Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 4: Tin hiểu

21/05/201115:39(Xem: 10684)
Phẩm 4: Tin hiểu

KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch

Cuốn 2

Phẩm 4: Tin hiểu

Lúc ấy Tu Bồ Đề, vị tôn giả lấy tuệ giác làm sinh mạng, cùng các tôn giả Ca Chiên Diên, Đại Ca Diếp và Mục Kiền Liên, từ nơi đức Thế Tôn nghe được điều chưa từng có, là nghe đức Thế Tôn trao cho tôn giả Xá Lợi Phất lời ghi thành tựu tuệ giác vô thượng, thì thấy thật là hiếm có, nên hoan hỷ, phấn chấn, tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa pháp y, trần vai phải, đầu gối bên phải quỳ xuống chấm đất, chuyên nhất tâm trí mà chắp tay chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, rồi cúi mình, cung kính thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, chúng con ở vào địa vị đứng đầu chư Tăng, tuổi cũng già cả, ai cũng tự cho đã được Niết bàn, không kham làm gì được nữa, không thể bước tới mà cầu tuệ giác vô thượng. Trước đây, mỗi khi đức Thế Tôn thuyết pháp lâu, thì chúng con lúc ấy cũng ngồi tại chỗ nghe pháp, nhưng cơ thể mệt mỏi, chỉ nghĩ nhớ về không, không sắc tướng và không ưa thích. Còn đối với pháp Bồ tát, như thần thông du hóa mà làm sạch thế giới làm nên chúng sinh, thì chúng con không có ý gì thích thú. Như vậy là vì đức Thế Tôn đã làm cho chúng con thoát ba cõi, chứng Niết bàn, thêm nữa tuổi chúng con đã già cả, nên đối với tuệ giác vô thượng mà đức Thế Tôn dạy cho Bồ tát, chúng con không có một ý niệm ham thích. Ngày nay, đối trước đức Thế Tôn, chúng con được nghe ngài trao cho Thanh văn lời ghi thành tựu tuệ giác vô thượng thì lòng quá hoan hỷ, được sự chưa từng có. Chúng con không ngờ ngày nay bỗng nhiên nghe được điều hiếm có ấy. Chúng con tự mừng một cách sâu xa vì được ích lợi vĩ đại, vô số ngọc báu chúng con không cầu mà tự được cả.

Bạch đức Thế Tôn, bây giờ chúng con thích thú mà trình bày một sự ví dụ để thưa rõ ý nghiã như vậy. Ví như có người tuổi đã nhỏ dại mà lại bỏ cha trốn đến xứ khác, ở lâu mười năm, hai mươi năm, cho đến năm mươi năm. Khi tuổi lớn rồi, lại thêm nghèo khốn, người ấy bôn ba khắp nơi để kiếm cơm áo, lần hồi đến nhằm đô thành cha ở. Còn người cha thì từ trước đến giờ tìm con mà không được, nên dừng lại mà ở tại đô thành ấy. Ông rất giàu có. Tài sản và bảo vật, đại loại như bạc vàng, lưu ly, san hô, hổ phách, pha lê và chân châu thì vô số. Mọi kho tàng đều tràn đầy. Có lắm phụ tá, môn lại và tôi tớ. Voi ngựa, xe cộ và bò dê thì vô số kể. Lợi tức thu chi khắp cả các nước. Thương khách rất đông đảo.

Người con nghèo khốn đi qua các vùng dân cư, hết xứ lớn đến xứ nhỏ, và rồi đến nhằm đô thành cha ở. Người cha vẫn thường nhớ con. Xa con hơn năm mươi năm mà ông chưa bao giờ nói việc ấy với ai, chỉ nghĩ riêng mà buồn tiếc. Ông lo già cả, nhiều của, vàng bạc kho tàng tràn đầy mà không có con cháu, một mai chết đi thì của ấy tiêu tan vì không có người để giao phó. Lo nghĩ như vậy nên ông thường tha thiết nhớ con. Ông nghĩ nếu gặp con để giao của thì hết lo hết nghĩ, vui thích biết mấy.

