biết như thế là chánh giải thoát. Tướng giải thoát tức là các pháp vậy. Các pháp tánh không là nghĩa chân thật, tức là không chỗ chấp trước, không có ngăn ngại. Ấy gọi là pháp tối thượng hy hữu.
Lại nữa Đại Vương! Phải biết nhẫn căn (2), không nhiễm không tịnh. Vì sao? Vì nhãn căn tự tánh nó vốn chân thật. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn cũng không nhiễm không tịnh, nhưng tự tánh kia vốn là chơn thật. Đại Vương! Sắc không thể nhiễm không tịnh, thọ, tưởng, hành, thức cũng không nhiễm không tịnh. Vì sao? Vì tự tánh của uẩn vốn là chân thật. Cho đến tất cả pháp cũng lại như thế, không nhiễm, không tịnh, vì tự tánh nó chân thật. Đại Vương nên biết, tâm không hình tướng, không nhãn sở quán, tâm không sở trụ, trong, ngoài và chính giữa đều không thể được. Vì cớ sao? Vì tự tánh của tâm không nhiễm không tịnh, không chỗ tăng giảm, không chỗ động chuyển. Thế nên Đại Vương! Phải quán như thật, chớ sanh tâm nghi lầm; trụ pháp chơn thật. Vì tâm nầy chơn thật, các pháp cũng như thế. Đại Vương! Thí như hư không lìa các sắc tướng cũng không động chuyển. Nếu có người nói, ta phải dùng khói, mây, bụi, mù kia để nhiễm hư không, việc ấy có tin được không?
Đại Vương nói: Không thể có, vì hư không vô tướng không chỗ nhiễm trước.
Bồ Tát nói:
- Tâm cũng như vậy, xưa nay thanh tịnh, không lãnh thọ các cấu nhiễm, cho đến tất cả pháp tự tánh không nhiễm, cũng lại như thế!
Lại nữa Đại Vương! Tất cả pháp cùng pháp giới chẳng phải "tức", chẳng phải "ly" , bản tánh bình đẳng. không có sai khác. Nếu ai hiểu biết được thế, tức là đối với các pháp không có ngăn ngại cũng không tăng giảm.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường khi nói pháp ấy Vua nước Ma Già Đà ngộ pháp tánh vốn không, sanh tâm đại hoan hỷ, tức thời chứng đặng vô sanh pháp nhẫn (3), phát tâm hy hữu, chấp tay cung kính bạch Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Bồ Tát có lòng đại từ khéo léo phương tiện, như pháp đã nói, rất là ít có, vi diệu sâu xa, xưa nay chưa từng nghe. Hôm nay, tôi đã dứt hết các tâm nghi lầm, thấu rõ vấn đề.
Bồ Tát Diệu Kiết Tường thưa:
- Tâu Đại Vương! Chớ nói như thế, nghi lầm mà trừ hết, còn nói lời ấy, chưa dứt các tướng, có tướng ở nơi tâm là đại nghi lầm. Đại Vương nên biết! Các pháp tịch diệt, không nói, không chỉ, không nghe, không đặng, đâu có chi nghi lầm mà có thể trừ ư?
Đại Vương bạch:
- Bồ Tát! Nếu như thế đó thì tham lam, giận tức, si mê v.v…tất cả phiền não, phải không ngại nơi tâm ư?
Bồ Tát nói:
- Tâu Đại Vương! Tôi trước đã nói hư không vốn thanh tịnh, không bao giờ bị nhiễm ô! Nghĩa kia như thế đó, Đại Vương! Tâm vốn thanh tịnh, phiền não tánh không, cả hai đều không đặng, có chỗ nào mà ngăn ngại ư? Thế nên, không thể dùng tướng tội cấu mà sanh nơi tâm. Đại Vương phải biết, tâm quá khứ không thể đặng, tâm vị lại không thể đặng, mà cả tâm hiện tại cũng không thể đặng, cho đến tất cả pháp cũng lại như thế. Ở trong ba đời không lai không khứ, không trụ không trước, không chỗ nhập, không chỗ về, lìa các vọng tưởng, không phải thấy biết bì kịp, lìa pháp tri kiến; Đức Phật đã nói như thế đó. Vậy người trí phải quán như thế, phải rõ biết như thế.
Lúc ấy Đại Vương bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:
- Như Bồ Tát đã nói, tôi nay hiểu rõ tự tánh của tâm, tự tánh các pháp xưa nay thanh tịnh, không bị chướng nhiễm, cũng không có tưởng có thể đặng. Thế nên tôi nay đối trước Bồ Tát, đặng lòng tin không hoại diệt.
Bồ Tát nói:
- Đại Vương! Nếu đúng như thế, tức là giải thoát, xa lìa các sự lỗi lầm.
Lúc bấy giờ Vua nước Ma Già Đà nghe Bồ Tát Diệu Kiết Tường tuyên nói pháp nhiệm mầu, tâm đại hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cầm áo báu thượng diệu, giá trị trăm nghìn lượng bạc đến chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường dâng lên cúng dường, muốn áo quý báu ấy, mặc trên thân của Bồ Tát. Khi ấy Bồ Tát ở trong giây phút, ẩn thân không hiện, chỉ nghe ở giữa hư không có tiếng nói rằng: Đại Vương! Có chỗ thấy tướng, chẳng phải ngã "sở thọ" như ta là người thọ, không thấy tự thân, không thấy tha thân, không có người năng cúng, mà cũng không có kẻ bị cúng, cho đến tất cả pháp cũng lại như thế, không chỗ thấy tướng, lìa tâm chấp trước. Đại Vương! Sự cúng áo quý báu ấy, nếu có thấy thân, phải nên cúng thí. Khi ấy có vị Bồ Tát tên là Trí Ngộ, ông Vua liền đem áo quý báu dâng cúng. Vị Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ thấy tướng, chẳng phải tôi lãnh thọ, như tôi lãnh thọ, thì không chấp trước dị sanh và pháp dị sanh, không trụ hựu học và pháp hựu học, không chứng vô học và pháp vô học, không đến Duyên Giác và pháp Duyên Giác, cũng không cầu giải thoát, Niết Bàn của chư Phật Như Lai, và chứng quả. Như thế đối với tất cả pháp không chỗ trước tướng, năng thí, sở thí hai thứ thanh tịnh, không lợi không đặng, như thế người thí, nhưng cũng được lãnh thọ.
Khi ấy Đại Vương muốn đem áo quý kia đắp trên thân của Bồ Tát. Bồ Tát tức thời ẩn thân không hiện, nhưng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng:
- Nếu có người nào hay thấy thân mạng thì nên bố thí áo. Lúc ấy, lại có Bồ Tát tên là Thiện Tịch Giải Thoát, Vua liền mang áo quý dâng cúng, Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ nào thấy tướng, chẳng phải ngã sở thọ, như tôi thọ lãnh, không khởi ngã kiến (4) và ngã sở kiến (5), chẳng tức phiền não, chẳng ly phiền não, chẳng trụ định tâm, chẳng khởi tán loạn, không trí, không ngu, lìa các thủ xả, người trí được như thế mới nên lãnh thọ.
Lúc ấy Đại Vương muốn đem áo quý báu đắp lên thân Bồ Tát. Bồ Tát tức thời ẩn thân không hiện, chỉ nghe giữa hư không có tiếng nói rằng: Nếu có người hay thấy bản thân, sẽ nên thí đó. Lại có vị Bồ Tát tên là Tối Thắng Tác ý, Vua liền mang áo quý cúng thí, Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ thấy tướng, chẳng phải tôi đã thọ, như tôi là người thọ, không khởi các tướng, không hành thân nghiệp, không phát ngữ nghiệp, không khởi ý nghiệp, không trụ trước pháp năm uẩn (6), mười hai xứ (7), và mười tám ranh giới (8), rõ biết tất cả pháp đều không thể đặng, không trí bị hiểu biết, không lời nói nào bì kịp, không chỗ y chỉ, lặng như hư không. Như thế người thí, mới lãnh thọ được.
Khi ấy Đại Vương, muốn đem áo quý báu kia, mặc lên thân của Bồ Tát, Bồ Tát tức thới ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người hay thấy thân mình, sẽ nên thí đó. Lại có Bồ Tát tên là Thượng Ý, Vua lập tức mang áo quý cúng thí, Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương ! có chỗ nào thấy tướng, chẳng phải tôi lãnh thọ, như tôi lãnh thọ thì khởi tâm chấp tướng mong cầu, nếu nói người nào phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (9). Ấy là chấp tướng, có chỗ trông cầu. Vì cớ sao? Vì lìa tâm có tướng, tức là tâm đại Bồ Tát, tâm nầy bình đẳng, nên tâm Bồ Đề cũng bình đẳng. Tâm bồ đề nầy tức lá tất cả tâm Như Lai. Do sự bình đẳng nầy nên các pháp đều bình đẳng, không hai không sai khác, không thủ cũng không xả, lìa được thủ xả, nên ngả tướng không sanh, ngã tướng diệt rồi, không có chỗ trông cầu. Người thí như thế đáng được lãnh thọ.
Khi ấy, Đại Vương muốn đem áo quý báu mặc trên thân Bồ Tát. Bồ Tát liền khi ấy ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: Nếu có người nào hay thấy thân mạng, nên thí cho họ. Lại có Bồ Tát tên là Tam Muội Khai Hoa, Vua liền khi đó mang áo quý cúng thí. Vị Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ nào còn thấy tướng, chẳng phải tôi thọ lãnh, như tôi thọ lãnh, đối với tất cả cửa Tam Ma Địa (10), chứng nhưng không tướng, không chỗ phân biệt, rõ biết tất cả pháp tự tánh không động, tức là tam ma địa. Người thí như thế, đáng được lãnh thọ.
Lúc ấy Đại Vương muốn mang áo quý mặc lên trên thân Bồ Tát, Bồ Tát liền khi đó ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người hay thấy thân nên thí cho họ. Lại có Bồ Tát tên là Thành Tựu Ý. Vua liền mang áo quý cúng thí. Bồ Tát kia nói:
- Đại Vương! Có chỗ thấy tướng thì không phải tôi lãnh thọ. Như tôi lãnh thọ, rõ biết tất cả ngôn ngữ văn tự, tự tánh vốn không, không chỗ trước tướng. Luận về người muốn khởi tâm cầu các pháp, rơi vào trong hình tướng, không gọi là thành tựu.Nếu đối với tất cả pháp, hiểu rõ "vô sở đắc", tức là tất cả nghĩa thành tựu, tất cả đều như ý. Thí được như thế đáng nên lãnh thọ.
