TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRƯỜNG BỘ KINH
(Dìgha Nikàya)
Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ: Giới Lạc MAI LẠC HỒNG
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG PL. 2555 - DL 2010
26. Kinh CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG SƯ TỬ HỐNG
(Cakkavatti Sìhanàda-sutta)
Như vậy, tôi nghe :
1. Một thời nọ , Thế Tôn Giác Giả (1)
An trú tại xứ Má-Ga-Tha (2)
( Hay gọi : nước Ma-Kiệt-Đà )
Địa phương tên Má-Tu-La (3) an hòa.
Lúc bấy giờ Phật-Đà cho gọi
Các Tỷ Kheo đến hội giảng đường.
Chư Tăng vâng lệnh Pháp Vương
Lắng nghe Chánh Pháp vô lường cao minh :
– “ Các Tỷ Kheo ! Tự mình thắp đuốc
Chính mình, không phụ thuộc vào ai
Không cần nương tựa một ai
Nương vào Chánh Pháp, làm đài hải đăng.
Chánh Pháp là nơi hằng nương tựa
Không nương tựa bất cứ thứ gì !
Tự mình nương mình là chi ?
Tự mình thắp đuốc, là gì ý đây ?
Các Tỷ Kheo ! Đêm ngày quán chiếu
Vị Tỷ Kheo thông hiểu, hành thâm :
Sống ‘quán thân trên tự thân’
_______________________________
(1) : Các Tôn hiệu xưng tụng đức Phật : - Thế Tôn ( Bhagava –
bậc tôn quý nhất trên đời ). – Buddha ( âm là Phật-Đà,
dịch là Giác Giả ( bậc Giác ngộ ).
(2) : Nước
( Bimbisara ) và vua A-Xà-Thế ( Ajàtasattu ) sau này .
(3) : Matulà ( Ma-đu-la ) .
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 078
Tỉnh giác, chánh niệm, tinh cần, nhiệt tâm
Để có thể diệt sân tham đó.
Sống ‘quán thọ trên các thọ’ này
‘Quán tâm trên các tâm’ ngay
‘Quán pháp trên các pháp’ đây, suy tầm
Cũng tỉnh giác, nhiệt tâm, chánh niệm
Để tự kiểm, trừ diệt tham sân.
Này các Tỷ Kheo chánh chân !
Tự mình là ngọn đèn trân quý hoài.
Tứ Niệm Xứ quán ngay như vậy
Là tự lấy Chánh Pháp làm đèn
Nương tựa Chánh Pháp bao phen
Không hề nao núng, vẫn bền lòng tin.
Các Tỷ Kheo ! Tự mình đi lại
Trong giới hạn truyền lại từ xưa
Do các Tổ phụ truyền thừa
Giới hạn được phép, hợp vừa xưa nay.
Nếu điều này các con thực hiện
Thì Ma Vương không khiến được ta
Không thể xâm nhập điều tà
Không có đối tượng để mà nhắm vô.
Các Tỷ Kheo ! Chính nhờ an lạc
Nhiếp trì các thiện pháp thường hằng
Nhân duyên công đức thịnh tăng
Đem lại lợi lạc muôn phần cho ta.
2. Các Tỷ Kheo ! Thuở xa xưa đó
Có Vua nọ Chuyển Luân Thánh Vương
Đan-Ha-Nê-Mi (1) Đại Vương
_______________________________
(1) : Vua Dalhanemi ( Kiên Cố Niệm ) .
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 079
Hay Kiên-Cố-Niệm, Pháp vương cõi đời
Lấy Chánh Pháp tuyệt vời trị nước
Chinh phục được thiên hạ bốn phương
Thống trị các quốc độ thường
Đầy đủ bảy báu vô lường quý trân
Xe, voi, ngựa, châu trân, nữ báu,
Tướng quân báu, Gia-chủ báu, cùng
Hơn ngàn hoàng-tử kiêu hùng
Khiền cho kẻ địch phục tùng, thực thi.
Chuyển Luân Vương trị vì đất nước
Đến hải biên, duyên phước biết bao !
Không dùng gậy trượng, gươm đao
Chỉ lấy Chánh Pháp dùng vào trị dân.
3. Các Tỷ Kheo ! Cõi trần thay đổi
Nhiều ngàn năm tiếp nối qua đi,
Đức vua Đan-Há-Nê-Mi
Gọi người hầu cận thân tùy, bảo qua :
– “ Này Hiền khanh ! Khi mà khanh thấy
Thiên luân báu xe ấy lặn dần
Rời khỏi vị trí phải cần
Hãy báo cho Trẫm, đừng chần chờ lâu ”.
Vị quan hầu vâng theo lời dặn
Nhiều ngàn năm sau, tận thấy rằng
Xe báu rời vị trí cần
Lặn xuống một ít để dần biến đi.
Vị quan hầu tức thì cấp báo
Cho vua biết chu đáo mọi điều
Vua gọi Thái Tử vào triều
Bảo rằng : “ Thái Tử thân yêu ! Nghe này
Thiên luân báu hiện nay chuyển dịch
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 080
Rời vị trí, đang trịch lặn dần
Ta nghe lời của cổ nhân :
‘Khi thiên luân báu lặn dần chơi vơi
Chuyển Luân Vương hết thời thọ mạng’.
Ta thọ hưởng viên mãn sớm chiều
Dục lạc cõi trần đủ điều
Nay đã đến lúc cần nhiều lạc an
Hưởng ngũ dục Thiên đàng lạc cảnh
Thái Tử phải quán đảnh (1) trị vì
Thay ta cai trị mọi thì
Ta cạo râu tóc để đi vào ngàn (2)
Khoác ca-sa, ngai vàng giao phó
Sống độc cư, từ bỏ gia đình ”.
Sau đó vua đã tự mình
Xuất gia ẩn sĩ, tu hành cần chuyên
Xe báu trời tự nhiên biến mất
Sau bảy ngày vua đã xuất gia.
4. Thấy sự việc ấy xảy ra
Một vị quan đã tâu qua tỏ tường
Với Quán đảnh Tân vương, điều lạ :
“ Tâu Đại Vương ! Ngài đã biết chưa ?