Bạch đức Thế Tôn, người con nghèo khốn làm thuê làm mướn, lần hồi đến nhằm lâu đài người cha, đứng lại bên cửa, xa thấy người cha ngồi trên ngai sư tử mà ghế đẩu nâng chân cũng trang hoàng vàng ngọc. Bà la môn, sát lợi và cư sĩ thì kính cẩn bao quanh. Thân ông trang sức bằng chuỗi ngọc chân châu giá trị ngàn vạn tiền vàng. Môn lại và tôi tớ thì cầm quạt lông trắng đứng hầu hai bên. Trên đầu thì che trướng đính ngọc và treo rủ xuống là những dải phan kết hoa. Dưới đất thì được rưới nước thơm và rải những thứ hoa danh tiếng. Bảo vật thì la liệt và đang được thu chi. Đủ thứ hoa mỹ và đặc biệt tôn nghiêm như vậy. Người con nghèo khốn thấy người cha tư thế lớn lao đến thế thì sợ hãi, hối tiếc đến nhằm chỗ này. Nghĩ thầm đây là vua hoặc ngang với vua, không phải chỗ mình làm mướn kiếm ăn. Chẳng bằng đi đến xóm nghèo, có chỗ bán sức, cơm áo dễ kiếm hơn. Ta đứng mãi ở đây thì có thể bị cưỡng bách làm việc. Nghĩ vậy nên bỏ chạy thật mau. Người cha, vị trưởng giả giàu có ấy, ngồi trên ngai sư tử nhưng thấy con thì nhận biết được liền, lòng rất vui mừng, nghĩ rằng bảo vật kho tàng của ta nay đã có người để giao phó rồi. Ta nhớ mãi đứa con này, không làm sao gặp được mà nay nó bỗng nhiên tự đến, rất hợp nguyện ước của ta. Ta già rồi mà vẫn ham con tiếc của! Tức thì sai phái viên cấp tốc chạy theo dẫn về. Phái viên chạy mau đến bắt. Người con nghèo khốn kinh hãi, lớn tiếng kêu oan, tôi đâu có xúc phạm gì đến các người, tại sao các người bắt tôi? Phái viên bắt càng gấp, kéo bừa dẫn về. Người con nghèo khốn tự nghĩ vô tội mà bị bắt như bắt tù thì chắc phải chết. Càng nghĩ càng sợ nên ngất đi mà ngã xuống đất. Người cha từ xa thấy vậy thì bảo phái viên, ta không cần người này nữa; đừng dẫn người này về theo cách cưỡng bách như thế. Hãy lấy nước lạnh rưới mặt cho người này tỉnh lại, nhưng đừng nói gì với người này nữa. Người cha bảo như vậy vì biết con mình ý chí thấp hèn. Ông tự biết chính sự cao sang của mình làm cho con mình khiếp sợ. Biết đích là con trai của mình, nhưng người cha áp dụng phương tiện, không nói với ai rằng người này là con tôi. Ông bảo phái viên nói với con mình, rằng ta thả anh, anh đi đâu tùy ý. Người con nghèo khốn mừng như được sự chưa từng có, từ đất đứng dậy, đi đến xóm nghèo để kiếm cơm áo.

Trưởng giả muốn dẫn dụ con mình nên lập chước phương tiện. Ông kín đáo sai hai phái viên hình sắc tiều tụy, không oai phong gì, dặn rằng các người đi tìm người nghèo khốn vừa rồi, từ từ nói rằng ở đây ta có việc thuê làm, trả giá gấp đôi. Người ấy chịu thì các người dẫn về cho làm. Người ấy có hỏi muốn thuê làm gì, thì các ngươi bảo thuê quét dọn dơ bẩn, và chúng tôi cùng làm với anh. Hai phái viên tức khắc đi tìm người con nghèo khốn. Tìm được nói rõ mọi việc. Người con nghèo khốn hỏi biết giá thuê, rồi đi liền đến lâu đài người cha mà quét dọn dơ bẩn với hai người kia.