Lúc ấy Đại Vương muốn đem áo quý giá mặc lên thân Bồ Tát, Bồ Tát tức thời ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người hay thấy thân, đáng được thí cho. Lại có vị Bồ Tát tên là Tam Luân Thanh Tịnh, Vua liền mang áo quý cúng thí, Bồ Tát kia nói rằng:
- Đại Vương! Có tướng sở kiến chẳng phải tôi sở thọ, như tôi lãnh thọ thì không có kia năng thí và không có đây năng thọ, người thọ "vô sở đắc" người thí không quả báo. "Ngã" còn không thì "ngã sở" cũng không (11). Người thí như thế đáng được lãnh thọ. Vua liền mang áo quý mặc trên thân kia, Bồ Tát kia ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói rằng: nếu có người nào hay thấy thân, nên được thí đó. Lại có vị Bồ Tát tên là Pháp Hoa, Vua liền khi đó mang áo quý cúng thí, vị Bồ Tát kia nói:\
- Đại Vương! Có tướng sở kiến, chẳng phải tôi sở thọ. Như tôi thọ lãnh thì chẳng dùng Niết Bàn của Thinh Văn Duyên Giác mà làm sự chứng quả cũng chẳng dùng đại bát niết bàn của Phật mà làm sự chứng quả, không lìa pháp luân hồi, không cầu pháp Niết Bàn. Vì sao? Vì sanh tử cùng niết bàn cả hai đều bình đẳng. Thí như thế đó, đáng được lãnh thọ. Vua liền mang áo muốn mặc trên thân kia. Bấy giờ vị Bồ Tát ấy ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói: Nếu có người nào hay thấy có thân đáng được thí đó. Khi ấy Đại Vương dùng áo quý dâng lên các vị đại Bồ Tát nhưng các ngài đều ẩn thân không nạp thọ.
Lúc bấy giờ Đại Vương liền đem áo quý kia, đến chỗ tôn giả Đại Ca Diết, nói như thế nầy:
- Thưa Tôn Giả Ca Diếp! Ở trong hàng Thinh Văn, ngài là vị niên trưởng có đức, Phật thường khen ngợi, tu hạnh đầu đà số một, xin Ngài nhận lãnh áo quý giá để cho tâm tôi được mãn nguyện.
Ca Diếp đáp rằng:
- Đại Vương! Có tướng "sở kiến" chẳng phải sở thọ của tôi, như tôi lãnh thọ, không đoạn tham, sân, si, không chỗ nhiễm trước, cho đến vô minh có ái, thảy đều không đoạn, cũng không cùng câu chấp: thấy khổ, đoạn tập, chứng diệt, thật hành đạo lý, không thấy Phật, không nghe pháp, không vào số chúng, chẳng phải trí cùng tận, trí vô sanh, có thể đặng, có thể chứng, không người thí, không kẻ thọ, không đại quả cũng không tiểu quả, không nhàm chán luân hồi, không cầu chứng niết bàn, các pháp thanh tịnh, lìa tất cả tướng. Người thí có ý tưởng như thế, mới đáng thọ lãnh.
Vua liền trao áo quý muốn mặc trên thân kia. Ca Diếp cũng lại ẩn thân không hiện, chỉ nghe tiếng nói: nếu có ai hay thấy thân sẽ được thí đó.
Như thế đó, tới năm trăm (500) vì đại Thanh Văn đều mang đến cúng thí, nhưng mỗi vị đều không thọ, ẩn thân chẳng hiện.
Lúc bấy giờ, Đại Vương liền suy nghĩ, nay các vị Bồ Tát, Thanh Văn đây đều không thọ lãnh áo lông cừu quý giá của tôi cúng thí, tôi nay mang đến phía sau hoàng cung, ban cho các phu nhơn và các quyến thuộc, các vị đó sẽ lãnh thọ. Nghĩ như thế rồi liền mang áo quý vào cung để ban cho họ.
Khi ấy Đại Vương không thấy phu nhơn, lại nghĩ thí cho cung tần quyến thuộc kia, nhưng lại cũng chẳng thấy ai, như thế thứ lớp quan sát cung thành điện vũ, thảy đều không hiện, đồng như hư không. Bấy giờ Đại Vương lại suy nghĩ, nay đây áo lông cừu cao quý chưa cúng thí được, phải làm sao đây? Nghĩ thế rồi, muốn tự đem cái áo quý nầy tự mặc vào thân.
Khi đó Vua cũng tự không thấy thân mình, chỉ nghe giữa hư không có tiếng nói: nếu người nào hay thấy thân mạng, phải nên thí áo. Đại Vương! Phải tự quán tướng sắc thân nay ở chỗ nào, như tự quán thân không thấy tướng kia, quán tướng khác cũng như thế, tướng tự tha đều không thể đặng, nếu người thấy như thế, tức là thấy pháp chân thật. Pháp chân thật xa lìa tất cả kiến chấp, vì lìa các kiến chấp, tức là trụ pháp bình đẳng (12)
Lúc bấy giờ Đại Vương nghe giữ hư không có tiếng nói rồi, lìa tâm hữu tướng, dứt tưởng nghi lầm, như người đang ngủ say, bỗng được tỉnh dậy, tức thời cung thành điện vũ, cung phi quyến thuộc, thấy sắc tướng kia trở lại như cũ, liền đến chỗ Bồ Tát và đại chúng, đều đặng chiêm ngưỡng tướng Bồ Tát, như trước không khác. Khi ấy Đại Vương đến trước Bồ Tát Diệu Kiết Tường bạch rằng:
- Bồ Tát và đại chúng mới đây đã đi về đâu, sao tôi không thấy?
Diệu Kiết Tường nói:
- Đại Vương! Chớ sanh lòng nghi nan. Nay đại chúng đây bản tướng không đến, chỗ nào lại đi. Đại Vương! Giờ nầy đã thấy đại chúng nầy không?
Vua bạch:
- Vâng! Đã thấy.
Bồ Tát nói:
- Đã thấy gì?
Đáp:
- Như thấy pháp chân thật, quán sát chúng nầy cũng như thế.
Lại hỏi:
- Chân thật nầy làm sao thấy được?
Đáp:
- Pháp chơn thật lìa tất cả tướng, không phải con mắt quan sát được, không ở trong, không ở ngoài, không ở chính giữa, danh và tướng hai pháp không thể đặng.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường lại tâu Vua rằng:
- Đại Vương! Phải biết Vua trước tạo ác, tôi nghe Phật đã ghi chép đến đời sau ông sẽ đọa vào đường ác.
Vua bạch Bồ Tát rằng:
- Không bao giờ, bạch Đại Sĩ! Đức Phật Thế Tôn chưa từng có nói người đọa trong đường ác hay người chứng Niết Bàn. Vì sao? Ở trong chơn pháp, không có hai sự sai khác.
Bồ Tát lại nói:
- Không phải vậy, Đại Vương! Như Phật đã nói thiện ác, nhơn quả báo ứng rõ ràng, những lời nói ấy, nghĩa nó thế nào?
Đại Vương đáp rằng:
- Bồ Tát Đại Sĩ! Theo như ý tôi, chư Phật Như Lai thuận theo phương tiện, khéo nói sanh tử cùng Niết Bàn, khiến các chúng sinh, nhàm khổ sinh tử, đến vui Niết Bàn, như thật mà nói sinh tử cùng Niết Bàn, cả hai đều bình đẳng. Vì sao? Vì các pháp đều không, không có tự tánh, tính của các pháp kia tức tánh pháp giới, trong tánh pháp giới, không hai sai khác. Vì do nghĩa ấy, các pháp không chỗ sanh cũng không chỗ trụ, không ưa muốn, không nhàm bỏ. Tôi nay khởi lòng chánh tín, không sanh tâm sợ hãi. Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:
- Hay thay Đại Vương! Khéo nói lời ấy, lìa các tướng có.
Vua nói:
- Bồ Tát! Tánh tôi tự không ai là người nói, pháp vốn không tướng sẽ lìa chỗ nào? Như Phật đã nói, trong pháp chân thật, ngã tướng vốn không lìa "tình và phi tình", các hạnh không tạo tác cũng không lãnh thọ.
Bồ Tát bảo rằng:
- Đại Vương! Vua ở trong pháp chân thật, mặc dù có hiểu biết hãy còn sanh chấp tướng.
Vua lại bạch rằng:
- Thế nào gọi là lìa chấp trước?
Bồ Tát tâu rằng:
- Không hoại tướng ác thú (14), ấy là không chỗ chấp trước.
Vua bạch Bồ Tát;
- Đúng vậy! đúng vậy, như ý tôi hiểu tướng ác thú không chỗ động chuyển, không hoại, không trụ trước, không chỗ sợ sệt. Tôi nay lìa được các cố chấp, không bao giờ lại sanh cố chấp hữu tướng. Ví như Bồ Tát Đắc Nhẫn, không sanh lại ác tướng ba độc.
Lúc ấy Bồ Tát Trí Tràng tâu với Vua kia rằng:
- Đại Vương! Đối với con đường trí huệ đã được thanh tịnh, lìa các nhiễm trần, đầy đủ sự nhẫn nhục.
Vua bạch với Bồ Tát rằng:
- Các pháp rất là thanh tịnh rộng lớn, không có hạng lượng, phiền não không thể nhiễm, niết bàn không thể đặng, chỉ có Phật Thế Tôn, tự Ngài chứng biết rõ.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Diệu Kiết Tường và các Đại Sĩ, ở trong cung Vua, khi nói chánh pháp, Vua nước Ma Già Đà chứng đặng vô sanh pháp nhẫn (15). Trong cung Vua có 32 phụ nữ, thấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường có thần thông biến hóa, đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong pháp hội lại có 500 người đặng pháp nhãn tịnh (16). Tất cả nhân dân trong thành Vương Xá đều mang các hoa tốt hương thơm, tụ hội trước cung môn của nhà Vua để thành tâm cúng dường Bồ Tát Diệu Kiết Tường và đại chúng.
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường thương xót tất cả nhân dân trong thành, vì sự lợi lạc chung nên dùng ngón chân bấm dưới đất, tức thời đại địa trở thành sắc phệ lưu ly (17), trong sạch sáng suốt, trong ngoài chiếu sáng. Khi ấy trong đại thành hoặc nam hoặc nữ, tất cả nhân dân đều được diện kiến Bồ Tát Diệu Kiết Tường và đại chúng, không có chi ngăn ngại. Ví như tấm gương tròn sáng trong sạch soi thấy toàn diện các hình tướng, tất cả nhân dân chiêm ngưỡng, tướng Bồ Tát cũng lại như thế. Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, vì các vị đó, đúng thời thuyết pháp, trong thành có tám muôn bốn nghìn người đắc pháp nhãn tịnh, năm trăm người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Khi ấy, Bồ Tát Diệu Kiết Tường thọ lãnh đồ ăn, đồ uống của Vua nước Ma Già Đà cúng dường, vì Vua cùng các đại thần rộng thuyết pháp rồi cung thuộc của Vua cho đến tất cả nhân dân, đều đặng lợi lạc, phát tâm hy hữu, sang đại hoan hỷ, Bồ Tát Diệu Kiết Tường liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng đại chúng vá các vị Bồ Tát, cùng nhau vây quanh ra khỏi cung Vua.
