Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Giới Định Tuệ

08/03/201109:59(Xem: 7684)
09. Giới Định Tuệ

VÔ THƯỢNG NIẾT BÀN
Lê Sỹ Minh Tùng

PHẦN I

Giới Định Tuệ

Giáo lý nhà Phật giúp con người giải thoát tất cả mọi phiền não khổ đau để cho thân tâm được an lạc và chứng ngộ Niết bàn. Chính tam vô lậu học tức là Giới, Định, Tuệ sẽ là con đường duy nhất để giúp chúng sinh đạt đến tiến trình từ Mê đến Giác, từ Phàm đến Thánh.

Tiến trình để đi đến Giải Thoát Giác Ngộ của người Phật tử được ví như sự phát triển của một hạt giống. Trước hết hạt giống cần có môi trường tốt để bắt đầu nẩy mầm sanh rễ. Khi rễ đã phát triễn thì thân cây mới thành hình và sau đó mới đâm cành trổ lá. Rễ càng dài, càng vững chắc thì thân cây càng to càng lớn và cuối cùng khi đã lớn mạnh thì cây mới có thể đơm hoa kết trái. Do đó rễ ví nhu Giới, thân cây ví như Định, hoa ví như Trí Tuệ và trái là quả vị Niết bàn.

1)Giới: Trong bất cứ xã hội nào trên thế giới thì luật pháp được đặt ra với mục đích ngăn ngừa và trừng trị những ai có ý phá rối an ninh trật tự để mọi công dân được sống trong thanh bình. Đây là nói về luật pháp của thế gian. Còn Giới của Phật giáo có ý nghĩa sâu rộng hơn nhiều. Giới trong Phật pháp là những điều răn cấm cho Phật tử tại gia và xuất gia phải tuân theo để ngăn ngừa và cảnh giác làm cho Thân-Khẩu-Ý không tạo nghiệp. Mà không tạo nghiệp thì khỏi phải đi lang thang lẩn quẩn trong vòng sinh tử triền miên. Nên nhớ việc ta làm thì ta phải biết và dĩ nhiên là chính ta phải gánh chịu quả nghiệp của nó, tức là “Tự tác hoàn tự thọ”. Khi một người phá giới thì không có nghĩa là họ có tội với trời hay Phật, mà chính họ đã tự tạo cho mình ác nghiệp để phải chịu quả nghiệp khổ đau sau nầy chớ không phải trời phạt hay Phật đọa gì cả. Còn người giữ giới thì họ tránh không làm điều gì phương hại đến người và vật chung quanh, tức là mang lại sự an ổn cho tất cả mọi người. Đây chính là sự phát triển tâm Từ bi của mình vậy. Vì sự quan trọng của Giới nên Kinh Bồ Tát Giới viết rằng:

Giới như đại minh đăng

Năng tiêu trừ dạ ám

Giới như chơn bảo kính

Chiếu Pháp tận vô di

Giới như ma ni châu

Vũ vật tế bần cùng

Ly thế tốc thành Phật

Duy thử Pháp vi tối

Tạm dịch là:

Giới như ngọn đèn lớn

Có khả năng tiêu trừ đêm dài tăm tối

Giới như tấm gương quý báu

Soi hết thảy các Pháp

Giới như viên Ngọc Như Ý

Hóa vật để giúp kẻ nghèo

Muốn mau giải thoát thành Phật

Chỉ có giới là hơn hết.

Chẳng những thế, trong Kinh Phạm Võng cũng đề cao Giới như sau:

Giới như minh nhật nguyệt

Diệc như anh lạc châu

Vi trần Bồ Tát chúng

Do thử thành Chánh Giác.

Tạm dịch là:

Giới như mặt trăng

Mặt trời chiếu sáng

Hoặc như ngọc Anh Lạc

Vô số Bồ Tát nhờ đó mà thành

Chánh giác.

Như vậy Giới là bước tiến đầu tiên trong việc cải thiện Thân, Khẩu, Ý cho đến chỗ toàn Chân, toàn Thiện và toàn Mỹ.

