Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 70. Kinh Lăng Già giải nghĩa

27/02/202007:29(Xem: 3767)
Bài 70. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

MỤC 2:

PHẬT CHẲNG THUYÊT

MỘT CHỮ:

1). BẤT SINH BẤT DIỆT:

     Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Như Thế Tôn sở thuyết khế kinh, nói nhiếp thọ bất sanh bất diệt; Thế Tôn cũng nói bất sanh bất diệt là biệt danh của Như lai. Taị sao Thế Tôn vì vô tánh mà nói bất sanh bất diệt cho là biệt danh của Như Lai?

     Phật bảo Đại Huệ:

- Ta nói tất cả pháp Bất sanh Bất diệt là chẳng hiện pháp HỮU và VÔ.

     Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng:

- Nếu tất cả pháp bất sanh thì pháp Nhiếp Thọ bất khả đắc, vì pháp nhiếp thọ bất sanh, nếu tất cả pháp bất sanh thì làm sao trong danh tự có pháp? Cúi xin Phật thuyết rõ.

     Phật bảo Đại Huệ:

- Lành thay, lành thay! Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải thuyết.

     Đại Huệ BồTát bạch Phật rằng:

- Cúi xin thọ giáo.

     Phật bảo Đại Huệ:

- Ta nói Như Lai chẳng phải vô tánh, cũng chẳng phải bất sanh bất diệt, nhiếp tất cả pháp, cũng chẳng đợi duyên mà bất sanh bất diệt, cũng chẳng phải vô nghĩa. Đại Huệ! Ta nói ý sanh pháp thân là danh hiệu của Như Lai, nói BẤT SANH kia, chẳng phải cảnh giới cuả tất cả ngoại đạo Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến Thất Trụ Bồ Tát.

Đại Huệ! Nghĩa BẤT SANH kia tức biệt hiệu của Như Lai. Đại Huệ! Ví như lưới báu Nhân Đà La của Đế Thích và Bất Nhân Đà La, các vật ấy mỗi mỗi có nhiều tên gọi, nhưng chẳng phải có nhiều tên mà có nhiều tánh, cũng chẳng phải không có tự tánh.

- Như thế, Đại Huệ! Ta ở nơi thế giới Ta Bà này có ba A Tăng Kỳ trăm ngàn danh hiệu, phàm phu thảy đều nghe, mỗi mỗi xưng danh hiệu ta mà chẳng biết là biệt danh của Như Lai Ta. Đại Huệ! Hoặc có chúng sanh biết Ta là Như Lai, hoặc biết ta là Nhất Thiết Trí, hoặc biết là Phật, hoặc biết là Người Cứu Thế, hoặc biết là Người Tự Giác, hoặc biết là Đạo Sư, hoặc biết là Quảng Đạo, hoặc biết là tất cả đạo, hoặc biết là Thiên Nhơn, hoặc biết là Phạn ( người thanh tịnh ), hoặc biết là Trời, hoặt biết là Tự Tại, hoặc biết là thù thắng, hoặc biết là Tiên Nhơn Tóc Vàng, hoặc biết là Chơn Thật, hoặc biết là mặt trăng, hoặc biết là mặt trời, hoặc biết là Chúa Tể, hoặc biết là Vô Sanh, hoặc biết là Vô Diệt, hoặc biết là Tánh Không, hoặc biết là Như Như, hoặc biết là Chơn Đế, hoặc biết là Thật Tế, hoặc biết là Pháp Tánh, hoặc biết là Niết Bàn, hoặc biết là Thường, hoặc biết là Bình Đẳng, hoặc biết là Bất Nhị, hoặc biết là Vô Tướng, hoặc biết là Giải Thoát, hoặc biết là Đạo, hoặc biết là Sanh v.v... Đại Huệ! Ba A Tăng Kỳ trăm ngàn danh hiệu như thế, chẳng thêm chẳng bớt, thế giới này và thế giới khác thảy đều biết Ta, như mặt trăng trong nước chẳng xuất chẳng nhập. Phàm phu chẳng thể biết Ta, vì đọa nơi nhị biên, nhưng đều cung kính cúng dường Ta, mà chẳng khéo biết từ ngữ danh cú, chẳng có tự thông, chẳng phân biệt được tên và nghĩa, lại chấp trước mỗi mỗi văn tự ngôn thuyết, nơi bất sanh bất diệt cho là Vô Tánh, chẳng biết danh hiệu sai biệt của Như Lai dù nhiều mà nghĩa vốn chẳng sai biệt, như một Đế Thích cũng có nhiều danh hiệu vậy. Vì chẳng biết tự thông hội về căn bản, nên đối với tất cả pháp, đuổi theo ngôn thuyết mà chấp trước.