Xe báu biến mất khi trưa
Hạ thần lập tức trình thưa để ngừa ”.
Sát-Đế-Lỵ vua vừa quán đảnh
Rất sầu muộn, cám cảnh chẳng an
_______________________________
(1) : Theo tập tục Ấn-Độ xưa , khi chính thức tuyên cáo địa vị kế thừa của Thái Tử để chuẩn bị lên ngôi Vua , hoàng tộc lấy nước 4 biền rưới lên đỉnh (đảnh) đầu Thái-tử., Do đó Thái-tử cũng được gọi là“Quán đỉnh vương tử ”. Điều đó có ý rằng sau này vị vương tử có thể thống trị toàn bộ lãnh thổ và nhân dân trong bốn biển .
(2) : Vào ngàn là vào rừng.
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 081
Vua liền thân hành đi sang
Đến nơi Ẩn-sĩ Phụ-hoàng tu an.
Vua thưa rằng : “ Phụ-hoàng có biết
Thiên luân báu nay thiệt mất rồi ! ”.
Cựu Hoàng ẩn-sĩ đang ngồi
Nghe Tân Vương nói, mở lời khuyên răn :
“ Này Tân Vương ! Chớ hằng sầu muộn
Chuyện thế gian tình huống đổi dời.
Huống chi xe báu cõi trời
Chẳng phải gia bảo truyền đời của riêng
Các Tiên Vương, tổ tiên để lại
Nên con phải cố gắng hành trì
Thánh Vương Chánh Pháp thực thi
Đem lại lợi lạc tức thì bốn phương.
Khi hành trì Thánh Vương Chánh Pháp
Vào ngày rằm, bố tát thực hành
Con phải trai giới tịnh thanh
Gội đầu, tắm rửa, phát sanh tâm lành
Lên lầu cao sẵn dành tu thiện
Thiên luân báu sẽ hiện rõ ràng
Căm xe đếm được cả ngàn
Vành, trục đầy đủ, sẵn sàng nghiêm oai ”.
5. – “ Thưa Phụ-hoàng ! Xin ngài giải đáp
Về Thánh Vương Chánh Pháp là sao ? ”
– “ Này Tân Vương ! Nương tựa vào,
Đảnh lễ, cung kính thâm sâu Pháp lành
Cúng dường Pháp chí thành, tôn trọng
Tự con sống kính Pháp làm Thầy
Trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ,
Là người bảo vệ an nguy dân lành,
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 082
Cho quân đội, các ngành quan lại,
Sát-Đế-Lỵ, cả thảy Bàn-môn
Bảo vệ Gia-chủ, Sa-môn
Cho dân thành thị, nông thôn mọi người
Cho cầm, thú nơi nơi sống dễ,
Người bảo vệ hợp pháp chúng sinh.
Chớ có làm chuyện bất minh
Những việc phi pháp tự mình tránh xa.
Trong quốc gia con đang cai trị
Hãy bố thí cho kẻ khốn cùng
Thi hành việc lợi ích chung
Để toàn quốc độ ung dung thái hòa.
Những Bàn-môn hay Sa-môn quý
Trong quốc độ cai trị của con
Từ bỏ, dục vọng không còn,
Sống không phóng dật, sắt son thực hành
Pháp nhẫn nhục an lành, từ ái
Nhiếp phục thảy, an chỉ tự mình
Giải thoát tự kỷ thật tình
Thỉnh thoảng sẽ đến triều đình hỏi con :
‘ Này Đại Vương ! Hãy còn những chuyện :
Thế nào thiện, bất thiện chẳng đồng ?
Thế nào có tội hay không ?
Thế nào thực hiện hay không thực hành ?
Hành động nào sẽ sanh bất lợi
Đem đau khổ đưa tới cho tôi ?
Hành động nào lợi ích thôi
Đem lại hạnh phúc cho tôi lâu ngày ? ’
Con hãy nghe trình bày của họ
Khuyên can họ bất thiện đừng làm
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 083
Khuyến khích điều thiện nên làm
Thánh Vương Chánh Pháp siêu phàm là đây ”.
Nghe lời dạy của ngài Ẩn sĩ
Quán đảnh Sát-Đế-Lỵ Tân vương
Vâng lời, trở lại triều đường
Thực hành Chánh Pháp Thánh Vương âm thầm
Vào bố tát ngày rằm, trai giới
Lên lầu cao, vua tới lễ đàn
Thì xe báu trời hiện sang
Đầy đủ vành, trục và ngàn căm xen
Thấy như vậy, vua bèn suy nghĩ :
“ Nghe nói Sát-Đế-Lỵ vua nào
Được Thiên-bảo-luân hiện vào
Thì vị vua ấy dự vào Thánh Vương
Chuyển Luân Vương cõi đời, sẽ được
Bảy thứ báu lần lượt có qua
Chuyển Luân Thánh Vương là ta
Vì xe trời báu hiện ra tức thời ”.
6. Rồi đức vua từ nơi bảo tọa
Đứng thong thả, vai đắp thượng y
Vua nói là : “ Hỡi này xe báu !
Hãy lăn khắp để dạo thế gian
Và hãy chinh phục hoàn toàn ! ”
Sau đó Vua đã ngự an xe trời
Bốn binh chủng đồng thời hộ giá
Đi theo sau, tất cả nghiêm trang.
Chỗ nào xe báu dừng ngang
Vua cùng binh, tướng các hàng trú an.
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 084
Ở phương Đông, Vua đang đối địch
Thấy Thánh Vương, cảm kích phục tùng
Đến yết kiến đấng Cửu Trùng
Thưa rằng : “ Hoan hỷ đón mừng Đại Vương !
Xin tùy thuộc Đại Vương định đoạt
Chúng hạ thần an lạc phục tùng.
Đại Vương hãy giáo huấn chung
Thần dân trong nước thảy cùng thực thi ”.
Chuyển Luân Vương đã vì lời thỉnh
Khuyên dạy rằng : “ Chân chính con đường
Đưa đến lợi ích vô lường
Là giữ ngũ giới tinh tường, nghiêm minh :
Không sát sinh, cũng đừng trộm cướp
Không nói láo, không được tà dâm,
Không được uống rượu, mê tâm,
Hãy nên ăn uống đúng tầm, thích nghi ”.