Lúc ấy Vua nước Ma Già Đà cùng các Đại Thần và các quyến thuộc lễ kính từ tạ, đi theo Bồ Tát đồng đến pháp hội của Phật. Khi ấy Bồ Tát đã lìa cung Vua tuần tự mà đi. Ở giữa đường thấy có một người, ngồi dưới gốc cây, khóc lóc buồn rầu, phát ra lời nói: "Tôi đã tạo nghiệp sát rát là sợ hãi, tương lai quyết định sẽ đọa vào nơi địa ngục.Tôi nay phải làm thế nào để được cứu hộ?" Lúc bấy giờ Bồ Tát thấy người ấy rồi, quán sát căn duyên của người kia gần được thuận thục có thể kham chịu hóa độ. Bồ Tát liền biến hóa một người tương tợ như người kia không khác, đến chỗ người kia, đã cùng nhau tâm sự, cũng lại khóc lóc nói với người kia rằng:
- Tôi lỡ tạo nghiệp sát rất là sợ hãi, tương lai quyết định đọa vào địa ngục.
Người trước nghe rồi liền nói rằng:
- Tôi cũng tạo nghiệp sát giống anh, tình cờ chúng ta gặp nhau, ai có phương tiện gì, tìm người cứu độ
Lúc ấy hóa nhơn (18) liền đề nghị rằng:
- Chúng ta tạo tội rất nặng, dù có sợ hãi, không sao tránh khỏi.Giờ đây chỉ có Phật Thế Tôn có sức oai thần, có thể cứu độ, chúng ta hôm nay nên đến chỗ Phật.
Hóa nhơn nói rồi liền ra đi trước, người kia thấy rồi cũng lại đi theo, liền đến chỗ Phật. Vị hóa nhơn kia đến pháp hội của Phật rồi, đầu mặt đảnh lễ dưới chân đức Phật, rồi bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Chúng con tạo nghiệm sát, sợ đọa vào địa ngục. Xin Phật từ bi cứu độ chúng con.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền khen rằng:
- Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, nay ở trước Phật, nên phát lời thành thật, như các việc đã làm. Cứ xưng thiệt mà nói. Như ông đã thốt ra, đã tạo nghiệp sát, các ông từ tâm nào mà khởi tội tướng (19), là tâm quá khứ, là tâm vị lai hay là tâm hiện tại? Nếu khởi tâm quá khứ, tâm quá khứ đã diệt, không thể được; nếu khởi tâm vị lai, tâm vị lai chưa đến, không thể được; nếu khởi tâm hiện tại, tâm hiện tại không trụ cũng không thể được; cả ba thời gian đều không thể được, tức là không khởi tát (20), vì không khởi tác ở trong tội tướng kia, chỗ nào mà thấy được ư? Thiện nam tử! tâm không chỗ trụ, không ở trong, không ở ngoài, không ở chinh giữa, tâm không sắc tướng, không có xanh, vàng, đỏ, trắng, tâm không tạo tác, vì không tác giả; tâm không huyển hóa vì vốn chân thật, tâm không biên tế vì không hạng lượng; tâm không thủ xả (21) vì không thiện ác; tâm không động chuyển vì không sanh diệt; tâm như hư không vì không ngăn ngại, tâm không nhiễm tịnh vì xa lìa tất cả số mục. Thiện nam tử! các người có trí phải quán như thế, làm phép quán ấy rồi, tức là đối với tất cả pháp cầu tâm không thể được. Vì cớ sao? Vì tự tánh của tâm tức là tánh của các pháp, tánh của các pháp không, tức là tánh chơn thật. Vì ý nghĩa đó, nên nay các ông không nên vọng sanh sợ hãi.
Bấy giờ hóa nhơn nghe Phật tuyên nói pháp chân thật, tâm sanh đại hoan hỷ, liền bạch Phật rằng:
- Thế Tôn rất là ít có, khéo nói tự tánh pháp giới thanh tịnh, chúng con hôm nay được tội nghiệp tánh không, chẳng sanh lòng sợ hãi. Con nay ưa muốn xuất gia ở trong Phật Pháp, tu hành làm đạo, giữ giới đúng với phạm hạnh (22). Cúi mong Thế Tôn nạp thọ cho con.
Phật nói:
- Quý hóa thay! Thiện nam tử, nay chính đúng thời vì ông mà nhiếp thọ.
Hóa nhơn ở trong giây phút, râu tóc tự rụng, cà sa (23) mặc vào thân thành tướng Bí Sô (24), liền bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Con nay xin vào niết bàn, xin Phật hứa khả.
Phật nói: Tùy ý.
Khi ấy vị hóa tỳ kheo, nhờ sức oai thần của Phật thân liền hiện trên không trung, cao một cây Đa La (25), hóa lửa tự đốt, dứt hết thân không còn, đồng với hư không kia.
Lúc bấy giờ, người thật tạo nghiệp thấy vị hóa nhơn xuất gia và nghe Phật thuyết pháp rồi, tâm sinh suy nghĩ: "Người nầy cùng với ta đồng tạo tội nghiệp nhưng nay được giải thoát. Còn ta cũng nên cầu Phật hóa độ, nghĩ như thế rồi, liền đầu mặt lạy dưới chân đức Thế Tôn mà bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con tạo nghiệp sát, sợ trong tương lai phải đọa địa ngục, xin Phật từ bi mà dũ lòng tế độ.
Đức Phật nói:
- Quý hóa thay! Thiện nam tử! nay đối trước Phật, phát ra lời thành thật. Ông đã tạo nghiệp, phát khởi từ tâm nào? Tướng tạo nghiệp lại như thế nào?
Giờ phút ấy người kia vì căn lành thành thục, nghe Phật nói rồi, các lỗ chân lông trong thân bốc ra sức nóng, giống như ngọn lửa hừng hực, vây quanh thân người ấy, liền nói như thế nầy: "Tôi nay quy đầu với Phật được Ngài cứu độ".
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, dũ cánh tay mặt sắc vàng phóng trên đầu người kia. Vị ấy tức thời lửa trong thân liền diệt, lìa các khổ não kia đặng đại khoái lạc khởi tâm tịnh tín (26), hướng về đức Phật chấp tay bạch với Phật rằng:
- Thật là ít có, bạch đức Thế Tôn! Con trước nghe Phật nói rộng những pháp thanh tịnh ly tướng pháp giới. Con nay đã ngộ tội nghiệp (27) tánh không, nhưng không sanh tướng sợ hãi. Con nay ở trong Phật pháp, ưa thọ.
Đức Phậ nói:
- Lành thay! Quý hóa thay! Nay rất đúng thời, vì ông mà nhiệp thọ.
Tức thời người ấy râu tóc tự rụng, áo cà sa (29) mặc vào thân, thành tướng Bí Sô (30), như vị 100 hạ lạp (31), các căn thanh tịnh, oai nghi tề chỉnh, sở nguyện thành tựu viên mãn
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì người kia tuyên nói pháp tứ diệu đế (32). Vị Bí Sô kia nghe rồi liền xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, cao xa hơn Ngài quán sát đế lý (33), tại pháp hội Ngài chứng quả A La Hớn, rồi bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con nay muốn vào niết bàn xin Phật hứa khả.
Đức Phậ dạy: Tùy ý ông.
Khi ấy vị Bí Sô, thân vọt lên hư không, cao bảy cây Đa La (34), hóa lửa đốt thân, tiêu hết không còn. Lúc bấy giờ trong pháp hội có 5.000 thiên nhơn, phát tâm hy hữu, mỗi vị thân tâm cung kính đảnh lễ.

LỜI GIẢI KINH CHÁNH PHÁP CHƯA TỪNG CÓ (Quyển thứ năm)

1. Pháp tịch diệt: Giáo pháp tịch diệt. Tức là thật tướng của các pháp, cái lặng lẽ, hoàn toàn, dứt hết các hình tướng, lời ăn tiếng nói, tư tưởng vọng động.
2. Nhãn căn: Con mắt, một căn trong sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
3. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý: các pháp không sanh không diệt. Bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
4. Ngã kiến: Y kiến chấp có cái ta, sự thấy rằng có cái thân thiệt. Cũng gọi là thân kiến.
5. Ngã sở kiến: Cái ý kiến khư khư chấp lấy những vật của mình. Vật gì cũng bảo thủ cho là thật có của mình.
6. Pháp năm uẩn: Năm món tích tụ, hòa hợp làm thành bản thân của mỗi chúng sinh. Chúng che khuất chơn lý, khiến chúng sanh luân hồi thọ khổ. Ấy là: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
7. Mười hai xứ: 12 chỗ, sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và sáu cảnh là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mười hai chỗ nương tựa với nhau.
8. Mười tám ranh giới: Dix huit localites: sáu căn là sáu cảnh ở trong, sáu trần là sáu cảnh bên ngoài, sáu thức là sáu cảnh ở khoảng giữa. Sáu căn nội giới là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Sáu trần ngoại giới là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu thức trung giới là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Gọi chung là 18 ranh giới.
9. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác: Anuttara-Samyak Sambodhi. Quả vị Phật. Tức là quả đạo lý tối cao mà đức Phật chứng ngộ, lúc Ngài đại định dưới cội Bồ Đề
10. Tam ma địa: Samadhi, pháp đại định của nhà đạo bực cao, trong khi nhập định thân tâm không xao động, chăm chú vào một mục đích mà thôi. Các vọng tưởng tà kiến không thể nào xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định. Đắc cảnh tam ma địa được vào pháp thân thanh tịnh.
11. Ngã sở: Tức là ngã sở hữu. Cái của ta, vật của mình. Tự thân mình, kêu là ngã, các vật ở ngoài thân, thuộc về mình gọi là ngã sở, hay ngã sở hữu. Thí như, nhà của mình, con của mình, tiền của, ruộng vườn, đất nước của mình đều là ngã sở.
12. Trụ pháp bình đẳng: Ở mỗi đặc tính của sự vật đều bình đẳng. Luận về sự tướng thì có sai khác còn bản tính của sự vật thì bình đẳng như nhau. Hay nói đến chân lý cũng là bình đẳng. Chánh pháp bình đẳng, chân tâm bình đẳng…
13. Tình và phi tình: Tình là tình thức, phi tình là phi tình thức. Chúng sanh là loài có tình cảm, tình thức, tình ý, tình ái, nên gọi là hữu tình. Còn các vật vô tri, vô giác, những vật chẳng phải chúng sanh, thì được gọi là vô tình hay phi tình.
14. Không hoại tướng ác thú: Tướng ác thú cũng có Phật tánh, cũng đầy chơn tâm sáng suốt, đầy sự lân mẫn phàm tình.
15. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý: các pháp không sanh không diệt. Bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt, tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
16. Đặng pháp nhãn tịnh: Chứng đặng pháp lý, mắt được thanh tịnh. Chứng đặng quả vị Thanh Văn hay Duyên Giác. Pháp thì tự mình tu tập mà được, hoạc là do bực trên trước truyền cho mà được.
17. Phệ lưu ly: Ngọc lưu ly sáng chói trong ngoài, khi tâm đã thanh tịnh rồi, thì tất cả đều thanh tịnh. Lúc ấy ngọc lưu ly sáng hiển lộ.
18. Hóa nhơn: Người được biến hóa. Các vị Bồ Tát có nhiều trường hợp phải dùng thần lực để chuyển hóa nhiều hình thức để hóa độ chúng sinh, bất cứ lúc nào.