- Đại Huệ! Bọn ngu si kia nói như thế rằng: "Nghĩa như ngôn thuyết, nghĩa với ngôn thuyết chẳng khác; tại sao? Vì nghĩa chẳng tự thân, ngoài ngôn thuyết chẳng có nghĩa khác, chỉ là ngôn thuyết thôi". Họ bị ác kiến đốt trí, chẳng biết ngôn thuyết tự tánh, chẳng biết ngôn thuyết là sanh diệt, nghĩa thì chẳng sanh diệt. Đại Huệ! Tất cả ngôn thuyết đọa nơi văn tự, nghĩa thì chẳng đọa, vì lìa tánh phi tánh, nên chẳng thọ sanh, cũng chẳng tự thân. Đại Huệ! Như Lai chẳng thuyết pháp đọa văn tự, vì văn tự hữu và vô đều bất khả đắc.

- Đại Huệ! Nếu có ai nói Như Lai thuyết pháp đọa văn tự, ấy là vọng ngữ, vì pháp lìa văn tự. Cho nên Đại Huệ! Ta cùng chư Phật và các Bồ Tát chẳng thuyết một chữ, chẳng đáp môt chữ. Tại sao? Vì pháp lìa văn tự chứ chẳng phải Ta thuyết cái nghĩa không lợi ích cho chúng sanh. Ta chỉ nói ngôn thuyết là vọng tưởng cuả chúngsanh. Đại Huệ! Nếu ta chẳng thuyết tất cả pháp thì giáo pháp sẽ hoại, nếu giáo pháp hoại thì chẳng có chư Phật, Bồ Tát và ThanhVăn, Duyên Giác, vậy còn ai thuyết pháp cho ai?

- Cho nên, Đại Huệ! Đại Bồ Tát chớ chấp ngôn thuyết mà phương tiện tùy nghi rộng thuyết kinh pháp. Do chúng sanh phiền não hy vọng chẳng đồng, nên Ta và chư Phật vì mỗi mỗi hiểu biết khác nhau của chúng sanh mà thuyết các pháp, khiến họ lìa tâm, ý, ý thức, chẳng thuyết chỗ đắc Tự Giác Thánh Trí.

- Đại Huệ! Nơi tất cả pháp vốn Vô Sở Hữu, nếu giác được tự tâm hiện lượng thì lìa được hai thứ vọng tưởng, chư Đại Bồ Tát dựa theo nghĩa này mà chẳng dựa theo văn tự. Nếu thiện nam, tín nữ dựa theo văn tự, là tự hoại Đệ Nhất Nghĩa, chẳng thể tự giác cũng chẳng thể giác tha, đọa nơi ác kiến tương tục mà vì chúng thuyết pháp, chẳng khéo liễu tri tất cả pháp tất cả địa tất cả tướng, cũng chẳng biết nghĩa cú. Nếu khéo biết tất cả Pháp, tất cả Địa, tất cả Tướng, thông đạt nghĩa cú, tánh nghĩa đầy đủ thì họ được dùng sự vui vô tướng của chánh Pháp mà tự thọ sự vui, kiến lập Đại thừa bình đẳng cho chúng sanh.

- Đại Huệ! Người nhiếp thọ Đại thừa thì nhiếp thọ Chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Vì nhiếp thọ chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác thì nhiếp thọ tất cả chúng sanh, nhiếp thọ tất cả chúng sanh thì nhiếp thọ chánh pháp, nhiếp thọ chánh pháp thì Phật chủng chẳng dứt, Phật chủng chẳng dứt thì hay liễu tri chỗ đắc nhập thù thắng. Liễu tri chỗ đắc nhập thù thắng ấy là Đại Bồ Tát thường được ý sanh hóa thân, tùy nghi kiến lập pháp Đại thừa bình đẳng, dùng sức Thập Tự Tại (1) hiện nhiều sắc tướng, thông đạt hình loại phiền não, các tướng hy vọng của chúng sanh mà thuyết pháp như thật. Nói NHƯ THẬT tức là chẳng có khác biệt, tướng như thật là bất khứ, bất lai, tất cả hư ngụy đều dứt, gọi là Như Thật. Đại Huệ! Thiện nam, tín nữ chẳng nên nhiếp thọ sự tùy ngôn thuyết chấp trước, vì nghĩa chơn thật lìa nơi văn tự.

