Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 28. Kinh Địa Tạng giải nghĩa

23/04/201620:27(Xem: 5541)
Bài 28. Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

7) NGUYỆN LỚN SỚM THÀNH.

- Lại nữa, này Bồ Tát QuánThế Âm! Về đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn để cứu độ tất cả chúng sanh, muốn tu đạo vô lượng chánh giác, muốn thoát khỏi tam giới.

Những người đó thấy hình tượng và nghe danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, rồi chí tâm quy y hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn uống, v.v... để cúng dường chiêm ngưỡng đảnh lễ thời chỗ nguyện cầu của kẻ thiện nam cùng thiện nữ đó mau được thành tựu không bao giờ bị chướng ngại.

Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào, muốn cầu trăm nghìn muôn ức điều nguyện trăm nghìn muôn ức sự về hiện tại cùng vị lai, thì chỉ nên quy y chiêm ngưỡng đảnh lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng.

Được như thế thời nguyện những gì và cầu những chi thảy đều thành tựu cả.

Lại cầu mong Bồ Tát Địa-Tạng, vận đức từ bi rộng lớn ủng hộ mãi cho, người đó trong giấc chiêm bao liền được Ngài Bồ Tát Địa-Tạng xoa đảnh thọ ký.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn 7, Đức Phật nói: “Lại nữa, này Bồ Tát QuánThế Âm! Về đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào muốn phát lòng từ rộng lớn để cứu độ tất cả chúng sanh, muốn tu đạo vô lượng chánh giác, muốn thoát khỏi tam giới; những người đó thấy hình tượng và nghe danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng. Rồi chí tâm quy y hoặc đem hương hoa, y phục, vật báu, đồ ăn uống, v.v... để cúng dường chiêm ngưỡng đảnh lễ thời chỗ nguyện cầu của kẻ thiện nam cùng thiện nữ đó mau được thành tựu không bao giờ bị chướng ngại”. Nghĩa là người giữ đủ năm giới (kẻ thiện namngười thiện nữ) muốn tu hạnh Bồ Tát thoát khỏi ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc (Tam giới) để cứu độ chúng sinh, thì tu quán sát cái thấy (thấy hình), cái nghe (nghe danh hiệu), rồi chí tâm suy nghĩ quán sát (chí tâm chiêm ngưỡng) về cái ngửi (hương hoa), cái vị (đồ ăn uống), cái xúc (y phục), cái ý (vật báu); suy nghĩ như thế nào? Suy nghĩ rằng những thứ này đều là giả có, là ảo huyển, không thật, khi thấy rõ chúng là không thật rồi thì một lòng tôn trọng (đảnh lễ) không cho những thứ này lôi kéo dẫn dắt tâm ý chúng ta vào tham cầu năm dục; tức là không cho sáu Căn bị dính mắc lôi kéo bởi sáu Trần, thì người thiện sẽ mau được thành tựu nguyện cầu (độ tất cả chúng sinh) của mình.

Đức Phật nói tiếp: “Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào, muốn cầu trăm nghìn muôn ức điều nguyện trăm nghìn muôn ức sự về hiện tại cùng vị lai, thời chỉ nên quy y chiêm ngưỡng đảnh lễ, cúng dường, ngợi khen hình tượng của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng”. Nghĩa là người thiện nào muốn cầu bất cứ điều gì trong hiện tại và tương lai thì chỉ cần tôn trọng (đảnh lễ) sự quán sát (chiêm ngưỡng), rồi xa lià bỏ đi dứt trừ (cúng dường) dính mắc khen chê yêu ghét (khen ngợi) tất cả các thứ vọng tướng vọng tưởng trong tâm (hình tượng Địa Tạng). Do đó Ngài nói:“Được như thế thì nguyện những gì và cầu những chi đều thành tựu cả”, nghĩa là khi đã thực hành được nhu nhuyễn đầy đủ như trên rồi thì có vô số công đức nên cầu gì cũng được dễ dàng là vậy. Nếu tu hành tới mức rồi thì có thể đạt tâm thanh tịnh và trong chiêm bao sẽ được thọ ký cho ngày giải thoát, vì vậy cho nên đức Phật nói: “Người đó trong giấc chiêm bao liền được Ngài Bồ Tát Địa-Tạng xoa đảnh thọ ký” là vậy.