19. Tội tướng: Tướng trạng của tội. Trong nhà Phật thường nói. Tội tướng vốn không do tâm tạo, vì nó không có thật, khi còn vọng tâm là còn tội, lúc vọng tâm dứt, thì tội không còn.
20. Không khởi tác: Không có phát khởi và tạo tác. Đây là nói chân tâm thanh tịnh, xa lìa tất cả các phát khởi, tạo tác…
21. Không thủ xả: Không bảo thủ mà cũng không buông bỏ.Đây cũng chỉ là đặc tính của chân tâm. Chân tâm không thủ xả, không tạo tác, không nhiễm tịnh, không không tất cả.
22. Phạm hạnh: Brahmacarya. Hạnh tu thanh tịnh của người xuất gia, đoạn hẳn tứ trọng tội. Người tu phạm hạnh trong đạo Phật sẽ vào niết bàn. Vãng sanh về cõi Phật.
23. Ca sa: Kasaya, kasava, kesa, Soutane, casa nghĩ là hoại sắc, bất chánh sắc. Ấy là bộ áo nhà sư trong đạo Phật, hiệp lại thành 3 cái; 1. Tăng già lê (Samhati); Uất Đà La Tăng (Uttara-samgha) và An Đà Hội (Antarvasaka)
24. Bí Sô: Dịch âm từ chữ Bhiksu. Tỳ kheo trong đạo Phật, vị đã thọ cụ túc giới, 250 giới, để tu hành và hoằng dương Phật pháp.
25. Cây Đa La: Tức là cây thốt nốt. Tên một giống cây, dịch là ngạn thọ (cây ở bờ) hay cao tủng thọ (cây cao vót), hình nó như cây tung lư, mình cứng như sắt, lá dài và đông đặc, dù mưa to lâu ngày mà cái chỗ bóng lá che xuống vẫn khô, như ở dưới mái nhà. Thứ gỗ khô của cây Đa La có thể khắc bản in chữ được. Trái nó chín thì màu đỏ, như trái thạch lựu lớn, người ta phần nhiều an trái nó. Tại vùng đông Ấn Độ cây nầy rất nhiều.
26. Tâm tịnh tín: Lòng tin trong sạch. Như đem lòng tịnh tín, thờ trọng Tam Bảo, tụng Kinh, tọa thiền, niệm Phật.
27. Tội nghiệp tánh không: Tội chướng nghiệp chướng, bản tánh của nó vôn không. Không có thật, nhờ vậy người tu hành chuyển được tội chướng, nghiệp chướng.
28. Phạm hạnh: Brahmacarya. Hạnh tu thanh tịnh của người xuất gia đoạn hẳn tứ trong tội. Người tu phạm hạnh trong đạo Phật sẽ vào niết bàn. Vãng sanh về cõi Phật.
29. Ca sa: Kasaya, kasaya, kesa: Soutane, casa nghia là hoại sắc, bất chánh sắc. Ấy là bộ áo nhà sư trong đạo Phật, hiệp lại thành 3 cái: 1 Tăng Già Lê (Samghati); Uất Đà La Tăng (Uttara-Samgha) và An Đà Hội (Antarvakasa).
30. Bí sô: Bhiksu; Moine. Vị tu sĩ bên nam đã thọ cụ túc giới, gọi là Bí Sô. Nữ kêu là Bí Sô Ni.
31. Hạ lạp: Trọn năm (tuổi) tu, cũng gọi là pháp lạp, giới lạp. Tỳ kheo an cư được một mùa hạ, kể là một hạ lạp, tức là một tuổi tu, Giáo hội xét theo hạ lạp, nhiều hay ít mà sắp đặt ngôi thứ của vị tỳ kheo. Ngôi thứ ấy gọi là lạp thứ.
32. Pháp tứ đế: Catvariaryasatyani, quatre, verites, excellentes. Giáo pháp nói về bốn chơn lý. Cũng gọi là Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế, Hỉ Chơn Đế. Ấy là khổ, tập, diệt, và đạo. Giáo pháp nầy đức Phật nói thời đầu tiên tại vườn Lộc Giả ở Sarnath.
33. Đế Lý: Tức là chơn lý chắc thật, bất di, bất dịch.
34. Cây Đa La: Tức là cây thốt nốt. Tên một giống cây, dịch là ngạn thọ (cây ở bờ) hay cao tủng thọ (cây cao vót), hình nó như cây tung lư, mình cứng như sắt, là dài và đông đặc, dù mưa to lâu ngày mà cái chỗ bóng lá che xuống vẫn khô, như ở dưới mái nhà. Thứ gỗ khô của cây Đa La, có thể khắc bản in chữ được. Trái nó chín thì màu đỏ, như trái thạch lựu lớn, người ta phần nhiều ăn trái nó. Tại vùng đông Ấn Độ cây nầy rất nhiều.

Quyển thứ VI

Ngài Đại Sư Pháp Thiên, người Tây Thiên Trúc, hiểu thông ba tạng Kinh điển, vâng chiểu chỉ nhà Vua dịch.
Lúc bấy giờ, tôn giả Xá Lợi Phất thấy người tạo nghiệp sát quy đầu với Phật xuất gia, chứng đặng quả thánh, như thế là một việc ít có. Ngài đến trước Phật bạch rằng:
- Thật hy hữu, thưa Thế Tôn! Như Lai đầy lòng đại từ, khéo léo phương tiện, tuyên nói chánh pháp. Người đã tạo nghiệp sát, tội căn (1) rất nặng. Như Lai chỉ ở trong sát na, khéo hay cứu độ, khiến họ được giải thoát. Đây chính là sức phương tiện của chư Phật Như Lai, chỗ thuyết pháp kia đều là cảnh giới chư Phật. Duy có Đại Sĩ Diệu Kiết Tường và các Bồ Tát, những vị mặc áo giáp tinh tiến, khéo hay rõ biết, chẳng phải là cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác của chúng ta. Vì sao thế? Vì các chúng Thanh Văn, trí tuệ hẹp hòi, không thể phân biệt cơ nghi (2) của chúng sinh, đâu hay rõ biết, những pháp phương tiện
Đức Phật nói:
- Đúng như vậy! Đúng thế! Xá Lợi Phất! cảnh giới chư Phật chỉ có các bật Bồ Tát đặng pháp nhãn (3) đầy đủ mới hay chứng nhập. Hàng Thanh Văn các ông mặc dù lìa kiến chấp Bổ Đặc Già La (4),chỉ ưa cầu niết bàn tự lợi, mặc dù có công đức tu tập hạnh đầu đà (5) cũng chỉ ưa cầu cho đầy đủ giới, định, huệ, không thích tu học pháp của chư Phật, các việc ra làm đều có hình tướng, đều có ngăn ngại. Thế nên đối với cảnh giới của chứ Phật không thể nghĩ bàn. Xá Lợi Phất! ông nay phải biết, tôi vừa hóa độ cho người tạo nghiệp sát, vị nầy đã từng đến 500 chỗ Phật, cung kính cúng dường trồng các căn lành, cũng tường đặng nghe giáo pháp như thế. Vì thế cho nên người nầy nay đối trước tôi nghe nói chánh pháp (6), nhờ sức căn lành đời trước thấy được chân lý chân thật của các pháp, đúng như pháp mà giải thoát.
Lại nữa, nầy Xá Lợi Phất! nếu ai đối với chánh pháp được nghe chỉ một bài kệ bốn câu, người ấy không bị đọa trong đường ác (7), lìa khổ được giải thoát, quyết định thành Phật nhất thiết trí, huống chi những người thọ trì đọc tụng; đúng như pháp mà tu hành, người ấy tu đặng công đức vô lượng vô biên!
Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường cùng các chúng Đại Bồ Tát cùng ngài Ca Diếp và các đại Thanh Văn Vua nước Ma Già Đà cùng các cung thuộc đồng thời đều đến trong pháp hội Linh Sơn của Phật Thích Ca Mâu Ni, đến gặp Phật rồi, mỗi người đảnh lễ dưới chân đức Phật, rồi lui đứng một bên.
Tôn giả Xá Lợi Phất liền tâu Vua nước Ma Già Đà rằng:
- Đại Vương đã ưa thích giáo pháp hy hữu của Đại Thừa. Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã vì Đại Vương rộng rãi khai thị diễn nói. Đối với giáo pháp ấy, Đại Vương có thật hiễu rõ không?
Vua bạch:
- Thưa Tôn Giả! Tôi đã hiểu thấu giáo pháp hy hữu ấy.\
Xá Lợi Phất nói:
- Đại Vương hiểu thấu giáo pháp bằng cách nào?
Vua bạch:
- Theo như ý tôi, đối với tất cả pháp xa lìa các nhiễm trước, không đắc không thất, chẳng phải thủ, chẳng phải xả, không phải cảnh giới (8) của tâm, tướng "vô sở đắc" (9). Ấy là pháp chân thật. Như thế rõ biết các nghi lầm hằng diệt, tất cả chướng lụy không từ đâu sinh.
Khi ấy, Xá Lợi Phất bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Vua nước Ma Già Đà, căn lành thành thục, ưa thích pháp vị cao siêu của đại thừa, ngộ được vô sanh (10), dứt hết các nghiệp chướng, thế ấy chắc chắn diệt hết hay còn ư? Việc ấy thế nào? Xin Phật thương xót giảng giải cho.
Đức Phật đáp:
- Xá Lợi Phất! Đại Vương đây, có bao nhiêu nghiệp chướng đều dứt sạch không còn. Xá Lợi Phất! Ví như hạt cải lượng nó rất nhỏ, núi Tu Di (11) lớn có thể xô ngã không? Ông nay phải biết nghiệp chướng của Vua, giống như hạt cải, tôi đã tuyên nói giáo pháp thậm thâm, cũng như núi lớn kia. Thế nên vua nầy nghe giáo pháp thậm thâm, há co chướng ngại gì mà chẳng ngại ư?
Xá Lợi Phất thưa:
- Bạch Thế Tôn! Rất là ít có. Vua nầy lợi căn thông suốt, nhưng thích nghe chánh pháp và hiểu rõ để diệt hết các nghiệp chướng. Như lời Đức Phật đã nói không sai!
Đức Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Vua nầy đã từng ở trong đời quá khứ bảy mươi hai ức chỗ Phật, cung kính cúng dường, đã trồng các căn lành, ở chỗ đức Phật, thường nghe chánh pháp, nhờ đó căn lành tương lai quyết định sẽ chứng đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lại nữa, Phật bảo ngài Xá Lợi Phất:
- Ông thấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường nầy không?

Đáp rằng:
- Dạ thấy.