- Đại Huệ! Cũng như phàm phu dùng ngón tay chỉ vật, mà chỉ quán theo ngón tay thì chẳng được nghĩa thật. Cũng thế, nếu phàm phu tùy theo ngôn thuyết của ngón tay mà nhiếp thọ chấp trước thì rốt cuộc chẳng thể đắc Đệ Nhất Nghĩa thật lìa ngón tay ngôn thuyết. Đại Huệ! Ví như nuôi trẻ nhỏ, nên cho ăn đồ chín, không nên cho ăn đồ sống, nếu cho ăn đồ sống thì có thể khiến nó phát bệnh. Người đuổi theo ngôn thuyết vì chẳng biết thứ lớp phương tiện cuả nghĩa pháp chín mùi cũng như thế. Do đó, Đại Huệ! Đối với pháp Bất sanh Bất diệt, người tu chẳng biết phương tiện là chẳng khéo tu, cho nên hành giả phải khéo tu phương tiện, chớ tùy theo ngôn thuyết như xem ngón tay mà chẳng thấy chỗ ngón tay chỉ. Cho nên, Đại Huệ! Người tu nên khéo biết phương tiện nơi nghĩa chơn thật, nghĩa chơn thật là nhân của Niết Bàn vi diệu tịch tịnh, ngôn thuyết là vọng tưởng hòa hợp, vọng tưởng là tích tụ sanh tử.

- Đại Huệ! Nghĩa chơn thật là từ người đa văn mà đắc. Đại Hụê! Nói ĐA VĂN là thấu nơi nghĩa, chẳng phải ở nơi ngôn thuyết. Nói THẤU NGHĨA thì chẳng theo kinh luận của tất cả ngoại đạo, tự thân chẳng theo, cũng chẳng khiến người khác theo, ấy gọi là Đại Đức Đa Văn. Cho nên người muốn cầu nghĩa nên thân cận bậc đa văn thì thấu được nghĩa. Trái với nghĩa này tức là chấp trước ngôn thuyết, nên phải xa lìa.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) THẬP TỰ TẠI LỰC: Nói tắt là Thập Lực, là mười thứ sức tự tại của Phật là:

1. Biết rõ khả thi và bất khả thi trong mọi trường hợp.

2. Biết rõ nhân qủa nghiệp báo, tạo nhân nào có qủa gì.

3. Biết rõ chúng sinh thọ báo ở ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc.

4. Biết rõ thành trụ hoại diệt của vạn vật thế giới vũ trụ.

5. Biết rõ căn tánh của mỗi chúng sinh.

6. Biết rõ căn cơ học đạo cao thấp của mỗi người.

7. Biết rõ các loại thiền giải thoát.

8. Biết rõ tiền kiếp của chính Ngài.

9. Biết rõ nghiệp duyên tiền kiếp của chúng sinh.

10. Biết rõ sự chấm dứt hữu lậu ô nhiễm.

 

     Đoạn 1 Mục 2, Quyển 4 này, Bồ Tát Đại Huệ thắc mắc hỏi: “Như Thế Tôn thuyết khế kinh, nói nhiếp thọ bất sinh bất diệt; Thế Tôn cũng nói bất sanh bất diệt là biệt danh của Như lai; tại sao Thế Tôn vì vô tánh mà nói bất sinh bất diệt cho là biệt danh của Như Lai?

     Đức Phật đáp rằng: “Tất cả pháp không sinh không diệt là chẳng thể hiện pháp Hữu và Vô”. Nghĩa là tất cả pháp sinh diệt chỉ là ý niệm nhận thức, là khái niệm đối đãi tùy thuộc nhân duyên, không có chủ thể. Thực tại vượt khỏi ý niệm, chẳng thể hiện được sự Có và Không đích thực, vì nó luôn luôn biến đổi, là ảo huyển, không thật, là giả tạm có, nên rốt ráo là bất sinh bất diệt.