Người cha thấy con như vậy thì vừa thương xót vừa quái lạ. Ngày khác, từ trong cửa sổ, ông xa thấy thân con gầy ốm tiều tụy, phân đất bụi bặm làm bẩn cả người. Tức khắc ông cởi chuỗi ngọc, cởi áo mềm mịn thượng hạng và bao nhiêu đồ trang sức khác, thay vào, ông mặc chiếc áo thô rách cáu bẩn, lại làm cho bụi đất lấm lem cả người, rồi tay phải cầm dụng cụ quét dọn dơ bẩn, bộ dáng có vẻ ghê sợ đồ dơ, đến bảo những người làm thuê: Các người hãy làm cho siêng, đừng nhác đừng nghỉ. Với cách phương tiện ấy ông mới gần được con ông. Sau đó lại bảo: Chàng trai này, hãy làm luôn ở đây, đừng đi đâu nữa. Ta sẽ trả thêm tiền thuê cho anh. Cần gì về thau chậu, gạo bún, muối giấm, thì đừng có e ngại. Có người sai vặt vừa già vừa xấu kia, cần thì ta cấp cho. Anh hãy yên tâm. Ta như cha anh, anh đừng lo nghĩ gì cả. Ta đối xử như vậy là vì ta già cả mà anh trai trẻ, vời lại anh làm việc thường không dối không nhác, không tức giận không oán than. Ta không thấy anh có những tính xấu ấy như các người làm thuê khác. Từ nay về sau anh như con trai của ta sinh ra. Trưởng giả tức thì đặt cho cái tên gọi là con. Người con nghèo khốn, dẫu mừng vì sự đãi ngộ ấy, vẫn tự xưng như cũ, rằng mình là người ngoài, người làm thuê hèn hạ. Do vậy mà trong hai mươi năm trời, vẫn chỉ được bảo quét dọn dơ bẩn. Qua thì gian này rồi lòng mới tin nhau, và người con nghèo khốn ra vào trong lâu đài một cách không e ngại gì nữa. Nhưng chỗ ở thì vẫn thích ở chỗ cũ.

Bạch đức Thế Tôn, bấy giờ trưởng giả bị bịnh, tự biết gần mất, mới bảo người con nghèo khốn, ta có lắm vàng ngọc, kho tàng tràn đầy. Trong đó ø nhiều ít và đáng thu đáng chi thế nào, con phải biết cho rõ. Ý cha như vậy, con phải thể theo. Nay thì cha với con không khác gì cả. Con phải chú ý, đừng để thất thoát. Người con nghèo khốn, khi ấy, tức thì vâng lời, lãnh nhận và biết rõ mọi thứ, từ vàng ngọc cho đến kho tàng. Nhưng không có ý gì mong lấy cho đủ một bữa ăn, và chỗ ở vẫn ở chỗ cũ, tâm lý thấp kém vẫn chưa bỏ được. Phải qua ít lâu nữa, cha biết con tâm trí đã thênh thang, chí lớn đã thành đạt, đã biết tự khinh bỉ tâm lý ngày trước của mình, nên lúc sắp chết, ông gọi con và triệu tập họ hàng, quốc vương, đại thần, sát lợi, cư sĩ. Mọi người tập họp cả rồi, ông tự tuyên bố, rằng xin các vị biết cho, người này là con trai của tôi, do tôi sinh ra. Trước đây, tại đô thành cũ, con tôi đã bỏ tôi mà trốn chạy, lưu lạc khổ sở hơn năm mươi năm. Con tôi vốn tên như vậy, tôi tên như vậy. Ngày xưa, tại đô thành ấy tôi lo lắng tìm kiếm mà không được, ngày nay, tại đô thành này bỗng nhiên tôi gặp được con tôi. Nó thật con tôi, tôi thật cha nó. Ngày nay, hết thảy tài sản bảo vật của tôi đều là của con tôi, và trước đây thu chi thế nào, con tôi đã biết rõ cả. Bạch đức Thế Tôn, khi người con nghèo khốn nghe lời ấy của người cha trưởng giả thì cùng cực vui mừng, được sự chưa từng có, nghĩ rằng mình vốn không có lòng nào mong cầu, vậy mà ngày nay kho báu tự đến.