Đức Phật nói;
- Nay Vua nước Ma Già Đà nầy cùng Bồ Tát Diệu Kiết Tường có nhân duyên lớn. Xá Lợi Phất! Quá khứ có kiếp tên là Vô Cấu, Đức Phật ra đời hiệu là Diệu Tý, ở trong kiếp đó lại có ba câu đê (12) đức Phật, xuất hiện trong đời. Các đức Phật ấy đều nhơn Bồ Tát Diệu Kiết Tường khai phát đạo tâm. Các Như Lai kia mạng sống lâu rất dài. Chuyển bánh xe pháp lớn, lợi ích chúng sanh. Vua nước Ma Già Đà nầy ở trong kiếp kia đã được gặp gở Bồ Tát Diệu Kiết Tường giáo hóa, phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vua phát tâm rồi, đối với các đức Thế Tôn đã trồng các căn lành, nghe và lãnh thụ giáo pháp đại thừa ít có, nhờ nhân duyên ấy căn lành sâu dày. Xá Lợi Phất! Ông nay phải biết, Vua nước Ma Già Đà nầy sau khi mạng chung, sanh về thế giới thượng phương, trải qua 400 cõi Phật. Có một cõi Phật tên là Trang Nghiêm. Đức Phật kia hiệu là Bửu Tụ Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vua nầy sanh trong cõi kia, cũng thấy được Bồ Tát Diệu Kiết Tường, nghe thọ giáo pháp thậm thâm, nghe rồi hiểu rõ chứng pháp vô sanh nhẫn (13). Cho đến tương lai Bồ Tát Tự Thị, giáng sinh ở thế giới Ta Bà nầy thành bậc Chánh Giác rồi, Vua nước Ma Già Đà nầy, theo đức Phật kia, trang nghiêm cõi Phật, sanh sống ở trong giáo pháp của Từ Thị Như Lai, trở thành vì Bồ Tát hiệu là Vô Động. Khi ấy cũng được thấy Bồ Tát Diệu Kiết Tường. Đức Từ Thị Như Lai vì Bồ Tát Vô Động lập lại các giáo pháp đã giảng đời quá khứ, tuyên nói như thế rồi, bảo đại chúng rằng:
- Các ông có thấy Bồ Tát Vô Động không? Vị Bồ Tát nầy đâu có xa là gì, ấy là Vua nước Ma Già Đà trong giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni ở đời quá khứ. Vị nầy ở chỗ Bồ Tát Diệu Kiết Tường kia nghe thọ chánh pháp, chứng đặng quả Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi, Từ Thị Như Lai kia vì Bồ Tát Vô Động, khi nói diệu pháp, trong pháp hội có tám nghìn Bồ Tát, chứng đặng quả vô sanh pháp nhẫn, hai muôn bốn ngàn các Bồ Tát nhỏ, tiến vào sơ địa (14). Xá Lợi Phất! Bồ Tát Vô Động kia từ đây về sau, ở trong tám trăm a tăng kỳ kiếp (15) tu hành, thanh tịnh cõi nước các đức Phật, giáo hóa chúng sinh, khiến đến quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, khiến các chúng sanh diệt tất cả nghiệp chướng, giải ngộ chánh pháp, không sanh sự nghi lầm. Bồ Tát Vô Động kia, trải qua tám trăm kiếp a tăng kỳ rồi, liền ở thế giới Vô Nhiễm, chứng đặng bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hiệu là Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai, Ứng Cúng Chanh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu (16), đức Phật kia mạng sống lâu bốn trung kiếp (17), chánh pháp trụ thế một câu đê tuế (18), có bảy mươi muôn chúng Thanh Văn đều được đầy đủ pháp tam minh (19) và lục thông (20) đặng tám giải thoát (21),có mười hai câu đê chúng đại Bồ Tát, đầy đủ trí tuệ và phương tiện. Chúng sinh ở cõi kia, đều ưa thích giáo phát thậm thâm; đức Phật Như lai rộng vì họ tuyên nói, làm cho các chúng sanh nghe giáo pháp giải ngộ, lìa các phiền não, thân tâm đều được thanh tịnh, mỗi vị không bao giờ khởi tưởng ngã kiến (22).
Lúc bấy giờ, Phật Thích Ca Mâu Ni, vì Xá Lợi Phất nói Vua nước Ma Già Đà sẽ thành việc Phật; trong chúng hội có ba muôn hai nghìn thiên tử, phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đều phát thệ nguyện rằng; Cho chúng con sẽ đặng sanh về thế giới Vô Nhiễm kia, để thấy đức Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai hoàn thành con đường Chánh Giác. Phật Thích Ca Mâu Ni liền thọ ký rằng: Các ông sẽ đặng sanh về thế giới kia, thấy đức Như Lai, hoàn thành con đường Chánh Giác!
Khi ấy, Vua nước Ma Già Đà có một vị Thái Tử tên là Nguyệt Cát Tường, tuổi mới lên tám, trước thường theo phụ vương đến trong pháp hội của Phật, nghe thuyết pháp rồi liền cổi chuỗi anh lạc (23) trong cổ, đem dâng lên đức Phật, rồi phát nguyện rằng: "tôi nay dùng của quý báo nầy cúng dường Phật để tạo căn lành, hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nguyện cho chúng tôi sẽ sanh trong cõi Phật Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai làm vị Kim Luân Vương (24), cho đến lúc mệnh chung, đem bốn vật (25) cần dùng cúng dường đức Phật kia và các chúng tỳ kheo sau khi đức Phật kia nhập diệt, tôi sẽ thu xá lợi, cung kính cúng dường, nguyện tôi thưa kế, liền ở cõi kia, chứng đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi ấy Thái Tử Nguyệt Cát Tường, phát thệ nguyện rồi, nhờ sức oai thần của Phật đã hiến chuỗi anh lạc, trụ giữa hư không, ở trên cõi Phật kia biến thành lầu đài bảy báu (26). Trong đó có tòa làm bằng bảy thứ báu. Trên đó có đức Phật đang ngồi kiết già (27), đầy đủ tướng tốt, các thứ quý báo trang nghiêm.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ trên gương mặt phóng ra các sắc hào quang. Ấy là các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, biếc, lục, những tia hào quang như thế khắp soi thế giới nhiều vô biên, trên đến cõi trời Phạm Thiên, yến sáng chiếu khắp, ánh sáng mặt trời mặt trăng không thể hiện được. Yến sáng kia trở lại nhiễu Phật ba vòng, rồi vào từ đảnh môn của đức Phật Thế Tôn.
Khi ấy Tôn Giả A Nan từ tòa ngồi đứng dậy, mích trần vai bên hữu, đầu gối bên hữu quỳ sát đất, chấp tay về đức Phật, rồi nói bài kệ rằng:
"Đại Mâu Ni đã đến bờ kia
Đầy đủ tất cả công đức tốt,
Trời, người, nhân gian đều tôn kính,
Tất cả trí giả lìa các chấp.
Chúng sanh tâm hạnh và căn tính,
Tất cả Như Lai đều rõ biết,
Tuyên nói pháp mầu lợi quần sinh,
Tất cả thế gian, Ngài tối thắng
Đã phóng hào quang sáng ít có
Khắp soi tất cả cõi mười phương
Chúng sanh rất nhiều vô số kể
Nhờ yến sáng ấy được yên ổn.
Thiện Thệ (28) đầy đủ trong mười phương
Niệm, huệ viên mãn xuất thế gian,
Khéo biết tâm, hạnh của chúng sanh,
Nói pháp, đoạn nghi không ai bằng
Đã có Phạm Vương cùng Đế Thích
Trời, trăng, ngôi sao và chư Thiên
Nghe Phật tuyên nói diệu pháp môn,
Lìa các phiền não đặng yên ổn.
Như Lai chúng trung tôn (29) tất cả,
Chúng sinh có nghi đều giải quyết,
Ngày nay duyên gì phóng hào quang,
Xin Phật bừ bi vì con nói!"
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
- Ông có thấy Thái Tử Nguyệt Cát Tường không?
A Nan bạch Phật rằng:
- Vâng, con đã thấy.
Đức Phật bảo A Nan
- Thái Tử đây, ở trong đời quá khứ, đã tu hạnh Bồ Tát, cúng dường với ta sâu trồng căn lành, nhờ cơ duyên đó mà đã thành thục. Nay ở trước tôi, phát tâm vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, khởi lời đại thệ nguyện, do nhân duyên ấy, nên phóng hào quang nầy. A Nan! Vị Thái Tử đây, sẽ sanh ở thế giới Vô Nhiễm, trong giáo pháp của Phật Thanh Tịnh Cảnh Giới Như Lai, làm vị Kim Luân Vương, thường cúng dường đức Phật kia và các chúng Bí Sô, đến sau khi đức Phật kia diệt độ, thu ngọc xá lợi, cung kính cúng dường. Vì nầy, sau khi mạng chung, sanh về cung trời Đâu Suất (30), đến lúc mãn một kiếp sanh đến thế giới Vô Nhiễm, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hiệu là Nhật Tràng Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu. Đức Phật Thế Tôn kia và các chúng Thanh Văn Bồ Tát, mạng sống lâu đều bằng nhau.
Lúc bấy giờ, các chúng Bồ Tát ở địa phương khác đến nhóm hợp, nghe trao lời thọ ký cho Thái Tử Nguyệt Kiết Tường rồi, đều bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Nay Phật Thích Ca Mâu Ni cùng Bồ Tát Diệu Kiết Tường, ở trong tất cả địa phương ra làm Phật sự vĩ đại, lợi ích chúng sanh, không bỏ qua một nơi nào. Ví cớ sao? Vì Phật và Bồ Tát dùng tâm đại bi, pháp khởi các phương tiện, ở trong nước, thành, quận, ấy, cho đến các chốn tụ lạc,vì các tầng lớp chúng sanh, thuyết pháp giáo hóa, khiến các chúng sanh, nghe giáo pháp liển được giải thoát, xa lìa các sự sợ hãi, đoạn trừ tất cả phiền não trọng chướng; chúng con ngày nay, đến đặng chỗ nầy, nghe Phật và Bồ Tát Diệu Kiết Tường, tuyên nói pháp nhiệm mầu, và nhìn thấy những việc phóng quang ít có, lợi ích cho chúng sinh, thật không diễn tả, thế nào cho cùng tận.
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo các Bồ Tát rằng: Thiện Nam tử, đúng như vậy, nếu các Bồ Tát đối với các phương xứ, vì các chúng sanh, tuyên nói pháp, ra làm Phật sự, phải quán các chỗ ấy, như là tháp miếu của Phật. Vì sao? Tôi ở trong quá khứ khi gặp gở đức Nhiên Đăng Như Lai, tôi đem lòng tin cẩn, rũ tóc trải trên đất để cho đức Phật kia đi qua. Sau đó, tôi được quả vô sinh pháp nhẫn, đức Nhiên Đăng Như Lai kia, biết tôi đã được đầy đủ pháp nhẫn, liền vì tôi trao lời thọ ký, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nói như thế nầy: "ông đến đời sau trải qua vô số kiếp, sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu. Phật Nhiên Đăng kia, thọ ký cho tôi rồi, bảo các chúng tỳ kheo rằng:
- Các ông phải ở chỗ nầy, khởi lòng tưởng tôn trọng, chớ sanh khinh mạn, vì sao? Vì chỗ nầy có thiện nam tử rũ tóc trải trên đất, thỉnh Phật đi qua, nhờ công đức thù thắng ấy, liền đặng đầy đủ pháp nhẫn. Thế nên chốn nầy có nhiều trời người, chiêm ngưỡng kính trọng, như tháp miếu của Phật không khác.