2)Định: Một khi Giới được hoàn hảo thì tư tưởng, lời nói và hành động sẽ trở thành chân chính. Từ đó khi lời nói và hành động chân chính có thể đưa đến một nội tâm thanh tịnh.

Phần dịch thuật kinh điển Phật giáo được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thì được Ngài Cưu Ma La Thập (Kumaralabdha) là vị Pháp sư danh tiếng lỗi lạc ở Ấn Độ và cũng là người đã từng thông suốt cả Kinh, Luật và Luận tạng. Ngài phiên dịch kinh điển bằng tiếng Phạn do Ngài A Nan và các vị đại A La Hán kết tập. Theo đó thì thiền định có nghĩa là tĩnh lự, tĩnh tức là Chỉ có nghĩa là Định, còn lự tức là Quán có nghĩa là Tuệ. Sau nầy chính Ngài Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang qua tận Ấn Độ thỉnh kinh về Trung Hoa và dịch sang Hán tự thì thiền định có nghĩa là tư duy tu. Như thế thì thiền định không có nghĩa là thiền tông hay là phải ngồi kiết già thì mới đạt được định. Mà định ở đây chính là phải tư duy, suy nghĩ về đối tượng của Phật pháp ngỏ hầu tìm cho ra chân lý của nó để tâm được an. Chúng ta có thể niệm Phật, có thể đi kinh hành, có thể nằm, ngồi…miễn sao có thể chú tâm vào một đối tượng để tư duy quán chiếu và cuối cùng có thể loại bỏ tất cả những tạp niệm chung quanh. Phương pháp nầy được gọi là thiền Chỉ của nhà Phật.

Cuộc sống hằng ngày, con người phải vật lộn với bao nhiêu hoàn cảnh làm tâm của họ luôn luôn biến đổi. Chỉ trong một giây, một phút có cả hàng trăm hàng ngàn ý nghĩ khác nhau đua nhau sanh khởi trong tâm của chúng ta, mà tệ hại nhất là những ý niệm bất thiện như tham lam, dục vọng, sân hận, tật đố…làm cho tâm điên trí đảo. Vì sự nguy hại của dục vọng, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy rằng:

“Chế ngự được tâm là quý, vì cái tâm thật khó mà kiểm soát. Nó chạy không ngừng theo tham dục. Một khi tâm đã được chế phục sẽ đem đến hạnh phúc”.

Đời sống con người không những bị chi phối bởi những tư tưởng trong ý thức giới như tham lam, giận hờn và si mê mà chúng ta đôi khi còn bị ảnh hưởng bởi những sinh hoạt của cõi vô thức. Thí dụ như khi ngủ, con người nằm mơ thấy những cảnh hãi hùng kinh sợ trong giấc chiêm bao của họ.

Muốn chinh phục, kiểm soát được nội tâm thì thiền định là một phương pháp phát huy sức mạnh tinh thần hiệu nghiệm nhất. Theo đó thì người tu cố gắng chú tâm vào một đối tượng cho đến khi tâm có khả năng an trú và không lay động bởi ý tưởng hoặc cảnh vật bên ngoài. Khi tâm đã định thì tinh thần trở thành một nguồn năng lực vô song. Ngày xưa các vị A La hán có được thần thông biến hóa là do khả năng đi sâu vào thiền định của họ. Chính cái nguồn năng lực vô song nầy sẽ hủy diệt tất cả mọi phiền não để tâm được an nhiên tự tại và sau cùng chặt đứt vòng sinh tử luân hồi.

3)Tuệ: Mặc dầu định lực có sức mạnh vô song, nhưng Phật giáo chỉ dùng nó để phát triển trí tuệ mà thôi. Kiến thức của thế gian không phải là Trí tuệ theo ý nghĩa của nhà Phật. Các nhà bác học, bác sĩ, luật sư, học giả tuy là những người học rộng biết nhiều, nhưng họ còn bị tham, sân, si sai khai khiến và phiền não quấy phá. Chính vô minh, ái dục đẩy đưa họ lún sâu vào sinh tử luân hồi thì cái trí thức đó chỉ là cái vỏ bề ngoài còn trí tuệ của nhà Phật mới thật là cái sáng suốt triệt để phát xuất từ trong tự tánh của con người. Do đó người có trí tuệ sống trong thế gian nhưng không bị ô nhiễm của thế sự.