.8) ĐƯỢC TRÍ HUỆ.

- Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Trong đời sau, như có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào sinh lòng rất trân trọng đối với kinh điển đại thừa, phát tâm bất tư nghị muốn đọc muốn tụng kinh điển ấy.

Dầu gặp được bực minh sư truyền dạy cho những người đó học tập, nhưng đọc rồi quên rồi, trải đến cả tháng cả năm vẫn không đọc tụng được.

Những kẻ thiện nam đó vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch, cho nên ở nơi kinh điển đại thừa không có công năng đọc tụng.

Nhưng hạng người này khi nghe danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, đem hết bản tâm cung kính bày tỏ với Bồ Tát, rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn, tất cả đồ ngọa cụ, v.v... cúng dường hình tượng Bồ Tát.

Dùng một chén nước trong để trước tượng Bồ Tát một ngày một đêm, sau đó cung kính chắp tay thỉnh để uống, xoay mặt về hướng nam.

Khi nước vào miệng phải chí tâm trịnh trọng, uống nước xong, phải cữ ngũ vị tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày.

Người thiện nam cùng thiện nữ đó trong giấc chiêm bao thấy Bồ Tát Địa-Tạng hiện thân vô biên rưới nước trên đảnh của người đó.

Sau khi thức dậy, người đó liền được thông minh, một phen nghe đến những kinh điển đại thừa ấy liền sẽ nhớ mãi, không bao giờ còn quên một câu kệ nữa.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn 8 này, Đức Phật nói đại ý: “Có người thiện nào sinh lòng trân trọng kinh điển đại thừa, phát tâm muốn đọc tụng kinh điển ấy, nhưng đọc rồi lại quên, trải đến nhiều tháng vẫn không thông suốt được; những người thiện đó vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch, cho nên ở nơi kinh điển này không có công năng đọc tụng. Nhưng hạng người này khi nghe danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, đem hết bản tâm cung kính bày tỏ với Bồ Tát, rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn, tất cả đồ ngọa cụ, v.v... cúng dường hình tượng Bồ Tát”. Nghĩa là người thiện này ngồi thiền định (đồ ngọa cụ) xoay cái nghe nghe tâm mình (nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng), tôn trọng (cung kính) suy xét (bày tỏ) tâm mình; rồi để ý mắtđối với sắc (hoa), mũi đối với mùi (hương), lưỡi đối với vị (đồ ăn), thân đối với xúc (y phục); không để những thứ này (cúng dường) ngự trị dính mắc trong tâm. 

Ngài nói tiếp: “Dùng một chén nước trong để trước tượng Bồ Tát một ngày một đêm, sau đó cung kính chắp tay thỉnh để uống, xoay mặt về hướng nam; khi nước vào miệng phải chí tâm trịnh trọng, uống nước xong, phải cữ ngũ vị tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày”. Nghĩa là người thiện tôn trọng (cung kính chắp tay) ngồi thiền trong một ngày tròn 24 giờ liên tục để đạt tâm thanh tịnh (uống nước trong), khi được tâm thanh tịnh rồi thì phải hứa nguyện cứu độ chúng sinh (xoay mặt hướng nam) Nam Thiệm Bộ Châu.

     Còn phải triệt để tôn trọng giữ gìn Năm Giới không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và không dùng Ngũ Vị Tân là hành, hẹ, tỏi, nén, cừ là những thứ kích thích tính dâm dục. Thực hành như thế trong bảy ngày cho đến hai mươi mốt ngày liên tục, thì: “Người thiện nam cùng thiện nữ đó trong giấc chiêm bao thấy Bồ Tát Địa-Tạng hiện thân vô biên rưới nước trên đảnh của người đó; sau khi thức dậy, người đó liền được thông minh, một phen nghe đến những kinh điển đại thừa ấy liền sẽ nhớ mãi, không bao giờ còn quên một câu kệ nữa”. Nghĩa là người ấy trong giấc ngủ sẽ thấy thân tâm rộng lớn vô biên (thấy Bồ Tát Địa Tạng hiện thân vô biên) ví như có nước cam lộ mát rợi rưới trên đầu (rưới nước trên đảnh); sau khi thức dậy, liền nhớ được những gì đã đọc hay nghe qua dù chỉ một lần.