Khi Phật Nhiên Đăng nói lời như thế có tám mươi ức trời, người, khác miệng đồng tiếng bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Chúng con ngày hôm nay tới chốn nầy, khởi tưởng tôn kính, như tháp miếu của Phật.
Khi ấy có một trưởng giả tên là Hiền Thiên, ở trong pháp hội, liền bạch với Phật Nhiên Đăng rằng:
- Con nay ở đây tạo tháp bảy báu (31), để cho các chúng sanh, chiêm lễ đặng phước.
Vị trưởng giả kia, khởi tâm ít có, gom góp ca2c đồ quý báu, tạo lập một ngôi tháp, bề cao bề rộng bao la, trang sức các thứ quý giá, công kia thù thắng, không nhờ mặt trời, nhưng vẫn thành tựu. Khi trưởng giả đã tạo tháp rồi, liền đến chỗ Phật Nhiên Đăng bạch rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con đã tạo lập diệu tháp bảy báu, đến đời tương lai, đặng bao nhiêu phước báo?
Đức Phật dạy:
- Trưởng giả, nếu có thiện nam tử ở trong chốn đại Bồ Tát, chứng quả vô sanh pháp nhẫn, đào lấy đất kia, xuống đến ngằn nước, rồi đem đất ấy cung kính cúng dường, sẽ đặng phước nhóm, giống như cúng dường thám miếu của chư Phật, đồng nhau không khác; huống chi ông nay khởi tâm tịnh tín, tạo tháp bảy báu, chắc chắn thu hoạch nhiều phước báo xấp hơn phần trước vô lượng vô biên không thể so lường.
Lúc ấy Nhiên Đăng Như Lai lại bảo Hiền Thiên trưởng giả rằng:
- Ông nay ở trong đời nầy sâu trồng căn lành tới đời vị lai, chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni, sẽ đặng thọ ký quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ, Phật Thích Ca Mâu Ni vì các vị đại Bồ Tát từ phương khác đến nhóm họp nói đến nhân duyên thọ ký (32) đời trước, lại bảo các vị Bồ Tát rằng:
- Các ông nay phải biết, tôi ở thời xa xưa tại chỗ Phật Nhiên Đăng, đã gieo trồng căn lành, nay mới đặng thành Phật, khi kia tôi đã được vị pháp nhẫn (33), các trời người lúc ấy, cung kính như bửu tháp của Phật, các ông ngày nay tới trong chỗ nầy, cũng nên khởi tâm tôn kính như thế. Lại nữa, nầy các đại Bồ Tát, các ông nên biết; Hiền Thiên trưởng giả ngày nay, vì trong pháp hội, hiện cũng có một vị tên là Hiền Thiên, hiệu là Thiện Hiện Như Lai, Ừng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đầy đủ 10 hiệu. Lại nữa, các Bồ Tát, ta nay đã nói giáo pháp thậm thâm. Nếu có tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, ai hay nghe thọ, đọc tụng, vì người khác giảng nói, người ấy sẽ được trời người, chiêm ngưỡng kính trọng, như tháp miếu của Phật không có sai khác.
Lại nữa, các Bồ Tát, nếu có thiện nam tử, hay thiện nữ nhơn nào thật hành hạnh bố thí, bảy thứ báu chứa đầy nghìn đại thiên thế giới ở trong ngày đêm sáu thời cúng dường các đức Phật và đại chúng tỳ kheo, như thế cho đến nhiều kiếp, không bằng người ở trong chánh pháp chưa từng có nầy, nghe giảng hay thọ trì đọc tụng một bài kệ bốn câu, người ấy sẽ đặng công đức thù thắng hơn phần nói trước.
Lại nữa, nếu có người thật hành giới hạnh ở trong một kiếp, giữ giới pháp của Phật không cho khuyết phạm, viên mãn tất cả công đức tịnh giới, không bằng nghe giảng, thọ trì đọc tụng kinh chánh pháp nầy, so với công đức trì giới trước, nghìn phần không bằng một.
Lại nữa, nếu có ai tu hạnh nhẫn nhục, ở trong một kiếp thường thật hành hạnh nhận nhục, đối với tất cả chúng sinh không bao giờ sanh tâm oán hại,như thế tu hoạch được hạnh nhẫn nhục viên mãn. Thế, nhưng không bằng đối với kinh chánh pháp nầy, nghe giảng thọ trì, đọc tụng, đúng pháp tu hành, chứng đặng pháp nhẫn, đầy đủ công đức, như vậy thật là tối thượng.
Lại có người nào thật hành hạnh tinh tấn ở trong một kiếp, siêng năng giáo hóa chúng sanh, không bao giờ khởi tâm giải đãi. Như vậy đức tinh tấn được viên mãn. Nhưng không bằng đối với kinh Chánh Pháp nầy nghe giảng, thọ trì, đọc tụng, chắc chắn thu hoạch công đức gấp hơn phần trước.
Lại nữa, nếu có người nào chuyên tu thiền định, ở trong một kiếp trụ Tam Ma Địa (34), một lòng chuyên chú, lìa các tán loạn. Như vậy thu hoạch được định lực viên mãn, nhưng không bằng đối với Kinh Chánh Pháp nầy, nghe giảng, thọ trì, đọc tụng. Công đức nầy thù thắng hơn công đức trước.
Lại nữa, nếu có ai tu tập trí tuệ, ở trong một kiếp, thật hành các phương tiện trí tuệ, sẽ đạt được trí tuệ viên mãn. Thế nhưng không bằng ở trong chánh pháp nầy nghe thọ, đọc tụng, sẽ thu hoạch công đức rộng lớn vô lượng, chóng được viên mãn nhất thiết trí (35) quả.
Khi ấy, các vị đại Bồ Tát từ phương khác đến pháp hội, nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên nói công đức thậm thâm của giáo pháp nầy. Mỗi vị đều bạch Phật rằng.
- Thưa Thế Tôn! Chúng con nghe thọ giáo pháp nầy, khi trở về bản vị (36), vì mọi người diễn nói, tuyên thông, lưu bố, làm cho các chúng sinh, mỗi người đều được lợi ích.
Phật Thích Ca Mâu Ni nói:
- Hay thay, quý hóa thay! Các thiện nam tử, các ông phải nên tuyên bố pháp nầy, rộng vì chúng sanh, ra làm việc Phật!
Lúc ấy, các vị Bồ Tát phương xa liền rải các hoa nhiệm mầu đầy cả ba ngàn đại thiên (37) thế giới cúng dường đức Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Diệu Kiết Tường, rồi nói như thế nầy: nguyện chánh pháp nầy cữu trụ trong châu Diêm Phù Đề (38), lợi ích cho tất cả chúng sanh, mong đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Diệu Kiết Tường, trụ lâu trong cõi đời, thuyết pháp sáng suốt, rọi vào tâm hồn của tất cả chúng sanh, chúng con hôm nay đặng vào pháp hội nầy, thấy đức Phật Thế Tôn, nghe giảng giáo pháp nhiệm mầu, đều do Bồ Tát Diệu Kiết Tường khuyến khích dắt dìu, giả sử chúng con có đem đầu, mắt, tay, chân, phụng thí, cũng khó trả ơn sâu nặng của Bồ Tát. Nay đem hoa nầy tung rải cũng chưa trả ơn đức kia. Thế nên, nếu có thiện nam và thiện nữ nào được thấy các đức Phật, nghe chánh pháp, giả sử xả đầu, mắt, tay, chân, cũng chưa có thế trả ơn chư Phật; thế nên thường phải đến chư Phật và Bồ Tát và nghe kinh pháp, khởi lóng tịnh tín, tôn kính cúng dường, chớ sinh lòng khinh dễ và có ý tưởng nghi lầm. Ai có tâm ý khinh khi, mắc tội rất nặng!
Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ Tát, từ phương khác đến hội họp, nói lời ấy rồi, đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn, đi nhiễu bên hữu (39) ba vòng, ở trong pháp hội, ẩn thân không hiện, trở về cõi nước Phật của mỗi vị. Các Bồ Tát đó đến trước đức Phật kia, tác bạch như thế nầy: "Chúng con đến thế giới Ta Bà nghe Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Diệu Kiết Tường tuyên nói chánh pháp, chúng con đã thọ trì, ở đây tuyên bố vì các chúng sanh mà nói, khiến các chúng sinh quyết định chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lúc bấy giờ tôn giả Đại Ca Diếp bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Nay đây chánh pháp thậm thâm ít có, như chúng con đã thấy, Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến trong cung vua nước Ma Già Đà thọ thực đồ cúng dường, Bồ Tát vì vua tuyên nói pháp nầy. Khi ấy vua chứng được quả vô sanh (40) pháp nhẫn, con cũng tùy hỷ, nghe thọ pháp nầy, sau tự khắc trách, sanh tâm đại hoan hỷ; Bạch Thế Tôn! ở trong đời sau, nếu có chúng sanh nào nghe được chánh pháp nầy, tâm sanh chánh giải. Người ấy mới hay rõ biết pháp tự tánh đoạn các nghi lầm, tương lai sẽ quyết định thành bự Chánh Đẳng Chánh Giác
Đức Phật nói:
- Ca Diếp! lành thay! Quý hóa thay! Khéo nói lời trên, nếu các chúng sanh nghe pháp ấy rồi, tương lai quyết chứng quả Phật Bồ Đề
Khi ấy, đức Phật bảo Bồ Tát Từ Thị (41) rằng: ông nay thọ trì pháp nầy, ở trong đời mạt pháp về sau, vì các chúng sinh, tuyên bố diễn thuyết, khiến các chúng sinh đều đặng lợi ích và thu hoạch được đại khoái lạc.
Bồ Tát Từ Thị bạch Phật rằng:
- Như lời Thế Tôn dạy, con sẽ thọ trì, Bạch Thế Tôn! Con ở chỗ Phật đời quá khứ, cũng đã từng nghe thọ pháp nầy, nay ở trước Phật lại được nghe thêm thật là may mắn. Con ở trong đời vị lai sẽ hộ trợ tuyên thông, khiến cho chánh pháp cửu trụ; cho đến con lúc mệnh chung sẽ sanh lên cung trời Đâu Suất (42). Trong cõi trời kia, nếu có người nào căn tánh đại thừa thuận thục, con cũng vị họ khai thị diện nói khiến cho họ phát khởi đạo tâm, tại châu Nam Diêm Phù Đề (43), không bao giờ đoạn tuyệt. Lại nữa trong đời mạt phát, nếu có thiện nam thiện nữ nào, thọ trì đọc tụng chánh pháp nầy, nếu bị các quân ma nhiễu loạn, con tìm đủ cách, đến tận nơi chốn, để mà hộ trợ, khiến các quân ma, không tiện pháp được. Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong đời mạt pháp, nếu có người nào nghe chánh pháp nầy, nghe rồi lãnh thọ, đọc tụng, đúng theo pháp mà tu hành, phải biết người ấy đang kiến lập oai thần của Phật.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Đế Thích (44) thiên chúa rằng:
- Kiều Thi Ca! ông nay thọ trì ghi nhớ chánh pháp tôi đây, đến đời mạt pháp về sau, trở thành vị hộ trợ. Vì sao? Bởi vì pháp nầy hay đoạn tất cả nghi vấn, hay thanh tịnh các nghiệp chướng, cùng các pháp bình đẳng. Lại nữa có đại thế lực. Đế Thích cũng phải biết, nếu ông khi cùng với A Tu La kia chiến đấu, nên nhớ nghĩ pháp nầy. Ông sẽ được toàn thắng, họ sẽ bị thất bại. Lại nữa, nếu người nào bị nạn nhà Vua, nạn giặc cướp, nạn hổ lang, độc trùng, nạn ác thú v.v…trong khi bị nạn, nếu có người suy nghĩ, nhớ đến pháp nầy, người ấy đều được xa lìa các nạn ấy.