Bạch đức Thế Tôn, người cha, vị trưởng giả giàu có ấy là đức Thế Tôn. Chúng con chỉ như chư Phật, nhưng đức Thế Tôn vẫn thường gọi chúng con là con Phật. Bạch đức Thế Tôn, chúng con vì ba sự đau khổ mà chịu bao nhiêu nóng rát phiền bực trong chốn sống chết, đời này vẫn ngu và lầm, không biết nhận thức gì hết nên ưa thích giáo pháp thấp nhỏ. Đức Thế Tôn phải bảo chúng con vận dụng tư duy tu mà quét dọn cho sạch hý luận dơ bẩn đối với các pháp. Trong huấn dụ ấy, chúng con nổ lực tinh tiến, đạt được Niết bàn như cái giá một ngày làm thuê. Đạt được như vậy mà lòng chúng con rất mừng, tự cho đầy đủ, và tự bảo, ở trong giáo pháp của đức Thế Tôn, chúng con nhờ nổ lực tinh tiến mà đã nhận được rất nhiều. Nhưng đức Thế Tôn biết tâm lý chúng con vốn đắm say dục lạc thô tệ, bị khổ vì thế mà thành ra ưa thích giáo pháp thấp nhỏ, nên tạm thời buông thả, bỏ đó mà chưa phán bảo rằng các người cũng có phần nhận được kho tàng tuệ giác của Như Lai, măëc dầu đức Thế Tôn đã khéo léo nói cho chúng con biết về kho tàng tuệ giác ấy. Chúng con, từ đức Thế Tôn, nhận được Niết bàn chỉ như cái giá làm thuê một ngày mà lại cho là đã được lớn lao, còn đối với cỗ xe vĩ đại thì chúng con không có chí nguyện gì mong cầu. Chúng con cũng dựa vào tuệ giác của đức Thế Tôn mà diễn giảng tuệ giác ấy cho chư vị Bồ tát, nhưng tự mình thì không có chí mong ước. Như vậy là vì đức Thế Tôn biết tâm lý chúng con ưa thích giáo pháp thấp nhỏ nên áp dụng phương tiện mà thuyết pháp theo tâm lý chúng con, và chúng con không hề biết mình là thật con Phật. Ngày nay chúng con mới biết đức Thế Tôn không tiếc lẩn gì về tuệ giác của ngài; chỉ vì chúng con tuy xưa nay vẫn là thật con Phật mà lại ưa thích thấp nhỏ, nếu biết ưa thích vĩ đại thì ngài đã dạy cho giáo pháp vĩ đại. Ngày nay, qua kinh Pháp Hoa này, đức Thế Tôn tuyên bố chỉ có cỗ xe Phật đà duy nhất, như vậy ngày trước, trước mặt chư vị Bồ tát, ngài chê Thanh văn chúng con ưa thích giáo pháp thấp nhỏ là, sự thật, ngài chỉ muốn đem giáo pháp vĩ đại mà giáo hóa chúng con. Do vậy nên chúng con nói chúng con vốn không có tâm nguyện gì mong cầu mà ngày nay kho báu vĩ đại của đấng Pháp vương tự đến với chúng con: con Phật đáng nhận được gì thì chúng con đã nhận được cả.

Lúc ấy tôn giả Đại Ca Diếp muốn lặp lại ý nghiã đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Nay chúng con nghe

tiếng nói Thế Tôn,

lòng mừng rộn rã

được chưa từng có.

(2) Đức Thế Tôn nói

chư vị Thanh văn

sẽ được làm Phật

như vậy có nghĩa

đống ngọc tối thượng

của đức Thế Tôn,

chúng con không cầu

mà tự nhận được.

(3) Như đứa bé trai

nhỏ dại ngu ngơ,

bỏ cha trốn đi

đến xứ xa lạ.

(4) Lang thang các xứ

hơn năm mươi năm.

Người cha lo nhớ

tìm kiếm khắp nơi.

(5) Tìm kiếm quá mệt

dừng một đô thành,

tạo lập lâu đài

vui với ngũ dục.

(6- Ông rất giàu sang

8) có lắm bạc vàng

xa cừ mã não

chân châu lưu ly,

voi ngựa dê bò,

xe liễn xe dư

và xe thuyền khác;

có lắm ruộng đất

lắm người phục dịch

và nhiều môn lại.

Lợi tức thu chi

khắp cả các nước,

thương khách buôn bán

ở đâu cũng có.

Có vạn ức người

kính trọng hướng về.

Thường được vua chúa

quí mến quan tâm,

quan quyền thân hào

ai cũng tôn trọng.

Vì nhiều duyên cớ

đông người qua lại.

(9- Giàu sang đến thế

10) thế lực lại lớn,

nhưng mà tuổi già

nên càng nhớ con,

ngày đêm lo nghĩ.