     Bồ Tát Đại Huệ lại thưa hỏi Phật rằng: “Nếu tất cả pháp bất sinh thì pháp nhiếp thọ bất khả đắc, vì pháp nhiếp thọ bất sinh, nếu tất cả pháp bất sinh thì làm sao trong danh tự có pháp?

     Đức Phật bảo rằng: “- Ta nói Như Lai chẳng phải vô tánh, cũng chẳng phải bất sanh bất diệt, nhiếp tất cả pháp, cũng chẳng đợi duyên mà bất sanh bất diệt, cũng chẳng phải vô nghĩa. Đại Huệ! Ta nói ý sanh pháp thân là danh hiệu của Như Lai, nói BẤT SANH kia, chẳng phải cảnh giới cuả tất cả ngoại đạo Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến Thất Trụ Bồ Tát”.

     Nghĩa là Ngài bảo rằng nghĩa của Như Lai không phải chẳng có tính (vô tánh), không phải bất sinh bất diệt, chẳng thụ nhận (nhiếp) tất cả pháp, cũng chẳng do có duyên đến mà bất sinh bất diệt, cũng chẳng phải vô nghĩa, vì tự tính Như Lai vốn thanh tịnh, bản thể tâm khắp không thời. Do đó Ngài nói ý sinh pháp thân là danh hiệu của Như Lai, nên nói BẤT SINH chẳng phải cảnh giới của tất cả ngoại đạo Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến hàng Bồ Tát bậc bảy.

     Ngài giảng: “Đại Huệ! Nghĩa BẤT SANH kia tức biệt hiệu của Như Lai. Đại Huệ! Ví như lưới báu Nhân Đà La của Đế Thích và Bất Nhân Đà La, các vật ấy mỗi mỗi có nhiều tên gọi, nhưng chẳng phải có nhiều tên mà có nhiều tánh, cũng chẳng phải không có tự tánh”.

     Nghĩa là lấy Không Sinh làm biệt hiệu của Như Lai, nhưng ví như lưới báu Nhân Đà La của Đế Thích và Bất Nhân Đà La, các vật ấy đều có nhiều tên gọi, nhưng chẳng phải có nhiều tên mà có nhiều tính, cũng chẳng phải không có bản thể tính (tự tánh).

     Như thế, Ngài ở nơi thế giới Ta Bà này có vô số (ba A Tăng Kỳ trăm ngàn) danh hiệu, phàm phu thảy đều nghe, mỗi xưng danh hiệu mà chẳng biết là biệt danh của Như Lai. Hoặc có chúng sanh biết Ngài là Như Lai, hoặc biết Ngài là Nhất Thiết Trí, hoặc biết Ngài là Phật, hoặc là Người Cứu Thế, hoặc là Người Tự Giác, hoặc là Đạo Sư, hoặc là Quảng Đạo, hoặc là tất cả đạo, hoặc là Thiên Nhân, hoặc là Phạn (người thanh tịnh), hoặc là Trời, hoặt Tự Tại, hoặc thù thắng, hoặc Tiên Nhân Tóc Vàng, hoặc Chân Thật, hoặc mặt trăng, hoặc mặt trời, hoặc Chúa Tể, hoặc Vô Sinh, hoặc Vô Diệt, hoặc Tánh Không, hoặc Như Như, hoặc Chân Đế, hoặc Thật Tế, hoặc Pháp Tánh, hoặc Niết Bàn, hoặc Thường, hoặc Bình Đẳng, hoặc Bất Nhị, hoặc Vô Tướng, hoặc Giải Thoát, hoặc Đạo, hoặc Sinh v.v...

     Vô số danh hiệu như thế, chẳng thêm chẳng bớt, thế giới này và thế giới khác thảy đều biết Ngài, như bóng mặt trăng trong nước chẳng xuất chẳng nhập. Phàm phu chẳng thể biết Ngài, vì rơi vào (đọa) nơi hai bên (nhị biên), nhưng đều cung kính cúng dường Ngài, mà chẳng khéo biết từ ngữ danh cú, chẳng lìa chấp nhân duyên lìa vọng tưởng chẳng rơi vào hai bên, vượt khỏi tâm ý và ý thức (tự thông), chẳng phân biệt được tên và nghĩa, lại chấp trước các văn tự ngôn thuyết, nơi bất sinh bất diệt cho là Vô Tánh, chẳng biết danh hiệu sai biệt của Như Lai dù nhiều mà nghĩa vốn chẳng sai biệt, như một Đế Thích cũng có nhiều danh hiệu vậy. Vì chẳng biết lìa chấp nhân duyên lìa vọng tưởng chẳng rơi vào hai bên vượt khỏi tâm ý và ý thức (tự thông) là hội về căn bản, nên đối với tất cả pháp, đuổi theo lời nói (ngôn thuyết) mà chấp thật.