Đế Thích Thiên Chúa bạch với Phật rằng:
- Như lời Thế Tôn chỉ dạy, con sẽ hộ trì cho người đời sau, trong các nước, thành, quận, ấy, cho đến các chốn tụ lạc (45), chỗ nào có chánh pháp nầy, con sẽ đến dó cung kính cúng dường, nếu có ai hay thọ trì pháp nầy, con sẽ hộ vệ đến cùng.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo tôn giả A Nan:
- Ông nay thọ trì chánh pháp nầy cho đến đời sau, vì các chúng sinh tuyên bố diễn thuyết. Vì cớ sao? Vì chánh pháp nầy rất là thậm thâm, xưa nay chưa từng có. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì chánh pháp nầy, các vị đó sẽ lìa những nghi lầm, dứt trừ tất cả phiễn não tội cấu. Thế nên ông phải ghi nhớ trụ trì.
Tôn giả A Nan bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn! Con đem sự gia hộ và sức oai thần của Phật đến trong các đời sau tuyên bố pháp nầy, khiến cho các chúng sanh đều đặng lợi ích. Bạch Thế Tôn, kinh nầy đặt tên gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?
Đức Phật bảo ngài A Nan:
- Kinh nầy tên là Kinh Chánh Pháp Chưa Từng Có, và phải thọ trì như pháp.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dăn dò các vị Bồ Tát, Thanh Văn và Đế Thích rồi, liền đến trong pháp hội, hai bên thân Phật phóng ra hào quang sáng lớn, khắp soi mười phương (46), tất cả thế giới, ở trong hào quang kia, phát ra tiếng giọng nhiệm mầu, thông báo cho đại chúng: "Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đã nói chánh pháp, cho đến kiếp hoại, biển lớn khô hết, nhưng pháp nầy không hoại! hay vì chúng sanh làm việc lợi ích vĩ đại. Khi ấy trong hào quang phát ra tiếng nói ấy rồi, những tia hào quang kia thu vào thân Phật.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo A Nan rằng:
- Ông nên nhớ lời Phật nói, cẩn thận chớ quên mất, tới trong đời sau, phải tuyên thông giáo pháp nầy, rộng vì lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi nói Kinh Chánh Pháp Chưa Từng Có nầy, có chín muôn sáu nghìn Trời, người, xa trần lìa cấu, đặng pháp nhãn tịnh (47). Bảy trăm tám mươi muôn người pháp tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ba Muôn hai nghìn Bồ Tát đặng quả vô sanh pháp nhẫn. Tám mươi muôn Bí Sô, không lãnh thọ các pháp thế gian, phiễn não dứt sạch, ý hiểu biết trong sáng. Tức thợi ba nghìn đại thiên (48) thế giới, sáu thứ (49) chấn động. Các cõi trời dục giới (50), ở giữa hư không tấu lên trăm ngàn bản nhạc, cúng dường đức Thế Tôn, vì đã thuyết diệu pháp chưa từng có. Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói chánh pháp nầy rồi, có tất cả thiên ma, ngoại đạo nghe qua lo lợ đều quy đầu với Phật. Giống như lúc Phật mới chuyển pháp luân (51), hàng phục thiên ma, ngày nay diễn tiến, không khác chi cả. Pháp nầy là ấn quyết (52) của chư Phật, là ấn quyết của đại pháp, là ấn giải thoát. Các người có trí, phải học đúng pháp, và phải thật hành đúng như pháp.
Đức Phật nói Kinh nầy rồi, vua nước Ma Già Đà cùng quyến thuộc, Diệu Kiết Tường, các Đại Bồ Tát, Ca Diếp, A Nan, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…các vị đại Thanh Văn, cho đến Trời, người torng thế gian, A Tu La, Càn Thát Bà v.v…Tất cả đại chúng nghe Phật nói xong, thẩy đều hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

LỜI GIẢI KINH CHÁNH PHÁP CHƯA TỪNG CÓ (Quyển thứ sáu)

1. Tội căn: Gốc rễ tội ác. Một khi tội lỗi, nghiệp ác đã ăn sâu, dường như đâm gốc mọc rễ, không thể nhổ bỏ liền được.
2. Cơ nghi: Căn cơ và nghi tắc của mỗi chúng sinh. Mỗi người trình độ không đồng, oai nghi có khác.
3. Pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục đối với các pháp, sự vật vô tình. Người tu học cam chịu với các cảnh khổ, nạn khổ xảy đến cho mình như: gió, mưa, lạnh nắng, đói, khát v.v…mà không buồn, không thối chí trên đường đạo đức. Như vậy kêu là pháp nhẫn.
4. Bổ đặc già la: Pudgala dịch nghĩa: Lúc nào cũng có thể đi đến các cảnh thú, nhận lấy các cảnh thú, mà không có lòng chán ngán.
5. Hạnh đầu đà: Dhudanga; dịch là đào thải, tu trị, nghĩa là phủi bỏ trần cấu của phiền não, khiến cầu Phật đạo. Về hạnh đầu đà. Kinh Pali giải ra 13 mục. Kinh Tàu biên 12 mục.
6. Chánh pháp: Đạo pháp chơn chánh, cao thượng trong sạch: chánh pháp có hai phần: Lý và Thể
1) Lý = ý nghĩa không sai chạy, không tà ngụy, đạo lý từ lúc ban sơ đến cuối cùng đều có tánh cách trong sạch. Thể nên gọi là chánh
2) Thể = pháp tức là nền pháp bảo trong Tam Bảo. Thể của Chánh Pháp lại cũng gom vào trong bốn pháp = giáo, lý, hạnh, quả.
7. Đường ác: Aparagati = Voies mauvaises. Đường xấu nẻo ác. Đường ác có 3 là : Địa ngục, quỷ đói và súc sanh. Ác đạo còn gọi là ác thú.
8. Cảnh giới của tâm: Các nhiễm trước thuộc về vọng, đã là vọng thì làm gì trực tiếp với tâm, nên nói không phải cảnh giới của tâm.
9. Vô sở đắc: Chẳng được chi hết, chẳng có chi mà được. Tự mình liễu đạt các pháp vốn không, tất cả đều như hư không, cho nên không thất rằng mình đắc, không thấy rằng mình có…
10. Pháp vô sanh: Pháp không sanh, các pháp vốn không sanh. Ấy là chân lý thật tướng, thể của Niết Bàn. Các pháp thật ra chẳng có sanh cũng chẳng có diệt. Chỉ có sự phát hiện, do các nhân duyên hòa hiệp hay ly tán mà mình thấy có sinh có diệt, co khởi có dứt đó thôi.
11. Núi Tu Di lớn: Maha Sumeru. Hòn núi lớn nhứt ở trung tâm hoàn cầu. Ấy là hòn núi của tiên thánh, mỗi ngày các ngôi tinh tú xoay chung quanh hòn núi ấy. Theo trong kinh nói: Núi Tu Di cao 84,000 do tuần, bề sâu dưới mặt nước cũng 84, 000 do tuần và bề ngang trên mặt nước cũng vậy. (Xem chỗ giải núi Diệu Cao).
12. Ba Câu Đê: Koti nói về số mục. Ba Câu Đê là ba mươi triệu 30, 000,000.
13. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn của người tu học đắc đạo thể nhập chân lý, các pháp không sanh không diệt, bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh không diệt tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
14. Sơ địa: Địa vị đầu tiên, quả vị ban sơ trong thập địa. Tức là Sơ Địa của Bồ Tát Đại Thừa. Gọi là Hoan Hỷ địa, kêu trọn là Sơ Hoan Hỷ Địa.
15. A Tăng Kỳ Kiếp: Asamkhya, inmombrable. Tên số theo bên Thiên Trúc. Dịch là vô số kiếp. Một a tăng kỳ kiếp, thời hạn vô số kiếp; một kiếp có cả trăm vạn năm.
16. Mười hiệu: Dix appellations du Bouddha. Mỗi đức Phật có đủ 10 hiệu. Ấy là:
1) Như Lai = Tathagata
2) Ứng Cúng – Arhat
3) Chánh Biến Tri = Samyaksambouddha
4) Minh Hạnh Túc = Vidya caranasampanna
5) Thiện Thệ = Sugata
6) Thế Gian Giải = Lokavidu
7) Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu = Anuttara purusadamya sarathi
8) Thiên Nhơn Sư = Sastadevamanusyanam
9) Phật = Bouddha
10) Thế Tôn = Lokanatha hay Bhagavat.
17. Trung kiếp: Kalpa moyen: Thường thì kêu kiếp tức là trung kiếp có 20 tiểu kiếp, tính ra có 336,000,000 năm. Tính cho kỹ, trung kiếp có 335,960,000 năm (xem cách tính ở chữ đại kiếp). Một trung kiếp là một phần của đại kiếp, bốn thời kỳ: Thành, trụ, hoại, không tức là 4 trung kiếp, hiệp lại thành một đại kiếp.
18. Câu đê tuế: Luận về số mục của tuổi. Tức là 10, 000, 000 tuổi.
19. Tam minh: Trois connaissances: Ba thuật sáng suốt của hàng Thánh Giả La Hớn.
1) Túc mạng minh; biết những đời trước của người và của mình luân chuyển thế nào.
2) Thiên nhãn minh: thấy đời của mình và của người về sau sẽ luân chuyển thế nào.
3) Lậu tận minh; biết những cảnh khổ trong đời hiện tại của mình và diết hết các phiền não.
20. Lục thông: Abhijna: Six pouvoirs surnaturels. Trong đạo Phật, người tu đắc quả A La Hớn được giải thoát, dứt phiền não thì được 6 pháp thần thông:
1) Thiên nhãn thông – Dibba-cakkhu
2) Thiên nhĩ thông – Dibba-sota
3) Thiên mạng thông – pubbennivasanussatinana
4) Tha tâm thông – parassa-utoparinnanana
5) Thần túc thông – inddhividha
6) Lậu tận thông – Asavakkhaya
21. Tám giải thoát:
1) Nội hữu sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát
2) Nội vô sắc tướng, ngoại quán sắc giải thoát
3) Tịnh giải thoát thân chứng
4) Không xứ giải thoát
5) Thức xứ giải thoát
6) Vô sở hữu xứ giải thoát
7) Phi hữu tướng, phi vô tướng giải thoát
8) Diệt tận định xứ giải thoát.