Như vậy nhờ sự tổng hợp của thiền Chỉ và thiền Quán mà phát sinh ra trí tuệ để nhận thức được chân lý mà tiến về giải thoát giác ngộ. Đối với đạo Phật trí tuệ được xem như bước tiến cuối cùng trên đường giải phóng cái tự ngã của mình.

Tiến trình Giới-Định-Tuệ được thực hiện nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào khả năng và ý chí của mỗi người. Nếu họ cố gắng và kiên trì thì có kết quả viên mãn. Ngược lại nếu họ không cố gắng và giải đải thì tiến trình nầy sẽ bị ngưng trệ và gãy đổ hoàn toàn.

Giới trong sạch thì tâm không phiền não. Tâm không điên đảo thì cuộc sống sẽ vui vẻ và an lạc. Một khi tâm an thì đưa đến an tịnh, sáng suốt và đây là con đường phát sinh trí tuệ để thấy được thực tướng của vạn hữu. Khi chân tướng hiện bày thì không còn tham ái tức là chứng được Niết bàn và giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Muốn giới trong sạch thì con người phải quan tâm về lợi dưỡng. Vì thế kinh Phật có câu:”Sơ nghiệp Bồ tát đương quán lợi dưỡng sanh tham dục cố”, có nghĩa là :”Sơ nghiệp Bồ tát nên biết rằng lợi dưỡng sanh ra tham dục vậy”. Ví như một cây an trái, nếu ngày ngày chúng ta tưới nước dặm phân dưới gốc cây thì cây nầy sẽ đâm hoa kết trái sum suê. Con người thì cũng thế, nếu hằng ngày cứ chạy theo danh văn lợi dưỡng thì tâm sinh ra tham dục. Lòng tham dục càng lớn thì phiền não càng nhiều. Mà tham phiền não tăng trưởng thì dĩ nhiên si, mạn, nghi phiền não cũng đều nổi lên theo. Do đó càng tham cầu lợi dưỡng thì tâm càng dính mắc ở lục trần. Mà tâm càng dính mắc thì con người càng dễ đánh mất tâm thanh tịnh của mình.

Bây giờ Giới, Định, Tuệ liên hệ với Bát Chánh Đạo như thế nào?

1)Trước hết Giới là khuôn vàng thước ngọc giúp con người tránh xa ác nghiệp và vun bồi thiện nghiệp để tâm được trong sạch và thanh tịnh. Như thế trong Bát Chánh Đạo thì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng thuộc về Giới. Tại sao? Nếu chúng ta tránh xa những lời nói gian dối, đâm thọc, ác độc và nhảm nhí thì Chánh Ngữ sẽ giúp con người có được những lời nói chân thật, hòa nhã, thanh tao và hữu ích phát sinh từ tâm Từ bi, quảng đại của mình. Nếu chúng sinh tránh xa ba loại hành động là sát sinh, trộm cướp và tà dâm thì Chánh Nghiệp tức là hành động bởi thân sẽ không còn do Tham-Sân-Si thúc đẩy. Còn nghề nghiệp làm ăn chân chính không mang lại sự thiệt hại cho xã hội và cho chúng sinh như không buôn bán vũ khí, giết hại súc vật, không buôn bán ma túy rượu chè, không mở vũ trường cờ bạc…thì chúng ta đã thực hành đứng đắn Chánh Mạng rồi.

