Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 52: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

28/09/201721:37(Xem: 5063)
Bài 52: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

4. KHĂN THẮT SÁU NÚT

 

     A Nan và đại chúng nghe lời dạy vô thượng và bài tụng tinh túy, diệu lý trong suốt của Phật, tâm được sáng tỏ, tán thán pháp chưa từng có. A      Nan chắp tay đảnh lễ bạch Phật:
- Nay con dù nghe pháp tánh chân thật, vi diệu trong sạch của Phật, nhưng tâm còn chưa thấu nghĩa "lục mở nhất tiêu" theo thứ tự của mở thắt, xin Phật rủ lòng từ bi, thương xót cả hội này và chúng sanh đời vị lai, bố thí pháp âm và rửa sạch trần cấu cho chúng con.
     Tức thời, Như Lai từ nơi tòa sư tử, chỉnh áo trong và sửa đại y, dựa vào ghế thất bảo (1), lấy cái khăn bông của cõi Trời Dạ Ma cúng dường ở trước mặt đại chúng thắt một cái kết, rồi hỏi A Nan:
- Đây gọi là gì?
     A Nan và đại chúng đều đáp:
- Gọi là thắt kết.
     Như Lai thắt thêm một kết nữa, lại hỏi A Nan:
- Đây gọi là gì?
     A Nan và đại chúng lại đáp:
- Đây cũng gọi là thắt kết.
     Phật tuần tự thắt sáu cái kết trên khăn, mỗi khi thắt xong một cái, đều lấy cái kết vừa thắt hỏi:
- A Nan, Đây gọi là gì?
     A Nan và đại chúng cũng tuần tự đáp lại Phật:

- Đây gọi là thắt kết.
     Phật bảo A nan:
- Khi ta mới thắt cái khăn thì ông gọi là thắt kết, khăn bông này vốn chỉ có một, tại sao lần thứ hai, lần thứ ba các ông cũng gọi là thắt kết?
     A Nan bạch Phật:
- Khăn này dù chỉ có một theo con nghĩ: Như Lai thắt một lần thì được gọi là một cái kết, nếu thắt đến trăm lần thì phải gọi là trăm cái kết, huống là khăn này chỉ có sáu kết, không lên đến bảy, cũng không ngưng ở năm, tại sao Như Lai chỉ cho cái đầu tiên được gọi là thắt kết, còn cái thứ hai, thứ ba thì chẳng gọi là thắt kết?
     Phật bảo A Nan:
- Ông biết khăn bông này vốn chỉ là một, khi ta thắt sáu lần thì gọi là sáu kết. Ông hãy xét kỹ, bản thể của khăn là đồng, do thắt kết mà thành khác. Ý ông thế nào? Cái thắt kết đầu tiên thì gọi là kết thứ nhất, như vậy cho đến cái kết thứ sáu, nay ta muốn gọi cái kết thứ sáu thành kết thứ nhất, có được chăng?
- Bạch Thế Tôn! Sáu kết nếu còn thì cái thứ sáu chẳng thể gọi là cái thứ nhất, dẫu cho con dùng hết biện tài nhiều kiếp để sáng tỏ nghĩa lý, cũng chẳng thể khiến sáu thắt kết lộn tên được.
     Phật nói:
- Đúng thế! Sáu kết chẳng đồng chỉ do một khăn tạo ra, nhưng muốn làm cho sáu kết đảo lộn tên gọi, thì chẳng thể được. Lục căn của ông cũng vậy, trong rốt cuộc đồng, sanh rốt cuộc khác, ông ắt chê sự khác nhau của sáu kết, mà mong muốn thành đồng một, thì phải làm sao mới được.
     A Nan đáp:
- Thắt kết nếu còn thì thị phi mống khởi, trong đó tự sanh phân biệt kết này chẳng phải kết kia, kết kia chẳng phải kết này. Nếu hôm nay Như Lai giải tỏa tất cả, thắt kết chẳng sanh nữa thì không có bỉ thử (2), nhất còn chẳng có, làm sao thành lục?
     Phật bảo:
- Cái nghĩa "Lục mở nhất tiêu" cũng như thế, do tâm ông cuồng loạn từ vô thỉ, vọng sanh tri kiến, sanh mãi không thôi, như con mắt ngó lâu mỏi mệt phát ra cảnh trần, thì có hoa đốm lăng xăng vọng khởi nơi tánh trong lặng, các tướng thế gian như núi sông, đất đai, sanh tử, Niết Bàn v.v... tất cả đều là tướng hoa đốm điên đảo do mỏi mệt mà phát sanh.
     A Nan hỏi:
- Cái mỏi mệt này cũng như cái thắt kết kia, làm sao mở được?
Như Lai lấy tay cầm khăn đã thắt, kéo riêng mối bên trái, rồi hỏi A Nan:
- Thế này có mở được chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không ạ. Phật lại lấy tay kéo riêng mối bên phải, hỏi A Nan:
- Thế này có mở được chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không ạ.
     Phật bảo A Nan:
- Nay ta lấy tay kéo mối hai bên mà chẳng mở được, vậy ông có cách nào để mở chăng?
- Bạch Thế Tôn! Nên mở nơi trung tâm thắt kết thì tan rã ngay.
     Phật nói:
- Đúng thế! Đúng thế! Muốn giải tỏa thắt kết thì phải mở nơi trung tâm thắt kết. A Nan, ta thuyết pháp từ nhân duyên ra, chẳng phải lấy tướng thô hòa hợp của thế gian. Như Lai phát minh pháp thế gian và xuất thế gian, đều biết rõ bản nhân của nó theo sở duyên gì mà ra; cho đến quá trình dời đổi của một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới, trước mắt các thứ tòng thẳng, gai cong, cò trắng, quạ đen v.v.. đều rõ nguyên do. A Nan! Nay tùy ông lựa chọn một căn nơi Lục căn, nếu giải tỏa được gốc căn thì tướng trần tự diệt, vọng tưởng liền tiêu, vậy chẳng phải chân là gì?