     Ngài nói tiếp: “Bọn si mê kia nói như thế rằng:Nghĩa như ngôn thuyết, nghĩa với ngôn thuyết chẳng khác; tại sao? Vì nghĩa chẳng tự thân, ngoài ngôn thuyết chẳng có nghĩa khác, chỉ là ngôn thuyết thôi””.

     Đức Phật giảng rằng: “Họ bị ác kiến đốt trí, chẳng biết ngôn thuyết tự tánh, chẳng biết ngôn thuyết là sanh diệt, nghĩa thì chẳng sanh diệt. Đại Huệ! Tất cả ngôn thuyết đọa nơi văn tự, nghĩa thì chẳng đọa, vì lìa tánh phi tánh, nên chẳng thọ sanh, cũng chẳng tự thân. Đại Huệ! Như Lai chẳng thuyết pháp đọa văn tự, vì văn tự hữu và vô đều bất khả đắc”.  Nghĩa là họ chấp cái ta (Ngã kiến), chấp hai bên (Biên kiến), chấp cái sai (Tà kiến), chấp cả ba thứ đó (Kiến thủ kiến), kẹt vào giới vướng vào hình thức, không nắm được bản chất của giới (Giới cấm thủ kiến), nên bị đốt tri thức (ác kiến đốt trí); chẳng biết lời nói là bản thể tâm (tự tánh), vì chẳng biết lời nói là sinh diệt mà nghĩa thì chẳng sinh diệt. Tất cả lời nói rơi vào (đọa) nơi nghe (văn tự), nghĩa thì chẳng đọa, vì lìa ý niệm bản tính cố hữu là nhận thứ sai (lìa tánh phi tánh), nên chẳng thọ sinh, cũng chẳng hiện diện (tự thân); Ngài chẳng thuyết pháp rơi vào nói nghe, vì văn tự Có và Không đều không thể đạt (bất khả đắc).

     Ngài giảng tiếp đại ý rằng: Nếu có ai nói Như Lai thuyết pháp rơi vào nói nghe (đọa văn tự), đây là nói sai (vọng ngữ), vì pháp lìa văn tự; cho nên Ngài cùng Chư Phật và các đại Bồ Tát chẳng thuyết một chữ, chẳng đáp một lời, tại sao? Vì pháp lìa văn tự chứ chẳng phải Ngài thuyết cái nghĩa không lợi ích cho chúng sinh, Ngài chỉ nói ngôn thuyết là vọng tưởng cuả chúng sinh. Nếu Ngài chẳng thuyết tất cả pháp thì giáo pháp sẽ diệt mất (hoại), nếu giáo pháp diệt mất thì chẳng có chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn và Duyên Giác, vậy còn ai thuyết pháp cho ai?

     Vì vậy cho nên, Đại Bồ Tát chớ chấp lời nói (ngôn thuyết), mà phương tiện tùy nghi rộng thuyết kinh pháp, do chúng sinh phiền não, mong muốn (hy vọng) chẳng đồng, nên Ngài và chư Phật vì mỗi hiểu biết khác nhau của chúng sinh mà thuyết các pháp, khiến họ lìa tướng các hiện tượng vạn vật thế giới (tâm), dứt khởi niệm liên tục (ý), bỏ phân biệt tương tục (ý thức) hư vọng, mà chẳng thuyết chỗ đắc Tự Giác Thánh Trí.