Vậy khi nói đúng, không tạo nghiệp và làm đúng tức là chúng ta không phạm Giới. Ngày xưa sau khi Đức Phật thành đạo thì Ngài bắt đầu thu nhận đệ tử để truyền lại Chánh pháp mà Ngài đã chứng dưới cội Bồ-đề. Liên tiếp trong mười hai năm đầu, Đức Phật chưa hề nói đến Giới. Tại sao? Vì những đệ tử đầu tiên nầy là những người có đức hạnh cao. Họ đến với đạo Phật là vì bổn nguyện muốn được giải thoát giác ngộ. Phần lớn họ xuất thân từ những vương gia quý tộc, giàu sang quyền quý. Chẳng hạn như tôn giả Tu Bồ Đề là cháu của trưởng giả Cấp Cô Độc Tu Đạt Đa. Chính trưởng giả Tu Đạt Đa là vị đại thần của nước Ma Kiệt Đà có quyền uy mà ngay cả Thái tử Kỳ Đà còn phải kiêng nể. Còn thân phụ của tôn giả thì làm quân sư cho vua xứ Ma Kiệt Đà thì quyền uy và tài sản gia đình họ Tu chỉ thua nhà vua. Khi xuất gia theo Phật thì tôn giả cũng như mọi người, tức là tài sản duy nhất chỉ có tam y, nhất bát mà thôi. Đối với tôn giả đi tu là muốn được giải thoát giác ngộ. Mà muốn đạt đến cứu cánh tột đỉnh nầy thì phải chấp nhận buông xả tất cả để tâm được thanh tịnh. Một khi có tài sản thì phải lo, phải giữ. Có càng nhiều thì lo càng lớn và dĩ nhiên đau khổ phiền não càng to. Muốn đạt thánh đạo thì phải đoạn trừ phiền não có nghĩa là phải buông xả tất cả. Không còn Tham-Sân-Si thì tâm sẽ an định. Vì thế chúng ta có thể hiểu Phật là người không còn gì để mất, vì Phật chẳng có cái gì để mất cả.

Như thế Ngài mới ung dung tự tại và tâm thường trụ Niết Bàn là vậy. Rất tiếc sau mười hai năm thì tăng đoàn không còn như trước. Tỳ kheo bây giờ vì danh văn lợi dưỡng mà quy y theo Phật chớ không còn tôn chỉ cao quý là muốn được tự độ để độ tha như thủa ban đầu. Họ gây ra lắm điều phiền não làm bận lòng Đức Phật vì thế Ngài bắt đầu chế ra giới luật với mục đích nhắc nhở chúng Tỳ kheo quay về với chánh đạo. Nếu không giữ giới thì tâm không bao giờ an, mà tâm không an thì không bao giờ có thể vào định được. Không vào sâu trong thiền định thì vĩnh viễn trí tuệ không phát sanh. Vì thế dù có tu ngàn đời, muôn kiếp cũng không thể nào giải thoát được, có nghĩa là không đoạn được phiền não và thoát ly ra khỏi lục đạo luân hồi.

Kinh Kim Cang dạy con người nhìn sâu vào đối tượng để nhận biết bản tính chân thật, đó là thật tướng vô tướng. Đối với Phật giáo tất cả mọi hình tướng bề ngoài chỉ là tạm bợ, không chắc thật. Vì thế Phật dạy rằng:”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” là vậy. Con người càng chạy theo hình thức bề ngoài thì càng chuốc lấy hệ lụy khổ đau. Cái thật chất nằm trong nội tâm sẽ phản ảnh bản chất đạo đức, tâm thanh tịnh và tánh thuần lương hay là tâm Bồ-đề để sống với mọi người. Tâm hồn cao thượng, việc làm chân chính, lời nói hòa nhả và sống vị tha, vô ngã là những chất lượng của người giữ giới. Vì thế hằng ngày nếu thực tập Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng một cách đứng đắn thì chúng ta sẽ có cuộc sống rất an vui tự tại và đây chính là chất liệu căn bản như xăng nhớt để làm cho chiếc xe chạy vậy. Bởi vì có giới thì mới tiến đến định và sau cùng thì trí tuệ mới phát sinh, có nghĩa là có xăng thì xe mới chạy và khi xe chạy thì nó sẽ đưa chúng ta đến chỗ giải thoát. Đây chính là cứu cánh cho tất cả mọi người.