Rồi các vì địch vương tất cả
Ở phương Đông đều đã trở thành
Chuyển Luân Vương được uy danh càng nhiều.
7. Các Tỷ Kheo ! Một điều cơ xảo
Thiên-xa báu lặn xuống biển sâu
Từ phương Đông, rồi trồi đầu
Lên phương
Các địch vương nơi này cũng thế
Đều hoan hỷ dùng lễ đón mừng.
Cầu thỉnh Chuyển Luân Thánh Vương,
Ngũ giới Vương lại dạy đường lợi an.
Rồi xe báu thẳng đàng lặn xuống
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 085
Biển phương Nam, ý muốn qua Tây
Chiêu an rồi, từ phương Tây
Thiên-xa lặn xuống, qua ngay bên bờ
Về phương Bắc, giong cờ gióng trống
Bốn binh chủng hộ tống uy nghiêm
Phương Bắc, xe báu dừng liền
Chuyển Luân Vương đã trú yên tạm thời.
Các địch vương bấy thời nghe tiếng
Đến yết kiến Chuyển Luân Thánh Vương :
“ Hoan nghênh đón mừng Đại Vương
Xin ngài giáo huấn tinh tường chúng tôi ”.
Chuyển Luân Vương tức thời giáo giới :
“ Hỡi các vị ! Thiện lợi con đường
Đưa đến lợi ích vô lường
Là giữ ngũ giới tinh tường, nghiêm minh :
Không sát sinh, cũng đừng trộm cướp
Không nói láo, không được tà dâm,
Không được uống rượu, mê tâm,
Hãy nên ăn uống đúng tầm, thích nghi ”.
Phương Tây,
Rồi phương Bắc, đều đã trở thành
Chuyển Luân Vương được uy danh lẫy lừng.
Các Tỷ Kheo ! Không dừng đâu cả
Sau khi đã chinh phục, chiêu yên
Địa cầu cho đến hải biên,
Thiên-xa báu trở về liền kinh đô
Đi thẳng vô pháp đình tiền diện
Trước nội cung, vĩnh viễn trưng bày
Xe báu quốc bảo, quý thay !
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 086
Chói sáng cung điện đêm ngày sáng trưng.
8. Các Tỷ Kheo ! Sáu lần sau đó
Chuyển Luân Vương nhờ có Thiên xa
Lại đi thăm thú gần xa
Bốn phương tùng phục, âu ca thái hòa.
Nhiều ngàn năm trải qua thịnh trị
Vua cho gọi một vị cận thần
Dặn rằng : “ Khanh phải ân cần
Quan sát xe báu, nếu dần lặn đi
Rời vị trí mọi khi tại đấy
Thì khanh phải báo gấp cho ta ”.
Người này vâng lệnh, lui ra.
Nhiều ngàn năm nữa, Thiên xa chuyển dời
Lặn một ít và rời vị trí
Vị cận thần trực chỉ nội cung
Báo cho vua biết điều hung
Chuyển Luân Vương vẫn vô cùng ung dung
Bảo người đến Đông cung truyền chỉ
Cho mời vị Thái Tử đến nơi
Nói rằng : “ Xe báu chuyển dời
Theo lời Cổ đức : ‘Xe trời lặn đi
Chuyển Luân Vương đương thì sắp mất’.
Ta quả thật thọ hưởng quá nhiều
Dục lạc cõi trần đủ điều
Nay cầu an lạc sớm chiều cõi Thiên
Này Thái Tử ! Hãy liền tức-vị
Lên ngôi vua cai trị nước nhà
Ta sẽ cạo râu tóc ta
Xuất gia từ bỏ, ca-sa đắp vào ”.
Các Tỷ Kheo ! Tiếp sau, vua Thánh
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 087
Đặt Thái Tử quán đảnh nối ngôi.
Sau khi sắp đặt xong rồi
Vào rừng tu tập, sống đời độc cư.
Sau bảy ngày kể từ ngày ấy
Thiên luân báu không thấy nữa rồi.
9. Này các Tỷ Kheo ! Tức thời
Cận thần đến báo vua nơi triều đường :
“ Tâu Đại Vương ! Xe trời đã mất ”.
Vua nghe tin lòng rất muộn phiền,
Nhưng Tân vương có ý riêng
Nên không đến chỗ Cha hiền Cựu Vương
Để hỏi về Thánh Vương Chánh Pháp.
Tự cai trị để hạp ý riêng
Vì thế đất nước suy liền
Không còn hưng thịnh như Tiền Triều qua
Thời vua cha và thời ông nội
Cai trị bởi Chánh Pháp Thánh Vương.
Thế rồi các vị trung lương
Đại thần, cận vệ khẩn trương họp bàn
Tài chánh quan, Ngọ môn quản thủ
Cùng các vị bùa chú mưu sinh
Tụ họp, kéo đến triều đình
Tâu vua : “ Xin hãy anh minh xét tường :
Kể từ khi Đại Vương cai trị
Quốc gia này theo ý Đại Vương
Đất nước không được thịnh cường
Như thời của các Tiền vương trị vì
Luôn thực thi Thánh Vương Chánh Pháp.
Nay xin Ngài thu nạp lời ngay :
Hiện có nhiều vị tại đây
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 088
Thông hiểu Chánh Pháp trước đây thực hành
Là Thánh Vương tịnh thanh Chánh Pháp
Ngài hãy hỏi, họ đáp rõ ràng ”.
10. Đức vua bước xuống ngai vàng
Hỏi liền các vị hiện đang vào chầu
Các đại thần, quan hầu cận vệ,
Tài chánh quan, nghi lễ, thủ môn,
Các vị bùa chú sinh tồn
Vua nhìn các vị, hỏi dồn chủ trương
Cách cai trị Thánh Vương Chánh Pháp
Họ giải đáp tường tận pháp này.
Sau khi nghe họ trình bày
Vua cho cải cách, sửa ngay mọi điều.