9) TAI NẠN TIÊU TRỪ.

- Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Về trong đời sau, như có những người nào ăn mặc không đủ, cầu chi cũng không toại nguyện, hoặc thân nhiều tật bịnh, hoặc nhiều sự hung suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc chia lìa, hoặc các sự tai vạ cứ đến khuấy nhiễu nơi thân luôn, trong giấc mộng thường phải kinh sợ.

Những người như thế đó, khi nghe danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng, thấy hình tượng của Bồ Tát Địa-Tạng nên chí tâm cung kính niệm đủ một muôn biến, thời những sự không toại ý trên đó sẽ tiêu sạch lần lần, liền được an vui, đồ ăn mặc dư dật, cho đến trong giấc mộng đều an ổn vui vẻ.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn thứ 9 này nói đến người đói rách, người bệnh tật, người cầu gì cũng chẳng được, người hay gặp những tai họa không lúc nào yên, người có quyến thuộc bị chia lià v.v…; nghĩa là những người bị khổ bức bách ngay trong giấc ngủ cũng thấy khổ và sợ. Nếu những người này xoay cái nghe nghe tâm mình (nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng), quán sát các vọng tướng của tâm mình (thấy hình tượng của Địa-Tạng); khi xoay cái nghe nghe tự tánh và quán sát tâm tư, tức là nghe và quán xét những vọng tâm vọng tưởng nổi lên trong tâm, để thấy chúng là tạm bợ, không thật mà là giả. Tất cả những thứ đó như bụi phủ gương, như mây mù che khuất mặt trời, chúng chỉ là khách đến rồi đi; biết được như vậy rồi xa lià rời bỏ, thì như gương sạch, như mây tan, tức là tu hành để không cho những thứ suy nghĩ tưởng nhớ xuất hiện trong tâm nữa.

     Ở đây ngoài việc xoay cái nghe nghe tự tính, ngoài cái quán sát tâm mình, người đó phải nhớ (niệm) tu hành Tham Thiền để hỏi cái tâm (danh hiệu Địa Tạng) mỗi ngày tham cả vạn lần không ngưng nghỉ, tham câu “Nam Mô Địa Tạng, niệm Địa Tạng là ai?”, thì “Những sự không toại ý trên đó sẽ tiêu sạch lần lần, liền được an vui, đồ ăn mặc dư dật, cho đến trong giấc mộng đều an ổn vui vẻ”, tại sao? Vì người đó quyết tử tu hành Tham Thiền tinh tấn lâu bền miên mật được thì sẽ có thể đốn ngộ tức đạt Thánh qủa, nếu đạt Thánh qủa sẽ độ vô lượng chúng sinh; lúc đó nghiệp báo bệnh tật tan rã, tai họa chẳng có, đói rách không còn vì được cúng dường đầy đủ, muốn gì cũng được, thân quyến xum vầy vì mọi người đều muốn gần gũi bậc Thánh, nên cả trong giấc mộng cũng an vui yên ổn.

10) KHỎI HIỂM NGUY.

- Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Về đời sau, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc nhân sự làm ăn, hoặc nhân sự công chuyện tư, hoặc nhân sự sinh cùng tử, hoặc nhân việc gấp mà phải vào trong rừng núi, hay là qua sông vượt biển hoặc gặp nước lụt lớn, hoặc đi ngang đường hiểm trở.

Người ấy trước khi đi nên niệm danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng một muôn biến, được thế thời đi qua nơi nào chốn nào cũng có các vị Quỉ Thần hộ vệ, lúc đi đứng, khi nằm ngồi, đều được an ổn vui vẻ luôn, cho đến dầu gặp loài hùm sói sư tử... nhưng tất cả thứ độc hại đều không thể phạm đến người đó được.

Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm: “Ngài Bồ Tát Địa-Tạng có nhân duyên rất lớn với cõi Diêm Phù Đề. Nếu nói về những sự mà các hàng chúng sanh thấy hình nghe tên của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng được lợi ích, thời dầu nói đến trong trăm nghìn kiếp cũng không hết được.

Này Bồ Tát Quán Thế Âm! Vì thế Ông nên dùng thần lực mà lưu truyền kinh này làm cho chúng sanh trong cõi Ta Bà đây mãi đến trăm nghìn kiếp được hưởng những sự an vui luôn”.

GIẢI NGHĨA

     Đoạn thứ 10 nói về sự khỏi bị hiểm nguy, Đức Phật nói: “Lại nữa, này Bồ Tát Quán Thế Âm! Về đời sau, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc nhân sự làm ăn, hoặc nhân sự công chuyện tư, hoặc nhân sự sanh cùng tử, hoặc nhân việc gấp mà phải vào trong rừng núi, hay là qua sông vượt biển hoặc gặp nước lụt lớn, hoặc đi ngang đường hiểm trở. Người ấy trước khi đi nên niệm danh hiệu của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng một muôn biến, được thế thời đi qua nơi nào chốn nào cũng có các vị Quỉ Thần hộ vệ, lúc đi đứng, khi nằm ngồi, đều được an ổn vui vẻ luôn, cho đến dầu gặp loài hùm sói sư tử... nhưng tất cả thứ độc hại đều không thể phạm đến người đó được”.

     Nghĩa là nếu người thiện nào có việc phải đi qua vùng nguy hiểm, người ấy trước khi đi nên tu niệm “Nam Mô Bồ Tát Địa Tạng” vô số lần liên tục trong nhiều ngày, không nghĩ chuyện gì khác, đây là một lối tu để đưa tâm vào định tĩnh (Tam muội) thì sẽ có lợi ích.

     Một cách tu khác là Tham Thiền của Thiền Tông cao siêu và đi theo đường thẳng tắp để kiến tánh, người tu hỏi chính cái tâm mình, người ấy nhớ (niệm) không lúc nào quên hỏi cái tâm (danh hiệu Địa Tạng) “Nam Mô Địa Tạng, niệm Địa Tạng là ai?” Tham như thế vô số lần (muôn biến) không ngưng nghỉ trong nhiều ngày, được như thế sẽ được tâm an định thì dù có vào chốn nguy hiểm cũng vẫn an ổn bình tĩnh không sợ hãi, ví như được “Qủy Thần hộ vệ”. Dù có gặp những kẻ ác dữ nói xấu nói thêu dệt nói đâm thọc nói ác cũng không làm cho tức giận buồn phiền sợ hãi, ví như gặp các thú dữ hùm sói sư tử v.v…, cũng không dám làm hại là vậy, mà nếu đốn ngộ thì được giải thoát.

     Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm: “Ngài Bồ Tát Địa-Tạng có nhân duyên rất lớn với cõi Diêm Phù Đề. Nếu nói về những sự mà các hàng chúng sanh thấy hình nghe tên của Ngài Bồ Tát Địa-Tạng được lợi ích, thời dầu nói đến trong trăm nghìn kiếp cũng không hết được”. Nghĩa là chúng sinh trong thế giới Ta Bà này do duyên của Tâm mà có, nên nói “Bồ Tát Địa-Tạng có nhân duyên rất lớn với cõi Diêm Phù Đề”. Nếu nói về chúng sinh quán chiếu cái tâm (thấy hình Địa Tạng), xoay cái nghe nghe cái tâm (nghe tên Địa Tạng) được lợi ích, thì “nói đến trăm nghìn kiếp cũng không hết”, nghĩa là nói đến cái Tâm (Địa Tạng) thì có vô số điều để nói, có vô biên lợi ích để nói. Do đó, Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: “Ông nên dùng thần lực mà lưu truyền Kinh này làm cho chúng sinh trong cõi Ta Bà mãi đến trăm nghìn kiếp được hưởng những sự an vui” là vậy.

(Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567