2) Định gồm có Chánh Tư Duy và Chánh Định. Chánh Tư Duy là ôn lại những giáo lý và đạo lý của Phật để nhắc nhở chúng ta luôn giữ Chánh Niệm. Một khi chúng ta suy nghĩ đúng làm cho vọng tưởng không còn quay cuồng thì tâm sẽ được thanh tịnh. Thêm nữa Chánh Duy Tư có nghĩa là đối chiếu với cuộc sống thực tế hằng ngày bằng cách dùng đạo lý của Đức Phật mà ứng dụng vào trong cuộc sống để trắc nghiệm xem giáo lý đó có đúng với hoàn cảnh xã hội của chúng ta cũng như xác định nó có thật sự là cứu cánh giải thoát cho mình không? Vì thế Chánh Tư Duy chính là nền tảng căn bản để đưa con người vào Định. Tâm định có nghĩa là tâm có khả năng an trú trên một đối tượng mà không bị lay động bởi ý tưởng hoặc cảnh vật bên ngoài. Như thế thì Chánh Định là nền tảng cho Định mà Chánh Tư Duy chính là khả năng để đưa con người vào sâu trong Định. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong tam vô lậu học mà ngày xưa tất cả đại đệ tử của Phật đều ứng dụng để vào thánh đạo.

3) Tuệ thì bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Kiến và Chánh Niệm. Khi tâm đã định thì Chánh Kiến giúp chúng ta phát sinh trí tuệ bằng cách phân biệt để thấy, biết rõ ràng đâu là tà kiến. Càng siêng năng, nỗ lực thì trí tuệ càng phát sinh và sau cùng Chánh Niệm giúp chúng ta giữ vững niệm lành trong tâm. Một trong những Chánh Niệm là áp dụng câu:”Văn như Tư và Tư như Tu” thì Ly mà có hỷ lạc tức là lìa xa ái dục thì sẽ được vui. Từ sơ thiền đến tứ thiền tức là xả niệm thanh tịnh thì chắc chắn trí tuệ sẽ phát sinh.

Thí dụ như màn đêm buông xuống, cũng ví như vô minh che lấp trí tuệ, làm cho chúng ta nhìn ra ngoài thấy sợi dây thừng mà tưởng lầm là con rắn nên đâm ra sợ hãi, ví như vọng tưởng Tham-Sân-Si. Sau khi lấy đèn Pin , tức là định lực, ra rọi ngoài sân để xem xét, tức là quán, nhưng vẫn không thấy rõ vì đèn Pin hơi yếu không đủ sáng, có nghĩa là định lực yếu. Nhưng khi dùng đèn pha, tức là định lực mạnh, thì thấy con rắn chỉ là sợi dây thừng. Thấy rõ thực tướng để không còn nhìn, thấy, biết sai lầm, tức là phát sinh trí tuệ. Ngay lúc đó chúng ta bừng tỉnh, tức là giác, không còn hoang mang sợ hãi, tức là không còn vọng tưởng Tham-Sân-Si và được thay thế bằng an lạc tự tại, tức là Niết Bàn. Như vậy Định lực càng mạnh thì việc quan sát càng dễ dàng để thấy rõ thật tướng của vạn vật. Nhưng có định lực mạnh mà không rọi đúng vào đối tượng, chẳng hạn như đèn pha mà không rọi đúng vào con rắn thì làm sao biết được đó chỉ là sợi dây thừng, thì cũng không thể nào giải tỏa được cái nhìn, biết sai lầm. Vì thế vô mình còn thì trí tuệ không sanh. Do đó Trí tuệ là ánh sáng để phá tan bóng tối vô minh.

Một thí dụ khác là nếu chúng ta đặt một tảng đá trên nắm cỏ. Vì đá đè quá nặng nên cỏ không mọc nổi, nhưng khi lấy tảng đá thì cỏ mọc trở lại. Định thì cũng thế, Định chỉ tạm thời đè nén Tham-Sân-Si xuống và khi xả Định thì Tham-Sân-Si sẽ phát tác trở lại. Vì thế Định không trừ được Tham-Sân-Si. Nếu chúng ta không có Tuệ thì vĩnh viễn không thể nào trừ dứt được tận gốc cái tam độc nầy. Mà Tuệ chỉ được phát triển qua thiền Quán, tức là Chánh Niệm mà thôi.