Rằng chết sắp đến,

con dại bỏ ta

hơn năm mươi năm,

kho tàng bảo vật

rồi làm sao đây.

(11) Người con nghèo khốn

vì kiếm cơm áo

từ xứ nhỏ này

đến xứ nhỏ khác,

từ xứ lớn khác

đến xứ lớn này.

(12) Chỗ thì cũng có,

chỗ không có gì,

đói khát gầy ốm

mình sinh ghẻ chốc.

(13) Lần hồi đi đến

nhằm ngay đô thành

của người cha ở,

làm thuê làm mướn

và rồi đến nhằm

lâu đài người cha.

(14) Trưởng giả lúc ấy

ngồi ở trong cửa,

chăng trướng báu lớn

ngồi ngai sư tử.

Tùy thuộc bao quanh

lắm kẻ phục dịch.

(15) Lại có những người

kế toán vàng ngọc,

thu chi tiền của,

ghi chép giấy tờ.

(16) Người nghèo thấy cha

sang cả tôn nghiêm

thì cho là vua

hoặc ngang với vua,

sợ và tự quái

đến chi chốn này!

(17) Lại nghĩ nếu ta

đứng mãi ở đây,

có thể bị ép

bắt buộc làm việc.

Nghĩ suy như thế

người nghèo bỏ chạy

để hỏi xóm nghèo

mà đến làm thuê.

(18) Trưởng giả lúc ấy

ngồi ngai sư tử,

xa thấy con mình

biết mà không nói,

sai ngay phái viên

đuổi bắt đem về.

(19) Người nghèo kêu hoảng

ngất xỉu xuống đất,

vì nghĩ người này

bắt mình chắc giết.

Vị gì cơm áo

đến nhằm chỗ này!

(20) Trưởng giả biết con

u mê hèn kém,

chắc chắn không tin

ta nói là cha.

(21) Ông liền phương tiện

đổi sai vài người

chột mắt, lùn xấu,

không chút oai phong,

rằng hãy tìm bảo

muốn thuê mướn nó,

(22) quét dọn dơ bẩn

trả giá gấp đôi.

(23) Người nghèo nghe nói

vui vẻ đi theo

đến dọn dơ bẩn

làm sạch phòng nhà.

(24) Nhìn qua cửa sổ

trưởng giả thường xuyên

quan sát con mình,

nghĩ rằng con mình

ngu muội thấp kém

thích làm việc hèn.

(25) Do đó trưởng giả

đổi mặc áo dơ

cầm đồ dọn bẩn

đi đến chỗ con,

phương tiện gần gũi

bảo hãy siêng làm.

(26) Ta thêm tiền công

cho dầu xoa chân

ăn uống đầy đủ

đệm chiếu dày ấm.

(27) Trưởng giả la mắng

anh làm cho siêng,

lại dịu dàng bảo

anh như con ta.

(28) Trưởng giả khéo léo,

lần hồi sai bảo

ra vào lâu đài.

Sau hai mươi năm,

bảo nắm mọi việc

trong lâu đài ấy.

(29) Ông chỉ cho biết

tất cả vàng ngọc,

tài sản thu chi

cũng cho biết cả.

(30) Được đãi như vậy

nhưng người nghèo khốn

vẫn ở ngoài cửa

nương náu chòi tranh,

tự nghĩ mình nghèo

đâu có của đó.

(31- Thêm ít lâu nữa

33) trưởng giả biết con

tâm chí dần dần

đã lớn rộng ra.

Muốn giao tài sản,

ông họp họ hàng

quốc vương đại thần

sát lợi cư sĩ.

Trước những người ấy

ông nói người này

là con trai tôi,

bỏ tôi mà trốn

đi đến xứ khác

đến năm mươi năm.

Từ khi gặp lại

cho đến ngày nay

cũng đã trải qua

hai mươi năm nữa.

Xưa nơi thành ấy

mất người con này,

tôi tìm khắp nơi

mới đến ở đây.

(34) Ngày nay tất cả

tài sản tôi có,

kể cả lâu đài

và bao gia nhân

đều giao con tôi

mặc ý sử dụng.

(35) Người nghèo khi ấy

tự nghĩ xưa kia

mình quá nghèo khốn

tâm chí thấp hèn,

nay từ nơi cha

cả được vàng ngọc

được luôn lâu đài

được hết tài sản,

nên rất vui mừng

như chưa từng có.