Sự cai trị có nhiều hưng phấn
Sự hộ trì, ngăn chận, chở che
Nhưng trong cải cách, không hề
Nói đến bố thí, hướng về bần dân.
Sự nghèo đói lan dần trong nước
Vì đói nghèo không được giúp chi
Trộm cắp xuất hiện tứ vi.
Một người lấy những vật phi pháp hoài
Của người ngoài, không cho mà lấy
Gọi người ấy ăn trộm, tham gian.
Người ấy bị bắt quả tang
Trói dẫn đến trước trào đàng của vua
Quan quân thưa : “ Người này trộm đạo
Tính gian xảo, lấy của không cho ”.
Vua Quán đảnh liền hỏi to :
– “ Có phải ngươi đã giở trò bất lương
Ăn trộm của người thường giữ nó ? ”
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 089
– “ Tâu Đại Vương ! Thật có điều này
Nhưng do gia cảnh con đây
Không có gì sống, đói ngày đói đêm ”.
Vua nghe vậy truyền đem tiền bạc
Để ban phát cứu tế người này
Dạy rằng : “ Kể từ hôm nay
Ngươi phải sử dụng tiền này, chia ra
Nuôi mẹ cha, vợ con, thù tiếp
Tạo nghề nghiệp, cuộc sống thiện lương
Và phải thực hiện cúng dường
Sa-môn các vị giới thường tịnh thanh
Nhờ công đức thiện lành tối thượng
Sướng hiện tại, chết hướng Thiên cung ”.
Người ăn trộm rất vui mừng
Xin vâng lời dạy Cửu Trùng khuyên răn.
11. Các Tỷ Kheo ! Người dân vẫn khổ
Nên nhiều người lại đổ tính gian
Trộm cắp xảy ra lan tràn
Quan quân bắt đến nhiều lần tội nhân
Đưa đến vua để phân xử tội.
Vua lại hỏi : “ Tại sao như vầy ? ”.
Tội nhân đều đáp : “ Tâu Ngài !
Chúng con quá khổ, đói ngày đói đêm ”.
Vua lại truyền quan đem tiền bạc
Để ban phát cứu tế những người
Nghèo đói, trộm cắp nhất thời
Vua lại dạy bảo những lời thiện nhân
Như đã dạy tội nhân trước đó.
Nhưng lại có nhiều kẻ đói nghèo
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 090
Nghe vua cho tiền bạc nhiều
Những người trộm cắp, nên liền nghĩ ra :
‘Tại sao ta lại không trộm cắp
Để được vua chu cấp bạc tiền ?’
Nên nạn trộm cắp liên miên
Quan quân lại phải nhọc phiền ra tay
Bắt giải đến vua ngay, để xử
Vua hỏi đến, họ cứ tâu trình
Do sự nghèo đói gia đình
Nên họ phải trộm, mưu sinh cả nhà.
Sát-Đế-Lỵ vương gia Quán đảnh
Suy nghĩ rằng những cảnh thế này
Xảy ra liên tiếp đêm ngày
Nếu dùng tiền bạc như vầy cấp ban
Thì trộm cắp sẽ càng tăng trưởng
Phải có hướng ngăn chận tối đa.
Nghĩ rồi, vua ban lệnh ra
Truyền quan quân : “ Các khanh gia thi hành :
Hãy lấy giây trói nhanh thật chắc
Hai tay hắn trói quặt ra sau
Thắt gút cho thật chắc vào
Cạo đầu, dắt hắn đi rao khắp miền
Đánh trống chiêng trợ oai rầm rộ
Dắt đi qua mọi chỗ trong thành
Cuối cùng hướng đến cửa
Hành phạt thích đáng phải kham luật hình
Rồi hành hình, chém. đầu răn chúng ”.
Đám quan quân làm đúng lệnh truyền.
13. Này các Tỷ Kheo ! Tuy nhiên
Nhiều người nghe chuyện vừa liền xảy ra
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 091
Với tội trộm, vua đà nghiêm khắc
Án xử tử, truyền chặt đầu ngay.
Nghe như vậy, những người này
Nghĩ rằng : ‘Ta phải nhanh tay làm liền
Rèn đao kiếm cho chuyên, thật bén
Làm vũ khí để chẹn khách thương
Gia chủ hay người đi đường
Cướp lấy tài sản chẳng nương ai nào
Nếu kẻ ấy la gào chống cự
Ta sẽ xử bằng cách chém. đầu’.
Thế rồi sau đó chẳng lâu
Rất nhiều đám cướp ào ào nổi nhanh
Họ cướp làng, cướp thành, cướp chợ
Cướp thôn xóm, cướp phố, cướp đường
Hoành hành vô pháp, nhiễu nhương
Sẵn sàng chém chết ai đương cự liền.
14. Các Tỷ Kheo ! Của tiền bố thí
Không được Vua cai trị thi hành
Nghèo đói đã tăng thịnh nhanh
Càng nghèo, trộm cướp hoành hành khắp nơi.
Do cướp bóc, thịnh thời đao kiếm
Thịnh đao kiếm, tăng thịnh sát sanh
Rồi vì chém giết tranh dành
Nói láo tăng thịnh, việc lành giảm đi.
Giảm tuổi thọ, giảm suy sắc đẹp
Loài hữu tình khuôn phép bỏ lơ
Tuổi thọ loài người bấy giờ
Là tám vạn tuổi ban sơ hạn kỳ.
Nhưng con họ giảm đi một nửa
Bốn vạn năm sống giữa cuộc đời.
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 092
Này các Tỷ Kheo ! Thế rồi
Đến khi bốn vạn tuổi trời người ta
Vẫn có người tham mà trộm cắp
Bị bắt gặp, giải đến Vua ngay
Vua Quán đảnh hỏi người này :
– “ Có phải ngươi trộm của này phải không ? ”
Người ấy sợ cùm gông, sợ chết
Nên nói láo, thêu dệt trơ trơ :
– “ Tâu Đại Vương ! Xin đừng ngờ,
Thần không trộm cắp bao giờ của ai ”.