     Nơi tất cả pháp vốn là không, không có tướng hiện hữu, không thật (Vô Sở Hữu), nếu khéo biết được sự nhận biết phân biệt sai của khái niệm chưa suy xét (giác được tự tâm hiện lượng) thì lìa được vọng tưởng, Chư Đại Bồ Tát dựa theo nghĩa này mà chẳng dựa theo văn tự. Nếu thiện nam, tín nữ dựa theo văn tự, là tự hoại Thánh đế (Đệ Nhất Nghĩa), chẳng thể tự biết (tự giác) cũng chẳng thể giúp người biết (giác tha), đọa nơi thấy sai liên tiếp (ác kiến tương tục) mà vì chúng thuyết pháp, chẳng khéo hiểu biết rõ ràng (liễu tri) tất cả pháp tất cả tâm (địa) tất cả tướng, cũng chẳng biết nghĩa cú. Nếu khéo hiểu biết tất cả Pháp, tất cả tâm, tất cả tướng, thông đạt nghĩa cú, tính nghĩa đầy đủ thì họ dùng vô tướng của chính Pháp mà tự thọ sự vui, kiến lập bình đẳng cho chúng sinh.

     Người thụ nhận (nhiếp thọ) Chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác thì thọ nhận tất cả chúng sinh, thọ nhận tất cả chúng sinh thì thọ nhận chính pháp, thọ nhân chính pháp thì mầm Phật (Phật chủng) chẳng dứt, Mầm Phật chẳng dứt thì hay hiểu biết rõ ràng (liễu tri) chỗ đắc nhập thù thắng. Hiểu biết rõ ràng chỗ đắc nhập thù thắng ấy là Đại Bồ Tát thường được “Ý sinh hóa thân”, tùy nghi kiến lập pháp bình đẳng, dùng sức “Mười lực Tự Tại” hiện nhiều sắc tướng, thông đạt tất cả các loại phiền não, các điều mong muốn (hy vọng) của chúng sinh mà thuyết pháp như thật. Nói NHƯ THẬT tức là chẳng có so đo phận biệt, tướng như thật là chẳng qúa khứ tương lai (bất khứ, bất lai), tất cả hư ngụy đều dứt, gọi là Như Thật; thiện nam, tín nữ chẳng nên thọ nhận sự tùy lời nói chấp thật, vì nghĩa chân thật lìa nơi nói nghe (văn tự).

 

     Cũng như phàm phu dùng ngón tay chỉ vật, mà chỉ quán nơi ngón tay thì chẳng được nghĩa thật; cũng thế, nếu phàm phu tùy theo ngón tay mà thụ nhận (nhiếp thọ) chấp thật thì rốt cuộc chẳng thể đạt chân thật (Đệ Nhất Nghĩa). Ví như nuôi trẻ nhỏ, nên cho ăn đồ chín, không nên cho ăn đồ sống, nếu cho ăn đồ sống thì có thể khiến nó phát bệnh; người đuổi theo lời nói (ngôn thuyết) chẳng biết thứ lớp phương tiện của nghĩa pháp chín mùi cũng như thế. Do đó, đối với pháp không sinh không diệt, người tu chẳng biết phương tiện là chẳng khéo tu, cho nên hành giả phải khéo tu phương tiện, chớ tùy theo lời nói như xem ngón tay mà chẳng thấy chỗ ngón tay chỉ. Cho nên, người tu nên khéo biết phương tiện nơi nghĩa chân thật, nghĩa chân thật là nhân của Niết Bàn vi diệu tịch tịnh, lời nói là vọng tưởng hòa hợp, vọng tưởng là tích tụ sinh tử.

     Nghĩa chân thật là từ người học nhiều hiểu rộng (đa văn) mà được (đắc), nói ĐA VĂN là thấu nơi nghĩa, chẳng phải ở nơi lời nói (ngôn thuyết). Muốn THẤU NGHĨA thì chẳng theo kinh luận của ngoại đạo, tự mình chẳng theo, cũng chẳng khiến người khác theo, đây gọi là người đại tri thức (Đại Đức Đa Văn). Cho nên người muốn cầu nghĩa nên thân cận bậc đa văn thì thấu được nghĩa; trái với nghĩa này tức là chấp thật lời nói, nên phải xa lìa.

     Tóm lại, Đức Phật giảng rất chi tiết như trên, tựu chung Ngài dạy chúng ta không nên dính mắc vào lời nói vì nó là sinh diệt sẽ bị lôi kéo vào luân hồi, mà chỉ nên theo ý nghĩa mà hành trì vì nó không sinh diệt sẽ dẫn tới giải thoát, đó là ý nghĩa Ngài nói : "Ta không thuyết một chữ” là vậy.

 

2). BẤT SINH BẤT DIỆT

     CỦA NGOẠI ĐẠO:

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]