GIẢI NGHĨA

(1) Thất bảo: Là bảy thứ qúy, gồm: vàng bạc, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, xích châu, lưu ly.

(2) Không có bỉ thử: Bỉ là kia, cái kia, thử là này, cái này; không có bỉ thử là không có cái này cái kia, ý nói là không có so đo phân biệt chuyện này chuyện kia nữa.    

    

     Đoạn Kinh này, Đức Phật dùng cái khăn để biểu trưng chỉ cho bản thể của tâm, các nút thắt từ thứ nhất đến thứ sáu tượng trưng cho Sáu Căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Thứ tự từ một đến sáu không thể đảo lộn được vì mắt chẳng phải là tai mũi lưỡi thân ý, tai chẳng phải là mắt mũi lưỡi thân ý, v.v... Khi mở tung sáu thắt nút rồi, nghĩa là khi Sáu Căn sạch hết dính mắc Sáu Trần, hết vọng tưởng thì bản thể của tâm chẳng còn thấy nữa, nên nói Sáu mở thì Một mất (lục mở nhất tiêu) là vậy.

     Đức Phật bảo: “- Cái nghĩa "Lục mở nhất tiêu" cũng như thế, do tâm ông cuồng loạn từ vô thỉ, vọng sanh tri kiến, sanh mãi không thôi, như con mắt ngó lâu mỏi mệt phát ra cảnh trần, thì có hoa đốm lăng xăng vọng khởi nơi tánh trong lặng, các tướng thế gian như núi sông, đất đai, sanh tử, Niết Bàn v.v... tất cả đều là tướng hoa đốm điên đảo do mỏi mệt mà phát sanh”. Nghĩa là do căn bị dính mắc bởi trần sinh ra chấp thật cảnh trần mà không biết rằng tất cả vạn pháp đều chỉ như nhìn lâu mỏi mệt sinh ra hoa đốm hư ảo thôi.
     Tôn giả A Nan hỏi: “- Cái mỏi mệt này cũng như cái thắt kết kia, làm sao mở được?”

     Đức Phật nói: “- Muốn giải tỏa thắt kết thì phải mở nơi trung tâm thắt kết. . . . A Nan! Nay tùy ông lựa chọn một căn nơi Lục căn, nếu giải tỏa được gốc căn thì tướng trần tự diệt, vọng tưởng liền tiêu, vậy chẳng phải chân là gì?” Nghĩa là nuốn giải tỏa thắt kết thì phải lựa một căn thích hợp và ngay căn ấy mà gỡ trần ra, bằng cách không cho trần dính mắc lôi kéo căn, không cho ý so đo phân biệt tưởng nhớ này nọ, như vậy sẽ đạt tâm không, thì chân tâm hiển lộ vậy.

5. THẮT NÚT THEO THỨ LỚP

THÌ MỞ PHẢI CÓ TRƯỚC SAU

 