15. Các Tỷ Kheo ! Lầm sai cai trị
Không bao giờ bố thí bần dân
Nghèo đói tăng thịnh dần dần
Nghèo tăng, trộm cắp lần lần tăng mau
Trộm cướp nhiều, kiếm đao tăng thịnh
Vũ khí thịnh, tăng thịnh sát sinh
Chém giết loạn, nói láo sinh
Nói láo tăng thịnh, việc lành giảm đi.
Giảm tuổi thọ, giảm suy sắc đẹp
Loài hữu tình khuôn phép bỏ lơ
Tuổi thọ loài người bấy giờ
Là bốn vạn tuổi ban sơ hạn kỳ.
Nhưng con họ giảm đi một nửa
Hai vạn năm là lứa tuổi đời.
16. Thế rồi cuộc diện đổi dời
Con người tăng thịnh những lời vọng ngôn
Lời nói ra chỉ còn đâm thọc
Nhằm nói xấu, lừa lọc mọi người
Chỉ còn một vạn tuổi đời,
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 093
Lúc ấy có một số người đẹp xinh
Còn một số hữu tình không đẹp
Những chúng sanh không đẹp này thời
Tham đắm sắc đẹp vợ người
Tìm cách chinh phục để rồi thông dâm.
Do tà hạnh dần dần tăng thịnh
Tuổi thọ chính còn nửa vạn thôi !
Đến khi tuổi thọ loài người
Năm nghìn năm chẵn, thì đời loạn hơn
Rồi hai pháp có cơn tăng bạo
Là ác khẩu & phù phiếm lời gian
Do tăng thịnh lời trái oan
Một số thọ được hai ngàn năm trăm
Một số, hai ngàn năm tuổi thọ.
Tiếp sau đó, sân hận, tham lam
Cùng nhau tăng thịnh lan tràn
Do tham sân quá, tuổi càng giảm đi
Tuổi thọ người giảm suy một nửa
Một ngàn năm sống giữa cuộc đời.
Sau đó, tà kiến tăng vời
Năm trăm năm thọ, tuổi đời giảm đi.
Các Tỷ Kheo ! Đến khi tuổi thọ
Năm trăm năm, thì có xảy ra
Ba pháp tăng thịnh trải qua
Là ‘phi pháp dục’ và ‘tà kiến’ tăng
‘ Phi lý tham’ cũng hằng tăng mãi
Tuổi một số còn lại hai trăm
Hoặc hai trăm năm mươi năm.
Về sau những việc ác dần thịnh tăng :
Với cha mẹ, con hằng bất hiếu
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 094
Hoặc là thiếu kính lễ Sa-môn,
Cùng các vị Bà-la-môn,
Các vị Gia trưởng, trưởng tôn gia đình.
18. Các Tỷ Kheo ! Sự tình như vậy
Chỉ vì vua không thấy ngọn ngành
Thánh Vương Chánh Pháp không hành
Đã không bố thí sẵn dành bần dân
Nên nghèo đói dần dần tăng thịnh
Rồi tăng thịnh trộm cướp, kiếm đao
Sát sanh, nói láo tăng mau
Đâm thọc, tà hạnh càng cao tột vời
Rồi ác khẩu, nói lời phù phiếm
Tính tham sân, ác hiểm tăng nhiều
Tà kiến tăng thịnh đủ điều
‘Phi pháp dục’ thịnh, sớm chiều mọi nơi.
‘Phi lý tham’ đồng thời ‘tà kiến’
Bất thiện pháp phát triển cả ba.
Từ ba điều ấy, xảy ra :
Thiếu sự hiếu kính mẹ cha sinh tồn
Thiếu kính lễ Sa-môn, Phạm-chí
Không kính trọng những vị đáng tôn
Pháp ác tăng trưởng dập dồn
Tuổi thọ giảm thiểu, chỉ còn một trăm.
* * *
19. Các Tỷ Kheo ! Do tâm hung ác
Bất thiện pháp càng lúc cao vời
Đến khi tuổi thọ loài người
Chỉ có Mười tuổi, cuộc đời ngắn ghê !
Những con gái cập kê năm tuổi
Sẽ lấy chồng, thui thủi sinh con.
Các loại này sẽ không còn :
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 095
Tô, lạc, đường, muối ; không còn dầu ăn
Các loại này dần dần mất hút
Món ăn chính : hột Kút-Ru-Sa (1)
Giống như hiện nay người ta
Cháo thịt bổ dưỡng chính là thức ăn.
Kút-Ru-Sa, món ăn tối thượng
Thời tuổi thọ hạn lượng mười năm.
Lúc ấy thiện hạnh mất tăm
Mười bất thiện hạnh lại tăng ngút ngàn
Thời này chẳng ai màng làm thiện
Ngay chữ ‘thiện’ chẳng biết nghĩa gì !
Những ai bất hiếu, vô nghì
Vô lễ trưởng thượng, chẳng vì, kính tôn
Thiếu kính lễ Sa-môn, Phạm-chí
Bậc Gia trưởng cũng bị khinh khi
Nhưng thời đó, những người ni
Lại được kính ngưỡng, nể vì, tán dương.
20. Các Tỷ Kheo ! Tuổi thường nhân loại
Vào thời đại mười tuổi thọ thôi
Loài người tư cách rất tồi
Không có phân biệt, kết đôi đến thì
Không kể chi mẹ, dì, cô, thím
Tha hồ mà cưỡng chiếm, thông dâm
Giống như các loại thú, cầm.
Hại tâm mãnh liệt, sân tâm lẫy lừng
Ác ý và sát tâm mãnh liệt
Không phân biệt quyến thuộc, mẹ cha
Dễ dàng giết hại chẳng tha
_______________________________
(1) : Hạt Kudrusa .
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 096
Khi sân tâm khởi, ác tà dấy lên.
Như một tên thợ săn hung ác
Thích tàn sát loài thú, dửng dưng
Hại tâm, sân tâm lẫy lừng
Ác ý mãnh liệt, vô chừng sát tâm.
Loài hữu tình ác tâm cũng thế
Họ rất dễ hại nhau, giết nhau.
Các Tỷ Kheo ! Thật khổ sầu !
Chỉ mười tuổi thọ không sao lâu bền.