Quả thật ảnh hưởng của Bát chánh đạo giúp con người tránh xa mê lầm đau khổ để chuyển tâm đi vào thánh đạo. Chính Bát chánh đạo rất thực tiển giúp chúng sinh thấy được sự mầu nhiệm vì chính Đức Phật đã cẩn thận sắp xếp theo thứ tự để chúng sinh áp dụng tùy theo hoàn cảnh và căn cơ mà tu hành. Tất cả các vị đại đệ tử của Phật trong quá khứ nếu muốn đạt thành Phật đạo viên mãn thì phải đi theo con đường tam vô lậu học, tức là Giới, Định, Tuệ. Ngày nay thì cũng thế nếu có chúng sinh muốn thành tựu đạo quả Bồ-đề thì Giới, Định, Tuệ vẫn là con đường duy nhất để đưa họ từ bờ mê sang bến giác.

Thêm nữa mục đích của thiền định trong Phật giáo là loại bỏ Tham-Sân-Si bởi vì đời sống của con người sở dĩ khổ đau và hổn loạn cũng tại vì những ô nhiễm đó. Khi nào còn Tham-Sân-Si thì nhân loại còn lầm than khốn khổ. Vì thế thiền định là phương cách hữu dụng nhất để loại trừ những bất tịnh nầy. Tuy nhiên việc loại trừ tập nhiễm của tam độc không thể thực hiện được một cách nhanh chóng và dễ dàng vì Tham-Sân-Si đã ăn sâu vào trong tâm hồn của con người từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Phật giáo là con đường tìm kiếm Chân Lý mà thiền định là một phần của đường lối đó. Thiền định giúp con người tĩnh tâm và tĩnh tâm là để nhận chân Chân Lý. Khi tâm con người bị chi phối bởi Tham-Sân-Si thì họ không thể nhìn vạn pháp đúng với chân tướng của nó. Trái lại khi các ô nhiễm nầy bị tẩy trừ thì lúc đó Chân Lý sẽ hiện bày.

Nếu nói rằng Tham là một trong những gốc của bất thiện thì làm sao con người có thể sống được nếu không còn ham muốn gì cả? Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới văn minh tiến bộ đầy đủ mọi thứ về vật chất thì chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa ham muốn và nhu cầu. Sống trên đời chúng ta cần có những nhu cầu cần yếu như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe di chuyển, máy vi tính…để cho đời sống được tiện nghi. Ngược lại ham muốn chỉ xuất hiện khi nào chúng ta có những cố gắng thỏa mãn những đòi hỏi của thị dục, có nghĩa là vượt ra khỏi hàng rào tri túc. Đây là động lực chính làm con người đau khổ khi những ước muốn của mình không được thỏa mãn. Khi nhìn thấy rõ như thế thì người tu Phật không hề bị bắt buộc phải xóa bỏ tất cả mọi tiện nghi vật chất. Họ có thể có tất cả những gì họ cần nhưng luôn luôn phải biết đâu là nhu cầu cần thiết và đâu là lòng ham muốn, tham lam.

Chân lý Tứ Diệu Đế đã được Đức Phật truyền dạy cho đệ tử từ khi Ngài mới bắt đầu thành đạo cho đến khi Ngài bắt đầu nói Kinh Bát Nhã. Thế thì pháp Tứ Diệu Đế nầy là cổ xe không thể rời bỏ được nếu chúng sinh muốn đoạn trừ phiền não để đạt đến bốn quả vị Thánh trong Thanh Văn thừa. Biết bao đệ tử của Phật đã thành tựu Thánh quả dựa vào chân lý nầy thì tại sao ngày nay chính Đức Phật lại đánh đổ, bảo là không có? Chúng ta sẽ phân tích rõ ràng điều nầy sau phần Lục độ ba-la-mật.

Trong đạo Phật, sợ nhất là nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi (không đáng tin cậy), chỉ tạo khẩu nghiệp”.

“Người tu Phật cần phải trong ngoài nhất trí, không tự mâu thuẫn tức là không được “khẩu thị tâm phi” có nghĩa là miệng nói một đàng mà tâm nghĩ một ngả”.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]