*

(36) Thế Tôn cũng vậy.

Biết rõ chúng con

chí thích thấp nhỏ,

nên ngài chưa hề

tuyên bố chúng con

cũng được làm Phật,

chỉ nói chúng con

đạt được một ít

thành quả thuần khiết

và thành những vị

đệ tử Thanh văn

trong cỗ xe nhỏ.

(37) Thế Tôn sắc bảo

chúng con giảng nói

đường lối tối thượng,

đường lối mà ai

tu tập trọn vẹn

đều sẽ thành Phật.

(38) Vâng lời Thế Tôn

chúng con cũng đã

vận dụng những thứ

yếu tố ví dụ

cùng bao lời chữ

mà giảng nói về

đường lối tối thượng

cho đại bồ tát.

(39) Những con Phật ấy

từ nơi chúng con

nghe đường lối này,

ngày đêm tư duy

nỗ lực tu tập,

bấy giờ Thế Tôn

cùng với chư Phật

liền thọ ký cho,

rằng trong vị lai

sẽ được làm Phật.

(40) Do vậy chúng con

từng nghĩ lầm rằng

kho tàng bí yếu

của Phật Thế Tôn

chỉ có bồ tát

mới được nói cho,

chúng con không được

nói cho pháp ấy.

Ngày nay chúng con

tự biết in như

kẻ nghèo khốn kia

dầu được gần cha

và biết bảo vật

mà không mong lấy;

(41) chúng con giảng nói

kho báu chánh pháp

của Phật Thế Tôn,

mà tự chúng con

không chí muốn có

thì cũng như vậy.

(42) Chúng con mới được

niết bàn nội tại

mà lại tự cho

đã là đầy đủ,

chỉ biết sự ấy

không biết gì hơn.

Chúng con nếu được

nghe nói những việc

làm sạch thế giới

làm nên chúng sinh

thì không cảm thấy

thích thú chút nào.

(43) Tại sao như vậy,

bởi vì toàn thể

các pháp đều không:

không sinh không diệt

không lớn không nhỏ

đã không phiền não

cũng không khử trừ,

tư duy như vậy

cho nên chúng con

không còn thích gì.

(44) Với tuệ giác Phật

chúng con trường kỳ

không ham không mê

không chí ưa thích,

trong khi đối với

niết bàn của mình

thì lại tự cho

đã là cứu cánh.

(45) Chúng con trường kỳ

tu tập về Không,

thoát được cái họa

khổ não ba cõi,

làm cho thân này

thành thân cuối cùng,

và thực hiện được

niết bàn chưa toàn;

thế là đối với

giáo huấn Thế Tôn

chúng con tự cho

đã thực hiện được

một cách chắc chắn,

và cho thế là

đã báo đáp được

hồng ân Thế Tôn.

(46) Cho dẫu chúng con

nói pháp bồ tát

cho các con Phật

để họ cầu được

tuệ giác Phật đà,

nhưng chính chúng con

đối với pháp ấy

không thích bao giờ.

(47) Đức Đại đạo sư

bỏ qua chúng con

chính vì xét thấy

tâm lý như vậy.

Và chưa bao giờ

ngài khuyên chúng con

tinh tiến bước tới

bằng cách nói rõ

bước tới thì có

ích lợi chân thật.

(48) Như trưởûng giảû giàu

biết con chí kém

nên dùng phương tiện

khắc phục lòng con,

rồi sau mới giao

tất cả tài sản.

(49) Thế Tôn cũng vậy,

làm việc hiếm có:

biết rằng chúng con

chí thích thấp nhỏ

nên đức Thế Tôn

dùng phương tiện lực

trước hết thuần hóa

tâm trí chúng con,

sau đó mới dạy

tuệ giác vĩ đại.

*

(50) Ngày nay chúng con

được chưa từng được,

vốn không hy vọng

nay tự được cả,

như người nghèo khốn

được bao của báu.

(51) Bạch đức Thế Tôn,

ngày nay chúng con

mới được tuệ giác

và được thành quả:

được mắt trong suốt

thấy pháp thuần khiết.

Chúng con trường kỳ

nghiêm trì tịnh giới,

ngày nay bắt đầu

nhận được thành quả.