‘ Đao trượng kiếp’ khởi lên nhanh chóng
Trong bảy ngày dấy động ác tâm
Sẵn đao kiếm bén đang cầm
Tàn hại tánh mạng, cứ đâm chém hoài.
Các Tỷ Kheo ! Một vài nhóm nọ
Là hữu tình, bỗng có nghĩ suy :
“ Ta chớ giết ai làm chi
Cũng mong không có ai vì giết ta
Chúng ta hãy đi xa, từ bỏ
Vào rừng cỏ, hốc núi, rừng sâu
Sông ngòi hiểm hóc trú vào
Hay các hang động từ lâu không người
Sống với rễ, trái tươi, củ, hạt
Để xa lánh sát phạt, giết nhau ”.
Thế rồi họ vào rừng sâu
Bảy ngày ở ẩn, nhờ vào thức ăn
Từ thực vật vẫn hằng có sẵn
Sau bảy ngày, cẩn thận lần ra
Từ khắp các nơi sống qua
Gặp lại người khác, dù là người dưng
Họ vui mừng ôm nhau khoan khoái
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 097
“ Sung sướng thay, gặp lại bạn đây !
Chúng ta còn sống hiện nay
Do nhân xa lánh nghiệp dày sát sanh.
Vì chúng ta tạo nhân bất thiện
Nên thân quyến bị giết hại nhiều
Vậy chúng ta phải sớm chiều
Làm những điều thiện để chiêu ân lành.
Những điều lành thế nào đây nhỉ ?
* Chúng ta phải đình chỉ sát sanh
Đây là điều thiện sẵn dành ”.
Từ đó họ chẳng sát sanh bao giờ.
Rồi chính nhờ họ hành thiện pháp
Tuổi thọ các người đó tăng dần.
Tuổi thọ sắc đẹp càng tăng
Đến con của họ tuổi hằng hai mươi.
22. Các Tỷ Kheo ! Mọi người lúc đó
Thấy tuổi thọ tăng thịnh, nghĩ rằng :
‘Ta hành thiện pháp làm nhân
Nên tăng tuổi thọ, lại dần đẹp ra.
Vậy chúng ta làm nhiều điều thiện
Phải thực hiện giữ giới thành tâm :
Không trộm cắp, không tà dâm,
Cũng không nói láo, nói lầm, nói chơi,
Không ác khẩu, không lời hai lưỡi,
Cả trên dưới từ bỏ tham, sân
Từ bỏ tà kiến bất nhân,
Từ bỏ ba pháp rất cần diệt đi :
‘Phi lý tham’ lẫn ‘phi pháp dục’
Và ‘tà kiến’ cùng lúc tránh xa.
Ta phải hiếu kính mẹ cha
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 098
Kính lễ Phạm-chí cùng là Sa-môn
Kính các vị trưởng tôn, gia trưởng ,
Phải nuôi dưỡng thiện pháp, thực hành’.
Do sự thực hiện pháp lành
Tuổi thọ của họ tăng nhanh cõi trần,
Từ hai mươi, tăng dần an hảo
Bốn & tám mươi & trăm sáu mươi năm
Rồi ba trăm hai mươi năm
Gấp đôi số tuổi lúc nhằm đời con.
Rồi vẫn còn, tăng hai ngàn tuổi
Con họ, bốn ngàn tuổi thọ đời
Tám ngàn, hai vạn tuổi… rồi
Bốn vạn, tám vạn tuổi trời trải qua.
23. Các Tỷ Kheo ! Khi mà tuổi thọ
Của loài người lúc đó vô bờ
Các cô con gái bấy giờ
Đến khi trăm tuổi, thời cơ lấy chồng.
Ba chứng bệnh khởi đồng một lúc
Là tham ăn, lòng dục, già suy.
Các Tỷ Kheo ! Lúc ấy thì
Diêm-Phù-Đề - Chăm-Bu-Đi-Pa này
Là cõi nước tại đây họ sống
Rất hùng mạnh, đáng trọng, phồn vinh
Làng mạc, tỉnh thành, đế kinh
Mọc lên như nấm, an bình sát nhau,
Đến nỗi gà sáng nào cũng gáy
Gáy bên này, bên đấy cũng nghe.
Các Tỷ Kheo ! Lại nói về
Bấy giờ cõi Diêm-Phù-Đề thịnh hưng
Người đông đúc như rừng lau sậy
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 099
Giống như thấy ở A-Vi-Chi (1)
Tức là địa ngục A-Tỳ
( Tội nhân số lượng ấy thì tối đa )
Thành Ba-Ra-Na-Si (2) lúc ấy
Tên được lấy : Kê-Tú-Ma-Ti (3)
Là đô thành, chốn kinh kỳ
Dân cư đông đảo, thêm quy tụ về
Người dân sống mọi bề sung sướng
Thức ăn uống đầy đủ, ngon lành
Tuổi thọ tám vạn sẵn dành
Chăm-Bu-Đi-Pá an lành, phong quang,
Có tám vạn bốn ngàn thành phố
Chỉ một chỗ tối thượng kinh kỳ
Chính là Kê-Tú-Ma-Ti
Là nơi hùng mạnh, dân thì giàu sang.
24. Các Tỷ Kheo ! Lúc đang tuổi thọ
Loài người có tám vạn tuổi, thì
Kinh đô Kê-Tú-Ma-Ti
Có vị Thánh Chúa trị vì đảm đương
Là Chuyển Luân Thánh Vương Sanh-Khá (4)
Bậc Pháp Vương Tôn giả cõi trẩn
Chỉ lấy Chánh Pháp trị dân
Cai trị đất nước, lòng nhân sáng ngời
Đã chinh phục bốn nơi thiên hạ
Các quốc độ đều đã phục tùng
Đầy đủ bảy món báu dùng
Xe báu, voi & ngựa báu cùng bảo châu,
Gia chủ báu, tiếp sau nữ báu
_______________________________
(1) : Avici (A-Tỳ địa ngục) . (2) : Baranasi (Thành Ba-La-Nại ).
(3) : Ketumati . (4) : Sankha .
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 100
Tướng quân báu. Thất bảo nói chung.