- A Nan! Ta lại hỏi ông:  Cái khăn sáu kết này nếu cùng một lượt mở ra, có được chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không ạ! Kết này khi thắt có thứ tự, nay mở cũng phải theo thứ tự. Sáu kết dù đồng thể, nhưng thắt chẳng cùng thời, thì làm sao có thể mở cùng một lượt?
     Phật nói:
- Giải tỏa lục căn cũng như vậy, căn này vừa bắt đầu giải tỏa thì được Nhân Ngã Không (1), nếu tánh Không sáng tỏ, thì Pháp Ngã (2) giải thoát, thành tựu pháp giải thoát xong, cả hai thứ Không đều chẳng sanh, ấy gọi là từ Tam Ma Địa, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn (3) của Bồ Tát.
     A Nan và đại chúng nghe Phật khai thị huệ giác viên thông (4), chẳng còn nghi hoặc, bèn chắp tay đảnh lễ, bạch Phật rằng:
- Nay chúng con thân tâm rõ ràng vô ngại, dù đã ngộ cái nghĩa "nhất lục đều tiêu", nhưng còn chưa thấu đạt nguồn gốc của viên thông. Thế Tôn, chúng con bị trôi lăn lẻ loi từ nhiều kiếp, ngờ đâu lại được làm con của Phật, như đứa bé khát sữa bỗng được gặp mẹ, nếu nhân cơ hội này mà thành đạo, được mật ngôn của Phật, đồng với bổn ngộ của con, thì mới tự rõ: nghe và chưa nghe chẳng có sai biệt. Xin Phật rủ lòng từ bi ban cho bí nghiêm (5) để con được thành tựu lời khai thị cuối cùng của Như Lai. Nói xong, năm vóc gieo sát đất, lui về chỗ ẩn mật, mong Phật âm thầm mật thọ.

 

GIẢI NGHĨA

 

(1) Nhân ngã không: Là không chấp con người có cái ta, vì con người chẳng có tự thân.

(2) Pháp không: Là tất cả vạn vật đều không có tự thể, nên đều là không.

(3) Vô sinh pháp nhẫn: Nhẫn là thể nhập, Vô Sinh Pháp là pháp chân thật thì thanh tịnh mà lià các tướng sinh diệt; Vô Sinh Pháp Nhẫn là thể nhập lý không sinh không diệt.

(4) Huệ giác Viên thông: Hụệ là trong sạch, Viên thông là điều hòa đầy đủ; Huệ giác viên thông là điều hòa đầy đủ tính biết trong sạch.

(5) Bí nghiêm: Bí là bí mật, nghiêm là khẩn gấp, riết ráo, có uy thế đáng sợ; Bí nghiêm là có uy thế tối thiết.

    

     Đức Phật hỏi rằng: “Cái khăn sáu kết này nếu cùng một lượt mở ra, có được chăng?”  Tôn giả A Nan thưa: “- Bạch Thế Tôn! Không ạ! Kết này khi thắt có thứ tự, nay mở cũng phải theo thứ tự. Sáu kết dù đồng thể, nhưng thắt chẳng cùng thời, thì làm sao có thể mở cùng một lượt?”

     Đức Phật khai thị rằng: “- Giải tỏa lục căn cũng như vậy, căn này vừa bắt đầu giải tỏa thì được Nhân Ngã Không, nếu tánh Không sáng tỏ, thì Pháp Ngã giải thoát, thành tựu pháp giải thoát xong, cả hai thứ Không đều chẳng sanh, ấy gọi là từ Tam Ma Địa, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ Tát”. Nghĩa là giải tỏa Sáu Căn cũng phải từng căn một, không thể giải tỏa cả Sáu Căn môt lượt. Khi giải tỏa một căn thì trần phải dứt dính mắc căn, không còn suy nghĩ tưởng nhớ tới căn trần thức của căn ấy nữa. Khi đó trong tâm không còn bóng dáng chấp người và ta nữa (được nhân ngã không), tới khi tính không này được tịch tịnh sáng tỏ thì được thoát khỏi những cái của ta (pháp ngã giải thoát). Khi cả hai nhân ngã và pháp ngã đều không thì nhập thể không sinh không diệt (chứng vô sinh pháp nhẫn).

      Dù chưa đến chỗ Sáu Căn thanh tịnh hoàn toàn, nhưng Sáu mở thì Một diệt; do Sáu mở nên Thân được vô ngại, do Một diệt nên Tâm vô ngại, đã rõ ràng chẳng còn nghi hoặc. Nhưng Tôn giả A Nan Đà còn chưa hiểu nguồn gốc của tu căn nào dễ viên thông nhất cho được mau chứng điều hòa trong sạch đầy đủ (viên thông). Do đó Tôn giả A Nan Đà thỉnh cầu Đức Phật nói lời bí mật (mật ngôn) pháp vi diệu tối thiết (bí nghiêm). Nói về căn thì có thể hiển bày, so sánh căn nào dễ điều hòa tính biết trong sạch (huệ giác viên thông), để dựa theo đó tu Tam Ma Địa, quán sự hư ảo của nó, hầu dứt bỏ các tham chấp nhân pháp, nhưng sự chứng ngộ phải do tự tu tự ngộ vậy.

2). CĂN TRẦN THỨC ĐẠI

     ĐỀU ĐẠT VIÊN THÔNG


 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]