22. Ngã kiến: Ý kiến chấp có cái ta, sự thấy rằng có cái thân thiệt. Cũng gọi là thân kiến
23. Chuỗi anh lạc: kevura; Collier de perles, de diamants. Xâu chuỗi bằng châu ngọc. Ấy là món đồ trang sức mà các hàng quý nhơn tại tục ở Ấn Độ đeo nơi cổ, nơi ngực, nơi đầu. Chư Bồ Tát và chư Thiên nữ cũng tự trang sức bằng chuỗi anh lạc. Lại những loài rắn chúa, rồng chúa cũng có đeo anh lạc bằng châu báu.
24. Kim Luân Vương: tức là vị Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị luôn bốn cõi thiên hạ, ngự trên chiếc xe bánh vàng, tiếng Phạn gọi là Tchakravartin.
25. Bốn vật cần dùng: Quatre categories des dons; Bốn vật nầy những vị thí chủ cung cấp nuôi dưỡng các sư tu hành, bằng bốn việc cúng dường:
1) Y phục
2) Đồ ăn uống
3) Phòng, nhà, giường, nệm
4) Thuốc thang.
26. Bảy báu: Sapataratna; Sept joyaux. Bảy món báu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Rất là đẹp đẻ, trang nghiêm
27. Ngồi kiết già: Utkutukasana, cách ngồi theo Phật, tréo mảy chân ngồi. Có cách kiết tường tọa và cách khác gọi là hàng ma tọa.
28. Thiện thệ: Sugata, một trong 10 hiệu của Phật. Thiện là tốt lành, phải, đúng. Thệ là di luôn, không trở lại, đi tới nơi chốn. Thiện Thệ là bậc đi tới bờ bên kia: Niết Bàn. Vị làm xong những việc phải làm, như: tế độ chúng sinh, trọn vẹn hạnh nguyện, và không còn trở lại cõi thế, không còn đáo lại vòng sanh tử, biển luân hồi.
29. Chúng trung tôn: Hàng tôn quý trong đại chúng. Đây là một trong ba ngôi Tam Bảo. Bật Tăng Già tu hành chân chánh, được mọi người quý trọng, cung kính, cúng dường, nên gọi là Chúng Trung Tôn.
30. Đâu Suất thiên cung: Tushitadeva, cung Trời Đâu Suất về thượng giới. Hiện nay, ở cung Đâu Suất có rất nhiều vị Bồ Tát, trước khi giáng thế làm Phật đều ở cung Trời Đâu Suất. Các vị ấy gọi là Bổ Xứ Bồ Tát, hay là nhứt sanh Bổ Xứ Bồ Tát, đều là bậc tự tại thần thông, thường du hóa đi tế độ chúng sinh và du hành các cõi Tịnh Độ của chư Phật.
31. Tạo tháp bảy báu: Xây cất bửu tháp bằng: vàng, bạc, ngọc lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não.
32. Thọ ký: Vyakarana: prediction concernant l'Etat de Bouddha. Thọ là nhận lấy, Ký là ghi nhớ, ghi chứng. Khi một đức Phật phán xét rằng về sau một vị tu hành nào đó sẽ thành Phật. Đó gọi là thọ ký. Cũng như Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho đức Thích Ca Như Lai vậy.
33. Pháp nhẫn: Đức nhẫn nhục đối với các pháp, sự vật vô tình. Người tu học cam chịu với các cảnh khổ, nạn khổ xảy đến cho mình như: gió, mưa, lạnh, nắng, đói, khát v.v…mà không buồn, không thối chí trên đường đạo đức. Như vậy kêu là pháp nhẫn.
34. Tam ma địa: Samadhi, phép thiền định, đại định của nhà đạo bực cao trong khi nhập định thì thân thể và tâm trí chẳng còn xao động, chỉ chăm chú vào một mục đích mà thôi. Lúc bấy giờ, những vọng tưởng, những tà kiến, không thể xâm nhập vào tâm của nhà tu đại định
35. Nhất thiết trí quả: Quả vị Phật đã thể nhập được nhất thiết trí. Cái trí hiểu biết tất cả mọi sự vật, tức là trí của Phật. Trong kinh thường xưng khen Phật là bậc Nhất Thiết Trí. Những ai theo Phật và nghe Chánh pháp, rốt cuộc chắc chắn được nhất thiết trí.
36. Bản vị: Tức là chốn cũ mà quý vị ấy đã ở từ trước: vị trí căn bản.
37. Ba ngàn đại thiên thế giới: Tức là một thế giới lớn như Ta Bà thế giới. 1,000 thế giới nhỏ hiệp thành 1 trung thiên thế giới, thêm vô 1,000 thế giới nữa thành 1 trung thiên thế giới, thêm vô 1,000 thế giới nữa thành 1 đại thiên thế giới (1, 000 = tiểu thiên; 1,000,000 = trung thiên; 1,000,000,000 = đại thiên) Thế thì 1 tam thiên đại thiên thế giới hay 1 đại thiên thế giới có một ngàn triệu thế giới (1,000,000,000)
38. Châu Diêm Phù Đề: Jambudvipa: Một châu trong 4 châu ở địa cầu. Nó ở về phía Nam núi Tu Di, cũng gọi là Thiệm Bộ Châu, tức là trái đấ chúng ta ở mà nước Thiên Trúc choán một phần rộng lớn. Tên Diêm Phù Đề có bởi cây Jambudi, vì ở cõi nầy có cây linh tên là Diêm Phù, dưới bóng cây ấy Thái Tử Siddharta tham thiền nhằm lúc người ta đang cày ruộng.
39. Nhiễu bên hữu ba vòng: Trong nhà Phật, các đệ tử muốn thưa thỉnh việc gì, trước phải đi nhiểu hoặc ba vòng hoạc 7 vòng, hoạc 10 vòng v.v…để tỏ lòng tôn kính. Ba vòng là để biểu tôn kính Tam Tôn, diệt tam độc, đặng tam học…
40. Vô sanh pháp nhẫn: Đức nhẫn của người tu học, đắc đạo thể nhập chân lý; các pháp không sanh không diệt. Bực tu hành nếu hiểu các pháp không sanh, không diệt, tức là hiểu thật tướng sự vật vốn không sanh diệt. Hiểu như thế thì không còn lo rầu, phiền não, đối với chúng sinh, được như vậy gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đi đến chỗ không còn sinh tử luân hồi.
41. Bồ Tát Từ Thị: Maitreya- Bodhisattva Từ Thị: Họ Từ, dòng lành, dòng Phật, vì Phật lấy đức từ bi làm chủ. Từ Thị là tiếng dịch nghĩa, còn tiếng âm theo Phạn ngử là Di Lặc: Maitreya. Vầy Từ Thị Bồ Tát là Di Lặc Bồ Tát. Từ thuở xưa, đức Bồ Tát ấy gặp Phật, phát tâm tu hành, chứng phép từ tâm tam muội. Từ ấy tới nay, Ngài dùng chữ Từ làm tên họ mình. Về sau, Ngài vẫn giữ một tên đó cho đến khi thành Phật, kế tiếp đức Thích Ca Mâu Ni. Hiện nay, Ngài ở trên cung trời Đâu Suất Đà (Tushita).
42. Trời Đâu Suất: Tushitadeva, cung trời Đâu Suất về thượng giới. Hiện nay, ở cung Đâu Suất có rất nhiều vị Bồ Tát, trước khi giáng thế làm Phật đều ở cung trời Đâu Suất. Các vị ấy gọi là Bổ Xứ Bồ Tát, hay là nhứt sanh Bổ Xứ Bồ Tát, đều là bậc tự tại thần thông, thường du hóa đi tế độ chúng sinh và du hành các cõi Tịnh Độ của Chư Phật.
43. Châu Nam Diêm Phù Đề: Jambudvipa; một châu trong 4 châu ở địa cầu. Nó ở về phía Nam núi Tu Di, cũng gọi là Thiệm Bộ Châu, tức là trái đất chúng ta ở mà nước Thiên Trúc choán một phần rộng lớn. Tên Diêm Phù Đề có bởi cây Jambudi, vì ở cõi nầy có cây linh tên là Diêm Phù, dưới bóng cây ấy Thái Tử Sidharta tham thiền nhằm lúc người ta đang cầy ruộng.
44. Đế Thích Thiên Chúa: Indra Cakra. L'Indra des Devas: Đế Thích là Vua chư thiên ở miền Đao Lợi, miền nầy có 33 cảnh. Miền của đức Đế Thích ở thượng tầng cõi Trung Giới. Cao hơn miền của Tứ Thiên Vương và thấp hơn miền Dạ Ma. Ngài ngự trong cảnh đền đài bằng ngọc. Gọi là Hỷ Kiến Thành. Lúc Thích Ca giáng sinh tại thành Ca Tỳ La Vệ, đức Đế Thích có ngự xuống rước mừng
45. Chốn tụ lạc: Nơi ồn ào náo nhiệt, nơi đông người, như ở thành phố hay đô thị ngày nay, gọi là tụ lạc.
46. Mười phương: phương Đông, Tây, Nam, Bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, thượng phương và hạ phương. Gọi là mười phương.
47. Đặng pháp nhãn tịnh: Chứng dặng pháp lý, mắt được thanh tịnh. Chứng đặng quả vị Thanh Văn hay Duyên Giác. Pháp thì tự mình tu tập mà được, hoặc là do bực trên trước truyền cho mà được.
48. Ba nghìn đại thiên thế giới: xin xem số 37 phía trên.
49. Sáu thứ chấn động: xem số 17 trong lời giải quyển 2.
50. Các cõi trời dục giới: Kamadhatu hoặc kamavacara-Region du desir. Một trong ba cảnh giới. Lục Dục Thiên có 6 tầng trời, nơi chư Thiên vừa hưởng các phước lạc về ngũ dục, vưa trông nom cho những hàng A Tu La, nhơn gian và địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các Ngài ủng hộ nền đạo lý, xem xét thế gian, che chở cho người hiền đức tu hành khỏi bị bọn hung thần hại phá. Sáu cõi Trời ấy là: Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, và Tha Hóa Tự Tại Thiên.
51. Chuyển Pháp luân: Xin xem số 27 trong lời giải quyển 1.
52. Ấn quyết: Mudra; Geste magique sceau: Dấu hiệu của một ý định đã quyết. Dấu hiệu bên ngoài dùng để tỏ rằng mình quyết đến quả Phật. Về môn ấn, bàn tay mặt biểu hiệu cho cõi Phật, bàn tay trái cõi người. Ngón tay cái biểu hiệu vũ trụ, càn khôn, ngò trỏ thế cho phong, ngón giữa là hỏa, ngón áp út là thủy, và ngón út là biểu hiệu cho thổ.
Thần ấn = bắt ấn linh, nhập vào Phật trí.
Phục ma ấn = bắt ấn trừ tà.
Tâm ấn = Sự truyện đạo trong tâm.

Tùng Lâm Linh Sơn, ngày 24-06-1988
Thích Huyền Vi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]