Một ngàn hoàng tử anh hùng
Dũng mãnh nhiếp phục bao vùng biên cương
Khiến ngoại địch phú cường thần phục
Vua cai trị hòa mục, dân yên
Đất nước đến tận hải biên
Chỉ dùng Chánh Pháp phổ tuyên khắp cùng.
Vua trị nước không dùng trượng kiếm
( Không vũ lực xâm chiếm xứ người ).
25. Các Tỷ Kheo ! Khi cõi đời
Loài người tám vạn tuổi trời thời đây
Mết-Tây-Giá (1) – Ngài này thành Phật
Tức Thế Tôn Di-Lặc vị lai
Cũng giống Như Lai hiện nay
Thành đạt đạo quả quý thay, nhiệm mầu
Mười tôn hiệu (2) cao sâu diệu ngữ :
Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu,
Phật, Thế Tôn, Thiên Nhân Sư,
Chánh Đẳng Chánh Giác đại từ uy linh
Vô Thượng Sĩ hay Minh Hạnh Túc
Bậc Thiện Thệ, Ứng Cúng, Như Lai
Do sự chứng ngộ tự Ngài
So với Thiên giới, Ma loài, Phạm Thiên,
Với các chúng chư Thiên, Nhân loại
_______________________________
(1) : Metteỳa - Từ Thị Di Lặc .
(2) : Mười danh hiệu người đời xưng tụng Đức Phật : Araham (Ứng Cúng), Sammàsambuddho (Chánh Biến Tri hay Chánh Đẳng Chánh Giác) , Vijjàcaranasampanno (Minh Hạnh Túc) , Sugato (Thiện Thệ), Lokavidù (Thế Gian Giải), Anuttaro (Vô Thượng Sĩ), Purisadammasàrathi (Điều Ngự Trượng Phu), Satthàdevamanus-sànam (Thiên Nhân Sư), Buddho (Phật-Đà), Bhagavà (Thế Tôn) .
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 101
Bà-la-môn với lại Sa-môn
Hiển thị mọi loài, tuyên ngôn
Rồi lại tuyên thuyết Pháp môn nhiệm mầu
Thuyết Sơ Thiện, rồi sau Trung Thiện
Thuyết Hậu Thiện, văn nghĩa đủ đầy
Trình bày Phạm hạnh từ đây
Pháp thân thanh tịnh, bậc Thầy Nhân Thiên.
Như Ta nay hoằng tuyên Pháp Thánh
Chúng Tỷ Kheo bên cạnh vài trăm,
Mết-Tây-Giá Phật Từ tâm
Vài ngàn Phích-Khú (1) thâm trầm đoanh vây.
26. Các Tỷ Kheo ! Đủ đầy vương giả
Chuyển Luân Vương Sanh-Khá dựng ra
Cung điện lộng lẫy như là
Vua Ma-Ha Bá-Na-Đà ngày xưa ( Mahà Banada )
Người đã đưa kiểu xây cung điện.
Vua Sanh-Khá thực hiện xây xong
Ngự tại cung điện vừa lòng.
Sau khi đã sống trong vòng xa hoa
Vua có ý xuất gia hành đạo
Khoác ca-sa, tự cạo tóc râu
Lìa quyến thuộc, vào rừng sâu
Tu hành nghiêm cẩn, dựa vào Thế Tôn
Mết-Tây-Giá Thế Tôn – Di-Lặc
Sau khi đã sắp đặt vuông tròn
Dâng cúng cung điện vàng son
Cho các Phạm-chí, Sa-môn một phần,
Hàng bần cùng, vô thân tứ cố
_______________________________
(1) : Bhikkhu : được phiên âm là Tỳ-Khưu hay Tỷ-Kheo ,
có nghĩa là vị Khất-sĩ , dùng pháp chế khất thực để sống.
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 102
Vô gia cư, lỡ độ xin ăn
Có nơi trú ngụ nương thân
Vua nay xuất thế chẳng cần làm chi.
Vua một lòng xin y-chỉ với
Bậc hạnh giới Di Lặc Thế Tôn
Tu hành cao khiết tịnh môn
Tinh tấn thiền định, không sờn thâm lâm.
Sống một mình chuyên tâm trì chú
Không phóng dật, an trú thiền tâm
Độc cư rừng vắng âm thầm
Không bao lâu đã chứng tầm pháp siêu
Đạt mục tiêu tối cao bậc Thánh
Người xuất gia chân chánh mong cầu
Vô thượng Phạm-hạnh cao sâu
Tự mình chứng ngộ pháp mầu minh quang
Với thắng trí, trú an, chứng đạt
Tâm của ngài an lạc, sáng trong.
* * *
27. Người tu hành phải bền lòng
Luôn luôn tinh tấn trong vòng tử sinh
Các Tỷ Kheo ! Tự mình thắp đuốc
Chính mình, không phụ thuộc vào ai
Không cần nương tựa một ai
Nương vào Chánh Pháp, làm đài hải đăng.
Chánh Pháp là nơi hằng nương tựa
Không nương tựa bất cứ thứ gì !
Tự mình nương mình là chi ?
Tự mình thắp đuốc, là gì ý đây ?
Các Tỷ Kheo ! Đêm ngày quán chiếu
Vị Tỷ Kheo thông hiểu, hành thâm :
Sống ‘Quán thân trên tự thân’,
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 103
Tỉnh giác, chánh niệm, tinh cần, nhiệt tâm
Để có thể diệt sân tham đó.
Sống ‘Quán thọ trên các thọ’ này,
‘ Quán tâm trên các tâm’ ngay,
‘Quán pháp trên các pháp’ đây, suy tầm
Cũng tỉnh giác, nhiệt tâm, chánh niệm
Để tự kiểm, trừ diệt tham sân.
Này các Tỷ Kheo chánh chân !
Tự mình là ngọn đèn trân quý hoài.
Tứ Niệm Xứ quán ngay như vậy
Là tự lấy Chánh Pháp làm đèn
Nương tựa Chánh Pháp bao phen
Không hề nao núng, vẫn bền lòng tin.
Các Tỷ Kheo ! Tự mình đi lại
Trong giới hạn truyền lại từ xưa
Do các Tổ phụ truyền thừa
Giới hạn được phép, hợp vừa xưa nay.
