Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 27: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

05/04/201715:58(Xem: 4906)
Bài 27: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH

THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

4 - THIỆT NHẬP VỐN VÔ SINH:

- A Nan! Ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi mỏi mệt, người có bệnh thấy có vị đắng, người chẳng bệnh thấy có chút vị ngọt, do vị giác thấy ngọt và đắng, tỏ rõ cái lưỡi lúc chưa phát dụng vốn chẳng có vị giác. Cả cái lưỡi cùng cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề. Do hai thứ vọng trần Ngọt và Đắng, hiện ra vị giác, thu nạp cảnh trần gọi là tánh nếm; tánh nếm này lìa ngọt và đắng vốn chẳng có tự thể.
- A Nan nên biết! Cái biết đắng biết ngọt này chẳng từ ngọt đắng ra, chẳng từ lưỡi ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao? Nếu từ đắng ra, thì khi ngọt, tánh nếm đã diệt, làm sao biết ngọt? Nếu từ ngọt ra, thì khi đắng, tánh nếm đã diệt, làm sao biết đắng? Nếu từ lưỡi ra thì chẳng có ngọt đắng, vậy biết vị giác vốn chẳng có tự tánh. Nếu từ hư không ra, thì hư không tự nếm chứ chẳng phải ngươi nếm; lại, hư không tự nếm, có liên quan gì đến chỗ nhập của ngươi? Nên biết Thiệt Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢI NGHĨA

     Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà rằng: “Ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi mỏi mệt, người có bệnh thấy có vị đắng, người chẳng bệnh thấy có chút vị ngọt, do vị giác thấy ngọt và đắng, tỏ rõ cái lưỡi lúc chưa phát dụng vốn chẳng có vị giác. Cả cái lưỡi cùng cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề. Do hai thứ vọng trần Ngọt và Đắng, hiện ra vị giác, thu nạp cảnh trần gọi là tánh nếm; tánh nếm này lìa ngọt và đắng vốn chẳng có tự thể”.

 

     Ở đây, Đức Phật cho ví dụ như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi sinh mỏi mệt, người có bệnh thấy có vị đắng, người chẳng bệnh thấy có chút vị ngọt, do biết vị (vị giác) nên thấy ngọt và đắng, tỏ rõ cái lưỡi lúc chưa phát dụng vốn chẳng có biết vị gì cả. Cả cái lưỡi cùng cái mỏi mệt đó, đều giống như tướng ngó lâu của mắt mỏi mệt của tính tỉnh biết (Bồ Đề); do hai thứ vọng trần Ngọt và Đắng, hiện ra biết vị, thu nạp cảnh trần gọi là tính nếm; tính nếm này lìa ngọt và đắng vốn hư huyển chẳng thật (chẳng có tự thể).

     Đức Phật bảo: “Cái biết đắng biết ngọt này chẳng từ ngọt đắng ra, chẳng từ lưỡi ra, cũng chẳng từ hư không ra”. Tại sao? Ngài giảng:

- Nếu từ đắng ra, thì khi ngọt, tánh nếm đã diệt, làm sao biết ngọt?

- Nếu từ ngọt ra, thì khi đắng, tánh nếm đã diệt, làm sao biết đắng?

- Nếu từ lưỡi ra thì chẳng có ngọt đắng, vậy biết vị giác vốn chẳng có tự tánh.

- Nếu từ hư không ra, thì hư không tự nếm chứ chẳng phải ông nếm; lại, hư không tự nếm, có liên quan gì đến chỗ nhập của ông?

 

     Xem như vậy thì cái nếm chẳng phải từ ngọt đắng, chẳng phải từ cái lưỡi, cũng chẳng phải từ hư không, do đó cái nếm này là hư ảo huyển hóa không thật, cho nên Ngài nói: “Nên biết Thiệt Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên” là vậy.

5 - THÂN NHẬP VỐN VÔ SINH:

- A Nan! Ví như có người dùng bàn tay lạnh tiếp xúc với bàn tay nóng, nếu bên lạnh nhiều hơn thì bên nóng cũng thành lạnh theo; nếu bên nóng nhiều hơn thì bên lạnh cũng thành nóng theo, cái xúc giác của hai tay hợp lại là nhờ khi hai tay rời ra mới được biết rõ, sở dĩ thế nóng nhiều liền theo nóng, thế lạnh nhiều liền theo lạnh, là do nơi xúc giác mỏi mệt mà thành. Cả cái thân và cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề. Do hai thứ vọng trần Ly và Hợp, hiện ra xúc giác, thu nạp cảnh trần, gọi là tánh xúc giác; tánh xúc giác này lìa sự ly, hợp, thuận, nghịch vốn chẳng có tự thể.
- A Nan nên biết! Xúc giác này chẳng từ ly hợp ra, chẳng từ thuận nghịch ra, chẳng từ thân thể ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao? Nếu từ hợp ra, thì khi ly, tánh xúc giác đã diệt, làm sao biết ly? Đối với hai tướng thuận nghịch thì cũng như vậy. Nếu từ thân thể ra thì chẳng có ly, hợp, thuận, nghịch, vậy biết xúc giác của ông vốn chẳng có tự tánh. Nếu từ hư không thì hư không tự hay biết, có liên quan gì đến chỗ nhập của ông? Nên biết Thân Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢI NGHĨA:

    Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà rằng: “Ví như có người dùng bàn tay lạnh tiếp xúc với bàn tay nóng, nếu bên lạnh nhiều hơn thì bên nóng cũng thành lạnh theo; nếu bên nóng nhiều hơn thì bên lạnh cũng thành nóng theo, cái xúc giác của hai tay hợp lại là nhờ khi hai tay rời ra mới được biết rõ, sở dĩ thế nóng nhiều liền theo nóng, thế lạnh nhiều liền theo lạnh, là do nơi xúc giác mỏi mệt mà thành. Cả cái thân và cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề. Do hai thứ vọng trần Ly và Hợp, hiện ra xúc giác, thu nạp cảnh trần, gọi là tánh xúc giác; tánh xúc giác này lìa sự ly, hợp, thuận, nghịch vốn chẳng có tự thể”.

     Ở đây, Ngài cho thí dụ dùng bàn tay lạnh tiếp xúc với bàn tay nóng, cái xúc giác của hai tay hợp lại là nhờ khi hai tay rời ra mới được biết rõ nóng lạnh, là do nơi xúc giác mỏi mệt mà thành. Cả cái thân và cái mỏi mệt đó, đều giống mắt nhìn lâu mỏi mệt của tánh tỉnh biết (Bồ Đề). Do hai thứ vọng trần Ly và Hợp, hiện ra xúc giác, thu nạp cảnh trần, gọi là tính xúc giác; tính xúc giác này lìa sự ly, hợp, thuận, nghịch là huyển ảo không thật (vốn chẳng có tự thể).

     Đức Phật bảo: “Xúc giác này chẳng từ ly hợp ra, chẳng từ thuận nghịch ra, chẳng từ thân thể ra, cũng chẳng từ hư không ra”. Tại sao? Ngài giảng:

- Nếu từ hợp ra, thì khi ly, tánh xúc giác đã diệt, làm sao biết ly? Đối với hai tướng thuận nghịch thì cũng như vậy. 

- Nếu từ thân thể ra thì chẳng có ly, hợp, thuận, nghịch, vậy biết xúc giác của ông vốn chẳng có tự tánh.

- Nếu từ hư không thì hư không tự hay biết, có liên quan gì đến chỗ nhập của ông?

 

     Xem như vậy thì xúc giác chẳng phải từ ly hợp, chẳng phải từ thân thể, cũng chẳng phải từ hư không, do đó xúc giác này là hư ảo huyển hóa không thật, cho nên Ngài nói: “Nên biết Thân Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên” là vậy.

6 - Ý NHẬP VỐN VÔ SINH:

- A Nan! Ví như có người mệt nhọc thì ngủ, ngủ đã bèn thức, gặp cảnh thì nhớ, không nhớ thì quên, như cảnh mộng giả dối cho là chân thật, ấy là điên đảo. Các tướng sanh, trụ, dị, diệt, tùy duyên thay đổi từng sát na, chẳng vượt khỏi nhau. Gom sự hiểu biết trong đó thành tướng mỏi mệt; cả ý căn cùng cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề.
- Do hai thứ vọng trần Sanh và Diệt, vọng khởi pháp trần bên trong, thành cái biết của ý căn. Ý căn như dòng nước, sự trước mắt nhờ tai mắt thấy nghe tiền trần bên ngoài là thuận lưu; sự tưởng nhớ chẳng nhờ tai mắt được thấy nghe pháp trần bên trong là nghịch lưu, khi chảy ngược vào chỗ tai mắt chẳng thể đến, chỉ có ý căn mới biết, gọi là tánh hay biết của ý căn; tánh hay biết này lìa thức, ngủ, sanh, diệt, vốn chẳng có tự thể.
- A Nan nên biết! Cái hay biết của ý căn chẳng từ thức ngủ ra, chẳng từ sanh diệt ra, chẳng từ ý căn ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao? Nếu từ thức ra, thì khi ngủ, ý căn đã theo thức diệt, lấy gì để biết ngủ? Nếu từ sanh mà ra, thì khi diệt đồng như không, ai biết sự diệt? Nếu từ diệt ra thì khi sanh đã không có, ai biết sự sanh? Nếu từ ý căn ra thì chẳng có tướng thức, ngủ, vậy cái hay biết của ý căn đồng như hoa đốm trên không, vốn chẳng có tự tánh. Nếu từ hư không ra, thì hư không tự biết, có liên quan gì đến chỗ nhập của ông? Nên biết, Ý Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢI NGHĨA:

     Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà rằng: “Ví như có người mệt nhọc thì ngủ, ngủ đã bèn thức, gặp cảnh thì nhớ, không nhớ thì quên, như cảnh mộng giả dối cho là chân thật, ấy là điên đảo. Các tướng sanh, trụ, dị, diệt, tùy duyên thay đổi từng sát na, chẳng vượt khỏi nhau. Gom sự hiểu biết trong đó thành tướng mỏi mệt; cả ý căn cùng cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề”.

     Ở đây, Đức Phật bảo rằng ý thức của con người gặp cảnh thì nhớ, khi nhớ khi quên, đều như cảnh mộng giả dối cho là chân thật, đó là điên đảo. Bốn tướng sinh ra (sinh), sống còn (trụ), bệnh (dị), chết (diệt), tùy duyên thay đổi mau chóng (từng sát na). Tất cả những sự hiểu biết đó làm thành tướng mỏi mệt, ý căn cùng cái mỏi mệt đó, đều giống như mắt nhìn lâu mỏi mệt của tính tỉnh biết (Bồ Đề).

     Đức Phật giảng: “- Do hai thứ vọng trần Sanh và Diệt, vọng khởi pháp trần bên trong, thành cái biết của ý căn. Ý căn như dòng nước, sự trước mắt nhờ tai mắt thấy nghe tiền trần bên ngoài là thuận lưu; sự tưởng nhớ chẳng nhờ tai mắt được thấy nghe pháp trần bên trong là nghịch lưu, khi chảy ngược vào chỗ tai mắt chẳng thể đến (sự vật đã qua hoặc cách xa), chỉ có ý căn mới biết, gọi là tánh hay biết của ý căn; tánh hay biết này lìa thức, ngủ, sanh, diệt, vốn chẳng có tự thể”.

     Nghĩa là do hai thứ vọng trần Sinh và Diệt, vọng khởi pháp trần bên trong, thành cái biết của ý căn, ý căn liên tiếp như dòng nước chảy. Nhờ mắt thấy, tai nghe sự vật trước mắt (tiền trần) sắc thanh bên ngoài là ý thức (thuận lưu); sự tưởng nhớ chẳng nhờ mắt tai được thấy nghe pháp trần bên trong là vọng thức hay còn gọi là đầu độc ý thức (nghịch lưu), khi sự vật đã qua hay cách xa thì chẳng có pháp trần (chảy ngược vào chỗ tai mắt chẳng thể đến), chỉ có ý căn mới biết, gọi là tính hay biết của ý căn; tánh hay biết này lìa thức ngủ, sinh diệt, vốn là hư ảo không thật (chẳng có tự thể).

     Đức Phật bảo: “Cái hay biết của ý căn chẳng từ thức ngủ ra, chẳng từ sanh diệt ra, chẳng từ ý căn ra, cũng chẳng từ hư không ra”. Tại sao? Ngài giảng:

- Nếu từ thức ra, thì khi ngủ, ý căn đã theo thức diệt, lấy gì để biết ngủ?

- Nếu từ sanh mà ra, thì khi diệt đồng như không, ai biết sự diệt?

- Nếu từ diệt ra thì khi sanh đã không có, ai biết sự sanh?

- Nếu từ ý căn ra thì chẳng có tướng thức, ngủ, vậy cái hay biết của ý căn đồng như hoa đốm trên không, vốn chẳng có tự tánh.

- Nếu từ hư không ra, thì hư không tự biết, có liên quan gì đến chỗ nhập của ông?

 

     Xem như vậy thì cái hay biết chẳng phải từ thức ngủ, chẳng phải từ sinh diệt, chẳng phải từ ý căn, cũng chẳng phải từ hư không, do đó cái hay biết này là hư ảo huyển hóa không thật, cho nên Ngài nói: “Nên biết Ý Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên” là vậy.

3). MƯỜI HAI XỨ VÔ SINH:      (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]