(52) Ở trong giáo pháp

của đức Pháp vương,

chúng con lâu ngày

thực hành phạn hạnh,

ngày nay nhận được

thành quả vĩ đại

đã rất thuần khiết

lại không gì hơn.

(53) Chúng con ngày nay

mới thật Thanh văn:

đem cái tiếng nói

của tuệ giác Phật

mà phát lộ ra

cho mọi người nghe.

(54) Chúng con ngày nay

cũng thật La hán:

khắp trong thế gian

bao gồm tất cả

chư thiên nhân loại

ma vương phạn thiên,

chúng con ứng thọ

cho họ hiến cúng.

*

(55) Hồng ân Thế Tôn

thật là cao cả:

ngài đã vận dụng

mọi cách hiếm có

thương xót giáo hóa

ích lợi chúng con.

Nên dẫu trải qua

vô số thời kỳ,

ai mà trả được

hồng ân như vậy.

(56) Tay chân phục dịch

đầu đỉnh lễ kính,

cúng hiến tất cả

cũng không trả được.

Đội bằng đỉnh đầu

vác với hai vai,

hằng sa thời kỳ

tôn kính hết lòng;

(57-lại hiến cỗ bàn

58) cực kỳ mỹ vị,

hay dâng vải quí

nhiều đến vô lượng,

đồ nằm thuốc thang

cúng hiến đủ cả;

đem gỗ đàn hương

và những vàng ngọc

mà dựng bảo tháp

và cất tự viện,

rồi dùng vải quí

mà trải mặt đất;

với những cách ấy

hiến cúng Thế Tôn

hằng sa thời kỳ

cũng không trả được.

(59) Thế Tôn là bậc

cực kỳ hiếm có,

lại có đủ cả

vô lượng vô biên

đại thần thông lực

ngoài tầm nghĩ bàn;

ngài không sai sót

lại không xao động,

làm một vị vua

thống lãnh các pháp,

vậy mà có thể

vì kẻ thấp kém,

ngài nhẫn chịu được

mọi sự thấp kém.

(60) Đối với bao kẻ

phàm phu cố chấp,

ngài vẫn tùy nghi

mà thuyết pháp cho,

bởi vì đối với

tất cả các pháp

Thế Tôn đã được

sự rất tự tại.

(61) Thế Tôn biết hết

thị hiếu, sở thích,

chí hướng, năng lực

của các chúng sinh,

tùy sức của họ

kham nhiệm được gì

thì dùng vô lượng

những sự ví dụ

mà thuyết cho họ

giáo pháp phong phú.

(62) Lại tùy căn lành

mà chúng sinh có

từ các đời trước,

và biết rất rõ

ai đã thuần hóa

ai chưa thuần hóa;

xét đủ mọi mặt

biết rành tất cả,

rồi chính ở nơi

cỗ xe duy nhất,

Thế Tôn tuỳ nghi

nói ba cỗ xe.

_________

Kết thúc tụng kinh Pháp Hoa, chúng con xin hồi hướng:

Vạn ức thời kỳ

không thể nói được

mới được có lúc

Phật nói Pháp Hoa.

Vạn ức thời kỳ

không thể nói được

mới được có lúc

nghe nói Pháp Hoa.

Chúng con nương nhờ

Phật Pháp Tăng lực

mới được trì tụng

Diệu Pháp Liên Hoa.

Chúng con nguyện đem

công đức như vầy

hiến khắp tất cả

các loaị chúng sinh,

cầu cho chúng con

cùng với chúng sinh

đều được thành tựu

tuệ giác chư Phật.

Kính lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Kính lạy tất cả Pháp bảo trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni, đức Phật giáo chủ bổn sư, đã tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Kính lạy đức Đa Bảo, đức Phật đã làm chứng cho kinh Pháp Hoa toàn là chân thật. Kính lạy đức Di Lạc, đức Phật đương lai, đã phát khởi kinh Pháp Hoa và tiếp dẫn những người hành trì Pháp Hoa vãõng sinh Đâu suất tịnh độ. Kính lạy tất cả Phật bảo trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy bồ tát Văn Thù, vị pháp sư Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Phổ Hiền, vị khuyến phát Pháp Hoa. Kính lạy bồ tát Quan Âm, vị đại sĩ toàn diện. Kính lạy tất cả Tăng bảo là các vị Bồ tát, các vị Duyên giác và các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]