Nếu điều này các con thực hiện
Thì sẽ khiến tuổi thọ thịnh tăng
Sắc đẹp cũng sẽ tăng dần
Tài sản, thế lực mọi phần tăng cao.
Các Tỷ Kheo ! Thế nào tăng thịnh
Về sắc đẹp hay chính tuổi đời ?
Tỷ Kheo tu tập mọi thời
Với Tứ Thần Túc, chẳng lơi chuyên cần
* Dục Thần Túc tinh cần thiền định,
* Hành thiền định ‘Tinh Tấn’ đủ đầy
* ‘Tâm thần túc’ thiền định này
(Tư Duy thần túc, tên đây cũng đồng )
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 104
* Rồi cố gắng hành thiền ‘Trạch Pháp’.
Tứ Thần Túc (1) đúng pháp chuyên tu
Nếu muốn tuổi thọ thiên thu
Kéo dài một kiếp hay dù kiếp đây.
Ta khẳng định điều này sẽ có
Và như vậy, tuổi thọ sẽ tăng.
Thế nào sắc đẹp được tăng ?
Ở đây vị Tỷ Kheo hằng nghiêm uy
Vâng giới bổn Ba-Tì-Mốc-Khá (2)
Trọng giới luật hơn cả mạng mình
Chế ngự thân ý nghiêm minh
Oai nghi chánh hạnh giữ gìn không ngưng.
Thấy nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ
Và lãnh thọ giới pháp để tu
Như vậy, Tỷ Kheo ôn nhu
Sẽ có sắc đẹp trượng phu tăng nhiều.
Các Tỷ Kheo ! Còn điều tăng thịnh
Sự ‘An Lạc’ của chính vị này ?
Vị Tỷ Kheo ấy, ở đây
* Ly dục, ly ác pháp rày, tịnh yên
Chứng và trú vào Thiền thứ nhất
_______________________________
(1) : Tứ Thần Túc ( Cattaro iddhipàdà ) còn gọi là Tứ Như Ý Túc
( 4 trong 37 Phẩm Trợ Bồ-Đề – Bodhipakkhiya dhamma ) gồm :
Dục thần túc ( Chandiddhipàdo) ,Tinh Tấn thần túc ( Viriyiddhi-
pàdo ), Tâm (Tư Duy) thần túc ( Cittiddhipàdo) và Trạch Pháp
(trạch quán) thần túc ( Vimansid dhipàdo ) .
(2) : Tứ Thanh Tịnh Giới của vị Tỷ Kheo chân chánh :
- Patimokkhasamvarasìla : Biệt biệt Giải thoát Thu thúc giới .
- Indriyasamvarasìla : Giới luật liên quan đến thu thúc lục căn .
- Àjìvapàvisuddhisìla :Giới luật liên quan đến đời sống trong sạch.
- Paccayasannissitasìla : Giới luật liên quan đến việc sử dụng ‘Tứ
vật dụng’: Vật thực , Y phục , Chỗ Ở và Thuốc ngừa bệnh .
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 105
Một trạng thái hỷ lạc tự tâm
Do ly dục với Tứ, Tầm.
* Diệt tầm, diệt tứ, hành thâm định thiền
Chứng và trú vào Thiền đệ nhị
Tâm an chỉ, không tứ, không tầm
Định sanh, nội tỉnh nhất tâm.
* Tiếp theo, vị ấy âm thầm cần chuyên
Luôn chánh niệm đi liền tỉnh giác
Thân cảm nhận sự lạc thọ liền
Ly hỷ trú xả trước tiên
‘Xả niệm lạc trú’, Thánh hiền gọi tên
Đệ tam Thiền, chứng và an trú.
* Vị Tỷ Kheo lại tự cần chuyên
Xả lạc, xả khổ – vô phiền
Diệt hỷ ưu cảm thọ – liền trước đây,
Chứng, trú đây Tứ Thiền tức khắc
Không khổ, lạc, xả niệm tịnh thanh.
Này các Tỷ Kheo ! Thiện lành
Vị ấy ‘an lạc’ đạt thành, tăng cao.
Vị Tỷ Kheo thế nào tăng thịnh
Về ‘tài sản’ của chính vị này ?
Này các Tỷ Kheo ! Ở đây
Vị ấy an trú đủ đầy một phương
Và biến mãn ; tâm thường câu hữu
Với Hỷ, Xả ; câu hữu Từ, Bi
Phương hai, ba, tư đồng thì
Cũng đều câu hữu Hỷ, Bi, Xả, Từ
Cả thế giới, khắp từ trên, dưới
Khắp phương xứ cùng với bề ngang
Khắp vô biên giới, trú an
Trường Bộ -(Tập 3) K. 26 : CHUYỂN L. T. VƯƠNG * MLH – 106
Biến mãn, câu hữu hoàn toàn tứ vi.
Tứ vô lượng : Từ, Bi, Hỷ, Xả
Rộng vô biên, không cả hận, sân.
Như vậy Tỷ Kheo chánh chân
‘Tài sản’ tăng thịnh nguyên nhân như vầy.
Các Tỷ Kheo ! Ở đây được thấy
Tỷ Kheo ấy ‘thế lực’ thịnh tăng
Diệt tận lậu hoặc các phần
Tự mình biết, chứng đạt dần, trú an
Hiện tại này với Tâm giải thoát
Tuệ giải thoát, lậu hoặc không còn
Như vậy Tỷ Kheo đáng tôn
‘Thế lực’ tăng thịnh vuông tròn công phu.
Các Tỷ Kheo ! Đường tu thử thách
Ta quán sát rành mạch, thấy là
Uy lực Ma Vương – Ác Ma
Thật khó nhiếp phục, khó mà dẹp yên
Nhờ chấp nhận, hành chuyên thiện pháp
Mà công đức lợi lạc tăng cao ”.
Thế Tôn thuyết giảng cao sâu
Chư Tăng tín thọ Pháp mầu , hân hoan ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh 26 : CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG
SƯ TỬ HỐNG – Cakkavatti Sìhanàda-sutta )